Thứ Bảy tuần 11 thường niên.

Đăng lúc: Thứ bảy - 23/06/2018 01:42 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

Thứ Bảy tuần 11 thường niên.

"Các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai".

 

Lời Chúa: Mt 6, 24-34

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Không ai có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó sẽ ghét người này, và yêu mến người kia, hoặc nó chuộng chủ này, và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa và Tiền Của được. Vì thế, Thầy bảo các con: Chớ áy náy lo lắng cho mạng sống mình: lấy gì mà ăn; hay cho thân xác các con: lấy gì mà mặc. Nào mạng sống không hơn của ăn, và thân xác không hơn áo mặc sao?

"Hãy nhìn xem chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu vào lẫm, thế mà Cha các con trên trời vẫn nuôi chúng. Nào các con không hơn chúng sao? Nào có ai trong các con lo lắng áy náy mà có thể làm cho mình cao thêm một gang được ư? Còn về áo mặc, các con lo lắng làm gì?

Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng coi chúng mọc lên thế nào? Chúng không làm lụng, không canh cửi. Nhưng Thầy nói với các con rằng: Ngay cả Salomon trong tất cả vinh quang của ông, cũng không phục sức được bằng một trong những đoá hoa đó. Vậy nếu hoa cỏ đồng nội, nay còn, mai bị ném vào lò lửa, mà còn được Thiên Chúa mặc cho như thế, huống chi là các con, hỡi những kẻ kém lòng tin.

Vậy các con chớ áy náy lo lắng mà nói rằng: "Chúng ta sẽ ăn gì, uống gì hoặc sẽ lấy gì mà mặc? Vì chưng, dân ngoại tìm kiếm những điều đó. Nhưng Cha các con biết rõ các con cần đến những điều đó. Tiên vàn các con hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các điều đó Người sẽ ban thêm cho các con. Vậy các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai. Vì ngày mai sẽ lo cho ngày mai. Ngày nào có sự khốn khổ của ngày ấy".

 

 

 

Suy Niệm 1: Thiên Chúa quan phòng

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta đừng quá lo lắng cho mạng sống mình: sẽ ăn gì? mặc gì? ngày mai sẽ ra sao?, mà phải tin cậy vào sự quan phòng chăm sóc của Thiên Chúa. Ngài đưa ra hai hình ảnh chứng minh sự quan phòng liên lỉ của Thiên Chúa: chim trên trời, bông huệ ngoài đồng, chúng có đáng gì đâu, thế mà Thiên Chúa vẫn hằng nuôi nấng, để ý đến, huống chi con người, vì con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa và được Chúa Giêsu Kitô cứu chuộc bằng chính giá máu Ngài.

Ðọc kỹ bản văn của Matthêu, chúng ta thấy có bốn lần Chúa Giêsu dạy chúng ta đừng quá lo lắng đến nỗi mất tin cậy vào Thiên Chúa. Khi nói như thế, Ngài muốn chúng ta đừng tìm bảo đảm nơi của cải nay còn mai mất, mà phải tìm cái cốt yếu cho cuộc đời trước đã, rồi mọi sự khác sẽ được thêm cho. Lo lắng quá cũng chẳng giải quyết được gì: "Dù có lo lắng đi nữa, hỏi có ai trong các con kéo dài đời mình thêm được một vài gang tấc không?". Tín nhiệm hoàn toàn vào Thiên Chúa không có nghĩa là sống trong thụ động, mà là cộng tác với công việc của Thiên Chúa tùy ơn gọi của mỗi người: tự giúp mình thì trời sẽ giúp cho.

Thiên Chúa biết rõ chúng ta không phải là những con chim hay bông hoa ngoài đồng, mà là những con người phải làm việc để nuôi thân và góp phần xây dựng gia đình và xã hội. Chúa dạy chúng ta "trước hết hãy tìm" nghĩa là hẫy đặt đúng chỗ công việc: việc nào trước, việc nào sau. "Trước hết hãy lo tìm Nước Chúa và sự công chính của Ngài", lời này đặt nền tảng cho người Kitô hữu trong việc chọn lựa: Thiên Chúa phải chiếm chỗ ưu tiên trong con người và công việc của chúng ta, rồi đến việc cứu rỗi bản thân và đưa người khác về với Chúa; đảo lộn trật tự này tức là đi ngược thánh ý và chương trình của Thiên Chúa.

Ước gì Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta tự kiểm thảo xem từ trước đến giờ, chúng ta đã chọn Chúa hay chọn tiền bạc? Ðã quá lo lắng đến vật chât hay đã luôn tín nhiệm vào Thiên Chúa quan phòng? Xin Chúa cho chúng ta biết tìm kiếm trước hết Nước Chúa và sự thánh thiện, và tin chắc rằng Chúa sẽ ban cho chúng ta mọi sự khác mỗi khi chúng ta cần đến, vì Chúa là Cha chúng ta và hằng yêu thương săn sóc chúng ta.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Như loài chim

“Vì vậy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao?” (Mt. 6, 25-26)

Chim trời và hoa huệ ngoài đồng

Sống như loài chim. Chẳng phải lo đến cơm ăn áo mặc. Sống như vậy thật thảnh thơi tuyệt vời và không thiếu những vần thơ. Có những ngày nào đó, ta mong ước được sống như vậy. Nhưng cuộc sống còn đó với lắm đòi hỏi nhiêu khê. Chúng ta đâu phải là những cánh chim trời. Phải có tiền để mua lương thực và còn dành dụm đôi chút. Và mọi cái đều đắt đỏ, mỗi ngày lại đắt hơn. Những kẻ có đồng lương tối thiểu, hoặc những ai đành phải hưởng trợ cấp của chính phủ, thì ít có thích thú mơ ước được sống như loài chim. Chỉ những người giầu có, có lẽ có thể thực hiện được giấc mơ tương tự và có thể biến ước mơ thành hiện thực. Những người bình thường thường phải chắt chiu từng xu và cố dành dụm lấy vài đồng, bởi lẽ những ngày xấu và những tai ương biết đâu lại chẳng ập tới và thường nhanh hơn không ngờ.

Chúa Giêsu tỏ ra nghiêm chỉnh

Tất cả những điều trên đều đúng. Thế nhưng Chúa Giêsu không chế nhạo ai, khi Người mời gọi người ta sống như chim trời và hoa huệ ngoài đồng. Hãy hiểu cho đúng. Chúa không đòi hỏi ai phải tỏ ra hoàn toàn vô lo về những của cải vật chất. Điều Người mong muốn, chính là sự lo lắng kiếm tiền, và lo luôn luôn kiếm được nhiều tiền hơn, không được là nỗi bận tâm hàng đầu của ta. Ngoài chuyện ăn ngon mặc đẹp, còn có những chuyện khác quan trọng hơn trong cuộc đời. Ngoài chuyện bảo đảm tài chánh cho ngày mai, còn có chuyện khác bắt ta phải chú ý tới.

Sống cho một điều khác, chứ không phải sống vì tiền bạc. Sống không quá cồng kềnh. Sống luôn tin tưởng vào ngày mai. Sống hiến dâng từng giờ và từng giờ cho lòng yêu mến Thiên Chúa và yêu thương mọi người. Đó chính là lối sống Chúa Giêsu muốn đề nghị cho ta. Thật sự có kiểu sống nào tuyệt hảo hơn không?

 

Suy Niệm 3: Đâu là ‘trục’ của việc chúng ta kiếm tìm?

Nếu ta đọc đoạn Tin Mừng tuyệt diệu này, sau khi nghe tin tức hoặc nhìn xem sự lưu thông của một xa lộ qua khung cửa sổ, ta sẽ cảm thấy một tương phản gắt gao đến độ tự hỏi: cái gì là thật và cái gì là không thật? Trong thế giới chúng ta sống, đâu là sự tìm kiếm ưu tiên cho Nước Chúa và sự công chính của Người? Một thế giới sai trục đi về đâu, bởi vì “tỷ số tăng trưởng” của nó đã bị rối loạn? Trong suốt lịch sử đời sống nhân loại, con người đã chiều theo cám dỗ kiếm tìm không ngừng sự thụ hưởng vật chất, trong khi định mệnh con người lại là thiêng liêng. Ở đây, Chúa Kitô, bằng những từ ngữ bóng bẩy, mời gọi con người đi tìm cái chính yếu. Ngài không khuyên dạy sự phó thác thụ động nơi Chúa quan phòng, cũng không dạy việc khinh chê các nhu cầu thể xác và tinh thần, cũng không cổ võ một thứ lạc quan thuyết vô tư. Ngài chỉ nói lên điều nào cần trước nhất và điều nào phụ thuộc vào. Người môn đệ Chúa Kitô, đã trở nên con Thiên Chúa trong Đức Kitô, đương nhiên phải tìm kiếm trước nhất Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người; công việc dưới đất phải được suy tư, sắp xếp theo sự công chính của Nước này, và hoa quả của nó sẽ được Cha trên trời ban thêm cho.

Từ ngữ của thánh Mátthêu và thánh Gioan gặp nhau ở đây để nói lên rằng: phải đặt ưu tiên cho việc tìm kiếm Nước Trời. Nó phải được ưu đãi, và nếu cần, phải loại bỏ những gì làm cản trở bước tiến của nó. Cũng như Đức Kitô miệt mài trong việc tìm kiếm chuyên nhất Ý Chúa Cha và tìm thấy nơi đó niềm an vui, cũng thế, người Kitô hữu, noi gương Đức Kitô, phải tìm kiếm cũng một Thánh Ý này, vì đó là vận mệnh, là mức viên mãn của mình, và đồng thời cũng là sự thành đạt của xã hội loài người. Kiếm tìm Nước Chúa không phải là một việc làm giữa bao việc làm khác. Đây là việc làm chính. Nó liên lụy toàn con người. Hơn nữa sự kiếm tìm này giải thoát tâm hồn khỏi những lắng lo và bận tâm, vì Thiên Chúa chắc chắn sẽ ban cơm ăn áo mặc cho kẻ nào, sau khi đã làm việc cách bình thường, biết đặt tin tưởng nơi Thiên Chúa về những sự còn lại.

Đối với những nhu cầu vật chất, tôi có thái độ của người ngoại giáo hay Kitô giáo?

 

Suy Niệm 4: “Không ai có thể làm tôi hai chủ”

Vở kịch “Con người của mọi mùa” là một câu chuyện có thật về thánh Thomas More. Trong một màn, một người bạn gây áp lực buộc thánh nhân phải ký giấy xác nhận rằng cuộc hôn nhân giữa vua Henry VIII và Anne Boleyn là hợp pháp. Nếu không chịu ký, vua sẽ buộc tội ngài là phản quốc. Thánh nhân từ chối, vì Ngài nghĩ rằng cuộc hôn nhân này là bất hợp pháp. Người bạn của ngài giận dữ nói: “Anh cứ làm rối tung mọi thứ. Thực ra, tôi không biết cuộc hôn nhân này có hợp pháp không. Nhưng quỷ quái thật, Thomas, hãy nhìn vào danh sách này, anh biết chứ! Anh không thể thỏa hiệp vì tình bạn sao?”. Thomas More vẫn từ chối, ngài không thể làm tôi hai chủ được.

Chỗ nào trong cuộc đời tôi bị áp lực làm tôi hai chủ?

“Này con, đừng bao giờ tạo ra một tình bạn hoặc giữ một tình bạn bằng cách làm một điều sai trái”. (Robert E. Lee).

 

Suy Niệm 5: TIN VÀO CHÚA QUAN PHÒNG (Mt 6, 24-34)

Xem lại CN 8 TN A, Lễ mùng một Tết.

Khi nói đến khái niệm “Thiên Chúa là Đấng Quan Phòng”, ấy là lúc chúng ta nói đến sự can thiệp của Thiên Chúa cách nhiệm mầu, khiến con người không thể ngờ cũng như không thể hiểu được.

Tuy nhiên, sự quan phòng của Thiên Chúa không giống như kiểu quan niệm của những người không có niềm tin. Những người đó thường hay coi đó như là một định mệnh, hay số mệnh đã được ấn định trước cho mỗi người phải chịu một kiếp sống tốt hay xấu, sướng hay khổ, thành công hay thất bại giống như kiểu rút thăm, rút số ghi sẵn cái gì thì phải lãnh cái đó.

Nhưng quan phòng theo mặc khải của Thánh Kinh có hai vế: về phía Thiên Chúa, Người là Đấng Khôn Ngoan, đầy tình thương mến, hy sinh tận tụy lo toan cho con cái, luôn tìm dịp để ban phát cho con của mình những điều tốt đẹp nhất, đồng thời luôn bảo vệ để chúng được an lành; còn về phía con người, được mời gọi tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, vì không thể nào một người con xin cá, mà cha hay mẹ của mình lại cho rắn hay bọ cạp, xin bánh lại cho đá...

Hôm nay, Đức Giêsu kêu gọi các môn đệ và cũng là mời gọi mỗi người chúng ta: hãy tin tưởng vào một mình Thiên Chúa, không được “bắt cá hai tay”, tức là làm tôi hai chủ. Thiên Chúa, Đấng Yêu Thương luôn chăm sóc anh em mọi lúc. Hãy xem chim trời, hoa huệ ngoài đồng thì sẽ thấy được tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người là dường nào!

Tuy nhiên, sự tin tưởng vào Chúa không có tính cách thụ động, khoanh tay ngồi chờ theo kiểu: “Trời sinh voi, Trời sinh cỏ”, không phải thái độ vô vi, yếm thế, buông trôi. “Đức tin chân chính phải thể hiện bằng việc làm”, càng tin, càng phải đem “hết sức mình, hết lòng, hết trí khôn, hết linh hồn” cộng tác vào công trình sáng tạo và cứu thế của Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, ước gì tâm hồn chúng con được như em bé nằm gọn trong vòng tay Chúa để được Chúa yêu thương. Xin cho chúng con tin tưởng tuyệt đối vào tình thương của Chúa và biết cộng tác với Chúa trong công trình cứu độ mà Chúa đang thực hiện trong trần thế hôm nay. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 6: Người sẽ thêm cho

Suy niệm :

Chế độ nô lệ tưởng như đã không còn trên thế giới.

Nhưng ngày nay người ta vẫn nói đến những hình thức nô lệ mới.

Nước nghèo mất chủ quyền, chịu nô lệ cho nước giàu,

các phụ nữ trở nên nạn nhân của nô lệ tình dục,

trẻ em nô lệ cho chơi game, thanh niên nô lệ cho ma túy.

Xem ra khó tránh được chuyện bị làm nô lệ,

giữa một thế giới đề cao tự do và giải phóng.

Khi không muốn làm nô lệ cho ai,

con người lại trở nên nô lệ cho cái tôi ích kỷ.

Khi không chấp nhận lệ thuộc Đấng Tạo Hóa cao vời,

con người lại trở nên nô lệ cho các thụ tạo do mình tạo ra.

Đức Giêsu đặt chúng ta trước một chọn lựa.

“Anh em không thể đồng thời làm tôi Thiên Chúa và Tiền Của được.”

Nếu có hai chủ thì thế nào cũng yêu mến người này hơn người kia.

Giữa Thiên Chúa và Tiền Của, tôi sẽ gắn bó với ai hơn, tôi sẽ chọn ai?

Tôi không thể giả vờ thỏa hiệp để chọn cả hai, để được cả hai.

Thần Tài hứa hẹn cho tôi sự an toàn và hạnh phúc giả tạo,

còn Thiên Chúa hứa cho tôi hạnh phúc đích thực, vững bền.

Chỉ khi đặt Thiên Chúa lên trên mọi sự, tôi mới thật sự tự do.

Có sáu động từ lo trong bài Tin Mừng trên đây.

Đức Giêsu nhiều lần khuyên các môn đệ đừng lo (cc. 25. 31. 34).

Nhưng làm người ai lại không lo về ngày mai, trừ phi là trẻ thơ?

Trên thế giới bao người vẫn phải vật vã từng ngày với cơm ăn, nước uống?

Con người có thể sống vô tư như chim trời không

khi chim trời ngày nay cũng bị đe dọa không nơi trú ẩn?

Chúng ta cần hiểu cho đúng chữ lo của Đức Giêsu.

Ngài không dạy chúng ta sống vô trách nhiệm, phó mặc hay lười biếng.

Cái lo mà ta nên tránh là cái lo âu, lo sợ của người kém lòng tin (c. 30),

không tin rằng Thiên Chúa quý con người hơn mọi thụ tạo khác.

hơn giống chim trời, hơn hoa ngoài đồng nội.

Lo âu đó chi phối quá khiến người ta cứ loay hoay, bối rối tự hỏi:

ta sẽ ăn gì, uống gì hay mặc gì đây? (c. 31).

Lo âu này khiến người ta bất an và sợ hãi, vì là lo âu một mình,

quên rằng mình có Người Cha biết rõ những nhu cầu thiết yếu (c. 32),

và sẵn sàng lo cho mình những điều cần dùng (c. 33).

Lo âu này cũng khiến người ta tìm kiếm thỏa mãn nhu cầu của mình

hơn là ưu tiên tìm kiếm xây dựng Nước Thiên Chúa (c. 33).

Kitô hữu không phải là người ngây thơ, sống không lo ngày mai.

Kitô hữu là người biết lo liệu, lo toan cho cuộc sống của họ.

Nhưng họ không căng thẳng vì phải bơ vơ lo một mình.

Họ lo như một người con trưởng thành, cùng lo với Thiên Chúa Cha.

Họ lo một cách thư thái nhẹ nhàng như loài chim buổi sớm đi tìm thức ăn.

Kitô hữu nắm được chìa khóa của hạnh phúc, của no đủ và bình an.

Đó là cứ tìm kiếm Thiên Chúa trước tiên, mọi sự khác sẽ được ban dư dật.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa,

xin cho con luôn vui tươi.

dù có phải lo âu và thống khổ,

xin cho con đừng bao giờ khép lại với chính mình;

nhưng biết nghĩ đến những người quanh con,

những người - cũng như con -

đang cần một người bạn.

Nếu như con nên yếu đuối,

thì xin cho con biết yêu thương và sáng suốt hơn,

thông cảm và nhân từ hơn.

Nếu bàn tay con run rẩy,

thì xin giúp con luôn biết mở ra và cho đi.

Khi lâm tử,

xin cho con biết đón nhận khổ đau và bệnh tật

như một lời kinh.

Ước chi con sẽ chết trong khiêm hạ và tín thác,

như một lời xin vâng cuối cùng.

Và con về nhà Chúa,

để dự tiệc yêu thương muôn đời. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

 

SUY NIỆM:

1. Thiên Chúa và Tiền Của

Trong những thập niên vừa qua, đời sống của chúng ta có rất nhiều thay đổi, theo hướng càng ngày càng có có nhiều phương tiện, và những phương tiện này lại càng ngày càng cao cấp hay còn gọi là chất lượng cao, điều này có nghĩa là càng đắt tiền. Đó là những phương tiện liên quan đến nhu cầu ăn uống, may mặc, nhà ở, tiện nghi trong nhà, nhu cầu giải trí, nhu cầu truyền thông bằng điện thoại hay internet, nhu cầu đi lại, đi lại trong nước và ngoài nước, nhu cầu học tập… Vì thế, mọi người ai cũng cảm thấy có áp lực rất lớn, là phải có việc làm, và phải làm ra tiền, càng nhiều càng tốt.

Làm việc để có tiền có của, là điều tất yếu trong cuộc sống, nhưng ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm về sự tai hại của một cuộc sống chỉ chạy theo tiền của, chỉ chạy theo việc mua sắm các phương tiện, chỉ lo thỏa mãn những nhu cầu vật chất của mình. Lúc đó, người ta không còn làm chủ tiền của nữa, nhưng bị tiền của làm chủ, và hậu quả là làm thương tổn, thậm chí gây đổ vỡ những tương quan, vốn làm cho chúng ta sống hạnh phúc, đó là tình thương và sự liên đới trong cộng đoàn, gia đình, họ hàng, giữa các bạn hữu, trong lối xóm và xứ đạo.

Bởi lẽ, chúng ta không chỉ sống bằng tiền của, bằng phương tiện, bằng việc thỏa mãn nhu cầu, nhưng còn sống bằng tình thương mà Lời Chúa đem lại cho chúng ta. Một em bé cũng nhận ra và sống điều này, vì em không chỉ cần ăn, cần mặc, nhưng còn cần hơn nữa sự hiện diện yêu thương và lời âu yếm vỗ về an ủi của những người thân yêu. Thiếu tình thương, thì dù có tiền của, đời sống của chúng ta cũng trở thành chết chóc, thậm chí trở thành địa ngục. Chính vì thế, Đức Giê-su nói với chúng ta trong bài Tin Mừng:

Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa,
vừa làm tôi Tiền Của được. 
(c. 24)

Điều này không có nghĩa là, Chúa đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ tiền bạc của cải, vì làm sao sống mà không có tiền bạc và của cải, nhưng là sử dụng tiền của, như là phương tiện để ca tụng, tôn kính và phụng sự Chúa, để làm điều làm đẹp lòng Chúa. Nghĩa là, dùng tiền của để “tạo lấy bạn bè” (Lc 16, 9), để diễn tả sự hiệp thông, liên đới, diễn tả lòng biết ơn, lòng mến; và như những gì Chúa nói về những mối lo, chúng ta được mời gọi dùng của cải và đảm nhận đời mình với những những lựa chọn lớn bé và với tất cả những gì chúng ta có và chúng ta là, để tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người.

2. Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người

Đức Giê-su mời gọi chúng ta : “Đừng lo lắng”. Nhưng làm sao ở trên đời mà không có lo lắng, dù chúng ta sống trong ơn gọi nào ? Như một triết gia đã nói, “con người là một hữu thể lo lắng”. Trong lời giảng dạy của Đức Giê-su mà chúng ta vừa nghe, Ngài nói về những lo lắng của chúng ta đối với “cái ăn cái mặc”. “Cái ăn cái mặc”, xem ra nói chung đối với chúng ta, là những mối lo đã qua rồi và là những mối lo tầm thường. Qua rồi, vì chúng ta đã vượt qua cái thủa hàn vi “chạy gạo ăn hàng ngày” và mặc quần áo từ đời này truyền sang đời kia. Tầm thường, vì chúng ta có nhiều mối lo khác nghiêm trọng hơn.

Tuy nhiên, nếu chúng ta để tâm một chút, chúng ta sẽ nhận ra rằng, thật ra, mối lo về cái ăn cái mặc, tưởng là đã qua rồi và là tầm thường, nhưng vẫn còn đó : có thể mình không thiếu ăn thiếu mặc, nhưng mình lại chăm chút quá đáng, để tâm hay đòi hỏi quá đáng ; có những lúc hay sẽ đến lúc (có khi là đã đến rồi !) chúng ta tỏ ra “khó ăn khó mặc”. Ngoài ra, chúng ta cũng đừng quên, quanh chúng ta, trong xã hội và ở trên thế giới, còn biết bao người phải lo cho cái ăn cái mặc hằng ngày.

Tuy nhiên, chúng ta được mời gọi hiểu lời của Đức Giêsu ở một cấp độ khác, và ở cấp độ này, lời của Ngài mới có thể đụng chạm mọi người ở mọi thời và ở chiều sâu trong tâm hồn; đó là hiểu “cái ăn cái mặc”, mà Ngài nói tới, như là “mọi nhu cầu cần thiết” trong cuộc sống của chúng ta. Thế mà, trong đời sống hiện thời của chúng ta, chúng ta có rất nhiều nhu cầu cần thiết, cần thiết như và còn hơn “cái ăn cái mặc”: đó là : học tập, huấn luyện, việc làm, chỗ ở và các phương tiện đủ loại khác, chẳng hạn các phương tiện đi lại, truyền thông, tiện nghi, giải trí… Chính vì thế, lời của Đức Giêsu không nhất thiết chất vấn chúng ta về mối lo ăn mặc, hay về mối lo này mối lo kia, nhưng là về mối lo có nguy cơ cạnh tranh với việc tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, về mối lo choán ngợp chúng ta đến độ gạt qua một bên, thậm chí loại trừ việc tìm kiếm Thiên Chúa và những gì thuộc về Ngài.

Như khi làm thế, chúng ta có loại trừ Ngài ra khỏi cuộc sống của chúng ta được không?

– Khi mà mọi sự sẽ qua đi, và chỉ có Ngài là cùng đích và là điểm tới, là vĩnh hằng.

– Khi mà Ngài bao bọc chúng ta cả sau lẫn trước, bàn tay của Ngài đặt trên chúng ta, bằng ân huệ sự sống mỗi ngày (x. Tv 139).

– Khi mà chúng ta sống không nguyên bởi cái thú thỏa mãn mọi nhu cầu, cho dù cần thiết đến mức nào, nhưng nhất là còn sống bằng tương quan nhưng không, yêu thương, tha thứ, đón nhận, bao dung, cảm thông, biết ơn… được tác tạo và duy trì bởi và chỉ bởi Lời và Ngôi vị của Chúa mà thôi.

– Khi mà, những thử thách của cuộc đời, là điều không thể tránh được, sẽ buộc chúng ta phải đặt ra những câu hỏi tận căn: Tôi đang tìm gì hay đang tìm ai? Tôi sống cho bản thân, cho cái gì hay cho ai đó? Tôi sẽ phải chết, vậy đâu là lối đi và ý nghĩa đời tôi? Tôi sống theo ơn gọi hay theo thị hiếu, trào lưu?

– Khi mà sẽ đến lúc, lúc này có thể xẩy ra bất cứ lúc nào, phải buông xuôi tất cả, như thánh Phao-lô nói: “thời gian chẳng còn bao lâu nữa… bộ mặt thế giới này đang qua đi” (1Cr 7, 29.31)

Vậy, đâu là những mối lo của chúng ta trong thời điểm này ? Chúng ta có sắp xếp thứ tự ưu tiên cho các mối lo không ? Chúng ta có những mối lo về những điều nhân bản hơn, cao quí hơn và “thiêng liêng” hơn không? “Thiêng liêng” có nghĩa là trọn vẹn con người của tôi sống hay ước ao sống tương quan với Chúa trong mọi sự và ở mọi nơi mọi lúc ? Và nhất là, ngang qua những mối lo không thể tránh được của chúng ta, chúng ta tìm gì ? Đức Ki-tô hỏi từng người trong chúng ta vào thời điểm quan trọng này của thời gian : “Con tìm gì ?”

3. Xem xét và nhìn ngắm

Trong giáo huấn của mình Đức Giê-su còn đi xa hơn nữa để mời gọi chúng ta sống trong sự tín thác, nhưng không phải là sự tín thác tình cảm, ngây ngô hay mù quáng.

a. Xem xét

Để có thể điều hợp và định hướng những mối lo của chúng ta, Đức Giê-su trước hết mời gọi chúng ta hãy sử dụng lí trí để xem xét và cân nhắc các sự việc : “Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao?”, “Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay?”

Quả là chúng ta không thể sống mà không ăn, và có những lúc cần ăn ngon và ăn những thứ chúng ta ưa thích. Cũng thế, chúng ta không thể sống mà không mặc, và có những lúc cần mặc đồ đẹp và mặc những y phục mà chúng ta ước ao. Và cũng tương tự như thế đối với những nhu cầu khác mà chúng ta cần để có thể sống vui vẻ và hạnh phúc. Nhưng xét cho cùng, tất cả những điều đó không thể thay đổi sự sống của chúng ta ở mức độ căn bản : chúng ta sinh ra vào năm đó, năm con khỉ, con gà, con heo, con rắn, con ngựa, con chó hay con rồng… và là như thế, là Người Việt, đàn ông hay đàn bà, cao, trung bình hay thấp, đẹp, tàm tạm hay không được đẹp… Điều này có nghĩa là, dù có lo hay không lo, chúng ta không làm chủ được sự sống của chúng ta, vì đó là một ơn huệ tuyệt đối : chúng đã đón nhận sự sống và một ngày kia, chúng ta sẽ hoàn trả lại.

b. Nhìn ngắm

Và để chúng ta có thể tín thác nơi Thiên Chúa, Đức Giê-su còn mời gọi chúng ta nhìn xem và chiêm ngắm chim trên trời và hoa ngoài đồng để nhận ra sự chăm lo quảng đại và nhưng không của Thiên Chúa. Thánh Phanxicô Assisi đã có được kinh nghiệm thiêng liêng này khi dõi mắt theo con chim sẻ bé bỏng ở trong thiên nhiên. Sau đó, thánh nhân đã giũ bỏ mọi lo lắng và bắt đầu sống một cuộc sống mới trong niềm tín thác rất triệt để. Ngày nay, kinh nghiệm thiêng liêng này vẫn còn rất sống động nơi biết bao người sống linh đạo Phanxicô.

Lời Chúa trong các Thánh Vịnh về công trình sáng tạo, chẳng hạn Tv 8, Tv 19 và Tv 104, còn mời gọi chúng ta nhìm ngắm sao trời và những biến cố trong cuộc đời chúng ta để nhận ra sự hiện diện thi ân của Thiên Chúa, một Thiên Chúa không xa xôi, nhưng là “Cha của chúng ta”, một Thiên Chúa, muôn ngàn đời, vẫn trọn tình thương (x. Tv 136).

*  *  *

Nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa, Cha chúng ta, và đi vào tương quan con thảo với Ngài, và từ đó sống tương quan anh chị em với mọi người, đó chính là con đường để chúng ta xây dựng Nước Thiên Chúa và sống đức công chính của Người. Đức Giê-su đã đi và đi đến cùng con đường này, để trở thành Đường Đi của chúng ta ; và Ngài mời gọi chúng ta đi theo Người hôm nay.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

 

 

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận