Gia đình thánh hóa ngày Chúa nhật

Đăng lúc: Thứ ba - 22/04/2014 13:39 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
GIA ĐÌNH THÁNH HÓA NGÀY CHÚA NHẬT (1).
 

1. Vì sao gia đình công giáo phải quan tâm thánh hóa Ngày Chúa nhật?
Vì Chúa nhật là Ngày của Chúa 1.

2.  Vì sao Chúa nhật được gọi là Ngày của Chúa?
Vì Chúa nhật là ngày Chúa Kitô Phục sinh: Ngày sáng tạo mới; Ngày giải phóng mới; Ngày Lễ nghỉ 2.


Chú thích
 
1/ Chúa nhật là Ngày của Chúa:

Phúc Âm thánh Gioan ghi nhận: “Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín…Đức Giêsu  đến đứng giữa các ông và nói: bình an cho anh em…Rồi tám ngày sau, Đức Giêsu lại đến đứng giữa các ông và nói: bình an cho anh em” (Ga 20, 19-26).
Lời Chúa cho thấy: Chúa Kitô đã Phục sinh và hiện ra với các Tông đồ đang họp nhau vàongày thứ nhất trong tuần. Từ đó, “Theo truyền thống Tông đồ, Hội thánh cử hành mầu nhiệm Vượt qua, bắt nguồn từ chính ngày Chúa Kitô sống lại…ngày thật đáng gọi là Ngày của Chúa hay Chúa Nhật” (x. GLHTCG 2192).
Đối với mỗi gia đình Kitô hữu, Chúa nhật là ngày đặc biệt để gia đình thực thi Điều răn thờ phượng Chúa, tiếp cận Lời Chúa và Thánh Thể, tham gia việc tông đồ bác ái, cùng nhau xây dựng tình nghĩa gia đình.
Ngày 20/04/2013, một bản tin công giáo đã đăng tin: “Hội các chị em hèn mọn phục vụ những người già bị bỏ rơi, tại Chis-sa-nô, nước Mô-dăm-bích, đã đón về nhà một phụ nữ 25 tuổi, là chị Ôlivia. Tuy chưa được rửa tội và không có đôi chân để đi, nhưng Chị vẫn bò lết suốt 2 dặm rưỡi đường, để tới cử hành mỗi ngày Chúa Nhật”. Quả là tấm gương sáng ngời cho chúng ta.

2/ Theo Hiến chế Phụng Vụ Thánh, Ngày Chúa Nhật là ngày Giáo hội cử hành mầu nhiệm Phục sinh, là ngày nền tảng, và trung tâm của cả Năm phụng vụ (PV 106).

Chúa nhật là Ngày sáng tạo mới: Vì Chúa Kitô phục sinh vào ngày Chúa nhật, để chúng ta được phục hồi quyền làm con cái Thiên Chúa; Người  tái tạo hình ảnh cao đẹp nguyên thủy của con người lúc được TC sáng tạo.

Chúa nhật là ngày giải phóng mới: Vì Chúa Kitô phục sinh để giải phóng con người khỏi ách nô lệ tội lỗi, khỏi sự chết, để ta được sống lại với Người và sống đời đời.

Chúa nhật là ngày lễ nghỉ, ngày hồng ân: Vì Chúa Kitô phục sinh để đem lại niềm vui, sự nghỉ ngơi. Chúa nhật báo trước sự nghỉ ngơi đời đời cho ta trong Nước Chúa.

Hãy khám phá lại ý nghĩa Ngày Chúa nhật:
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II viết: “Việc khám phá lại ý nghĩa Ngày Chúa Nhật là một ân huệ ta phải cầu xin…Chúa nhật là ngày nằm ngay ở trung tâm đời sống Kitô hữu…nên Cha không ngừng lặp lại rằng: đừng sợ! hãy mở rộng mọi cánh cửa cho Chúa Kitô” (TH “Ngày của Chúa”, s.7).

- “Cả gia đình Cha đi Lễ…”:

Trong Đại hội Gia đình Thế giới năm 2012, Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 đã chia sẻ với một gia đình Việt Nam. Ngài ôm hôn bé Cát Tiên và nói: "Cám ơn con rất yêu quý, và cha mẹ con nữa...Con hỏi Cha về kỷ niệm gia đình của Cha như thế nào? Có nhiều lắm, nhưng Cha chỉ muốn nói điều này: đối với gia đình Cha, điều rất quan trọng là ngày Chúa Nhật, và Chúa Nhật thì bắt đầu ngay từ chiều thứ Bảy. Ba của Cha vẫn đọc cho con cái các bài đọc của lễ Chúa Nhật…và thế là Chúa Nhật bắt đầu: gia đình Cha đã bước vào phụng vụ trong một bầu không khí vui mừng. Ngày hôm sau, cả gia đình Cha đi lễ…”.
Ước gì gia đình chúng ta cũng được như vậy!
 

GIA ĐÌNH THÁNH HÓA NGÀY CHÚA NHẬT (2).
 
1. Để thánh hóa Ngày Chúa nhật, trước nhất các Kitô hữu phải làm gì?
Phải tham dự Thánh lễ tưởng niệm Chúa Kitô Phục sinh1.

2. Phải tham dự Thánh lễ Chúa nhật thế nào?
Phải tham dự Thánh lễ cách trọn vẹn và tích cực 2.


Chú thích

1/ Phải tham dự Thánh lễ:

 - Để tưởng niệm, tạ ơn và nhắc nhớ nhau:
Phải tham dự Thánh lễ để tưởng niệm Chúa Kitô Phục sinh, họp mừng Chúa hiện diện, cảm tạ vì ơn tái sinh làm con Chúa, và nhắc nhớ nhau lời Chúa hứa sẽ trở lại trong vinh quang.

Vì Thánh lễ là trung tâm đời sống Hội thánh:
Hội thánh dạy ta thánh hóa ngày Chúa nhật, thay cho ngày Sa-bát xưa, trước nhất, bằng việc dự Lễ, vì cử hành Thánh Thể là trung tâm đời sống Hội thánh. Từ thời các Tông đồ, Kitô hữu đã có thói quen tập họp vào ngày Chúa nhật để tham dự phụng vụ thánh (Pv 106). Chúa nhật đã được giữ như  ngày Lễ buộc. Trừ khi có lý do chính đáng (vd. Bị đau bệnh; phải chăm sóc trẻ mới sinh…), ai cố tình bỏ lễ Chúa nhật, vì biếng nhác hay khinh thường, thì mắc tội trọng.

Noi gương những Anh hùng Ngày Chúa nhật:
 Chúng ta có tấm gương của « Những Anh hùng Ngày Chúa nhật A-bi-thi-na » : ngày 12.3.304, 38 vị nam và 18 vị nữ được điệu đến trước tòa tổng trấn. Họ bị kết tội « hội họp bất hợp pháp » vì đã họp nhau cử hành Lễ Chúa nhật. Cha Sa-tu-ni-út nói : « Chúng tôi có bổn phận cử hành Ngày Chúa nhật, đó là luật của chúng tôi » ; còn ông Ê-mê-ri-út, người cho mượn nhà, thì can đảm trả lời : «Tất cả đều đã cử hành Ngày của Chúa trong chính nhà tôi. Chúng tôi không thể sống, mà không cử hành Bữa Tiệc của Chúa trong Ngày Chúa nhật”.

2/ Phải tham dự thánh lễ cách trọn vẹn và tích cực:

* Cách trọn vẹn: trọn vẹn tâm hồn; trọn vẹn thời gian, từ đầu đến cuối Lễ. Vì “hai phần phụng vụ Lời Chúa và PV Thánh Thể liên kết chặt chẽ, tạo thành một hành vi phụng thờ duy nhất. Do đó, Thánh Công Ðồng tha thiết khuyến dụ các linh mục: hãy nhiệt thành dạy dỗ các tín hữu tham dự trọn vẹn Thánh Lễ, nhất là Chúa nhật và lễ buộc” (Pv 56).

* Cách tích cực: - “Giáo Hội hằng bận tâm lo cho các Kitô hữu tham dự vào mầu nhiệm đức tin, không như những khách bàng quan, câm lặng, nhưng là những người thấu đáo mầu nhiệm đó, nhờ các nghi lễ và kinh nguyện: họ tham dự hoạt động thánh cách ý thức, thành kính, linh động: họ được đào tạo bởi Lời Chúa; được bổ sức nơi bàn tiệc Mình Chúa; họ tạ ơn Chúa; và trong khi dâng lễ vật tinh tuyền, không chỉ nhờ tay linh mục, mà liên kết với ngài, họ tập tiến dâng chính mình…” (Pv 48).

Ðể tham gia trọn vẹn, tích cực, cần cổ xúy cộng đoàn cùng tung hô, đối đáp, hát ca vịnh, thánh ca…và cùng chung những động tác, cử chỉ…(vd. cùng cúi đầu, quì gối). Hiến chế Phụng vụ số 112 nhấn mạnh: việc cộng đoàn ca hát không phải là thứ trang điểm thêm, mà là “thành phần cốt yếu” của phụng vụ. Tuy nhiên, vẫn phải giữ sự ‘thinh lặng thánh’ đúng lúc.

Hiệu quả khi tham gia trọn vẹn, tích cực: Khi dự lễ Chúa nhật tích cực, ý thức, đầy đủ, chúng ta cùng minh chứng sự hiệp thông: gắn bó, trung thành với Đức Kitô, với Hội thánh; cùng làm chứngcho sự thánh thiện của Thiên Chúa, cho niềm hy vọng vào Ơn cứu độ; cùng nâng đỡ nhau, dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần.

Đừng sợ dâng cho Chúa thời gian Ngày Chúa nhật:
ĐTC Gioan Phaolô II kêu gọi: “Tôi tha thiết kêu mời anh chị em khám phá lại Ngày Chúa nhật…Đừng sợ dâng cho Chúa Kitô thời giờ của anh chị em. Thời gian được dâng cho Chúa sẽ chẳng bao giờ là thời gian mất mát…Chính Người mới biết tất cả sự bí mật của thời gian. Chính Người giao phó ‘Ngày của Người’ cho ta, như một ân phúc luôn mới mẻ của tình Người yêu ta…” (“Ngày của Chúa”, S.7).
Chúng ta nguyện xin Chúa tha thứ cho những bê trễ của chúng ta, của nhiều Kitô hữu trong Ngày của Chúa.


GIA ĐÌNH THÁNH HÓA NGÀY CHÚA NHẬT (3).
 
1. Để thánh hóa ngày Chúa nhật, vì sao các Kitô hữu còn phải kiêng việc xác?
Vì khi lập ra ngày Chúa nhật, Thiên Chúa muốn mọi người có thời giờ nghỉ ngơi, giải trí, để có thể chăm lo đời sống gia đình, văn hóa, xã hội và tôn giáo 1.

2. Khi nào ta được miễn chuẩn kiêng việc xác ngày Chúa nhật?
Khi ta có trách nhiệm gia đình và nghĩa vụ xã hội quan trọng 2.
  
Chú thích
 
1/ Nghỉ Việc Xác:
Giáo hội còn mời gọi chúng ta thánh hóa ngày Chúa nhật bằng việc Nghỉ Việc Xác:

+ Vì, như Thiên Chúa “đã nghỉ ngơi sau khi hoàn tất công trình sáng tạo” (x. St 2, 2), con người cũng cần nghỉ ngơi sau những ngày làm lụng vất vả, để giải phóng cá nhân và gia đình khỏi cảnh nô lệ mới cho vật chất…

+ Vì Chúa nhật là Ngày của Chúa, ngày vui Phục sinh, nên phải tránh những công việc ngăn trở việc thờ phượng Chúa, ngăn cản niềm vui riêng trong Ngày Chúa Phục sinh.

+ Vì mỗi người cũng cần nghỉ việc xác: để có giờ lo cho gia đình, họ đạo, cho người nghèo, già yếu, bệnh nhân, lối xóm, mà những ngày trong tuần, ta ít có thời gian quan tâm - để ta có giờ rèn luyện, phát triển đời sống nội tâm hơn, qua việc suy niệm Lời Chúa, học hỏi giáo lý, trau dồi văn hóa…

+ Vì Chúa nhật là ngày vui: "Ôi lạy Chúa Kitô, khi suy ngắm những điều kỳ diệu Người đã thực hiện trong trong ngày CN, ngày Chúa sống lại, chúng con phải thốt lên: Ngợi khen Chúa vì ngày Chúa Nhật, Ngày hồng phúc, Ngày khởi đầu công trình sáng tạo... công trình cứu chuộc... đổi mới nhân loại. Hôm nay trời đất vui mừng và hoàn vũ ngập tràn ánh sáng. Ngợi khen Chúa vì ngày CN, Ngày cửa Thiên Ðàng rộng mở đón Ađam và tất cả những kẻ bị lưu đầy" (Giờ kinh PV Syria Antiokia, Q.6, Mùa hè, trg 193b).
Những người Do thái ngoan đạo thời Mát-tít-gia  đã để lại cho chúng ta tấm gương ngàn đời đáng kính: khi bị quân của vua An-ti-ô-cô tấn công vào ngày Lễ nghỉ (Sa-bát), họ đã nhất quyết không đánh trả! Thế là cả ngàn người đã chấp nhận chết, để trung thành với luật nghỉ ngày Sa-bát (x. 1 Mcb 2, 29-38).
 
2/ Được miễn chuẩn kiêng việc xác khi có trách nhiệm gia đình và nghĩa vụ xã hội quan trọng:
  
- “Luật nghỉ ngơi Chúa nhật có thể được miễn chuẩn, khi có những nhu cầu của gia đình, hay lợi ích lớn lao của xã hội.

- Nhưng tín hữu cũng phải coi chừng, đừng để những miễn chuẩn hợp pháp này dẫn đến những thói quen gây thiệt hại cho tôn giáo, cho cuộc sống gia đình hay cho sức khỏe”.

Kitô hữu không được bắt những người khác, nếu không cần thiết, làm công việc gì khiến họ không thể giữ Ngày của Chúa được…

Công quyền, dù có những nhu cầu cấp bách về kinh tế, vẫn phải lo cho các công dân có thời gian để nghỉ ngơi và lo việc phụng thờ.

Chủ nhân cũng có bổn phận tương tự đối với các công nhân của mình.

Các Kitô hữu phải cố gắng làm cho các Ngày Chúa nhật và các ngày Lễ của Hội thánh được Luật pháp công nhận  (X. GLHTCG 2185-2188).

Chúa Anh Chị Em một Ngày Chúa nhật nghỉ ngơi vui vẻ!
 

 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

 
Tin Giáo phận