Nhạc sĩ Vũ Thành An kể chuyện tình... không tên

Nhạc sĩ Vũ Thành An kể chuyện tình... không tên
Nhạc sĩ Phó tế Vũ Thành An hiện sống tại Hoa Kỳ, thuộc Tổng giáo phận Portland. Ngoài phụng sự Chúa bằng âm nhạc và chu toàn trách nhiệm của mình tại nhà thờ, thầy còn tích cực phát triển Quỹ từ thiện Têrêsa do chính mình sáng lập từ năm 2004, chuyên giúp người nghèo, người già neo đơn qua các việc cứu trợ và phát gạo

 

Nhạc sĩ Vũ Thành An kể chuyện tình... không tên

Nhắc đến nhạc sĩ Vũ Thành An, người yêu nhạc lại liên tưởng đến những tình khúc không tên bất hủ, đi vào lòng nhiều thế hệ nối tiếp nhau hơn nửa thế kỷ. Từ năm 2002 giới Công giáo còn được biết đến ông trong cương vị một Phó tế vĩnh viễn.

 

Trong suốt buổi giao lưu với khán giả tại Đường sách TPHCM tối ngày 3.8.2017, nhạc sĩ Vũ Thành An nhiều lần bày tỏ tâm tình tạ ơn, như trong một bài hát ông từng viết: “Cám ơn Trời, ơn đời cho tôi còn sống đây. Cám ơn Trời, ơn đời cho tôi còn phút này…”. Dịp về nước lần này đặc biệt hơn, bởi ông có cơ hội được trải lòng cùng người hâm mộ qua tập sách “Chuyện tình không tên” do Phương Nam Book và NXB Văn hóa - Văn nghệ TPHCM ấn hành.

Đằng sau những bài hát không tên

“Tại sao lại là những bài không tên?”, câu hỏi được nhiều người thắc mắc lâu nay đã được tác giả diễn giải rằng “Vì muốn giấu tên người tình!”. Có nhiều bài luôn liên quan đến một bóng hồng nhưng ông lại cảm thấy mình không bao giờ có thể kể cụ thể về những cô bạn gái đã đi qua cuộc đời. Đây là những điều rất riêng tư, đôi khi đem công bố không khéo lại là một sự xúc phạm. Thêm một lý do nữa, thời học Đại học Luật khoa Sài Gòn, một giáo sư của ông bảo: “Muốn thành công thì phải làm điều gì đó khác lạ!”. Thế nên khi sáng tác ở tuổi còn trẻ, chàng trai Vũ Thành An muốn gây sự chú ý bằng cách chọn đặt tên những bài hát theo kiểu này, và còn nghĩ nếu viết một loạt những bài “không tên” thì dễ thành công hơn khi chỉ phổ biến một vài bài.

Chia sẻ về “Tình khúc thứ nhất”, nhạc sĩ hồi tưởng lại những kỷ niệm của mối tình với cô xướng ngôn viên của chương trình sinh viên hằng tuần trên đài phát thanh Sài Gòn, cũng là cô sinh viên trường Luật khi ấy: “Lúc mới quen nhau, nhiều lần nàng nói tôi hãy viết một ca khúc để kỷ niệm mối tình của mình. Tôi cứ lần lữa hoài chưa viết, sau đó cũng cố gắng viết nhưng chưa thấy hay. Rồi một buổi chiều Xuân 1965, trên chuyến xe từ Vũng Tàu về Sài Gòn, một dòng âm thanh vang lên trong đầu: ‘Bài ca anh hứa cho em bấy lâu nay vẫn còn dang dở…’. Tôi đưa bài hát cho nhà thơ Nguyễn Đình Toàn xem. Khi đó anh Toàn cũng làm chung ở Đài phát thanh và anh nói muốn viết lời cho bài này. Thế là tình khúc thứ nhất ra đời (Tình vui theo gió mây trôi. Ý sầu mưa xuống đời. Lệ rơi lấp mấy tuổi tôi. Mấy tuổi xa người. Ngày thần tiên em bước lên ngôi…)”.

“Bài không tên số 5”, một trong số những ca khúc được rất nhiều người yêu thích và thuộc, tác giả sáng tác để dành tặng người bạn đời đầu tiên. Đó là lúc nhạc sĩ đã trải qua hai, ba mối tình với nhiều hụt hẫng, rồi được gặp cô gái mà mỗi khi ở bên cạnh, ông luôn cảm thấy bình yên nên nghĩ đến chuyện lập gia đình cùng cô. “Mỗi lần gặp mình, cô ấy có vẻ bối rối và run lắm, cho nên bài hát này mới mở đầu bằng câu ‘Quấn quýt vân vê tà áo, run run đôi môi mở chào’…”, ông nói trong dòng ký ức đang ùa về. Kỷ niệm đáng nhớ của bài “không tên số 5” là nhạc sĩ đã được trả bản quyền với giá 10 ngàn đồng. Số tiền này vào năm 1969 khá lớn và ông đã quyết định dành hết để may áo cưới cho vợ mình.

Trước năm 1975, nhạc sĩ Vũ Thành An chỉ viết đến “Bài không tên cuối cùng”, tức bài số 10 là hết. Nhưng sau này, ông tiếp tục làm thêm lời hai cho những tình khúc ấy và những bài không tên nữa lại ra đời (tính đến nay có khoảng 50 bài), cùng các bản tình ca khác. Giải thích tại sao lại viết lời tiếp nối cho những sáng tác trước đây, nhạc sĩ kể rằng trong một lúc thảng thốt, ông đã viết lên những ca từ ấy, sau đó hát đi hát lại, thấy sao mình lại có thể có những lời xót xa như thế, rồi ưu tư sợ ảnh hưởng đến cuộc sống riêng của người bạn gái xưa nên muốn nói lại như một lời xin lỗi. Tỷ như ở bài “không tên số 10”, tác giả từng viết: “Này em hỡi, con đường em đi đó, con đường em theo đó, sẽ đưa em sang đâu? Mưa bên chồng, có làm em khóc, có làm em nhớ, những khi mình mặn nồng”; sau này ông đã có những lời tiếp nối: “Này em hỡi, con đường em đi đó, con đường em theo đó, đúng đấy em ơi. Nếu chúng mình đã thành đôi lứa, chắc gì ta đã, thoát ra đời khổ đau”… Hay bài “không tên số 2” có đoạn: “Đời một người con gái, ước mơ đã nhiều, Trời cho không được mấy, đến khi lấy chồng, chỉ còn mối tình mang theo”. Sau gần 50 năm, trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống, Vũ Thành An đã hát tiếp trên cùng dòng âm thanh ấy: “Đời một người dưới thế, ước mơ đã nhiều, Trời cho không được mấy, đến khi lên Trời, chỉ còn khối tình mang theo”.

Ký tên lên tác phẩm "Chuyện tình không tên" dành cho độc giả hâm mộ

Phụng sự Chúa trong ân tình

Hình ảnh một ông già ở tuổi ngoài 70 với khuôn mặt hiền từ, đôn hậu, trên ngực áo luôn cài cây thánh giá, khác hẳn một Vũ Thành An với mái tóc lãng tử của thời trai trẻ. Cũng trái tim ấy, con người ấy nhưng qua thời gian, chàng nhạc sĩ giờ đây lại là một giáo sĩ.

Điều đặc biệt, thầy Phó tế An không phải là người đạo gốc mà chỉ mới rửa tội theo đạo từ năm 1981. Nhưng như lời thầy kể ở bài “Kỷ vật là bài Kinh Kính Mừng” trong tập “Chuyện tình không tên” thì cái duyên với Công giáo đã có trước đó rất lâu. Năm 1960, chàng trai An đã quen một cô gái có đạo. Hồi đó, chưa hiểu thế nào là niềm tin Công giáo nhưng chàng rất ngưỡng mộ lòng sùng đạo của cô. Có những chiều Chúa nhật, hai người cùng hẹn nhau trước nhà thờ Đức Bà Sài Gòn sau khi tan lễ, chỉ để nói với nhau vài lời, rồi khi cô gái bước về, chàng trai vẫn còn ngẩn ngơ đứng trông theo. Và một lần, cô đã trao cho chàng mảnh giấy, trên đó viết bài kinh Kính Mừng với nét chữ thật nắn nót. Vì tôn trọng người bạn gái mà anh An khi ấy đã học thuộc kinh này theo lời dặn của cô. Dù sau đó không đến được với nhau nhưng lời kinh vẫn ở lại trong anh. Đến năm 1981, trong thời gian đi học tập cải tạo, một trong những căn bệnh nhạc sĩ Vũ Thành An mắc phải là chứng mất ngủ, khi nghe vài người bạn mách nhau rằng đọc kinh Kính Mừng là ngủ được, ông làm theo và thật hiệu nghiệm. Kinh Kính Mừng đã làm thay đổi cuộc đời người nhạc sĩ, từ tuyệt vọng thành hy vọng, bệnh tật thuyên giảm, sức khỏe hồi phục. Sau này, ông xác tín, chính những lời kinh đó đã dẫn dắt mình vào một niềm tin bền vững trong cuộc sống.

Bài hát “Đời đá vàng” được nhạc sĩ Vũ Thành An viết từ cuối năm 1974, khi mới ngoài 30 tuổi, với những suy tư: “Ô hay tại sao ta sống chốn này, quay cuồng mãi có gì vui?”. Rồi ngưng đến gần 20 năm sau mới viết tiếp, vào thời điểm ông đã định cư cùng vợ tại Hoa Kỳ. Trải qua một giai đoạn đau thương, nhạc sĩ lại cảm nghiệm: “Có một lần mất mát, mới thương người đơn độc. Có oằn mình đớn đau, mới hiểu được tình yêu!”. Ông chia sẻ thêm, để hoàn thành bài hát này, mình không chỉ cảm nhận được hết nỗi đau của một kiếp người mà còn hiểu thêm được trận đòn kinh khiếp mà Chúa Giêsu đã phải gánh chịu chỉ vì yêu thương loài người. Năm 2002, trước khi chịu chức Phó tế, nhạc sĩ tiếp tục viết: “Xuống tận cùng dưới đáy, mới thấy mênh mông rộng cõi trời. Hãy mở lòng chúng ta, đón nhận biển tình yêu. Có nghìn lần tha thứ, cũng chưa là từ ái. Hãy cảm tạ biết ơn, có được đời đá vàng”. Với thầy Phó tế giờ đây, qua nhiều chặng đường buồn vui, được sống trong ân nghĩa của Chúa, mới biết cảm tạ ngay cả những đau khổ, vì chính đau khổ đó đã giúp mình vươn lên.

Được dâng mình cho Chúa là ước vọng của nhạc sĩ Vũ Thành An từ khi gia nhập đạo. Không thể trở thành linh mục nhưng trong sứ mệnh phục vụ của người Phó tế vĩnh viễn, thầy đã tìm thấy ý nghĩa cuộc đời. Dù ngưng viết tình ca từ năm 1996 nhưng thầy An vẫn sử dụng “nén bạc” Chúa trao là khả năng âm nhạc để viết thánh ca và phổ nhạc các bài thánh vịnh.

Nhạc sĩ Phó tế Vũ Thành An hiện sống tại Hoa Kỳ, thuộc Tổng giáo phận Portland. Ngoài phụng sự Chúa bằng âm nhạc và chu toàn trách nhiệm của mình tại nhà thờ, thầy còn tích cực phát triển Quỹ từ thiện Têrêsa do chính mình sáng lập từ năm 2004, chuyên giúp người nghèo, người già neo đơn qua các việc cứu trợ và phát gạo. Quỹ Têrêsa cũng đã chính thức được phép hoạt động tại Việt Nam từ 2012.

LIÊN GIANG (cgvdt.vn)