Mẹ

Mẹ
Trong truyện ngắn “Bố” trước đây của tôi, tôi đã khai rõ lai lịch không mấy tốt đẹp của tôi. Tôi chỉ là một đứa trẻ bị bỏ rơi được một ông thợ hàn nồi nhặt được trong một thùng rác công cộng đem về nuôi. Người mà tôi gọi bằng bố đã nuôi tôi lớn lên bằng mồ hôi, nước mắt, bằng sự nghèo túng, và nhất là bằng tất cả tình thương yêu. Bố đúng là thần tượng của tôi.
MẸ
 
            Trong truyện ngắn “Bố” trước đây của tôi, tôi đã khai rõ lai lịch không mấy tốt đẹp của tôi. Tôi chỉ là một đứa trẻ bị bỏ rơi được một ông thợ hàn nồi nhặt được trong một thùng rác công cộng đem về nuôi. Người mà tôi gọi bằng bố đã nuôi tôi lớn lên bằng mồ hôi, nước mắt, bằng sự nghèo túng, và nhất là bằng tất cả tình thương yêu. Bố đúng là thần tượng của tôi.
 
            Ơn Trời, tôi có được một thân hình coi được và một khuôn mặt dễ thương. Ơn bố, tôi có được một trình độ học vấn không đến nỗi nào. Không ít anh chàng xinh trai, con nhà giàu theo đuổi tôi. Nhưng khi đọc trên báo, trên internet, trên TV, cả ngay trong cuộc sống thực, nhan nhản những vụ cướp hiếp giết, những câu chuyện người ta yêu nhau rồi xa nhau, rồi nhân danh tình yêu, họ lợi dụng nhau, lường gạt nhau, phản bội nhau, thù ghét nhau, hãm hại nhau… làm tôi sợ. Hơn nữa, tôi chưa từng gặp được một người đàn ông nào có được một tư cách bằng một cái móng tay tư cách của bố.Tôi đổ bê tông làm hàng rào phòng thủ trái tim mình. Tôi không dám yêu, nên càng không dám lấy chồng. Cho đến khi anh ngỏ lời yêu tôi, thẳng thắn, không úp mở, vào thẳng trọng tâm:
 
            -Anh xin lỗi. Anh linh cảm thấy chúng ta thuộc về nhau. Anh không biết ngỏ lời thế nào. Anh xin cưới em, được không?
Tôi xù lông nhím tự vệ:
            -Bác cho em xin. Hãy để em quí mến bác như mọi người, như từ trước đến nay. Bác muốn biết em trả lời thế nào không? Never and never, không bao giờ và không bao giờ.
            Anh cười, hệt như nụ cười của bố, rồi nói, hệt như kiểu nói của bố:
            -Em đừng trả lời anh. Bao giờ hay không bao giờ cũng chẳng sao. Điều anh thao thức từ lâu đã được giải quyết. Anh đã nói với em điều cần nói. Câu trả lời của em thế nào cũng được. Vấn đề là sau này anh sẽ không hối tiếc vì mình đã không mở lời, không mở lòng ra.
            Con quỷ tò mò của người phụ nữ trong tôi cám dỗ tôi:
            -Nghe nói bác và chị Hồng yêu nhau từ lâu kia mà. Nói thật với bác, chị Hồng đẹp như thế, em là con gái mà còn muốn mê chị ấy nữa là bọn đàn ông các bác.
            Anh không có lấy một chút tế nhị nào đối với tôi:
            -Em cũng biết à? Phải công nhận là Hồng đẹp mê hồn, nhất là đôi môi, đến nỗi mà anh đã từng nghĩ rằng chỉ một lần được hôn lên đôi môi ấy, phải, chỉ một lần thôi, thì chết cũng cam lòng.
            Tôi ngượng tái mặt:
            -Thế thì sao bác không cưới người ta?
            -Mẹ anh không đồng ý!
            -Chắc bà là bà già nhà quê của tiền bán thế kỷ XX?
            -Vâng, mẹ là một bà già nhà quê, nhưng đối với anh, mẹ luôn luôn đúng.
            -Một thứ idol?
            -Còn hơn thế, dù mẹ không phải siêu sao, hay siêu mẫu. Rất đơn giản, rất tự nhiên, vì mẹ là mẹ, và anh là con, thế thôi.
            Tôi không để anh lạc đề:
             -Bác vẫn chưa trả lời em: sao bác không cưới chị Hồng?
            -Anh nói rồi : Mẹ anh không đồng ý!
            -Nhưng tại sao mẹ anh không đồng ý?
            Anh lửng lơ con cá vàng, hệt như kiểu của bố:
            -Vì…, nhưng thôi. Em biết là anh không bao giờ nói điều không tốt cho người vắng mặt.
            (Mãi sau này tôi mới được mẹ anh kể: Hôm đưa anh về chị Hồng về ra mắt mẹ, chị Hồng đi chợ, xuống bếp phụ giúp bà nấu nướng như một thợ nấu ăn lành nghề, nhưng khi bà làm bể một cái ly, chị buột miệng: “Đ.M. nó, chết cha rồi” thì không gì cứu vãn nổi. Sau đó, bà bảo anh: “Đôi môi đẹp như thế, thốt ra những lời thô tục như thế, chứng tỏ rằng nó có một bộ óc chuột, hoặc thiếu iod, một con người vô giáo dục”.)
            Anh cũng không lạc đề:
            -Anh hỏi lại: Anh xin cưới em, được không?
            -Không.
            -Con gái nói không là có thể. Anh chờ.
            Không biết anh có chờ tôi không, còn tôi mong đến cháy bỏng được gặp lại anh. Một tháng sau, anh mời tôi đi ăn cơm trưa. Lúc đứng lên ra về, tôi nhận ra anh cao hơn tôi một cái đầu theo nghĩa đen. Và tôi cũng cảm nhận được anh cao hơn tôi một cái đầu theo cả nghĩa bóng nữa. Anh nhắc lại lời cầu hôn. Tôi trả lời:
            -Để em xem. Có thể lắm.
            Anh cười, vui ra mặt, vồ vập:
            -Con gái nói có thể là có. Anh về thưa với mẹ, nhờ người sang thưa chuyện với các bác các chú của em.
 
*   *   *
          
 Ngày vu quy, có lẽ tôi làm hỏng cái ngày người ta gọi là ngày vui nhất của một đời người. Trước bàn thờ, trong nghi thức tưởng nhớ gia tiên, khi mọi người nghiêm trang hát: “Xin Chúa cho cha mẹ con được sống mãi sống hoài trong tình thương Chúa…”, tôi tủi thân xót phận quá. Tôi nhớ tới người mẹ mà tôi không một lần biết mặt đã bỏ rơi tôi. Rồi tôi nhớ tới bố. Di ảnh bố trên bàn thờ vẫn cười nụ cười bí ẩn của thiên thu. Mắt bố văn đăm đắm nhìn tôi. Tôi gọi thầm: “Bố ơi!”. Cảm xúc trong lòng tôi trào dâng, trào dâng mãi làm tôi nghẹn ngào. Tôi nghe thấy tiếng nấc của chính mình. Rồi tiếng nấc òa lên thành tiếng khóc. Tôi khóc như chưa bao giờ được khóc, khóc như gió như mưa. Người ta nhắc nhở tôi không được khóc để còn quay phim chụp ảnh và để ban tổ chức tiến hành các nghi thức. Tôi cố nén lòng nhưng không sao cầm được nước mắt. Khi mẹ anh đeo vào cổ tôi sợi dây chuyền, quà cưới cho tôi, tôi lí nhí:
-Con cám ơn mẹ.
Lần đầu tiên trong đời, tôi gọi một người là mẹ. Tôi biết, tôi đã có một người mẹ hoàn toàn thật, hoàn toàn chính danh để gắn bó suốt đời. Tôi lại xúc động, lại khóc. Người ta lại nhắc nhở tôi không được khóc. Tôi biết nước mắt làm trôi đi son phấn trên mặt tôi. Chắc là khuôn mặt người ta trang điểm cho tôi mấy tiếng đồng hồ, bây giờ nhem nhuốc, nhếch nhác, nhớp nhúa như một con ma lem. Nhưng anh, trong trang phục chú rể, lau nước mắt cho tôi, rồi ghé sát vào tai tôi:
            -Em cứ khóc đi, cho vơi nỗi niềm.
            Dường như anh là người duy nhất đọc được những giọt nước mắt của tôi. Sau này tôi hỏi, anh bảo: “Càng quý trọng nụ cười bao nhiêu, càng phải kính trọng nước mắt bấy nhiêu”.
 
*   *   *
            Chồng tôi là con một. Một mái nhà, một bà mẹ quê, một cặp vợ chồng son, tưởng rằng chẳng có gì phải phàn nàn, nhưng chưa hẳn như vậy. Những khi anh yêu thương chăm sóc tôi, mẹ có vẻ không vui, như thể tôi là kẻ cướp đi tình yêu thương của anh mà trước kia mẹ là người được độc quyền chiếm hữu. Nhiều khi tôi thầm hỏi: “Có khi nào mẹ ‘ghen’ với mình không?” Ơn Chúa, chúng tôi thành tâm với nhau, luôn đọc kinh chung với nhau, luôn cầu nguyện cho nhau, nên dần dần hiểu biết nhau, càng ngày càng thương yêu nhau hơn. Nhất là sau này, khi tôi đứa con trai đầu lòng thì cả gia đình chúng tôi đã nên một.
Ai đó đã nói rằng: “Cuộc đời không phải là một ngày hội, cũng không phải là một ngày tang tóc, mà là một ngày cần lao”. Quả thật, vui buồn đều qua, nhưng cuộc chiến đấu để kiếm miếng cơm manh áo quá khó khăn, vất vả. Vợ chồng tôi phải hoạch định cuộc sống gia đình một cách có trách nhiệm. Chúng tôi quyết chắt bóp, chí thú làm ăn. Chúng tôi kế hoạch hóa gia đình bằng phương pháp tự nhiên mà giáo luật cho phép, dự tính sẽ sinh con đầu lòng vào năm thứ ba sau khi cưới. Chẳng may, bị bể kế hoạch, cuối năm thứ ba, chúng tôi đã có hai đứa con trai, năm nay đã vào tiểu học, cu Bo lớp 3, cu Bin lớp1. Cả hai đều chăm ngoan. Xin cho tôi nói lại: May quá, nhờ bể kế hoạch, Chúa thương ban cho chúng tôi có hai đứa con trai. Tạ ơn Chúa muôn vàn, nhưng cũng phải cám ơn hai ông Ogino-Knauss vì cả hai đứa con của chúng tôi đều là kết quả nằm trong luật trừ, theo phương pháp của hai ông. Đặc biệt, phải cám ơn mẹ, vì không có mẹ, chúng tôi không biết xoay sở thế nào.
Một lần, mẹ đau nặng, luôn miệng than buồn. Hỏi, mẹ không nói. Mãi sau, mẹ mới gượng cười:
-Mẹ buồn vì con cháu vất vả thế kia mà mẹ chẳng giúp được gì. Với lại, nếu có mênh hệ nào, mẹ thương con cháu quá! Nhưng không sao đâu...
Ngay như trong cơn đau, mẹ cũng chẳng nghĩ gì cho mình, chỉ biết đến con cháu thôi. Tôi láu táu:
-Vâng, không sao đâu mà, chỉ mấy bữa là mẹ khỏe lại ngay.
Mẹ cười, không còn gượng cười nữa, mà chứa chan tin yêu:
-Mẹ mong Chúa thương ban cho mẹ khỏe lại như con nói. Nhưng con không hiểu mẹ rồi. Mẹ nói không sao đâu, có ý là nếu Chúa gọi mẹ về, các con vẫn có một người Mẹ Trên Trời luôn luôn chăm sóc, thương yêu các con gấp trăm gấp ngàn lần những người mẹ thế gian này.
Tôi hiểu.
*   *   *
         Thằng cu Bin hình như có năng khiếu âm nhạc. Mỗi buổi tối, cơm nước xong, nó ra đầu hè, ôm cây đàn guitar to hơn thân mình nó, tập đàn bản nhạc đầu đời: “Re fa sol la sol fa … lòng mẹ bao la như biển…”. Mẹ chồng tôi và tôi, chúng tôi nhìn nhau, bùi ngùi.