Thứ sáu tuần BÁT NHẬT PHỤC SINH.

Đăng lúc: Thứ sáu - 06/04/2018 01:12 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

Thứ sáu tuần BÁT NHẬT PHỤC SINH.

"Chúa Giêsu đến, cầm bánh và cá trao cho họ ăn".

 

Lời Chúa: Ga 21, 1-14

Khi ấy, lúc các môn đệ đang ở bờ biển Tibêria, Chúa Giêsu lại hiện đến. Công việc đã xảy ra như sau: Simon Phêrô, Tôma cũng gọi là Điđymô, Nathanael quê tại Cana xứ Galilêa, các con ông Giêbêđê, và hai môn đệ nữa đang ở với nhau. Simon Phêrô bảo: "Tôi đi đánh cá đây". Các ông kia nói rằng: "Chúng tôi cùng đi với ông". Mọi người ra đi xuống thuyền. Nhưng đêm ấy các ông không bắt được con cá nào.

Lúc rạng đông, Chúa Giêsu hiện đến trên bờ biển, nhưng các môn đệ không biết là Chúa Giêsu. Người liền hỏi: "Này các con, có gì ăn không?" Họ đồng thanh đáp: "Thưa không". Chúa Giêsu bảo: "Hãy thả lưới bên hữu thuyền thì sẽ được". Các ông liền thả lưới và hầu không kéo nổi lưới lên, vì đầy cá. Người môn đệ Chúa Giêsu yêu, liền nói với Phêrô: "Chính Chúa đó". Simon Phêrô nghe nói là Chúa, liền khoác áo vào, vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào và kéo lưới đầy cá theo, vì không còn xa đất bao nhiêu, chỉ độ hai trăm thước tay.

Khi các ông lên bờ, thấy có sẵn lửa than, trên để cá và bánh. Chúa Giêsu bảo: "Các con hãy mang cá mới bắt được lại đây". Simon Phêrô xuống thuyền kéo lưới lên bờ. Lưới đầy toàn cá lớn; tất cả được một trăm năm mươi ba con. Dầu cá nhiều đến thế, nhưng lưới không rách. Chúa Giêsu bảo rằng: "Các con hãy lại ăn". Không ai trong đám ngồi ăn dám hỏi: "Ông là ai?" Vì mọi người đã biết là Chúa. Chúa Giêsu lại gần, lấy bánh trao cho các môn đệ; Người cũng cho cá như thế.

Đây là lần thứ ba, Chúa Giêsu đã hiện ra với môn đệ khi Người từ cõi chết sống lại.

 

 

SUY NIỆM 1: Tìm lại được bản thân

Tiền của, quyền bính, danh vọng, không đương nhiên mang lại cho con người hạnh phúc. Một lần nữa thế giới lại học biết chân lý ấy qua kinh nghiệm con người giàu có và danh tiếng nhất nước Mỹ hiện nay, là ông Tonner, nhà tỉ phú sáng lập hệ thống truyền hình CNN. Trong một phỏng vấn mới đây dành cho tạp chí The New York, nhà tỉ phú này cho biết rằng mình thất vọng đến nỗi đã có lúc nghĩ tới việc tự tử. Con người đã từng được xem là một trong những người quyền thế nhất nước Mỹ, nhất là sau khi ông đã tặng hàng tỉ Mỹ kim cho tổ chức Liên Hiệp Quốc, giờ đây tự nhận mình là nạn nhân của một cuộc chiến tranh đủ mọi mặt, từ công việc kinh doanh, đời sống gia đình và ngay cả niềm tin tôn giáo. Thất bại trong đời sống gia đình là điều thê thảm nhất đối với ông. Ông và nữ tài tử Folda đã ly dị nhau sau tám năm chung sống. Lý do chính khiến cho hai người chia tay nhau là vì Folda đã trở thành một tín hữu Kitô. Tonner đã có lần nói rằng Kitô giáo là tôn giáo dành cho những người thua cuộc và gọi Ðức Gioan Phaolô II là một tên ngu ngốc. Với tất cả những gì mình đang có trong tay, ông đã có lý khi gọi các tín hữu Kitô là những người thua cuộc. Nhưng cái nghịch lý lớn nhất của Kitô giáo mà con người giàu có và quyền thế này không thể hiểu được chính là thua để thắng, mất để được, chết để sống. Lẽ ra, trong nỗi thất vọng ê chề khiến ông chỉ còn nghĩ tới một lối thoát duy nhất là tự tử, Tonner phải hiểu được lời nhắn nhủ của Chúa Giêsu: "Chiếm được cả thế gian mà đánh mất chính bản thân, nào được ích gì?"

Chỉ sau khi được Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra, các môn đệ của Ngài mới hiệu được cái nghịch lý vĩ đại ấy của Kitô giáo. Khi Thầy mình bị treo lên thập giá, giấc mộng công hầu khanh tướng của các môn đệ cũng tan thành mây khói. Trong nỗi thất vọng ê chề, họ đã buồn bã quay về với nghề cũ để rồi vất vả thâu đêm mà không bắt được con cá nào. Ðó là hình ảnh của một cuộc sống trống rỗng chán chường mà nhiều người vẫn tiếp tục lao mình vào. Có tất cả trong tay mà vẫn thấy thiếu thốn, hưởng mọi sự mà vẫn không thỏa mãn, được bảo đảm trong mọi sự mà vẫn không có được bình an. Hiện ra với các môn đệ sau khi các ông đã vất vả thâu đêm mà không bắt được con cá nào và cho các ông được mẻ cá lạ lùng, Chúa Giêsu muốn cho các ông thấy rằng không có Ngài, các ông không thể làm được gì và một cuộc sống thiếu vắng Ngài là thiếu tất cả.

Lần đầu tiên những người chài lưới đã bỏ mọi sự mà đi theo Chúa Giêsu, lần này họ không những bỏ mọi sự mà còn bỏ chính bản thân mình. Họ hiểu rằng chỉ khi trút bỏ cuộc sống con người của mình, họ mới thực sự được lấp đầy bởi chính Ðấng là Ðường, là Sự Thật và là Sự Sống. Với Ngài, họ tìm lại được bản thân và có được điều mà không một của cải nào trên trần gian này có thể mua sắm được, đó là sự bình an trong tâm hồn. "Bình an cho các con", đó là điều mà Chúa Kitô Phục Sinh luôn chào chúc cho các môn đệ mỗi lần hiện ra cho các ông.

Ước gì chúng ta cũng biết sẵn sàng trút bỏ mọi sự để cảm nếm được sự bình an đích thực của Ðấng Phục Sinh.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 2: Đức tin mai sau

Khi trời đã sáng, Đức Giêsu đứng trên bãi biển, nhưng các mên đệ không nhận ra đó là Đức Giêsu, Người nói với các ông: “Này các chú không có gì ăn ư?” Các ông trả lời: “Thưa không.” Người bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.” Các ông thả lưới xuống nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. (Ga. 21, 4-6)

Ngày nay, điều gắn bó tôi với Tin mừng chính là thái độ của các môn đệ. Sau khi đã trông thấy Đức Giêsu sống lại, đã tin vào Người, đã cảm nghiệm rõ ràng lạ lùng, các ông không làm gì khác mà chỉ biết trở về quê đi đánh cá. Rõ ràng các ông không biết phải xử thế nào, phải sống ra sao vì các ông thất nghiệp và chỉ biết theo sở thích và thói quen cũ là nghề đánh cá, các ông đi ra khơi.

Mai sau đức tin của chúng ta cũng quy tụ những người như thế đó. Chúng ta sẽ thấy mình có sự thay đổi nồng nhiệt theo chân Đức Kitô, sau một cuộc tĩnh tâm, sau một cao điểm nguyện ngắm hay một cuộc đại lễ lạ lùng, chúng ta thấy mình không biết làm gì, cư xử ra sao. Chúng ta cũng như mấy môn đệ bên bờ hồ nhỏ với ý nghĩ này: “Này bây giờ, chúng ta hãy trở về sống đời thường, dù nó vô ích vô vị”.

Mai sau đức tin của chúng ta gặp nhiều khó khăn, trở ngại vì phải chấp nhận kiểm thảo luôn, không thể hành trang một mình được, cần phải đón nhận một người vô danh nào đó chỉ hướng cho đi hướng nào, làm ở đâu: “Hãy thả lưới bên phải”. Còn cần phải tiếp nhận được nuôi dưỡng, ngồi xuống chia sẻ của ăn, trong Tin mừng hôm nay, những con cá các môn đệ ăn không phải do các ông đánh bắt. Trước khi các ông kéo thuyền vào bờ, cá và bánh đã được nướng rồi.

Đức Giêsu như muốn cho các ông hiểu rằng các tông đồ phải biết nương tựa đến tột đỉnh: Người bảo với các ông đánh cá ở đâu, và Người cho các ông đầy cá, chứ các ông đánh thâu đêm chẳng được gì cả. Cá và bánh đã được Người dọn sẵn rồi.

Mai sau đức tin của chúng ta sẽ có thể dễ thấm nhuần nếu chúng ta không quên điều đã diễn ra trên bờ hồ mà Đức Giêsu đã ra dấu chỉ và chúng ta biết chấp nhận lãnh lấy của nuôi do chính Người đã dọn sẵn cho chúng ta, ước mong chúng ta biết ngồi xuống lãnh nhận ơn Ngài ban.

C.G

 

SUY NIỆM 3: Chúa Hiện Ra Trên Biển Hồ Tibêria.

Một người da đỏ rời bỏ nơi cư trú ở thôn quê để về thành phố thăm lại người bạn da trắng. Anh nhìn thấy cuộc sống náo nhiệt và xô bồ của thành phố đã tạo cho anh không ít ngạc nhiên và thích thú. Lúc hai người đang dạo chơi trên đường phố, thình lình người da đỏ chợt dừng lại và đập nhẹ vào vai người bạn da trắng và nói nhỏ: "Chúng ta hãy dừng lại tí chút, anh có nghe thấy gì không?" Người da trắng quay lại và mỉm cười nói với bạn: "Tiếng máy nổ, tiếng còi, tiếng gầm của xe buýt, tiếng bước của người qua lại. Còn anh, anh nghe thấy gì?" "Tôi nghe thấy tiếng kêu của một chú dế mèn gần đâu đây đang gáy". Anh bạn da trắng đứng lại, lắng tai và chăm chú nghe kỹ hơn, nhưng rồi lắc đầu đáp: "Tôi nghĩ là anh đang đùa, làm gì mà có dế mèn ở đây. Mà dù cho có đi nữa thì làm sao anh có thể nghe được tiếng nó gáy giữa muôn vàn náo động của thành phố sầm uất nhộn nhịp này". Người da đỏ nghiêm trang trả lời: "Có mà. Tôi nghe tiếng nó gáy chỉ đâu đây thôi". Nói rồi anh bước lại gần bức tường cách đó vài thước, một dây nho dại đang bò trên vách tường, dưới gốc nho là một bụi cỏ và vài chiếc lá khô đủ để cho một chú dế ẩn nấp và đang cất tiếng gáy.

Cuối cùng anh bạn da trắng cũng thấy được con dế. Bấy giờ anh gật đầu thán phục: "Lỗ tai của người da đỏ các anh quả thật là thính hơn bọn da trắng chúng tôi nhiều". Thế nhưng, người da đỏ lắc đầu đáp lại: "Chẳng phải vậy đâu. Tôi sẽ chứng minh cho anh thấy". Ðoạn anh ấy rút trong túi ra một đồng tiền và cho lăn nhẹ trên vệ đường, tiếng va chạm leng keng của đồng tiền cũng thật nhỏ, tưởng chừng như mất hút giữa những tiếng động ồn ào của thành phố. Vậy mà như có một hiệu lệnh, đồng tiền lăn trên đây thì mọi chiếc đầu, mọi cặp mắt đều quay về đó. Lượm đồng tiền lên và cho vào túi, người da đỏ mỉm cười với bạn mình. Vì thế, lỗ tai của người nào cũng nghe rõ như nhau, nhưng có khác chăng là nó chỉ nghe quen với âm thanh và những điều người ta lưu tâm đến.

Anh chị em thân mến!

Thông thường thì khả năng nghe biết của mọi người như nhau và có những giọng nói thật giống nhau. Tuy nhiên, giữa những giọng nói giống nhau đó, có giọng được cất lên, có giọng lại như chìm vào trong thầm lặng.

Thật vậy, trong ba năm theo Thầy trên đường rao giảng Tin Mừng, chắc hẳn các môn đệ đã quá quen thuộc với giọng nói của Thầy mình. Thế mà vì những nhọc nhằn suốt đêm chẳng bắt được một con cá nào, các ông đã không nhận ra Ngài, chỉ có lòng mến sắt son mới cho phép thánh Phêrô nhận ra Thầy mình, và ông đã thốt lên bằng một câu nói thật vắn gọn: "Thầy đó".

Trước đây, chỉ vì lòng mến đã thôi thúc Gioan chạy đến mồ trước, nhưng ông lại đợi Phêrô để cả hai cùng vào để xác nhận việc Thầy mình đã sống lại. Cũng chính do lòng mến mộ mà các ông đã giới thiệu cho các bạn hữu biết việc Chúa Kitô Phục Sinh.

Ðây là điều mà Kitô hữu ở mọi thời đại đều phải bắt chước gương của các tông đồ. Vì đến với Chúa là một điều tốt, nhưng sẽ tốt hơn nếu có nhiều người khác nữa cùng đến với Ngài.

Lạy Chúa, trong cuộc sống con không dám xin Chúa cất đi những nhọc nhằn, vì đó là thân phận tội lỗi của con người. Con chỉ xin Chúa ban cho con lòng Tin Mến, để giữa những nghịch cảnh cuộc đời, con có thể nhận ra được sự hiện diện của Chúa, tìm được niềm vui và hy vọng trong Chúa. Từ đó, con có thể đem Chúa đến cho người khác, hầu cho họ luôn tin yêu vào sự Phục Sinh vinh quang của Chúa. Amen.

(Trích trong ‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ – Radio Veritas Asia)

 

SUY NIỆM 4: “CHÚA ĐÓ!” (Ga 21,1-14)

Xem lại Chúa nhật III Phục sinh C.

Sau khi nhận tin báo từ Maria Madalêna là các ông sẽ được thấy Đức Giêsu phục sinh tại Galilê (x. Mt 28,10). Tuy nhiên, ngày và giờ thì không biết, nên trong khi chờ đợi, các ông đã tranh thủ đi đánh cá. Tuy nhiên, lần ra quân đầu tiên của các ông đã thất bại.

Thánh sử Gioan trình thuật: họ thức suốt đêm để đánh cá, nhưng tới sáng, họ vẫn trắng tay, không bắt được con cá nào!

Vì thế, họ sửa soạn giặt lưới để đi nghỉ sau một đêm vất vả cực nhọc. Đúng lúc ấy, Đức Giêsu hiện ra và đứng trên bãi biển gọi các ông với những từ rất thân thương, gần gũi: “Này các chú, không có gì ăn ư”. Khi họ đáp không có, Đức Giêsu truyền lệnh cho họ thả lưới bên phải mạn thuyền thì sẽ bắt được cá. Kết quả đúng như lời Đức Giêsu nói. Tổng tất cả là 153 con. Ngay lập tức, người môn đệ được Đức Giêsu thương mến nhận ra Thầy của họ và reo lên: “Chúa đó!”.

Tin Mừng chúng ta vừa nghe, tác giả cho biết đây là lần thứ ba Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ. Tuy nhiên, lần này có những điểm đặc biệt vì ngoài việc củng cố niềm tin, chúng ta thấy có những tình tiết khác:

Thứ nhất, vâng lời Chúa thì sẽ được thành công cách mỹ mãn hơn cả suy tính của con người. Có Chúa mọi chuyện sẽ được êm đẹp. Thuyền đầy cá và lưới không rách chứng minh điều đó.

Thứ hai, qua mẻ cá lạ với 153 con, muốn nói lên các ông sẽ là lưới người như lưới cá và ơn cứu độ phải được loan đi đến với hết mọi người, mọi nơi và mọi thời.

Thứ ba, công cuộc truyền giáo là của mọi người, không riêng rẽ. Vì thế, sự hiệp nhất để cùng nhau thi hành sứ vụ là điều cần thiết. Một mình không thể chu toàn. Lưới đầy cá và phải nhờ các thuyền khác cùng kéo lên cho thấy đặc tính này.

Cuối cùng, yêu mến thì sẽ nhận ra Chúa và đi vào mối tương quan mật thiết với Ngài cách đặc biệt như Gioan.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy tin tưởng vào quyền năng của Chúa. Sống tín thác vào Ngài ngay trong những biến cố đau buồn, thất vọng nhất của cuộc đời. Sống tình hiệp nhất, yêu thương và làm chứng cho Chúa trong thời đại chúng ta hôm nay.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin ban thêm đức tin cho chúng con. Xin củng cố lòng mến và ban cho chúng con những ơn cần thiết để chúng con chu toàn trách nhiệm Chúa trao phó trong cuộc đời. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

SUY NIỆM 5: Chúa đó

Suy niệm :

Bảy môn đệ trở về với nghề xưa,

trở về Biển Hồ quen thuộc đầy ắp kỷ niệm thầy trò.

Dù đã chối Chúa, Phêrô vẫn được coi là thủ lĩnh.

Ông không ra lệnh, nhưng đưa ra lời mời kín đáo:

“Tôi đi đánh cá đây.”

Các bạn khác hiểu ngay và mau mắn đáp lại:

“Chúng tôi cùng đi với anh.”

Có một bầu khí dễ chịu, đầm ấm trong nhóm.

Ðây quả thực là một nhóm bạn lý tưởng.

Họ ở với nhau, làm việc với nhau cả đêm,

và lặng lẽ cùng nhau chia sẻ một thất bại.

Tuy nhiên, họ cũng là những người có tính tình khác nhau.

Người môn đệ được Ðức Giêsu thương mến

thì nhạy cảm hơn, nhận ra Chúa Phục Sinh đứng trên bờ.

Nhưng sau đó, ông cứ điềm nhiên ngồi lại trong thuyền.

Còn Phêrô thì nồng nhiệt hơn, vội vã mặc áo,

nhảy tùm xuống nước bơi vào, vì nóng lòng muốn gặp Chúa.

Hai phản ứng khác nhau nhưng cùng diễn tả một tình yêu.

Có thể coi nhóm môn đệ trên là hình ảnh của Hội Thánh.

Hội Thánh hiệp nhất ngay giữa những khác biệt.

Sự hiệp nhất lại làm nổi bật bản sắc mỗi người.

Ðây không phải là một nhóm bạn khép kín,

nhưng là nhóm bạn được Chúa Phục Sinh sai ra khơi.

Chính sự hiện diện và lệnh truyền của Ngài

là bảo đảm cho thành công của những lần buông lưới.

Hội Thánh là một nhóm nhỏ được sai vào thế giới.

“Không có Thầy anh em chẳng làm gì được.” (Ga 15,5).

Nhưng có Thầy, anh em sẽ được những mẻ cá lớn.

Nhóm bạn được sai đi cũng là nhóm bạn được quy tụ,

được sai đi bởi Chúa và được quy tụ bên Chúa.

Chúa Phục Sinh trở thành người dọn bữa ăn sáng.

Ngài cầm lấy bánh trao cho các ông.

Cử chỉ này gợi cho ta về những thánh lễ.

Chúng ta thường quên thánh lễ là một bữa ăn.

qua đó Chúa Phục Sinh nuôi ta bằng con người Ngài.

Chúng ta được mời dùng bữa trong niềm hân hoan vui sướng.

Hội Thánh truyền giáo phải được nuôi bằng Thánh Thể.

Hội Thánh vừa lan rộng khắp nơi, vừa tập trung nơi thánh lễ.

Ðó là nhịp thở đều đặn và cần thiết cho Hội Thánh.

Ngài cầm lấy bánh trao cho các ông và nói: “Anh em đến mà ăn” (c.12).

Chúa phục sinh vẫn đến với chúng ta giữa đời thường,

giữa những vất vả lo âu, giữa những thất bại trống vắng.

Chúa vẫn đứng trên bờ mà ta cứ tưởng người xa lạ.

Ngài vẫn nhẹ nhàng chạm đến nỗi đau của ta: “Các con không có gì ăn ư?”

Ngài vẫn mời ta bắt đầu lại dù mệt nhọc và thất vọng:

“Hãy thả lưới bên phải mạn thuyền.”

Chúa phục sinh quyền năng vẫn phục vụ như xưa.

Bàn tay mang dấu đinh là bàn tay bây giờ nhen lửa và nướng cá.

Bàn tay trao tấm bánh đời mình trong bữa Tiệc Ly

bây giờ trao tấm bánh mình mới nướng cho môn đệ.

Hãy nếm bầu khí huynh đệ của buổi sáng hôm ấy bên bờ hồ.

Các môn đệ ngồi vòng tròn quanh Thầy xưa.

Họ hết mệt, hết đói vì có cá và bánh.

Họ được hong ấm nhờ lửa than hồng, và nhất là nhờ được gần Thầy.

Hôm nay tôi cũng được mời sống cho người khác như Đấng phục sinh.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu phục sinh

lúc chúng con tìm kiếm Ngài trong nước mắt,

xin hãy gọi tên chúng con

như Chúa đã gọi tên

chị Maria đứng khóc lóc bên mộ.

Lúc chúng con chán nản và bỏ cuộc,

xin hãy đi với chúng con trên dặm đường dài

như Chúa đã đi với hai môn đệ Emmau.

Lúc chúng con đóng cửa vì sợ hãi,

xin hãy đến và đứng giữa chúng con

như Chúa đã đến đem bình an cho các môn đệ.

Lúc chúng con cố chấp và xa cách anh em,

xin hãy kiên nhẫn và khoan dung với chúng con

như Chúa đã không bỏ rơi ông Tôma cứng cỏi.

Lúc chúng con vất vả suốt đêm

mà không được gì,

xin hãy dọn bữa sáng cho chúng con ăn,

như Chúa đã nướng bánh và cá cho bảy môn đệ.

Lạy Chúa Giêsu phục sinh,

xin tỏ mình ra

cho chúng con thấy Ngài mỗi ngày,

để chúng con tin là Ngài đang sống, đang đến,

và đang ở thật gần bên chúng con. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

SUY NIỆM:

Cuộc Thương Khó diễn ra ở Giêrusalem, nhưng Đức Giêsu Phục Sinh lại chọn Biển Hồ làm nơi hẹn cho cuộc gặp lần cuối này (c. 1). Biển Hồ với biết bao kỉ niệm vui buồn trong tương quan với nhau, với Thầy Giêsu và với nhiều người khác nữa trong sứ vụ. Bao kỉ niệm chợt về, thật sống động và cũng thật xúc động. Nhưng, các môn đệ được mời gọi sống lại những kỉ niệm này với Ánh Sáng mới, Ánh Sáng của Đấng Phục Sinh; với một sự Hiện Diện mới, Hiện Diện vượt không gian và thời gian; và với một tương quan mới, tương quan mến thương vượt qua sự có mặt hữu hình. Để hướng về tương lai và đảm nhận tương lai, Chúa cũng mời gọi chúng ta nhớ lại và sống lại “kỉ niệm” như thế đấy, những kỉ niệm trong cuộc đời, trong hành trình ơn gọi, trong những kì tĩnh tâm và những thời gian đặc biệt.
Chúng ta hãy dừng lại nhìn ngắm từng khuôn mặt: Simôn Phêrô, Tôma, Nathanael… (c. 2). Các ông có cả một cuộc hành trình chung với nhau, nhưng mỗi người đến từ những “vùng quê” khác nhau, gia nhập nhóm theo những cách thức khác nhau và với những hoài bão khác nhau, mỗi người gặp những thách đố khác nhau… Và cũng khó khăn cho nhau nữa.
“Tất cả đang ở với nhau”, trao đổi rất ít. Chúng ta chỉ nghe được tiếng gió, tiếng sóng thôi. Nhưng tâm tình và tâm tư thật nhiều, thật nhiều như chính nhóm hay cộng đoàn của chúng ta lúc này đây. Chúng ta có thể nhìn lại mình và nhìn ngắm nhau; và nhất là lắng nghe sự thinh lặng.

1. Suốt đêm thâu (c. 1-3)

Các tông đồ rủ nhau đi đánh cá, đúng hơn là mọi người tình nguyện làm theo ông Phêrô: “chúng tôi cùng đi với anh”. Chúa Giê-su từng liên kết, khi gọi Phê-rô, việc đánh cá với việc làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Ngài (Lc 5, 10). Vì thế, hình ảnh này đã loan báo cho chúng ta cuộc sống và sứ vụ của Giáo Hội sẽ được khai sinh từ sức sống của Đức Ki-tô phục sinh. Những gì diễn ra sau đó, Tin Mừng thuật lại chỉ với nửa câu: “Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì ca” (c. 3b). Nhưng thời gian của kinh nghiệm này là suốt đêm, “suốt đêm thâu”. Tin Mừng không thuật lại diễn biến của kinh nghiệm, có lẽ vì chúng ta ai cũng có kinh nghiệm này, và vì thế, có thể tái hiện lại cách dễ dàng.

Chúng ta có thể dành thời giờ để chiêm ngắm (nhìn và nghe) những gì diễn ra trên con thuyền nhỏ bé suốt đêm thâu. Đã có lúc, hoặc đã có cả một giai đoạn, mỗi người chúng ta, cả nhóm chúng ta, cả Cộng Đoàn chúng ta hành động như thế đấy, sống như thế đấy: tự mình dự tính, tự mình làm lụng, tự mình loay hoay mà không cần có Thầy. Đức Giêsu đã từng nói: “không có Thầy, chúng con chẳng làm gì được”. Dĩ nhiên, Chúa không muốn nói chuyện “đánh cá”, nhưng nói đến sứ vụ làm sinh hoa kết quả cho vinh danh Chúa Cha. Xét cho cùng, có lẽ không có Thầy chúng ta cũng làm được một chút gì đấy chứ; nhưng rất tiếc đó không phải là “chút gì” cho “Nước của Thiên Chúa”, không phải cho “Sự Sống” mà Đức Giêsu muốn làm cho lan tỏa giữa chúng ta, giữa loài người chúng ta, không phải cho “Ngọn Lửa” mà Đức Giêsu muốn thổi bùng lên, không phải là tình thương mà Chúa ước ao làm lan tỏa giữa chúng ta.

Kinh nghiệm này vẫn có thể lập lại. Nhưng điều quan trọng là chúng ta đừng bao giờ quên có “Ai Đó” đứng ở “trên bờ” chờ đợi chúng ta không biết từ khi nào.

2. Trời đã sáng (c. 4-8)

Trời đã sáng, Đức Giêsu đứng trên bãi biển. Chúng ta có thể dừng lại chiêm ngắm hình ảnh tuyệt đẹp này: Một Dáng Hình hài hòa vào trong Ánh Sáng. Ngài ở đó từ bao giờ? Trong cuộc sống của chúng ta, luôn có “Ai Đó” hiện diện, dù đó là đêm đen, hay vào những lúc chúng ta thấy mình cô độc, không nhận ra có “Ai Đó” bên mình. Chúa chính là “Ai Đó” vẫn luôn hiện diện với lòng trìu mến và thương cảm.
Như trong tất cả các trình thuật về hiện ra, chẳng hạn trình thuật về Maria Mác-đa-la và trình thuật Emmau, Đấng Phục Sinh cho nhận ra, thì người ta mới nhận ra. Ở đây, Đấng Phục Sinh cho các môn đệ đang mệt mỏi và thất vọng nhận ra Ngài bằng cách lên tiếng. Chúa cũng lên tiếng với chúng ta hằng ngày đấy thôi. Câu hỏi của Chúa là một câu hỏi thương cảm: “Này các chú, không có gì ăn ư?” Một lòng thương cảm rất tinh tế và cụ thể, vì trước khi các môn đệ đem cá bắt được vào bờ, Đức Giêsu phục sinh đã chuẩn bị sẵn “than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa”. Chắc Chúa dự kiến nếu chẳng may thả lưới lần cuối bên phải mạn thuyền cũng không bắt được gì!

Khi làm theo Lời của Chúa, thì sẽ đạt được kết quả “viên mãn” như thế đó: “lưới đầy những cá”. Chúng ta cũng có kinh nghiệm này rồi. Chính kết quả viên mãn này làm cho “Người môn đệ được Đức Giêsu thương mến” nhận ra Chúa: “Chúa đó!” Nhưng còn có một kinh nghiệm thiết thân hơn làm cho môn đệ này nhận ra Đấng Phục Sinh. “Người môn đệ được Đức Giêsu thương mến”, chúng ta biết chắc đó là vị tông đồ Gioan; nhưng vị tông đồ này lại thích xưng mình như thế. Điều này có nghĩa là ai trong chúng ta cũng được mời gọi nhận ra mình là “Người môn đệ được Đức Giêsu thương mến”, dù chúng ta có như thế nào. Chính kinh nghiệm “được thương mến” làm Gioan tin Thầy mình đã sống lại, và bây giờ kinh nghiệm này làm cho Gioan nhận ra “Chúa đó”, vẫn luôn hiện diện hướng dẫn mình, hướng dẫn nhóm của mình. Xin cho chúng ta có được sự nhạy bén thiêng liêng như “người môn đệ được Chúa thương mến”, để qua mỗi ngày sống, chúng ta có thể nói: “Chúa đó”.

Hình ảnh của tông đồ Phêrô cũng rất tuyệt vời và thật đúng với cá tính của ông: biết được đó là Chúa, thì bỏ hết, cả thuyền, cả cá, rồi nhảy ùm xuống biển đầy hiểm nguy để đến gặp gỡ Thầy. Điều này làm chúng ta nhớ lại biết bao điều về ông; tí nữa, sau bữa ăn, Chúa còn nhắc khéo thêm một vài chuyện! Theo Chúa là như thế, mình vẫn là mình, chỉ cần mến Chúa thôi.

3. “Các con đến mà ăn” (c. 9-14)

Chúng ta hãy hiện diện thật cụ thể trong bữa ăn sáng rất “thơ mộng” ngay ở bãi biển này, bữa ăn của Chúa, nhưng có phần đóng góp của các môn đệ: “Đem ít cá mới bắt được tới đây!” Nhưng phần đóng góp của các ông cũng vẫn là ân huệ.
Chúng ta hãy nhìn ngắm mọi người đang loay hoay. Ông Phêrô vừa nãy bộp chộp nhảy khỏi thuyền, bây giờ nghe lời Thầy, lại leo lên thuyền đem cá lên bờ (c. 11). Trong trình thuật này, ông Phêrô được “ưu ái” đặc biệt, từ đầu đến cuối và nhất là trong những thời điểm quan trọng của cuộc gặp gỡ. Nhưng chúng ta hãy cùng với các môn đệ nhìn ngắm Đức Giêsu. Có lẽ các ông, tay chân lăng xăng, nhưng mắt chỉ hướng về Thầy thôi: “Họ biết chắc rằng đó là Chúa”. Thầy làm hết mọi sự: có mặt thật sớm, sắp xếp, chuẩn bị bữa ăn, điều động mọi người và cả phục vụ bữa ăn nữa: “Đức Giêsu đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy”. Đúng như Thầy đã nói: “Thầy đến để phục vụ”, và sẽ mãi mãi là như thế, đặc biệt là nơi bí tích Thánh Thể. Và đây cũng là cử chỉ đặc trưng nhất của Đức Giê-su, cử chỉ “trao bánh”, bánh hằng ngày và Bánh Hằng Sống. Cứ nhìn thấy, là người ta có thể chắc chắn là “Chúa đó”.

Chúng ta hãy lắng nghe: chỉ có Chúa nói thôi, nhưng chắc chắn có nhiều trao đổi nho nhỏ giữa các môn đệ; chúng ta cố lắng nghe cả tiếng lòng nữa. Chúng ta hãy hít mũi, để cảm nhận mùi của biển, của gió, của dụng cụ đánh cá, của mồ hôi nhễ nhãi, của cá tươi, của khói than hồng, và nhất là mùi thơm của bánh nướng và cá nướng. Tất cả làm nên hương thơm của buổi họp mặt, tất cả được hòa vào trong Hương Thơm của Đấng Phục Sinh.

Chúng ta hãy tham gia dọn bữa, nhưng nhất là đón lấy những gì Thầy trao, trao tận tay; và để cho những cảm xúc trào vọt ra từ đáy lòng. Và chúng ta hãy thưởng thức, thưởng thức bánh và cá. Nhưng nhất là thưởng thức lòng trìu mến Đức Giêsu dành cho các môn đệ của mình, cho mỗi người chúng ta.

* * *

Một bữa ăn như thế, Chúa vẫn ban cho chúng ta hằng ngày; nhưng chúng ta dường như chưa chịu nhìn, nghe, ngửi, đụng và thưởng thức với tất cả con người của chúng ta; chúng ta chưa nhận ra sự hiện diện của Chúa bằng ngũ quan của mình trong các bữa ăn: trong bữa tiệc Lời Chúa và Mình Máu Thánh Chúa; trong những bữa ăn hằng ngày và nhất là trong những bữa ăn đặc biệt.

Nếu chúng ta nhận ra Chúa hiện diện giữa chúng ta, bầu khí nhóm và cộng đoàn của chúng ta cũng sẽ ấm cúng như thế. Những bữa ăn như thế cứ lặp đi lập lại hàng ngày, hàng năm, để làm cho chúng ta hy vọng một Bữa Ăn ở đó chúng ta quây quần bên Chúa và bên nhau mãi mãi và trong niềm vui khôn tả.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

Từ khóa:

thứ ba, môn đệ

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận