Thứ Năm trong TBNPS

Đăng lúc: Thứ tư - 23/04/2014 19:05 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Thứ Năm trong TBNPS
 
(Bài đọc 1 : Cv 3, 11-26; Tin mừng : Lc 24, 35-48)
 
  1. Sứ điệp nguyên thủy :
(1) Khi mời gọi “đọc” Cv 3, 11-26 qua lăng kính Lc 24,35-48, Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho thấy việc Con Thiên Chúa, Ngôi Lời nhập thể, làm người, chết và phục sinh, tất cả đều nằm trong kế đồ tế thế có từ vĩnh hằng của Thiên Chúa-Ba Ngôi, và đã được chuẩn bị bởi một “dân tộc” và những “con người” do chính Ngài tuyển chọn trong lịch sử của loài người, như được phản ảnh, trước tiên, trong Lc 24,35-48 : ở đây, chính Đức Giêsu cho thấy điều đó [“Và Đức Giêsu nói : ‘Có lời Kinh Thánh chép rằng : Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại’.” (24, 46)]…
(2) Thứ đến, trong Cv 3, 11-26 : ở đây, cho thấy Lịch sử đó vốn là một Lịch sử tình yêu, vì thế, căn tính của các “đối tác” (partenaires) sẽ được khẳng định qua những mối tương quan của họ, tích cực hay tiêu cực, với chính Đức Giêsu-Kitô Phục Sinh, vốn là Trung tâm của Lịch sử và là Nguồn Sự sống tình yêu vĩnh hằng [“ Ông Phêrô lên tiếng nói với dân : ‘…Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Ngài trỗi dậy từ cõi chết : về điều nầy chúng tôi xin làm chứng’.” (3, 12a.15)]…
 
  1. Sứ điệp cho ngày hôm nay :
Kitô-hữu mọi nơi và mọi thời phải luôn tự hỏi : a) Đối với tôi, Đức Giêsu-Kitô là Ai và là gì ?; b) Trong Lịch sử siêu độ loài người, tôi đang là ai và là gì ? Theo Đức Giêsu-Kitô có nghĩa là sống theo Thần Khí tình yêu của Ngài…
 
Lm Phêrô Nguyễn Thiên Cung
 
 
Lời Chúa: Lc 24, 35-48
 
Khi ấy, hai môn đệ thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào. Mọi người còn đứng bàn chuyện thì Chúa Giêsu hiện ra đứng giữa họ và phán: "Bình an cho các con! Này Thầy đây, đừng sợ". Nhưng mọi người bối rối tưởng mình thấy ma. Chúa lại phán: "Sao các con bối rối và lòng các con lo nghĩ như vậy? Hãy xem tay chân Thầy: chính Thầy đây! Hãy sờ mà xem: ma đâu có xương thịt như các con thấy Thầy có đây". Nói xong, Người đưa tay chân cho họ xem. Thấy họ còn chưa tin, và vì vui mừng mà bỡ ngỡ, Chúa hỏi: "Ở đây các con có gì ăn không?" Họ dâng cho Người một mẩu cá nướng và một tảng mật ong. Người ăn trước mặt các ông và đưa phần còn lại cho họ. Ðoạn Người phán: "Ðúng như lời Thầy đã nói với các con khi Thầy còn ở với các con, là: cần phải ứng nghiệm hết mọi lời đã ghi chép về Thầy trong luật Môsê, trong sách tiên tri và thánh vịnh". Rồi Người mở trí cho các ông am hiểu Kinh Thánh.
Người lại nói: "Có lời chép rằng: Ðấng Kitô sẽ phải chịu thương khó và ngày thứ ba Người sẽ từ cõi chết sống lại. Rồi phải nhân danh Người rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân, bắt đầu từ thành Giêrusalem. Còn các con, các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy".

 
 
SUY NIỆM 1: Ðau khổ là một hồng ân

Trong ánh sáng Phục Sinh, Giáo Hội mời gọi chúng ta suy nghĩ về ý nghĩa và giá trị của đau khổ. Khi hiện ra cho hai môn đệ Emmaus, Chúa Giêsu đã dẫn giải cho các ông về ý nghĩa của đau khổ trong tương quan với sự phục sinh của Ngài. Ngài đã trải qua đau khổ để tiến vào vinh quang. Cuộc khổ nạn là tiền đề bắt buộc của sự sống lại. Như Phêrô có lần đã can ngăn, các môn đệ khách cũng không chấp nhận được sự kiện Chúa Giêsu phải chết, và vì thế các ông cũng không tin ở sự phục sinh của Ngài.
Trong ánh sáng Phục Sinh, chúng ta được mời gọi để nhìn vào nỗi cay cực khốn khổ hiện tại của chúng ta. Trong huấn thị về việc làm cho chết êm dịu công bố năm 1990, Bộ Giáo Lý Ðức Tin đã viết:
"Sự đau khổ, nhất là trong những giây phút cuối đời, mang một ý nghĩa đặc biệt trong chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa. Quả thực, đau khổ là tham dự vào cuộc khổ nạn của Chúa Kitô và kết hợp với Hy Tế cứu rỗi của Ngài. Hy Tế mà Ngài đã dâng hiến như của lễ đẹp lòng Chúa Cha".
Mẹ Têrêsa Calcutta thì coi đau khổ như một hồng ân của Chúa, Mẹ nói:
"Tôi tự hỏi thế giới này sẽ ra sao, nếu không có những người vô tội đang đền bù cho tất cả chúng ta. Mỗi ngày, cuộc tử nạn của Chúa Giêsu được lặp lại trong cuộc sống của những người đau khổ. Ðau khổ không phải là một trừng phạt. Ðau khổ là một hồng ân. Chính vì thế cần có tâm hồn trong sạch để nhận ra bàn tay Chúa, để cảm nhận tình yêu của Ngài trong đau khổ của chúng ta".
Ước gì ánh sáng Phục Sinh của Chúa Kitô chiếu dọi vào tăm tối của những đau khổ thử thách của chúng ta, để trong mọi sự chúng ta luôn cảm nhận được tình yêu của Chúa và làm chứng cho tình yêu ấy bằng thái độ phó thác và yêu thương.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 
SUY NIỆM 2: Mở trí cho hiểu Kinh Thánh
 
Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giêsu đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em” Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. Nhưng Người nói: “Sao anh em lại hoảng hốt? Sao còn ngờ vực trong lòng? nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây!” (Lc. 24, 36-39)
Trong đoạn Kinh thánh này, thánh Lu-ca đã thâu tóm lại vào buổi chiều phục sinh tất cả các việc xảy ra suốt bốn mươi ngày từ ngày phục sinh đến ngày Đức Giêsu lên trời. Thực vậy, mười một tông đồ chỉ có thể dần dần “lãnh hội được đầy đủ sứ điệp phục sinh” (theo chú giải bản dịch TOB).
Đối với những kẻ thấy Người họ tưởng là ma, Đức Giêsu đã cho họ xem những lỗ đinh đóng ở chân tay Người. Đối với kẻ quá vui mừng khi thấy Thầy thật rồi, Đức Giêsu cho họ cùng ăn uống với Người. Đối với kẻ coi cuộc thương khó là gương mù, gương xấu, Người giải thích Thánh kinh để họ nhận ra chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Đối với kẻ còn do dự, Người đòi họ trở nên nhân chứng rao giảng Tin mừng từ thành Giê-ru-sa-lem cho đến cùng cõi trái đất.
Tin Đức Giêsu không phải là đặc ân riêng cho mình, mà chính là ơn gọi làm chứng về Tin mừng đến mọi nơi. Mỗi cuốn Tin mừng đều biểu lộ cho người ta thấy nhiệm vụ chính thức của các tông đồ và của Giáo hội là rao giảng Tin mừng “và có thể chỉ một đoạn nhỏ Tin mừng cũng đủ trình bày tổng quát về ý nghĩa mầu nhiệm phục sinh” (A. George). Đức Giêsu lên trời để Chúa Thánh Thần hiện xuống soi sáng cho những chứng nhân của Người thiết lập.
Đức tin của chúng ta phải thành ơn gọi thúc đẩy chúng ta vượt ra khỏi những vấn đề cá nhân để tiến sâu vào sứ mệnh phổ biến ơn cứu độ. Chúa Thánh Thần luôn linh ứng hướng dẫn Giáo hội, nhưng chính chúng ta chậm trễ theo ơn Ngài, chính những cánh buồm tâm hồn chúng ta không mở căng ra. Các mầu nhiệm nói về các vết thương Đức Kitô như những môi miệng kêu gọi tình yêu của kẻ đã nhận biết. Chúng ta sẽ lấy gì, làm gì để tỏ lòng mến Thiên Chúa? Chịu lấy những vết thương hằn sâu trong hy sinh để thành chứng nhân của Đức Kitô, hay chỉ coi đó là những nhãn mác lòe loẹt ngoài mặt thôi?
Trong khi chờ đợi Chúa lại đến, chúng ta phải sống âm thầm dấn thân mạo hiểm nhiều, chứ không chỉ giải những đáp số, nhưng chịu trách nhiệm săn sóc chăm lo cho chính bản thân mình và anh em mình. Khi Đức Giêsu hiện đến, Người chỉ hỏi một điều giản dị: “Các con có gì ăn không?”. Đối với chúng ta phải sống cuộc đời tạm bợ, phải làm việc mò mẫm luôn, phải kiếm ăn vất vả nặng nhọc … không phải là những chứng nhân diễn kịch cho khán giả coi, nhưng là gợi lên ý nghĩa hy sinh tử đạo …
L.P
 
 
SUY NIỆM 3: Thầy Ðây Ðừng Sợ
 
Vào một ngày nọ, từ mảnh vườn nhỏ nằm phía sau nhà, bỗng có một tiếng khóc của cậu con trai duy nhất mới 5 tuổi khiến cho cha mẹ cậu lo lắng. Họ vội vàng bỏ dở công việc chạy ra ẵm lấy cậu bé. Tiếng khóc của cậu nức nở đầy tức tối và tiếc nuối. Vừa khóc, cậu vừa chỉ vào con rùa nằm bật ngửa bất động: con rùa thân yêu của cậu bé đã chết, làm cho cậu bé khóc một hồi rồi mới dỗ dành được. Họ hứa sẽ cử hành đám tang con rùa thật trọng thể. Cha cậu sẽ lấy chiếc hộp sắt đẹp nhất mà bấy lâu nay gia đình đựng bánh kẹo để làm hòm đựng con rùa. Sau khi chôn cất xong, mẹ cậu sẽ làm một bữa tiệc để mời bạn bè của cậu và những người đã dự đám tang con rùa.
Tiếng khóc đã biến mất, thay vào đó là một nụ cười. Ðể trấn an cậu, người cha lại hứa hẹn thêm: "Ba sẽ dẫn con ra phố và mua cho con chùm bong bóng và những quả bóng tròn to tướng, mặc sức con vui đùa với chúng bạn. Ðang khi cậu mỉm cười sung sướng với giấc mơ của mình, thì trước sự ngạc nhiên của mọi người, chú rùa đã lật sấp trở lại rồi từ từ bò đi. Thấy chú rùa như vậy, cậu bé vội hét lên: "Ba ơi, chúng ta giết quách con rùa đi cho rồi".
Anh chị em thân mến!
Thái độ đau buồn hoặc vui mừng của cậu bé trước cái chết của chú rùa thân yêu cũng giúp cho chúng ta hiểu được tâm trạng của các tông đồ sau cái chết của Thầy mình là Ðức Kitô. Tâm trạng ấy được thánh Luca tường thuật thật rõ nét trong bài Tin Mừng hôm nay.
Sau khi Chúa Giêsu đã chết và xác Ngài được chôn cất trong mồ, các môn đệ rơi vào tình cảnh đau buồn, tuyệt vọng. Họ ngồi lại với nhau vì sợ người Do Thái; họ ngồi lại với nhau để than khóc u sầu hơn là đợi chờ hy vọng. Có hai môn đệ không chịu nổi cảnh này đã bỏ về quê. Chúa Kitô Phục Sinh đã hiện ra với hai ông và hai ông vội vã trở về Giêrusalem báo Tin Mừng. Nhóm còn lại vẫn chưa tin việc Chúa Kitô Phục Sinh. Rồi Chúa Giêsu lại hiện ra giữa họ, nhưng họ vẫn nghi ngờ là ma, không nghĩ là Thầy mình. Vì thế, Chúa Giêsu tỏ cho họ thấy thân xác thật sự của Ngài. Họ vẫn chưa tin, Ngài lại phải xin một miếng cá nướng và ăn uống bình thường với họ và họ được trấn an.
Tuy nhiên, chỉ khi được Kinh Thánh soi sáng về ý nghĩa biến cố Tử Nạn và Phục Sinh, chỉ khi được Chúa Giêsu soi lòng mở trí cho thì các môn đệ mới vững tâm và vui mừng thật sự. Và chính lúc này Ngài trao cho họ sứ mệnh rao giảng Tin Mừng.
Kitô giáo là tôn giáo của niềm vui: vui vì được Chúa từ trời cao xuống viếng thăm, vui vì được ban tặng ơn cứu rỗi, vui vì từ thân phận nô lệ tội lỗi được nâng lên hàng con cái và vui vì cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu đang đón chờ. Một tôn giáo của niềm vui nhưng đã bị coi là tôn giáo của khổ chế, hy sinh, và thập giá vì cuộc sống của các thành viên chưa phản ánh đủ căn bản của niềm tin, như các môn đồ được nói đến trong bài Tin Mừng hôm nay.
Thực tế, cuộc sống trước mắt đã khiến cho các Kitô hữu u buồn và bi quan mà quên đi sự cao quí của hy sinh Thập Giá. Ðau khổ dẫn đến vinh quang. Cái chết trên Thập Giá sẽ mang lại sự phục sinh khải hoàn. Ðành rằng, con người bị hạn hẹp trong không gian và thời gian, không thể biến viễn ảnh thành hiện tại.
Tuy nhiên, không phải vì thế mà viễn ảnh trở thành ảo ảnh phản ánh Phục Sinh vinh quang của Kitô hữu là nối dài của điểm khởi đầu biến cố Phục Sinh của Ðức Kitô. Ðây là một biến cố đã được Ðức Kitô báo trước và đã xảy ra và mãi mãi là chất men làm sống dậy những cuộc sống khác.
Lạy Chúa, trên hành trình đức tin, nhiều lúc con đã ngại ngùng sợ hãi không dám dấn thân vào con đường Chúa mời gọi con bước tới. Con đường ấy có quá nhiều chông gai, thử thách. Xin Chúa cho con hiểu rằng, bên trên các gai nhọn là đóa hồng rực rỡ. Bên trên lớp mây mù ảm đạm là vầng thái dương huy hoàng. Có được một xác tín như vậy, chắc chắn cuộc sống của con sẽ là chuỗi ngày vui mừng, hy vọng và tràn trề cậy trông vào Chúa Kitô Phục Sinh. Amen.
(Trích trong ‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ – Radio Veritas Asia)

Suy niệm 4: 
Chỉ trong ít ngày, các môn đệ Chúa Ki-tô trải nghiệm đủ mọi sắc màu cảm xúc. Chưa hết kinh hoảng và trốn chui trốn nhủi vì Thầy mình bị bắt và chết thảm, các môn đệ lại ngỡ ngàng rồi bùng nổ với niềm vui gặp lại Ngài đang sống. Giờ đây các môn đệ lại được cuốn hút vào việc tiếp nối sứ mạng của Thầy mình là rao giảng và làm chứng cho muôn dân rằng Chúa Ki-tô đã chịu khổ hình, đã chết, và đã sống lại, và nhất là ai tin vào Ngài thì cũng sẽ được sống đời đời với Ngài. Các tông đồ - và các thế hệ Ki-tô hữu xuyên suốt hai mươi thế kỷ nay - một khi đã tin vào Đức Ki-tô Phục Sinh, cũng đương nhiên trở thành những người được sai đi, rao giảng và làm chứng nhân cho Ngài.

Mời Bạn: Làm chứng nhân là người kể câu chuyện Đức Ki-tô phục sinh với tư cách một người trong cuộc. Câu chuyện “Chúa Phục sinh và tôi” cũng là câu chuyện của tôi, là điều tôi đã trải nghiệm. Tôi kể câu chuyện ấy như một chứng từ; nó có thể rất mộc mạc đơn sơ, nhưng chắc chắn đây là cách rất hữu hiệu để thi hành sứ mạng loan báo Tin Mừng hôm nay. Người ta có thể phản đối những tuyên bố, thậm chí những tín biểu. Nhưng không ai phản đối một câu chuyện, nhất là câu chuyện về kinh nghiệm của một người trong cuộc.

Sống Lời Chúa: Tôi không ngại chia sẻ cho người khác về câu chuyện đức tin của mình, về tầm quan trọng của Chúa Giê-su trong cuộc đời tôi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Phục sinh, xin giúp con trở thành chứng nhân đích thực của Chúa trong đời sống mình.

Theo kinhthanhvn.org
 

SUY NIỆM 5: 

Lời mời gọi cuối cùng Đức Ki-tô phục sinh ngỏ với các tông đồ, và qua các ngài, với tất cả chúng ta, là mời gọi trở thành chứng nhân : “Chính anh em là những chứng nhân về những điều này” (c. 48). Nhưng đâu là cách thức hay con đường để trở thành chứng nhân của Đức Ki-tô ?
Đó là con đường của các tông đồ và của những chứng nhân đầu tiên ; nhưng trong con đường của các ngài, chúng ta sẽ tìm ra những kinh nghiệm nền tảng làm nên con đường dành riêng cho mỗi người chúng ta hôm nay. Có hai kinh nghiệm nền tảng, liên kết chặt chẽ với nhau : kinh nghiệm lắng nghe các chứng nhân khác và kinh nghiệm đích thân nhận ra sự hiện diện sống động của Đức Ki-tô phục sinh.

1. Kinh nghiệm lắng nghe các chứng nhân (c. 35)
Kinh nghiệm đầu tiên là kinh nghiệm lắng nghe các chứng nhân. Điều này có nghĩa là, trước khi trở thành chứng nhân, chúng ta được mời gọi mở lòng ra để lắng nghe các chứng nhân. Và điều này phải làm chúng ta ngặc nhiên, vì kinh nghiệm này cũng phải có, ngay cả đối với các tông đồ, vốn là các chứng nhân ưu tuyển ! Thật vậy, trước khi trở thành chứng nhân, chính các tông đồ cũng đã phải trải qua kinh nghiệm lắng nghe các chứng nhân khác, vốn đã được ban ơn nhận ra Đức Ki-tô phục sinh trước. Đó là chứng từ của bà Maria Mác-đa-la (Mc 16, 11 và Ga 20, 18), chính vì thế bà được Truyền Thống Giáo Hội tặng ban tước hiệu “Tông đồ của các Tông Đồ” ; và đó cũng là chứng từ của hai môn đệ từ Emmau trở về :
Bấy giờ, hai môn đệ từ Emmau trở về, thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.
Chúng ta hãy lắng nghe và đi vào tâm tình của các chứng nhân chia sẻ kinh nghiệm gặp gỡ Đức Ki-tô phục sinh : hai môn đệ đã chia sẻ với tất cả niềm xác tín và niềm vui như thế nào ? Và các ông đã ước ao thông truyền kinh nghiệm của mình như thế nào ? Đức tin và ơn gọi của chúng ta cũng dựa trên lời chứng của Giáo Hội và của rất nhiều người xa gần. Tuy nhiên, để trở thành chứng nhân, lắng nghe lời chứng vẫn chưa đủ, bởi vì đó mới chỉ là lời mời gọi hướng đến, chứ không thay thế được, kinh nghiệm đích thân nhận ra sự hiện diện sống động của Đức Ki-tô phục sinh. Theo trình thuật Tin Mừng, kinh nghiệm nhận ra Đức Ki-tô phục sinh được diễn ra theo hai cách thức :
  • Cách thứ nhất : Đức Ki-tô phục sinh tỏ mình ra cách trực tiếp.
  • Cách thứ hai : Ngài mở trí để hiểu toàn bộ Kinh Thánh dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua, tương tự Ngài đã thực hiện đối với hai môn đệ Emmau.

2. Đức Ki-tô phục sinh tỏ mình ra (c. 36-43)
Ngay cả khi Đức Ki-tô phục sinh tỏ mình ra cách trực tiếp, các tông đồ và các bạn vẫn gặp khó khăn trong việc nhận ra Ngài là ai ; điều này chứng tỏ, Ngài vẫn là Ngài trước đó, nhưng đã đi vào một cách thể hiện hữu khác hẳn, vượt qua bình diện thể lí[1] :
Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em!” Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma !
Chúng ta hãy đồng cảm với các ông trong sự sợ hãi. Bởi vì, các ông thực sự có đủ lí do để sợ hãi : chúng ta hãy tưởng tượng, một người thân yêu đã chết, đã được chôn táng, và mọi sự đã diễn ra được mấy ngày rồi ; vậy mà giờ đây lại thấy xuất hiện ngay trước mặt chúng ta ! Chính vì thế, chúng ta không nên đòi hỏi Đức Ki-tô hiện ra, vì những lí do khác nhau. Hơn nữa, không “thấy” Chúa cách hữu hình, đó chính là điều Chúa ước ao : “Phúc cho những ai không thấy mà tin” (Ga 20, 29)[2]. Đòi hỏi Chúa hiện ra, là làm khó Chúa rồi, nếu không muốn nói là thử thách Chúa, vì làm sao sự sống mới hoàn toàn khác lại có thể hiện hiện trong sự sống này được, nếu không phải trở lại như cũ. Chính vì thế, Chúa ước ao chúng ta không thấy mà tin, nghĩa là nhận ra Chúa qua những dấu chỉ Lời Chúa, bí tích Thánh Thể, các chứng nhân, và nhất là hoa trái phong phú do Đức Ki-tô phục sinh đem lại cho nhân loại, cho Giáo Hội, cho Hội Dòng, cho cộng đoàn, cho gia đình chúng ta. Như hai môn đệ Emmau, chúng ta được mời gọi nhận ra Chúa sống động ngang qua việc hiểu Kinh Thánh dưới ánh sáng của Mầu Nhiệm Vượt Qua và dấu chỉ “bẻ bánh”, trong cuộc sống và trong cử hành Thánh Thể.
Sau khi phục sinh, Đức Ki-tô đi vào trong sự sống mới, vượt không gian và thời gian. Chính vì thế, người ta không bao giờ nhận ra Chúa ngay ; đó là trường hợp của bà Maria Magdala, hai môn đệ Emmau, mười một tông đồ và các bạn hữu. Chỉ khi nào Chúa cho nhận ra, thì mới nhận ra, như ở đây :
  • Nhìn chân tay thầy coi…”. Ngôi vị lạ lùng mà họ đang gặp gỡ cũng chính là ngôi vị đã từng sống với họ, và nhất là cũng chính là ngôi vị đã bị đóng đinh.
  • Chúa muốn “ăn”, để gợi lại những bữa ăn xưa kia ; như trường hợp bữa ăn đối với hai môn đệ Emmau.
Như tất cả các lần hiện ra khác, Chúa luôn luôn cho thấy mình chính là Người đã bị đóng đinh. Chân lí này có ý nghĩa trọng đại cho đức tin của chúng ta:
  • Sự sống mới phát xuất từ con đường Thập Giá.
  • Đức Ki-tô chịu đóng đinh và Đức Ki-tô phục sinh vừa là một, những cũng rất khác, khiến cho những người đã từng sống với ngài không nhận ra.
  • Tuy Ngài đã đi vào sự sống mới, nhưng tất cả những gì đến từ cuộc Thương Khó, mãi mãi gắn bó với ngôi vị của Ngài: đó là những vết thương, những dấu đinh ở chân tay, vết đâm ở cạnh sườn… Điều này mang lại cho chúng ta tràn đầy niềm vui và hi vọng, vì lòng thương xót, ơn tha thứ và ơn chữa lành được bày tỏ trong cuộc Thương Khó và cái chết của Chúa, mãi mãi tồn tại nơi Đức Ki-tô phục sinh. Bởi vì “muôn ngàn đời, Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 136).
Xin Chúa ban cho chúng ta ơn bình an và niềm vui, không chỉ vì Đức Ki-tô đi vào sự sống mới, nhưng còn là vì, mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa có liên quan sâu xa đến cuộc đời và hành trình ơn gọi của chúng ta: tất cả, dù là thử thách, đau khổ, tội lỗi, bệnh tật và sự chết, đều trở thành đường đi dẫn đến niềm vui phục sinh, và sự sống phục sinh đã được gieo và sinh hoa kết quả ngay hôm nay. Như thánh Phaolo nói:
Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào,trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta. (Rm 8, 38-39)

3. Kinh nghiệm nhận biết Đức Ki-tô ngang qua Kinh Thánh (c. 44-48)
Đức Ki-tô phục sinh bày tỏ mình ra cách trực tiếp, đó là ơn đặc biệt Ngài dành cho các chứng nhân đầu tiên, để có thể thực hiện sứ mạng lớn lao và khó khăn ; nhưng các chứng nhân này không được miễn trừ khỏi kinh nghiệm thứ hai, là kinh nghiệm dành cho mọi người, đó là hiểu Kinh Thánh trong tương quan với cuộc đời của Đức Giê-su và nhất là với mầu nhiệm chết và phục sinh của Ngài.
Rồi Người bảo: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.”Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánhvà Người nói: “Có lời Kinh Thánh chép rằng (dịch sát bản văn Hi-lạp : như đã được viết): Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại.
Ngày hôm nay, Đức Ki-tô vẫn hiện diện cách kín đáo, như Ngài đã làm với hai môn đệ Emmau, qua rất nhiều trung gian, để giúp chúng ta có kinh nghiệm nhận ra Ngài trong Thánh Lễ hằng ngày và trong đời sống cầu nguyện của chúng ta. Đức Ki-tô phục sinh giải thích mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài khởi đi từ Sách Thánh: Sách Thánh loan báo Đức Ki-tô và Đức Ki-tô hoàn tất Kinh Thánh. Đức Ki-tô đã “hoàn tất” Kinh Thánh như thế nào, thì cũng sẽ “hoàn tất” đời tôi như thế: Đời tôi cũng “loan báo” Đức Ki-tô và Đức Ki-tô hoàn tất đời tôi. Chính sự tương hợp này đã đem lại kinh nghiệm thiêng liêng: “con tim bừng cháy”
Bởi vì, kinh nghiệm của các môn đệ, kinh nghiệm về sự tương hợp giữa Đức Giêsu và Sách Thánh không chỉ là một suy luận. Bởi vì hiểu Sách Thánh được hoàn tất nơi Đức Giêsu, điều này đi ngang qua chốn sâu thẳm của tâm hồn, và làm cho sinh động mọi gốc rễ của tâm hồn. Chúng ta thấy mình có liên quan, bởi vì sự vâng phục của Đức Giêsu đối với Chúa Cha được bày tỏ ra cho Ngài ngang qua con người. “Kế hoạch của Chúa Cha” được ghi khắc ở đâu, nếu không phải là trên con người, trên toàn thể một dân tộc có trước Ngài? Hẳn là kế hoạch này được viết trong một cuốn sách (Sách Thánh); nhưng nếu các trang sách biết nói, đó là bởi vì chúng qui về những cuộc đời cụ thể, giống như cuộc đời cụ thể của chúng ta, và Thiên Chúa đã dùng những cuộc đời cụ thể này để ghi khắctrên đó kế hoạch Ngài thiết lập cho Đức Kitô của Ngài. Và, vì dân tộc này giống như chúng ta, con tim chúng ta có thể “bừng cháy” khi chúng ta nhận ra nơi chính mình cuộc vượt qua của Đức Ki-tô.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

[1] Chính vì thế, không nên hữu hình hóa, bằng tranh ảnh hay phim ảnh, Đức Ki-tô phục sinh. Vì nhận ra Đấng Phục Sinh luôn luôn là một kinh nghiệm thiêng liêng, và do đó, chỉ có thể được diễn tả bằng ngôn ngữ của các Tin Mừng và bằng việc chia sẻ thiêng liêng mà thôi. Khi hữu hình hóa Đức Ki-tô phục sinh, sẽ có nguy cơ làm sai lạc sự hiện diện “phi thể lí”, sống động và mới mẻ của Ngài.
[2] Ma quỉ hiện ra nhiều lần nói với một vị ẩn tu : “Ta là Đức Ki-tô đây”. Nhưng lần nào, vị ẩn tu cũng cúi mặt xuống không thèm nhìn. Một ngày kia, ma quỉ sốt ruột hỏi : “Đức Ki-tô đây, tại sao thầy không thèm nhìn ?”. Vị ẩn tu trả lời : “Tôi không cần phải ‘thấy’ Đức Ki-tô để sống đức tin và đời tu của mình !” (tuyển tập “Chuyện các vị ẩn tu”).
 
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận