cuu con

LỜI CHÚA

1 Sau đó, nhân dịp lễ của người Do-thái, Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem.2 Tại Giê-ru-sa-lem, gần Cửa Chiên, có một hồ nước, tiếng Híp-ri gọi là Bết-da-tha. Hồ này có năm hành lang.3Nhiều người đau ốm, đui mù, què quặt, bất toại nằm la liệt ở đó, (chờ cho nước động,4 vì thỉnh thoảng có thiên thần Chúa xuống hồ khuấy nước lên; khi nước khuấy lên, ai xuống trước, thì dù mắc bệnh gì đi nữa, cũng được khỏi).

5 Ở đó, có một người đau ốm đã ba mươi tám năm.6 Đức Giê-su thấy anh ta nằm đấy và biết anh sống trong tình trạng đó đã lâu, thì nói: “Anh có muốn khỏi bệnh không? “7 Bệnh nhân đáp: “Thưa Ngài, khi nước khuấy lên, không có người đem tôi xuống hồ. Lúc tôi tới đó, thì đã có người khác xuống trước mất rồi! “8 Đức Giê-su bảo: “Anh hãy trỗi dậy, vác chõng mà đi! “9 Người ấy liền được khỏi bệnh, vác chõng và đi được. Hôm đó lại là ngày sa-bát.

10 Người Do-thái mới nói với kẻ được khỏi bệnh: “Hôm nay là ngày sa-bát, anh không được phép vác chõng! “11 Nhưng anh đáp: “Chính người chữa tôi khỏi bệnh đã nói với tôi: “Anh hãy vác chõng mà đi! “12 Họ hỏi anh: “Ai là người đã bảo anh: “Vác chõng mà đi”? “13Nhưng người đã được khỏi bệnh không biết là ai. Quả thế, Đức Giê-su đã lánh đi, vì có đám đông ở đấy.

14 Sau đó, Đức Giê-su gặp người ấy trong Đền Thờ và nói: “Này, anh đã được khỏi bệnh. Đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước!” 15 Anh ta đi nói với người Do-thái: Đức Giê-su là người đã chữa anh khỏi bệnh.16 Do đó, người Do-thái chống đối Đức Giê-su, vì Người hay chữa bệnh ngày sa-bát.

SUY NIỆM

Bài Tin Mừng chúng ta vừa được nghe công bố, nêu ra ít nhất ba vấn đề lớn, và cả ba vấn đề này vẫn còn là lớn đối với chúng ta hôm nay:

  • Vấn đề mạnh được yếu thua, có mặt trong mọi lãnh vực của đời sống con người, và dưới những hình thức khác nhau.
  • Vấn đề tương quan giữa sự sống và Lề Luật. Luật được ban khởi đi từ ơn huệ sự sống và để phục vụ cho sự sống, nhưng trong thực tế, trở thành phương tiện của Sự Chết!
  • Vấn đề tội lỗi và bệnh tật: phải chăng bệnh tật, những thất bại, những tai họa, những bất lực, thậm chí thân phận con người như nó là, là một hình phạt Thiên Chúa giáng trên con người, vì con người đã phạm tội?

Ba vấn đề quá lớn của con người đến từ kinh nghiệm sống, mà mỗi người chúng ta gần như phải đối diện mỗi ngày. Và vì cả ba đều có liên quan đến Sự Dữ ở chiều sâu, nên Đức Giê-su không thể không đối diện với những vấn đề này, từ đó, làm cho Sự Dữ hiện ra nguyên hình, để chữa lành và mở đường cho chúng ta đi, ngang qua ngôi vị, hành động, lời nói hướng tới và được hoàn tất bởi mầu nhiệm Vượt Qua của Người.

1. Mạnh được yếu thua

Có một người đau ốm đã ba mươi tám năm. Đức Giê-su “biết và thấy” anh ta, Người chủ động đến hỏi: “Anh có muốn khỏi bệnh không?” Người bệnh trả lời:

Thưa Ngài, khi nước khuấy lên, không có người đem tôi xuống hồ. Lúc tôi tới đó, thì đã có người khác xuống trước mất rồi! (c. 7)

Đó chính là qui luật mạnh được yếu thua, nhanh thì còn chậm thì hết, hiện diện ngay trong nơi thánh thiêng nhất, nghĩa là nơi xẩy ra ơn chữa lành cách lạ lùng. Đức Giê-su muốn giải thoát anh cách nhưng không, nhưng anh chỉ nghĩ đến sự thua kém của mình so với những người bệnh khác. Giữa những người bệnh, cũng có sự ganh đua hơn kém, về khả năng, phương tiện hay thân thế. Bất hạnh lại càng bất hạnh.

Nhưng nếu chúng ta để tâm suy nghĩ cho kĩ, qui luật này ít nhân tính nhất, vì là qui luật đặc trưng của loài vật. Tuy nhiên, qui luật này lại ngày càng chi phối đời sống của con người hôm nay ở mọi lãnh vực, vì ở đâu người ta cũng đòi hỏi “chất lượng cao”: học tập, làm ăn, các trò chơi trên màn ảnh truyền hình; và người ta đưa nguyên tắc này vào cả trong giáo dục và huấn luyện nữa, huấn luyện đức tin và huấn luyện đời tu. Đúng là, qua qui luật “mạnh được yếu thua”, người ta khuyến khích rèn luyện và nỗ lực và tìm được những người ưu tú. Nhưng, trong thực tế, cách làm này đã để lại những hậu quả rất tai hại về mặt nhân linh cho gia đình, nhóm, xã hội và thế giới con người, vì người ta sẽ loại ra ngoài bằng cơ chế hay bằng cung cách ứng xử biết bao người yếu kém, ít khả năng, giới hạn, già nua, bệnh tật, khuyết tật, kém may mắn, những người nghèo, những người chịu thiệt thòi vì thân phận… Và họ sẽ phải sống trong mặc cảm thua thiệt, than thân trách phận, kêu trách người khác, kêu trách cuộc đời, kêu trách Thiên Chúa, kêu trách Ông Trời hay Đấng Tạo Hóa, bị sự nghi ngờ, lòng ham muốn và ghen tị dày vò; từ đó sẽ tất yếu phát sinh bạo lực dưới mọi hình thức.

Đức Giê-su phá vỡ qui luật này, khi Ngài hành động bằng tình thương nhưng không và nhất là bằng lòng thương xót: “Anh có muốn khỏi bệnh không?” Khỏi bệnh mà không cần chạy đua với người ta, chỉ cần anh ước ao thôi. Đời sống Ki-tô hữu và nhất là đời sống dâng hiến, hơn bao giờ hết, được mời gọi làm chứng cho “Niềm Vui Tin Mừng” (Evangelii Gaudium) được đón nhận tình thương và lòng thương xót nhưng không của Thiên Chúa, được biểu lộ nơi Đức Giê-su Kitô, Chúa chúng ta. Chính vì thế, Đức Giêsu mời gọi chúng ta chú ý đến người người bé nhỏ, và trở thành những người bé nhỏ. Và chính Ngài cũng ứng xử như người bé nhỏ (phục vụ thay vì được phục vụ), tự biến mình thành người “bé nhỏ” trên Thập Giá và mãi mãi đồng hóa mình với những người bé nhỏ (x. Mt 25). Và Người không ngăn cản được niềm vui trào ra từ con tim:

Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Đức Giê-su hớn hở vui mừng và nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha”. (Lc 10, 21)

2. Tương quan giữa Sự Sống và Lề Luật

Một người đau ốm, nằm liệt một chỗ suốt ba mươi tám năm, nay trở nên lành mạnh và có lại sức khỏe đến độ vác được chõng của mình mà đi. Thay vì chúc mừng và chia vui với anh và cùng nhau ca tụng Chúa, người ta dựa vào luật Sa-bát để bắt bẻ anh và điều tra ra Đức Giê-su để chống đối Ngài[1]. Sự chống đối này là khởi đầu của cả một dự án giết chết, nhân danh Lề Luật: “Chúng tôi có Lề Luật; và chiếu theo Lề Luật, thì nó phải chết!” (Ga 19, 7)

Luật Sa-bát là luật được đặt ra để tưởng nhớ sự sống đã được trao ban nhưng không và hướng đến sự sống viên mãn nơi Thiên Chúa. Nhưng trong thực tế, luật này đã biến thành phương tiện để dò xét, để buộc tội và lên án, nghĩa là để cản trở sự sống và hủy diệt sự sống. Đức Giê-su cố ý chữa bệnh ngày Sa-bát, để làm lộ ra khuynh hướng chết chóc này nơi con người (x. Mc 3, 1-6).

Đây chính là một trong những điều xấu lớn nhất của con người và có mặt ở khắp nơi, nhưng không ai làm gì được; thậm chí, người hành động như thế, cũng tự cho mình là đúng. Bởi vì, một đàng là có luật, và đàng khác, có người phạm lỗi: phạm lỗi công khai, hay tôi dò xét người khác một hồi là ra lỗi. Người phạm lỗi bị kết án đúng người đúng tội, nhưng trước khi người khác phạm lỗi hay trước khi thấy người khác phạm lỗi, người kết án đã có ý đồ hại người khác rồi, hay ít nhất không tin người khác và vì thế, coi người khác là một tội nhân “tiềm năng”, từ đó tìm đủ cách chứng minh mình là đúng! Vì thế, mọi người bất lực trong việc phơi bầy ý đồ hại người của người đã dựa vào luật để lên án.

Chúng ta là những người bất toàn, nên bình thường bị dò xét một hồi là ra lỗi. Chỉ với Đức Giê-su, người ta mới không thể tìm ra lỗi; vì thế, người ta sẽ gài bẫy để Người phạm lỗi; và khi gài bẫy, Người cũng không sa bẫy, nên cuối cùng người ta sẽ vu cáo. Bởi vì, ý đồ hại người là có trước, nhưng người ta phải tìm đủ cách, nhất là gian dối, để dựa vào Luật nhằm thực hiện ý đồ. Để hại người mà mình vẫn được an toàn, thì không có cách nào khác, là phải dựa vào Luật.

Có thể nói, Lề Luật là nơi ẩn nấp kín đáo nhất của Sự Dữ; và chỉ có Đức Giê-su trong cuộc Thương Khó, mới làm bật tung Sự Dữ và tất cả những ai hành động theo Sự Dữ, ra khỏi nơi ẩn nấp là Lề Luật. Như thánh Phao-lô nói:

Lề Luật là thánh, và điều răn cũng là thánh, đúng và tốt. Vậy phải chăng điều tốt lại đã gây nên cái chết cho tôi? Không phải thế! Nhưng chính tội đã dùng điều tốt mà gây nên cái chết cho tôi: như vậy, tội để lộ chân tướng và cho thấy tất cả sức mạnh tội lỗi của nó(Rm 7, 12)

3. Tội lỗi và bệnh tật

Khi Đức Giê-su gặp lại người đã được Ngài chữa cho khỏi bệnh, Ngài nói: “Này, anh đã được khỏi bệnh. Đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước!” Khi nghe lời này của Đức Giê-su, chúng ta thường hiểu, bệnh tật của anh là một hình phạt của tội. Cũng như các môn đệ, khi đối diện với người mù từ thủa mới sinh, các ông nghĩ ngay đến tội, và đi đôi với tội là hình phạt theo qui định của lề luật: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?” (Ga 9, 2)

Loài người chúng ta ở mọi thời, ít nhất ở mức độ vô thức, luôn nhìn thấy tội lỗi trong mọi thất bại, mọi tai họa, và mọi bất lực; chẳng hạn, có người nói bệnh si-đa là một hình phạt Thiên Chúa giáng trên loài người tội lỗi. Nếu như thế, thì Thiên Chúa hành động giống y như những nhóm khủng bố, giáng phạt không phân biệt kẻ tốt người xấu! Thậm chí, có người còn cho rằng, thân phận con người như nó là (sinh lão bệnh tử), là một hình phạt của tội!

Thập Giá của Đức Ki-tô đã phá vỡ kết nối tự phát tội lỗi với tai họa hay với thân phận con người, bởi vì Đức Ki-tô hoàn toàn vô tội, nhưng vẫn sống thân phận con người đến cùng và đã phải hứng chịu tai họa lớn đến như vậy. Vì thế, Thập Giá của Đức Ki-tô còn mặc khải cho chúng ta biết rằng, thân phận con người dù có như thế nào, là một ơn huệ và là con đường dẫn đến sự sống nơi Thiên Chúa, thậm chí tôn vinh Thiên Chúa, như trường hợp người mù bẩm sinh (x. Ga 4, 3).

Người đau ốm được Đức Giê-su chữa lành ; nhưng một ngày kia, anh lại bị đau ốm trở lại, anh nằm xuống và lần này sẽ mãi mãi không thể đứng dậy được. Chữa lành thể lí đúng là việc khẩn cấp, mọi người đều muốn và gây ấn tượng. Con người thời nay cũng vậy, hay chạy theo những cách chữa bệnh lạ lùng. Được lành bệnh, phục hồi sức khỏe, cho dù là quan trọng cho cuộc sống, nhưng đâu có thể giải quyết hết được mọi vấn để của cuộc sống, nhất là những vấn đề sâu xa như những vết thương lòng, cảm thức tội lỗi, không bình an và bị « bại liệt » với bản thân, với người khác và nhất là với Thiên Chúa. Vì thế, trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu không chỉ muốn giải phóng người bệnh khỏi bệnh tật, ơn huệ này tuy đặc biệt, nhưng rất chóng qua và không giải quyết tận căn vấn đề sự sống, nhưng còn muốn “chữa lành” anh khỏi Sự Dữ bằng lòng bao dung tha thứ, khi mời gọi anh: “Đừng phạm tội nữa” (x. Mc 2, 1-12).

*  *  *

Và như chúng ta có kinh nghiệm, ơn tha thứ không thể là « tự động » được, nhưng liên quan đến tự do của ngôi vị, liên quan đến ơn chữa lành con tim, chữa lành tâm hồn, được giải thoát khỏi sự dữ. Để được « hoàn tất », ơn tha thứ cần được đón nhận và thể hiện trong cuộc sống như là ơn tái sinh : « Con ta đã chết, nay sống lại » (Lc 15, 24).

Đó là một việc lâu dài và rất khó khăn. Thật vậy, chúng ta có thật sự xác tín mình được bao dung tha thứ hay không bởi mầu nhiệm Thập Giá của Đức Ki-tô, vì « Đức Ki-tô chết cho chúng ta, ngay khi chúng ta còn ở trong tội » ? Chúng ta có nhận ra gốc rễ của tội chưa ? Chúng ta đón nhận ơn chữa lành khỏi sự dữ chưa ? Chúng ta đã sống ơn tha thứ đã nhận được chưa, nhất là diễn tả tình yêu và lòng biết ơn của chúng ta dành cho Chúa và lòng bao dung chúng ta dành cho nhau ?

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

_____________

[1] Một cô bưng dùm cho cộng đoàn mâm cơm lên cầu thang, cha Bề Trên tình cờ đi xuống và đứng ngay ở đầu cầu thang. Thay vì cha “ca tụng” cô, cha đã ra lệnh cho cô nhân danh “lề luật”: “Chị không được phép lên lầu!” Từ đó, cô không còn vào Nhà Dòng để phụ giúp nữa.

 

 

Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày – song ngữ

ông trưởng hội đường

Monday (March 27): Jesus – the divine physician

 

Gospel Reading:  John 4:43-54

43 After the two days he departed to Galilee. 44 For Jesus himself testified that a prophet has no honor in his own country. 45 So when he came to Galilee, the Galileans welcomed him, having seen all that he had done in Jerusalem at the feast, for they too had gone to the feast. 46 So he came again to Cana in Galilee, where he had made the water wine. And at Capernaum there was an official whose son was ill. 47 When he heard that Jesus had come from Judea to Galilee, he went and begged him to come down and heal his son, for he was at the point of death. 48 Jesus therefore said to him, “Unless you see signs and wonders you will not believe.” 49 The official said to him, “Sir, come down before my child dies.” 50 Jesus said to him, “Go; your son will live.” The man believed the word that Jesus spoke to him and went his way. 51 As he was going down, his servants met him and told him that his son was living. 52 So he asked them the hour when he began to mend, and they said to him, “Yesterday at the seventh hour the fever left him.” 53 The father knew that was the hour when Jesus had said to him, “Your son will live”; and he himself believed, and all his household. 54 This was now the second sign that Jesus did when he had come from Judea to Galilee.

Thứ Hai     27-3               Đức Giêsu – vị Thần Y

 

Ga 4,43-54

 

43 Sau hai ngày, Đức Giê-su bỏ nơi đó đi Ga-li-lê.44 Chính Người đã quả quyết: ngôn sứ không được tôn trọng tại quê hương mình.45 Khi Người đến Ga-li-lê, dân chúng trong miền đón tiếp Người, vì đã được chứng kiến tất cả những gì Người làm tại Giê-ru-sa-lem trong dịp lễ, bởi lẽ chính họ cũng đã đi dự lễ. 46 Vậy Đức Giê-su trở lại Ca-na miền Ga-li-lê, là nơi Người đã làm cho nước hoá thành rượu. Bấy giờ có một sĩ quan cận vệ của nhà vua có đứa con trai đang bị bệnh tại Ca-phác-na-um.47 Khi nghe tin Đức Giê-su từ Giu-đê đến Ga-li-lê, ông tới gặp và xin Người xuống chữa con ông vì nó sắp chết.48Đức Giê-su nói với ông: “Các ông mà không thấy dấu lạ điềm thiêng thì các ông sẽ chẳng tin đâu! “49 Viên sĩ quan nói: “Thưa Ngài, xin Ngài xuống cho, kẻo cháu nó chết mất! “50 Đức Giê-su bảo: “Ông cứ về đi, con ông sống.” Ông tin vào lời Đức Giê-su nói với mình, và ra về.51Ông còn đang đi xuống, thì gia nhân đã đón gặp và nói là con ông sống rồi.52 Ông hỏi họ con ông đã bắt đầu khá hơn vào giờ nào. Họ đáp: “Hôm qua, vào lúc một giờ trưa thì cậu hết sốt.”53 Người cha nhận ra là vào đúng giờ đó, Đức Giê-su đã nói với mình: “Con ông sống”, nên ông và cả nhà đều tin.54 Đó là dấu lạ thứ hai Đức Giê-su đã làm, khi Người từ miền Giu-đê đến miền Ga-li-lê.

Meditation: Do you approach the Lord Jesus with expectant faith for healing, pardon, and transformation in Christ-like holiness? Isaiah prophesied that God would come not only to restore his people, he would also come to recreate new heavens and a new earth (Isaiah 65:17). Jesus’ miracles are signs that manifest the presence of God and the coming of his kingdom of power and glory. When a high ranking official, who was very likely from King Herod’s court, heard the reports of Jesus’ preaching and miracles, he decided to seek Jesus out for an extraordinary favor. If this story happened today the media headlines would probably say: “High ranking official leaves capital in search of miracle cure from a small town carpenter.”

 

Believe and take Jesus at his word 

It took raw courage for a high ranking court official to travel twenty miles in search of Jesus, the Galilean carpenter. He had to swallow his pride and put up with some ridicule from his cronies. And when he found the healer carpenter, Jesus seemed to put him off with the blunt statement that people would not believe unless they saw some kind of miracle or sign from heaven. Jesus likely said this to test the man to see if his faith was in earnest. If he turned away in irritation or with discouragement, he would prove to be insincere. Jesus, perceiving his faith, sent him home with the assurance that his prayer had been heard.

It was probably not easy for this man to return to his family with only an assuring word from Jesus that his son would be healed. Couldn’t Jesus have come to this man’s house and laid his hands on the dying child? However, without a moment’s hesitation the court official believed in Jesus and took him at his word. He began his journey back home with renewed faith and hope – ready to face whatever might await him – whether it be the anguish of his distraught family and or the scorn of unbelieving neighbors. Before he could even make it all the way back to his home town, news reached him that his son had recovered. What astonishment must have greeted his family and friends when they heard that his son was instantly restored to health at the very moment when Jesus had pronounced the words – your son will live!

The Lord Jesus brings healing and restoration to those who trust in him

Jesus’ miraculous healings show his generous kindness and extravagant love – a love that bends down in response to our misery and wretched condition. Is there any area in your life where you need healing, pardon, change, and restoration? If you seek the Lord with trust and expectant faith, he will not disappoint you. He will meet you more than half way and give you what you need. The Lord Jesus never refused anyone who put their trust in him. Surrender your doubts and fears, your pride and guilt at his feet, and trust in his saving word and healing love.

“Lord Jesus, your love never fails and your mercy is unceasing. Give me the courage to surrender my stubborn pride, fear and doubts to your surpassing love, wisdom and knowledge. Make be strong in faith, persevering in hope, and constant in love.”

Suy niệm: Bạn có đến gần Chúa Giêsu với niềm tin kiên vững cho sự chữa lành, tha thứ, và sự biến đổi trong sự thánh thiện giống Đức Kitô không? Isaia đã nói tiên tri rằng Thiên Chúa sẽ đến không chỉ để khôi phục dân Người, mà Người còn đến để tái tạo trời mới đất mới (Is 65,17). Những dấu lạ của Đức Giêsu là những dấu chỉ chứng tỏ sự hiện diện của Thiên Chúa và vương quốc uy quyền và vinh quang của Người sẽ đến. Khi viên sĩ quan cao cấp, dường như ở trong dinh vua Hêrôđê, nghe biết về sự giảng dạy và những dấu lạ của Đức Giêsu, ông đã quyết định tới gặp Người để cầu xin một đặc ân. Nếu câu chuyện này xảy ra hôm nay, tiêu đề của các phương tiện truyền thông có thể nói: “Viên sĩ quan cao cấp rời dinh đi tìm phép lạ chữa lành từ một người thợ mộc của một phố nhỏ”.

 

 

Tin tưởng vào lời nói của Đức Giêsu

Nó đòi hỏi sự can đảm sống động đối với viên sĩ quan cận vệ để đi 20 dặm đường để tìm gặp Đức Giêsu, người thợ mộc xứ Galilê. Ông phải nuốt tính kiêu căng của mình và chịu nhiều nhạo báng từ bạn bè của mình. Khi ông tìm được người thợ mộc có sức chữa lành, Đức Giêsu dường như tránh né ông với lời nói thẳng thừng rằng người ta sẽ không tin trừ khi họ nhìn thấy dấu lạ từ trời. Đức Giêsu dường như nói điều này để thử ông để xem lòng tin của ông có nghiêm túc không. Nếu như ông ta bỏ đi trong sự thất vọng hay tức tối, chứng tỏ ông không có lòng thành. Đức Giêsu, hiểu được lòng tin của ông, đã sai ông về nhà với sự bảo đảm rằng lời cầu xin của ông đã được nhận lời.

Thật không dễ dàng cho người này từ giả Đức Giêsu và trở về nhà chỉ với lời bảo đảm rằng con trai ông sẽ được chữa lành. Chẳng lẽ Đức Giêsu không thể đến nhà ông và chạm vào đứa bé sắp chết sao? Viên sĩ quan đã tin tưởng vào Đức Giêsu và đón nhận lời Người không chút do dự. Ông bắt đầu lên đường trở về nhà với niềm tin và niềm hy vọng đã được đổi mới – sẵn sàng đối diện với bất cứ điều gì có thể đang chờ đợi ông – cho dù đó là nỗi đau đớn của gia đình đang quẫn trí hay sự nhạo báng của những người láng giềng không tin. Trước khi ông về đến nhà, tin tức đã đến với ông rằng con trai ông đã được phục hồi.  Sự kinh ngạc chắc hẳn đã được gia đình và bạn hữu ông vui mừng tung hô khi họ nghe rằng con trai ông đã nhanh chóng hồi phục ngay chính lúc Đức Giêsu tuyên bố – con trai ông sẽ sống!

 

 

Chúa Giêsu đem lại sự chữa lành và phục hồi cho những ai tin cậy nơi Người

Những lần chữa lành lạ lùng của Đức Giêsu chứng tỏ lòng nhân hậu và tình yêu vô biên của Người – một tình yêu nghiêng xuống trong sự đáp trả sự bất hạnh và tình trạng khốn khổ của chúng ta. Có lãnh vực nào trong đời bạn cần đến sự chữa lành, tha thứ, thay đổi, và phục hồi không? Nếu bạn tìm kiếm Chúa với lòng trông cậy và niềm tin kiên vững, Người sẽ không làm bạn thất vọng. Người sẽ đón bạn giữa đường và ban cho bạn những gì bạn cần đến. Đức Giêsu không bao giờ từ chối bất cứ ai đặt lòng tin cậy nơi Người. Hãy dâng nộp những nghi ngờ và sợ hãi, tính kiêu ngạo và tội lỗi của bạn dưới chân Người, và hãy tin tưởng vào lời cứu độ và tình yêu chữa lành của Người.

Lạy Chúa Giêsu, tình yêu của Chúa không bao giờ hết và lòng thương xót của Chúa không bao giờ ngừng. Xin ban cho con lòng can đảm để từ bỏ tính kiêu ngạo, sự sợ hãi, và những nghi ngờ cố chấp của con, trước tình yêu, sự khôn ngoan, và sự hiểu biết vượt trổi của Chúa. Xin củng cố con trong đức tin, kiên vững trong đức cậy, và trung thành trong đức mến.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ