Đức Mẹ TàPao tháng 4/2018: Thánh Lễ Lòng Chúa Thương Xót

Đăng lúc: Thứ sáu - 13/04/2018 02:36 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

Hành Hương Đức Mẹ TàPao tháng 4/2018.
Tối 12.4: Thánh Lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót của Hội Lòng Thương Xót Giáo Phận Phan Thiết.

 

hình ảnh

 

Bài giảng

 

SỐNG LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA NHƯ MẸ MARIA

Chúng ta vừa hân hoan cử hành Đại lễ Phục Sinh, trải nghiệm lòng thương xót của Chúa qua cái chết và sự Phục sinh của Chúa Giê su Ki tô Chúa chúng ta, để cùng với Mẹ hỉ hoan khoái lạc tung hô Alleluia. Nhưng chúng ta đến với Mẹ không phải chỉ là kỷ niệm một biến cố của quá khứ, nhưng là cùng với Mẹ sống tin mừng của Lòng Thương Xót Chúa trong hiện tại. Chúng ta cùng được kêu mời “đến với Mẹ để Mẹ trao ban Lòng Thương Xót Chúa”. Vì vậy, trong thánh lễ long trọng đêm nay của Đại Hội LCTX Giáo phận Phan Thiết, chúng ta hãy cùng chiêm ngưỡng Mẹ, Đấng đã cưu mang, đã sống và là Thầy dạy về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.

1-Fiat: cưu mang Lòng Chúa Thương Xót .

Mẹ là người đầu tiên đón nhận Lòng Thương Xót của Thiên Chúa khi Mẹ thưa tiếng “xin vâng” trong ngày truyền tin. Trong cuộc đối thoại với sứ thần báo tin Mẹ sẽ sinh Con của Đấng tối cao, Mẹ đã hòan tòan tự do để trao đổi: “Việc đó xảy đến thế nào được, khi tôi chưa về nhà chồng”(Lc 1,34). Và với tất cả ý chí, khi biết thánh ý của Thiên Chúa giàu lòng thương xót, Mẹ đã thưa: “Vâng, tôi đây là nữ tì của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1,38). Và công trình của Lòng thương xót được thực hiện bắt đầu từ việc nhập thể, Mẹ cưu mang Con Thiên Chúa xuống thế làm người. Mẹ được diễm phúc làm Mẹ của Đấng Cứu Thế, dung mạo của Lòng Thương Xót Chúa. Từ lời “xin vâng” khiêm tốn đó, kỷ nguyên của Lòng Thương Xót đã bắt đầu bước vào trong lịch sử nhân loại. Mẹ không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho ơn cứu độ của thế giới. Mẹ bước đi trong Thánh ý của Lòng thương xót Chúa và trung thành “xin vâng” đến giây phút cuối cùng dưới chân Thập giá, đỉnh điểm của lòng Chúa thương xót. Cuộc đời của Mẹ là cuộc sống Lòng Chúa thương xót.

2-Magnificat: sống Lòng Chúa Thương Xót.

Mẹ thể hiện Lòng Chúa thương xót ngay khi nghe biết Chị Elizabet thụ thai Gioan Tiền hô, Mẹ đã đến thăm và ở lại giúp đỡ Chị sinh con. Lần thăm viếng này, Mẹ đã đem Chúa Giêsu, Lòng thương xót của Thiên Chúa, đến làm cho hai mẹ con bà Elizabet được đầy tràn Thánh Thần, khiến Mẹ cũng hân hoan hát bài tán tụng tuyệt vời “Magnificat, linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa”.  Qua bài ca Magnificat, Mẹ vui mừng nhìn lịch sử cứu độ đã và đang diễn ra trong lịch sử của thế giới. Mẹ cảm nghiệm tất cả những kỳ công Chúa đã thực hiện cho dân Chúa, tức là những ai kính sợ Người. Và lịch sử cứu độ luôn luôn mang dấu ấn của Lòng Chúa thương xót. Nhất là Mẹ cảm nghiệm từ nơi bản thân, Mẹ được hưởng trước lòng thương xót ấy. Tâm hồn Mẹ ngập tràn niềm vui và hạnh phúc: “Ví vậy muôn đời sẽ khen tôi có phước, vì Đấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại. Danh Ngài là thánh. Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Ngài” (Lc 1,49). Bản thân mỗi người chúng ta chắc chắn đã cảm nghiệm được rằng Mẹ đang thể hiện lòng thương xót, qua việc đồng hành cùng với cuộc sống của nhân loại với tư cách là Thầy dạy đức tin vào Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót. Bởi vì Mẹ đã cảm nghiệm, đã sống sâu xa Lòng Thương Xót của Thiên Chúa qua mầu nhiệm nhập thể, cứu chuộc. Dưới chân thập giá, Mẹ đã nhận biết Tình thương vô biên của Thiên Chúa dành cho hết mọi người. Với biến cố Phục sinh Mẹ hỉ hoan vui mừng vì sự sống được tặng ban cho toàn thể nhân loại. Và Mẹ đã trở thành Mẹ của Lòng Thương xót và Thầy dạy về Lòng thương xót.

3-Stabat: Thầy Dạy về Lòng Chúa Thương Xót.

Đứng gần Thánh Giá Chúa Giêsu, con của Mẹ, Mẹ dạy chúng ta gắn chặt với Thánh Giá Chúa, nguồn mạch của lòng thương xót. Mẹ sầu bi đứng cạnh thánh giá Chúa là hình ảnh thật tuyệt vời mang nhiều ý nghĩa. Trước hết cuộc khổ nạn là chứng tích của Lòng Thương Xót vô hạn của Thiên Chúa, Đấng yêu thương nhân loại đến nỗi phó nộp Con yêu quý của mình. Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với các môn đệ bao giờ cũng cho các ông xem các vết thương trên tay và cạnh sườn Ngài, bằng chứng Ngài là Đấng  đã chịu đóng đinh trên Thánh giá. Thứ đến, Mẹ hiện diện ở đó trong thế đứng can đảm vững vàng đầy tin tưởng phó thác trong việc cộng tác đặc biệt với Chúa Giêsu, con của Mẹ, trong công trình cứu độ. Đứng bên thánh giá Chúa Giêsu, Mẹ đã học được bài học của Lòng Thương Xót. Mẹ mời gọi chúng ta đến với Mẹ bên cạnh thánh giá để cùng học với Mẹ. Vì Chúa Giêsu chịu đóng đinh, chính là gương mặt của Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót. Như ngày xưa Mẹ dạy các gia nhân tại tiệc cưới Ca na, hôm nay dưới chân thánh giá, Mẹ cũng nói với chúng ta: “Ngài bảo gì, anh em hãy làm theo” (Ga 3,5).

Mầu nhiệm phục sinh cho ta thấy Chúa Giêsu chịu đóng đinh là Dung mạo của Thiên Chúa Đấng giàu lòng thương xót. Và truyền thống phụng vụ của Giáo Hội bao giờ cũng trân trọng sự hiện diện của Mẹ trong niềm vui phục sinh. “Lạy Nữ Vương thiên đàng hãy vui mừng alleluia, vì Chúa đã sống lại thật, alleluia. Lạy Đức Nữ đồng trinh Maria, hãy hỉ hoan khoái lạc, alleluia. vì Chúa đã sống lại thật, alleluia.” Trong niềm hân hoan phục sinh, chúng ta hãy chạy đến với Mẹ và học với Mẹ, vì Mẹ đã cưu mang, đã sống và đã là thầy dạy của Lòng Thương Xót.

Lm Giuse Hồ Sĩ Hữu, Đại Hội Lòng Thương Xót GP Phan Thiết,  Tà Pao 12/4/2018.

Từ khóa:

thương xót

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận