Cùng học giáo lý, bài số 15

Cùng học giáo lý, bài số 15
Được mời gọi phục vụ trong Hội thánh, với tư cách GLV, là một ơn ban, một quà tặng từ Chúa Kitô.

 

CÙNG HỌC GIÁO LÝ

 

Bài số 15

   

DẠY GIÁO LÝ LÀ MỘT ƠN GỌI

 

PDF

Các bạn GLV thân mến, trong Bài số 14, chúng ta đã tìm hiểu và xác tín rằng dạy giáo lý là một việc thánh. Và theo Đức Thánh Cha Phanxicô, dạy giáo lý là một ơn gọi, và để có thể chu toàn công việc thiêng liêng này, GLV cần phải khởi hành từ Chúa Kitô.

 

1. Dạy giáo lý là một ơn gọi, một ơn huệ

Được mời gọi phục vụ trong Hội thánh, với tư cách GLV, là một ơn ban, một quà tặng từ Chúa Kitô. Thật vậy, “không ai có thể tự ban cho mình lệnh truyền và sứ vụ loan báo Tin Mừng” (GLHTCG, 875), như Thánh Phaolô dạy: “Làm sao rao giảng, nếu không được sai đi” (Rm 10,15). Chính Chúa Kitô đã thiết lập nhóm Mười Hai và sai các ngài đi rao giảng Tin Mừng (x. Mc 3, 13-14). Quyền bính và tư cách rao giảng Tin Mừng của Hội thánh do chính Chúa Kitô ban tặng (GLHTCG, 875).

 

Dạy giáo lý là làm vọng lại những gì Chúa Giêsu đã dạy. Trong lời giới thiệu về cuốn sách Giáo lý mới nhất hiện nay (DoCat), ĐTC Phanxicô xác quyết rằng học thuyết này không phát xuất từ bất cứ ai, nhưng từ trọng tâm của Tin Mừng, từ chính Chúa Giêsu Kitô (DoCat, trg. 12). Nơi khác, ngài dạy: Chúa Kitô phải là người thầy đầu tiên và quan trọng nhất của chúng ta. Lời dạy này nhắc nhở GLV nhớ tới đặc tính quan trọng hàng đầu của việc dạy giáo lý: “qui Kitô”.

Quả vậy, “trong việc dạy giáo lý […] chỉ một mình Đức Ki-tô giảng dạy, còn bất cứ ai khác giảng dạy đều phải là phát ngôn viên của Người, phải để Đức Ki-tô nói qua miệng lưỡi họ... mọi giáo lý viên đều phải có thể áp dụng cho mình lời nói huyền nhiệm này của Đức Giê-su: ‘Đạo lý tôi dạy không phải là của tôi, nhưng là của Đấng đã sai tôi’"(GLHTCH, 426). Dĩ nhiên, để có thể trung thành với với sứ điệp Tin Mừng của Đức Kitô, GLV cần phải tuyệt đối trung thành với nội dung giáo lý đức tin của Hội thánh, vì Hội thánh là “cột trụ và điểm tựa của chân lý” (1 Tm 3, 15; GLHTCG 2032).

 

2. Cần phải khởi hành từ Chúa Kitô

Vì dạy giáo lý là một ơn gọi để làm việc thánh, nên để có thể thực hiện ơn gọi thiêng liêng này, GLV cần phải khởi hành từ Chúa Kitô, nghĩa là sống thân mật với Ngài. Đó là một đòi hỏi của Tin Mừng. Chúa đã dùng hình ảnh cây nho và cành nho để khích lệ các môn đệ gắn bó với Ngài. Sự gắn bó này thực sự cần thiết để công việc của người môn đệ của Chúa có thể sinh hoa kết trái. Thực sự, nếu không có ơn Chúa giúp, chúng ta không thể làm gì được (x. Ga 15, 1-8).

Là môn đệ của Chúa Giêsu, GLV được mời gọi năng ở với Thầy Chí Thánh, lắng nghe, học hỏi với Chúa, không phải nhất thời, nhưng cần được tập luyện để trở thành một hành trình kéo dài trọn cuộc sống, nhất là cố gắng tìm cách thích hợp để viếng thăm Nhà Tạm, ở đó mình chiêm ngắm Chúa và để Chúa nhìn ngắm mình. Siêng năng thăm viếng Chúa Giêsu Thánh Thể thực sự là cơ hội quí báu và cần thiết giúp ta giữ cho ngọn lửa tình bạn với Chúa Giêsu được luôn nồng cháy, và làm cho ta cảm thấy thực sự được Chúa nhìn đến, gần gũi và yêu thương.

 

Không ai có thể cho người khác điều mình không có. Sứ mạng thiết yếu của GLV là giúp cho người khác biết và tin theo Chúa Giêsu. GLV chỉ có thể lôi cuốn người khác đến gần Chúa Giêsu nếu chính GLV có tương quan thân mật với Ngài, nhất là sống điều mình giảng dạy. Để nhấn mạnh điều này, ĐTC Phanxicô đã trích dẫn một nhận xét thâm thúy của ĐTC Bênêđíctô XVI rằng: “Hội thánh không phát triển nhờ việc cải đạo; Hội thánh phát triển nhờ việc lôi cuốn người khác.” Và ngài thêm: “Điều lôi cuốn người ta chính là chứng tá của ta.”

 

3. Ra khỏi bản thân để gặp gỡ tha nhân

Chúa mời gọi các môn đệ ở lại với Người nhưng Người cũng sai họ ra đi. Việc gắn bó với Chúa Giêsu bao hàm việc bước với Người đến với tha nhân, vì tông đồ là người được sai đi. Câu chuyện Chúa sai bảy mươi hai môn đệ đi giảng là một ví dụ (x. Lc 10,1-16). Kinh nghiệm cho thấy ai càng gắn bó với Chúa thì càng cởi mở hơn đối với người khác, vì họ xác tín rằng yêu tha nhân chính là yêu Chúa (x. Mt 25,31-46).

Việc ra khỏi bản thân để đến với tha nhân làm cho người môn đệ của Chúa trở nên giống Chúa hơn, vì theo ĐTC Phanxicô, khi làm như thế, người ta được tham dự vào “sự năng động thực sự của tình yêu, là sự chuyển động của chính Thiên Chúa. Thiên Chúa là trung tâm, nhưng ngài luôn là sự hiến thân, là tương quan, là sự sống thông ban.”

Bằng hình ảnh nhịp đập của trái tim (bóp vào – giãn ra), ĐTC khuyên GLV nên để tâm hồn mình có sự năng động thực sự của tình yêu. Thiếu một trong hai chuyển động trên, trái tim thôi đập và không còn sự sống nữa. Cũng vậy, khi thiếu đi một trong hai chiều kích: kết hiệp với Chúa Giêsu và đến với tha nhân, thì GLV không thể chu toàn ơn gọi của mình được.

 

Và, vì là ơn huệ Chúa ban nên GLV cần biết cám ơn Chúa và mau mắn truyền rao đức tin cho người khác.

Lm. Anrê Lương Vĩnh Phú

 

ĐTC Phanxicô, https://phanxico.vn/2015/11/28/giao-ly-vien-khong-chi-la-thay-day-ma-phai-la-chung-nhan/