Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật XVI A

Đăng lúc: Thứ năm - 20/07/2017 13:48 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN – NĂM A

Lời Chúa: Kn 12, 13.16-19;  Rm 8, 26-27;  Mt 13, 24-43

——- 

DẪN NHẬP

Lời Chúa: "Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt" (Mt 13,30).

Nhập lễ:

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Phụng vụ Lời Chúa chúa nhật 16 Thường niên hôm nay cho chúng ta thấy, trong trần gian vẫn còn có những cỏ lùng xen lẫn với lúa tốt; những tội nhân sống chung với người công chính, những tật xấu pha lẫn với nhân đức. Nhưng Thiên Chúa luôn kiên nhẫn và khoan dung chờ đợi kẻ tội lỗi sám hối để được Ngài tha thứ:

Người đời tha thứ ba lần,

Còn như Thiên Chúa ngàn lần vẫn tha.

Cỏ lùng nắn bột nêu ra,

Nói lên lòng Chúa thứ tha nhân từ.

Thế nên ta phải khử trừ,

Bất công, nóng giận, hận thù, dối gian.

Hiệp dâng thánh lễ hôm nay, xin Chúa giúp chúng ta nhận ra lòng nhân hậu của Chúa để luôn biết tẩy trừ tội lỗi, sửa đổi nết xấu trở nên con cái Cha trên trời. Đồng thời, tạo mọi đều kiện cho những kẻ tội lỗi biết ăn năn trở về với Lòng Thương Xót của Chúa. Trong tâm tình đó, giờ đây chúng ta hãy thành tâm sám hối.

Sám hối:

X. Lạy Chúa, Chúa là Đấng giàu lòng thương xót và khoan dung. Xin Chúa thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.

X. Lạy Chúa Kitô, Chúa không muốn kẻ gian ác phải chết nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

X. Lạy Chúa, Chúa ban Thánh Thần để Ngài nâng đỡ sự yếu hèn của chúng con. Xin Chúa thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.

Kết: Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.

CĐ: Amen.

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang.

 

Mục lục

1. Lòng nhân ái bao dung (Gm. Giuse Vũ Văn Thiên)

2. Tất cả là hồng ân  (Tgm. Giuse Ngô Quang Kiệt)

3. Tự do của con người (Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)

4. Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt  (Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)

5. Nhẫn nại trong yêu thương (Lm. Giuse Hoàng Kim Toan)

6. Cứ để cả hai mọc lên  (Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)

7. Nước Trời cho ta  (Bông Hồng Nhỏ, Tiền Tập sinh MTG.Thủ Đức)

8. Nước Trời trong ta (Anna Cỏ May, Tiền Tập sinh MTG.Thủ Đức)

9. Kiên nhẫn và chờ đợi  (Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT)

10. Nước Trời được ví như chuyện… (Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty, SDB)

11. Suy niệm Chúa Nhật 16 Thường niên_A  (Lm. Giuse Nguyễn Văn Nam)

12. Sự kiên nhẫn và bao dung của Thiên Chúa (Tu sĩ Jos. Vinc. Ngọc Biển, SSP)

13. Chuyện dụ ngôn  (Trầm Thiên Thu)

14. Nước Trời là Lời Chúa gieo vào thế gian  (P.Trần Đình Phan Tiến)

 

 

LÒNG NHÂN ÁI BAO DUNG

Gm Giuse Vũ Văn Thiên

Một lần nữa, hình ảnh thửa ruộng lại được Chúa Giêsu sử dụng để chuyển tải giáo huấn của Người. Thửa ruộng vừa có lúa vừa có cỏ lùng, phản ánh cuộc sống thực tế của chúng ta. Quả thực, trên đời này luôn hiện hữu những người tốt và những người chưa tốt.  Hơn nữa, trong chính con người của mỗi chúng ta cũng có những hành vi tốt và hành vi xấu. Vì thế, Lời Chúa hôm nay vừa diễn tả lòng nhân ái của Thiên Chúa, vừa kêu gọi lòng bao dung của con người. Bởi lẽ, nhờ lòng nhân ái của Chúa mà chúng ta không bị trừng phạt khi lỗi lầm; nhờ lòng bao dung của con người mà bớt đi thành kiến xung đột với cuộc sống xung quanh.
 
Thiên Chúa là Đấng nhân ái. Tác giả sách Khôn ngoan đã khẳng định với chúng ta như thế. Ngài cũng là Đấng Độc tôn, tức là không có thần linh nào ngang hàng hay sánh bằng (Bài đọc I). Lòng nhân ái của Thiên Chúa được minh chứng suốt bề dày của lịch sử Cựu ước, cũng là lịch sử nhân loại. Đã nhiều lần Do Thái phạm tội, nhưng Thiên Chúa thương và tha thứ. Nếu Thiên Chúa là Đấng nhân ái, Ngài cũng muốn chúng ta có lòng bao dung đối với nhau. Tác giả sách Khôn ngoan đã chuyển tải đến chúng ta lời Chúa phán: “Chúa đã dạy dân rằng: người công chính phải có lòng nhân ái. Ngài đã cho con cái niềm hy vọng tràn trề, là người có tội được Ngài ban ơn sám hối”. Mỗi người sống trên trần gian là một “tiểu vũ trụ”, có nghĩa là một thế giới riêng, có nhiều điều dị biệt với người khác. “Tiểu vũ trụ” này có nhiều điều cần khám phá và phải tôn trọng. Một tác giả nào đó đã viết: “Đối với vũ trụ bao la, bạn chỉ là một người nhỏ bé. Nhưng đối với một người, bạn là cả vũ trụ” (Sưu tầm).
 
Vì khác biệt về sở thích, tính tình hay quan điểm, nên mỗi người cần phải kiên nhẫn, như người chủ ruộng trong Tin Mừng. Chúa Giêsu cho thấy rõ cách sự khác biệt giữa cách hành xử của Thiên Chúa và cách hành xử của con người: con người muốn tru diệt hết những ai mình không hợp không thích; Thiên Chúa lại nhân ái chờ đợi và mong họ sám hối nên hoàn thiện. Trong thế giới của chúng ta, nếu ông chủ vườn không thể làm cho một cây cỏ lùng đổi thay biến thành cây lúa, thì đối với Thiên Chúa, Ngài lại luôn ban cho các tội nhân một cơ hội để họ sám hối trở về. Đó là câu trả lời cho những mắc chúng ta thường thấy: tại sao trên thế giới này vẫn tồn tại những người thất đức? Thiên Chúa cũng là nguyên lý của mọi sự tốt lành. Ngài chỉ gieo lúa vào cuộc đời. Sự xuất hiện của cỏ lùng là do âm mưu của ma quỷ và của con người.
 
Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta tự vấn lương tâm: tôi là cây lúa hay cây cỏ lùng trong “vườn đời” này? Đừng chủ quan nhận mình là hoàn thiện, nhưng hãy can đảm nhận ra tình trạng thực của mình. Có những lúc chúng ta giống như cỏ lùng, làm mất đi sự hài hòa trong mối tương quan với những người trong một gia đình hoặc trong một cộng đoàn. Có những khi chúng ta đang vô tình gieo vào lòng những người đơn sơ hay trẻ nhỏ những gương xấu, giống như kẻ gieo cỏ lùng lẫn vào ruộng lúa ban đêm.
 
Thiên Chúa là Đấng nhân ái và thương xót, nhưng Ngài cũng là vị thẩm phán công minh. Có những người cố tình khước từ lòng thương xót của Chúa, mặc dù họ được nghe nói về Ngài. Họ phải lãnh trách nhiệm về sự chọn lựa của mình. Cho đến mùa gặt, tức là lúc sau hết của cuộc đời, có những cây cỏ lùng vẫn cố tình là cỏ lùng mà không chịu biến đổi, lúc đó sẽ bị đốt trong lửa. Cùng mọc lên trên một thửa ruộng, nhưng đáp số cuối cùng của cây lúa và cây cỏ lại khác nhau: lúa nuôi sống người được thu vào lẫm; cỏ vô dụng bị  bó lại đốt đi. Đó là hình ảnh diễn tả người công chính và các tội nhân mà chúng ta thường gọi là thiên đàng hay hỏa ngục. Hỏa ngục là nơi vắng bóng Thiên Chúa, không có tình thương. Nơi ấy, chỉ có hận thù khôn nguôi và đau khổ vĩnh viễn.
 
Trong vườn đời có nhiều lúa và cỏ cùng hiện hữu, người tin Chúa cũng được mời gọi đóng góp phần mình làm cho những người còn lạc xa đường chân lý được tỉnh ngộ và trở về. Hãy giúp họ nhận ra lòng nhân ái của Chúa, qua sự bao dung của mỗi chúng ta. Ngài là Cha yêu thương, luôn chờ đợi các tội nhân trở về, để tha thứ và ban cho họ nghị lực mới. Như thế, thay vì buồn sầu bi quan vì cộng đoàn tín hữu là thiểu số trong một xã hội mênh mông, chúng ta hãy ngẩng cao đầu, vì có Chúa ở với chúng ta. Chúng ta cũng vui mừng tự hào, vì Chúa trao cho chúng ta sứ mạng trở thành muối và ánh sáng cho đời. Thiên Chúa là Đấng kiên nhẫn và bao dung. Chúng ta hãy kiên nhẫn và bao dung như Ngài trong cách đối xử với anh chị em mình.
 
Xin ơn Chúa Thánh Thần nâng đỡ để chúng ta được ơn trung thành với Chúa và nhất là biết sống theo thánh ý của Ngài. Vâng, đời sống gia đình, những sinh hoạt trong giáo xứ, những mối tương quan nghề nghiệp bạn bè trong cuộc sống đời thường đang là những môi trường để chúng ta thực thi sứ mạng làm men làm muối cho đời. Kể cả lời cầu nguyện của chúng ta cũng rất cần có Chúa Thánh Thần soi sáng, vì Ngài hiểu nỗi lòng và những ước nguyện chính đáng của chúng ta (Bài đọc II).

Về mục lục

.

TẤT CẢ LÀ HỒNG ÂN

Tgm. Giuse Ngô Quang Kiệt

Dụ ngôn cỏ lùng là một trong những dụ ngôn hiếm hoi được chính Chúa giải thích rõ ràng. Giải thích của Chúa giúp ta có những hiểu biết hữu ích cho đời sống đạo.

Dụ ngôn nhắc nhớ ta về sư hiện diện của ma quỷ. Ma qui hiện hữu. Chúng luôn có mặt để gieo rắc sự xấu. Chúa đã chuần bị những thửa ruộng tốt. Những thửa ruộng đó là thế giới, là Giáo hội, là tâm hồn mỗi người. Chúa đã gieo những hạt giống tốt. Hạt giống đó là Lời Chúa, là ơn Chúa, là những thiện chí, những ý hướng cao đẹp trong tâm hồn con người. Nhưng ma quỷ lén gieo vào những hạt cỏ xấu.

Chúa gieo vào thế giới hạt giống khát vọng hoà bình. Đẹp biết bao nếu mọi dân tộc nắm tay nhau xây dựng một thế giới huynh đệ tươi thắm tình người. Nhưng buồn thay, cánh đồng hoà bình tươi xanh đã bị những ngọn cỏ tham vọng, ích kỷ, ác độc làm hoen ố. Lịch sự thế giới được ghi bằng những trang buồn vì không ngày nào không có chiến tranh.

Thế giới sẽ đẹp biết bao nếu tất cả trí thông minh, tất cả tài nguyên, tất cả năng lực đều góp phần xây dựng. Nhưng buồn thay, rất nhiều trí thông minh, rất nhiều tài nguyên, rất nhiều năng lực đã tiêu tốn trong việc huỷ hoại, tha hoá, nô lệ hoá con người.

Ngay trong bản thân mỗi người, không thiếu những sáng kiến, những hoạt động ban đầu xem ra tốt đẹp, nhưng dần dà vị vẩn đục vì những biến tướng nặng mùi trần tục như khoe khoang, tìm hư danh, tìm lợi lộc.

Đó là những hạt cỏ xấu ma quỷ lén lút gieo vào ruộng lúa tốt.

Tuy nhiên, dụ ngôn cho thấy sự kiên nhẫn và lòng bao dung của Chúa. Chúa đợi cho đến ngày tận thế mới thu lúa cùng với cỏ lùng. Chúa kiên nhẫn đợi chờ vì hi vọng những người tội lỗi ăn năn sám hối. Chúa bao dung tha thứ không nỡ phạt người tội lỗi tức khắc. Chúa yêu thương, tin tưởng người xấu sẽ có ngày nên tốt. Nếu phạt ngay nhưng người tội lỗi thì ta đâu còn cơ may được chiêm ngưỡng ông thánh trộm lành. Nếu Chúa thẳng tay thì ta đâu có thánh nữ Madalêna, Tông đồ của các Tông đồ, thánh Augustinô, Tiến sĩ lừng danh, thánh Phaolô, vị Tông đồ dân ngoại. Nếu Chúa chấp tội thì bản thân ta sẽ là người bị phạt đầu tiên, vì trong ta cũng đầy những tội lỗi, những sự xấu. Trong tâm hồn ta cỏ lùng vẫn mọc xen với lúa tốt.

Sau cùng, dụ ngôn cho ta hiểu tất cả là hồng ân của Chúa. Có sự lành để ta hiểu biết và yêu mến sự tốt lành của Thiên Chúa. Có sự dữ để ta gớm ghét tránh xa và càng thêm gắn bó với sự lành. Có sự lành để ta được hưởng niềm an ủi ngọt ngào của Chúa. Có sự dữ để ta phấn đấu vượt qua, chứng minh lòng trung tín của ta với Chúa. Có thuận lợi tiến bước trên đường thánh thiện. Có khó khăn để ta rèn luyện thêm đức.

Mọi sự đều nên tốt cho kẻ lành. Thật vậy, việc cấm đạo là sự dữ. Nhưng nhờ đó mà Giáo hội có được những chứng nhân anh hùng. Đau khổ và bệnh tật là những khiếm khuyết trong cuộc sống, nhưng lại giúp con người được thông phần đau khổ với Chúa. Thánh Nữ Têrêsa đã nhìn thấy tất cả là hồng ân của Chúa. Sự lành cũng như sự dữ. Hạnh phúc cũng như đau khổ. Thành công cũng như thất bại. Tất cả đều góp phần rèn luyện, vun đắp và thăng tiến người lành.

GỢI Ý CHIA SẺ

1) Khi gặp những người xấu trong xứ đạo, trong hội đoàn, bạn có muốn khai trừ người đó ngay tức khắc không?

2) Trong con người bạn có những khuyết điểm, những bệnh tật, bạn có phấn đấu khắc phục những khuyết điểm, vượt qua bệnh tật để thăng tiến bản thân không?

3) Chúa đã khoan dung, kiên nhẫn đợi chờ bạn ăn năn hối cải. Bạn có biết kiên nhẫn với người khác?

Về mục lục

.

TỰ DO CỦA CON NGƯỜI

Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

Nét nổi trội nơi con người hơn muôn loài muôn vật chính là được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa. Và dấu hiệu của sự trổi vượt ấy chính là sự tự do giống như thần linh mà các tạo vật khác không thể có được. Chính nhờ sự tự do mà con người có khả năng làm chủ mình, đồng thời cũng phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Đây là điểm mạnh và cũng là yếu điểm của con người. Con người có thể sử dụng tự do để đi theo lề luật Thiên Chúa hay đi theo những đòi hỏi của tính xác thịt và theo ý riêng của mình.

Quả thực, con người hơn mọi tạo vật khác là có khả năng biết phân biệt điều thiện điều ác, biết chọn lựa điều nào nên làm hay không nên làm, và vì thế chỉ có con người mới phải nhận lãnh trách nhiệm về việc làm của mình. Có một chuyện ngụ ngôn kể rằng:

Một hôm Satan ra lệnh cho một người kia phải thi hành một trong ba điều nó yêu cầu, nếu không nó sẽ cướp linh hồn người đó. Ba điều đó là: giết cha, hành hạ người em, uống rượu. Người đó ngẫm nghĩ: giết cha, đánh đập người em là điều trái với đạo lý làm người, còn uống rượu thì dễ quá, ai mà không làm được. Thế là anh ta quyết định đi uống rượu. Lúc đầu anh ta còn làm chủ được, nhưng về sau không còn làm chủ được mình nữa, anh đã say lúy túy và kết quả đã diễn ra đúng như qủy mong đợi. Anh ta đã giết cha, hành hạ người em và còn làm nhiều điều tội lỗi khác.

Câu chuyện trên đây có lẽ không chỉ là chuyện ngụ ngôn mà là thực tế xảy ra hằng ngày trước mắt chúng ta. Tội ác luôn tiềm ẩn trong tâm hồn chúng ta. Rơi vào một hoàn cảnh nào đó, nếu không biết tự chủ bản năng, ai cũng có thể là một tên sát nhân. Thế nhưng câu chuyện này không chỉ nêu lên mặt trái của con người, nó còn nói lên nét cao qúy trong lòng con người nữa. Thật thì người đàn ông trong câu chuyện đã không lao vào tội ác như một phản ứng bình thường. Đạo lý và lẽ phải đã đến với anh ta trước tiên. Từ thâm sâu lòng mình, con người luôn hướng về điều thiện. Con thú cắn xé mồi rồi lăn ra ngủ yên, nhưng con người thì không như thế. Thử hỏi có kẻ sát nhân nào mà không cảm thấy bị cắn rứt trong lương tâm, có hành động xấu nào mà không dày vò lòng dạ con người? Con người sinh ra vốn hướng về điều thiện, nhưng ma qủy lại luôn lôi kéo con người vào sự dữ. Thực vậy, con người luôn bị giằng co giữa thiện và ác, giữa phúc và tội. Tại sao vậy?

Thưa, bởi vì Thiên Chúa đã tạo dựng mọi sự đều tốt đẹp, thế nhưng, ma quỷ lại gieo những điều xấu vào thế gian. Nó còn gieo điều gian ác vào trong chính tâm hồn con người. Hạt giống của sự dữ đó được ấp ủ, được nuông chiều nuôi nấng bởi tâm hồn thiếu cương quyết tránh xa sự dữ, thiếu tự chủ trước những tư tưởng bất chính nên hạt giống xấu luôn có cơ hội bùng phát và một khi có cơ hội nó sẽ triển nở làm cho con người ra băng hoại.

Theo giáo lý Kitô giáo, Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta theo hình ảnh Ngài, vì thế, khát vọng sâu thẳm nhất trong lòng ta chính là Thiên Chúa. Chọn tuân phục Chúa, chúng ta có được sự tự do đích thực, được bình an, hạnh phúc. Còn khi chúng ta bất tuân Thiên Chúa, là đánh mất ý nghĩa đời mình, là đặt cuộc sống mình dưới sự điều khiển của sự ác và sẽ bị buông mình trong hố sâu của tội lỗi, tựa như cánh diều chỉ có thể tự do bay bổng khi còn được ràng buộc với sợi dây, con người chỉ có thể được tự do sống trong hạnh phúc khi tự ràng buộc đời mình theo lề luật của Chúa mà thôi.

Tuy nhiên, vì bản tính con người đã bị thương tích do tội nguyên tổ trở nên yếu đuối, dễ sa vào những cám dỗ tội lỗi, như lời thánh Phaolô đã nói: “sự lành tôi muốn làm nhưng tôi lại không làm, còn sự dữ tôi không muốn làm nhưng tôi lại cứ làm”. Đó chính là sự giới hạn của mình, chúng ta cần phải nhờ ơn Chúa qua việc cầu nguyện, năng lãnh nhận các bí tích để xin Thiên Chúa gia tăng ơn cần thiết mà biết làm điều lành tránh điều dữ, và gìn giữ ta trong ơn thánh của Người, mà trong giáo lý chúng ta gọi là ơn thánh hoá và ơn trợ giúp. Vì vậy, để gìn giữ vẻ đẹp linh hồn mình luôn là hình ảnh sống động của Thiên Chúa, chúng ta cần thường xuyên cầu nguyện, siêng năng tham dự thánh lễ và nếu chúng ta lỡ phạm tội chúng ta cần can đảm đến với bí tích giải tội để được ơn tha thứ và qua đó, Chúa sẽ ban ơn soi sáng để chúng ta biết sống đúng với phẩm giá làm người của mình hơn.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn can đảm nói không với sự dữ, luôn kiên trường tránh xa những mưu chước cám dỗ của Sa-tan và luôn trung thành theo giáo huấn của Chúa, ngõ hầu chúng ta luôn trở thành con cái của Thiên Chúa, con cái của tự do không lệ thuộc bởi đam mê tội lỗi. Amen.

Về mục lục

.

HÃY CỨ ĐỂ CẢ HAI MỌC LÊN CHO ĐẾN MÙA GẶT

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Hôm nay, Chúa Giêsu tiếp tục dùng các dụ ngôn để giúp các môn đệ cũng như dân chúng hiểu về “Nước Trời”. Người so sánh ” Nước Trời như một người đã gieo giống tốt trong ruộng mình; Nước Trời giống như hạt cải; Nước Trời giống như nắm men” (x. Mt 13, 24-43), nước ấy ở ngay ” trên mặt đất ” chứ không phải nơi xa lạ. 

Thật vậy, chỉ trên mặt đất mới có chỗ cho lúa và cỏ lùng mọc lên, chỉ trong cuộc sống nhân trần mới có bột cần chất men, nên ở trên Thiên Đàng, chỉ có Thiên Chúa là tất cả mọi sự trong mọi người.

Chúa Giêsu lấy dụ ngôn hạt cải, mô tả nó ” bé nhỏ hơn mọi thứ hạt giống, nhưng khi mọc lên, thì lớn hơn mọi thứ rau cỏ, rồi thành cây “(Mt 13, 32) … ” cũng như men người đàn bà kia lấy đem trộn vào ba đấu bột, cho đến khi bột dậy men “(Mt 13, 33), ngoài ám chỉ sự lớn lên âm thầm nhưng hùng mạnh của Nước Chúa trong lịch sử, Chúa Giêsu muốn nói đến sự nhập thể làm người của chính mình và sức thánh hóa của Chúa Thánh Thần. 

Nếu ai đó không lấy men trộn vào bột làm cho bột dậy men, thì bột đó không thể sử dụng làm thực phẩm được. Nhưng nếu trộn bột vào men, bột sẽ dậy men, đó là cách Chúa Giêsu áp dụng cho Nước Trời… Cũng như thịt : để giữ gìn thịt khỏi hư, chúng ta phải tra muối vào để bảo quản… nếu không thịt sẽ hư và trở nên không phù hợp cho tiêu dùng. Một cách tương tự, nhân loại đại diện cho thịt hoặc bột, Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần là muối và men. Nếu men Thánh Thần và muối Giêsu không xuống thế gian, không mặc lấy bản tính con người, nghĩa là nhào trộn với con người, con người sẽ không bao giờ mất đi mùi hôi thối của tội lỗi, không ” tẩy trừ men cũ, để nên bột mới, là bánh không men ” (1Cr 5, 7) thì không thể được cứu độ.

Nếu con người chỉ dựa vào sức riêng mình, không cần Thánh Thần trợ giúp, thì thật sai lầm; bởi con người không được tạo dựng để ở trên Trời … Nếu người tội lỗi không gặp gỡ Thiên Chúa, không từ bỏ tội lỗi, không được thấm nhuần sức sống thần linh của Thiên Chúa, người ấy sẽ không bao giờ được nếm hưởng cuộc sống đích thực … Trái lại, nếu đón nhận được ân sủng của Chúa Thánh Thần, không ” gây phiền muộn cho Thánh Thần ” (Eph 4, 30), người ấy sẽ hạnh phúc và được sống đời đời.

Dụ ngôn hạt cải và nắm men có lẽ dễ hiểu nên các môn đệ không cần phải giải thích, các ông chỉ xin Chúa Giêsu : ” giải thích dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng ” (Mt 13, 36) sau khi đã về nhà. Và Người đã giải thích : ” Người là kẻ gieo giống. Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái gian ác. Kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần “(Mt 13, 37-39). 

Ở những thế kỷ đầu của Kitô giáo, giáo phái Đô nát cho rằng Giáo hội là tất cả những người lành, còn thế gian thì đầy dẫy con cái sự ác không có hy vọng được cứu độ. Thánh Augustinô quan niệm : “Chính Giáo Hội là một cánh đồng có lúa và cỏ lùng, có kẻ xấu và người tốt đều chung sống với nhau, là nơi để chúng ta bắt chước gương nhẫn nại của Chúa. Những kẻ dữ hiện hữu trong thế gian này hoặc là để được cải hóa hay là nhờ họ mà những kẻ lành có thể luyện tập đức nhẫn nại “.

Vì thế chúng ta có thể rút ra những bài học sau:

1. Cần phải có hành động khôn ngoan, thận trọng, nhẹ nhàng và đúng đắn của người gieo giống tốt, để đề phòng “kẻ thù của ông đến gieo cỏ lùng vào ngay giữa lúa, rồi đi mất ” (Mt 13, 25). Thậm chí người gieo giống tốt có thể bị cám dỗ phản ứng với bạo lực khi áp dụng lời van xin của đầy tớ, ” nếu ông bằng lòng, chúng tôi xin đi nhổ cỏ “(Mt 13, 27). Ông chủ thật tuyệt vời, bởi ông thận trọng thẳng thừng nói: ” Không được, kẻo khi nhổ cỏ lùng, các anh lại nhổ luôn cả lúa chăng. Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt. Và đến mùa, ta sẽ dặn thợ gặt: “Các anh hãy nhổ cỏ lùng trước, rồi bó lại từng bó mà đốt đi, sau mới thu lúa lại chất vào lẫm cho ta” (Mt 13, 29-30).

2. Chúa Giê-su, lúc sinh thời, Người đã phải đối mặt với sự hiện diện của sự dữ, các môn đệ Người cũng thế. Theo Matthêu thì cuộc đối đầu của Chúa Giêsu với sự dữ đã bắt đầu với câu chuyện thời thơ ấu lúc thánh Giuse đưa Đức Maria cùng Người trốn sáng Ai Cập để tránh cuộc thảm sát của Hêrôđê (Mt 2, 1-14). Người sẽ tiếp tục đối đầu khi bị cám dỗ trong hoang địa (Mt 4, 1-11), cũng như trong suốt cuộc đời sứ vụ công khai, và sẽ phải chiến đấu chống lại cái ác cho đến giờ phút cuối cùng của cuộc đời (Mt 26 ; 27). Tuy nhiên, Người sẽ chiến thắng khi sống lại bởi Đức Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần (Mt 28). 

Cũng giống như Thầy mình, các môn đệ Chúa Kitô cũng phải đối mặt với sự hiện diện của cái ác. Sau đó họ phải bắt chước Thầy mình nhẫn nại cho đến thời gian thu hoạch.

3. Trước sự hiện hữu của cái ác, thái độ của các môn đệ Chúa Kitô là gì nếu không phải là chấp nhận. Chúa Giêsu dùng dụ ngôn cỏ lùng để mời gọi chúng ta áp dụng một số thái độ cần phải có đối với sự hiện hữu của cái ác trên thế giới. 

Trước hết cần phải gieo trong chúng ta và xung quanh chúng ta thật nhiều hạt tốt và đặc biệt là thực hiện từng bước để gìn giữ các hạt giống tốt cho đến mùa thu hoạch như là (cầu nguyện, tĩnh tâm, làm việc lành phúc đức, giúp đỡ tha nhân…) 

Tiếp đến là phải hành động với sự khôn ngoan, thận trọng khi đối đầu với sự ác, đồng thời cầu xin Chúa Thánh Thần giúp sức cho, vì: “Thánh Thần nâng đỡ sự yếu hèn của chúng ta ” (Rm 8, 26). 

Cần phải đứng vững trong đức tin, hy vọng và bác ái; nghĩa là chinh phục cái ác bằng việc làm tốt, theo lời khuyên của thánh Tông đồ Phaolô: “Chớ để sự dữ thắng được ngươi, nhưng hãy lấy lành mà thắng dữ” (Rm 12, 21).

Chúng ta hãy hướng tới Mẹ Maria với lòng tin tưởng, để Mẹ giúp chúng ta trung thành theo Chúa Giêsu, và sống như con cái của Thiên Chúa.

Về mục lục

.

NHẪN NẠI TRONG YÊU THƯƠNG

L.m Giuse Hoàng Kim Toan

Cỏ lùng và lúa rất giống nhau khi phát triển thành cây trưởng thành, chỉ khi ra bông hạt, người ta mới biết rõ đâu là cỏ lùng và lúa. Biết lúc này, người nông dân cũng không thể vào nhổ cỏ lùng được nữa, đành phải chờ cho đến khi mùa gặt mới loại ra được. 

Truyện dụ ngôn này thấm thía về ý nghĩa lòng yêu thương nhẫn nại của Chúa. Chúa biết những gì lầm lỗi của con người và Chúa chỉ mong con người sớm hối lỗi để được chũa lành.

Hết lòng tha thứ

Dường như đã nhiều lần Chúa đã buồn lòng vì sự chai đá của con người: “Nói tha thứ hay nói vác chõng mà đi đàng nào dễ hơn”  (Mc 2, 1 – 12). Con người thường hay bắt tội nhau hơn là thông cảm và tha thứ. Hành vi tha thứ là hành vi mang lại nhiều lợi ích cho thể lý và tinh thần. Thế nhưng, cuộc sống bon chen, đầy áp lực, dễ đưa con người vào chỗ buông cho tính nóng nảy, giận hờn, tức giận, thù hằn hơn là tha thứ. Chúa vẫn biết như thế nên Chúa vẫn kiên nhẫn bảo ban: “Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha.” (Lc 6, 37).

Nhẫn Nại trong yêu thương.

Cuộc sống nhanh làm cho con người mất đi nhiều niềm vui đáng được hưởng. Sống nhanh, gấp gáp, điều gì cũng muốn dứt khoát, không dây dưa. Điều này tốt cũng có mặt xấu, khi ứng xử với con người với nhau nhiều khi dẫn đến nhiều rạn nứt trong tương quan và đôi khi biến nhau thành kẻ thù. Trong lối sống nhanh, về mặt xấu cũng dẫn đến loại văn hóa vứt bỏ. Nhẫn nại là một đòi hỏi: đón nhận, chịu đựng, hy sinh, tha thứ… (1Cor 13, 7 – 13).

Thời gian là phương thuốc chữa lành.

Chúa dạy yêu thương có lẽ là bài học khó nhất trong cuộc sống. Tuy nhiều người cũng được sinh ra và lớn lên trong tình thương nhưng yêu thương nhau sao lại khó thế. Nhất là trong bối cảnh Việt Nam, niềm tin vào nhau còn ít lắm, cuộc sống bon chen từng ngày, chật chội… Không còn những giá trị xưa truyền thống để lại: “Một câu nhịn, chín câu lành”, “Thương người như thể thương thân”… Sống với nhau cứ dè chừng, nghi kỵ, bởi vì nhiều gian dối quá. Yêu thương khó quá làm sao có thể chờ thời gian là phương thuốc chữa lành được, vì càng ngày càng xấu đi. Chỉ có Chúa mới dạy: “Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt.” (Mt 13, 30).

Vẫn còn lúa tốt giữa cỏ lùng.

Dú sao đi nữa, con người vẫn còn lúa tốt giữa cỏ lùng, và ngay cả trong tâm hồn kẻ xấu vẫn có điều tốt. Thiên Chúa không bao giờ thất vọng về con người: Chỉ cần ít người công chính cũng có thể cứu thành Sodoma và Gomora, như trong mẫu đối thoại giữa Abraham và Chúa (St 18, 16 – 33), và ngay cả nơi người tội lỗi Chúa vẫn không tắt niềm hy vọng: “Từ nay con đừng phạm tội nữa” (Lc 7, 48; Ga 8, 11). Chúa dạy con người tiếp tục kiên nhẫn và cầu nguyện cho người tội lỗi, tội lỗi cần loại trừ nhưng thương xót cho tội nhân. Mỗi người đều là tội nhân vì trong mình vẫn có thứ cỏ lùng và một lần nữa Chúa cũng dạy trong kinh Lạy Cha: “Xin Cha tha nợ chúng con như chúng con cũng tha nợ kẻ có nợ chúng con”.

Lạy Chúa, cỏ lùng vẫn còn ở nơi chúng con, ngay cả khi chúng con sống giả hình, giả tạo, hai mặt, chưa thật lòng, thật tâm,như cỏ lùng giống với lúa. Ngay khi chúng con còn xa cách Chúa, sống hời hợt không bén rễ sâu trong lòng yêu mến Chúa để thực sự cây lúa lớn mạnh chèn ép lại cỏ lùng. 

Xin ban thêm lòng yêu mến Chúa nơi chúng con, xin cho chúng con cũng hết lòng yêu thương anh chị em chúng con, dù ngay bây giờ chưa được nhưng cho chúng con tiệm tiến mỗi ngay hoàn hảo hơn.

Về mục lục

.

CỨ ĐỂ CẢ HAI MỌC LÊN

Lm.Giuse Nguyễn Hữu An

Nước Trời là một mầu nhiệm, Chúa Giêsu đã mạc khải và thiết lập trong lịch sử nhân loại. Qua những hình ảnh đơn sơ, bình dị, gần gũi với cuộc sống, Chúa Giêsu đã dùng nhiều dụ ngôn để giảng dạy về Nước Trời.

Chúa Nhật trước với dụ ngôn “người gieo giống”, Chúa Giêsu cho thấy Nước Trời đã khai mạc. Cũng như người gieo giống đi gieo hạt trên khắp cánh đồng, Chúa Giêsu cũng gieo hạt giống Lời Chúa. Hạt giống ấy tăng trưởng trổ sinh hoa trái nơi mỗi người ra sao là tùy thái độ đón nhận của từng người ấy.

Chúa Nhật hôm nay, Chúa Giêsu tiếp tục giảng dạy về Nước Trời bằng dụ ngôn “lúa và cỏ lùng”. Như vậy, sau khi nói đến việc khai mạc Nước Trời, Người nói đến sự phát triển của Nước Trời trong lịch sử trần thế.

Chúa Giêsu đã khởi đầu công trình của Người với một nhóm nhỏ Mười Hai Tông Đồ. Sự khiêm tốn của “hạt cải bé nhỏ được gieo vào lòng đất bao la”. Sự khiêm tốn của “một nắm men bị vùi sâu vào ba đấu bột”. Điều kỳ diệu là “hạt bé hơn mọi thứ hạt giống” lại “trở thành cây cao bóng cả đến nỗi chim trời có thể đến nương náu nơi ngành nó”. Nắm men ít ỏi kia lại có khả năng làm dậy lên cả ba đấu bột chôn vùi nó. Cũng như vậy, Nước Trời sẽ vươn xa vươn rộng cho muôn dân nước đến nương nhờ. Hạt giống Nước Trời đã làm dậy lên cả thế giới bằng một tinh thần mới của Tin Mừng,biến đổi lịch sử trong tình thương và hòa bình.

Một vấn nạn luôn được đặt ra: Nếu Nước Trời đã được Chúa Giêsu thiết lập cách đây hơn 20 thế kỷ và nếu Thiên Chúa là Đấng nhân hậu giàu lòng xót thương thì tại sao cho đến nay cuộc sống con người vẫn đầy dẫy bất công, bạo lực, khổ đau, chiến tranh tương tàn,và xem ra sự dữ có chiều hướng gia tăng ? Đôi khi những người xấu xa tội lỗi gian manh lại giàu có sung túc trong đời sống vật chất hơn những người lành ? Vấn nạn này vẫn luôn là trăn trở khôn nguôi người Kitô hữu ở mọi thời đại ! Dụ ngôn “lúa và cỏ lùng” giải thích vấn nạn ấy.

Cánh đồng được gieo toàn hạt giống tốt.Thiên Chúa đã gieo vào trần thế những con cái Nước Trời. Ban đêm kẻ thù xuất hiện. Satan tới gieo cỏ lùng. Thế là có cảnh lẫn lộn trên trần gian. Người lành kẻ dữ cùng chung nhau một mảnh đất. Đang khi hạt giống được gieo giữa ban ngày thì Satan lại lợi dụng đêm tối khi mọi người đã mất cảnh giác để gieo rắc tội lỗi. Hành động thấp hèn. “Xấu” chưa chắc đã “hèn”, nhưng “hèn” thì chắc chắn là “xấu”, bởi lẽ nhiều tay “giang hồ”, bặm trợn, vẫn rất ghét thói “ném đá dấu tay”, trong khi động cơ, phương tiện và mục đích của những hành động lén lút, luôn là bỉ ổi, xấu xa và hại người. 

Thế giới này giống như cánh đồng lúa đầy cỏ lùng xen vào. Những ông thánh sống lẫn lộn với những thằng quỷ, tốt xen lẫn với xấu. Tốt như những tổ chức nhân đạo, nhân quyền, hoà bình thế giới: UNESCO, UNICEP, FAO, OLYMPIC, WORLD CUP là những tổ chức xây dựng văn hoá, giáo dục tình thương bảo vệ sức khoẻ trẻ em, phát triển lương thực thế giới, thăng tiến những tài năng, chăm lo y tế. Nhưng lại có rất nhiều những tổ chức xấu xen vào như Mafia, buôn lậu, ma tuý, vũ khí, khủng bố, trộm cướp, du đãng, buôn bán trẻ em, phim ảnh sách báo đồi truỵ… Đồ thật, hàng tốt bị xen lẫn hàng xấu, đồ giả. Người lương thiện, chân chính bị lẫn lộn với kẻ tham ô, móc ngoặc, bất lương. Những thứ cỏ lùng gai góc đó không bao giờ hết, chỉ đến mùa gặt tận thế chúng mới bị quét sạch, đốt sạch. Tận thế sẽ thiêu đốt tất cả những thứ cỏ lùng đó, những kẻ xấu, kẻ dữ đó. Còn lúa thì được gánh về, chở về kho. Những thánh nhân, những người lương thiện, công chính sẽ sáng chói trong ngày vinh quang đó, họ được rước vào nước hạnh phúc đời đời. 

Thấy cỏ lùng xuất hiện với lúa, các đầy tớ đến hỏi ông chủ : “Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao ? Thế thì cỏ lùng ở đâu ra vậy ?”.Thấy sự dữ tràn lan trên thế giới, bao nhiêu người thắc mắc: sự dữ, sự ác bởi đâu ra ? Chúng ta nhiều lần thấy gian tà thắng ngay lành, bất công thắng công chính. Kẻ ác thắng kẻ thiện, cũng thất vọng kêu trách : Sao Chúa để kẻ dữ sống lâu, mạnh khoẻ, giàu sang, may mắn, còn kẻ lành phải khổ cực trăm chiều? 

Trước những thắc mắc đó, Chúa đáp : “Kẻ thù đã làm đó!” Kẻ thù là ai ? Thánh kinh cho biết có hai thứ kẻ thù : kẻ thù ở trong ta và kẻ thù ở ngoài ta. Kẻ thù ở ngoài ta có những tên khác nhau : con rắn cám dỗ phỉnh gạt (St 3,2.13), con rồng, rắn xưa, quỷ, satan (Kh 12,9), con thuồng luồng Leviathan (Is 27,1), kẻ thù, kẻ chống đối (Mt 13,25; Lc 10,19; 2Cr 6,15). Những kẻ thù này ở ngoài con người, nhưng chúng xâm nhập vào con người sâu hiểm tới độ đồng hoá với bản tính nhân loại. Nhưng chúng sẽ bị “Thiên Thần Chúa từ trời xuống, tay cầm chìa khoá vực thẳm và một dây xích lớn, bắt lấy con rồng, tức là con rắn xưa cũng là ma quỷ satan xích nó… quăng vào vực thẳm, rồi đóng cửa niêm phong lại” (Kh 20, 2-3). Nhưng một mình quỷ thôi, chúng sẽ bất lực như bất lực đối với Thánh Gióp. Chỉ khi có sự tiếp tay của ta như Eva tiếp nó, nó mới thành kẻ thù trong ta : nó trở nên kẻ nội thù ghê gớm. Nó mọc lên những cỏ lùng, bụi gai, đá sỏi, quỷ dữ (Mt 13,18-22). “Vì tự lòng phát xuất ra những ý định gian tà, những tội giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cướp, chứng gian, vu khống” (Mt 15, 19). Khi chủ cho biết kẻ thù làm đó, thì đầy tớ xin nhổ đi, chủ sợ hại đến lúa, nên ông đáp : “Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt”. Thái độ của chủ thật khôn ngoan, ông kiên nhẫn chờ đợi đến mùa gặt, mới nhặt cỏ lùng đốt đi.

Có thể trong tâm tưởng nhiều người lại quy gán cho Thiên Chúa trách nhiệm về tình trạng khổ đau đó chẳng khác gì câu hỏi ngày xưa: “Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Vậy cỏ lùng ở đâu mà ra?” Một câu hỏi không lên án nhưng chứa đựng sự nghi ngờ.

Để trả lời cho vấn nạn đó, Chúa Giêsu đã lấy lại giáo huấn của sách Sáng Thế : Sự ác không đến từ Thiên Chúa. Ngài chỉ gieo hạt giống tốt lành vào mảnh đất người đời. Sự ác cũng không chỉ đến từ tâm trí con người nhưng nó đã có trước đó.Sự dữ cũng là một mầu nhiệm. Đối với Chúa Giêsu, con người là nạn nhân của sức mạnh mà Người gọi là ”Kẻ thù”, là ”Quỷ dữ” như cách diễn tả trong dụ ngôn : “Khi mọi người đang ngũ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng rồi đi mất”. Ở cội nguồn tội lỗi của con người,còn có một sức mạnh luôn tìm cách phá hoại công trình của Thiên Chúa và hành tung của nó rất bí mật. Đó là quỷ dữ lợi dụng đêm tối để gieo rắc tội lỗi rồi trốn đi.Thánh Phaolô đã nói về sự dữ trong thư Rôma : Công cuộc tạo dựng của Thiên Chúa tốt lành.Satan đã cám dỗ Adam, Eva, Nguyên Tổ sa ngã,tội lỗi sinh ra đau khổ và sự chết rồi nó như con bạch tuộc vươn vòi vào trần thế, con người nô lệ cho tội lỗi và nhận lấy án phạt là sự chết (x.Rm 1,20 -31 ;15,12).Ma quỷ luôn có mặt để gieo rắc sự xấu.

Thiên Chúa gieo vào thế giới hạt giống khát vọng hòa bình. Đẹp biết bao khi mọi dân tộc nắm tay nhau xây dựng một thế giới huynh đệ tươi thắm tình người. Nhưng thực tế lại đáng buồn thay ! Cánh đồng hòa bình tươi xanh đã bị những cỏ dại của tham vọng, ích kỷ, ác độc làm hoen ố. Lịch sử thế giới được ghi bằng những trang buồn đau vì không lúc nào mà không có chiến tranh.

Thế giới này sẽ tươi đẹp biết bao nếu tất cả trí thông minh, tất cả tài nguyên, tất cả năng lực đều góp phần chung tay xây dựng! Nhưng thật đáng tiếc,rất nhiều trí thông minh, rất nhiều tài nguyên, rất nhiều năng lực đã tiêu tốn trong việc hủy hoại, tha hóa, nô lệ hóa con người. Đó là những hạt cỏ xấu ma quỷ lén lút gieo vào ruộng lúa tốt. Lúa tốt và cỏ lùng lẫn lộn trên cùng ruộng lúa. Cái tốt, cái xấu đan xen trong cuộc sống hàng ngày,nhất là trong tâm hồn mỗi người. Ở đó, hạt mầm sự sống và nọc độc sự chết cùng sống chung. Mỗi con người chắc chắn đều có kinh nghiệm bản thân như Thánh Phaolô đã từng kinh nghiệm “Điều lành tôi muốn làm tôi lại không làm, còn điều dữ tôi không muốn làm nhưng tôi lại cứ làm ( Rm 7,19). Con người có tự do để chọn lựa cái đúng cái sai, chọn cái tốt cái xấu. Nước Trời cũng gồm những con người có tự do, thì cũng có những người xấu do chọn lựa sai lầm. Cảm nhận được sự thật ấy trong tâm hồn mình để chúng ta biết khoan dung trong cách nhìn về người khác. Sự khoan dung không đồng nghĩa với đầu hàng cái ác nhưng phát xuất từ niềm tin vững chắc vào sự tất thắng của Nước Trời: “Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi”. Cho dù cỏ lùng có bóp nghẹt lúa tốt trong một thời gian dài, nhưng mùa gặt đến, cỏ lùng sẽ bị gom lại và đốt đi, còn lúa tốt được cất vào kho lẫm.

Cỏ lùng chẳng bao giờ thành lúa tốt được,nhưng người xấu có thể hoán cải để nên người tốt.Thiên Chúa ghét tội lỗi nhưng lại yêu mến tội nhân vì Người chờ nơi họ lòng thống hối để được thứ tha (x.Rm 2,4). Chính vì thế mà Thiên Chúa kiên tâm chờ đợi. Chờ đợi vì Thiên Chúa tin vào sự hoán cải của con người. Chờ đợi vì Thiên Chúa tôn trọng tự do lựa chọn của con người. Chờ đợi vì Thiên Chúa nuôi một niềm hy vọng lớn lao.Thiên Chúa vẫn luôn nhẫn nại đợi chờ cho đến ngày tận thế “ cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt”.

Cỏ lùng và lúa tốt nằm ở trong tim con người. Mỗi người đong đưa giữa cỏ lùng và lúa tốt, giữa cái thiện và cái ác, giữa Thiên Thần và Satan.Tự do chọn lựa là quyền mỗi người.Thiên Chúa vẫn chấp nhận cỏ lùng trong con người. Thiên Chúa nhẫn nại đợi chờ con người thanh luyện dần dần và hy vọng mọi sự trong họ sẽ thành lúa tốt. 

Lạy Chúa, xin cho con nhẫn nại và can đảm cùng đi với Chúa và với tha nhân trên những nẻo đường ghập ghềnh cuộc đời, trong thác dốc tâm hồn với tất cả niềm tin và hy vọng. Amen.

Về mục lục

.

NƯỚC TRỜI CHO TA

Bông hồng nhỏ

Mưa rơi, thấm đẫm nương đồng. Lúa ngô xanh mướt, cỏ cây cùng xanh tươi một màu của sự sống. Nhìn ngắm vẻ đẹp của thiên nhiên, ta nghe Lời vang vọng trong tâm hồn. Lần mở trang Tin Mừng, ta nhẩm đi nhẩm lại từng Lời Chúa, thủ thỉ xin Thánh Thần làm cho trái tim ta được mềm ra trước ánh sáng của Lời.

Hôm nay, ta được nghe Thầy Giêsu trình bày các dụ ngôn về Nước Trời. Nước Trời giống như chuyện người kia gieo giống tốt vào ruộng, nhưng đêm đến kẻ thù đã đến gieo cỏ lùng vào giữa lúa. Cả hai cùng sống chung một đám ruộng nhưng chỉ có lúa mang lại ích lợi cho chủ, còn cỏ lùng chỉ là thứ bỏ đi, cần phải thu gom và đốt đi. Ta không lạ lẫm gì với cách người nông dân miệt mài chăm sóc ruộng lúa, những mong có được mùa lúa bội thu. Bác làm cỏ, xịt thuốc cho cỏ dại chết đi, để lúa lớn lên. Thế nhưng, Con Người gieo hạt giống tốt lại không nhổ cỏ lùng đi mà để cho sống, mặc dù người đầy tớ đã hiến kế để diệt trừ cỏ lùng. Con Người không muốn vì nhổ cỏ lùng mà làm bật luôn rễ lúa. Có chăng một tâm hồn tội lỗi được hoán cải nhờ sống bên cạnh một tâm hồn ngập tràn Chúa? Người thánh thiện như chút men được vùi vào khối bột, họ nâng đỡ và yêu thương những ai lầm đường lạc lối, thế là cả khối bột dậy men. Đợi đến ngày mùa, lúa sẽ được thu vào kho lẫm còn cỏ lùng thì sẽ gom lại mà đốt đi. Thật đáng tiếc cho những tâm hồn mãi không được biến đổi.

 Thầy Giêsu giảng giải dụ ngôn cỏ lùng cho các môn đệ. Ta lắng tai nghe, lời Thầy như đang nói với chính ta: “Ai có tai thì nghe” (Mt 13, 43b). Chẳng phải Lời đang đến trong tâm hồn ta và chất vấn ta đó sao? Ta là lúa tốt hay chỉ là cỏ lùng? Khi sống giữa thế gian, người tốt sống bên cạnh kẻ gian ác. Ta là ai trong số họ? Nếu ta là một người tốt, ta đã làm gì để nêu gương cho những người sống kế cận ta? Như men trong bột được “bà kia vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.” (Mt 13, 33), ta có trở thành chất men “dậy cả khối bột đời”?  

Như men trong bột, Lời đến và làm cho lòng người được biến đổi. Lịch sử vẫn có những con người được biến đổi cách ngoạn ngục. Một Mátthêu tội lỗi mải mê bên bàn thu thuế, được Chúa nhìn đến “xót thương và tuyển chọn”, ông trở thành một Tông đồ nhiệt tâm rao giảng cho Lời. Một Phaolô nhiệt thành bắt bớ đạo, sau cú ngã ngựa trên đường đến Đamat, ông được Chúa tuyển chọn làm Tông đồ dân ngoại. Chúa nhân lành vẫn yêu thương con người, dù chúng ta bất trung và nguội lạnh. Thánh Thần vẫn tác động trên từng tâm hồn mỗi chúng ta. Mưa vẫn rơi và nắng vẫn chiếu tỏa trên kẻ lành cũng như người dữ. Hạt mầm hy vọng vẫn được gieo xuống trên từng tâm hồn. Nước Trời thuộc về những người tin. Đức tin dù nhỏ bé như hạt cải nhưng có sức mạnh kiên vững trước phong ba. Đức tin trong tâm hồn mỗi người được Chúa ban cách nhưng không. Như cây cải mọc lên từ một hạt cải nhỏ bé và trở thành cây lớn cho chim chóc đến làm tổ thế nào, người có đức tin cũng trở thành một chỗ dựa cho những ai kém lòng tin như vậy. Sống bên cạnh một người có đức tin vững mạnh và luôn đầy tràn ơn Chúa, ta được nâng đỡ và hướng dẫn bởi gương sáng của họ. Một người xấu cũng có cơ hội trở thành một người lương thiện, và một người lương thiện cũng có thể trở thành một người xấu. Người Việt ta đã chẳng có câu “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” đó sao. Hãy để cho Thần khí biến đổi và làm mới tâm hồn ta.

Lạy Chúa Giêsu! Con cảm tạ Chúa đã dạy dỗ chúng con. Nước Trời là niềm hy vọng của chúng con. Như các Tông đồ đến bên Chúa Giêsu để xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn thế nào, thì xin Chúa cũng cho chúng con biết năng đến với Chúa để được lắng nghe sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Mầu nhiệm Nước Trời chỉ dành cho những ai có tâm hồn bé mọn. Xin cho chúng con biết sống bé mọn là sống khiêm nhường, đơn sơ, phó thác nơi Chúa. Amen.

Về mục lục

.

NƯỚC TRỜI TRONG TA

Anna Cỏ may

Một màu lúa chín vàng lùa theo làn gió dưới ánh nắng chói chang. Những hạt lúa trĩu nặng đu đưa. Thấp thoáng những cây cỏ dại vươn mình phơi phới. Nhưng rồi đến ngày thu hoạch, những cây cỏ dại lại bị con người loại bỏ. Và đây cũng là điều mà Chúa Giêsu cũng muốn nói qua dụ ngôn “Cỏ lùng”.

Dụ ngôn “Cỏ lùng” tiếp nối cho dụ ngôn “Người gieo giống”. Ngài nói: “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống trong ruộng mình” (Mt 13, 24-26). Cỏ lùng hay còn gọi là cỏ dại, là thứ cỏ mà người nông dân phải tốn hao sức lực và mất thời gian để diệt nó. Có lọai thân hình tựa như cây lúa khiến cho người nông dân rất khó nhận ra. Có loại cỏ thì khác cây lúa nên dễ nhận biết. Và chúng đã lấy hết các chất dinh dưỡng của cây. Vì thế, mọi người ngày đêm tìm cách để diệt nó. Nào là nhổ đi, hay xịt thuốc… Nhưng rồi, đến mùa thu hoạch chúng vẫn còn. Còn những cây lúa thì phải chịu đau, chịu xây xát. Như vậy, chỉ còn cách là để đến ngày thu hoạch mới diệt được tận gốc. Và Chúa Giêsu đã ví Nước Trời như vậy.

Sau khi nghe dụ ngôn, các môn đệ chưa hiểu Thầy nói. Cho nên, các ông liền đi gặp riêng Thầy để hỏi. Thấy các môn đệ tha thiết hỏi, Thầy nói: “Ruộng là thế gian, kẻ gieo hạt giống tốt là con người, người gieo cỏ lùng là Ác Thần. Mùa gặt là ngày tận thế, thợ gặt là các Thiên Thần.”(Mt 13, 37-39). Chúa Giêsu cũng muốn nói với chúng ta rằng: Nước Trời ở thế gian có sự lành và sự dữ lẫn lộn, người lành sống chung với kẻ dữ, mọi người khó mà phân biệt. Như vậy, Nước Trời cũng là nơi để tập họp nhiều thành phần trong xã hội và cùng hướng về một mục đích. Chính Chúa Giêsu cũng đã nói với các Biệt Phái rằng: “Nước Trời ở giữa các ông” (Lc 17, 21).

Khi nghe điều ấy, có lẽ chúng ta có một cái nhìn gì đó về Nước Trời. Có khi chúng ta đang hoang mang, có cảm giác sợ. Nhưng may mắn thay, Chúa Giêsu cho chúng ta nghe xen lẫn hai dụ ngôn về sự phát triển vững mạnh của Nước Trời. Dụ ngôn “Hạt cải” và dụ ngôn “Nắm men”.

Dụ ngôn “Hạt cải”, cho chúng ta nghĩ đến loại rau mình ăn hằng ngày. Chúng ta sẽ có phản ứng không đồng ý với Lời Chúa. Thực ra loại hạt cải này chính là giống cải ở Giêrusalem. Chúng rất nhỏ và có màu đen. Nhưng khi được gieo xuống đất, nó mọc lên rất to và cao đến hai thước. Vì thế, Chúa Giêsu đã nói: “Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải nọ lấy gieo trong ruộng mình” (Mt 13, 31-32). Ngài có ý nói rằng: Nước của Ngài thành lập khởi đầu trong âm thầm, bé nhỏ như hạt cải, nhưng sẽ vươn lên tươi tốt và mạnh mẽ. Thưở xưa, những môn đệ của Ngài là những người ngư phủ và thấp hèn. Trước khi về Trời, Ngài đã quy tụ và sai các ông đi rao giảng. Từ đó Giáo Hội bắt đầu lan rộng trên khắp thế giới.

Còn dụ ngôn “Nắm men” cho chúng ta thấy ơn Chúa hoạt động trong các linh hồn. “Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy chôn vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.” (Mt 13, 33). Vậy, phải chăng Nước Trời cũng ở trong tâm hồn chúng ta nữa? Thật là mầu nhiệm.

Hai dụ ngôn mặc dù nói về sự phát triển của Nước Trời, nhưng sự phát triển ấy cũng cần thời gian, cần sức chịu đựng, nhẫn nại và sự hợp tác của chúng ta. Ngài mời gọi chúng ta hãy cộng tác trong sự tin tưởng, phó thác và luôn lắng nghe, làm theo Lời Ngài dạy. Nhờ đó, chúng ta mới hưởng hạnh phúc Nước Trời.

Lạy Chúa Giêsu, những dụ ngôn của Ngài thật đi sát với đời sống của chúng con. Nhưng vì chúng con chưa ý thức, chưa yêu đủ, chúng con còn mải mê những chuyện vô bổ mà quên đi hạnh phúc Nước Trời. Xin Chúa hãy tiếp tục kiên nhẫn đánh thức chúng con, để chúng con hằng ngày được Lời chạm đến và tỉnh thức hơn về cuộc sống vĩnh cửu là Nước Trời mai sau. Amen.

Về mục lục

.

KIÊN NHẪN VÀ CHỜ ĐỢI

Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi

Thường chúng ta sống ở trần gian này luôn có sự lành, sự dữ, luôn có thiện, có dữ. Lành dữ luôn xen lẫn với nhau.Thiên Chúa có người cho rằng Ngài là Đấng ở trên cao luôn khắt khe xét xử con người. Tuy nhiên, Đạo Công Giáo do Chúa Giêsu thiết lập là Đạo tình thương và tha thứ. Thánh Gioan định nghĩa Thiên Chúa là tình yêu. Bài dụ ngôn lúa và cỏ lùng mà Tin Mừng của thánh Matthêu hôm nay trinh bày, muốn nhắc lại cho chúng ta về Thiên Chúa tình yêu và tha thứ. Dụ ngôn là câu trả lời thật công minh, rõ ràng, dứt khoát của Chúa Giêsu trước sự chai lì, cứng cổ của dân Chúa và đây cũng là câu giải đáp của Chúa Giêsu trước những thắc mắc thường xuyên của các môn đệ :” tại sao Chúa không trừng phạt nhãn tiền những kẻ làm điều gian ác ? “.

Hình ảnh Chúa Giêsu đưa ra trong dụ ngôn này :” lúa luôn luôn là lúa, không bao giờ lúa có thể biến thành cỏ dại. Còn cỏ lùng tự bản chất của nó là cỏ dại, cỏ xấu, nên muôn đời nó vẫn là cỏ xấu, nó không thể nào trở thành lúa tốt được. Nơi bản thân con người cũng có hai mãnh lực khác nhau : thiện ác xen lẫn nhau như lúa và cỏ lùng trong một thửa ruộng. Đối với con người Thiên Chúa dựng nên bản chất là tốt, tuy nhiên khi lớn lên có thể mắc phải những thói hư, tật xấu. Nhưng với ơn Chúa giúp con người có thể trở nên tốt và tốt hơn, khác hoàn toàn với lúa và cỏ lùng. Dụ ngôn cỏ lùng và lúa nói lên sự chậm giận, kiên nhẫn, chờ đợi người tội lỗi quay trở về. Vua Đavít đã cho thấy :” Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giầu tình thương “ ( Tv 102,8 ). Thiên Chúa luôn nhẫn nại, chờ đợi bởi vì trước ruộng lúa xanh tươi, nhưng lại có nhiều cỏ lùng đan xen, ông chủ thật sự rất kiên nhẫn trước sự đề nghị của các đầy tớ :” Ông có muốn chúng tôi ra đi nhổ cỏ lùng không ? “, ông chủ đã không nao núng, xôn xao mà ôn tồn trả lời :” Cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt ! “. Ông chủ đã kiên nhẫn, đợi chờ cho đến khi lúa chín vàng, đến mùa gặt, rồi khi gặt ông mới tách lúa ra một nợi và tiêu diệt cỏ lùng. 

Ông chủ trong dụ ngôn này giống như Thiên Chúa từ nhân và hay tha thứ. Trước một thế giới có muôn hình vạn trạng lành dữ, tốt xấu, thiện ác. Thiên Chúa luôn kiên nhẫn, đợi chờ đến ngày tận thế, Ngài mới phân biệt người lành, kẻ dữ, như chiên và dê trong đoạn Tin Mừng của thánh Matthêu 25, 1tt…nói về ngày chung thẩm. Thiên Chúa luôn kiên nhẫn chờ đợi như xưa dân Do Thái cứng đầu cứng cổ, bướng bỉnh phản nghịch lại Ngài, tuy nhiên Ngài luôn cho họ cơ hội để ăn năn, sám hối và trở về với Ngài…Vâng, lúc nào, nơi nào và muôn thời Thiên Chúa luôn nhẫn nại, trung kiên đợi chờ và cho con người nhiều cơ hội để biến đổi nhờ ơn sủng của Chúa và nhờ tác động của Chúa Thánh Thần để họ cũng được hưởng nước trời…Chúa không dung tha tội ác nào, Ngài lên án gắt gao thói giả hình của Pharisêu, Biệt phái và con người, nhưng Ngài lại khoan dung, cảm thông và tha thứ cho những người yếu đuối tội lỗi ăn năn sám hối, trở lại : một phụ nữ ngoại tình, một Maria Magđala, một Gia Kêu, một người trộm lành hay một Phêrô chối Chúa…Ngài cảm thông, tha thứ cho họ vì họ có lòng ăn năn hối cải vv…Ngài cảm thông đối với những người yếu đuối, nhưng còn tha thứ cho chinh những kẻ hành hạ, giết Ngài.

Chúa Giêsu là mẫu gương tuyệt vời của người Cha nhân hậu đón người con út trở về và tha thứ tất cả cho cậu. Chúa hiền lành đã bỏ 99 con chiên mà đi tìm một con chiên lạc vv và vv…Đọc Tin Mừng của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ nhận ra con Người hiền lành, khiêm nhượng và nhân hậu của Ngài. Tha thứ là vẻ đẹp cao quí nhất của Chúa nhưng cũng là vẻ đẹp tuyệt vời của tâm hồn của mỗi người. Tha thứ là một điều khó nhưng không phải không thực hiện được. Chúng ta cầu xin cho mỗi người chúng ta biết sống ơn tha thứ và mau mắn tha thứ cho người khác như Chúa đã tha thứ cho chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết sống khoan dung, cảm thông, nhân hậu và tha thứ như Chúa đã dạy và đã sống. Xin Chúa cho chúng con hiểu được lời Chúa qua miệng ngơn sứ Êdêkiên :” Ta chẳng vui gì khi kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó thay đổi để được sống “ ( Ed 33,11 ).Amen.

Gợi ý để chia sẻ :

1.Lúa và cỏ lùng là gì ?
2.Tại sao ông chủ lại nói :” Cứ để cỏ lùng và lúa mọc lên “ ?
3.Thái độ của các đầy tớ trong dụ ngôn lúa và cỏ lùng thế nào ?
4.Ông chủ là ai ?
5.Chúa khuyên chúng ta điều gì ?
6.Kinh nào giúp chúng ta cảm nhận được sự tha thứ của Chúa ?

Về mục lục

.

NƯỚC TRỜI ĐƯỢC VÍ NHƯ CHUYỆN…

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty

Đoạn Tin Mừng dài hôm nay chỉ có một chủ đề duy nhất: qua một số hình ảnh dễ hiểu, Nước Trời được Đức Giê-su phác lên những nét đặc thù, mà thoạt nhìn xem ra rời rạc, nhưng nếu nhìn thật kĩ, ta mới thấy chúng bổ sung cho nhau cách hết sức chặt chẽ. Vì thế, để có thể hiểu sâu rộng hơn về các dụ ngôn này, tôi thiết nghĩ cần phải đầu tư thêm đội chút suy nghĩ nữa.

Hai dụ ngôn đầu chẳng hạn, được nhiều người giải thích như sau: sức mạnh của Nước Trời được ví như hạt cải, tuy nhỏ bé nhưng lại mọc thành cây lớn, như dúm men ít ỏi mà làm cho cả ba thúng bột dậy men, vì đó là sức mạnh của chân thiện mỹ, mà chân thiện mỹ thì không gì có thể cưỡng lại được. Giải thích như vậy thật có lý, nhưng chỉ mới dựa trên lý luận lô-gích về mặt lý thuyết; thực tế cho thấy: ngay cả giữa các tu sĩ, nhiều người còn nghi ngại về sức mạnh của gương mù gương xấu hơn là tin tưởng vào sức mạnh của gương lành hay nhân đức. Ngay cả Hội Thánh, tuy rất tự hào về các chân lý mình sở đắc nhưng nhiều khi vẫn run sợ, lép vế trước các thói đời, lạc thuyết… Vậy thì, trong suy nghĩ của Đức Giê-su, sức mạnh vô địch của Nước Trời hệ tại điều gì? Chắc chắn phải hệ tại ở điều gì khác xa thứ lô-gic thông thường lắm!

Còn dụ ngôn thứ ba thì được Đức Giê-su kể, rồi sau đó lại được chính Người giải thích, nhằm đáp ứng yêu cầu của các môn đệ. Nhiều người cho rằng, dụ ngôn này nói về tình trạng chịu vậy của người lành phải sống chung với kẻ dữ chờ ngày phán xét. Nếu quả thật là như thế thì, xem ra ý nghĩa của nó đi ngược hẳn tới độ, gần như triệt tiêu luôn hai dụ ngôn trước. Chắc chắn không thể thế được! Hơn nữa như nhiều người chúng ta vẫn hiểu: Đức Giê-su đang ví von Nước Trời giống như… hạt cải, nhúm men…, thậm chí nhiều cuốn Kinh Thánh còn đặt tiêu đề ‘dụ ngôn cỏ lùng’ dễ gây hiểu lầm: ‘Nước Trời giống như cỏ lùng’. Thực ra các dụ ngôn trên đều là các câu chuyện, và ở đây Nước Trời được ví như ba hành động chứ không phải ba vật thể; riêng dụ ngôn thứ ba (lúa tốt và cỏ lùng) Nước Trời được ví với thái độ của chủ ruộng: ông chấp nhận tình trạng sống chung tốt xấu vì một mục đích nào đó cao cả hơn nhiều. Nếu ta đọc cả ba dụ ngôn, và hiểu là ba hành động trong thế liên hoàn, và ta sẽ thấy ý nghĩa của chúng hiện ra rõ hơn; tôi xin phép thử suy diễn như sau:

Nước trời chính là lòng từ nhân của Thiên Chúa, và là một thực tại mà trong đó lòng thương xót của Người ngự trị và hành động; lòng nhân này hầu như chấp nhận, và thực tế còn như ‘mong’ cho có sự dữ, ‘đòi’ phải có sự tội trên trần gian này, mọi nơi và mọi thời đại (kể cả trong Hội Thánh, trong đời tu… và đương nhiên nơi từng tâm hồn…) Felix culpa (tội hồng phúc) mà Thánh Âu-tinh nghiệm ra là thế đấy: ‘Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt!’ Yếu đuối và tội lỗi không hề làm cho tình yêu thương xót bị giảm sút hay thu hẹp chút nào. Thoạt nhìn, lòng nhân ái có vẻ như âm thầm và rất mực khiêm tốn, thế nhưng trước tội lỗi và sự dữ, hình như nó lại càng lớn mạnh và bùng nổ mạnh mẽ hơn: ‘Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải (nhỏ bé) người nọ lấy gieo trong ruộng mình…như nắm men vùi vào ba thúng bột…’; và cũng chính trong cái môi trường tội lỗi và thấp kém đó (thửa đất đen hay mấy thúng bột chai lì) mà lòng thương xót càng chứng tỏ được sức mạnh cải tạo và biến đổi vô địch của nó, ‘cho đến khi tất cả bột dậy men’.

Lấy trường hợp thầy thuốc để minh họa, một hình ảnh mà Đức Giê-su rất hay sử dụng để nói về mình: nghề của thầy thuốc rất cần…, tới độ đôi khi gần như ‘đòi’ phải có người đau yếu bệnh tật. Người ta không gởi bác sĩ tới một nơi toàn những người khỏe mạnh, lành lặn, trái lại con bệnh càng nhiều với những chứng bệnh càng hiểm nghèo thì tay nghề của bác sĩ, không những không mai một, mà ngược lại còn phát huy và nổi danh hơn. Cũng vậy, một bác sĩ giỏi được gởi tới bệnh viện là để chữa cho thật nhiều bệnh nhân, nhất là những con bệnh nặng nhất, và ông phải ở lại đó… cho tới khi tất cả bệnh nhân hoàn toàn bình phục trước khi có thể về nhà. Nước Trời của Đức Ki-tô là như thế đó, và kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa cũng là như thế đó!

Cụ thể hơn, ta thử nhìn vào trường hợp cha sở họ Ars – thánh Gio-an Ma-ri-a Vianey; một hình ảnh mà tôi đã nhiều lần chiêm ngắm trong sứ vụ linh mục của mình. Sứ mệnh mục tử tìm chiên lạc của ngài gần như đòi ngài phải được phái tới một họ đạo hẻo lánh, khô khan, nguội lạnh như cái họ đạo Ars xa xôi; và cũng chính vì được gởi tới cái họ đạo tội lỗi bê tha đó mà, từ một linh mục tầm thường vô danh Gio-an Ma-ri-a đã trở nên lừng danh thánh thiện; và vì ngài đã trung thành ở lại phục vụ chứ không trốn chạy (như đã có lần ngài muốn làm vì nản chí) mà họ đạo Ars và cả vùng lân cận dần dần được cải hóa. Có như thế, Jean Marie Vianey mới nối bước theo chân Thầy Giê-su, mới xứng danh là linh mục của Nước Trời, linh mục của Thầy Giê-su cứu độ, linh mục của Thiên Chúa nhân hậu và xót thương.

Tôi cũng không thể khác hơn! Chính vì muốn trở nên một linh mục (hay Ki-tô hữu) của Nước Trời mà tôi phải chấp nhận, và vui sướng được, sống giữa một trần gian tội lỗi, hầu nhiều người có thể nhận ra rằng: ‘Nước Trời đang ở giữa anh em’.

Lạy Thiên Chúa là chủ của Nước Trời đang được thể hiện nơi trần gian, xin biến đổi con nên linh mục của Nước Trời, để con không phàn nàn kêu trách tội lỗi của người đời, không khó chịu chán nản trước các lầm lỗi của chính con, cũng như của giáo dân con chăm sóc. Ngược lại, xin cho con biết dâng lời cảm tạ vì nhờ đó con càng được đồng hành với lòng thương xót Chúa hơn, được tiến bộ và lớn mạnh lên trong sức mạnh yêu thương, và được tham gia vào hiệu năng cải hóa và biến đổi, mà chỉ có lòng thương xót của Thập Giá mới có thể mang lại. A-men.

Về mục lục

.

SUY NIỆM CHÚA NHẬT 16 THƯỜNG NIÊN_A

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nam

Tin mừng Matthêu ghi lại 3 dụ ngôn:

– Dụ ngôn lúa và cỏ lùng ghi nhận 2 thái độ tương phản nhau: Thái độ của con người (các đầy tớ) luôn đối đầu và muốn tiêu diệt những kẻ xấu. Thái độ của Thiên Chúa (chủ ruộng) bao dung, nhẫn nại chờ đợi cho đến ngày phán xét, ngày gặt lúa.

– Dụ ngôn hạt cải và men trong bột cho thấy sức phát triển mãnh liệt của Nước Trời và sự kiên nhẫn của Thiên Chúa. Ngài không nóng vội, nhưng khiêm tốn kiên nhẫn chờ đợi cho hạt cải thành cây to và nắm men làm dậy cả thúng bột.

Bài Tin mừng hôm nay mạc khải cho chúng ta: Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chậm bất bình và rất mực khoan dung (Tv 35). Ngài là Đấng toàn năng, uy quyền, nhưng bao dung quảng đại với những kẻ tội lỗi để chờ đợi cho họ ăn năn hối cải. Sau đây chúng ta cùng nhau suy niệm về lòng nhân từ của Thiên Chúa qua dụ ngôn cỏ lung và lúa tốt.

Theo kinh nghiệm của người làm ruộng, phải làm sạch cỏ để cây lúa phát triển tốt, không có nhà nông nào lại để lúa và cỏ lùng tồn tại trong ruộng mình “xin ông chủ cho chúng tôi đi nhổ cỏ lùng”. Thiên Chúa là chủ ruộng đã không đồng ý, Ngài muốn cho lúa và cỏ lùng cùng mọc lên đến mùa gặt. Sự nghịch lý này nói lên sự nhân từ bao dung kiên trì nhẫn nại chờ đợi của Thiên Chúa để người tội lỗi ăn năn hối cải để được tha thứ.

Lòng nhân hậu và bao dung của Thiên Chúa luôn tha thứ và yêu thương, không báo thù, không phân biệt đối xử, không đối đầu, không tiêu diệt…“Ta đến không phải để giết chết, nhưng để cứu sống… Ta đến để chiên Ta được sống và sống dồi dào”. Tình thương tha thứ hoán cải con người nên tốt, thù thành bạn, kẻ xấu thành người tốt, kẻ lạ thành người lân cận.

“Lúa tốt và cỏ lùng cùng mọc chung trong ruộng”. Trong xã hội, kẻ lành người dữ, người lương thiện kẻ bất lương, người tốt người xấu luôn luôn sống chung với nhau. Ở đâu cũng có người tốt kẻ xấu. Chúng ta không thể tìm được một cộng đoàn toàn là những bậc thánh nhân, những người thánh thiện. Ngay trong tâm hồn chúng ta cũng luôn luôn tồn tại cỏ lung và lúa tốt, nghĩa là có nhiều cái tốt và nhiều cái xấu. Điều thiện và điều ác luôn giằng co, xung khắc nơi mỗi người chúng ta. Thánh Phaolô dạy:“Điều tốt tôi muốn làm, tôi lại không làm. Điều xấu tôi không muốn làm, tôi lại làm”. Đó là một điều rất thực tế! không ai chối cãi. Cái mà chúng ta gọi là kẻ dữ không giống như cỏ lùng: Cỏ lùng không thể biến thành lúa được vì khác chủng loại. Nhưng kẻ dữ, kẻ xấu có thể cải tà quy chánh, có thể hoán cải trở thành người tốt nếu xã hội kiên nhẫn chờ đợi và tạo điều kiện tốt cho họ cải thiện. Chẳng hạn như Augustinô, Ignatiô, Madalena, phanxico, Charle de Foucauld là những con người tội lỗi, sa đọa, trụy lạc đã thành những vị thánh… Biết bao nhiêu người bất lương, cướp của giết người sau khi ăn năn sám hối đã trở thành những con người lương thiện ntrong xã hội. Ngược lại cũng có nhiều người lành, nếu không giữ mình, không kiên tâm tu luyện, không làm điều thiện, không cầu nguyện, không siêng năng tham dự thánh lễ, lãnh các bí tích… cũng có thể trở thành kẻ dữ, kẻ xấu trong xã hội và Giáo hội. Vì thế, chẳng ai nên tự phong mình là lúa tốt rồi loại trừ, lên án anh em là cỏ lùng. Bởi vì mang thân phận con người, tất cả đều là tội nhân trước mặt Chúa. Tất cả đều là con người bất toàn trong xã hội “nhân vô thập toàn”. Chẳng ai là thánh, là thiên thần trên cõi đời này. Vì không có tinh thần bao dung, nhân từ của Chúa, chúng ta thường kết án anh em, trừng trị ngay những kẻ ác (nhổ cỏ lùng tận gốc), ai đó làm hại ta, ta trả đũa ngay, đối đầu không muốn đối thoại. Từ thái độ bất bao dung này mà đưa đến bao cuộc khủng bố dã man, bao cảnh chiến tranh tàn khốc, bao cảnh đau thương cho nhân loại.

Chúng ta phải xác nhận điều này là nơi mỗi người có cỏ lùng và lúa. Chúng ta phải phấn đấu cố gắng loại bỏ cỏ lùng là tính hư nết xấu như chúng ta: nhậu nhẹt say sưa, cờ bạc, trộm cắp, chơi bời trác táng, nói gian, nói dối, thù oán… Phải loại bỏ cỏ lùng để lúa nơi ta phát triển tốt, chúng ta mới trở nên người tốt đạo đức hơn.

Qua lời Chúa hôm nay, Đức Giêsu mời mọi người hãy sống nhân từ, bao dung và kiên trì chờ đợi, tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp. Bao dung là biết nhìn nhận sự thật về mình và về anh em để chúng ta luôn biết thông cảm, yêu thương và tha thứ. Như thế gia đình, cộng đoàn, xã hội chúng ta sẽ được an hòa và hạnh phúc.

Về mục lục

.

SỰ KIÊN NHẪN VÀ BAO DUNG CỦA THIÊN CHÚA

Tu sĩ Jos. Vinc. Ngọc Biển

Trong cuộc sống, chúng ta thường xuyên đặt ra cho mình thắc mắc hay được nghe những chất vấn của rất nhiều người như: “Tại sao Thiên Chúa lại để cho người dữ sống chung với người lành mà không tiêu diệt nó đi?”; hay “tại sao kẻ ác lại gặp được may mắn, còn nhiều khi người tốt lại gặp phải thất bại?”; và “trước thực trạng đó, chúng ta cần phải có thái độ nào? Có được phép tiêu diệt kẻ dữ để làm cho Giáo Hội được trong sạch không?”.

Hôm nay, chúng ta sẽ tìm thấy câu trả lời cho những vấn nạn trên qua ý nghĩa của ba dụ ngôn, đó là: dụ ngôn hạt giống và cỏ lùng, dụ ngôn hạt cải và dụ ngôn men bánh.

Qua ba dụ ngôn trên, ta thấy rất rõ cách hành xử của con người và Thiên Chúa hoàn toàn khác nhau. Cũng qua bài học của ba dụ ngôn trên, mỗi người chúng ta cần phải có thái độ sao cho phù hợp với thánh ý Thiên Chúa.

Trước tiên, chúng ta cùng xem cách hành xử của con người như thế nào?

  1. Cách hành xử của con người

Vì mang trong mình sự hữu hạn của loài thụ tạo, nên chúng ta không thể thoát ra khỏi sự yếu đuối, bất toàn của kiếp nhân sinh. Tuy nhiên, thay vì cần có thái độ khiêm nhường như Đức Mẹ, thánh Phêrô, Phaolô, Âu tinh…, để tạ ơn Chúa và sửa sai hầu được tốt lành hơn, hay sẵn sàng cảm thông cũng như chia sẻ, nắm lấy tay nhau, dìu nhau đứng dạy và hướng tới sự thánh thiện, thì chúng ta nhiều khi chẳng khác gì những đầy tớ của ông chủ trong “dụ ngôn cỏ lùng”, luôn tìm cách triệt hạ những kẻ yếu đuối và bất toàn, để muốn giải quyết cho nhanh hầu được yên thân, xong chuyện: “Vậy ông có muốn chúng tôi nhổ cỏ đi không?”.

Thật vậy, đã nhiều lần chúng ta không đứng về phía bao dung để tha thứ, mà lại cảm thấy khó chịu và đòi hỏi mọi người phải thánh thiện, tốt lành, trong khi đó, chúng ta không hề xắn tay áo lên để cùng nhau giải quyết.

Thái độ của chúng ta là như thế đó. Luôn muốn loại bỏ cái xấu cũng như cả con người xấu cùng lúc. Tuy nhiên, xem ra thái độ này không được đảm bảo, bởi lẽ không hợp với thánh ý Thiên Chúa muốn.

Vậy ý muốn và cách hành xử của Thiên Chúa là gì ?

  1. Cách hành xử của Thiên Chúa

Qua dụ ngôn cỏ lùng, Đức Giêsu muốn giới thiệu cho chúng ta về bản chất của Thiên Chúa là: “Ðấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương” (Tv 103, 8).

Vì bản chất của Thiên Chúa là yêu thương, tha thứ và kiên nhẫn, nên trong mọi hoàn cảnh, biến cố, dù chúng ta suy nghĩ cách nào, tiêu cực hay tích cực, Ngài luôn tìm cách và dịp thuận tiện để hướng dẫn, dạy dỗ nhằm thể hiện tình yêu thương của Ngài và mong muốn chúng ta quay về để được tha thứ, yêu thương. Bởi vì “Ngài ghét tội chứ không ghét kẻ có tội”.Nên khi nghe đầy tớ đến xin cho phép được nhổ cỏ lùng, ngay lập tức, thay vì thái độ ưng thuận, ông chủ đã ngăn chặn ngay và nói: “Đừng, cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt… sợ rằng khi nhổ cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa”. Cách hành xử này hoàn toàn khác với cách hành xử của con người mà chúng ta đã tìm hiểu ở trên.

Thật vậy, Nước Thiên Chúa đã đến nơi hành động của người gieo hạt. Tuy nhiên, Nước ấy được lớn lên ngay trong những thử thách qua hình ảnh cỏ lùng và lúa ở cùng với nhau, trà trộn vào nhau. Thời gian từ lúc gieo cho đến lúc gặt chính là thời gian kiên nhẫn chờ đợi của Thiên Chúa trong sự bao dung, nhẫn nại, để chờ đợi con người sám hối, ăn năn.

  1. Sứ điệp Lời chúa và thái độ của chúng ta

Lời Chúa hôm nay muốn mời gọi chúng ta cần phải có thái độ như Thiên Chúa là: hiền từ, nhân hậu, bao dung và kiên nhẫn, để chịu đựng những điều xấu của người khác và dần dần tìm cách để hoán cải họ nhờ ơn Chúa Thánh Thần. Đồng thời cảnh tỉnh chúng ta tránh cho xa thái độ của những đầy tớ là ích kỷ, nóng vội, bảo thủ và bất bao dung. 

Tại sao vậy? Thưa, vì chúng ta cần phải nhìn nhận rằng: “Kẻ dữ người lành đều là con cái Chúa, được Chúa thương yêu tất cả, chúng ta cũng phải thương yêu nhau và phải có thái độ khoan dung” (thánh Augustinô).

Thật vậy, Thiên Chúa là Đấng: “… cho mặt trời chiếu soi kẻ dữ cũng như người lành, và cho mưa trên người công chính cũng như kẻ bất lương”.

Khi Thiên Chúa mời gọi chúng ta trở nên hiền từ, nhân hậu và kiên nhẫn, ấy là lúc Ngài muốn chúng ta có sự bình tâm để được thanh thản ngay trong những thử thách do người anh chị em chúng ta gây nên, đồng thời đợi chờ để kẻ tội lỗi có cơ  may quay trở lại. Thật vậy, “Nước trời giống như hạt cải người kia gieo trong ruộng mình. Hạt đó bé nhỏ hơn mọi thứ hạt giống, nhưng khi mọc lên, thì lớn hơn mọi thứ rau cỏ, rồi thành cây, đến nỗi chim trời đến nương náu nơi ngành nó”; hay “Nước trời giống như men người đàn bà kia lấy đem trộn vào ba đấu bột, cho đến khi bột dậy men” là bằng chứng cho thấy thành công của sự kiên trì và chờ đợi trong hy vọng.

Mặt khác, Lời Chúa hôm nay cũng cho chúng ta thấy rằng: không vinh quang nào mà không có thập giá. Không thành không nào lại thiếu mồ hôi và nước mắt. Vì thế, chúng ta phải luôn tỉnh thức và chiến đấu, nếu không kẻ thù là ma quỷ sẽ tiến lại và thỏa sức gieo cỏ lùng là tội lỗi… vào trong mảnh đất tâm hồn, hầu làm cho lương tâm chúng ta nhuốm màu đen tối của sự ác…

Làm được điều đó, chúng ta phải trở nên khiêm tốn để lắng nghe Lời Chúa hướng dẫn chứ đừng có tai mà không nghe, có mắt mà không thấy.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con đừng rơi vào thái độ khó chịu, bất mãn về những khuyết điểm nơi anh chị em. Xin cho chúng con nhận ra sự nhẫn nại của Thiên Chúa. Đồng thời biết phản ánh tình yêu của Thiên Chúa qua hành động, lời nói và thái độ của chúng con. Amen.

Về mục lục

.

CHUYỆN DỤ NGÔN

Trầm Thiên Thu

Dụ ngôn là một nét đặc trưng của Kinh Thánh, bởi vì Chúa Giêsu thường sử dụng dụ ngôn để minh họa các giáo huấn của Ngài, với các hình ảnh thực tế ngay trong đời sống thường nhật nhưng mang ý nghĩa cao siêu thuộc thượng giới. Ngài ưa dùng dụ ngôn, có lẽ vì loại văn này độc đáo. Thật vậy, Kinh Thánh xác nhận: “Ngài không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn” (Mt 13:34; Mc 4:34). Trong các Phúc Âm nhất lãm có khoảng 35 dụ ngôn.

Thiết tưởng cũng nên “mở ngoặc nhỏ” để “nói nhỏ” rằng dụ ngôn cũng được gọi là ngụ ngôn. Tuy nhiên, hai danh từ này vừa màng ý nghĩa tương đương vừa mang ý nghĩa dị biệt.

Ngụ ngôn (Anh: parable, fable; Pháp: parabole, fable) là một câu chuyện ngắn, đơn giản, bằng văn xuôi hoặc văn vần, mang tính hoang đường, truyền thuyết, hư cấu, “bịa” ra như chuyện phiếm, nhưng vẫn chứa bài học có giá trị về luân lý, mang tính giáo dục, răn đời; các nhân vật thường là vật hoặc con vật được nhân cách hóa, các nhân vật cũng có thể là người hoặc thần linh.

Tương tự, dụ ngôn (Anh: parable; Pháp: parabole) cũng là một câu chuyện ngắn, đơn giản, bằng văn xuôi, nhưng có điều khác là mang tính bí ẩn, mang tính tục ngữ, đặc biệt là mang chiều kích tâm linh. Chúa Giêsu dùng thể loại này, tức là Ngài dùng thể loại “dụ ngôn” chứ không dùng “ngụ ngôn”.

Trong cuộc sống đời thường luôn có những thái cực khác nhau, thậm chí là đối nghịch. Một trong các “cặp đôi” đó là Tốt và Xấu, hoặc Thiện và Ác. Nói theo tâm linh, đó là Thiên thần và Quỷ sứ. Đại diện phe Thiện là Tổng thần Micae (danh xưng Micae nghĩa là “Người giống Thiên Chúa” hoặc “Giống như Thiên Chúa”, đó là Thiên thần đầu tiên được Thiên Chúa tạo dựng, là vị trưởng trong các Tổng thần, có nhiệm vụ bảo vệ, khuyến khích, về sức mạnh, sự thật và sự chính trực), đối nghịch với Quỷ vương Luxiphe – kẻ đại diện phe Ác. Luxiphe từ thần lành biến thành thần dữ, nguyên nhân là do tính kiêu ngạo – mối tội đầu thứ nhất (đối lại là đức khiêm nhường – nền tảng mọi nhân đức).

Điều tốt và xấu cũng có nghĩa đen và nghĩa bóng. Cái gì tốt thì luôn luôn đẹp – gọi là tốt đẹp, nhưng cái gì đẹp thì chưa chắc là tốt. “Cái tốt” và “cái xấu” xuất hiện trong mỗi hành động, giữa hai thứ là một lằn ranh rất mong manh. Vì thế, phải luôn cảnh giác, đừng bao giờ coi thường sự cẩn trọng trong mỗi suy xét hoặc phán đoán về người khác, cũng đừng bao giờ ngừng chú ý và nghiêm khắc với từng hành động của mình – tư tưởng, lời nói và việc làm.

Với các hình thức và mức độ khác nhau, cuộc chiến giữa “cái tốt” và “cái xấu” không bao giờ kết thúc, ở bất kỳ nơi nào hoặc trong bất kỳ ai, việc của chúng ta không phải là đứng ngó và dùng niềm tin của mình để phân định ai là “người tốt” và ai là “kẻ xấu”, rồi ngỡ ngàng khi niềm tin mơ hồ ấy tan biến theo sự thay đổi của con người.

Tiền nhân đã minh định: “Nhân chi sơ tính bổn thiện”. Ai sinh ra cũng đều là người tốt – tốt đúng nghĩa, bởi vì chúng ta được chính Thiên Chúa tác tạo nên giống hình ảnh Ngài theo Thánh Ý Ngài (St 1:26-27), thế nhưng con người có “máu tự kiêu” nên rất “chảnh”, sẵn sàng nghe lời đường mật của ma quỷ mà bất tuân Thiên Chúa, muốn “đấu tranh” với Thiên Chúa, chỉ vì ảo tưởng mà con người đã sập bẫy của nó. Chính cái tội “chảnh” đó đã làm cho con người bị “biến tướng”, trở nên xấu xa, không còn “tính bổn thiện” như trước nữa. Khốn thay!

Ma quỷ rất tinh ranh, ngày nay chúng ta thấy rõ nét ở bọn phiến quân IS. Chúng thật ranh mãnh, không hiểu sao mà chúng có thể dụ dỗ người ta không ngại đánh bom tự sát, nam giới đã đành, đáng ngạc nhiên là phụ nữ cũng “cảm tử”, thậm chí có phụ nữ còn bế cả con nhỏ khi đánh bom tự sát. Lời lẽ tuyên truyền của ma quỷ và đồng bọn của chúng thật đáng sợ. Chắc chắn cảnh giác không bao giờ thừa, đúng như Kinh Thánh cảnh báo: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1 Pr 5:8).

Thế nhưng lại thật là diễm phúc cho chúng ta mặc dù chúng ta quá đỗi “ngu dại”, xấu xa và khốn nạn, bởi vì Thiên Chúa vẫn một lòng yêu thương các tội nhân chúng ta trước sau như một, không suy giảm chút nào. Sách Khôn Ngoan minh định: “Thiên Chúa chăm sóc mọi loài. Ngoài Ngài ra, chẳng còn thần nào khác để Ngài phải chứng tỏ rằng các phán quyết của Ngài không bất công” (Kn 12:13).

Chúng ta không thể nào hiểu nổi Thiên Chúa nhưng chúng ta lại luôn ra vẻ “tây đui” (tui đây), nhưng Ngài chẳng chấp lách chi ráo trọi. Thật tốt phúc cho chúng ta! Đúng thế, Kinh Thánh giải thích thêm về Thiên Chúa: “Chính do sức mạnh của Chúa mà Chúa hành động công minh, và vì Chúa làm bá chủ vạn vật, nên Chúa nương tay với muôn loài. Khi không có ai tin rằng Chúa nắm trọn quyền năng thì Ngài tỏ sức mạnh; còn ai đã biết mà vẫn to gan thì Ngài trị tội” (Kn 12:16-17). Ông bà Nguyên Tổ đã to gan và đã bị trị tội. Chúng ta cũng “di truyền” cái loại “gen nổi loạn” đó nên lúc nào cũng chỉ muốn “vùng lên”. Tội ở chỗ là biết mà vẫn phạm, cố phạm chứ không phải là ngu phạm, khôn phạm chứ không phải là dại phạm. Thế mới đáng tội. Quả là chúng ta to gan lắm, xấu mà cứ tưởng mình tốt, dốt mà mạo nhận là giỏi, ngu mà vẫn chảnh. Ghê gớm thật đấy!

Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn luôn giàu lòng thương xót, “xử khoan hồng vì Ngài làm chủ được sức mạnh” và “lấy lượng từ bi cao cả mà cai quản”, nhưng chớ thấy vậy mà tưởng bở và khinh suất, vì “Ngài có thể sử dụng quyền năng bất cứ khi nào Ngài muốn” (Kn 12:18). Đó bài học Chúa dạy cho Ít-ra-en, và cũng là bài học dạy cho mỗi chúng ta hôm nay – những kẻ to gan, lớn mật, cũng “chẳng vừa”, vẫn dám coi Trời chỉ bằng… nắp bia mà thôi! Nói theo ngôn ngữ ngày nay thì chúng ta có “máu giang hồ”, ánh mắt mang hình “viên đạn nguyên tử”, chẳng khác chi “dân anh chị” thứ thiệt, có khác chăng là chúng ta có thể giết người mà không cần vũ khí.

Khi Thiên Chúa ra tay trừng trị, không phải là Ngài “trả đũa” hoặc “hẹp hòi”, mà để dạy chúng ta bài học này: “Người công chính PHẢI có lòng nhân ái” (Kn 12:19a). Sự công chính rất quan trọng, như tấm vé vào Nước Trời, vì Chúa Giêsu nói: “Nếu anh em KHÔNG ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ CHẲNG được vào Nước Trời” (Mt 5:20). Và rồi Lòng Chúa Thương Xót vẫn chan chứa trải quan bao thế hệ: “Ngài đã cho con cái niềm hy vọng tràn trề là người có tội được Ngài ban ơn sám hối” (Kn 12:19b). Chắc chắn Thánh Phaolô đã cảm nghiệm sâu sắc về Lòng Chúa Thương Xót nên mới xác định: “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5:20). Chắc chắn nhất là chính Chúa Giêsu đã xác định với Thánh nữ Faustina: “Lòng Thương Xót của Ta lớn hơn cả tội lỗi của con và toàn thế giới” (Nhật Ký số 1485).

Có điều chắc chắn rằng, là phàm nhân thì ai cũng có “gen tội lỗi” ngay khi còn trong lòng mẹ (x. Tv 51:7). Thật vậy, “không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa” (Mc 10:18), và Kinh Thánh còn minh định: “Chính nhân có ngã bảy lần cũng đứng lên được, còn kẻ ác cứ lảo đảo hoài trong cảnh tai ương” (Cn 24:16). Nói như vậy có nghĩa là “người công chính mà còn phạm tội mỗi ngày tới bảy lần”, huống chi những người chưa công chính – tức là còn đang ở trong tình trạng tội lỗi, vẫn “dính líu” tới “cái xấu”.

Bởi vì chúng ta còn “máu xấu”, chưa “lọc máu”, thế nên chúng ta phải biết khiêm nhường thật lòng mà “đấm ngực” và cầu xin: “Lạy Chúa, Ngài nhân hậu khoan hồng, giàu tình thương với mọi kẻ kêu xin; lạy Chúa, xin lắng nghe lời con cầu khẩn, tiếng con van nài, xin để ý lưu tâm” (Tv 86:5-6). “Lỗi tại tôi và lỗi tại tôi mọi đàng”, chứ không phải là “lỗi tại tôi và lỗi tại bạn một phần”. Không có Thiên Chúa, chúng ta vô cùng vô duyên và khốn nạn, chẳng là chi ráo trọi. Do đó, chúng ta luôn phải cần có Ngài, bởi vì mỗi nhịp thở của chúng ta chính là sự sống do Ngài thương ban: “Chúa ẩn mặt đi, chúng rụng rời kinh hãi; lấy sinh khí lại, là chúng tắt thở ngay, mà trở về cát bụi” (Tv 104:29).

Thánh Vịnh gia rạch ròi xác định: “Lạy Chúa, muôn dân chính tay Ngài tạo dựng sẽ về phủ phục trước Thánh Nhan, và tôn vinh danh Ngài. Vì Ngài thật cao cả, và làm nên những việc lạ lùng; chỉ một mình Ngài là Thiên Chúa” (Tv 86:9-10). Cứ nhìn thiên nhiên cũng đủ xác minh. Thiên Chúa tốt lành nên chỉ tạo điều TỐT, nếu có điều XẤU là tại chúng ta, không thể “nói trại” đi là “thiên tai”, mà hãy can đảm nói rằng các “sự cố” xảy ra hoàn toàn là “nhân tai”.

Tại sao Thiên Chúa vẫn im lặng và chưa ra tay? Bởi vì Ngài vô cùng thương xót chúng ta, Ngài kiên nhẫn chờ đợi chúng ta trở về với Ngài để chính chúng ta được hưởng mọi phúc lợi, chứ chúng ta chẳng thêm gì cho Ngài. Thời gian là sự nhẫn nại Ngài dành cho chúng ta, Ngài chỉ mong chúng ta sớm biết chân thành thân thưa: “Phần Ngài, muôn lạy Chúa, Ngài là Thiên Chúa nhân hậu từ bi, Ngài chậm giận, lại giàu tình thương và lòng thành tín. Xin đoái nhìn và xót thương con, ban sức mạnh của Ngài và xuống ơn cứu độ cho tôi tớ Ngài đây, con của nữ tỳ Ngài” (Tv 86:15-16).

Kể cũng lạ, Thiên Chúa nhẫn nại nhưng chúng ta lại “nóng tính”, Ngài càng kiên trì thì chúng ta lại càng nôn nóng. Chúng ta cầu nguyện một thời gian chưa thấy “động tĩnh” gì thì vội nản chí sờn lòng, đôi khi còn trách Chúa thế này thế nọ, giận lẫy với Ngài. Quá “chảnh” luôn! Thánh Phaolô nói: “Nếu chúng ta trông mong điều mình chưa thấy, đó là chúng ta bền chí đợi chờ” (Rm 8:25). Như thế mới là sống tích cực về cả ba nhân đức đối thần (Tin-Cậy-Mến), và đó cũng là cách chúng ta tín thác vào Lòng Chúa Thương Xót bằng cả con người mình – chứ không chỉ đọc như con vẹt hoặc tự động như CD thu âm.

Và Thiên Chúa vẫn tiếp tục kiên trì trước sự bướng bỉnh của chúng ta. Thánh Phaolô giải thích: “Hơn nữa, lại có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả. Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa” (Rm 8:26-27). Rõ ràng Thiên Chúa luôn rất quan tâm chăm sóc chúng ta, sự quan phòng của Ngài ngoài sức tưởng tượng của phàm nhân. Thế nên Thánh Vịnh gia khuyên nhủ: “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay” (Tv 37:5). Chắc chắn rằng dù chúng ta có xấu tới cỡ nào mà tín thác cuộc đời cho Chúa hướng dẫn thì chúng ta sẽ sớm nên tốt. Xin mở ngoặc: Đừng quên gương sám hối của tướng cướp Dismas, kẻ đã bị đóng đinh cùng lúc với Chúa Giêsu.

Chuyện dụ ngôn luôn ly kỳ và hấp dẫn. Tin Mừng hôm nay theo trình thuật của Thánh sử Mátthêu, gồm “bộ ba” dụ ngôn về Nước Trời: [1] Dụ ngôn Cỏ Lùng (Mt 13:24-30, 36-43), [2] Dụ ngôn Hạt Cải (Mt 13:31-32; tương đương Mc 4:30-32; Lc 13:18-19), và [3] Dụ ngôn Men Trong Bột (Mt 13:33; tương đương Lc 13:20-21).

  1. Dụ ngôn Cỏ Lùng không chỉ nói về Nước Trời mà còn là một trong các dụ ngôn cho thấy Lòng Thương Xót của Thiên Chúa rất bao la, vô hạn.

Trong dụ ngôn này, Đức Giêsu ví Nước Trời như một người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Khi mọi người đang ngủ, kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. Khi lúa mọc lên và trổ bông, cỏ lùng cũng xuất hiện. Thấy vậy, đầy tớ thắc mắc với chủ nhân về việc gieo giống tốt trong ruộng, và hỏi về sự xuất hiện của cỏ lùng. Chủ nhân cho biết rằng chính kẻ thù đã làm điều đó. Đầy tớ đề nghị cho gom cỏ lùng lại, nhưng chủ nhân liền ngăn cản và giải thích: “Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi”.

Dụ ngôn này cũng là một trong số ít các dụ ngôn “khó hiểu” mà chính các môn đệ đã xin Sư Phụ Giêsu giải thích. Ngài phân tích: “Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe”. Lời giải thích của Chúa Giêsu rất rõ ràng, mạch lạc, không ai lại không hiểu, nhưng vẫn có những người không muốn hiểu. Vì thế, Chúa Giêsu thường nói câu này: “Ai có tai thì nghe”.

Thiên Chúa thương xót mọi người, cả người tốt và cả người xấu. Nhưng chúng ta lại ưa xì xầm với nhau: “Sao Chúa không cho lũ ác ôn bị nạn cho nó trắng mắt ra nhỉ?”. Chúng ta không thể hiểu thấu tình yêu Thiên Chúa, bởi vì lòng thương xót của Ngài quá lớn, đến nỗi sai Con Một xuống trần gian rồi “hiến dâng mạng sống mình làm giá chuộc cho muôn người” (Mt 20:28). Trong số “muôn người” đó có cả người xấu và người tốt – là người này, là người kia, là bạn, là tôi, là tất cả chúng ta – nam, phụ, lão, ấu. Chẳng vậy mà Chúa Giêsu đã từng dạy chúng ta: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5:44), và “Hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em” (Lc 6:28).

Câu nói “Ai có tai thì nghe” [ai có tai nghe thì (hãy) nghe] là mệnh đề mà khi nghe, chúng ta cảm thấy có vẻ bình thường, nhưng thật ra lại rất thâm thúy, khiến chúng ta phải giật mình, thấm thía và đau điếng. Đó cũng là điều mà Chúa nhấn mạnh nên đã được nhắc tới vài lần (Mt 11:15; Mt 13:9; Mt 13:43; Mc 4:9; Mc 4:23; Mc 7:16; Lc 8:8; Lc 14:35; và Kh 13:9). Một câu rất đáng để chúng ta phải suy nghĩ nhiều! Có (lắng) NGHE thì mới (thấu) HIỂU, mà hiểu rồi thì phải LÀM (thực hành, thực thi, hành động), chứ không thể nghe suông, chỉ nói mà không làm, hoặc dạy người khác làm mà mình không làm.

Thầy nào trò nấy. Cha nào con nấy. Cây nào trái nấy. Chắc chắn là như vậy. Chúa Giêsu cảnh báo: “Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh em; nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi. Cứ xem họ sinh hoa quả nào thì biết họ là ai. Ở bụi gai, làm gì có nho mà hái? Trên cây găng, làm gì có vả mà bẻ? Nên hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu. Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt. Cây nào không sinh quả tốt, thì bị chặt đi và quăng vào lửa. Vậy, cứ xem họ sinh hoa quả nào thì biết họ là ai” (Mt 7:15-20; Lc 6:43-45). Với những câu đại loại như thế này, người ta không thích ai đề cập, “kẹt” lắm!

Hai dụ ngôn tiếp theo cũng nói về Nước Trời, Chúa Giêsu ví Nước Trời như Hạt Cải và Nắm Men, nhưng cả hai dụ ngôn này đều ngắn gọn, đơn giản, nhưng vẫn súc tích.

  1. Dụ ngôn Hạt Cải: “Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình. Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên thì lại là thứ lớn nhất; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được”.
  2. Dụ ngôn Men Trong Bột: “Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men”.

Các môn đệ không phiền Thầy Giêsu giải thích về cả hai dụ ngôn này, bởi vì không khó hiểu. Với kinh nghiệm sống, chúng ta có thể nhận thấy rằng càng ngày càng có nhiều người tin vào Đức Giêsu Kitô là Con Một Thiên Chúa, là Đấng Thiên Sai, là Đấng Cứu Độ, chịu chết và phục sinh. Mức độ không rầm rộ hoặc đột biến, chỉ tiệm tiến, nhưng chậm mà chắc. Hạt Cải đã biến thành Cây Cải (cây cải ở Israel to lớn chứ không như cây cải ở Việt Nam), và Nắm Men đã làm dậy men cả các Thúng Bột.

Các tông đồ đã thắc mắc, và chắc hẳn chúng ta cũng thế, rằng tại sao Đức Giêsu dùng dụ ngôn mà nói với đám đông và nói gì với họ cũng dùng dụ ngôn như vậy. Thánh sử Mát-thêu cho biết rằng như thế là “để ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ: Mở miệng ra, tôi sẽ kể dụ ngôn, công bố những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa” (Mt 13:35).

Ngày xưa, ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã nói: “Hãy dùng dụ ngôn mà nói với nòi phản loạn”(Ed 24:3). Vì thế mà chúng ta có thể thấy chí lý khi Chúa Giêsu bảo: “Ai có tai thì nghe”. Ai cũng có tai và có thể nghe, người điếc (thể lý) cũng có cách “nghe” của họ mà chúng ta thường nói là “nghe ngóng” (điếc hay ngóng, ngọng hay nói). Người điếc tâm hồn thì không nghe được điều tốt, đó là chứng nan y bất trị. Nếu nghe thì nghe thế nào, nghe làm gì? Đó là vấn đề quan trọng cần phải lưu tâm!

Ở đời có một điều thường thấy: “Xấu nói tốt, dốt nói chữ”. Người có tâm địa xấu thì thường nói về điều tốt để che lấp mưu mô của mình, muốn cho người khác thấy rằng họ tốt lành; người dốt thì thường nói những lời văn hoa, bóng bẩy, hoặc lý sự “cùn” để che đậy cái sự trống rỗng của mình, muốn cho người khác thấy rằng họ là người có cả “một bụng chữ”. Thùng rỗng nào cũng kêu to, và vải thưa không thể che mắt thánh. Thật chí lý khi người ta phân tích: “Đừng cái lý với kẻ say, đừng bắt tay với kẻ xấu, đừng chiến đấu với kẻ liều, và đừng nói nhiều với kẻ ngu”.

Không ai dò thấu Thánh ý mầu nhiệm và sự khôn ngoan của Thiên Chúa, cũng chẳng ai hiểu nổi sự tốt lành và lòng thương xót của Ngài. Đúng như Kinh Thánh đã nói về ơn khôn ngoan mà Thánh Vương Sa-lô-môn được chính Thiên Chúa trao ban: “Sự hiểu biết của ngài bao trùm mặt đất, dụ ngôn và ẩn ngữ của ngài lan truyền khắp mọi nơi. Các bài ca, châm ngôn và dụ ngôn cũng như các lời giải thích của ngài khiến mọi xứ phải trầm trồ khen ngợi” (Hc 47:15-17). Quả thật, Thiên Chúa là vô cùng, bất biến, vĩnh hằng. Thật vậy, Thánh Phaolô đã cho chúng ta biết: “Cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1 Cr 1:25).

Thiên Chúa và phàm nhân là hai thái cực: Thiên Chúa tốt lành tuyệt đối, còn chúng ta xấu xa vô cùng. Thực sự chúng ta rất cần nhận thức rõ như vậy để mà đừng có “chảnh” nữa, nhờ vậy mà có thể nhận tấm visa vào Nước Trời. Đối với Nước Trời, Thánh Elizabeth Ann Seton (1774–1821) có cách nói thú vị và thâm thúy: “Cửa Thiên Đàng rất thấp, chỉ những người biết hạ mình mới có thể vào được”.

Lạy Thiên Chúa, xin giúp con can đảm sống thiện hảo theo tiêu chuẩn của Ngài. Xin giúp con sống nhân hậu thực sự, không chỉ yêu người chung chung, mà thể hiện tình yêu đó bằng cả tấm lòng, khối óc và đôi tay, yêu hết mọi người, dù họ tốt hay xấu, nhất là những người nghèo hèn, khốn khổ, thấp cổ bé miệng. Xin thêm sức cho người đau khổ, xin ban ơn sám hối cho các tội nhân. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ con. Amen.

Về mục lục

.

NƯỚC TRỜI LÀ LỜI CHÚA GIEO VÀO THẾ GIAN

P.Trần Đình Phan Tiến

Kính thưa quý vị, Lời Chúa hôm nay cho chúng ta một ý nghĩa rõ ràng : “DỤ NGÔN CỎ LÙNG”. Vâng, vì thế chủ đề Lời Chúa hôm nay cũng cho chúng ta một tên gọi khác :” Nước Trời là một dụ ngôn cỏ lùng “ nghĩa rông, còn nghĩa hẹp chính là tâm hồn mỗi người Kitô hữu.

Tâm hồn của mỗi Kitô hữu chính là “ Nước Trời” mà chính Chúa Giêsu gieo vào Lời của Thiên Chúa.

Đoan Lời Chúa ( Mt 13, 24 -30) Chúa Nhật hôm nay cho chúng ta một “ẩn dụ” không khó hiểu, thật rõ ràng. Một hình ảnh, một cảnh tượng “phá hoại” hay  “phá rối”, do kẻ “thủ ác” gây ra. Chúng ta hiểu ngay , đó là “ ma quỷ ”. Vâng, Nước Trời chính là điều thiện hảo, tốt lành từ thiên Chúa, mà chính Chúa Giêsu đã gieo vào, ôi thật là hạnh phúc , nếu đừng có kẻ “quấy rối”. Như chúng ta biết “ruộng “ là thế gian, nhưng, nghĩa hẹp cũng có nghĩa là “ tâm hồn” con người thế nhân. Người xưa có câu :” Dò sông, dò biển có thể dò, nhưng ai lấy thước mà đo lòng người”, hay là “Lòng người nham hiểm khôn lường”,  “ lòng người thay trắng đổi đen”, Hán ngữ có câu: “ Tri nhân, tri diện, bất tri tâm. Họa hổ, họa bì, nan họa cốt”, có nghĩa, : “ Biết người, biết mặt, nhưng không ai biết được “lòng “ người. cũng vậy, vẽ cọp, thì chỉ vẽ được bộ da, không ai vẽ được bộ xương, nếu vẽ bộ xương, thì không còn giống con hổ nữa.

Như vậy, bộ mặt thế gian là “ ngĩa rộng” còn nghĩa hẹp thì “ lòng người”, vậy, thế gian chính là : “NHIỀU LÒNG NGƯỜI” họp lại thành thế gian.

Theo đó, Chúa Giêsu đến thế gian “GIEO LỜI” của Thiên Chúa vào “mảnh đất tâm hồn” của lòng người để từ đó “lòng người” trở nên thửa ruộng tốt và “lúa tốt” là Hạt giống Lời Chúa mọc lên trong tâm hồn người tín hữu, như vậy, Lời Chúa là hạt giống điều “THIỆN HẢO” sẽ trổ sinh bông hạt, đó chính là NƯỚC TRỜI.

Nhưng, Nước Trời tại thế chưa hoàn hảo, bởi kẻ “quấy rối” được phép hiện diện trong thế gian và cũng gieo điều “BẤT HẢO” vào thế gian. Thiên Chúa không sai thiên thần “diệt cỏ”, nhưng, vẫn để nó mọc lên đồng thời với lúa. Theo đó, cũng có thể nói trong tâm hồn chúng ta cũng hiện diện cùng lúc điều tốt và cái xấu.

Xấu,tốt lẫn lộn, nhiều khi khó phân định, không ít khi, nếu như không có Đoạn Lời Chúa hôm nay ( Mt 13 ,24 -30), người lành dễ ngã lòng. Nhưng, Thiên Chúa là Đấng toàn năng, tình thương và sự quan phòng thật kỳ diệu, bởi vì, Ngài là Thiên Chúa là Đâng minh chính và đây LÒNG THƯƠNG XÓT, chậm bất bình, mà giàu nghĩa nhân.Vâng , Thiên Chúa nhu mì, khiêm nhu, nhưng không nhu nhược, vì bản tính Thiên Chúa chính là như vậy, nếu Thiên Chúa không “nhu mì” thì chắc chắn không có sự sống , và sự sống viên mãn cho loài thụ tạo. Cũng từ suy luận đó, chúng ta biết được Thiên Chúa không bao giờ nhu nhược, bởi vì, Thiên Chúa là Đấng Tạo Thành, không thể nào loài thụ tạo lại có bản lĩnh hơn Đấng Tạo Thành, vâng, điều ấy hoàn toàn là một lý luận hợp logic, vâng, một suy luậ thật dễ hiểu.

Từ đó, suy ra, loài thụ tạo luôn luôn cần có Đấng Tạo Thành, bởi vì, sự yếu đuối và hèn kém của thụ tạo dễ sa ngã, bởi sự sa ngã đầu tiên là tội, bắt đầu bởi sự “bất tuân”, sau đó là “dòng giống” của tội. Mầm tội là sự phản nghịch, kế đến là sự kiêu ngạo, cứ xa dần, kéo nhân thế đến sự chết, chết thân xác, và chết đời đời. Sự chết là án phạt tự nhiên, khi con người tự tách lià khỏi Thiên Chúa. Như cành cây tách lìa khỏi thân cây, như Lời minh dụ của Chúa Giêsu.

Từ đó, có ân sủng từ Ngôi Lời từ Thiên Chúa ( qua Lời phán từ nguyên thủy) là Chúa Giêsu để “CỨU ĐỘ” thế gian. Thiên Chúa vì “yêu thương” mà “CỨU “, chứ Thiên Chúa không “mắc nợ “ai. Theo đó, chúng ta thấy “Lời” từ Thiên Chúa là “nguồn sống”, vì vậy, Thiên Chúa không nổi giận và tiêu diệt kẻ” thủ ác” là như vậy.

Để “cỏ lùng“ và ”lúa tốt ” mọc lên trong mảnh ruộng thế gian ” đó cũng là Mầu Nhiệm Nước Trời. Đồng thời, để hạt giống Lời Chúa geio vãi trong tâm hồn nhân thế cùng lúc với sự “tự do” đón nhận hay khước từ “cỏ lung” là việc tự nhiên của loài thụ tạo.

Bài Đọc II , ( Rm 8 , 26 -27 ) hôm nay, thánh Phaolo cho chúng ta biết, Thần Khí Thiên Chúa ngự nơi chúng ta, nếu chúng ta biết cậy dựa và kêu cầu Ngài, thì Thần Khí sẽ cầu thay nguyện giúp cho chúng ta vì sự yếu hèn của chúng ta.

Khởi đi từ Bài đọc I ( Kn 12, 13. 16 -19) chúng ta thấy, ” … Quyền lực là nguồn gốc công bình… bởi Thiên Chúa là nguồn gốc muôn loài”.

Qua Đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy, sự nhẫn nại từ Thiên Chúa là điều công bằng và hợp lý. Thiên Chúa không hành động như thế nhân bởi vì Thiên Chúa là “NGUỒN SỐNG” chứ không phải là nhu nhược như con người nghĩ.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con là những mảnh ruộng tốt để cho Lời Chúa sinh sôi, triển nở, hầu mang lại hoa trái cho chúng con , nhưng đồng thời cũng biết học theo tính kiên nhẫn của Chúa, để sống hiên ngang bên cạnh “cỏ lùng” là phương tiện của thế lực gian tà. Hầu chúng con biết sống đúng với đường lối Chúa, đó là Nước Trời ./. Amen.

Về mục lục

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận