Bài 15: Ý nghĩa và nội dung sự “ưng thuận” trong hôn nhân

Đăng lúc: Thứ năm - 18/09/2014 11:05 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
 
Bài  15: Ý NGHĨA VÀ NỘI DUNG SỰ “ƯNG THUẬN” TRONG HÔN NHÂN

 
 
Tất cả mọi khế ước được lập thành muốn cho hữu hiệu đều phải có yếu tố căn bản nầy l sự ưng thuận của đôi bên. Hôn nhân, xét như một khế ước, được lập thành do sự ưng thuận của hai bên. Sự ưng thuận này theo luật tự nhiên là thiết yếu và không thể thay thế được. Không một quyền lực nào của xã hội hay tôn giáo có thể áp đặt, tước bỏ sự ưng thuận. Nếu bị ép buộc thì khế ước không thành và mất hết mục đích riêng của nó. Vì thế khi đã ưng thuận với đầy đủ sáng suốt và tự do, khế ước hôn nhân tự nó được hoàn thành. Nói cách khác, sự ưng thuận làm thành việc kết hôn.
 
Để sự ưng thuận được gọi là ưng thuận đúng đắn và có khả năng làm cho giao ước hôn nhân được hữu hiệu, cần phải có những điều kiện sau đây:
 
I. Có khả năng bày tỏ sự ưng thuận.
 
Theo Giáo luật điều 1055 và 1057[1] thì sự ưng thuận trong hôn nhân không chỉ là một hành vi đơn thuần của ý chí, mà phải là một hành vi ý chí quy hướng về bản chất đối tượng của hôn nhân. Do đó sự ưng thuận trong hôn nhân không những phải  tự do, hoàn toàn và có trách nhiệm, mà còn phải phù hợp với đối tượng và bản chất của hôn nhân. Giáo luật xác định về sự ưng thuận trong hôn nhân:
 
1. Thiếu sự sử dụng đầy đủ lý trí khi bày tỏ sự ưng thuận (đ.1095, 1o)[2] 
 
Kiểu nói sử dụng đầy đủ lý trí có nghĩa là đương sự phải có điều kiện để sử dụng cách tự do, có sự hiểu biết và có ý muốn trong hành vi, đồng thời  ý thức trách nhiệm về hành vi đó.
 
Tòa Thượng Thẩm trong phán quyết ngày 4/2/1974 do Pinto làm chánh án (Monitor 100, 1975, tr.107) đã xác định trong trường hợp nào thì việc sử dụng trí khôn coi như không đầy đủ: người trưởng thành nhưng không có khả năng xử dụng trí khôn hay có khả năng nhưng đã mất; người trưởng thành có khả năng xử dụng trí khôn nhưng đã bị thương tổn nặng nề như trong trường hợp bị tâm bệnh; người trưởng thành có khả năng xử dụng trí khôn bình thường nhưng bị khiếm khuyết do những nguyên nhân bên ngoài như bị thôi miên, say rượu, ma túy.
 
2. Thiếu hiểu biết trầm trọng (đ.1095, 2o).
 
Việc lựa chọn một bậc sống đòi hỏi phải cĩ một sự trưởng thành tương xứng với bậc sống mình lựa chọn. Đối tượng và phẩm chất sự ưng thuận trong hôn nhân đòi hỏi người kết ước phải có sự trưởng thành cao, không những trong việc sử dụng lý trí mà còn trong việc xét định được những công việc khác trong đời sống. Vì thế Giáo luật quy định rằng những người thiếu sự hiểu biết trầm trọng về quyền lợi và bổn phận hôn nhân thì không thể kết hôn, vì sự thiếu hiểu biết nầy làm sai lạc tiến trình của ý muốn và ngăn cản đương sự quyết định kết hôn một cách tự do và ý thức.
 
Sự hiểu biết đúng nghĩa đó là khả năng nhận biết, đánh giá, suy xét và quyết định. Theo Giáo luật, đó là sự trưởng thành trong mối liên hệ vợ chồng và là khả năng tối thiểu để suy xét về đời sống gia đình mà họ quyết định dấn thân vào. Giáo luật điều 1096 xác định: Để có sự ưng thuận trong hôn nhân, đòi cả hai bên ít nhất phải hiểu biết hôn nhân là sự kết hợp bền bỉ giữa người nam và người nữ, nhằm sinh sản con cái bằng sự phối hợp tính dục.
 
3. Không có khả năng đảm đương những nghĩa vụ chính yếu của Hôn nhân (đ.1095, 3o).
 
Trong trường hợp nầy, ý muốn kết hôn được bày tỏ đúng đắn, nhưng đương sự lại thiếu khả năng để thi hành những điều mình hứa; muốn kết hôn nhưng lại không thể sống trọn đời sống hôn nhân. Sự bất khả này không cho phép chu toàn những nhiệm vụ cốt yếu để bảo đảm ở mức tối thiểu mối tương giao liên chủ thể làm nên một cộng đồng sống chung: duy nhất, trung thành, liên hệ tính dục khác phái, bất khả phân ly và làm cha mẹ có trách nhiệm. Nguyên nhân của sự bất khả này phải do nguồn gốc tâm lý. Ngày nay luật cũng chấp nhận những nguyên nhân do nguồn gốc tâm sinh lý như: luyến ái cùng giới tính, hội chứng chuyển giới tính hoặc tật giả trang, chứng cuồng dâm, bạo dâm, khổ dâm, vật dâm, lãnh cảm, mất khả năng tình dục[3].
 
4. Vô tri (đ.1096).
 
Để có thể bày tỏ ưng thuận một cách hữu hiệu, còn cần phải có sự hiểu biết tối thiểu về đời sống vợ chồng. Giáo luật đ.1096,1 gọi là đời sống chung vĩnh viễn giữa người nam và người nữ nhằm đến việc sinh sản con cái bằng sự phối hợp tính dục.
 
II. Sự ưng thuận tự do và sáng suốt (đ.1099).
 
Nghĩa l người kết hôn không bị lầm lẫn cũng như không bị ép buộc.
 
1. Lầm lẫn trong sự ưng thuận.
 
Sự lầm lẫn phát xuất do sự thiếu hiểu biết, đưa đến việc xét đoán hay đánh giá sai đối tượng. Lầm lẫn có thể về con người cụ thể mà mình muốn kết hôn (lầm lẫn sự việc) hay về yếu tính của hôn nhân (lầm lẫn về luật) kéo theo sự loại trừ một yếu tố quan trọng nào đó của hôn nhân.
 
Giáo luật đ.1097 nêu rõ:
 
1o. Hôn phối bất thành khi lầm lẫn về người.
2o. Lầm lẫn về phẩm cách của người mình kết hôn không làm cho hôn phối bất thành cho dù lầm lẫn ấy là lý do của việc kết ước, trừ khi phẩm cách đó được nhắm tới một cách trực tiếp và chính yếu.
 
Trường hợp nói ở triệt 1o ngày nay ít có, vì nam nữ có điều kiện gặp nhau và tìm hiểu nhau trước khi kết hôn. Nhưng trường hợp ở triệt 2o thường có do sự lừa dối[4], dấu diếm để đạt được sự ưng thuận.
 
2. Bạo lực và sợ hãi (đ.1103).
 
GL. đ.1103 - Hôn phối bất thành do áp lực hay sợ hãi nặng nề từ bên ngoài, cho dù không chủ ý trực tiếp gây ra, nhưng để thoát khỏi, người ta đành phải lựa chọn việc kết hôn.
 
Khoản giáo luật này nhằm bảo vệ sự tự do trong việc kết hôn. Bạo lực nhắm về phương diện thể lý, còn sợ hãi nhắm về áp lực tâm lý. Sợ hãi hay bạo lực phải do nguyên nhân bên ngoài, trầm trọng và là lý do khiến đương sự phải ưng thuận.
 
Ở Việt Nam, do chế độ gia đình, ảnh hưởng Đạo Hiếu, môn đăng hộ đối, nên các đôi bạn thường bị áp lực tâm lý từ cha mẹ, họ hàng, bắt phải ưng thuận người bạn đời theo ý của họ. Nếu chống lại thì có thể bị  ghét bỏ, hắt hủi hoặc đẩy đuổi. Do đó phải bằng lòng kết hôn. Việc kết hôn này không thành.
 
III. Sự ưng thuận chính thức và toàn vẹn (đ.1101).
 
Sự ưng thuận chính thức và toàn vẹn khi có tâm tình bên trong và được biểu lộ ra bên ngoài, không loại trừ một yếu tố nào của hôn nhân hoặc không đặt điều kiện cho việc kết hơn.
 
1. Loại trừ (đ.1101).
 
GL. đ.1101 §1- Cho phép suy đoán là có sự ưng thuận bên trong dựa trên những lời lẽ và cử chỉ bày tỏ bên ngoài lúc cử hành hôn phối.Nhưng cũng có hai trường hợp mà sự ưng thuận không được bày tỏ một cách toàn vẹn, đó là khi đương sự cố ý hoặc vô tình loại trừ sự cam kết hôn nhân hoặc một trong những yếu tố quan trọng của hôn nhân hoặc đặt điều kiện cho sự cam kết của mình.
 
GL. đ.1102 §2 - Xác quyết trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa bên trong và bên ngoài như thế thì việc kết hôn không thành. Sự loại bỏ là toàn phần khi bên ngoài thì đồng ý nhưng bên trong thì loại bỏ hoàn toàn việc cam kết. Sự loại bỏ là một phần khi đương sự bằng lòng kết hôn nhưng loại bỏ hay từ chối một trong những yếu tố quan trọng của hôn nhân[5].
 
2. Đặt điều kiện.
 
Hôn phối thiết lập với điều kiện đó là khi một trong hai người chủ tâm đặt điều kiện phải thực hiện thì việc cam kết mới hoàn thành. Theo Giáo luật, nếu đặt điều kiện về quá khứ hay về hiện tại thì hôn nhân thành sự hay không là tùy ở điều kiện đặt ra có hay không (đ.1102 §2). Ví dụ: tôi bằng lòng kết hôn với cô nếu cô còn trinh tiết. Nếu người nữ còn trinh, điều kiện đã hội đủ, sự ưng thuận và hôn phối hoàn thành. Nếu người nữ mất trinh, điều kiện đòi hỏi không thỏa mãn, không có sự ưng thuận.
 
Nếu đặt điều kiện về tương lai, việc kết hôn không thành (đ.1102 §1).
 
  Lm.Anphong Nguyễn Công Vinh
 
 

[1] X.tr.12  
[2] GL. đ.1095 -Không có khả năng kết hôn trong những trường hợp sau đây:
1o. Những người thiếu sử dụng lý trí đầy đủ.
2o. Những người thiếu hiểu biết trầm trọng về những quyền lợi và nghĩa vụ chính yếu của việc trao ban ơn đón nhận trong hôn nhân.
3o. Những người vì lý do tâm lý tự nhiên không có khả năng đảm đương những nghĩa vụ chính yếu của hôn nhân.
[3] CANDELIER (Gaston), Le droit de l’Eglise au Service des époux, Paris, édition Cerf, 1999, tr.167-177
[4] - K.1098- Kẻ kết hôn do bị lừa dối để ưng thuận về một phẩm cách nào đó của người phối ngẫu, mà phẩm cách ấy xét về chính bản chất có thể gây xáo trộn trầm trọng cho sự hòa hợp của đời sống lứa đôi, trường hợp đó việc kết hôn bất thành.
   - Coram STANKIEWICZ, 27/1/1974, Monitor ecclesiasticus, CXX, 1995, tr.341-367; 354-355.
[5] CANDELIER, (Gaston), “Le bonum prolis. Doctrine et évolution de la jurisprudence” in R.C.A 1999, XIe jounée d’étude, tr.135-165.

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận