CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN NĂM C

St 18, 1-10a ; Cl 1, 24-28 ; Lc 10, 38-42

 

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca

38Khi ấy, Chúa Giêsu vào một làng kia và có một phụ nữ tên là Martha rước Người vào nhà mình. 39Bà có người em gái tên là Maria ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người. 40Martha bận rộn với việc thết đãi khách. Bà đứng lại thưa Người rằng: “Lạy Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao? Xin Thầy bảo em con giúp con với”. 41Nhưng Chúa đáp: “Martha, Martha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. 42Chỉ có một sự cần mà thôi: Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất”.

SUY NIỆM 1: LẮNG NGHE VÀ RAO GIẢNG

Lời Chúa:“Chỉ có một sự cần mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất” (Lc 10,42).

Nhập lễ:

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật XVI thường niên hôm nay cho chúng ta thấy hai thái độ đón tiếp Chúa Giêsu của hai chị em cô Maria và Mácta. Chúa Giêsu đã điều chỉnh thái độ của Mácta và đề cao thái độ lắng nghe Lời Chúa của Maria:

Một điều cần thiết mà thôi,

Ma - ri đã chọn suốt đời còn nguyên.

Lắng nghe Lời Chúa loan truyền,

Rồi đem áp dụng làm nền đối nhân.

Yêu người như Chúa hiến thân.

Hy sinh giúp đỡ thông phần khổ đau.

Hiệp dâng thánh lễ hôm nay, xin giúp chúng ta ý thức rằng: Thánh lễ là lúc chúng ta là những Maria ngồi dưới chân Chúa đểlắng nghe Lời Người. Xin cho chúng ta đến với Chúa như một người conđểlắng nghe và đón nhận Lời Chúa như Maria. Trong tâm tình đó, giờ đây chúng ta hãy thành tâm sám hối.

Sám hối:

X. Lạy Chúa, Chúa đã đến viếng thăm trần gian và ở lại với chúng con. Xin Chúa thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.

X. Lạy Chúa Kitô, Chúa đã được chị em Mácta và Maria đón rước vào nhà. Xin Chúa thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.

X. Lạy Chúa, Chúa ban Thánh Thần để hiệp nhất chúng con nên một trong gia đình Thiên Chúa. Xin Chúa thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.

Kết: Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.

CĐ: Amen.

Suy niệm:

Kính thưa quý ông bà anh chị em,

Trong đời sống xã hội loài người, xem ra ai cũng muốn được người ta tôn trọng và đón tiếp mình cách tử tế. Sự tôn trọng và lòng hiếu khách được xem là tài sản tinh thần và là sản phẩm văn hoá của mọi dân tộc, mọi quốc gia trên trái đất. Sự thân thiện và lòng hiếu khách là một đức tính tốt. Người hiếu khách là người có tinh thần lắng nghe và bác ái như hình ảnh các bài đọc phụng vụ Lời Chúa hôm nay muốn diễn tả cho chúng ta.

Thưa anh chị em, bài đọc I hôm nay trích từ sách Sáng thế diễn tả lòng hiếu khách của Abraham. Ông đã biểu lộ khéo léo tiếp đón các vị khách lạ: ông vừa lắng nghe, vừa lo chăm sóc nhu cầu ăn uống cho 3 người khách lạ. Không ngờ 3 vị khách này lại là sứ giả của Thiên Chúa và ông đã được báo tin vui là phần thưởng dành cho thái độ hiếu khách ấy: “Ðộ này sang năm, khi Ta trở lại thăm ông, thì cả hai vẫn còn mạnh khoẻ, và Sara bạn ông sẽ được một con trai”. Như thế, mọi người khách đến với ta đều là hình ảnh của Thiên Chúa. Sự ân cần và quí mến khách cũng là một cách tỏ lòng quí mến Chúa. Lòng hiếu khách ấy cũng được biểu lộ qua thái độ tiếp đón ân cần, quí mến của chị em Mácta và Maria. Cả hai cô đều vui mừng vì có Chúa đến viếng thăm. Thật là hạnh phúc cho gia đình chị em Mácta và Maria nay thật ấm áp vui tươi vì có Chúa hiện diện. Mỗi người trong hai chị em có một lối tiếp khách riêng. Mácta lăng xăng lo tiếp đón Chúa Giêsu. Lòng nhiệt thành này bày tỏ sự kính trọng của Mácta đối với Chúa Giêsu, cũng như nguyện vọng muốn dành cho Người một sự tiếp đón xứng đáng, một mình thôi chưa đủ, bà còn muốn lôi kéo em là Maria vào mối bận tâm của bà. Bà muốn Chúa Giêsu cũng chia sẻ quan điểm: “Lạy Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao? Xin Thầy bảo em con giúp con với”. Chúa Giêsu đánh giá cao sự hy sinh, phục vụ bận rộn của Mácta với lòng biết ơn nên Người không thể lên ánh Mácta và sự tiếp đón nồng hậu của bà. Đây là biểu hiện lòng kính trọng và quí khách của Mácta. Nhưng đối với Chúa Giêsu, có một nấc thang giá trị. Việc nghe Lời Chúa là điều cần thiết hơn hết, như thái độ của Maria ngồi dưới chân Chúa để nghe lời Người: “Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất”. Chúa đã đánh giá cao thái độ và cử chỉ của Maria. Đó là chọn chỗ nhất trong đời sống của mình, lắng nghe và chọn Chúa làm lẽ sống, làm gia nghiệp và là trọng tâm của đời mình.

Có câu chuyện kể rằng, tại bệnh viện một bé gái được đưa vào phẫu thuật. Bác sĩ nói: “Cháu ạ, trước khi giải phẫu, ta phải làm cho cháu ngủ đã! Cô bé dịu dàng đáp: Ồ, nếu bác làm cho cháu ngủ, xin để cháu cầu nguyện đã. Rồi em ngồi dậy sốt sắng cầu nguyện. Bây giờ cháu đi ngủ được rồi.” Sau đó, chính bác sĩ giải phẫu cũng âm thầm cầu nguyện, lần đầu tiên sau 30 năm khô khan. Ai biết sức mạnh nào nơi cô bé đã khơi dậy niềm tin nơi người lớn tuổi hơn mình ?

Kính thưa quý ông bà anh chị em,

Có lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện chúng ta mới biết được ý muốn của Chúa mà phục vụ đúng lúc, đúng yêu cầu. Có lắng nghe Lời Chúa chúng ta mới khám phá ra giá trị của đau khổ: chính nhờ đau khổ mà Chúa Giêsu đã cứu rỗi loài người, và cũng nhờ đau khổ mà mỗi người chúng ta có thể “bổ khuyết’ cuộc thương khó của Chúa Kitô để mọi người đón nhận Tin mừng cứu độ. Thực ra, cuộc khổ nạn của Chúa Kitô đã quá đủ để cứu rỗi loài người, nhưng Tin mừng cứu độ đó cần phải được rao giảng. Có lắng nghe Lời Chúa, người giao giảng và kẻ được giao giảng mới khám phá ra “mầu nhiệm ẩn giấu từ muôn thuở nay được tỏ bày”. Lắng nghe và rao giảng Lời Chúa là hai mặt của cùng một thái độ sống khi muốn tỏ bày lòng hiếu khách.

Nguyện xin Chúa giúp chúng ta đến với Chúa như một người con thảo, một người bạn thân tình tìm gặp Chúa, lắng nghe Lời Chúa, và đón nhận Lời Chúa như cô Maria, để hạt giống Lời Chúa sinh hoa kết quả dồi dào trong cuộc sống của chúng ta. Amen.

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang.

 

SUY NIỆM 2: GIA ĐÌNH CHỊ EM MARIA

Trong cuộc đời công khai giảng dạy, Chúa Giêsu được nhiều người thương mến và giúp đỡ. Trong số đó không thiếu những người phụ nữ đi theo Chúa, cách đặc biệt một gia đình mà Chúa thường đến thăm và quan tâm tận tình: gia đình của chị em bà Matta và Maria. Các Tin mừng ghi nhận ít là ba lần Chúa đến nhà chị em này (Ga 11, 1-45; 12, 1-11; Lc 10, 38-42).

Làng Bêtania

Nói đến gia đình Matta và Maria chúng ta không thể nào không nhắc đến một địa danh lịch sử, gắn liền với tên tuổi của hai Thánh nữ. Bêtania một làng nằm ở phía đông nam núi Cây dầu, thuộc vùng phụ cận Giêrusalem, trên đường nối liền với Giêricô. Nơi ở của Lazarô, Mátta và Maria (Ga 11,1). Là nơi Chúa cho Lazarô sống lại (Ga 11). Bêtania bây giờ là El-Azariyeh, “nhà của Lazarô”. Nhìn từ xa, làng Bêtania được mô tả như là “nơi tốt đẹp đáng ghi nhớ, nơi ẩn náu của sự bình yên, của nguồn yêu thương”. Bây giờ cũng chỉ là một làng nhỏ. Dân số hiện nay khoảng 5000 người. Bêtania ngày nay là vùng đất tự do, chẳng thuộc quản lý của Israel hay của Palestine. Từ Giêrusalem về Bêtania xe hơi chạy khỏang một giờ đồng hồ”.

Mátta và Maria

Câu chuyện Chúa Giêsu vào nhà Mátta và Maria nghỉ ngơi, khi cùng với các môn đệ đang  trên đường rao giảng Tin mừng, cho chúng ta một nét đẹp trong chân dung của người Tông đồ phục vụ anh chị em mình. Trong khi cô em là Maria đang ngồi lắng nghe lời chúa, thì Mátta tất bật với công việc một người nội trợ thật tuyệt vời. Chúa Giêsu không có ý xem nhẹ, thái độ đón tiếp của bà. Bởi Chúa cũng cần lắm những cộng sự viên năng nổ, năng động như Mátta. Nếu làm một cuộc so sánh hai chị em thì chúng ta phải khẳng định rằng: Maria là người thiên về đời sống nội tâm, còn Mátta thì hướng đến sự chia sẻ và trao ban. Cả hai đều là những cách thế thể hiện một tình yêu đón nhận từ Thiên Chúa và tặng ban cho con người. Vả lại, Maria là người em nên có khi hơi ỷ lại một chút, công việc bếp núc cũng có phần nặng nhọc và cần đến sự khéo léo và tài tình, nên dành cho người chị thì có lẻ tốt hơn.

Một lần khác, khi ra chào đón Chúa Giêsu vào thăm trong hòan cảnh người em mới qua đời, Mátta bộc bạch cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết. Nhưng bây giờ con biết: bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy” (Ga 11,21). Lazarô đã chết, thế nhưng Mátta vẫn tin rằng Chúa Giêsu là sự sống vĩnh cửu của con người. Nói cách khác Mátta tin nhận Thầy Giêsu là Đấng Thiên sai, Đấng Messia mà thiên Chúa tặng ban cho nhân loại.

Lắng nghe và thực thi Lời Chúa dạy

Tin mừng dù ghi nhận sự khác biệt của hai chị em Maria và Mát-ta trong việc đón nhận lời Chúa, một bên là tĩnh lặng của tâm hồn, một bên là xao động của từng đường gân thớ thịt. Thế nhưng không ai có thể phủ nhận con tim của cả hai đang dạt dào tình yêu mến Thiên Chúa một cách vô bờ bến, trong con người của Mát-ta và Maria.

Kết hợp những nét đẹp rạng ngời của cả hai chị em, mỗi người sẽ thấy được việc lắng nghe và thực thi lời Chúa, chỉ là hai cách thế diễn tả của một tình yêu Giêsu.

Lm Giacôbê Tạ Chúc

 

SUY NIỆM 3: NGHE và THỰC HÀNH

Tin mừng hôm nay kể chuyện hai chị em Matta và Maria đón tiếp Chúa Giêsu, mỗi người mỗi cách.

Cả hai cùng đón tiếp Chúa, nhưng Chúa lại nhẹ nhàng trách Matta quá tất bật, bận tâm phục vụ và khen Maria ngồi bên chân Chúa, lắng nghe Lời Chúa. Phải chăng qua đó Chúa đề cao con đường chiêm niệm, cầu nguyện hơn là sống hoạt động tông đồ bên ngoài? Và như thế, có gì mâu thuẫn với lời Chúa dạy phải cứu giúp anh em trong “dụ ngôn người Samatitanô nhân hậu” của Tin mừng tuần trước?. Thực ra, tiếp đón Chúa Giêsu như hai chị em Matta và Maria là đáng quý. Cả hai đã dành cho Chúa một sự tiếp đón nhiệt tình, thân mật. Matta lo việc bếp núc, chuẩn bị bữa cơm. Maria ngồi dưới chân Chúa lắng nghe. Mỗi người một cách, cố gắng làm vui lòng người khách đặc biệt với dáng vẻ uy nghi cao quý siêu thoát đang ghé thăm gia đình. Chúa Giêsu tán thưởng cả hai. Cả hai đã minh hoạ đầy đủ trọn vẹn Lề Luật của Thiên Chúa là kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Hành động của Matta và Maria là hai yếu tố cần thiết, nhưng có sự cần thiết hơn trước khi hành động là lắng nghe.

Maria ngồi bên chân Chúa với tâm thế lắng nghe. Cô không làm gì, không nói gì, chỉ ngồi nghe. Cô đón tiếp Chúa Giêsu với một phong cách tốt nhất.

Matta lo việc bếp núc, phục vụ ăn uống. Có lẽ Matta ganh tị với em nên khiếu nại với Chúa: “Thưa Thầy, em con để một mình con phục vụ mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay”. Matta trách em, nhưng cũng là một cách kể công và khoe mình quan trọng và có thể coi đó như một lời trách khéo đối với Chúa Giêsu.

Nhưng Chúa nhẹ nhàng đáp lại: “Matta, Matta ơi, con lo lắng bận rộn nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất“. Chúa đã khen Maria biết chọn phần tốt nhất. Chọn phần tốt nhất không phải là chọn làm nhiều, nhưng là biết nghe, hiểu và làm theo ý Chúa. Việc lắng nghe để nhận ra thánh ý Chúa nhiều khi đòi hỏi người ta phải biết cầu nguyện, phải giữ một tâm hồn thanh tĩnh và phải biết tập trung cao độ để nhận ra được thánh ý Chúa.

Người ta thường giải thích câu nói của Chúa Giêsu như một sự đề cao chiêm niệm trên hoạt động. Matta tiêu biểu cho đời sống hoạt động, lo lắng về những nhu cầu vật chất. Maria tiêu biểu cho đời sống chiêm niệm, lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện. Trên thiên đàng người ta chỉ còn chiêm ngắm Thiên Chúa trong niềm hạnh phúc vĩnh cữu. Như thế, Maria đã đạt tới cùng đích của đời sống Kitô hữu. “Phần hơn” của cô là ở chỗ đó. Có Chúa rồi thì còn gì hơn nữa!

Chúa Giêsu đón nhận sự phục vụ ân cần của Matta và đưa ra bậc thang giá trị, cần “chọn phần tốt nhất”. Chọn Lời Chúa và lắng nghe. Đó chính là “phần tốt nhất” như lời Tv 119: “Lạy Chúa, con đã nói, phần của con là tuân giữ Lời Ngài”. Lắng nghe Lời chính là xây dựng nhà mình trên đá (Lc 6,47-49). Lắng nghe Lời giúp tâm hồn trở thành mảnh đất trổ sinh hoa trái (Lc 8,4-15). Hạnh phúc của Đức Maria là “lắng nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 11,27-28).

Đối với Chúa Giêsu, cả hai cách phục vụ của Matta và Maria đều cần thiết và bổ túc cho nhau. Ðiều Chúa muốn nhắc cho Matta là: việc cốt yếu đối với người môn đệ là “nghe Lời Chúa và đem ra thực hành”. Nhiều lần, Chúa nói về điều cốt yếu ấy: “Phúc cho ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 11,28); “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8,21; Mt 12, 46-50; Mc 3, 31-35). Điều cốt yếu ở đây không phải là ưu tiên về thời gian (làm cái này trước rồi làm cái kia sau) hay số lượng (làm “việc Chúa” nhiều, làm “việc đời” ít)… nhưng ưu tiên về giá trị. Khi làm việc gì, nếu mình tận tình làm việc cho đẹp lòng Chúa, như Chúa muốn, thì mình vẫn đang chọn phần tốt nhất như cô Maria bởi vì mình vẫn đang qui chiếu về Chúa, đang lắng nghe lời Chúa và thi hành thánh ý Chúa về đời mình. Thánh Phaolô dạy: “Dù ăn, dù uống, dù làm bất cứ việc gì, anh chị em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1Cr 10,31).

Sách Giáo Lý Công Giáo diễn tả: “cầu nguyện thế nào thì sống như vậy” (số 2725). Đời sống Kitô hữu đích thực vừa là một hoạt động có chiêm niệm vừa là một chiêm niệm có hoạt động. (Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu, số 23). Cầu nguyện và hành động đều rất cần thiết cho đời sống Kitô hữu. Cần thực hiện cách quân bình và điều hòa trong cuộc sống hàng ngày.

Hoạt động và cầu nguyện là nhịp sống đời Kitô hữu. Cầu nguyện là linh hồn của hoạt động và hoạt động là kết quả của cầu nguyện. Cầu nguyện làm nền tảng cho mọi hoạt động.Nhờ cầu nguyện nên việc phục vụ tha nhân được tốt hơn. Mẹ Têrêxa Calcutta và các Nữ tu dù bận rộn công việc hằng ngày vẫn luôn dành thời giờ tham dự Thánh lễ, chầu Thánh Thể. Mẹ luôn là gương sáng cho các Nữ tu, cầu nguyện trước khi hoạt động. Mỗi ngày dành một giờ chầu Mình Thánh Chúa, sau đó mới đến các nơi nghèo nàn ở Calcutta để chăm sóc những người nghèo khổ hoặc đi vào trong các căn nhà tồi tàn giúp những người hấp hối được chết lành.

Tham dự Thánh lễ chính là lúc chúng ta như Maria ngồi dưới chân Chúa Giêsu lắng nghe Lời Ngài. Đến với Chúa, xin đừng dè sẻn cò kè thời giờ, đừng lật đật vội vã đến trễ về trước. Xin đừng đến với Chúa chỉ vì bắt buộc, miễn cưỡng, sợ tội. Hãy đến với Chúa như một người con thảo, đến để gặp Chúa, lắng nghe Lời Chúa, đến là vì lòng yêu mến Chúa và muốn sống hiếu thảo với Ngài mà thôi.

Thánh lễ cũng chính là lúc Chúa đến thăm và ban ơn sủng cho chúng ta. Hãy quý trọng sự hiện diện của Chúa. Hãy tham dự tích cực, linh động, cầu nguyện sốt mến, thưa chuyện với Chúa. Lời Chúa và Thánh Thể ban thêm cho chúng ta đức tin, tình yêu, sức mạnh, lòng can đảm và nhiệt huyết tông đồ để chúng ta dấn thân phục vụ anh em.

Lạy Chúa Giêsu,

Khi bị bao vây bởi muôn tiếng ồn ào, xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng.

Khi bị rã rời vì trăm công ngàn việc, xin cho con quý chuộng những lúc được an nghỉ trước nhan Chúa.

Khi bị xao động bởi những bận tâm và âu lo, xin cho con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa để nghe Lời Người.

Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng, xin cho con thoát được lên cao nhờ mang đôi cánh thần kỳ của sự cầu nguyện.

Lạy Chúa, ước gì tinh thần cầu nguyện thấm nhuần vào cả đời con.

Nhờ cầu nguyện, xin cho con gặp được con người thật của con và khuôn mặt thật của ChúaAmen.(Mana)

Linh mục Giuse Nguyễn Hữu An

SUY NIỆM 4: LỜI CHÚA LÀ PHẦN CHỌN TỐT NHẤT

Thoạt nghe, lời nhận xét của Chúa Giêsu dành cho Mácta thật bất ngờ và khá là sốc.Chắc hẳn có một sự hiểu lầm ở đây? Hãy tưởng tượng, Giêsu vào nhà thăm nhà chị em Mácta, và cả hai đều ngồi dưới chân Chúa Giêsu và lắng nghe Người. Nhiều giờ trôi qua, họ cứ ngồi trò chuyện, trao đổi... Cho đến khi Chúa Giêsu nói: “Thầy đói rồi, chúng con có gì cho Thầy ăn không?” Và chưa có gì được chuẩn bị sẵn sàng cả! Mácta không để chuyện đó xảy ra. Nhưng cô lại bị trách là “lo lắng bối rối nhiều chuyện quá”.

Cô Mácta, như hầu hết phụ nữ mọi thời, đều phải quán xuyến công việc gia đình. Khi có khách đến thăm, cô phải lo chuyện bếp núc, phục vụ và chuẩn bị nhiều thứ khác. Ta dễ dàng hình dung hình ảnh người chồng ngồi trò chuyện với khách, còn người vợ bận rộn nấu ăn trong bếp. Nhưng ở đây, có hai người phụ nữ, và một người không làm gì cả. Cô ấy ngồi lắng nghe Chúa nói. Và chính cô  lại là người được Chúa Giêsu khen ngợi. Tại sao lại như vậy? Chúa Giêsu có thiên vị quá không?

Chúng ta thấy lý do ở đây là vì Maria đã nhận biết Chúa Giêsu, vị khách của gia đình, chính là Ngôi Lời Thiên Chúa. Cô hiểu rằng, lắng nghe lời người cũng là lắng nghe Lời Thiên Chúa. Còn Mácta lại cảm thấy rất vinh dự được Chúa Giêsu đến viếng thăm nên không muốn có một sai sót nhỏ nào để bày tỏ lòng hiếu khách và phục vụ của mình. Vì thế, cô tất bật chuẩn bị một bữa tiệc thịnh soạn. Vấn đề là cô lo lắng tất cả mọi thứ để phục vụ vị khách quý của mình nhưng lại không quan tâm đến chính vị khách ấy. Có lẽ Mácta đã chuẩn bị những thứ mà cô cho là tốt nhất để thết đãi Đức Giêsu và các môn đệ của Người, và cô không còn thời gian để tìm hiểu xem Chúa Giêsu muốn gì và thích gì.

Chính lúc đó, Chúa Giêsu nói với cô: “Mácta, chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá, nhưng đó không phải là điều quan trọng nhất”. Điều quan trọng nhất không phải là phục vụ Chúa Giêsu hoặc làm cái gì đó cho Người, nhưng là lắng nghe lời Người dạy. Và Maria đã làm điều đó. Maria dành thời gian để ở lại với Chúa, lắng nghe Lời Chúa trước khi bắt đầu phục vụ Người.

Tin Mừng hôm nay soi sáng cho chúng ta nhìn lại đời sống Kitô hữu của mình. Giáo hội luôn mời gọi, nhắc nhở và khích lệ con cái mình sống tinh thần trách nhiệm trong Giáo hội cũng như ngoài xã hội ngang qua các hoạt động trong mọi lĩnh vực : từ thiện, bác ái, truyền giáo, phục vụ giáo xứ trong các hội đoàn, bảo vệ môi trường,... và đó là những việc mà chúng ta nên làm và phải làm.

Tuy nhiên, hôm nay Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta: “Hãy coi chừng! Đó là những việc nên làm nhưng không phải là việc quan trọng nhất. Dù phải quan tâm đến sứ mạng truyền giáo, bao gồm cả việc xây dựng một thế giới công bằng hơn, huynh đệ hơn, một thế giới hòa bình... nhưng đó vẫn chưa phải là việc ưu tiên! Việc trước tiên phải làm, đó là lắng nghe Lời Chúa. Nếu không, sẽ luôn có nguy cơ sống trong tình trạng ‘băn khoăn lo lắng nhiều chuyện’ mà lại không đạt được điều gì cả”. Nếu không có Lời Chúa hướng dẫn, chúng ta dễ làm những công việc của Chúa mà quên mất chính Chúa.

Điều này có thể chất vấn chúng ta. Chúa Giêsu không nói với chúng ta rằng hoạt động truyền giáo là không cần thiết. Thậm chí Người còn nói rằng phục vụ anh chị em mình, phục vụ nhân loại là một việc cần thiết. Nhưng trước hết, chúng ta phải lắng nghe Lời Chúa. Có biết bao Kitô hữu đã biết rõ điều này: họ chăm chỉ học hỏi và nghiên cứu Kinh thánh; trong các buổi cầu nguyện, các khóa tĩnh tâm, họ dành nhiều thời gian để lắng nghe và suy niệm Lời Chúa; trước bữa ăn, nhiều gia đình đọc một câu Lời Chúa; có nhiều người suy niệm Lời Chúa để xét mình trước khi nhận bí tích hòa giải, v.v… Lời Chúa sẽ giúp chúng ta, soi sáng và hướng dẫn chúng ta những phương thức hay nhất để yêu Chúa và yêu tha nhân, để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.

Tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, đây là thời gian đang nghỉ hè. Đa số chúng ta có nhiều thời gian hơn nên cũng là lúc thuận tiện để chúng ta nhìn lại cách chúng ta đang nghe và thực hành Lời Chúa như thế nào. Những thời điểm khác trong năm, chúng ta đều bận rộn, đều lo chạy đua với công việc. Trong thời gian nghỉ này, chúng ta hãy cố gắng dành những giây phút rảnh rỗi để đọc Kinh thánh, đọc Tin Mừng. Hãy dành cho mình những giây phút tĩnh lặng thực sự để lắng nghe xem Chúa đang nói gì với mình, Lời Chúa đang mời gọi mình điều gì. Một câu Lời Chúa thấm nhập trong tâm hồn có thể thay đổi cả một cuộc đời.

Hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta chọn phần tốt nhất, đó là dừng lại, cảm nếm và thưởng thức Lời Chúa, là nguồn lương thực mà Chúa muốn nuôi dưỡng đời sống linh hồn chúng ta nơi trần gian này.

Lm. Giuse Vũ Thái Hòa

 

SUY NIỆM 5: QUÀ TẶNG VÔ GIÁ

Khi Chúa Giê-su đến thăm nhà, cô Mác-ta đã dành cho Người một cuộc tiếp đón rất nồng nhiệt. Cô “tất bật lo việc phục vụ” Chúa thật chu đáo, Cô “băn khoăn lo lắng nhiều chuyện”… để cho Chúa được vui lòng. Thế mà chẳng được Chúa khen, lại còn bị trách là: “Sao con băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá!” Thế có oan không chứ?

Thật ra, Chúa Giê-su không có ý trách Mác-ta về việc phục vụ hầu hạ tận tình của cô. Chúa chỉ muốn lưu ý Mác-ta rằng: Điều cần thiết hơn cả là lắng nghe, là đón nhận lời Người. Cô Maria đã khôn ngoan chọn làm việc nầy (tức lắng nghe Lời Chúa) và Chúa Giê-su cho đó là chọn phần tốt nhất.

Maria đã chọn phần tốt nhất vì lắng nghe lời Chúa là việc làm hệ trọng nhất trên đời, là khai thác một kho tàng vô giá không có gì trên cõi đời nầy có thể sánh được, là nắm lấy bí quyết để được sống hạnh phúc muôn đời. ..

***

Hôm nay, Chúa Giê-su cũng lại đến nhà chúng ta và trao gởi cho chúng ta những tâm tình, những lời châu ngọc, những giáo huấn khôn ngoan… như Người đã trao ban cho cô Maria hôm xưa. Đó là cuốn Tin Mừng.

Để có thể trao tặng cho chúng ta cuốn Tin Mừng như chúng ta hiện có hôm nay, Chúa Giê-su đã phải ‘biên soạn’ rất công phu. Người đã phải mất đến ba mươi ba năm mới hoàn thành tác phẩm rất vĩ đại nầy.

Thật ra, Chúa Giê-su không viết Tin Mừng nhưng Người đã dệt nên Tin Mừng bằng ba mươi ba năm cuộc sống.

Tin Mừng của Chúa Giê-su được dệt bằng chính cuộc sống dương gian của Người, kể từ lúc đầu thai trong lòng Đức Maria, sinh ra trong chuồng bò, trốn lánh sang Ai Cập, trở về sống đời niên thiếu ở Na-da-rét, rồi lớn lên trong phấn đấu nhọc nhằn, đổ mồ hôi lao động đổi lấy áo cơm…

Tin Mừng của Đức Giê-su Ki-tô được tiếp tục dệt bằng ba năm thao thức rao giảng trên các nẻo đường Do-Thái, dệt bằng lòng yêu thương người tội lỗi, dệt bằng lòng thương xót các bệnh nhân và người đau khổ, dệt bằng lòng thứ tha vô hạn, bằng tình yêu không biên giới…

Tin Mừng Đức Giê-su được đan dệt bằng nước mắt và mồ hôi máu cùng nỗi buồn sầu quá đỗi trong vườn Cây Dầu, bằng roi đòn tươm máu, bằng vác thập giá đau thương, bằng những giọt máu cuối cùng vọt ra từ cạnh sườn bị đâm thâu trên thập giá…

Tin Mừng Đức Giê-su được thành hình như thế đó, không phải bằng chữ viết mà bằng cả cuộc đời, một cuộc đời sống cho tình yêu, chết cho tình yêu, yêu cho đến cùng…

Để trao tặng cho chúng ta một cuốn Tin Mừng, Đức Giê-su đã phải trả giá như vậy đó ! Vậy thì Tác Phẩm nầy đắt giá biết bao !

Tin Mừng Đức Giê-su cũng là kho tàng khôn ngoan siêu đẳng của Thiên Chúa, được Đức Giê-su đem từ trời xuống ban tặng cho thế gian để nhờ Tin Mừng của Người, loài người học được sự khôn ngoan của Thiên Chúa, được sống trong an bình và được vui hưởng hạnh phúc muôn đời trên thiên quốc.

So với sự khôn ngoan được Chúa Giê-su bày tỏ trong Tin Mừng, thì sự khôn ngoan của thế gian nầy chỉ là rơm rạ, cỏ rác!

Tóm lại, Tin Mừng là kho tàng trên hết mọi kho tàng, là nguồn mạch khôn ngoan trổi vượt khôn ngoan thế gian, là nguồn phát sinh hạnh phúc và sự sống, là con đường đưa tới sự sống đời đời. Đây là một công trình vĩ đại được hình thành suốt ba mươi ba năm dương thế của Thiên Chúa Ngôi Hai với sự chỉ đạo của Chúa Cha và sự cộng tác của Chúa Thánh Thần.

Công trình vĩ đại nầy, quà tặng vô giá nầy, kho tàng quý báu nầy được Thiên Chúa trân trọng trao vào tay chúng ta. Vậy mà chúng ta không muốn nhận. Chúng ta quá thờ ơ hờ hững với tặng phẩm cao quý nầy; như thế là xúc phạm đến Đấng đã trao ban.

Có lẽ cũng như Mác-ta ngày xưa, chúng ta “lo lắng băn khoăn về nhiều chuyện quá” nên chẳng còn tâm trí đâu mà nghĩ tới Tin Mừng; cõi lòng chúng ta đầy ắp những tham vọng trần thế, những ham muốn phàm trần nên không còn chỗ cho Tin Mừng của Chúa bén rễ. Đáng tiếc thay!

Hôm xưa, khi Chúa Giê-su đang giảng giữa đám đông, một phụ nữ thán phục Người quá đỗi nên đã cất tiếng ca tụng: “Phúc thay người Mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm !” Nhưng Chúa Giê-su trả lời người ấy rằng: “Đúng hơn phải nói rằng: “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa”. (Lc 11, 27-28)

Ước gì hôm nay chúng ta trân trọng đón nhận quà tặng vô giá Chúa ban là Tin Mừng sự sống và sốt sắng lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa, để mai ngày đáng được Thiên Chúa liệt vào hàng ngũ những người được hưởng phúc đời đời.

 

Lm. Ignatiô Trần Ngà

 

SUY NIỆM 6: LẮNG NGHE VÀ PHỤC VỤ

Trên đường tiến về Giêrusalem, Đức Giêsu dừng chân ở một thôn làng, ghé vào nhà hai chị em Mátta và Maria, hai bà có người em trai là Ladarô được Chúa Giêsu cho sống lại.  Hai phụ nữ đón tiếp Chúa bằng hai khuôn mặt bổ túc nhau, bằng hai phong cách khác nhau: Bà Mátta tất bật phục vụ dọn bàn ăn, còn bà Maria ngồi chuyện vãn với Chúa.  Một bà chị chuyên lo cho buổi gặp gỡ ‘không thiếu chi trên bàn ăn’, quan tâm đến vật chất nuôi sống con người.  Còn bà em chăm chú đối thoại và cung cấp thông tin như đáp ứng nhu cầu hiểu biết, chia sẽ vui buồn làm vơi đi niềm tâm sự có khi bực dọc thất bại và thành công của Chúa Giêsu.  Cả hai món ăn vật chất tinh thần đều cần thiết cho cuộc sống.

Trình thuật bài Tin mừng sẽ bị giản lược khô khan và mất đi tính phong phú nếu chỉ coi đây là một bài học lịch sự giao tế.  Dĩ nhiên đây không phải là đề tài luân lý về tiếp khách.  Trong Bài đọc 1, sách Sáng Thế (18,1-10a) cũng như bài Tin Mừng Luca (10,38-42), chính Thiên Chúa tự xuất hiện và cầu xin lòng hiếu khách, chính Người muốn đồng bàn với kẻ đón tiếp Người.  Thiên Chúa luôn đi bước trước trong gặp gỡ con người để mang lại cho con người niềm vui cứu độ cho dù việc xuất hiện của Người có khi làm xáo trộn cuộc sống bình thường.

Ba khách lạ huyền bí trong sách Sáng Thế (x. Bài Đọc 1), đó là ba thần sứ của Thiên Chúa xuất hiện đột ngột nơi cửa lều ông Ápraham “tại cụm sồi Mamrê vào lúc nóng nực nhất trong ngày và … đứng gần ông Ápraham” ông chạy ra đón và sụp lạy “xin ngài đừng đi qua mà không ghé thăm tôi tớ ngài”, và ông mở lời mời tam vị ở lại dùng bữa, các vị vui lòng chấp nhận lời mời dự tiệc của Ápraham.  Ông đã dọn thịt bê béo cho các thần sứ “rồi ông đứng hầu dưới gốc cây”.  Tin vui đến cuối bữa tiệc Thần sứ nói :“sang năm, tôi sẽ trở lại thăm ông và khi đó bà Xara vợ ông sẽ có một con trai” (St 18,1-10a).

Truyền Thống công giáo coi đây là lời loan báo về Thiên Chúa Ba Ngôi.  Các vị đã xuất hiện như những kẻ xa lạ, những nhân vật ngoài hành tinh, xin được tiếp đón, việc nầy làm xáo trộn cuộc sống thường nhật nơi gia đình Ápraham.  Tuy nhiên một khi các thần sứ ngự vào nhà ông và được trân trọng tiếp đón, các vị đã để lại tin vui to lớn cho hai ông bà son sẻ.

Gương mặt của người Khách lạ được nêu bật trong phụng vụ hôm nay.  Người khách lạ là trung tâm thu hút sự chú ý, Thiên Chúa được diễn tả như khách lạ đứng ngoài cửa và gõ, có khi được mô tả dưới dạng tân lang chờ đợi tân nương, hình ảnh đầy trìu mến, có khi như Đấng Sáng Tạo muốn kết hôn với tác phẩm mình tạo ra: “Đấng Tác Tạo người sẽ cưới ngươi về” như tiên tri Isaia diễn tả, có khi như người chủ vườn nho chờ đợi mùa hái trái bội thu.  Các hình ảnh diễn tả Thiên Chúa tình yêu khao khát tình yêu của tạo vật.  “Hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa của ngươi”.  Mệnh lệnh yêu thương nói lên điểm yếu của Thiên Chúa, Người van xin tình yêu nhân loại.  Van xin tình yêu là nhược điểm của Thiên Chúa.

Trong bài Tin Mừng Luca, bà Mátta tiếp đón Đức Giêsu xuất hiện đột ngột nơi nhà mình, bà cuống lên vì bữa ăn chưa được chuẩn bị, trong lúc đó bà Maria ngồi bình thản lắng nghe Đức Giêsu nói chuyện.  Tin Mừng không đối chọi hai phong cách đón tiếp của Mátta và của Maria.  Tuy nhiên có điểm chung, là mọi tiếp đón Thiên Chúa đều gây nên sự xáo trộn cho ngày sống, bởi vì Thiên Chúa luôn luôn đòi hỏi sự ưu tiên.  Ưu tiên được lắng nghe và ưu tiên được phục vụ.  Tiếp xúc với Người luôn đem lại sự bình an và tin vui cho cuộc sống.

Khi Thiên Chúa được tiếp đón, Người có thể dệt nên lịch sử cứu độ nơi con người tiếp rước, Người mang lại bình an và hạnh phúc, bởi chính Người là tình yêu thương.  Việc nầy đã xảy ra cho Xara, người đàn bà son sẻ, được diễm phúc mang thai vào lúc tuổi đã xế chiều, bà sinh ra Ixaác, người con thừa tự của lời Chúa hứa. 

Lịch sử được tiếp tục với Đức Maria, người phụ nữ tiếp đón thần sứ của Thiên Chúa và lắng nghe lời Chúa truyền và bà đã thật diễm phúc hơn mọi phụ nữ vì đã sinh hạ Đấng Cứu Thế.  Đón tiếp Thiên Chúa bằng việc làm và bằng lắng nghe lời Chúa, cả hai đều quan trọng.  Phụng vụ hôm nay chẳng phải đã kêu mời chúng ta thỉnh thoảng ngừng hoạt động để cầu nguyện, lắng nghe, gặp gỡ, đón tiếp vì biết đâu Thiên Chúa đang đứng ở ngoài và gõ cửa. Thiên Chúa luôn tôn trọng tự do của con người, chỉ biết ngỏ lời mà không áp đặt.

Người công giáo được kêu mời gặp gỡ Thiên Chúa trong cử hành phụng vụ ngày Chúa Nhật, một việc tôn thờ tập thể có tính cộng đoàn, một việc làm chính đáng, qua gặp gỡ nầy người tín hữu dâng lên Thiên Chúa tâm tình thờ lạy và cảm tạ cộng với biết bao vui buồn trong cuộc sống, cũng là lúc thuận tiện để cầu xin ơn trợ lực thần linh cho bao nhiêu nhu cầu nhân loại.  Gặp gỡ Thiên Chúa rồi đón nhận anh em là hai nhịp lắng nghe và phục vụ đó vậy.

Lạy Chúa, xin cho con biết đón tiếp anh em con, xin cho con biết mở rộng tâm hồn để đối thoại và lắng nghe, vì anh em là hình ảnh của Thiên Chúa, qua anh em Thiên Chúa gặp gỡ và đàm thoại với con. Amen.

Linh mục Lu-y Nguyễn Quang Vinh

SUY NIỆM 7:ĐIỀU CẦN THIẾT NHẤT TRONG ĐỜI LÀ GÌ ?

1. Điều cần thiết nhất cho đời người là thứ gì ?

Chúng ta sẽ gặp nhiều câu trả lời khác nhau. Có người sẽ bảo là tiền bạc của cải; có người sẽ bảo là chức quyền địa vị; có người cũng ao ước thành người mẫu; có người thì muốn hết tất cả những thứ đó luôn ! ! ! . . . Nhưng cũng có nhiều người bảo Thiên Chúa là trên hết, là cần thiết nhất, trong đó có mình, người đang viết những giòng này cho các bạn. “Tư tưởng hướng dẫn hành động”, suy nghĩ làm sao thì sẽ hành động như vậy. Không biết ông Putin đang nghĩ cái gì là trên hết ? Cứ xem ông hành động thì biết thôi ! !

2. Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay kể chuyện Chúa Giêsu và các môn đệ ghé nhà cô Matta ở làng Bêtania, một làng nhỏ cách thủ đô Giêrusalem hơn 10 km. Gia đình này Chúa Giêsu hay ghé lại, có ba chị em : Matta, Maria và người em trai út tên Lazaro, anh được nổi tiếng vì đã chết chôn bốn ngày trong mồ rồi, đã thối rồi, mà Chúa làm cho anh sống lại ngon lành.

Theo thường lệ, đến bất cứ chỗ nào, Chúa Giêsu luôn giảng dạy. Rất nhiều người đến nghe. Hôm đó cũng vậy.

Khách tới nhà không gà thì vịt. Chị cả Matta, tất bật chuyện nấu nướng trong bếp, nhiều người ăn mà ! Cô Maria mê nghe Chúa nói mà không chịu xuống bếp giúp chị mình một tay. Matta sao không nói thẳng với em gái mà lại đi mét với Chúa Giêsu ? Có thể vì Matta xem Chúa Giêsu như người nhà, là anh cả trong nhà, là cha là mẹ mình . “Em con để con làm việc một mình mà Thầy không quan tâm sao ? “. Xem ra cũng có chút trách móc. Và đây là câu Chúa trả lời cô Matta mà trở thành bài học cho mọi người, như là một chân lý ngàn đời : “ Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi, Maria đã chọn phần tốt nhất, và sẽ không bị lấy đi”! (Lc 10,42).

Vậy phần tốt nhất đó là cô Maria đã “lắng nghe” Lời Chúa. Chắc chắn hôm đó cũng có anh Lazaro trong đám thính giả.

3. Chuyện tất bật của cô Matta lo phục vụ ăn uống thì sao ? (Lc 10,40).

Xưa nay cứ tới ngày 29 tháng 7 là lễ kính thánh Matta mà thôi. Mãi cho đến năm 2021 Bộ Phụng Tự mới để ba chị em Matta, Maria và Lazaro mừng chung một ngày, cũng ngày 29.7.

Chuyện ăn uống hôm đó cũng rất là cần thiết. Không lẽ bảo Chúa làm phép lạ ? Không lẽ phải nhịn ăn hôm đó. Chủ nhà là Matta phải ra tay là chuyện đương nhiên. Matta cũng rất muốn nghe Chúa Giêsu nói mà.

Thông thường, có ăn mới sống, không ăn là chết. Đó là quy luật tự nhiên từ cây cỏ thảo mộc, con loài vật cho đến con người. Chuyện Matta tất bật là cần thiết cho hôm đó.

Chúa dựng nên con người có xác, có hồn. Linh hồn cũng phải ăn mới sống. “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”(Mt 4,1-11).

Cơm bánh nuôi ta phần xác, Lời Thiên Chúa nuôi ta phần hồn.

“ Thầy mới có Lời ban sự sống đời đời “ (Ga 6,68) Phêro đã khẳng định như thế.

4. Thánh lễ là một bữa ăn nuôi linh hồn.

Hội Thánh xưa nay hay coi Thánh Lễ là một bữa tiệc, tiệc thánh. Tiệc là ăn ngon hơn bữa ăn thường. Bữa tiệc này có hai món ăn. Món ăn thứ nhứt là Lời Chúa. Khi kết thúc bài đọc trong thánh lễ thì người đọc dõng dạc tuyên bố: Đó là Lời Chúa. Món ăn thứ hai là Mình Máu Thánh Chúa. Hãy cầm lấy mà ăn, hãy cầm lấy mà uống: Này là Mình Thầy, này là chén Máu Thầy. Hãy siêng năng tham dự Thánh Lễ và tham dự sốt sắng để linh hồn ta luôn được “mạnh khỏe “.

5. Cái “tất bật” duy nhất của một số người thời nay là của ăn nuôi phần xác. Theo Chúa Giêsu dạy thì: “ Lời lãi cả và thế gian mà mất linh hồn thì đâu được ích gì ? “ (Lc 9,25). Họ quên rằng linh hồn mình cũng cần của ăn để sống !

Lời cầu :

Xin cho con biết lắng nghe, lời Ngài dạy con trong đêm tối. Xin cho con biết lắng nghe lời Ngài dạy con lúc lẻ loi. Xin cho con cất tiếng lên, trả lời vừa khi con nghe Chúa. Xin cho con biết thân thưa : Lạy Ngài, Ngài muốn con làm chi ?

Xin cho biết lắng nghe, lời Ngài dạy con trong cuộc sống. Xin cho con biết lắng nghe lời Ngài từng theo bước đời con . Xin cho con biết sẵn sàng, chờ đợi và vâng nghe theo Chúa. Xin cho biết sẵn sàng, thực hành lời Chúa đã truyền ban.

Lời Ngài là sức sống của con, lời Ngài là ánh sáng đời con, lời Ngài làm chứa chan hy vọng, là đường để con hằng dõi bước. Lời Ngài đượm chất ngất niềm vui, trọn vẹn ngàn tiếng hát đầy vơi. Lời Ngài đổi mới cho cuộc đời, lời Ngài hạnh phúc cho trần ai.AMEN

 Linh mục Phêrô Nguyễn Vân Đông