Cùng học phụng vụ, bài số 6

Cùng học phụng vụ, bài số 6
Những tên gọi thông dụng nhất là: Thánh Thể, Thánh lễ, Bữa tiệc của Chúa, lễ Bẻ Bánh, Cử hành Thánh Thể, Tưởng nhớ cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa, Hy lễ thánh, Phụng vụ thánh và Thần linh, Mầu nhiệm thánh, Bí tích thánh nơi bàn thờ, Hiệp lễ

PHẦN II-PHỤNG VỤ

Bài 06

BÍ TÍCH THÁNH THỂ

 

PDF

 

1- Tên gọi

Nguồn phong phú vô tận của Bí tích này được diễn tả qua nhiều tên gọi khác nhau, gợi lên những khía cạnh đặc biệt. Những tên gọi thông dụng nhất là: Thánh Thể, Thánh lễ, Bữa tiệc của Chúa, lễ Bẻ Bánh, Cử hành Thánh Thể, Tưởng nhớ cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa, Hy lễ thánh, Phụng vụ thánh và Thần linh, Mầu nhiệm thánh, Bí tích thánh nơi bàn thờ, Hiệp lễ. (TYGL. 275)

2- Người ban

Thừa tác viên Bí tích Thánh Thể là vị tư tế (Giám mục hay linh mục) đã được truyền chức thành sự; vị này cử hành trong cương vị (in Persona) Đức Kitô – Thủ lãnh và nhân danh Hội thánh. (TYGL. 278)

3- Người nhận

Để rước lễ, chúng ta phải hoàn toàn thuộc về Hội thánh Công giáo và sống trong tình trạng ân sủng, nghĩa là phải ý thức mình không có tội trọng. Ai ý thức mình đã phạm một tội trọng, phải lãnh nhận Bí tích Thống hối trước khi rước lễ. Cũng cần phải có sự tịnh tâm và cầu nguyện, giữ sự chay tịnh do Hội thánh qui định và có những thái độ bên ngoài xứng đáng (cử chỉ, cách ăn mặc) biểu lộ lòng tôn kính đối với Đức Kitô. (TYGL. 291)

Hội thánh khuyên các tín hữu, nếu có đủ điều kiện cần thiết, nên rước lễ mỗi khi tham dự Thánh lễ. Hội thánh buộc chúng ta rước lễ một năm ít là một lần trong mùa Phục sinh. (TYGL. 290)

Ai đã rước lễ rồi, thì có thể rước lễ một lần nữa trong ngày đó, nhưng chỉ trong Thánh Lễ mà họ tham dự. (GL. 917)

 

4- Nghi thức chính yếu

Bí tích Thánh Thể được cử hành trong Thánh Lễ, gồm hai phần chính, hợp thành một hành vi phụng tự duy nhất : Phụng vụ Lời Chúa gồm việc công bố và lắng nghe Lời Chúa, và Phụng vụ Thánh Thể gồm việc tiến dâng bánh rượu, kinh nguyện thánh thể (hay anaphore) và hiệp lễ. (TYGL. 256)

Dấu chỉ chính yếu của bí tích Thánh Thể là bánh miến và rượu nho. Trên bánh rượu này, chủ tế đọc lời cầu xin Thánh Thần và lời truyền phép, lời chính Chúa Giê-su đã nói tại bàn tiệc ly: " Này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con... Này là Chén Máu Thầy..." Nhờ lời truyền phép, bánh và rượu biến thể, trở thành Mình và Máu Chúa Ki-tô. Dưới hình bánh rượu đã được truyền phép, chính Chúa Ki-tô hằng sống và vinh quang hiện diện cách đích thực, thực sự và bản thể, với trọn thân xác, máu thịt, linh hồn và thiên tính. (GLHTCG. 1412-1413)

 5- Hiệu quả

Bí tích Thánh Thể được dâng lên như hy tế đền tội cho người sống cũng như kẻ chết và xin Thiên Chúa ban ơn lành hồn xác. (GLHTCG. 1414)

Khi rước Mình Máu Thánh, chúng ta được gắn bó chặt chẽ hơn với Ðức Ki-tô, được tha thứ các tội nhẹ và bảo vệ khỏi những tội trọng. Nhờ rước lễ, tình yêu của chúng ta với Ðức Ki-tô được mật thiết hơn, nên sự hiệp nhất trong Hội Thánh là nhiệm thể Người, được củng cố. (GLHTCG. 1416)

*Tìm hiểu thêm

Việc bẻ bánh không phân chia Đức Kitô. Người hiện diện trọn vẹn và toàn phần trong mỗi hình dạng Thánh Thể, và trong mỗi phần nhỏ của cả hai hình dạng đó. Sự hiện diện của Đức Kitô kéo dài bao lâu hình bánh ruợu đã truyền phép còn tồn tại. (TYGL. 284-285)

“biến thể” hay “biến đổi bản thể”, xem CĐTYGL-trang 41-42

 

 

Lm. Phêrô Nguyễn Hữu Duy