TÂM TÌNH MỤC TỬ tháng 8/2016

TÂM TÌNH MỤC TỬ tháng 8/2016
Tháng Tám, dầu không phải là tháng dành riêng tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria, nhưng vì đúng vào ngày 15 giữa tháng, có lễ trọng kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, là lễ mừng một trong những đặc ân cao trọng Đức Maria được hưởng, nên cũng có thể xem tháng Tám như là tháng trải ra trong tâm tình yêu mến Đức Mẹ
TÂM TÌNH MỤC TỬ tháng 8/2016
MẸ CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT

 
 
Anh chị em thân mến,
Tháng Tám, dầu không phải là tháng dành riêng tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria, nhưng vì đúng vào ngày 15 giữa tháng, có lễ trọng kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, là lễ mừng một trong những đặc ân cao trọng Đức Maria được hưởng, nên cũng có thể xem tháng Tám như là tháng trải ra trong tâm tình yêu mến Đức Mẹ. Cách riêng trong Năm thánh Lòng Chúa Thương Xót, tháng Tám nêu cao tấm gương Đức Maria ngời sáng khiêm cung đón nhận lòng thương xót của Chúa và hân hoan trở thành khí cụ chia sẻ lòng thương xót ấy, đồng thời cũng thúc giục mỗi người, bất luận trong bậc sống nào, hãy gắn bó cậy trông Đức Maria, Mẹ của lòng thương xót.

1. Đức Maria đón nhận lòng thương xót
Ngay từ những trang đầu của sách Phúc Âm, Đức Maria được nhắc đến như người nữ của lòng Chúa xót thương, vì Mẹ được Thiên Chúa ban dư tràn ơn phúc vượt trên mọi phụ nữ trong gia đình nhân loại. Chẳng phải nói nhiều lời, Kinh Kính Mừng đã toát lược và cô đọng lại những hồng ân Đức Maria đã nhận được từ tấm lòng xót thương vô biên của Thiên Chúa. “Kính mừng Maria đầy ơn phúc! Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu, Con lòng bà gồm phúc lạ”. Với góc nhìn chủ quan, Đức Mẹ được Chúa thương như thế nào thì chỉ riêng mình Mẹ biết; nhưng qua góc nhìn khách quan, những ơn phúc Chúa ban cho Đức Mẹ được Phúc Âm kể lại và Giáo Hội lưu truyền thì vô cùng, dù trong Giáo lý chỉ nhắc tới bốn đặc ân như: Mẹ Thiên Chúa; Mẹ Trọn Đời Đồng Trinh; Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội và Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Tự thân, mỗi đặc ân là một khía cạnh diễn tả lòng xót thương của Chúa bao trùm trên đời của Mẹ, nhưng mỗi đặc ân này cũng là một mầu nhiệm cho thấy sự tin yêu đón nhận của Đức Maria trước tấm lòng xót thương bao la của Thiên Chúa.
Tất nhiên, lòng thương xót là một tuyến đường hai chiều qua lại. Nếu không có ơn Chúa, con người chẳng thể làm được chi; nhưng nếu ơn Chúa không gặp được sự đón nhận và cộng tác của con người thì cũng khó có thể thấy được kết quả mong muốn. Đối với Chúa, không gì là không thể làm được, nhưng Chúa lại thích có sự hợp tác của con người và vui mừng để con người góp phần vào. Với biến cố Truyền Tin (x. Lc 1, 26-38), khi đáp lời “xin vâng” trước đề nghị của sứ thần, Đức Maria đã đón nhận Con Chúa xót thương đến làm người nơi Đức Giêsu cư ngụ trong cung lòng mình và qua mình sinh hạ cho trần thế. Chính khi khai quang tâm hồn, ơn Chúa mới có điều kiện để chảy ùa vào. Chỉ khi mở rộng lòng mình để khiêm tốn đón nhận thánh ý, con người mới hiểu ra nét đẹp cao cả của hồng ân Chúa. Đức Maria trong đời chỉ dám nhận mình là nữ tỳ hèn mọn trước nhan Chúa, nhưng chính Mẹ đã được Chúa xót thương trọn vẹn, để cất nhắc lên làm Mẹ của Con Một Ngài.

2. Đức Maria chia sẻ lòng thương xót
Đón nhận lòng thương xót của Chúa một cách khiêm tốn, Đức Maria đã biến tâm hồn mình thành thửa đất màu mỡ khiến hạt giống xót thương nảy nở vươn lên thành mạ non lúa tốt đem lại mùa màng phong phú, cách riêng nơi những hoạt động bác ái. Không phải vô tình mà chuyến Viếng Thăm bà chị họ Êlisabeth (x. Lc 1, 39-56) được thuật lại liền ngay sau chuyện Truyền Tin, mà là cố ý cho thấy có sự nối kết chặt chẽ của hai biến cố này. Nếu ở trình thuật Truyền Tin, Đức Maria được gián tiếp thông tin về bà Êlisabeth, tiếng là son sẻ nhưng đã được mang thai lúc tuổi già, thi ở trình thuật Thăm Viếng, Đức Mẹ lại trực tiếp chủ động “vội vã lên đường”. Trong Truyền Tin đã có mầm Thăm Viếng, và ngược lại, trong Thăm Viếng vẫn có đó niềm vui Truyền Tin. Người ta có thể lý giải sự vội vã của Mẹ bằng cách dựa vào vai vế tuổi tác: cô em 16 lên đường chúc mừng bà chị 61 là phải lẽ. Lễ nghĩa gia phong là thế. Nhưng thuận tình hơn, sự vội vã của Đức Mẹ chỉ có thể hiểu được đầy đủ khi hình dung đây là biến cố hai bà bầu đi đến thăm nhau và ở lại giúp nhau những lúc vượt cạn một mình.
Không đón nhận lòng thương xót đầy đủ trong ngày Truyền Tin, chắc sẽ không có dịp chia sẻ xót thương tận tình trong ngày Thăm Viếng. Trong mạch chảy xót thương, có thể ghi nhận rằng: bởi vỉ đã có đầy tràn ơn phúc qua tiếng chào của thiên sứ Gabriel dành cho Đức Maria, nên cũng có tràn lan hạnh phúc trong lời mừng của Đức Maria dành cho bà Êlisabeth. Đây không chỉ là chuyến thăm viếng của hai bà bầu, mà còn là chuyện gặp gỡ của hai thai nhi mở đầu cho mùa cứu độ. Giêsu-Đấng Cứu Thế đã gặp được Gioan-vị Tiền Hô dọn đường chờ đón. “Tiếng kêu trong sa mạc” đã gặp được “Lời” đem lại sự sống cho nhân loại. Chính vì thế, kinh Magnificat - lời ngợi khen lòng Chúa thương xót - đã được Đức Maria hát lên trong ngày Thăm Viếng với hết khẩu độ tâm tình: tâm tình riêng khi thốt lên “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới”; tâm tình chung với mọi người khi cảm nhận “Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người”; và tâm tình đau đáu của dân được Chúa tuyển chọn “Vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Abraham và cho con cháu đến muôn đời”.

3. Đức Maria thực thi lòng thương xót
Đối với Đức Maria, đón nhận và chia sẻ tình Chúa thương xót được hình dung như hai chiều của một tuyến đường, nhưng chính khi thể hiện cách nhuần nhị trong đời sống và cách tự nhiên qua phản xạ, theo kiểu diễn tả của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, giống như hai nhịp “tâm trương” và “tâm thu” của trái tim, Đức Maria đã trở nên khí cụ hữu hiệu để nêu gương làm chứng cho lòng thương xót của Chúa trong suốt hành trình đời sống dương thế. Chẳng phải tìm đâu xa, anh chị em hãy đọc lại trình thuật tiệc cưới Cana (x. Ga 2, 1-11) và đặt mình vào trong cảnh bối rối của đám cưới khi hết rượu, nhất vào tâm trạng của các môn đệ đầu tiên chân ướt chân ráo theo Thầy Giêsu, sẽ thấy tỏ hiện chân dung Đức Maria, Mẹ của lòng xót thương.
Xin nhớ: trong đám cưới Cana, Đức Maria chỉ là một khách mời, và việc của khách là chung vui thôi cũng đủ đẹp rồi. Các thực khách, ngay cả các môn đệ của Chúa Giêsu, đã chẳng làm như vậy, khi ăn thiệt tình và uống nhiệt tình đó sao? Nhưng Đức Maria thì khác. Mẹ là “Mẹ của Đức Giêsu”, mà Đức Giêsu chính là “Dung mạo của lòng Chúa thương xót”, nên tất cả những lời Mẹ nói và những việc Mẹ làm hôm đó đều làm chứng cho lòng Chúa thương xót một cách thiết thực: nhờ Mẹ mà Chúa Giêsu thực hiện dấu lạ đầu tiên để bày tỏ vinh quang của Người; nhờ Mẹ mà tiệc cưới dư tràn rượu ngon dâng cao hạnh phúc; và nhờ Mẹ mà các môn đệ được thêm tin tưởng vào Thầy chí thánh.
Chuyện dấu lạ từ tiệc cưới Cana chỉ xảy ra một lần, nhưng phong thái xót thương của Đức Maria từ đó đã trở thành quen thuộc trong tâm tình đạo đức của các tín hữu. Kinh cầu Đức Bà với phẩm tước gắn liền với danh xưng “Đức Mẹ; Đức Nữ; Đức Bà”, dẫu không minh nhiên nhắc đến lòng thương xót, cũng thấm đẫm tình yêu đùm bọc che chở phù trì, để ai đọc lên cũng cảm nghiệm như sống trong quỹ đạo của trái tim nhân ái: Ở đâu có Mẹ, ở đó có lòng thương xót. Chính kinh Salve Regina dâng lên Đức Mẹ trong giờ kinh tối hằng ngày cũng chỉ muốn tóm kết bằng cách khắc họa lại chân dung Đức Maria là Mẹ của lòng thương xót mà thôi: “Kính chào Đức Nữ Vương, Bà là Mẹ xót thương. Ngọt ngào cho cuộc sống, Kính chào Lẽ Cậy Trông!

Anh chị em thân mến,

Tháng Tám, như vậy, đích thực là tháng gắn liền với Đức Maria là Mẹ của lòng thương xót. Vì Mẹ đã nêu gương khiêm tốn đón nhận lòng Chúa thương xót và đã quảng đại chia sẻ lòng thương xót ấy cho người thân cận, và nhất nữa Mẹ đã trở nên Mẹ của lòng thương xót khi cứu giúp những ai thành tâm tìm đến cậy dựa nương nhờ. Từ đón nhận qua chia sẻ đến thực thi: anh chị em có thể xem đây như ba thái độ phải có trước lòng thương xót của Chúa, hoặc như ba bước thánh hóa cần thực hành mong tiến tới trên đường thương xót. Ước mong trong Tháng Tám này, anh chị em hãy sống tâm tình của những người biết nhận ra thân phận khốn cùng của mình mà bền bỉ cầu nguyện, cho mình cũng như cho mọi người, cách riêng mỗi khi đi ngang qua Tượng Đức Mẹ bằng lời nguyện tắt: “Salve Regina, Mater misricordiae! Kính chào Đức Nữ Vương, Bà là Mẹ xót thương!
 
+ Giuse Vũ Duy Thống
Gm. Gp. Phan Thiết