Các bài giảng của Đức Phanxicô tại Hàn Quốc

Đăng lúc: Chủ nhật - 17/08/2014 16:55 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Các bài giảng của Đức Phanxicô tại Hàn Quốc
 
Đức Phanxicô nói với TT Đại Hàn:
Đức Phanxicô: bài giảng cho giới trẻ Đại Hàn và Á Châu
 
Đức Phanxicô nói với TT Đại Hàn:
Mưu cầu hòa bình là thách thức đối với mỗi chúng ta

 
 
Tại Nhà Xanh, tức dinh tổng thống Đại Hàn, Đức Phanxicô đã đọc bài diễn văn sau đây bằng tiếng Anh lần đầu tiên, ngôn ngữ mà ngài bảo ngài rất ớn nói, nhưng nay ngài đã vượt thắng cái ớn này và nói rất lưu loát mặc dù "nặng giọng" Á Căn Đình:
 
Kính Thưa Bà Tổng Thống
Quí Nhà Cầm Quyền Chính Phủ và Dân Chính
Quí Thành Viên Ngoại Giao Đoàn
Quí bạn,
 
Thật là một niềm vui lớn cho tôi được tới Đại Hàn, đất nước của yên hàn buổi sáng, và được cảm nghiệm không những vẻ đẹp tự nhiên của xứ sở này, mà trên hết còn là vẻ đẹp của nhân dân và lịch sử cùng nền văn hóa phong phú của nó nữa. Di sản quốc gia này đã được thử nghiệm trong nhiều năm bạo động, bách hại và chiến tranh. Nhưng bất kể các thử thách đó, cái nóng ban ngày và bóng tối ban đêm luôn phải nhường bước cho cảnh yên hàn buổi sáng, tức, niềm hy vọng không hề suy giảm vào công lý, hòa bình và thống nhất. Đẹp thay hồng phúc hy vọng! Chúng ta không thể nản lòng trong việc theo đuổi những mục đích này, vốn tốt đẹp không những cho dân tộc Đại Hàn, mà còn cho toàn vùng và toàn thế giới nữa.
 
Tôi muốn cám ơn Tổng Thống Park Geun-hye về sự chào đón nồng ấm của bà. Tôi chào kính bà và quí thành viên chính phủ. Tôi cũng xin cám ơn các thành viên ngoại giao đoàn, các nhà cấm quyền dân sự và quân sự, và tất cả những người hiện diện từng có nhiều cố gắng giúp chuẩn bị cho cuộc viếng thăm của tôi. Tôi đặc biệt ghi ơn lòng hiếu khách của quí vị, một tấm lòng khiến tôi lập tức thấy mình như ở trong nhà với quí vị.
 
Cuộc thăm viếng Đại Hàn của tôi là nhờ có Ngày Giới Trẻ Á Châu Lần Thứ Sáu, ngày hội tụ người trẻ Công Giáo từ khắp lục địa bao la này để hân hoan cử hành đức tin chung của họ. Trong diễn trình cuộc thăm viếng này, tôi cũng sẽ phong chân phúc cho một số người Đại Hàn từng chết vì đức tin Kitô Giáo, tức Paul Yun Ji-chung và 123 đồng bạn. Hai việc cử hành này bổ túc lẫn cho nhau. Nền văn hóa Đại Hàn hiểu rõ phẩm giá và sự khôn ngoan cố hữu của các bậc cha ông và vinh danh chỗ đứng của họ trong xã hội. Người Công Giáo chúng tôi tôn kính các bậc chaông tuẫn tử vì đức tin vì họ sẵn sàng hy sinh mạng sống của họ cho sự thật, một sự thật họ đã tiến tới chỗ tin và tìm cách sống cuộc sống của họ theo đó. Họ dạy chúng tôi phải sống trọn vẹn ra sao cho Thiên Chúa và cho lợi ích của nhau.
 
Một dân tộc khôn ngoan và vĩ đại không chỉ trân quí các truyền thống tổ tiên của mình; mà còn quí yêu cả người trẻ của mình nữa, tìm cách truyền lại di sản của quá khứ và áp dụng di sản này vào các thách đố của hiện tại. Bất cứ khi nào người trẻ tụ hội lại với nhau, như dịp hiện nay chẳng hạn, thì đó là dịp may quí báu để tất cả chúng ta lắng nghe các hy vọng và quan tâm của họ. Chúng ta cũng bị thách thức phải suy nghĩ cách làm sao để truyền các giá trị của chúng ta lại cho thế hệ sắp tới, và suy nghĩ xem chúng ta đang chuẩn bị loại thế giới và loại xã hội nào để chuyển giao lại cho họ. Trong ngữ cảnh này, tôi nghĩ điều đặc biệt quan trọng đối với chúng ta là suy nghĩ về nhu cầu đem lại cho người trẻ hồng phúc hòa bình.
 
Lời kêu gọi này càng có vang dội hơn nữa ngay tại đây, tại Đại Hàn này, mảnh đất từng chịu đau khổ lâu dài vì thiếu hòa bình. Tôi chỉ có thể nói lên lòng trân trọng của tôi đối với các cố gắng đang được đưa ra nhằm hòa giải và ổn định Bán Đảo Triều Tiên, và khuyến khích các cố gắng này, vì chúng là con đường chắc chắn duy nhất tiến tới hòa bình lâu dài. Việc tìm kiếm hòa bình của Đại Hàn là một chính nghĩa gần gũi với trái tim chúng ta, vì nó ảnh hưởng tới sự ổn định của toàn khu vực và thực sự của toàn thế giới đang mỏi mệt vì chiến tranh của chúng ta.
 
Việc tìm kiếm hòa bình cũng nói lên một thách thức cho mỗi người chúng ta, và đặc biệt, cho những người trong quí vị luôn tận tụy theo đuổi ích chung của gia đình nhân loại qua công việc ngoại giao đầy nhẫn nại. Hạ bức màn bất tín và hận thù xuống bằng cách cổ vũ nền văn hóa hoà giải và liên đới quả là thách đố trường cửu. Vì ngoại giao, vốn là nghệ thuật của khả thể, đặt căn bản trên xác tín vững chắc và kiên trì rằng chúng ta có thể đạt được hòa bình nhờ biết âm thầm lắng nghe và đối thoại, hơn là nhờ qui tội lẫn nhau, chỉ trích vô ích và diệu võ dương oai.
 
Hòa bình không đơn giản chỉ là không có chiến tranh, mà là “công trình của công lý” (xem Is 32:17). Mà, như một nhân đức, công lý đòi thứ kỷ luật biết nhẫn nhịn; nó đòi chúng ta phải quên các bất công quá khứ và phải khắc phục chúng bằng tha thứ, khoan dung và hợp tác. Nó đòi thiện ý biết biện phân và đạt tới các mục đích có lợi hỗ tương, xây đắp nền tảng cho việc tôn trọng, hiểu biết và hoà giải hỗ tương. Cầu chúc tất cả chúng ta giành hết các ngày này cho hòa bình, cho việc cầu nguyện cho hòa bình và thâm hậu hóa quyết tâm của chúng ta thực hiện cho bằng được hòa bình.
 
Thưa quí bạn, các cố gắng của quí bạn trong tư cách các nhà lãnh đạo chính trị và dân chính hiện đang hướng về mục tiêu xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, hòa bình hơn, công bằng hơn và thịnh vượng hơn cho con cháu chúng ta. Kinh nghiệm dạy chúng ta rằng trong một thế giới càng ngày càng hoàn cầu hóa, cái hiểu của chúng ta về ích chung, về tiến bộ và phát triển, cuối cùng phải theo nghĩa nhân bản chứ không chỉ theo nghĩa kinh tế mà thôi. Giống mọi quốc gia đã phát triển của chúng ta, Đại Hàn hiện đang đấu tranh với nhiều vấn đề xã hội quan trọng, với các chia rẽ chính trị, với các bất công kinh tế, và nhiều quan tâm liên quan tới việc quản lý có trách nhiệm môi trường thiên nhiên. Quan trọng xiết bao nếu tiếng nói của mỗi thành viên trong xã hội đều được lắng nghe, và tinh thần truyền thông, đối thoại và hợp tác cởi mở được cổ vũ. Điều cũng quan trọng là phải đặc biệt quan tâm tới người nghèo, người yếu thế và những người không có tiếng nói, không những qua việc thỏa mãn các nhu cầu trước mắt của họ mà còn qua việc hỗ trợ họ trong việc thăng tiến về nhân bản và văn hóa nữa. Tôi hy vọng rằng nền dân chủ Đại Hàn sẽ tiếp tục được tăng cường và quốc gia này sẽ chứng tỏ mình là một quốc gia lãnh đạo cả trong việc hoàn cầu hóa tình liên đới, điều ngày nay rất cần thiết: một việc hòan cầu hóa nhằm sự phát triển toàn diện mọi thành viên của gia đình nhân loại.
 
Trong cuộc viếng thăm Hàn Quốc lần thứ hai của ngài cách nay 25 năm, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bày tỏ xác tín của ngài rằng: “tương lai Đại Hàn sẽ tùy thuộc sự hiện hữu giữa nhân dân họ nhiều người đàn ông và đàn bà khôn ngoan, nhân đức và tâm linh sâu sắc” (8 tháng Mười, 2989). Ngày nay, để vang dội lại lời nói của ngài, tôi xin bảo đảm với quí bạn khát vọng liên tục của cộng đồng Công Giáo Đại Hàn muốn tham gia đầy đủ vào đời sống quốc gia. Giáo Hội mong muốn góp phần vào việc giáo dục người trẻ, phát triển tinh thần liên đới với người nghèo và người bị thiệt thòi, và đào tạo các thế hệ công dân tương lai biết sẵn sàng đem khôn ngoan và viễn kiến vốn thừa hưởng từ cha ông và phát sinh từ niềm tin của họ vào việc giải quyết các vấn đề chính trị và xã hội lớn lao đang đối diện với quốc gia.
 
Kính thưa bà tổng thống, thưa qúi bà qúi ông, một lần nữa, tôi xin cám ơn việc chào đón và lòng hiếu khách của quí vị. Xin Thiên Chúa chúc lành cho quí vị và toàn thể nhân dân Đại Hàn yêu quí. Một cách đặc biệt, xin Người chúc lành cho các vị cao niên và người trẻ, những người, nhờ duy trì được ký ức và lòng can đảm gợi hứng, đang là trân châu ngọc qúy hết sức vĩ đại và là niềm hy vọng tương lai của chúng ta.
 
Vũ Văn An
 
Đức Phanxicô: bài giảng cho giới trẻ Đại Hàn và Á Châu
 

Theo tin của AP và Zenit ngày 15 tháng 8, ngày thứ hai trong tuần thăm viếng Đại Hàn của Đức Phanxicô, ngài đã đáp xe lửa tới Daejeon, thuộc miền Trung Đại Hàn, để cử hành thánh lễ cho Ngày Giới Trẻ Á Châu.
 
Nhân dịp này, ngài khuyên người trẻ Á Châu từ bỏ chủ nghĩa duy vật từng tác hại nhiều cho xã hội Á Châu ngày nay. Họ cũng nên từ bỏ các hệ thống kinh tế “bất nhân” chuyên tước đoạt quyền lợi người nghèo. Khuyên như thế, quả ngài muốn đẩy mạnh nghị trình kinh tế của ngài tại một đất nước vốn được coi như là một trong các cường quốc của Á Châu nơi thành tích tài chánh vốn là thước đo chính của thành công.
 
 
Đức Phanxicô được tiếp đón nồng nhiệt bởi hàng chục ngàn người trẻ Á Châu khi ngài tới cử hành thánh lễ công cộng đầu tiên tại Nam Hàn, một quốc gia với một Giáo Hội tuy nhỏ nhưng đang lớn mạnh đến nỗi được Tòa Thánh coi là kiểu mẫu cho cả thế giới.
 
Ngài đáp xe lửa cao tốc tới thành phố Daejeon ở miền Trung, nơi người trẻ Công Giáo khắp Á Châu đang hội họp nhân dịp Ngày Giới Trẻ Á Châu lần thứ sáu.
 
Trong bài giảng, Đức Phanxicô thúc giục người trẻ trở thành lực lượng canh tân và hy vọng cho xã hội. Ngài nói bằng tiếng Ý và được dịch sang tiếng Đại Hàn rằng “Mong họ chống lại sự cám dỗ của một thứ chủ nghĩa vật chất làm tê cứng các giá trị thiêng liêng và văn hóa chân chính và chống lại tinh thần đua tranh vô giới hạn chỉ sản sinh ra lòng vị kỷ và tranh chấp. Mong họ cũng từ bỏ các mô thức kinh tế bất nhân vốn tạo ra các hình thức nghèo đói mới và đẩy công nhân ra bên lề, và nền văn hóa sự chết đang hạ giá hình ảnh của Thiên Chúa, Thiên Chúa sự sống, và vi phạm phẩm giá mọi người đàn ông, đàn bà và trẻ em”.
 
Sứ điệp của ngài quả là khó nhá tại Nam Hàn, nơi đã phát triển từ hủy diệt và nghèo đói trong Chiến Tranh Triều Tiên của thập niên 1950 thành một trong các nền kinh tế cao nhất của Á Châu. Nhiều người ở đây liên kết thành công với việc khoe của và địa vị. Cạnh tranh trong giới trẻ, nhất là để giành chỗ tại các trường danh tiếng, đã bắt đầu ngay từ lớp mẫu giáo và rất ác liệt. Quốc gia này vốn có tỷ lệ tự sát cao nhất thế giới
 
Đức Phanxicô nói rằng trong các xã hội “dư thừa ở bề ngoài” như thế, người ta thường trải nghiệm một “nỗi buồn và trống vắng nội tâm. Nỗi thất vọng này đã gây hại cho không biết bao nhiêu người trẻ của chúng ta!”
 
Đức Thánh Cha nhân dịp này nhấn mạnh rằng Đức Mẹ mời gọi ta hy vọng. Ngài nói: “Nơi Đức Mẹ, mọi lời hứa của Thiên Chúa đã được chứng minh là đáng tin cậy. Được lên ngôi vinh hiển, Mẹ chỉ cho ta thấy lòng hy vọng của ta là có thực; ngay cả lúc này, nó đạt tới chỗ là “chiếc neo chắc chắn và cố định của linh hồn (Heb 6:19) nơi Chúa Giêsu ngự trị trong vinh quang”.
 
Niềm hy vọng này, Đức Phanxicô nói tiếp, “niềm hy vọng được Tin Mừng đề xuất này chính là phản cực của tinh thần thất vọng hình như đang phát triển như một thứ ung thư trong các xã hội dư thừa ở bên ngoài nhưng thường buồn thảm và trống rỗng bên trong. Niềm thất vọng này đang gây hại trên không biết bao nhiêu người trẻ! Mong sao họ, những người trẻ đang bao quanh chúng ta trong những ngày lòng đầy hân hoan và tin tưởng này, đừng bao giờ bị cướp mất hy vọng!”.
 
Đối với người Công Giáo Nam Hàn, hôm nay là một ngày lễ kép vì 15 tháng Tám cũng là ngày mừng độc lập của Nam Hàn. Đức Phanxicố ghi nhận điều này khi ngài nói rằng: “Người Đại Hàn, theo truyền thống, cử hành lễ này dưới ánh sáng trải nghiệm lịch sử của họ, coi việc bầu cử đầy yêu thương của Đức Mẹ diễn ra ngay trong lịch sử quốc gia và đời sống nhân dân”.
 
Đức Phanxicô cũng đề cập tới một bài học khác của Đức Mẹ. Dựa vào lời Thánh Phaolô nói rằng Chúa Kitô là Ađam mới mà sự vâng lời thánh ý Chúa Cha đã khắc phục ách thống trị và nô lệ của tội lỗi và khai mở triều đại sự sống và tự do (cf. 1 Cor 15:24-25), ngài cho hay: tự do đích thực tìm thấy nơi việc âu yếm tuân theo thánh ý Thiên Chúa. “Từ Đức Mẹ, Đấng đầy ơn phúc, ta học thấy rằng tự do Kitô Giáo không phải chỉ là giải thoát khỏi tội. Nó là thứ tự do để nhìn thực tại trần gian một cách mới mẻ, thiêng liêng. Nó là thứ tự do để yêu Thiên Chúa và anh chị em ta bằng một quả tim trong sạch, và sống một cuộc sống hân hoan hy vọng chờ mong Vương Quốc Chúa Kitô”.
 
Vận động đường túc cầu Daejeon có sức chứa 50,000 người, gần như đã chật ních cả mấy tiếng đồng hồ trước khi Đức Phanxicô tới. Đám đông vẫy khăn trong tiếng vang hô "Viva il papa!" (Đức Thánh Cha vạn tuế!) chào đón ngài khi chiếc xe để hở một bên với mái che trên đầu từ từ tiến vào vận động trường.
 
Trước khi cử hành Thánh Lễ, Đức Phanxicô đã gặp khoảng hơn 10 người sống sót tai nạn chìm phà hồi tháng Tư và thân nhân những người đã qua đời trong tai nạn này đang đòi chính phủ phải điều tra vụ việc.
 
Phần lớn hơn 300 người tử nạn trong thảm họa trên là học sinh trung học đang đi du khảo. Các thân nhân của họ đang áp lực các nhà làm luật thiết lập một ủy ban điều tra độc lập và trong sáng. Đảng cầm quyền chống đối áp lực này vì cho rằng một ủy ban quốc hội không có quyền buộc tội.
 
Phát ngôn viên Tòa Thánh, Cha Federico Lombardi, cho hay: Đức Phanxicô sẽ không can thiệp vào vấn đề mà chỉ an ủi các gia đình mà thôi. Một biểu ngữ ở bên ngoài vận đông trường có hình Đức Giáo Hoàng và câu “Xin ngài hãy lau khô nước mắt của các gia đình Sewol”.
 
Cha Lombardi không cho biết chi tiết nội dung cuộc gặp gỡ.
 
Sau Thánh Lễ, Đức Phanxicô dùng bữa trưa với một số người trẻ tham dự ngày hội rồi viếng thăm một đền thờ của thế kỷ 18 nơi vị linh mục Đại Hàn đầu tiên đã được dưỡng dục.
 
Người Công Giáo Đại Hàn chỉ chiếm khoảng trên dưới 10 phần trăm dân số 50 triệu, nhưng tỷ lệ này đang gia tăng. Có thời từng tiếp nhận các nhà truyền giáo ngoại quốc, nay Nam Hàn đang gửi nhiều linh mục tu sĩ do mình đào tạo đi truyền giáo tại các nước ngoài mà điển hình chói sáng và cảm động nhất là linh mục John Lee với tình khúc “Đừng khóc thương tôi, Sudan!”.
 
Nhìn khung cảnh buổi lễ trực tiếp truyền hình tại Daejeon trên kênh SkyNews, khán giả không khỏi nức lòng trước viễn tượng Giáo Hội Đại Hàn, vốn do các giáo dân trong nước gầy dựng nên đầu tiên, không linh mục, không đến cả bí tích đúng phép, nay quả thật không thua gì bất cứ một Giáo Hội đàn chị nào trên thế giới.
 
Vũ Văn An
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận