suy niệm CN II Phục sinh A

suy niệm CN II Phục sinh A
Chúng ta vừa nghe đoạn Tin mừng này, tự nhiên chúng ta cảm thấy như muốn trách móc ông Tôma sao mà cứng tin như thế chứ, phải không ạ? Nhưng bên cạnh đó, nếu chúng ta dừng lại suy nghĩ một chút, thì chúng ta lại thấy nên cảm thông và có thể nói đến cảm phục ông Tôma nữa là khác.
CHÚA NHẬT II PHỤC SINH A
Ga 20,19-31

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ thân mến,

Chúng ta vừa nghe đoạn Tin mừng này, tự nhiên chúng ta cảm thấy như muốn trách móc ông Tôma sao mà cứng tin như thế chứ, phải không ạ? Nhưng bên cạnh đó, nếu chúng ta dừng lại suy nghĩ một chút, thì chúng ta lại thấy nên cảm thông và có thể nói đến cảm phục ông Tôma nữa là khác. Chúng ta cảm thấy ông là một con người mạnh mẽ, rất thẳng thắn, chân thành và bộc trực. Ông đánh đố với các bạn đồng môn rằng: Nếu muốn tôi tin những điều các bạn nói, thì tôi phải thọc ngón tay vào lỗ đinh, và bàn tay tôi thọc vào cạnh sườn Thầy của mình thì tôi mới tin. Quả thật, đây không những thách đố các bạn đồng môn mà còn thách đố cả Chúa Giêsu nữa. Cho nên, Chúa Giêsu đã thể hiện lòng thương xót của Chúa dành cho ông, khi hiện ra một lần nữa để ông Tôma thọc ngón tay vào như bài Tin mừng vừa kể.

Thật vậy, kính thưa cộng đoàn, tuy ông Tôma có tội cứng lòng tin, nhưng tội này lại trở thành một hồng phúc cho mỗi người chúng ta. Có lẽ Hội thánh biết ơn ông Tôma rất nhiều, vì ông mà Giáo hội có được một lời tuyên xưng thật đẹp và thật ý nghĩa vào Chúa Giêsu: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”. Thật thế, suốt cuộc sống ở trần gian, Chúa Giêsu đã cố gắng chứng minh cho người ta biết Ngài là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa thật, đến nổi Ngài phải chịu chết để làm chứng về điều đó. Giờ đây, Chúa đã được thánh Tôma tuyên xưng một cách công khai về điều này.

Hơn nữa, nhờ thánh Tôma mà chúng ta có được một lời chúc phúc thứ chín của Chúa (sau Tám Mối Phúc ở bài giảng trên núi): “Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”. Đó là lời chúc phúc mà Chúa Giêsu muốn gửi đến cho mỗi người chúng ta đang ngồi ở đây, và những người mang danh là Kitô hữu, vì chúng ta không thấy Chúa phục sinh như các tông đồ năm xưa, nhưng chúng ta vẫn tin Chúa đã chết, đã phục sinh và hiện đang sống với chúng ta trong từng giây phút của cuộc đời này.

Kính thưa cộng đoàn, tuy thánh Tôma có công như chúng ta vừa nói ở trên, nhưng ngài vẫn là một tội đồ cứng lòng tin. Như chúng ta thường hay sánh ví với những ai không chịu tin: “Sao mà cứng tin như Tôma vậy?”. Nhưng chúng ta đừng có dại thách đố Chúa như ông Tôma. Chúng ta biết khi Chúa hiện đến theo yêu cầu của ông, mặt ông xanh như tàu lá chuối, hồn siêu phách lạc, ông quá hoảng sợ quỳ sập xuống và lấp bấp trong miệng rằng: “lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con”. Ông là người cùng ăn, cùng uống với Chúa hằng ngày mà còn hoảng sợ muốn chết đến như thế, huống hồ gì là chúng ta! Thật vậy, nếu chúng ta muốn chết thì cứ kêu Chúa hiện ra cho mà xem!

Chúng ta biết rằng tội lớn nhất là tội thách thức Chúa, cứng lòng không chịu hối cải. Nhưng chúng ta cũng biết rằng chỉ cần có một chút sám hối về điều mình phạm thì Chúa thứ tha tất cả. Vì tình yêu Chúa dành cho chúng ta bao la như biển cả. Chúa không chấp tội một ai bao giờ. Chúng ta thường đọc câu Thánh vinh khi nói đến tình thường của Chúa như sau: “Nếu Chúa chấp tội nào ai được cứu rỗi, bởi Chúa vẫn rộng lòng tha thứ, để chúng con biết kính sợ Ngài”. Thật vậy, một khi đến thú tội với Chúa, Chúa sẽ quên hết tất cả mọi tội mình đã phạm. Chúng ta nhớ lại bài thương khó của Chúa. Chúng ta thấy các tông đồ người thì chối Chúa, kẻ thì bán Chúa, còn tất cả bỏ Chúa chạy hết, vậy mà sau khi Chúa phục sinh, Chúa đã tha thứ cho các ông và còn tin tưởng trao quyền tha tội trên trời dưới đất cho các ông nữa.

Kính thưa cộng đoàn, hơn bao giờ hết, hiện nay loài người chúng ta phạm tội quá nhiều, những tội trước đây không hề nghĩ tới, giờ đây ngày càng nghĩ ra những tội ghê tởm hơn để xúc phạm đến tình thương của Chúa. Vậy mà Chúa vẫn không chấp tội và phạt con người. Chúa chỉ sợ con người suy nghĩ nông cạn, khi nghĩ rằng chúng ta đã xúc đến Chúa quá nhiều, nên không dám đến xin ơn tha thứ, vì không còn tin tưởng vào tinh thương thứ tha của Chúa nữa. Cũng vì điều này, mà Chúa đã mạc khải cho chúng ta thấy tình thương xót bao la của Chúa dành cho nhân loại; qua việc Chúa hiện ra với thánh nữ Maria Faustina và ra lệnh cho thánh nữ hãy rao truyền cho thế giới biết lòng thương xót hải hà của Chúa. Như có lời Thiên Chúa phán qua miệng tiên tri Isaia rằng: “Hãy đến đây, Ta cùng nhau nói chuyện! Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hoá trắng như bông. Nếu các ngươi chịu nghe lời của Ta, thì các ngươi sẽ được hưởng vinh quang muôn đời” (Is 1,18-19).

Thật vậy, dù chúng ta tội lỗi có đỏ như máu, Ngài cũng tẩy trắng như bông, như tuyết; nếu chúng ta biết khiêm tốn xin Ngài tha thứ. Đó là lý do mà thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II đã thiết lập lễ kính lòng thương xót Chúa vào năm 2000, và đồng thời tuyên phong nữ tu dòng Đức Bà Từ Bi là Maria Faustina lên bậc hiển thánh và truyền cho Giáo hội vào đúng Chúa nhật 2 Phục Sinh là ngày lễ kính lòng thương xót Chúa.
Kính thưa cộng đoàn, năm 1930, Chúa Giêsu đã chọn nữ tu Maria Faustina, người Ba Lan để truyền bá cho thế giới biết lòng thương xót của Chúa dành cho nhân loại. Thánh nữ đã được diễm phúc nhìn thấy Chúa hiện ra và Chúa còn truyền cho thánh nữ vẽ lại bức ảnh của Chúa. Trang phục màu trắng, tay phải Chúa ban phép lành, còn tay trái Chúa đặt vào ngực, với dòng chữ: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác nơi Ngài”. Từ trái tim Chúa phát ra hai luồng sáng màu đỏ và xanh nhạt; tiêu biểu cho máu và nước đổ ra từ trái tim bị đâm thâu trên thánh giá. Ánh sáng xanh nhạt biểu tượng cho nước thanh tẩy tội lỗi trong tâm hồn con người. Ánh sáng đỏ biểu tượng cho máu, phát sinh sự sống mới cho linh hồn.

Qua giáo hội, Chúa Giêsu đã bày tỏ lòng nhân từ vô biên của Chúa, để mọi người đặc biệt là các tội nhân biết tin tưởng chạy đến với tình thương của Chúa và khiêm tốn xin Chúa thứ tha. Chúng ta đừng bao giờ thất vọng, khi nhìn thấy tội mình quá nhiều và quá nặng. Vì Chúa Giêsu đã nói với thánh nữ Faustina rằng: “Không một linh hồn nào phải sợ sệt khi đến với Ta, dù tội lỗi của người đó có đỏ như máu đi chăng nữa, vẫn được Ta tẩy trắng tất cả”.

Ước gì ngày lễ kính lòng Chúa thương xót hôm nay, giúp cho mỗi người cảm nhận được tình thương xót của Chúa đã dành cho mình. Thật vậy, một khi đã cảm nhận được rồi, chúng ta sẽ có được một lòng mến, lòng tin, lòng cậy vào Chúa hơn nữa trong đời sống đạo của mình. Khi đó, chúng ta sẽ thưa với Chúa rằng: “Lạy Chúa Giêsu, con kí thác đường đời của con cho Chúa. Xin lòng thương xót Chúa luôn ban ơn lành hồn xác cho con”. Amen.

Gioan Trần Thái 
Quốc