Bài 8: Cùng Học Giáo Lý

Bài 8: Cùng Học Giáo Lý
Trong Phụng vụ, Đức Kitô luôn hiện diện cách vô hình nơi con người của các thừa tác viên, những người được Hội thánh tuyển chọn, thánh hiến và trao ban chức vụ để cử hành các mầu nhiệm thánh.

 

Bài 8

 

NHIỆM VỤ CƠ BẢN THỨ HAI CỦA GIÁO LÝ VIÊN: GIÁO DỤC PHỤNG VỤ

 

PDF

 

  1. Trước hết, cần giúp các em nhận ra sự hiện diện của Đức Kitô trong các cử hành phụng vụ và những hiệu quả do Phụng vụ thánh mang lại.
  • Trong Phụng vụ, Đức Kitô luôn hiện diện cách vô hình nơi con người của các thừa tác viên, những người được Hội thánh tuyển chọn, thánh hiến và trao ban chức vụ để cử hành các mầu nhiệm thánh. Nhờ được hiến thánh cho Thiên Chúa, linh mục là hiện thân của Chúa khi ngài chủ tọa cộng đoàn, nhân danh toàn thể Hội thánh, cử hành các bí tích cứu độ. Vì thế, khi linh mục cử hành Bí tích Rửa tội thì chính là Đức Kitô đang rửa tội, khi linh mục đọc công thức tha tội thì chính Chúa Kitô đang tha thứ cho hối nhân, v.v. Đức Kitô cũng hiện diện ở giữa cộng đoàn phụng vụ, vì như Người đã hứa: “Ở đâu có hai hay ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở giữa họ” (Mt 18,20). Đặc biệt, Người hiện diện trong lời của Người khi được công bố trong Phụng vụ Lời Chúa và dưới hình bánh và hình rượu, trong Bí tích Thánh Thể (x. Hiến chế Phụng vụ, 7, 33).
  • Qua các cử hành phụng vụ (nhất là Thánh lễ), nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, hy tế cứu độ chính Chúa Kitô đã dâng hiến và hoàn tất trên bàn thờ Thập giá được hiện tại hóa, trở nên nguồn suối cứu độ cho nhân loại mọi nơi và mọi thời.
  • Tham dự vào các cử hành phụng vụ của Hội thánh, vì vậy, là được tham dự vào chính công trình cứu độ của Thiên Chúa (X. GLHTCG, 1069), một hành vi linh thánh, nhằm tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa con người, như Hiến chế về Phụng vụ dạy: “Từ dòng suối Phụng vụ, nhất là từ Bí tích Thánh Thể, ân sủng chảy tràn vào chúng ta và thực hiện cách hữu hiệu việc thánh hóa con người trong Chúa Kitô, cũng như việc tôn vinh Thiên Chúa, mục tiêu của tất cả các hoạt động khác của Hội thánh” (HCPV, 10). Chính “phụng vụ là nguồn mạch trước tiên và thiết yếu, nơi đây các tín hữu kín múc lấy tinh thần Kitô hữu đích thực” (HCPV, 14).
  1. Vì thế, cần giúp các em tham dự các cử hành phụng vụ, nhất là Thánh lễ, cách “trọn vẹn, ý thức và linh động” (X. Hướng Dẫn Tổng Quát Việc Dạy Giáo Lý, Thánh Bộ Giáo Sĩ, 1997, Số 85).

Cách chung, cần giúp các em biết chu toàn phận vụ của mình trong các cử hành phụng vụ, vì mặc dù hoạt động phụng vụ thuộc về Đức Kitô và toàn thân thể Người là Hội Thánh, “Phụng vụ cũng liên quan đến từng chi thể riêng biệt, theo phẩm trật, phận vụ và công tác khi tham dự” (HCPV, 26). Hơn nữa, dù hiệu

quả của bí tích hoàn toàn do quyền năng của Thiên Chúa, nhưng để ân sủng của các bí tích có thể sinh hoa kết trái nơi đời sống của mỗi tín hữu, cần có sự cộng tác của từng cá nhân.

  • Do đó, cần giúp các em tham dự các cử Phụng vụ “với thái độ sẵn sàng của một tâm hồn ngay thẳng, hòa hợp tâm trí với lời đọc bên ngoài, và cộng tác với ân sủng trên trời, đừng lãnh nhận ơn Chúa cách vô ích” (HCPV, 11).
  • Làm sao để các em nhận thức được rằng tham dự vào các cử hành phụng vụ của Hội thánh là tham dự vào cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và dân của Người. Trong Phụng vụ, Thiên Chúa không ngừng nói với dân Người, không ngừng loan báo Tin mừng của Người, không ngừng ban phát hồng ân cứu độ của Người; đang khi đó, dân chúng đáp lại lời Thiên Chúa qua tiếng hát lời kinh (HCPV, 33). Bởi vậy, cần khuyến khích các em tham gia “vào những lời tung hô, những câu đối đáp, những bài ca vịnh, tiền xướng, thánh ca, và cả những động tác hoặc cử chỉ bên ngoài, [bao gồm cả] những phút thinh lặng thánh” (HCPV, 30), như một lời đáp trả chân thành của chính mình đối với Thiên Chúa.

3. Đồng thời, cần dạy các em biêt “cầu nguyện, tạ ơn, sám hối […] tinh thần   cộng đoàn [và] ngôn ngữ của các biểu tượng” (HDTQVDGL, Số 85).

  • Phụng vụ, nhất là Thánh lễ, đưa con người vào mối hiệp thông với Thiên Chúa, với Hội thánh, và với nhau. Tuy nhiên, tội lỗi có thể làm cản trở mối hiệp thông cao quí này. Vì vậy, sám hối và xin Chúa thứ tha tội lỗi trước mỗi cử hành Phụng vụ là điều hết sức cần thiết và cần không ngừng tập cho các em thực hành các điều này cách ý thức và sốt sắng (HCPV, Số 9).
  • Cầu nguyện và tạ ơn là những bổn phận khác mà ta phải thường xuyên thực hiện, vì các việc này có thể giúp ta đạt đến mối hiệp thông sâu sắc hơn và lâu bền hơn với Thiên Chúa, với Hội thánh và với nhau. Tinh thần cộng đoàn, vì thế, cần được nhấn mạnh khi tham gia vào các cử hành mầu nhiệm thánh.
  • Cũng cần giúp các em hiểu ý nghĩa ngôn ngữ của các biểu tượng, vì những dấu chỉ hữu hình được dùng trong Phụng có chức năng biểu thị những thực tại linh thánh vô hình (X. HCPV, Số 33).

 

Tóm lại: Không chỉ cần giúp các em biết Chúa Kitô là ai, GLV cũng cần phải chỉ cho các em biết nơi nào các em có thể gặp Người và lãnh lấy ơn cứu độ Người ban; và cách thế tốt nhất và hữu hiệu nhất chính là tham dự vào các cử hành Phụng của Hội thánh, nhất là Thánh lễ.

Lm. Anrê Lương Vĩnh Phú