Thùng Tiền Phúng Điếu

Thùng Tiền Phúng Điếu
Với những người con bất hiếu, làm giỗ cho cha cho mẹ không phải là để cầu nguyện, hay để yêu thương và tưởng nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng của cha mẹ gì đâu, nhưng là cơ hội để kiếm tiền “phúng điếu” lần thứ hai, lần thứ ba

 

ĐẠO HIẾU - THÙNG TIỀN PHÚNG ĐIẾU

 

Ông bà Tuấn đã ngoài 80 tuổi, có 6 người con đã lập gia đình và ở riêng hết. Còn lại hai ông bà già nương nhau để sống.

Cuộc sống của ông bà hầu như nhờ người hàng xóm và người thân ở nước ngoài giúp đỡ. Vài người con gái thì có chút quan tâm hơn, vì sợ mang tiếng với người đời, nhưng quan tâm cách hững hờ, lạnh nhạt cho có vậy thôi. Nhất là mấy người con trai: Chẳng ai thèm để ý! Chẳng ai thèm đếm xỉa! Và cũng chẳng ai thèm quan tâm, ngó ngàng gì đến cha mẹ hết! Cứ để cho cha mẹ “trôi nỗi” trên dòng đời.

Ông thổ lộ với bà: tôi mà chết trước là bà khổ đó bà ơi! Và đúng như lời ông nói. Ông qua đời trước, bà ở lại một mình trong: Cô đơn! Trống vắng!

Có lần bà tâm sự trong nước mắt: Khi ông qua đời, một tay bà lo tươm tất ma chay cho ông. Con cái không phải mất một xu nào! Thế mà, hôm an táng vừa xong, vợ chồng thằng con trai trưởng giành thùng tiền phúng điếu đem về nhà đếm, bà không hề biết gì! Đúng là đứa con bất hiếu! Thật khó hiểu!

Khi cha mẹ còn sống: có trường hợp con cái lợi dụng khi cha mẹ khi già nua, dễ nghe, dễ dụ dỗ, rồi tìm cách “lấy lòng” để cuối cùng cha mẹ “sẵn sàng, vui vẻ”, “bằng lòng dâng hiến”, tài sản cho “con yêu”. Đây là cách thức “khôn ngoan” của con người, không phải cách thức khôn ngoan của con Thiên Chúa, hòng chiếm đoạt tài sản của cha mẹ một cách êm đềm, nhẹ nhàng. Như trường hợp Gia - cóp dụ dỗ Ê - xau mua chức trưởng nam bằng một tô cháo đậu đỏ và cuối cùng Gia - cóp đã đạt được ý nguyện. (St 27,1-30)

Có trường hợp con cái lợi dụng khi cha mẹ già nua, lú lẫn để tìm cách in vân tay, cầm tay cha mẹ cách nhẹ nhàng, rồi “nắn nót” ký vào biên bản “mua bán” hay “sang nhượng” để “cướp trắng” tài sản của cha mẹ một cách “hợp lệ” trong “trật tự và hợp pháp”. Trong khi vẫn con đó những anh em ruột thịt nghèo khổ. Khi biết được việc, thì mọi chuyện đã rồi, mọi sự đã “hoàn tất”! Đến khi ra tòa thì cũng chẳng được gì! Tốn phí, tốn thời gian, tốn giấy mực, tốn công sức, vì xã hội hôm nay: trắng thành đen, đen thành trắng. Tại sao? Thưa vì đồng tiền đã đi bước trước và “ngự trị” bền chặt rồi, không thể lay chuyển được nữa. Người đời thường nói: “Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn.” Cứ chịu chi cho quan...thì việc gì cũng xong cả thôi. Và rồi những anh em thiếu sự “khôn ngoan” kiểu con người, đành “ngậm đắng nuốt cay”. Ngã mũ chào thua! Quả bất công!

Hơn thế nữa, có trường hợp con cái gây áp lực bắt buộc cha mẹ phải chia tài sản, nhà cửa và ruộng đất. Rốt cuộc, cha mẹ phải đành lòng “vâng lời" con cái, vì không còn cách nào khác. Và tể hơn thế, có trường hợp con cái dùng vũ lực uy hiếp cha mẹ để cuối cùng cha mẹ phải “cúi đầu” ký vào biên bản “nhường” lại tài sản cho con cái trong nước mắt và đau khổ, vì không còn lối thoát!

Lấy của cha mẹ làm của mình: nhiều người cho rằng của cha mẹ cũng là của mình, nên tìm cách lấy, tìm cách chiếm đoạt, cứ việc tiêu xài phung phí. Tác giả Sách Huấn Ca phản đối điều này và đồng nhất ai làm điều này với phường trộm cướp: “Kẻ bóc lột mẹ cha, rồi bảo: “Đâu có tội vạ gì!,” chính hắn là bạn của quân ăn cướp.” (Cn 28:24)

Cái chết của cha mẹ làm cho những người con có hiếu luôn đau khổ. Bởi vì mất cha mẹ là mất tất cả; mất cả mùa xuân; mất cả bầu trời… Người đời vẫn thường nói: mất bạn đau khổ một năm, mất vợ đau khổ ba năm, nhưng mất cha mẹ đau khổ suốt đời. (không có ý bi quan trong cuộc sống)

Cảm tạ Chúa, vì trên đời này vẫn còn đó những người con thật sự yêu thương và kính trọng cha mẹ. Chăm chút cho cha mẹ từng miếng ăn, từng giấc ngủ nhất là khi cha mẹ về già. Chắc chắn họ sẽ được Thiên Chúa chúc phúc (Hc 3,3-6.8-14-16).

Người Việt Nam cũng tin tưởng: “Có đức mặc sức mà ăn.” Tất cả những gì tốt lành làm cho cha mẹ sẽ như báu vật cất giữ trong kho tàng; khi gặp vận hạn những điều tốt lành này sẽ giải thoát một người khỏi cơn nguy khốn.

Nhưng cũng đừng quên rằng: sự ra đi của cha mẹ, cũng làm cho những đứa con bất hiếu “vui mừng, phấn khởi”, vì đây là cơ hội tốt để chúng chia chát gia tài, và hơn thế, đây còn là “dịp may” để chúng “kiếm tiền” phúng điếu, chơi bài, đánh bạc, nhâm nhi rượu chè…Thật lạ, ngày xưa thì không, nhưng hôm nay không hiểu sao, khi chôn cất cha mẹ xong, con cái “dọn tiêc linh đình”, các món ăn ngày càng phong phú, đủ loại, không thua kém gì tiệc cưới: nào là bò né, nào là gọi bò, gọi ốc, các loại lẩu… bia bọt, nước ngọt đủ loại. Ôi là đủ thứ! Ôi là tứ tung! Mỗi người mỗi tiếng mỗi cung, hò hét, cụng ly, cười đùa vui tươi như ngày hội! Khó hiểu!

Thật oái ăm! Có những người con muốn để xác cha mẹ trong nhà nhiều ngày, không phải là vì báo hiếu hay yêu mến gì hết, nhưng là nhằm để “kinh doanh” trên xác chết của cha mẹ. Tức là để kiếm thêm tiền phúng điếu. Đã là người bất hiếu thì không có gì mà chúng không làm! Miễn là có tiền!

Với những người con bất hiếu, làm giỗ cho cha cho mẹ không phải là để cầu nguyện, hay để yêu thương và tưởng nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng của cha mẹ gì đâu, nhưng là cơ hội để kiếm tiền “phúng điếu” lần thứ hai, lần thứ ba … và đây cũng là dịp ăn uống, nhậu nhoẹt say xưa, hát Karaoke từ trưa đến tối, hát thì ít, hét thì nhiều, hát ngang như cua bò, hát không biết chán, làm xóm làng đinh tai nhức óc, và phá đi sự yên bình của một vùng quê thanh bình… hát cho thỏa thích, còn ai thích hay không măc kể. Nhà ta ta cứ hát, miệng ta ta cứ hát, dàn karaoke ta thuê ta cứ hát, hát cho đủ mấy tiếng bỏ tiền ra thuê, hát chưa đã thèm thì thuê hát tiếp, mắc gì đến người khắc. “Tựu nhập ngôn xuất” bắt đầu anh em cãi vã nhau, đánh lộn nhau ì xèo, cầm dao rượt đuổi chém nhau, có người phải nhập viện. Thử hỏi được ích lợi gì? Hay lại sinh tội!

Có một trường hợp thật đau lòng: chồng vũ phu và quá độc ác với vợ, đánh vợ như ăn cơm bữa, vì thế vợ đau bệnh và nằm viện thường xuyên bởi những “cơn mưa đòn” liên tiếp giáng xuống người vợ hiền lành, bé bỏng. Người vợ không chịu đựng nỗi, cuối cùng chị đã qua đời. Vậy mà, năm nào chồng cũng, tổ chức đám giỗ “linh đình” như tổ chức đám cưới, mở nhạc om xòm. Mời hàng xóm ăn giỗ lần thứ nhất còn có đi, vì nể tình hàng nghĩa xóm. Lần thứ hai nhiều người từ chối không đi, vì họ cho rằng: đánh vợ cho chết rồi làm giỗ để kiếm tiền. Họ không đi ăn giỗ nữa, vì tiền đâu mà năm nào cũng giỗ với chạp? Nhiều nơi đau nhau làm giỗ. Giỗ trở thành như một phong trào. Giỗ to có, giỗ nhỏ có. Người người giỗ, nhà nhà giỗ. Người ta cố gắng tìm ra ngày giỗ để tổ chức giỗ. Người quá cố chẳng được miếng gì, nếu được thì chỉ thưởng thức được mùi hương khói. Còn người sống thì ăn uống la liệt.

Giỗ là dịp hay, dịp tốt để chúng ta cầu nguyện và tượng nhớ đến người quá cố, đồng thời ôn lại những kỷ niệm đẹp về người quá cố, và hơn thế, đây là dịp anh em họ hàng, bà con có gặp nhau trong tình thương mến, để xây dựng tình yêu thương và đoàn kết trong gia tộc, sao cho cuộc sống mến thương hơn và tốt đẹp hơn. Chúng ta không phủ nhận điều này. Nhưng đừng biến đám giỗ trở thành đám cưới, hay trở thành một mục đích khác mà mang tội với ông bà cha mẹ tổ tiên và nhất là mang tội với Thiên Chúa.

Với những người con bất hiếu khi làm giỗ không hề có ý tốt lành gì cho cha mẹ đâu, nhưng cố ý “phô trương” cho mọi người biết rằng là mình sống rất có hiếu với cha mẹ. Đúng là “vải thưa che mắt thánh”. Thật ra: “Không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết” (Mt 10,26). Con người có thể dấu diếm được người khác bằng những mưu mô xảo quyệt của mình, nhưng đừng hòng dấu diếm được với Thiên Chúa là Đấng toàn năng và thông biết hết mọi sự. Chúng ta hãy nghe lời Thánh Vịnh sau đây:

Lạy CHÚA, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ,
biết cả khi con đứng con ngồi.
Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa,
đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét,
mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả.
Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời,
thì lạy CHÚA, Ngài đã am tường hết.

                                    (Tv 139, 1- 4)

Suy gẫm:

Thảo hiếu cha mẹ thuộc ĐIỀU RĂN THỨ THƯ.

Ephêsô 6, 1-3: “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: Để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” 

Mathêu 15,4: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử.”

Công đồng Vatican II dạy“Con cái sẽ đáp lại công ơn cha mẹ với lòng biết ơn, tâm tình hiếu thảo và tin cậy, sẽ theo đạo làm con mà phụng dưỡng cha mẹ trong nghịch cảnh cũng như trong tuổi già cô quạnh” (MV, số 48).

Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo: nêu lên vai trò của cha mẹ và bổn phận đáp trả của chúng ta: “Thiên Chúa muốn rằng sau Ngài, chúng ta phải tôn kính cha mẹ vì đã sinh thành và dạy cho chúng ta biết Thiên Chúa” (GLHTCG, số 2197).

ĐỪNG ĐỂ TIỀN BẠC THỐNG TRỊ ĐỜI TA MÀ ĐÁNH MẤT ĐẠO HIẾU!

Xin Chúa giúp chúng con trọn đời biết yêu thương và tôn kính cha mẹ khi còn sống cũng như khi đã qua đời, vì đó là ĐẠO HIẾU, và đây cũng là giới luật mà Chúa dạy chúng con.

                                                                                               

 Linh mục Châu Linh

Phước An, 24/07/2018