Thứ Hai tuần 10 thường niên

Đăng lúc: Thứ hai - 11/06/2018 01:51 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

Thứ Hai tuần 10 thường niên – Thánh Banaba, tông đồ. Lễ nhớ.

“Các con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không”.

 

 

Thánh nhân quê ở đảo Sýp. Ít lâu sau lễ Ngũ Tuần, người có mặt trong cộng đoàn Giêrusalem, rồi ở Antiôkia, nơi người đã giới thiệu ông Saolê thành Tácxô với các anh em.

Người đã cùng với ông Phaolô đi loan báo Tin Mừng cho Tiểu Á, nhưng sau người trở lại đảo Sýp. Thánh Banaba, với cái nhìn rộng rãi, khoáng đạt, đã giữ vai trò chủ yếu trong tiến trình truyền giáo của Hội Thánh.

 

Lời Chúa: Mt 10, 7-13

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Các con hãy đi rao giảng rằng: Nước Trời đã gần đến. Hãy chữa những bệnh nhân, hãy làm cho kẻ chết sống lại, hãy làm cho những kẻ phong cùi được sạch và hãy trừ quỷ: Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không.

“Các con chớ mang vàng, bạc, tiền nong trong đai lưng, chớ mang bị đi đường, chớ đem theo hai áo choàng, chớ mang giày dép và gậy gộc: vì thợ thì đáng được nuôi ăn. Khi các con vào thành hay làng nào, hãy hỏi ở nơi đó ai là người xứng đáng, thì ở lại đó cho tới lúc ra đi.

“Khi vào nhà nào, các con hãy chào rằng: “Bình an cho nhà này”. Nếu nhà ấy xứng đáng thì sự bình an của các con sẽ đến với nhà ấy; còn nếu nhà ấy không xứng đáng, thì sự bình an của các con sẽ trở về với các con”.

 

 

 

SUY NIỆM 1: Người con có biệt tài khuyên nhủ hay an ủi

Hôm nay Giáo Hội kính nhớ thánh Barnaba tông đồ. Là một người Do Thái sinh trưởng tại đảo Sýp vào khởi đầu của đạo Kitô, Barnaba có tên là Giuse, thuộc dòng tộc Lêvi. Có lẽ thánh nhân từng sống tại Giêrusalem trước khi Chúa Giêsu chịu tử nạn. Vì nhiệt tình và sự thành công trong công tác rao giảng, cho nên thánh nhân được các thánh tông đồ tặng cho biệt hiệu là Barnaba, nghĩa là “người con có biệt tài khuyên nhủ hay an ủi”.

Sau khi trở lại, thánh Phaolô đến Giêrusalem, nhưng cộng đoàn tín hữu tại đây vẫn còn ngờ vực thiện chí của ngài.

Chính thánh Barnaba là người đứng ra bảo đảm và giới thiệu thánh Phaolô với các tông đồ, nhưng sau đó thánh Phaolô lui về ẩn dật trong nhà ngài tại Tácxô trong nhiều năm và Barnaba vẫn ở lại Giêrusalem. Sau này các thánh tông đồ sai Barnaba đến Antiokia để điều tra về sự thành công của thánh Phaolô trong công tác rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại, Barnaba đã nhận ra ngay ơn Chúa trong công việc của thánh Phaolô. Ðây là lý do để nối kết hai người lại với nhau trong cánh đồng truyền giáo của dân ngoại. Cả hai sát cánh bên nhau tại Antiokia trong vòng một năm. Một trận đói lớn đã tàn phá Giêrusalem, Barnaba và Phaolô đã quyên góp để mang về Giêrusalem cứu trợ. Sau công tác này, cả hai trở về Antiokia và mang theo một người bà con họ hàng với Barnaba là Marcô, vị thánh sử tương lai.

Từ Antiokia, cùng với Marcô, Barnaba và Phaolô lên đường đi đến đảo Sýp, quê hương của Barnaba và từ đó sang Tiểu Á. Tại một trạm đầu tiên ở Tiểu Á, Marcô đã chia tay với Barnaba và Phaolô. Barnaba và Phaolô bắt đầu những trạm truyền giáo cam go nhất. Mỗi một bước đi là mỗi một lần bị chống đối và bách hại từ phía những người Do Thái. Những người này cũng xúi giục dân ngoại chống lại các vị tông đồ.

Tại Líttra, sau khi thánh Phaolô chữa lành một người tàn tật, dân thành xem các ngài như những vị thần. Họ định giết bò để tế cho các ngài nhưng liền sau đó bị người Do Thái xúi giục họ lại quay ra tấn công hai ngài. Riêng thánh Phaolô bị gây thương tích. Dù bị chống đối và bách hại, hai vị tông đồ vẫn hoán cải được nhiều người cũng như tổ chức được giáo đoàn. Bị người Do Thái và dân ngoại chống đối và bách hại, Barnaba và Phaolô còn gặp khó khăn ngay cả từ phía cộng đoàn Giêrusalem. Vấn đề xoay quanh việc có nên cắt bì cho dân ngoại không. Hai vị thánh này đã tranh đấu và cuối cùng đã tìm được giải pháp trong cộng đoàn Giêrusalem.

Về sau, trong chuyến đi trở lại để viếng thăm các cộng đoàn, Barnaba và Phaolô đã chia tay nhau mỗi người một ngả. Barnaba đi với Marcô đến Sýp; Thánh Phaolô cùng với một người môn đệ tên là Xila trở lại Tiểu Á. Những năm tháng còn lại của Barnaba không còn được nhắc đến nữa. Nhưng cũng như thánh Phaolô, thánh Barnaba vừa rao giảng Tin Mừng vừa tự lực cánh sinh. Khi thánh Phaolô bị giam tại Rôma, Marcô đã trở thành môn đệ của ngài. Ðiều này cho thấy rằng Barnaba không còn nữa.

Theo truyền thuyết, thánh Barnaba là vị giám mục đầu tiên của thành Milanô. Dù thế nào đi nữa, tất cả mọi truyền thuyết đều gặp nhau trong cùng một điểm là xem Barnaba như con người được mến chuộng nhất trong thế hệ Kitô đầu tiên. Trong sách Tông Ðồ Công Vụ, thánh sử Luca gọi ngài là một con người tốt, đầy tràn Chúa Thánh Thần. Thái độ của ngài đối với thánh Marcô chứng tỏ một trái tim nhân hậu và đại lượng.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 2: Thánh Barnabas

Thánh Barnabas, một trong những nhà truyền giáo tiên khởi của Giáo Hội, đóng vai trò chủ yếu trong việc loan truyền và chuyển dịch Phúc Âm cho dân ngoại. Qua sách Công Vụ Tông Ðồ, chúng ta được biết ngài là người Do Thái ở Cypriot tên thật là Giuse, và các tông đồ đã đặt tên cho ngài là Barnabas sau khi ngài bán của cải và giao cho các tông đồ cai quản.

Mặc dù Barnabas không phải là một người trong nhóm Mười Hai nguyên thủy, Thánh Luca coi ngài như vị tông đồ vì ngài được lãnh nhận nhiệm vụ đặc biệt từ Chúa Thánh Thần. Một trong những đóng góp quan trọng của Barnabas là ngài đã đảm bảo cho Saolô, một người mới tòng giáo mà ai ai cũng sợ hãi vì quá khứ bắt đạo của Saolô. Sau đó, Barnabas được sai đi rao giảng ở Antiôkia. Khi công việc ngày càng có kết quả, Barnabas đã xin Phaolô (tên cũ là Saolô) đến tiếp tay; cả hai đã xây dựng một giáo hội thật phát triển. Theo sách Công Vụ Tông Ðồ, chính ở Antiôkia mà “lần đầu tiên các môn đệ được gọi là Kitô Hữu.”

Chính trong cộng đoàn siêng năng cầu nguyện này mà “Thánh Thần phán bảo, 'Hãy dành riêng cho Ta Barnabas và Phaolô để lo cho công việc mà Ta đã kêu gọi hai người ấy.” Sau đó họ ăn chay cầu nguyện, rồi đặt tay trên hai ông và tiễn đi.” Do đó, Barnabas và Phaolô khởi hành chuyến đi truyền giáo đầu tiên thực sự ở nước ngoài, trước hết đến Cyprus (là nơi họ hoán cải một quan đầu tỉnh người Rôma) và sau đó đến lục địa Tiểu Á. Lúc đầu các ngài rao giảng cho người Do Thái, nhưng bị chống đối dữ dội nên họ quay sang rao giảng cho dân ngoại và đã thành công lớn. Trong một thành phố, người Hy Lạp quá mến mộ các ngài đến nỗi họ tôn thờ Barnabas và Phaolô như các thần Zeus và Hermes. Vất vả lắm thì các ngài mới ngăn cản được đám đông hiếu khách ấy đừng dâng của lễ mà tế các ngài.

Công cuộc truyền giáo cho dân ngoại nẩy sinh vấn đề là người tòng giáo có phải cắt bì theo luật Do Thái hay không. Phaolô và Barnabas đã chống đối tập tục này và lập trường của các ngài đã làm chủ tình hình trong Công Ðồng Giêrusalem.

Barnabas và Phaolô dự định tiếp tục công cuộc truyền giáo, nhưng ngay tối trước khi khởi hành, một bất đồng xảy ra là có nên đem theo một môn đệ nữa hay không, là ông Gioan Máccô. Vì vấn đề này mà hai tông đồ tách làm đôi. Phaolô đem Silas đi Syria, còn Barnabas đem Máccô đến Cyprus. Sau này, ba người: Phaolô, Barnabas và Máccô đã làm hòa với nhau.

Mặc dù không có những dữ kiện rõ ràng, dường như Barnabas, với sự tháp tùng của Gioan Máccô, đã trở về Cyprus. Ở đây, theo truyền thuyết, ngài đã chịu tử đạo vào năm 61.

Lời Bàn

Thánh Barnabas được đề cập như một người tận hiến cuộc đời cho Thiên Chúa. Ngài là người “đầy tràn Thánh Thần và đức tin. Do đó đã lôi cuốn một số đông người về với Chúa.” Ngay cả khi ngài và Thánh Phaolô bị trục xuất khỏi Antiôkia, họ “tràn ngập niềm vui và Thánh Thần.”

(Trích trong ‘Gương Thánh Nhân’ – http://nguoitinhuu.com)

 

SUY NIỆM 3: Gợi ý từ ‘Hạt giống… Nảy mầm’ của Lm. Trọng Hương

A. Hạt giống...

Những chỉ dẫn tiếp theo về cách đối xử của người được sai đi giảng Tin Mừng:

- Công việc sẽ làm: “chữa lành” người đau yếu.

- Trừ quỷ.

- Tinh thần phục vụ quảng đại: Hãy cho cách nhưng không, vì trước đó ta đã lãnh nhận cách nhưng không.

- Đừng quá bận tâm đến những phương tiện vật chất. Có thứ gì thì dùng thứ đó.

- Cũng đừng quá quan tâm kén chọn chỗ trọ.

- Phải đem bình an đến cho những người mình gặp gỡ.

B.... nẩy mầm.

1. “Các con hãy rao giảng rằng Nước Trời đã đến gần”: nhiều người không tin có Thiên Chúa, nhiều người nghĩ rằng Thiên Chúa ở quá xa. Sứ giả Tin Mừng phải làm cho người ta tin rằng Thiên Chúa và Nước Trời đang ở thật gần, bởi vì Thiên Chúa chính là Emmanuel, “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

2. “Chữa lành các bệnh nhân…, làm cho kẻ chết sống lại…, làm cho những người cùi được sạch… trừ quỷ…”: tông đồ là một con người chuyên làm lành: xoa dịu những đau khổ, đem lại lẽ sống cho kẻ tuyệt vọng, giúp đỡ những người bị xã hội khinh chê, giải thoát người ta khỏi tội lỗi…

3. “Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không”: Làm tông đồ cũng là một bổn phận công bình. Tôi đã lãnh nhận rất nhiều từ Chúa và Giáo Hội cho nên tôi cũng phải biết cho đi.

4. Nhận và cho: Một hôm có một vị bá tước đến cho Thánh Gioan Thiên Chúa số tiền 25 đồng vàng để ngài giúp những người nghèo khổ. Ngay chiều hôm ấy, ông ta giả trang làm một người ăn xin đến xin thánh nhân bố thí. Thánh Gioan Thiên Chúa động lòng thương, lấy cả số tiền 25 đồng vàng đem cho người ấy kèm với những lời khích lệ an ủi. Ngày hôm sau, vị bá tước đích thân đến thú nhận tất cả với thánh nhân và xin lỗi vì đã thử lòng bác ái của Ngài. Khi từ giã, ông đưa tặng thêm 150 đồng vàng nữa ngoài số 25 đồng mà ông xin hoàn lại. Từ đó cứ mỗi tuần ông lại gởi tới bệnh viện của thánh nhân một số tiền lớn, một số thuốc men, lương thực và quần áo để thánh nhân giúp đỡ những người nghèo (Góp nhặt)

5. Phaolô và Banaba đều là những tông đồ nhưng cá tính và cách đối xử khác hẳn nhau. Phaolô thì nguyên tắc và cứng rắn, còn Banaba thì tình cảm và mềm dẽo. Bởi thế đôi khi hai ông đụng độ nhau: lần thứ nhất là về vấn đề ăn chung Ga 2,13). Số là Giáo Hội đã có quyết định rằng lương dân tòng giáo không bị buộc giữ tục lệ do thái giáo, trong đó có tục lệ phân biệt những món ăn nào sạch những món ăn nào dơ. Bởi đó các tông đồ đều hòa đồng với lương dân, ăn chung bàn với họ. Nhưng một lần kia vì có mặt những người do thái nên vì muốn không gây khó chịu cho họ, thánh Banaba và cả thánh Phêrô đã tránh ngồi chung bàn ăn với những người lương tòng giáo. Lần đó Phaolô đã nổi giận đứng lên công khai trách nặng hai ngài. Nhưng sách thánh không viết gì về phản ứng ngược lại của hai vị, tức là hai vị đã nhịn. Phêrô vị lãnh đạo Giáo Hội, Banaba người đỡ đầu cho Phaolô, còn Phaolô chỉ là một kẻ đến sau, một người cấp dưới. Thế mà hôm nay người đến sau và người cấp dưới ấy công khai chỉ trích hai bậc trưởng thượng trước mặt cả người do thái lẫn người lương tòng giáo. Vậy mà hai vị này vẫn nhịn. Thật là một tấm gương về lòng khiêm tốn và coi trọng hòa khí. Lần đụng độ thứ hai là về việc của Marcô (Cv 15,39): Trong chuyến truyền giáo thứ nhất, Banaba đã cho Marcô nhập đoàn. Nhưng sau một số gian khổ, Marcô đã bỏ cuộc về nhà với mẹ. Phaolô giận lắm. Đến khi chuẩn bị chuyến truyền giáo thứ hai, Banaba lại rủ Marcô theo, có ý là để Marcô đoái công chuộc tội. Nhưng Phaolô cương quyết không nhận. Phần Banaba thì cũng thiết tha muốn cứu vớt Marcô nên cũng nhất định giữ anh này. Kết quả là Banaba và Phaolô đành phải chia tay nhau, mỗi người dẫn một đoàn truyền giáo riêng đi giảng một hướng riêng. Chuyện bất đồng này lại sinh kết quả tốt là việc truyền giáo càng được đẩy mạnh hơn. Còn thêm một kết quả nữa chứng minh quan điểm của Banaba là hợp lý, đó là ông đã thực sự cứu chữa được Marcô, Marcô trở thành một tông đồ nhiệt thành và tác giả quyển Tin Mừng thứ hai.

Mỗi người chúng ta khi sinh ra mang sẵn một loại tính tình. Hãy sống Tin Mừng và loan Tin Mừng theo cá tính riêng của mình.

6. Đoạn Tin Mừng hôm nay ghi lại những lời Chúa Giêsu căn dặn các tông đồ trước khi sai các ông đi rao giảng Tin Mừng. Trong đó lời dặn đầu tiên là “Anh em hãy chữa lành” và lời dặn cuối cùng là “Đến đâu anh em hãy mang bình an tới đó”. Với cá tính tự nhiên thích hợp với hai điều này, Thánh Banaba đã thực hiện rõ nhất hai lời căn dặn này của Chúa:

- Ngài đã cứu chữa Phaolô khi đứng ra bảo lãnh Phaolô trước mặt các tông đồ; rồi giúp cho hai bên hoà thuận với nhau, cộng tác nhau vui vẻ.

- Ngài đã cứu chữa giáo đoàn Antiôkhia, chẳng những hóa giải được mối e ngại của Giêrusalem đối với những hoạt động truyền giáo của giáo đoàn non trẻ này, mà còn khuyến khích họ, bồi dưỡng giáo lý cho họ và nâng uy tín của họ đối với giáo đoàn mẹ Giêrusalem. Rồi lại làm cho hai giáo đoàn mẹ con hòa thuận hợp tác.

- Ngài cứu chữa chính giáo đoàn mẹ Giêrusalem, đem đồ cứu trọ của Antiôkhia về cho Giêrusalem.

- Cùng với Phaolô, Ngài cứu chữa các tín hữu gốc lương dân. Bênh vực họ trong hội nghị Giêrusalem. Góp phần làm cho kitô hữu gốc do thái và kitô hữu gốc lương dân sống hòa thuận với nhau trong cùng một niềm tin.

- Ngay cả khi đụng chạm với Phaolô, Thánh Banaba cũng được thúc đẩy bởi tấm lòng thích cứu chữa và hòa giải: trong vụ ăn uống là vì Ngài không muốn gây vấp phạm cho các tín hữu gốc do thái; trong vụ Marcô là vì Ngài muốn cứu vớt một kẻ đã lỡ một lần lỗi phạm.

7. “Đừng sắm vàng bạc hay tiến đồng để giắt lưng. Đi đường đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi giày hay cầm gậy” (Mt 10,9-10)

Simon và Anrê, Giacôbê và Gioan đã lên đường. Họ tức khắc bỏ chài lưới mà lên đường. Họ muốn tung cánh trong tự do bát ngát. Họ gieo Tin Mừng khắp cánh đồng Galilê.

Quê hương con, bao thế hệ cũng đã lên đường. Họ kiếm tìm bình đẳng, bác ái và tự do. Họ đấu tranh cho công bằng xã hội. Họ xây dựng một thế giới hòa bình. Và nhiều người đã bỏ mình vì Nước Chúa.

Còn con… Con cần đội chiếc mũ bằng cấp. Con thích mặc chiếc áo sắc đẹp. Con muốn xỏ đôi giày tình yêu. Con ham vác vài bao của cải, và tay cầm cây gậy quyền năng. Rồi con trở nên nặng nề vì các tạo vật ấy.

Lạy Chúa Giêsu, xin sai chúng con lên đường, nhẹ nhàng và thanh thoát. Xin sai chúng con lên đường, nhẹ nhàng và thanh thoát. (Hosanna)

 

SUY NIỆM 4: Thánh Barnaba

Dù không phải là một trong số mười hai tông đồ được Đức Chúa Giêsu tuyển chọn, nhưng thánh Barnaba được thánh ký Luca gọi là tông đồ trong sách Tông đồ Công vụ của ngài. Vì như tông đồ Phaolô, Barnaba cũng nhận được từ Thiên Chúa một sứ vụ đặc biệt. Thánh nhân là người gốc Dothái, sinh tại đảo Cyprô. Tên của ngài là Giuse nhưng các tông đồ đổi thành Barnaba. Danh xưng này có nghĩa là “con của sự an ủi.”

Ngay khi trở thành Kitô hữu, thánh Barnaba đã bán tất cả những gì ngài có và đem tiền dâng cho các tông đồ. Thánh nhân là người tốt bụng. Ngài rất nhiệt thành hăng say tin yêu Đức Chúa Giêsu. Barnaba được sai đến thành Antiôkia để rao giảng Tin mừng. Antiôkia là thành phố lớn thứ ba trong đế quốc Rôma thời ấy. Tại đây, những người tin theo Đức Chúa Giêsu lần đầu tiên được gọi là Kitô hữu. Barnaba nhận thấy mình cần sự giúp đỡ nên liền nghĩ tới Phaolô thành Tarsô. Ngài tin rằng Phaolô đã thực sự được ơn trở lại. Chính Barnaba đã đứng ra thuyết phục thánh Phêrô và cộng đoàn Kitô hữu; và đã xin cho Phaolô đến làm việc với mình. Barnaba là người khiêm tốn. Ngài không ngại chia sẻ năng lực và trách nhiệm. Ngài cũng biết Phaolô có một ân sủng rất đặc biệt và ngài muốn thánh nhân có cơ hội để trao ban.

Một thời gian sau, Chúa Thánh Linh đã chọn Phaolô và Barnaba để thực hiện một sứ vụ quan trọng. Sau đó không lâu, hai vị tông đồ đã lên đường thực hiện sứ mệnh anh dũng này. Các ngài đã phải chịu nhiều đau khổ và thường hay gặp nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng giữa những thử thách cam go, việc rao giảng của các ngài đã thuyết phục được nhiều người trở về với Đức Chúa Giêsu và Giáo hội của Người.

Sau đó, thánh Barnaba tiếp tục thực hiện một cuộc truyền giáo khác. Lần này với thánh Marcô, người bà con với ngài. Họ đi về Cyprô, quê hương của Barnaba. Qua việc rao giảng của thánh Barnaba, rất nhiều người đã trở nên Kitô hữu đến nỗi Barnaba được gọi là tông đồ của đảo Cyprô. Theo ý kiến chung, người ta cho rằng vị đại thánh này đã bị ném đá chết vào năm 61.

Thánh Barnaba đã nhận một danh xưng biểu hiệu đúng con người của ngài: một người tốt luôn luôn khuyến khích người khác yêu mến Thiên Chúa. Chúng ta hãy cầu nguyện với vị thánh này và xin ngài làm cho chúng ta cũng được trở nên những “người con của sự an ủi” như thánh nhân.

 

SUY NIỆM 5: Thánh Barnaba

Mặc dù thánh Barnaba không phải là một người trong nhóm mười hai tông đồ đầu tiên của Chúa Giêsu, nhưng thánh Luca coi ngài như vị tông đồ, vì ngài được lãnh nhận nhiệm vụ đặc biệt từ Chúa Thánh Thần. Thánh nhân là người gốc Do Thái, sinh tại đảo Síp. Tên của ngài là Giuse, nhưng các tông đồ đổi thành Barnaba sau khi ngài bán của cải và giao cho các tông đồ cai quản. Danh xưng này có nghĩa là “người con có biệt tài khuyên nhủ hay an ủi.”

Thánh Barnaba là một trong những nhà truyền giáo tiên khởi của Giáo Hội. Ngài đóng vai trò chủ yếu trong việc loan truyền và chuyển dịch Phúc Âm cho dân ngoại. Đồng thời, chính ngài là người đã đứng ra đảm bảo về sự trở lại thực sự của thánh Phaolô trước mặt cộng đoàn Kitô hữu khi Phaolô mới trở lại đạo. Sau đó, Barnaba được sai đi rao giảng ở Antiôkia để rao giảng Tin Mừng. Khi công việc ngày càng có kết quả, Barnaba đã xin Phaolô đến giúp sức cho mình. Cả hai đã xây dựng một Giáo Hội thật phát triển tại nơi đây. Theo sách Công Vụ Tông Đồ, chính ở Antiôkia mà "lần đầu tiên các môn đệ được gọi là Kitô hữu".

Sau một thời gian, Chúa Thánh Thần đã chọn thánh Barnaba và thánh Phaolô để thực hiện một sứ vụ quan trọng, đó là đem Tin Mừng đến cho dân ngoại. Do đó, hai ông đã khởi hành chuyến đi truyền giáo đầu tiên ở nước ngoài, trước hết là đến Síp và sau đó là đến lục địa Tiểu Á. Lúc đầu các ngài rao giảng cho người Do Thái, nhưng bị chống đối dữ dội nên họ quay sang rao giảng cho dân ngoại và đã thành công lớn. Tuy nhiên, công cuộc truyền giáo cho dân ngoại nẩy sinh một vấn đề là người tòng giáo có phải cắt bì theo luật Do Thái hay không. Thánh Phaolô và Barnaba đã chống đối tập tục này và lập trường của các ngài đã được Công đồng Giêrusalem chấp thuận, tức là những người ngoài Do Thái khi rửa tội không buộc phải chịu cắt bì.

Barnaba và Phaolô dự định tiếp tục công cuộc truyền giáo của mình, nhưng ngay tối trước khi khởi hành, một bất đồng xảy ra là có nên đem theo một môn đệ nữa hay không, là ông Máccô, vị thánh sử tương lai. Vì vấn đề này mà hai tông đồ tách làm đôi. Phaolô đem Silas đi Syria, còn Barnaba đem Máccô đến đảo Síp. Sau này cả ba người là Phaolô, Barnaba và Máccô đã làm hòa với nhau.

Tuy không có những dữ kiện rõ ràng, nhưng theo truyền thuyết thì thánh Barnaba đã được phúc tử đạo tại Síp vào năm 61. Đồng thời, truyền thống Hội Thánh nhìn nhận ngài là vị sáng lập Hội Thánh tại đảo Síp. Bên cạnh đó, người ta nói rằng mộ Ngài được tìm thấy năm 448 và trên ngực ngài còn có một cuốn Phúc âm theo thánh Matthêu mà chính thánh Barnaba đã chép tay.

Thánh Barnaba là mẫu gương về lòng nhiệt thành trong việc rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa, và là mẫu gương về một đời sống khiêm nhường, bác ái và chia sẻ cho tha nhân. Chúng ta hãy cầu xin thánh nhân phù trợ cho mỗi người chúng ta, để trong đời sống thường ngày chúng ta biết quan tâm và chia sẻ Tin Mừng tình yêu của Chúa đến cho mọi người.

Pet. Hải Văn SDB

 

SUY NIỆM 6: Thánh Barnaba

Thánh Barnaba nắm giữ một chức vụ nổi bật trong những chương đầu của sách Công Vụ Tông Đồ, không phải cho mình mà nhằm giới thiệu thánh Phaolô, anh hùng trong cuốn sách.

Ngài là một người Do Thái được sinh tại Chypre. Và là một phần tử trong Giáo Hội sơ khai ở Giêrusalem. Chính ở địa vị này mà khoảng năm 39 tân tòng Saolê được đón nhận vào cộng đoàn các tông đồ (Cv 9-27). Bốn năm sau, Ngài kêu gọi Saolê tham gia công tác hướng dẫn cộng đoàn Kitô giáo mới được thiết lập ở Antiôkia (Cv 11,19-26). Thành phố này rất quan trọng, chỉ kém Rôma và đã trở nên trung tâm Kitô giáo của lương dân.

Một lần nữa, cùng với Saolê, Ngài được trao phó cho nhiệm vụ mang tiền cứu trợ gởi về cho Giáo Hội Giêrusalem (Cv 27-30). Nơi đây hai người lại được Gioan Marô là bà con của Barnaba (Gl 4,10) nhập bọn. Ba người họp thành đoàn truyền giáo, lên đường khoảng năm 45 (Cv 13 và 14). Từ đây Barnaba dần dần ẩn mặt đi. Dầu Chypre là sinh quán của Ngài, nhưng chính Saolê dưới tên mới là Phaolô dẫn dầu cuộc truyền bá Phúc Âm. Phaolô và đoàn tùy tùng lên đường tới lục địa Tiểu Á. Khi cùng Phaolô rao giảng (Cv 14,8-18), Barnaba được coi là thần Jupiter và Phaolô là Hermes. Đây là chứng cớ hùng hồn về vai trò hỗ tương của hai ông. Ba năm sau Phaolô trở về và được cộng đồng Giêrusalem phê chuẩn về đường lối Ngài theo trong chuyến hành trình (Cv 15,1-35).

Năm sau, dự định hành trình truyền giáo thứ hai có sự tranh chấp về việc kết nạp Gioan Marcô (Cv 15,35-41). Phaolô chọn các bạn đồng hành khác và Barnaba trở về Chypre. Việc giới thiệu Phaolô đã được hoàn thành và tên Ngài không còn được nhắc đến trong sách Công Vụ nữa. Trong việc trao đổi thư từ của Phaolô với Giáo Hội Côrintô cho thấy khoảng năm 56 thánh Barnaba vẫn còn sống (1Cr 9,5). Sáu năm sau Phaolô xin Marcô đến gặp mình ở Roma (2Tm 4). Sự kiện này cho phép chúng ta nghĩ rằng thánh Barnaba đã qua đời.

Một truyền thống sau này nói tới chuyến hành trình của thánh Barnaba tới Alexandria, Rôma, và Milan. Tại Milan, Ngài là Giám mục tiên khởi. Một truyền thống đáng tin hơn cho biết Ngài chết vì ném đá ở Salamis, sinh quán của Ngài. Nay còn nhiều mảnh vụn của cuốn ngụy thư Phúc Âm thánh Barnaba và của một tác phẩm thuộc thế kỷ thứ V là công vụ thánh Barnana. Nhưng những tài liệu này không cho biết nhiều hơn những điều đã biết được từ sách Công Vụ các tông đồ. cuốn gọi là thơ thánh Barnaba mà nhiều giáo phụ chép vào thơ mục Thánh Kinh, nay người ta biết được là tác phẩm của một người Do Thái theo Kitô giáo ở Alexandria.

 Người ta nói rằng mộ Ngài được tìm thấy năm 448. Trên ngực Ngài còn có một cuốn Phúc Âm theo thánh Matthêu mà chính thánh Ngài đã chép tay.

(tgpsaison.net)

 

SUY NIỆM 7: Thánh Barnaba

Thánh Bác-na-ba vốn là một Thầy Lê-vi, và là con của một chủ trang trại người Sýp, gốc Do-thái. Tên khai sinh của Ngài là Giu-se, nhưng các Tông Đồ đã đổi tên cho Ngài thành Bác-na-ba, nghĩa là người có tài yên ủi (Cv 4,36). Trong cuộc bầu chọn để trở thành thành viên của nhóm Mười Hai, Ngài cũng là một trong hai ứng cử viên được đề cử để thế chỗ cho Giu-đa Ít-ca-ri-ốt. Tuy nhiên khi các Tông Đồ tổ chức rút thăm thì Ngài đã không trúng, nhưng thánh Mát-thi-a đã trúng (Cv 1,23-26). Sau khi gia nhập cộng đoàn Giáo hội sơ khai, Thánh Nhân đã bán hết tài sản, nhà cửa và ruộng vườn của mình đi, lấy tiền đem đặt dưới chân các Tông Đồ (Cv 4, 36-37). Thánh Nhân còn là người có tài khuyên bảo, đầy Thánh Thần và Đức Tin (Cv 11,23-24). Không những thế, Thánh Bác-na-ba còn là người bảo lãnh để Cộng đoàn Giáo hội tiên khởi tại Giê-ru-sa-lem đón nhận Thánh Phao-lô, khi vị Tông Đồ này trở lại (Cv 9,26-27).

Sau khi Thánh Phao-lô bị gửi về quê, còn mình thì được các Tông Đồ cử đến Antiochia (tức Antakya ngày nay), Thánh Bác-na-ba đã trẩy đi Tác-xô để tìm Thánh Phao-lô. Sau đó cả hai cùng trở lại Antiochia và cùng hoạt động truyền giáo tại đó trong suốt một năm (Cv 11,22-26). Thánh Bác-na-ba cũng đồng hành với Thánh Phao-lô trong cuộc hành trình truyền giáo đầu tiên tới đảo Sýp, cũng như tới vùng Tiểu Á. Cả hai đã cùng tham dự Công Đồng Giê-ru-sa-lem. Tại Công Đồng này, các Tông Đồ đã thống nhất quyết định sẽ thi hành sứ mạng truyền giáo cả ở nơi người Do-thái lẫn nơi người gốc dân ngoại (Cv 15,2-35).

Một cuộc tranh cãi đã nổ ra giữa Thánh Phao-lô và Thánh Bác-na-ba vì vấn nạn liên quan đến bổn phận phải tuân giữ những quy luật Do-thái giáo đối với các Ki-tô hữu gốc dân ngoại (Gl 2,11-14; Cv 15,22-35), và vì Gio-an Mác-cô, người em họ của Bác-na-ba. Do cuộc tranh cãi này nên hai vị Tông Đồ đã chia tay nhau. Sau đó, Thánh Bác-na-ba cùng với Thánh Mác-cô đã đến thăm các Cộng Đoàn tại đảo Sýp, quê hương của Ngài (Cv 15,39). Theo nhiều truyền thuyết có tính huyền thoại, Thánh Bác-na-ba đã chữa lành nhiều bệnh tật bằng cách dùng cuốn Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu mà Ngài luôn mang theo mình, để đặt lên đầu các bệnh nhân. Cũng theo truyền thuyết, Thánh Bác-na-ba còn đến truyền giáo tại Rô-ma, và đã ban Bí Tích Thanh Tẩy cho một tân tòng, mà sau này người tân tòng ấy đã trở thành Giám mục của Rô-ma, tức Đức Giáo Hoàng Clê-men-tê I. Rời Rô-ma, Ngài đến Mi-lan, và được coi là Giám mục tiên khởi của Giáo đoàn này. Nhưng theo một truyền thuyết khác thì Thánh Bác-na-ba đã trở lại đảo Sýp, và tại đó, Ngài đã được phúc Tử Đạo thông qua việc bị ném đá đến chết.

Một số chuyên gia đã so sánh Thánh Bác-na-ba ngang hàng với Thánh Phao-lô về tầm quan trọng của Ngài trong công cuộc truyền giáo cho dân ngoại.

Có một bức thư mang tên của Ngài, nhưng nó được coi là mạo danh, và cũng được xếp vào hàng ngũ các sách Ngụy Thư. Bức thư này muốn chứng minh những huấn giáo của Ki-tô giáo nguyên thủy về Chúa Giê-su Ki-tô và về cuộc khổ hình của Ngài như là sự tương ứng và hài hòa với Cựu Ước; trong thời Giáo hội cổ đại, bức thư này đôi khi được coi như thành phần của quy điển Tân Ước. Thực tế thì bức thư đó đã xuất hiện khá muộn, chỉ khoảng vào năm 130, và với cách giải thích Cựu Ước có tính bài Do-thái của mình, nên bức thư này không được công nhận là của Thánh Bác-na-ba. Cũng có một cuốn Tin Mừng mạo danh Thánh Nhân, nhưng tiếc rằng nó đã bị thất truyền. Một tác phẩm khác cũng mạo danh Thánh Nhân, nhưng mãi cho tới thế kỷ XVI nó mới được biên soạn. Theo một truyền thống trước đây, mà truyền thống này phát xuất từ Tertullianô, Thánh Bác-na-ba được coi là tác giả của Thư gửi Tín Hữu Do-thái.

Các Giáo hội Chính Thống đã liệt Thánh Nhân vào nhóm 70 môn đệ do đích thân Chúa Giê-su tuyển chọn.

Tương truyền về việc Thánh Bác-na-ba được hưởng phúc Tử Đạo tại đảo Sýp xem ra đáng tin cậy hơn. Theo đó, Ngài đã được phúc Tử Đạo vào khoảng năm 63 dưới thời hoàng đế Nero, và được an táng tại đó trong một hang mộ của một nghĩa trang lớn thuộc vùng Salamis cổ, tức khu hoang tàn của Famagusta ngày nay (phía Đông đảo Sýp). Một ngôi Thánh Đường của Giáo hội Sýp đã được kiến thiết trên ngôi mộ của Ngài. Sau một cuộc tranh cãi lâu dài giữa các nhà lãnh đạo của Giáo hội Sýp với Đức Thượng Phụ Giáo chủ Antiochia về tính độc lập của Giáo hội Sýp, tại Công Đồng Ê-phê-sô, các Nghị Phụ đã đưa ra quyết định nghiêng về Giáo hội Sýp, nhưng Antiochia đã thu hồi quyết định đó. Theo tương truyền, vào năm 477, trong một buổi tối, Thánh Bác-na-ba đã hiện ra với Đức Tổng Giám Mục Anthemios của đảo Sýp, và đã chỉ cho Đức Tổng Giám Mục này biết vị trí ngôi mộ của Ngài. Sau đó, thi hài của Thánh Nhân đã được tìm thấy. Khai quật ngôn mộ của Ngài, người ta phát hiện ra rằng, khi Thánh Bác-na-ba qua đời, người bạn đường của Ngài là Thánh Mác-cô, đã an táng Ngài một cách hết sức trang trọng. Trên ngực của Thánh Bác-na-ba có đặt một bản sao cuốn Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu do chính Thánh Bác-na-ba chép lại. Đức Tổng Giám mục Anthemios đã cấp tốc báo cho triều đình hoàng đế Zenon tại Constantinopoli biết tin về vụ khai quật. Qua đó vị Giám mục của Giáo hội Sýp đã thuyết phục được nhà cầm quyền rằng, Giáo hội Zýp được thành lập bởi Thánh Bác-na-ba, nên không ít tính Tông Truyền hơn Giáo hội Antiochia, và vì thế được coi là ngang hàng với Giáo hội đó. Một nguồn suối đã bắt nguồn ngay bên cạnh ngôi mộ trống ngày nay. Nguồn suối này được cho là có khả năng chữa lành cũng như có khả năng kỳ diệu, đặc biệt là đối với những phụ nữ vô sinh và những bệnh ngoài da. Vào năm 1953, một nhà nguyện mới đã được kiến thiết ngay trên phần mộ được cho là của Thánh Bác-na-ba.

Các Thánh Tích của Thánh Bác-na-ba đã được tôn kính tại nhiều nhà thờ khác nhau trên nước Ý, và tại một số nơi khác như Prag (Tiệp Khắc), Köln, Andechs (Đức), Toulouse (Pháp) và Namur (Bỉ).

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist

 

 

SUY NIỆM

1. Khung cảnh (c. 1-2)

“Thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần. Người mở miệng dạy họ”. Chúng ta hãy hình dung ra khung cảnh đầy ý nghĩa này:

  • Xưa kia trên núi Sinai, Thiên Chúa ban Lời của Ngài qua trung gian Mô-se; và nhờ Lời của Ngài, một đám đông ô hợp, vô danh và nhỏ bé, trở thành dân riêng của Chúa: Thiên Chúa trở thành Đức Chúa của dân, dân trở thành dân tộc được tuyển chọn của Đức Chúa.
  • Còn ở đây, Thiên Chúa ban Lời của Ngài qua Đức Giê-su, hiện thân của Lời Chúa, bởi vì Ngài là Con Thiên Chúa, Ngôi Lời nhập thể. Và Lời của Người được ban cho tất cả mọi người, để qui tụ thành Dân Mới của Thiên Chúa, được tuyển chọn nhờ, với và trong Người.

Chúng ta hãy so sánh, khám phá và cảm nếm sự khác biệt: Mô-sê ban lời đến từ Đức Chúa, còn Đức Giê-su ban lời nhân danh chính ngôi vị của mình. Trong những lời này của Tám Mối Phúc và của cả Bài Giảng Trên Núi (x. Mt 5-7), Đức Giêsu đặt chủ thể của mình vào chủ thể của Đấng ban Lời ở núi Sinai, Người bảy tỏ căn tính thần linh của mình. Như thế, từ núi này đến núi kia, biến cố mà Đức Giêsu tạo ra thật là lớn lao. Vì thế, chúng ta được mời gọi chú ý cách đặc biệt đến hành vi nói của Chúa: “Người mở miệng dạy họ, Ngài nói”. Hãy để cho đôi mắt và đôi tai của chúng ta dừng lại chiêm ngắm và đi vào chiều sâu của biến cố trung tâm này: “Ngài mở miệng dạy họ, Ngài nói”.

Biến cố này hoàn toàn khớp với dụ ngôn Người Gieo Giống: Người gieo giống đi ra gieo giống. Xin được hiểu và kinh nghiệm được trong tôi biến cố: nơi Đức Giê-su, Thiên Chúa ra khỏi mình để thông truyền chính Ngài cho tôi qua lời nói. Bằng Lời, Ngài đã sáng tạo nên con người chúng ta có khả năng thông truyền bằng lời, và bây giờ, Ngài khởi đi từ cái chúng là, một tạo vật biết nói biết nghe, để đến gặp gỡ chúng ta. Chúng ta cũng được mời gọi đi cùng con đường lời nói để đi đến với Ngài: trong cầu nguyện và nhất là trong thời gian tĩnh tâm, chúng ta được mời gọi dành nhiều thời gian để lắng nghe Lời Chúa và sau đó tâm sự thực sự với Ngài, như một ngôi vị sống động và gần gũi.

Nơi Đức Giê-su Ngôi Lời của Thiên Chúa, lời và hiện hữu là một: Ngài nói điều Ngài là và Chúa là điều Ngài nói trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Xin cho điều chúng ta nói với Chúa và với nhau là chính chúng ta.

 2. Tám mối phúc (c. 3-10)

PHÚC THAY

Thân phận:

sinh – lão – bệnh – tử

Căn tính:
nhân tính,
hình ảnh của Thiên Chúa
nghèo khó
sầu khổ
bị bách hại vì sống công chính

hiền lành

 

khát khao nên người công chính
xót thương người

tâm hồn trong sạch
xây dựng hoà bình

vì Nước Trời là của họ.

vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.
vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
vì Nước Trời là của họ.”

 

a. Thân phận và căn tính con người

Trong Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, lời giảng dạy của Đức Giê-su được tổng hợp thành 5 bài giảng lớn, và bài giảng đầu tiên là Bài Giảng Trên Núi. Và lời đầu tiên của bài giảng đầu tiên, Đức Giê-su ngỏ với đám đông và các môn đệ là “Phúc thay…”, thay vì là lời cấm đoán[1], một mệnh lệnh, một lời lên án, hay một lời chúc dữ. Trong cầu nguyện, chúng ta không cần suy niệm hết các mối phúc, chúng ta hãy dừng lại mối phúc nào chúng ta thích nhất, ấn tượng nhất, mời gọi nhất, chất vấn nhất, bởi vì đó chính là dấu chỉ của biến cố: hạt giống rơi vào chỗ đất tốt.

Chúng ta thường hiểu các mối phúc mà Đức Giê-su công bố là lý tưởng vừa cao vừa khó, mà mỗi người chúng ta phải đạt được để trở nên thánh, giống như các thánh nam nữ chúng ta mừng kính hôm nay. Tuy nhiên, các mối phúc không ở bên ngoài chúng ta và cũng ở cách xa chúng ta, nhưng các mối phúc mà Đức Giê-su công bố lại diễn tả chính căn tính đích thật của chúng ta, chính niềm khát khao sâu thẳm của chúng ta, chính niềm hạnh phúc bền vững của chúng ta.

  • Thật vậy, Đức Giê-su nói: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó. Trong thân phận của con người, không ai trong chúng ta cảm thấy tự đủ trong cõi lòng mình; con người đến một lúc nào đó, đều cảm thấy mình nhỏ bé, mỏng manh, chóng qua, nghèo nàn tận căn về mọi phương diện, nhất là lúc mới sinh ra và sắp sửa lìa đời, trả lại sự sống cho Chúa.
  • Đức Giê-su nói: “Phúc thay ai hiền lành”. Con người chúng ta vốn là hiền lành, chứ không phải là bạo lực hay thú tính; và sự hiền lành này đã được gieo nơi bản tính sâu xa của con người chúng ta; đó là điều mà chúng ta gọi là nhân tính. Bởi vì, con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa; mà Thiên Chúa thì hiền lành, vì Ngài là tình yêu.
  • Đức Giê-su nói: “Phúc thay ai sầu khổ”. Ai trong chúng ta đã không một lần khóc lóc sầu khổ: khóc lóc sầu khổ cho thân phận sinh lão bệnh tử của mình, khóc cho số phận đầy thử thách, tai ương và bất hạnh, khóc và sầu khổ cho người khác, nhất là cho những người thân yêu, cho những người chịu thiệt thòi, bệnh tật, kém may mắn.
  • Đức Giê-su nói: “Phúc thay ai khao khát nên người công chính”. Và ở trong sâu thẳm của tâm hồn, tất cả chúng ta đều khao khát nên công chính, thay vì ở trong sự bất chính, để có thể đón nhận ơn cứu độ Thiên Chúa ban. Nhưng rốt cuộc thì chính Thập Giá Đức Ki-tô làm cho chúng ta trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa, bởi vì chúng ta không thể tự mình làm cho mình trên nên công chính được.

Và cũng như thế đối với các mối phúc còn lại. Như vậy, chính thân phận con người của chúng ta, không thêm và cũng không bớt là một mối phúc, chứ không phải là mối họa, hay hình phạt, cho dù chúng ta có một thân phận như thế nào, bất hạnh như thế nào; thân phận của chúng ta là con đường dẫn chúng ta đến điều Chúa hứa ban trong các mối phúc, đó là: Nước Trời, Đất Hứa, ơn an ủi, ơn công chính, lòng thương xót và chính ngôi vị Thiên Chúa. Và để cho chúng ta tin tưởng và xác tín như thế, Đức Giê-su đã sống đến cùng thân phận con người, là chịu đóng đinh trên Thập Giá, để qua đó đi vào sự sống mới, sự sống Phục Sinh của Thiên Chúa Cha.

Và để hiểu thật đúng và thật sâu những lời này của Chúa, chúng ta được mời gọi nhìn ngắm chính cách hiện hữu của Chúa: Chúa nghèo thế nào trong tinh thần? Chúa hiền lành như thế nào? Chúa khóc lóc như thế nào: “Thiên Chúa của con, Thiên Chúa của con, Tại sao Ngài đã bỏ rơi con ? (Mt 27, 46); “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giê-su đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính” (Dt 5, 7). Và Đức Giê-su đói và khát sự công bình như thế nào? Vì Ngài đem sự công chính của Thiên Chúa đến cho con người, và Ngài mong mọi người đón nhận; và Ngài là sự công chính của Thiên Chúa.

Qua các mối phúc, Đức Giê-su qua lời nói và hành vi của Ngài, qua cách Ngài sống với Thiên Chúa và với con người, qua cách Ngài tương quan với thực tại, Ngài dẫn chúng ta về cái chúng ta là. Và cái chúng ta là, chính là một mối phúc. Ngược hẳn với điều loài người chúng ta vẫn nghĩ: điều chúng ta là, là một hình phạt. Và những gì Chúa hứa, chúng ta được mời gọi cảm nghiệm ngay hôm nay rồi.

b. Niềm vui và hạnh phúc

Khi sống các mối phúc, chúng ta được hứa ban Nước Trời, Đất hứa, ơn an ủi, lòng thương xót, được thấy Thiên Chúa và làm con Thiên Chúa. Nhưng vì các mối phúc không phải là những điều xa vời, cao siêu mà chúng ta phải cố vươn tới, nhưng diễn tả bản chất đích thật của con người, Vì thế, khi sống các mối phúc, chúng ta đã có kinh nghiệm ngay bây giờ niềm vui và hạnh phúc rồi. Thậy vậy:

  • Hạnh phúc biết bao, người nghèo khó trong tim, thay vì đầy những quyến luyến.
  • Hạnh phúc biết bao người hiền lành, thay vì dữ tợn.
  • Hạnh phúc biết bao người khóc thương, vì đồng cảm với người khác, thay vì dửng dưng vô cảm.
  • Hạnh phúc biết bao người xót thương và bao dung, thay vì không lên án và không khoan nhượng.
  • Hạnh phúc biết bao người có lòng trong sạch, thay đầy những điều nhơ uế.
  • Hạnh phúc thay người phục vụ cho công bình và hòa giải, thay vì chuyên làm những điều bất chính và gây hấn.
  • Hạnh phúc thay người đi theo Đức Ki-tô vì lòng mến, bất chấp khó khăn và bách hại, thay vì coi mình là trung tâm và chỉ biết sống cho mình.

Như thế, các mối phúc không chỉ nói cho chúng ta về hạnh phúc và phần thưởng Thiên Chúa sẽ ban ở đời sau, nhưng còn trình bày cho chúng ta một cách cách sống mang lại cho chúng ta niềm vui và hạnh phúc ngay bây giờ, vì đó là lối sống phù hợp cách xâu xa với nhân tính của chúng ta.

 3. Mối phúc đặc biệt (c. 11-12)

Ngoài ra, Đức Giê-su còn nói đến một mối phúc đặc biệt, mối phúc cuối cùng mà chúng ta hay gọi là mối phúc thứ chín. Đặc biệt, vì Đức Giê-su nói ở ngôi thứ hai : “anh em”, diễn tả tương quan trực tiếp và thân thiết giữa Đức Giêsu và những người nghe, hôm qua cũng như hôm nay. Nhưng đặc biệt nhất là nguyên nhân của mối phúc: đó là “vì Thầy”.

Chúng ta có thể tự hỏi, tại sao lại “vì Thầy”? Kinh nghiệm của những người đi trước chúng ta trong đức tin, nhất là của các thánh tử đạo Việt Nam, sẽ giúp chúng ta hiểu tại sao lại « vì Thầy » ? Đó chính là kinh nghiệm hiểu biết, yêu mến, và không chỉ ước ao đi theo, nhưng còn muốn trở nên “đồng hình đồng dạng với Đức Kitô”, đó là kinh nghiệm chiêm ngắm ngôi vị của Ngài, và khi chiêm ngắm ngôi vị của Ngài như các Tin Mừng thuật lại cho chúng ta, chúng ta không thể không yêu mến Ngài và ước ao trở nên một với Ngài trong mọi sự (x. Phil 3, 7-9).

*  *  *

Nhưng làm sao chúng ta có thể trở nên một với Ngài được, nếu trước đó, Ngài đã không mang lấy nhân tính và thân phận con người của chúng ta, không trở nên một với chúng ta qua Lời của Ngài, qua Mình Máu của Ngài ?

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

[1] Con rắn trong sách Sáng Thế, chương 3, hình ảnh của Ma Quỉ, nói với người phụ nữ: “Có thật THIÊN CHÚA nói: các người KHÔNG ĐƯỢC…” (St 3, 1); trong khi THIÊN CHÚA nói: “các người ĐƯỢC…” (St 2, 16). THIÊN CHÚA, ĐẤNG BAN ƠN, nhưng ma quỉ, và những người tiếp tay cho ma quỉ, ý thức hay không ý thức, lại muốn gieo vào lòng chúng ta hình ảnh của một THIÊN CHÚA CÂM ĐOÁN. Như thế, Đức Giê-su đến để điều chính hình ảnh lệch lạc về Thiên Chúa, mà ma quỉ đã gieo vào tâm hồn loài người chúng ta, từ thủa ban đầu của sự sống: nơi Đức Giê-su Thánh Thể, Thiên Chúa ban ơn, ban lời hằng sống và trao ban chính mình.

 

 

Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày Song ngữ

 

Monday (June 11): “Rejoice and be glad, for your reward is great in heaven”

Scripture: Matthew 5:1-12a  

 

1 Seeing the crowds, he went up on the mountain, and when he sat down his disciples came to him. 2 And he opened his mouth and taught them, saying: 3 “Blessed are the poor in spirit, for theirs is the kingdom of heaven. 4 “Blessed are those who mourn, for they shall be comforted. 5 “Blessed are the meek, for they shall inherit the earth. 6 “Blessed are those who hunger and thirst for righteousness, for they shall be satisfied. 7 “Blessed are the merciful, for they shall obtain mercy. 8 “Blessed are the pure in heart, for they shall see God. 9 “Blessed are the peacemakers, for they shall be called sons of God. 10 “Blessed are those who are persecuted for righteousness’ sake, for theirs is the kingdom of heaven. 11 “Blessed are you when men revile you and persecute you and utter all kinds of evil against you falsely on my account. 12 Rejoice and be glad, for your reward is great in heaven

 

Thứ Hai     11-6               Hãy hân hoan và vui mừng, vì phần thưởng của anh em trên trời thật lớn lao

 

Mt 5,1-12a

1 Thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên.2 Người mở miệng dạy họ rằng:3 “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.4 Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.5 Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.6 Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.7 Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.8 Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.9 Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.10 Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.11Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa.12Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.

Meditation:

 

What is the good life which God intends for us? And how is it related to the ultimate end or purpose of life? Is it not our desire and longing for true happiness, which is none other than the complete good, the sum of all goods, leaving nothing more to be desired? Jesus addresses this question in his sermon on the mount. The heart of Jesus’ message is that we can live a very happy life. The call to holiness, to be saints who joyfully pursue God’s will for their lives, can be found in these eight beatitudes. Jesus’ beatitudes sum up our calling or vocation – to live a life of the beatitudes. The word beatitude literally means “happiness” or “blessedness”.

 

 

 

God gives us everything that leads to true happiness

What is the significance of Jesus’ beatitudes, and why are they so central to his teaching? The Beatitudes respond to the natural desire for happiness that God has placed in every heart. They teach us the final end to which God calls us, namely the coming of God’s kingdom (Matthew 4:17), the vision of God (Matthew 5:8; 1 John 2;1), entering into the joy of the Lord (Matthew 25:21-23) and into his rest (Hebrews 4:7-11).  Jesus’ beatitudes also confront us with decisive choices concerning the life we pursue here on earth and the use we make of the goods he puts at our disposal. 

Jesus’ tells us that God alone can satisfy the deepest need and longing of our heart. Teresa of Avila’s (1515-1582) prayer book contained a bookmark on which she wrote: Let nothing disturb you, let nothing frighten you. All things pass – God never changes. Patience achieves all it strives for. Whoever has God lacks nothing -God alone suffices.

 

 

Is God enough for you? God offers us the greatest good possible – abundant life in Jesus Christ (John 10:10) and the promise of unending joy and happiness with God forever. Do you seek the highest good, the total good, which is above all else?

The beatitudes are a sign of contradiction to the world’s way of happiness

The beatitudes which Jesus offers us are a sign of contradiction to the world’s understanding of happiness and joy. How can one possibly find happiness in poverty, hunger, mourning, and persecution? The poverty of spirit finds ample room and joy in possessing God as the greatest treasure possible. Hunger of the spirit seeks nourishment and strength in God’s word and Spirit. Sorrow and mourning over wasted life and sin lead to joyful freedom from the burden of guilt and spiritual oppression. 

 

 

God reveals to the humble of a heart the true source of abundant life and happiness. Jesus promises his disciples that the joys of heaven will more than compensate for the troubles and hardships they can expect in this world. Thomas Aquinas said: “No one can live without joy. That is why a person deprived of spiritual joy goes after carnal pleasures.” Do you know the happiness of hungering and thirsting for God alone?

 

“Lord Jesus, increase my hunger for you and show me the way that leads to everlasting peace and happiness. May I desire you above all else and find perfect joy in doing your will.”

Suy niệm:

Cuộc sống tốt đẹp mà Thiên Chúa dự tính cho chúng ta là gì? Và làm thế nào nó có liên hệ đến cùng đích tối hậu hay mục đích của cuộc sống? Chẳng phải niềm mơ ước và khát vọng của chúng ta là được hạnh phúc thật sự, sự hạnh phúc mà không có gì khác tốt đẹp hơn, bao trùm hết tất cả những điều tốt lành, đến nỗi không còn gì để đáng ao ước nữa đó sao? Ðức Giêsu đã đề cập tới câu hỏi này trong bài giảng trên núi. Trọng tâm của sứ điệp Ðức Giêsu là chúng ta có thể sống hạnh phúc. Tiếng mời gọi đến sự thánh thiện, trở thành những vị thánh, vui mừng theo đuổi thánh ý Chúa trong cuộc đời mình, có thể được tìm thấy trong 8 mối phúc này. Các mối phúc của Ðức Giêsu bao gồm tất cả ơn gọi của chúng ta – sống cuộc đời hạnh phúc. Hạn từ “beatitude” có nghĩa là “hạnh phúc” hay “phúc lành”.

Thiên Chúa ban cho chúng ta mọi sự dẫn tới hạnh phúc đích thật

Ý nghĩa những mối phúc của Ðức Giêsu là gì, và tại sao chúng là trọng tâm giáo huấn của Người? Các mối phúc đáp lại khát vọng tự nhiên cho hạnh phúc mà Thiên Chúa đặt để trong lòng mỗi người. Chúng dạy chúng ta cùng đích mà Chúa muốn chúng ta hướng tới, nghĩa là việc đến của vương quốc Chúa (Mt 4,17), việc nhìn thấy Chúa (Mt 5,8; 1Ga 2,1), bước vào niềm vui của Chúa (Mt 25,21-23) và trong sự yên nghỉ của Người (Hr 4,7-11). Những mối phúc của Ðức Giêsu cũng đưa chúng ta đến những lựa chọn dứt khoát liên quan đến cuộc sống chúng ta theo đuổi ở trần thế và việc chúng ta sử dụng của cải mà Chúa để cho chúng ta tùy ý sử dụng.

Đức Giêsu nói với chúng ta rằng chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể thỏa mãn nhu cầu và khát vọng sâu thẳm nhất. Sách cầu nguyện của thánh nữ Têrêsa thành Avila (1515-1582) có câu viết như sau: Đừng để điều gì quấy rối bạn, đừng để làm gì làm bạn sợ. Tất cả mọi sự sẽ qua đi, nhưng Thiên Chúa không bao giờ thay đổi. Kiên nhẫn đạt được tất cả những gì mà nó phấn đấu cho. Ai có TC không thiếu thốn gì cả, một mình TC là đủ.

Thiên Chúa có đủ cho bạn không? Thiên Chúa ban cho chúng ta lợi ích lớn nhất có thể – cuộc sống sung mãn trong Ðức Giêsu Kitô (Ga 10,10) và lời hứa của niềm vui và hạnh phúc bất tận với Thiên Chúa. Bạn có tìm kiếm lợi ích lớn nhất, lợi ích tuyệt đối, lợi ích vượt trên hết mọi lợi ích khác không?  

Các mối phúc là dấu chỉ trái ngược với đường lối hạnh phúc của thế gian

Các mối phúc mà Ðức Giêsu ban tặng cho chúng ta là dấu hiệu của sự nghịch lý đối với sự hiểu biết của thế gian về hạnh phúc và niềm vui. Làm thế nào một người có thể tìm thấy hạnh phúc trong khó nghèo, đói khát, khóc lóc, và bách hại? Tinh thần khó nghèo tìm thấy chỗ trống và niềm vui trong việc chiếm hữu Thiên Chúa như kho báu lớn nhất có thể. Sự đói khát tinh thần tìm thấy lương thực và sức mạnh trong lời và Thần Khí của Chúa. Đau khổ và khóc lóc về cuộc đời và tội lỗi đã lãng phí, dẫn tới sự tự do vui mừng từ gánh nặng tội lỗi và sự áp bức tinh thần.

Thiên Chúa mặc khải cho những kẻ có tâm hồn bé nhỏ nguồn gốc thật sự của sự sống và hạnh phúc sung mãn. Ðức Giêsu hứa với các môn đệ rằng những niềm vui Thiên đàng sẽ lớn hơn gấp bội so với những khó khăn và gian khổ họ có ở đời này. Thánh Tôma Aquinô (1225-1274) nói rằng: “Không ai sống mà không có niềm vui. Đó là lý do tại sao một người đánh mất niềm vui tinh thần sau những cuộc vui xác thịt.” Bạn có biết hạnh phúc của sự đói khát một mình Thiên Chúa không?

Lạy Chúa Giêsu, xin gia tăng sự đói khát Chúa của con và xin tỏ cho con đường lối dẫn tới sự bình an và hạnh phúc vĩnh cửu. Chớ gì con khao khát Chúa trên tất cả những điều khác và tìm thấy niềm vui hoàn hảo trong việc thực thi ý Người.

 

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu– chuyển ngữ

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận