Các bài suy niệm Chúa Nhật 19 A

Đăng lúc: Thứ sáu - 11/08/2017 00:12 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

CHÚA NHẬT 19 THƯỜNG NIÊN – A

Lời Chúa: 1V. 19, 9a.11-13a; Rm. 9, 1-5; Mt. 14, 22-33

——- 

 

 

DẪN NHẬP

Lời Chúa: "Hãy yên tâm, Thầy đây, đừng sợ," (Mt 14,27)

Nhập lễ:

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Phụng vụ Lời Chúa chúa nhật 19 thường niên hôm nay cho chúng ta thấy, giữa biển đời sống gió Chúa Giêsu vẫn hiện diện bên chúng ta và sẵn sàng cứu giúp chúng ta. Sự hoài nghi làm chúng ta sợ hãi và chìm xuống biểu sâu. Còn lòng tin sẽ giúp chúng ta nhận ra Chúa và bước đi trong bình an:

Ê-li gặp bước gian nan,

Ông tìm đến Chúa, bình an tức thời.

Tông đồ gặp bão giữa khơi,

Một Lời Chúa phán, biển khơi êm đềm.

Cậy tin cầu khẩn ngày đêm,

Chuyên chăm Lời Chúa, bình an suốt đời.

Hiệp dâng thánh lễ hôm nay, xin Chúa giúp chúng ta đặt tất cả niềm tin vào quyền năng của Chúa khi gặp phải khó khăn, thử thách, thuyền đời của chúng ta sẽ tìm gặp được bình an. Vì, có Chúa có bình an. Trong tâm trong đó, giờ đây chúng ta thành tâm sám hối.

Sám hối:

X. Lạy Chúa, Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu. Xin Chúa thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.

X. Lạy Chúa Kitô, Chúa truyền dạy chúng con hãy yên tâm, Thầy đây, đừng sợ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

X. Lạy Chúa, Chúa thật là chốn con nương thân. Xin Chúa thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.

Kết: Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.

CĐ: Amen.

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang.

 

Mục lục

1. Hãy nhận ra Chúa Gm. Giuse Vũ Văn Thiên)

2. Con đường của Chúa (Tgm. Giuse Ngô Quang Kiệt)

3. An tâm vì luôn có Chúa (Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)

4. Điểm tựa Giê-su (Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)

5. Sợ hãi và tin tưởng (Lm. Giuse Hoàng Kim Toan)

6. Đi trên mặt biển  (Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT)

7. Đức tin hiện tại  (Anna Cỏ May, Tiền Tập sinh MTG.Thủ Đức)

8. Mời Chúa lên thuyền (Bông Hồng Nhỏ, Tiền Tập sinh MTG.Thủ Đức)

9. Nhìn thấy Chúa trong cuộc sống  (Lm. GB. Trần Văn Hào, SDB)

10. Trên biển đời  (Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)

11. Suy niệm Chúa Nhật XIX Thường niên – Năm A (Lm. Anthony Trung Thành)

12. Điểm tựa duy nhất trên cõi đời  (Lm. Inhaxio Trần Ngà)

13. Uy quyền  (Lm. Trần Việt Hùng)

14. Chúa Giêsu đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ (P.Trần Đình Phan Tiến)

15. Chúa Nhật XIX Thường niên – A  (Lm. Giuse Đinh Tất Quý)

16. Ba đào  (Trầm Thiên Thu)

 

 

HÃY NHẬN RA CHÚA

Gm Giuse Vũ Văn Thiên
 
Cuộc sống bon chen tính toán lôi cuốn chúng ta và làm cho chúng ta lãng quên sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời. Đàng khác, có những lúc chúng ta tin Chúa nhưng tự tạo ra một hình ảnh Thiên Chúa theo ý riêng mình, nhằm đáp ứng những đam mê lầm lạc của mình. Và, khi không được như vậy, thì chúng ta bất mãn bỏ Chúa.
 
Thánh Matthêu kể lại, vào lúc các môn đệ đang chèo thuyền trong đêm tối, Chúa Giêsu đi trên mặt nước để đến với các ông. Mặc dù mới lúc buổi chiều, các ông còn ở với Chúa, vậy mà giờ đây, các ông không nhận ra Người. Nỗi ám ảnh về quyền lực của biển cả, cộng với đêm tối, đã khiến các ông không nhận ra Thày mình. Không những thế, các ông còn hoảng hốt và nói với nhau :”Ma kìa”. Cách thức và ngôn từ cho chúng ta thấy các ông như những đứa trẻ, đưa hình ảnh ma quỷ để hù dọa nhau. Những chi tiết này phần nào phản ánh cuộc sống của chúng ta trong quan niệm về Thiên Chúa. Có những lúc hình ảnh của Ngài bị con người làm cho biến dạng. Có những khi Ngài được trình bày và quan niệm giống như một “thây ma” của quá khứ. Nhiều người đã quá tự tin vào khả năng của mình. Họ không cần đến Thiên Chúa và họ quả quyết: “Thiên Chúa đã chết rồi!”. Tuy vậy, Thiên Chúa không phải là sản phẩm của trí tuệ con người để họ có thể tạo nên và giết chết. Dù con người tin hay không thì Thiên Chúa vẫn hiện diện. Dù họ ghét bỏ hay yêu mến thì Ngài vẫn là Đấng nhân hậu bao dung. Những ai nhận ra Ngài thì được Ngài chúc phúc.
 
“Hãy nhận ra Chúa và hãy tôn thờ Ngài!”. Đó là thông điệp mà Phụng vụ muốn gửi đến chúng ta trong Chúa nhật này. Thời nào cũng có những người thử Chúa như ông Phêrô. Ông muốn sự hiện diện của Chúa phải được chứng minh bằng một dấu hiệu cụ thể, đó là việc ông đi trên mặt hồ. Chúa đã làm như ông xin. Tuy vậy, nếu Chúa là Đấng luôn ban cho con người những sức mạnh và khả năng phi thường, thì con người lại tự “chìm xuống” bởi nghi ngờ, sợ hãi, yếu đuối và thiếu niềm cậy trông. Nỗi sợ của Phêrô quá lớn, kể từ lúc những người anh em nói với nhau:”Ma kìa” lúc này vẫn còn ám ảnh ông và làm cho ông chìm xuống nước. Phải chăng vì thế mà cuộc đời chúng ta nhiều lúc bị “chìm sâu” trong biển đời và cảm thấy đang đi lạc loài trong đêm tối?
 
Chúa Giêsu đã quở trách ông là kẻ kém lòng tin. Có thể Chúa cũng đang quở trách chúng ta như đã quở trách ông Phêrô. bởi lẽ nhiều lúc chúng ta thiếu tin tưởng ở nơi Người. Điều đó thể hiện qua cách sống, cách cầu nguyện và mối tương quan của chúng ta hằng ngày.
 
Ngôn sứ Elia đang bị vua Akháp đuổi và ông trốn chạy (Bài đọc I). Trong cơn gian nan, ông trở về núi Khôrép, thường được gọi là núi của Thiên Chúa. Về nơi này, ông như về với cội nguồn của đức tin. Chính nơi đây, ông gặp lại Thiên Chúa và được Ngài ban cho ông sức mạnh. Về nơi này, ông cũng ngộ ra một điều, là Thiên Chúa không hiện diện trong giông bão, trong bạo lực và trong cách xử sự theo kiểu con người. Khi “chiến đấu” với vua Akháp và hoàng hậu Idêben, ông chưa có niềm xác tín trên đây, nên ông còn hoảng sợ. Trong cuộc trốn chạy, đã có lúc ông xin được chết, vì ông cảm thấy đang đứng trước ngõ cụt của sứ mạng. Trên núi Khôrép, Chúa đã cho ông được bình an và cảm nhận sự dịu dàng của Ngài. Bài học Chúa muốn dạy ngôn sứ Elia, đó là hãy tìm gặp Chúa với tâm hồn thanh thản nhẹ nhàng, trong một không gian tĩnh lặng thanh thoát và với một trái tim khiêm nhường rộng mở. Những tâm hồn chất chứa đầy bon chen tính toán và hận thù sẽ chẳng bao giờ được gặp Chúa.
 
“Quả thật, Người là Con Thiên Chúa!”. Đó là lời tuyên xưng đức tin của các môn đệ. Mọi sợ hãi đã qua, còn lại là sự bình an thanh thản. Mọi nghi ngờ đã hết, nhường chỗ là niềm xác tín và tôn thờ. Đó là kết quả mà các ông đã đạt được nhờ việc nhận ra Chúa. Giữa những khó khăn, thử thách và thậm chí là mưu mô chống đối, Thánh Phaolô vẫn kiên trì xác tín. Ông biết rõ Chúa luôn bênh vực và chở che, vì Ông đang thực hiện thánh ý Chúa và xuất phát từ lòng yêu mến dành cho Ngài (Bài đọc II).
 
Giữa cuộc đời bấp bênh và đầy nguy cơ này, chúng ta hãy đến với Chúa. Hãy nhận ra Ngài và tuyên xưng nơi Ngài niềm xác tín. Đừng sợ! Người sẽ kéo chúng ta khỏi những hiểm nguy đang rình rập chúng ta. Có Chúa, cuộc đời chúng ta sẽ vui tươi và an bình.

Về mục lục

.

CON ĐƯỜNG CỦA CHÚA

Tgm. Ngô Quang Kiệt.

Sau khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, nuôi năm ngàn người ăn uống no nê, Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ xuống thuyền đi qua bờ bên kia. Rồi Người một mình lên núi cầu nguyện suốt đêm. Tại sao Chúa có thái độ kỳ lạ như thế? Tại sao Chúa Giêsu bắt ép các môn đệ ra đi? Tại sao giữa lúc dân chúng đang phấn khởi tinh thần, giữa lúc uy tín của Người dâng cao như núi, Người lại bỏ đi? Trong Phúc Âm, thánh Marcô và thánh Matthêu không nói rõ lý do. Nhưng Phúc Âm thánh Gioan thì nói rõ: “Chúa Giêsu bỏ đi vì Người biết dân chúng muốn tôn Người lên làm vua” (Ga 6,14-15). Thật là một quyết định khác thường. Theo thói thường, ta sẽ khuyên Chúa Giêsu lên ngôi làm vua rồi đi khắp nơi làm phép lạ nuôi người ta ăn uống no nê, mọi người sẽ theo Chúa và chịu phép rửa tội, cả thế giới sẽ thuộc về Chúa, khỏi mất công truyền giáo khổ cực.

Không, con đường của Chúa thì khác với con đường của ta.

Con đường của ta là con đường kiêu ngạo trong khi con đường của Thiên Chúa là con đường khiêm nhường. Ta luôn tìm cách nâng mình lên, còn Thiên Chúa luôn tìm cách hạ mình xuống. Ta muốn xưng mình là Chúa trong khi Thiên Chúa lại muốn xuống làm người. Không chỉ làm một người bình thường, nhưng còn mặc lấy thân phận nghèo hèn, yếu ớt, thậm chí bị coi như một người tội lỗi nữa. Khi nâng mình lên, ta thường hạ người khác xuống. Còn Thiên Chúa tự hạ mình xuống để nâng con người lên làm con Thiên Chúa. Con người và Thiên Chúa đều sử dụng bậc thang, nhưng theo những mục đích khác nhau. Con người sử dụng bậc thang để leo lên cao. Ai cũng muốn lên cao trong đời sống vật chất. Ai cũng muốn leo cao trong địa vị xã hội. Ai cũng muốn leo cao trong bậc thang danh vọng. Còn Thiên Chúa lại sử dụng bậc thang để đi xuống. Từ trời Thiên Chúa đã xuống thế làm người. Từ một người bình thường, Chúa còn xuống làm một người nghèo hèn, một người tội lỗi, một người thất bại.

Con đường ta chọn là con đường rộng rãi, dễ dãi. Còn con đường của Chúa là con đường chật hẹp khó khăn. Ta luôn tìm sự dễ dãi: làm sao cho đời sống đỡ vất vả, làm sao cho có những tiện nghi phục vụ đời sống, làm sao cho cuộc đời thành công tốt đẹp. Còn Thiên Chúa lại chọn con đường chật hẹp, bé nhỏ, khiêm nhường. Trong nghệ thuật quảng cáo, người ta hứa hẹn cho khách hàng mọi sự tiện nghi thoải mái. Còn Chúa Giêsu thì hứa với những kẻ muốn theo Người rằng: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta” (Mt 16, 24). Trong các trường đại học người ta quảng cáo: ai học trường này sẽ thành công, sẽ lên chức, sẽ lên lương. Còn Chúa Giêsu lại dạy các môn đệ: “Trong anh em, ai lớn nhất thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ” (Lc 22,26).

Chính Chúa Giêsu không đi vào con đường rộng rãi thênh thang, nhưng đã chọn con đường bé nhỏ, chật hẹp. Người không chọn cứu chuộc con người bằng những thành công lẫy lừng, những phép lạ kinh thiên động địa. Nhưng Người đã chọn cứu chuộc nhân loại bằng con đường đau khổ, con đường thập giá, con đường tử nạn. Chính vì thế, hôm nay, vì sợ đám đông tôn Người lên làm vua, đi xa con đường khiêm nhường bé nhỏ, Người đã bỏ đám đông mà đi. Người sợ các môn đệ bị nhiễm thói kheo khoang, phô trương, quyền lực, nên thúc giục các ông xuống thuyền sang bờ bên kia trước.

Đây không phải lần đầu tiên Chúa gặp cơn cám dỗ loại này. Trong sa mạc ma quỉ đã xui giục Người bỏ con đường khiêm nhường, đau khổ để đi vào con đường vinh quang, dễ dãi. Đây cũng chưa phải là cơn cám dỗ cuối cùng. Cám dỗ sẽ còn trở lại với lời khuyên của Phêrô khi ông ngăn cản Thầy ra đi chịu chết (x. Mt 16,23). Cơn cám dỗ khốc liết tiếp tục trong vườn Giệt-sê-ma-ni khiến Người nao núng hầu như muốn tháo lui (x. Mt 26, 39). Cơn cám dỗ không buông tha cả khi Người đã bị treo trên thánh giá với lời thách thức của mọi người: “Nếu Ông là Con Thiên Chúa, hãy xuống khỏi thập giá để chúng tôi tin” (x. Mt 27, 42). Nhưng Người đã chiến thắng tất cả những cám dỗ của ma quỉ, kiên quyết đi vào con đường thánh ý Chúa Cha, con đường khiêm nhường, vâng lời, hi sinh gian khổ.

Bản thân ta và Hội Thánh, nếu muốn trung thành với Chúa, không thể có chọn lựa nào khác ngoài con đường của Chúa đã đi.

Quá khứ đã minh chứng: Chính khi giàu sang, quyền thế, thì Hội Thánh sa sút, khủng hoảng. Trái lại những khi gặp khó khăn, nghèo khổ, bắt bớ, Hột Thánh lại phát triển mạnh mẽ, vì đang đi vào con đường của Chúa.

Là môn đệ Chúa, ta hãy mạnh dạn bước theo Chúa vào con đường khiêm nhường bé nhỏ, vào con đường chật hẹp từ bỏ mình, vào con đường thánh giá đau khổ. Tuy khó khăn, đau đớn, nhưng đó mới là con đường dẫn ta đến với Chúa, ơn cứu độ của ta.

GỢI Ý CHIA SẺ

1) Chúa bỏ đi, Chúa thúc giục các môn đệ bỏ đi vì sợ người ta tôn làm vua. Tôi có lựa chọn nào khiến Chúa phải bỏ đi không?

2) Tôi mong muốn Hội Thánh có khuôn mặt nào: uy quyền giàu sang hay nghèo khó, khiêm nhường?

3) Tôi có sẵn sàng đi vào con đường của Chúa không?

Về mục lục

.

AN TÂM VÌ LUÔN CÓ CHÚA

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Chúa Nhật vừa qua, chúng ta nghe thánh Matthêu thuật lại phép lạ Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều (x. Mt 14, 13-21), tiếp theo là biến cố Chúa biến hình trên núi (x. Mt 17, 1-9) và hôm nay chúng ta nghe tiếp Chúa Giêsu đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ (x. Mt 14, 22-33).

Êlia và Phêrô là hai nhân vật nổi bật của tuần này. Êlia chứng kiến ba sự kiện trên trái đất là gió bão, động đất và lửa, Thiên Chúa đều không hiện diện ở đó. Giữa sức mạnh của vũ trụ với tiếng gió hui hui, Êlia phải học phân định để nghe thấy lời trong thinh lặng, hay trong chính bản thân mình (x.1 V 19, 9a. 11-13a).

Trước khi đề cập đến Phêrô, chúng ta không thể không nói đến các môn đệ được Chúa Giêsu ” giục xuống thuyền mà qua bờ bên kia trước ” (14, 22), còn dân chúng, những người Do thái được giải tán, theo một nghĩa nào đó, họ là ” những người ở bên này “. Việc các môn đệ phải “sang bờ bên kia”, nghĩa là các ông phải vượt qua những thực tại hữu hình, tạm thời của thân xác, bước sang sự vĩnh cửu vô hình. Dĩ nhiên, các ông không thể cập bờ bên kia trước Chúa Giêsu ; các ông phải trải qua kinh nghiệm không có Thầy, họ không thể tới bến bình an.

Có chuyện gì mà Chúa Giêsu buộc các môn đệ phải xuống thuyền ? Phải chăng là để chống lại cơn cám dỗ và các tình huống khó khăn ? Chắc chắn có một cơn giống tố trong lòng các ông và ở biển hồ Galilêa. Vì chưa hiểu dấu chỉ phép lạ hóa bánh ra nhiều, nên các ông đã theo dân chúng muốn tung hô Chúa làm vua ! Giờ đây họ cảm thấy thế gian sợ hãi và xao xuyến biết bao ! 

“Người lên núi cầu nguyện một mình ” (Mt 14, 23). Người cầu nguyện cho ai ? Chắc chắn là cho dân chúng vừa giải tán, sau khi đã được ăn bánh no nê, họ không biết phải làm gì. Chúa Giêsu cũng cầu cho các môn đệ, ở giữa biển khơi đang bị kiệt sức bởi sóng đánh vì ngược gió khỏi mọi sự dữ. Chính nhờ lời cầu nguyện của Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha mà các môn đệ không bị chìm vì sóng to gió lớn. 

Còn Phêrô, được Chúa Giêsu mời gọi bằng kinh nghiệm đức tin. Ông xin Thầy cho được đi trên mặt nước (x. Mt 14, 28). Chúa Giêsu đã ban cho ông quyền đi trên biển. Biển, tượng trưng cho mãnh lực của sự dữ và sự chết ; Chúa Giêsu đi trên mặt biển, là đi trên sự chết, thể hiện sự chiến thắng của Người trên sự dữ và sự chết. Toàn bộ mầu nhiệm Phục sinh là ở chỗ Chúa Giêsu chiến thắng sự chết và biển cả. Theo quan niệm của người Do thái, biển là sào huyệt của sự chết. Đi trên biển là liều chết. Chính sự rủi ro này mà khi Phêrô đáp lại lời gọi của Chúa Giêsu, “xuống khỏi thuyền, bước đi trên mặt nước”(Mt 14, 29), là ông giẫm chân trên sự chết. Nên không có lạ, khi ông nghi ngờ. 

Chỉ khi Phêrô tin và phó thác vào Thầy, ông mới có thể đi trên mặt nước. Ông bị chìm xuống lúc ông nghi ngờ. Thấy gió mạnh, ông sợ, sự sợ hãi trước tai ương của thế gian này lại giúp cho ông tin vào quyền năng của Thầy. Chính lúc ông thôi tin vào Chúa, ông mất quyền đi trên biển, và chìm xuống. Khi đi được trên mặt nước chứng tỏ Phêrô tin, lúc chìm xuống cho thấy ông không tin. Thật là đức tin ngược đời, vì chính lúc ông không cậy dựa vào Chúa, ông bị chìm, ông lại kêu Chúa cứu. 

Với lời kêu cứu của Phêrô : ” Lạy Thầy, xin cứu con! ” (Mt 14, 30) Chúa Giêsu đáp lại bằng cử chỉ và lời. Người giơ tay nắm lấy ông và trách : “Người hèn tin, tại sao mà nghi ngờ?” (Mt 14, 31) Khi gió thổi mạnh, nỗi sợ hãi và nghi ngờ về quyền năng của Chúa đột nhập vào Phêrô, một con người yếu lòng tin. Cứu ông lên khỏi nước, Chúa Giêsu dạy ông rằng, tình thầy trò không phải là đức tin của người môn đệ, nhưng là lòng trung thành của Thầy. Cảnh tượng trên phơi bày sự cao cả cũng như thấp hèn của người môn đệ. “Khi cả hai đã lên thuyền thì gió liền yên lặng. Những người ở trong thuyền đến lạy Người mà rằng: “Thật, Thầy là Con Thiên Chúa” (Mt 14, 32-33). Quả thật, niềm tin vào Con Thiên Chúa chỉ có được sau một hành trình dài của đau khổ, chết và phục sinh của Đức Giêsu Con Thiên Chúa.

Lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ trên biển : “Thầy đây, đừng sợ. Ma đâu có xương có thịt như Thầy có đây”, cũng là lời Chúa nói với các ông sau khi Chúa phục sinh ” Tại sao các con run sợ, tại sao các con nghi ngờ… chính Thầy đây, hãy xem tay chân Thầy đây”. Hai khung cảnh khác nhau về thời gian nhưng đều có một điểm chung là run sợ, kém lòng tin và nghi ngờ, cả hai lần Chúa Giêsu đều khẳng định ” chính Thầy đây mà ” (x. Lc 24 ; Mt 14).

Ở cuối trình thuật, các môn đệ được mô tả là những người tin khi sấp mình xuống thờ lạy Chúa. Còn Phêrô, mỏng giòn, yếu đuối, Chúa Giêsu lại trao Giáo Hội cho ông. Chúa Giêsu sẽ đồng hành cùng Giáo Hội. Như Phêrô, người yếu tin, chúng ta cần có bàn tay của Chúa kéo chúng ta lên, bước vào con thuyền Giáo Hội để sang bờ bên kia.

Phần chúng ta, nếu một ngày nào đó chúng ta phải đương đầu với các cơn cám dỗ không thể tránh được, hãy nhớ rằng Chúa Giêsu buộc chúng ta xuống thuyền ; từ bờ bên này sang bờ bên kia không thể không có sóng gió. Và khi chúng ta thấy những khó khăn, vất vả, mệt nhọc giữa đời vây quanh ta, thuyền của chúng ta đang ở giữa đại dương mênh mông, với những cơn sóng đang tìm cách nhấn chìm đức tin của chúng ta. Chúng ta hãy vững tin rằng, Con Thiên Chúa sẽ đi trên mặt nước đến gần chúng ta, giơ tay kéo chúng ta lên; Chúa chỉ mong đợi chúng ta tin tưởng tuyệt đối vào Chúa. 

Lạy Mẹ Maria, gương mẫu về lòng tín thác trọn vẹn nơi Thiên Chúa, xin giúp chúng con vững tin vào Chúa, để giữa bao bận tâm, lo lắng, khó khăn giữa biển cả cuộc đời đang làm chúng con giao động, chúng con vẫn nghe thấy lời trấn an của Chúa Giêsu, Con Mẹ : “Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ! ” ( Mt 14, 27) Amen.

Về mục lục

.

ĐIỂM TỰA GIÊ-SU

Lm Giuse Tạ Duy Tuyền

Nhà vật lý học Archimède đã từng nói: “Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nhấc bổng quả đất lên”. Câu nói của ông giúp chúng ta nhận ra một điều vô cùng quan trọng trong cuộc sống đó là “một điểm tựa”.

Một điểm tựa sẽ an ủi, nâng đỡ khi trong cuộc sống chúng ta cảm thấy hẫng hụt, thất vọng, dằn vặt, đau đớn. . . Cho nên, đừng ngạc nhiên khi một lúc nào đó có ai đó gục đầu vào vai chúng ta mà nức nở, dù đó là người khác giới! Hãy lặng im nghe từng giọt nước mắt rơi thấm dần trên vai ấm nồng. Hãy để cho người ấy ôm chặt lấy chúng ta mà khóc, khóc cho tan đi tất cả những muộn phiền.

Và chính chúng ta khi gặp gian nan, thất bại, hiểm nguy chúng ta cũng cần đến một điểm tựa để vượt qua. Điểm tựa ấy có thể là niềm tin, là kỳ vọng, là ước mơ, là mục đích… và còn có thể là tình yêu nữa. Không ai biết trong cuộc đời mình điểm tựa nào là quan trọng, có khi là cái này, có khi là cái khác, thậm chí có người cho rằng họ chẳng cần điểm tựa để tồn tại, họ rời bỏ, và họ cô đơn… Song một lúc nào đó họ nhận ra điểm tựa của mình rồi chấp nhận có khi nó chỉ là một điểm tựa bình thường nhỏ nhoi.

Cuộc sống luôn cần một điểm tựa, để những khoảnh khắc yếu lòng mà sai đường, nhưng vẫn có người, ở đó, chờ đợi và sẵn sàng giang rộng cánh tay bao dung tha thứ cho chúng ta.

Cuộc sống cần một điểm tựa, để những khi thấy nhớ, lạc lõng , cô đơn, chúng ta vẫn có người để điện thoại, để nhắn tin và được nghe giọng nói an ủi, nâng đỡ mà chẳng hề cáu giận dù đêm khuya, nhưng luôn đồng cảm với chúng ta.

Hôm nay Tin mừng cho ta thấy một điểm tựa thật vững chắc là Thầy Giê-su. Khi các môn đệ đang chơi vơi giữa giòng đời, đang chao đảo trước sóng gió, Chúa đã đến với các ông đã an ủi nâng đỡ các ông. Lòng các ông đã bình an khi nhận ra Thầy đang hiện diện giữa các ông.

Sứ điệp lời Chúa hôm nay như vẫn đang mời gọi chúng ta:”Anh em đừng sợ, vì Thầy đã thắng thế gian”. Thầy đã thắng thế gian, đó cũng là tiếng mời gọi các môn đệ của Chúa là chúng ta, hãy cùng với Chúa để chiến thắng sự dữ, để đẩy lùi cái ác ra khỏi thế gian, để xoa dịu những đau thương mất mát trong cuộc đời. Và Chúa vẫn đang mời gọi chúng ta hãy trao vào tay Chúa những khó khăn của cuộc đời để Chúa sẽ giải thoát chúng ta khỏi mọi hiểm nguy.  Đồng thời Ngài cũng mời gọi chúng ta hãy là điểm tựa để nâng đỡ anh em đang chơi vơi trên dòng đời. Chúa muốn chúng ta hãy là chứng nhân cho tình thương và lòng nhân ái của Chúa, khi chúng ta cùng cầm tay nhau vượt qua những thăng trầm của cuộc đời. Khi chúng ta biết chạnh lòng thương xót trước những bất hạnh của tha nhân. Khi chúng ta không phủi tay trốn tránh trách nhiệm trước những nhu cầu của thời đại. Vâng cuộc đời sẽ ấm áp hơn nếu mỗi người biết liên đới và chia sẻ cho nhau để làm vơi đi những khổ dau, những lắng lo trong cuộc sống.

Chúng ta có thể không có khả năng làm phép lạ hoá bánh ra nhiều, nhưng chúng ta có khả năng trao vào tay Chúa một chút lương thực ít ỏi, để Chúa có thể nhân rộng cho hàng ngàn người hưởng dùng.

Chúng ta có thể không có khả năng đi trên mặt nước, nhưng chúng ta có thể nâng đỡ, dìu dắt anh em qua những khó khăn của cuộc sống.

Chúng ta có thể không khiến cho sóng gió ba đào im lặng, nhưng chúng ta có thể góp phần đầy lùi sự dữ và xoa dịu những đau thương bằng lòng quảng đại và nhân ái của chúng ta.

Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta lòng mến nồng nàn để sẵn lòng  mang tình yêu và lòng nhân ái đến cho anh chị em chung quanh. Nguyện xin Chúa ban thêm đức tin và đức cậy để chúng ta luôn biết cậy dựa vào ơn trợ giúp của Chúa và an bình sống trong sự quan phòng của Chúa. Amen.

Về mục lục

.

SỢ HÃI VÀ TIN TƯỞNG

Lm. Giuse Hoàng Kim Toan

Sợ hãi thường nghịch chiều nhau. Khi quá sợ hãi niềm tin tưởng thường là quá ít và ngược lại niềm tin tưởng đủ lớn thì nỗi sợ hãi càng nhỏ lại. Vấn đề không thể dứt bỏ hoàn toàn sợ hãi vì niềm tin tưởng là một quá trình phát triển chưa bao giờ toàn vẹn cho đến khi chết mới hết.

Sợ hãi mang tính tiêu cực:

Sợ hãi có thể gây ra tình trạng thu lại về chính mình, rút vào trong cô đơn, phòng thủ, và nặng hơn rơi vào trầm cảm hoặc tự kỷ. Không sợ hãi thái quá có thể rơi vào tình trạng liều mạng, mất kiểm soát nỗi sợ khi phê ma túy đá hoặc không đủ phân định kết quả tốt xấu…

Nguyên nhân của sợ hãi, theo các bác sỹ thần kinh cho biết, có nhiều nguyên nhân: Sợ hãi khi đã trải qua thực tế – sợ hãi thực sự trong tình huống đáng sợ – sợ hãi do chính mình phóng đại sự việc và lo lắng những tình huống do suy luận mông lung – Sợ hãi do suy nhược thần kinh…

Sợ hãi mang tính tích cực.

Đã có kinh nghiệm vượt qua nỗi sợ hãi và kiểm soát được chúng nhờ có nghị lực và luôn suy nghĩ tích cực trong mọi tình huống. Sợ hãi với những người này luôn biết mình cần thận trọng hơn trong lời nói trong công việc. Kiểm soát được những tiêu cực từ những dư luận không tốt, khi đang chịu áp lực tấn công từ người đang ghét mình (gato: ghen ăn tức ở). Và sợ hãi về chính mình giúp điều chỉnh và tự kiểm soát, để canh chừng chính mình không rơi vào sợ hãi tiêu cực.

Sợ hãi tích cực có thể thấy nơi Thánh Phêrô trong các tình huống:

Ngày đầu gặp Chúa bên bờ hồ Ghennêxarét, sau mẻ cá đầy, ông sợ hãi trước quyền năng của người lạ này, vì sau cả một đêm với kinh nghiệm thuyền chài của ông chẳng bắt được gì mà chỉ lời nói ra khơi thả lưới theo lời người lạ này mà có mẻ cá đầy. Ông đã đến quỳ trước Chúa: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Simon và tất cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc.” (Lc 5, 8 – 9). Và từ ngày ấy Phêrô bước theo Chúa. Sợ hãi này là nhận biết người đang tiếp xúc có uy quyền trong lời nói và việc làm, để chịu khuất phục và đi theo Chúa. Đó là nỗi sợ mỗi người cần có để nhận ra Chúa trong cuộc đời.

Sợ hãi vì thiếu tin tưởng: Khi Chúa Giê su nói ông Phê rô bước đi trên mặt biển để đi đến với Chúa, ông đã lo sợ hoảng hốt: “Thưa Ngài, xin cứu con với!” (Mt 14, 30). Sợ hãi vì thiếu tin tưởng luôn là vấn đề trong cuộc sống. Kinh nghiệm để thêm tin tưởng đúng với nhiều khía cạnh, nhưng về khía cạnh niềm tin vào Chúa thì không hẳn. Tin vào Chúa là một niềm tin tiệm tiến, đầy bất ngờ, khác với những suy nghĩ của mình với Chúa. Thế nên khi Thánh Phê rô xin Chúa ban thêm niềm tin cho con là một lời cầu xin không ngừng vì niềm tin luôn gặp nhiều thử thách.

Sợ hãi vì khác những gì mình suy nghĩ. Chúa Giê su đặt câu hỏi: Người ta bảo Thầy là ai? Phê rô đã tuyên tín ngay “Thầy là Con Thiên Chúa hằng sống”, nhưng ngay sau khi Chúa nói Thầy phải chịu nhiều đau khổ, bị nộp vào tay người đời, chịu chết và ngày thứ ba sẽ sống lại. Phê rô đã ngăn cản: “Thầy không thể như thế được” (Xem Mt 16, 13 – 23). Cuộc đời người tin theo Chúa cũng ngỡ ngàng nhiều lần như thế, đôi khi mình đã làm việc hết lòng vì Chúa vì anh chị em mà phải chịu nhiều ganh ghét và gièm pha. Lúc này người tin vào Chúa cũng rơi vào sợ hãi, nhưng Chúa là câu trả lời cuối cùng cho Phê rô và cho những người tin vào Chúa. “Hãy lặng thinh trước mặt Chúa và đợi trông Người. Bạn chẳng nên nổi giận với kẻ được thành công hay với người xáo trá. Dừng cơn phẫn nộ và chớ mãi nổi xung, đừng nổi giận kẻo sinh ra tội lỗi,” (Tv 36, 7 – 8).

Sợ con người dễ thay đổi của mình. Trong bữa tiệc ly, Chúa nói trước về sự vấp ngã của các môn đệ, Phê rô đã thưa: “Dầu tất cả có vấp ngã đi nữa, thì con cũng nhất định là không.”” Mc 14, 29). Sau đó Phê rô lại chối Chúa ba lần tại dinh thượng tế. Đấy là con người thật của mỗi chúng ta, nhưng Chúa sẽ chữa lành, nếu chúng ta nhận ra sai lỗi của mình và Chúa lại mở ra một tương lai mới: “Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh” (Lc 22, 32).

Sợ Chúa không còn yêu thương mình nữa. Có lẽ Phê rô rất buồn sau khi nghe gà gáy, ngài đã nhớ đến lời Chúa nói: “Anh sẽ thí mạng vì Thầy ư? Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần.” (Ga 13, 38). Nhìn thấy ánh mắt Chúa, ngài đã ra ngoài khóc lóc thảm thiết (Mt 26, 74). Có lẽ, Phê rô đã nhớ lại lần Chúa nói: “Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.” (Mt 10 33). Nỗi buồn sâu thẳm trong lòng, ngài đã về lại nghề đánh cá trước kia của mình, mà chẳng đạt được kết quả gì. Nỗi buồn thấm sâu, còn nghị lực nữa đâu mà làm gì được. Đang nỗi buồn sâu thẳm, Chúa lại đến bên bờ hố Tibêria, hạnh phúc tràn đầy khi nghe Gioan nói Chúa đó, ngài đã vội bơi vào bờ để được gặp lại Chúa. Tưởng rằng Chúa đã bỏ mình, nhưng Chúa lại hỏi ba lần :”con có yêu mến Thầy không?”. Câu hỏi đúng lúc như vỡ bờ hạnh phúc, ngài đã thưa: “Thầy biết, con yêu mến Thầy!” (Xem Ga 21).

Lạy Chúa, có những nỗi sợ về chính con người yếu đuối và dại khờ của chúng con. Nhưng, Chúa đã yêu thương tất cả những thiếu sót đó của chúng con, để chúng con không còn sợ khi có Chúa ở cùng con. Xin ban thêm niềm tin cho chúng con.

Về mục lục

.

ĐI TRÊN MẶT BIỂN

Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi

Câu chuyện Chúa Giêsu đi trên mặt biển có gió to sóng lớn và biển lặng như tờ khi có sự hiện diện của Người gây ấn tượng không nhỏ đối với nhiều người và ghi dấu đậm nơi tâm hồn của những người có lòng tin. Thiên Chúa là Đấng tạo nên vũ trụ, trái đất và dựng nên con người. Ngài có toàn quyền trên vũ trụ, thiên nhiên, và ngay cả trên sinh mạng con người. Bài Tin Mừng của thánh Matthêu hôm nay là một trong những bằng chứng để quả quyết điều đó.

Thánh Matthêu trình bày cho chúng ta một toàn cảnh hết sức ý nghĩa và gây nhiều ấn tượng cho con người. Khía cạnh thứ nhất, trình thuật Tin Mừng diễn tả việc Chúa Giêsu cầu nguyện trên núi, Ngài cầu nguyện ở một nơi cao, xa, chứng tỏ Ngài xa cách, không còn vướng bận, không để ý, không quan tâm đến những gì đang xảy đến xung quanh, đặc biệt trong hoàn cảnh các tông đồ đang gặp thử thách lớn, phải chống chọi, chèo thuyền giữa phong ba bão táp trên biển hồ Galilêa.Hồ lúc đó đang gặp bão: sóng to, gió lớn.Các tông đồ đang phải đối diện với thử thách lớn lao, các ngài đang phải chống chọi hết sức khó khăn với nguy hiểm.Mặc dù, các ngài là những ngư phủ lành nghề, đã quen với bão tố cuồng phong, nhưng hôm nay phong ba bão táp lớn đến nỗi gây nguy hiểm cho thuyền, cho ngay chính sinh mạng của các ngài. Hai khía cạnh Tin Mừng đề cập xem ra hoàn toàn không có liên hệ gì với nhau cả, Chúa như vẫn xa lạ, vẫn ở xa khi biến nguy hiểm xẩy đến. Tuy nhiên đó chỉ là lý luận, chỉ là suy nghĩ. Chúa luôn có mặt luôn hiện diện nhưng vì các tông đồ còn yếu đức tin và ngay cả chúng ta cũng nhiều lúc còn quá yếu đức tin. Bởi vì, các tông đồ đã được Chúa mời gọi đi theo Người và ở với Người tương đối đã lâu,Chúa dạy dỗ, uốn năn, làm gương và làm nhiều phép lạ lớn lao như làm cho người chết sống lại, kẻ mù thấy được, kẻ què đi được, chữa lành người phong cùi, làm cho cá và bánh hóa nên nhiều…Chính vì thế, các tông đồ tin mãnh liệt vào Chúa quyền năng, có lần các ngài sau khi được Chúa sai đi rao giảng, đã trở về hân hoan, phấn khởi thuật lại cho Chúa những thành công, những việc tỏa sáng các ngài đã làm được và các ngài đã thưa với Chúa Giêsu :” Ma quỷ đã chạy trốn khi nghe đến Danh thánh của Người “ ( Lc 10, 7 ). Nhưng cái trớ trêu Tin Mừng thuật lại hôm nay, Chúa đã đi trên mặt biển mà đến với các ngài lúc canh tư đêm tối, lúc gian nan giông tố và khi Chúa mời gọi họ đi trên biển mà đến với Chúa thì Phêrô đã vâng lời, nhưng khi thấy gió thổi mạnh, sóng nhô lên to, cảnh mặt hồ náo động, Phêrô đã không còn làm chủ mình, đã quên quyền năng của Chúa, đã quên hết những lời tuyên xưng của mình trước đây với Người, để rồi sợ hãi, hốt hoảng, mất lòng tin đến nỗi sắp chìm xuống biển hồ, Phêrô la tuếnh lên :” Thưa Ngài, xin cứu con với “.Chúa đã trách ông: “Người đâu mà kém tin vậy ! Sao lại hoài nghi “. 

Vâng, chúng ta đã theo Chúa, làm con Chúa qua bí tích rửa tội.Chúng ta đã được học Giáo lý, đọc Kinh Thánh, nghe những lời Giáo huấn của Giáo Hội. Chúng ta đã tin và tin nhận Thiên Chúa là Đấng đầy quyền năng, là Đấng yêu thương, chăm sóc và luôn trung thành với chúng ta. Ngài chậm giận nhưng giầu lòng tha thứ. Tuy nhiên, có những lúc chúng ta cũng rơi vào tâm trạng như Phêrô, nên khi gặp thử thách, khó khăn, trắc trở trong cuộc sống, trong cuộc hành trình đức tin, đôi khi chúng ta cũng mất niềm tin nơi Chúa, nơi Đấng mà chúng ta luôn luôn tin tưởng, tín thác.

Lạy Chúa, xin ban thêm lòng tin cho chúng con, để chúng con tin tưởng tuyệt đối vào Chúa, luôn biết lắng nghe Lời của Chúa và đem Lời Chúa ra thực hành trong đời sống hằng ngày. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1. Tại sao các môn đệ lại sợ khi sóng to gió lớn nổi lên ?
2. Việc Chúa Giêsu đi trên mặt biển và Phêrô đi trên mặt nước nói gì ?
3. Trong cuộc sống nếu hoài nghi chúng ta sẽ ra sao ?
4. Đức tin giúp gì cho chúng ta ?
5. Bài học Tin mừng hôm nay dạy chúng ta điều gì ?

Về mục lục

.

ĐỨC TIN HIỆN TẠI

Anna Cỏ May

Tiếng gà gáy, tiếng đồng hồ reng reng, mặt trời từ từ xuật hiện, báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Mọi người háo hức đón ngày mới với bao niềm vui; cũng có khi ta bắt đầu ngày mới với bao âu lo. Xế chiều, kết thúc ngày một làm việc, tạm gác lại mọi công việc và học tập, mọi người cùng trở về với gia đình thân yêu của mình. Mọi người cùng quây quần bên nhau, cùng nhau trò chuyện và giải trí, cùng giữ mái ấm gia đình hạnh phúc.

Với các môn đệ cũng vậy, sau một ngày đi với Thầy, cùng Thầy phục vụ mọi người, Thầy tìm cách đưa các ông rời khỏi dân chúng để cho các ông được nghỉ ngơi. Các ông đi xuống thuyền qua bên bờ bên kia trước, còn Ngài ở lại giải tán dân chúng. Sau khi giải tán dân chúng xong, Ngài trở về với gia đình của mình. Gia đình đầu tiên là Chúa Cha. Ngài đã lên núi để gặp gỡ và trò chuyện với Chúa Cha. Ngài dâng mọi sự và kín múc tình yêu từ suối nguồn vô tận là Chúa Cha. Dừng lại ở điểm này, chúng ta thấy Chúa Giêsu như đang khắc họa đời sống của chúng ta. Chúng ta cũng có hai gia đình. Gia đình trên trời và gia đình trần gian. Gia đình trên trời là nơi Thiên Chúa ngự trị, chúng ta chọn Ngài là Chúa, là Cha, chúng ta có bổn phận yêu mến và hiếu thảo với Ngài. Sự hiếu thảo ấy chúng ta thể hiện mỗi ngày ngay từ khi thức dậy và kết thúc ngày sống. Chúng ta hiếu thảo qua Thánh lễ, trong giờ kinh và giờ cầu nguyện trong gia đình. Ngài cho chúng ta tự do lựa chọn thời gian gặp Ngài. Ngài chờ chúng ta đến với Ngài trong tin tưởng, phó thác và cả trái tim. Ngài muốn chúng ta đến với Ngài để kín múc tình yêu và ân sủng như Ngài đến với Chúa Cha. Ngài đến với Chúa Cha để kín múc tình yêu và nguồn sinh lực để đem về cho các môn đệ. Ngài đã trao ban cho các môn đệ khi các ông đang vật lộn với sóng gió. Ngài đã đi trên mặt biển mà đến với các ông. Các ông thì đang lảo đảo trên thuyền, từ xa xuất hiện một người đi là là trên mặt biển. Các ông hoảng sợ và la lên: “Ma đấy!” (Mt 14,26). Sự hoảng hốt nơi các ông là điều dễ hiểu. Bởi vì, những ai muốn đi qua bờ bên kia phải đi bằng thuyền, bằng đò hay tàu. Trong khi ấy, Ngài không đi bằng phương tiện nào, Ngài đi bằng quyền năng của Ngài. Cũng lúc ấy, màn đêm bao phủ, không còn ai hoạt động trên biển. Vì thế, trong lòng họ lúc ấy sợ và chỉ nghĩ đến là ma thôi. Nghe các môn đệ la, Chúa Giêsu liền bảo: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây đừng sợ!” (Mt 14, 27). Để chắc ăn là Thầy, Phêrô lên tiếng: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài”. Đức Giêsu bảo: “Cứ đến” (Mt 14, 28-29). Phêrô đã bắt đầu tin, ông từ thuyền bước xuống. Ông đang đi thì gió thổi lên, ông sợ, ông không nhìn Chúa nữa, ông cúi xuống nhìn mặt nước. Ông thấy mình bắt đầu chìm. Đức tin của ông là lúc này đây. Ông đã mất niềm tin vào Chúa ngay lúc gặp khó khăn. Đức tin là chúng ta phải đón nhận, xác tín, phó thác, trung tín và làm chứng cho Chúa. Với ông Phêrô, ông cần một đức tin phó thác vào Thầy mình. Ông la lên: “Thưa Ngài, xin cứu con với!”. Thánh Âu tinh đã nhấn mạnh đức tin theo nghĩa phó thác rằng: “Chúa đã nói là tin vào Ngài chứ không phải tin. Ma quỷ tin Chúa nhưng không tin vào Chúa.”

Trong các bài Tin Mừng, chúng ta thấy Chúa Giêsu luôn khiển trách các môn đệ nhiều nhất, không phải vì các ông kém yêu nhưng là kém tin, thiếu lòng tin. Điển hình, trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa đã nói: “Hỡi kẻ kém lòng tin. Sao lại hoài nghi?”  Chúa đã trách các ông thiếu tin tưởng, phó thác vào Chúa. Có lẽ, lời khiển trách ấy không chỉ dành cho các môn đệ mà cho cả chúng ta nữa. Ngày hôm nay, chúng ta ít tin tưởng và phó thác nơi Chúa, vì thế chúng ta dễ chán nản, thất vọng, thiếu sự bình an trong tâm hồn. Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu vào lúc cuối đời cũng có lần tuyệt vọng. Chị bị cám dỗ sẽ tự tử từ trên lầu của nhà dòng. Chị đã ghì chặt lan can không rời tay. Khi gặp thách đố, chúng ta hãy bám chặt vào Chúa và phó thác vào Chúa. Đức tin rất cần cho chúng ta, ơn đức tin đến từ Chúa và chúng ta phải nài xin Chúa ban cho chúng ta ơn ấy.  Sợ hãi làm cho các tông đồ không nhận ra Thầy. Sợ hãi khiến Phêrô hoài nghi và bị chìm. Chúng ta sợ hãi bao nhiêu thì đức tin của chúng ta tỏ ra mạnh hay yếu bấy nhiêu. Làm sao để hết sợ hãi? Sợ hãi đến từ sự thiếu tin tưởng và quá lo lắng. Chúng ta hãy để cho lời Chúa hướng dẫn mà bước đi. Khi biết mình có Chúa, lòng ta sẽ bình an và thôi sợ hãi. Chỉ có một điều đáng sợ thôi, đó là: “Anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt được cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục”. ( Mt 10, 28).

Lạy Chúa! Cuộc sống của chúng con luôn có những cơn gió nhẹ, có những cơn sóng và cả bão tố vẫy vùng. Những lúc ấy, chúng con dễ đánh mất đức tin. Xin Chúa cho chúng con luôn biết sẵn sàng để Chúa nắm tay kéo lên thuyền. Con thuyền có Chúa, biển sẽ lặng và tâm hồn con cũng an vui. Amen.

Về mục lục

.

MỜI CHÚA LÊN THUYỀN

Bông hồng nhỏ

 “Đức Giêsu bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc người giải tán dân chúng.” (Mt 14, 22).

Sau khi cho dân chúng ăn no nê, Thầy và trò đều được ca tụng. Thầy làm phép lạ chỉ xuất phát từ tình thương và muốn dạy cho các môn đệ bài học về tình thương vô điều kiện. Các môn đệ thì phấn khởi và hân hoan. Thầy được ca tụng cũng có nghĩa là các môn đệ cũng được khen ngợi, được cảm kích. Chắc chắn sau phép lạ hóa bánh này, danh tiếng Thầy Giêsu sẽ còn nổi hơn nữa. Thầy biết rõ tất cả và chính khi lòng các môn đệ bắt đầu dính bén với vinh quang trần thế và hiểu sai việc Thầy làm thì Thầy “liền bắt các ông xuống thuyền qua bờ bên kia”.

Đi đâu khi trời đã tối? Sang bên kia biển hồ mà trên thuyền không có Thầy ư? Lòng các ông không hề muốn xuống thuyền, các ông dùng dằng muốn ở lại, vậy mà Thầy nỡ tâm “bắt các ông xuống thuyền qua bờ bên kia.” Chắc chắn, các ông đã mệt lắm rồi vì cả ngày hôm nay tất bật phụ Thầy chữa bệnh cho đám đông, xế chiều còn luôn tay chia bánh và cá cho hơn năm ngàn người ăn. Sức người có hạn, vậy mà Thầy không biết các học trò đã mệt ư? Vượt biển trong đêm tối không phải là điều dễ dàng. Các ông lên thuyền mà lòng không yên. Chỉ mới đây thôi, bên tai các ông còn tiếng khen và câu ca tụng, người ta quý mến, quyến luyến các ông không muốn rời cũng là chuyện đương nhiên. Chỉ mình Thầy ở lại giải tán dân chúng. Đêm khuya, Thầy vẫn ở trên núi vắng vẻ mà trút bầu tâm sự cùng Chúa Cha. Từ xa, Thầy vẫn thấu suốt tâm tư và những gì xảy đến cho từng người học trò.

Con thuyền lênh đênh trên biển và bị sóng đánh vì ngược gió. Thuyền lướt sóng mà tay chèo mỏi mệt. Cả ngày tất bật bên Thầy tuy mệt nhưng các ông có động lực để phục vụ, lòng các ông phấn khởi vì ít ra người ta vẫn xuýt xoa khen ngợi, mỏi mệt được vơi đi bội phần. Bây giờ, các ông mỏi mệt chèo thuyền mà tâm hồn và trái tim đã gửi lại với dân chúng rồi, vì thế cái mỏi mệt lại nhân lên. Chèo thuyền mà lòng không hiệp nhất thì sóng đến từ trong tâm hồn.

Thầy hiểu rõ tâm tư và nỗi lòng người môn đệ. Đến canh tư, Thầy đi trên mặt biển mà đến với các ông. Trông thấy Thầy, các ông lại tưởng là ma nên hốt hoảng và sợ hãi. Mệt mỏi và sợ hãi khiến các ông mất cảm thức về sự hiện diện của Thầy. Có những khi bao nỗi gian truân bủa vây, giăng mắc khiến lòng ta lo buồn, mỏi mệt và sợ hãi, Thầy đến bên ta mà ta không nhận ra. Thầy trấn an người môn đệ: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” ( Mt 14, 27). Ông Phêrô nghe tiếng Thầy rồi nhưng để chắc chắn hơn, ông xin Thầy một điều lạ lùng: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài.” Ông tin vào quyền năng của Thầy nên nếu ông có thể đến với Thầy như cách ông xin thì chỉ có Thầy mới có quyền năng ban cho ơn ấy. Những khi gặp khó khăn thử thách, ta có dám thưa lên cùng Chúa khát vọng vượt lên trên nỗi sợ để đến cùng Giêsu không? Thầy cho phép ông xuống thuyền và quả thật chân ông đang bước đi nhẹ nhàng trên mặt nước bao la. Có những điều ta thực hiện được không phải đến từ chính năng lực của bản thân mà là nhờ ơn Chúa ban nhưng không. Gió thổi khiến ông sợ hãi và ông bị chìm. Không phải khi đã nhận được ơn Chúa ban là ta đã chắc chắn đạt được điều mình xin nhưng hành trình đến với Chúa cần có một lòng tin kiên vững và không nghi nan dù gặp hiểm nguy. Khi đã vấp ngã và sắp chết chìm, liệu ta có đủ can đảm để xin Thầy: “Thầy ơi, xin cứu con với”! Một ngư phủ tài giỏi như ông chắc chắn biết bơi. Ta cũng vậy, có những khi vì quá tin vào khả năng của bản thân mà ta tự xoay sở với khó khăn mà không cần ai giúp đỡ. Chính sự kiêu ngạo và tự mãn đã nhận chìm ta trong thất bại. Thầy Giêsu đưa tay kéo ông lên mà quở trách: “Hỡi kẻ kém lòng tin! Sao lại hoài nghi?” ( Mt 14, 31). Dù bị quở trách nhưng ông được Thầy thương hơn, thương vì sự yếu đuối của chính ông. Người yếu đuối luôn được quan tâm và nâng đỡ, điều chính yếu là ta có dám tỏ cho Thầy biết sự yếu đuối của bản thân. Không dễ gì để nói cho người khác biết mình yếu đuối. Người ta thường cố tỏ ra mạnh mẽ trong mọi lúc, ngay cả khi người khác biết rõ mình đang gặp khó khăn. Thầy và trò lên thuyền thì biển lặng. Con thuyền không còn chao đảo nữa. Biển đã lặng sóng và tâm hồn người môn đệ cũng không còn sợ hãi nữa. Thầy đang ở cùng các ông và các ông nhận ra: “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!” ( Mt 14, 33). Ta hãy mời Thầy lên con thuyền của cuộc đời mình. Có Thầy, đời ta sẽ an vui và bình an.

Lạy Chúa! Thuyền trên biển không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, nhưng có những khi sóng đánh vì ngược gió và có cả những con sóng dậy lên từ những tâm hồn bất an. Xin Chúa bước lên con thuyền cuộc đời con, để nhờ đó, con biết đặt cuộc đời con trong quyền năng và tình thương của Chúa. Amen.

Về mục lục

.

NHÌN THẤY CHÚA TRONG CUỘC SỐNG

Lm. GB. Trần Văn Hào

Thánh Augustinô đã viết : “Có một thời để sống, một thời để chết và một thời để đi vào vĩnh cửu. Thời để sống là lúc chúng ta đi tìm kiếm Thiên Chúa. Thời để chết là lúc chúng ta đến gặp gỡ Chúa và thời đi vào vĩnh cửu là lúc chúng ta chiếm hữu Ngài cách trọn vẹn”. Tiếp nối triền suy tư ấy, thánh nhân đã dâng lên Chúa lời cầu nguyện : ‘Lạy Chúa, linh hồn con khao khát tìm kiếm Chúa, cho tới khi được nghỉ ngơi trong tay Ngài’(trích trong sách Confessio). Như vậy, cuộc lữ hành trần gian của chúng ta hôm nay là một chặng đường dài, trong đó con người phải luôn khát khao đi tìm kiếm Thiên Chúa. Ngài là cùng đích, là đối tượng duy nhất mà chúng ta phải vươn hướng về. Nhưng, chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa ở đâu, gặp dưới dạng thức nào và làm sao chúng ta có thể nhận ra Ngài trong các biến cố cuộc sống đời thường ? Các bài đọc lời Chúa hôm nay gợi mở những phương cách để giúp chúng ta thực hành điều này.

Thiên Chúa đang hiện diện trong cuộc sống của mỗi người

Nietzche, một triết gia vô thần đã ngạo nghễ tuyên bố : “Thiên Chúa đã chết rồi”. Ông muốn khai tử Thiên Chúa và cho rằng, con người ngày nay đã đạt đến cao điểm của nền văn minh khoa học, nên Thiên Chúa không còn lý do để hiện hữu. Ông đã phạm một sai lầm rất lớn khi muốn loại bỏ Thiên Chúa và vào cuối đời, ông đã chết trong tuyệt vọng. Cũng tương tự, triết gia Jean Paul Satre đã trở thành con người vô thần khi chối từ Thiên Chúa. Ông cảm thấy cuộc đời của mình hoàn toàn trống rỗng và vô nghĩa như một cơn buồn nôn. Để diễn tả tâm trạng bất an ấy, ông đã viết cuốn sách ‘La Nausée’ (cơn buồn nôn). Cho dù nhiều người đang cố gắng đào thải Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống để chạy theo chủ nghĩa vô thần hiện sinh, nhưng Thiên Chúa vẫn luôn hiện hữu. Tuy nhiên, chỉ khi nào chúng ta đi sâu vào cảm thức đức tin, chúng ta mới có thể khám phá ra sự hiện hữu của Thiên Chúa và tiếp cận được Ngài.

Trong bài đọc 1, tác giả sách Các Vua đã thuật lại câu truyện về ngôn sứ Elia trên đường đến núi Hô-rep để gặp Chúa. Chúa không ở trong những tiếng động ầm ĩ của bão tố, cũng không ở trong những tiếng rung chuyển của cơn động đất hay trong ngọn lửa hừng hực phun trào trên đỉnh núi cao. Cuối cùng, Chúa đã đến với Elia trong tiếng gió hiu hiu rất âm thầm và nhẹ nhàng. Trong cuộc sống của chúng ta hôm nay cũng vậy, có biết bao tiếng động ồn ào làm cản che đôi tai khiến chúng ta không nghe được tiếng Chúa nói, hoặc bịt kín đôi mắt khiến chúng ta không thể nhận ra dung mạo của Ngài. Sự ồn ào gây nên không phải bởi những tiếng gầm rú của xe cộ ngoài đường phố hay bởi những loa nhạc mở hết công suốt tại các phòng trà. Trên hết, đó là những tiếng động xào xạc của tiền bạc, của lòng tham vô đáy nơi con người khi họ đang hướng về một lối sống hưởng thụ và ích kỷ. Chính cuộc sống duy vật ấy đang dần khai tử Thiên Chúa, và hình ảnh của Thiên Chúa đang trở nên mờ nhạt trong tâm hồn con người ngày hôm nay.

Cũng tương tự như thế, trong trình thuật Tin Mừng, thánh Matthêu thuật lại giai thoại Chúa Giêsu đi trên biển để đến với các môn đệ, nhưng các ông tưởng là thấy ma. Con thuyền lênh đênh giữa biển khơi đầy sóng to và gió lớn khiến các ông khiếp sợ. Sự sợ hãi đã khiến các ông không nhận ra Chúa. Trong cuộc sống hôm nay cũng vậy, chúng ta sẽ không thể nhận ra sự hiện diện của Chúa cho dù Ngài đang đứng bên cạnh chúng ta, đặc biệt mỗi khi chúng ta chìm ngập trong sợ hãi và bị những bóng ma cản che con mắt đức tin. Đó là bóng ma của tiền bạc, của lạc thú, của một nếp sống hưởng thụ khi chỉ nghĩ đến bản thân mình một cách ích kỷ. Phêrô đã dần dần nhận ra Chúa và muốn đến với Ngài. Nhưng khi nỗi sợ hãi dâng cao, ông lại từ từ lún chìm giữa lòng biển khơi ngập sóng. Những bóng ma trong đêm tối dễ làm cho con người chúng ta khiếp sợ. Sự khiếp hãi làm sói mòn đức tin và nó đốt cháy lòng tín thác của chúng ta đặt để nơi Chúa.

Thưa Ngài, xin cứu con với

Đây là lời cầu cứu của thánh Phêrô lúc ông đang từ từ lún chìm vì sợ. Con thuyền của các tông đồ đang lênh đênh giữa biển khơi đầy sóng to và gió lớn khiến các Ngài hoảng loạn. Nỗi sợ hãi tăng cao khi các ông tưởng nhìn thấy một bóng ma đang lù lù tiến đến. Cũng vậy, khi cuộc đời chúng ta cứ bình lặng êm trôi, chúng ta rất dễ hướng lòng về Chúa. Song, khi gặp nhiều thử thách với bao sóng dữ như muốn nuốt chửng, chúng ta dễ bị chao đảo và vuột mất niềm tin nơi mình. Triết gia Karl Marx đã từng mỉa mai nói rằng : “Thiên Chúa chỉ là một sản phẩm của trí tưởng tượng nơi phận người đầy khổ đau, là tiếng kêu cứu của một con người bị áp bức mà không biết bấu víu vào đâu. Ảo tưởng đó sẽ bị xóa bỏ, khi xã hội con người đạt đến tự do bình đẳng, không còn người bóc lột người và tất cả được no cơm ấm áo”. Nhận định của ông rất phiếm diện và ngày nay, học thuyết Marxism đang dần dần bị con người đào thải. Niềm tin tôn giáo không phải là một thứ thuốc phiện gây mê như ông đã từng nói. Càng sống sung túc về đời sống vật chất, con người lại càng cảm thấy nhu cầu cần đi tìm kiếm một thực tại linh thánh để có thể khỏa lấp những khát khao sâu xa nơi mình. Chỉ Thiên Chúa mới có thể làm cho con người thỏa mãn những khát vọng sâu xa ấy.

Chúng ta hãy nhìn vào mẫu gương của thánh Phaolô được nói đến trong bài đọc 2 hôm nay. Vị Thánh Tông đồ đã trải qua nhiều đau khổ, nhưng luôn kiên định  trong niềm tin vào Đức Giêsu. Thánh nhân viết : “Lòng tôi rất đỗi ưu phiền và đau khổ mãi không nguôi. Nếu tôi có bị nguyền rủa và xa lìa Đức Kitô, thì tôi cũng cam lòng” (Rm 9,2-3). Ngài viết tiếp : “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi Đức Kitô, phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ hay gươm giáo (Rm 9,35). Phaolô đã vượt qua được những sóng gió vì Ngài đã cắm sâu vào mầu nhiệm Thập giá cùng với Đức Kitô, đã vượt qua mọi sợ hãi để luôn bình thản trước những cơn sóng dữ của cuộc đời. Vì vậy Thánh nhân đã kết luận : “Không gì có thể tách tôi ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, thể hiện nơi Đức Kitô” (Rm 9,39).

Đào sâu cảm thức đức tin

Có rất nhiều nhà khoa học lỗi lạc đã thể hiện niềm tin sâu xa vào Thiên Chúa như Louis Pasteur, Copernic, Newton, Thomas Edison,v…v… Chúng ta hãy nhìn vào mẫu gương của ông Louis Amstrong, phi hành gia đầu tiên người Mỹ đã đặt chân lên đến mặt trăng. Vừa sau khi phi thuyền đáp xuống, ông đã quỳ gối, giơ tay làm dấu Thánh giá để biểu thị đức tin nơi mình. Cũng vậy, ông Newton, một khoa học gia lỗi lạc, khi nhìn ngắm trăng sao để nghiên cứu bầu trời, đã cảm thấy con người rất nhỏ bé trước sự hùng vĩ của thiên nhiên, là kiệt tác do bàn tay Thiên Chúa tạo thành. Ông luôn sống khiêm tốn để ngày càng đi sâu vào cảm thức đức tin. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa nói với Phêrô : “Hỡi kẻ kém lòng tin, sao lại hoài nghi”. Đây cũng là lời trách cứ Chúa nói với chúng ta, mỗi khi đức tin của chúng ta bị chao đảo. Để đức tin nơi chúng ta được nuôi dưỡng và được kiện cường, điều kiện tiên quyết là phải có một tấm lòng biết mở rộng để Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Đức Maria là thầy dạy đức tin và cũng là khuôn mẫu nội tâm để chúng ta học hỏi thái độ đức tin nơi Ngài.

Kết luận

Thiên Chúa luôn hiện diện và đang đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường cuộc sống. Dấu chân của Ngài luôn in đậm nét trong mọi biến cố cuộc sống đời thường của mọi người, nhưng nhiều khi chúng ta chưa hoặc không nhận ra Ngài. Kinh nghiệm mà thánh Phêrô cũng như các tông đồ đã trải nghiệm năm xưa trên biển hồ Galilê cũng thường được lập lại trong cuộc sống hiện sinh của chúng ta ngày hôm nay. Cùng với Thánh Phêrô, chúng ta hãy thưa lên với Chúa : “Thưa thầy, xin hãy cứu con. Xin hãy gia tăng lòng tin yếu kém nơi chúng con”.

Về mục lục

.

TRÊN BIỂN ĐỜI

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

Trong cuộc xuất hành của dân Do thái từ Ai cập về Đất Hứa, có một phép lạ lớn lao trên biển. Đó là phép lạ vượt qua Biển đỏ. Khi dân Do thái rời bỏ Ai cập đến Biển Đỏ thì quân Ai cập đuổi theo sát phía sau lưng. Được lệnh Thiên Chúa, ông Môsê giơ tay trên biển làm cuồng phong nổi lên, nước biển liền rẽ ra làm hai để lộ đất khô ráo, dân Do thái đi vào lòng biển khô cạn, quân Ai cập đuổi theo. Đến sáng, khi người Do thái cuối cùng đi sang bờ bên kia. Thiên Chúa ra lệnh cho Môsê giơ tay trên biển, nước trở lại như cũ. Quân Ai cập bị nhấn chìm trong biển, chết không còn một ai sống sót. Ngày đó, Thiên Chúa đã cứu dân Do thái thoát khỏi dân Ai cập. Đó là một phép lạ lớn lao Thiên Chúa đã làm trên biển. Phúc Âm hôm nay kể một phép lạ Chúa Giêsu làm trên biển. Đó là biển hồ Galilê. 

Biển hồ Galilê có hình bầu dục dài 21km rộng 12km, còn được gọi là hồ “Giênêzarét” (Lc5,1). Thánh kinh cựu ước gọi là biển “Kinnerét” (Ds 34,11; Gs 12,13) hay còn gọi là “biển Tibêria” (Ga 6,1). Tibêria hiện nay là một thành phố sầm uất ở Galilê, nằm trên bờ tây nam biển hồ. Nằm về hướng bắc Giêrusalem 100Km, biển hồ Galilê là nơi mà dòng sông Jordan đổ vào trước khi chảy qua biển Chết. Thung lũng và sông Jordan mang một sắc thái địa lý rất đặc biệt, duy nhất trên thế giới vì thấp hơn mực nước biển:208 mét tại biển hồ Galilê và 300 mét tại biển Chết. Thực vật ở đây thuộc dạng nhiệt đới, chung quanh biển hồ núi non bao phủ, lẫn vào con sông Jordan, thời tiết bất thường ở miền đất từ miền nam đến biển Chết, đó là những yếu tố hình thành những vùng gió giật và giông bão xảy ra bất ngờ trên biển hồ (Mt 8,23-27; 14,22-23). 

Đối với Tân ước, biển hồ Galilê được nói đến nhiều vì là một trong những trung tâm hoạt động của Chúa Giêsu. Rất nhiều biến cố đã xảy ra tại đây: Bão tố ngừng lại (Mt 8,24-26), Mẻ lưới kỳ diệu (Lc 5,4-14), Đức Giêsu rảo trên thuyền (Mc 4,1), đi trên biển (Ga 6,16-21). Những thành ven bờ hồ như Khôrazin, Bếtsaiba, Caphanaum, Magđala là những nơi Chúa Giêsu thường lui tới, qua nhiều thế kỷ, biển hồ Galilê được gọi dưới nhiều tên: Hồ Kinnêzét, hồ Giênêsarét, và biển hồ Tibêria. 

Biển hồ và những vùng lân cận, có rất nhiều di tích liên hệ đến cuộc đời của Chúa và các môn đệ Ngài. Galilê là vùng có núi đồi khô cằn, nhưng các thung lũng phì nhiêu trải dài từ biển Địa trung Hải cho đến biển hồ Galilê. Chính trong các thung lũng này đã hình thành nhiều đồn điền trái cây nổi tiếng đem lại nguồn lợi xuất khẩu. Vào năm 1960, biển hồ là điểm xuất phát cho ngày quốc gia tưới tiêu, chính quyền Israel cho đào một con kênh lớn dẫn nước từ tận biển hồ đến sa mạc Negew. Công trình thuỷ lợi mang lại nguồn lợi kinh tế to lớn cho một nước mà địa dư, khí hậu đa phần được xem là không mấy thuận lợi. Nhiều nước trên thế giới đã gởi người tới học tập. 

Trở lại bài Phúc âm, Thánh Matthêu kể chuyện: trên Biển hồ Galilê, khi có trận cuồng phong từ thung lũng Baka thổi vào thì tất cả các ngư phủ vốn quá quen đi thuyền ngang dọc trên biển hồ cũng phải sợ hãi. Các ngài là những ngư phủ trên biển hồ Galilêa này, và có thể nói là đã quen thuộc với những cơn sóng to gió lớn. Vậy mà đêm hôm đó họ đã trải qua một phen hải hùng, sóng to nổi lên, gió lớn thổi ngược, phải chống chèo rất vất vả các ông mới giữ vững được con thuyền. Và rồi đã xảy ra một sự kiện bất ngờ. Chúa Giêsu đi trên mặt nước đến với các môn đệ. Vốn đã khiếp đảm vì biển động sóng gió, các môn đệ nay hoảng sợ la lên vì họ tưởng là gặp ma. Thế nhưng khi nghe tiếng nói quen thuộc trấn an : “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ”, các ông mới nhận ra Chúa, lập tức Phêrô xin phép đi trên mặt nước đến gặp Chúa. Chúa bằng lòng. Phêrô bước ra khỏi thuyền đến với Chúa, nhưng đức tin của ông còn yếu kém, ông hồ nghi và lo sợ nên bị chìm dần xuống nên kêu xin Chúa cứu giúp. Chúa đưa tay cầm lấy tay ông và trách nhẹ : “Người đâu mà kém tin vậy, sao lại hoài nghi ?”. Khi Chúa và Phêrô đã lên thuyền, sóng gió liền yên lặng và mọi người tuyên xưng : “Quả thật Thầy là Con Thiên Chúa”. 

Tuần vừa rồi, tôi đi thăm các gia đình giáo dân trong giáo xứ. Tôi đi với hai ông trong hội đồng mục vụ. Đến cổng một gia đình, có con chó to sủa lớn xông ra như muốn vồ lấy. Chúng tôi hoảng sợ đứng im. Bé Hoa 6 tuổi từ trong nhà chạy ra, bé nạt con chó: lu lu, đi vô mau. Con chó to hung dữ bỗng ve vẫy đuôi, trở lại hiền lành chạy vào nhà. Con chó to vậy mà nghe lời cô gái nhỏ vì bé Hoa là chủ của nó. Còn tôi và mấy ông tuy to con nhưng không phải chủ nó nên nó chẳng sợ mà còn định nhảy vào cắn. Hôm đó tôi miên man nghĩ về câu chuyện Phúc âm Chúa Nhật này. Các môn đệ sợ hãi trước sóng to gió lớn bão tố sấm sét. Chúa Giêsu ra lệnh: hãy im đi, tức thì sóng yên biển lặng. Chúa Giêsu có quyền trên mọi sức mạnh thiên nhiên vì Người là Thiên Chúa sáng tạo, là chủ muôn loài. 
Cả hai phép lạ: vượt qua Biển đỏ, Chúa Giêsu đi trên biển có một điểm giống nhau, đó là quyền năng Thiên Chúa trên mọi sức mạnh thiên nhiên. 

Trên biển đời, có biết bao bão tố phong ba bủa vây, tin vào Thiên Chúa toàn năng, Đấng tạo dựng vũ trụ và muôn loài, chúng ta sẽ sống bình an trước mọi giông bão cuộc đời. Hãy vững tin và tín thác nơi Chúa Giêsu.

1. Sự hiện diện của Chúa Giêsu, nguồn bình an 

Sau khi Chúa Giêsu lên thuyền, gió bỗng yên lặng. Sự hiện diện của Người đủ sức mang lại yên tĩnh và chế ngự phong ba bão táp. Biển theo nghĩa Kinh thánh tượng trưng cho quyền lực của sự ác. Đi trên biển chứng tỏ quyền năng và sự chiến thắng của Chúa Giêsu trên sự dữ, nguồn gốc của bất an, chia rẽ, đau khổ

Nhiều người Kitô hữu thờ phượng Thiên Chúa nhưng vẫn còn lo lắng, sợ hãi tà thần ma quỷ, nhiều khi còn mê tín dị đoan nữa. Hãy tin tưởng rằng: quyền lực của bóng tối không có gì đáng sợ khi Chúa đã hiện diện và hoạt động trong đời sống và công việc làm của chúng ta. Nếu biết lắng nghe, trong giông bão cuộc đời, chúng ta sẽ nhận ra tiếng Chúa “Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ”. Nếu chúng ta tin tưởng vào lời Chúa hứa thì sự hiện diện của Chúa sẽ làm bão tố êm dịu và khủng hoảng được giải quyết (Pl 4,13).

Nơi đâu có Chúa Giêsu, ở đó có bình an. Cuộc đời người Kitô hữu không thể tránh khỏi những phong ba giông bão của cuộc sống. Cần phải đến với Chúa Giêsu. Nếu biết đặt Người ở trung tâm đời mình thì sẽ tìm kiếm được an bình nội tâm, cho dù có gặp biết bao gian truân thử thách. Chúa Giêsu hiện diện ngay trong cuộc sống của Kitô hữu nếu mọi người biết đến với Người qua việc nghe, thực thi lời Người, đón nhận Mình Máu Thánh Người và siêng năng cầu nguyện với Người. 

2. Tín thác cuộc đời trong tay Chúa Giêsu 

Các môn đệ vì sợ hãi sóng gió bủa vây nên không nhận ra Chúa Giêsu, ngộ nhận Người là ma. Chúa Giêsu trấn an họ: “Thầy đây, đừng sợ”. Hơn cả một lời trấn an, đây còn là một mạc khải : sự hiện diện của Chúa sẽ xua đi mọi nỗi sợ hãi; hãy tín thác cuộc đời trong tay Người. Khi Người xuất hiện thì gió yên biển lặng ; khi Người có mặt thì có sự bình an. Chính vì thế mà các môn đệ đã thờ lạy Người : Thầy quả thật là Con Thiên Chúa. Lời tuyên xưng này đồng thời cũng là lời biểu lộ một sự tín thác nơi Người. Tất cả mọi người trên thuyền cùng tuyên xưng một đức tin, cùng chung một lòng trông cậy. Một tỉ lệ thuận ngàn năm bất biến: tín thác vào Chúa, bình an tâm hồn.

Trong cuộc sống của mỗi người, niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô cần được thanh luyện và minh chứng qua thử thách gian nan. Nếu biết yêu mến và tín thác vào Chúa, thì càng khó khăn vất vả, càng vươn lên mạnh mẽ trong đức tin, luôn có được bình an nội tâm. Mọi gian nan thử thách đều trở nên tốt đẹp, hữu ích cho những ai yêu mến Chúa.

Lạy Chúa Giêsu,
Con chẳng dám xin đi trên mặt nước như Phêrô, nhưng nhiều khi con cảm thấy sống đức tin
giữa lòng cuộc đời chẳng khác nào đi trên mặt nước.
Có bao thứ sóng gió đẩy đưa và lôi cuốn.
Có bao cám dỗ muốn hút con vô vực sâu.
Cả sự nặng nề của thân xác con cũng kéo ghì con xuống.
Đi trên mặt nước cuộc đời chẳng mấy dễ dàng. Nhiều khi con thấy mình bàng hoàng sợ hãi.
Xin cứu con khi con hầu chìm.
Xin nắm lấy tay con khi con quỵ ngã.
Xin nâng đỡ niềm tin yếu ớt của con, để con trở nên nhẹ tênh mà bước những bước dài hướng
về Chúa. Amen (Mana). 

Về mục lục

.

SUY NIỆM CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN – NĂM A

Lm. Anthony Trung Thành

Có một người nọ ví cuộc đời của mình như một người lữ hành đang đi trên một bãi biển đầy cát. Khi nhìn lại cuộc hành trình, anh nhận ra hai điều kỳ lạ: 

Điều thứ nhất: Khi anh thành công, hạnh phúc, vui sướng… anh thấy có bốn dấu chân trên cát. Đó là hai dấu chân của anh và hai dấu chân của Chúa. Thiên Chúa đồng hành để chia sẻ niềm vui với anh.

Điều thứ hai: Khi anh thất bại, đau khổ, buồn sầu…anh chỉ thấy có hai dấu chân trên cát. Và anh nghĩ đó là hai dấu chân của mình. Thiên Chúa đã bỏ rơi khi anh thất bại. Thiên Chúa đã vắng bóng khi anh đau khổ.

Sau đó, anh thắc mắc với Chúa: “Khi con thành công, hạnh phúc thì Chúa lại đồng hành với con, đi với con. Nhưng khi con thất bại, đau khổ là những lúc con cần Chúa nhất thì Chúa lại bỏ rơi con. Tại sao Chúa lại đối xử với con như thế?”

Chúa trả lời: “Khi con vui thì Ta đi bên cạnh con, đi với con, song hành cùng con. Còn khi con buồn, đau khổ, thất vọng thì Ta lại vác con trên vai của Ta. Cho nên dấu chân trên cát là của Ta chứ không phải của con.” (Câu chuyện sưu tầm trên Internet).

Trong cuộc sống, có lẽ những lúc thất bại, đau khổ, buồn sầu chúng ta cũng có cảm giác bị Chúa bỏ rơi như người đàn ông trong câu chuyện trên đây. Nhưng trong thực tế, Ngài không bỏ rơi chúng ta, Ngài luôn ở với chúng ta, đồng hành với chúng ta trong mọi nẻo đường của cuộc sống. Ngài không chỉ đồng hành khi chúng ta hạnh phúc, thành công mà còn đồng hành với chúng ta, ở bên cạnh để an ủi và nâng đỡ mỗi khi chúng ta gặp khó khăn đau khổ. Các bài Lời Chúa hôm nay cũng chứng minh cho chúng ta thấy điều đó.

Bài đọc 1, trích từ sách Các Vua quyển thứ nhất: khi Êlia bênh vực cho dân Chúa, kéo dân Chúa khỏi sự thống trị của tà thần. Ông đã thắng được cả ngàn sư sãi thờ thần Baal của hoàng hậu và nhà vua. Nên ông bị bà hoàng hậu I-de-ven truy bắt. Ông đã phải chạy trốn lên núi Kho-rép. Trong quảng đường chạy trốn đó, có những lúc ông không còn tha thiết với cuộc sống nữa, nhưng Thiên Chúa luôn ở cùng ông. Thiên thần đã dọn bánh cho ông ăn khi đói và nước cho ông uống khi khát (x. 1V 19,1-8). Tại núi Kho-rép, ông còn được Thiên Chúa hiện ra với ông qua làn gió hiu hiu. Sau đó, Thiên Chúa sai ông đi xức dầu cho một số người làm vua và làm ngôn sứ: xức dầu phong Kha-da-ên làm vua A-ram; xức dầu Giê-hu con của Nim-si làm vua Ít-ra-en; xức dầu Ê-li-sa con Sa-phát, người A-vên Mơ-khô-la, làm ngôn sứ (x. 1V 19, 9-18).

Bài Tin mừng hôm nay tiếp nối bài Tin mừng Chúa Nhật tuần trước. Sau khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, dân chúng muốn tôn Đức Giêsu lên làm vua. Nhưng ý muốn của họ không phù hợp với sứ mạng của Ngài. Vì thế, Ngài đã giải tán dân chúng. Trước khi giản tán họ, Ngài đã bảo các môn đệ xuống thuyền đi sang bờ bên kia. Còn Ngài thì lên núi cầu nguyện một mình. Nhưng khi thuyền các môn đệ đi ra giữa biển, bị sóng đánh chập chờn vì ngược gió. Cùng lúc đó, Đức Giêsu đi trên mặt nước mà đến với họ. Nhưng các môn đệ tưởng rằng đó là ma và các ông sợ hãi kêu la lớn tiếng. Ngay lập tức, Đức Giêsu trấn an các ông: “Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ!” Nghe vậy, Thánh Phê-rô đã xin Đức Giêsu “nếu thực sự là Thầy, xin truyền cho con đi trên mặt nước để đến với Thầy. Đây là một lời cầu xin đầy táo bạo và mang tính thách thức. Dầu vậy, Đức Giêsu vẫn chấp nhận lời cầu xin của ông. Phê-rô đã bước xuống khỏi thuyền và đi trên mặt nước. Đó là hành động của niềm tin. Bởi vì, nếu không có niềm tin chắc chắn không ai hành động như thế. Nhưng khi đi được nữa chừng, thấy gió mạnh, ông sợ hãi và sắp chìm xuống nên la lên rằng: “Lạy Thầy, xin cứu con!” (Mt 14,30). Đức Giêsu đưa tay cứu lấy ông, đồng thời trách nhẹ ông rằng: “Người hèn tin, tại sao mà nghi ngờ?” Sau đó, Đức Giêsu đã làm cho sóng gió yên lặng. 

Câu chuyện của tiên tri Êlia và câu chuyện của Phê-rô cho chúng ta thấy phảng phất hình ảnh của Giáo Hội, của mỗi người kitô hữu chúng ta trong đó. Thật vậy, lịch sử Giáo Hội và cuộc đời mỗi người kitô hữu chúng ta giống như con thuyền chòng chành trên biển khơi. Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, Giáo Hội bị bách hại một cách khốc liệt và kéo dài suốt 300 năm. Hầu hết các Tông đồ đều chịu Tử đạo. Vô số các kitô hữu bị giết chết. Từ đó tới nay có lẽ không giây phút nào mà Giáo Hội không bị bách hại. Lịch sử cuộc đời mỗi người kitô hữu chúng ta cũng vậy: Có những khi chúng ta phải chạy trốn “ba thù” như tiên tri Êlia. Có những khi chúng ta bị nhận chìm xuống tận đáy của vực thẳm như Phê-rô bị nhận chìm xuống biển. Đúng như lời Đức Giêsu tuyên bố: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mỗi ngày mà theo Ta.”(Lc 9,23). Thập giá đó là những sự bắt bớ, tù đày, đòn vọt đến từ những người chống đối Giáo Hội. Thập giá đó là khi chúng ta chống chọi với những cám dỗ của thế gian, ma quỷ, xác thịt. Ngoài ra, thập giá cũng có thể là những đau khổ thể xác như bệnh tật, đói khát do thiên nhiên hay do người khác gây nên. 

Nhưng cho dù trong hoàn cảnh nào, Giáo Hội và các kitô hữu vẫn có thể vượt qua nếu biết nhìn lên Chúa, biết kêu cầu Ngài giúp đỡ. Vì thế, lời kêu cầu của Thánh Phê-rô “Lạy Chúa, xin cứu con,” cũng là lời kêu cầu của mỗi người chúng ta trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Hãy xin Chúa cứu giúp khi chúng ta gặp thử thách đau khổ về thể xác cũng như tinh thần. Hãy xin Chúa cứu giúp khi chúng ta gặp thử thách trong đời sống đức tin. Hãy xin Chúa cứu giúp khi chúng ta gặp những thất bại trong cuộc sống. Trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, nếu chúng ta biết nhìn lên Chúa, kêu cầu Ngài, chắc chắn Ngài sẽ nắm lấy tay chúng ta và bảo rằng: “Cứ yên tâm, Thầy đây đừng sợ.”

Lạy Chúa Giêsu, cuộc đời của chúng con nhiều khi cũng cảm thấy hoang mang lo sợ như tiên tri Êlia và Thánh Phê-rô ngày xưa. Xin cho chúng biết cảm nhận được Chúa ở bên cạnh, để luôn biết kêu cầu Chúa và xin Chúa hãy ra tay cứu giúp chúng con. Amen.

Về mục lục

.

ĐIỂM TỰA DUY NHẤT TRÊN CÕI ĐỜI

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

Vào canh tư đêm ấy (khoảng ba giờ sáng), đang khi các môn đệ vất vả chèo lái con thuyền ngược gió giữa sóng cả trùng khơi thì bỗng phát hiện một bóng ma chập chờn trên sóng nước. Mọi người hốt hoảng la lên. Nào ngờ đó lại là Chúa Giê-su. Ngài trấn an họ: “Chính Thầy đây! Đừng sợ!”. Biết vậy, Phê-rô hăm hở đòi đi trên nước như Thầy: “Thưa Thầy, nếu quả là Thầy thì xin truyền cho con đi trên mặt nước và đến cùng Thầy.”

Được Chúa chấp thuận, Phê-rô bước ra khỏi thuyền, bước đi lảo đảo trên sóng nước như người say và đến khi gặp cơn sóng dữ ập đến, Phê-rô quá đỗi kinh hoàng nên bị chìm xuống và hoảng hốt kêu lên: “Lạy Thầy, xin mau cứu con!”

Lập tức, Chúa Giê-su nắm lấy tay Phê-rô, kéo ông lên rồi đưa ông vào thuyền bình an vô sự.

 Sống trên đời nầy, chúng ta cũng như Phê-rô đi trên mặt biển. Mọi sự chung quanh đều chao đảo, bấp bênh. Mạng người quá đỗi mong manh. Kiếp người như ngọn đèn lung linh trước gió, như giấc chiêm bao!

Cuộc đời đầy dẫy tai ương

Những thiên tai xảy ra dồn dập khắp nơi trên thế giới: bão tố, lũ lụt, động đất, sóng thần, lốc xoáy… đã gây ra tổn thất khủng khiếp và cướp đi rất nhiều nhân mạng.

Bên cạnh đó, những tai hoạ do con người gây ra cũng khủng khiếp và tàn bạo không kém: chiến tranh, bạo lực, khủng bố… ở nhiều nơi.

Trước những tai ương hoạn nạn đó, con người biết tìm đâu nơi nương tựa vững bền? Biết bám víu vào ai để bảo toàn mạng sống? Biết dựa vào sức mạnh nào để đương đầu?

Tìm đâu ra một điểm tựa vững bền?

Tựa vào tiền của ư? Tiền của không mua được sức khoẻ và sự sống. Những tỷ phú giàu nhất thế giới cũng không thoát khỏi bệnh tật, tai ương và chết chóc.

Tựa vào địa vị, chức quyền ư? Những tổng thống, vua chúa quyền lực nhất thế gian cũng chỉ được ngồi trên ngai trong thời hạn ngắn rồi bị truất phế và tất cả không trừ ai đã vùi thây dưới mộ.

Tựa vào khoa học kỹ thuật tiên tiến ư? Nền kinh tế lớn mạnh và trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến của Nhật cũng không cứu được dân tộc Nhật Bản khỏi đại họa sóng thần khủng khiếp tàn phá Nhật Bản vào ngày 11 tháng 3 năm 2011.

Mọi thứ đều bấp bênh

Hành trình của con người trên dương gian không khác chi lộ trình của Phê-rô trên mặt nước; nhìn trước, nhìn sau, nhìn lui, nhìn tới, mọi thứ đều chao đảo, tất cả đều bấp bênh, chẳng có gì vững bền như thi hào Nguyễn Công Trứ nhận định: “Ôi nhân sinh là thế: như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao.”

Biết nương tựa vào đâu?

Con người không thể dựa vào người khác vì tất cả những người khác cũng đang ở trong tư thế bấp bênh, chao đảo như mình. Một chiếc tàu sắp đắm không thể cứu vớt chiếc tàu khác cũng đang chìm đắm như mình.

Cần phải có một “quyền lực” nào đó ở bên trên, ở một bờ bến vững vàng, mới có thể cứu vớt những ai đang chìm đắm trong biển đời chao đảo.

Hãy nắm lấy bàn tay Chúa Giê-su

Duy chỉ có bàn tay Chúa Giê-su mới có đủ quyền năng cứu vớt mọi người trên dương thế và bàn tay ấy luôn đưa tay ra để nâng đỡ, dìu dắt, cứu vớt bao người.

Bàn tay Chúa Giê-su đã đẩy lùi bệnh tật cho bao người: chạm đến những người phong hủi khiến những người nầy được sạch (Mt 8,3); đặt lên “những người đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn và họ được chữa lành” (Lc 4, 40).

Bàn tay Chúa Giê-su trả lại ánh sáng cho người mù tối: chạm đến mắt người mù khiến y được sáng (Mt 9,29. 20, 34).

Bàn tay Chúa Giê-su đã lôi kéo con người ra khỏi cõi chết: Ngài nắm lấy bàn tay một bé gái đã chết và trả lại sự sống cho em (Mt 9,24).

Và cũng chính bàn tay ấy đã đưa ra nắm lấy tay Phê-rô đang chới với giữa sóng gió hãi hùng, kéo ông khỏi bị chìm đắm và đưa ông vào trong lòng thuyền bình an vô sự (Mt 14, 31).

Lạy Chúa Giê-su,

Chỉ có Chúa và duy chỉ có một mình Chúa mới là điểm tựa duy nhất cho nhân loại đang chơi vơi, chao đảo giữa biển đời tăm tối hãi hùng.

Xin soi sáng cho nhân loại hôm nay khám phá ra bàn tay đầy quyền năng của Thiên Chúa Tình Yêu đang luôn vươn ra để che chở và cứu vớt mọi người.

Xin cho chúng con được trở thành bàn tay nối dài của Chúa, sẵn sàng đưa ra nắm lấy những bàn tay khác đang gặp sóng gió gian nan.

Về mục lục

.

UY QUYỀN

Lm. Trần Việt Hùng

Đoàn dân vui sướng ra về,

Ơn lành chan đổ, phủ phê cõi lòng.

Môn đồ từ giã theo dòng,

Xuống thuyền ra bến, cầu mong yên bình.

Giê-su cầu nguyện một mình,

Tâm tình cảm mến, hết tình yêu thương.

Chập chờn lo lắng vấn vương,

Thuyền khơi gối sóng, tựa nương nơi nào.

Biển đời báo tố thét gào,

Ra công chèo chống, biết bao cực hình.

Chúa thương bước tới thình lình,

Đi trên mặt nước, dủ tình cứu nguy.

Tông đồ sợ hãi nghĩ suy,

Tưởng rằng ma quái, tư duy nhiều điều.

Thầy đây! Đừng sợ sóng triều,

Phê-rô mong muốn, đánh liều bước theo.

Nặng chìm lo sợ kêu reo,

Xin Thầy cứu giúp, kéo theo đừng rời.

Uy quyền phán bảo một lời,

Gió yên biển lặng, cao vời quyền năng.

Trong khi các ông đang đối diện với sóng to và gió lớn, Chúa Giêsu đã đi trên mặt nước đến với các tông đồ. Các ông không nhận ra Chúa. Các ông quá sợ hãi và hoang mang. Các tông đồ đã không ngước nhìn lên mà chỉ loay hoay chèo chống với sóng biển. Các ông cậy dựa vào sức mình đối diện với thiên nhiên, nên đâm ra hoảng sợ và lo lắng.

Có biết bao nỗi sợ hãi vây hãm cuộc sống của chúng ta mỗi ngày. Chúng ta sợ bệnh hoạn, sợ mất mát, sợ đau đớn, sợ thất bại, sợ lỡ hẹn, sợ bóng tối và sợ chết. Chúng ta sợ vì chúng ta không làm chủ được chính mình, hơn nữa chúng ta không thể lường được những gì sẽ xảy ra quanh chúng ta. Chúa mời gọi chúng ta hãy nhận biết quyền năng của Thiên Chúa, Ngài quan phòng mọi sự và không gì xảy ra ngoài ý muốn của Chúa. Hãy biết phó thác mọi sự trong tay Chúa.

Bài phúc âm kể truyện các tông đồ thấy Chúa đi trên mặt nước, họ tưởng là ma, thế là sợ hãi. Chúa liền bảo: “Thầy đây – đừng sợ.” Lời Chúa thật dịu dàng và thân thương. Có Thầy đây, còn phải sợ hãi gì nữa. Thầy có quyền trên tất cả mà. Hãy cậy trông vào quyền năng của Chúa. Hãy chạy đến với Chúa bất cứ khi nào và hãy la lên, “Lạy thầy, xin cứu con.” Chúa sẽ giơ tay ra cứu chữa chúng ta như Chúa đã cứu Phêrô lên thuyền.

Hãy cầu nguyện và luôn tin tưởng vào Chúa.Truyện kể: Có một em học sinh chăm học luôn trả lời các câu hỏi một cách dễ dàng. Cậu bé hỏi lý do làm sao cô có thể nhớ và trả lời như thế. Cô bé trả lời: Trước khi học, tôi đã cầu nguyện. Cậu ta ngạc nhiên và thấy ý kiến hay. Cậu ta nói: Tôi sẽ cầu nguyện và đêm đó cậu đã cầu nguyện. Sáng hôm sau, khi đến lớp, cậu chẳng nhớ chi cả. Đành tìm cô bé để trách cứ vì đã lừa cậu ta. Cô ta nói rằng bạn đã không học được bài học khó này. Dĩ nhiên là không, vì tôi đã cầu nguyện thì tôi đâu cần  phải học nữa. Cô ta nói đó chính là vấn đề. Tôi đã nói với bạn rằng trước khi học, tôi cầu nguyện. Chứ không cầu nguyện thay cho việc học.

Bất cứ khi nào nhận ra tiếng Chúa mời gọi, chúng ta hãy mạnh dạn hướng nhìn thẳng vào Ngài và bước tới cùng Ngài. Chúa sẽ giơ tay đón nhận chúng ta. Cung cách ứng xử của Chúa đối với Phêrô thật nhẹ nhàng và yêu thương. Hãy tin tưởng phó thác cuộc đời của chúng ta trong vòng tay yêu thương của Chúa. Chúa cũng sẽ đón nhận chúng ta nếu chúng ta biết cậy dựa vào Chúa.   Lạy Chúa, xin cứu chúng con.

Về mục lục

.

CHÚA GIÊSU ĐI TRÊN MẶT BIỂN MÀ ĐẾN VỚI CÁC MÔN ĐỆ

P.Trần Đình Phan Tiến

Thưa quý vị, thưa các bạn, cuộc sống trần thế của con người nhân thế, như một biển khơi, chúng ta sống trên trần gian khác nào chúng ta đang đi trên biển, nếu như chúng ta không tin vào Thiên Chúa, thì cuộc đời chúng ta chắn chắc sẽ chìm, chìm vì bởi đủ mọi thứ, chìm vì chính những nhu cầu, những công việc, những ích kỷ, những mưu mô xảo quyệt, nói chung sẽ bị chìm vì tội lỗi của chúng ta. Vâng, nếu Thiên Chúa không ban chính Con Một của Ngài là Đức Giêsu- Kitô đến trần gian để cứu độ chúng ta, chắc chắn chúng ta sẽ bị chìm, chìm đời đời và chìm trầm luân.

Tin mừng hôm nay ( Mt 14, 22 -33) cho chúng ta một hình ảnh rõ ràng về câu chuyện có thật chứ không phải dụ ngôn, đó là : “Chúa Giêsu đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ”.

Hình ảnh của Tin Mừng hôm nay cho thấy biển mà tháh Phê-rô sắp chìm là biển thật, theo nghĩa đen, còn biển trần gian theo nghĩa bóng mà con người nhân thế chúng ta đang sống là chính cuộc sống hằng ngày của chúng ta.

Xét theo hiện tượng vật lý, người đời mang một trọng lượng nhất định, năng hơn không khí, vì vậy, khi xuống nước không có sức hút và lực đẩy, thì tự nhiên chúng ta sẽ bị chìm. Đó là hiện tượng tự nhiên. Vì vậy, khác với hiện tượng tự nhiên là “HIỆN TƯỢNG SIÊU NHIÊN”, hiện tương siêu nhiên phải được xảy ra với siêu nhiên.

Theo đó, việc Chúa Giêsu đi trên mặt nước mà đến với các môn đệ là Chúa biểu lộ Thiên Tính cho các môn đệ biết Người là Con Thiên Chúa.

Vâng, như chúng ta biết cuộc đời trần thế nặng nề đủ mọi chuyện chẳng khác nào “tảng đá”, vì vậy nó dễ chìm. Vì vậy, trang Tin Mừng hôm nay rất thiết thực và gần gũi với nhân thế, đặc biệt là người tín hữu.

Đức Phật nói : “ Nước mắt chúng sinh nhiều hơn biển cả”, vì “ Cuộc đời là bể (biển ) khổ ”. các nhạc sĩ cũng viết : “Cuộc đời là sóng gió , còn ta là con thuyền”. Đạo Cao Đài , họ gọi chiếc quan tài là “ thuyền”. Vâng, biển cuộc đời và đời sống của từng cà nhân trên trần gian, chính là một biển cả. Cụ Nguyễn Du cũng đã viết : “ Trải qua một cuộc bể dâu, những điều trông thấy mà đau đớn lòng”

Nhưng, Đao Công giáo không bi lụy với đau khổ, không oán thán đau khổ, nhưng trái lại chấp nhận đau khổ, vì đau khổ là Thập giá, vì Chúa Giêsu nói : ” Ai không từ bỏ mình, vác thập già mình hằng ngày mà theo Ta, thì không xứng đáng làm môn đệ Ta.” .Đau khổ của người Công giáo là một hồng ân, chứ không phải là “án phạt”, bởi vì, chính Chúa Giêsu đã gánh lậy đau khổ cho chúng ta.

Qua Đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy khi các môn thấy Chúa đi trên mặt nước, thì các ông hoảng sợ la lên “Ma dấy !”, Chúa Giêsu bảo :” Chính Thầy đây, đừng sợ !”.

Vâng , thánh giáo hoàng Gioan Phaolo II đã dùng câu Lời Chúa hôn nay mà củng cố đức tin cho mọi Kitô hữu. Vâng, “Đừng sợ”, nhưng , phải có Thầy Chí Thánh Giêsu, nếu không chắc chắn chúng ta sẽ “bị chìm”. Có Chúa trong cuộc đời là một điều hạnh phúc thật sự, từ đó chúng ta “đừng sợ” đau khổ vì chúng ta có Chúa Giêsu.

Thánh Phê-rô sắp bị chìm vì thiếu lòng tin vào Chúa, nhưng ông đã biết kêu cầu Chúa “Thầy ơi, xin cứu con !”. Chúa Giêsu liền đưa tay ra cứu lấy Phê-rô.

Phê-rô vừa được Chúa đưa lên núi Thánh, được thị kiến Dung Nhan Thần Tính của Thầy Chí Thánh, bây giờ lại dược chúng kiến Thầy đi trên mặt nước, lại xin Thầy cũng cho mình đi trên mặt nước, nhưng ông lại yếu tín, liền bị Chúa quở trách, : “Sao kém tin thế !”. Như vậy, thánh Phê-rô thực sự rất yếu đuối, nhưng ngài được giao cho là Tông Đồ trưởng, bởi vì , Chúa không xét theo  giới hạn của Phê-rô, nhưng dựa vào “Lòng Thương Xót” vô biên của Thiên Chúa.

Vì vậy, khi đặt Phê-rô là “ĐÁ” điều đó nghĩa là : ” Chúa muốn xây dựng trên thánh Phê-rô một lòng khiêm nhường như đá, một lòng cứng rắn như đá, một lòng sắt son, chung thủy như đá, và một lòng tin mạnh mẽ như đá.”

Và như vậy, thánh Phê-rô có sức nâng dậy Hội Thánh của Chúa ngay tại trần gian. Đặc tính của đá thật là đáng ca ngợi, Thiên Chúa tạo thành loài người bởi bụi tro, là đất, nhưng, đặt chân lý Tin Mừng trên đá, vâng đó không phải là một mầu nhiệm sao !

Phê-rô là đá nhưng Phê-rô không bị chìm vì Phê-rô có Chúa Giêsu, Đấng “CỨU “mọi linh hồn.

Như chúng ta biết mọi tu luật của các dòng tu đều căn cứ vào đặc tính của ”ĐÁ”, không phải chỉ sự cứng rắn không thôi, mà chính là sự khiêm nhường, bên cạnh sự vững bền, sự cứng rắn, sự hiên ngang, đá mang đặc trưng của sự khiềm nhường muôn thuở.

Chẳng vậy, mà chúng ta thấy người có công xây dựng nhà thờ Đá Phát Diệm – Ninh Bình là cha Phê-rô Trần Lục, một con người Linh mục đa tài, đã chiêm niệm về đặc tính của đá, nên chi , đã để lại cho đời một di tích thờ phượng, đồng thời là một danh thắng đáng ca ngợi muôn đời.

Lạy Chúa Giêsu , Chúa đã đi trên mặt nước mà đến với các môn đệ, xin thương cũng đi trên cuộc đời của mỗi người Kitô hữu, để sóng gió cuộc đời họ được lặng yên vì có Chúa, và xin cho họ nhận ra chỉ có Chúa mới làm được điều đó mà thôi ./. Amen

Về mục lục

.

CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN -A

Lm. Giuse Đinh Tất Quý

“Cứ yêm tâm! Thầy đây đừng sợ”(Mt 14,27)

Sau phép lạ hoá bánh ra nhiều, Đức Giêsu giục các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia Biển Hồ trước. Còn Ngài thì ở lại giải tán dân chúng, rồi sau đó lên núi cầu nguyện một mình. Giữa đêm, con thuyền các môn đệ gặp sóng to bão lớn, các ông vô cùng sợ hãi. 

Chính lúc đó Đức Giêsu đi trên mặt nước mà đến với các ông. Ban đầu các ông tưởng là ma nên càng sợ hơn nữa. Nhưng khi đã nhận biết đó là Thầy mình thì các ông bình an trở lại và tuyên xưng “Thật Thầy là Con Thiên Chúa”(Mt 14,33). 

Câu chuyện là như thế nhưng chúng ta có rút ra được một bài học nào không? Tôi tưởng có một vài bài học rất cụ thể, rất cần cho chúng ta nhất là trong cuộc sống hôm nay. 

  1. Đức Tin Lúc An Bình Và Khi Gặp Sóng Gió

Hai hình ảnh về một lòng tin đã được thánh Matthêô nối kết với nhau, như một đối trọng, nói lên sự hiện diện của “Thiên Chúa ở cùng” luôn là điều cần thiết cho các môn đệ năm xưa, cũng như cho mỗi người chúng ta hôm nay. Lòng tin của chúng ta vào Thiên Chúa có những lúc phẳng lặng như một mặt hồ phản chiếu trong suốt soi rõ những vẻ đẹp thiên nhiên. Nhưng nhiều khi chỉ một làn gió nhẹ thôi cũng đủ làm nó gợn sóng, xao động và bao nhiêu vẻ đẹp đều tan biến. 

Nhìn lại những thăng trầm của cuộc đời, mỗi khi chúng ta được sống trong bầu khí an vui, được hài lòng với mọi sở nguyện, chúng ta dễ dàng xác tín và cảm nhận mạnh mẽ sự quan phòng của Chúa. Thế nhưng khi gặp phải những khó khăn thử thách, những điều bất hạnh, những nghịch cảnh xảy tới – như các môn đệ xưa giữa cơn sóng gió, chúng ta cũng dễ dàng hoang mang lo sợ và không nhận ra Chúa. Quả thật, lòng tin của chúng ta đã nhiều lúc thật yếu ớt và mong manh! 

Một người vô thần rất mê leo núi. Ngày kia anh ta trượt chân té ngã lăn từ đỉnh núi xuống. Nhưng may thay anh bám được vào một cành cây nằm chơ vơ giữa đỉnh cao và vực thẳm. Giữa lúc chỉ còn biết chờ chết, một ý nghĩ chợt đến với anh: 

– Tại sao không gọi Chúa đến cứu giúp.

Nghĩ là làm. Anh lấy hết sức lực la lên thật lớn: 

– Lạy Chúa! 

Tuy nhiên bốn bề chỉ có thinh lặng và anh chỉ nghe được tiếng dội của lời kêu van. Một lần nữa, người vô thần lại kêu xin tha thiết hơn: 

– Lạy Chúa, nếu quả thật có Chúa thì xin hãy cứu con. Con hứa sẽ tin Chúa và dạy cho những người khác cũng tin Chúa nữa. 

Sau một hồi thinh lặng, bỗng người vô thần nghe một tiếng vang dậy cả vực thẳm và núi cao: 

– Gặp hoạn nạn thì ai cũng cầu xin như thế! 

– Không! lạy Chúa, nghìn lần không. Con không giống như những người khác. Chúa không thấy sao, con đã bắt đầu tin từ khi nghe tiếng Chúa phán. Nào bây giờ xin Chúa hãy cứu con đi, và con sẽ cao rao danh Chúa cho đến tận cùng trái đất! 

Tiếng ấy trả lời: 

– Được lắm! Ta sẽ cứu ngươi. Vậy nếu ngươi tin thì hãy buông tay ra! 

Người vô thần thất vọng thốt lên: 

– Buông tay ra ư, bộ Chúa tưởng tôi điên sao! (Trích “Món quà giáng sinh”) 

Mẹ Têrêxa Calcutta nói: “Đức tin là tình yêu trong hành động chứ không phải trong cảm giác. Sự vâng phục mau mắn, đơn thành, tối mặt, vui vẻ đối với Thiên Chúa là bằng chứng của đức tin.” 

 Có lẽ chúng ta cũng phải xin Chúa một điều như các tông đồ thuở xưa: “Lạy Thầy xin thêm lòng tin cho chúng con”(Lc 17,5) 

  1. Những Người Đi Trên Mặt Nước

Đức tin không bảo đảm cho người tin khỏi gặp sóng gió nhưng thêm sức cho người ấy có thể bước đi trên mặt nước giữa sóng gió tơi bời. Hiểu như thế thì không phải chỉ một mình Phêrô, mà còn rất nhiều người có thể đi trên mặt nước mà không sợ hãi. 

Có một bà nổi tiếng đạo đức, nhân hậu và luôn bình tâm trước mọi thử thách. Một bà khác ở cách xa ít dặm, nghe nói thì tìm đến, hi vọng học được bí quyết để sống bình an và hạnh phúc. 

Bà hỏi: 

– Thưa bà, có phải bà có một đức tin lớn lao? 

– Ồ không, tôi không phải là người có đức tin lớn lao, mà chỉ là người có đức tin bé nhỏ đặt vào một Thiên Chúa lớn lao. 

Trong cuốn ký sự ghi lại những cuộc du hành của MARCÔ PÔLÔ, nhà hàng hải lừng danh của Italia vào thế kỷ thứ XVI, có thuật lại cuộc gặp gỡ của ông với một số nhà truyền giáo tại Biển Đen. Các nhà truyền giáo cho biết họ đang trực chỉ đến vùng Tarta. Nhìn chiếc thuyền quá đơn sơ của các Tu Sĩ, Marcô Pôlô mới buột miệng đưa ra câu nhận xét: 

– Có lẽ các ngài chưa lường hết được những hiểm nguy trên biển cả. Với một cuộc hành trình cam go như thế này mà các ngài lại không mang theo gì hết. Xin các ngài cho biết đã chuẩn bị những gì? 

Các nhà truyền giáo mỉm cười đáp: 

– Chúng tôi được trang bị bằng đức tin, đức cậy, đức mến, và Chúa chính là Đấng dẫn đường, chỉ lối cho chúng tôi. Chúng tôi nghĩ như thế cũng đầy đủ cho chúng tôi rồi!

  1. Tin Vào Sự Hiện Diện Của Thiên Chúa.

Cách viết của tác giả bài đọc I hàm chứa một bài học sâu sắc về sự hiện diện của Chúa. Khi ngôn sứ Elia đứng trong một hốc núi Horép, ông thấy một luồng gió mạnh xé núi dời non, nhưng Chúa không ở trong đó. Ông lại thấy một cơn bão rất mạnh làm cho đất rung động, nhưng Chúa không ở trong bão. Ông còn thấy lửa, nhưng Chúa cũng không ở trong lửa. Cuối cùng ông thấy một làn gió hiu hiu: ông được soi sáng cho biết có Chúa ở trong đó, ông liền cung kính lấy khăn che mặt đại để bước ra khỏi hang diện kiến Thiên Chúa. 

Vâng! Thiên Chúa không thích hiện diện trong những thứ ồn ào, uy phong, vĩ đại. Ngài thường hiện diện cách êm ả, âm thầm và nhẹ nhàng trong cái rất bình thường của đời sống. 

Chúng ta không nhận ra được sự hiện diện của Chúa bởi vì chúng ta cứ mãi tìm Ngài trong những sự phi thường. 

Nhà hiền triết Uddalaka thường dùng những dụ ngôn để dạy cho con ông biết nhận ra Thiên Chúa ngay trong cuộc sống thường ngày. Đây là một trong những dụ ngôn đó: 

Ngày nọ, ông nói với con ông: 

– Hãy bỏ nắm muối này vào nước và sáng ngày mai hãy trở lại gặp cha 

Người con làm đúng theo lời cha anh dạy. Hôm sau, cha anh bảo: 

– Con hãy lấy cho ta nắm muối con bỏ vào trong nước hôm qua. 

– Thưa cha, người con nói, con không thể làm được vì muối đã tan trong nước hết rồi! 

– Vậy con hãy nếm dĩa nước bắt đầu từ mép bên phải xem. Uddalaka nói. Con thấy mùi vị gì? 

– Muối. 

– Bây giờ, con hãy nếm phía mép kia của cái dĩa. Con thấy mùi vị gì? 

– Muối. 

–  Con hãy ném cái dĩa đi. Người cha nói. 

Người con làm y như thế và nhận thấy rằng sau khi nước bốc hơi, muối lại xuất hiện. Lúc đó Uddalaka bèn nói: 

– Con ạ, con không thể nào nhận ra Thiên Chúa ở đây, nhưng thật ra Người luôn có đó. 

Lạy Chúa! Xin giúp con luôn nhận ra sự hiện diện của Chúa trong những biến cố của đời con. Xin ban ơn giúp sức cho con để con vượt thắng mọi thử thách trên đường đời. Quyền năng và tình thương của Chúa luôn làm cho con vững dạ an tâm (Tv.23:4). Amen

Về mục lục

.

BA ĐÀO

Trầm Thiên Thu

Biển luôn có sóng, sóng ngầm hoặc sóng cồn, sóng to hoặc sóng nhỏ, nghĩa là biển luôn dậy sóng (dậy sóng – ba: sóng, đào: nổi dậy). Ba đào là con sóng lớn. Sóng không bao giờ lặng. Và người ta có câu: “Bình địa ba đào” – nghĩa là sóng gió nổi lên ở vùng đất bằng, ý nói cuộc tai biến bất ngờ có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong cuộc đời con người. Câu “bình địa ba đào” có lẽ phát xuất từ của thơ của cụ Nguyễn Du viết trong Truyện Kiều: “Gặp cơn bình địa ba đào, Vậy đem duyên chị buộc vào cho em” (câu 3065-3066).

Bình thường, khi nói đến sóng, người ta thường nghĩ ngay tới biển (chứ không nghĩ tới sóng phát thanh, truyền hình hoặc internet). Sóng có lúc rất hiền hòa, rất thơ mộng khi sóng “mơn man vỗ mạn thuyền”, do đó mà người ta áp dụng nghĩa này cho vấn đề trừu tượng và gọi là “lãng mạn”. Sóng cồn dù dữ dội nhưng là sóng nổi, thật đáng sợ nhưng không đáng sợ bằng sóng ngầm, bởi vì sóng ngầm không thể nhìn thấy. Sóng còn khủng khiếp hơn nếu đó là sóng bạc đầu hoặc sóng thần, điển hình là sóng thần tại Nhật Bản ngày 11-3-2011 đã cuốn mất khoảng 16.000 người và quét sạch mọi thứ vào lòng biển khơi.

Cố NS Trịnh Công Sơn đã dùng biển để triết lý về thế thái nhân tình: “Biển sóng biển sóng đừng xô tôi, đừng xô tôi ngã dưới chân người; biển sóng biển sóng đừng xô nhau, ta xô biển lại sóng về đâu?… Biển sóng biển sóng đừng xô tôi, đừng xô tôi ngã giữa tim người… Biển sóng biển sóng đừng âm u đừng nuôi trong ấy trái tim thù” (Sóng Về Đâu). Ca từ của ông chuyển tải đầy triết lý sống thâm thúy. Biển vừa hiền vừa dữ. Biển sâu thẳm và mênh mông, bao la tình yêu thương, vì thế mà lòng biển không bao giờ lặng, luôn xao động, dù có lúc nhìn biển rất tĩnh. Và biển cũng giống như cuộc đời của con người vậy!

Có nhiều loại sóng. Nhưng có loại sóng dữ dội và dai dẳng hơn các loại sóng, đó là “sóng đời”. Phàm nhân chúng ta đang miệt mài hành trình lữ hành trần gian, lênh đênh trên biển đời, chắc chắn không thể tránh được những đợt “sóng đời” – đủ dạng và đủ cỡ. Không vững tay chèo thì thuyền đời tròng trành, thậm chí còn có nguy cơ “chìm” bất cứ lúc nào. Vì thế, chúng ta luôn phải sẵn sàng phát tín hiệu khẩn cấp: “S.O.S., lạy Thiên Chúa, xin thương cứu con!”.

Mọi nơi và mọi lúc đều có sự hiện diện của Thiên Chúa. Ngài hiện hữu và tác động mọi sự, kể cả những thứ chúng ta cho là không tốt, nhưng Thiên Chúa không làm điều không tốt – nghĩa là Ngài chỉ làm điều thiện, bởi vì Ngài là Đấng Thánh (Lv 11:44-45; Lv 19:2; Lv 20:26; Lv 21:8; Tv 89:36; Tv 99:5 & 9; Is 6:3; Br 4:22; Hs 11:9; Am 4:2; 1 Pr 1:16; Ga 6:69) và nhân lành (Mc 10:18; Lc 18:19; Ga 10:11 & 14). Đau khổ và những thứ không tốt xảy ra cho chúng ta, không phải là Ngài không biết, nhưng Ngài cho phép nó xảy ra theo tự nhiên để cảnh tỉnh chúng ta bằng bài học giá trị. Có thể đó là hậu quả do sai lầm của chúng ta hoặc của người khác, nhưng cũng có thể đó là để làm vinh danh Chúa – như trường hợp người mù bẩm sinh (x. Ga 9:1-3). Quả thật, tội lỗi cũng có tính liên đới.

Một đêm nọ, khi ông Êlia vào một cái hang để nghỉ ngơi, Đức Chúa hỏi ông: “Êlia, ngươi làm gì ở đây?” (1 V 19:9). Rồi Ngài truyền lệnh cho ông: “Hãy ra ngoài và đứng trên núi trước mặt Đức Chúa. Kìa Đức Chúa đang đi qua” (1 V 19:11).

Cơn gió lồng lộng, cơn bão lớn xẻ núi non, đập vỡ đá tảng trước nhan Đức Chúa, nhưng Đức Chúa không ở trong những “sự kiện” đó. Sau đó là động đất, nhưng Đức Chúa cũng không ở trong trận động đất. Sau động đất là lửa, nhưng Đức Chúa cũng không ở trong lửa. Sau lửa có tiếng gió hiu hiu. Ôi, Ngài dịu dàng quá! Vừa nghe tiếng đó, ông Êlia lấy áo choàng che mặt, rồi ra ngoài đứng ở cửa hang. Ông nhận biết Đức Chúa đang ở trong làn gió nhẹ đó. Quả thật, lúc đó có tiếng hỏi ông như trước: “Êlia, ngươi làm gì ở đây?” (1 V 19:13). Ông thưa: “Lòng nhiệt thành đối với Đức Chúa, Thiên Chúa các đạo binh, nung nấu con, vì con cái Ít-ra-en đã bỏ giao ước với Ngài, phá huỷ bàn thờ, dùng gươm sát hại các ngôn sứ của Ngài. Chỉ sót lại một mình con mà họ đang lùng bắt để lấy mạng con” (1 V 19:14).

Thiên Chúa luôn phán dạy nhưng không dễ để lắng nghe tiếng Ngài hoặc nhận biết ý Ngài, vì thế mà chúng ta phải không ngừng cố gắng lắng nghe để nhận biết ý Ngài, rồi tiếp tục cố gắng chấp nhận và thực hiện, người có lòng nhiệt thành đối với Chúa thì sẽ để ý Chúa nên trọn chứ không mong ý mình nên trọn. Về lĩnh vực này, chúng ta lại thường có xu hướng trái ngược, vì chúng ta luôn thích “xin được như ý”.

Rất chân thánh, Thánh Vịnh gia chia sẻ: “Tôi lắng nghe điều Thiên Chúa phán, điều Chúa phán là lời chúc bình an cho dân Người, cho kẻ trung hiếu và những ai hướng lòng trí về Người. Chúa sẵn sàng ban ơn cứu độ cho ai kính sợ Chúa, để vinh quang của Người hằng chiếu toả trên đất nước chúng ta” (Tv 85:9-10).

Thiên Chúa là Đấng nhân lành, thế nên bất cứ nơi nào Ngài hiện diện thì mọi sự đều tốt đẹp: “Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hoà bình công lý đã giao duyên. Tín nghĩa mọc lên từ đất thấp, công lý nhìn xuống tự trời cao. Vâng, chính Chúa sẽ tặng ban phúc lộc và đất chúng ta trổ sinh hoa trái. Công lý đi tiền phong trước mặt Người, mở lối cho Người đặt bước chân” (Tv 85:11-14). Điều này cũng đồng nghĩa với điều này: Ở nơi nào vắng bóng Thiên Chúa thì mọi sự sẽ hoang vu, tiêu điều và nguy hiểm. Thật đáng sợ!

Và vì thế, nghĩa là ai biết sợ cảnh “thiếu vắng Thiên Chúa” thì phải mau đón Chúa vào lòng, càng sớm càng tốt, trước khi công lý được áp dụng, trước khi chấm dứt “thời gian thương xót” của Ngài. Thiên Chúa vẫn kiên trì chờ đợi chúng ta trở về như người cha nhân hậu mong ngóng đứa con hoang đàng trở về (Lc 15:11-32). Ai khôn ngoan thì biết tỉnh thức đợi chờ Ngài như mười trinh nữ khôn ngoan chờ đón chàng rể (Mt 25:1-13), vì “thời gian không chờ đợi ai – time waits for no man”. Lý do? Bởi vì “Chúa đã gần đến” (Pl 4:5), “ngày Chúa quang lâm đã gần tới” (Gc 5:8), và “thời giờ đã gần đến” (Kh 1:3; Kh 22:10). Đó là không ngừng rèn luyện Đức Tin, để khi gặp thử thách sẽ không bị chao đảo, không như hạt giống rơi vào đất sỏi đá hoặc bụi gai.

Ở trong tình trạng “tỉnh thức chờ đón Chúa” như vậy thì không ai có thể ngồi yên, cõi lòng luôn như biển động, luôn nổi sóng, khi sóng nhỏ, lúc sóng to, nhưng không bị dao động. Thánh Phaolô cũng đã luôn đứng ngồi không yên. Ông thề có Đức Kitô chứng giám, rồi nói sự thật chứ không nói dối, nhờ Thánh Thần hướng dẫn: “Lòng tôi rất đỗi ưu phiền và đau khổ mãi không ngơi” (Rm 9:2). Tại sao như vậy? Thánh Phaolô giải thích: “Giả như vì anh em đồng bào của tôi theo huyết thống, mà tôi có bị nguyền rủa và xa lìa Đức Kitô, tôi cũng cam lòng. Họ là người Ít-ra-en, họ đã được Thiên Chúa nhận làm con, được Người cho thấy vinh quang, ban tặng các giao ước, lề luật, một nền phụng tự và các lời hứa; họ là con cháu các tổ phụ; và sau hết, chính Đức Kitô, xét theo huyết thống, cũng cùng một nòi giống với họ. Người là Thiên Chúa, Đấng vượt trên mọi sự. Chúc tụng Người đến muôn thuở muôn đời. Amen” (Rm 9:3-5). Ôi chao, có Chúa thì hạnh phúc và vinh dự như thế đấy!

Thế nhưng cứ nói rồi quên, hứa rồi thôi. Phàm nhân thật là khốn nạn lắm thôi. Đôi khi không chỉ nghe người khác nói mà còn chứng kiến tận mắt, thế mà chúng ta vẫn chưa dám tin thật. Ôi thôi, con người ơi! Hỡi tôi ơi!

Rồi vào một buổi chiều, có lẽ hôm đó trời quang mây tạnh, đẹp lắm và thú vị lắm. Sau khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho hàng ngàn người ăn no, Đức Giêsu liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Ngài giải tán dân chúng, vì chắc chắn dân chúng lưu luyến Ngài, khoái Ngài lắm, không thể về được, dù trời đã nhá nhem tối. Mãi mới giải tán được đám đông. Khi giải tán họ xong, Chúa Giêsu lên núi một mình mà cầu nguyện. Tối đến, Ngài vẫn ở đó một mình. Chúa Giêsu luôn thích sống tĩnh lặng để kết hiệp với Chúa Cha qua lời cầu nguyện. Ngài luôn căn dặn mọi người phải cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ (Lc 22:40-46), cầu nguyện còn là sức sống và là sức mạnh của linh hồn. Thứ nhất là cầu nguyện, thứ nhì mới là hoạt động. Thật lạ, “người ta chỉ vĩ đại khi cầu nguyện” (Bác học Ampère). Thảo nào Chúa Giêsu bảo chúng ta phải cầu nguyện không ngừng, cầu nguyện liên lỉ.

Lúc Chúa Giêsu chỉ còn một mình và cầu nguyện, chiếc thuyền chở các môn đệ đã ra xa bờ đến cả mấy cây số, và bị sóng đánh vì ngược gió. Vào khoảng canh tư – tức là quá nửa đêm về sáng, Ngài đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ. Thấy Ngài đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau: “Ma đấy!”, và sợ hãi la lên. Đức Giêsu liền bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” (Mt 14:27). Nghe vậy, ông Phêrô bán tín bán nghi nên liền thưa: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài” (Mt 14:28). Đức Giêsu ôn tồn bảo ông: “Cứ đến!”. Ông Phêrô hí hửng bước ngay xuống khỏi thuyền, đi trên mặt nước mà đến với Đức Giêsu. Vô tư. Rất ngon lành. Thế nhưng khi thấy gió thổi, ông đâm sợ, hồn xiêu phách lạc, chín vía lên mây ráo trọi, và khi bắt đầu chìm, ông la toáng lên: “Sư Phụ ơi, xin cứu đệ tử với!” (Mt 14:30).

Giữa biển đời, chúng ta cũng vậy, có hơn gì ngư phủ Phêrô đâu. Biển đời chỉ mới gợn sóng lăn tăn thôi, vậy mà thuyền đời của chúng ta đã tròng trành, tưởng chừng chìm đến nơi. Lòng tin tích góp bao năm, giờ bỗng “bốc hơi” gần cạn kiệt; cây đức tin vun tưới bao năm, giờ bỗng héo úa mau chóng. Lạy Chúa tôi! Đức tin chỉ “sống” khi dòng đời êm ả, khi tiệc tùng linh đình, khi ung dung rung đùi, khi được người ta tâng bốc lên tận mây xanh,… Còn khi gặp phải gió xoáy hoặc gió lốc, con-thuyền-đức-tin cứ quay tít như chong chóng, như con cù, chẳng còn biết đâu là phương hướng!

Nhìn thấy đệ tử Phêrô ngoi ngóp trong dòng nước, có thể cũng “no nước” rồi, Đức Giêsu liền đưa tay nắm lấy ông và nói: “Người đâu mà KÉM TIN vậy! Sao lại HOÀI NGHI?” (Mt 14:31). Lời trách nhẹ nhàng mà đau điếng. Và đó cũng chính là lời trách mà Thầy Giêsu đang nói với mỗi chúng ta hôm nay, ngay lúc này.

Phêrô được cứu mạng. Thầy trò cùng lên thuyền. Gió yên, biển lặng ngay lập tức. Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Ngài và nói tuyên xưng Ngài là Con Thiên Chúa (Mt 14:33). Đó là bài học đức tin vô giá mà Chúa Giêsu dạy chúng ta ngay trong những lúc chúng ta gặp cơn sóng gió của cuộc đời. Ước gì chúng ta khả dĩ nhận biết mình yếu kém về đức tin, nhờ vậy mà có thể cố gắng chăm sóc Cây Đức Tin càng ngày càng phát triển tốt hơn.

Ai cũng biết rằng cuộc đời không như thảm lụa hoặc như chiếu trải hoa hồng. Thiên nhiên còn lúc nắng, lúc mưa, lúc hạn hán, lúc mưa dầm, thậm chí là áp thấp hoặc dông bão kia mà! Cụ Nguyễn Công Trứ đã đặt vấn đề: “Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai?”. Giữa sóng gió cuộc đời, dù nhỏ hay lớn, ước gì chúng ta vẫn luôn khả dĩ xác tín với Đức Giêsu Kitô: “Quả thật, Ngài là Con Thiên Chúa!” (Mt 14:33). Đó là sống đức tin, là làm chứng nhân giữa đời thường bằng chính khả năng của mình.

Có lúc Chúa Giêsu dẹp yên sóng đời để cứu chúng ta, nhưng có lúc Ngài cứ để cho biển đời dậy sóng để dẹp yên sóng lòng của chúng ta. Thánh Ý Chúa mầu nhiệm. Đề cập vấn đề đức tin, Thánh Tiến sĩ Teresa Avila xác định: “Tất cả tội lỗi đều do thiếu đức tin mà ra”. Câu này đáng để chúng ta phải “giật mình” mà cố gắng tự chấn chỉnh và chăm sóc Cây Đức Tin lắm. Tất nhiên không thể quên cấp báo: “S.O.S., lạy Thiên Chúa của con!”.

Mong sao các Kitô hữu luôn biết sống theo Tin Mừng để đem làm chứng sống động về niềm tin, lòng ngay chính và tình yêu thương tha nhân trong hoàn cảnh và môi trường của mình.

Lạy Thiên Chúa, xin cứu khổ cứu nạn và xin giúp con biết tín thác vào Ngài trong mọi hoàn cảnh – như Tổ Phụ Ápraham, như Thánh Gióp, như Đức Maria, và như Đức Giuse, nhất là những lúc biển đời đầy những đợt sóng vỗ vào thuyền đời của con, lúc mạnh lúc nhẹ. Xin giúp con vững tay chèo chống, khéo léo bát cậy, để có thể cập bến an toàn. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.

Về mục lục

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận