Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật XXVIII A

Đăng lúc: Thứ sáu - 13/10/2017 02:57 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

CHÚA NHẬT 28 THƯỜNG NIÊN – A

Lời Chúa: Is. 25, 6-10a; Pl. 4, 12-14.19-20; Mt. 22, 1-14

——-

DẪN NHẬP

 

Lời Chúa: Các ngươi gặp bất cứ ai thì mời vào dự tiệc cưới” (Lc 1,31).

Nhập lễ:

Kính thưa cộng đòan phụng vụ,

Phụng vụ Lời Chúa chúa nhật 28 thường niên hôm nay cho chúng ta thấy Ơn Cứu Độ qua hình ảnh bữa tiệc. Thiên Chúa yêu thương kêu mời và đón tiếp mọi người dù tốt hay xấu vào dự bàn tiệc Nước Trời. Tuy nhiên, mỗi người có quyền tự do đáp lại lời mời hay từ chối:

 Tiệc mừng thiết đãi khách sang,

Sứ ngôn rảo khắp nẻo đường báo tin.

Chính Con Thiên Chúa cũng tìm,

Dân riêng chối bỏ, Chủ tìm dân xa.

Thật là hạnh phúc cho ta,

Đồng bàn với Chúa mặn mà mến thương.

Hiệp dâng thánh lễ hôm nay, xin giúp chúng ta đáp lại lời mời gọi của Chúa trong tinh thần mặc y phục lễ cưới của ngày lãnh nhận bí tích thánh tẩy, với một sự hoán cải tâm hồn chân thành để xứng đáng là công dân Nước Trời. Trong tâm tình đó, giờ đây chúng ta hãy thành tâm sám hối.

Sám hối:

X. Lạy Chúa, Chúa sẽ thiết tiệc đãi muôn dân và mời gọi chúng con tham sự bàn tiệc của Chúa. Xin Chúa thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.

X. Lạy Chúa Kitô, Chúa đến trần gian để đem ơn cứu độ cho thết thảy mọi người. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

X. Lạy Chúa, Chúa dựng nên con không cần có con nhưng để cứu độ con Ngài cần con đáp lời. Xin Chúa thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.

Kết: Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.

CĐ: Amen.

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang.

 

Mục lục

1. Lời mời của Chúa  (Gm. Giuse Vũ Văn Thiên)

2. Mặc áo cưới  (Tgm. Giuse Ngô Quang Kiệt)

3. Dụ ngôn tiệc cưới  (Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT)

4. Mặc sao xứng kỳ đức (Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)

5. Cửa Nước trời luôn mở, nhưng y phục phải xứng hợp (Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)

6. Bữa tiệc Nhà Chúa  (Anna Cỏ May, Tiền Tập sinh MTG.Thủ Đức)

7. Để xứng đáng  (Bông Hồng Nhỏ, Tiền Tập sinh MTG.Thủ Đức)

8. Dự tiệc cưới  (Phạm Anh, Thanh Tuyển sinh MTG.Thủ Đức)

9. Bàn tiệc Nước Trời  (Lm. GB. Trần Văn Hào, SDB)

10. Không có y phục lễ cưới (Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty, SDB)

11. Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật 28 Thường niên_A (Lm. Giuse Đinh Tất Quý)

12. Suy niệm Chúa Nhật 28 Thường niên_A  (Lm. Giuse Nguyễn Văn Nam)

13. Thiệp mời thương xót  (Trầm Thiên Thu)

14. Cần có y phục xứng hợp khi dự tiệc hoàng tử Giêsu (Jos.Vinc. Ngọc Biển)

15. Y phục xứng kỳ đức (Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)

16. Tiệc cưới (Lm. Giuse Trần Việt Hùng)

 

.

LỜI MỜI CỦA CHÚA

Gm. Giuse Vũ Văn Thiên

Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy Lời Chúa trong mấy Chúa nhật liên tiếp đều mang nội dung những lời mời. Người mời có thể là một vị vua (tiệc cưới hoàng tử), một ông chủ (mướn thợ làm vườn nho), hay đơn giản là một người cha (sai con đi làm). Những lời mời này không bó buộc khắt khe. Người được mời có thể đồng ý, có thể chối từ.
 
Thông thường, mời ai là thể hiện tình cảm và sự trân trọng đối với người đó. “Lời chào cao hơn mâm cỗ” như Ông Bà ta thường nói. Vì thế, người được mời cần tế nhị trong thái độ đáp lại, nhất là khi chủ thể của lời mời là một nhân vật quan trọng. Lời Chúa hôm nay cũng nói đến một lời mời, và là lời mời dự tiệc. Tuy vậy, những bữa tiệc này hoàn toàn khác với những bữa tiệc chúng ta chứng kiến hằng ngày.
 
Bài đọc I, ngôn sứ Isaia hướng tới một bữa tiệc trong tương lai, vào ngày Thiên Chúa can thiệp và ban ơn cứu độ. Đó sẽ là ngày vui mừng. Tang chế và sự chết không còn nữa. Đau khổ cũng chấm dứt. Đây là bữa tiệc do chính Thiên Chúa khoản đãi và ở trên núi cao. Độc giả người Do Thái dễ dàng hiểu, đây là ám chỉ hạnh phúc đời đời Chúa dành cho người công chính. Đó sẽ là khởi đầu của một cuộc sống mới trong Thiên Chúa.
 
Nếu bữa tiệc Ngôn sứ Isaia nhắc tới diễn tả với chúng ta về hạnh phúc Nước Trời trong tương lai, thì hình ảnh của bữa tiệc trong Tin Mừng lại quy hướng chúng ta về hiện tại. Vị vua là nhân vật chính trong câu chuyện xem ra có vẻ  khác người. Ông quá dễ dãi trong việc mời thực khách, nhưng lại quá khắt khe trong trang phục của họ. Một điều lạ nữa ở thái độ của một số thực khách được mời. Phản ứng và cách hành xử của họ làm chúng ta ngỡ ngàng. Họ coi nhẹ lời mời của ông, thậm chí  còn bắt đầy tớ, nhục mạ rồi giết chết. Vị vua là người dễ dãi quảng đại là thế, nhưng cũng không chịu nổi thái độ của những người này, nên đã nổi giận trước sự khước từ và thái độ gian ác của họ.. Ông đã lệnh cho đầy tớ đi ‘lùa” vào bàn tiệc tất cả những ai họ gặp ngoài đường và phố chợ. Lúc này xem ra không còn phải lựa chọn thực khách, mà ai cũng được mời đến thưởng thức một bữa tiệc thịnh soạn đã chuẩn bị sẵn sàng.
 
Chúng ta đừng quên bối cảnh của đoạn Tin Mừng trên đây: câu chuyện ông vua mở tiệc cưới cho hoàng tử được đặt vào thời điểm một số người Do Thái đang chống đối Chúa Giêsu một cách kịch liệt, vì Chúa đuổi người buôn ra khỏi Đền Thờ. Chúa cũng khiển trách mưu mô và sự cứng lòng tin của họ. Câu chuyện vườn nho và những tá điền bất lương (Mt 21,33-42) đã diễn tả quá rõ thái độ của những luật sĩ và biệt phái.
 
Như thế, chúng ta tìm thấy ý nghĩa của hình ảnh tiệc cưới trong Tin Mừng: đó là lời mời gọi tin vào Chúa và đón nhận giáo huấn của Người. Đây cũng là lời mời gọi gia nhập cộng đoàn tín hữu, tức là Giáo Hội, để sống tình huynh đệ thân thương. Quả vậy, Giáo Hội là một gia đình, luôn mở rộng cửa để đón tất cả mọi người không phân biệt. Đây không phải là sự ép buộc, mua chuộc hay lợi dụng, nhưng mọi người đều hoàn toàn tự do trước lời mời này. Ông vua mời  dự tiệc cưới cũng như người gieo giống, rất kiên trì và quảng đại, để tùy vào sự đáp trả tự do của con người. Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay đã đề cập tới phản ứng khác nhau của những khách được mời. Đó cũng là thái độ của con người trước lời mời gọi của Chúa. Một khi đón nhận giáo huấn của Người phải can đảm từ bỏ lối sống cũ không phù hợp, nên nhiều người kiếm cớ để chối từ. Khi nói đến trường hợp người được mời hành hạ và giết đầy tớ của vua, phải chăng Đức Giêsu muốn nhắc tới chính cái chết của Người. Người là Con Thiên Chúa, Đấng đến trần gian đề mời gọi nhân loại chia sẻ vinh quang và sự thánh thiện của Chúa, nhưng đã bị bạc đãi và giết chết.
 
Cần lưu ý, dù người ta đón nhận Chúa hay chối từ Người, thì vào thời điểm cuối cùng của lịch sử, họ cũng phải trình diện trước nhan Người để chịu phán xét. Đó là ý nghĩa lời phê phán của vị vua chủ tiệc, khi thấy một thực khách dự tiệc mà không mặc áo cưới. Nếu ông quảng đại rộng rãi trong việc đãi tiệc, thì lại khắt khe trong việc y phục của thực khách. Việc quảng đại đãi tiệc là việc của Chúa, việc chuẩn bị cho xứng hợp là bổn phận về phía con người. Đến ngày phán xét, mỗi người phải mang trách nhiệm về cách hành xử và thái độ của mình đối với Chúa và đối với tha nhân.
 
Hình ảnh bữa tiệc giúp người tín hữu kiên vững trong đức tin, mặc dù phải trải qua muôn vàn thử thách. Thánh Phaolô là một ví dụ điển hình. Đối với thánh nhân, thử thách, gian nan và thiếu thốn không quan trọng, vì ngày xác tín rằng Thiên Chúa là Đấng sẽ chu cấp dư dật cho những ai biết quảng đại cho đi (Bài đọc II).
 
Lời Chúa hôm nay vừa phê phán những người được mời trân trọng mà lại chối từ, vừa khẳng định: những ai được mời ồ ạt sau này cũng phải có điều kiện cần thiết để dự tiệc. Mặc dù lời mời gọi của Chúa được gửi đến hết thảy mọi người, Nước trời không phải một thứ “dồn toa” tổng hợp ai cũng được vào, nhưng là nơi dành cho những ai thiện chí thực thi Lời Chúa và bền tâm mến Chúa yêu người.
 
Bữa tiệc tương lai (Bài đọc I) và bữa tiệc hiện tại (Bài Tin Mừng) không phải là một ảo tưởng hoang đường nhằm ru ngủ chúng ta trước thực tại của cuộc sống. Đó chính là niềm hy vọng giúp ta vững bước, đồng thời nhận ra Thiên Chúa đang hiện diện giữa cuộc đời. Ngài không ngừng mời gọi chúng ta hãy sống thánh thiện và nhân ái, để chuẩn bị cho hạnh phúc vĩnh cửu, là bữa tiệc đời đời Chúa dành cho những ai trung tín với Ngài.

Về mục lục

.

MẶC ÁO CƯỚI

Tgm. Giuse Ngô Quang Kiệt

Với tình thương yêu, Thiên Chúa dọn tiệc mời.

Đọc dụ ngôn tiệc cưới, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước tình yêu thương của Thiên Chúa. Thiên Chúa mời con người đến dự tiệc cưới Con của Người. Điều đó chứng tỏ Thiên Chúa yêu thương con người.

Đó là một tình yêu nhưng không.

Thiên Chúa là vị vua cao sang. Ta chỉ là đám tiện dân hèn hạ. Sao Chúa lại mời ta. Theo lẽ thường ở đời người ta chỉ mời những người ngang vai bằng vế. Một bữa tiệc thường có mục đích củng cố uy tín của chủ nhân và ràng buộc khách mời vị vọng để khi hữu sự cần nhờ. Vua Trời mời tiện dân hèn hạ thì có lợi gì. Không những hèn hạ mà còn đui, què, mẻ, sứt nữa. Ta là những hạng rác rưởi của xã hội, chẳng có gì đền đáp cho chủ nhân. Chẳng đem lại một chút vinh dự nào cho chủ nhân. Thế mà Người vẫn mời ta. Rõ ràng là do tình thương của Người. Đó là tình yêu nhưng không. Người không mong ta có gì đền đáp. Người mời ta chỉ vì yêu thương ta mà thôi.

Đó là tình yêu chia sẻ.

Thiên Chúa tràn đầy vinh quang không còn thiếu thốn gì. Tại sao Người còn mời những con người hèn hạ vào Nước Trời làm gì cho thêm bận. Thưa vì Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu của Người vô biên nên Người khao khát chia sẻ. Người vô cùng tốt lành nên Người muốn thông ban hạnh phúc cho loài người. Tình yêu mãnh liệt khiến người nảy sinh những sáng kiến kỳ diệu. Cho Con Một mặc lấy bản tình loài người để nâng loài người lên. Mời gọi loài người vào hưởng hạnh phúc với Người. Nâng loài người hèn hạ lên bậc thượng khách trong tiệc cưới. Nâng loài người tôi tớ lên hàng con cái trong Nước Trời. Đưa nhân loại bơ vơ đầu đường xó chợ vào ngồi đồng bàn với hàng thần thánh trên trời.

Chẳng có gì có thể giải thích được thái độ của Thiên Chúa. Chỉ có tình yêu. Đó là một tình yêu vô cùng mãnh liệt và hoàn toàn vô vị lợi. Tình yêu muốn chia sẻ hết những gì mình có. Tình yêu hoàn toàn vì người mình yêu. Mong muốn mọi sự tốt đẹp cho người mình yêu.

Tôi phải mặc áo cưới tới dự.

Tình yêu Thiên Chúa tha thiết nhưng vẫn tôn trọng tự do. Trước lời mời gọi của Thiên Chúa, tôi có thể nhận lời hoặc chối từ. Khi dọn tiệc, Chúa mong tôi tới dự. Khi mở rộng cửa trời, Chúa mong tôi bước vào. Khi mời gọi, Chúa mong tôi trả lời. Khi bày tỏ tình yêu, Chúa mong tôi đền đáp. Tuy nhiên, nhận lời đền đáp đòi phải có điều kiện. Đến dự tiệc cưới phải mặc áo cưới.

Mặc áo cưới là mặc lấy nhân phẩm. Được mời vào dự tiệc cưới Con Vua, tôi không còn là phường rác rưởi của xã hội nữa. Tôi đã được Chúa trân trọng. Nâng lên hàng thượng khách, là khách mời của Vua. Mặc áo cưới ở đây là tự trọng, cư xử như người tự do. Chúa đã phục hồi nhân phẩm cho tôi, tôi phải trân trọng giữ gìn.

Mặc áo cưới là mặc lấy tình yêu. Vì yêu thương Chúa đã mời tôi vào chung hưởng hạnh phúc với Người trong tiệc cưới. Đáp lại, tôi phải có tình yêu mến đối với Người. Tình yêu đáp đền tình yêu. Mặc áo cưới là trân trọng tình yêu của Chúa, là muốn đáp lại tình yêu của Chúa.

Mặc áo cưới là mặc lấy Chúa Kitô (x. Gl 3,27). Được ơn cứu độ, ta trở thành em Chúa Kitô, vì thế ta phải noi gương Người mặc lấy tâm tình người con được Cha yêu thương và biết lấy tâm tình hiếu thảo đáp lại tình Cha. Mặc lấy Chúa Kitô cũng là mặc lấy con người mới là hình ảnh của Thiên Chúa công chính và thánh thiện (x. Ep 4,24).

Thiên Chúa yêu thương mời gọi ta vào hưởng hạnh phúc Nước Trời. Đáp lại, ta phải đổi mới đời sống cho phù hợp với Nước Chúa, với tình yêu của Chúa và với địa vị mới của ta.

Lạy Chúa, xin cho con biết mạnh dạn đáp lại lời Chúa mời gọi.

GỢI Ý CHIA SẺ

1) Hằng ngày Chúa vẫn mời gọi tôi đến dự tiệc Thánh Thể, tôi có mau mắn đáp lời hay tôi thường từ chối?

2) Mặc áo cưới là theo Chúa quyết liệt, không nửa vời tôi theo đạo nhưng tôi có thực hành Lời Chúa không?

3) Bạn phải làm những gì để được coi là “mặc áo cưới”?

Về mục lục

.

DỤ NGÔN TIỆC CƯỚI

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi

Chúa Giêsu trong ba năm đi rao giảng Tin Mừng, loan báo Nước Thiên Chúa cùng với các môn đệ, Ngài đã không rao giảng một mớ lý thuyết trên mây trên gió, xa vời thực tế, khó hiểu, khó chấp nhận. Ngài đã dùng các dụ ngôn, các sự việc ra trong xã hội Do Thái lúc đó để loan báo Nước Trời. Đức Giêsu đã ví Nước Trời như viên ngọc quí, thửa ruộng, tiệc cưới, hạt cải vv…Những hình ảnh, ví dụ, sự việc, dụ ngôn Chúa dùng để diễn đạt một điều gì đó, một mầu nhiệm, luôn giúp con người dễ nhận ra, dễ chấp nhận điều Chúa Giêsu muốn diễn tả và dạy bảo. Chúa Nhật XXVIII thường niên, năm A,xoay quanh chủ đề tiệc cưới.

Hình ảnh tiệc cưới khác lạ trong đoạn Tin Mừng hôm nay nói lên niềm vui, sự hân hoan, phấn khởi của thực khách, của mọi người trong tiệc vui Nước Trời. Tại tiệc cưới Cana, Chúa Giêsu, Mẹ Maria và các môn đệ của Chúa đã có mặt để đem lại hạnh phúc, niềm hân hoan phấn kích cho gia đình nhà đám và các thực khách có mặt hôm đó. Chính trong tiệc cưới này theo sự gợi ý tế nhị của Mẹ Maria, Chúa Giêsu đã làm phép lạ cho nước lã hóa thành rượu ngon khi nhà đám đã hết sạch rượu. Chúa đã làm cho tiệc cưới mặc một ý nghĩa cao cả, diễn tả Nước Thiên Chúa. Chúa dùng bưa với Giakêu, Lêvi và nhiều người thu thuế, tội lỗi vv…Những người thấp cổ bé họng, những người bé nhỏ, tội lỗi Chúa cũng vui vẻ đồng bàn với họ. Chúa tới nhà Martha, Maria và Lagiarô ở Bêtania cùng với các môn đệ, nghỉ ngơi và dùng bữa với gia đình họ. Chúa luôn đem lại niềm vui cho những người, những gia đình Ngài tiếp xúc, đến thăm. Chúa lập bí tích Thánh Thể cũng trong bữa ăn cuối cùng của cuộc sống trần thế của Ngài. Khi Chúa phục sinh, Ngài đồng bàn với hai môn đệ ở một quán trọ trên đường về làng Emmaus. Chúa hiện ra trên bờ hồ sau khi sống lại, chuẩn bị bữa ăn cho các môn đệ, rồi Ngài chia sẻ miếng cá, miếng bánh, chút mật ong với các môn đệ. Bữa tiệc, bữa ăn nói lên sự hiệp thông, tình yêu, chia sẻ, cảm thông giữa người với người. Vua ở đây là chính Thiên Chúa. Tiệc cưới tượng trưng cho việc Thiên Chúa gặp gỡ con người. Các gia nhân đi mời khách tượng trưng cho các tiên tri. Có nhiều gia nhân bị hành hạ, đánh đập, bị giết chết nói lên thân phận của các ngôn sứ. Vua thịnh nộ sai quân lính đi tru diệt và thiêu hủy thành phố của chúng, tượng trưng cho thành Giêrusalem bị tàn phá. Sự tàn phá là hậu quả của sự từ khước lời mời gọi của Vua. Thực khách là những người Do Thái, dân riêng của Chúa chọn, vốn trung tín với Lề Luật, trung thành với Giao Ước nhưng họ lại từ khước lời mời gọi tham dự tiệc cưới, nghĩa là đi vào Nước Trời. Do đó, những đĩ điếm, những người tội lỗi, thu thuế biết sám hối, thật lòng ăn năn, và những khách lạ ở khắp nơi được mời gọi dự tiệc cưới. Người Do Thái cứng lòng, thích tìm kiếm những sự chóng qua, đặc biệt những Kinh sư, Biệt phái, Pharisêu, Đầu mục đã tự kiêu, tự mãn, không chấp nhận Chúa, chối từ Chúa, họ không được hưởng gia nghiệp là Nước Trời Chúa hứa ban cho con người. Thiên Chúa luôn yêu thương con người, nhẫn nại chờ đợi con người thật lòng quay về, thật lòng hoán cải để nhận ra Lòng Thương Xót, sự nhân từ, khoan hậu của Chúa.

Ngày nay nhiều người mải mê sự đời, chạy theo địa vị, danh vọng, của cải phù phiếm mau qua và khước từ lời mời gọi dự tiệc cưới của Chúa. Con người không quan tâm không nhận ra hạnh phúc đích thực, sự sống vĩnh cửu. Họ quên rằng cuộc sống trần gian chỉ là tạm bợ, của cải, danh vọng, thú vui rồi sẽ qua đi…chỉ có sự sống Nước Trời mới là hạnh phúc thật và là nơi ở vĩnh viễn. Chúa đòi hỏi con người sống gắn bó, đặt Chúa lên trên hết và sống lời Chúa, thực hành lời Chúa để con người luôn có tương quan tốt với Chúa và với anh em. Con người sẽ bị loại ra khỏỉ tiệc cưới của Nước Trời, nếu họ không biết ăn năn, cải thiện đời sống và có tương quan tốt với Chúa và với anh em.

Lạy Chúa, xin thứ tha tội lỗi của chúng con và ban thêm đức tin để chúng con luôn khao khát tìm kiếm Nước Thiên Chúa. Amen.

Gợi ý để chia sẻ :

1. Tiệc cưới ở đây có ý nghĩa gì ?
2. Tại sao các Đầu mục, Kinh sư và Pharisêu lại từ khước Nước Trời ?
3. Ăn năn, sám hối, cải thiện đời sống có cần thiết không ?
4. Khách không mặc áo cưới có nghĩa gì ?
5. Các gia nhân là ai ?

Về mục lục

.

MẶC SAO XỨNG KỲ ĐỨC

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

Một em bé hỏi tôi: cha ơi hôm nay là ngày gì mà cha mặc đẹp thế?

Tôi trả lời: À không, chỉ là để tiếp khách thôi.

Tiếp khách sao lại phải mặc đẹp?  Em hỏi

Vì chúng ta tôn trọng khách. Khi mình ăn mặc đẹp thì người khách cảm thấy họ được tôn trọng và chắc chắn mình cũng tự tin hơn khi tiếp xúc với họ.

Quả thực, mặc đẹp là ngôn ngữ không lời để nói lên sự kính trọng dành cho khách đến thăm. Người càng cao trọng ta càng phải chỉnh chu hơn khi tiếp đón. Cách ăn mặc còn là đặc thù riêng biệt của những nơi, những chốn phải mặc sao cho phù hợp. Áo mặc đi lễ phải khác với áo mặc dạ hội. Áo đến công sở phải khác với chốn du lịch vui chơi. Dầu vậy, nhiều người vẫn gây nên những phản cảm khi mặc thiếu vải đi lễ Chùa. Cái đẹp đâu chẳng thấy mà thấy cái tư cách bị tụt hạng và bị cư dân mạng ném đá không thương tiếc.

Đó là lý do mà người xưa thường nhắc nhở nhau phải ăn mặc sao cho “xứng kỳ đức”. Nghĩa là cách ăn, cách mặc, cách đối xử phải tương xứng với địa vị của mình. Nếu không ứng xử cho “xứng kỳ đức” là ta đang tự làm mất giá trị phẩm giá của mình.

Điều đáng buồn là không ít những cảnh “nghịch mắt, chướng tai” khi nhìn vào xã hội hôm nay. Ngoài đường phố, nơi công cộng có không ít cảnh những học sinh, sinh viên nói tục, chửi bậy, cư xử thiếu tác phong. Ngành giáo dục thì có không ít những thầy giáo, cô giáo “làm rầu nồi canh” bằng những hành vi tiêu cực như: nhận hối lộ, “gợi ý” quà cáp, thậm chí, bạo hành với trẻ nhỏ. Ở một số những nơi hành hương như đền đài, chùa chiền là chốn linh thiêng nhưng lại có hiện tượng mất cắp vặt, thậm chí còn giật bóp, giật điện thoại  . . .

Hôm nay Chúa Giê-su ví Nước Trời là một bữa tiệc. Thiên Chúa mời mọi người vui lòng đến dự bữa tiệc do Ngài thiết đãi. Ngài mời gọi không phân biệt chủng tộc, màu da. Ngài hân hoan chào đón mọi thành phần vào tham dự bữa tiệc. Tuy nhiên, để được dự tiệc Ngài cũng đòi hỏi mỗi người phải khoác chiếc áo phù hợp. Chiếc áo thể hiện lòng kính trọng với chủ tiệc. Chiếc áo mà Ngài đã trao cho mỗi người khi chấp nhận lời mời bước vào bữa tiệc cánh chung đó chính là chiếc áo trắng trong ngày rửa tội. Chiếc áo của ân sủng. Chiếc áo tinh tuyền không tì vết tội lỗi.

Nhưng đáng tiếc, có người đã đánh mất chiếc áo vì bỏ đạo. Có người đã làm bẩn chiếc áo bởi đam mê lầm lạc. Có người đã để chiếc áo nhàu nát, rách rưới bởi bon chen tranh giành thú vui trần gian. Có người đã bỏ lại chiếc áo ân sủng mà khoác trên mình chiếc áo của tính hư nết xấu. Họ đã thiếu y phục cần có khi dự tiệc. Chúa sẽ rất buồn khi nhìn thấy họ làm mất đi vẻ đẹp của phẩm giá làm con Thiên Chúa.

Điều Chúa buồn hơn khi thấy chiếc áo của hiệp nhất yêu thương nơi Giáo hội đang bị nhàu nát bởi con cái Chúa. Họ tin Chúa nhưng lại chơi xấu anh em bằng việc rỉ tai vu khống, bỏ vạ, cáo gian. Giáo xứ cũng chia năm xẻ bảy bởi phe cha xứ, phe cha phó. Cha mới, cha cũ. Ban Hành Giáo với cha xứ và với nhau cũng gây nên không ít sóng gió cho giáo xứ. Hội đoàn cũng tụm năm tụm bảy nói xấu nhau gây nên những thị phi. Bàn tiệc thiếu hiệp nhất sẽ mất mùi vị thơm ngon. Phải chăng đây là lúc chúng ta cũng thành thật nhìn lại chính mình để bớt đi cái tôi ích kỷ mà hòa nhập với nhau trong tinh thần kính trọng và yêu thương?

Ước gì chúng ta luôn biết chuẩn bị lòng mình cho xứng đáng tham dự bàn tiệc thánh. Xin gìn giữ chiếc áo ân sủng hầu xứng đáng tham dự bàn tiệc thánh. Xin đừng ví cái tôi của mình mà làm nhàu nát chiếc áo hiệp nhất của Giáo hội, nhưng luôn biết xây dựng tình hiệp nhất bằng yêu thương. Amen

Về mục lục

.

CỬA NƯỚC TRỜI LUÔN MỞ, NHƯNG Y PHỤC PHẢI XỨNG HỢP

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Lại một dụ ngôn khác về Nước Trời được trình bày cho chúng ta với chủ đề sâu xa tương tự như các Chúa nhật trước. Thiên Chúa luôn đi bước trước, “Chúa dọn ra cho con mâm cỗ ” (Tv 22) “đầy thịt rượu, thịt thì béo, rượu thì ngon” (Is 25, 6) ; “ Đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa ” (x. Tv 22) “theo sự phú túc vinh sang của Người trong Đức Giêsu Kitô” (Pl 4, 12). Nước Trời luôn rộng mở cho hết thảy mọi người, bất luận tốt xấu, miễn là phải có y phục xứng hợp : “Vậy các ngươi hãy ra các ngả đường, gặp bất cứ ai, thì mời vào dự tiệc cưới ” (Mt 22, 9).

Lời mời gọi phổ quát

Qua dòng thời gian, Thiên Chúa đã mời gọi dân Ngài đi vào trong giao ước, chia sẻ tình yêu với Ngài. Nhưng tiếc thay, con người luôn đáp lại một cách khác, ngược đãi, xua đuổi các tiên tri. Giao ước không được đáp trả. Nhưng Thiên Chúa vẫn một mực trung thành, tiếp tục mở tiệc mời con người tới dự tiệc giao ước mới và đó chính là niềm vui cho mỗi người chúng ta.

Những người đầu tiên được đức vua mời đến dự tiệc cưới, nhưng viện cớ lấy lý do “như đi thăm trại…đi buôn bán” để từ chối (Mt 22, 5-6). Vì họ từ chối, nên những người khác được mời vào chia sẻ niềm vui với gia đình hai bên và đôi bạn trẻ.

Khác với những người được mời trước, những người được mời sau chẳng có công gì cũng được mời dự tiệc cưới. Họ chỉ có cơ may là được các người đầy tớ gặp ở ngã ba đường. Họ thuộc đủ mọi thành phần, bình thường không ai để ý tới.

Chúng ta tự hỏi : Liệu họ có hy vọng, có trông đợi mình được mời dự tiệc cưới kia không ? Isaia trả lời. Mọi người đều sống niềm hy vọng vì trong con người có một sự chờ đợi vô song. “Này đây Chúa chúng ta…nơi Người, chúng ta đã tin tưởng…vì ơn Người cứu độ” (Is 25). Họ hy vọng và chờ đợi chứ.

Hy vọng vào lời mời gọi phổ quát này, giả thiết không có một điều kiện tiên quyết nào, cũng không phải là lời mời của những người có lên hệ với nhà vua : “Chúa dọn ra cho con mâm cỗ…”, cho hết mọi người (Tv 22). Thật khó có thể tưởng tượng, hoặc tin rằng Thiên Chúa ban ơn ơn cứu độ nhưng không cho hết mọi người. Đây chính là Tin Mừng Thiên Chúa kêu gọi chúng ta.

Hạnh phúc vì được mời

Tiệc cưới Con Chiên” được sách Khải Huyền mô tả (19, 7, 9) hàm chứa một ý nghĩa sâu xa : “Phúc cho những ai được mời dự tiệc cưới của Chiên Con! ” Thật hạnh phúc cho chúng ta, phúc này vượt quá những gì chúng ta có thể nếm hưởng trên trần gian, đây là yến tiệc Chúa Giêsu ban cho chúng ta.

Sau Chiên Thiên Chúa linh mục mời gọi : “Đây Chiên Thiên Chúaphúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa” (Thánh lễ). Lời này gửi đến tất cả những ai sẽ tham dự vào tiệc cưới Con Chiên. Mỗi Thánh lễ là một lời loan báo và tham dự trước vào yến tiệc Nước Trời, tiệc của Hoàng Tử, Con yếu dấu của Chúa Cha, tiệc của Đức Kitô kết ước với nhân loại. Thánh Têrêsa Avila nói : “Lạy Chúa vị Hôn Thê của con, giờ đã đến, giờ con hằng mong đợi, giờ chúng ta gặp nhau. Ôi lạy Thiên Chúa là tình yêu duy nhất của con! Này là giờ con ao ước từ lâu, tâm hồn con vui sướng khi được kết hợp với Chúa! ” Chúng ta không thể gần Chúa mà không mặc lấy tâm tình của Chúa.

Nhưng phải có y phục lễ cưới

Có một điều khiến người đọc không khỏi thắc mắc và tìm lời giải đáp cho người được mời không mặc y phục lễ cưới, họ vào và bị đức vua ra lệnh: “Trói tay chân nó lại, ném nó vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng! ” (Mt 22, 13). Họ đang ở ngã ba đường, đầy tớ đức vua tình cờ gặp họ, mời họ vào bất luận họ là ai, sao lại đòi họ phải có y phục lễ cưới ?

Áo cưới mà Tin Mừng nói tới ở đây là áo nào ? Có phải các bí tích không ? Hay là Phép Rửa tội ? Vì không chịu phép Rửa tội, không ai có thể đạt tới Thiên Chúa được, nhưng có một số người lãnh nhận phép Rửa tội, không đến cùng Thiên Chúa… Có thể là bàn thờ hay điều người ta lãnh nhận từ bàn thờ không ? “Vì kẻ ăn và uống, mà không phân biệt được Thân mình, tức là ăn và uống án phạt cho mình” (1Cr 11, 29). Vậy thì là cái gì ? Ăn chay ư ? Những kẻ gian ác cũng làm thế. Đi nhà thờ ư? Những kẻ gian ác cũng đi nhà thờ như bao người khác … Vậy áo cưới này là áo nào?

Ở đây, người vào dự tiệc cưới không thụ động, chấp nhận vào thì phải tìm cách thể hiện mình xứng đáng, và đó là áo cưới. Ơn cứu độ là phổ quát, đồng ý để được cứu độ là chấp nhận sống theo những đòi hỏi của Nước Trời, áo cưới vừa thể hiện sự đồng ý, vừa chứng tỏ trách nhiệm của chúng ta.

Đời sống luân lý không phải là điều kiện duy nhất để được cứu độ, Maria Mađalêna, Giakêu và nhiều người khác được mời, họ đã hoán cải để trở nên xứng đáng với Chúa hơn. Áo cưới là những điều tốt, người dự tiệc phải có. Thánh Phaolô nói : “Ðiều lời truyền dạy phải nhằm đưa tới đức mến, phát tự tấm lòng trong sạch, lương tâm thiện hảo, và đức tin không giả hình” (1Tm 1, 5). Đây là y phục lễ cưới.

Người được mời đến dự tiệc cưới không đơn giản chỉ ăn, nhưng chia sẻ niềm vui với họ hàng hai bên, mừng hạnh phúc cho đôi bạn trẻ, nên phải có y phục xứng đáng.

Chúng ta là những tội nhân được Thiên Chúa mời dự tiệc Nước Trời. Chắc chắn ai cũng muốn mặc chiếc áo cưới tinh tuyền, không vương tội lỗi. Giáo hội Chúa không phải là một xã hội hoàn hảo, gồm có tội nhân, nhưng ý thức được tội lỗi của mình và mong muốn được tha thứ. Áo cưới được hiểu là biểu tượng của sự hoán cải. Sách Khải Huyền nói đến sự thánh và việc lành là chiếc áo bao phủ chúng ta (Kh 19,8). Thánh Giêrônimô thì nói : “Áo cưới, là những thánh chỉ của Chúa, và việc làm được thực hiện theo luật của Tin Mừng là chiếc áo cưới mới”. Chúng ta không thể tham dự vào tiệc cưới con chiến mà không tìm kiếm mặc lấy lòng trắc ẩn, lòng tốt, khiêm nhường trong lòng, từ bi. Áo cưới chính là “Đức Kitô Vị Hôn Phu” thánh Phaolô khuyên : “anh em hãy mặc lấy Ðức Kitô” (Gl 3, 27), chấp nhận hoán cải, thanh tẩy chính mình “để sao cho xứng với Chúa, mà làm đẹp lòng Ngài trong mọi sự ”  (Cl 3, 10). Giờ đây hãy chúng ta hãy nghe lời Chúa : “Mọi sự đã sẵn sàng hãy đến !

Lạy Chúa, ước gì ân sủng Chúa vừa mở đường cho chúng con đi, vừa đồng hành với chúng con luôn mãi, để chúng con sốt sắng thực hành những điều Chúa truyền dạy. Amen.

Về mục lục

.

BỮA TIỆC NHÀ CHÚA

Anna Cỏ may

       Bé Lan chạy ở đâu về réo lên:

                    – Bố ơi, nhà chú Cao có đám cưới. Bố cho con đi ăn nha!

                    – Thế đã đến giờ ăn chưa con?

                    – Dạ rồi!

                    – Vậy thì đi đi, nhớ giờ về mà đi học.

                    – Dạ!

Ở miền quê mọi người gọi tiệc cưới là đám cưới. Trong đám cưới, những người đi dự tiệc luôn mỉm cười và nói rộn rã lời chúc mừng cho cô dâu và chú rể, cùng ngồi chung vui với hai gia đình thông gia. Và lũ trẻ con trong xóm cũng hớn hở và ríu rít gọi nhau. Chúng cũng được chung vui với mọi người.

Hôm nay, chúng ta được nghe câu chuyện về tiệc cưới của nhà vua. Nhà vua mở tiệc cưới linh đình và sai các đầy tớ đi “thỉnh” các quan được mời đến dự tiệc, nhưng không ai đến. Nhà vua lại tiếp tục cho người đi mời lần hai. Lần này họ chẳng những từ chối mà còn lấy lý do này lý do khác để từ chối, lại còn bắt các đầy tớ hành hạ và giết chết. Nhà vua căm giận và sai người đi tru diệt họ. Bây giờ nhà vua sai các đầy tớ đi ra các ngả đường, gặp ai thì mời, bất luận tốt xấu. Khi khách đã đông đủ, nhà vua đi quan sát một vòng thì thấy có một nguời không mặc y phục lễ cưới, liền hỏi. Nhưng người ấy không trả lời. Nhà vua liền cho người phục dịch trói chân tay nó rồi quăng ra ngoài chỗ tối tăm (Mt 22,1-14). Là một vị vua vừa có quyền vừa có tất cả mọi thứ, nên bữa tiệc ấy đã chuẩn bị rất tươm tất nào là cỗ bàn, bò tơ và thú béo. Ngoài ra còn có sẵn trang phục cho những ai đến dự, nhưng chẳng ai tới. Tại sao họ lại không đến dự tiệc cưới nhà vua? Họ là cấp dưới phải tôn trọng và nhanh chân đi chứ? Chẳng lẽ họ có một chút gì đó không hay với vua? Điều chúng ta nên để tâm đó là ông vua. Ông mong muốn mọi người đến và chung vui với ông, cùng chia sẻ hạnh phúc và cùng thưởng thức những món ăn ngon. Rồi ai đã tới? Đó cũng là tâm tư của Thiên Chúa chúng ta.

Vâng, xưa kia Thiên Chúa đã dọn tiệc cưới để mừng Con của Ngài. Khách được mời mà không đến là dân Do thái, kẻ được thay thế là dân ngoại. Họ được mời sau nhưng lại nhanh chân đến, không chần chừ. Trong số đó, có những người không mặc áo cưới là ám chỉ những người Kitô hữu có đức tin mà lại không sống đức tin. Bữa tiệc ấy không bị hạn chế nhưng vẫn còn tiếp diễn cho đến ngày hôm nay và kéo dài cho đến ngày tận thế. Chính vì thế, Chúa Giêsu vẫn đang mời gọi chúng ta hãy đến dự tiệc cưới của Ngài. Với tiệc cưới thế gian, đôi tân hôn phải tính toán và lên kế hoạch từ lâu. Và khách dự tiệc cũng cần biết trước để chuẩn bị những thứ cần thiết. Vì thế, tiệc cưới của Chúa Giêsu vẫn cần chuẩn bị sẵn sàng như năm cô khôn ngoan chờ chàng rể đến (Mt 25,1-13). Chúng ta hãy mặc lấy trang phục là các Bí tích và Lời Chúa. Phương tiện đi là những điều răn và lề luật của Ngài và làm những việc hy sinh nhỏ bé trong lời nói, ánh mắt, cử chỉ… Để khi đến dự tiệc cưới của Chúa, chúng ta được tràn đầy niềm vui hạnh phúc cùng Ngài, được ăn uống thỏa thuê không bao giờ hết. Chúng ta cũng đã ngày ngày được dự tiệc với Ngài trong Thánh lễ. Nhờ đó, Ngài gìn giữ và nối kết chúng ta cho đến khi chung vui trên Trời là quê hương đích thực của chúng ta.

Có ông cụ nói với bà vợ:

– Bà ơi, tối qua tôi mơ tôi được vào một nơi rất đông người, nơi đó có rất nhiều đồ ăn nước uống không thiếu cái gì. Tôi ăn nhiều lắm mà chẳng thấy vơi tí nào.

– Rồi ông sẽ được ăn như thế. Bà cụ trả lời.

          Lạy Chúa, bữa tiệc của Chúa luôn luôn có sẵn để chờ chúng con đến. Ngài hằng cho Người đến đón rước chúng con, mà chúng con lại từ chối. Chúng con cứ đi tìm những tiệc cưới mau qua chóng tàn. Chúng con thật chẳng biết nhận ra đâu là điều quan trọng con phải chuẩn bị cho ngày đi dự tiệc. Cậy vì tình yêu và lòng nhân từ của Chúa, xin Chúa hãy đánh thức và lại đánh thc chúng con, giúp chúng con thoát khỏi những ham muốn bữa tiệc tạm bợ chóng tàn trong ngày sống. Amen

Về mục lục

.

ĐỂ XỨNG ĐÁNG

Bông hồng nhỏ

 “Xứng đáng”, đó là một trong những thang giá trị mà ta tự đặt cho mình hay cho người khác, trước khi muốn trao cho ai một món quà hay khi ta đón nhận một món quà. Người xứng đáng là người đủ phẩm chất và tư cách để được hưởng món quà. Hôm nay, Thầy Giêsu lại dùng một dụ ngôn khác để nói về Nước Trời: Dụ ngôn tiệc cưới. Những kẻ được mời dự tiệc cưới nhưng lại không xứng đáng để vào dự tiệc. Điều gì đã xảy ra?

Lắng nghe Thầy Giêsu kể dụ ngôn, ta nghe giọng Thầy đượm buồn. Tiệc cưới đã chuẩn bị sẵn sàng mà những kẻ được mời lại không đến. Họ bận rộn đi thăm vườn, đi buôn, kẻ lại đi thăm nông trại. Có những kẻ còn chống đối ra mặt, họ bắt các đầy tớ của nhà vua mà hành hạ và giết đi. Họ không sợ nhà vua nổi giận nhưng những bận rộn và sự kiêu căng đã làm họ ra đui mù; hay nói cách khác, họ không tha thiết với bữa tiệc cưới hoàng gia. Những đầy tớ như những ngôn sứ nhận lệnh Vua Trời, đi mời những vị khách đến dự tiệc cưới. Các ngài đến mang lời Thiên Chúa và nhắc nhở cho dân được Thiên Chúa tuyển chọn rằng: hãy ngưng lại mọi bận rộn của cuộc sống và đến dự bữa tiệc trên Trời. Họ không nghe, nên nhà vua lại kiên nhẫn và sai thêm các ngôn sứ khác nhưng họ cũng không thèm đếm xỉa tới. Họ không ngờ rằng, chính lối sống ấy đang dẫn họ tới cái chết. Họ không còn xứng đáng với danh dự vốn là của họ: những vị khách “ưu tuyển”. Có hai thái độ trước lời mời của Thiên Chúa. Thái độ thứ nhất là của những kẻ lắng nghe nhưng không để tâm và tiếp tục lối sống của mình. Thái độ thứ hai là những kẻ nghe Lời nhưng phản đối và bất cần, ngang nhiên trở thành sát nhân. Chính vì những lý do đó mà họ không xứng đáng với bữa tiệc trên Trời. Nhà vua sai các đầy tớ đi ra khắp các ngả đường và mời tất cả mọi người đến, dù tốt hay xấu vẫn được mời. Như thế, Nước Thiên Chúa sẽ được ban cho những ai biết trân trọng và sẵn lòng đến dự Tiệc Cưới.

Hằng ngày, ta vẫn được mời đến dự Tiệc Thánh nhưng có lắm khi ta quá bận rộn với bộn bề của công việc, ta mải mê với những sự trần thế mà đánh mất nỗi khát khao được lãnh nhận nguồn sức thiêng. Ta không tha thiết với lời mời chân tình của Đấng đã hiến mình vì ta. Ta đánh mất cảm thức về sự hiện diện của Thiên Chúa để rồi khi cuộc đời không như ý muốn, giông tố đến, ta trách Chúa sao nỡ bỏ ta, hay tệ hơn ta biến mình trở thành “sát nhân”, giết chết chính mình và người khác.

Khi đi dự đám cưới của bạn bè hay người thân, ta luôn băn khoăn và dành thời giờ để chọn cho mình có được một bộ trang phục phù hợp và đẹp. Cũng thế, dự tiệc cưới “Con Chiên”, ta sẽ mặc y phục nào? Y phục ta mang trong ngày dự tiệc cưới của Con Chiên chính là tấm áo trắng tinh tuyền mang hương thơm của tình yêu. Chính ngày ta được Vua Trời mở lời mời, tặng cho ta tấm áo trắng tinh tuyền trong ngày Rửa tội, ta cũng được nhận lãnh một sứ mạng mới: trở thành tư tế, ngôn sứ, và vương đế. Nhận được lời mời rồi, ta hãy vui mừng chuẩn bị bộ trang phục đẹp nhất là chính tâm hồn mình. Một tâm hồn luôn khát mong và cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa.

Lạy Chúa! Những bận rộn của ngày sống thường cuốn con vào một cơn lốc. Nó khiến con căng thẳng và không tìm ra lối thoát. Xin Chúa cho con nhớ rằng, dù bận rộn đến đâu, một phút giây thôi được ở bên Chúa còn quý hơn ngàn phút giây con vui hưởng niềm vui thế gian. Xin Chúa cho con biết cộng tác với ơn Chúa, để mỗi ngày con biết giữ gìn chiếc áo trắng tinh tuyền là tâm hồn mình. Nếu có khi nào con làm hoen ố chiếc áo, xin cho con biết chạy đến với Chúa để được Chúa thanh tẩy, nhờ thế, con được Chúa làm cho nên xứng đáng hơn trước món quà tình yêu Chúa ban tặng. Amen.

Về mục lục

.

DỰ TIỆC CƯỚI

Phạm Anh

Dự tiệc cưới là một cơ hội được gặp gỡ, tương quan, thể hiện niềm vui gắn kết, được chúc phúc. Nếu được mời dự tiệc, ai cũng chuẩn bị sửa soạn cho mình thật tươm tất, sang trọng : quần áo phải mới, đầu tóc khác kiểu, trang điểm tươi tắn,… Nhưng những người được mời đi dự tiệc trong “dụ ngôn tiệc cưới” (Mt 22, 1-14) đã làm gì ? Họ có dự tiệc cưới chăng ? Nhà vua có hài lòng về bữa tiệc ?

Tiệc cưới đã sẵn sàng : “Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi”, nhà vua cho mời khách dự tiệc tới. Nhưng mỗi người đều có thái độ khác nhau : quan khách không đếm xỉa tới, lại bỏ đi : kẻ thì đi thăm nông trại, người thì đi buôn, còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà hành hạ và giết chết (x. Mt 22, 5-6). Tại sao những quan khách được mời đến dự tiệc lại không đi, chẳng lẽ công việc làm ăn của họ quan trọng hơn hay sao ?

Thật vậy, hằng ngày, trong Thánh lễ, Thiên Chúa vẫn mời gọi chúng ta đến tham dự bàn tiệc Lời Chúa, bàn tiệc Thánh Thể, nhưng chúng ta có nhận ra không ? Chúng ta mải miết với công việc mưu sinh mà quên mất Chúa, nhiều lúc chúng ta coi trọng công việc hơn là Chúa. Đến giờ đi lễ, ta thường biện minh là còn hẳn 15 phút nữa mới lễ, phải làm cái này cho xong, đang làm dở không thể bỏ được. Khi tham dự Thánh lễ, chúng ta thường đi trễ về sớm. Nếu không đi lễ ngày thường đã đành, lễ Chúa Nhật cũng ngại ngùng không muốn đi. Có khi chúng ta tham dự Thánh lễ vì sợ lỗi luật, hay không đi người khác sẽ cười. Từ tận sâu thẳm bên trong chúng ta có thật là vì công việc, vì luật, hay chúng ta chưa hiểu tham dự Thánh lễ là dự tiệc ? Chúng ta vẫn chưa nhận ra sự hiện diện của Chúa, nhận ra những giá trị thiêng liêng, niềm vui, hạnh phúc mà chúng ta nhận được khi tham dự bàn tiệc Lời Chúa, bàn tiệc Thánh Thể. Chúng ta vẫn còn hờ hững trước lời mời gọi dự tiệc cưới. Nhưng không sao, từ từ chúng ta sẽ nhận ra khi chúng ta nỗ lực đón nhận hồng ân Chúa từng ngày, “mưa dầm thấm đất”.

Dù chúng ta chưa hăng hái tham dự tiệc cưới, nhưng Thiên Chúa vẫn tiếp tục kiên nhẫn, chờ đợi, Người sẵn sàng đón tiếp chúng ta bất cứ lúc nào : “Các ngươi hãy ra các ngả đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới” (Mt 22, 9). Thiên Chúa chẳng chịu thua trước sự cứng cỏi của con người. Bàn tiệc Lời Chúa, bàn tiệc Thánh Thể vẫn diễn ra mỗi ngày, chúng ta luôn được hưởng bữa tiệc đó. Dù ta không đón nhận, nhưng Thiên Chúa vẫn hằng tuôn đổ hồng ân xuống cho tất cả mọi người chẳng trừ một ai. Đó là tình yêu nhưng không mà Thiên Chúa dành cho con người. Vậy cớ sao chúng ta không dự tiệc mà Thiên Chúa đã dành sẵn cho chúng ta ? Cùng với lời Thánh vịnh chúng ta thưa lên rằng : “CHÚA là Ðấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương” (Tv 103, 8).

Lạy Chúa, xin Người ban cho chúng con tình yêu. Xin cho chúng con biết mau mắn đón nhận Lời Chúa, năng rước Chúa Giêsu Thánh Thể vào lòng, để mỗi ngày chúng con nên tươi mới trong niềm vui đích thực. Qua đó, chúng con không ngừng chuẩn bị sẵn sàng chiếc áo cưới cho bữa tiệc trên Thiên quốc. Amen.

Về mục lục

.

BÀN TIỆC NƯỚC TRỜI

Lm. GB. Trần Văn Hào

Bữa ăn là nhu cầu không thể thiếu đối với cuộc sống con người chúng ta. Tuy nhiên, các bữa ăn trong sinh hoạt cộng đồng còn là những cơ hội để diễn bày bầu khí gia đình, để liên kết tình thân hữu giữa bà con lối xóm và cũng là những dịp để khơi dậy mối hiệp thông huynh đệ. Ngày xưa, các bộ tộc hay các quốc gia vẫn thường ký kết thỏa hiệp trong các bữa ăn. Hiện nay, người ta cũng hay mượn khung cảnh những bữa tiệc sang trọng để thảo luận về việc làm ăn buôn bán, và ngay cả để bàn thảo những chuyện quốc sự trọng đại nữa.

Kinh Thánh thuật lại, trong suốt 3 năm rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu cũng thường xuyên hiện diện trong các bữa ăn để diễn bày tính năng cứu độ, theo nhãn quan thần học của các thánh sử. Ví dụ, Chúa đến dự tiệc cưới tại Cana để biến nước thành rượu, tiên báo một thứ ‘rượu mới’ sẽ được ban tặng để trở nên niềm vui ơn cứu độ. Ngài đồng bạn với bọn thu thuế và phường tội lỗi để công bố cho mọi người biết rằng, ‘Người khỏe mạnh không cần đến thầy thuốc, chỉ người bệnh tật mới cần’. Ngài đi ăn tại nhà ông Gia-kêu để khai mở chân trời cứu độ nơi tâm hồn ông khi nói rằng : “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến trong nhà này”. Ngài còn đến dùng bữa tại Bêtania với những người bạn nghĩa thiết. Đặc biệt, Chúa đã thiết lập bí tích Thánh Thể trong khung cảnh một bữa ăn để trao tặng cho chúng ta món quà vô giá, là chính thịt và máu của Ngài, trở nên thần lương trường sinh nuôi sống nhân loại.

Các bài đọc trong phụng vụ hôm nay cũng vén mở cho chúng ta viễn ảnh về ‘bàn tiệc cánh chung’, nhất là qua dụ ngôn tiệc cưới do nhà vua thiết đãi. Tất cả chúng ta đều là những thực khách được mời. Nhưng, để xứng đáng ngồi vào bàn tiệc cao quý này, chúng ta phải khiêm tốn trải rộng tấm lòng hầu đón nhận hồng ân Thiên Chúa trao ban một cách dư tràn.

Bữa tiệc thời thiên sai, dấu chỉ tình yêu đại độ nơi Thiên Chúa

Trước hết, trong bài đọc một, tiên tri Isaia phóng một tầm nhìn về bàn tiệc thiên sai được thực hiện vào thời ân điển sau cùng. Bữa tiệc đó có hai đặc nét. Trước hết, đó là bàn tiệc phổ quát, dành cho tất cả mọi người và không dành riêng cho ai. Hạn từ ‘muôn dân, muôn nước, mọi người’,… được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Kế tiếp, bàn tiệc đầy ắp ‘thịt béo và rượu ngon’, là hình ảnh nói lên niềm vui tròn đầy do chính Thiên Chúa tặng ban. Niềm vui đó còn được diễn tả qua những biểu tượng cụ thể như ‘Thiên Chúa sẽ lau khô mọi giọt lệ; Ngài sẽ xóa sạch nỗi ô nhục của dân Người. TC sẽ xé bỏ chiếc khăn che phủ muôn dân, và tấm màn trùm lên muôn nước’. Đó là những tấm khăn của tang tóc hay u sầu. Bữa tiệc ấy được dọn ra trên núi của Đức Chúa. Hình ảnh ‘núi’ ám thị về Ngai trời, nơi Thiên Chúa bày tỏ vinh quang và cũng là nơi ân phúc được trao ban. Cũng vậy, thánh vịnh 22 mà Giáo hội cất lên trong phần đáp ca cũng nhắc lại hình ảnh bữa tiệc mà tiên tri Isaia phác vẽ. Chúa như người mục tử chăn dắt đoàn chiên. Ngài dọn sẵn cho chúng ta một bữa tiệc ngay trước mặt quân thù. Đầu con Chúa xức dầu thơm. Ly rượu con đầy tràn chan chứa.. Nói tóm lại, bàn tiệc thiên sai mà phụng vụ hôm nay nói đến ám thị niềm vui ơn cứu độ. ‘Rượu làm hoan hỷ lòng người’, và rượu mới trong bàn tiệc này chính là niềm hoan vui mà Chúa Giêsu đem lại cho chúng ta vào thời cánh chung.

Cũng thế, trong bài Tin Mừng, thánh Matthêu thuật lại cho chúng ta dụ ngôn về tiệc cưới Nước Trời. Đức Vua là hình ảnh nói về chính Thiên Chúa. Gia nhân đi mời là các ngôn sứ thời cựu ước. Khách được mời là dân Do Thái khi xưa, đặc biệt là các thượng tế, các kinh sư và các đầu mục trong dân, nhưng họ đã từ chối lời mời. Sau cùng, tất cả mọi người, bất luận tốt hay xấu cũng được triệu tập đến cho đầy phòng tiệc. Đây là hình ảnh nói về tính đại đồng của kỷ nguyên ơn cứu độ. Tuy nhiên, chúng ta cần dừng lại trên một chi tiết nổi bật được nhắc đến, là trong số thực khách có một người không mặc áo cưới. Số phận của anh ta rất bi thảm. Anh bị trói lại và bị quăng ra bên ngoài, nơi người ta sẽ phải khóc lóc và nghiến răng. Có lẽ, chi tiết này khiến chúng ta phải giật mình và tự nhìn lại chính mình, xem chúng ta có bị rơi vào tình trạng ấy hay không.

Bài học về lòng quảng đại của Thiên Chúa

Mỗi khi chúng ta đến tham dự thánh lễ, chúng ta được tiên hưởng bàn tiệc cánh chung mà các bài đọc lời Chúa hôm nay nói tới. Bàn tiệc ấy quảng diễn tình yêu nhưng không mà Thiên Chúa trao tặng. Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến nỗi đã phân thây xẻ thịt chính ‘Con Một’ yêu dấu để cho chúng ta được sống và sống dồi dào (Ga 10, 106). Nhưng điều kiện duy nhất, là chúng ta phải mang y phục tiệc cưới, tức là cũng phải mang chở nơi mình tình yêu như Chúa đã nêu gương. Thánh Augustinô khi suy niệm về Bí tích Thánh Thể đã nói rằng : “Bánh mì nuôi sống con người, nhưng sẽ giết chết con chim diều hâu”. Diều hâu ăn bánh mì vào, bánh sẽ trương nở làm nó chết nghẹt. Vì thế, chúng ta cần phải lột bỏ bộ quần áo cũ kỹ mang nhãn hiệu ‘diều hâu’ khi ngồi vào bàn tiệc Thánh Thể. Y phục đám cưới là cách sống theo đức ái như Chúa Giêsu mời gọi. Đức ái đó đòi hỏi chúng ta phải loại bỏ  những tham lam bất chính, những ích kỷ ghét ghen, những gian dối lọc lừa để chúng ta không bị ném ra ngoài chỗ tối tăm, nơi con người phải khóc lóc và nghiến răng mãi mãi.

Kết luận

Vào một đêm lạnh giá giữa tháng 01/1935, một phiên tòa được tổ chức trong khu phố nghèo nhất ở New York. Thẩm phán là ông Fiorello La Guardia, vị thị trưởng đáng kính, còn đứng trước vành móng ngựa là một bà lão đã gần 60, áo quần cũ rách với dáng vẻ sầu khổ. Gương mặt tiều tụy của bà hiện lên vẻ xấu hổ vì bà đã bị bắt quả tang khi đang ăn cắp một ổ bánh mì. Ngài thị trưởng hỏi bà lão : “Bà đã bị tố cáo vì ăn trộm bánh mì, có đúng thế không”. “Thưa đúng”, bà ấp úng đáp. “Bà lấy trộm vì đói có phải không?” “Thưa quan tòa, tôi rất đói. Nhưng nếu chỉ vì đói, tôi đã không làm như thế. Đứa con rể của tôi đã bỏ nhà ra đi. Con gái tôi ốm liệt giường. Tôi cần chiếc bánh mì để nuôi hai đứa trẻ đang chết đói”. Nói đến đây bà bật khóc. Cả phòng xử im lặng. Ngài thị trưởng thở dài. Ông rảo mắt nhìn khắp gian phòng và quay sang bà lão, ông nói : “Bị cáo, tôi sẽ xử phạt bà. Luật pháp phải công bằng và không có ngoại lệ với bất cứ ai. Bà phải nộp phạt 10 đô-la hay sẽ bị giam 10 ngày. Bà chọn cái nào?

Trong sự bế tắc, bà lão nghẹn giọng trả lời : “Thưa ngài, tôi xin chịu phạt. Nếu tôi có 10 đôla, tôi đã không đi trộm bánh mì. Vậy tôi xin chịu giam 10 ngày. Nhưng còn hai đứa trẻ, ai sẽ chăm sóc chúng bây giờ”. Nói xong, bà bật khóc.

Ngài thị trưởng khẽ mỉm cười. Ông rút trong túi ra 10 đô-la và nói : “Đây là 10 đô-la tiền phạt và bà được tự do”. Sau đó, ông nhìn xuống và nói với cử tọa : “Bây giờ, xin mỗi người hãy đóng 50 xu tiền phạt, vì đã vô tâm để cho một người hàng xóm khốn khổ phải đi ăn cắp bánh mì nuôi hai đứa cháu. Ngài Baliff, ông hãy đi thu tiền phạt và trao số tiền đó cho bị cáo”.

Bầu khí im lặng hoàn toàn. Mọi người tự động móc ra 50 xu. Tổng số tiền thu được là 47,5 đô-la. Ngài thị trưởng được người dân rất quý mến và dân chúng vẫn thường gọi  ông là Fiorello, có nghĩa là ‘Bông hoa nhỏ’.

Có bao giờ chúng ta đã tỏ ra vô cảm trước nỗi đau của những cận nhân chung quanh chưa? Sự ích kỷ và vô tâm chính là chiếc áo bẩn thỉu mà chúng ta cần phải loại bỏ để mặc lấy y phục tiệc cưới, khi đến tham dự bàn tiệc Nước Trời.

Về mục lục

.

KHÔNG CÓ Y PHỤC LỄ CƯỚI

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty

Vẫn với nhóm thính giả chủ yếu là các thượng tế và kỳ mục trong dân, Đức Giê-su kể câu chuyện dụ ngôn thứ ba ‘tiệc cưới’, sau hai dụ ngôn ‘sai hai người con đi làm vườn nho’ và ‘bọn tá điền sát nhân’, với cùng một tư tưởng suyên suốt: phế bỏ nhóm này để thiết lập một nhóm khác. Ở dụ ngôn ‘tiệc cưới’ này, ‘ông vua kia’ gạt bỏ những khách được mời để mở rộng bàn tiệc đón các kẻ đầu đường xó chợ. Nếu Phúc âm Mát-thêu được viết cho các độc giả tín hữu gốc Do Thái thì nhấn mạnh về đề tài này như thế là điều không những thích hợp mà còn cần thiết nữa; dân riêng Cựu Ước của Đức Chúa cần phải hiểu rõ, tại sao Tin Mừng không còn dành riêng cho họ nữa, nhưng đã rộng mở cho một dân mới là Hội Thánh gồm hết thảy mọi dân nước.

Đối với tôi là một phần tử bên trong Hội Thánh, thì dụ ngôn này xem ra có phần quan trọng hơn hẳn hai dụ ngôn trước, vì nó dành cả phần sau để nói sâu hơn về thành phần thứ hai này: các vị khách không mời mà được dự: họ là ai và họ phải ứng xử ra sao?

– Họ là ai?

Dụ ngôn hầu như muốn chỉ cho thấy rõ: tự bản thân, họ chẳng là gì hết! ‘Vậy các ngươi hãy đi ra các ngả đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới… bất luận tốt xấu’. Điều lạ lùng hơn cả là hình như dụ ngôn này còn nhấn mạnh, lý do bàn tiệc phải đầy khách dự hoàn toàn không do yêu cầu hay lựa chọn của khách cho bằng, đó là mệnh lệnh của chính ông vua; bàn tiệc không còn dành riêng cho một đối tượng nào, nhưng bất cứ ai cũng có thể vào dự. Lu-ca, trong trình thuật của mình, xem ra còn nhấn mạnh điều này cách sắc nét hơn nữa: ‘…Mau ra các nơi công cộng và đường phố trong thành, đưa các người nghèo khó, tàn tật và đui mù, què quặt vào đây… Đầy tớ nói: Thưa ông, lệnh ông đã được thi hành mà vẫn còn chỗ… Ông chủ bảo đầy tớ: Ra các đường làng đường xóm, ép người ta vào cho đầy nhà cho ta’ (Lc 14:21-24). Thật kỳ lạ, vẫn tưởng rằng Tiệc cưới Nước Trởi chỉ dành cho những con người xứng đáng, và cần phải phấn đấu gian khổ lắm mới được vào dự! Ở đây trái ngược hẳn, tham dự là hoàn toàn do ước muốn của Vua, thậm chí Ngài còn cất công nài ép. Khách được vào dự tiệc đâu phải vì họ đã nỗ lực cố gắng, đã chuẩn bị sẵn sàng, càng không phải vì họ trọng vọng hay có thế giá…, đơn giản chỉ vì họ đáp lại ý muốn của Đức Vua nhân ái: bàn tiệc cưới của Hoàng Tử phải đông vui vì đã được dọn ra cho mọi người tham dự.

– Và họ phải ứng xử ra sao?

Sau khi đã chấp nhận lời mời vào dự tiệc cưới để cho bàn tiệc được đông vui theo ước muốn của vua, các khách dự tiệc trong dụ ngôn chỉ cần làm một công việc quá dễ dàng và đơn giản: họ lãnh lấy y phục lễ cưới và mặc vào để thể hiện sự hiệp thông chấp nhận. Thật thế sao? Y phục cưới họ đâu buộc phải tự sắm cho mình, thậm chí họ đâu cần phải tự mang tới… vì theo tục lệ thời đó, người ta phát cho tất cả các thực khách y phục mà họ sẽ mặc trong bữa tiệc; chính vì thế mà kẻ không mặc sẽ chẳng có cách nào chống chế ‘Người ấy câm miệng không nói được gì’. Anh chẳng mất công sức gì để vào dự tiệc cưới, điều duy nhất gia chủ đòi anh là, nếu anh muốn hòa mình vào niềm vui của chủ, anh hãy nhận lấy áo cưới gia nhân trao cho và mặc nó vào… Theo xác định của sách Khải Huyền; y phục cưới trắng toát đó, anh cũng chẳng cần cất công may dệt hay gìn giữ… nó có thể đã bị nhàu nát và bụi bẩn bám đầy… nhưng nó vẫn xứng đáng mặc trong lễ cưới Nước Trời, vì đã được ‘giặt sạch và tẩy trắng… trong máu Con Chiên’. “Những người mặc áo trắng kia là ai vậy?… Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên… Vì Con Chiên đang ngự giữa ngai sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh. Và Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ” (Kh 7:13-17).

Thật không thể hiểu nổi, tham dự bàn tiệc cưới Nước Trời lại dễ dàng như thế sao? Nhờ mạc khải Kinh Thánh, nhất là qua xác định của chính Đức Ki-tô Giê-su, chúng ta mới được biết ước nguyện tha thiết nhất của Thiên Chúa chính là: bàn tiệc tình yêu nhân hậu của Ngài phải được thật nhiều người tham dự, kể cả những con người thấp hèn và tội lỗi nhất. Điều kiện Ngài đòi hỏi không nhiều và không khó, chỉ cần nhận biết lòng nhân hậu của Ngài và sẵn lòng đón lấy tình xót thương cứu độ. Thì ra con đường cứu rỗi Đức Ki-tô mở ra thật quá đơn giản hơn mọi người chúng ta từng tưởng tượng rất nhiều.

Chớ gì cá nhân tôi cũng hiểu rõ và thâm tín được điều này, rồi trong tư cách linh mục của Đức Ki-tô, tôi có thể làm cho thật nhiều người cùng nhận thức được điều đó. Phải chăng đây mới đích thị là Tin Mừng mà mọi người trên trần gian này đều muốn đón nghe?

Lạy Vua của bàn tiệc Nước Trời, thật đau xót cho Vua khi tiệc cưới vui của hoàng tử trống trơn vì các khách đã được mời đều kiếu từ. Xin cho con được cùng Vua đau xót nhìn thấy bàn tiệc còn trống vắng, để rồi cùng Vua tham gia vào việc nài ép thật nhiều người ngồi vào dự tiệc. Công việc rao giảng Tin Mừng và mục vụ của con sẽ không nhằm mục đích nào khác hơn là làm cho thật nhiều người đón nhận lòng nhân hậu của Vua để tham gia đông đủ vào bàn tiệc Nước Trời. Và xin cho phẩm trật Hội Thánh là các gia nhân của Vua thành công trong việc nài ép người ta vào cho đầy Nhà Cha trên trời. A-men.

Về mục lục

.

SUY NIỆM LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 28 THƯỜNG NIÊN_A

Lm. Giuse Đinh Tất Quý

Anh chị em thân mến, 

Chúng ta vừa được nghe một dụ ngôn nữa của Chúa Giêsu. 

Thử hỏi Chúa muốn nói gì với người nghe Chúa lúc đó và chúng ta hôm nay? 

I.  Đây là dụ ngôn có tính cách đặc biệt. Ý nghĩa của nó tương đối cũng dễ hiểu.

– Vua ở đây là Thiên Chúa 

– Tiệc cưới là Nước Thiên Chúa. 

Trong Cựu Ước các ngôn sứ thường diễn tả giao ước giữa Thiên Chúa và dân tộc Do thái như một cuộc hôn nhân mầu nhiệm. Tân Ước cũng lấy lại ý tưởng này và áp dụng vào sự liên kết giữa Chúa Giêsu và Giáo Hội của Ngài. 

– Đầy tớ là các sứ giả của Chúa. Trong Cựu Ước là các ngôn sứ. Trong Tân Ước là các tông đồ. 

– Khách được ưu tiên mời gọi trước hết là dân tộc Do Thái. 

– Những người đến sau là mọi dân tộc. 

– Áo cưới chỉ ơn thánh được coi như trang sức cho tâm hồn. 

Theo câu truyện trong bài dụ ngôn thì chúng ta thấy có 3 lần mời…ba lần mời hay ba lần đi mời cũng vậy. 

          * Lần mời thứ 1 dành cho những người được tuyển chọn nhưng họ đã không tới. 

          * Lần mời thứ hai lặp lại lời mời lần thứ nhất và đối tượng được mời cũng y hệt như lần thứ nhất. Và những người được mời vẫn từ chối. Lần từ chối này có tính cách quyết liệt hơn. 

          * Lần mời thứ ba là một lần mời đặc biệt. Thông thường thì chúng ta thấy trong thực tế khó mà có truyện như vậy. Thế nhưng chúng ta phải nhớ đây là một dụ ngôn. Và trong dụ ngôn thì có thể có nhiều truyện kể cả những truyện mà thực tế không thể xẩy ra được. Ở đây chúng ta thấy nhà Vua đã làm một việc hơi khác thường. Sau khi những người được nhà vua mời để dự tiệc cưới của hoàng tử đã không ai tới mặc dầu nhà Vua đã kiên trì nhẫn nại mời họ đến lần thứ hai. 

Tới đây thì sự kiên nhẫn của nhà vua dường như đã đến cái giới hạn của nó. Nhà vua không thèm để ý đến những người đã dược mời trước nữa. Nhà Vua đã ban lệnh cho các thuộc hạ của mình để họ đi ra các ngã ba đường mời tất cả mọi người, phải…tất cả mọi người bất kể họ là hạng người như thế nào để họ vào cho đầy phòng tiệc. Phải nói là thái độ của nhà vua lúc này đã có một cái gì khác lạ… 

II.  Ý nghĩa câu truyện như thế nào?

Các nhà chú giải Kinh Thánh hầu như đã có một sự nhất trí rất cao về ý nghĩa của dụ ngôn này. 

Ba lần này tương đương với ba giai đoạn trục trong lịch sử Cứu độ. 

– Giai đoạn 1 bắt đầu từ khi Chúa chọn dân Do Thái cho tới cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô. 

– Giai đoạn thứ 2 bắt đầu từ Ngày lễ Ngũ tuần cho tới cái chết của tông đồ cuối cùng. 

– Và giai đoạn thứ ba tiếp liền sau đó. Đó là thời kỳ lương dân được kêu gọi. 

* Ở giai đoạn thứ nhất chúng ta thấy dân Do Thái là một dân được tuyển chọn để chuẩn bị cho sự xuất hiện của Chúa Cứu thế. Việc Chúa Cứu thế đến với con nguời là một hồng ân. Lý ra thì những người Do Thái phải là những người đầu tiên được hạnh phúc đón nhận hồng ân đó. Thế nhưng thực tế đã không xảy ra như vậy. Họ đã từ chối những ơn Chúa ban cho. 

* Tới giai đoạn thứ hai chúng ta thấy, sau khi Chúa Giêsu về trời rồi thì đối tượng ưu tiên cho việc rao giảng Tin Mừng cũng vẫn là những người Do Thái, những người Do thái ở quê hương cũng như những người Do Thái hải ngoại. Thế nhưng lần này cũng như lần trước, những người Do Thái vẫn lãnh đạm với Tin Mừng. Thậm chí họ còn bắt các tông đồ mà giết đi. 

Xin mở một dấu ngoặc ở chỗ này. 

Rõ ràng ở đây chúng ta thấy: Những lý do khiến người ta khước từ lời mời gọi của Thiên Chúa không phải là những lý do xấu. Người thì ra ruộng, kẻ đi buôn, người thì làm nhưng công việc khác cần thiết cho đời sống của mình. Không ai khước từ để đi chơi bời, nhậu nhoẹt say sưa hay làm những việc vô đạo đức. Vậy phải chăng làm như thế là có lỗi? Ở dây chúng ta phải để ý đến điều này: Rất nhiều khi trong cuộc sống, con người thường hay để ý đến những điều tạm bợ và quên đi những giá trị cao hơn. Và thảm kịch của đời sống nhiều khi không phải là cái xấu nhưng nhiều lúc lại chính là cái tốt. Rất nhiều khi ta vì quá bận rộn mưu sinh mà quên lo cho chính cuộc sống, quá bận rộn vào việc tổ chúc đời sống mà quên đi chính đời sống của mình. Ngày xưa đã thế và ngày nay cũng vậy. Đức Thánh Cha Phanxicô gọi cuộc sống như vậy là cuộc sống nông cạn. 

Ở đây Chúa đã không nhấn mạnh đến hình phạt. Ngoại trừ đối với những kẻ quá ác nhân ác đức: Bắt giết cả các đầy tớ của vua. Hình phạt thì ai cũng rõ: Thành Giêrusalem đã bị tàn phá vào năm 70. 

* Và bây giờ xin được tiếp sang giai đoạn thứ ba. Đây là giai đoạn của lương dân nghĩa tất cả mọi người thuộc mọi dân tộc được mời gọi….Trong số những người này có cả chúng ta nữa. 

Tất cả được mời gọi do lòng quảng đại của vua. 

Thiên Chúa đã mời gọi chúng ta vào Hội thánh Ngài và chúng ta đã chấp nhận bằng cách lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Bí tích Rửa tội làm cho con người chúng ta thành Con Thiên Chúa. 

Trong ngày lãnh nhận Bí tích Rửa tội Giáo Hội trao cho chúng ta một chiếc áo trắng với lời nhắn nhủ: Con đã trở nên tạo vật mới và đã mặc lấy Chúa Kitô. Vậy con hãy nhận lấy chiếc áo trắng này và hãy mang lấy và giữ nó tinh tuyền cho đến khi ra trước tòa Đức Kitô Chúa chúng ta để được sống đời đời. 

Bí tích Rửa tội là một hồng ân.  Nhưng chỉ lãnh nhận mà thôi thì chưa đủ mà còn phải sống ơn Bí tích Rửa tội nữa. Nói thế có nghĩa là chúng ta phải thay đổi nếp sống cũ, thói quen xấu, tội lỗi trước đó, để sống đời sống mới theo gương của Chúa Giêsu như thánh Phaolô nói: “Anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, (Rm 13,14) và trở nên đồng hình đồng dạng với Người (Phil 3,10). Nói khác đi, không phải cứ ghi tên vào sổ Rửa tội và Thêm sức là đương nhiên được hưởng hạnh phúc Nước Trời. Cũng như khách được mời dự tiệc, tuy đã được vào phòng tiệc, không những không được ăn mà còn bị đuổi ra ngoài vì không mang lễ phục tiệc cưới thì những người đã được Rửa tội cũng tương tự như thế. Nếu không giữ được chiếc áo trắng tinh tuyền nghĩa là không có tâm hồn trong sạch thì họ không xứng đáng với những hồng ân Chúa ban. 

Ơn Chúa ban là một hồng ân nhưng không, nhưng không phải là một hồng ân vô điều kiện. Muốn được hưởng hồng ân của Chúa con người tối thiểu phải có một số điều kiện nào đó. 

Xin được kết thúc bằng một câu truyện nhỏ: 

Alexandre đại đế lúc còn làm hoàng đế đã xây dựng đế quốc Hy lạp hùng mạnh vào thế kỷ IV trước Công Nguyên. Một ngày kia thấy một người lính lỗi bổn phận bị điệu đến trước mặt. Hoàng đế hỏi: 

– Ngươi tên gì ? 

– Thưa bệ hạ, thần tên là Alexandre. 

– Như vậy là ngươi mang cùng một tên với ta!

Và Đại đế thịnh nộ nói lớn : 

– Nhà ngươi hãy sống xứng đáng với tên của mình, nếu không thì hãy đổi tên đi! 

Vâng hãy làm một cái gì đó cho xứng với hồng ân của Thiên Chúa. Tình thương của Chúa như giòng suối không bao giờ cạn. Cửa Trời chỉ rộng mở cho những ai vẫn luôn giữ được chiếc áo trắng tinh tuyền ngày họ được trở thành con Thiên Chúa. Amen.

Về mục lục

.

SUY NIỆM CHÚA NHẬT 28 THƯỜNG NIÊN_A

Lm Giuse Nguyễn Văn Nam

Trong Thánh kinh, hình ảnh “bữa tiệc” ám chỉ hạnh phúc Nước Trời và hình ảnh “được dự tiệc” chỉ việc được hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa. Qua dụ ngôn “tiệc cưới hoàng tử”, Đức Giêsu hướng chúng ta về bữa tiệc Nước Trời được Thiên Chúa dọn sẵn và Ngài mời tất cả mọi người vào dự tiệc. Thiên Chúa muốn mọi người được hưởng hạnh phúc Nước Trời với Chúa. Thiên Chúa yêu thương hết mọi người “các đầy tớ ra các ngả đường, gặp ai bất luận tốt xấu mời vào dự tiệc”.

Những người đã được mời trước hết, nhưng họ không đáp lại lời mời của chủ tiệc, đó là những người Do Thái: những tư tế, luật sĩ, biệt phái… là những người được các tiên tri loan báo và chuẩn bị, họ được mời dự tiệc cưới Nước Trời là gia nhập vào Giáo hội của Chúa Kitô. Tin theo Chúa Kitô để được cứu độ, nhưng họ đã không chịu đến, không chấp thuận. Được mời dự tiệc là một ân huệ, vinh dự to lớn vì đây là tiệc cưới Hoàng tử, chính vua mời. Họ đã coi thường, khinh rẻ lời mời, xúc phạm đến nhà vua. Họ coi trọng công việc làm ăn, ham mê của cải vật chất: đi thăm trại, buôn bán, cưới vợ… Hơn nữa họ còn cả gan chống đối nhà vua bằng cách bắt các đầy tớ vua, nhục mạ và giết đi. Những hành vi từ chối này là trọng tội. họ phải chịu hậu quả khủng khiếp là bị tiêu diệt và thành phố của họ bị phá hủy. Việc cố chấp từ chối lời mời gọi của Thiên Chúa thì không thể được ơn cứu độ.

Lòng yêu thương và sự kiên trì bao dung của Thiên Chúa vượt qua mọi sự thù nghịch ích kỷ ác tâm của con người. Thiên Chúa vẫn kêu mời con người đến dự tiệc cưới bất luận tốt xấu. Thế là phòng tiệc chật ních khác dự tiệc, đủ mọi hạng người. Đáp lại lời mời của chủ tiệc và đến tham dự. Đó là những người được mời sau. Còn những người trước không xứng đáng dự tiệc Nước Trời. Thiên Chúa là người cha nhân từ, tình thương của Ngài thật bao la, những người tội lỗi là đối tượng của Lòng Chúa thương xót. “Những người từ phương đông phương tây dự tiệc Thiên Chúa với Abraham, Isaac và Giacob, còn con cái trong nhà bị loại ra ngoài” (Mt 8, 11).

Điều làm chúng ta ngạc nhiên là sự kiện nhà vua vào phòng tiệc quan sát thực khách và phát hiện một người không mặc y phục lễ cưới. Sự kiện này muốn nói đến sự phán xét cuối cùng mà Thiên Chúa nhận định người lành kẻ dữ và xét xử công minh. Người lành được hưởng hạnh phúc, kẻ dữ phải trừng phạt. Muốn được vào dự tiệc cưới Nước Trời, cần phải mặc áo cưới. Áo cưới ám chỉ những hoa quả Nước Trời, sự công chính, lương thiện, những hành vi bác ái yêu thương. Đó là những hành trang để được vào quê trời. Người thực khách không mặc áo cưới khi vua xét hỏi, anh ta im lặng vì không tìm được cớ để bào chữa cho mình, chính vì anh ta không làm việc lành phúc đức, không sống tốt.

Qua bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu nhắc chúng ta tuy đã được gia nhập Giáo hội qua bí tích Rửa tội, nhưng chưa bảo đảm được ơn cứu độ, cần phải mặc áo cưới; nghĩa là phải sống đạo đức, lương thiện công chính… mới được chấp nhận vào dự tiệc Nước Trời ngày phán xét để được sống đời đời với Thiên Chúa.

Khát mong tha thiết nhất của Đức Giêsu là mọi người được cứu độ, được hạnh phúc đời đời: “Thầy đi dọn chỗ cho các con, Thầy ở đâu, các con ở đó với Thầy”. Chúa luôn mời gọi chúng ta dự tiệc Nước Trời. Điều quan trọng là chúng ta đáp lại lời mời gọi của Chúa vào dự tiệc để chia sẻ niềm vui cứu độ và hiệp thông với Ngài trong tình thương.

Nhìn vào cuộc sống người Kitô hôm nay, có rất nhiều người như những người Do Thái xưa thờ ơ lãnh đạm, coi thường lời kêu mời của Chúa, hơn nữa còn có thái độ chống đối, kiêu căng, bất công… bắt Thiên Chúa phục vụ mình thay vì phải yêu mến, tôn thờ và phục vụ Thiên Chúa. Địa vị, của cải trần gian đã cuốn hút họ, họ đi tìm thiên đàng trần gian mà quên đi hạnh phúc vĩnh cửu. Nhiều người luôn tự hào mình đạo gốc, đạo dòng, mà không sống đạo tốt, sống bất lương… Họ là những người đi dự tiệc mà không mặc áo cưới.

Hôm nay Đức Giêsu Kitô đến quan sát phòng tiệc, các thực khách, trong đó có cả chúng ta, tất cả mọi người vào ngày sau hết. Chúng ta có mặc áo cưới không? Có đủ hành trang vào dự tiệc Nước Trời để hưởng hạnh phúc đời đời không? Số phận mai sau của chúng ta tùy thuộc vào cuộc sống hôm nay: phấn đấu mỗi ngày để trung thành với Thiên Chúa, vì như lời Chúa phán: “Ai bền đỗ đến cùng mới được cứu độ”.

Về mục lục

.

THIỆP MỜI THƯƠNG XÓT

Trầm Thiên Thu

Vì lòng thương xót vô hạn, chính Chúa Giêsu đã xác định với các tội nhân chúng ta: “Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, KHÔNG MUỐN cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất” (Mt 18:14). Thuở xưa, qua ngôn sứ Êdêkien, Thiên Chúa đã thề hứa: “Ta lấy mạng sống Ta mà thề, Ta CHẲNG VUI gì khi kẻ gian ác phải chết, nhưng VUI khi nó thay đổi đường lối để được sống” (Ed 33:11). Câu này chúng ta quen với cách nói này: “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống”.

Và rồi ngay trong thời đại chúng ta, Chúa Giêsu tiếp tục tái minh định qua Thánh nữ Maria Faustyna Kowalska: “Ta KHÔNG MUỐN phạt nhân loại, mà chỉ muốn CHỮA LÀNH, đưa nhân loại vào trái tim thương xót của Ta” (Nhật ký, số 1588). Đó là điều động viên chúng ta đừng thất vọng, chỉ cần chân thành tin tưởng và nỗ lực tu thân. Thất vọng về chính mình cũng có thể là một dạng kiêu ngạo!

Có ánh sáng của Thiên Chúa chiếu soi để chúng ta biết phải đi theo con đường nào và phương hướng nào: “Đức Chúa sẽ là ánh sáng vĩnh cửu chiếu soi ngươi, ánh quang huy của ngươi là Thiên Chúa ngươi thờ” (Is 60:19).

Tất cả chúng ta đều nhận được Thiệp Mời Thương Xót để tham dự Thánh Tiệc Thiên Quốc, nhưng đi hay không là quyền tự do của mỗi chúng ta, Ngài không ép buộc. Người Việt chúng ta thường nói: “Ăn có mời, làm có khiến”. Ở đây không có ý tiêu cực hoặc thụ động, nhưng có ý nói phép lịch sự tối thiểu trong giao tiếp thường nhật. Và người ta cũng so sánh: “Tiếng chào cao hơn mâm cỗ”. Chắc hẳn ai cũng đã hơn một lần đi dự tiệc, dù là trẻ em, vì xã hội càng phát triển, người ta càng có nhiều loại tiệc: Cưới hỏi, tân gia, đầy tháng, thôi nôi, khai trương,… Không mặn nhiều cũng mặn ít, đơn giản nhất cũng là buổi tiệc trà. Trẻ em ngày nay cũng “luân phiên” mời nhau dự tiệc sinh nhật. Đúng là “phú quý sinh lễ nghĩa”, nhưng đôi khi cha mẹ đã lợi dụng dịp vui của con cái như thế để… “làm tiền”. Tốt hóa Tệ!

Khi đề cập “tiệc tùng” thì mặc nhiên nói đến “ăn uống”, vì bữa tiệc không thể không có ẩm thực. Và đó cũng là cách người ta ngụ ý rằng “chuyện ăn uống” là quan trọng, chứ không là “chuyện ăn uổng”, đúng như thành ngữ có câu: “Dân dĩ thực vi tiên”. Câu này ý nói rằng “nhân dân coi vấn đề ăn là vấn đề to lớn nhất, cơ bản nhất trong cuộc sống” (tr. 123, “Từ điển Thành ngữ Điển cố Trung quốc”, GS Lê Huy Tiêu biên dịch, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993), và câu này có nguồn gốc trong Hán Thư: “Vương giả dĩ dân vi thiên, nhi dân dĩ thực vi thiên” – Vua chúa lấy dân làm trời, nhân dân lấy (cái) ăn làm trời”. Quả thật, ăn là vấn đề cần thiết, vì liên quan vấn đề sinh tồn: “Có thực mới vực được đạo”. Chuyện ăn uống bình thường mà khác thường, cũng cần có văn hóa, và là bài học thứ nhất trong bốn thứ phải học đầu tiên trong đời người: Học ĂN, học NÓI, học GÓI, học MỞ. Có thể nói rằng miếng ăn cần thiết tương tự khí trời để hít thở, như điều kiện “ắt có và đủ” vậy. Nhưng hãy lưu ý, bởi vì miếng ăn có thể là miếng VINH hay miếng NHỤC. Như thế thì chuyện ăn uống không còn bình thường nữa!

Trong cuộc sống đời thường, mỗi khi gặp ưu sầu hoặc đau khổ, người ta phải cố gắng chịu đựng, hy vọng hạnh phúc sẽ đến sau. Về tôn giáo, các vị tuẫn đạo không sợ đau khổ, dám thí mạng vì vững tin vào Đức Kitô, và họ được Thiên Chúa thưởng công xứng đáng. Hai người yêu nhau, chung thủy và tin tưởng trong khoảng chờ đợi nhau, hạnh phúc sẽ mỉm cười với họ. Hệ lụy tất yếu là ai kiên trì sẽ được đền đáp xứng đáng.

Thuở xưa, ngôn sứ Isaia đã thông báo: “Ngày ấy, trên núi này, Đức Chúa các đạo binh sẽ ĐÃI muôn dân MỘT BỮA TIỆC: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế” (Is 25:6). Toàn là cao lương mỹ vị, rất ngon lành, đáng mơ ước lắm. Không chỉ vậy mà còn hơn thế nữa, niềm vui nhân lên gấp bội: “Trên núi này, Người sẽ xé bỏ chiếc khăn che phủ mọi dân, và tấm màn trùm lên muôn nước. Người sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần. Đức Chúa là Chúa Thượng sẽ lau khô dòng lệ trên khuôn mặt mọi người, và trên toàn cõi đất, Người sẽ xoá sạch nỗi ô nhục của dân Người” (Is 25:7-8). Thiên Chúa hứa như vậy, và chắc chắn xảy ra như thế.

Vì thế, thiên hạ sẽ cùng nhau râm ran vào ngày trọng đại ấy: “Đây là Thiên Chúa chúng ta, chúng ta từng trông đợi Người, và đã được Người thương cứu độ. Chính Người là Đức Chúa chúng ta từng đợi trông. Nào ta cùng hoan hỷ vui mừng bởi được Người cứu độ” (Is 25:9). Rạch ròi hai năm rõ mười: “Bàn tay Đức Chúa sẽ đặt trên núi này mà nghỉ. Còn Mô-áp sẽ bị giày đạp ngay tại chỗ, như rơm bị nghiền nát trong hố phân” (Is 25:10).

Đức Tin luôn cần thiết, đó không chỉ là một nhân đức mà còn là một hồng ân. Tin có Chúa là có Chúa trong lòng, có Chúa rồi thì chẳng còn gì phải lo lắng, xao xuyến: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người” (Tv 23:1-3). Một sự thật minh nhiên, đúng như Thánh Vịnh gia cũng đã từng xác định: “Hãy KÝ THÁC đường đời cho Chúa, TIN TƯỞNG vào Người, Người sẽ RA TAY” (Tv 37:5). Đó là hành động của Đức Tin, hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa, Đấng quan phòng và tiền định. Những người thực sự tín thác vào Chúa thì chẳng còn gì làm họ sợ hãi, họ luôn hướng về Chúa mọi nơi và mọi lúc: “Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u, con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm” (Tv 23:4). Lo cũng chẳng được, sợ cũng chẳng thoát, thế thì dại gì mà lo sợ, mà không tín thác?

Cuộc sống luôn biến động, nếu cuộc đời cứ bình lặng sẽ gây nhàm chán. Chính gian khổ khiến người ta nên khôn ngoan, và là tiêu chí để biết ai hơn ai kém. Sau gian truân, thử thách, đau khổ,… ai trung tín sẽ được Thiên Chúa tuyên dương công trạng: “Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù. Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm, ly rượu con đầy tràn chan chứa” (Tv 23:5). Như thế thì thật hạnh phúc biết bao, chắc hẳn người ta không thể trì hoãn niềm vui sướng đó, đến nỗi phải chia sẻ để người khác cùng biết: “Lòng nhân hậu và tình thương Chúa ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời, và tôi được ở đền Người những ngày tháng, những năm dài triền miên” (Tv 23:6).

Có Chúa trong lòng, các tín nhân khả dĩ chấp nhận mọi thứ mà không than thân trách phận, giống như Thánh Phaolô tâm sự: “Tôi sống thiếu thốn cũng được, mà sống dư dật cũng được. Trong mọi hoàn cảnh, no hay đói, dư dật hay túng bấn, tôi đã tập quen cả. Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết. Tuy nhiên, anh em đã chia sẻ với tôi, khi tôi gặp cơn quẫn bách, như thế là phải” (Pl 4:12-14). Đối với những người có đức tin sâu sắc và mạnh mẽ, chắc chắn không gì có thể tách rời họ khỏi tình yêu của Đức Kitô (x. Rm 8:35), vì họ luôn tâm niệm lời của Ngài nhắn nhủ và động viên: “Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian!” (Ga 16:33). Ai cũng sợ đau khổ, nhưng được Thiên Chúa báo trước và quyết tâm theo Ngài, người ta sẽ có thêm can đảm.

Đã từng trải và với niềm tín thác kiên vững, Thánh Phaolô minh định để động viên các tín nhân: “Thiên Chúa của tôi sẽ thoả mãn mọi nhu cầu của anh em một cách tuyệt vời, theo sự giàu sang của Người trong Đức Kitô Giêsu. Xin tôn vinh Thiên Chúa là Cha chúng ta, đến muôn thuở muôn đời. Amen” (Pl 4:19-20). Thiên Chúa là Đấng tín thành, mọi lời hứa của Ngài đều được hoàn tất.

Cũng là người đầy kinh nghiệm tâm linh, Thánh Vịnh gia khuyến khích bằng cách mời gọi mọi người: “Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy: hạnh phúc thay kẻ ẩn náu bên Người!” (Tv 34:9). Đối với bất cứ ai đã từng có ít nhiều cảm nghiệm về sự ngọt ngào của Thiên Chúa, họ hoàn toàn thay đổi lối sống, khác hẳn trước đó. Nhiều vị thánh đã chứng tỏ điều đó, chẳng hạn Chân phước Bartolo Longo (1841-1926, lễ ngày 5-10) đã từng theo giáo phái Satanist (tôn thờ ma quỷ) và tự phong mình là linh mục của Satan, nhưng ngài đã trở lại nhờ cảm nghiệm sự ngọt ngào của Thiên Chúa, hoặc như Thánh Augustinô đã phải nuối tiếc: “Con yêu Chúa quá muộn màng”. Thiên Chúa luôn mời gọi mọi người đến với Ngài, bất cứ lúc nào, càng sớm càng tốt. Lòng Thương Xót của Ngài không thay đổi, chúng ta có được thương xót hay không là tùy thuộc chính mình.

Một trong các dạng xác định lời mời gọi chân thành của Thiên Chúa dành cho mọi người là dụ ngôn Tiệc Cưới, Ngài không muốn ai phải hư mất (Mt 18:14), Ngài rất muốn tất cả chúng ta trở nên hoàn thiện để xứng đáng đồng hưởng phúc trường sinh với Ngài mãi mãi.

Kể chuyện dụ ngôn là đặc điểm mỗi khi Chúa Giêsu rao giảng Nước Trời hoặc giáo huấn. Một hôm, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn Tiệc Cưới mà nói với dân chúng. Ngài nói rằng Nước Trời giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình. Ông sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc, nhưng họ không chịu đến. Ông lại sai gia nhân đi mời quan khách đã được mời, nói rõ rằng cỗ bàn đã dọn xong, cao lương mỹ vị đã sẵn sàng. Nhưng rồi họ cũng không thèm đếm xỉa tới – kẻ đi thăm trại, người đi buôn bán, kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết.

Khi nghe gia nhân tâu lại, nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu huỷ thành phố của chúng. Rồi nhà vua bảo đầy tớ: “Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã ĐƯỢC MỜI lại KHÔNG XỨNG ĐÁNG. Vậy các ngươi đi ra các ngã đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới” (Mt 22:8-9). Tuân lệnh vua, các đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp bất kỳ ai cũng mời cả vào phòng tiệc cưới, không phân biệt họ là người xấu hay người tốt.

Giờ G đã điểm, thời điểm quan trọng là cử hành hôn lễ. Khi đó, nhà vua tiến vào và quan sát các thực khách trong phòng tiệc, ông chợt thấy ở đó có một người KHÔNG mặc y phục lễ cưới nên hỏi: “Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới?” (Mt 22:12). Người ấy cúi đầu lặng thinh, không nói được gì. Nhà vua liền bảo những người phục vụ: “Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng! Vì kẻ được GỌI thì nhiều, mà người được CHỌN thì ít” (Mt 22:13-14).

Ôi, thật đáng sợ biết bao! Chính Chúa Giêsu đã cảnh báo: “Gọi nhiều, chọn ít”. Vậy là ít người được vào Nước Trời? Rất có thể. Bởi vì người ta chỉ “giật mình” khi nghe lời Chúa “chạm” đến mình, nhưng rồi đâu lại vào đấy. Con người vốn yếu đuối, dễ “lờn thuốc”, không cố gắng thì lại “ngựa quen đường cũ”, lại sa đà ngay thôi. Có phải chúng ta đã được “cài đặt” mặc định với cái tên “Nguyễn Y Vân” (vẫn y nguyên) hoặc “Vũ Như Cẩn” (vẫn như cũ) chăng? Tương tự, người ta cũng thường nói: “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”. Thực sự rất khó để “cởi bỏ” con-người-cũ để có thể “mặc lấy” con-người-mới. Vì thế mà phải tỉnh thức và nỗ lực rất nhiều, nỗ lực không ngừng, nỗ lực triền miên. Ước gì chúng ta được là người có tên trong danh sách “số ít được chọn” ấy!

Ngay ở thế gian này, hằng ngày chúng ta cũng vẫn được mời gọi tham dự hai bữa tiệc: Tiệc Lời Chúa và Tiệc Thánh Thể. Thật vậy, trong mỗi Thánh Lễ, linh mục đại diện Chúa Giêsu vẫn tha thiết mời gọi: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian, phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”. Thật là diễm phúc nếu chúng ta đón nhận chính Đức Giêsu Kitô vào lòng để được hòa tan vào Ngài, tâm sự với Ngài. Sau khi rước lễ, hãy dành những giây phút ngắn ngủi mà quý giá đó để “hòa tan” vào Đức Giêsu Kitô – hòa tan cả linh hồn và thể lý.

Vì yêu thương chúng ta đến cùng nên Chúa Giêsu luôn rất muốn ở gần chúng ta, Ngài không muốn chúng ta xa rời Ngài dù chỉ trong tích tắc, thế nên Ngài đã thiết lập Bí tích Thánh Thể để được ở trong chúng ta, đúng như lời hứa của Ngài: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20). Tình yêu của Chúa Giêsu quá lớn, chúng ta không thể hiểu thấu. Lời hứa đó của Chúa Giêsu cũng là câu cuối cùng của Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu, và cũng chỉ có Phúc Âm này ghi lại câu này.

Kinh Thánh nói: “Người no, tảng mật cũng coi thường, kẻ đói thấy đắng cay cũng ngọt” (Cn 27:7). Chúng ta phải nhận biết mình “đói khát” thì mới mau mắn chấp nhận lời mời dự tiệc của Lòng Chúa Thương Xót, Tiệc Cưới Nước Trời vĩnh hằng, nếu không nhận biết mình “đói khát” thì không muốn đi dự tiệc mặc dù tấm thiệp đã cầm trong tay.

Lạy Thiên Chúa hằng hữu chí thánh, con chân thành cảm tạ Ngài luôn cho con tận hưởng Yến Tiệc Hồng Ân Thương Xót, xin giúp con biết chuẩn bị “áo cưới” để xứng đáng tham dự Tiệc Lời Chúa, Tiệc Thánh Thể, và cuối cùng là Tiệc Nước Trời. Xin đốt lửa tình mến trong linh hồn con để con có thể say sưa yêu mến Thánh Thể, Con Yêu Dấu của Cha, không phải để bù đắp, vì con không thể bù đắp, nhưng là để con được hưởng Nguồn Sống dồi dào và vô biên của Thánh Thể. Lạy Thánh Phụ, không có Thầy Chí Thánh Giêsu thì con chỉ là kẻ hoàn toàn vô duyên và vô dụng mà thôi, xin giúp con sống khiêm nhường thực sự. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.

Về mục lục

.

CẦN CÓ Y PHỤC XỨNG HỢP KHI DỰ TIỆC HOÀNG TỬ GIÊSU

Jos. Vinc. Ngọc Biển

 Theo truyền thống, phong tục của nhiều dân tộc xưa, mỗi khi nhà vua cưới cho hoàng tử, thì các đại thần được ưu tiên mời, đồng thời mọi người dân cũng được hưởng ân lộc đó của nhà vua.

Còn với chúng ta hiện nay, không nhiều thì ít, hẳn mỗi người cũng đều được mời đi dự tiệc cưới của một ai đó.

Hôm nay, bài Tin Mừng cũng trình thuật câu chuyện Vua mở tiệc cưới cho Hoàng Tử. Một đám cưới rất đặc biệt cho cả người thiết đãi lẫn khách dự tiệc! Cách hành xử của Vua cũng như quan khách lại rất khác thường!

  1. Ý nghĩa dụ ngôn

Trong dụ ngôn, chúng ta thấy Đức Giêsu đã khéo léo trình bày dung mạo của Thiên Chúa với lòng bao dung, độ lượng; đồng thời thấy được sự ích kỷ của khách mời. Mặt khác, Đức Giêsu còn mặc khải cho chúng ta biết rằng: hết mọi người đều được mời đến tham dự tiệc Nước Trời. Tuy nhiên, khi được mời thì cần phải có y phục xứng đáng.

Giờ đây, chúng ta cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của dụ ngôn:

Trước tiên, ông Vua chính là Thiên Chúa Cha: “Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế” (Is 25, 6). Người luôn chuẩn bị sẵn sàng: “Này ta đã dọn tiệc sẵn rồi, đã hạ bò và súc vật béo tốt rồi, mọi sự đã sẵn sàng”. Tuy nhiên, không chỉ những người ưu tuyển, mà Người còn quan tâm, để ý đến mọi người: “Hãy ra các ngả đường, gặp bất cứ ai, thì mời vào dự tiệc cưới”.

Qua hình ảnh này, thần dân sẽ cảm thấy Người là vị Vua nhân hậu, hay thương xót và quảng đại với hết mọi người.

Thứ đến, Hoàng Tử chính là Đức Giêsu. Hôn Thê là Giáo Hội. Đây là hình ảnh đẹp tuyệt vời diễn tả tình yêu giữa Đức Kitô và Giáo Hội. Hoàng Tử sẽ sống hết mình vì Hôn Thê. Chàng Rể này vì vâng lời Cha và yêu Hôn Thê của mình, mặc dù nhiều khi Hôn Thê phản bội, cố chấp, do sự hận thù, ích kỷ, bảo thủ, bất trung, bội nghĩa. Nhưng vị Hoàng Tử đặc biệt này đã sẵn sàng đón nhận tất cả, chịu đựng tất cả, yêu thương tất cả, đến nỗi chết cho người mình yêu.

Tiếp theo, khách được mời là dân Dothái, tuy nhiên họ đã khước từ và lấy lý do: “Người thì đi thăm trại, người thì đi buôn bán; những người khác thì bắt đầy tớ vua mà nhục mạ và giết đi”, vì thế, nhà Vua đã quyết định mời hết mọi người, không phân biệt. Ngày cưới là ngày chung cuộc, ngày phán xét, ngày Vua tập hợp tất cả mọi người trên mọi nẻo đường, mọi thành phần tốt cũng như xấu, và đến giờ, nhà Vua mới tiến vào và phán xét mọi người để phân biệt đâu là chiên và đâu là dê!

Cuối cùng là y phục lễ cưới: tiêu chuẩn để không bị xét xử là phải mặc y phục của lễ cưới. Nếu không sẽ bị đuổi ra ngoài.

Y phục mà Đức Giêsu muốn nói đến ở đây chính là sự đổi mới. Đổi mới là từ bỏ lòng ích kỷ cá nhân để mặc vào lòng bác ái vị tha. Từ bỏ sự hiềm khích, vô ơn, bất chính, để mặc vào  tình yêu thương chân chính và lòng biết ơn. Từ bỏ sự hờ hững, vô tâm để mặc lấy lòng nhiệt thành, liên đới, cảm thông.

Vì thế, mặc y phục lễ cưới là mặc lấy tinh thần mới, lối nhìn mới và cách sống mới. Tuy nhiên, thật tiếc thay, điều kiện của Vua thì rất là dễ, nhưng lại trở thành quá khó đối với một số người cố thủ trong ích kỷ, biếng nhác, tham lam và ghen ghét. Vì thế, họ bị đuổi ra ngoài: “Trói tay chân nó lại, ném nó vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng! Vì những kẻ được gọi thì nhiều, còn những kẻ được chọn thì ít”.

Như vậy, qua bài Tin Mừng, Đức Giêsu trình bày dung mạo một vị Vua hiền hậu lạ lùng: Ông tự ý mở tiệc và cho các đầy tớ hết lớp này đến lớp khác đi mời, dù khách được mời không thèm đến, lại còn giết các sứ giả được sai đến với họ.

Dung mạo vị Vua càng hiền hậu bao nhiêu thì càng làm nổi bật sự vô ơn bất xứng của khách được mời bấy nhiêu. Họ tỏ ra khinh mạn, hỗn xược với tấm lòng quảng đại của nhà Vua.

  1. Thái độ của chúng ta trước lời mời gọi của Chúa

Trong đời sống Đạo của chúng ta hiện nay, nhiều khi không khác gì những người Dothái. Nên vẫn còn đó tình trạng: “Gần chùa gọi Bụt bằng anh”; hay không quan tâm đến việc sống đạo, mà chỉ quan tâm đến chuyện bề ngoài; hoặc không muốn nghe những lời giáo huấn của Chúa qua các đấng bậc trong Giáo Hội.

Tất cả đều khởi đi từ sự kiêu ngạo và ích kỷ. Họ để cho cái tôi quá lớn và coi mình đã đạo đức đủ nên không cần nghe và cũng chẳng có gì phải sửa!

Vì kiêu ngạo, nên không thể chấp nhận sửa sai, dù đó là Lời Chúa dạy.

Vì ích kỷ nên khó lòng chấp nhận ngồi lại với nhau để làm việc… bởi nghĩ rằng người anh chị em chúng ta không xứng tầm với mình, nên chẳng cần quan tâm.

Những người như vậy, họ như ly nước đã đầy, nên không thể tiếp thêm cho dù chỉ một giọt nước. Hay như mảnh đất quá khô cằn, nhưng khi mưa xuống thì họ lại che đậy lại, khiến nước mưa không thể tiếp xúc…

Sự hóng hách, khinh thường, chê bai, chỉ trích, bè phái… luôn luôn thường trực trong trái tim vốn đã hóa đá của họ, vì thế, nơi họ, không ai lấy đi được khỏi mắt họ cặp kính râm, vì thế họ nhìn mọi sự trước mắt đều là màu đen… tiêu cực.

Quả thật, họ đâu nhận ra tình thương của Thiên Chúa dành cho mình, nên việc khước từ ơn Chúa đến như những người được mời dự tiệc mà không hề để ý đến thiện tình của ông chủ là lẽ đương nhiên nơi những con người này.

  1. Sứ điệp Lời Chúa

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy đến tham dự bàn tiệc Nước Trời. Một cách cụ thể, đó là chúng ta được mời đến tham dự bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể Chúa hằng ngày nơi thánh lễ. Tuy nhiên, chúng ta đã đáp trả như thế nào? Thờ ơ lãnh đạm như dân Dothái xưa không đi dự tiệc vì quá nhiều bận rộn trong đời sống, hay chúng ta đi dự tiệc mà không mặc y phục lễ cưới là phẩm hạnh của bàn tiệc mà Đức Giêsu đòi hỏi như: y phục của lòng tin, cậy, mến; y phục của lòng ăn năn sám hối và sự kính trọng đối với Thiên Chúa; y phục của tình yêu thương, liên đới và chia sẻ với người nghèo!

Mỗi khi chúng ta hiệp dâng thánh lễ, ấy là lúc chúng ta được Thiên Chúa mời gọi vào dự bữa tiệc của tình yêu, chia sẻ, hiệp nhất. Khi được mời gọi như thế, hẳn chúng ta phải có một tâm hồn trong sạch để xứng đáng với hồng ân cao trọng này.

Đồng thời mỗi người chúng ta khi tham dự tiệc Thánh Thể, cần mặc lấy tinh thần tự hủy, liên đới vì tha thân để noi gương Đức Giêsu yêu thương hết mọi người.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con khi được tham dự bàn tiệc Thánh Thể và Lời Chúa thì cũng được biến đổi, để ngày càng trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa và đủ điều kiện để một ngày kia tham dự vào bàn tiệc Thiên Quốc. Amen.

Về mục lục

.

Y PHỤC XỨNG KỲ ĐỨC

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Tin mừng hôm nay là sự nối kết của hai dụ ngôn “hai người con” (CN 26 A) và “các tá điền sát nhân” (CN 27 A) thành một đề tài giáo huấn về tính phổ quát của ơn cứu độ, con người cần phải thống hối, ăn năn, hoán cải, phục thiện, phải cố gắng không những vào số những người được gọi, mà còn phải vào số những người được chọn nữa, bởi vì gọi thì nhiều mà chọn thì ít.

1. Tính phổ quát của ơn cứu độ

Câu chuyện Tin mừng gồm hai phần rõ rệt. Nhà vua mời thực khách dự tiệc cưới của hoàng tử (câu 1-10) và người khách không mặc y phục lễ cưới (câu 11-14).

a. Điều khó hiểu

– Thái độ của khách mời: Bình thường khi được các bậc vị vọng mời dự tiệc, khách được mời sẽ rất hãnh diện. Ở đây nhà vua mời dự tiệc cưới của hoàng tử. Vậy mà các khách được mời đều từ chối. Thánh Mátthêu ghi lại hai lý do: “người thì đi thăm trại, người thì đi buôn bán”. Thánh Luca thì ghi tới ba lý do: “Người thứ nhất nói: tôi mới mua một thửa đất, cần phải đi thăm; người khác nói: tôi mới tậu 5 cặp bò, tôi đi thử đây; người khác nói: tôi mới cưới vợ, nên không thể đến được” (Lc 14,18-19). Họ khước từ vì lo làm ăn và hưởng thụ cá nhân. Họ bận rộn, mải mê kiếm sống, không còn giờ cho tình người. Một số khách được mời nóng nảy quá khích, đã không dự tiệc vua mời còn bắt đầy tớ của vua, đánh đập, sỉ nhục và giết chết.

– Hành động của ông vua: Ông mời khách đến mấy lần, mời đi mời lại, năn nỉ họ tham dự. Ông còn tỏ ra hào phóng là thu nạp mọi người, bất luận tốt xấu, giàu nghèo.Thế nhưng, khi thấy một thực khách không mặc y phục lễ cưới ông đòi ra lệnh trói chân tay, bỏ vào nơi tối tăm bên ngoài mà khóc lóc nghiến răng. Người đọc cảm thấy thật khó hiểu: những người đang ở ngoài đường đột nhiên được mời vào dự tiệc cưới thì làm sao có sẵn áo lễ mà mặc.

b. Ý nghĩa dụ ngôn

Nên nhớ, đây là một dụ ngôn nằm trong chuỗi ba dụ ngôn theo cùng một chủ đề mà Chúa Giêsu kể cho các thượng tế và kỳ mục Do thái khi họ đến chất vấn Người về thẩm quyền của Người (x. Mt 21,23). Hai Chúa Nhật trước qua hai dụ ngôn “hai người con” (21,28-32) và “các tá điền sát nhân” (21,33-43). Dụ ngôn “tiệc cưới” (22,1-14) là câu trả lời cho những thái độ của các thượng tế và pharisiêu.Thiên Chúa ban hạnh phúc Nước Trời trước tiên cho dân Do Thái, nhưng họ đã từ chối vì chuộng những giá trị trần gian hơn; Thiên Chúa lại ban hạnh phúc ấy cho muôn dân. Tuy nhiên, cũng như người dự tiệc cưới phải mặc áo cưới, tượng trưng cho cách sống. Những người được mời gia nhập Nước Trời cũng phải có một nếp sống mới phù hợp với Tin Mừng.

2. Được mời dự tiệc là niềm vinh dự và là hạnh phúc

Người Do Thái được Thiên Chúa tuyển chọn làm dân riêng của Ngài để chuẩn bị ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại. Thế nhưng, họ đã từ chối đặc ân. Họ thờ ơ, không đếm xỉa gì đến lời mời gọi dự tiệc cưới :người thì đi thăm trại, kẻ thì đi buôn, người khác thì bắt đầy tớ nhục mạ và giết đi…

Con người có thái độ thờ ơ, lãnh đạm và coi thường như thế bởi vì họ không yêu mến Thiên Chúa, không cần Thiên Chúa. Nếu yêu thương, tôn trọng người chủ tiệc thì chắc chắn cho dù có vướng bận đến đâu họ cũng sẵn sàng sắp xếp công việc, thời gian để đi dự tiệc. Được mời là một vinh dự, nhưng đáp lời mời là biểu lộ tình cảm của bản thân dành cho gia chủ. Cũng thế, Thiên Chúa mời gọi con người vào hưởng hạnh phúc Nước Trời là do tình yêu của Ngài dành cho nhân loại, còn đáp lời mời này để hân hoan tiến vào Nước Chúa là lời đáp trả tình yêu của con người với Thiên Chúa.

Thiên Chúa mời con người đến tham dự tiệc cưới. Tiệc cưới là tiệc vui tươi, chúc mừng tình yêu của cô dâu chú rễ. Chúa Giêsu là chàng rễ, Giáo hội là cô dâu. Thiên Chúa đã mời gọi các Kitô hữu đền bàn tiệc để chia sẽ niềm vui và hạnh phúc vĩnh cửu với Ngài (GLCG # 1384).

Được mời và đón nhận lời mời là một biểu lộ của tình yêu từ hai phía, Thiên Chúa và con người dành cho nhau. Thế nhưng, trong cuộc sống Kitô hữu ngày hôm nay, thái độ từ chối Thiên Chúa, thờ ơ với lời mời gọi của Ngài vẫn còn tiếp diễn nơi nhiều người.

Dụ ngôn tiệc cưới luôn mang tính thời sự. Những người từ chối dự tiệc cưới đã viện dẫn nhiều lý do chỉ vì họ không muốn đến. Những người tham dự Thánh Lễ ngày Chúa Nhật cũng có rất nhiều lý do để biện minh. Người ta có trăm ngàn lý do để từ chối lời mời tha thiết của Chúa đến dự bàn tiệc Thánh Thể, bàn tiệc Lời Chúa. Nào là chuyện gia đình, bạn bè, chuyện làm ăn, chuyện học hành, chuyện giải trí, chuyện tương lai… nào là quá bận rộn không có thời gian. Có khi chỉ là một cuốn phim đang xem, một trận đá bóng trên tivi, một bữa nhậu… nhiều người đã bỏ lễ Chúa Nhật. 
Người ta nại vào rất nhiều lý do từ công ăn việc làm đến những lý do bận rộn với những sinh họat xã hội để từ chối các sinh hoạt đạo đức, từ chối tham dự thánh lễ. Người ta nại đến nhiều lý do, nhiều hoàn cảnh khó khăn để từ chối gặp gỡ, đón nhận Chúa qua anh chị em chung quanh, để khước từ sống giới răn yêu thương của Chúa.

Là Kitô hữu, chúng ta cần xét mình về thái độ của bản thân trước những lời mời gọi dấn thân vì Nước Trời, vì tha nhân của Chúa. Đừng lấy lý do tôi quá bận rộn với công việc làm, với gia đình mà không dành giờ cho Thiên Chúa, không dành giờ cho Nước Trời, không dành giờ lo đến linh hồn mình. Bận rộn chỉ là bình phong che đậy những lười biếng, những tiêu cực. Đừng hỏi tôi có bận hay không, nhưng hãy hỏi tôi có muốn hay không? Vì lòng muốn sẽ thắng vượt mọi trở ngại, mọi bận bịu.

Thánh lễ chính là tiệc cưới Nước Trời mà Thiên Chúa thết đãi cho chúng ta hưởng nếm trước hạnh phúc, vinh quang và sự sống thần linh. Vậy chúng ta hãy dẹp bỏ đi mọi lo toan của công việc, mọi vướng bận của cuộc sống đời thường để hân hoan tiến đến tham dự bàn tiệc Thánh Thể. Sau khi đã vui hưởng Tiệc Thánh, mỗi người sẽ thêm nghị lực, thêm niềm tin, thêm tình yêu.

3. Đến dự tiệc cưới phải mặc áo cưới.

Muốn tham dự tiệc cưới, vào bàn tiệc chưa đủ mà còn phải mặc y phục cho thích hợp. Y phục đó tượng trưng cung cách sống đạo, trang phục bằng những đức tính và tinh thần của Ðức Kitô. Là người Kitô hữu, cần sống cho xứng đáng với danh hiệu Kitô hữu mới được vào Nước Trời. Ân sủng không chỉ là

Chiếc áo cưới vào dự tiệc Nước Trời chính là ơn Thánh tẩy của Bí tích Rửa Tội. Ngày chịu phép rửa tội, tất cả mọi Kitô hữu được nhắn nhủ: “Con đã trở nên tạo vật mới và đã mặc lấy Ðức Ktiô. Chiếc áo trắng này là dấu chỉ tước vị của con. Nhờ lời chỉ bảo và gương lành của thân nhân giúp đỡ, con hãy mang nó tinh tuyền mãi cho đến cõi trường sinh.”

Mỗi một Kitô hữu đều có một bộ y phục lễ cưới, đó là chiếc áo trắng ngày chịu phép Rửa tội. Chiếc áo trắng ấy là tâm hồn thanh khiết của những người con Chúa đã được tẩy trắng trong máu Con Chiên. Chiếc áo trắng ấy được dệt bằng sợi tơ Lời Chúa mà người tín hữu phải nâng niu, gìn giữ suốt cuộc đời. Chiếc áo trắng ấy phải tinh tuyền cho đến ngày bước vào dự tiệc cưới trong Nước Trời. 
Có người đã vào phòng tiệc mà vẫn bị mời ra, vì không mang y phục lễ cưới. Có người theo đạo mà vẫn không được vào Nước Trời vì họ đánh mất chiếc áo trắng ngày Rửa tội. Theo ý kiến của một số giáo phụ, chiếc áo cưới ám chỉ đức ái, tối thiểu là cuộc sống ăn ngay ở lành. Còn theo ý kiến của các nhà chú giải Kinh Thánh hiện đại, thì chiếc áo cưới ám chỉ sự hoán cải hay sự trở về, tức là tinh thần sám hối chân thật.

Đành rằng “chiếc áo dòng không làm nên thầy tu”, nhưng qua cách ăn mặc cũng chứng tỏ cho người khác thấy phần nào con người của mình. Khi đến thăm gia đình của người bạn với quần áo lịch sự, chứng tỏ rằng chúng ta kính trọng người bạn đó. Khi đến nhà thờ dâng thánh lễ ngày Chúa Nhật, các Kitô hữu mặc y phục đẹp nhất của mình, chứng tỏ mình kính trọng Thiên Chúa, tôn trọng anh chị trong cộng đoàn, và biểu lộ sự tự trọng đối với chính bản thân mình.

Quần áo bề ngoài xã hội như vậy, nhưng còn y phục của tinh thần và linh hồn nữa. Mỗi lần đến tham dự bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta cũng phải mặc lấy y phục phẩm hạnh của bàn tiệc mà Chúa Giêsu đòi hỏi; y phục của lòng tin, cậy, mến; y phục của lòng ăn năn sám hối và sự kính trọng đối với Thiên Chúa.

Rất nhiều khi chúng ta đã coi thường bàn tiệc Thánh Thể. Chúng ta đến nhà Chúa với một tâm hồn không chuẩn bị gì, chẳng có tâm tình cầu nguyện, và cũng không chịu lắng nghe lời Chúa. Lời Chúa hôm nay cảnh cáo thái độ khinh thường đó rằng: “Trói chân tay nó lại, ném nó vào nơi khóc lóc nghiến răng ! Vì những kẻ được mời gọi thì nhiều, còn những người được chọn thì ít”.

Y phục phải xứng với kỳ đức. Chiếc áo cưới của Kitô hữu không được dệt bằng lụa là gấm vóc, không được mua từ hàng hiệu đắt tiền nhưng chính là lòng khiêm hạ, lòng tin, lòng cậy, lòng mến Chúa, lòng mến đối với anh chị em đồng loại.

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết con, xin cho con biết Chúa. 
Xin cho con chỉ khao khát một mình Chúa, quên đi chính bản thân, yêu mến Chúa và làm mọi sự vì Chúa. 
Xin cho con biết tự hạ, biết tán dương Chúa và chỉ nghĩ đến Chúa. 
Ước gì con biết hãm mình và sống trong Chúa. 
Ước gì con biết nhận từ Chúa tất cả những gì xảy đến cho con và biết chọn theo chân Chúa luôn. 
Xin đừng để điều gì quyến rũ con, ngoài Chúa.
Xin Chúa hãy nhìn con, để con yêu mến Chúa.
Xin Chúa hãy gọi con, để con được thấy Chúa.
Và để con hưởng nhan Chúa đời đời. Amen (Thánh Augustinô)

Về mục lục

.

TIỆC CƯỚI

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Dụ ngôn tiệc cưới Nước Trời,
Thành hôn hoàng tử, thiệp mời đã trao.
Đức vua chuẩn bị khai mào,
Gia nhân đón tiếp, mời vào tiệc vui.
Khách mời xin khất rút lui,
Lý do thăm trại, không lùi được đâu.
Kẻ thì buôn bán hoa mầu,
Anh kia cưới vợ, cau trầu phải lo.
Dân làng bắt bớ giằng co,
Khinh khi nhục mạ, giở trò xấu xa.
Sẵn sàng tiệc rượu mở ra,
Số người không xứng, tâm tà bỏ qua.
Ra đường mời gọi người ta,
Gặp ai bất luận, vào nhà chúc khen.
Kẻ giầu, người khó, sang hèn,
Phòng ăn chật ních, bon chen số người.
Vua vào quan sát mọi nơi,
Có người khách lạ, không lời trình thưa.
Chẳng đồng y phục giả lừa
Đức vua kết tội, kéo đưa ra ngoài.

Mọi người đều được mời vào dự tiệc cưới Nước Trời. Tiệc đã sẵn sàng, thịt thì béo và rượu thì ngon. Ấy thế mà nhiều người đã từ chối dự tiệc.

Dụ ngôn trong bài Phúc âm rất hay. Vua mở tiệc cưới cho hoàng tử. Các thiệp đã được mời từ sớm, vậy mà đến ngày hôn lễ, nhiều người đã không đến tham dự. Mỗi người một lý do chối từ. Người thì đi buôn, kẻ thì mới cưới vợ và người thì mới tậu ruộng cần đi thăm. Họ có đủ lý do để từ chối không dự tiệc. Có nghĩa là họ không có thời giờ, bận quá mà.

Trong cuộc sống, chúng ta cũng không tránh khỏi những lúc bận bịu lo công việc. Chúng ta không có thời giờ cho gia đình, cho con cái và cho các sinh họat cộng đoàn. Thậm chí không có giờ đi tham dự thánh lễ Chúa Nhật. Chúa ban cho chúng ta mỗi ngày 24 giờ, nhưng hình như qúa ít, không đủ để sống. Chúng ta muốn có nhiều giờ hơn cho chúng ta.

Chuyện kể: Một buổi sáng trời tuyết lạnh, có hai bà đứng nói truyện ngòai trời tuyết gần 2 tiếng đồng hồ. Khi bà xã vào nhà, chồng hỏi: Nãy giờ em nói truyện với ai thế. Vợ trả lời: Em nói truyện với bà hàng xóm. Chồng nói: Tại sao em không mời bà ấy vào nhà nói truyện cho khỏi lạnh. Chị ta trả lời: Không có thời giờ. Không có giờ là thế đấy!

Chúa mời gọi chúng ta vào dự tiệc cưới Nước Trời. Cũng như Chúa mời gọi chúng ta tham dự Bí Tích Thánh Thể. Chính Chúa hiến thân làm của lễ và của ăn nuôi dưỡng chúng ta.

Rước Mình và Máu Chúa là được thông hiệp vào màu nhiệm cứu độ. Thánh lễ là hình ảnh tiệc cưới Nước trời mai sau. Mỗi người chúng ta hãy cố gắng dành thời giờ tham dự thường xuyên tiệc Lời Chúa và tiệc Thánh Thể.

Về mục lục

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận