Tâm Tình Mục Tử Tháng 12/2016

Đăng lúc: Thứ sáu - 25/11/2016 02:55 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
TÂM TÌNH MỤC TỬ THÁNG 12/2016

Anh chị em thân mến,

Chúa Nhật 13/11/2016 là ngày bế mạc năm thánh Lòng Thương Xót tại các giáo hội địa phương. Riêng tại giáo phận nhà, nghi thức đóng cửa thánh đã được tổ chức tại hai nơi: buổi sáng tại Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao với sự tham dự đông đảo của khách hành hương ngày 13 hàng tháng; và buổi chiều tại Nhà Thờ Chính Tòa với sự quy tụ của linh mục đoàn, quý tu sĩ nam nữ và cộng đoàn dân Chúa bao gồm các hội đoàn và các giới đến từ nhiều nơi trong giáo phận. Phải ghi nhận cả hai thánh lễ sáng chiều hôm ấy đều diễn ra cách trật tự và sốt sắng. Có những tâm thức tiếc nuối: năm thánh trôi đi mau quá, mới mở cửa thánh hôm nào, nay đã đóng lại. Cũng có những tâm tư thao thức: mong sao có thêm những năm thánh tương tự, để tín hữu được hưởng no đầy ơn phúc. Và chung chung là tâm tình tạ ơn của những tâm hồn đã được lãnh ơn toàn xá, giờ đứng dậy mạnh mẽ và lạc quan dấn bước vào đời sống mới.

1. Đóng cửa thánh không phải là đóng lại lòng Chúa thương xót

Một trong những nghi thức giàu tính biểu tượng của Năm Thánh là việc mở và đóng cửa thánh. Nếu việc mở cửa thánh là dẫn vào mùa hồng ân với lòng Chúa thương xót bao la, thì việc đóng cửa thánh được xem như khép lại thời gian đặc biệt dành riêng ấy để trở lại nhịp sống đức tin bình thường. Việc đóng cửa thánh chỉ muốn chính thức nói lên rằng năm thánh đã kết thúc, chứ không có nghĩa đóng lại lòng Chúa xót thương; làm như chỉ trong năm thánh, Chúa mới thi thố tình thương, còn ngoài ra, Ngài khép kín tấm lòng. Không, lòng thương xót của Chúa thì bao la, vượt quá mọi giới hạn không gian và thời gian do con người ước định; và tình thương ấy cũng thật bền bỉ “trải qua từ đời nọ tới đời kia” (Lc 1, 50), bất chấp mọi cản trở. Dù cho sông cạn núi mòn, lòng thương xót Chúa vẫn còn thiên thu. Đối với suy tư của con người, cần phải có giới hạn rạch ròi để dễ hình dung; còn đối với Thiên Chúa là Đấng vô thuỷ vô chung, làm sao con người có thể ấn định ranh giới cho Ngài?
Ngày kết thúc năm thánh, Chúa Nhật 20/11/2016, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ra một Tông thư minh định: năm thánh thì kết thúc, nhưng lòng Chúa thương xót sẽ chẳng bao giờ kết thúc cả; có thể nói: giới hạn của lòng Chúa thương xót là tấm lòng xót thương không giới hạn của Chúa. Ngay trong tựa đề “Misericordia et Misera”, Tông thư đã sử dụng kiểu chơi chữ nổi tiếng của thánh Augustinô để cho thấy: ngày nào nhân loại còn tội lỗi, ngày ấy lòng Chúa thương xót vẫn tồn tại; và chỉ khi hiểu rõ nỗi khốn cùng của phận mình, con người mới cảm nhận được sự khôn cùng của lòng Chúa thương xót. Vì thế, việc đóng cửa năm thánh phải được diễn ra theo chương trình đã ấn định, nhưng mọi tín hữu được mời gọi tiếp tục đón nhận lòng từ bi Chúa như là nhu yếu phẩm trong đời sống đức tin. “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13): Lời kinh của ông thu thuế trong Phúc Âm hôm nào, có lẽ cũng là lời kinh thương xót của mỗi người chúng ta dâng lên Chúa hằng ngày.

2. Đóng cửa thánh là lúc thực thi lòng thương xót

Việc đóng cửa thánh là nghi thức thuộc về thành phần năm thánh với những ý nghĩa trực tiếp của sự bế mạc, nhưng gián tiếp lại là lúc khai mở một chương mới trên hành trình sống đạo. Năm thánh được khai mạc bằng Tông Sắc “Misericordia Vultus / Dung mạo lòng thương xót” và bế mạc với Tông thư “Misericordia et Misera / Niềm thương xót và nỗi khốn cùng” quả đã đem đến cho Giáo Hội một sự sống phong phú, nhưng vẫn ẩn chứa một sự đợi chờ hành động. Chính khi dấn thân thực thi lòng “thương xót như Cha trên trời” qua hành động cụ thể đối với những người xung quanh mình, như bênh đỡ người yếu thế cô thân, nâng đỡ kẻ yếu đau suy nhược và giúp đỡ người yếu mệt đói nghèo, lúc ấy người ta mới dám nghĩ đến kết quả tích cực của năm thánh và mới an tâm nói đến việc đóng cửa thánh. Như vậy, cửa thánh theo nghi thức thì có thể mở ra và đóng lại, nhưng tấm lòng theo quy luật cuộc sống một khi đã mở ra thì không khép lại nữa, trái lại luôn rộng mở để ơn thánh được luân lưu và phát triển. Đã lãnh nhận lòng Chúa thương xót thì phải trở nên chứng tá và khí cụ cho lòng thương xót ấy.

Ngày 31/10/2016, bất chấp những băn khoăn ít nhiều của cả người Công giáo lẫn giới Tin Lành, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đến Thuỵ Điển để cùng với anh em Tin Lành phái Lutherô mừng kỷ niệm 500 năm biến cố cải cách (31/10/1517) - biến cố đã để lại dấu ấn đau thương trong lịch sử là sự chia tách của người phái Lutherô ra khỏi Giáo Hội Công Giáo. Nói về chuyến viếng thăm này, Đức Thánh Cha kêu gọi người Công Giáo cần phải học hỏi anh em Tin Lành về hai điểm là trọng sự cải cách và yêu mến Lời Chúa. Không phải vô tình mà chuyến viếng thăm được thực hiện vào tháng cuối của năm thánh Lòng Thương Xót, nhưng hữu ý minh hoạ cho thấy: khép lại năm thánh Lòng Thương Xót chính là lúc phải thực hành sự xót thương theo như gợi ý của Chúa Giêsu khi kể chuyện người Samaritanô nhân hậu “Hãy đi và làm như vậy” (x. Lc 10, 37), hoặc thực hiện những hành vi thương xót, như hôm 16/11 vừa qua, nhà cầm quyền Cuba đã trả tự do cho 787 tù nhân theo lời kêu gọi của Đức Thánh Cha nhân dịp bế mạc năm thánh Lòng Thương Xót.

3. Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh

         
Thương xót như Chúa Cha”, đó là khẩu hiệu của năm thánh Lòng Thương Xót, đó cũng là sứ điệp cô đọng nhất tín hữu còn nhớ được khi năm thánh đã cửa đóng then cài. Nhưng rất may, tiếp liền năm thánh là các Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh của năm phụng vụ mới, qua đó lòng Chúa thương xót được trải ra với công cuộc Nhập Thể của Đức Giêsu từ trời giáng thế trong thân phận con người để cứu độ muôn người. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban con một mình” (Ga 3,16). Quả là một tình yêu vô tiền khoáng hậu xưa nay chưa từng có và đến ngàn sau cũng chẳng bao giờ có nữa, bởi vì bên cho và bên nhận chẳng tương đồng đã đành, nhưng còn vì món quà được trao không phải là phẩm vật có thể làm ra hay mua sắm, mà là chính người Con duy nhất yêu quý trong đời. Quả là một tình yêu vô vị lợi không thêm gì cho Chúa, nhưng hữu ích cho phần rỗi của cả thế gian (x. Kinh Tiền Tụng). Quả là một tình yêu vĩ đại xứng tầm với danh xưng Thiên Chúa, như khẳng định của Đức Thánh Cha Phanxicô trong tập sách “Danh Ngài là thương xót”. Như vậy, Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh một cách nào đó cũng được xem như là mùa tiếp tục sống lòng thương xót của Chúa.
         
Về mặt mục vụ, trong Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh năm nay, anh chị em hãy quan tâm khai triển lòng thương xót đến với những ai gần gũi trong địa bàn dân cư, qua các việc từ thiện bác ái đã đành, mà còn qua các việc không tên khác nữa, miễn là giúp tha nhân gặp được nơi ta một chút gì đó gọi là tình liên đới, và gặp được nơi họ một nét nào đó tôn quý của phẩm giá con người. Trong lãnh vực này, xin nhường cho sáng kiến cụ thể của mỗi cha sở và sự hợp tác tích cực của các tu sĩ cũng như anh chị em giáo dân trong giáo xứ. Mong rằng Mùa Giáng Sinh cũng là mùa nở rộ không chỉ những trang phục đẹp, mà còn những tấm lòng biết xót thương như trong mầu nhiệm Nhập Thể cứu đời.
         
Như thế, Mùa Giáng Sinh là một mùa vui, nhưng không dừng lại trong mỗi cá nhân đơn độc, mà mở ra với hết mọi người. Chính trong niềm vui đặc biệt ấy, xin gửi đến quý cha, quý tu sĩ chủng sinh cùng toàn thể cộng đoàn dân Chúa Giáo Phận nhà lời chúc mừng một lễ Giáng Sinh vui tươi thánh đức, hạnh phúc an bình.

+ Giuse Vũ Duy Thống
Gm. Gp. Phan Thiết
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 44 trong 9 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận