Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao Ngày hành hương dành cho Giới Gia Trưởng

Đăng lúc: Thứ tư - 14/03/2018 00:44 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao

Ngày hành hương dành cho Giới Gia Trưởng

 

Giáo hội sống Mùa Chay Thánh, đây cũng là dịp Giáo hội kính nhớ Thánh Cả Giuse. Một sắp xếp niên lịch phụng vụ mang nhiều ý nghĩa. Nhiều nhân đức trổi vượt nên Thánh Giuse trở nên mẫu gương sống Mùa Chay cho mọi tín hữu. Đặc biệt là Giới Gia trưởng, Thánh Giuse chính là mẫu mực của một người chồng thuỷ chung tận tuỵ, một người cha khả ái hiền hoà. Hàng năm, dịp tháng ba, giới Gia trưởng hành hương về bên Mẹ Tàpao. Qua đó, với ước nguyện, nhờ lời chuyển cầu của Thánh Bổn mạng, xin cho các Gia trưởng ơn khôn ngoan, lòng nhiệt thành làm tông đồ giáo dân và trở nên Giuse trong gia đình của mình.

 

1. Ngày 12.3

 

Họp mặt Đại hội



Từ lúc 14 giờ 30, hơn 500 anh em Gia trưởng đến từ năm Giáo hạt của Giáo phận đã tập trung về nhà thờ Đồng Kho để tham dự Đại hội thường niên. Trong kỳ họp mặt lần này ngoài việc chia sẻ, nhận xét đánh giá tình hình sinh hoạt và hoạt động của Hội Gia Trưởng giáo phận trong năm qua, anh em còn được nghe bài chia sẻ của cha Phêrô Phan Ngọc Cẩm, chánh xứ Phan rí cửa, đặc trách Gia Trưởng hạt Bắc tuy, về đề tài “Gia Trưởng sống Năm mục vụ : đồng hành với gia đình trẻ”. Cha mời gọi các Gia Trưởng hãy noi gương Thánh Giuse sống công chính, trách nhiệm; hãy thể hiện tình bác ái ngay trong chính gia đình mình qua việc tậm tâm chăm sóc yêu thương vợ con, xây dựng tổ ấm hạnh phúc;  không chỉ giữ đạo tại tâm mà phải làm gương sáng đời sống đức tin bằng những hành động cụ thể cho gia đình, giáo xứ và giáo phận.

Sau phần chia sẻ tâm tình của cha Phêrô, anh em cùng bước vào phần "hỏi để sống đạo", phần đông xoay quanh đề tài hôn nhân gia đình, Cha Đặc trách Gia Trưởng giáo phận Phêrô Nguyễn Hữu Duy giải đáp.


Chặng đường Thánh Giá và Giờ Chầu Thánh Thể


Lúc 19g, cung nghinh Đức Mẹ, hàng ngàn người với nến sáng trên tay hòa vang những khúc ca ngợi khen Mẹ. Cha Giuse Tổng đại diện, quý cha cùng đoàn kiệu thánh tượng Ðức Mẹ Tàpao tiến lên lễ đài. Ngàn ngàn ngọn nến lung linh cháy sáng sưởi ấm tâm hồn đoàn con cái hòa chung lời ca: "Ðoàn chúng con nay về bên Mẹ, giữa núi rừng bao la hùng vĩ". Giữa trời đêm núi rừng, lời kinh tiếng hát âm vang quyện đan trong gió ngàn dâng lên Mẹ. Huyền nhiệm và ấm cúng biết bao.

Sau đó hơn 1.200 Gia trưởng cùng với cộng đoàn hành hương sốt sắng đi chặng đàng thánh giá. Cha Phêrô Nguyễn Hữu Duy, đặc trách giới Gia trưởng Giáo phận vác thập giá, anh em gia trưởng Hạt Hàm Thuận Nam suy niệm 14 chặng đàng Thánh Giá Chúa Giêsu Kitô. Nơi mỗi chặng, cộng đoàn quỳ gối, lắng nghe suy niệm từng hồi Thương Khó của Chúa, xin được kết hợp với đau khổ của Người và xin ơn thánh chan hòa cho mỗi gia đình trẻ và cho mỗi tín hữu.

Sau khi đi Đàng Thánh Giá, cộng đoàn bước vào Giờ Chầu Thánh Thể.


Cha Tổng đại diện đặt Mình Thánh trên bàn thờ và cùng cộng đoàn cung kính tôn thờ.

Phép lành Thánh Thể kết thúc giờ chầu lúc 20 giờ 15’. Thánh Thể được đặt suốt đêm trên bàn thờ  để anh em Gia trưởng và quý khách hành hương tôn thờ, cầu nguyện.

 

hình ảnh


 

2. Ngày 13.3

 


hình ảnh

 

Giờ Khấn 

 

Như thường lệ, giờ khấn diễn ra tại Quảng trường lúc 6giờ30. Rất nhiều ý nguyện cầu của quý khách hành hương trong suốt tháng vừa qua đã được tổng kết và dâng lên Mẹ. Hiệp với ý nguyện cầu ấy, cộng đoàn hiện diện cũng thầm thỉ thành tâm khấn xin cùng Mẹ những ước nguyện của mình.


Sau gần nửa tiếng đồng hồ, giờ khấn kết thúc. Đại diện giới Gia Trưởng rước đoàn đồng tế từ Văn phòng Trung tâm lên lễ đài.



Thánh Lễ 


Sáng nay, có hơn 3.000 anh em Gia trưởng và hàng chục ngàn người hành hương về Tàpao. Tham dự Thánh lễ có Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ , cha Tổng Đại Diện và hơn 50 linh mục. Đoàn đồng tế niệm hương trước di ảnh Đức cha Giuse Vũ Duy Thống.


Đức cha Phêrô chủ tế, ngỏ lời với cộng đoàn.


Anh chị em thân mến,

Chúng đang sống trong Mùa Chay, mùa tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Hôm nay hành hương đến với Đức Mẹ Tàpao, hãy xin Đức Mẹ chia sẻ cho chúng ta những tâm tình của Đức Mẹ khi xưa, lúc theo Con trên con đường khổ giá, đặc biệt lúc đứng dưới chân thánh giá nhìn Con chịu khổ hình, nghe lời Con trăn trồi: “Thưa Bà, đây là con Bà”; “Đây là Mẹ con”. Xin Đức Mẹ giúp chúng ta tích cực thực hành những việc Hội Thánh dạy làm trong Mùa Chay, đó là siêng năng cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích, đặc biệt là bí tích sám hối để giao hòa với Chúa. Tích cực hãm mình đền tội và chia sẻ cơm áo cho những người nghèo túng. Có như vậy chúng ta mới đáng được thông phần vào vinh quang phục sinh của Chúa Kitô.

Hôm nay chúng ta cứ hành lễ Truyền tin để cùng với Đức Mẹ cộng tác vào mầu nhiệm nhập thể làm người của Chúa Kitô. Mầu nhiệm này cho thấy Ba Ngôi Thiên Chúa, đặc biệt là Chúa Giêsu Kitô đã yêu thương nhân loại dường nào, khi tự che dấu quyền uy của một vị Thiên Chúa, tự hủy ra không để nhận lấy thân phận của một kẻ tôi đòi, sẵn sàng chịu chết để đền thay tội lỗi nhân loại. Mầu nhiệm này cũng cho chúng ta biết sự cộng tác đắc lực của Đức Mẹ, khi thưa lời xin vâng để hiệp công đền tội cho loài người.

 

Hôm nay, trong thánh lễ, chúng ta cũng tưởng nhớ và cầu nguyện cho Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, người đã có công rất lớn trong việc thiết kế linh địa Tapao này, đã được Chúa gọi về vào ngày đầu Mùa Chay năm ngoái. Xin Chúa, nhờ lời cầu bầu của Đức Mẹ Tapao, cho ngài được hưởng niềm hoan lạc của Chúa.

 


Đức cha Phêrô giảng lễ, suy niệm về mầu nhiệm Truyền tin.

 

Anh chị em thân mến,

Mỗi tháng chúng ta hành hương tới đây để tỏ lòng tôn kính Đức Mẹ, và nhờ Đức Mẹ chuyển cầu, xin Chúa ban cho chúng ta những ơn cần thiết mà mình mong đợi.

Theo thói quen tại đây, mỗi tháng thường cứ hành lễ kính Đức Mẹ trong tháng. Theo lịch chung của Hội Thánh, ngày 25 tháng 3 là ngày mừng kính mầu nhiệm truyền tin của Chúa. Tuy năm nay, ngày 25 tháng 3 rơi vào Tuần Thánh, nên lễ Truyền tin được dời vào Thứ Hai, tuần II Phục sinh. Lễ này theo lịch Rôma trước đây thường được kể vào những lễ kính Đức Mẹ. Nhưng sau Công Đồng Vaticanô II, Hội Thánh đã sửa lại cho hợp với mầu nhiệm chính của lễ là mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người, nên được kể vào những lễ kính Chúa. Thực vậy, chính khi Đức Mẹ được thiên thần báo tin là Thiên Chúa sẽ cho Đức Mẹ thụ thai bởi quyền năng Chúa Thánh Thần, và Đức Mẹ thưa lời xin vâng để thuận theo chương trình của Thiên Chúa, là lúc Chúa Thánh Thần dùng quyền năng của Ngài dựng nên trong lòng Đức Mẹ một phôi thai và Ngôi Hai Thiên Chúa đã nhập vào phôi thai ấy để mặc lấy thân xác loài người. Vì thế mầu nhiệm truyền tin chính yếu là mầu nhiệm nhập thể của Ngôi Hai Thiên Chúa. Tuy nhiên, để thực hiện mầu nhiệm này, Thiên Chúa cũng cần đến sự cộng tác của Đức Mẹ. Và chính nhờ sự cộng tác này mà chương trình của Thiên Chúa mới thành hiện thực. Vì thế, Đức Mẹ cũng giữ một vai trò quan trọng trong mầu nhiệm truyền tin, hay mầu nhiệm Ngôi Hai nhập thể, cho nên Đức Mẹ cũng đáng được chúng ta kính nhớ và tôn vinh trong lễ Truyền tin này.

Theo những bài Sách Thánh chúng ta vừa nghe, mầu nhiệm Ngôi Hai nhập thể và Trinh nữ sinh con đã được Thiên Chúa báo trước. Trong thời Acaz, vua Juda, khi lân bang hùng mạnh là Assiria muốn lấn áp, tiên tri Isaia đã kêu nài vua hãy tin tưởng vào Thiên Chúa. Để chứng tỏ Thiên Chúa luôn phù trợ dân Ngài, tiên tri nói vua muốn xin bất cứ điềm lạ nào trên trời dưới đất để chứng tỏ Thiên Chúa luôn hỗ trợ dân Ngài, Chúa sẽ sẵn sàng ban. Nhưng vì không tin tưởng vào Thiên Chúa nên vua đã không xin, nại lý do là không dám làm phiền lòng Thiên Chúa. Để chứng tỏ Thiên Chúa không bao giờ bỏ dân Ngài, tiên tri đã báo trước cho biết là Thiên Chúa sẵn sàng ban một dấu chỉ là một trình nữ sẽ sinh con, và con trẻ sẽ được đặt tên là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng loài người. Dấu chỉ này báo trước cho mọi người biết rằng, dù dân ngỗ nghịch đến đâu thì Thiên Chúa cũng không bỏ dân Ngài, nhưng sẽ sai Con Ngài xuống thế làm người, sinh bởi một trinh nữ, để cứu chuộc không những dân Do Thái, mà tất cả loài người. Một người nữ không có quan hệ vợ chồng với người nam mà có thể sinh con, và sau khi sinh con vẫn còn trình tuyết, thì chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể làm được. Thế mà Thiên Chúa sẵn sàng thực hiện điều đó để chứng tỏ Ngài không bao giờ bỏ loài người. Người Trinh nữ đó chính là Đức Maria, người nữ khiêm hạ, nhưng đã được Thiên Chúa cho sinh hạ Con Thiên Chúa để trở thành Mẹ Thiên Chúa. Điều này chứng tỏ rằng tình yêu của Thiên Chúa đối với loài người thật là cao cả, vô biên. Mầu nhiệm nhập thể không chỉ nói lên tình yêu của Chúa Cha đối với nhân loại, khi trao phó Con Một yêu quý của Ngài làm giá chuộc tội cho chúng ta, nhưng cũng nói lên tình yêu của Ngôi Hai Thiên Chúa, Đấng nhập thể làm người, là Đức Giêsu Kitô, đối với chúng ta nữa.

Bài đọc 2, trích thư gởi tín hữu Do Thái đã nêu rõ mối tình to lớn và trong sáng này. Thật vậy, theo tác giả thư Do Thái: máu dê, máu bò không thể xóa bỏ được tội lỗi, nên khi đến thế gian, Chúa Giêsu đã thưa với Chúa Cha: Cha đã không muốn hy tế và của lễ hiến dâng, nên đã tạo cho con một thân xác. Cha không nhận của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội, nên con thưa: Lạy Cha, này con xin đến để thực thi ý Cha. Để thực thì ý Cha và tỏ lòng yêu thương chúng ta, Chúa Giêsu đã phải tự hủy mình ra không, đón nhận thân phận tôi đòi và phải chết nhục nhã trên thánh giá, như thánh Phaolô đã mô tả trong thư gởi tín hữu Philiphê: “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, mà chết trên cây thập tự” (Pl 2, 6-8). Vì thế mầu nhiệm nhập thể cũng chính là mầu nhiệm tự hủy của Ngôi Hai Thiên Chúa để chứng tỏ tỉnh yêu vô cùng cao cả và to lớn của Ngài đối với nhân loại chúng ta.

Anh chị em thân mến. Như trên chúng ta đã nói, Đức Mẹ cũng giữ một vai trò quan trọng trong mầu nhiệm nhập thể này. Thật vậy, để Ngôi Hai Thiên Chúa có một thân xác của loài người, cần thiết Ngài phải sinh ra từ một con người. Vì thế, khi muốn thực hiện chương trình cứu độ, Chúa Cha đã sai thiên thần đến loan báo và mời gọi Đức Mẹ cộng tác vào chương trình cứu độ này. Thoạt đầu, vì chưa hiểu rõ sự việc nên Đức Mẹ đã thưa: “Sự việc đó làm sao có thể được, vì tôi không biết đến người nam”, nghĩa là tôi không muốn việc vợ chồng. Nhưng khi được Thiên thần giải thích, Đức Mẹ đã tin vào quyền năng Thiên Chúa và đã thưa lời “Xin vâng” để Thiên Chúa thực hiện chương trình của Ngài. Khi thưa như vậy, dù Đức Mẹ chưa hiểu tường tận những gì sẽ xẩy đến cho Đức Mẹ và Người Con Đức Mẹ sẽ sinh ra. Nhưng vì từ tấm bé, Đức Mẹ đã dâng mình sống trong đền thờ, đọc và suy gẫm Kinh Thánh, nên Đức Mẹ cũng hiểu Người Con Đức Mẹ sinh ra chính là người Tôi Tớ Đau Khổ mà Kinh Thánh đã nói trước. Người Tôi tớ này sẽ phải chịu nhiều đau khổ, bị người đời nhục mạ và giết chết. Dẫu vậy, để đáp lại tiếng mời gọi của Thiên Chúa, Đức Mẹ sẵn sàng cộng tác vào chương trình cứu chuộc loài người, vì thế Đức Mẹ đã mau mắn và can đảm thưa lời xin vâng. Bởi vậy, chúng ta có thể nói, mầu nhiệm nhập thể cũng là mầu nhiệm vâng phục thánh ý Chúa và tự hủy của Đức Mẹ.

Anh chị em thân mến, Chúng ta đang cùng nhau cử hành lễ Truyền Tin để kính nhớ mầu nhiệm nhập thể của Ngôi Hai Thiên Chúa, khởi đầu công trình cứu chuộc loài người. Chúng ta đã thấy rõ tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa trong chương trình cửu độ này. Chúng ta cũng hiểu được Chúa Giêsu và Đức Mẹ đã tự hủy chính bản thân mình như thế nào khi sẵn sàng đón nhận mọi đau khổ tủi nhục vì chúng ta và để cứu độ chúng ta. Vì thế đang sống trong Mùa Chay, chúng ta hãy năng nhở lại những khổ đau tủi nhục mà Chúa Giêsu đã gánh chịu trong suốt 33 năm sống trên trần thế, nhất là trong cuộc thương khó của Người. Chúng ta cũng đừng quên những nỗi sầu khổ Đức Mẹ phải chịu khi theo Con trên đường thánh giá, nhìn Con chịu đóng đinh, ẵm xác Con vào lòng, thương nhớ Con khi táng xác Con trong huyệt đá. Hãy cảm thương Chúa và Đức Mẹ. Hãy thật lòng sám hối ăn năn những lỗi lầm để trở về với Chúa. Hãy thực hành những điều Hội Thánh kêu mời chúng ta làm trong Mùa Chay, đó là siêng năng cầu nguyện, ăn chay, hãm mình và thương giúp anh chị em túng nghèo đang cần đến sự giúp đỡ của chúng ta. Khi làm như vậy, chúng ta thực sự tích cực tham dự vào cuộc thương khó của Chúa, cũng chết và cùng mai táng với Chúa Kitô, thì chúng ta cũng hy vọng sẽ cùng thông phần vinh quang phục sinh của Người.

 

Anh chị em thân mến,

Hôm nay chúng ta cũng tưởng niệm và cầu nguyện cho Đức cha Giuse Vũ Duy Thống, người cha thân yêu của chúng ta, trong dịp lễ giỗ đầu của ngài. Chúa đã gọi ngài về đúng vào ngày khai mạc Mùa Chay, mùa nhắc nhở chúng ta về những nỗi thống khổ của Chúa Giêsu trong cuộc thương khó của Người. Nhìn lại cuộc đời của Đức cha Giuse, chúng ta thấy ngài đã kiên trì theo Chúa trên con đường khố giá. Theo nhận xét chung của những người quen biết, ngài rất thông minh và có biệt tài về văn hóa lại có máu nghệ sĩ, nên sống rất cởi mở và phóng khoảng. Có lẽ chính cái cởi mở và phóng khoáng này đã làm cho ngài phải gánh chịu nhiều hiểu lầm, gây cho ngài nhiều đau khổ trong cuộc đời Giám mục. Ngài viết cho các bạn đồng lớp: “Mình biết, thánh giá Chúa trao cho mình rất nặng, và hầu như đời mình đều được dệt bằng những biến cố của ngày Thứ Sáu“. Đức cha Bùi Tuần, nghĩa phụ của ngài, cũng viết: “Khi xây dựng hiệp nhất và phát triển yêu thương, con đã chỉ tìm thành ý Chúa chứ không tìm tiếng khen“. Chính vì chỉ tìm thành ý Chúa chứ không tìm tiếng khen, nên ngài đã sống rất thật với mình, điều ngài nghĩ là hay là phải, ngài cương quyết thực hiện, không nệ tiếng khen chê, nên đã chuốc lấy cho mình nhiều khổ đau. Hơn thế, Chúa cũng để cho ngài phải mang nhiều bệnh tật. Chính bệnh tiểu đường đã lấy đi của ngài một con mắt. Thêm vào đó bệnh soan mũi thường xuyên gây nên những cơn sốt, rồi sâu răng làm cho ngài luôn cảm thấy nhức nhối. Cuối cùng con virus không tên đã tàn phá hai lá phổi của ngài cách mau lẹ, khiến không còn phương cứu thoát.

Vì tìm theo thành ý Chúa, ngài đã kiên nhẫn theo Chúa đến cùng.Chúng ta hãy cầu nguyện Chúa thương cho ngài sớm được hưởng niềm hoan lạc của những kẻ đã kiên trì theo Chúa.

 

Sau lời nguyện hiệp lễ, Cha Tổng đại diện cám ơn Đức cha Phêrô và cha Kim Long.

Đại diện Giới Gia trưởng cám ơn Đức cha và quý cha. Những bó hoa tươi thắm dâng lên Đức cha và cha Tổng như tâm tình hiếu thảo. Tiếp đến Đức cha làm phép ảnh tượng và nước cho khách hành hương.

 
Thánh lễ kết thúc lúc 8giờ30, mọi người ra về mang theo ơn Thánh và niềm vui vừa lãnh nhận trong cuộc hành hương này.

Nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ Tàpao, xin cho mọi tâm hồn tín hữu trong Mùa Chay Thánh cũng tìm được niềm bình an theo gương khiêm nhường vâng phục của Mẹ, và nhất là cho anh em Gia trưởng biết chuẩn bị có được tâm hồn thánh đức để đón mừng mầu nhiệm Phục sinh sắp tới.

 

Nhiều đoàn hành hương tiếp tục lên núi viếng thánh tượng Đức Mẹ TàPao.

 

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

 

 


 

 

 

 

 

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận