Togo - những tháng ngày hạnh phúc của một linh mục trẻ

Đăng lúc: Thứ bảy - 26/09/2015 01:16 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

Togo - những tháng ngày hạnh phúc của một linh mục trẻ

Hơn 1.000 ngày phục vụ tại Togo phải đánh vật với căn bệnh sốt rét và cuộc sống đầy rẫy khó khăn và hiểm nguy, nhưng linh mục PX Nguyễn Phước Chân Lý, Dòng Ngôi Lời, lại cảm thấy đó là những tháng ngày hạnh phúc trong cuộc đời mục tử của mình.

Cha Chân Lý thăm mục vụ các gia đình

Vì linh đạo của Dòng Ngôi Lời là đi truyền giáo ở những vùng xa xôi hẻo lánh, nên ngay sau khi được thụ phong linh mục vào năm 2007, cha được bề trên sai đi mục vụ ở Togo - một đất nước ở phía Tây châu Phi. Từng đọc rất nhiều tài liệu nói về Phi châu, một vùng đất còn rất nhiều khó khăn trong đời sống, bất ổn chính trị và có nhiều loài muỗi độc gây bệnh sốt rét có thể làm chết người, nhưng cha Chân Lý vẫn hăng hái lên đường. “Tôi chọn câu nói của Thánh Luca “chính anh em hãy cho họ ăn” (Luca 9,13) làm kim chỉ nam cho đời linh mục, nên dù biết Togo  đầy rẫy nguy hiểm nhưng tôi vẫn lên đường với tất cả hăng hái. Vì tôi tin chắc rằng, cuộc sống càng khó khăn, vất vả thì người dân Togo sẽ rất cần đến của ăn thiêng liêng qua việc cử hành các bí tích”, cha tâm sự.

Cùng làm việc với người dân bản địa

Những ngày đầu đến Togo, cha ở thủ đô Lomé - nơi phát triển bậc nhất đất nước hình hạt đậu này, nên văn hóa và điều kiện sinh hoạt không quá khác biệt so với Việt Nam. Sau ba tháng làm quen, cha mới được cử về các bản làng ở vùng sâu vùng xa để làm mục vụ và nâng đỡ đời sống người dân. Đó là một bước lùi rất xa về văn hóa, kinh tế, cuộc sống và nhiều thứ khác so với Lomé. Người bản địa ở đây có phong tục “ăn bốc”, họ thưởng thức các món ăn bằng tay phải, không dùng tay trái vì cho rằng cử chỉ trên là mất lịch sự. Lý do là vì tay trái phụ thuộc vào các bộ phận khác của cơ thể nên dơ bẩn. Cha kể: “Ban đầu khi thấy người dân ở đây ăn bằng tay, tôi có chút ngạc nhiên vì Togo từng là thuộc địa của Anh và Pháp nhưng họ không ảnh hưởng văn hóa của hai đất nước phát triển này. Rồi tôi nghĩ muốn hiểu họ, muốn họ chia sẻ với mình thì phải hòa vào cuộc sống của họ vậy. Bởi thế nên khi được các gia đình Togo mời dùng cơm tôi đều dùng tay phải để lấy thức ăn như mọi người Togo. Nhờ đó mà chỉ sau một thời gian ngắn, họ đã coi tôi như người trong gia đình…”.

Giếng nước của cha Chân Lý đã giải quyết vấn đề nước sạch cho dân cư

Việc ăn uống tuy có đôi chút trở ngại với người tu sĩ dòng Ngôi Lời nhưng cách ăn mặc của phụ nữ Togo bản địa mới làm cha Lý lúng túng. Phụ nữ bản địa chỉ mặc áo khi tham dự thánh lễ, còn khi ra ngoài đồng làm việc, sinh hoạt thường ngày thì lại “cởi trần”. “Thật tình tôi đã rất ngỡ ngàng pha chút “sốc”, nhưng vì đó là văn hóa của họ, mình phải chấp nhận và nhờ lời cầu nguyện, tôi đã vượt qua để tiếp tục công việc”, cha chia sẻ.

Ở Togo và nhiều quốc gia khác ở châu Phi, nước sạch luôn là vấn đề nan giải. Người dân ở đây không chỉ lấy nước ở sông suối để sinh hoạt mà còn từ các vũng đọng để sử dụng. Nhìn những đứa trẻ cứ còi cọc, ghẻ lở vì thiếu nước sạch, cha Lý không đành. Vậy là cha tìm cách tìm nguồn tài trợ để khoan giếng nước sạch cho người dân bản địa. Vừa lo được chuyện nước sạch, cha lại ngược xuôi tìm thuốc giúp bà con chống chọi với bệnh sốt rét. Cha cho biết: “Ngoài bệnh đường ruột, ở Phi châu, trong đó có Togo, bệnh sốt rét vẫn chiếm tỷ lệ tử vong cao. Nhiều linh mục, tu sĩ truyền giáo đã mất mạng vì căn bệnh trên. Bản thân tôi cũng từng đối mặt với sốt rét nên hiểu rất rõ những đau đớn của người bệnh. Chính những điều đó đã thôi thúc tôi tìm nguồn thuốc để giúp họ vượt qua những khó khăn này”.

Hằng ngày cha vẫn thường sinh hoạt cùng với các gia đình dân bản địa

Dù được ví là Thụy Sĩ ở Tây Phi, nhưng người Togo vẫn tin vào phù thủy và bùa ngải. Họ hay tìm đến các thầy phù thủy khi gặp khó khăn hay mắc bệnh. Tại đất nước này, người ta còn có hẳn nhiều khu chợ chuyên biệt cho các phù thủy hoạt động và bán các dụng cụ phục vụ cho “nghề” này. Không bài xích, không lên án vì nghĩ đó là một phần tập quán Togo, mỗi tối cha kiên nhẫn mời người dân đọc kinh ngoài trời, hay đi đàng Thánh Giá chung, tìm cách nói cho họ biết về Thiên Chúa. Ngày này qua ngày khác, hình ảnh người phù thủy dần mất đi trong họ. Họ không còn đến với phù thủy mà đã đến cha, đến với Chúa khi gặp khó khăn trong cuộc sống. Ngay cả tục đa thê (người đàn ông tại nhiều quốc gia châu Phi, trong đó có Togo được cưới nhiều vợ ) đã giảm đi rất nhiều nơi những bản làng cha Lý làm mục vụ. Tại những buổi cơm ở các gia đình hay lúc gặp gỡ riêng với từng thanh niên, hoặc trong những buổi sinh hoạt tập thể và ngay cả trong thánh lễ, cha đã giúp người bản địa hiểu về giá trị và tình yêu của hôn nhân một vợ một chồng.

Trong các thánh lễ song ngữ (tiếng Pháp - ngôn ngữ chính của Togo và tiếng bản địa), cha còn đưa các điệu múa, lời ca mang đậm nét văn hóa Togo vào để họ đến với nhà thờ trong niềm vui, sự gần gũi, và hơn hết, cha quan niệm đó là cách giúp họ lưu giữ văn hóa của tổ tiên cha ông để lại. Chính vì vậy mà các thánh lễ của cha luôn thu hút rất đông giáo dân, từ trẻ nhỏ đến người già.

Một ngày của cha Lý khi còn ở Togo cứ tất bật chẳng khi nào ngừng nghỉ. Sáng sáng, ngài ra đồng làm việc cùng người dân; chiều về cùng nhau dâng lễ; tối đến, sân nhà xứ lại càng đông hơn vì tụi nhỏ trong vùng kéo nhau đến để học tiếng Pháp, học làm toán, học viết chữ do cha đứng lớp. Lớp học vừa xong cũng là lúc cha cùng giáo dân đọc kinh chung.

Sau ba năm phục vụ tại Togo, trở về Việt Nam, người mục tử có gương mặt phúc hậu này cũng đã mau chóng dấn thân trong rất nhiều hoạt động, đặc biệt là phục vụ người nghèo và bệnh nhân. Ngoài việc tham gia Caritas, phụ giúp quán cơm tình thương, cha còn là một linh mục “lưu động” đến các bệnh viện để ủi an và ban Bí tích Xức dầu, Hòa giải cho những bệnh nhân giờ sau hết và liệm xác cho người vô gia cư…

Nhớ tên cha và nghe cha kể về những công việc đã làm của mình, tôi chợt liên tưởng đến tên một thông điệp của Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI: “Bác ái trong chân lý”.

Cha Chân Lý đã làm bác ái như vậy!

Phong Lữ


Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 17 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận