Thứ năm tuần 3 mùa Chay.

Đăng lúc: Thứ năm - 03/03/2016 02:05 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Thứ năm tuần 3 mùa Chay.

“Ai không thuận với Ta là nghịch cùng Ta”.

 

 

Lời Chúa: Lc 11, 14-23

Khi ấy, Chúa Giêsu trừ một quỷ câm. Khi quỷ ra khỏi, người câm liền nói được và dân chúng đều bỡ ngỡ. Nhưng có mấy người trong bọn họ nói rằng: “Ông ta nhờ tướng quỷ Bêelgiêbút mà trừ quỷ”. Mấy kẻ khác muốn thử Người, nên xin Người một dấu lạ từ trời xuống. Nhưng Người biết ý của họ, liền phán:

“Nước nào tự chia rẽ, sẽ diệt vong, và nhà cửa sẽ sụp đổ chồng chất lên nhau. Vậy nếu Satan cũng tự chia rẽ, thì nước nó làm sao đứng vững được? Bởi các ngươi bảo Ta nhờ Bêelgiêbút mà trừ quỷ, vậy nếu Ta nhờ Bêelgiêbút mà trừ quỷ, thì con cái các ngươi nhờ ai mà trừ? Bởi đó, chính con cái các ngươi sẽ xét xử các ngươi. Nhưng nếu Ta nhờ ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, ắt là nước Thiên Chúa đã đến giữa các ngươi rồi.

“Khi có người khoẻ mạnh và võ trang đầy đủ canh giữ nhà mình, thì của cải người đó được an toàn; nhưng nếu có người mạnh hơn xông đến đánh bại hắn, thì sẽ tước hết khí giới hắn tin tưởng, và làm tiêu tan hết những gì đã tước đoạt. Ai không thuận với Ta là nghịch cùng Ta, và ai không thu góp với Ta là phân tán”.

 

 

SUY NIỆM 1: Nhận ra sự hiện diện và tác động của Chúa

Một nhà truyền giáo nọ kể lại sự kiện sau: một hôm tôi đang giảng dạy cho một nhóm người tại Nagasaki. Sau bài giảng một người đứng lên hỏi tôi ba điều: Tôi có tin Đức Mẹ đồng trinh không? Tôi có vâng lời và hiệp thông với Đức thánh cha không? Tôi có giữ mình đồng trinh và sống độc thân không? Tôi xác nhận cả ba điều trên và hỏi lại: “Tại sao ông lại đặt ra ba câu hỏi vừa rồi?” Người đó trả lời: “Vì ông bà chúng con trước khi chết có nhắn nhủ chúng con rằng sau này có ai đến giảng đạo, chúng con phải lấy ba tiêu chuẩn ấy để đánh giá xem đó có phải là vị thừa sai chân chính không. Nay chúng con vui mừng vì cha đích thực là người được Hội thánh sai đến, chúng con sẽ nghe lời cha và giữ vững đức tin tổ tiên chúng con truyền lại”.

Những giáo dân Nhật Bản đã dùng ba tiêu chuẩn để thẩm định đâu là nhà truyền giáo đích thực. Ngược dòng thời gian trở về thời Chúa Giêsu, chúng ta cũng được chứng kiến một biến cố tương tự. Các tiên tri đã báo trước cho Dân Chúa là khi Đấng Cứu Thế đến, Ngài sẽ thực hiện những dấu lạ: cho kẻ câm được nói, kẻ què được đi, người bị quỉ ám được chữa lành. Chúa Giêsu đã thực hiện lời tiên tri đó trước mặt nhiều thành phần trong dân để chứng minh Ngài là Con Thiên Chúa, là Đấng muôn dân mong đợi. Tuy nhiên có những người không nhìn nhận sự hiện diện và tác động của Chúa, họ cố tình giải thích sự lệch lạc để khỏi phải tin và làm cho người khác đừng tin, như được trình thuật trong Tin mừng hôm nay.

Quả thật, đứng trước Chúa Giêsu, con người phải có thái độ hoặc tin nhận hoặc chối từ. Đó cũng là thái độ mà người Kitô hữu chúng ta phải có đối với Chúa Giêsu. Ngài đến với con người qua Giáo Hội, qua những sứ giả được tuyển chọn và sai đi làm chứng cho Ngài nhưng liệu chúng ta có thành tâm và can đảm cộng tác với ơn soi sáng của Thánh Thần để tin nhận Ngài không? Tác giả tập sách Đường Hy Vọng đã chia sẻ kinh nghiệm như sau:

“Chúa hiện diện không phải là lý thuyết. Ngài là Cha ở bên con với tất cả quyền năng và tình thương. Ngài là tất cả của con, là cùng đích trong ý hướng, là lý do các quyết định, là động lực các tình cảm, là gương mẫu các hành động của con. Hãy sống bên Chúa, con sẽ nên thánh. Thiên đàng không gì khác hơn là Thiên Chúa hiện diện”.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 2: Đuổi quỷ

Rồi Đức Giê-su trừ một tên quỉ, và nó là quỉ câm. Khi quỉ xuất rồi, thì người câm nói được. Đám đông lấy làm ngạc nhiên. Nhưng trong số đó có mấy người lại bảo: “Ông ấy dựa thế quỉ vương Bê-en-dê-bun mà trừ quỉ.” (Lc. 11, 14-15)

Theo một số ý kiến chú giải thời nay thì những người quỷ ám trong Tin mừng là bệnh nhân của cảm cúm. Sự đuổi quỷ của Đức Giê-su được giải thích khéo léo hóa thành vô nghĩa. Những người bị quỷ ám, hầu hết được họ giải thích là những người mắc bệnh động kinh, bệnh thần kinh hay bị ám ảnh bởi hình ảnh quỷ ma trong họ, người bị quỷ câm trong Tin mừng hôm nay đơn giản chỉ là bệnh câm thôi, không bị quỷ ám nào hết.

Theo ý kiến số đông thời đại đó, một nửa bị quỷ thần ám hại cần phải cải cách và Tin mừng đã đến thanh tẩy những thần thoại chồng chất trong đời sống dân Ít-ra-en.

Cách giải thích đó có thật hữu ích không? Tin mừng có thanh tẩy phong tục tin tưởng vào quỷ thần không?

Thứ nhất, giải thích của một số người quá ngang ngược với cách trừ quỷ rõ ràng của Chúa, biến Chúa thành nạn nhân của hạng trí thức dổm. Thực ra, thời đại của Đức Giê-su đã có nhiều người khá thông minh để nhận định về thế giới quỷ thần.

Thứ đến, họ muốn kéo nhân loại ra khỏi những sức mạnh siêu nhiên để khỏi nỗi lo sợ bị phán xét về tội con người.

Theo ý số đông trên mặt đất này, có đầy những sự xấu xa, nếu chỉ gán tội cho loài người thôi thì thật bất công, phải tin rằng còn có ma quỷ ném đá dấu tay đã gây ra tội lỗi nữa. Sự hỗn độn của nhân loại được chia thành nhiều loại: loại người ăn nhậu nhồi nhét quá lẽ một bên, loại đói ăn túng cực một bên. Đó không phải do Thiên Chúa Cha dựng nên, cũng không phải hoàn toàn do con người tổ chức thiết kế những thứ ô nhục đó. Cần phải nhìn nhận rằng có hàng triệu người thiện chí hoạt động, tổ chức lấy lại quân bình phân chia của cải vũ trụ, tuy có vô ích.

Thật bất công tin rằng tính dã man do lòng dạ con người bình thường sinh ra, khi thấy nhiều người sống trên hành tinh này ném hàng tấn bom lân tinh xuống dân lành mà lương tâm lầm lạc của họ vẫn bình an. Nhận có tội lỗi, chính là tin có một Thiên Chúa có thể giải thoát chúng ta khỏi thế lực quỷ dữ mà con người không thể tự giải thoát được. Đức tin đòi chúng ta liên tục cầu nguyện xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi tay quỷ dữ. Không có Thiên Chúa, chúng ta liều mình bị quỷ dữ ám hại đời đời.

J.G

Suy niệm 3: ĐỪNG “CHỤP MŨ” NHAU NHƯ THẾ!

(Lc 11, 14-23)

Có một tu sĩ đảm trách công việc mục vụ bệnh nhân Sida. Tuy nhiên, do sơ xuất, ngài đã bị nhiễm căn bệnh thế kỷ này qua người bệnh trong khi chăm sóc họ. Nhưng thật chớ trêu, thay vì được mọi người nâng nỡ, khích lệ, thì họ lại bàn tán, gán ghép những chuyện không mấy tốt đẹp cho vị tu sĩ nhiệt tình vì sứ vụ này!

Đây cũng chính là căn bệnh truyền kiếp ở mọi thời, đó là, người ta không thích ai, hay ai đó uy tín hơn mình, thì họ sẵn sàng dùng đến biện pháp nói hành, hay chụp mũ để hạ gục đối phương!

Hôm nay, Đức Giêsu cũng rơi vào tình trạng trên khi bị dân chúng chụp cho Ngài thứ mũ hết sức đê hèn như:

Ngài trừ được quỷ là do liên minh với quỷ khi nhân danh tướng quỷ để trừ quỷ!

Tại sao họ lại vu khống và nói hành Đức Giêsu như vậy? Thưa chỉ vì một chuyện rất đơn giản, ấy là:

Đức Giêsu ngày càng uy tín trước mặt dân chúng vì những việc tốt đẹp và lời dạy khôn ngoan của Ngài, khiến dân chúng tôn vinh Ngài là một tiên tri vĩ đại. Vì thế, những Luật Sĩ và Phairisêu bối rối, hoang mang và sinh lòng ghen tuông, tức tối đối với Ngài.

Họ đã dùng đến trò thâm hiểm nhất để bêu rếu và mục đích nhằm hạ gục Đức Giêsu khi nói là Ngài“nhờ tướng quỷ để mà trừ quỷ”.

Khi gán cho Đức Giêsu như thế, họ muốn nói với dân rằng: Đức Giêsu là người thuộc về thế giới của ma quỷ. Khi Ngài đã thuộc về ma quỷ, thì lẽ đương nhiên không nên tin vào con người này cũng như những lời dạy dỗ của Đức Giêsu.

Đây là một phương pháp triệt hạ đối phương bằng cách đánh vào uy tín.

Tuy nhiên, Đức Giêsu đã đặt ngược lại vấn nạn với hai câu hỏi để lật tẩy trò đê hèn của chúng, Ngài hỏi:

“Nếu Xatan cũng tự chia rẽ chống lại chính mình, thì nước nó tồn tại sao được?”; và: “Nếu tôi dựa thế Bêendêbun mà trừ quỷ, thì con cái các ông dựa thế ai mà trừ?”!

Khi hỏi như thế, Đức Giêsu một mặt cho thấy lý chứng của những Luật Sĩ và Pharisêu tự mâu thuẫn, khập khiễng, không ăn khớp với nhau, bởi vì cứ theo lập luận của họ, thì phải chăng một nước mạnh lại dùng chính kẻ mạnh để tiêu diệt kẻ yếu cùng đồng minh với mình hay sao? Hay nếu Quỷ Vương cho mượn quyền lực của hắn để tiêu diệt tay chân của hắn thì nước đó đã đến thời mạt vận?

Trong đời sống của chúng ta hôm nay nhiều khi rơi vào tình trạng của những Luật Sĩ và Pharisêu khi sử dụng những chiêu thức bỉ ổi là nói hành, nói xấu để bôi nhọ thanh danh tiếng tốt của anh chị em mình.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết đứng về phía sự thật để trả lại cho anh chị em mình những giá trị đích thực khi họ vì lòng yêu mến Chúa mà thi hành những bổn phận của họ để loan báo tình thương của Thiên Chúa cho mọi người. Đồng thời chúng ta biết cộng tác với nhau để làm cho triều đại của Thiên Chúa mau đến.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con trong Mùa Chay thánh này, luôn biết yêu thương, nâng đỡ nhau để cùng nhau loan truyền và làm chứng cho Chúa bằng đời sống bác ái, yêu thương. Amen.  

NB
 

SUY NIỆM:

1. Satan và các thần của nó

Ít có khi nào Đức Giê-su nói về Satan và các thần của nó rõ và nhiều như trong bài Tin Mừng hôm nay. Dường như thời xưa, ma quỉ không có nhiều phương tiện, chỗ ẩn nấp hay mặt nạ hóa thân, nên hay ám người ta cách trực tiếp như các Tin Mừng kể lại. Nhưng ngày nay, lối sống của loài người chúng ta đang cung cấp cho ma quỉ quá nhiều phương tiện, chỗ ẩn nấp và mặt nạ hóa thân: những hệ quả tiêu cực của quá trình toàn cầu hóa, trò chơi, thú vui đủ loại, phương tiện truyền thông, phương tiện đi lại, phim ảnh, tiền bạc, danh vọng…

Vì thế, hơn bao giờ hết, trong hoàn cảnh hiện nay, con người, nhất là người trẻ, dù không bị ma quỉ ám trong thân xác, nhưng còn nghiêm trọng hơn, bị ám trong tâm trí bởi những điều xấu, những năng động xấu thuộc về ma quỉ, đó là lối sống vô trách nhiệm, tự do cá nhân, vô ơn, tìm kiếm khoái lạc chóng qua, tự do luyến ái, bạo lực, gian dối, hưởng thụ, đam mê phương tiện và thú vui, không có khả năng sống giao ước, chiều theo lòng ham muốn, cảm xúc thấp hèn, vô kỉ luật, không có lí tưởng cao quí, mất hướng đi, không thao thức đi tìm ý nghĩa cuộc sống… Cách ma quỉ ám người ta như thế còn nghiêm trọng hơn, là khi dằn vặt thân xác ở bên ngoài, nghĩa là bị quỉ ám trực tiếp như một số trường hợp mà các Tin Mừng kể lại hay như chúng ta thỉnh thoảng vẫn còn nghe nói ngày nay.

Đức Giê-su trừ một tên quỉ, và đó là quỉ câm. Như thế, có một thứ quỉ làm cho chúng ta không nghe được thực sự, và vì thế không nói được thực sự. Bởi vì, câm là do điếc. Chúng ta cũng hay điếc với Chúa, điếc với người khác, nên chúng ta không nói được với nhau, nhất là nói những lời sự sống, nghĩa là lời yêu thương, cảm thông, tha thứ, đón nhận. Trong những trường hợp như thế, có thể nói, chúng ta cũng bị quỉ câm ám!

2. Vương Quốc của Satan

Tuy nhiên, bài Tin Mừng còn kể lại cho chúng ta có một thứ “câm điếc” nghiêm trọng hơn: “câm điếc” đối với những dấu chỉ mà Thiên Chúa ban nơi ngôi vị của Đức Giê-su. Thật vậy, cùng chứng kiến dấu chỉ mà Đức Giêsu vừa thực hiện, một dấu chỉ đầy ý nghĩa, nhưng:

-  Có một số người bảo ông ấy dựa thế quỉ vương mà trừ quỉ.

- Còn những người khác thì muốn thử Ngài, đòi một dấu lạ từ trời.

Trong cuộc Thương Khó, với thân xác mỏng manh của Con Thiên Chúa nhập thể, Đức Giê-su sẽ bày tỏ Khuôn Mặt Rạng Người của Thiên Chúa Cha, một khuôn mặt đã bị hiểu lệch lạc, bị bóp méo, ngay từ nguồn gốc sự sống (x. St 3, 1-7), nhưng không phải bằng những kì công lớn lao, hay những phép lạ cả thể; bởi vì lịch sử Dân Do Thái và cuộc đời của Đức Giê-su cho thấy rằng, những kì công lớn lao và những phép lạ cả thể không những không mang lại lòng tin, nhưng còn khơi dậy lòng ham muốn không cùng những điều lạ, ngoài ra còn bị Sự Dữ xen vào khơi dậy những cách hiểu và hành động lệch lạc. Những gì mà bài Tin Mừng hôm nay kể lại, là một dấu chứng cụ thể .

Vì thế, theo ý Chúa Cha, Ngài được mời gọi bày tỏ Khuôn Mặt Rạng của Người theo một cách khác, “một cách điên rồ”, nhưng là sự điên rồ của tình yêu và khôn ngoan thần linh, qua việc:

- nhận hết vào mình thân phận của loài người chúng ta,

- đảm nhận mọi số phận đầy tai họa của con người,

- gánh lấy mọi tội lỗi của loài người,

- và đối diện với chính Sự Dữ “ồn ào và bạo lực”, biểu dương ở mức độ tuyệt đối, bằng “thinh lặng và hiền lành”.

Trở lại với bài Tin Mừng, đối diện với những “tư tưởng” (c. 17) của những người “câm điếc” đối với lời nói, hành động và ngôi vị của Người, chắc chắn là Đức Giêsu đã rất buồn lòng. Chúng ta cần nghiệm ra tâm tình của Ngài ở bên dưới những lời Ngài nói; và Ngài nói thật nhiều, rất tự phát và mạnh mẽ về ma quỉ, Ngài nói về vương quốc của chúng, về sức mạnh của chúng và về thói quen của chúng.

Trước hết, Đức Giê-su bắt đầu bằng cách dùng những hình ảnh “một nước” và “một nhà”, để cho thấy nhận định của họ không phù hợp qui luật của hiện hữu: ở mức độ cá thể hay tập thể, điều gì đã hiện hữu thì tự bản chất nó muốn hiện hữu dài lâu và nếu có thể hiện hữu mãi mãi; và để hiện hữu, hữu thể không thể tự chia rẽ, vì như thế sẽ dẫn đến hậu quả tự hủy diệt chính mình. Chính vì thế, ma quỉ (tiếng Hi-lạp là diabolos; tiếp đầu ngữ dia có nghĩa là chia rẽ), nghĩa là “Kẻ Tố Cáo”, thường gieo rắc nộc độc chia rẽ bằng hành vi tố cáo, để hủy diệt sự sống của con người, hay đúng hơn, làm cho con người hủy diệt con người . Những người tự biến mình thành tay sai của Satan, hay bị Satan chi phối, ý thức hay không ý thức, cũng hành động như thế.

Sau đó, Đức Giê-su kể dụ ngôn sau đây: “Khi một người mạnh được vũ trang đầy đủ canh giữ lâu đài của mình, thì của cải người ấy được an toàn. Nhưng nếu có người mạnh thế hơn đột nhập và thắng được người ấy, thì sẽ tước lấy vũ khí mà người ấy vẫn tin tưởng và sẽ đem phân phát những gì đã lấy được.” (c. 21-22), Ngang qua dụ ngôn thật nhỏ, nhưng rất “xấu” này (tương tự như dụ ngôn người quản lí bất lương): Đức Giê-su mời gọi người nghe nhận ra một mầu nhiệm thật lớn và thật đẹp, đó là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa chúng ta (x. Mt 12, 28 và Lc 11, 20). Triều Đại Thiên Chúa đã đến ngang qua lời nói, hành động và chính ngôi vị của Đức Giê-su, vì nếu Satan bị đẩy lùi và bị trừ khử, thì chỉ có thể là Thiên Chúa mà thôi, chỉ có thể là “Thần Khí của Thiên Chúa” (Mt 12, 28), chỉ có thể là “ngón tay của Thiên Chúa (Lc 11, 20). Hơn nữa, theo các Tin Mừng Nhất Lãm, ngôn ngữ dụ ngôn được Đức Giê-su ưu tiên dùng để nói về Nước Thiên Chúa, đến độ “dụ ngôn Tin Mừng” tự nó có nghĩa là Nước Thiên Chúa, và Đức Giê-su chính là một “Dụ Ngôn” nói cho chúng ta một cách hoàn hảo về Thiên Chúa và về Triều Đại của Người.

3. Vương Quốc của Đức Giêsu

Tuy nhiên, xét cho cùng, tình trạng của những người nghe Đức Giêsu chưa quá nghiêm trọng, nghĩa là họ vẫn chưa rơi vào tình trạng tệ hại, là bị một tên quỉ cộng thêm bảy tên quỉ khác dữ hơn làm chủ. Và chúng ta cũng có thể nói như vậy về chính mình, về cộng đoàn hay cộng đồng của chúng ta.

Tuy nhiên những người nghe Đức Giêsu ngày xưa cũng như hôm nay vẫn chưa có một một lựa chọn dứt khoát và triệt để đối với Tin Mừng của Ngài và Triều đại Thiên Chúa, vẫn chưa để cho mình bị cuốn hút bởi Thần khí của Đức Giê-su. Nếu chúng ta đang trong tình trạng “dở dở ương ương” như thế, Đức Giêsu cảnh báo rằng, chúng ta sẽ tất yếu rơi vào tình trạng tệ hại, nghĩa là rơi vào lưới, hay nước của Satan. Và lời của Ngài còn mạnh hơn nữa:

Ai không đi với tôi là chống lại tôi, 
và ai không cùng tôi thu góp là phân tán.

* * *

Xin cho chúng ta được Chúa Thánh Thần ban ơn hiểu biết và yêu mến Đức Ki-tô, như Người đã ban cho thánh Phao-lô (x. Phil 3, 7-9), để chúng ta không chỉ đi theo, nhưng còn được nên một với Đức Ki-tô và hiệp nhất với nhau trong Đức Ki-tô. Đó là con đường duy nhất để chúng ta được giải thoát khỏi nước của Satan và tất cả những gì thuộc về Satan.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

[1] Lòng tin chỉ dựa vào phép lạ, như thế: (1) Thiên Chúa chỉ ở trong những điều lạ thường, còn những điều bình thường, là phần lớn cuộc đời chúng ta, thì sao? Thân phận con người rốt cuộc có là ơn huệ Thiên Chúa không? Có là đường đi dẫn đến Thiên Chúa hay không? (2) Đó là không chấp nhận thân phận con người và không liên đới với thận phận của người khác. (3) Ma quỉ sẽ lợi dụng để khơi dậy lòng ham muốn không cùng những điều lạ, như nó đã làm ở ngay khởi đầu trong Sáng Tạo (x. St 3) và trong Lịch Sử Cứu Độ (x. Ds 21, 4-9): có điều lạ thì tin, không có thì trách móc nghi ngờ; ngoài ra, còn có những người đã ngụy tạo ra điều lạ để lừa dối mình và lừa dối nhau.

 

[1] Chúng ta có thể đọc St 3, 1-7; Ds 21, 4-9; Ga 3, 17-19 và Kh 12, 9-10. Hình ảnh Con Rắn diễn tả Satan trong các bản văn Kinh Thánh này. Và trong thư của thánh Pha-lô gởi tín hữu Roma (Rm 7, 7-13), “Tội” được nói tới như là một nhân vật, và cách hành động của Tội, theo thánh Phao-lô, hoàn toàn phù hợp với cách hành động của Con Rắn.

Từ khóa:

ngón tay, thiên chúa

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận