Cùng học phụng vụ, bài số 3

Cùng học phụng vụ, bài số 3
Các Bí tích là những dấu chỉ khả giác và hữu hiệu của ân sủng, do Đức Kitô thiết lập và ủy thác cho Hội thánh; qua các Bí tích, sự sống thần linh được trao ban cho chúng ta

 

CÙNG HỌC PHỤNG VỤ

11 - 2017

 

PHẦN II-PHỤNG VỤ

Bài 03

CÁC BÍ TÍCH

 

PDF

 

1- Chính Chúa Giêsu lập các Bí tích

Các Bí tích là những dấu chỉ khả giác và hữu hiệu của ân sủng, do Đức Kitô thiết lập và ủy thác cho Hội thánh; qua các Bí tích, sự sống thần linh được trao ban cho chúng ta. (TYGL. 224)

-bí : kín, ẩn ; tích : dấu vết ; bí tích : dấu vết kín ẩn (TĐCG)

2- Bảy Bí tích được chia ba nhóm

bảy Bí tích : Rửa tội, Thêm sức, Thánh Thể, Thống hối, Xức dầu bệnh nhân, Truyền chức thánh và Hôn phối. (TYGL. 224)

Người ta phân loại : các Bí tích khai tâm Kitô giáo (Rửa tội, Thêm sức và Thánh Thể), các Bí tích chữa lành (Thống hối và Xức dầu bệnh nhân), các Bí tích phục vụ cho sự hiệp thông và sứ vụ (Truyền chức thánh và Hôn phối). Bảy Bí tích liên quan đến những thời điểm quan trọng trong đời sống Kitô hữu. Tất cả các Bí tích đều hướng về Bí tích Thánh Thể “như mục đích đặc thù của mình” (thánh Tôma Aquinô). (TYGL. 250)

3- Các Bí tích “do Hội Thánh” và “cho Hội Thánh”

Đức Kitô đã ủy thác các Bí tích cho Hội thánh của Người. Các Bí tích này là “của Hội thánh” theo hai nghĩa : các Bí tích là “do Hội thánh,” vì các Bí tích là hoạt động của Hội thánh, (mà Hội Thánh) là Bí tích của hoạt động Đức Kitô; các Bí tích là “cho Hội thánh,” theo nghĩa là các Bí tích xây dựng Hội thánh. (TYGL. 226)

Kết hợp với Ðức Ki-tô là Ðầu "thành một chủ vị thần bí duy nhất" (Piô XII, thông điệp "Nhiệm Thể Chúa Ki-tô"), Hội Thánh cử hành các bí tích với tư cách là "cộng đoàn tư tế", có tổ chức. Nhờ bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, dân tư tế có khả năng cử hành Phụng Vụ; một số Ki-tô hữu "nhờ chức thánh, được đặt lên nhân danh Chúa Ki-tô để chăn dắt Hội Thánh bằng ân sủng và Lời Thiên Chúa. (GLHTCG. 1119)

4- Mục đích rất phong phú của các Bí tích

Các bí tích có mục đích thánh hóa con người, xây dựng Thân Thể Chúa Ki-tô và sau cùng thờ phượng Thiên Chúa. Tuy nhiên vì là những dấu chỉ, các bí tích còn giữ vai trò giáo huấn nữa. Không những các bí tích giả thiết phải có đức tin, mà còn dùng lời nói và sự vật để nuôi dưỡng, củng cố và diễn tả đức tin đó. Do đó, được gọi là các bí tích đức tin. (GLHTCG. 1123)

5- Hiệu quả “do sự”, hoa trái “do nhân”

Khi được cử hành đúng đắn trong đức tin, các bí tích trao ban ân sủng mà chúng biểu hiện. Các bí tích đều hữu hiệu vì chính Chúa Ki-tô hoạt động : chính Người rửa tội, chính Người hành động trong các bí tích để ban ân sủng mà bí tích biểu hiện. Chúa Cha luôn nhận lời khẩn nguyện đầy tin tưởng của Hội Thánh, khi Hội Thánh bày tỏ đức tin vào quyền năng Chúa Thánh Thần trong kinh nguyện Xin Ban Thánh Thần ở mỗi bí tích. Cũng như lửa biến đổi mọi thứ nó chạm tới thành lửa, Chúa Thánh Thần cũng biến đổi những gì quy phục quyền năng Người thành Sự Sống thần linh. (GLHTCG. 1127)

Vì thế, Hội Thánh khẳng định : các bí tích có hiệu quả "ex opere operato" (dịch từng chữ là: do chính sự việc được thực hiện), nghĩa là có hiệu quả nhờ công trình cứu độ của Chúa Ki-tô đã được hoàn thành một lần dứt khoát. "Bí tích không thành sự do sự công chính của người trao ban hay người lãnh nhận, nhưng do quyền năng Thiên Chúa" (x.Thánh Tô-ma A-qui-nô, Tổng Luận Thần Học 3,68,8). Khi bí tích được cử hành theo ý hướng của Hội Thánh, quyền năng của Chúa Ki-tô và Chúa Thánh Thần, hoạt động trong và qua bí tích ấy, không phụ thuộc vào sự thánh thiện của bản thân thừa tác viên . Tuy nhiên, các hoa trái của các bí tích còn tuỳ thuộc vào thái độ nội tâm của người lãnh nhận. (GLHTCG. 1128, CĐTYGL-trang 12)      

6- Bí tích ban ân sủng, cần thiết cho ơn cứu độ và ba Bí tích ban ấn tín

Ân sủng Bí tích là ân sủng của Chúa Thánh Thần, được Đức Kitô trao ban, mỗi Bí tích theo một cách. Ân sủng này giúp người tín hữu trên bước đường nên thánh, và cũng giúp Hội thánh tăng trưởng trong đức ái và trong chứng từ của mình. (TYGL. 231)

Mặc dù không phải tất cả các Bí tích đều được ban cho từng người Kitô hữu, các Bí tích đều cần thiết cho những ai tin vào Đức Kitô, bởi vì chúng trao ban các ân sủng Bí tích, ơn tha thứ tội lỗi, ơn được làm nghĩa tử của Thiên Chúa, ơn nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô và ơn được thuộc về Hội thánh. Chúa Thánh Thần chữa lành và biến đổi những ai lãnh nhận các Bí tích. (TYGL. 230)

Một dấu ấn thiêng liêng được thông ban trong các Bí tích Rửa tội, Thêm sức và Truyền chức. Ấn tín này là lời hứa và bảo đảm cho sự che chở của Thiên Chúa. Nhờ ấn tín, người Kitô hữu trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô; họ được tham dự vào chức tư tế của Người theo nhiều cách. Họ là thành phần trong Hội thánh theo những bậc sống và phận vụ khác nhau; như thế, ơn gọi của họ là phụng thờ Thiên Chúa và phục vụ Hội thánh. Vì ấn tín không thể xóa đi được, nên ba Bí tích trao ban ấn tín, chỉ được nhận một lần trong đời. (TYGL. 227)

Lm. Phêrô Nguyễn Hữu Duy