Các bài suy niệm Chúa Nhật 21 A

Đăng lúc: Thứ năm - 24/08/2017 23:42 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

CHÚA NHẬT 21 THƯỜNG NIÊN – NĂM A

Lời Chúa: Is 22, 19-23;  Rm 11, 33-36;  Mt 16, 13-20

——-

DẪN NHẬP

Lời Chúa: "Con là Đá, trên Đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy ... Thầy sẽ trao cho con chìa khóa Nước Trời" (Mt 15,28).

Nhập  lễ:

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Phụng vụ Lời Chúa chúa nhật 21 thường niên hôm nay cho chúng ta thấy, sau khi Phêrô thay mặt các Tông đồ tuyên xưng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, Người đã xác quyết quyền bính tối cao của Phêrô là Đá Tảng của Tòa Nhà Giáo Hội:

Khi trao chìa khóa Nước Trời,

Chúa ban quyền bính cho người tôi trung.

Phê-rô chứng tỏ thủy chung,

Tiếp theo các Đấng được cùng ơn trên.

Mến yêu, tôn kính, phục tùng,

Vâng theo giáo huấn, đừng quyên thi hành.

Hiệp dâng thánh lễ hôm nay, xin Chúa giúp mỗi người chúng ta luôn biết tuyên xưng niềm tin vào Chúa Kitô phục sinh, bằng chính cuộc sống tình con thảo, hy sinh và yêu thương phục vụ của mình. Trong tâm tình đó, giờ đây chúng ta hãy thành tâm sám hối.

Sám hối:

X. Lạy Chúa, Chúa đã thiết lập Hội Thánh trên nền tảng Tông đồ Phêrô. Xin Chúa thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.

X. Lạy Chúa Kitô, Con Thiên Thiên Chúa hằng sống. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

X. Lạy Chúa, Chúa đã mở ra con đường thập giá và mời gọi chúng con bước lên đỉnh đồi Canvê. Xin Chúa thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.

Kết: Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.

CĐ: Amen

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang. 

Mục lục

2. Hội thánh của Chúa (Tgm. Giuse Ngô Quang Kiệt)

3. Nền đá Phêrô  (Lm. Jos. DĐH. Gp. Xuân Lộc)

4. Thầy là ai?  (Lm. Giuse Hoàng Kim Toan)

5. Tưởng biết nhưng chưa biết (Anna Cỏ May, Tiền Tập sinh MTG.Thủ Đức)

6. Chúa Giêsu là ai trong tôi? (Hoa Hồng Nhỏ, Tiền Tập sinh MTG.Thủ Đức)

7. Tôi đang tìm kiếm gì? (Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)

8. Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa  (Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)

9. Đá tảng xây dựng Hội thánh tại gia  (Lm. Inhaxio Trần Ngà)

10. Anh em bảo Thầy là ai? (Lm. GB. Trần Văn Hào, SDB)

11. Suy niệm Chúa Nhật XXI Thường niên. Năm A  (Lm. Anthony Trung Thành)

12. Suy niệm Chúa Nhật XXI Thường niên_A  (Lm. Giuse Nguyễn Văn Nam)

13. Hãy xây dựng Giáo hội bằng những viên đá sống động  (Tu sĩ Jos.Vinc. Ngọc Biển,SSP)

14. Chìa khóa Nước trời (Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)

15. Chuyện to – nhỏ  (Trầm Thiên Thu)

16. Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống  (P. Trần Đình Phan Tiến)

17. Đức tin vững như bàn thạch  (JM. Lam Thy, ĐVD)

18. Hội thánh hôm nay  (Lm. Trịnh Ngọc Danh)

19. Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? (Fx. Đỗ Công Minh)

 

 

HỘI THÁNH CỦA CHÚA

Tgm. Jos. Ngô Quang Kiệt

“Con là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy”. Với lời này, Chúa Giêsu chính thức thiết lập Hội Thánh. Lời Chúa cho ta thấy những đặc tính của Hội Thánh.

Đó là một Hội Thánh cho con người.

Chúa Giêsu xây dựng Hội Thánh trên nền đá Phêrô. Phêrô vốn là một người yếu đuối. Đời ông nhiều thất bại hơn thành công, nhiều yếu đuối hơn mạnh mẽ. Đã từng ra khơi suốt đêm để sáng sớm trở về tay trắng. Đã từng chìm xuống khi muốn đi trên mặt nước. Đã từng ngủ mê khi phải canh thức với Thầy trước giờ tử nạn. Và tệ hại nhất là đã từng chối Thầy ba lần khi Thầy chịu khổ nạn. Nền tảng tượng trưng cho cả toà nhà. Nền tảng Phêrô là một con người yếu đuối cũng như cả Hội Thánh gồm những con người mỏng giòn. Những thất bại của Phêrô thường diễn ra trong bóng đêm. Đánh cả suốt đêm không được gì. Chìm xuống mặt nước lúc ban đêm. Ngủ gật trong vườn Cây Dầu khi trời tối. Chối Thầy trong bóng đêm. Đó là hình ảnh Hội Thánh còn phải lần mò đi trong đêm tối thử thách của thế giới với những yếu đuối của con người. Chúa dùng người yếu đuối để qui tụ những con người yếu đuối. Chúa sử dụng những phương tiện của con người để nâng đỡ con người.

Đó là một Hội Thánh của Thiên Chúa.

Tuy Hội Thánh dành cho con người, gồm những con người yếu đuối, nhưng đó lại là Hội Thánh của Thiên Chúa. Hội Thánh của Thiên Chúa vì chính Thiên Chúa thiết lập. Chúa Giêsu xác định đây là “Hội Thánh của Thầy”. Hội Thánh của Thiên Chúa nên sống bằng sức sống của Thiên Chúa chứ không bằng sức sống của con người. Thật vậy, Hội Thánh rất yếu đuối. Có những yếu đuối khi phải đương đầu với những khó khăn thử thách bên ngoài. Biết bao vua chúa đã muốn triệt hạ Hội Thánh khi Hội Thánh chỉ là một nhóm những người bé nhỏ nghèo hèn. Có những yếu đuối từ trong nội bộ. Biết bao lần chia rẽ, phân ly. Biết bao lỗi lầm tai hại tưởng như khiến Hội Thánh đổ nát tan tành. Nhưng Hội Thánh vẫn đứng vững với thời gian. Vì đó là Hội Thánh của Thiên Chúa.

Hiểu biết như thế, ta phải có thái độ thích hợp.

Vì Hội Thánh là chính chúng ta, những con người mỏng giòn, nên ta cần khiêm nhường. Khiêm nhường nhận biết mình yếu đuối. Khiêm nhường nhận biết Hội Thánh còn chưa thánh thiện. Khiêm nhường như thánh Phêrô suốt đời cầu xin lòng thương xót của Chúa. Khiêm nhường như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II công khai lên tiếng xin lỗi về những sai sót của Hội Thánh. Ta không chỉ khiêm nhường khi đấm ngực chuẩn bị dâng thánh lễ, mà còn phải khiêm nhường trong đời sống hằng ngày.

Vì Hội Thánh là cho con người nên ta cần có thái độ cảm thông. Biết mình yếu đuối, tôi sẽ dễ cảm thông với những yếu đuối của anh em. Cảm thông không phải để mặc anh em chìm xuống, những để giúp anh em vượt lên. Như lời Chúa dạy Phêrô: “Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho các anh em của anh nên vững mạnh” (Lc 22, 32)

Vì Hội Thánh là của Chúa nên ta phải hoàn toàn tin tưởng vào Chúa. Biết mình u mê, ta sẽ phó thác cho Chúa hướng dẫn cuộc đời. Biết mình yếu đuối, ta sẽ không còn cậy dựa vào sức riêng, nhưng hoàn toàn tin tưởng vào Chúa, làm việc bằng sức mạnh của Chúa. Như thánh Phêrô giảng đạo trong ngày lễ Ngũ Tuần nhờ ơn Chúa Thánh Thần hướng dẫn.

Chính Chúa là sức mạnh của Hội Thánh. Phêrô là Đá Tảng nhưng chính Chúa làm cho Đá Tảng vững bền. Phêrô giữ chìa khóa nhưng chính Chúa gìn giữ tòa nhà.

Lạy Chúa, xin thánh hoá Hội Thánh Chúa. Amen.

Về mục lục

.

NỀN ĐÁ PHÊRÔ

Lm. Jos. DĐH.

Hầu hết những khu công nghiệp “mọc lên” từ vùng nông thôn, vì đối tượng cơ bản mà xã hội nhắm tới là số công nhân phổ thông sẽ nhiều hơn cả. Một nghịch lý khác là đại đa số người tài giỏi, bằng cấp cao, lại tập trung về thành thị, cũng từ đó mà chúng ta thấy các trường đại học, các bệnh viện lớn đều qui tụ về thành phố. Kinh nghiệm bình dân: đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm, lao động làm việc, nuôi dạy con cháu, cuộc sống của họ như thế là đủ ý nghĩa rồi. Trên thương trường và chiến trường người ta quan tâm đến việc: biết mình biết ta trăm trận trăm thắng. Theo triết lý Á-đông thì xây nhà, xây dựng gia đình hạnh phúc, đầu tư làm ăn, họ thường lưu ý đến “phong thuỷ”, yếu tố chính là phải có thiên thời địa lợi nhân hoà.

Đức Giêsu không xây trường, không xây bệnh viện, cũng chẳng làm kinh tế, Đức Giêsu đã cho các học trò, cho chúng ta biết ý định sẽ xây Hội Thánh của Ngài trên nền đá Phêrô. Thông thường người ta chỉ biết đá “cẩm thạch” là cứng là chắc, Đức Giêsu lại hướng chúng ta đến sự vững chắc từ nền đá Phêrô, Ngài quả quyết “cửa tử thần cũng không thắng nổi”. Khởi đi từ dư luận đám đông bất nhất hôm xưa, họ chưa hiểu về khả năng đức độ, về tài hùng biện nơi ông Thầy Giêsu, nhưng đám đông có chung một cảm nhận Đức Giêsu là Vị Thầy vĩ đại hơn các ngôn sứ thời cha ông họ. Trong khi đó, Đức Giêsu không đặt vấn đề địa lý, không tìm kiếm thầy phong thuỷ, Ngài đặt hết tâm huyết cho việc xây dựng Hội Thánh của Thầy trên nền đá Phêrô.

Theo lý lẽ tự nhiên: trên thuận dưới hoà là nhà có phúc, Đức Giêsu mời gọi đừng dừng lại ở phúc lộc trần thế, biết Đức Giêsu là ngôn sứ đã khá rồi, biết Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, nhất định “các bạn” phải được gọi là môn đệ, là đang tiến dần tới vinh quang nước trời. Đức Giêsu mà Phêrô đại diện tuyên tín không phải là Đấng chỉ giảng giải, thu hút đám đông bằng phép lạ chữa bệnh, Phêrô và các bạn ông sẽ còn phải minh chứng bằng niềm tin Đấng Kitô đi từ đau khổ thập giá tới vinh quang. Đấng chiến thắng tử thần là Đấng sẽ nối kết tất cả những ai cùng tuyên xưng Đức Kitô là Thiên Chúa cứu độ, tất cả sẽ đủ sức mạnh để thấy tình yêu thương và sự bao bọc che chở của Đấng Kitô.

Quan điểm hôm xưa và hôm nay có khác gì không, nếu đặt câu hỏi: bạn có muốn trở thành đại gia không ? Bạn có muốn địa vị xã hội không ? Đặt câu hỏi như thế với đám đông, sẽ dễ dàng thu hút hơn, nhưng chắc chắn Đức Giêsu sẽ không thiết lập Hội Thánh như vậy. Cũng không ít những người thắc mắc, nền đá Phêrô là chất liệu gì, có cứng bằng xi-măng đá thép không ? Vâng, Đức Giêsu không có ý biến đổi những ai theo Ngài sẽ thành đại gia, Đức Giêsu cũng không treo giải thưởng cho  người nói đúng danh tính của Ngài, dù trên phương diện lý thuyết hay thực hành. Đức Giêsu có ý mô tả nền đá Phêrô sẽ là sự vững chắc trường tồn, không thế lực nào phá hỏng được, vì nền đá Phêrô có sự hiện diện, có tình yêu thương của Đấng đã thiết lập và thánh hoá Hội Thánh của Ngài.

Câu thành ngữ đầy mỉa mai mà chúng ta đã từng nghe: khen nhà giầu lắm thóc. Đúng, Đức Giêsu không cần Phêrô “tâng bốc” Thầy của các ông tài giỏi, biết phải biết trái, có tinh thần bác ái cao độ, …vì đó chỉ là lời khen thừa thãi đối với sứ mạng Con Thiên Chúa. Qua dư luận của đám đông, Thầy Giêsu ý thức các học trò, những người tin theo Đức Giêsu phải hiểu tình yêu Con Thiên Chúa khởi đi từ đau khổ đến vinh quang, và từng người hãy sống niềm tin yêu đó. Nền đá Phêrô sẽ cứng rắn, mạnh mẽ phi thường, bền vững, bất chấp thời gian và kẻ thù tấn công, khi có sự hiện diện của Đấng sẵn lòng chết vì yêu, sống vì yêu. Nền đá Phêrô vẫn mãi là mầu nhiệm, vì số học trò đa phần là dân chài lưới, quê mùa ít học, nhưng họ có một sức mạnh không kẻ thù nào khuất phục nổi, đó là tình yêu Đấng Kitô.

Con người thời nào cũng ham hố bổng lộc, chức quyền, nhưng không ai dám nghĩ Thầy Giêsu là đồng đô-la, là thầy thuốc tài giỏi, hay Thầy Giêsu gần giống một thương gia. Nền đá Phêrô là đặc ân, là phần thưởng, Thiên Chúa không có ý dành cho một cá nhân nào, dù niềm tin của kẻ tin Ngài còn non kém, chưa xứng với danh phận tín hữu kitô. Sau khi chuẩn nhận Phêrô là nền đá, Thầy Giêsu đã xây dựng sự vững chắc xứng tầm với niềm tin Đức Kitô là Thầy, là Chúa, là Đấng cứu độ muôn dân khắp cùng bờ cõi trái đất. Xưa kia Đức Giêsu không có ý đòi hỏi các học trò phát âm “hay” như câu thành ngữ: con hơn cha, trò hơn thầy, nhưng để nền đá vững chắc, trường tồn, các ông phải được lớn dần trong tình yêu của Thầy. Các môn đệ và cả chúng ta hôm nay, cần phải sống và phát âm chính xác niềm tin: “Con Người phải trải qua nhiều đau khổ, chịu tử nạn rồi mới tiến vào vinh quang Phục Sinh”. Amen.

Về mục lục

.

THẦY LÀ AI?

Lm. Giuse Hoàng Kim Toan 

Thông thường bài kiểm tra giúp người thầy đánh giá được mức độ tiếp nhận của học viên. Chúa cũng hỏi các môn đệ: “người ta bao thầy là ai?”. Có bốn cấp độ hiểu biết, chỉ cho chúng ta thấy những tình trạng của tâm hồn khi tiếp cận với Chúa.

Là Gioan tẩy Giả.

Mức độ tiếp cận với Chúa như một Gioan Tẩy Giả chỉ ra rằng mức độ của con người đến gặp Chúa, trong tình trạng nhận ra mình cần sám hối. Trong tâm hồn của mỗi người đều có lúc nhận ra mình đang thiếu những điều tốt lành, vắng dần những ý nghĩa cuộc sống. Có những sự dữ rõ ràng nhưng cũng có những sự dữ giấu ẩn, không thể gọi tên. Đôi khi bộc lộ bên ngoài làm đứt gẫy các tương quan, có những hành động thiếu kiểm soát…

Sứ điệp của Chúa như gợi lên những điều tốt đẹp đang bị che giấu trong lòng mình, như dụ ngôn “con chiên lạc” chỉ về niềm vui đánh mất trong cuộc đời và nhờ ân sủng Chúa tìm về: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó. Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.” (Lc 15, 7 – 8).

Là Elia

Vượt qua những thiếu sót của tội lỗi, người gặp Chúa có một thôi thúc là làm lại mới trong Chúa. Thời đại đang sống cũng đang có những vấn đề cần sửa đổi lại với sứ vụ của Elia.  

Elia có hai sứ vụ nổi bật, đó là chống lại việc sùng bái ngẫu tượng ( 1V 18,18-40) và chống lại sự tham lam, bóc lột, bất công (1Vua 21, 17 19). Cả hai điều này đang làm cho xã hội thêm nhiều người đau khổ và mất đi những khả năng để sống.

Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI nói về việc thờ ngẫu tượng: “Ở nơi không có Thiên Chúa, con người rơi vào cảnh nô lệ thờ ngẫu tượng, vì những chế độ chuyên chế của thời đại chúng ta đã chứng minh điều đó, cùng với những hình thức khác nhau của thuyết hư vô vốn làm cho con người tùy thuộc vào ngẫu tượng, vào việc tôn thờ ngẫu tượng – chúng sẽ bắt con người làm nô lệ.” (Vatican City, ngày 15 tháng 6, 2011)

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói sùng bái tiền của làm đổ vỡ: “Chúng ta hãy xem biết bao gia đình mà chúng ta biết, có những thành viên đấu đá với nhau, không thèm mở miệng chào nhau, thù ghét nhau, chỉ vì thừa kế. Đây chỉ là một ví dụ mà thôi, trong hoàn cảnh này tình yêu gia đình, tình yêu cho con cái, anh chị em ruột thịt, cha mẹ, không còn gì có giá trị hàng đầu nữa, mà thế vào đó là tiền bạc, và chuyện này gây hủy hoại. Thậm chí còn đem lại chiến tranh, các cuộc chiến chúng ta đang thấy ngày nay, đúng thế, chắc chắn là có vì lý tưởng, nhưng còn là vì tiền bạc nữa, tiền để mua bán vũ khí, tiền lợi nhuận từ chiến tranh. Và như thế, một gia đình, là tất cả chúng ta, biết rằng chúng ta bị chia rẽ.” (J.B. Thái Hòa chuyển dịch từ Vatican Radio, 19 – 10 2015).

Chúa Giêsu khi được cho là Elia, con người đang khát mong Chúa đến để chữa lành một thế giới và nội tâm con người đang bị rơi vào việc sùng bái ngẫu tượng vật chất và sự dữ, bất công đang đè nặng trên những con người phận nhỏ.

Là Một Tiên Tri

Người ta nói Chúa Giê su là tiên tri Giê rê mia hay một tiên tri nào đó. Người ta đã thấy những việc tốt lành Chúa đã làm và giao lý của Người như Đấng có uy quyền (Mc 1, 21 – 28). Nhưng, cũng thấy số phận của con người thi hành đức công chính thường gặp nhiều nỗi gian truân (TV 33, 20). Chúa Giê su mang dáng dấp của tiên tri Giêrêmia đau khổ thưở xưa, nhắc nhở cho người đấu tranh cho công lý hòa bình, bác ái, yêu thương, biết rằng, họ cũng sẽ chung một số phận như vậy: Tù đày, giam hãm, đánh đòn, sỉ nhục… Và cuối cùng cũng như Giêrêmia luôn nghiệm thấy Chúa yêu thương và giữ gìn, Chúa quyến rũ và tăng thêm sức mạnh cho người công chính, để thi hành sứ vụ.

Hay như tiên tri Amot: Hãy nghe đây, hỡi những ai đàn áp người cùng khổ và tiêu diệt kẻ nghèo hèn trong xứ. Các ngươi thầm nghĩ: “Bao giờ ngày mồng một qua đi, cho ta còn bán lúa; bao giờ mới hết ngày sa-bát, để ta bày thóc ra? Ta sẽ làm cho cái đấu nhỏ lại, cho quả cân nặng thêm; Ta sẽ làm lệch cán cân để đánh lừa thiên hạ. Ta sẽ lấy tiền bạc mua đứa cơ bần, đem đôi dép đổi lấy tên cùng khổ; cả lúa nát gạo mục, ta cũng đem ra bán”. Đức Chúa đã lấy thánh danh là niềm hãnh diện của Gia-cóp mà thề: Ta sẽ chẳng bao giờ quên một hành vi nào của chúng” (Am 8, 4 – 7). Người ta chờ đợi Chúa đến để thay đổi diện mạo xã hội người nghèo đang chịu nhiều đau khổ.

Là Đấng Kitô

Câu trả lời của thánh Phêrô, là câu trả lời đầy đủ, bao gồm tất cả những câu trả lời của những người chúng quanh nói về Chúa. Tuyên xưng điều này, Chúa cũng nói với Phê rô: “Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.” (Mt 16, 17)

.

Để nhận biết Chúa, cần được Chúa tỏ lộ cho con người. Chúa muốn cho con người được biết và nhận ra Người. Vì biết Chúa không chỉ là cái biết của tri thức, còn là sự nhận biết của tâm hồn yêu mến, để sống sự sống của chính Chúa.

Việc nhận biết sâu xa này, luôn luôn gợi hứng cho con người khao khát và đi tìm Chúa không ngừng. Chúa là Đấng Mới và là Đấng Khác, nên con người gặp Chúa luôn ngỡ ngàng mỗi khi gặp Chúa. Cuối cùng giống như thánh Phê rô chỉ còn mỗi câu để thưa với Chúa, mỗi khi gặp gỡ Chúa: “Chúa biết, con yêu mến Chúa” (Ga 21, 17).  

Lạy Chúa, chúng con cũng muốn thưa với Chúa điều quan trọng nhất cả những khi lỗi tội, những khi thờ ơ, và những khi say mến Chúa: “Chúa biết, con yêu mến Chúa”. Xin đổi mới chúng con từng ngày và cứu giúp sự yếu hèn của chúng con.

Về mục lục

.

TƯỞNG BIẾT NHƯNG CHƯA BIẾT

Anna Cỏ may

Mỗi ngày sống luôn có những sự kiện lớn nhỏ xảy ra với chính bản thân chúng ta. Những sự kiện có thể làm cho chúng ta vui, cũng có những điều làm cho chúng ta không hài lòng lắm. Và điều đương nhiên xảy ra là, chúng ta không thể tránh được những tiếng xầm xì của mọi người. Khi đó, chúng ta lại càng tò mò muốn biết người khác đang nói gì về mình. Nếu họ nói điều tích cực, chúng ta sẽ dễ đón nhận, ngược lại, chúng ta sẽ đón nhận điều đó như thế nào. Đối với Chúa Giêsu của chúng ta thì sao? Hôm nay, Ngài cũng muốn chúng ta tuyên xưng điều gì đó về Ngài bằng chính cuộc sống của chúng ta. Ngài muốn chúng ta xác định chỗ đứng của Ngài trong lòng ta như thế nào.

Chúa Giêsu đã chữa bệnh cho rất nhiều người và trừ cả ma quỷ nữa. Sau khi chữa khỏi bệnh cho họ, Ngài dặn họ đừng nói cho ai biết gì về Ngài (Mt 9,30). Tuy nhiên, những phép lạ của Ngài luôn diễn ra nơi công cộng, ở chỗ đông người, nên không thể không ai biết tới (Mt 9, 23-26). Làm người như chúng ta khi ở trần gian, khi nghe dân chúng xôn xao về mình, Chúa Giêsu cũng muốn biết dân chúng nói và biết gì về Ngài. Lạ thay, Ngài không hỏi dân chúng mà lại hỏi các môn đệ. Ngài háo hức hỏi “Người ta nói Con Người là ai?”(Mt 16,13-20). Các môn đệ đưa ra nhiều đáp án khác nhau, nào là Gioan Tẩy giả, ông Êlia, ông Giêrêmia hay một trong các ngôn sứ. Nghe như vậy, Chúa Giêsu có lẽ thất vọng, vì dân chúng vẫn chưa hiểu biết về Ngài. Họ còn mang trong mình ý nghĩa về một Đấng mà từ lâu họ cứ chờ mong, Đấng đó là một tiên tri. Họ không nhận ra Ngài là Đấng từ trời cao (Ga 3,31). Và đó không phải là câu trả lời mà Chúa Giêsu muốn nghe. Bấy giờ, Chúa Giêsu chỉ còn hy vọng nơi các môn đệ. Ngài hỏi “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai” (Mt 16, 15). Ông Phêrô nói “Thầy là Đấng Kitô Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16, 16). Tại sao chỉ có một mình ông Phêrô nói, còn các môn đệ kia thì sao? Chẳng phải lúc trên thuyền, khi thấy Chúa Giêsu dẹp yên biện lặng, các ông đã bái lạy mà nói “Quả thực ông này là Con Thiên Chúa!” (Mt 14, 33). Phải chăng, các ông không dám vì sợ hay chưa kịp nói. Nhưng dù sao, ông Phêrô đã làm cho Ngài vui lên, vì ít ra vẫn có người đã nói ra đúng ý Ngài muốn. Và Ngài vui vì có người hiểu biết một chút về mình. Niềm vui ấy đươc bộc lộ qua ông Phêrô, ông đươc Chúa khen ngợi và trao quyền nắm giữ chìa khóa Nước Trời. (Mt 16,17-18).

Là những người bước theo Đức Giêsu, chúng ta đang học hỏi về Ngài, để hiểu biết Ngài hơn và sống theo những gì Ngài muốn. Vậy, khi mọi người hỏi chúng ta về Chúa Giêsu, chúng ta đã có câu trả lời nào để nói về Đấng mà mình đang tìm kiếm chưa? Có người trong chúng ta có thể cũng trả lời như ông Phêrô “Thầy là Đấng Kitô Con Thiên Chúa hằng sống”. Chúng ta biết Ngài là Đấng Kitô, Đấng đem lại ơn cứu độ cho mọi người, Đấng giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi. Ngài muốn đưa chúng ta vào vinh quang và cho chúng ta trở nên những người con đích thực của Thiên Chúa. Chúng ta biết Ngài là Con Thiên Chúa qua lời của Chúa Cha “Đây là con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người!”(Mt 17,5). Hay qua biến cố truyền tin của sứ thần Gaprien “Người sẽ nên trở cao cả và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao.” (Lc 1,32). Chính khi chúng ta biết về Ngài nhiều, thì đức tin chúng ta càng mạnh mẽ. Ông Phêrô đã biết và đã tin vào Thầy, nên ông một lòng tuyên xưng đức tin của mình trước mặt Thầy. Phần chúng ta, chúng ta hãy suy xét lại mình đã biết, hiểu Chúa và tin Chúa như thế nào? Chúng ta có dám trả lời chân thật, xác tin như ông Phêrô không? Còn Chúa Giêsu, Ngài vẫn hỏi chúng ta về Ngài qua những sự kiện, những biến cố trong từng ngày sống của chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con tưởng chừng đã biết nhiều về Chúa, nhưng thật ra sự hiểu biết của chúng con còn quá mơ hồ, nên chúng con đã có những thái độ sống chưa được đẹp ý Chúa. Xin Chúa thức tỉnh tâm hồn chúng con, giúp chúng con luôn biết tìm kiếm Ngài, học hỏi về Ngài qua những biến cố thăng trầm trong cuộc sống của chúng con. Nhờ đó, niềm tin của chúng con ngày càng thêm vững mạnh, và chúng con sẽ can đảm hơn để tuyên xưng Chúa là ai trong cuộc đời chúng con. Amen.

Về mục lục

.

CHÚA GIÊSU LÀ AI TRONG TÔI?

Bông hồng nhỏ

 “Người ta nói”, đó là cách mà chúng ta vẫn thường viện dẫn ý kiến khi bàn về một vấn đề. Hôm nay, Chúa Giêsu cũng hỏi các môn đệ: “Người ta nói Con Người là ai?” (Mt 16, 13). Câu hỏi này quả thật không khó nếu các môn đệ chịu lắng tai và để ý sẽ có ngay câu trả lời. Nhưng câu hỏi đó cũng chỉ là cách dẫn vào câu hỏi thứ hai quan trọng hơn, mà Đức Giêsu sẽ dùng nó để giúp các môn đệ khám phá sâu hơn về chỗ đứng của Thầy trong lòng mình “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mt 16, 15).

  1. Người ta nói

Quả thật, lúc bấy giờ, Thầy Giêsu rất nổi tiếng nên có nhiều cách nhìn về Thầy. Có kẻ thì cho là ông Gioan Tẩy giả, kẻ khác lại nghĩ đó là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ. Dân chúng được chứng kiến các phép lạ Thầy làm, được Thầy yêu thương chữa lành bệnh tật. Họ nghe những lời Thầy giảng dạy có uy quyền và họ nghĩ ngay Thầy là một trong các vị ngôn sứ. Họ không biết về sứ mạng của Thầy, không rõ Thầy là ai. Cái biết về Thầy cũng chỉ là phỏng đoán dựa trên những việc Thầy làm, nghe người ta nói. Thầy Giêsu biết rõ những lời người ta bàn tán về mình, nhưng vẫn hỏi các môn đệ. Các ông phấn khởi kể ra. Chính những lời ca tụng của dân chúng trở thành niềm vui, là sự hãnh diện cho các ông. Sẽ có một ngày, Thầy làm nên sự nghiệp vĩ đại, Thầy sẽ phất cờ khởi nghĩa và các ông là những môn đệ của Thầy, chắc chắn sẽ nắm những vị thế chủ chốt trong Nước Thầy. Ước mơ ấy các ông vẫn canh cánh trong lòng. Thầy vẫn lắng tai nghe các ông thay nhau kể nhưng không nói gì. Nét mặt Thầy không tỏ ra phấn khởi như các ông. Thầy lại hỏi các ông “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mt 16, 15). Câu hỏi ấy như một lời chất vấn các môn đệ cũng là chất vấn ta, đòi buộc các môn đệ cũng là đòi buộc ta nhìn về những kinh nghiệm sống bên Thầy, nhìn vào lòng mình để thấy vị trí thật sự của Thầy. Nếu ta luôn yêu Thầy thì ta sẽ dành thời gian và tâm hồn hướng về Thầy. Càng yêu nhau thì người ta càng hiểu rõ về nhau hơn. Thầy yêu các môn đệ, đó là điều chắc chắn. Còn tình yêu các ông dành cho Thầy như thế nào, điều đó sẽ giúp các ông hiểu Thầy là ai.

  1. Anh em nói

Trước câu hỏi bất ngờ của Thầy, trong khi các môn đệ khác đang bối rối thì Phêrô trả lời ngay “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” (Mt 16, 16). Câu trả lời thật xuất sắc! Thật tuyệt vời! Ơn hiểu biết ấy không phải tự sức Phêrô nhưng là mạc khải Chúa Cha dành cho ông. Bởi thế, ông là người có phúc. Nếu được Thầy Giêsu hỏi, thì ta cũng khó mà có được câu trả lời nhanh và chính xác. Hiểu về Thiên Chúa là một ơn ban của Thiên Chúa. Chúa ban cho ai thì người ấy được. Có khi ta sát bên cạnh một người, cùng làm việc, cùng chung một con đường nhưng nếu ta không đủ yêu mến thì làm sao ta biết rõ họ là ai, đặc biệt là xác định chỗ đứng của họ trong lòng ta lại càng khó. Bấy lâu nay, khi ta tham dự Thánh lễ, học hỏi về Chúa, đến với Chúa chỉ vì Chúa mang lại cho ta cái này cái kia, Chúa có ích cho ta nên ta đến. Ta đến với Chúa đơn giản chỉ là để xin điều ta muốn chăng? Khi xin không được thì ta chán, chán quá thì ta bỏ quên Chúa lúc nào không hay. Ta học về Chúa chỉ để thỏa mãn trí tò mò, muốn biết hết mọi sự, biết một chút rồi cứ tưởng là biết hết, biết đủ rồi thôi. Khi đứng trước luồng dư luận về một người, ta sẽ ngả về bên này hay bên kia? Ta có lập trường của mình không? Chúa Giêsu muốn biết tình yêu các ông dành cho Ngài nên hỏi một câu hỏi về chính căn tính của Ngài. Ta hãy cũng tự hỏi lòng mình xem “Chúa Giêsu là ai trong lòng tôi”?

  1. Tháo cởi hay cầm buộc

Sau khi tuyên xưng đức tin của mình về Thầy Giêsu, ông Phêrô được Thầy trao cho sứ mạng cao cả là trở thành người nắm giữ chìa khóa Nước Trời. Dưới đất ông cầm buộc điều gì trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy, dưới đất ông tháo cởi điều gì thì trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy. Đó là quyền tha tội của Hội Thánh được Chúa Giêsu trao phó. Tha thứ là tháo cởi, là quẳng đi hòn đá trong lòng. Nếu ta bị cột chặt hai tay hay bị trói thì thật khó chịu. Cũng vậy, khi ta cầm buộc ai đó bởi hận thù, thì tự ta cũng tự trói buộc lòng mình như thế. Làm sao ta được tự do, khi cứ mãi giữ hận thù trong lòng. Vì vậy, đời sống chung đòi hỏi ta phải thực thi đức ái mỗi ngày.

Lạy Chúa! Sự trói buộc khiến con không thể sống hạnh phúc. Nếu con tự mình cầm buộc anh chị em của mình thì con tự trói buộc mình trước. Xin Chúa dạy con cách tháo cởi tâm hồn mình, để con biết tha thứ và nâng đỡ người khác. Mỗi ngày xin Chúa cho con biết tự hỏi lòng mình “Chúa Giêsu là ai trong tôi”, để con biết ý thức hơn về sự hiện diện và chỗ đứng của Chúa trong lòng con. Amen.

Về mục lục

.

TÔI ĐANG TÌM KIẾM GÌ?

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

Một trong những khao khát sâu thẳm của con người là được kéo dài sự sống đến trường sinh bất tử. Con người dường như luôn bị dằn vặt, trăn trở khi phải đối diện với sự già nua, suy thoái của thân xác. Vì thế, họ tìm kiếm linh dược để kéo dài sự sống của mình. Khao khát này được thể hiện qua việc chăm lo cho thân xác luôn được khỏe mạnh, được cường tráng. Tuy nhiên, quy luật của tự nhiên là sinh bệnh lão tử khiến con người vẫn già, vẫn bệnh, vẫn trở về cát bụi. . . Con người đâu hiểu được rằng điều quan trọng không phải là sống thọ hay không thọ, mà là sống như thế nào? Sống với mục đích gì? Điều đó nó mới làm nên giá trị chất lượng cuộc sống và làm nên sự bất tử cho con người.

Thánh Phê-rô sau thời gian dài đi bên Chúa, nhìn và nghe thấy biết bao điều kỳ diệu Chúa đã làm, ông đã khám phá ra phương thuốc trường sinh là chính Đức Giê-su – Đấng hằng sống. Ông đã mạnh dạn tuyên xưng: “Thầy là Đức Ky-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Qua đây Chúa đã khen ngợi Phê-rô vì ông đã được Thiên Chúa Cha mạc khải điều bí nhiệm của Nước Trời. “Này anh Simon con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy Đấng ngự trên trời”.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy xây dựng nền móng cho cuộc đời dựa trên lời Chúa và giáo lý của Ngài. Lời Chúa là ngọn đèn dẫn dắt chúng ta đi trong chân thiện mỹ. Lời Chúa luôn xây dựng đời chúng ta trong tình yêu là giới răn cao cả mà Chúa đòi buộc chúng ta phải thực thi. Khi con người được xây dựng trên tình yêu với Chúa và tha nhân sẽ giúp con người biết sống cho Chúa và tha nhân trong tinh thần khiêm tốn phục vụ. Khiêm tốn để tôn thờ Chúa trên hết mọi sự. Phục vụ để cho danh Chúa được cả sáng qua đời sống yêu thương của chúng ta. Hãy đặt cuộc đời ta trên lời hằng sống. Hãy chọn Chúa là gia nghiệp. Hãy sống gắn bó với Chúa như cành liền cây để được sống sự sống trường sinh của Chúa.

Chọn Chúa hay đặt nền tảng cuộc đời trên Lời Chúa là biết nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng ban sự sống cho con người để rồi luôn biết quy phục Chúa, và tôn thờ Chúa trên hết mọi sự. Nhờ niềm tin vào Thiên Chúa là Đấng hằng sống mà con người sẽ sống dưới cái nhìn của Chúa và bước đi trong sự dẫn dắt của Ngài.

 Nhưng đáng tiếc cho con người ngày nay thường quay lưng lại với Thiên Chúa. Khước từ Chúa con người cũng khước từ nhau. Con người sống trong bản năng vì tin vào ma quỷ hơn là tin vào Thiên Chúa. Ma quỷ luôn bảo với chúng ta không có Thiên Chúa, không có đời sau để lôi kéo chúng ta sống một cuộc sống buông thả theo tính xác thịt. Ma quỷ luôn bảo chúng ta xây dựng đời mình một cách hời hợt, nông cạn, sống theo bản năng hơn là theo ý chí và lý trí.  Chính đời sống thiếu chiều sâu đã làm cho con người dễ lao vào hưởng thụ hay dễ thất vọng chán nản nếu gặp thất bại.

 Thế nên, vẫn còn đó những người chỉ lo hưởng thụ vật chất mà xa rời cội nguồn sự sống đời đời. Vẫn còn đó những người tham danh vọng mà đấu đá loại trừ lẫn nhau gây nên những bể dâu cho cuộc sống. Vẫn còn đó những người đặt cuộc sống trên đồng tiền mà đánh mất lương tri con người, sống lỗi công bình bác ái với nhau. . .

 Ước gì chúng ta đừng vì lười biếng mà xây dựng đời mình một cách cẩu thả, hời hợt và thiếu đầu tư cho những giá trị Nước Trời là tình thương, là công lý và hòa bình. Xin cho chúng ta biết xây dựng đời mình dựa trên lời Chúa để thánh hóa bản thân và biến đổi thế gian. Amen

Về mục lục

.

THẦY LÀ ĐỨC KITÔ, CON THIÊN CHÚA

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Phần các con, các con bảo Thầy là ai?“(Mt 16, 15) là câu hỏi Chúa Giêsu hỏi các môn đệ Chúa để trắc nghiệm sự hiểu biết của họ về danh tính của chính Chúa Giêsu, trên hành trình từ thượng lưu Galilê đi xuống. Hẳn đã nhiều lần người ta đặt cho các môn đệ câu hỏi về Chúa Giêsu, nay chính Thầy Giêsu hỏi họ về Ngài, một câu hỏi rất cụ thể được Chúa đặt ra, và chờ họ trả lời. Và này, Simon Phêrô đã thay mặt cả nhóm thưa : “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16, 16). Câu trả lời thật rõ ràng. Ở đây, Đức tin của Giáo Hội phản chiếu một cách trọn vẹn. Chúng ta cũng thế, chúng ta được soi sáng cách đặc biệt do lời tuyên xưng của Phêrô.

Đáp lại lời tuyên xưng của Phêrô, Chúa Giêsu trả nói: “Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 16, 17).

Phêrô thật có phúc! Phúc của Phêrô phát xuất từ mầu nhiệm sâu thẳm của Thiên Chúa Cha, chính Chúa Cha mạc khải cho ông. Đây là mạc khải chân lý nội tại, và đời sống của chính Thiên Chúa. Phêrô, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, đã trở thành chứng nhân tuyên xưng một chân lý siêu phàm. Lời tuyên xưng của ông là nền tảng đức tin của Giáo Hội Chúa : “Trên đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” (x. Mt 16, 18). Dựa vào đức tin và lòng trung thành của Phêrô, Giáo Hội của Chúa Kitô được thiết lập. Cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi ý thức rõ điều ấy, như sách Công Vụ Tông Đồ đã viết, khi Phêrô bị giam trong ngục. Hội Thánh khẩn thiết dâng lời khẩn nguyện lên cùng Chúa cho ông (x. Cv 12, 5), vì sự hiện diện của Phêrô vẫn cần thiết cho cộng đoàn trong những giai đoạn đầu của Hội Thánh : Chúa đã sai thiên thần của Người đến mà giải thoát họ khỏi tay những người bách hại (x.12, 7-11). Điều này đã được viết trong ý định của Thiên Chúa mà Phêrô, sau khi thừa nhận với anh em mình trong đức tin, đau khổ tử vì đạo ở Rôma, cùng với Thánh Phaolô, vị Tông Đồ dân ngoại, cũng thoát chết nhiều lần.

Hôm nay, lời tuyên xưng đức tin của Phêrô tại địa hạt thành Xêsarêa Philipphê, vào giai đoạn công khai sứ vụ cuối cùng, chuẩn bị bước vào cuộc thương khó dẫn tới cái chết đau thương và phục sinh của Chúa. Sau khi hóa bánh và cá ra nhiều, Chúa Giêsu đã quyết định cùng với các môn đệ tách khỏi dân chúng, sang bờ bên kia để huấn luyện các ông.

Hai ngày Chúa nhật trước, chúng ta nghe nói về Phêrô xin Chúa cho đi trên mặt nước, đang đi thì ông chìm dần xuống, Chúa cứu ông lên kèm theo lời quở trách : “Người hèn tin, tại sao lại nghi ngờ?” (Mt 14,31 ). Hôm nay, Chúa khen ông : “Hỡi Simon con ông Giôna, con có phúc” (Mt 16,17). Phêrô có phúc là vì ông đã mở lòng mình ra để đón nhận mặc khải của Thiên Chúa và nhận biết Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ. Câu hỏi: “Người ta bảo Con Người là ai? ” (Mt 16, 13) được đặt ra trong dòng lịch sử cùng một câu hỏi : “Phần các con các con bảo Thầy là ai?” (Mt 16, 15). Và một lúc nào đó chúng ta cũng phải trả lời những câu hỏi : Chúa Giêsu là ai đối với tôi và tôi là ai đối với Chúa? 

Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16, 16), là câu trả lời của Phêrô sau khi được Chúa Giêsu hỏi các môn đệ của mình về chính mình. Nếu ngày hôm nay Chúa Giêsu hỏi chúng ta : “Phần các con, các con bảo Thầy là ai ? ” Chúng ta có thể trả lời Chúa một cách rõ ràng và chính xác như Phêrô. Nhưng nếu Chúa hỏi : Thầy là ai đối với mỗi người chúng ta ? Mỗi người phải suy nghĩ, nhìn vào chính tâm hồn mình để trả lời câu Chúa hỏi. Câu trả lời này hết sức riêng tư, không ai giống ai. Đối với người này, Chúa là gia nghiệp, Chúa là bạn trăm năm, là sức mạnh mỗi khi gặp thử thách ; đối với người kia, Chúa là Đấng ai ủi khi buồn phiền,v.v…

Bây giờ chúng ta hãy hỏi ngược lại Chúa: Lạy Chúa Giêsu, Chúa thấy con là ai ? Chúa xếp con vào loại người nào ?

Tin Mừng hôm nay đặt ra cho mỗi người chúng ta hai câu hỏi quan trọng : Chúa Giêsu là ai trong cuộc đời chúng ta ? Và chúng ta là ai dưới cái nhìn của Chúa Giêsu ? Mỗi người chúng ta phải tự trả lời, không ai trả lời thay cho chúng ta được. Khi chúng ta khám phá ra Chúa Kitô, là chúng ta khám phá ra chính bản thân, và căn cội của chính mình. Bước vào trong quan hệ cá nhân với Chúa Kitô, Đấng sẽ mạc khải cho chúng ta căn tính của chính mình, đó là điều Phêrô làm. Khi nghe lời Chúa, bước đi với Chúa, ta thực sự trở nên chính mình. Điều quan trọng không phải là việc thực hiện ý muốn của riêng ta, nhưng là ý Chúa, cuộc sống sẽ trở nên đáng tin hơn. Và nếu ta thực sự muốn được kiện toàn bản thân mình, không có cách nào khác ngoài việc mở rộng đường cho Chúa Kitô.

Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa và xin cho con biết con. Amen.

Về mục lục

.

ĐÁ TẢNG XÂY DỰNG HỘI THÁNH TẠI GIA

Lm. Inhaxiô Trần Ngà  

Hai diễm phúc lớn của thánh Phê-rô  

Sau khi Phê-rô tuyên xưng rằng: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”,  Chúa Giê-su nói với ông : “Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.  Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết : anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.”

Trích đoạn Tin mừng này cho ta thấy thánh Phê-rô có hai diễm phúc lớn:

Một là được Chúa Cha mặc khải cho biết Chúa Giê-su chính là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống; hai là được Chúa Giê-su đặt làm Tảng Đá kiên vững để xây dựng Hội thánh của Ngài.

Hai diễm phúc tương tự của người ki-tô hữu

Tuy nhiên, không chỉ một mình thánh Phê-rô mới được hưởng hồng phúc lớn lao đó mà bất cứ ki-tô hữu nào cũng được thông phần vào hai hồng phúc quý báu này.

– Hồng phúc thứ nhất: Nhờ ơn Chúa ban, mỗi ki-tô hữu chúng ta cũng được hồng phúc nhận biết Chúa Giê-su như thánh Phê-rô từng biết.

Đây là điều mà các vị ngôn sứ tầm cỡ như Ê-li-a, I-sa-i-a, Mô-sê… và ngay cả các nhà hiền triết, các nhà thông thái… chưa từng được nghe, chưa từng được biết, vậy mà chúng ta đã được biết Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô, là Con Thiên Chúa hằng sống. Hơn thế nữa, chúng ta còn được nghe Ngài phán dạy qua những trang Tin mừng, qua giáo huấn của Hội thánh từ lâu nay.

Chính Chúa Giê-su cũng nhìn nhận đây là đại phúc:

“Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc vì được nghe. Quả thế, Thầy bảo anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe” (Mt 13, 16-17).

Hồng ân này lớn lao quá đỗi đến nỗi Chúa Giê-su đã từng cất tiếng tạ ơn Thiên Chúa Cha thay cho chúng ta: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, Con xin ngợi khen Cha vì Cha đã giấu không cho những bậc khôn ngoan thông thái biết những điều nầy, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn” (Mt 11, 25). 

– Hồng phúc thứ hai: Bên cạnh hồng phúc nhận biết Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô như thánh Phê-rô, chúng ta còn được hồng phúc thứ hai là được Chúa chọn làm đá tảng xây hội thánh nhỏ của Chúa.

Thánh Phê-rô dạy rằng Thiên Chúa muốn nhờ đến chúng ta như “những viên đá sống” để xây nên Đền thờ của Chúa. Ngài nói như sau: “Anh em hãy để Thiên Chúa dùng như những viên đá sống động mà xây nên Đền thờ thiêng liêng” (1Pr 2,5).

Noi gương thánh Phê-rô, chúng ta tích cực xây dựng hội thánh tại gia

Phê-rô là Đá tảng được Chúa chọn làm nền để xây dựng Hội thánh hoàn vũ, thì chúng ta cũng là những viên đá khác được Chúa chọn để xây dựng hội thánh nhỏ là gia đình và giáo xứ. Thế là chúng ta trở thành những Phê-rô khác, những “viên đá” khác trong Hội thánh tại gia. Hội thánh toàn cầu được kiên vững nhờ được xây dựng trên Đá tảng Phê-rô thì Hội thánh tại gia có được kiên vững hay không là tuỳ vào chúng ta.

Lạy Chúa Giê-su, 

Khi Phê-rô được chọn làm Đá tảng xây dựng Hội thánh, ngài không thụ động cầu an, nhưng đã anh dũng hy sinh đời mình phụng sự Thiên Chúa, mở mang Hội thánh và đem lại ơn cứu độ cho muôn dân.
Xin cho chúng con là những người được Chúa tuyển chọn làm những viên đá xây đền thờ Chúa, thì cũng biết noi gương thánh Phê-rô mà tích cực xây dựng gia đình và xứ đạo chúng con trở nên một đại gia đình thánh thiện và chan hòa tình yêu thương.

Về mục lục

.

ANH EM BẢO THẦY LÀ AI?

Lm. GB. Trần Văn Hào

Có một họa sĩ muốn phác lại chân dung của Đức Giêsu, nhưng ông ta không biết phải làm thế nào. Ông lang thang khắp đó đây để tìm một người làm mẫu, nhưng tìm mãi vẫn không ra. Thoạt đầu ông gặp một đứa bé với nụ cười ngây thơ trong trắng. Ông về nhà vẽ khuôn mặt Chúa Giêsu và cố đưa nét đơn sơ hồn nhiên ấy vào trong bức họa. Gặp một ẩn sĩ đang đăm chiêu cầu nguyện, ông cũng muốn lột tả khuôn mặt sâu lắng và thanh thản nơi bức tranh. Về đến gần nhà, ông gặp một bà mẹ trẻ đang âu yếm vỗ về đứa con thơ, ông cũng khám phá ra nét dịu dàng của tình mẫu tử và cố gắng diễn bày nét đẹp ấy trong tác phẩm của mình. Nói chung, gặp bất cứ nét đẹp nào, người nghệ sĩ kia đều muốn đưa vào trong bức chân dung vẽ Chúa Giêsu. Khi gần hoàn thành xong tác phẩm, ông ta vẫn còn thấy thiếu một cái gì đó. Một bữa nọ, khi lang thang bên bìa rừng, ông bắt gặp một bóng ma đang động đậy, đúng hơn đó là một con người đang nặng nề lê bước với chiếc khăn che kín mặt. Đó là một người cùi đang lầm lũi bước đi với nỗi đau tột cùng. Anh vui mừng về xưởng, vẽ phủ lên khuôn mặt Chúa Giêsu một tấm khăn mỏng, giống như chiếc khăn trùm trên gương mặt đau khổ của người bệnh phong. Người họa sĩ muốn nói lên rằng, Đức Giêsu vẫn mãi là một mầu nhiệm còn đang ẩn dấu đối với sự tìm kiếm của con người.

Anh em bảo Thầy là ai?

Đây là câu hỏi Chúa đặt ra cho các học trò năm xưa, cũng như cho mọi người chúng ta ngày hôm nay. Chúa muốn mời gọi chúng ta nhìn lại đời sống đức tin để thẩm định xem, Đức Giêsu là ai đối với tôi. Chúng ta vẫn giơ tay làm dấu Thánh giá, tin nhận Đấng chịu đóng đinh năm xưa là đối tượng duy nhất của niềm tin, nhưng trong thực tế, chúng ta đã sống niềm tin ấy như thế nào.

Đứng trên góc độ thuần lý, có lẽ mọi người chúng ta là những kẻ xuẩn ngốc nhất. Chúng ta tin vào một con người cũng giống hệt chúng ta, không có gì nổi trội. Con người đó sống cách chúng ta cả 20 thế kỷ, khác màu da, khác chủng tộc, khác nền văn hóa, nói chung đó là một con người hoàn toàn xa lạ. Có một thời, một số cán bộ đã tuyên truyền nói rằng, đạo của các anh, những người công giáo là đạo lai căng, do thực dân Pháp đưa vào. Các anh tôn thờ một con người ở mãi tận đâu, chứ không phải một vị thần ở tại quê hương mình, ví dụ như Thánh Gióng, như Vua Hùng chẳng hạn…Lời nhận xét đó rất đúng, nếu chỉ xét trên bình diện logic của lý trí. Vì vậy, trong bài Tin Mừng hôm nay, sau khi Phêrô tuyên tín ‘Thầy là Đức Kitô, con Thiên Chúa hằng sống, Chúa đã nói : “Không phải phàm nhân đã mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời”. Lời tuyên xưng của Phêrô cho chúng ta thấy rằng, Đức Giêsu không phải chỉ là một con người của lịch sử, một vĩ nhân hay là một vị sáng lập tôn giáo như các vị khác. Trên hết, Ngài là một Thiên Chúa – Người, là Messia, là Đấng đã đến trần gian để trở nên căn nguyên ơn cứu độ cho chúng ta.

Diễn bày đức tin như thế nào?

Vào năm 1997, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đi thăm viếng mục vụ tại nước Pháp. Giáo hội Pháp từng được mệnh danh là trưởng nữ của Hội thánh, là cái nôi Kitô giáo của Châu Âu. Tuy nhiên, trong lần thăm viếng năm ấy, Đức Thánh Cha cảm thấy rất buồn vì ngoài đường phố có khá nhiều nhóm bạn trẻ Công giáo đứng ra biểu tình để chống đối Ngài và chống luôn cả Giáo Hội. Có nhóm chủ trương phải cấp tiến, có nhóm lại rất bảo thủ. Có nhóm đứng lên đòi Giáo Hội phải cho phép ngừa thai bằng mọi cách, thậm chí cổ xúy ngay cả việc phá thai. Có nhóm đòi Giáo Hội phải cho kết hôn đồng tính hay được quyền ly dị,v…v…Đau lòng hơn cả, là có một số bạn trẻ đã nộp đơn đồng loạt xin rút tên khỏi Giáo Hội vì nhiều lý do. Đức Hồng y Etchegarey nhận định rằng, nước Pháp có 90% dân số theo đạo Công giáo, nhưng chỉ 10% trong số ấy thực hành đức tin, ít ra là còn lui tới nhà thờ. Còn lại, đa số chỉ giữ đạo trên lý thuyết, việc thực hành thì không (Croyant mais non practiquant). Khi đến Việt Nam, Ngài tiên đoán rằng, 30 năm nữa, Giáo hội Việt Nam sẽ rơi vào cuộc khủng hoảng giống như vậy.

Nhiều bạn trẻ tại Việt Nam ngày nay cũng đang sống trong tình trạng tương tự như thế. Việc đi đến nhà thờ trở nên thưa thớt dần. Có muôn ngàn lý do họ trưng ra để biện minh, nhưng tất cả chỉ là ngụy biện, hòng lấp liếm cho sự lười biếng của mình.

Đặt Thiên Chúa vào chỗ tối thượng (in primacy).

Đây là đòi hỏi nền tảng mà Chúa Giêsu đã nêu ra trong bài Tin Mừng hôm nay. Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II đã đưa ra 3 nguy cơ làm sói mòn đức tin nơi người Công giáo, đó là sống theo chủ nghĩa duy vật  (matérialism), sống theo chủ nghĩa hưởng thụ (consumérism) và sống theo chủ nghĩa tục hóa (sécuralism). Chủ nghĩa duy vật là một lối sống thượng tôn tiền bạc, đặt tiền bạc làm thước đo mọi giá trị. Chủ nghĩa hưởng thụ là sống một cách ích kỷ để chỉ lo cho bản thân, và chủ nghĩa tục hóa là đào thải mọi chiều kích linh thánh trong những sinh hoạt thường ngày. Ngài gọi chung cả ba chủ nghĩa trên là một lối sống vô thần (athéist), từ từ khai tử và gạt bỏ Thiên Chúa ra bên ngoài. Để tránh rơi vào những cám dỗ này, thánh Phaolô trong bài đọc 2 của phụng vụ hôm nay mời gọi chúng ta hãy quy hướng cuộc sống về với Thiên Chúa và đặt Ngài vào chỗ tối thượng. Thánh nhân viết : “Muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại, và tất cả phải quy hướng về Người. (Rm 22,36).

Kết luận

Đức Giêsu là đối tượng duy nhất của niềm tin chúng ta. Ngài vẫn đang hoạt động trong lòng Giáo hội. Giáo hội được xây dựng trên đá tảng là Thánh Phêrô, và tòa nhà Giáo hội vẫn luôn đứng vững trước những thử thách. Chúa Giêsu đã khẳng định với Thánh Phêrô “Quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi”. Để sống đức tin một cách cụ thể, chúng ta phải nuôi dưỡng nơi mình cảm thức thuộc về (sense of belonging), thuộc về Chúa Kitô và thuộc về Giáo hội. Sống với cảm thức sâu xa ấy, đức tin của chúng ta sẽ mãi luôn triển nở.

Về mục lục

.

SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXI THƯỜNG NIÊN. NĂM A

Lm. Anthony Trung Thành 

Vì yêu thương, Đức Giêsu đã vâng lời Chúa Cha xuống thế làm người cứu chuộc nhân loại. Để thực hiện sứ mạng đó, Ngài đã ở thế gian 33 năm: 30 năm sống ẩn dật, 3 năm đời sống công khai. Trong 3 năm ngắn ngủi của đời sống công khai, Ngài đã đi khắp đó đây rao giảng Tin mừng. Đồng thời, để chuẩn bị cho việc thiết lập Giáo hội, Ngài đã chọn và huấn luyện nhóm mười hai. Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Ngài đã đặt Thánh Phê-rô làm đầu mười hai Tông đồ, cũng chính là làm đầu Giáo hội mà Ngài sẽ thiết lập.

Bài Tin mừng hôm nay, Thánh Matthêu cho chúng ta biết, sau khi hỏi dư luận quần chúng suy nghĩ như thế nào về Ngài, Đức Giêsu quay sang hỏi các Tông đồ: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?”(Mt 16,15). Thánh Phê-rô đại diện cho các Tông đồ trả lời rằng: “Thầy là Đức Giêsu Ki-tô Con Thiên Chúa Hằng Sống” (Mt 16,16). Đức Giêsu khen ngợi câu trả lời của Phê-rô. Đồng thời, Ngài nói với ông rằng: “Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời: sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở”(Mt 16,18-19).

Đá là một vật thể cứng, bền, chắc…Đức Giêsu gọi Phê-rô là Đá, và trên “viên đá” đó, Đức Giêsu muốn xây Hội thánh của Ngài, chứng tỏ Đức Giêsu xây dựng Hội thánh trên nền tảng vững chắc, đúng như lời Ngài khẳng định: “Dầu cửa địa ngục sẽ không thắng được”. 

Chìa khóa biểu tượng cho quyền lực. Ai được trao chìa khóa thì người đó có quyền đóng mở và bảo quản những gì có trong đó. Bài đọc I cho chúng biết, khi trao quyền lực cho En-gia-kim, Thiên Chúa trao cho ông chìa khóa: “Ta sẽ để chìa khoá nhà Ða-vít trên vai nó: nó sẽ mở cửa và không ai đóng lại được; nó đóng cửa lại và không ai mở ra được” (Is 22,22). Cũng vậy, Thánh Phê-rô được trao chìa khóa nước trời, nghĩa là Thánh Phê-rô có quyền lãnh đạo dân Chúa, có quyền đóng mở và bảo quản kho tàng thiêng liêng của Hội Thánh, đó chính là Lời Chúa, các Bí tích. Ngoài ra, Ngài còn có quyền “trói và cởi”. Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo dạy: Quyền “trói và cởi” là quyền tha thứ các tội lỗi, công bố những phán đoán về giáo lý và đưa ra những quyết định có tính kỷ luật trong Giáo hội (x. số 553).

Nhìn lại lịch sử Giáo hội suốt 2000 năm qua, chúng ta thấy lời hứa của Đức Giêsu với Phê-rô đã trở thành hiện thực. Dẫu Giáo hội trải qua nhiều sóng gió nhưng Giáo hội vẫn luôn luôn đứng vững trên nền tảng của Thánh Phê-rô: Thánh Phê-rô và các đấng kế vị luôn đóng trọn vai trò “Đá tảng”, luôn chu toàn chức vụ “cầm chìa khóa nước trời” để “trói và cởi”.  Nhờ đó, nhân loại đón nhận biết bao ơn lành từ Thiên Chúa qua Giáo hội.

Chúng ta cám tạ Chúa đã lập nên Giáo hội. Giáo hội trở thành mẹ của chúng ta trong đức tin, trong cuộc sống siêu nhiên (x. LG 6.14.15.41.42). Vì thế, bổn phận của chúng ta đối với Giáo Hội cũng tương tự như bổn phận của con cái đối với Cha Mẹ. Đó là chúng ta phải biết ơn, vâng lời và xây dựng Giáo hội.  

Thứ nhất, chúng ta biết ơn Giáo hội, vì Giáo hội đã sinh ra chúng ta trong đức tin, nuôi dưỡng chúng ta bằng Lời Chúa và các Bí tích. Trong bài huấn dụ với 100.000 khách hành hương tại quảng trường Thánh Phê-rô ngày 10/9/2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày đề tài giáo lý “Giáo hội là mẹ”. Ngài cho biết, trong các hình ảnh mà Công Đồng Chung Vatican II đã chọn để giúp chúng ta hiểu rõ hơn bản chất của Giáo hội nghĩa là bản chất là “mẹ”: Giáo hội là mẹ chúng ta trong đức tin, trong cuộc sống siêu nhiên (x. LG 6.14.15.41.42). Ngài nói: Giáo hội “đồng hành với sự trưởng thành của chúng ta, bằng cách thông truyền Lời Chúa cho chúng ta, là ánh sáng chỉ con đường cuộc sống kitô cho chúng ta, và ban phát các bí tích. Giáo hội nuôi dưỡng chúng ta bằng bí tích Thánh Thế, đem lại ơn tha thứ cho chúng ta qua bí tích Sám Hối, nâng đỡ chúng ta trong lúc đau yếu với bí tích Xức Dầu bệnh nhân. Giáo hội đồng hành với chúng ta trong suốt cuộc sống đức tin.” (Nguồn: vi.radiovaticana.va). Vì vậy, chúng ta cần thể hiện lòng biết ơn bằng cách tôn kính và yêu mến Giáo hội.  

Thứ hai, chúng ta phải vâng lời Giáo hội. Vâng lời Giáo hội là vâng lời Đức Thánh Cha, các Đức Giám mục, các linh mục và những người đại diện của Chúa ở trần gian này. Vâng lời trở thành một nhân đức như khi các thành phần trong Giáo hội vâng lời Đức Giáo Hoàng. Vâng lời còn trở thành luật buộc như khi các Giám Mục vâng phục Đức Giáo Hoàng, các linh mục vâng phục  Giám mục Giáo phận của mình, các tu sĩ vâng phục Bề trên hợp pháp của cộng đoàn. Có nhiều mẫu gương sống tinh thần vâng phục trong Giáo hội, đáng chú ý là mẫu gương vâng phục của Đức Tổng Giám Mục Fénelon, nước Pháp sau đây: Giám Mục Fénelon là Tổng Giám Mục danh tiếng của giáo phận Cambrai nước Pháp vào đầu thế kỷ XVIII. Ngài được mọi người thán phục và kính nể vì ngài đạo đức và thông thái. Ngài sáng tác cuốn sách thiêng liêng rất hay, nhan đề “Cắt nghĩa các câu châm ngôn của Các Thánh.” Ngày kia, khi sắp lên tòa giảng để giảng một bài quan trọng trước một cử toạ đông người đang thán phục, ngài được tin Đức Giáo Hoàng Inôsentê XII đã lên án cuốn sách của ngài và cấm lưu hành. Đến giờ giảng, ngài vẫn bình tĩnh bước lên tòa giảng, nhưng không phải để giảng bài ngài dọn, mà để giảng một bài về sự tuân phục đối với Giáo-Hội. Ngài nói: “Đức Thánh Cha đã lên án cuốn sách của cha. Cha xin hoàn toàn tuân phục quyền bính Giáo Hội cho đến chết để làm gương cho anh em.” Và để tỏ lòng tuân phục công khai một cách khiêm nhượng, ngài cho khắc cảnh thiên thần đang dày đạp dưới đất những tác phẩm bị Giáo Hội lên án, trong đó có cuốn sách của ngài, nhan đề “Cắt nghĩa các câu châm ngôn của Các Thánh.”(Trích bài gợi ý của Lm. Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang). 

Thứ ba, chúng ta phải có tinh thần xây dựng Giáo Hội cả về tinh thần lẫn vật chất. Thánh Công Đồng Vatican II trong Hiến Chế Tín lý về Giáo Hội đã cho biết: “Nhờ khả năng chuyên môn và uy tín của họ (Giáo dân), họ có thể và đôi khi còn có bổn phận phải bày tỏ cảm nghĩ của mình về những việc liên quan đến lợi ích của Giáo hội… nhưng luôn với lòng chân thành, can đảm, khôn ngoan, kính trọng và yêu mến những người thay mặt Chúa Kitô vì nhiệm vụ thánh của các ngài” (Ibid., no. 37). Thật vậy, Giáo hội cần những lời góp ý chân thành, can đảm, khôn ngoan, kính trọng và yêu mến từ phía giáo dân đối với các đấng bậc trong Giáo hội, nhằm mục đích xây dựng và bảo vệ Giáo hội. Đừng bao giờ chỉ trích, lên án hay nói xấu Giáo hội. Còn về vật chất, điều răn Thứ Năm của Hội thánh nhắc nhở mọi tín hữu cần phải chu toàn nhiệm vụ đóng góp công của để xây dựng Giáo hội. Ngoài ra, các tín hữu cũng có thể đóng góp thêm tùy theo khả năng của mình để xây dựng Giáo xứ, Giáo phận, và Giáo hội ngày một thêm lớn mạnh và bền vững hơn. 

Lạy Đức Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa đã lập nên Giáo hội để sinh ra, nuôi dưỡng và dạy dỗ chúng con. Xin cho mỗi người chúng con luôn biết yêu mến, vâng lời và đóng góp tinh thần và vật chất để xây dựng Giáo hội. Amen.

Về mục lục

.

SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXI THƯỜNG NIÊN_A

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nam

Bài Tin mừng Chúa nhật XXI quanh năm hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu đặt Phêrô làm vị thủ lĩnh tối cao của Giáo hội, sau khi ông tuyên xưng: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.

Người Do Thái thời Chúa Giêsu luôn khát mong một Đấng Thiên Sai đến để giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị đô hộ của ngoại bang. Các tông đồ cũng có quan niệm như thế về Đấng Messia có tính cách chính trị. Để có cái nhìn chính xác về dung mạo và sứ mạng của Đấng Messia, Đức Giêsu đã đặt vấn đề với các tông đồ: “Người ta nói Con Người là ai?”.Nhiều quan điểm, nhiều dư luận khác nhau: kẻ nói là Gioan Tẩy Giả, Elia, Giêrêmia hay một ngôn sứ! Tất cả nhận định này không chính xác về Đấng Messia. Đức Giêsu hỏi: “Còn anh em, anh em nói Thầy là ai?” – Ông Simon Phêrô thưa: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Nghĩa là Đức Giêsu là Đấng Messia, Đấng Cứu Thế. Từ ngữ Kitô là tước hiệu của Đấng Thiên Sai. Câu trả lời chính xác của Phêrô nói lên ý nghĩa Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế được Chúa Cha sai xuống trần gian để ncứu chuộc nhân loại. Khi tuyên xưng Đức Giêsu  là Đấng Kitô, có lẽ Phêrô cũng chẳng hiểu gì, vì thế Đức Giêsu mới xác nhận “Chính Cha Thầy đã mạc khải cho Con”.Tuy nhiên niềm tin này vẫn còn mong manh vì Phêrô chưa hiểu được chương trình cứu độ của Thiên Chúa, chưa chấp nhận Đức Kitô phải chịu đau khổ (Mt, 16, 23).

Để tiếp tục công việc cứu độ cho đến tận thế, Đức Giêsu đã thành lập Giáo hội trên nền tảng Phêrô và trao cho ông “chìa khóa Nước Trời”, nghĩa là Phêrô là người quản trị của Giáo hội mà chính Ngài thành lập: “Phêrô, con là đá, trên đá này, Thầy sẽ xây Hội thánh của Thầy”. Việc trao trách nhiệm này có nhiều điều đáng chúng ta lưu ý:

– Phêrô được trao trách nhiệm sau khi tuyên xưng đức tin vào Đức Giêsu:“Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Người lãnh trách nhiệm của Chúa, trước hết phải có niềm tin vào Chúa. Tin, đồng nghĩa với bước đi theo Chúa, làm những gì Chúa muốn và muốn những gì Chúa làm.

– Đức Giêsu bảo đảm rằng Thiên Chúa sẽ luôn hỗ trợ cho trách nhiệm của Phêrô trong Giáo hội: “Thầy trao cho con chìa khóa Nước Trời, điều con ràng buộc, trên trời cũng ràng buộc…”.

Hơn nữa Đức Giêsu còn hứa ở với Giáo hội, đồng hành với Giáo hội, bảo vệ Giáo hội luôn bền vững trường tồn: “Quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi”.

– Tuy nhiên những người được Chúa trao trách nhiệm không hẳn là những người tài giỏi, hoàn toàn xứng đáng, thánh thiện. Mười hai tông đồ đều là những thuyền chài đơn sơ, tầm thường, học thấp, bất toàn, yếu đuối. Chẳng hạn như Phêrô vừa được Chúa trao cho nhiệm vụ cao cả, đã can ngăn Chúa chịu nạn chịu chết và bị Chúa quở trách nặng lời: “Satan, hãy lui ra đằng sau Thầy”. Phêrô đã chối Chúa ba lần. Chúa chọn, gọi, trao trách nhiệm cho những người Ngài muốn. Thiên Chúa chỉ cần những ai có thiện chí và vâng phục Ngài để chính Ngài biến đổi thành những khí cụ cứu độ cho anh em.

Qua Lời Chúa hôm nay ghi nhận việc Chúa đặt Phêrô làm đầu Giáo hội, xây dựng giáo xứ, xã hội và gia đình chúng ta trở nên một cộng đoàn yêu thương, an hòa và hạnh phúc qua việc nỗ lực lắng nghe và thực hành lời Chúa.

– Giáo hội hôm nay là nước Chúa ở trần gian, vừa thánh thiện vừa mang chiều kích của nhân loại còn nhiều vết nhăn, nhiều khuyết điểm, lỗi lầm… Nhưng Giáo hội của Chúa Giêsu Kitô luôn là kho tàng ân sủng của Chúa, là cửa đưa ta vào hạnh phúc thiên đàng. Chúng ta hãy yêu mến, tin tưởng và vâng phục Giáo hội qua các vị lãnh đạo Giáo hội của Chúa.

Về mục lục

.

HÃY XÂY DỰNG HỘI THÁNH

BẰNG NHỮNG VIÊN ĐÁ SỐNG ĐỘNG

Tu sĩ Jos. Vinc. Ngọc Biển

“Giáo Hội là mầu nhiệm”;“Giáo Hội là dân Thiên Chúa”. Những khái niệm trên cho thấy Giáo Hội vừa mang tính hữu hình vừa mang tính vô hình. Hữu hình: Giáo Hội là một tổ chức như mọi tổ chức trần gian. Có người lãnh đạo và có những cộng sự khác. Vô hình: vì có Thiên Chúa Ba Ngôi là chủ. Mọi thành phần trong Giáo Hội đều có sự liên đới với nhau, ta gọi đó là: “Mầu nhiệm hiệp thông”.

Như vậy, khi thiết lập Giáo Hội, Đức Giêsu muốn thông qua tổ chức hữu hình để Ngài ban ân sủng siêu nhiên nhằm cứu độ con người. Thế nên, trước khi về trời, Đức Giêsu muốn Giáo Hội tiếp tục công trình cứu độ của Ngài cho đến tận thế. Vì lẽ đó, Đức Giêsu đã đặt Phêrô là người thay mặt Ngài ở trần gian để điều hành Giáo Hội. Tuy nhiên, việc trao ban quyền lãnh đạo cho Phêrô, Đức Giêsu muốn Phêrô phải tuyên xưng và xác tín niềm tin của ông nơi Ngài trước khi nhận lãnh sứ vụ. Đồng thời phải có tâm tình khiêm tốn, chân thành của kẻ bé mọn trong việc xây dựng Nước Trời trên trần gian.

  1. Phêrô tuyên xưng đức tin

“Người ta bảo Con Người là ai?” (Mt 16, 13).

Tại sao Đức Giêsu lại hỏi các môn đệ như vậy? Câu hỏi này của Đức Giêsu có ý gì?

Thưa vì những lý do sau:

Thứ nhất, Đức Giêsu và các môn đệ đang ở vùng Cêsarêa Philipphê. Đây là vùng đất của dân ngoại. Địa danh này còn được biết đến là một trung tâm thờ thần Baan. Nơi đây cũng có thể là nơi “chôn rau cắt rốn” của thần Hylạp có tên là Panias: thần thiên nhiên.

Dân chúng ở đây, trong tâm thức của họ, Đức Giêsu chỉ là một nhân vật vĩ đại và thuần túy, hay chỉ là người tiếp nối quá khứ truyền thống của các tiên tri thời Cựu Ước mà thôi. Sẵn có lối suy nghĩ như vậy, nên họ không hiểu rõ sứ vụ Thiên Sai của Đức Giêsu! Vì thế, không lạ gì khi được hỏi về dư luận trong dân chúng về mình, các môn đệ đã thông tri cho Đức Giêsu biết: “Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ” (Mt 16, 14). Khi nghe thấy như thế, Đức Giêsu không thỏa mãn với câu trả lời đó. Mặt khác, nhân đây, Ngài muốn mặc khải cho các ông về con người và vai trò Thiên Sai của mình. Vì thế, Ngài đã hỏi trực tiếp các môn đệ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Simon Phêrô thưa: “Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16, 15-16).

Khi Phêrô tuyên xưng điều đó, có lẽ ông cũng không hiểu hết, bởi vì mầu nhiệm này quá sức của ông và các môn đệ khác.

Quả thật, “Đấng Kitô” mà Đức Giêsu muốn các môn sinh của mình hiểu ở đây không chỉ đơn thuần theo nghĩa là Đấng được Thiên Chúa sinh ra, mà còn là người hành động như Thiên Chúa, ngang bằng với Thiên Chúa. Còn“Con Thiên Chúa hằng sống”, tức Ngài là Đấng tự hữu và tự tồn tại, vì thế“Ngài ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế”.

Thứ hai, đây là dịp để Đức Giêsu trắc nghiệm niềm tin của các ông vào mình, bởi lẽ không thể trao phó một trách nhiệm quan trọng mang tính trường tồn cho một kẻ kém tin, kiêu ngạo, tự phụ và không hiểu biết gì về mình.

  1. Phêrô đón nhận sứ vụ

Ngay sau khi Phêrô tuyên xưng đức tin, Ðức Giêsu nói với ông: “Này anh Simon con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Ðấng ngự trên trời”(Mt 16, 17)Qua câu nói đó của Đức Giêsu, và lúc khác kết hợp với lời tạ ơn của chính Ngài: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Mt 11, 25), cho chúng ta thấy rất rõ rằng: sứ vụ mà Phêrô sắp được lãnh nhận ở đây không phải là của người khôn ngoan, trí thức, quyền quý, theo kiểu người đời vẫn hiểu, mà là dành cho những người bé mọn theo ý Chúa. Lời tuyên tín của Thánh Phêrô “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” không thuộc phạm trù “sự hiểu biết thuộc về con người”, nhưng thuộc về “thế giới siêu nghiệm”,và vì thế, để hiểu được tất cả ý nhĩa của lời tuyên tín trên thì cần phải được mặc khải từ Thiên Chúa, và người đón nhận phải đơn sơ, chân thành.

Thật vậy, sứ vụ mà Phêrô sắp lãnh nhận là trở thành chủ chăn, là người lãnh đạo, nhưng khi thi hành thì phải mang trong mình tâm tình khiêm nhường và phục vụ chứ không được dùng quyền để đàn áp, thống lãnh và ăn trên ngồi trước như người đời… Biết can đảm, trung thành trước mọi thử thách và cuối cùng là biết phó thác nơi Thiên Chúa như những người bé mọn.

Vì thế, khi Phêrô tuyên xưng niềm tin, ngay lập tức, Ngài đã đổi tên của ông là Simon thành Phêrô và giải thích là “Đá Tảng”. Nhắc đến đá, ta nhớ ngay những đặc tính của nó như: cứng; bền; chắc. Và khi Đức Giêsu ví Giáo Hội được xây trên nền đá, Ngài cũng muốn nhấn mạnh đến những đặc tính siêu nhiên.

Cứng: nói lên sức mạnh của Giáo Hội.

Bền: nói lên sự trường tồn của Giáo Hội.

Chắc: nói lên sự vững mạnh của Giáo Hội.

Khi đổi tên như thế, Ngài đã biến ông từ một kẻ nhát đảm, kém tin, bồng bột trở thành biểu tượng của sức mạnh, trường tồn và bền vững: “Trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16, 18). Không những thế, Đức Giêsu còn trao cho Phêrô quyền tuyệt đối khi nói: “Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 16, 19).

  1. Sứ điệp Lời Chúa

Khi Giáo Hội được Đức Giêsu xây trên nền đá vững chắc ấy. Cộng đoàn những người tuyên xưng cùng một lòng tin mà Phêrô vừa tuyên xưng thì được ví như một tòa nhà do chính Đức Giêsu xây dựng trên “tảng đá”Phêrô. Mỗi chúng ta cũng được ví: “… như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Ðền Thờ thiêng liêng” ấy (x. 1Pr 2,5). Khi nói đến viên đá sống động, hẳn chúng ta không thể hiểu theo ngôn ngữ chết, mà phải hiểu trong tương quan với Thiên Chúa và với anh chị em chúng ta.

Câu hỏi của Đức Giêsu với các môn đệ: “Người ta bảo Con Người là ai?”cũng là câu hỏi dành cho mỗi người chúng ta. Bổn phận của chúng ta là phải trả lời cho được câu hỏi đó. Nếu trả lời như Phêrô khi xưa: “Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Thì hẳn chúng ta phải biểu lộ niềm tin của mình vào Đấng đã cứu chuộc mình cách đúng nghĩa.

Thật vậy, muốn thuộc về Đức Giêsu, chúng ta phải đi lại con đường thập giá của Ngài đã đi và sống nguyên lý của mầu nhiệm tự hủy, khiêm tốn, can đảm, trung thành và phó thác.

Nếu không, đức tin của chúng ta chỉ là thứ đức tin “ấu trĩ” được mua bằng một “giá rẻ”. Nếu quả là vậy, thì mãi mãi vẫn chỉ là một đức tin “nghèo nàn” và thiếu đi “cốt lõi” của niềm tin.

Thánh Giacôbê Tông đồ đã nói: “Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2, 17), và thánh Gioan đã quả quyết:“Căn cứ vào điều này, chúng ta nhận ra rằng chúng ta biết Thiên Chúa: đó là chúng ta tuân giữ các điều răn của Người […]. Ai nói rằng mình ở lại trong Người, thì phải đi trên con đường Ðức Giêsu đã đi” (1,Ga 2,3-6).

Như vậy, tin Đức Giêsu thì cũng hành động như Ngài và tuân theo lời dạy yêu thương của Ngài: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13, 34), và như thế, niềm tin của chúng ta sẽ được lan truyền sang cho mọi người như lời Đức Giêsu đã nói: “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13, 17).

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con, để chúng con ngày càng theo sát Chúa trên con đường thập giá là con đường “độc đạo” con “đường thật” dẫn đến “sự sống”. Xin cũng ban cho chúng con luôn yêu mến, vâng phục đấng thay mặt Chúa, kế vị các tông đồ và sẵn sàng dấn thân xây dựng Giáo Hội của Chúa trên trần gian. Amen.

Về mục lục

.

CHÌA KHÓA NƯỚC TRỜI

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Tin mừng hôm nay thuật lại biến cố thánh Phêrô tuyên xưng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa Hằng Sống; và với lời tuyên xưng này, thánh Phêrô đã được Chúa Giêsu trao “Chìa Khóa Nước Trời“, tức là quyền lãnh đạo Dân Chúa.

Trong Kinh Thánh, chìa khóa tượng trưng cho quyền cai quản và điều hành, như Thiên Chúa ban cho Êliakim quyền điều hành nhà Ðavid (Is 22,20-22), hay quyền hành của Chúa Giêsu trên sự chết (Kh 1,17-18).

Chìa khóa, theo Thánh Kinh, là biểu tượng của sự tin tưởng, uy quyền và trách nhiệm. Chúa Giêsu đã trao chìa khóa cho thánh Phêrô. Chúa tin tưởng thánh Phêrô, trao cho Ngài quyền hành và trách nhiệm để hướng dẫn Giáo Hội trên trần gian: “Thầy sẽ trao cho con chìa khóa nước Trời; sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở”.Quyền “cầm buộc và tháo cởi” có nghĩa là quyền tha tội, quyền đưa ra những phán quyết về giáo lý và những quyết định về kỷ luật trong Hội Thánh (GLHTCG, số 553). Đây là một quyền hành thật cả thể. Vì bản chất của quyền hành ở đây theo từ ngữ chuyên biệt trong tiếng Do thái có thể chỉ đến việc cầm buộc ma quỉ trong khi trừ quỉ, trong việc hành luật liên quan đến vạ tuyệt thông và trong những vấn đề phán quyết nghiêm trọng (NJBC,659).

Ngoài ra, theo một số nhà chú giải Thánh kinh như Kevin O’Sullivan, OFM và Paul J Achtemeier, “Chìa khóa Nước Trời” ám chỉ đến hình ảnh một người đầy tớ với chìa khóa trong tay để mở cửa các phòng trong nhà. Người có chìa khóa trong tay không chỉ có quyền xác định ai được vào và ai không được vào, mà còn có trách nhiệm toàn quyền trông coi để ý mọi sự trong nhà của chủ mình. (Harper’s Dict 524-525).

Nếu trách nhiệm được trao không chu toàn, nếu quyền hành được ban bị lạm dụng, và bị mất tin tưởng, thì chắc chắn chìa khóa sẽ bị lấy lại. Tiên tri Isaia trong bài đọc 1 đã minh chứng điều đó. Sobna, quan cai đền thờ đã bị cách chức và trục xuất khỏi địa vị cũng chỉ vì đã lạm dụng quyền hành. Ông đã lạm dụng quyền hành bắt ép vua Hezekiah (716-687) nổi dậy chống lại Assyria và chạy đến Ai cập cầu cứu. Tiên tri Isaia đã hoàn toàn phản đối việc này. Ngài kêu gọi Giuđa phải nên tin tưởng vào Thiên Chúa của mình, chứ không phải nơi sự trợ giúp của dân ngoại. Nhưng Giuđa đã không tin tưởng nơi Thiên Chúa, và cuối cùng vào những thế kỷ sau đó, Giuđa và Giêrusalem đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Và như chúng ta được biết, chìa khóa của Sobna đã bị lấy lại và trao cho Êliaqim, con trai Helcia. (Kevin O’Sullivan, OFM, The Sunday Readings (A) 309-314). 

Trước lễ cung hiến Nhà thờ mới, có nghi thức trao chìa khoá mở cửa Nhà thờ. Đức Giám Mục trao chìa khóa cho Linh Mục Quản Xứ để ngài mở cửa Nhà thờ.Nghi thức này muốn nói lên rằng: việc quản trị Nhà thờ trên toàn Giáo phận là thuộc Đức Giám Mục Giáo Phận, còn Linh Mục Quản Xứ chỉ là người nhận quyền từ Đức Giám Mục, thay mặt Đức Giám Mục trông coi, cũng như cử hành và ban phát các bí tích cho cộng đoàn Dân Chúa tại Nhà thờ này. 

Nếu hiểu chìa khóa là biểu tượng nói lên sự tin tưởng, quyền hành và trách nhiệm thì không chỉ riêng thánh Phêrô đã lãnh nhận chìa khóa Chúa trao; mà qua Ngài, qua Giáo hội, hết thảy mọi tín hữu cũng đều được lãnh nhận chìa khóa ấy khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Chìa khóa ấy không gì khác hơn là tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa và đồng thời tin tưởng chúng ta cũng là con Thiên Chúa. Đức tin dạy rằng, Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa theo bản tính. Còn chúng ta cũng là con Thiên Chúa theo ân sủng. Quyền làm con Thiên Chúa và trách nhiệm đi kèm là một ơn rất trọng đại và cũng chính là “chìa khóa Nước Trời” cho mỗi người và cho những người có trách nhiệm liên hệ. Chìa khóa chính là hạt giống đức tin từ ngày lãnh nhận làn nước Bí tích Rửa tội giúp họ mở cửa bước vào kho tàng ân đức của Chúa nơi các Bí tích. “Với Chúa, mọi sự đều có thể” ; “ơn được làm con Thiên Chúa”, đó là chìa khóa Nước Trời mà Thiên Chúa trao cho mỗi người tín hữu. Chìa khoá mở lối vào Thiên Quốc Vĩnh Hằng có độ rắn của lòng trung thành, liên lỉ trong cầu nguyện; có độ bền của sự hiền hậu, khiêm nhường; có cấu trúc đẹp của lòng bao dung, tha thứ. Nó không làm bằng kim loại vật chất của trần gian, mà được đúc kết bằng hợp kim của niềm tin tâm linh và tính thánh thiêng. Nó có thể mở được tất cả các cánh cổng của những vấn nạn nghiêm trọng trong cuộc sống, và của mỗi thân phận con người.  

Thánh Phêrô đã trải qua nhiều đau khổ, chịu bách hại và đã đổ máu vì danh Đức Kitô. Chúa đã đặt Ngài là: “Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy và quyền lực tử thần sẽ không thắng được”. Thánh Phêrô đã tuyên xưng đức tin: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” và đã tuyên xưng tình yêu “Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Vì niềm tin yêu vào Chúa Giêsu Kitô, Thánh Phêrô đã chia sẽ sứ mạng của Thầy Chí Thánh và hiến dâng mạng sống cho đoàn chiên. Thánh Phêrô đã sống theo chân lý: ‘Nếu Thiên Chúa ở cùng chúng ta, ai có thể đánh bại chúng ta?’. Chúa là sức mạnh của thánh nhân, không gì có thể tách Ngài ra khỏi lòng mến của Chúa Kitô. Thánh Phêrô xứng đáng để nắm giữ “Chìa khóa Nước Trời”. 

Có câu chuyện “Chìa khoá và ổ khoá Thiên Đàng” thật ý nghĩa.

Một hôm nọ, khoá cửa Thiên Đàng bị hư, Thánh Phêrô đích thân mang cả chìa lẫn khoá xuống trần gian để tìm người sửa chữa. Ngài tới nhà anh thợ khoá đầu tiên.

 – Chào anh, tôi có cái ổ khoá bị hư, anh làm ơn sửa giùm.

 – Cụ làm nghề gì mà cửa nhà cụ lại có cái ổ khoá to và quý thế này ?

 – Tôi làm nghề đánh cá, sau đổi sang nghề chăn chiên anh ạ .

 – Ừ ! Nhìn quần áo và chân tay của cụ, tôi tin. Nhưng cụ nói thật đi, cụ “chôm” cái của quý bằng vàng ròng này ở đâu vậy?

 Thánh Phêrô tần ngần trả lời :

 – Của tôi đó, vì đây là khoá cửa của Thiên Đàng, còn tôi là Phêrô.

Anh thợ vồn vã :

 – À! Thế thì lại khác, chỉ 1 giờ là tôi sửa xong cho cụ thôi, cụ cho xin 100.000 đồng .

Thánh Phêrô giật mình :

 – Đắt thế à ? Tôi chỉ có 1.000 thôi.

 – Không được đâu cụ ơi. Tôi nghe ngày xưa cụ đứng đầu Hội Thánh, hẳn là cụ giàu có lắm ?

 – Anh hiểu lầm rồi ! Trong Hội Thánh chúng tôi, ai càng đứng đầu thì lại càng là người tôi tớ  phục vụ, sống khiêm hạ khó nghèo như Đức Giêsu làng Nazareth. Thôi anh cố sửa nó đi, có thể vì công khó của anh mà tôi sẽ xin Chúa cho anh vào Thiên Đàng .

Anh thợ mỉm cười lắc đầu

 – Tôi cần cái thực tế. Tiền thôi cụ ạ, còn Thiên Đàng thì xa lạ quá. Vả lại ở Thiên Đàng mà nghèo như cụ thì tôi chẳng ham. Thôi cụ đi xoay xở đâu đó thêm đi, rồi quay lại đây.

Thánh Phêrô bước đi, buồn bã nghĩ thầm : Anh thợ này sửa được  nhiều thứ khoá, chỉ trừ khoá của Thiên Đàng. Đồng tiền quý đến thế kia ư ?

Ngài lại tìm đến nhà một anh thợ khác, nổi tiếng khéo tay và giàu có nhất vùng, hy vọng gặp được người yêu mến Thiên Đàng hơn chuyện tiền bạc.

Anh thợ đon đả chạy ra đón mừng .

 – Tôi nhận ra ngài rồi. Tay cầm chìa khoá vàng, khuôn mặt và thân hình lại giống hệt bức tượng trong nhà thờ xứ tôi. Vào đây, gia đình tôi hân hạnh tiếp đón Thánh Cả.

Thánh Phêrô vui mừng, nhưng cũng ngần ngại dò hỏi :

 – Tôi có cái khoá cửa thiên đàng bị hỏng, tôi chỉ có 1.000 đồng, nhờ anh sửa giúp

 – Xin cất đi, tôi còn phải biếu ngài thêm lộ phí nữa kìa. Còn cái khoá thì không thành vấn đề, chỉ độ nửa tiếng là xong thôi. Có điều là, xin ngài hứa cho tôi một việc.

 – Tốt lắm, anh cứ nói .

 – Xin ngài đưa tôi vào Thiên Đàng và cho tôi làm trùm phường khóa ở trên đấy. Ngồi trên các Thánh hay các thiên thần thì tôi không dám, nhưng làm sếp đám thợ khoá thì tôi dư sức. Ngài sẽ thấy tay nghề của tôi khi sửa khoá cho ngài, xem tôi có đáng ngồi chỗ tốt hay không.

Bỗng có tiếng ầm ầm từ đầu ngõ, hàng trăm dân làng ùa chạy tới nhà anh thợ khoá khi nghe nói Thánh Phêrô đang ở nhà anh. Tiếng hò hét vang lừng từ ở cổng ra vào.

 – Lạy Thánh Phêrô, Ngài cho vợ chồng con vào Thiên Đàng với.

 – Đứa nào xô tao vậy, đây là cổng nhà anh thợ khoá chứ đã phải là cửa Thiên Đàng đâu mà chen dữ thế ? Phải có hàng lối chứ .

 -Gặp Thánh Phêrô chứ có phải đi mua vé xinê,hay đi mua thịt mua cá đâu mà phải xếp hàng cha nội.

 – Chúng mày biết gì ? Ông Trùm nói có lý đấy. Thế chúng mày không nghe cha giảng là ở trên Trời có ” Đám rước mặc quần áo trắng tinh tay cầm cành thiên tuế ” à ?  Phải trật tự chứ !

 – Chúa ơi ! Chết  con rồi.

………

Thánh Phêrô lắc đầu ngán ngẩm. Cần phải “gửi” đi đâu nữa, họ đang ở hoả ngục rồi còn gì! Họ cãi nhau chí chóe, chửi thề, dẫm đạp lên nhau để “tranh” Thiên Đàng. Có kẻ đã dúi được vào túi Thánh Phêrô phong bì, hoa, nến. Rồi hí hửng vì đã “hối lộ” được người giữ cửa đầy quyền uy.

Bỗng có một cơn gió mù mịt cuốn lấy Thánh Phêrô. Thiên Thần đã đưa ngài đi trong gió. Để lại đám dân làng khóc la tiếc nuối, và anh thợ khoá tiu nghỉu vì tan giấc mộng vàng.

Thiên Thần đưa Phêrô tới bên một bờ suối rồi chào tạm biệt ra đi. Thánh nhân nhẹ gật đầu từ tạ. Ngài vẫn còn bực bội vì chuyện xảy ra vừa rồi. Tại sao con người lại coi nhẹ Thiên Đàng để kiếm tìm tiền tài danh vọng nhỉ ? Ngay cả đám dân muốn “xấn xổ” vào Thiên Đàng, họ có nghĩ gì tới Chúa và anh em mình đâu, lợi lộc riêng tư đã che mắt họ. Người ta có thể nhân danh một Thiên Đàng tốt đẹp để giành giật, gấu ó nhau đến vậy hay sao? Ôi ! Nếu có Gioan và Giacôbê ở đây,”những người con của sấm sét” chắc cũng sẽ như xưa, muốn xin lửa Trời xuống đốt tiệt cái đám dân nông cạn này.

 – Hãy uống bát nước này cho mát đi, cụ đang có lửa trong lòng đó.

Thánh Phêrô giật mình quay lại. Một cậu bé thật xinh trai, tay cầm ly nước,đã đứng sau lưng mình từ lúc nào. Ngài cầm lấy ly nước, uống một hơi thật sảng khoái.

 – Cám ơn cậu bé, cậu thật tốt bụng.

Cậu bé lém lỉnh nhìn cái ổ khoá trên tay Thánh Phêrô.

 – Ổ khoá này đẹp quá, cụ cho tôi xem tí nào.

 – Khoá cửa Thiên Đàng đó mà. Cậu có muốn lên đấy không, tôi dẫn cậu đi ?

 – Chả cần cụ dẫn đâu, tôi thừa biết nó ở đâu rồi .

 – Thật không ?

 – Thật chứ !Thiên Đàng thuộc về những người bé nhỏ như tôi mà, cụ quên rồi à ?

Ngạc nhiên trước câu trả lời ngộ nghĩnh, Thánh Phêrô cảm thấy mến cậu bé thông minh này. Ngài đưa cả ổ khoá lẫn chìa cho cậu bé.

 – Cẩn thận kẻo rơi nhé.

Cậu bé cầm cả hai ngắm nghía, rồi cậu tinh nghịch trả lại chìa khoá cho Phêrô.

 – Cụ giữ lấy chìa khoá này như một kỷ niệm hay một biểu tượng cho bổn phận và quyền uy. Còn cái này thì…Chưa dứt lời, cậu đã ném ổ khoá đánh “tõm” xuống giữa lòng suối sâu.

Thánh Phêrô giật mình lớn tiếng :

 – Ôi Chúa ơi ! Cậu làm gì vậy ?

Cậu bé mỉm cười trả lời :

 – Thật ra cửa Thiên Đàng đâu cần ổ khoá. Điều quan trọng không phải là nó đóng hay mở, mà là sự “đóng hay mở” của lòng người. Phải giải quyết chuyện này ở dưới đất chứ không phải trên trời cụ ạ .” Điều gì con cầm buộc dưới đất, trên Trời cũng cầm buộc. Điều gì con tháo mở dưới đất, trên Trời cũng tháo mở “. Có người đã nói với cụ câu đó, cụ không nhớ sao ?

Thánh Phêrô ngẩn ngơ hỏi lại :

 – Nhưng làm sao để họ mở hay đóng để tôi cầm buộc hay tháo gỡ ? Vì họ cứ khép kín trước vẻ đẹp của Thiên Đàng, nhưng lại sẵn sàng mở lòng ra với tiền tài, danh vọng. Làm sao để  họ làm ngược lại đây, cậu bé ?

 – Cụ đừng chỉ trỏ lên trời và nói những chuyện cao xa của Thiên Đàng với họ nữa.Ngược lại, phải dẫn họ tới một nơi để họ học biết khó nghèo, khiêm hạ, hy sinh. Cụ có muốn tôi đưa cụ tới đó, để rồi sau cụ có thể dẫn họ đi không ?

Thánh Phêrô sốt sắng :

 – Được rồi, tôi theo cậu. Nhưng đi đâu mới được chứ ?

Cậu bé mỉm cười, nheo mắt nhìn Phêrô :

 – Đi Bêlem, rồi lên Núi Sọ .

Nói xong, cậu quay lưng, lững thững bước đi về phía có ánh nắng chói chang, phía của Mặt Trời.

Về mục lục

.

CHUYỆN TO – NHỎ

Trầm Thiên Thu

Trong cuộc sống có nhiều thứ to – nhỏ, cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Có những thứ to mà lại chỉ là nhỏ, có những thứ nhỏ mà lại hóa to. Có những cái đầu to mà chứa những ý tưởng nhỏ, có những chiếc cặp nhỏ mà chứa những dự án to, có những dự án to mà hiệu quả lại nhỏ, có những ông nhỏ mà quyền lại to, mối nguy nhỏ mà mối hại to, lỗ rỉ nhỏ làm đắm thuyền to,… Cứ thế và cứ thế!

Là “người lớn” mà hòa đồng, khiêm nhường, coi mình là “người nhỏ”, thế mới là khéo sống và khôn ngoan, và đó mới đúng nghĩa “lớn” mà Chúa Giêsu đề cập. Thật vậy, Chúa Giêsu đã xác định: “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em” (Mt 20:26-27). Chính Ngài đã nêu gương phục vụ qua việc rửa chân các môn đệ, đặc biệt là Ngài vẫn rửa chân cho cả Giuđa mặc dù Ngài biết đó là kẻ sắp sửa “bán đứng” Ngài.

Thông thường, “thùng rỗng” vốn dĩ “kêu to”, càng rỗng càng kêu to. Bởi vì cái trống rỗng tuếch nên nó kêu to lắm; quả bong bóng cũng thế, nó càng to và càng rỗng thì càng nổ to!

Có những “người lớn” thực sự mà lại hóa “nhỏ bé”. Nếu không tự thu mình nhỏ lại thì Thiên Chúa không thể lớn lên trong chúng ta. Một trong những người gây “ấn tượng” mạnh mẽ là Thánh GH Gioan XXIII (1881-1963), người được mệnh danh là “ông già tốt lành và nhân từ”.

Khi chưa làm giáo hoàng, trong ngày nhận chức thượng phụ Venezia năm 1953, Thánh Gioan XXIII đã bộc bạch: “Đời giám mục mà cứ phải ngồi bàn giấy và làm ngoại giao thì tội nghiệp quá. Tôi bắt đầu sứ vụ trực tiếp vào tuổi mà người khác kết thúc hoạt động của mình (72 tuổi). Từ nay tôi nghèo hơn trước, một vị hồng y nghèo lo giúp người nghèo… Tôi thấy mình như một bà mẹ nghèo, phải nuôi một đoàn con đông đảo. Tôi xuất thân từ giới bình dân. Cha mẹ tôi là người nghèo. Chúa đã đưa tôi ra khỏi xóm làng quê hương, cho tôi chung đường và kề vai sát cánh với những người có tín ngưỡng khác nhau. Bây giờ cũng vậy, tôi không quan tâm đến những gì gây chia rẽ mà chỉ quan tâm đến những gì gây tình đoàn kết. Xin anh chị em hãy coi tôi như một tôi tớ của Chúa”.

Không chỉ vậy, ngài còn đơn sơ tự bạch: “Sinh ra nghèo, do cha mẹ nghèo nhưng khả kính, tôi đặc biệt sung sướng khi được chết nghèo. Bất luận tôi đi đâu, nếu ban đêm có người nào lỡ đường trước cửa nhà tôi, họ sẽ thấy cửa sổ tôi luôn có ngọn đèn sáng. Xin đừng ngại, hãy cứ gõ cửa. Tôi sẽ không hỏi anh em là Công Giáo hay không, nhưng chỉ xin người anh em cứ vào, sẽ có đôi tay thân ái đón tiếp và tấm lòng thân thiện nồng hậu rộng mở”.

Gương sáng và lớn như thế mà không soi, lẽ nào lại muốn soi gương mờ và nhỏ? Chuyện To và Nhỏ hẳn là có liên quan “chức quyền” – gồm chức tước và quyền hành. Chức vụ và chức danh nghe có vẻ giống nhau, nhưng có phần khác nhau quan trọng. Chức danh đề cập phẩm tước, còn chức vụ đề cập công việc, trách nhiệm và bổn phận về chức vụ – gọi là chức phận.

Theo đó, chức danh không cần có chuyên môn, nhưng chức vụ cần có chuyên môn. Danh từ “chức sắc” thường dùng trong tôn giáo, tức là nói về những người có chức vụ nào đó. Người có chức vụ mà không làm đúng chức năng thì chỉ là “hữu danh vô thực”, là “bù nhìn”, là hình nộm, chẳng khác gì ma-nơ-canh (mannequin, người giả ở các tiệm trang phục). Có “chức” thì tất nhiên có “vụ” kèm theo. Loại người “ham Chức, quên Vụ” thì chẳng làm nên trò trống gì, đôi khi còn phá bướng, nhưng lại hay lên mặt “ta đây”. Chúa rất ghét loại người “ta đây” như thế!

Kinh Thánh Cựu Ước cho biết rằng, viên quan Sép-na là tể tướng triều đình (tương tự thủ tướng ngày nay), được người ta coi là “người hùng”, nhưng Đức Chúa tuyên phán thẳng thắn và rõ ràng: “Ta sẽ tống ngươi khỏi chức vụ, Ta sẽ đuổi ngươi khỏi địa vị. Ngày ấy, Ta sẽ gọi tôi tớ Ta là En-gia-kim, con của Khin-ki-gia-hu. Áo thụng của ngươi, Ta sẽ lấy mặc cho nó, cân đai của ngươi, Ta sẽ đem thắt cho nó, quyền bính của ngươi, Ta sẽ trao vào tay nó, nó sẽ là cha đối với cư dân Giêrusalem và với nhà Giuđa. Chìa khoá nhà Đa-vít, Ta sẽ đặt trên vai nó. Nó mở ra thì không ai đóng được, nó đóng lại thì không ai mở được. Ta sẽ làm cho nó vững chắc như đinh đóng cột, nó sẽ nên như ngai vinh hiển cho nhà cha nó” (Is 22:19-23). Quyền “tháo cởi” này trong Cựu Ước có liên quan quyền “tháo cởi” trong Tân Ước: Bí tích Hòa Giải.

Chắc chắn Thiên Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu, giàu lòng xót thương, nhưng Ngài cũng rất thẳng thắn và dứt khoát. Ngài đã cho chúng ta thời gian để sửa đổi, nếu không chịu chấn chỉnh, chúng ta sẽ bị Ngài tước hết. Có lần chính Chúa Giêsu đã minh định: “Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có thì ngay cái đang có cũng sẽ bị lấy mất” (Mt 13:12; Mt 25:29; Mc 4:25; Lc 8:18; Lc 19:26). Một lần khác, Ngài nói rõ: “Cây nào mà Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời đã không trồng thì sẽ bị nhổ đi” (Mt 15:13). Thật là đáng sợ biết bao!

Nhưng trái lại, nếu người có lỗi biết sám hối và sửa sai, Chúa sẵn sàng tha thứ và phục hồi nguyên trạng: “Như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm, tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta” (Tv 103:12). Sau khi Ép-ra-im sám hối, Thiên Chúa nói về Ép-ra-im: “Mỗi lần nhắc tới nó, Ta lại thấy nhớ thương, nên lòng Ta bồi hồi thổn thức, Ta thương nó, thương nó thật nhiều”(Gr 31:20). Ôi, thật là trên cả tuyệt vời! Và Thiên Chúa cũng luôn ưu ái với mỗi tội nhân chúng ta y như vậy. Hãy vững lòng tin, phải “tin” chứ đừng “tưởng”.

Hiền nhân Khổng Tử xác định: “Có lỗi mà không sửa mới thành ra có lỗi”. Tuy nhiên, Lời Chúa có lúc làm chúng ta vui mừng, rồi cũng có khi làm chúng ta đau điếng, nhưng tất cả vẫn là Hồng Ân, Ngài luôn lắng nghe và thấu hiểu nỗi lòng của mọi người. Thánh Vịnh gia đã thành tâm thân thưa: “Lạy Chúa, con hết lòng cảm tạ, Ngài đã nghe lời miệng con xin. Giữa chư vị thiên thần, xin đàn ca kính Chúa, hướng về đền thánh, con phủ phục tôn thờ. Xin cảm tạ danh Chúa, vì Ngài vẫn thành tín yêu thương, đã đề cao danh thánh và lời hứa của Ngài trên tất cả mọi sự”(Tv 138:1-2).

Thánh nhân nào cũng có một quá khứ đen tối, và tội nhân nào cũng có một tương lai xán lạn. Và dù cho chúng ta có thế nào thì cũng vẫn cần tâm tình tạ ơn, một động thái rất cần thiết vì nhiều lý do, vừa minh nhiên vừa mặc nhiên: “Ngày con kêu cứu, Chúa đã thương đáp lại, đã gia tăng nghị lực cho tâm hồn. Lạy Chúa, mọi đế vương dưới trần đều cảm tạ khi nghe những lời miệng Ngài phán ra. Họ sẽ ca ngợi đường lối Chúa: Vinh quang Chúa vĩ đại dường bao!” (Tv 138:3-5).

Và còn hơn thế nữa, Thiên Chúa làm cho chúng ta đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác, và chúng ta chẳng bao giờ hiểu nổi lòng thương xót bao la vô tận của Ngài: “Chúa tuy thật cao cả, nhưng vẫn nhìn đến kẻ thấp hèn; đứa ngạo mạn ngông nghênh, từ xa Ngài đã biết. Việc Chúa làm cho con, Ngài sẽ hoàn tất; lạy Chúa, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Công trình do tay Ngài thực hiện, xin đừng bỏ dở dang” (Tv 138:6 và 8). Được thương xót nhiều hay ít là tùy vào niềm tin của mỗi người: “Ai tin thế nào thì được như vậy” (Mt 8:13; Mt 9:29).

Vừa đặt vấn đề vừa giải thích, Thánh Phaolô minh định: “Sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào! Quyết định của Người, ai dò cho thấu! Đường lối của Người, ai theo dõi được! Thật vậy, ai đã biết tư tưởng của Chúa? Ai đã làm cố vấn cho Người? Ai đã cho Người trước, để Người phải trả lại sau? Vì muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người. Xin tôn vinh Thiên Chúa đến muôn đời! Amen” (Rm 11:33-36). Những vấn đề như thế này cũng vẫn còn nóng bỏng và nhức nhối ở mọi thời đại. Đó cũng là những câu hỏi để mỗi chúng ta tự trắc nghiệm và tự cân-đo-đong-đếm mức độ tín thác của mình vào Thiên Chúa.

Có lẽ đây là dạng câu hỏi không xa lạ gì: “Tại sao tôi tin vào Thiên Chúa? Ngài là ai mà tôi tin?”. Đó là nghi vấn người ta vẫn luôn đặt ra ở mọi thời đại. Người vô thần cho rằng người hữu thần (cụ thể là Kitô hữu) chỉ ảo tưởng và mơ hồ, nhẹ dạ nên bị tôn giáo “ru ngủ” và mê hoặc. Người ta cũng muốn dùng các tiến bộ khoa học hoặc bất cứ thứ gì khác để chứng minh rằng “không có Thiên Chúa”, nhưng tất cả đều vô vọng. Đức Tin cần có lý trí, nhưng phải là lý trí “trong suốt”, dùng lý trí để cố ý chối bỏ và không tin thì hoàn toàn bất trị – nói khôi hài theo ngôn ngữ thời @ là “bó-tay-chấm-com” (BoTay.com). Vâng, chắc là phải “bó tay chống cằm” mà suy tư và ngán ngẩm sự đời thôi! Người vô thần càng cố tìm cách chối bỏ Thiên Chúa thì họ càng đi vào ngõ cụt, hoàn toàn bế tắc. Thật vậy, chính một Saolê giỏi giang và bạo tàn đến thế, nhưng rồi cũng đành phải “bó tay”, chịu đầu hàng Thiên Chúa, để rồi trở nên một con người hoàn toàn khác, một Phaolô thuần hóa và nhiệt thành rao giảng Chúa-Giêsu-Kitô-chịu-chết-và-phục-sinh. Một sự đối lập rất “thuận chiều”, một dạng nghịch-lý-thuận.

Ngay trước thời điểm Chúa Giêsu công khai sứ vụ, Ngôn sứ Gioan phải chịu cảnh tù đày nên ông đã bảo đệ tử đến gặp Chúa Giêsu và hỏi xem Ngài có phải là Đấng phải đến hay còn phải đợi ai khác. Ngài không trả lời rõ ràng mà chỉ nói: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi” (Mt 11:4-6). Rồi trong lúc xét xử Chúa Giêsu, vị thượng tế cũng muốn thể hiện quyền bính mà hỏi: “Nhân danh Thiên Chúa hằng sống, tôi truyền cho ông phải nói cho chúng tôi biết: ông có phải là Đấng Kitô Con Thiên Chúa không?” (Mt 26:63; Mc 14:61). Chúa Giêsu nói: “Chính ngài vừa nói” (Mt 64). Thánh Luca thuật lại chi tiết hơn về câu trả lời của Chúa Giêsu: “Tôi có nói với các ông, các ông cũng chẳng tin; tôi có hỏi, các ông cũng chẳng trả lời” (Lc 22:67-68). Và rất có thể chúng ta cũng đã hoặc đang có những lúc tự hỏi về Thiên Chúa như vậy. Cũng có thể đức tin của chúng ta là “theo thói quen” chứ chưa thấm sâu, ở ngọn và ở cành chứ chưa hẳn tới gốc rễ.

Qua trình thuật Mt 16:13-20, Thánh Mátthêu cho biết: Một hôm, khi Đức Giêsu đến vùng kế cận thành Xêdarê Philípphê, Ngài hỏi các môn đệ xem người ta nói Ngài là ai. Hỏi để mà hỏi vậy thôi, chứ Ngài biết rõ mười mươi rồi. Ngài hỏi là để người khác tự xác tín. Và rồi các ông cho Ngài biết: “Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ”. Mỗi người mỗi ý, mỗi người mỗi cách nhìn, nhưng chung quy vẫn coi Ngài là một người “đặc biệt”, rất đặc biệt.

Ngay sau đó, Ngài hỏi chính các đệ tử của mình xem họ nhìn nhận Ngài như thế nào. Ông Simôn Phêrô thưa ngay: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”(Mt 16:16). Đức Giêsu vui mừng cho biết: “Này anh Simôn, con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 16:17-19). Ý Chúa quan phòng và tiền định vô cùng kỳ diệu, chúng ta chẳng làm sao suy thấu. Nghe ông Phêrô nói vậy, Ngài cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Ngài là Đấng Kitô.

Và kể từ đó, Ngư phủ Phêrô đã trở thành Giáo hoàng tiên khởi với quyền tối thượng. Chiếc chìa khóa mà Sư phụ Giêsu trao cho đệ tử Phêrô là Chìa-Khóa-Yêu-Thương-và-Tha-Thứ, là chiếc Chìa Khóa đặc biệt có thể mở Cửa Nước Trời, để mở “lối vào” cho các hối nhân, chứ không là Chìa-Khóa-Nhà-Tù để giam hãm người khác. Có chức thì có quyền, nhưng cũng đầy bổn phận và trách nhiệm. Quyền cũng đi với Hành, gọi là quyền hành, thế nên đôi khi những người có quyền thì cũng dễ lạm dụng rồi khoái “hành” người khác. Việt ngữ thâm thúy thật!

Có một câu chuyện về một Tượng Chịu Nạn rất đặc biệt, liên quan Bàn Tay của Chúa. Chuyện kể rằng tại một nguyện đường của tu viện St. Ann & St. Joseph ở Cordoba, Tây Ban Nha, có một Thánh Giá cổ được giáo hữu rất tôn sùng: Thánh Giá tha tội. Tượng này đặc biệt là có cánh tay phải rời khỏi Thập Giá và hạ thấp xuống.

Một hôm, có một tội nhân đến xưng tội với linh mục ngay dưới chân Thánh Giá này. Như thường lệ, mỗi khi giải tội cho một hối nhân mắc nhiều tội trọng, linh mục này thường tỏ ra rất nghiêm khắc, ra việc đền tội nặng và ngăm đe nhiều điều.

Không bao lâu, người đó sa ngã và lại đến xưng tội. Linh mục đe dọa rằng đó là lần cuối cùng giải tội cho người đó. Sau một thời gian, anh ta lại đến xưng tội với linh mục cũng ở bên Thánh Giá này, nhưng linh mục kia dứt khoát nói: “Ông đừng có đùa với Chúa. Tôi không thể ban phép giải tội cho ông nữa”.

Lạ thay, khi linh mục vừa khước từ hối nhân thì Chúa Giêsu liền rút tay phải ra khỏi Thánh Giá và ban phép lành cho hối nhân, rồi Chúa Giêsu thì thầm từ trên Thánh Giá: “Chính Ta là người đã đổ máu ra cho người này, chứ không phải ngươi!”. Rất đáng “giật mình” lắm, bởi vì “khí cụ” đã dám lộng hành vì lạm dụng “quyền” để “hành” người khác!

Chúa Giêsu trao quyền “tháo cởi” không phải là thích thì cởi, không thích thì thôi. Thế nhưng điều đó đã bị người ta hiểu sai và lạm dụng. Bài học “tha bảy mươi lần bảy” (Mt 18:21-22) và dụ ngôn “tên mắc nợ không biết thương xót” (Mt 18:23-25) vẫn còn đó, vẫn mới tinh và vẫn nóng hổi!

Bản tính con người rất dễ háo danh và hám lợi, vì có “cái danh” thì thường có kèm theo “cái lợi”. Chức danh càng cao, bổng lộc càng nhiều. Điều này xảy ra trong xã hội thì quá rõ ràng, từ cổ chí kim và từ Đông sang Tây đều có, nhưng ngay trong Giáo hội cũng có những người không thoát khỏi vòng kiềm tỏa của DANH và LỢI. Người ta chú trọng “cái danh” mà quên “cái phận”, trong khi “cái phận” cần thiết hơn “cái danh”. Thật vậy, Đức Kitô đã động viên người ta làm “ngược đời” chứ không theo lẽ thường: “Nhiệt tâm phục vụ, không mong hưởng thụ” (x. Mt 20:28). Hai động thái trái ngược mà vẫn xuôi chiều, thuận lý.

Hẳn là nhiều người còn nhớ điều thú vị này: Thứ Sáu 1-8-2014, ĐGH Phanxicô (TGM Jorge Mario Bergoglio ngày nào luôn gần gũi đám dân nghèo) đã bất ngờ đến ăn trưa tại một tiệm ăn bình dân dành cho các công nhân áo xanh và những người lao công trong khu công nghiệp nhỏ ở Vatican. Ngài vẫn tự cầm khay và đứng xếp hàng chờ đến lượt mình nhận thức ăn nơi quầy thức ăn làm sẵn, giống như mọi người, không nhận quyền ưu tiên nào, đi đây đó thì tự xách cặp. Điều này chứng tỏ lời ngài là thật đối với câu nói của ngài đã phát biểu trước đám đông giới trẻ: “Tôi không muốn làm giáo hoàng đâu”.

Ai cũng biết rằng Giáo hoàng là “vua” của Công giáo, tức là “ông lớn” thực sự, thế nhưng “ông lớn” lại thích làm “ông nhỏ”, tự phục vụ chứ không cần người khác phục vụ, còn nhiều “ông nhỏ xíu” lại muốn biến thành “ông lớn”, chẳng khác gì truyện thơ ngụ ngôn “Ếch Muốn Bằng Bò” (La Grenouille Qui Veut Se Faire Aussi Grosse Que Le Bœuf) của Jean de La Fontaine (Pháp). Vừa khôi hài, vừa đau điếng!

Cổ nhân nói: “Tam nhân đồng hành tất hữu ngã sư yên” (Trong ba người cũng có một người làm thầy). Tất nhiên là thế thôi! Tự nhiên, chức vụ là để phục vụ chứ không để tự tôn hoặc lên mặt với người khác. Mỗi người đều được Thiên Chúa mời gọi hoạt động trong một lĩnh vực nào đó để cộng tác với Ngài mà hoàn tất công trình cứu độ của Thiên Chúa, không ai được phép “ngồi mát ăn bát vàng”, rung đùi hưởng nhàn. Người ta thích “nói hay” về sự phục vụ nhưng chưa chắc muốn phục vụ. Người ta cũng leo lẻo nói rằng “lao động là vinh quang”, nhưng rồi có mấy ai thích vinh quang mà chỉ ưa ung dung tự tại, chỉ tay năm ngón, và… hốt bạc tỷ. Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi. Thế là ô-kê. Xong. Đời cũng thế mà đạo cũng vậy!

Nói được thì phải làm được, đừng nói trước rồi bước không qua, đó là “lẻo mép”, là ba hoa, là giả hình. Viết được thì cũng phải làm được, đừng viết lắm mà nắm không xong, đó là “lẻo bút”, là phét lác. Dạng “lẻo” nào cũng chết. Chết chắc! Vì đó là người có “máu” Pharisêu, mang gien-đạo-đức-giả, đúng như Ngôn sứ Isaia đã nói trước: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân” (Mt 15:8-9). Dạng người như vậy “được” Chúa Giêsu gọi là “mồ mả tô vôi” (Mt 23:27). Một biệt hiệu (nickname) nghe rất “kêu”, nhưng lại cảm thấy “nhột gáy” quá chừng! Thánh Phaolô cũng “phang” thẳng: “Lạ gì đâu! Vì chính Satan cũng ĐỘI LỐT thiên thần sáng láng! Vậy có gì là khác thường khi kẻ phục vụ nó ĐỘI LỐT người phục vụ sự công chính” (2 Cr 11:14-15).

Thiết tưởng cần ghi nhớ rạch ròi để đừng ảo tưởng: Trước mặt Thiên Chúa, ai cũng bình đẳng, chẳng ai hơn hoặc kém ai, và mọi người là con cái Chúa thì tất nhiên cũng là anh em với nhau (x. Mt 23:8). Chắc chắn Chúa không quan tâm cái CHỨC mà chỉ xét đến cái VỤ. Mười nén, năm nén, ba nén,… thậm chí là nửa nén cũng không thành vấn đề, quan trọng là SINH LỜI hay không. Vậy thôi! Thế nhưng ở đời cũng “lắm chuyện”. Không nói thì người ta bảo hèn nhát, a dua, nịnh hót, theo đóm ăn tàn. Dám nói thẳng nói thật thì bị ghét bỏ, bị trù dập, bị xa lánh. Dốt nát thì bị KHINH, thông minh thì bị GHÉT. Chúa Giêsu cũng chỉ vì thẳng-thắn-thật-thà nên thiệt thòi, bị mỉa mai đủ thứ, và rồi còn bị giết chết thê thảm!

Rất cần can đảm, tức là “dám” nhìn vào sự thật và đối mặt với kẻ giả nhân giả nghĩa. Dù sao thì cũng PHẢI cứ là chính mình, không nịnh bợ, luồn cúi hoặc khép nép trước bất cứ ai – dù ông to hay bà nhỏ, nhưng cũng không hống hách hoặc khinh miệt bất cứ ai. Cứ bình thường!

Thánh Phaolô cho biết: “Kẻ trồng người tưới đều NHƯ NHAU, nhưng ai nấy sẽ được thù lao theo công khó của mình” (1 Cr 3:8). Thiên Chúa muốn chúng ta cộng tác với Ngài, mỗi người mỗi việc, tùy khả năng Chúa ban. Đó là Ngài chia sẻ công việc để chúng ta làm mà có thêm công trạng theo danh chính ngôn thuận, chứ Ngài đâu cần gì chúng ta góp một tay. ĐGH danh dự Benedict XVI, khi còn đương nhiệm, đã nhận xét: “Kitô giáo không là triết lý mới hoặc luân lý mới. Chúng ta chỉ là Kitô hữu nếu chúng ta gặp gỡ Đức Kitô. Chỉ trong mối quan hệ riêng với Đức Kitô, Đấng phục sinh, chúng ta mới thực sự là Kitô hữu”.

Con người luôn khắc khoải về thân phận hoặc số phận, luôn thao thức về chính mình, một hạt bụi nhỏ nhoi mà đầy nỗi gian truân, nỗi đọa đày. Cố NS Trịnh Công Sơn đã tự hỏi: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi?” (Cát Bụi). Nhưng ông không thể giải đáp, nên ông tự nhủ và nhắn nhủ, rồi lại tiếp tục tự vấn: “Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng… Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng… Tôi là ai mà còn ghi giấu lệ, tôi là ai mà còn trần gian thế? Tôi là ai, là ai, là ai mà yêu quá đời này?” (Tôi Ơi, Đừng Tuyệt Vọng). Cuộc đời như một chu kỳ lẩn quẩn. Biết suy tư là còn sinh tồn. Cõi lòng Thánh Augustinô cũng luôn như biển động: “Linh hồn con bồn chồn lo lắng mãi cho tới khi được nghỉ ngơi trong Chúa”. Cuối cùng, Thánh Vịnh gia kết luận: “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn” (Tv 62:2).

Đó là một quá trình gian nan, chiến đấu với nhiều thứ và phải cố gắng vượt lên chính mình. Ước gì mỗi chúng ta khả dĩ xác định được như vậy, đồng thời có thể nói như Ngôn sứ Êlia: “Lòng nhiệt thành đối với Chúa nung nấu con” (1 V 19:14). Biết Chúa và biết mình, điều nào cũng khó, nhưng cần phải biết Chúa để có thể biết mình. Vâng, Thánh tiến sĩ Augustinô đã cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con – Domine, noverim Te, noverim me”. Chính Thánh Augustinô cũng đã tỏ ra hối tiếc mà thú nhận: “Con yêu Chúa quá muộn màng”. Biết Chúa và được yêu Chúa thì quả là đại phúc!

Cả đời Chúa Giêsu chỉ chạnh lòng thương người ta, chẳng chơi ép ai bao giờ, và Ngài còn là người-nghèo-chính-hiệu, thế nên Ngài rất yêu thương người nghèo, Ngài nghèo tột cùng: SINH nơi hang chiên, SỐNG ở ngoài đường, và CHẾT trần trụi trên đồi hoang. Thật vậy, từ ngàn xưa Thiên Chúa đã minh định: “Ta KHÔNG hề ở trong một NGÔI NHÀ, nhưng Ta đã nay đây mai đó trong một CÁI LỀU và trong một NHÀ TẠM” (2 Sm 7:6). Còn chúng ta, thế nào là Nhỏ và thế nào là To? CHỨC (tước) sinh ra QUYỀN (lực), sinh ra HÀNH (hạ). Quả là TO thật!

Lạy Thiên Chúa giàu lòng thương xót, xin giúp con chân nhận Ngài là Thánh Phụ, tuyên xưng Ngài là Thiên Chúa chí tôn duy nhất, và xin giúp con nhận biết chính mình để khả dĩ sống khiêm nhu đúng mức, chứ không ảo tưởng mà kiêu ngạo, giả hình, đồng thời cũng biết sống đúng bậc mình, quyết tâm sinh lời theo “số vốn” Ngài trao cho con. Xin cho những người có chức có quyền đừng “hành hạ” người khác, nhưng biết dùng quyền để yêu thương và dẫn đưa người khác đến với Chúa. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.

Về mục lục

.

THẦY LÀ ĐỨC KITÔ, CON THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG

P. Trần Đình Phan Tiến

Vâng, thưa quý vị, thưa các bạn, thánh Phêrô quả là “mau miệng”, câu nói để đời của ngài là câu “tuyên xưng” Chúa Giêsu là “ĐẤNG KITô – CON THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG “.

Rõ ràng câu nầy là câu “tuyên xưng đức tin“ của Phê-rô, tuyên xưng Thầy mình, quá hay, quá chính xác , ( chính xác thì không thể quá được), có nghĩa là chính xác 101%, phải không ạ ( cười).

Vâng, quả thật ,thưa quý vị, nếu ngày nay, và mãi mãi về sau ,bất cứ ai tuyên xưng câu nầy vào Chúa Giêsu, thì người đó chắc chắn sẽ nhận được ơn Cứu Độ, bởi vì đúng như vậy. Vâng, chính Chúa Giêsu xác nhận điều đó. Bởi vì, không ai trừ Chúa Cha đã mạc khải điều ấy cho thánh Phê-rô. Bản thân Phê-rô không thể biết được, bởi vì Chính Chúa Giêsu chưa tiết lộ, chưa bày tỏ cho bất cứ ai, thì tại sao Phê-rô biết. Nếu nói như kiểu ngày nay, thì Phê-rô quả là ”thánh sống”. Vâng, quả thật “thánh” là nhận biết điều Thiên Chúa mặc khải và dám tuyên xưng dám sống điều ấy cách trọn vẹn.

Rõ ràng , chính Chúa Giêsu nói : “ Này anh Si-mon con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì chẳng phải phàm nhân nào mạc khải cho anh biết điều đó, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.” ( c 17) .

Như vậy, dựa vào Lời Chúa Giêsu, chúng ta biết được chính Chúa Cha là Đấng “chọn “ Phê-rô và Chúa Giêsu là Người thi hành đặt để cho Phê-rô. Nên Người nói tiếp :” Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết : Anh là Phê-rô nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá nầy, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.” ( c 18)

Bối cảnh Tin Mừng :

  • Chúa Giêsu đến địa hạt cận thành Xê-za-rê Phi-líp-phê. ( c 13)

Thành Xê-za-rê Phi-líp-phê nằm ở đầu nguồn sông Gióc-đanh, ở phía đông, đối diện với miền Canaan , sông Gióc-đanh bắt nguồn từ núi Hermon, chạy dài đến Biển Chết là 251 Km, biển Chết là biển cùng, chảy từ biển Đỏ của Ai-Cập phía Nam vào Nước Israel và Jordan nẳm kẹt tại đó, nên được gọi là Biển Chết. Biển chết có đặc tính như một phép lạ hiện hiện duy nhất trên thế giới là rớt xuống không bơi vẫn không chìm. Ngày nay, ai có dịp đi du lịch Thánh Địa sẽ tận hưởng điều đó.

Như vậy, có thể nói, từ miền Canaan, Chúa Giêsu băng qua sông Gióoc-đanh để đến vùng kế cận thành Xê-za-rê Phi-líp-phê, vùng truyền giáo cực Bắc của Israel, đầu nguồn sông Giôc-đanh, sông Gióoc-đanh là sông chạy dọc đất nước Israel, nếu tính đến cực Nam của Israel, băng qua Giêrusalem, đến vịnh Agapa thì dài 321 Km, là con sông chia cắt giữa Israel và Vương Quốc Jordan. Vì vậy có bờ Tây Sông Gioc-đanh, nằm trọn bên Nước Dothai, vì Israel gồm có dân Dothai và Ả-Rập . Như vậy, Chúa Giêsu đang ở vùng dân ngoại để truyền giảng Tin Mừng. Qua Lời rao giảng đầy uy quyền và đầy thán phục, dân chúng tại đây xôn xao, bàn tán , tưởng là một trong ba vị ngôn sứ nổi tiếng trong Cựu Ứơc, Gioan Tẩy Gỉa là gạch nối giữa Cựu và Tân , vừa của Cựu Ứơc và Tân Ứơc.

  • Thánh Phê-rô tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu (c 16)

.Đức Tin là một ân ban vô điều kiện đến từ  tình thương của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa thấu suốt mọi tâm can con người. Vì vậy, đức tin phải có hai yếu tố chính là: Thiên Chúa mặc khải và con người đáp trả. Trường hợp thánh Phê-rô là một trường hợp cụ thể, chính Chúa Cha đã mạc khải cho Phê-rô biết về Đấng Cứu Thế Giêsu- Kitô. Và Phê-rô đã thể hiện niềm tin của mình vào Thiên Chúa qua Đức Kitô.

  • Chúa Giêsu đã mặc khải điều mà Phê-rô tuyên xưng ( c 17)

Chúng ta biết được điều nêu trên là nhờ vào sự mạc khải của Chúa Giêsu, Người nói với Phê-rô: “Không phải phàm nhân mạc khải cho anh, mà Cha Thầy, Đấng ngự trên trời đã mạc khải cho anh biết điều đó “

  • Chúa Giêsu đặt tên cho Phê-rô , nghĩa là : Tảng Đá. ( c 18)

Phàm nhân là tro bụi, nhưng kế hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa được xây dựng trên Đá Tảng. Một sự so sánh mầu nhiệm mà chính Chúa Giêsu thiết lập cho chúng ta thấy Hội Thánh Công giáo là một “Đường lối” Cứu Độ nhân loại không thể bị một áp lực trần thế nào phá nổi. Vì, không một phàm nhân nào là “ĐÁ” trừ Phê-rô. Điều nầy tưởng như đơn giản , nhưng quả thật nhiệm mầu, vì không phải ngẫu nhiên, mà Chúa Giêsu thiết lập như vậy, nhưng điều nầy đã có từ trước muôn thuở và tồn tại muôn đời. Thiên Chúa đã muốn thiết lập ơn Cứu Độ từ Cựu Ứơc, khi dân tộc Dothai bị ngược đãi, làm nô lệ Thiên Chúa đã dùng Moisen dẫn dắt dân của Ngài, bốn mươi năm trong samac, đến khi thiếu nước uống, Thiên Chúa đã sai Môisen dùng gậy đâp vào “Tảng Đá” để có nước vọt ra cho dân uống.

Khí Đấng Cứu Thế đến, Người vừa là Thiên Chúa vừa là Môisen, chính Tảng Đá Phê-rô là nền tảng Hội Thánh hữu hình, là ơn Cứu Độ viên mãn từ Thiên Chúa. Vì vậy, Hội Thánh Công giáo không phải là một tổ chức trần thế, chúa Giêsu đã tiên liệu trước, dù satan có lấn át cũng không thắng nổi. Thánh Phê-rô là vị giáo hoàng đầu tiên, là người bước theo Đức Kitô cách trung thành cho đến vị giáo hoàng sau cùng cũng vậy, là những “con người”, nhưng là chính những “Tảng Đá”, mà Chúa Giêsu đã thiết lập.

  • Chúa Giêsu thiết lập Hội Thánh Công giáo trên Phê-rô. ( c 19)

Ngoài Hội Thánh Công giáo không có Đức Giáo Hoàng, điều nầy không một phàm nhân nào “bóp méo” được, rõ ràng là một mặc khải hiển nhiên đến từ Thiên Chúa.

“ Thầy trao cho anh : Chìa khóa Nước Trời, dưới đất anh cầm buộc điều gì, thì trên Trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất anh tháo cởi điều gì, thì trên Trời cũng tháo cởi như vậy .” ( c 19)

Vâng, không ai có quyền phán như vậy, trừ Đấng thiết lập. Và , Đấng thiết lập chính là Thiên Chúa. Khi truyền cho Phê-rô là “Đá “, Chúa Giêsu đã muốn mạc khải cho muôn thế hệ biết “lòng tin “ phải như đá, trung thánh như ĐÁ, vững bền như ĐÁ, kiên trung như ĐÁ , rồi chính từ ĐÁ, có nghĩa là từ Đức Tin son sắt, kiên trung như ĐÁ, sẽ vọt ra ơn CỨU ĐỘ như tảng đá Cựu Ứơc.

Câu cuối cùng, “Người cấm ngặt không cho ai được tiết lộ Người là Đấng Kitô ”, bởi vì mầu nhiệm Thập giá chưa được thực thi.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, lời tuyên xưng duy nhất ấy  đem lại cho chúng con ơn Cứu Độ, xin thương ban cho mọi nhân thế nhận ra và tôn thờ Chúa như thánh Phê-rô, hầu họ đáng hưởng nhờ ơn Cứu Độ bởi Chúa./. Amen

Về mục lục

.

ĐỨC TIN VỮNG NHƯ BÀN THẠCH

 

JM. Lam Thy

Bài Tin Mừng Chúa nhật XXI/TN-A (Mt 16, 13-20) trình thuật: “Khi Đức Giê-su đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê (là vùng đất dân ngoại ở phía bắc Ga-li-lê), Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai?” Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ.” Đức Giê-su lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Si-môn Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16, 13-16). Nghe lời tuyên xưng chắc nịch như vậy ai cũng tin chắc rằng Thánh Phê-rô có một đức tin “vững như bàn thạch” (vững chắc như bàn đá), không gì lay chuyển nổi. Ấy vậy mà khi thấy Thầy đi trên mặt biển, hoặc sau Phục Sinh hiện ra, thì lại cho là… ma! Thậm chí khi Thầy tiên báo sẽ chối Thầy 3 lần trước khi gà gáy, thì Phê-rô khẳng định chắc như đinh đóng cột: “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng sẽ không chối Thầy.” (Mt 26, 35); nhưng thực tế đã xảy ra đúng như Lời Thầy tiên báo (Chỉ bị một tớ gái nhà Cai-pha vặn hỏi, Phê-rô đã chối Thầy 3 lần trong một đêm bằng cách “thề độc mà quả quyết rằng: “Tôi thề là không biết người ấy.” – Mt 27, 74).  

Như vậy thì vấn đề tuyên xưng đức tin cần phải hiểu thế nào cho ổn? Nói đến vấn đề tuyên xưng đức tin ai cũng cho rằng “xưa như trái đất” và khi nhắc tới thì phần lớn đều có chung một lý luận: “Biết rồi… Khổ lắm… Nói mãi…! Tôi có tin thì tôi mới theo Đạo! Nếu tôi không tin vào mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm Cứu Độ, mầu nhiệm Giáo hội, mầu nhiệm các thánh thông công, mầu nhiệm Phục Sinh, thì đâu có ai ép được tôi giữ Đạo?” Nghe qua lập luận, biết ngay là người đưa ra lập luận ấy đã thuộc làu làu Kinh Tin Kính. Đúng là như thế, và quả thực nội dung Kinh Tin Kính mà lý luận nêu ra làm luận cứ (“mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm Cứu Độ, mầu nhiệm Phục Sinh, mầu nhiệm Giáo hội, mầu nhiệm các thánh thông công”) thì ai cũng thuộc nằm lòng, Thánh lễ Chúa nhật nào cũng đọc vanh vách, trơn tru như cháo chảy. Tuy nhiên, tuyên xưng như vậy đã đủ chưa, ấy mới là vấn đề cần xem xét. 

Tuyên xưng đức tin như vậy thì mới chỉ là nói lên (tuyên – tuyên bố) niềm tin của minh, chớ chưa thật sự chứng minh được (xưng – xưng ra) niềm tin ấy trong cuộc sống. Nói cách khác, đó mới chỉ là “nói” chớ chưa thực sự “làm” đúng như những điều đã nói. Nói, tuyên bố thì ai cũng nói được; nhưng đụng chạm vào thực tế có còn dám ngẩng cao đầu tuyên xưng đức tin được như 130.000 chứng nhân anh dũng của Việt Nam liên tục trong 3 thế kỷ (1580-1888) hay không? Cứ nhìn vào khoảng thời gian sau 30/4/1975 ở miền Nam Việt Nam thì đủ rõ. Chưa có ai tra khảo, chưa có ai vặn hỏi (kiểu như tớ gái nhà Cai Pha), vậy mà đã có không ít những người có Đạo vội vàng cất bàn thờ lên gác để chưng hình lãnh tụ, khai vào lý lịch là không tôn giáo, là theo đạo thờ ông bà! Nếu gặp cảnh Đạo Chúa bị bách hại giống như ở triều đại nhà Nguyễn, thì không hiểu con số người ngoan ngoãn, mau lẹ bước qua (thậm chí còn đạp lên) Thánh giá nhiều gấp bao nhiêu lần con số 130.000 anh hùng tử vì đạo? 

Quả thật ở cái thế kỷ XXI này, thực tại lịch sử minh chứng vấn đề tuyên xưng đức tin còn thê thảm hơn thời điểm 2000 năm trước. Và một vấn nạn nảy sinh: Tại sao Đức Giê-su khi nghe Thánh Phê-rô tuyên xưng như vậy lại tin tưởng đến độ trao cho thánh nhân một sứ vụ vô cùng quan trọng như thế? (“Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.” – Mt 16, 18-19). Vấn đề đặt ra ở đây là vì Đức Giê-su là Thiên Chúa, Người thấu hiểu tận chân tơ kẽ tóc con người Thánh Phê-rô (“ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi.” – Mt 10, 30): Với bản tính loài người thì Phê-rô cũng như bao người khác, nhưng Thánh nhân hơn hẳn họ ở đức tính chân thực, công chính, bộc trực và lòng mến bao la. Chỉ cần thêm cho ngài sức mạnh và sự sáng suốt của Chúa Thánh Thần, thì chắc chắn ngài sẽ là Tảng Đá kiên trung xây dựng Hội Thánh Chúa. Và sự thực lịch sử Giáo hội trải qua 2000 năm đã hùng hồn chứng minh điều đó, không ai phủ nhận được. 

Cũng vì thế, nên Đức Giê-su rất thương mến và tin tưởng thánh Phê-rô, và ngay sau khi Thánh nhân tuyên xưng đức tin, Đức Ki-tô đã đặt lại tên là Phê-rô (nghĩa là “Tảng Đá”) thay cho tên gọi trước của ngài là Si-môn. Chẳng những thế, khi thấy đức tin của Phê-rô (và nói chung là các môn đệ) vẫn chưa được kiên định, Đức Giê-su còn âu yếm phán dạy: “Si-môn, Si-môn ơi, kìa Xa-tan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh.” (Lc 22, 31-32). Chính sự kiện này, một lần nữa lại minh họa cho vấn đề tuyên xưng đức tin không những phải được tuyên bố bằng lời nói xuất phát tự tâm can (“có tin thật trong lòng mới được nên công chính, có xưng ra ngoài miệng mới được ơn cứu độ.” – Rm 10, 10), mà còn phải được thể hiện bằng hành động, bằng cả cuộc sống, bởi “Đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2, 17);  

Suy niệm cho chín chắn bài Tin Mừng hôm nay, sẽ nhận chân được vấn đề là dù thế nào mặc lòng, cũng phải đặt lại việc củng cố đức tin, hãy coi đó luôn luôn và mãi mãi là mối quan tâm hàng đầu của người Ki-tô hữu. Mà muốn củng cố đức tin cho thật vững mạnh thì không gì bằng “nâng tâm hồn và trí khôn lên với Chúa” (cầu nguyện). Đến như Đức Giê-su Thiên Chúa, với quyền năng vô hạn, Người có thể làm cho kẻ chết sống lại (“anh La-da-rô chết 4 ngày sống lại” – Ga 11, 1-45), cho cả kẻ “mù nội tâm” được sáng mắt sáng lòng (trường hợp Thánh Phao-lô Tông đồ Trở Lại), thì còn việc gì Người không thể làm được? Vậy mà Người vẫn nói với Phê-rô: “Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin”. Chính Người đã nói như vậy (và Người cũng làm như vậy trong suốt hành trình thi hành sứ vụ, là Người luôn luôn cầu nguyện cùng Chúa Cha), là để dạy các môn đệ, các tín hữu hãy cầu nguyện, liên lỉ cầu nguyện (“Anh em hãy cầu nguyện, kẻo sa chước cám dỗ” – Lc 22, 40;  “Và bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con.  Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó.” – Ga 14, 13-14). 

Cầu nguyện là nhu cầu thiết yếu cho đời sống tâm linh Ki-tô hữu, Có thể khẳng định cầu nguyện gắn chặt với Ki-tô hữu, không thể tách rời; vì Ki-tô hữu là ai, nếu không phải là người nhờ Chúa Thánh Thần, trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giê-su mỗi ngày một hơn. Cuộc sống đó chính là đích điểm của đời cầu nguyện. Xin lắng nghe lời Thánh Gia-cô-bê Tông đồ: “Anh em đau khổ ư? Người ấy hãy cầu nguyện. Ai vui vẻ chăng? Người ấy hãy hát thánh ca. Ai trong anh em đau yếu ư? Người ấy hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến; họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa. Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người bệnh; người ấy được Chúa nâng dậy, và nếu người ấy đã phạm tội, thì sẽ được Chúa thứ tha. Anh em hãy thú tội với nhau và cầu nguyện cho nhau để được cứu thoát. Vì lời cầu xin tha thiết của người công chính rất có hiệu lực.” (Gc 5, 13-16).

Người ta hỏi Mẹ Thánh Tê-rê-sa Calcutta làm thế nào để Mẹ yêu thương được đám người mà nhân loại đã coi như một đống phế liệu, Mẹ trả lời: “Bí quyết của tôi thật đơn giản: Tôi cầu nguyện”. Cuộc đời của Mẹ Thánh là cả một chuỗi dài hoạt động bác ái không ngưng nghỉ, vậy mà Mẹ chỉ có một bí quyết: “cầu nguyện”! Sống trước Mẹ hàng thế kỷ, Thánh nữ Tê-rê-sa Hài đồng Giê-su (1873-1897) cũng đã chứng minh hùng hồn hiệu lực của “cầu nguyện”, vì cả cuộc đời ngắn ngủi của ngài sống trong 4 bức tường khép kín của tu viện chỉ là cầu nguyện và cầu nguyện. Quả thật “Nếu không có cầu nguyện, những việc làm của chúng ta trở nên trống rỗng và lời rao giảng của chúng ta không có hồn, vì nó không được sinh động hóa bởi Chúa Thánh Thần. Cầu nguyện là nói chuyện hằng ngày với Chúa, Đấng luôn lắng nghe chúng ta.” (xc. Bài Giáo lý về Kinh Tin Kính và năm Đức Tin của Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô ban hành ngày 22/5/2013 – nguồn Thanhlinh.net).

Tóm lại, vấn đề tuyên xưng đức tin tuy “xưa như trái đất”, nhưng coi chừng chúng ta mới chỉ tuyên bố bằng đầu môi chót lưỡi chớ chưa thật sự tuyên xưng bằng chính cuộc sống của mình. Mà như thế thì nào có khác chi mấy ông Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê thủa xưa. Xin hãy khắc ghi vào tận đáy lòng Lời dạy của Người mà Thánh Phê-rô đã tuyên xưng: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” (Mt 16, 13-16), đó là: “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm.” (Mt 23, 2-3). Muốn có một đời sống đức tin kiên trì và vững mạnh để có thể tuyên xưng trước mặt thiên hạ, mà không hề lùi bước trước ba thù, người Ki-tô hữu hãy cầu nguyện, vì cầu nguyện chính là ân huệ của Chúa Thánh Thần. Ước được như vậy. Amen.

Về mục lục

.

HỘI THÁNH HÔM NAY

Lm. Trịnh Ngọc Danh 

Đức Giêsu biết rõ dân chúng nhận định về Ngài như thế nào. Nhưng như để gián tiếp cho chúng ta thấy rằng dân chúng cũng có mặt trong buổi tiến cử hôm nay, nên Ngài đã hỏi các môn đệ: “ Người ta bảo Thầy là ai?” Thay mặt cho dân chúng, các ông đã trình lên Thầy ý kiến, nhận định của họ: “ Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy giả. Kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ.” Dân chúng xem Ngài như một kẻ chết sống lại. Rồi Đức Giêsu quay về với các môn đệ là những người đi theo Ngài để xem các ông nhận định thế nào:“ Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Đại diện cho anh em, ông Phêrô đã tuyên xưng: “ Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.”  

Qua lời tuyên xưng của ông Phêrô, Đức Giêsu đã xác nhận: “ Này anh Simon con ông Gioana, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.” Như thế, lời tuyên tín của Phêrô không phải do con người, nhưng là do sự mặc khải của Chúa Cha. Khi tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô, ông Phêrô đã nói lên căn tính của Ngài là Đấng được xức dầu, là Đấng Mêsia mà muôn dân mong đợi, là Đấng  cứu thế. Từ đây, Đức Giêsu đã đổi tên ông Phêrô và tiến cử ông vào một chức vụ mới: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là tảng đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy.” Phêrô trở thành người đứng đầu Hội Thánh sơ khai ở nơi trần thế. 

Đức Giêsu có vội vàng  lắm không khi chỉ mới nghe một lời tuyên xưng như thế mà đã quyết định ngay việc thiết lập Hội Thánh trên nền tảng đức tin của ông Phêrô? Đức Giêsu không vội vàng, cũng không sai lầm, mặc dù Ngài biết những khuyết điểm của ông: Ông là một ngư phủ, ít học, bộc trực. Ông ba lần khẳng định ông yêu mến Thầy, nhưng rồi lại ba lần ông chối Thầy. Đức Giêsu không lấy tiêu chuẩn khôn ngoan hay đạo đức làm nên tảng để trao trách nhiệm, nhưng Ngài dựa trên đức tin, đức mến và lòng nhiệt thành. Ông Phêrô tuy yếu đuối, bất tài nhưng ông lại là một con người khiêm tốn, đầy nhiệt tình, tin tưởng và yêu mến Thiên Chúa. 

Đức Giêsu đã khai sinh Hội Thánh bằng việc rao giảng Tin Mừng, loan báo nước Thiên Chúa đã hứa trong Kinh Thánh. Ngài đã khai sinh Nước Trời trên trái đất. Trước hết, Ngài tuyển chọn nhóm Mười Hai với Phêrô làm thủ lãnh. Việc tiến cử ông Phêrô làm thủ lãnh không những có hiệu lực với các tông đồ mà còn có hiệu lực cho những người kế vị ông. 

Một vị linh mục kia cảm thấy rất chán nản vì giáo dân của ngài tỏ ra hờ hửng, thiếu thái độ hợp tác. Môt hôm, cha sở loan báo Giáo Hội đã chết, và Chúa Nhật tới, nếu không ngại, họ có thể đến để dự nghi thức an táng cho Giáo Hội. Ai nấy đều lấy làm lạ về điều cha sở loan báo. 

Sáng Chúa nhật sau, mọi người đến và nhìn thấy một chiếc quan tài được đặt trên gian cung thánh, nắp còn mở để sang một bên. 

Cha sở mời mọi người, từng người một, lên chào Giáo Hội lần cuối. Mọi người lần lượt đi lên, nhìn vào quan tài để xem thi hài Giáo Hội như thế nào. Họ thấy dưới đáy quan tài có một tấm gương lớn. Khi họ nhìn vào đó, họ nhìn thấy gì? Họ đã nhìn thấy Giáo Hội. 

Kitô hữu hôm nay không phải chỉ hiệp thông cầu nguyện và xây dựng Giáo Hội phổ quát, nhưng còn được kêu gọi cầu nguyện, cộng tác để xây dựng Giáo Hội địa phương là Giáo phận, Giáo xứ; vì ở đây, chúng ta được sinh ra trong đức tin, được nuôi dưỡng bằng các bí tích, được chăm sóc mục vụ từ nơi cộng đoàn. Đừng đứng bên ngoài Giáo Hội để chỉ trích phê phán, nhưng hãy ý thức vai trò tích cực của mình trong công việc xây dựng giáo phận, giáo xứ. Đó là sự tích cực xây dựng và cộng tác với Giáo Hội hoàn vũ.

Về mục lục

.

CÒN ANH EM, ANH EM BẢO THẦY LÀ AI?

  Fx Đỗ Công Minh

 Bài Tin mừng hôm nay đặt ra cho con một dấu hỏi rất lớn “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?”. Có người cho rằng đọan  trích của Thánh Matthêu cho thấy Đức Giêsu là một diễn giả rất đáng khâm phục, một nhà tâm lý lỗi lạc đáng để các nhà sư phạm, những nhà họat động xã hội, những người lãnh đạo một tổ chức trong đạo, ngòai đời noi theo cung cách của Người. Đó là sau một thời gian giảng dạy, họat động thì lui vào một nơi nào đó để chiêm nghiệm, nhìn lại mình. Suy đi nghĩ lại về những việc đã làm, đã nói, đã sống hầu rút ra những bài học kinh nghiệm.Đến miền đất Xê-da-rê  Phi-lip-phê, một nơi thị tứ, khi ấy đang nổi lên phong trào xưng danh của những nhân vật đương thời trong xã hội, muốn trở thành các lãnh tụ hầu tranh thủ sự ủng hộ của dân chúng trong vùng. Đức Giêsu đã làm một cuộc thăm dò  bỏ túi, Người hỏi các học trò  về dư luận của dân chúng, những người đi theo Chúa, những người đang cư ngụ  những nơi Người đến rao giảng: “Người ta nói Con Người là ai?”. Một cách thành thật nhà Đạo, các ông nhanh nhảu phản ánh:“ Kẻ thì nói (Thầy) là Ông Gioan Tẩy giả , người khác lại cho là Ông Giêrêmia hay một trong những vị ngôn sứ “, những vị cao trọng,  có uy tín trong dân Israel. 

Thực ra Đức Giêsu không làm động tác phỏng vấn theo kiểu trò chơi Games Show: “ Chung Sức “ như trên Truyền hình HTV hôm nay, xem có bao nhiêu người đồng ý về một nhận định nào đó? Người muốn các tông đồ nói lên suy nghĩ của bản thân sau những ngày theo Chúa, được Người dạy dỗ, từng chứng kiến việc Người đã làm, đã sống. Người hỏi các ông: “ Còn anh em, anh em nói Thầy là ai ?” Một câu hỏi không dễ trả lời. Các ông đã nhận ra Người là đấng có uy quyền. Thiên hạ, những người chỉ đi theo, chỉ nghe tiếng Người, chỉ một vài lần chứng kiến phép lạ Chúa làm mà còn lên tiếng ca ngợi, cho rằng Đức Giêsu, một vị ngôn sứ trong dân ISRAEL đã tái thế. Họ nói  dưới nhãn quan của họ. Nếu không phải các bậc xuất chúng, cao trọng trong dân mà họ được biết đến trong kinh Thánh, thì không thể rao giảng và làm những điều lạ lùng như thế. Còn các tông đồ,  đại diện là Phêrô,  đã nói lên điều ông nhận ra nơi Thầy mình: “ Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống “.Phêrô, một người học trò đã nói lên những gì mà ông cảm nghiệm được sau những ngày tháng theo Thầy. Ông không nói theo cách thậm xưng của người đời, không theo kiểu tâng bốc, xu nịnh, đưa Thầy mình lên cao vút theo cung cách ngôn ngữ thời đại hômnay, thường gọi là những lời có cánh, nhưng là theo lương tâm chân thật của chính mình. Đức Giêsu đã chúc phúc cho ông:”Này anh Si-Mon con ông Gio-Na,anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mạc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. . .”. 

Câu hỏi của Đức Giêsu đặt ra cho các tông đồ vẫn là câu hỏi mang tính thời đại hôm nay. Chúa cũng đang hỏi con “ Còn anh em, anh em  bảo Thầy là ai ?” . Đã có những câu trả lời trong thực tế con nghe:  Người là bậc Thầy trong dân Israel;  Người là một bậc vĩ nhân, một nhà hiền triết sánh ngang vị này vị khác trong lịch sử; Người khai sáng đạo Kitô; vị lãnh tụ của người nghèo, người bị bỏ rơi, bị bách hại. . . Những điều đó không sai. Phần con, Lạy Chúa, xin cho con nhận biết “ Người là Đức Kitô con Thiên Chúahằng sống “. Nhưng để xác tín điều ấy , con phải vâng nghe và giữ Lời Người,noi gương các Tông đồ trong suốt cuộc đời, để có thể trả lời tiếp câu hỏi nếu có ai đó đặt ra cho con:“Nhưng Đức Kitô là ai ?”. Con có sẵn sàng trả lời cho được bằng chính cuộc sống và niềm tin của con ? 

Lạy Chúa ! Xin thương cứu giúp con. Xin ban thêm Đức tin cho con . AMEN.

Về mục lục

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận