Kho báu của Giáo Hội Việt Nam

Kho báu của Giáo Hội Việt Nam
Đức Hồng y tỏ ra vô cùng ngạc nhiên và thích thú khi nghe biết và nhìn thấy tận mắt Giáo hội Việt Nam có trên 31.000 tu sĩ nam nữ, với 269 dòng tu đang hiện diện và hoạt động trong nước. Đây là một con số nói lên tình thương đặc biệt của Cha trên trời ban cho Giáo hội Việt Nam.

 

Kho báu của Giáo Hội Việt Nam

Khi chuyến viếng thăm và mục vụ của Ðức Hồng y João Braz de Aviz tại Việt Nam vừa kết thúc, Ðức cha Phêrô Nguyễn Văn Ðệ, Chủ tịch Ủy ban Tu sĩ - HÐGMVN đã dành cho báo Công giáo và Dân tộc một cuộc phỏng vấn.

 

CGvDT: Đồng hành cùng Đức Hồng y de Aviz trong chuỗi hoạt động của ngài khi đến thăm Việt Nam từ ngày 2 đến 7.9.2018, Đức cha có thể chia sẻ đôi chút cảm nghiệm?

ĐGM NVĐ: Đi cùng Đức Hồng y Tổng trưởng Bộ Đời sống thánh hiến và Các hiệp hội đời sống tông đồ, tôi thấy nơi ngài, một người dù đã ở tuổi 71, vẫn rất nhanh nhẹn, dẻo dai, vui tính, và thân thiện, gần gũi với mọi người. Đến đâu, đi đâu, làm gì, ngài luôn hỏi han, bắt tay, chào thăm từng người một cách thân tình, cởi mở, từ những tài xế, nhân viên, các em đệ tử, tu sĩ hưu đến các bề trên, các đấng bậc… Về giao tiếp ứng xử với mọi người, cả trong việc ăn uống ngủ nghỉ, Đức Hồng y cũng tỏ ra rất dân dã, thanh thoát, không cầu kỳ hay khách sáo. Ngài hòa đồng vui vẻ với mọi người. Năng lực làm việc và sức khỏe của ngài phải nói thật phi thường. Trời nóng, oi bức, di chuyển đi lại nhiều nơi, mồ hôi nhễ nhại nhưng ngài không một lời kêu ca, trách móc, miệng luôn tươi cười. Thời gian ngài đi máy bay từ Sài Gòn ra Huế, rồi Huế ra Hà Nội, trở về Rome... đã gần hết 2 ngày, do vậy mỗi nơi thăm viếng mục vụ không thể kéo dài. Dầu vậy, các bài nói chuyện, giảng thuyết, cử hành thánh lễ lúc nào cũng tươm tất, sốt sắng, sống động. Điều tôi cảm nghiệm sâu xa nhất nơi Đức Hồng y Tổng trưởng, đó là niềm tin sâu sắc, lòng yêu mến chân thành và sự kính trọng lớn lao của ngài đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Tôi cảm nghiệm thế nào là một người con đích thực của Mẹ Giáo hội, nhất là những lúc Mẹ Giáo hội phải đối phó với bao thử thách đau lòng do chính các con cái mình gây ra.

 

Đức Hồng y Tổng trưởng cho biết đã rất ấn tượng trước đội ngũ các tu sĩ, chủng sinh trẻ và sự dồi dào về ơn gọi ở Việt Nam so với nhiều nước. Tiếp xúc với ngài, Đức cha có nhận được lời khuyên nào cho Giáo hội Việt Nam để duy trì ưu điểm này?

Mặc dầu mục đích chính của Đức Hồng y João Braz de Aviz là tham dự Hội nghị Liên tu hội đời châu Á tổ chức tại Trung tâm Mục vụ TGP TPHCM, nhưng ngài cũng đã dành thời gian để đi thăm một số cộng đoàn dòng tu tại 3 Tổng Giáo phận ở Việt Nam. Đến đâu, ngài cũng được các đấng bậc và đông đảo tu sĩ đón tiếp cách long trọng và nồng nhiệt. Đức Hồng y tỏ ra vô cùng ngạc nhiên và thích thú khi nghe biết và nhìn thấy tận mắt Giáo hội Việt Nam có trên 31.000 tu sĩ nam nữ, với 269 dòng tu đang hiện diện và hoạt động trong nước. Đây là một con số nói lên tình thương đặc biệt của Cha trên trời ban cho Giáo hội Việt Nam. Thật vậy, ngài nói, cách riêng trong thế giới người trẻ hôm nay, khi mà nhiều người chỉ biết ích kỷ hưởng thụ các tiện ích vật chất, thì vẫn còn rất đông các bạn trẻ quảng đại hy sinh, dấn thân phục vụ người nghèo khổ cùng cực, bị bỏ rơi như tại Việt Nam! Đây chính là kho báu cho Giáo hội và xã hội Việt Nam. Nhiều nơi trên thế giới, số tu sĩ ngày càng sụt giảm, mỗi năm có đến 2.000 ơn gọi xin hồi tục, trong khi đó tại Việt Nam mỗi năm có hơn 1.000 người trẻ xin vào nhà tập, tìm hiểu ơn gọi. Đây quả là một kho tàng quý giá không chỉ với Giáo hội Việt Nam mà còn cả Giáo hội toàn cầu, vì hiện tại đang có 875 tu sĩ Việt Nam du học nước ngoài, 2.183 tu sĩ hỗ trợ mục vụ tại các nước châu Âu và 586 tu sĩ đang truyền giáo tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào, Thái Lan, Campuchia... Đức Hồng y cho rằng đây là điều thật đáng mừng và hân hoan, tuy nhiên một số nguyên nhân quan trọng và nguy hiểm đã làm sa sút nhiều ơn gọi trên thế giới cũng có thể là những trải nghiệm rất đáng để Giáo hội và các dòng tu tại Việt Nam lưu ý quan tâm đề phòng. Đó là sự hấp dẫn quyến rũ của đời sống tiện nghi vật chất, tính hưởng thụ nuông chiều thể xác, sự tự do đề cao cá nhân, chủ nghĩa vị kỷ, đưa đến xung đột cộng đoàn, mâu thuẫn, đối kháng, phe nhóm... Vì thế, điều cần thiết và quan trọng nhất cho các dòng tu hiện nay là quan tâm hàng đầu đến việc đào tạo huấn luyện. Tất cả niềm vui, hạnh phúc, sự bền đỗ của đời tu… đều lệ thuộc vào việc đào tạo và huấn luyện cách nghiêm túc, chiều sâu và chất lượng. Các nhà đào tạo huấn luyện, nhân sự phục vụ cho việc đào tạo phải được đầu tư thích đáng. Họ không chỉ giảng dạy bằng lời, mà bằng chính đời sống hằng ngày. Họ phải chịu trách nhiệm chính về thành quả của việc đào tạo và huấn luyện của mình, phải sống và làm gương sáng cho người khác. Đây chính là thách đố vô cùng nặng nề và khó khăn cho các dòng tu, nhất là những dòng còn quá ít người, hay mới thành lập, dầu vậy không được bỏ qua hay chểnh mảng trong việc chu toàn nhiệm vụ quan trọng này. Bề trên các dòng tu phải rất quan tâm và thận trọng trong việc cất nhắc tuyển chọn các ơn gọi tu sinh và ứng sinh linh mục. Thà ít nhưng có chất lượng thích đáng còn hơn là nhiều về số lượng mà kém phẩm chất!

ĐHY de Aviz thăm Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn - ảnh: Đ.Q

 

Sau chuyến đi này của Đức Hồng y Tổng trưởng, Ủy ban Tu sĩ - HĐGMVN có dự định gì trong việc đào luyện hay phát triển ơn gọi, thưa Đức cha?

- Sau những ngày đồng hành chia sẻ cuộc thăm viếng mục vụ của Đức Hồng y Tổng trưởng, Ủy  ban Tu sĩ - HĐGMVN cảm nhận và xác tín sâu xa với lòng biết ơn Chúa về ơn phúc và quà tặng kho báu ơn gọi quý giá mà Chúa đã dành cho Giáo hội và các dòng tu tại Việt Nam. Để bảo toàn và duy trì sự phong phú đa diện của kho báu ơn gọi này, Ủy ban Tu sĩ cùng với Liên hiệp Bề trên thượng cấp các dòng tu tại Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì và phát huy hơn nữa các hoạt động, khóa đào tạo chuyên môn, hội nghị các bề trên, hội thảo chuyên đề, dịch thuật các tài liệu, văn kiện về đời sống thánh hiến... Tiếp tục và tăng thêm chất lượng nội dung trong các khóa hội thảo, học hỏi, giao lưu, tương quan huynh đệ giữa các tu sĩ và dòng tu với nhau nhiều hơn, thân tình hơn và tương trợ với nhau hơn. Riêng về ơn gọi thánh hiến giữa đời hay tu hội đời là một ơn gọi chính thống, được Giáo hội công nhận chấp thuận hơn 70 năm qua, nhưng do quá mới mẻ, chưa có nhiều tài liệu, chưa được giải thích đầy đủ rõ ràng nên nhiều người chưa biết, chưa hiểu đúng, Ủy ban Tu sĩ sẽ quan tâm để học hỏi, đào sâu, giới thiệu và phát triển ơn gọi này.

Xin cảm ơn Đức cha !

LIÊN GIANG thực hiện (cgvdt.vn)