Tâm Tình Mục Tử tháng 4/2016

Tâm Tình Mục Tử tháng 4/2016
trọn vẹn tháng Tư lại trải ra trong ơn tha thứ và niềm hân hoan của Mùa Phục Sinh. Vì Chúa đã sống lại thật, Alleluia.
TÂM TÌNH MỤC TỬ tháng 4/2016

Anh chị em thân mến,
Nếu phần lớn tháng Ba thuộc về Mùa Chay vốn là thời gian đặc biệt của tâm tình sám hối, thì trọn vẹn tháng Tư lại trải ra trong ơn tha thứ và niềm hân hoan của Mùa Phục Sinh. Vì Chúa đã sống lại thật, Alleluia. Tuy nhiên giữa niềm vui trọng đại thiêng liêng mà cả thế giới công giáo cử hành, giáo phận Phan Thiết chúng ta cũng có những sự kiện nho nhỏ muốn được anh chị em ghi nhớ, hiệp thông và cầu nguyện.

1. Đại lễ Lòng Chúa Thương Xót

Kể từ năm 2000, đại lễ Lòng Chúa Thương Xót đã được đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thiết lập vào Chúa Nhật thứ hai Mùa Phục Sinh, vừa tôn vinh lòng Chúa thương xót như một thực tại bền vững và bao trùm, vừa tái xác tín vào lòng thương xót ấy giữa cuộc sống còn nhiều nhiễu nhương màu tử nạn, mong thắp lên niềm hy vọng Phục Sinh. Năm nay, đại lễ Lòng Chúa Thương Xót được tổ chức giữa lòng năm thánh về Lòng Thương Xót của Chúa, nên trước hết phải xem như là một cử hành đặc biệt khó có thể có lần thứ hai trong một đời người. Thật vậy, còn hơn cả những mùa riêng biệt như mùa Vọng, mùa Giáng Sinh, hay mùa Chay và mùa Phục Sinh vốn chì kéo dài mỗi mùa hơn kém một tháng trong vòng quay ơn thánh, Năm thánh Lòng Chúa Thương Xót kéo dài cả năm với những thuận tiện nhiều mặt của ơn cứu độ, cách riêng của ơn tha thứ đến từ lòng xót thương diệu kỳ của Chúa. Ngoài ra, cũng cần coi đại lễ Lòng Chúa Thương Xót như một thực hành phải được nhân rộng trong đời sống đức tin. Chọn khép lại Tuần bát nhật Phục Sinh với Chúa Nhật về lòng Thương Xót, Giáo Hội muốn khắc họa cho tín hữu hiểu thêm rằng: ơn cứu độ đến với từng người do lòng Thương Xót của Chúa, và mỗi người cần phải quy hướng về lòng Chúa Thương Xót để lớn lên trong cuộc sống đức tin.

Không phải vô tình mà bài Phúc Âm Chúa Nhật thứ hai mùa Phục Sinh với việc Đấng Phục Sinh hiện ra với ông Tôma được chọn làm phông nền diễn tả tấm lòng của Chúa, mà hữu ý thông qua những chi tiết cụ thể muốn nêu cao: trước hết lòng Thương Xót có sáng kiến mở toang những cửa lòng còn đóng kín; sau đó lòng Thương Xót sẽ gần gũi thân thiện đến nỗi có thể gọi đích danh tên từng người như gọi tên ông Tôma vậy; và cuối cùng lòng Thương Xót còn giúp mọi người được thăng tiến trong niềm tin. Từ ý hướng ấy, trên quy mô giáo phận, đại lễ Lòng Chúa Thương Xót sẽ được cử hành tại Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao buổi tối ngày 12/04 với nhiều sinh hoạt đạo đức sốt sắng, mong có thêm những thực hành xót thương đối với những người xung quanh. Hãy thương xót như Cha trên trời là Đấng hay thương xót.

2. Lễ hội cho người có hoàn cảnh đặc biệt

Ngày 18/04 có tên gọi là “ngày bảo vệ chăm sóc người khuyết tật”. Toàn xã hội được động viên để quan tâm đến những người có hoàn cảnh sống đặc biệt. Tuy không phải là lễ tôn giáo, nhưng vì tính nhân văn từ vòng tay tình người của nhiều kẻ gặp may mắn vươn ra nâng đỡ người ít may mắn hơn mình, và nhất là vì tính “chạnh thương” của những con tim nhân ái thích lại gần và chăm sóc người trong hoàn cảnh không giống như những người bình thường khác. Nếu “lương thiện” là kỷ luật đối với bản thân và “từ thiện” là quy tắc đối với người yếu thế, thì đối với anh chị em có hoàn cảnh đặc biệt, có lẽ ta phải dùng đến chữ “thánh thiện” vốn là quy định hướng con người lên Thiên Chúa, bởi vì họ chẳng có gì đáp trả lại cho ta đã đành, mà còn bởi vì họ là hình ảnh của Thiên Chúa nữa: “Bất cứ điều gì anh em làm cho một trong những kẻ bé mọn này là anh em làm cho chính Ta vậy”. Nếu đâu đó trong thần học thuộc thế giới thứ ba, người ta có nêu cao khẩu hiệu “người nghèo là bí tích của Thiên Chúa”, thì đã đạt được ý nghĩa tích cực của người nghèo xét như là dấu chỉ biểu thị, cho dẫu vẫn còn khoảng cách khó mà rút ngắn đối với tính hữu hiệu của dấu chỉ ấy. Dấu chỉ biểu thị thì tấm bảng chỉ đường nào cũng làm được, vai trò của nó là thế; còn dấu chỉ hữu hiệu thì chỉ bí tích của đạo công giáo mới làm được thôi, tức là vừa biểu thị ý nghĩa bên ngoài, vừa ban ơn thánh bên trong tâm hồn. Như vậy, “bảo vệ chăm sóc người khuyết tật”, đối với chúng ta, là một khía cạnh thuộc về giới luật tình yêu rộng lớn “Trước kính mến Đức Chúa Trời trên hết môi sự, sau là yêu người như mình ta vậy. Amen”.

Vì lý do mục vụ, tại giáo phận nhà, một ngày dành cho người có hoàn cảnh đặc biệt không phân biệt lương giáo sẽ được tổ chức tại Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao. Đó là Chúa Nhật 10/04, do Caritas giáo phận chủ trì, với các sinh hoạt ý nghĩa của các anh chị em thiện nguyện, tuy ở xa nhưng luôn muốn đến gần, tuy là lạ nhưng muốn thành thân quen, và nhất là luôn có một tấm lòng sẵn sàng, như kiểu nói của Trịnh Công Sơn, “để gió cuốn đi”.

3. Lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Đan Viện Cát Minh Phan Thiết

Và cuối cùng, xin thông báo với anh chị em một tin vui: ngày 16/04 sẽ là lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Đan viện Cát Minh Phan Thiết tại số 584 thôn Lập Đức, xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Đây là một biến cố được chờ đợi từ lâu, và được cầu nguyện kiên trì trong gần hai thập kỷ qua. Theo lời kể của những người liên hệ, dầu phải trải qua nhiều khó khăn thử thách, cả về nhân sự lẫn cơ sở vật chất, thậm chí có lúc nản chí muốn bỏ cuộc; nhưng nhờ sự nâng đỡ đặc biệt của ơn Chúa, nhờ sự bênh đỡ cách riêng của Đức cha Nicôla thuở ban đầu, và nhờ sự giúp đỡ không mỏi mệt của quý vị ân nhân, Đan viện Cát Minh hiện nay đã có thể hiện diện hợp pháp tại giáo phận Phan Thiết.

Đây là một đan viện, hay là dòng kín, tức là tu viện kín cổng cao tường cách ly khỏi những sinh hoạt xã hội, để chỉ chuyên chú vào thinh lặng chiêm niệm và cầu nguyện cho nhu cầu của Giáo Hội, từ Giáo Hội toàn cầu tới Giáo Hội địa phương. Chính vì sự hiện diện trong sứ mạng không thể thay thế này, nhiều nhà tu đức đã sánh ví sự hiện diện của đan viện ở một nơi như lá phổi trong thân thể con người. Như phổi qua nhịp hít thở thanh lọc máu đen thành máu đỏ luân chuyển nuôi khắp thân mình thế nào, thì mỗi đan viện tại một nơi với những sinh hoạt đạo đức âm thầm của mình, cũng hỗ trợ đắc lực cho các sinh hoạt mục vụ của Giáo Hội địa phương như vậy. Đan viện này mang tên Cát Minh vì thoát thai từ Đan viện Cát Minh Sài gòn, nên sẽ sống theo cùng một linh đạo, tổ chức theo cùng một quy luật như mô hình nền tảng tại nhà kín Lisieux, nơi mà vào năm 1861, bốn nữ tu đã ra đi để thành lập Dòng kín tại Việt Nam. Và cuối cùng, đan viện ở đâu thì gắn bó với Giáo Hội địa phương nơi đó, nên đan viện này khi được chính thức thành lập sẽ hiện diện độc lập và vĩnh viễn thuộc về giáo phận Phan Thiết. Xin chung vui với Dòng Cát Minh vì có thêm thành viên mới; giáo phận Phan Thiết hân hoan đón chào sự hiện diện chính thức của đan viện trong địa giới của mình; và cầu chúc cho lá phổi Cát Minh luôn khỏe mạnh, giúp cho thân mình Phan Thiết luôn mạnh khỏe trong sứ mạng phục vụ.
           
Anh chị em thân mến,
           
Đó là ba sự kiện nhỏ xin ghi nhận trong niềm vui lớn của lễ Phục Sinh. Xin anh chị em hiệp thông tâm tình chia sẻ và nhất là góp chung lời cầu nguyện, “Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm xin Chúa thương giúp sức cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen”.

+ Giuse Vũ Duy Thống
Gm. Gp. Phan Thiết