Bài 18: Nghi Lễ Hôn Phối của Giáo Hội Công Giáo và Phong Tục Việt Nam

Đăng lúc: Thứ ba - 06/01/2015 17:08 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Bài 18
NGHI LỄ HÔN PHỐI CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VÀ PHONG TỤC VIỆT NAM
 
Lm.Anphong Nguyễn Công Vinh
 
 
 
Diễn tả giáo thuyết, phụng vụ hay mục vụ bằng ngôn ngữ của các nền văn hóa của các dân tộc đó là mối quan tâm lớn của Giáo Hội. Chúng ta phải phân biệt việc dùng ngôn ngữ hay đặc trưng của các nền văn hóa để diễn tả Tin mừng hoặc đem Tin mừng như men vào các nền văn hóa, để làm cho các nền văn hóa này thấm nhuần tinh thần Tin mừng (Phúc âm hóa) thì khác với Hội Nhập Văn Hóa hay thích nghi với các nền văn hóa. Hội nhập văn hóa hay Thích nghi với các nền văn hóa có nghĩa là uốn nắn Tin mừng sao cho trơn tru phù hợp với văn hóa địa phương. Cách thức này làm cho Tin mừng bị biến dạng, mất thế chủ động, có khi mất cả bản sắc. Giống như một người Việt khi đến định cư ở nước ngòai, phải hội nhập vào cuộc sống, cách sinh hoạt, phong tục ở nơi đó… nếu có gì riêng biệt của mình thì chỉ được bày tỏ cách riêng tư hay ngoại lệ.
 
Việc thích nghi,hoà nhập phong tục, tâm thức của người Việt Nam về cưới xin vào giáo thuyết và nghi thức hôn nhân của Giáo Hội không phải là đơn giản. Tuy nhiên, vẫn có những điểm có thể làm được.
 
I. Những yếu tố thuận lợi.
 
1. Sự đồng thuận của Giáo Hội toàn cầu[1].
 
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tuyên bố: “Đem phúc âm vào văn hóa là trọng tâm sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội”[2]. Thật vậy, ngay từ khởi đầu, trong việc truyền giáo, Giáo Hội đã  quan tâm đến hình thức giao lưu với các nền văn hóa. Thánh Phaolô đã trở thành mọi sự cho tất cả mọi người để đem mọi người về cho Chúa Giêsu, cho dù là dân ngoại hay Hy Lạp. Các thần học gia tiếp đó đã biết cách làm cho những điều cốt yếu của sứ điệp Đức Kitô trở nên dễ hiểu, dễ chấp nhận đối với những nền văn hóa chủ đạo thời các ngài.
 
Đối với các vị thừa sai ở Á Châu, Bản Chỉ Dẫn cho các vị Đại diện Tông Tòa năm 1659 nhắc nhở:
 
“Đừng vì nhiệt tình hay dùng lý lẽ mà bắt người ta thay đổi phong tục tập quán, trừ phi đối với những điều trái ngược với đạo giáo và luân lý […]. Đức tin không bài bác cũng không làm thương tổn các nghi lễ các phong tục của bất cứ dân tộc nào […]. Còn đối với các tập tục thực sự là xấu thì phải lợi dụng dịp thuận tiện để thuyết phục họ chấp nhận sự thật, để họ từ từ sửa đổi, chứ không được bĩu môi lắc đầu, im lặng hoặc dùng lời nói bài bác”[3].
 
Trong thời hiện đại, quan điểm giao lưu giữa Tin mừng với các nền văn hóa càng phát triển hơn. Đức Thánh Cha Bênêđíctô XV trong thông điệp Maximum Illud ngày 30/11/1919 nhắc nhở việc thành lập hàng giáo sĩ bản xứ để có thể hiểu hơn tâm tư của các dân tộc. Đức Thánh Cha Piô XII trong thông điệp Rerum Ecclesiae ngày 2/6/1951 nhân dịp kỷ niệm 25 năm thông điệp Evangelii Precones đã hướng dẫn nguyên tắc căn bản cho việc thích nghi truyền giáo như sau: “Khi các dân tộc đón nhận Tin mừng, không được làm phương hại hay phá bỏ bất cứ điều gì tốt đẹp, đáng quý nơi cá tính và tinh thần của họ. Phải làm sao để nghệ thuật, phong tục, kiến thức của họ đạt đến tầm mức cao hơn”.
 
Công Đồng Vaticanô II, trong hiến chế Gaudium et Spes dạy chúng ta: “Người ta nói đến nhiều nền văn hóa, đến những cách sống khác nhau […], những bậc thang giá trị khác nhau bắt nguồn trong cách thức riêng mà người ta xử dụng sự vật, làm việc, diễn tả tư tưởng, thực hành tôn giáo […], thiết lập các định chế pháp lý, phát triển khoa học, nghệ thuật và trau dồi cái đẹp”[4].
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu (Ecclesia in Asia) ngày 6/11/1999 đã viết:
 
“Trong quá trình gặp gỡ các nền văn hóa khác nhau của thế giới, Giáo Hội chẳng những truyền đạt các chân lý và giá trị của mình, cũng như đổi mới các nền văn hóa ấy từ bên trong, mà còn thu dụng nhiều yếu tố tích cực tìm thấy được từ các nền văn hóa khác nhau ấy. Đây là con đường bắt buộc các nhà truyền giáo phải đi qua khi giới thiệu đức tin Kitô Giáo và biến nó thành một phần trong di sản văn hóa của một dân tộc”[5].
 
“Người dân Châu Á rất tự hào về các giá trị tôn giáo và văn hóa của mình, như quý trọng sự thinh lặng và chiêm niệm, sống giản dị, hòa hợp, từ bỏ, bất bạo động, làm việc chăm chỉ, có kỷ luật, sống thanh đạm, ham học hỏi và truy tầm triết lý. Người Á Châu rất quý trọng các giá trị như tôn trọng sự sống, từ bi với mọi loài, gần gũi thiên nhiên, hiếu thảo với cha mẹ, người lớn và tổ tiên, ý thức rất mạnh về cộng đoàn. Cách riêng, họ coi gia đình là nguồn sức mạnh, là một cộng đoàn hết sức chặt chẽ có ý thức liên đới cao”[6].
 
Trong lãnh vực Phụng vụ, Công Đồng Vaticanô trong Hiến chế về Phụng vụ Thánh Sacrosanctum Concilium, đã bày tỏ ước mong duyệt lại nghi thức cử hành hôn phối:
 
“Nghi thức cử hành hôn phối, hiện có trong các sách nghi lễ Rôma, phải được duyệt lại và làm phong phú hơn, để ý nghĩa ân sủng của bí tích này được thêm rõ ràng và nhấn mạnh hơn nữa bổn phận của hai vợ chồng. Nếu miền nào, trong việc cử hành hôn phối mà có những tập tục và nghi lễ khác xứng đáng được chấp thuận, thì Công Đồng mong muốn họ cứ giữ nguyên những tập tục và nghi lễ đó. Ngoài ra thẩm quyền Giáo Hội địa phương, như đã bàn trong khoản 22 §2 của Hiến Chế này, có quyền soạn thảo, theo quy chế khoản 63, một nghi lễ riêng, thích hợp với tập quán của các địa phương và các dân tộc. Tuy nhiên phải duy trì luật này là vị linh mục chứng hôn phải hỏi và nhận lời ưng thuận của đôi bên cam kết”[7].
 
Huấn Thị thứ bốn về việc áp dụng Hiến chế Công Đồng ở số 57 đã xác định: Sách nghi thức cử hành hôn phối, khuyến khích phải được thích nghi, để không bị xa lạ với tập quán xã hội. Để thích nghi với phong tục từng nơi và từng dân tộc, Hội Đồng Giám Mục có thẩm quyền soạn nghi thức riêng cho việc cử hành hôn phối […][8].
 
Giáo luật điều 120 cũng dành quyền cho Hội Đồng Giám Mục được ra chỉ thị soạn một nghi thức riêng để dùng cho phù hợp với địa phương, phù hợp với tinh thần Kitô giáo, được sự chấp thuận của Tòa Thánh. Nghi thức này phải tôn trọng quy định về việc trao đổi lời cam kết ưng thuận trước mặt vị chứng hôn có thẩm quyền.
 
II. Mối quan tâm của Giáo Hội Việt Nam.
 
Ý thức được vai trò quan trọng của phong tục tập quán dân tộc trong việc rao giảng Tin Mừng, trong việc thích nghi văn hóa và việc thực hành đức tin Kitôgíao, Hội Đồng Giám Mục Miền Nam Việt Nam đã ban bố những chỉ thị về việc Tôn kính tổ tiên và các anh hùng liệt sĩ, trong Hội nghị tại Đà Lạt ngày 14/6/1965[9]. Sau đó trong Hội nghị tại Nha Trang ngày 14/11/1974, bảy Giám mục đã xác định 6 điểm cụ thể, trong đó điểm 4 đề cập đến hôn lễ: “Trong hôn lễ, dâu rể được làm lễ tổ, lễ gia tiên trước bàn thờ, giường tổ tiên, vì đó là nghi lễ tỏ lòng biết ơn, hiếu kính trình diện với ông bà”[10].
 
Từ đó tới nay mặc dầu không có thông báo nào nữa đề cập đến vấn đề này, nhưng Hội Đồng Giám Mục Việt Nam vẫn quan tâm nhắc nhở vấn đề thích nghi với truyền thống dân tộc, bằng cách này hay cách khác. Chắc chắn rồi đây Hội Đồng Giám Mục Việt Nam sẽ đi xa hơn để xử dụng quyền hạn mà Tòa Thánh ban nhượng về vấn đề này. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã khuyến khích: “Các Hội Đồng Giám Mục quốc gia và khu vực cần cộng tác mật thiết hơn với Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích để tìm ra những phương thế hữu hiệu cổ võ các hình thức thờ phượng thích hợp với bối cảnh Châu Á”[11].
 
III. Những giá trị ngoài Kitô giáo.
 
Mặc dầu có những khó khăn và dị biệt về nhiều phương diện, nhưng vẫn có những giá trị trong Tín ngưỡng Việt Nam cũng như các giá trị nhân bản có thể thích nghi với Tin mừng như việc thờ Trời, Tôn kính ông bà tổ tiên, đạo Hiếu, ý thức về tập thể, sự chung thủy hôn nhân, tín nghĩa, gia đình họ hàng. Nhờ những giá trị này và tinh thần làng xóm mà số ly dị của các gia đình Việt Nam ở mức thấp so với các nước khác[12].
Với những thuận lợi này, việc thích nghi phong tục tập quán dân tộc với giáo huấn của Giáo hội, néu được thực hiện nghiêm túc, chắc chắn sẽ góp phần không nhỏ trong việc làm ổn định và phát triển đời sống hôn nhân gia đình. (còn tiếp)
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

[1] POUPARD (Paul), L’E’glise au de’fi des cultures, Paris, édition Desclée, 1989, tr.20-29.
[2] JEAN-PAUL II, Discours au Conseil Pontifical dans l’ Eglise et Les Cultures, Bulletin du CPC,no 5,Cité du Vatican,1986.
[3] ALEXANDRE VII, « Instruction à l’usage des Vicaires Apostoliques en partance pour les Royaumes chinois de Tonkin et de Cochinchine », in Collectanea S.C. Propaganda Fide,t..1, Rome, Typographia polyglotta S.C. de Propaganda Fide, 1907, N­o 135, tr 42.
[4] CÔNG ĐỒNG VATICANO II, Hiến chế Vui Mừng và Hi Vọng, số 53, 3, Paris, édition du Centurion, 1967, tr. 284 285.
[5] JEAN PAUL II, L’Église en Asie,Exhortation apostolique post synodale Ecclesia in Asia, 6 novembre 1999, édition Pierre Téqui, p.56.
[6] nt. tr.14.
[7] CONCILE VATICAN II,Constitution sur La Sainte Liturgie,Paris, édition du Centurion, 1967,no 77,p. 182.
[8] ORDO CELEBRANDI MATRIMONIUM, editio typica altera.Praenotanda, no 4.
[9] HĐGM.VN, Vịêc tôn kính tổ tiên và các anh hùng liệt sĩ, thơng cáo của HĐGM.VN, Đà Lạt ngày 14.6.1965, trong La Documentation catholique, no 1466 1996, col.467-470.
[10] HĐGM.VN, Thông cáo của Các Giám mục Vịêt Nam về việc tôn kính tổ tiên, Nha Trang ngày 14.11.1974, trong tập san Sacerdos, số 156,1974,tr. 879-880.
[11] JEAN PAUL II, Ecclesia in Asia,id.,p.60.
[12] Thống kê của Toà Án Quốc Gia và những thông tin liên quan đến giađđình và phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ từ 1990-1997: 5% phụ nữ từ 15-49 tuổi ly dị lần đầu tiên. Miền Bắc, khu vực sông Hồng Hà: 3,3% li dị vào năm 1994. Khu vực phía Nam: li dị  5,6%.

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận