Như dạ lý mùa Xuân

Như dạ lý mùa Xuân
ca khúc Như Dạ Lý Mùa Xuân của nhạc sĩ Ngọc Kôn, được coi là đã chạm đến những cung bậc cảm xúc bày tỏ lòng mến yêu đối với Mẹ Thiên Chúa...

Như dạ lý mùa Xuân

Đã có rất nhiều bài Thánh ca tôn vinh Đức Trinh nữ Maria, thế nhưng những ca khúc viết về Đức Mẹ và Mùa Xuân thì lại còn khá khiêm tốn - trong số đó, ca khúc Như Dạ Lý Mùa Xuân của nhạc sĩ Ngọc Kôn, được coi là đã chạm đến những cung bậc cảm xúc bày tỏ lòng mến yêu đối với Mẹ Thiên Chúa...

Nhạc sĩ Ngọc Kôn

Giáo hội đã dành ngày linh thiêng nhất - ngày đầu năm mới (Mùng 1, tháng 1 dương lịch) để tôn vinh “Đức Maria : Mẹ Thiên Chúa”. Trong thánh lễ trọng thể mừng Mẹ Thiên Chúa năm nay (2017), người viết đã rất ước ao được nghe ca đoàn hát ca khúc Như Dạ Lý Mùa Xuân, một bài hát ngợi ca vẻ đẹp của Đức Mẹ, khá quen thuộc với các tín hữu Công giáo Việt Nam, gần gũi với hồn dân tộc bởi mang đậm phong vị dân ca : Như Dạ Lý mùa Xuân. Mẹ đẹp tươi như Dạ lý ngát hương trinh (Dạ Lý thơm ngát hương trinh). Con say sưa lời hát ân tình. Con dâng Mẹ lòng mến chân thành, với trọn tâm tình (tâm tình)... Như Huệ thắm vườn thiêng. Mẹ kiều diễm như Huệ non núi Si-on (Huệ non trên núi Si-on). Con say sưa tìm đến bên Mẹ, không xin gì cũng chẳng dâng gì : Chỉ cần nhìn ngắm Mẹ...”. Bài thánh ca này tôi đã rất thích từ dạo còn sinh hoạt trong ca đoàn của một giáo xứ nghèo thuộc Giáo phận Xuân Lộc 30 năm về trước. Và mỗi độ Xuân về, lại thích được cùng bạn bè, người thân hát mừng kính Mẹ - Nữ hoàng của các Mùa Xuân !

Nhưng, dù bài hát thì rất thích nhưng về tác giả thì mù mờ quá, đành phải nhờ “ông Google”. Sau một loạt các thao tác, cuối cùng Như Dạ Lý Mùa Xuân đã có tên tác giả : Ngọc Kôn, có cả địa chỉ email nữa. Vậy là trong những ngày đầu năm dương lịch 2017, chúng tôi đã có dịp trao đổi cùng nhau... Hóa ra, mém chút nữa thì nhạc sĩ Ngọc Kôn đã trở thành linh mục. Anh bật mí về mình như sau : tên khai sinh là Phaolô Võ Văn Côn, sinh năm 1950 tại An Hòa, Châu Thành, An Giang (giáo xứ Năng Gù, giáo phận Long Xuyên). Hiện ở tại số 15/2 đường số 5, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TPHCM (Giáo xứ Fatima Bình Triệu), ĐT: 08-37.2694.37.

Thời niên thiếu và thanh niên của Võ Văn Côn đã kinh qua các “lò”  đào tạo linh mục như Tiểu Chủng viện Thánh Phụng (Châu Đốc), Têrêxa (Long Xuyên), Đại Chủng viện Thánh Giuse (Sài Gòn), Thánh Tôma Aquinô (Long Xuyên), học xong tháng 12.1975 (chưa được truyền chức linh mục)... Sau khi tốt nghiệp Đại Chủng viện, thầy Côn tình nguyện đi vùng sâu lập lại giáo họ Ong Dèo (tháng 12.1975). Sau một tai nạn không mong muốn vào năm 1976, thầy Côn lưu lạc nhiều nơi, sống trong mòn mỏi để mong được lãnh tác vụ linh mục. Thời gian này, thầy đã đi học thêm và tạm làm nhạc sĩ sáng tác thánh ca để “chờ thời” và tự nâng đỡ “đời tu một mình” - tức sáng tác thánh ca, và chỉ thánh ca… Khởi đi từ năm 1976, bút danh Ngọc Kôn là do người bạn, linh mục nhạc sĩ Duy Linh Phạm Hồng Nhật (hiện ở giáo phận Long Xuyên) đặt cho.

Tác phẩm:

* Thánh ca Bình dân Tôn giáo (cantus religiosus popularis) với nhiều tác phẩm, tạm kể :

- Ca dao tình Chúa

- Tôi xin chọn Người

- Xin dâng

- Hãy trở về

- Tình ca vô tận

- Con hiểu Chúa, Chúa hiểu con

- Lạy Mẹ Vô Nhiễm Nguyên tội

- Vịnh ca 127

- Xin Mẹ (lễ cưới)

- Xin cám ơn tình Ngài (Xuân)

- Hiến tế 22 (và gần 200 bài Hiến tế khác)

- Bụi tro

v.v…

* Thánh ca Phụng vụ (cantus Gregorianus)

- Gần 100 bài Thánh ca Phụng vụ (Lời Chúa nguyên văn, hát với cộng đoàn) và còn đang viết tiếp (vừa dịch vừa viết cho hết quyển Graduale simplex (Sách Hát Đơn Giản) của Giáo hội - có thể gọi là Liber usualis đổi mới sau Công đồng Vat. II)

- Đặc biệt : trong khi sáng tác Thánh ca Phụng vụ, cố gắng tận hưởng những giá trị ưu việt của Bình ca bằng cách sử dụng hệ thống thang âm điệu thức Bình ca để viết Lời Chúa nguyên văn tiếng Việt.

- Cố gắng sáng tác Lời Chúa (nhất là Thánh vịnh) sao cho hấp dẫn.

- Cố gắng làm cho thánh nhạc trong nhà thờ Việt Nam ngày càng có chiều sâu của khoa học và nghệ thuật.

Trước đó, thầy cũng đã được học âm nhạc với linh mục nhạc sư Tiến Dũng từ năm 1965 (khi ngài vừa về nước), bạn đồng học lúc ấy có linh mục nhạc sĩ Văn Chi (Úc), linh mục nhạc sĩ Duy Thiên, linh mục nhạc sĩ Duy Linh Phạm Hồng Nhật (Long Xuyên) và linh mục nhạc sĩ Dao Kim (Mỹ)... Năm 1987, Ngọc Kôn học tiếp âm nhạc nâng cao, đặc biệt là thánh nhạc chuyên ngành với linh mục nhạc sư Tiến Dũng, sau đó được ngài đề cử sang Rôma thi lấy bằng nhạc sư sáng tác, nhưng không đi vì thiếu kinh phí. Không còn thấy hy vọng được lãnh tác vụ linh mục nên Ngọc Kôn hoàn tục và lập gia đình năm 1996, tuy nhiên, bây giờ thì người nhạc sĩ này sống cô độc với đôi mắt bị thương tật trầm trọng...

Hiện nay, nhạc sĩ Ngọc Kôn cùng với linh mục nhạc sĩ Ân Đức (Ocis), linh mục Giuse Trần Thanh Công (chính xứ Vườn Xoài), nhạc sĩ Phan Thanh Dũng, một số nhạc sĩ, ca trưởng, ca sĩ và nghệ sĩ… tạo một môi trường Thánh ca Phụng vụ thể hiện qua ca đoàn và dàn nhạc Thánh Thi (đàn hát Lời Chúa, đàn hát Lời Chúa với cộng đoàn, đàn hát Lời Chúa với cộng đoàn bằng các tác phẩm có hình thể xứng tầm phụng vụ); sau 4 năm thể nghiệm, nay đang hoạt động thường xuyên trong phạm vị toàn quốc (nơi nào muốn thì ca đoàn “tự thân vận động” đến hát trong thánh lễ, không gây phiền hà hay tốn kém cho bất kỳ ai).

Riêng về tác phẩm Như Dạ Lý Mùa Xuân, nhạc sĩ cho biết là đã sáng tác vào năm 1976, bằng nguồn cảm xúc nóng sốt trong một đêm ngắm hoa Dạ Lý nở về khuya, bằng sự đau khổ trong cuộc sống và do lòng muốn tạ ơn Đức Mẹ đã gìn giữ trong những cơn hoạn nạn… Nhạc sĩ đã viết một mạch hết điệp khúc với cảm xúc đột ngột, tình cờ và cháy bỏng, qua hôm sau mới viết tiếp các phần phiên khúc. Trong trạng thái chất ngất, cảm xúc trào tràn, với Ngọc Kôn, điểm nhấn của ca từ là “Con say sưa tìm đến bên Mẹ, không xin gì cũng chẳng dâng gì, chỉ cần nhìn ngắm Mẹ”... Giai điệu như tiếng lòng thổn thức, tiết tấu tự nhiên như hơi thở, chỉ cốt dâng lên Đức Mẹ lời khen ngợi mọi nét đẹp đa dạng và tuyệt mỹ của Người.

Ngay sau khi bài hát được viết ra, Hội Con Đức Mẹ giáo xứ Cù Lao Giêng (Long Xuyên) đã hát ngay trong buổi dâng hoa năm đó, nhiều người đã xúc động bật khóc. Từ đó đến nay, ca khúc được nhiều người nhắc đến, và sử dụng trong hầu hết mọi ca đoàn, nhưng, theo ý kiến riêng của tác giả thì... chưa được nghe nơi nào hát đúng ý !

Tác giả kể rằng, một kỷ niệm có được từ ca khúc Như Dạ Lý Mùa Xuân là có một nữ tu rất thích bài hát đến nỗi lúc qua đời, tờ giấy chép bài hát Như Dạ Lý Mùa Xuân vẫn còn nằm trong túi áo của Dì.




HÀ ĐÌNH NGUYÊN


Nguồn tin: cgvdt.vn