Thánh lễ an táng cha bề trên Phaolô Lê Tấn Thành - nguyên Giám đốc Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn.
- Thứ năm - 11/10/2018 10:05
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thánh lễ an táng cha bề trên Phaolô Lê Tấn Thành - nguyên Giám đốc Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn.
Thánh lễ an táng cha bề trên Phaolô Lê Tấn Thành được cử hành cách long trọng vào lúc 8g30 ngày 10.10.2018, tại lễ đài Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn (đối diện căn phòng cha bề trên ở 45 năm).
Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm chủ tế và giảng lễ. Đoàn đồng tế có Đức cha Tôma Nguyễn văn Trâm, Đức cha Antôn Vũ Huy Chương, Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ, Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo, Đức cha Louis Nguyễn Anh Tuấn, Đức cha Gioan Đỗ Đức Ngân, cha Tổng Đại diện Ignaxiô Hồ Văn Xuân, các cha quản Hạt trưởng, bề trên các dòng tu cùng đông đảo các linh mục học trò trong và ngoài giáo phận Sài Gòn. Đến hiệp dâng Thánh lễ có đông đảo quý tu sĩ nam nữ, gia đình và bà con giáo dân đến từ các giáo xứ.
Trước lễ, Lm Giuse Bùi Công Trác - Giám đốc ĐCV đọc tiểu sử cha cố Phaolô Lê Tấn Thành.
-11.12.1927: Sinh tại Thuận Giao Bình Dương
- 14.12.1927: Rửa tội tại Lái Thiêu
- 14.08.1939: Vào Tiểu chủng viện Thánh Giuse
- 11.08.1945: Vào Đại chủng viện Thánh Giuse
- 14.08.1953: Lên đường du học Pháp
- 11.08.1954: Chịu chức phó tế tại Paris
- 29.06.1955: Chịu chức linh mục tại Nhà thờ Đức Bà Paris
- 08.09.1960: Về Việt Nam
- 1960 - 2005: Phục vụ tại ĐCV Thánh Giuse
- 1987 - 1992: Phó giám đốc ĐCV Thánh Giuse
- 1992 - 2005: Giám Đốc ĐCV Thánh Giuse
- 2005 - 2018: Nghỉ hưu tại nhà hưu dưỡng Chí Hoà
- Ngày 07.10.2018, Lễ Đức Mẹ Mân Côi (cùng ngày giỗ cha Wibeau, bề trên tiên khởi), ngài đã về nhà Cha, hưởng thọ 91 tuổi với 63 năm linh mục.
Khởi đầu thánh lễ, Đức cha Phêrô ngỏ lời với cộng đoàn phụng vụ:
Chúng ta tụ họp chung quanh bàn thánh Chúa và chung quanh linh cửu cha bề trên Phaolô Lê Tấn Thành là một người anh em trong hàng linh mục, và cũng là một người thầy người cha đáng kính đáng mến. Mỗi thánh lễ đều là một lễ tế tạ ơn. Chúng ta dâng thánh lễ hôm nay để tạ ơn Chúa đã ban Đức Giêsu Kitô là quà tặng vô giá, đồng thời tạ ơn Chúa đã ban cho chúng ta cha bề trên Phaolô, một trong những trụ cột của TGP thành phố, một nhà đào tạo tâm huyết đối với nhiều thế hệ linh mục. Xin dâng ngài cho Chúa, Đấng mà suốt đời ngài đã tin tưởng và tận tụy phục vụ cho đến hơi thở cuối cùng.Xin Chúa đón nhận ngài vào nước của Chúa, nước của bình an niềm hạnh phúc trong Thánh Thần.
Đức cha Phêrô giảng lễ:
Kính thưa anh chị em,
Nếu có một phóng viên nào kể lại thánh lễ an táng hôm nay, thì tôi nghĩ là thế nào người ta cũng ghi nhận một điều rất đặc biệt, đó là trong thánh lễ này có sự hiện diện rất đông các linh mục. Và các linh mục đông hơn giáo dân đó là chuyện hiếm có. Các linh mục đông hơn giáo dân bởi vì các linh mục hiện diện ở đây không chỉ thuộc Tổng giáo phận Thành phố mà còn các linh mục thuộc giáo phận Mỹ Tho, Phú Cường, Bà Rịa, Xuân Lộc và cả Phan Thiết, Đà Lạt nữa. Và chỉ nguyên sự hiện của các linh mục từ nhiều giáo phận như thế cũng giúp cho chúng ta hiểu là vị linh mục mà chúng ta cử hành thánh lễ an táng và tiễn đưa ngày hôm nay là một nhà đạo tạo của nhiều thế hệ linh mục.
Cuộc đời của cha bề trên Phaolô gắn liền với chủng viện như cha giám đốc đại chủng viện đã giới thiệu trước thánh lễ. Sau khi chịu chức ở Paris và học xong ở Paris, ngài trở về nước năm 1960 và từ đó gắn bó với chủng viện cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2005. Khi về hưu, ngài ở nhà hưu Chí Hòa, nhưng trong mấy tuần cuối đời, khi ở trong bệnh viện để được điều trị, tôi nghe cha Tổng đại diện Tổng giáo phận Thành phố kể cho tôi là ngài chỉ mong được về chủng viện và mong gặp giám mục giáo phận để nói về chủng viện. Gợi ra một số chi tiết nho nhỏ để chúng ta thấy là, đối với cha bề trên Phaolô, có thể nói sứ vụ đào tạo linh mục ngài coi như là một sứ vụ Chúa trao cho ngài cách riêng đến nỗi ngài ăn ngủ với nó, hít thở nó, sống chết với nó, vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng vì nó, toàn tâm toàn ý cho sứ vụ đào tạo linh mục và chính vì thế mà hôm nay anh em linh mục chúng ta ở đây cách riêng có dịp nhớ lại người cha và người thầy của mình, nhớ lại chân dung của một nhà đào tạo.
Tôi biết chắc là mỗi một người trong anh em đều có những kỷ niệm rất riêng với cha bề trên Phaolô, nhưng tôi nghĩ rằng anh em sẽ đồng ý với tôi trong nhận xét này là, cha bề trên Phaolô là một cha giáo sống tinh thần nghèo khó, sống mối phúc đầu tiên trong BÀI GIẢNG TRÊN NÚI của Chúa Giêsu công bố ngày hôm nay: “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”. Tôi muốn nhìn tinh thần nghèo khó này trong ánh sáng của mầu nhiệm tự hủy mà cộng đoàn tín hữu sơ khởi hát lên trong thánh thi Philip và rất quen thuộc với chúng ta. Đức Giêsu Kitô vẫn là Thiên Chúa, nhưng đã không đòi hỏi cho mình được ngang hàng với Thiên Chúa và trái lại Người đã hủy mình ra không, mang lấy thân phận tôi đòi trở nên giống phàm nhân. Cha bề trên Phaolô đã sống tinh thần nghèo khó, tinh thần của mầu nhiệm tự hủy theo gương Chúa Giêsu Thầy Chí Thánh. Có nghĩa là ngài không nghĩ gì cho mình, không lo gì cho bản thân mình nhưng mà toàn tâm toàn ý chỉ lo cho sự nghiệp của Chúa thôi và một cách cụ thể là sứ vụ mà Chúa trao cho ngài sứ vụ đào tạo các linh mục cho Hội thánh của Chúa. Tôi nghĩ là, có như thế chúng ta mới hiểu được lối sống của cha bề trên Phaolô, một đàng ngài rất nghiêm khắc với học trò trong việc học hành cũng như trong kỷ luật chủng viện nhưng đàng khác ngài rất thương học trò nhất là những anh nào gặp khó khăn kể cả khi đã làm linh mục rồi.
Cha bề trên Phaolô là một nhà trí thức uyên thâm hiểu biết rộng, nhiều lĩnh vực chứ không chỉ là một lĩnh vực nhưng lại sống rất bình dân, bình dân từ cách ăn mặc cho đến lời ăn tiếng nói. Cha bề trên Phaolô là một người có uy tín lớn ở trong tổng giáo phận này, là cố vấn của nhiều giám mục, là thầy dạy của nhiều thế hệ linh mục nhưng lại sống rất đơn sơ, cư xử rất đơn sơ không tỏ vẻ gì là mình là người có quyền thế cả. Tôi nghĩ tất cả những điều đó là sự thể hiện ra bên ngoài tinh thần nghèo khó của mầu nhiệm hủy mình ra không mà ngài bước theo Chúa Giêsu. Như vậy, ngài lo việc đào tạo linh mục không chỉ là bằng cách trao cho học trò sự thông tuệ của kiến thức của mình mà còn trao cho học trò chính tấm gương sống của mình để họ trở nên linh mục như lòng Chúa mong ước, như Hội thánh đợi chờ.
Cho nên, kính thưa anh chị em, cách riêng anh em linh mục rất thân mến.
Chúng ta quy tụ ở đây để cùng nhau tạ ơn Chúa, tạ ơn Chúa vì Chúa đã ban cho Hội thánh Việt Nam và cách riêng cho tổng giáo phận, cho đại chủng viện này một nhà đào tạo nổi bật, một nhà đào tạo cống hiến toàn thân, toàn tâm, toàn ý cho công việc đào tạo linh mục cho Hội thánh của Chúa. Và cùng với tâm tình tạ ơn đó, anh em chúng ta cầu nguyện cho ngài, cám ơn ngài, giây phút này chẳng có cách nào tốt hơn là dâng lời cầu nguyện và tôi nghĩ là anh em linh mục chúng ta không chỉ cầu nguyện cho ngài ở đây nhưng mà khi trở về giáo xứ của mình cùng với giáo dân của mình dâng thánh lễ cầu nguyện cho cha bề trên Phaolô thân yêu.
Và cuối cùng, thưa anh chị em, tôi muốn mời anh chị em nghe lại bài đọc 2 trích từ thư thánh Phaolô gửi Timôthêô thư thứ 2: “Cha đã chiến đấu trong trận chiến chính nghĩa, đã chạy đến cùng đường và đã giữ vững đức tin”. Những lời này lại không phải là lời của cha bề trên Phaolô Lê Tấn Thành trong giây phút này hay sao? Và nếu như thế thì ước gì những tâm tình tiếp theo của thánh Phaolô cũng là xác tín của cha bề trên Phaolô thân yêu của chúng ta. Từ đây triều thiên công chính đã dành cho cha. Và trong ngày đó, Chúa là Đấng phán xét chí công sẽ trao lại cho cha mũ triều thiên ấy, nhưng không phải cho cha mà thôi, mà còn cho những kẻ yêu mến, trông đợi Người xuất hiện.
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban nhiều phần thưởng đời đời, ban triều thiên công chính cho cha bề trên chúng con. Amen.
Sau lời nguyện hiệp lễ, linh mục GB Nguyễn Minh Hùng đại diện dòng tộc dâng lời tri ân.
Đức cha Antôn Vũ Huy Chương cử hành nghi thức phó dâng và từ biệt cha cố Phaolô.
Sau đó, khi đưa linh cữu ngài được đưa đi hỏa táng ở Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa.
Thân xác từ bụi đất rồi trở về cát bụi, chờ đợi ngày thân xác sống lại trong sự sống bất diệt của Đức Kitô Phục sinh.Trong mạch thời gian, sự sống và cái chết đổi chỗ lẫn nhau. Sự sống thay đổi chứ không mất đi. Trầm tư trước cái chết để nghĩ về sự như nối dài cuộc sống bình thường đến cõi thiêng liêng. Con người sinh ra ở trần gian không phải để rồi vĩnh viễn cư ngụ tại đó, mà là khởi đầu một cuộc hành trình về với Chúa. Tham dự lễ an táng, với lời ca kinh hạt nguyện cầu, cùng với niềm xác tín vào Lời của Đấng Phục Sinh: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống, ai tin vào Thầy thì dù đã chết cũng sẽ được sống.Ai sống và tin vào Thầy sẽ không bao giờ phải chết”.
Con người càng lớn lao, càng giản dị. George Washington (1732-1799) là Tổng thống đầu tiên và được bình chọn là Tổng thống vĩ đại thứ hai của Hoa Kỳ sau Abraham Lincoln. George Washington được người dân Mỹ tôn sùng, vậy mà khi mất ông cũng chỉ yên nghỉ trong ngôi mộ rất bình thường không có gì đặc biệt so với ngôi mộ của những người khác… Tiếng tăm của một người để lại do cuộc đời tận tụy cống hiến, phụng sự cho đất nước chứ không phải do cái hào nhoáng bên ngoài của lăng mộ. Cuộc đời của cha bề trên Phaolô nhà đào tạo thánh thiện được tưởng thưởng bằng niềm hạnh phúc trong Nước Thiên Chúa. Trong sự tiễn đưa ấm áp nghĩa tình của các thế hệ linh mục học trò, trong sự đón nhận ấm áp của đất trời...cha bề trên thật sự vui mừng về với Thiên Chúa Tình Yêu.
Chính trong khát vọng về với Thiên Chúa, cội nguồn sự sống mà thi sĩ Tagore đã dâng lời kinh tha thiết:
“Như đàn hạc hoài hương
Bay thẳng về tổ ấm
Trên đỉnh núi vút cao
Qua vùng trời thăm thẳm
Lên tận chốn huyền siêu”. (Gitanjali 103,4).
Lm Giuse Nguyễn Hữu An