Cùng học phụng vụ bài 11

Cùng học phụng vụ bài 11
Chúng ta tìm hiểu Bí tích cuối cùng nhưng đặc biệt này, không theo lược đồ quen thuộc, vì chính đôi bạn Công Giáo, khi không có ngăn trở, cùng nhau cử hành nên Bí tich Hôn Phối theo thể thức hợp luật.

CÙNG HỌC PHỤNG VỤ - BÀI SỐ 11

 

 

PHẦN II-PHỤNG VỤ

Bài 11

BÍ TÍCH HÔN PHỐI

 

PDF

 

Bạn Giáo lý  viên thân mến,

Chúng ta tìm hiểu Bí tích cuối cùng nhưng đặc biệt này, không theo lược đồ quen thuộc, vì chính đôi bạn Công Giáo, khi không có ngăn trở, cùng nhau cử hành nên Bí tich Hôn Phối theo thể thức hợp luật.

1- Hôn nhân gia đình trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa

Thiên Chúa là tình yêu, và đã tạo dựng con người từ tình yêu. Ngài kêu gọi con người yêu thương. Khi tạo dựng họ có nam có nữ, Người kêu gọi họ sống đời hôn nhân trong một hiệp thông thân mật của sự sống và tình yêu với nhau, “vì lẽ đó, họ không còn là hai, nhưng là một thân thể” (Mt 19, 6). Khi chúc lành cho họ, Thiên Chúa nói  : “Hãy sinh sôi nảy nở” (St 1,28). (TYGL. 337).

Theo ý định ngay từ ban đầu của Thiên Chúa, sự kết hợp hôn nhân là bất khả phân ly, như Đức Giêsu Kitô đã xác nhận : “Sự gì Thiên Chúa đã liên kết, loài người không được phân ly” (Mt 19,6). (TYGL. 338)

nguyên tội đã gây đổ vỡ cho sự hiệp thông, được Đấng Sáng Tạo ban tặng, giữa người nam và người nữ, nên sự kết hợp hôn nhân luôn bị đe dọa bởi bất hoà và sự không chung thuỷ. Tuy nhiên, với lòng nhân từ vô bờ bến, Thiên Chúa ban cho người nam và người nữ ân sủng để họ thực hiện sự kết hợp đời sống của họ theo đúng ý định nguyên thủy của Ngài. (TYGL. 339)

Đức Giêsu Kitô không những tái lập quy định từ ban đầu do Thiên Chúa muốn, mà Người còn ban ân sủng để con người có thể sống hôn nhân trong phẩm giá mới của Bí tích, là dấu chỉ về tình yêu phu thê của Người đối với Hội thánh : “Người làm chồng hãy yêu thuơng vợ mình như Đức Kitô đã yêu thương Hội thánh” (Ep 5, 25). (TYGL. 341)

 

2- Nghi thức chính yếu

Vì hôn nhân làm cho các người phối ngẫu sống một bậc sống công khai trong Hội thánh, nên việc cử hành Phụng vụ của Bí tích này cũng công khai, dưới sự chứng kiến của vị tư tế (hay của người chứng hôn được Hội thánh ủy thác) và các nhân chứng khác. (TYGL. 343)

Sự ưng thuận kết hôn là ý muốn do người nam và người nữ bộc lộ, để tự hiến cho nhau một cách dứt khoát, với mục đích sống một giao ước tình yêu chung thủy và sung mãn. Vì chính sự ưng thuận làm thành Bí tích Hôn phối, nên sự ưng thuận là điều không thể thiếu và cũng không thể thay thế được. Để Bí tích Hôn phối thành sự, sự ưng thuận phải có đối tượng là hôn nhân đích thực; và sự ưng thuận đó phải là một hành vi nhân linh ý thức và tự do, không do bị ép buộc hay vì sợ hãi một quyền lực nào. (TYGL. 344)

Giáo luật điều 1108:

 (1) Hôn phối chỉ hữu hiệu nếu được kết lập trước mặt Bản Quyền sở tại hoặc Cha Sở, hoặc một tư tế hay phó tế được các vị ấy ủy nhiệm chứng hôn, và trước mặt hai người làm chứng

(2) Người chứng hôn chỉ được hiểu là người hiện diện để đòi hỏi hai bên kết ước bày tỏ sự ưng thuận và, nhân danh Giáo Hội, đón nhận sự bày tỏ ấy.

 3- Hiệu quả

Bí tích Hôn phối tạo nên một mối dây liên kết vĩnh viễn và độc nhất giữa hai người phối ngẫu. Chính Thiên Chúa đã xác nhận sự ưng thuận của những người kết hôn. Như thế, hôn nhân thành sự và hoàn hợp giữa những người đã được Rửa tội không bao giờ có thể tháo gỡ được. Mặt khác, Bí tích cũng trao ban cho đôi vợ chồng ân sủng cần thiết để họ đạt tới sự thánh thiện trong đời sống lứa đôi, cũng như trong việc sinh con có trách nhiệm và giáo dục con cái. (TYGL. 346)

4-Tránh các tội nghịch cùng đời sống hôn nhân cách nghiêm trọng

Đó là các tội : ngoại tìnhđa thê vì đi ngược lại với phẩm giá bình đẳng của người nam và người nữ, ngược lại với tính duy nhất độc hữu của tình yêu hôn nhân; từ chối sinh con, vì loại bỏ khỏi hôn nhân hồng ân con cái; ly dị, vì đi ngược lại với tính bất khả phân ly của hôn nhân. (TYGL. 347)

 

Lm. Phêrô Nguyễn Hữu Duy