Các bài suy niệm Chúa Nhật XI

Đăng lúc: Thứ sáu - 15/06/2018 11:59 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

CHÚA NHẬT 11 THƯỜNG NIÊN_B

Lời Chúa: Ed 17, 22-24;  2Cr 5, 6-10;  Mc 4, 26-34

———

Mục lục

2. Thay đổi nhờ lời cô giáo (Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)

3. Hạt giống  (Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT)

4. Mầm sống  (Lm. Giuse Trần Việt Hùng)

5. Tin tưởng và hy vọng vào sức mạnh của Lời Chúa  (Lm. Antôn Nguyễn văn Độ)

6. Hạt giống.  (Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)

7. Suy niệm Chúa Nhật 11 Thường niên_B  (Lm. Giuse Nguyễn Văn Nam)

8. Suy niệm Chúa Nhật 11 Thường niên_B.  (Lm. Giuse Đinh Tất Quý)

9. Sức mạnh của Nước trời (Lm. Đinh Lập Liễm)

10. Nước Thiên Chúa  (Lm. Nguyễn Thái)

11. Sống theo đường lối bé nhỏ của Chúa như hạt giống bắt đầu nhỏ bé (Lm. Trần Bình Trọng)

12. Giá trị của những việc nhỏ (Lm. Louis Kim Nguyễn)

13. Đừng nản chí mà ngừng gieo vãi hạt giống Lời Chúa (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ)

14. Kỹ năng sống  (Trầm Thiên Thu)

15. Vương quốc Thiên Chúa lớn mạnh từ từ  (Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, MD)

16. Chúa sẽ cho mọc lên  (Lm. Inhaxiô Trần Ngà)

17. Sức mạnh phục vụ của tình yêu  (Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty, SDB)

18. Suy niệm chú giải Lời Chúa – Chúa Nhật 11 Thường niên_B (Lm. Inhaxiô Hồ Thông)

19. Chúa Nhật 11 Thường niên_B  (Lm. Antôn)

 

 

THAY ĐỔI NHỜ LỜI CÔ GIÁO

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

 Có những lời nói, cử chỉ tưởng như vô tình lại trở thành nguyên nhân thay đổi cho cả một đời người. Biết bao con người đã bẻ gãy ổ khóa tự ti mặc cảm để can đảm vào đời, khi nhận được một sự khích lệ, một sự cảm thông từ những người thân. Biết bao con người đã hoàn thiện nhờ cha mẹ, thầy cô, bạn hữu đã gieo vào lòng họ những lời nói, những việc làm tốt. Những lời nói, những việc làm của ta tưởng như vô tình nhưng thực ra nó vẫn âm thầm gieo vào lòng những người chung quanh ta để có thể biến đổi họ theo cách sống của chúng ta.

Có một người kể rằng ngày xưa anh học rất dở, rất ớn đi học. Trường lớp với anh chỉ là những con chữ khô khan, là đứa lớn bắt nạt đứa bé, đứa học giỏi lên mặt với đứa học dở, đứa con nhà giàu xem thường con nhà nghèo . . . Anh luôn đội sổ trong lớp. Đầu óc u mê, tăm tối, thầy giảng bài mà nghe như vịt nghe sấm, chẳng hiểu tí gì.

Nhưng nhờ sự thay đổi giáo viên. Một cô giáo nhiệt tâm và yêu nghề. Cô đã luôn kèm cặp anh học bài. Cô luôn nói với anh: “cô nghĩ em có khả năng học nhưng thiếu kiên nhẫn thôi”. Từ đó, anh trở nên tự tin và mạnh mẽ. Đầu óc sáng ra một cách khác thường và anh đã thích thú học. Học mau thuộc, mau nhớ và làm toán cũng nhuần nhuyễn. Có lần anh hỏi cô vì điều gì mà cô đã chú ý, dìu dắt em. Cô đáp không chút phân vân: “Vì lòng thành thực của em. Cô làm điều đó không phải chỉ vì riêng em mà vì tất cả học trò của mình. Mỗi em đều có giá trị của riêng mình. Điều quan trọng là biết khơi dậy sức mạnh tiềm ẩn trong mỗi con người!”.

Và anh nói: Hơn 40 năm rồi, tôi không còn gặp lại cô. Tôi vẫn mong, vẫn tin một ngày nào đó được gặp lại cô. Tôi sẽ quỳ xuống dưới chân cô mà nói rằng: “Cuộc đời em sẽ không là gì nếu như không có cô đã gieo niềm tin cho em”.

Câu chuyện ngụ về người gieo hạt giống hôm nay Chúa Giê-su cũng mời gọi chúng ta hãy kiên trì gieo tin mừng. Gieo trong kiên trì. Dù đêm hay ngày. Người gieo giống luôn gieo vào nhân thế hạt giống của tin mừng, hạt giống của yêu thương và hạnh phúc. Cô giáo nếu không gieo vào lòng anh bạn lòng tin và nghị lực thì không có một nhà kinh doanh tài ba. Người ky-tô không gieo lời Chúa thì làm sao có cánh đồng lúa bát ngát bông lúa vàng là tâm hồn các tín hữu?

“Đêm  hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống này nảy mần và mọc lên, bằng cách nào thì người ấy không biết”. Sự diệu kỳ của hạt giống là vẫn âm thầm lớn lên theo quy luật tự nhiên và sẽ có một ngày nó trở thành cây cao bóng cả cho đàn chim trú ngụ. Người ky-tô hãy gieo trong kiên trì, gieo với niềm cậy trông để nhờ ơn Chúa lời ta nói, việc ta làm sẽ sinh hoa kết trái nơi môi trường chúng ta đang sống.

Ở trong gia đình cha mẹ biết gieo vào lòng con cái những hạt giống tin mừng bằng kinh nguyện và chia sẻ lời Chúa hằng ngày sẽ giúp con cái trưởng thành trong đức tin. Ở trường đời mỗi tín hữu biết gieo vào trong môi trường sống những giá trị tin mừng như tính chân thật, công bằng, liêm khiết nhất là lòng bác ái yêu thương sẽ thay đổi được rất nhiều người chung quanh ta.

Xin Chúa giúp chúng ta luôn gieo vãi yêu thương trong hành trình cuộc sống của chúng ta, để mỗi bước chân chúng ta đi luôn nở hoa và toả hương thơm của yêu thương và bác ái dấn thân phục vụ quên mình vì tha nhân.  Amen

Về mục lục

.

HẠT GIỐNG

Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi

Thiên Chúa đã gieo vào tâm hồn mỗi người, vào tâm hồn chúng ta hạt giống Nước Trời. Hạt giống ấy cứ âm thầm mọc.Điều quan trọng  và thiết yếu là chúng ta phải nuôi dưỡng hạt giống với đức tin, với lòng tín trung, phó thác và nhẫn nại.

Nước Thiên Chúa mà Đức Giêsu Kitô rao giảng giống như nắm men, giống như hạt cải. Men làm dậy khối bột.Hạt cải bé nhỏ nhưng nó lớn lên chim trời có thể đến núp bóng. Nước Trời hay Giáo Hội do Chúa thiết lập, cứ tiệm tiến lớn lên, không ai ngờ được. Giáo Hội của Đức Kitô không dựa trên con số những người được rửa tội. Giáo Hội không phải là đạo quân hùng mạnh, ào ạt lớn lên, vươn cao. Giáo Hội âm thầm lớn lên, nhưng tăng trưởng vững mạnh. Đối với thế giới, thế gian Giáo Hội vẫn là thiểu số. Tuy nhiên, Giáo Hội lại là men, muối cho đời. Giáo Hội là biểu hiệu của một phần thực tại sự hiện diện của Nước Thiên Chúa.Bởi vì Nước Thiên Chúa mà Chúa Giêsu rao giảng không phải là một thế giới đông đảo, không phải là đạo quân khổng lồ, hùng mạnh, đánh Đông dẹp Bắc vv…Nước Thiên Chúa theo Đức Kitô giống như hạt giống gieo xuống đất. Chúa Giêsu muốn nói Nước Thiên Chúa tuy nhỏ bé giống như một hạt giống nhưng nó cứ âm thầm vươn lên, lớn lên một cách không ai ngờ! Nước Thiên Chúa được khởi đi giống như một hạt cải, xem ra rất nhỏ bé, nhưng nó không bị hủy diệt, mà nó được biến đổi để mang lại sự sống, sức mạnh không thể tưởng được vì Nước Thiên Chúa luôn có Chúa hiện diện.

Nước Thiên Chúa mà Chúa Giêsu gieo vào thế giới cứ “ âm thầm mọc lên “, dù trải qua bao nhiêu thử thách, gian nan, khốn khó nhưng nó luôn tồn tại và bền vững.

Chúa Giêsu thực sự đã gieo vào tâm hồn chúng ta hạt giống nước trời, Ngài muốn nó mọc lên với sự cộng tác của chúng ta. Qua bí tích thanh tẩy, chúng ta được trở nên con Thiên Chúa và Chúa chờ đợi hạt giống mọc lên, đơm hoa, kết trái tươi tốt với việc mỗi người chúng ta siêng năng lắng nghe lời Chúa, thực thi lời Chúa,  chúng ta sống đạo tốt, chúng ta năng tham dự thánh lễ, lãnh nhận các bí tích, đặc biệt bí tích Thánh Thể. Chúng ta cầu nguyện không ngừng, sống quảng đại, yêu thương, hy sinh, bác ái. Những việc sống đạo này đòi hỏi chúng ta kiên trì, trung tín cả đời. Chúa Giêsu đã nói :” Ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu rỗi “ (Mt 10, 22 ), đồng thời Chúa cũng hứa “  Ta sẽ ở cùng các con mọi ngày cho tới tận thế “.

Chúng ta có thể làm cho hạt giống trong tâm hồn ta là bí tích rửa tội chúng ta lãnh nhận, bằng sự mách bảo của Đức Mẹ :” Để Lời Chúa trong lòng và suy đi nghĩ lại “.Có Lời của Chúa nghĩa là có Chúa trong tâm hồn sẽ giúp chúng ta an vui, hạnh phúc vì Nước Thiên Chúa thuộc về chúng ta. Vâng, Chúa đã gieo hạt giống Nước Trời vào lòng chúng ta. Chúng ta phải tín trung, vun xới và làm cho hạt giống tăng trưởng tươi tốt nhờ lời cầu nguyện và việc chúng ta siêng năng lãnh nhận các bí tích.

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy nói với chúng con về tình yêu của Chúa

Xin hãy đặt vào tim chúng con hạt giống yêu thương

Để chúng con mãi mãi trở thành chứng nhân tình yêu cho Chúa.Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Chúa gieo vào tâm hồn chúng ta điều gì ?

2.Hạt giống ở đây có nghĩa gì ?

3.Chúa đòi hỏi chúng ta điều gì ?

4.Mẹ Maria mách bảo chúng ta bí quyết gì ?

Về mục lục

.

MẦM SỐNG

Lm. Trần Việt Hùng

Hồng ân sự sống trao ban,

Muôn loài muôn vật, tràn lan tuyệt vời.

Chúa gieo mầm sống vào đời,

Trổ sinh hoa trái, ngàn đời phát huy.

Từ loài cây cỏ phụ tùy,

Tới loài động vật, tư duy loài người.

Nước trời hạt giống gieo Lời,

Tung bay khắp chốn, mọi thời trổ sinh.

Linh hồn thửa đất tâm linh,

Thấm nhuần chân lý, cứu tinh xác hồn.

Chúa ban cội rễ càn khôn,

Ươm mầm ơn thánh, siêu tôn rạng ngời.

Dụ ngôn Chúa dậy cao vời,

Mỗi người đón nhận, ơn trời thông ban.

Phát sinh hoa qủa gấp ngàn,

Tạ ơn Thiên Chúa, vô vàn kính tin. 

Nước Trời ví như hạt giống được gieo vào lòng đất và từ từ phát triển. Nước Trời có một sức sống mãnh liệt từ bên trong. Chính Chúa là nguồn phát sinh sự sống đã thiết lập Nước Trời dưới thế gian. Ngài trao ban nguồn sinh lực qua Lời của Ngài và qua ân sủng của các Bí Tích để Nuớc Trời phát triển không ngừng. Sự sống của Nước Trời chính là nguồn ơn sủng của Chúa Thánh Thần. 

Sự sống phát sinh ra sự sống. Sự sống là một mầu nhiệm. Chúng ta chỉ học biết được sự kết cấu và điều kiện để sự sống được hiên hữu. Sự sống bắt nguồn từ Thiên Chúa. Chúa đã phú ban mầm sống trong tất cả các loài thụ tạo từ loài thực vật, qua động vật tới con người. Từ mầm sống đầu tiên đó, các loài thụ tạo tiếp tục phát triển qua các giai đoạn và truyền sinh sự sống. Không có loài nào tự sinh mà không do quyền năng của Thiên Chúa. 

Một hạt giống dù nhỏ bé thế nào đi nữa, Thiên Chúa đã ban cho nó một nội lực để phát triển. Mỗi loại tùy theo giống của nó. Chúng ta thấy sự phát triển của các mầm sống nhưng chúng ta không hiểu về chính sự sống. Sự sống đưa dẫn chúng ta về nguồn, chính là Thiên Chúa. Một hạt giống được gieo xuống đất và gặp đúng môi trường sẽ mọc lên. Con người dù thức hay ngủ, đêm hay ngày, hạt giống cứ tự động đâm chồi nẩy lộc rồi thành cây, đơm bông và kết hạt. Nó phát triển nội tại, ngoài sự tính toán của con người. 

Từ hạt cải bé nhỏ, Chúa dẫn chúng ta đến hạt giống Nước Trời. Hạt giống của Nước Trời được tung gieo khắp nơi. Bắt đầu từ một nhóm nhỏ dần dần phát sinh và lan tràn. Với sự hướng dẫn và thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, rất nhiều người đã ra đi gieo tin mừng. Hạt giống tung gieo mọi nơi mọi miền từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam, từ Âu sang Á, nơi đâu cũng được tiếp nhận hạt giống. Có nơi những hạt giống tự do phát triển và đạt thành kết qủa tốt. Cũng có nơi hạt giống không thể nẩy sinh vì hạn hán, vì mảnh đất cằn cỗi và vì sự bách hại hay từ chối.

Chúa trao ban hạt giống dư tràn. Hạt giống tươi tốt và đầy sinh lực. Mỗi ngày, các hạt giống đang chờ đợi được tung gieo. Hạt giống nào cũng có khả năng đâm mầm và sinh hoa kết qủa. Chúa đang cần nhiều thợ chuyên môn ra đi gieo giống. Chúa mời gọi mọi thành viên trong nước Chúa tiếp tục sứ mệnh truyền rao tin mừng cho khắp muôn dân. Tin mừng Nước Trời giống như sự sống cần tiếp tục ban phát, nẩy sinh và đem lại hoa trái.

Về mục lục

.

TIN TƯỞNG VÀ HY VỌNG VÀO SỨC MẠNH CỦA LỜI CHÚA

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Bước vào Chúa nhật thứ XI thường niên B, Chúa Giêsu trình bày cho chúng ta hai hình ảnh tuyệt đẹp và giầu ý nghĩa về sức mạnh của Lời Chúa là: dụ ngôn hạt giống tự mình mọc lên và dụ ngôn hạt cải (x. Mc 4, 26 – 34). Đây là những hình ảnh bình dân quen thuộc đối với người Do thái sống đời nhà nông, quen với việc gieo hạt, tưới nước và thu hoạch. Chúa Giêsu sử dụng những gì nhà nông biết được để giúp họ làm quen và hiểu mầu nhiệm Nước Trời, đồng thời mời gọi người ta hy vọng và tin tưởng và sức mạnh của Lời Chúa là Thiên Chúa quyền năng (x. Ed 17, 22 – 24).

Thật vậy, Chúa Giêsu mạc khải điều gì đó về nước thiêng liêng của Người. Trong ngụ ngôn thứ nhất, Chúa nói với họ: “Nước Thiên Chúa giống như người kia đã gieo hạt xuống đất” (Mc 4, 26). Sự chú ý được qui về sự kiện hạt giống, một khi được gieo trong lòng đất, tự nó nảy mầm và lớn lên, dù nông dân ngủ hay thức. Ông tin tưởng nơi tiềm năng ở trong chính hạt giống và sự màu mỡ của đất đai. Và Chúa dẫn vào dụ ngôn thứ hai, “Chúng ta sẽ lấy gì mà hình dung nước Thiên Chúa? (…) Nước đó giống như hạt cải” (Mc 4,30).

Phần lớn chúng ta hầu như không có điểm chung với những người sống đương thời với Chúa Giêsu. Tuy nhiên, những dụ ngôn này tiếp tục có một tiếng vang trong thời đại chúng ta, vì sau khi gieo giống, tưới nước và thu hoạch, chúng ta có được điều Chúa Giêsu nói với chúng ta: Thiên Chúa đã đặt để điều gì đó thiêng liêng trong lòng chúng ta.

Nước Thiên Chúa là gì? Thưa là chính Chúa Giêsu. Và tâm hồn chúng ta là nơi thiết yếu Nước Thiên Chúa ngự trị. Thiên Chúa muốn sống và lớn lên trong lòng chúng ta ! Hãy tìm kiếm sự khôn ngoan của Thiên Chúa và vâng theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa; nếu chúng ta làm, thì cuộc sống của chúng ta sẽ có được sức mạnh và cường độ khôn lường.

Nếu chúng ta đón nhận ân sủng của Thiên Chúa, sự sống thần linh sẽ triển nở trong ta như hạt giống lớn lên trên cánh đồng. Eckhart, vị thầy huyền bí thời Trung Cổ đã nói rất hay: “Hạt giống của Thiên Chúa ở trong chúng ta. Nếu nhà nông thông minh và cần cụ chịu khó, hạt giống sẽ lớn lên và trở thành Thiên Chúa. Hạt lê trở thành cây lê; hạt cau trở thành cây cau; hạt giống của Thiên Chúa trở thành Thiên Chúa“.

Thật vậy, hạt giống là biểu tượng Lời Chúa, và dụ ngôn này nhắc nhớ sự phong phú của Lời Chúa. Như hạt giống khiêm hạ phát triển trong lòng đất, Lời Chúa cũng hoạt động trong tâm hồn người lắng nghe nhờ sức mạnh của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã gieo Lời Ngài là hạt giống vào thửa đất là tâm hồn chúng ta, nếu Lời Chúa được đón nhận, thì chắc chắn sẽ mang lại hoa trái, vì chính Thiên Chúa làm cho Lời Ngài nảy mầm và tăng trưởng.

Dụ ngôn thứ hai dùng hình ảnh hạt cải. Tuy là hạt bé nhỏ nhất trong các thứ hạt, nhưng lại đầy sức sống và tăng trưởng đến độ trở thành cây cao lớn nhất trong các thứ cây trong vườn (x. Mc 4,32), trở thành nơi cho “chim trời” ẩn núp không có mục đích gì hơn là giúp cho chim trời sống thoải mái và bình an! Nước Thiên Chúa là như thế: một thực tại rất nhỏ bé nói theo kiểu phàm nhân và bề ngoài không có gì là đáng kể. Hình ảnh này nhấn mạnh đến Nước Thiên Chúa ở trong chúng ta, và hạt cải nhỏ bé sẽ trở thành một cái cây lớn, trong đó chim trời đến làm tổ, ám chỉ tình yêu vô cùng của Thiên Chúa được ban nhưng không cho chúng ta. Vương quốc của Thiên Chúa sẽ lan rộng đến tất cả các quốc gia trên khắp thế giới và người ta tìm đến trú ẩn nơi một Kitô giáo tốt lành.

Ơn gọi của Giáo Hội Chúa Giêsu Kitô không phải là để trở nên mạnh mẽ. Trở nên vĩ đại, không phải là ơn gọi của Chúa Kitô. Giáo hội không tìm cách trở thành bình đẳng của các vương quốc thế trần: đó không phải là sứ mạng của Giáo hội, càng không phải là chứng nhân mà Thiên Chúa mong muốn nơi Giáo hội. Dụ ngôn nói rằng chim trời đến ẩn núp. Đây không phải là sự bành trướng nhưng là sự hiếu khách. Nước Trời không đến để áp đặt lên con người, nhưng đón nhận họ. Trong cây sự sống hoặc cây mà cho phép loài chim đến đậu rồi bay đi và đôi khi được đón nhận ở đó cho đến ngày làm tổ, đẻ ấp trứng và sự sống bắt đầu hình thành.

Trong bước đường thiêng liêng, chúng ta thường có thói quen mơ tưởng những điều được coi là vĩ đại. Và rồi thất vọng. Không, chúng ta phải tin tưởng và hy vọng. Niềm hy vọng nơi chúng ta qua đức tin và lòng mến, cho phép chúng ta khám phá ra Thiên Chúa bao bọc chúng ta, khiến chúng ta không nản lòng hay thất vọng trong việc truyền giáo, nhưng giữ vững niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng sẽ dẫn dắt mọi sự đến thành toàn mà Ngài đã khởi đầu. Dù điều gì xảy ra với chúng ta đi chăng nữa, thì đời chúng ta đã được đồng hành bởi lời hứa đáng tin này: “Nếu ta cùng chết, ta sẽ cùng sống! Nếu ta chịu đựng, ta sẽ đồng trị. Nếu ta chối Ngài, Ngài sẽ chối ta” (2Tm 2, 11-12).

Lạy Mẹ Maria, Mẹ là Ðấng đã đón nhận hạt giống Lời Chúa như một “thửa đất phì nhiêu”, xin Mẹ giúp chúng con yêu mến Chúa, đặt tin cậy và hy vọng vào Chúa. Amen.

Về mục lục

.

HẠT GIỐNG.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Vào một đêm nọ, người phụ nữ nằm mơ. Chị thấy mình bước vào một siêu thị. Khách hàng tấp nập. Có một quày hàng đặc biệt, người ta chen chân không lọt. Chị ngạc nhiên thấy Chúa Giêsu đứng bán ở quày hàng này.

Chờ đợi đến phiên mình, chị hỏi: Chúa mà cũng bán hàng sao? Chúa bán cái gì ở đây vậy?

Chúa trả lời: Ta bán mọi sự con đang ước muốn trong trái tim con.

Chị nói liền một hồi: Thưa Chúa, con muốn có bình an, có tình yêu, có hạnh phúc, có khôn ngoan và tự do không sợ hãi. Suy nghĩ một lúc, chị lại thêm: không chỉ cho con mà thôi nhưng còn cho chồng, cho con và cho những người thân yêu của con nữa.

Chúa mỉm cười và nói: hỡi con yêu dấu, ở đây,Ta không bán hoa trái mà chỉ bán hạt giống thôi. (Anthony de Mello).

Trang Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn hạt giống để rao giảng về Nước Thiên Chúa. Hình ảnh cụ thể và dễ hiểu. Nước Thiên Chúa giống như người nông dân gieo hạt xuống đất. Hạt giống âm thầm nẩy mầm, phát triển và sinh bông hạt. Cũng vậy, hạt giống Lời Chúa được gieo vào lòng thế giới và gieo vào lòng người sẽ nảy mầm và sinh nhiều hoa trái tốt lành. Nước Thiên Chúa là vương quốc của tình yêu và sự thật, không ngừng tăng trưởng dọc dài thời gian của lịch sử nhân loại. Không ai có thể ngăn cản sự phát triển của Nước Thiên Chúa. “Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống này nảy mầm và mọc lên, bằng cách nào thì người ấy không biết”. Sự kỳ diệu của hạt giống là vẫn âm thầm lớn lên theo quy luật tự nhiên và sẽ có một ngày nó trở thành cây cao bóng cả cho đàn chim trú ngụ. Hãy đi ra và gieo hạt giống Tin mừng, hạt giống yêu thương phục vụ, Chúa sẽ giúp hạt giống nảy mầm, lớn lên và sinh hoa kết trái nơi môi trường chúng ta đang sống.

Dụ ngôn “Hạt lúa âm thầm mọc lên” (x. Mc 4,26-29) chính là hình ảnh của Tin mừng chan hoà trong một nền văn hoá.

Hạt giống Tin Mừng Ðức Giêsu Kitô đã đến với quê hương Việt Nam gần năm thế kỷ.Trước đó cả ngàn năm đã có ba tôn giáo lớn là Phật Giáo, Khổng Giáo, Lão Giáo và Tín Ngưỡng dân gian ăn sâu vào tâm hồn người Việt Nam. Phong tục tập quán, văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam, đã được nhào luyện bởi tất cả những mầm sống cũng như giới hạn các tín ngưỡng đó.

Trên nền tảng một đời sống tâm linh phong phú mà Phật Giáo, Khổng Giáo, Lão Giáo và nhất là Ðạo Ông Bà đã xây dựng từ hơn một ngàn năm, hạt giống Tin Mừng đã nẩy mầm và trổ sinh nhiều hoa trái. Tinh thần hiếu khách, lòng bao dung làm cho người Việt Nam sẵn sàng tiếp xúc với những người tỏ ra có thiện cảm với mình, cho dù họ từ xa đến. Với những đức tính như lòng hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ, kính trên nhường dưới trong gia đình, với một đời sống yêu thích tĩnh mịch và chiêm niệm, tâm hồn người Việt Nam là một mãnh đất tốt để đón nhận những giá trị thiêng liêng hàm chứa trong Tin Mừng.

Nhờ các nhà truyền giáo, từ các thế hệ tiền nhân, người Việt đã nhận lãnh nhiều điều tốt lành: những thường thức về vệ sinh, khoa học, những hiểu biết mới, những đồ vật quý hiếm cũng như những trợ giúp vật chất dù rất khiêm tốn, những nhân vật thánh thiêng đầy nhân ái… khiến họ, nhất là những người thuộc lớp bình dân, sẵn sàng đón nhận giáo lý mà những người tốt lành như vậy mang đến cho họ. Nhờ đó những tập tục phi lý và phi nhân (bùa mê, sát tế) như một gánh nặng đè lên cuộc đời của họ nay được cởi bỏ. Khi đã tìm gặp một vị thần đầy yêu thương, họ liền cảm thấy được giải thoát và tin theo.

Rao giảng Tin Mừng cho họ cần gắn liền với phát triển cuộc sống, quan tâm săn sóc sức khỏe, nâng cao văn hóa giáo dục. Người truyền giáo cần phải sống giữa những anh chị em này và chia sẽ đời sống của họ. Ðó là điều cần phải làm trước tiên và đó là chìa khóa thành công của một nhà truyền giáo thật sự. Cần huấn luyện những cá nhân trưởng thành và những tổ chức tự lập ngõ hầu những thành phần của địa phương có thể rao giảng phúc âm cho chính đồng bào của họ và cung cấp những giáo dân có đức tin vừng mạnh, có trình độ trí thức tốt, có khả năng làm việc cách hăng say giữa anh chị em mình.

Tôi có đi du lịch hành hương đất nước Hàn Quốc. Theo linh mục Piero Gheddo, thuộc Hội Truyền Giáo Nước Ngoài Milano: “Trong suốt 50 năm qua có lẽ đã không có quốc gia nào trên thế giới có được sự phát triển liên tục trên mọi bình diện chính trị, kinh tế, xã hội và tôn giáo như Hàn Quốc. Sự phát triển mạnh mẽ này cũng xảy ra đối với Kitô giáo nữa. Thật thế, từ năm 1960 đến năm 2010, dân số Hàn Quốc từ 23 triệu đã tăng lên 48 triệu người. Lợi tức bình quân tính trên đầu người gia tăng từ 1.300 USD lên 19.500 USD hằng năm. Số Kitô hữu từ 2% tăng lên 30%, trong đó có khoảng 11% là tín hữu Công Giáo, tức khoảng 5,4 triệu. Số linh mục từ 250 lên đến 5.000”. (Nhật báo Avvenire (Tương lai), cơ quan ngôn luận chính thức của Hội đồng Giám mục Italia số ra ngày 8-4-2012).

Với hơn 5.000 linh mục hiện nay, tính bình quân, mỗi vị coi sóc 1.100 tín hữu. Hồi năm 2008, số tín hữu Công Giáo đã vượt 10% tổng số dân Hàn Quốc và gia tăng 3% mỗi năm.

Theo thống kê của Giáo Hội năm 2009, số người lãnh nhận bí tích Rửa tội đã là 159.000, và đã có 149 phó tế được thụ phong linh mục, tức gia tăng 21 vị so với năm 2008. Trong năm 2009 có 69% người Hàn Quốc thuộc lứa tuổi 23 tới 40. Điều này cho thấy người dân Hàn Quốc rất trẻ trung và tràn đầy sức sống.

Đức Hồng Y Nicholas Cheong Jin Suk, Tổng Giám mục thủ đô Seoul, cho biết trong 10 năm qua, số tín hữu Công Giáo Hàn Quốc đã gia tăng từ 3 lên đến hơn 5 triệu, khiến cho Giáo Hội Hàn Quốc là Giáo Hội tiến triển mạnh nhất châu Á. Tại Hàn Quốc, quyền tự do tôn giáo được hoàn toàn tôn trọng.

Hiện nay Giáo Hội Hàn Quốc đang sống chương trình gọi là “Rao giảng Tin Mừng hai mươi hai mươi”, có nghĩa là mọi tín hữu trong Giáo Hội phải dấn thân truyền giáo làm sao để vào năm 2020, số tín hữu Công Giáo đạt tỷ lệ 20% tổng số dân Hàn Quốc, nghĩa là gia tăng gấp đôi số tín hữu hiện nay lên 10 triệu.

Loan báo Tin Mừng là chia sẻ cuộc sống, một cuộc sống như chính Chúa Giêsu đã sống, là yêu thương mọi người, và yêu thương đến cùng (x. Ga 13,11), yêu thương đến nỗi dám chấp nhận hy sinh tính mạng cho những người mình yêu (x. Ga 15,13).

Một Giáo Hội khiêm nhu nhỏ bé dễ hòa mình vào giữa đại đa số những người nghèo của Châu Á. Và một Giáo Hội không quyền lực dễ gần gũi số đông những người chỉ mơ ước được làm người, được cơm no áo ấm, được học hành và có việc làm. Vì phải chăng đã đến lúc cần sáng tạo ra những “mô hình” mới của Giáo Hội như là những cộng đồng nhỏ bé, dễ hòa mình vào những cộng đồng xã hội của người nghèo: những cộng đồng nghèo hơn, ít bề thế, ít cồng kềnh, khiến người ta không còn e dè sợ hãi khi tiếp cận, gặp gỡ, những cộng đồng mở rộng hơn là khép kín. Sau cùng đó là những cộng đồng quan tâm nhiều hơn nữa đến đời sống toàn diện của con người, không chỉ khép kín trong đời sống thuần túy tôn giáo, nghĩa là trong việc cử hành bí tích hay phụng vụ, mà còn dấn thân trực tiếp vào việc cải thiện đời sống vật chất, nâng cao văn hóa và giáo dục cho người dân, nhất là những người nghèo. Tục ngữ Việt Nam có câu: “có thực mới vực được đạo”. Giáo Hội không được sai đến để giải quyết vấn đề kinh tế xã hội… nhưng không phải vì thế mà Giáo Hội không quan tâm đến những vấn đề ấy. Chúa Giêsu đã loan báo Tin Mừng không chỉ bằng lời nói, mà Tin Mừng của Người là “làm cho người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết chỗi dậy” (Lc 7,22).

Trong bối cảnh xã hội Việt Nam hôm nay, truyền giáo chính là “làm muối,” “làm men,” “làm ánh sáng”… như những hình ảnh chính Chúa Giêsu đã dùng khi trao sứ mạng cho các môn đệ. Muối, men, ánh sáng thì không ồn ào áp chế, công việc của nó là âm thầm hiện diện, và chỉ cần hiện diện đúng như bản chất của mình, tự khắc môi trường xung quanh nó sẽ thấm mặn, sẽ dậy men, và sẽ đầy ánh sáng.

Về mục lục

.

SUY NIỆM CHÚA NHẬT 11 THƯỜNG NIÊN_B

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nam

Chúa Giêsu thường dùng dụ ngôn để nói về Nước Trời. Bài tin mừng hôm nay Chúa dùng dụ ngôn hạt giống gieo xuống đất và hạt cải để giải thích về sức sống và sự phát triển của Nước Trời. Sự phát triển của Nước Trời không hệ tại bởi sức con người mà chủ yếu là do quyền năng của Thiên Chúa: Người trồng, kẻ tưới, Thiên Chúa cho mọc lên.

Dụ ngôn hạt giống gieo vào lòng đất âm thầm mọc lên nói lên sức mạnh kỳ diệu và âm thầm của mầu nhiệm Nước Chúa diễn ra trong lịch sử nhân loại cho tới ngày được thiết lập vĩnh viễn vào ngày cánh chung, tức là mùa gặt lúa. Mùa gặt là ngày tận thế, ngày Chúa đến trong vinh quang phán xét nhân loại.

Dụ ngôn hạt cải nói lên sự phát triển mạnh mẽ của Nước Thiên Chúa. Hạt cải bé nhỏ, lớn mạnh thành cây to đến nỗi chim trời đến nương náu, làm tổ. Sự núp bóng nói lên sự che chở, an toàn cho những ai đón nhận Tin mừng của Chúa Kitô và gia nhập Giáo hội của Chúa. Giáo hội của Đức Kitô chính là nước Chúa ở trên trần gian này.

Sự tương phản “nhỏ nhất thành cây lớn” nhất biểu lộ sức sống mãnh liệt, sự lớn mạnh của sứ điệp Chúa Kitô và của Giáo hội: sứ điệp của Chúa Kitô xem ra không hấp dẫn đối với người Do Thái vì họ không đón nhận Tin mừng, nhưng sứ điệp Tin mừng ấy lại trở nên nguồn cứu độ cho con người ở mọi thời và trong mọi nơi. Giáo hội mà Chúa Giêsu thiết lập lúc ban đầu rất khiêm tốn, nhỏ bé, với 12 tông đồ và 72 môn đệ; nhưng mỗi ngày Giáo hội lớn mạnh không ngừng, phát triển vững mạnh. Ngày hôm nay Tin mừng Đức Giêsu Kitô đã đến với moi người trên toàn thế giới.

Qua dụ ngôn hạt giống và hạt cải Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta sự hùng vĩ của nước Chúa đang ấn dấu dưới dạng thức bé nhỏ của sứ vụ loan báo Tin mừng của Chúa Kitô. Việc chấp nhận hành động của Chúa Giêsu là điều kiện để hưởng phúc vinh quang vào ngày cánh chung. Thái độ lựa chọn Chúa lúc này liên hệ tới định mệnh của mỗi người.

Hình ảnh cây to lớn xum xuê ở đây có thể nói chỉ nước Thiên Chúa hoàn tất viên mãn trong ngày cánh chung, ngày hoàn tất công việc cứu độ của Chúa Giêsu. Hai dụ ngôn hạt giống và hạt cải là lời giải thích truyền thống về dụ ngôn người gieo giống. Tác giả gợi nhớ đến hoàn cảnh thực tế của Giáo hội ban đầu, những cuộc bách đạo đã làm cho nhiều anh em bỏ đạo. Dụ ngôn hạt cải, người nông dân đã không được đề cập tới, mà nhấn mạnh đến hạt giống, tức là lời giảng của các tông đồ. Cả hai dụ ngôn đều nhấn mạnh đến giây phút hiện tại: giây phút lời Chúa âm thầm mọc lên. Dụ ngôn cũng là một lời khích lệ các môn đệ giữa bao thử thách. Lời các tông đồ rao giảng đang âm thầm phát triển cách diệu kỳ. Bắt bớ sẽ không cản trở nổi hiệu năng lời Chúa.

Qua bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu kêu mời người Kitô hữu chuẩn bị cho phần rỗi của mình. Như hạt giống gieo vào lòng đất âm thầm mọc lên sinh bông kết hạt, cuộc đời chúng ta cũng phải liên tục xây dựng để hoàn thiện đời sống và bảo đảm phần rỗi đời sau.

Dụ ngôn hạt cải cũng mời gọi chúng ta hãy tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa quan phòng dù cuộc đời đầy phong ba bão táp, nhiều khó khăn, gian khổ, Thiên Chúa luôn đồng hành với chúng ta và làm những điều kỳ diệu mà chúng ta không ngờ, không hay biết như hạt giống âm thầm mọc lên sinh hoa kết trái “Thiên Chúa cho mọc lên”.

Về mục lục

.

SUY NIỆM CHÚA NHẬT 11 THƯỜNG NIÊN_B.

Lm. Giuse Đinh Tất Quý

Anh chị em thân mến, 

Chúng ta vừa nghe một dụ ngôn vắn của Chúa Giêsu. Tuy vắn nhưng chúng ta cũng có thể tìm thấy được nhiều ý nghĩa qua dụ ngôn này. Có nhiều ý nghĩa nhưng tôi xin dừng lại ở một vài ý nghĩa chính.  Phải nói ý nghĩa của dụ ngôn này rất rõ ràng. 

  1. Thiên Chúa bắt đầu xây dựng Nước của Ngài từ những khởi điểm hết sức nhỏ bé.

Trong ngôn ngữ Đông phương và trong Thánh kinh Cựu ước, một trong những hình ảnh thông thường nhất chỉ đế một quốc lớn là hình ảnh một cây to, và những nước chư hầu được mô tả như chim chóc nghỉ ngơi và làm tổ trên cành (Ed 31,6; Đn 4,18). Vì vậy dụ ngôn này cho thấy nước Thiên Chúa bắt đầu từ những bước khởi đầu hết sức nhỏ bé, nhưng cuối cùng nhiều nước sẽ qui tụ trong đó. Sự kiện lịch sử chứng minh rằng những điều lớn nhất luôn bắt đầu bằng những khởi điểm nhỏ nhất. 

Có rất nhiều thí dụ: Muốn xây một tòa nhà thì phải bắt đầu bằng từng viên gạch; muốn viết một quyển sách thì phải bắt đầu từng trang, thậm chí từng chữ; muốn làm một chuyến viễn du thì phải bắt đầu bằng từng bước; muốn xây dựng một tình bạn thì phải bắt đầu bằng những lần gặp gỡ đổi trao; muốn thành một nhà văn thì phải bắt đầu từ con chữ; muốn hoàn thành một bức thảm nghệ thuật thì phải bắt đầu từ những mũi kim vvv.. 

Một tu sĩ trẻ nọ được gởi đến làm việc với một số anh em khác. Công việc của họ là dệt một khung vải rộng lớn, trên đó mỗi người ngày ngày phải dệt phần được trao phó, một việc làm xem ra rất độc điệu và vô nghĩa. 

Ngày nọ, không còn chịu đựng được một công việc nhàm chán như thế, người tu sĩ trẻ thốt lên với tất cả sự giận dữ của mình: 

-Trước khi tôi được sai đến đây, người ta nói với tôi về một công trình nghệ thuật cao cả mà tôi sẽ góp phần vào. Bây giờ tôi chỉ thấy rằng, tôi phải dùng kim đâm qua xỏ lại như một cái máy, tôi không thấy đâu là nghệ thuật cả. 

Nghe thế, vị tu sĩ già mới nói với thầy như sau: 

– Con ơi, làm sao con thấy được công trình nghệ thuật mà chúng ta đang cộng tác để thực hiện, bởi vì những gì con đang thấy là mặt trái của tấm thảm. Hơn nữa, việc con đang làm là một việc nhỏ trong công trình mà thôi. 

Khi tấm thảm đã hoàn thành, người ta lật tấm thảm lại. Lúc bấy giờ, vị tu sĩ trẻ mới thấy rằng mình đã góp phần vào một tuyệt tác. Đó là bức tranh của Ba Vua triều bái hài nhi Giêsu, những đường kim mà người tu sĩ trẻ ngày ngày đút qua xỏ lại, đã vẽ lên chính hào quang sáng chói trên đầu Chúa Hài Nhi. Điều mà thầy cho là vô nghĩa nhất giờ đây hiện lên như một kỳ công. 

Sự bắt đầu rất là quan trọng. Nếu bạn muốn con bạn lớn lên thành người tốt thì bạn phải bắt đầu chăm sóc dạy dỗ nó ngay từ nhỏ. Mà khi bắt đầu thì phải chú ý đến những điều rất nhỏ. Một tính tốt dần dần thành hình từ những thói quen tốt nho nhỏ. Một tính xấu cũng thành hình từ những thói quen xấu được lặp đi lặp lại. 

  1. Chúng ta cũng có thể nói như thế về Đạo của chúng ta. Đạo của chúng ta cũng bắt đầu từ một Người. 

Một trong những chuyện cảm động nhất trong những ngày đầu của Giáo hội là chuyện về Telemachus, một ẩn sỹ đang sống trong sa mạc. Telemachus sống trong sa mạc nhưng Chúa lại thúc đẩy ông phải rời bỏ nơi hiu quạnh để đi về Lamã,  một thành phố mang danh thành phố Kitô giáo, nhưng không có tinh thần Kitô Giáo, bởi vì lúc đó đang diễn ra những trò giác đấu, người ta đánh nhau có đám đông khát máu hò hét, cổ vũ. Telemanchus đi đến xem, trận đấu, tám mươi ngàn người có mặt ở đó. Những con người đang tàn sát nhau này không phải là con cái của Thiên Chúa hay sao? Khinh khiếp quá ông nhảy khỏi chỗ ngồi, chạy xuống đứng giữa những người giác đấu. Bị xô qua một bên, ông lại quay trở lại. Đám đông nổi giận, họ bắt đầu ném đá ông, nhưng ông cố vẫy vùng trở lại giữa những người giác đấu. Viên phán quan truyền lệnh, thế là một lưỡi gươm lóe lên giữa ánh nắng, Telemachus bị chém chết. Đột nhiên một sự im lặng bao trùm, đám đông nhận thức được điều đã xảy ra: một vị thánh đã chết! Sự việc đã xảy ra trong ngày đó ở Lamã để từ nay về sau không còn trò giác đấu nào nữa. Một người đã hy sinh mạng sống mình để làm sạch cho cả một đế quốc. Phải có một người bắt đầu cuộc cải cách, anh ta, gia đình anh hay nơi anh làm việc hằng ngày. Một khi anh đã bắt đầu rồi thì không ai biết điều đó chấm dứt ở đâu. 

Khi Chúa Giêsu bắt đầu câu hỏi: “Ta sẽ lấy gì sánh ví nước trời” chúng ta có thể tượng tượng là các môn đệ đang chờ đợi Chúa sẽ phác họa nên một bức tranh thật vĩ đại và huy hoàng, nhưng rồi họ phải kinh ngạc mà nghe Chúa trả lời: “Nước ấy giống như hạt cải”. Chúa hoàn toàn hiểu rằng kẻ thù đánh giá sự hiện diện của Ngài và đám quần chúng nghe Ngài chẳng thấy Ngài có gì là quan trọng. Có lẽ trong đầu óc của các môn đệ bên cạnh Ngài cũng phát sinh ra những nghi ngờ. Họ chỉ vỏn vẹn là một nhóm người không quyền thế và không ai biết đến. Phong trào mà Đức Chúa Giêsu đang dẫn đầu có thể nào là nước vinh hiển mà các tiên tri đã báo trước? Họ quá nhỏ bé mà thế giới thì mênh mông, làm sao họ có thể thay đổi và chinh phục cả thế giới này. 

Trong ví dụ này Chúa nói với các môn đệ và những người theo Ngài, và với chúng ta hôm nay rằng không nên ngã lòng. Chúng ta phải làm chứng cho mọi người nơi chúng ta sống, và làm việc. Mỗi chúng ta phải là khởi đầu nhỏ bé để từ đó nước trời lớn lên cho đến cuối cùng các nước trên đất nước này trở thành nước trời. Lời cầu nguyện của mỗi người chúng ta phải là : “Xin cho nước Chúa trị đến, bắt đầu từ chính con”. 

Đức Cha Fulton Sheen, một diễn giả nổi tiếng trên các đài truyền thanh và truyền hình Hoa Kỳ đã tưởng tượng ra một cuộc gặp gỡ như sau:

Tôi ra khỏi nhà để hưởng chút ánh sáng mặt trời, tôi gặp một người đang quằn quại trên thập giá, tôi dừng lại và đề nghị: 

– Xin cho phép tôi được giúp ông xuống khỏi thập giá. 

Nhưng người ấy trả lời:

– Hãy để cho tôi yên, hãy để nguyên những cái đinh trong lòng bàn tay và bàn chân của tôi, hãy để nguyên những gai nhọn trên đầu và lưỡi dòng trong trái tim tôi. Tôi không tự mình xuống khỏi Thập giá, bao lâu những người anh em tản mác khắp nơi của tôi chưa hợp nhất với nhau. 

Tôi liền hỏi người ấy: 

– Ông muốn tôi làm gì cho ông?. 

Người ấy trả lời: 

– Hãy đi khắp thế giới, và bắt gặp bất cứ ai hay nói với họ rằng: “Có một người đã chịu đóng đinh Thập giá” 

Lạy Chúa Giêsu,

xin thương nhìn đến Hội Thánh là đàn chiên của Chúa.

Xin ban cho Hội Thánh sự hiệp nhất và yêu thương,

để làm chứng cho Chúa giữa một thế giới đầy chia rẽ. 

Xin cho Hội Thánh không ngừng lớn lên như hạt lúa.

Xin đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước,

đừng để dễ dãi làm chúng con ngủ quên.

Ước gì Hội Thánh trở nên men

được vùi sâu trong khối bột loài người

để bột được dậy lên và trở nên tấm bánh.

Ước gì Hội Thánh thành cây to bóng rợp

để chim trời muôn phương rủ nhau đến làm tổ.

Xin cho Hội Thánh trở nên bàn tiệc của mọi dân nước,

nơi mọi người được hưởng niềm vui và tự do. 

Cuối cùng xin cho chúng con

biết xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời,

nhưng vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh.

Ước gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian,

nhân loại nhận ra Nước Trời ở gần bên. Amen.

Về mục lục

.

SỨC MẠNH CỦA NƯỚC TRỜI

Lm. Đinh Lập Liễm

Chúa Giêsu rao giảng: ”Thời kỳ đã mãn, và Triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15)… Đức Giêsu có ý phân biệt Nước Thiên Chúa mà Ngài sẽ thiết lập, tức là Hội Thánh của Ngài, với nước trần gian theo kiểu người Do Thái vẫn hằng mong ước, là được giải thoát khỏi ách nô lệ của đế quốc Rôma. Ngài dùng dụ ngôn mà giảng dạy (Jn 16:25).

Hervieux giải thích: ”Dụ ngôn là một câu chuyện rút ra từ thiên nhiên hay trong đời sống thường nhật. Nhờ hình thức rất đơn giản và tính cách lạ thường, dụ ngôn dễ làm cho người nghe chú ý và khiến họ phải suy nghĩ đến điều mà dụ ngôn có ý nhắm tới thông qua những hình ảnh (L’Evangile de Marc, Centurion, tr 65).

Các dụ ngôn không cho chúng ta thấy toàn cảnh, nhưng dù sao cũng cho chúng ta một số khái niệm về Nước Thiên Chúa. Trong chương 4 của Phúc âm Thánh Marcô, chúng ta thấy có 3 dụ ngôn khác nhau về Nước Chúa. Điều lý thú là cả ba đều nói về hình ảnh hạt giống.

Hôm nay Đức Giêsu đưa ra hai dụ ngôn về người gieo giống và hạt cải để nói lên hai đặc tính của Nước Trời, đó là Nước Trời hay Hội Thánh của Chúa cứ âm thầm tăng triển, và từ một cộng đoàn nhỏ bé sẽ trở nên một cộng đoàn lớn mạnh.

Đức Giêsu dùng lối so sánh rất tự nhiên mà các thính giả của Ngài đều biết rõ. “Gieo hạt giống” đó là cử chỉ rất quen thuộc, đến nỗi ta có nguy cơ không còn nhận ra mầu nhiệm của nó nữa. Người ta đã gọi dụ ngôn này là “hạt giống tự mọc lên” vì mọi sự diễn tiến đúng như vậy.

Theo Đức Giêsu, Nước Thiên Chúa như người kia gieo hạt giống xuống đất… Hạt giống tự nó đâm mầm và mọc lên thế nào, nào ai biết? Thì Nước Trời cũng giống như vậy. Hạt giống Lời Chúa được rao giảng bên ngoài, sức tác động của Chúa hoạt động bên trong, thế là Phúc âm sẽ sinh hoa kết quả (I Cor 3:6). Nhưng Chúa thấy trước, lời của Ngài, sứ vụ của Ngài sẽ gây kết quả từ từ, không gấp gáp, không gây chấn động. Vậy phải nhẫn nại, hãy đợi chờ, như người nông phu đợi chờ hạt giống nảy mầm và sinh hoa kết quả.

Chúng ta cần hiểu rằng Nước Thiên Chúa âm thầm lớn mạnh, tuần tự nhi tiến, dưới sự thúc đẩy của Chúa. Nhưng sự tiến triển cũng đòi hỏi sự góp phần tích cực của chúng ta.

Đừng ngã lòng khi không thấy kết quả trước mắt. Sự lỗi lầm lớn của các tông đồ là dựa trên tài cán, nghị lực của ta hơn là vào sức mạnh của Chúa. Nhưng ta hãy cố gắng hết sức thi hành phận bé nhỏ của ta vì yêu mến, và kết quả sẽ đến vào lúc thật bất ngờ nhất.

Một hôm, cha Petit Jean đến giảng đạo tại Nagasaki cho một số đông người Nhật.   Một người đưa tay đặt câu hỏi: “Chúng tôi muốn được hỏi ông ba điều, yêu cầu ông trả lời có hay không?”

  • Câu hỏi thứ nhất: Các ông có tin Đức Mẹ Đồng trinh không?” – Có.
  • Câu hỏi thứ hai: Các ông có vâng lời và thông hiệp với Đức Thánh Cha không? – Có.
  • Câu hỏi thứ ba: Là Linh mục, các ông có giữ mình đồng trinh và sống độc thân không? – Có.

Vậy thì mấy trăm người chúng tôi đây với ông là đồng đạo. Chúng tôi là người Công Giáo cả. Thưa cha, không có ai suốt hai thế kỷ rồi! Đó là nhờ ông bà tổ tiên chúng con truyền lại, rồi chúng con âm thầm cầu nguyện, dạy giáo lý cho con em, đoàn kết đùm bọc nhau từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ông bà chúng con trước khi chết có nhắn nhủ: Sau này có ai đến giảng đạo hãy cảnh giác, phải lấy ba tiêu chuẩn ấy mà nhận xem họ có phải là các cha đích thực, là người của Hội Thánh sai đến.” Giáo Hội Nhật bản đã tái sinh.

Đức Giêsu sánh ví Nước Thiên Chúa như hạt cải. Dụ ngôn này cho thấy vẻ tương phản rõ rệt giữa một bên là sự nhỏ bé, vô nghĩa lúc ban đầu, và bên kia là kết quả cuối cùng lại phong phú không ngờ. Thật chẳng tương xứng chút nào! “Hạ cải… là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất, nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ” (Mk 4:30-32).

Ở xứ Palestine hạt cải mọc lên thành cây to đến nỗi chim trời có thể đến trú ẩn. Ông Thompson trong cuốn “Xứ Thánh và Kinh Thánh” đã viết: ”Tôi đã thấy cây này trong cánh đồng phì nhiêu ở Akka; nó cao bằng con ngựa và người cưỡi ngựa. Với sự giúp đỡ của người hướng dẫn, tôi đã nhổ được một cây cao hơn 4 mét.”    Người ta vẫn thấy những loại cải hay cây cải to như vậy có bầy chim bu quanh, vì chim thích những hạt cải đen nên chúng đậu trên cây để ăn. Vì thế Đức Giêsu mới nói rằng Nước Ngài giống như hạt cải lớn lên thành cây.

Ý nghĩa của ví dụ này rất rõ ràng. Nước Thiên Chúa bắt đầu từ những bước khởi điểm hết sứ nhỏ bé, nhưng không biết khi nào nó kết thúc. Đức Giêsu báo trước cho họ biết rằng, dù thế nào, họ cũng vẫn là những người được chứng kiến công cuộc khai trương Nước Thiên Chúa. Nơi bản thân Đức Giêsu, dù bằng cách kín đáo thế nào chăng nữa, thì Nước Thiên Chúa cũng đã xuất hiện rồi. Một ngày nào đó, nhân loại sẽ phải ngỡ ngàng chứng kiến sức mạnh vô địch và vẻ phong phú lạ lùng của Nước ấy. Cái gì mắt người được nhìn thấy hiện nay không cho ai đoán trước được nó sẽ như thế nào ở giai đoạn chót của mức phát triển.

Tường thuật lại cho các độc giả của mình những lời này của Đức Giêsu, Marcô muốn trấn an họ rằng hoạt động của Đức Giêsu khi còn tại thế dù khiêm nhường, nhỏ bé, và cộng đoàn các môn đệ của Ngài là Giáo hội, dù có yếu đuối thế nào, thì tất cả đều đang tham gia vào thành tựu vẻ vang của một công trình tràn đầy sức sống và khi tới giai đoạn chót của mức phát triển, phải đạt được chiều kích toàn cầu (Theo J. Hervieux).

Bước khởi đầu của Nước Thiên Chúa khiêm tốn như vậy đấy, nhưng sự bắt đầu là rất quan trọng. Có nhiều việc lớn phải bắt đầu bằng những việc nhỏ, ví dụ: muốn xây một tòa nhà thì phải bắt đầu bằng từng viên gạch; muốn viết một cuốn sách thì phải bắt đầu bằng từng trang, thậm chí từng chữ; muốn làm một chuyến viễn du phải bắt đầu bằng từng bước; muốn xây một tình bạn thì phải bắt đầu bằng những cuộc gặp gỡ đổi trao.

Nhà tâm lý học Weldon cho rằng hạt giống kỳ lạ nhất thế giới là hạt giống cây tre Trung quốc. Hạt giống nằm yên dưới lòng đất đến 5 năm, rồi mới nhú chồi non lên mặt đất. Suốt thời gian 5 năm này, người ta phải vất vả chăm sóc nó, nào là tưới nước, nào là bón phân, mà không hề nhìn thấy hệ thống rễ phức tạp đang bố trí trong lòng đất. Cuối cùng, một sự sống đã vươn lên đầy kinh ngạc: Chỉ trong 6 tuần đầu, cây tre đã mọc cao lên gần 3 mét.

Hạt giống Nước Trời cũng không khác chi hạt giống cây tre Trung quốc. “Hạt bé nhất” lại cho cây lớn nhất. Nước Trời khởi đầu là Chúa Giêsu và một nhóm nhỏ môn đệ dân chài. Sau 20 thế kỷ, Kitô giáo đã lan tràn khắp nơi, đến với mọi dân tộc.

Có thể nói Đức Giêsu đã gieo hạt giống Hội Thánh vào giữa lòng thế giới. Sau đó Ngài biến mất khỏi dòng lịch sử, để hạt giống Hội Thánh “âm thầm lớn lên” với bao gian nan và thử thách, yếu đuối và bất lực. Dường như Ngài dửng dưng trước bao khó khăn của Hội Thánh. Dường như Ngài không biết đến bao tội ác đang lan tràn khắp thế giới. Dường như Ngài không quan tâm đến nỗ lực sống thánh của dân Ngài.

Nhưng với lòng tin yêu phó thác, chúng ta xác tín rằng: bên kia dòng thời gian, nơi cuộc sống vĩnh hằng, Thiên Chúa đang chờ đợi, nhìn xem và điều khiển cho hạt giống Nước Trời lớn lên và tăng trưởng sung mãn vào một mùa bội thu trong ngày Cánh chung sẽ tới.

Đức Giêsu đã thành lập Hội Thánh qua hai ngàn năm rồi; Hội Thánh vẫn trường tồn nhưng chưa hoàn chỉnh. Chúa còn cần đến sự đóng góp của chúng ta, tuy nhỏ bé, nhưng cần thiết. Người ta thường nói: ”Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, việc của chúng ta thì chúng ta cứ làm, còn kết quả là do Chúa định.

Có một phiên bản của câu chuyện sáng thế như sau: Khi Thiên Chúa dựng nên thế giới, Ngài dựng nên từ từ. Ngài tạo ra cây cối, cỏ hoa, sinh vật, chim cá… Khi Ngài làm ra những vật ấy, các thiên thần liền hỏi: ”Thưa Chúa, vậy thế giới đã xong chưa?” Thiên Chúa đáp lại với một từ “chưa” đơn giản.

Sau cùng Thiên Chúa đã tạo ra con người và nói với họ: ”Ta muốn các con hoàn thành thế giới. Nếu các con đồng ý làm thế, Ta sẽ cộng tác với các con.” Họ đồng ý. Sau đó, bất cứ lúc nào các thiên thần hỏi Thiên Chúa thế giới đã hoàn thành chưa, câu trả lời vẫn là: ”Ta không biết. Các ngươi phải hỏi những người cộng tác của ta.”

Có những điều mà chúng ta có thể làm và phải làm, Thiên Chúa sẽ không làm điều đó thay chúng ta. Không phải vì Ngài không thể làm, chỉ vì muốn chúng ta cộng tác với Ngài. Chúng ta phải gieo hạt giống, đó là phần việc của chúng ta. Nhưng khi làm điều ấy, chúng ta phải hiểu rằng, chúng ta không thể làm mọi việc. Chúng ta không thể làm cho hạt giống mọc lên; đó là phần việc của Thiên Chúa, và Thiên Chúa làm phần việc của Ngài. Không một chủ nông trại hoặc người làm vườn nào sẽ nói với bạn điều ấy.

Chúng ta có nhiệm vụ truyền bá Nước Thiên Chúa cho người ta trong hoàn cảnh thuận tiện cũng như không thuận tiện (II Tm 4:2-4), cho những người muốn nghe cũng như cho những người không muốn nghe. Phần chúng ta cứ việc gieo Lời Chúa và để cho Lời Chúa âm thầm mọc lên.

Bên Phương Tây, có những người thẳng thừng chống lại Thiên Chúa, họ bảo rằng: ”Thiên Chúa đã chết rồi” (Nietzsch), nhưng Thiên Chúa vẫn còn; Ngài là Đấng ẩn danh (Deus Absconditus); Ngài vẫn nói, nói một cách khiêm tốn và dịu hiền để ai có tai, có thiện tâm thì nghe rất thấm thía. Kẻ ác tâm, dã tâm, vô tâm chẳng bao giờ nghe được tiếng Ngài, mà chỉ thấy chói tai.

Người Đông Phương xưa, tuy không gần Ngài bằng xương, bằng thịt, nhưng cũng nhìn thấy: ”Thiên hành kiện” – Trời hành động kiên cường không ngừng, mà chẳng nói gì “Thiên hà ngôn tai” – Trời không nói bằng miệng, nhưng nói bằng nhiều cách: nói bằng tác tạo trời đất muôn vật, nói trong lương tâm con người: ”Thiên mệnh chi vị tính”, nói bằng ban phép tắc cho muôn vật: ”Duy thiên sinh dân, hữu vậthữu tắc.” Vì thế, con người phải biết luôn luôn tìm ý Ngài để tuân theo. Không biết tìm ý Trời thì không đáng là quân tử, không xứng đáng làm con Trời: ”Bất tri thiên mệnh, vô dĩ vi quân tử.”

Để kết thúc, chúng ta hãy trở lại bài đọc 2, Thánh Phaolô cho biết cuộc sống ở trần gian này được coi như cuộc lưu đầy “xa Chúa” (2Cr 5,6). Nhưng chúng ta tin chắc rằng một ngày kia chúng ta sẽ rời bỏ chốn lưu đầy này mà về với Chúa. Trong cuộc sống trần gian này chúng ta cố gắng sống sao cho đẹp lòng Chúa, góp phần làm cho hạt giống Lời Chúa được phát triển mạnh mẽ, được sinh hoa kết quả dồi dào, đợi chờ một mùa bội thu trong thời viên mãn là ngày Cánh Chung.

Về mục lục

.

NƯỚC THIÊN CHÚA

Lm. Nguyễn Thái

Vào mùa hè, nếu lái xe đi về những miền quê xa xôi, chúng ta sẽ chứng kiến sự thay đổi của thiên nhiên. Từ những ngọn cỏ, cây hoa dại, bụi cây bên đường… đến những gốc cổ thụ, tất cả đều đâm chồi nẩy lộc; cành lá phát triển xanh tươi mát mắt. Chẳng bù lại những tháng mùa đông trơ trụi, hoang tàn! Cảnh thiên nhiên đâm chồi nẩy lộc của mùa xuân bước sang hè thật tuyệt đẹp! Khí hậu tươi mát. Trời trong xanh. “Cỏ cây chen đá lá chen hoa.” Dù có tài văn thơ như bà Huyện Thanh Quan chăng nữa cũng không sao diễn tả hết cái đẹp đẽ của sự sống tiềm ẩn nơi thiên nhiên đang đà phát triển lên tươi tốt.

Trong bài Phúc Âm hôm nay, Mc 4: 26-34, Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh của thiên nhiên để diễn tả sự phát triển tiềm tàng mạnh mẽ của Vương Quốc Thiên Chúa qua dụ ngôn của hạt cải: “Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, khi gieo xuống đất thì nhỏ bé nhất trong tất cả các hạt trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, nó mọc lên thành cây rau lớn nhất, và đâm những cành to, đến nỗi chim trời có thể tới núp bóng được” (Mc 4: 31-32). Nhà chú giải Thánh Kinh William Barclay đã đưa ra những điều suy niệm như sau:

Trước hết, sự phát triển của thiên nhiên thường không cảm giác được. Nếu chúng ta nhìn vào một cái cây mỗi ngày, chúng ta không thể trông thấy nó tăng trưởng. Chỉ sau một khoảng thời gian nào đó, nhìn lại cái cây, chúng ta mới thấy sự khác biệt. Đối với Vương Quốc Thiên Chúa, điều này cũng giống như vậy. Chúng ta không nghi ngờ gì về sự triển nở của Vương Quốc Thiên Chúa, nó không có gì khác biệt nếu so sánh giữa hôm nay và hôm qua. Nhưng sự khác biệt sẽ rõ ràng nếu so sánh giữa thế kỷ này với thế kỷ trước đó.

Vào năm 1817, khi Elizabeth Fry đi đến thăm nhà tù Newgate Prison ở Anh Quốc, bà đã nhận thấy rằng 300 nữ tù nhân chật cứng trong những khu vực phụ nữ và vô số trẻ em bị nhét vào trong 2 phòng khám nhỏ. Họ sinh sống, và ngủ ngay trên sàn nhà. Họ chen chúc nhau xin tiền trước một quán rượu trong tù để mua lấy một hớp rượu. Bà Elizabeth cũng đã trông thấy một đứa bé trai 9 tuổi đang chờ đợi để bị treo cổ chỉ vì đã dùng một cây gậy chọc thủng qua cửa sổ ăn cắp cái quần trị giá 2 đồng xu tiền Anh.

Ngày nay, đã không còn những điều xảy ra như trên. Tại sao? Bởi vì Vương Quốc Thiên Chúa đang đến. Sự phát triển của Vương Quốc có thể giống như sự phát triển của một cái cây, không nhìn thấy bằng mắt thường qua từng ngày được, nhưng qua nhiều năm mới thấy rõ ràng.

Thứ đến, sự phát triển của thiên nhiên có tính cách liên tục. Ngày và đêm, trong khi con người ngủ, thiên nhiên vẫn phát triển liên tục, không ngừng nghỉ. Đối với Thiên Chúa, không có chuyện lúc có lúc không (Mt 5:37; 2 Cr 1:18). Một khuyết điểm lớn lao của những nổ lực và sự tốt lành của con người là không liên tục. Hôm nay chúng ta bước một bước rất tiến bộ; ngày hôm sau chúng ta lại thụt lùi ra phía sau những hai bước rồi. Trái lại, công việc của Thiên Chúa luôn luôn tiến triển một cách rất yên lặng và không ngừng nghỉ.

Hơn nữa, sự phát triển của thiên nhiên không thể tránh được. Không có gì mạnh mẽ cho bằng sự phát triển của thiên nhiên. Một cái cây có thể đội nền xi măng để lớn lên với sức mạnh của nó. Một hạt giống có thể đẩy lớp vỏ xanh ra khỏi đầu và mọc xuyên qua lớp nhựa tráng đường trên lối đi. Không có gì ngăn cản được sự phát triển của thiên nhiên. Vương Quốc Thiên Chúa cũng thế. Mặc dù sự nổi loạn và bất phục tùng của con người, công việc của Thiên Chúa vẫn tiếp tục; và cho đến tận thế sẽ không có gì có thể ngăn cản được những dự định củaThiên Chúa (Mt 16:18).

Có một huyền thoại về một vị tu sĩ khả kính tên là Cassianus. Vì phải chiến đấu mệt mỏi với những sự yếu đuối xác thịt và tính hư nết xấu, ngài đã vào nhà thờ quỳ gối cầu nguyện lâu giờ để xin Chúa đưa ngài đến một thế giới tốt lành thánh thiện hơn. Bỗng nhiên ngài rơi vào một cơn xuất thần ngây ngất; đôi mắt chăm chú vào cây thánh giá thật lớn treo giữa bàn thờ. Ngài nhìn thấy 5 dấu thánh bắt đầu chiếu ra sáng ngời như những hạt kim cương. Rồi từ mỗi dấu thánh chảy ra, không phải là máu, mà là những giọt nước bằng pha lê óng ánh sáng ngời, nhỏ xuống càng lúc càng nhiều đến độ biến thành một dòng suối chảy xuống bàn thờ, theo từng bậc tam cấp xuống giữa nhà thờ, rồi tràn lan ra cửa chính của nhà thờ.

Dòng nước sáng ngời đã làm rực rỡ cả ngôi thánh đường đang chìm ngập trong bóng tối. Từ bên cạnh ngài có một tiếng nói vang lên: “Đây là nước hằng sống của ân sủng mà ta đã chiến thắng cho loài người bởi cái chết của ta trên thập giá.” Khi quay lại ngài thấy Chúa Giêsu đang đứng bên cạnh. “Hãy theo ta!” Chúa phán. Ngài liền theo Chúa bước qua một cái cửa nhỏ, leo lên đến tận đỉnh tháp nhà thờ cao chót vót, nơi ngài có thể nhìn thấy khắp thành phố, đường xá, nhà cửa, và dân chúng rải rác phía dưới. Ngài lại nhìn thấy dòng nước hằng sống chảy qua khắp các đường xá, vào các cửa nhà, đi tìm tới tất cả mọi người. Nhiều người từ chối. Một số người đã quỳ xuống múc nước mà uống. Ngài lại còn nhìn thấy được cả linh hồn của họ nữa, cũng chiếu sáng rạng rỡ như dòng nước hằng sống. Động lòng thương xót những người từ chối không uống nước hằng sống, nên ngài la thật to, kêu gọi họ hãy múc nước mà uống. Nhưng chẳng ai chịu nghe! Rồi ngài mới hỏi Chúa Giêsu: “Lạy Chúa, những người hạnh phúc được uống nước hằng sống đó là ai vậy?” “Họ là những linh hồn có ân sủng của Thiên Chúa ngự trị để làm theo Thánh Ý Ngài” Chúa trả lời.

Thế rồi Chúa lại phán: “Hãy theo ta!” Và trong một thoáng, họ đã đứng ở bên ngoài cửa thiên đàng. Nhìn vào thiên đàng, cửa đóng kín. Nhìn xuống thế gian, ở xa xa phía dưới. Tại đây, vị tu sĩ có thể nhìn thấy tất cả các quốc gia, các thành phố, và tất cả những người, những linh hồn mà dòng sông ân sủng chảy qua. Chỗ ít chỗ nhiều, ở đâu có dòng sông ân sủng chảy qua đều chiếu rọi sáng ngời, rực rỡ và lấp lánh như những vì sao sáng giữa thế gian u tối. Đôi khi ngài nhìn thấy một vài vì sao lạc bay đi mất. Thỉnh thoảng ngài lại vui mừng nhìn thấy một nhóm ngôi sao mới thình lình chiếu sáng lung linh. Chúa bèn nói: “Đây là Vương Quốc của Thiên Chúa đến trên trái đất.” Còn vị tu sĩ chỉ muốn chiêm ngắm mãi mãi cảnh tượng này mà thôi!

Rồi Chúa lại phán: “Cassianus ơi, bây giờ con sẽ chọn cho chính con. Con có thể đi thẳng vào thiên đàng qua cửa này, hay con có thể trở về trái đất thêm 7 năm nữa để làm việc và cầu nguyện cho Vương Quốc Thiên Chúa. Con chọn đàng nào?” Vị tu sĩ bèn quỳ xuống chân Chúa mà thưa: “Lạy Chúa, hãy để con trở về trái đất thêm 7 năm nữa.” Sau đó, ngài liền tỉnh táo ra khỏi cơn xuất thần, tiếp tục làm việc và cầu nguyện để đưa người ta trở về với vinh quang của Vương Quốc Thiên Chúa. Đồng thời kinh cầu nguyện ưa thích nhất của ngài là kinh “Lạy Cha”, và bất cứ khi nào đọc đến chỗ “nước Cha trị đến”, ngài liền ngừng lại và đọc rất chậm, đọc đi đọc lại hằng giờ mới thôi. Sau 7 năm, ngài đã qua đời trong khi miệng vẫn không ngừng cầu xin cho “nước Cha trị đến.”

Thiên Chúa mời gọi tất cả chúng ta phải cộng tác với Ngài trong việc phát triển hạt giống ân sủng nơi các tâm hồn, mở mang Vương Quốc Thiên Chúa, cho đến ngày hoàn tất. Vì thế, cũng theo William Barclay đề nghị, thái độ của chúng ta trong khi chờ đợi ngày hoàn tất, ngày thu gặt mùa, và ngày phán xét phải là kiên nhẫn và hy vọng:

Thái độ của chúng ta trong khi chờ đợi ngày mùa gặt phải là kiên nhẫn (Mt 24:12). Chúng ta là những tạo vật sống bám víu vào từng giây phút hiện tại mong manh. Cách chúng ta suy nghĩ rất hẹp hòi và giới hạn là điều không thể tránh được. Còn Thiên Chúa hằng sống, Ngài có sự vĩnh cửu trong các công việc của Ngài. Thánh Vịnh 90: 4 dạy ra rằng: “Ngàn năm Chúa kể là gì, tựa hôm qua đã qua đi mất rồi, khác nào một trống canh thôi!” Thay vì sự nôn nóng, bồn chồn và vội vàng của bản tính nhân loại, chúng ta nên vun trồng và tập luyện sự kiên nhẫn trong tâm hồn.

Thái độ của chúng ta trong khi chờ đợi ngày mùa gặt phải là hy vọng (Rm 15:13). Ngày nay chúng ta đang sống trong một bầu khí của tuyệt vọng. Người ta tuyệt vọng với Giáo Hội, với thế giới. Rùng mình mà nghĩ đến mối đe dọa ở tương lai. Giữa những cuộc chiến tranh ở thế kỷ 20, Sir Philip Gibbs đã viết một cuốn sách trong đó ông nhìn thấy trước một cuộc chiến tranh hơi độc có thể xảy ra. Ông đã viết như sau: “Nếu ngửi thấy mùi hơi độc trên đường High Street, Kensington, tôi sẽ không đeo mặt nạ vào. Tôi sẽ ra ngoài đường, hít hơi độc vào thật sâu, bởi vì tôi sẽ biết rằng trò chơi xong rồi.” Đối với nhiều người, họ cảm thấy rằng trò chơi xong rồi. Nhưng hôm nay, qua dụ ngôn hạt cải nói về Vương Quốc của Thiên Chúa, không ai được phép nghĩ như vậy. Hãy tin vào Thiên Chúa (Jn 14:1; Dt 11:6).

Thái độ của chúng ta trong khi chờ đợi ngày mùa gặt phải là sẵn Sàng (Mt 24:37). Nếu ngày hoàn tất, Cánh Chung sẽ đến, chúng ta phải sẵn sàng chờ đợi. Đợi cho ngày đó đến chúng ta mới chuẩn bị thì quá trễ. Chúng ta phải luôn luôn sửa soạn sẵn sàng để gặp gỡ Thiên Chúa.

Nếu chúng ta sống trong sự kiên nhẫn sẽ không thể nào bị đánh bại. Nếu chúng ta sống trong hy vọng sẽ không thể nào bị tuyệt vọng. Nếu chúng ta sống trong sự sửa soạn sẵn sàng sẽ nhìn thấy ánh sáng đời đời, như lời Công Đồng Vatican II đã nói: “Vì thế, với ân huệ của Đấng sáng lập, và trong khi trung thành tuân giữ các giới răn bác ái, khiêm nhường và từ bỏ, Giáo Hội đã lãnh nhận sứ mệnh rao truyền và thiết lập Nước Chúa Kitô và Nước Thiên Chúa trong mọi dân tộc; Giáo Hội là mần mống và khai nguyên Nước ấy trên trần gian. Đang lúc từ từ phát triển, Giáo Hội vẫn khát mong Nước ấy hoàn tất và thiết tha hy vọng, mong ước kết hợp với Vua mình trong vinh quang” (Lumen Gentium, đoạn 5).

Về mục lục

.

SỐNG THEO ĐƯỜNG LỐI BÉ NHỎ CỦA CHÚA

NHƯ HẠT GIỐNG BẮT ĐẦU NHỎ BÉ

Lm Trần Bình Trọng

Một trong những đề tài người ta thường gặp trong Thánh kinh là việc Thiên Chúa dùng những người hay sự vật nhỏ bé, hèn mọn để làm những công việc của Chúa.

Dụng cụ Thiên Chúa dùng để thi hành những công việc của Người, không tuỳ thuộc vào khả năng, tài trí và mức độ học vấn của loài người, nhưng là tuỳ thuộc vào quyền năng của Chúa với sự cộng tác của loài người.

Hôm nay Chúa Giêsu dùng dụ ngôn hạt giống (Mc 4:26-29) và hạt cải (Mc 24:30-32) để nói lên sự bành trướng của nước Chúa. Hạt giống nảy mầm và lớn lên thế nào thì người gieo giống không thấy. Tuy nhiên hạt giống vẫn mọc lên. Và sau cùng lớn thành cây và trổ sinh bông trái. Trong dụ ngôn về hạt giống, Chúa Giêsu tự ví mình như người gieo giống. Hạt giống là tượng trưng cho lời Chúa. Mùa gặt có nghĩa là việc nhận lãnh lời Chúa. Trong dụ ngôn này, Chúa muốn dạy ta sự nhẫn nại, chờ đợi và xác tín vào chương trình cứu độ nhiệm mầu của Thiên Chúa.

Dụ ngôn thứ hai trong Phúc âm nói về sự nảy nở và tăng trưởng của cây cải. Hạt cải chỉ là hạt giống rất nhỏ bé. Tuy nhiên khi lớn thành cây, chim trời có thể đến núp bóng. Trong ngụ ngôn về hạt cải, Chúa Giêsu muốn nói về sự thiết lập nước Chúa ở trần gian với con số rất nhỏ bé là mười hai tông đồ. Còn chính đời sống của Chúa cũng bắt đầu bằng những việc tầm thường nhỏ bé. Chúa chọn sinh ra trong hang bò lừa. Mẹ Chúa là bà Maria nội trợ. Cha nuôi Chúa là bác thợ mộc Giuse, đơn sơ chất phác. Tại sao Chúa lại không chọn những triết gia lỗi lạc trong đế quốc La mã hay những nhà hùng biệc Hy lạp để làm môn đệ? Phải chăng đó cũng là đường lối nhiệm màu của Chúa, khác với đường lối loài người. Vậy đặc tính của nước Chúa ở trần gian là bắt đầu bằng những việc nhỏ bé. Đặc tính thứ hai của nước Chúa là phát triển cách từ từ tiệm tiến. Nước Chúa đã được ngôn sứ Ê-dê-ki-en tiên báo cả hơn bốn trăm năm trước kỉ nguyên, khi nói về một chồi non từ ngọn cây hương bá, được trồng trên đỉnh núi cao, trổ sinh cành lá và hoa trái, khiến muông chim trời đến nấp bóng (Ed 17:22-23).

Trải qua suốt dòng lịch sử Thiên Chúa giáo, Giáo hội vẫn tồn tại và phát triển mặc dầu với những cuộc bách đạo gắt gao trên khắp thế giới. Sử gia Tertulianô viết: Máu các thánh tủ đạo là hạt giống gieo vãi đức tin. Máu của hơn một trăm ngàn các vị tử đạo Việt Nam, trong đó có một trăm mười tám vị đã được phong thánh là hạt giống gieo vãi đức tin vào Giáo hội quê hương. Như vậy Giáo hội hay nước Thiên Chúa ở trần gian có thể ví như một cánh đồng trăm hoa đua nở dưới muôn vàn mầu sắc. Giáo hội giang tay ôm nhận tất cả mọi người thuộc mọi chủng tộc, mầu da, văn hoá và ngôn ngữ. Giáo hội gồm người da trắng, da vàng, da đen, da đỏ, da sạm. Giáo hội gồm đàn ông, đàn bà, già trẻ, lớn bé. Đến công trường thánh Phêrô người ta sẽ thấy hình ảnh này rõ rệt và cụ thể. Hai vòng bán nguyệt gồm nhiều hàng cột đồ sộ bao quanh công trường thánh Phêrô giồng như hai cánh tay của Giáo hội mẹ giang ra đón nhận con cái qui tụ về từ khắp tứ phương thiên hạ.

Nước Thiên Chúa phải được tăng trưởng về cả hai phương diện: về lượng và phẩm. Mỗi khi người ta thấy có người lãnh nhận đức tin qua bí Bích tích Rửa tội, là nước Chúa được tăng trưởng về con số. Tuy nhiên nhiều khi người ta quá chú tâm về con số, mà quên đi phẩm chất của nước Chúa.

Hôm nay ta cần xét xem nước Thiên Chúa có ở trong tâm hồn và đời sống của người theo đạo Chúa hay không? Người công giáo có thể khoe các thứ chứng chỉ trong đạo như chứng chỉ Rửa tội, Rước lễ lần đầu, Thêm sức, Hôn phối.. nhưng chưa chắc người ta có trưởng thành về đức tin chưa? Nước Thiên Chúa ở trong tâm hồn người có đạo khi người ta thực sự sống đức tin hay sống đạo – đạo hàng dọc và đạo hàng ngang – khi người ta tôn thờ Chúa và thể hiện đức ái ra bằng lời nói và việc làm. Nói tóm lại, nước Thiên Chúa phải ở trong tâm hồn và đời sống người có đạo, khi người ta biết đem đạo vào đời, thay vì đem đời vào đạo.

Lời cầu nguyện xin cho nước Chúa trị đến:

Lạy Con Thiên Chúa làm người.

Chúa đến thiết lập nước Chúa,

không phải ở trần gian,

mà được cụ thể trong Giáo hội trần thế.

Xin dạy con biết làm việc để mở mang nước Chúa.

Và xin cho nước Chúa được trị đến trong tâm hồn con. Amen.

Về mục lục

.

GIÁ TRỊ CỦA NHỮNG VIỆC NHỎ

Lm. Louis Kim Nguyễn

Hạt nhân nguyên tử có sức công phá khủng khiếp; vi trùng nhỏ bé lại là nguyên nhân gây ra bệnh tật cho con người; chỉ một hạt cát nhỏ nếu rơi vào mắt sẽ làm xốn xang, khó chịu…

là những thí dụ  đơn giản giúp chúng ta ý thức được những giá trị không thể kể hết của những gì vốn thường hay được coi là nhỏ bé và âm thầm trong cuộc sống thường ngày.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, để quảng diễn những giá trị siêu việt và phổ quát của Nước Trời, Đức Giêsu cũng sử dụng những hình  ảnh rất bình thường như hạt giống nhỏ bé được gieo vào lòng đất, âm thầm mọc lên, rồi sinh hoa kết trái. Nhỏ bé và âm thầm nhưng với thời gian, chúng để lại những hiệu quả không còn là nhỏ bé và âm thầm nữa.

Suy niệm Lời Chúa hôm nay sẽ giúp chúng ta thấy mình được mời gọi để nhận ra được những giá trị thật của những gì vốn rất bình thường, nhỏ bé. Thật thế, chúng ta cần tái khám phá ra những giá trị của chúng và sử dụng chúng để xây dựng Nước Thiên Chúa ngay trong cuộc sống hiện tại.

Nói như thế là vì thông thường chúng ta hay quá chú trọng đến những gì gọi là vĩ mô, những kế hoạch to lớn nhưng lại thường quên, hay bỏ sót không chú trọng đến những gì là vi mô, đơn giản, âm thầm.

Thử xét xem chúng ta sẽ thấy: những đức tính nhân bản tốt lành như nhân, tín, lễ, nghĩa… mà chúng ta đang có vốn đã được Cha Mẹ, Thầy Cô dày công dạy bảo, giúp uốn nắn khi chúng ta còn bé. Chính những uốn nắn, sửa bảo thời xa xưa  ấy  đã giúp hình thành nên những nhân cách tốt đẹp sau này.

Những buổi  đọc kinh tối chung trong gia  đình, những câu kinh căn bản được Cha Mẹ chỉ dạy,  hướng dẫn cách cầu nguyện, sau này sẽ hình thành nên những thói quen đạo đức tốt lành trong hành trình sống đạo của chúng ta.

Những chân lý từ Tin Mừng được tiếp thu qua các lớp giáo lý căn bản, vỡ lòng khi còn niên thiếu, sẽ theo chúng ta qua năm tháng  để rồi sau này sẽ  được áp dụng trong cuộc sống giúp chúng ta trở thành những Kitô hữu tốt.

Có thể nói Cha Mẹ, Thầy Cô, và những người có trách nhiệm đã âm thầm gieo hạt giống Nước Trời vào trong tâm hồn chúng ta. Theo năm tháng chúng hình thành, được lưu lại trong tâm hồn và rồi sinh ra những hiệu quả tốt, tích cực trong các mối quan hệ xã hội và sống đạo của chúng ta.

Hôm nay chúng ta được mời gọi nhận thức lại những hướng dẫn tưởng như bình thường  ấy và thực hành chúng trong cuộc sống hằng ngày. Đây là lúc chúng ta chuyển giao đức tin cho các thế hệ tương lai, và chúng sẽ  được thể hiện qua những lời khuyên bảo ân cần; những tấm gương sáng bằng những hành  động tốt, cụ thể.

Khi ý thức thực hiện những công việc này, chúng ta như những người đang gieo giống, đang xây dựng và làm hình thành Nước Trời ngay trong cuộc sống tại thế này bởi Nước Trời không  ở  đâu xa. Nước Trời  ở ngay trong gia đình, trong xã hội, trong cộng đoàn của chính mình.

Chúng ta được mời gọi bởi Lời Chúa, qua dụ ngôn người gieo giống âm thầm, qua hạt giống nhỏ bé như hạt cải… tượng trưng cho những việc tốt nhỏ được âm thầm thực hiện hằng ngày. Những việc tốt nhỏ nhưng được làm với tâm hồn không nhỏ để làm gương sáng và  để trở nên những nhân tố tích cực trong việc xây dựng Nước Trời trong lòng xã hội và thế giới này, một Nước Trời phổ quát và rộng lớn, không biên giới.

Thiên Chúa mời gọi chúng ta xây dựng Nước Trời bằng việc âm thầm làm chứng và làm gương sáng về đức tin qua cuộc sống hằng ngày. Hãy làm những hành động nhỏ nhặt nhất, nhỏ nhặt nhưng với một tinh thần và ý thức lớn lao. Những việc ấy sẽ có tác dụng và để lại những  ảnh hưởng tích cực  đến môi trường sống, đến cộng đoàn.

Đức Giêsu đã gửi đến cho chúng ta một định hướng rõ ràng: không nên coi thường giá trị của những sự việc, hành  động nhỏ bé. Và chính qua qua việc thực hiện những gì tưởng như là bình thường, đơn  điệu ấy Nước Trời đang thực sự hiện diện và lớn lên giữa chúng ta.

Về mục lục

.

ĐỪNG NẢN CHÍ MÀ NGỪNG GIEO VÃI HẠT GIỐNG LỜI CHÚA

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu

Một người có cái nhìn bi quan về Hội Thánh

chắc sẽ tìm được nhiều dữ kiện để chứng minh.

Tại một số nước phương Tây, có nhiều nhà thờ vắng người,

chủng viện thiếu chủng sinh, tập viện tạm đóng cửa.

Kitô hữu càng lúc càng chiếm tỉ lệ nhỏ

trong tổng số dân trên thế giới.

Có những khủng hoảng đức tin trong giới trẻ.

Người ta tự hỏi Hội Thánh đã lỗi thời chưa.

Có cần phải tin vào Ðức Kitô nữa không?

Vào thời thánh Máccô viết sách Tin Mừng,

cũng có những Kitô hữu bi quan về Hội Thánh.

Hội Thánh ở Rôma chỉ là một thiểu số nhỏ nhoi

chịu bách hại dưới ách của bạo chúa Nêrô.

Liệu Hội Thánh có tồn tại và phát triển không

dưới sức mạnh hùng hậu của đế quốc?

Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta niềm lạc quan.

Ðó là hai dụ ngôn về Nước Thiên Chúa,

cũng là hai dụ ngôn về hạt giống.

Trong dụ ngôn thứ nhất, hạt giống được gieo xuống đất

là bắt đầu nảy mầm và lớn lên,

theo một tiến trình không gì ngăn cản nổi.

Trước hết mọc lên thành cây lúa, rồi trổ đòng đòng

và sau cùng thành bông lúa trĩu hạt.

Tự nó, hạt giống mang một sức sống mạnh mẽ.

Nó lớn lên cả đêm lẫn ngày,

chẳng cần con người can thiệp.

Có cái gì mầu nhiệm trong sự tăng trưởng này

khiến chính người gieo cũng không sao hiểu nổi.

Một cách âm thầm, chậm rãi nhưng vững vàng,

hạt lúa đạt đến kết quả mỹ mãn.

Dụ ngôn thứ hai lại cho thấy một sự tương phản.

Nước Thiên Chúa như một hạt cải nhỏ xíu,

vậy mà theo thời gian, nó mọc lên thành cây,

và cây này lớn hơn mọi thứ cây cỏ khác.

Hạt bé nhất lại cho cây lớn nhất.

Nước Trời khởi đầu bằng Ðức Giêsu

và một nhóm nhỏ môn đệ làm nghề chài lưới.

Sau hai mươi thế kỷ,

Kitô giáo đã lan khắp thế giới, đến với mọi dân tộc.

Tuy nhiên, Nước Trời chỉ đến trọn vẹn vào ngày cánh chung.

Thái độ ta phải có là kiên nhẫn chờ đợi.

Hạt giống nào cũng phải vùi sâu dưới đất,

và phải đương đầu với những khó khăn khi thành cây.

Có lúc ta thấy nó như bị chững lại hay suy thoái.

Có lúc ta sợ nó không đứng vững trước bão bùng.

Ðây là lúc ta phải sống niềm tin:

tin rằng Thiên Chúa sẽ đưa Nước Ngài đến thành tựu,

bất chấp những khiếm khuyết và cản trở của con người.

Ðừng nản chí mà ngừng gieo vãi hạt giống Lời Chúa,

dù nhiều khi chúng ta không thấy hạt giống lớn lên.

 

Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,

xin thương nhìn đến Hội Thánh

là đàn chiên của Chúa.

Xin ban cho Hội Thánh

sự hiệp nhất và yêu thương,

để làm chứng cho Chúa

giữa một thế giới đầy chia rẽ.

Xin cho Hội Thánh

không ngừng lớn lên như hạt lúa.

Xin đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước,

đừng để dễ dãi làm chúng con ngủ quên.

Ước gì Hội Thánh trở nên men

được vùi sâu trong khối bột loài người

để bột được dậy lên và trở nên tấm bánh.

Ước gì Hội Thánh thành cây to bóng rợp

để chim trời muôn phương rủ nhau đến làm tổ.

Xin cho Hội Thánh

trở nên bàn tiệc của mọi dân nước,

nơi mọi người được hưởng niềm vui và tự do.

Cuối cùng xin cho chúng con

biết xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời,

nhưng vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh.

Ước gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian,

nhân loại nhận ra Nước Trời ở gần bên. Amen.

Về mục lục

.

KỸ NĂNG SỐNG

Trầm Thiên Thu

Sinh ra làm người, ai cũng như ai – có cái vốn “nhân chi sơ tính bổn thiện”, còn mọi thứ đều phải nhờ người khác, cụ thể cha mẹ. Theo thời gian, dần dần người ta học được nhiều điều khác, từ những gì đơn giản nhất: “Học ĂN, học NÓI, học GÓI, học MỞ”.

Học từ trường gia đình, rồi trường học và trường đời. Tất cả đều giúp tích lũy kinh nghiệm để tự rút ra kỹ năng sống. Bản năng sinh tồn ai cũng được thiên phú, nhưng nó có thể trở nên tốt hoặc xấu – tự ái hoặc nhịn nhục, vấn đề là sống theo bản năng nhưng có bản lĩnh hay không, hơn nhau là thế: Bản Năng là BỘC LỘ cơn nóng giận, Bản Lĩnh là KIỀM CHẾ cơn nóng giận.

Cái gì cũng phải học, học đến chết chưa hết, và cái gì cũng cần kỹ năng – đặc biệt là sống cho nên người. Kỹ năng sống là tập hợp các hành vi tích cực và khả năng thích nghi để đối phó hiệu quả với các nhu cầu và thách thức trong cuộc sống hằng ngày. Nói cách khác, đó là khả năng tâm lý xã hội. Sống là tập hợp các kỹ năng tiếp thu qua giáo dục, qua việc trải nghiệm trực tiếp hoặc gián tiếp, biết cách xử lý các vấn đề một cách khôn ngoan. Kỹ năng sống có chức năng đem lại hạnh phúc và hỗ trợ thành người tích cực, hữu ích trước tiên cho chính mình, sau là cho gia đình, xã hội và Giáo Hội.

Có các quan niệm khác nhau về kỹ năng sống. Theo Tổ chức UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc), “Kỹ năng sống là năng lực cá nhân có thể thực hiện đầy đủ các chức năng và tham gia vào cuộc sống hằng ngày”. Theo WHO (Tổ chức Y Tế Thế Giới), “Kỹ năng sống là khả năng thiết thực mà con người cần để có sống an toàn và khoẻ mạnh. Đó là những kỹ năng mang tính tâm lý xã hội và kỹ năng về giao tiếp được vận dụng trong những tình huống hằng ngày để tương tác một cách hiệu quả với người khác, đồng thời có thể giải quyết hiệu quả các vấn đề, các tình huống trong cuộc sống”. Theo UNICEF (Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc), “Kỹ năng sống bao gồm các kỹ năng cốt lõi: Kỹ năng tự nhận thức, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xác định giá trị, kỹ năng quyết định, kỹ năng kiên định và kỹ năng đạt mục đích”.

Những câu chuyện “răn đời” mang tính giáo dục luân lý khả dĩ giúp người đọc có thêm kỹ năng sống, và người ta gọi đó là dụ ngôn hoặc ngụ ngôn. Dụ ngôn cũng được gọi là ngụ ngôn, hai danh từ này có nghĩa tương đương nhưng cũng có nghĩa khác nhau.

  1. Truyện Ngụ Ngôn (Anh: parable, fable; Pháp: parabole, fable) là một câu chuyện ngắn, đơn giản, bằng văn xuôi hoặc văn vần, mang tính hoang đường, truyền thuyết, hư cấu, “bịa” ra như chuyện phiếm, nhưng vẫn có bài học luân lý, mang tính giáo dục, răn đời; các nhân vật thường là vật hoặc con vật được nhân cách hóa, các nhân vật cũng có thể là người hoặc thần linh.
  2. Truyện Dụ Ngôn (Anh: parable, Pháp: parabole) cũng là một câu chuyện ngắn, đơn giản, bằng văn xuôi, nhưng khác là mang tính bí ẩn, mang tính tục ngữ, đặc biệt là mang chiều kích tâm linh. Chúa Giêsu dùng thể loại này, tức là Ngài dùng thể loại “dụ ngôn” chứ không dùng “ngụ ngôn”.

Kinh Thánh xác nhận: “Ngài không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn” (Mt 13:34; Mc 4:34). Trong các Phúc Âm nhất lãm có khoảng 35 dụ ngôn. Chúa Giêsu sử dụng dụ ngôn để minh họa chân lý, dùng hình ảnh dưới thế nhưng mang ý nghĩa trên trời. Ngài ưa dùng dụ ngôn, có lẽ vì loại văn này độc đáo và thú vị.

Một lần nọ, các môn đệ cảm thấy lạ nên hỏi Thầy Giêsu: “Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ?” (Mt 13:10). Ngài trả lời: “Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không. Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất. Bởi thế, nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu. Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ I-sai-a: Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy; vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành” (Mt 13:11-15; x. Mc 4:10-12 và Lc 8:9-10). Cách trả lời cũng rất lạ.

Nói là nói vậy, nhưng khi chỉ có Thầy trò với nhau, Ngài lại giải thích hết cho các môn đệ hiểu. Ngài nói rằng việc sử dụng các dụ ngôn có hai mục đích: MẶC KHẢI SỰ THẬT cho những người MUỐN BIẾT và che giấu sự thật đối với những người dửng dưng, không quan tâm. Nhóm Pha-ri-sêu đã công khai khước từ Đấng Mê-si-a và phỉ báng Chúa Thánh Thần, nghĩa là họ phạm loại tội nặng nhất – không được tha ở đời này và đời sau (Mt 12:22-32). Điều đó ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a nói về những người cứng lòng, đui mù và câm điếc: “Hãy đi nói với dân này rằng: Cứ nghe cho rõ nhưng đừng hiểu, cứ nhìn thật kỹ nhưng đừng nhận ra. Hãy làm cho lòng dân này ra đần độn, cho tai nó điếc, cho mắt nó mù; kẻo mắt nó thấy, tai nó nghe và lòng nó hiểu, mà nó trở lại và được chữa lành” (Is 6:9-10). Đối với những người cố chấp, dốt mà hợm hĩnh, ngu mà chảnh chọe, người ta thường mỉa mai rằng “thà nói với đầu gối còn hơn”.

Hầu như sau mỗi lần dùng dụ ngôn, Chúa Giêsu thường nói: “Ai có tai nghe thì nghe” (Mc 4:9; Mc 4:23; Mc 7:16; Lc 8:8; Lc 14:35). Đó là cách mời gọi lắng nghe dụ ngôn, không chỉ nghe chuyện đời thường mà là tìm kiếm sự thật của Thiên Chúa. Ngài ban cho mỗi người phần bằng nhau: HAI TAI và MỘT MIỆNG – tức là phải biết NGHE nhiều hơn NÓI. Ngoài ra còn hai mắt, hai chân, hai tay, và chỉ một bộ óc –  nhìn nhiều, đi nhiều, làm nhiều, nhưng phải suy nghĩ chín chắn chứ không được mưu mô lươn lẹo. Độc đáo lắm!

Từ ngàn xưa, Thiên Chúa đã phán hứa: “Từ ngọn cây, từ ngọn hương bá cao chót vót, Ta sẽ lấy, sẽ ngắt một chồi non; chính Ta sẽ trồng nó trên đỉnh núi cao vòi vọi. Ta sẽ trồng nó trên núi cao của Ít-ra-en. Nó sẽ trổ cành và kết trái thành một cây hương bá huy hoàng. Muông chim đến nương mình bên nó, và ẩn thân dưới bóng lá cành. Tất cả cây cối ngoài đồng ruộng sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa. Ta hạ thấp cây cao và nâng cao cây thấp, Ta làm cho cây xanh tươi phải khô héo và cây khô héo được xanh tươi. Chính Ta là Đức Chúa, TA ĐÃ PHÁN LÀ TA THỰC HIỆN”(Ed 17:22-24). Trong đó có “hình bóng” của dụ ngôn thời Tân Ước mà Chúa Giêsu sử dụng để nói về Nước Trời. Đó là một lời hứa, nhưng là lời hứa đang ứng nghiệm trong “Thời Cánh Chung” – thời cuối cùng, thời chúng ta đang sống.

Thật hạnh phúc khi được Thiên Chúa thề hứa, bởi vì lời hứa đó chắc chắn ứng nghiệm và hiện thực, chứ không như lời hứa của phàm nhân – những kẻ mang họ “hứa” và liên quan dòng máu của lão Cuội già. Thánh Vịnh gia đã tâm nguyện: “Thú vị thay được TẠ ƠN Chúa, được MỪNG HÁT danh Ngài, lạy Đấng Tối Cao, được TUYÊN XƯNG tình thương của Ngài từ buổi sớm, và lòng thành tín của Ngài suốt canh khuya” (Tv 92:2-3). Tạ ơn và xưng tụng Thiên Chúa là trách nhiệm của mọi phàm nhân, mệnh danh là “sinh vật cao cấp” được Ngài tạo dựng vì yêu quý và thương xót một cách vô điều kiện.

Sử dụng lối so sánh cụ thể và dễ hiểu, Thánh Vịnh gia nói: “Người công chính vươn lên tựa cây dừa tươi tốt, lớn mạnh như hương bá Li-băng được trồng nơi nhà Chúa, mơn mởn giữa khuôn viên đền thánh Chúa ta; già cỗi rồi, vẫn sinh hoa kết quả, tràn đầy nhựa sống, cành lá xanh rờn, để loan truyền rằng: Chúa thực là ngay thẳng, là núi đá cho tôi ẩn náu, nơi Người chẳng có chút bất công” (Tv 92:13-16). Màu xanh thiên nhiên cho thấy sức sống dồi dào của cảnh vật, đó là nhờ bám rễ sâu vào lòng đất để hút các dưỡng chất; tương tự, con người sẽ thanh thản và bình an phát triển nhờ hồng ân Thiên Chúa, mãi mãi không tàn úa, nếu biết bám chặt vào Thiên Chúa.

Rất thanh thản, Thánh Phaolô bộc bạch: “Chúng tôi luôn mạnh dạn, và chúng tôi biết rằng: ở lại trong thân xác này là lưu lạc xa Chúa, vì chúng ta tiến bước NHỜ LÒNG TIN chứ không phải NHỜ ĐƯỢC THẤY CHÚA. Vậy, chúng tôi luôn mạnh dạn, và điều chúng tôi thích hơn, đó là lìa bỏ thân xác để được ở bên Chúa” (2 Cr 5:6-8). Đức tin thực sự rất cần thiết, cần hơn việc “được thấy Chúa”. Thế nhưng, nhiều người vẫn “đua nhau” tìm kiếm “sự lạ” ở nơi này hoặc nơi kia, trong khi bí tích Thánh Thể là phép lạ vĩ đại nhất, hằng ngày vẫn xảy ra tại các nhà thờ hoặc nhà nguyện ở khắp nơi trên thế giới, thế thì còn tìm điều gì lạ ở nơi nào? Hiếu kỳ có khi cần thiết, nhưng có khi lại hóa ra bất lợi!

Như một cách xác định, Thánh Phaolô cho biết thêm: “Nhưng, dù còn ở trong thân xác hoặc đã lìa bỏ thân xác, chúng tôi chỉ có một tham vọng là LÀM ĐẸP LÒNG NGƯỜI. Vì tất cả chúng ta đều phải được đưa ra ánh sáng, trước toà Đức Kitô, để mỗi người lãnh nhận những gì TƯƠNG XỨNG với các việc TỐT hay XẤU đã làm, khi còn ở trong thân xác” (2 Cr 5:9-10). Đó là một dạng Nhân – Quả. Thánh Ý Thiên Chúa có lẽ không phức tạp như chúng ta tưởng, bởi vì Ý Chúa là bổn phận của chúng ta ngay trong thời điểm hiện tại, dù chúng ta ở nơi này hoặc nơi khác. Làm tròn bổn phận và trách nhiệm của mình là “thi hành Ý Chúa”, là làm đẹp lòng Ngài. Đơn giản mà lại không dễ thi hành trọn vẹn!

Với ngụ ý đề cập Nước Trời, Chúa Giêsu sử dụng dụ ngôn “Hạt Giống Tự Mọc Lên” trong trình thuật Mc 4:26-34. Ngài cho biết: “Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, người ấy không biết. Đất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. Lúa vừa chín, người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa”. Cái mà chúng ta gọi là “tự động” hoặc “tự nhiên” thì thật ra chính là ý Chúa quan phòng và tiền định. Không ai thấy Nước Trời, nhưng Nước Trời vẫn lớn dần trong mỗi chúng ta và trong xã hội này. Đơn giản và thực tế như chính phủ, chẳng ai thấy chính phủ và chẳng ai là chính phủ, nhưng chính phủ vẫn tồn tại trong đất nước và nhân dân.

Sau khi nói chuyện dụ ngôn, Ngài đặt vấn đề: “Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được? Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng”. Ngài muốn dùng cách nói cụ thể để ai cũng có thể hiểu, tất nhiên còn tùy theo mức độ NGHE và HIỂU của mỗi người – nhưng phải hiểu đúng chứ không được hiểu theo ý muốn của mình để tự thỏa mãn.

Cách đọc và hiểu ý Chúa qua Kinh Thánh cũng dễ mà cũng khó. Thật vậy, có lẽ dụ ngôn “Người Gieo Giống” (Mt 13:18-23; Mc 4:13-20; Lc 8:11-15) là dụ ngôn duy nhất được Chúa Giêsu giải thích cặn kẽ, tỉ mỉ. Để hiểu các dụ ngôn khác, có thể lưu ý ba điều cần thiết này:

  1. XÁC ĐỊNH TÂM LINH – Chúa Giêsu thường giới thiệu một dụ ngôn bằng cách nói “Nước Trời ví như…” hoặc “giống như…” (đề cập 7 lần trong chương 13, Phúc Âm theo Thánh Mát-thêu). Trong dụ ngôn “Người Pha-ri-sêu và Người Thu Thuế”, Thánh sử Luca cho biết: “Đức Giêsu còn kể dụ ngôn sau đây với một số người TỰ HÀO cho mình là công chính mà KHINH CHÊ người khác…” (Lc 18:9).
  2. PHÂN ĐỊNH “CHÍNH – PHỤ – Nói cách khác, không phải các chi tiết của dụ ngôn đều có ý nghĩa sâu sắc. Một số chi tiết chỉ làm cho câu chuyện thực tế hơn. Chẳng hạn, theo cách giải thích của Chúa Giêsu về dụ ngôn “Người Gieo Giống”, Ngài không bình luận về bốn loại đất khác nhau. Chi tiết “bốn loại” chỉ là chi tiết phụ đối với toàn bộ dụ ngôn này.
  3. SO SÁNH KINH THÁNH – So sánh Kinh Thánh với Kinh Thánh là quy luật chú giải vô giá khi tìm hiểu các dụ ngôn. Các dụ ngôn của Chúa Giêsu không bao giờ mâu thuẫn với Lời Chúa (Kinh Thánh), bởi vì Ngài đã xác nhận: “Không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, truyền lệnh cho tôi phải nói gì, tuyên bố gì” (Ga 12:49). Các dụ ngôn minh họa giáo lý, và các giáo huấn của Chúa Giêsu luôn rõ ràng, mạch lạc, chính xác.

Trong sách Châm Ngôn, chúng ta thấy có những điều tương tự. Thánh vương Sa-lô-môn đã dùng tỷ giảo cách (phương pháp so sánh) để dạy về sự thật, đặc biệt về tính tương đương điển hình, sinh ra một “dụ ngôn đơn giản”. Chẳng hạn: “Cơn thịnh nộ của vua như tiếng gầm sư tử, kẻ làm vua nổi giận là làm hại chính mình” (Cn 20:2). Tiếng gầm của sư tử được “ví như” cơn giận của nhà vua với mục đích là so sánh. Cách so sánh là cách giúp người ta dễ hiểu vấn đề nào đó. Văn so sánh là đặc ngữ trong các dụ ngôn – ngụ ngôn không có dạng này.

Liên quan kỹ năng sống, tác giả Dale Carnegie (1888-1955) đã thẳng thắn đề cập trong cuốn “Đắc Nhân Tâm” (How to Win Friends and Influence People, năm 1936) về sự thật phũ phàng này: “Any fool can CRITICIZE, CONDEMN and COMPLAIN – and most fools do” (Bất cứ kẻ ngu dốt nào cũng có thể CHỈ TRÍCH, CHÊ TRÁCH và CẰN NHẰN – và đa số những kẻ ngu xuẩn đều làm như vậy).

Ba mẫu tự C kỳ diệu: CRITICIZE, CONDEMN, COMPLAIN – CHỈ TRÍCH, CHÊ TRÁCH, CẰN NHẰN.

Lạy Thiên Chúa là nguồn cội mọi sự, xin ban cho chúng con trí thông minh để hiểu và sự khôn ngoan để thực hành các huấn lệnh Ngài đã truyền ban qua các dụ ngôn, và xin giúp chúng con can đảm biến đổi theo Thánh Ý Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.

Về mục lục

.

VƯƠNG QUỐC THIÊN CHÚA LỚN MẠNH TỪ TỪ

Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh 

Cây cỏ hoa lá mọc lên, lớn mạnh từ từ mà chúng ta không hay biết. Sự lớn mạnh này được diễn tả trong 3 bài đọc của Chúa Nhật này (Ed 17:22-24; Tv 92; Mc 4:26-34). Vương quốc Thiên Chúa lớn mạnh giữa chúng ta cũng giống như hình ảnh cây cỏ.  

Bài đọc sách Ezekiel (17:22-24) là một phần của dụ ngôn lấy trong cảnh thiên nhiên với những nhận xét cụ thể. Ezekiel đã nói về một tương lại xứ Juda như một lời hứa trong khung cảnh lịch sử của nó. Vì hoàn cảnh lưu đầy của dân Israel, Ezekiel biết rằng Thiên Chúa đã làm những điều bất ngờ như hạ cây cao xuống thấp, mang cây thấp cao lên. Cây hương nam ám chỉ vua xứ Juda và những cây khác là vua những nước lân cận. Thiên Chúa lấy một trồi non ở đỉnh cây hương nam đem trồng lên đỉnh núi Zion ở Jerusalem là. ám chỉ vị vua sau cùng tức đấng thiên sai sẽ từ nhà David mà ra. Vua này sẽ lên ngôi ở Jerusalem, đỉnh cao của núi cao nhất của Israel (2Sm 7:13). Nhiều quốc gia khác sẽ đến thuần phục tân vương quốc này.

Thiên Chúa của Israel luôn luôn làm những điều bất ngờ như biến cây cao thành thấp, cây thấp thành cao. Thiên Chúa còn làm cho sa mạc thành nơi xanh tươi trù phú hoa lá xum xoe, những thứ đang xanh tươi thành héo tàn (Ed 17:24). Thiên Chúa biến cải những tâm hồn thất vọng thành tràn trề hy vọng. Niềm hy vọng của Israel mà tiên tri Ezekiel nói  đến cũng có thể áp dụng cho chúng ta ngày nay. Triều đại David đã qua đi, nhưng hy vọng của David sẽ được ứng nghiệm hiển nhiên không ai ngờ !

Chúng ta tin rằng Vương Quốc Thiên Chúa thực sự sẽ xuất hiện nơi Đức Giesu thành Nazareth, con của Abraham và David, đấng đã đến để thiết lập một vương quốc giữa chúng ta. Vương quốc này phát triển một cách huyền diệu và trầm lặng không do  sức mạnh của loài người. Tiên tri Ezekiel thúc dục chúng ta phải kiên quyết trung thành với Thiên Chúa, ngay cả những khi sự phát triển bị khựng lại hay coi như bất khả thi: “Ta là Thiên Chúa, đã phán và sẽ hành động”(Ed 17:24).

NGƯỜI CÔNG CHÍNH LỚN MẠNH NHƯ CÂY BÁCH TÙNG

Thánh vịnh 92 là lời cầu xin Thiên Chúa quan phòng. Hai hình ảnh nổi bật của thánh vịnh này là cây bách tùng và cây vạn tuế. Cây vạn tuế có thể sinh hoa trái nhưng lại không có sức mạnh bền bỉ như cây bách tùng. Cây bách tùng tuy bền dẽo nhưng lại không sinh hoa trái. Trong kinh thánh, cây vạn tuế và bách tùng là biểu tượng của sức mạnh, sự công chính, lòng ngay thẳng và vẻ đẹp huy hoàng.  Cả hai cây này đều được trồng tự do thoải mái trong Nhà Chúa; chúng bắt rễ rồi lớn mạnh theo luật của Chúa. Cả hai cây đều là gương mẫu cho những ai muốn sống ngay thẳng, công chính trước mặt Thiên Chúa.

QUÊ HƯƠNG TA LÀ THIÊN CHÚA

Thánh Phaolo dựa vào lời tiên tri Ezekiel để nói về màu nhiệm hiệp nhất của chúng ta với sự chết và phục sinh của chúa Kito (2Cr 5:6-10). Ngài cho rằng “sống trong  xác thịt phàm trần là xa lìa Chúa, xa lìa thân xác thì lại được ở trong nhà Chúa.” Đó là do niềm tin của ngài. Sống ở dương thế này là chúng ta bị xa lìa Chúa Kito. “Xa lìa thân xác thì được ở trong nhà Chúa.”  Vì vậy thánh Phaolo thích được chết.

Sinh ký tử qui.  Chúng ta hiện là những kẻ lưu đầy, xa cách quê hương thật của chúng ta. Chúa chính là quê hương xa cách, không nhìn thấy nhưng chúng ta tin (7). Thánh Phaolo quả quyết như vậy bằng cách nói lên sự tương phản giữa giá trị thực trường cửu và những cái mau qua. Ngài cho biết đau khổ hiện tại không phải là những tiêu chuẩn giá trị của người môn đệ, bởi lẽ quê hương thật của những kẻ có niềm tin thì có thật ở một nơi nào đó.

Đối với chúng ta cũng vậy, Thiên Chúa đang dẫn đưa chúng ta hướng về quê hương thật là thiên đàng. Từ quê hương trần thế này chúng ta chuẩn bị cho ngày về thiên quốc. Thiên Quốc luôn luôn kêu gọi chúng ta hướng tới Chúa và bám chặt lấy Người. Sứ điệp của Phaolo cho chúng ta là cuộc sống trần gian chỉ tạm bợ, chúng ta dùng nó để học hỏi và chuẩn bị cho quê hương đích thực là thiên đàng. Sống cuộc sống của Chúa, làm lành lánh dữ chính là dấu chỉ để được  hưởng phúc vĩnh cửu với Người. 

BẢO ĐẢM CÓ MÙA GẶT

Trong bài Phúc Âm người gieo hạt giống hôm nay, chúa Giesu báo trước niềm hy vọng của Ezekiel sẽ được thành tựu, dù một vương quốc còn xa vời hơn là Ezekiel tưởng tượng. Tân vương quốc này không bắt rễ trong thực tế địa dư chính trị nhưng trong tâm của con người. Dụ ngôn này (Mc 4:26-34) liên kết với hai dụ ngôn mà chúa Giesu nói về vương quốc Thiên Chúa. Trong chuyện hạt giống nảy mầm (26-29), Marco làm nổi bật sự tương phản giữa sự thụ động của người nhà nông và bảo đảm có mùa gặt. Người gieo hạt giống chỉ cần làm một điều là ngồi đợi mùa gặt tới và thu hoạch. Thánh Marco chỉ ghi lại chuyện dụ ngôn về sự lớn mạnh của hạt giống (26-29). Người gieo hạt giống và người thợ gặt là một. Điểm cần để ý ở đây là sức mạnh của hạt giống tự nó phát triển không cần con người can thiệp (27). Nhiệm màu là nó thối đi rồi nảy mầm và lớn lên thánh cây và…sinh hoa kết trái (28). Vậy vương quốc Thiên Chúa đã được chúa Giesu khởi xướng khi người tuyên xưng Lời Chúa phát triển âm thầm nhưng đầy uy quyền cho đến khi người thiết lập nó đầy đủ vào giờ phán xét sau cùng. (29). 

HẠT CẢI

Chúa Giesu dùng dụ ngôn hạt cải để nói về những giây phút khởi đầu của vương quốc, được hình dung bằng hạt cải bé nhỏ mà lại sinh ra cây to lớn. Hạt cải thực ra không phải là hạt nhỏ bé nhất và cây nó cũng chỉ là một cây chùm mà thôi. Chúa Giesu dùng hình ảnh đó để cho thấy nước trời sẽ lớn và sinh hoa kết trái dù khởi đầu nó rất nhỏ bé. Hạt giống trong bàn tay chúa Giesu thì nhỏ xíu, đơn giản chẳng có gì là hấp dẫn. Tuy nhiên Vương Quốc Thiên Chúa thì vĩ đại vô cùng.

Từ những hạt giống nhỏ bé này sẽ sinh ra những thành quả vĩ đại của vương quốc Thiên Chúa và của Lời Chúa. Vì mùa gặt tượng trưng cho ngày phán xét sau cùng, cũng giống như dụ ngôn đốt bỏ những gì làm cho vương quốc phát triện chậm, nhất là khi sự phát triển đó bị cản trở vì đánh phá, truy nã, thất bại và tội lỗi. Do đó cần phải nhẫn nại. Chúa Giesu quả quyết với đám đông là sự lớn mạnh sẽ xẩy ra và người nhà nông xuất hiện khi mùa gặt sẵn sàng. Sự lớn mạnh của vương quốc Thiên Chúa là do quyền năng Thiên Chúa không phải chúng ta. Giống như hạt cải nhỏ bé nhưng sinh cây lớn, vương quốc Thiên Chúa cũng phát triển từ bước khởi đầu nhỏ bé.

Chúa dùng hình ảnh sống động của hạt cải để nói về niềm tin. Khi ta có lòng tin thì Thiên Chúa sẽ giúp ta làm được điều phi thường. Khi nào chúng ta dùng kế hoạch và sức mạnh riêng của ta, tự mình “biểu dương Vương quốc Thiên Chúa”, chúng ta sẽ bị thảm bại và đau khổ. Đừng quên rằng chính Chúa mới là người gieo hạt giống và tưới nước. Chúa cũng là người thợ gặt thu lượm mùa màng. Chúng ta chỉ là những người làm trong vườn nho. Hãy cầu xin Chúa chúc phúc cho những ước vọng của chúng ta mà Chúa đã cấy xâu trong tâm chúng ta. Như hạt cải có thể nảy mầm, lớn lên thành cây to chim trời có thể đến trú ngụ. Chớ gì gia đình và cộng đồng tín hữu chúng ta là dấu chỉ của Vương Quốc trong đó mỗi thành viên chúng ta đều được bảo vệ, kính nể và yêu thương.   

LỜI KẾT: GIÁO HỘI PHÁT TRIỂN MẠNH MẼ TRONG THẦM LẶNG

Xin lấy câu trả lời của Biển Đức XVI cho nhà bào phỏng vấn ngài trên chuyến bay đi Madrid, Y Pha Nho dự Đại Hội Giới trẻ Thế Giới 18-8-2011 để làm kết luận cho bài viết. Nhà báo hỏi ĐTC: 

Ngài có bảo đảm kết quả của Đại Hội không? Kết quả của Đại Hội có được lâu dài hơn những giây phút bùng phát và hào hứng nhất thời này không? 

Biển Đức trả lời:

Thiên Chúa luôn luôn gieo hạt giống trong thầm lặng, kết quả sẽ không nhìn thấy ngay tức thì. Hạt giống mà Thiên Chúa rải ra trên đất trong những ngày đại hội giống như hạt giống được nói trong Phúc Âm: Có hạt rơi trên lối đi sẽ bị bước chân người qua lại dẵm nát hoặc chim trời đến ăn, có hạt rơi vào bụi gai sẽ bị khô héo rồi chết đi; có hạt rơi trên sỏi đá cũng không nảy mầm được nhưng có hạt rơi vào đất tốt sẽ nảy mầm, mọc cây xanh tươi và sinh hoa kết trái dồi dào.

Chắc chắn là như vậy không ai có thể chối cãi. Một số lớn sẽ mất đi, vì đó là tính loài người. Xin mượn những lời khác của Chúa: Hạt cải thì nhỏ xíu, nhưng khi nó nảy mầm sẽ thành cây to lớn. Dĩ nhiên sẽ có nhiều hạt giống sẽ hư đi nhưng cũng không thể nói là Giáo Hội sẽ lớn mạnh vô cùng trong ngày mai. Thiên Chúa không hành động như vậy. Tuy nhiên Giáo Hội sẽ lớn mạnh trong thầm lặng nhưng mãnh liệt. Tôi biết rằng từ những đại hội giới trẻ thế giới như vậy đã phát sinh nhiều tình bạn vĩ đại suốt đời, nhiều cảm nghiệm vĩ đại có Thiên Chúa hiện hữu. Hãy tin tưởng vào sự phát triển thầm lặng đó. Chúng ta có thể chắc chắn rằng -dù thống kê không kể ra nhiều- hạt giống do Thiên Chúa gieo sẽ thực sự nảy mầm và, đối với rất nhiều người, nó sẽ là bước khởi đầu để làm bạn với Thiên Chúa và với nhiều người khác, để có những tư tưởng phổ quát, trách nhiệm chung cho thấy những ngày đại hội đó đã thực sự sinh hoa kết trái.”

Về mục lục

.

CHÚA SẼ CHO MỌC LÊN

Lm. I-nha-xi-ô Trần Ngà

Hạt giống được lưu trữ đầy kho

Bộ sách Kinh thánh, đặc biệt là phần Tân ước cùng với rất nhiều giáo huấn của Hội thánh qua các thời đại, là kho tàng hạt giống lớn lao và tốt đẹp mà Thiên Chúa và Hội thánh không ngừng thúc giục chúng ta gieo vãi khắp nơi, chứ đừng ủ kín trong kho.  

Ruộng đất thì bao la bát ngát 

Hiện nay trên toàn thế giới có trên 7 tỉ người mà chỉ có chừng 2,1 tỉ được thống kê là ki-tô hữu. Tuy nhiên, trong những người được mang danh ki-tô hữu này, có được bao nhiêu phần trăm có hạt giống lời Chúa bén rễ trong lòng, và bao nhiêu phần trăm chỉ giữ đạo cách thờ ơ, chưa hề để cho lời Chúa bén rễ vào tâm hồn?

Như thế thì còn rất nhiều “ruộng đất” bị bỏ hoang, chưa được gieo vãi lời Chúa, trong khi hạt giống Lời Chúa thì chất chứa đầy kho! 

Bổn phận chúng ta là gieo vãi hạt  

Trước khi về trời, Chúa Giê-su truyền cho các môn đệ Ngài một mệnh lệnh khẩn thiết: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc, 16,15). 

Vậy thì mỗi người chúng ta là người được Chúa Giê-su sai đi để gieo vãi hạt giống Lời Chúa trên cánh đồng bao la là thế giới rộng lớn này với hơn 7 tỉ người trong đó.  

Hạt giống thì tích trữ đầy kho đang chờ mỗi người chúng ta gieo vãi, nếu các tín hữu không hợp tác, thì những hạt thóc trơ trọi đó chẳng thể nào sinh bông kết hạt được.

Chúa sẽ làm cho hạt giống mọc lên 

Từ trước năm 1533, người dân Việt chúng ta chưa hề biết đến Tin mừng của Chúa Giê-su cũng như chưa từng nghe biết đạo thánh Chúa. Hầu hết dân chúng theo đạo Phật, Nho giáo hoặc thờ cúng ông bà. 

Thế rồi, có những vị giám mục, những linh mục từ tây phương đến truyền đạo tại đất nước chúng ta. Việc gieo vãi hạt giống đức tin vào cánh đồng Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, gian khổ:

-Vua chúa thời đó (Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn, Nhà Tây sơn, các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức) đã ban hành 53 sắc chỉ nhằm khai trừ và tiêu diệt đạo Chúa, trục xuất các nhà thừa sai, nhiều linh mục và giáo dân bị lưu đày, bị tù ngục hay bị hành quyết, nhiều nhà thờ bị đốt phá, nhiều người phải chạy lên rừng ẩn trốn… Các linh mục phải ẩn náu trong những nơi hẻo lánh, chờ đến đêm khuya mới lén lút cử hành thánh lễ hoặc ban các bí tích cho giáo dân. 

-Nhóm Văn thân đã nổi lên đốt phá nhà thờ, giết hại giáo dân. 

-Phần lớn các linh mục ngoại quốc không rành tiếng Việt, phát âm không chuẩn nên gặp nhiều hạn chế trong việc giảng đạo và truyền đạo. 

-Khi dâng lễ, các linh mục sử dụng tiếng La-tinh, quay lưng về phía giáo dân. Linh mục cứ thì thầm dâng lễ, còn giáo dân thì lần hạt râm ran trong suốt giờ lễ, trừ khi lên rước lễ…  

Gặp phải những hoàn cảnh khó khăn đến thế, thì theo lẽ tự nhiên, cây đức tin không thể bén rễ và đơm bông kết hạt được. Tuy vậy, số người tin Chúa ngày càng đông, nhiều xứ đạo mọc lên và phát triển… và đặc biệt là có rất nhiều tín hữu sẵn sàng chết vì đạo Chúa để làm chứng cho Tin mừng. Lịch sử Giáo hội Việt Nam ghi nhận có trên 100.000 tín hữu công giáo Việt Nam đã hi sinh chịu chết vì đạo thánh Chúa trong suốt 270 năm bắt bớ, trong số đó có 117 vị được Giáo hội chính thức tuyên thánh vào năm 1988. 

Nhờ đâu lại có kết quả lạ lùng đến thế?  

Hoàn toàn do ơn Chúa. Đây là việc Chúa làm, đúng như lời Chúa nói trong Tin mừng hôm nay: “Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. Đất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. Lúa vừa chín, người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa” (Mc 4, 26-29).

Lạy Chúa Giê-su,

“Phao-lô trồng, A-pô-lô tưới, nhưng chính Thiên Chúa mới làm cho lúa lớn lên” (1 Cor 3, 6).

Xin cho chúng con hôm nay nổ lực làm tròn sứ mạng Chúa trao là gieo vãi Lời Chúa vào tâm hồn những người mà chúng con gặp gỡ tiếp xúc hằng ngày bằng tất cả thiện chí và khả năng của chúng con, với niềm tin mạnh mẽ rằng: chính Chúa sẽ làm cho những hạt lúa Tin mừng triển nở, đơm bông kết hạt, hứa hẹn một mùa lúa dồi dào trên quê hương chúng con.

Về mục lục

.

SỨC MẠNH PHỤC VỤ CỦA TÌNH YÊU

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty

Nước Thiên Chúa (Basileia tou Theou) là một khái niệm rất căn bản đối với mọi tôn giáo phát xuất từ truyền thống Áp-ra-ham: Do Thái giáo, Ki-tô giáo, Hồi giáo. Tuy nhiên nội dung của nó lại không đồng nhất trong tất cả các truyền thống tôn giáo này, thâm chí ngay trong nền thần học Ki-tô giáo cũng tồn tại nhiều lối suy diễn rất khác nhau (xin dọc chương 3 Jesus von Nazareth của nhà thần học Joseph Ratzinger – ĐTC Bê-nê-di-tô XVI). Chỉ đơn giản việc dịch chữ Basileia ra tiếng Anh hay tiếng Việt cũng đã là cả một vấn đề gây nhiều tranh cãi (kingdom, empire, realm, domain, rule, dominion, kingship… nước, vương quốc, vương quyền, uy quyền, thống trị…). Tuy nhiên cho dầu từ ngữ này trong dịch thuật hay quan niệm có là gì đi nữa thì gần đây các học giả đều thống nhất khi coi khái niệm ‘Nước Thiên Chúa – Nước Trời’ chính là tâm điểm của sứ điệp Đức Giê-su, cũng như quan niệm ‘Vương quốc Tình yêu’ là nội dung nổi bật hơn cả (xin đọc Richard Chilson, C.S.P.)

Sử dụng khái niệm ‘Nước Thiên Chúa’, Đức Giê-su chỉ muốn đề cập tới một thực tại thật sống động, một thực tại mà, bằng chính sự hiện diện của Người nơi trần thế, Người mới thiết lập được. Thực tại này tuy vô hình nhưng lại rất sinh động và gần gũi, vì thế nên việc Người đã sử dụng nhiều hình ảnh đời thường để miêu tả nó là điều dễ hiểu. Các hình ảnh khác nhau được Người sử dụng không nhằm giải thích một quan niệm trìu tượng khó hiểu cho bằng để mô tả các đặc tính hay các khía cạnh sống động của cái thực tại vô cùng phong phú này. Quả vậy, Nước Thiên Chúa của Đức Giê-su là cả một nguồn sống, một niềm hy vọng lớn lao, trong đó không được phép pha trộn các quan niệm thống trị, đẳng cập của con người. Và nếu hiểu được cái thực tại phong phú đó chính là tình yêu, một tình yêu bao chùm đầy sinh động, vì Thiên Chúa chính là tình yêu, thì ta sẽ nghiệm ra hình ảnh ‘hạt giống tự mọc’ và ‘hạt cải nhỏ bé’ quả thực chứa đựng cả một nội dung an ủi và hy vọng lớn lao.

Thực tại Thiên Chúa yêu thương đã được âm thầm gieo vãi xuống nền đất của lịch sử nhân loại, Ngay cả sự chuẩn bị cho việc gieo vãi cũng chẳng có gì là hoành tráng nếu so với bao biến cố bi hùng khác trong suốt chiều dài lịch sử. Rồi chính việc gieo vãi lại càng âm thầm lắm, căn cứ vào cuộc đời đơn độc lẻ loi của Giê-su Na-da-rét, cũng như cái chết thập giá tất tưởi vô vọng của Người. Nhưng sức mạnh của thực tại này thật là vô địch, không gì cưỡng lại được: sức mạnh của tình yêu luôn là thuyết phục và có sức chinh phục, cho dầu sự hiện diện có âm thầm đi nữa. Nếu là một vương quốc của quyền lực thời người ta sẽ phải cất công thiết lập, phải cưỡng chế điều hành, và phải nghiêm túc kiểm tra bảo vệ nó. Chúng ta đã có quá nhiều kinh nghiệm về điều này trong mọi thực tại quyền lực của xã hội loài người. Đức Giê-su, nếu có đôi chút thái quá trong việc mô tả sự bất can thiệp của người gieo vãi, thì âu cũng là để làm nổi bật cái yếu tố tất thắng của tình yêu; ‘Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn cứ nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào thì người ấy không biết’. Điều này đúng, trước hết với chính người gieo giống là Thiên Chúa, cụ thể hơn nữa, với chính Đức Giê-su gieo giống. Nó cũng có thể áp dụng được cho bất cứ ai tham gia vào công việc gieo vãi này, các tông đồ trước hết, rồi mọi Ki-tô hữu, đặc biệt các phẩm trật trong Hội Thánh. Do đó vui mừng và hy vọng luôn phải là thái độ thâm sâu của Hội Thánh Chúa Ki-tô trong mọi tình huống, dựa trên niềm tin tưởng tuyệt đối vào sức mạnh của tình yêu.

Và nếu thực tại tình yêu này có thể chỉ là quá nhỏ bé và yếu ớt thì điều đó cũng đâu có làm cho Ki-tô hữu chúng ta phài lo lắng gì nhiều. Theo Đức Giê-su, hạt cải có thể sẽ không bao giờ lớn mạnh thành một cổ thụ cây cao bóng cả che rợp cả một vùng thiên hạ, nhưng chắc chắn nó sẽ ‘mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ núp bóng’. Hình ảnh này gợi ý, sự lớn mạnh của thực tại tình yêu Thiên Chúa sẽ không bao giờ lấn át bất cứ một thực tại nào của con người, nhưng sẽ luôn khiêm tốn và âm thầm cống hiến sự sống và phục vụ. Ôi đẹp thay một vương quốc như thế, Nước Thiên Chúa mà Đức Ki-tô thiết lập phải là như thế, và Hội Thánh của Người cũng phải là như thế, nếu muốn được coi là Nước Thiên Chúa – Basileia tou Theou hữu hình cho nhân loại.

Nếu quan niệm ‘Nước Thiên Chúa’ cần phải được thanh lọc và chỉnh sửa cho đúng trong toàn Giáo Hội, thì riêng đối với các ‘chức quyền’ của cái Vương Quốc đó, sự chỉnh sửa càng cần thiết và cấp bách biết là dường nào! Tôi có ý thức điều đó không?

Lạy Chúa Ki-tô – Đấng đã đến để thiết lập Nước Thiên Chúa nơi trần gian, con cầu xin cho Hội Thánh Chúa luôn là dấu chỉ của Vương Quốc tình yêu này. Xin cho mọi phần tử Hội Thánh luôn biết sống trong tin yêu và hy vọng, cũng như biết âm thầm cống hiến và phục vụ không chút mạc cảm yếm thế giữa bao khó khăn và hạn chế. Xin đừng để ngay cả nhiệt tình tông đồ xáo trộn được con, nhưng hằng gìn giữ con trong tin tưởng phó thác, đặc điểm độc đáo nhất của Vương Quốc Tình Yêu này. A-men

Về mục lục

.

SUY NIỆM CHÚ GIẢI LỜI CHÚA-CHÚA NHẬT 11 THƯỜNG NIÊN_B

Lm. Inhaxio Hồ Thông

Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật này mời gọi các tín hữu hãy tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa.

Ed 17: 22-24

Ngôn sứ Ê-dê-ki-en nhắc đồng bào của mình bị lưu đày ở Ba-by-lon nhớ rằng Đức Chúa hạ bệ những kẻ tự cao tự đại và nâng cao kẻ khiêm nhường. Từ một chồi non, Ngài có thể làm phát sinh một cây đại thụ vươn mình lên trên mọi đỉnh non cao.

2Cr 5: 6-10

Trong phần mở đầu thư thứ hai gởi tín hữu Cô-rin-tô, thánh Phao-lô khuyên các tín hữu hãy tin tưởng vào cuộc sống được đức tin hướng dẫn và tin tưởng vào cái chết vào lúc chúng ta được đoàn tụ với Đức Ki-tô.

Mc 4: 26-34

Trong Tin Mừng, Chúa Giê-su cũng dùng hình ảnh tương tự để mời gọi chúng ta hãy tin tưởng vào sự phát triển kỳ diệu của Nước Trời, khởi đi từ một hạt giống nhỏ bé nhưng sau trở thành một vụ mùa bội thu, hay khởi đi từ một hạt cải nhỏ nhất trong mọi hạt giống, nhưng sau thành một cây cao bóng cả.

BÀI ĐỌC I  (Ed 17: 22-24)

Cũng như ngôn sứ Giê-rê-mi-a, ngôn sứ Ê-dê-ki-en trước khi được gọi làm ngôn sứ đã là tư tế. Cũng như ngôn sứ Giê-rê-mi-a, ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã liên kết tinh thần tư tế với trào lưu ngôn sứ. Cũng như ngôn sứ Giê-rê-mi-a, ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã sống tấm thảm kịch lớn lao của những năm đầu thế kỷ thứ sáu trước Công Nguyên, vào thời kỳ quân Ba-by-lon xâm chiếm vương quốc Giu-đa. Ông đã chứng kiến tận mắt thành thánh Giê-ru-sa-lem bị vây hãm và bị chiếm lần đầu tiên vào năm 598 trước Công Nguyên, và thành phần ưu tú bị dẫn đi lưu đày. Ê-dê-ki-en thuộc nhóm lưu đày đầu tiên này. Chính trong cảnh lưu đày, tư tế Ê-dê-ki-en được Thiên Chúa gọi làm ngôn sứ của Ngài.

  1. Sứ vụ ngôn sứ

Ông cực lực tố cáo tội lỗi của dân Ít-ra-en, không chừa một ai, từ hoàng gia, tư tế cho đến dân chúng, mọi người đều có tội. Ông thấy trước những án phạt khác sắp xảy đến. Trong thảm họa, ông rao giảng sự sám hối cá nhân: mỗi người phải tự mình sám hối.

Tai họa bất ngờ xảy đến vào năm 587 trước Công Nguyên khi quân đội Ba-by-lon xâm chiếm lần thứ hai, Giê-ru-sa-lem bị cướp phá và thiêu hủy, Đền Thờ bị tàn phá thành bình địa. Trong hoàn cảnh bi thương của đất nước, ngôn sứ Ê-dê-ki-en trở thành vị ngôn sứ của niềm hy vọng; ông tiên báo Ít-ra-en sẽ được phục hưng. Dụ ngôn mà chúng ta đọc hôm nay trích từ 7: 22-24.  Đây là một trong những hình ảnh mà ngôn sứ sử dụng để khơi lên niềm hy vọng ở nơi đồng bào ông, đặc biệt những người lưu đày ở Ba-by-lon: dân Ít-ra-en sẽ hồi sinh và sẽ có một tương lai tuyệt vời.

  1. Cây hương bá cao lớn

Cây hương bá cao lớn và chồi non được ngắt từ ngọn cây muốn nói lên điều gì? Vị ngôn sứ dùng hình ảnh cây hương bá cao lớn trong hai ẩn dụ. Ở chương 31, cây hương bá cao lớn biểu tượng Ai-cập và Pha-ra-ô ngạo mạng và quyền thế:

“Ngươi so sánh sự vĩ đại của ngươi với ai?

Với cây trắc bá, cây hương nam núi Li-băng,

cành to, lá rườm rà, thân to lớn

ngọn vút lên giữa các tầng mây?

…..

Trên cành cây, mọi giống chim trời đến làm tổ,

dưới bóng lá cành, mọi dã thú nẩy nở sinh sôi,

và dưới bóng nó, vô số dân tộc đến cư ngụ.

…..

Vì thế, Đức Chúa là Thiên Chúa phán thế này:

Nó tự cao tự đại vì có thân to lớn, ngọn vươn lên trên các tầng mây, nó cậy mình cao rồi sinh lòng kiêu ngạo, nên Ta sẽ trao nó vào tay kẻ thống lãnh các dân, để xử với nó theo sự gian ác của nó, Ta sẽ loại trừ nó. Những kẻ ngoại bang, những kẻ hung dữ nhất trong các dân tộc, sẽ đốn ngã và bỏ mặc nó… Trên đống đổ nát của nó, mọi thứ chim trời đến ở; nơi cành của nó, mọi dã thú đến nương mình.” (Ed 31: 2-3, 6, 10-13).

Trong ẩn dụ này, vị ngôn sứ nhắm đến Pha-ra-ô Hóp-ra mà vua Giu-đa là Xít-ki-gia-hu cố dựa vào một cách nguy hiểm để kháng cự lại vua Ba-by-lon là Na-bu-cô-đô-nô-xo. Nhiều thế kỷ sau này, sách Đa-ni-en sẽ lấy lại hình ảnh tương tự trong một thị kiến được áp dụng cho vua Na-bu-cô-đô-nô-xo (Đn 4: 7-11).

Trong một ẩn dụ khác thuộc chương 17 và trước ẩn dụ chúng ta đọc, Ê-dê-ki-en hình dung một cây to lớn, bị con phượng hoàng bẻ ngọn:

“Con phượng hoàng to lớn

có cánh rộng, lông dài, mình đầy lông sặc sỡ;

nó đến núi Li-băng bẻ ngọn cây hương bá.

Nó ngắt búp ngọn cây

đưa về đất thương nghiệp

đặt vào thành con buôn” (Ed 17: 1, 4).

Con phượng hoàng to lớn là vua Na-bu-cô-đô-nô-xo. Vào năm 597, vua đã bắt vua Giơ-hô-gia-kim lưu đày sang Ba-by-lon. Li-băng chỉ đất Pa-lét-tin. Đoạn, con phượng hoàng “lấy giống cây của xứ ấy rồi đem đặt vào nơi ươm trồng…” (Ed 17: 5-6). Bằng hình ảnh này, ngôn sứ Ê-dê-ki-en gợi lên cách hành xử của vua Na-bu-cô-đô-nô-xo. Sau khi đã bắt vua Giơ-hô-gia-kim lưu đày, vua đặt vua Xít-khi-gia-hu lên làm vua ở Giê-ru-sa-lem để làm chư hầu và thần dân của mình.

  1. Một chồi non

Ẩn dụ của 17: 22-24 trả lời cho ẩn dụ trên. Đức Chúa sắp ra tay trừng phạt những kẻ thù của dân Ngài. Chính Ngài sẽ “ngắt một chồi non” từ đỉnh ngọn cây. Ngài sẽ trồng nó trên núi cao của Ít-ra-en và chồi non này sẽ thành một cây hương bá.

“Tất cả cây cối ngoài đồng ruộng

sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa.

Ta hạ thấp cây cao và nâng cao cây thấp,

Ta làm cho cây xanh tươi phải khô héo

và cây khô héo được xanh tươi” (Ed 17: 24).

Qua ẩn dụ này, ngôn sứ Ê-dê-ki-en muốn nói với những kẻ lưu đày bất hạnh rằng Thiên Chúa sẽ ra tay cứu giúp họ, đưa họ trở về cố hương và phục hưng dân tộc của họ.

Tuy nhiên, sấm ngôn này được hiểu một cách chính xác hơn: trong ẩn dụ này cũng như trong ẩn dụ theo sau, chồi non được ngắt từ đỉnh ngọn cây là chồi non vương đế. Đây là tương lai của hậu duệ nhà Đa-vít mà ngôn sứ Ê-dê-ki-en thoáng thấy, chứ không phục hưng thể chế quân chủ tương lai mà vị ngôn sứ không một chút tin tưởng. Các vị vua đã là những mục tử xấu. Chính họ đã gây nên biết bao tội bất trung với Đức Chúa, Thiên Chúa của mình và đã dẫn đưa dân Ít-ra-en đến bờ vực thẳm hủy diệt. Tuy nhiên, hình ảnh này lấy lại hình ảnh của ngôn sứ I-sai-a, loan báo vua Mê-si-a là vua Đa-vít tương lai: “Từ gốc tổ Gie-sê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ” (Is 11: 1), hay còn là hình ảnh của ngôn sứ Giê-rê-mi-a và ngôn sứ Da-ca-ri-a, cả hai đều tiên báo rằng Đức Chúa sẽ làm nảy sinh cho nhà Đa-vít một chồi non chính trực (Gr 23: 5; 33: 15; Dcr 3: 8; 6: 12).

Ẩn dụ của Ê-dê-ki-en dẫn chúng ta đến ngưỡng cửa Tin Mừng. Chúa Giê-su sẽ diễn tả theo một cách tương tự vóc dáng nhỏ bé của Nước Trời vào lúc khởi sự: như hạt cải nhỏ nhất trong các hạt giống, nhưng khi mọc lên thành một cây xum xuê cành lá “đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng”.

Các thế hệ sau này vẫn hằng nhớ đến ngôn sứ Ê-dê-ki-en, vì ông đã tiên báo cuộc hồi sinh dân Ít-ra-en. Thị trấn nhỏ, ở đó vị ngôn sứ đã sống và chết trong cảnh lưu đày, được gọi Tel-Aviv. Chính để tôn vinh sấm ngôn của ông mà Nhà Nước Ít-ra-en hiện nay đã lấy tên thị trấn này mà đặt tên cho một trong những thành phố của họ.

BÀI ĐỌC II (2Cr 5: 6-10)

Chúng ta tiếp tục đọc thư thứ hai của thánh Phao-lô gởi tín hữu Cô-rin-tô trong suốt bốn tuần Chúa Nhật. Thư này được gọi là thư thứ hai gởi tín hữu Cô-rin-tô, nhưng trong thực tế không là thư thứ hai, ít nữa là thư thứ tư trong số những thư mà thánh Phao-lô viết cho các tín hữu Cô-rin-tô. Thư này được biên soạn hoặc vào cuối năm 56 hay vào cuối năm 57.

Đây là bức thư riêng tư nhất mà thánh nhân đã viết, bức thư ngỏ lời trực tiếp nhất với những đối thủ của ngài, bức thư nồng nàn nhất khi thánh nhân nói về sứ mạng của mình và là bức thư thấm thía nhất khi thánh nhân phác họa bốn bức tranh về những nỗi đắng cay lẫn những niềm vui mà ngài đã kinh qua. Đây là một chứng liệu duy nhất, nhờ đó chúng ta biết được vài chi tiết về những nỗi gian truân mà thánh nhân đã đối mặt và những ân sủng mà thánh nhân đã nhận được.

  1. Hoàn cảnh của bức thư

Thánh Phao-lô đã thiết lập Giáo đoàn Cô-rin-tô vào những năm 50-52.  Không bao lâu sau khi thánh nhân ra đi, cuộc khủng hoảng đầu tiên làm chao đảo cộng đoàn non trẻ này. Thánh nhân viết thư can thiệp, thư này đã bị thất lạc, không được bảo tồn đến chúng ta. Sau một thời gian tạm lắng, thánh nhân viết thư thứ hai có lẽ vào mùa xuân 56, thư này hiện nay được gọi “thư thứ nhất gởi tín hữu Cô-rin-tô”.

Những sóng gió bất ngờ xảy đến. Chính xác là chuyện gì? Chắc chắn đây là những sự cố nghiêm trọng. Thánh nhân nghĩ mình nên đến tận nơi; thánh nhân hứng chịu sự thất bại, ngài bị lăng nhục và tước hiệu Tông Đồ của ngài bị đặt vấn đề. Trở về Ê-phê-xô, thánh nhân viết một bức thư nghiêm khắc, thư này cũng bị thất lạc, ít ra còn lại vài dấu vết trong các chương 10-13 trong “thư thứ hai” gởi tín hữu Cô-rin-tô này.

Rất lo âu, thánh nhân sai cộng tác viên của mình là ông Ti-tô đến Cô-rin-tô. Lúc đó, sau những biến cố mà chúng ta không được biết rõ, thánh Phao-lô buộc phải rời Ê-phê-xô. Thánh nhân đến thành Trô-a và đợi ông Ti-tô ở đó, nhưng không gặp; sau đó, ngài đến Ma-kê-đô-ni-a, ông Ti-tô cuối cùng đến gặp ngài ở đó và đem đến những tin tốt lành. Chính vào thời điểm đó, thánh nhân viết thư này hiện nay được gọi “thư thứ hai của thánh Phao-lô gởi tín hữu Cô-rin-tô”. 

  1. Ý nghĩa của đoạn thư hôm nay

Đoạn trích thư chúng ta đọc hôm nay thuộc vào phần thứ nhất của thư này, ở đó thánh nhân đưa ra tầm mức cao cả và những thăng trầm của sứ vụ truyền giáo (2: 14-7: 4).

Những kinh nghiệm truyền giáo của thánh Phao-lô đã đem lại cho đức tin của ngài một nền tảng không lay chuyển và đã cho phép ngài củng cố những xác tín của mình mà thánh nhân kể ra: niềm xác tín về thân xác sống lại (2Cr 4: 14), về “một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời” (2Cr 4: 17) và về việc được đoàn tụ với Đức Ki-tô ngay khi từ giã cõi đời này.

Chính niềm xác tín sau cùng này mà đoạn trích thư quy chiếu đến, niềm xác tín này phải giúp cho người Ki-tô hữu một thái độ đầy tin tưởng khi đối mặt với cái chết và phải là nguồn động viên khích lệ họ thực hành nhân đức.

  1. Niềm xác tín khi đối mặt với cái chết

“Ở lại trong thân xác này là lưu lạc xa Chúa”: Ở đây, thánh Phao-lô diễn tả tư tưởng của mình rất gần với quan niệm Hy-lạp: “thân xác là ngục tù giam hãm linh hồn”. Thánh nhân nói: “Điều chúng tôi thích hơn, đó là lìa bỏ thân xác để được ở bên Chúa”.

Tuy nhiên, thánh Phao-lô tránh dùng từ “linh hồn”, từ này có thể gợi lên trong tâm trí người đọc nhị nguyên thuyết Hy-lạp (không phải thánh nhân vừa mới nói về thân xác sống lại, vốn xa lạ với tư tưởng Hy-lạp đó sao?). Vả lại, Do Thái giáo đã khai triển khái niệm về “cái tôi tinh thần” có thể hưởng một cuộc sống hạnh phúc cá nhân, như sách Khôn Ngoan làm chứng.

Sau cùng, thật thích hợp khi liên kết chặc chẽ đoạn văn này với phần khai triển trước đó, ở đó thánh nhân gợi lên kinh nghiệm của mình. Suốt sứ vụ của ngài, thánh nhân đã gặp phải những hiểm nguy nghiêm trọng nhất, những mối đe dọa chết người. Ấy vậy, Ơn Quan Phòng của Thiên Chúa luôn luôn bảo vệ che chở ngài cho tai qua nạn khỏi. Phải đọc lại lời minh chứng phi thường này của thánh nhân, chúng ta mới có thể cảm nhận những gian truân mà thánh nhân đã kinh qua: “Chúng tôi bị dồn ép tứ bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang nhưng không tuyệt vọng; bị ngược đãi, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt” (2Cr 4: 8-9). Lý do của những cứu giúp được nhắc đi nhắc lại ở đây: “Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giê-su, để sự sống của Đức Giê-su cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi” (4: 10). Nói cách khác, ở giữa những gian truân trăm chiều này, kề cận với cái chết, thánh nhân, một cách nào đó, đã kinh qua trước từ cái chết đến sự sống, nhờ bàn tay cứu độ của Thiên Chúa. Niềm xác tín từ kinh nghiệm này tăng cường niềm xác tín về Mặc Khải.

Từ đó, niềm xác tín mà thánh nhân nhắm đến là giây phút tối hậu, giây phút sẽ vượt qua từ tư thế của người tin đến tư thế của người được thấy Chúa nhãn tiền: “Chúng tôi tiến bước nhờ lòng tin chứ không phải nhờ được thấy Chúa”. Trong thứ nhất gởi các tín hữu Cô-rin-tô, thánh nhân đã diễn tả cùng một tư tưởng: “Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sao tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi” (1Cr 13: 12).

  1. Làm đẹp lòng Chúa trong mọi sự

Thánh nhân muốn chúng ta hiểu rằng ngài thích rời bỏ thân xác này hơn để được đoàn tụ với Đức Ki-tô, nhưng trước tiên phải “làm đẹp lòng Chúa”. Thánh nhân cũng đã diễn tả ước muốn này với các tín hữu Phi-líp-phê thân yêu của ngài: “Vì tôi bị giằng co giữa hai đàng: ao ước của tôi là ra đi để được ở với Đức Ki-tô, điều này tốt hơn bội phần: nhưng ở lại đời này thì cần thiết hơn, vì anh em” (Pl 1: 23-24).

Điều quan trọng chính là: người Ki-tô hữu phải biết rằng mình sẽ được hội ngộ với Đức Ki-tô, nhưng trước tiên phải hành động một cách thích đáng, họ sẽ bị xét xử theo những công việc của mình. Thánh Phao-lô không xác định phải chăng cuộc phán xét trước Tòa Án của Đức Ki-tô được định vị vào ngày Chung Thẩm hay là cuộc phán xét riêng vào lúc mỗi người từ giã cõi đời này.

TIN MỪNG (Mc 4: 26-34)

Chúa Giê-su rao giảng cho đám đông bằng dụ ngôn, từ những hình ảnh đơn sơ giản dị được lấy ra từ đời thường, để dẫn đưa họ vào những thực tại cao vời khôn ví của Nước Trời. Văn chương Đông Phương (Ai-cập, Cận Đông) thích những bí nhiệm, các sách khải huyền Do thái được điểm tô với những bí nhiệm này. Các dụ ngôn rất gần với thể loại văn chương này. Tuy nhiên, Chúa Giê-su giải thích các dụ ngôn cho các môn đệ, vì sau này, họ sẽ tiếp tục sự nghiệp của Ngài mà loan báo Lời rõ ràng và phong phú cho quần chúng.

Tin Mừng Mác-cô đề nghị cho chúng ta hai dụ ngôn: dụ ngôn hạt giống tự mọc lên và dụ ngôn hạt cải: dụ ngôn thứ nhất thuộc nguồn riêng của Mác-cô, dụ ngôn thứ hai chung với Mát-thêu (13: 31-32) và Lu-ca (13: 18-19).

  1. Dụ ngôn hạt giống tự mọc lên (4: 26-29)

Bản văn của ngôn sứ Ê-dê-ki-en (Bài Đọc I) giúp chúng ta hiểu dụ ngôn hạt giống tự mọc lên này. Chính Đức Chúa sẽ trồng một chồi non mà Ngài đã ngắt từ ngọn hương bá. Vì Đức Chúa trồng, chắc chắn chồi non này sẽ mọc và lớn lên: “Nó sẽ trổ cành và kết trái”. Cũng vậy trong dụ ngôn hạt giống tự mọc lên, hình ảnh Nước Thiên Chúa được phát triển trong thầm lặng nhưng vững chắc. Có lẽ không dụ ngôn nào đem đến niềm an ủi hơn dụ ngôn này. Thiên Chúa hiện diện và hành động trong thế giới và hành động của Ngài chắc chắn rồi sẽ sinh hoa kết quả, dù bên ngoài âm thầm lặng lẽ. Thời gian cũng không được tính đến.

Phải chăng dụ ngôn này muốn nói rằng người Ki-tô hữu không cần phải hành động bởi vì “đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết”? Không phải như thế! Việc dọn đất được nêu lên, vấn đề đất có thuận lợi hay không cho hạt giống phát triển đã được bàn đến trong một dụ ngôn khác (dụ ngôn người gieo giống: 4: 1-9). Chúng ta không những có bổn phận cầu xin cho “Nước Chúa trị đến”, nhưng còn phải góp phần mình vào việc xây dựng Nước Chúa ở ngay trong cõi thế này. Ở đây, vấn đề được nêu lên đó là quyền năng tất thắng của Thiên Chúa, Ngài hướng dẫn Triều Đại của Ngài cho đến lúc phát triển viên mãn: đó sẽ là mùa thu hoạch.

Tuy nhiên, phải chăng Chúa Giê-su dùng dụ ngôn này nhằm nhắn gởi những người nôn nóng và bạo động, tức là nhóm Nhiệt Thành được nuôi dưỡng bằng những giấc mơ đầy tham vọng của họ mà vài người trong số họ là môn đệ của ngài? Thật ra, Ngài muốn dẫn các môn đệ của Ngài đến một sự hiểu biết đầy đủ hơn về sứ mạng của Ngài. Ngài đã đến gieo Lời Ngài và Lời Ngài sẽ sinh hoa kết trái. Họ phải đặt trọn niềm tin tưởng tuyệt đối vào quyền năng của Lời Ngài, tuy nhiên, chiều kích năng động của lời này cốt yếu là nội tại và tinh thần.

  1. Dụ ngôn hạt cải (4: 30-32)

Để diễn tả năng lực phát triển kỳ diệu của Nước Trời từ một khởi đầu rất khiêm tốn, Chúa Giê-su đưa ra một so sánh được mượn từ một hình ảnh rất quen thuộc thường ngày: hình ảnh hạt cải khi được gieo thì nhỏ nhất trong mọi hạt giống, nhưng khi “mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng”. Nước Trời cũng sẽ như vậy. Khởi đi hầu như không gì cả: mười hai tông đồ, vài môn đệ và vài người phụ nữ, nhưng sẽ phát triển rực rỡ.

Chúa Giê-su ám chỉ đến các bản văn của Ê-dê-ki-en và Đa-ni-en trong các dụ ngôn cây hương bá của họ; tuy nhiên, rõ ràng Ngài tránh lấy lại hình ảnh cây hương bá cao vút trên đỉnh non cao, biểu tượng cho quyền lực thống trị. Ngài cũng không lấy lại hình ảnh chồi non, vì hình ảnh này gợi lên hậu duệ nhà Đa-vít và có thể gợi lên việc phục hưng quyền lực chính trị. Hình ảnh hạt cải chắc chắn hàm chứa tính chất phi chính trị của Nước Trời.

Về mục lục

.

CHÚA NHẬT 11 THƯỜNG NIÊN_B

Về mục lục

.

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận