Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật V Mùa Chay

Đăng lúc: Thứ năm - 30/03/2017 14:51 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY_A

Lời Chúa: Ed 37, 12-14; Rm 8, 8-11; Ga 11, 1-45

———

DẪN NHẬP

Lời Chúa: “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống” (Ga 11,25).

Nhập lễ:

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Phụng vụ Lời Chúa chúa nhật 5 mùa chay hôm nay cho chúng ta thấy, Chúa Kitô đã mở cửa mồ Lazarô và ban cho anh được sống lại. Phép lạ hồi sinh Lazarô đã chết 4 ngày trong Tin Mừng hôm nay, mời gọi chúng ta tin nhận Chúa Kitô là Con Thiên Chúa và là Chúa của sự sống:

Nhìn xem phép lạ hiển vinh,

La-za đã chết phục sinh nhãn tiền.

Chúa là sự sống vô biên,

Muôn loài muôn vật dưới quyền quản cai.

Ai tin vào Đấng Thiên Sai,

Trường sinh bất tử do Ngài phong ban.

Hiệp dâng thánh lễ hôm nay, xin Chúa giúp chúng ta xác tín niềm tin của chúng ta bằng việc lắng nghe Lời Chúa, sám hối chân thành, ăn chay cầu nguyện, sống bác ái yêu thương như Chúa truyền dạy để được sống lại hưởng phúc muôn đời. Tâm tình đó, giờ đây chúng ta thành tâm sám hối.

Sám hối:

X. Lạy Chúa, Chúa là sự sống lại và là sự sống, ai tin vào Chúa sẽ không chết muôn đời. Xin Chúa thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.

X. Lạy Chúa Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

X. Lạy Chúa, Chúa đã hiến thân chịu khổ hình thập giá vì chúng con. Xin Chúa thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.

Kết: Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.

CĐ: Amen.

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang.

Mục lục

1. Hãy ra khỏi mồ  (Gm. Giuse Vũ Văn Thiên)

2. Mở cửa mộ  (Tgm. Giuse Ngô Quang Kiệt)

3. Chúa Kitô là sự sống lại và là sự sống (Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)

4. Gia đình thân thiện của Chúa  (Lm. Giuse Hoàng Kim Toan)

5. Những kẻ Chúa yêu  (Lm. Tôma Nguyễn Hoàng Phượng)

6. Quyền Năng và Yêu Thương (Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)

7. Sự sống  (Lm. Trần Việt Hùng)

8. Chúa khóc  (Lm. GB. Trần Văn Hào, SDB)

9. Miền sinh, cõi tử  (Trầm Thiên Thu)

10. Suy niệm Chúa Nhật V mùa Chay – Năm A  (Lm. Anthony Trung Thành )

11. Tin Chúa Giêsu là Chúa của sự sống  (Lm. Giuse Đỗ Đức Trí)

12. Phải tin như thế nào? (Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty, SDB)

13. Dấu chỉ phục sinh  (P. Trần Đình Phan Tiến)

14. Niềm tin sự sống lại  (Anna Cỏ May, Thanh Tuyển sinh MTG.Thủ Đức)

15. Để đón nhận sự sống đời đời (Lm. Inhaxio Trần Ngà)

16. Sống thật  (AM. Trần Bình An)

17. Tầm quan trọng của giây phút lâm tử  (JM. Lam Thy, ĐVD)

 

 

HÃY RA KHỎI MỒ

Gm. Giuse Vũ Văn Thiên

Từ đầu Mùa Chay, chúng ta đã được mời gọi sống tinh thần khổ chế, hãm mình hy sinh. Có thể nhiều người trong chúng ta đặt ra câu hỏi: “Mục đích của những hy sinh khổ chế của Mùa Chay là gì?” Phụng vụ hôm nay cho chúng ta cầu trả lời: Những hy sinh hãm minh của Mùa Chay giúp chúng ta “ra khỏi mồ”, hồi sinh và sống một cuộc sống mới.
 
Chúa Giêsu là nguồn sống đích thực. Người đến trần gian để ban cho con người sự sống. Người mời gọi con chúng ta bước ra khỏi cõi chết tối tăm để sống trong ánh sáng huy hoàng. Chính Người đã sống lại vinh quang từ cõi chết, như một bảo đảm cho những ai tin vào Người cũng được phục sinh với Người. Phép lạ làm cho ông Lagiarô đã chết được sống lại nhằm chứng minh những gì Chúa Giêsu đã khẳng định trước đó.
 
“Ngôi Lời là sự sống“, đó là một trong những chủ đề quan trọng của Tin Mừng Thánh Gioan. Điều này đã được khẳng định trong lời mở đầu của Tin Mừng (x. Ga 1,4). Sau này, tác giả còn tiếp tục triển khai ý niệm “Lời sự sống” (x. 1 Ga 1,2) để mời gọi các tín hữu, một khi đã được đón nhận Sự Sống là Chính Chúa Giêsu, hãy sống xứng đáng là con cái Thiên Chúa.
 
Trở lại với trình thuật Chúa làm cho ông Lagiarô đã chết được sống lại. Đây là “dấu lạ” thứ bảy trong Tin Mừng thánh Gioan, cũng là dấu lạ cuối cùng trong tác phẩm (dấu lạ thứ tám ở chương 21 về mẻ lưới kỳ diệu được coi như phần bổ sung). Dấu lạ này cũng khép lại phần I của Tin Mừng, trước khi bước sang phần thứ II (từ chương 13) kể lại cuộc thương khó của Chúa. Câu chuyện không chỉ liên quan đến cá nhân ông Lagiarô, nhưng hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc.
 
Một chi tiết quan trọng không nên bỏ qua: các môn đệ cùng với Chúa Giêsu tiến về Bêthania, nơi có Lagiarô vừa qua đời. Qua câu nói của Tôma: “Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thày” (câu 16), chúng ta thấy các ông linh cảm về những gì sẽ xảy ra và sự cương quyết chấp nhận lên đường cùng Thày mình. Bầu không khí và câu nói của Tôma diễn tả các môn đệ đang cùng đi với Thày mình đến gần cái chết, vì ở đó những người Do Thái đang tìm ném đá Thày (câu 8).
 
“Hành trình đến sự chết” cũng là hành trình của Mùa Chay. Nhưng chúng ta tin rằng, hành trình ấy không kết thúc đau đớn và u ám trong nấm mộ. Những thực hành của Mùa Chay không dẫn chúng ta đến sự chết như đích điểm cuối cùng, nhưng đến sự sống. Bởi Thiên Chúa quyền năng sẽ mở những huyệt mộ và đưa chúng ta ra khỏi đó (Bài đọc I). Mỗi chúng ta đang sống trong những huyệt mộ của ghen ghét, ích kỷ, hẹp hòi. Chúa Giêsu đến để mở tung những huyệt mộ đó. Người dẫn chúng ta bước đi dưới ánh sáng thiêng liêng là chính bản thân Người. Nhờ ánh sáng này, chúng ta sẽ không còn vấp ngã (câu 10). Điều quan trọng là chúng ta có can đảm để lên đường với Người không. Trong một bối cảnh đầy lo âu và nguy hiểm đang rình rập, Tôma và các môn đệ đã cất bước theo Thày mình. Các ông đã được chứng kiến phép lạ Chúa làm, như một phần thưởng cho những ai can đảm trung thành.
 
Khi “gọi” người chết ra khỏi mồ, Đức Giêsu chứng tỏ quyền năng Thiên Chúa của mình. “Gọi” là chức năng và vai trò của “Lời”. Cũng như từ thuở đầu của công trình sáng tạo, Thiên Chúa đã dùng lời của Ngài gọi vạn vật từ hư vô đến hiện hữu. Nay, Ngài dùng Lời của Ngài mà gọi con người từ cõi chết đến cõi sống. Lời gọi này còn như một lệnh truyền, một lời sai bảo của người bậc trên đối với người cấp dưới. Chúa đã gọi con người từ bóng tối tới ánh sáng; từ cõi chết đến cõi sống. Hôm nay, Ngài đang dùng Lời của Ngài mà gọi chúng ta. Chúng ta có lắng nghe tiếng gọi của Con Thiên Chúa để từ cõi chết bước đến cõi sống không?
 
Chúa Giêsu đã đặt câu hỏi với Mátta là chị của người chết: “Chị có tin không?“. Tin vào Chúa trong lúc gian nan đau khổ là một hành vi can đảm, giống như chấp nhận lên đường với Người vào lúc nhiều bóng tối đe dọa phía trước. Lời tuyên xưng của Mát-ta: “Thưa Thày, con vẫn tin Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa” là mẫu mực cho chúng ta.  Lời tuyên xưng ấy giúp ta bừng sáng niềm hy vọng trong giây phút ảm đạm của cuộc đời. Lời tuyên xưng ấy kèm theo niềm xác tín nơi Chúa Giêsu và nơi Chúa Cha: “Con biết rằng bất cứ điều gì Thày xin cùng Thiên Chúa, Ngài cũng sẽ ban cho Thày”. Một người đã chết, nằm trong mộ bốn ngày, xét theo cái nhìn trần gian là không thể hồi sinh. Vậy mà đối với Thiên Chúa, lại là một điều có thể được. Bởi lẽ Ngài là Đấng quyền năng và giàu lòng thương xót.
 
Mátta và Maria tin chắc chắn vào sự sống lại ngày sau hết. Đó cũng là đức tin mà chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin kính. Tuy vậy, Chúa Giêsu muốn khẳng định, sự sống lại không chỉ ở ngày sau hết, tức là ngày tận thế, mà đã khởi đầu trong cuộc lữ hành trần gian hiện tại. Chúng ta phải luôn hồi sinh, phải luôn “sống lại”, tức là đổi mới cuộc đời, giã từ tội lỗi và bước ra khỏi nấm mồ. Những nấm mồ hôm nay, không chỉ là sự ghen ghét ích kỷ, mà còn là những khó khăn bế tắc của kiếp người. Biết bao người đang đắm chìm trong thất vọng. Họ như đang bị chôn vùi trong huyệt mộ, khi đứng trước đau khổ, bệnh tật, thất nghiệp, mâu thuẫn, nghèo đói… Họ rất đang cần được Chúa giải thoát khỏi những nấm mồ ấy.
 
“Hỡi anh Lagiarô, hãy ra khỏi mồ!“. Hôm nay, Chúa Giêsu cũng đang dùng lời ấy mà kêu gọi chúng ta. Bạn và tôi, chúng ta đang ở đâu trong “hành trình đến sự chết”, khi Mùa Chay đã sắp đến hồi kết thúc? Xin Chúa cho chúng ta cam đảm bước ra khỏi những nấm mồ, vươn tới ánh sáng huy hoàng của Đấng phục sinh. Amen.

Về mục lục

.

MỞ CỬA MỘ

Tgm. Giuse Ngô Quang Kiệt.

Tai họa ngày 11 tháng 09 năm 2001 trên đất Mỹ đã trở thành một nỗi ám ảnh đối với mọi người. Trong phút chốc, hai tòa tháp chọc trời đổ sập xuống, trở thành ngôi mộ khổng lồ chôn vùi mấy ngàn sinh mạng. Ngôi mộ gieo tang thương. Ngôi mộ gieo kinh hoàng. Ngôi mộ làm rung chuyển thế giới.

Ngôi mộ không chỉ hiện hữu từ khi toà tháp đôi đổ xuống. Trước đó ngôi mộ đã hiện diện trong trái tim của những người khủng bố. Sau đó ngôi mộ vẫn phủ màn u ám trên cuộc sống thân nhân bạn bè.

Như thế, ngôi mộ không chỉ xây bằng gạch đá. Nó được xây bằng những lực lượng chết chóc như sự hận thù, sự áp bức, sự độc ác… Ngôi mộ không chỉ chôn vùi sự sống. Nó chôn vùi cả niềm tin, cả niềm hy vọng.

Nhưng hôm nay, Chúa Giêsu đã dõng dạc mở cửa mộ và truyền cho người chết chỗi dậy bước ra. Việc Chúa Giêsu mở cửa mộ cho Lagiarô mở ra những chân trời mới cho đời sống con người.

Khi mở cửa mộ, Người đã mở cánh cửa sự sống. Thông thường, ngôi mộ là vương quốc của tử thần. Cửa mộ là cửa mở vào thế giới chết chóc. Ai đã vào đó chẳng còn hy vọng thoát ra. Nhưng hôm nay, Chúa Giêsu đã mở cửa mộ để Lagiarô không phải bước vào sự chết nhưng bước vào sự sống. Khi mở cửa mộ, Người phá tan sào huyệt Thần Chết. Khi tháo những dải băng liệm cuốn quanh thân thể Lagiarô, Người giải phóng ông khỏi dây trói ràng buộc của tử thần.

Khi mở cửa mộ, Người đã mở cánh cửa niềm tin. Trước đó, niềm tin của Mácta chỉ là một niềm tin mơ hồ, chung chung của đa số người Do thái thời ấy. Nhưng sau khi thấy Lagiarô sống lại, niềm tin của bà trở nên cụ thể, sống động và vững vàng. Trước đó, nhiều người Do thái chưa tin vào Chúa Giêsu. Nhưng sau khi được chứng kiến Lagiarô từ cõi chết sống lại, họ không thể nào không tin. Tảng đá lấp cửa mồ tung ra cũng làm bật tung tảng đá nghi ngờ che lấp trái tim, đưa họ tới tin nhận Chúa là Thiên Chúa.

Khi mở cửa mộ, Người mở ra cánh cửa niềm vui. Chết chóc gieo tang tóc u buồn. Ngôi mộ bao giờ cũng gợi lên nỗi buồn. Buồn ly biệt. Buồn mất mát. Buồn thất bại. Cái buồn vốn hay lây. Nước mắt người thân dễ làm cay mắt ta. Nên Chúa Giêsu không ngăn được dòng lệ. Nhưng khi Lagiarô bước ra, cả một trời vui. Đám tang bỗng biến thành đám hội. Lời chia buồn đổi thành lời chúc mừng. Thiên Chúa đã biến tang tóc thành niềm vui. Niềm vui ấy trọn vẹn.

Khi mở cửa mộ, Chúa Giêsu mở cánh cửa hy vọng. Thiên Chúa đến biến đổi số phận con người. Con người không còn bị giam hãm trong thân phận hay chết, nhưng được thênh thang tự do trong cõi sống. Con người không sinh ra để chết đi nhưng để sống, sống mãi, vì Chúa là “sự sống”, “ai tin sẽ sống đời đời”. Con người không sinh ra để tàn lụi, nhưng để triển nở đến vô biên.

Trong mỗi người chúng ta có nhiều nấm mộ. Chúng ta bị giam hãm trong những nấm mộ tội lỗi, gian tham, ích kỷ, bất công, đam mê, ghen ghét hận thù, nghèo đói, thất học… Có những nấm mộ kiên cố, tự sức mình không thể phá nổi. Ta hãy xin Chúa đến mở những cửa mộ, lăn những tảng đá đè nặng đời ta, để ta được sự sống dồi dào của Chúa nuôi dưỡng. Đồng thời, ta cũng phải tiếp tay với Chúa, phá đi những nấm mộ vây bọc anh chị em chúng ta, để mọi người được sống và sống dồi dào như lòng Chúa mong ước, như định mệnh Chúa dành cho ta, những người con cái Chúa.

GỢI Ý CHIA SẺ

1) Tôi còn bị giam cầm trong những ngôi mộ nào?

2) Tôi còn muốn xây những ngôi mộ nào để chôn vùi anh em?

3) Hôm nay tôi phải làm gì để mở cửa mộ cho tôi và cho anh em?

4) Việc Chúa cho Lagiarô chết bốn ngày sống lại có ảnh hưởng gì trên tôi?

Về mục lục

.

CHÚA KITÔ LÀ SỰ SỐNG LẠI VÀ LÀ SỰ SỐNG

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Với Chúa nhật của Niềm Vui (Lætare) vừa qua, màu hồng Phụng Vụ của Giáo hội là màu của bình minh, hé mở ánh sáng huy hoàng của Đại Lễ Phục Sinh sắp tới. Dù còn hai tuần nữa, nhưng niềm vui ấy đã ló rạng trong các bài đọc Chúa nhật hôm nay, tuy không nói về sự sống lại của Chúa Giêsu vì đó là điều tất yếu, nhưng nói về sự phục sinh của chúng ta, chính Chúa Kitô ban cho chúng ta : trỗi dậy từ trong cõi chết.

Phục sinh Lagiarô báo trước cái chết của Chúa Giêsu

Sự kiện Lagiarô sống lại như một bi kịch giữa Sự Sống và Sự Chết, giữa Đấng được Chúa Cha sai đến là Đức Giêsu Kitô, Chúa của Sự Sống, và thủ lãnh sự chết tiềm ẩn nơi : bệnh tật, cái chết của Lagiarô, cũng như các âm mưu chống lại Chúa Giêsu.

Ngay từ đầu, Chúa Giêsu cho thấy những thử thách về bệnh tật của bạn mình, cũng như cái được cái mất trong cuộc thương khó của Ngài : “Bệnh này không đến nỗi chết, nhưng để làm sáng danh Thiên Chúa ” (Ga 11, 4). Chúa Giêsu biết rõ, Lagiarô chết và việc của Ngài nên nói với các môn đệ : ” Lagiarô đã chết ” ( Ga 11, 14). Nhưng Ngài sẽ cho sống lại, vì “sáng danh Thiên Chúa ” ( Ga 11, 4).

Đây là phép lạ thứ bẩy và cuối cùng thu hút sự chú ý nhất của dân chúng vào Chúa Giêsu trước khi Ngài bị bắt. Khi loan báo cho các môn đệ biết về ý muốn trở lại Giuđêa của Chúa Giêsu để gặp Lagiarô đã chết, các ông hết sức ngạc nhiên và lo lắng nên nói: “Thưa Thầy, mới đây người Do thái tìm ném đá Thầy, mà Thầy lại trở về đó ư ? “(Ga 11, 8). Quả thật, các nhà lãnh đạo Do thái đã để mất Chúa Giêsu vào dịp này : ” Bởi vậy từ ngày đó, họ quyết định giết Người ” (Ga 11, 53 ). Nhưng phản ứng của Chúa Giêsu là : ” Lagiarô đã chết, chúng ta hãy đi với anh ta” (Ga 11, 15), Ngài sẽ đánh bại sự chết, cứu con người khỏi chết và ban cho sự sống.

Niềm hy vọng của chúng ta

Trọng tâm của Tin Mừng hôm nay là câu : ” Ta là sự sống và là sự sống, ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ “(Ga 11, 25-26). Nếu chúng ta đặt niềm tin vào Chúa Giêsu, Chúa Cha ” Đấng đặt Thánh Thần của Ngài trong chúng ta, và chúng ta đang sống “ sự sống của Người (Ez 1, 13) thì chúng ta sẽ được Thiên Chúa cho sống lại ngày sau hết.

Chúa cho Lagiarô sống lại như Ngài đã làm cho con gái ông Giairô, con trai của bà góa thành Naim trở lại sự sống tự nhiên lần thứ hai trong một thời gian ngắn. Trái lại, Ðức Kitô sống lại từ cõi chết, không còn chết nữa, sự chết không còn bá chủ được Ngài nữa” (Rm 6, 9) vì Ngài sống sự sống của Thánh Thần Thiên Chúa. Nhưng “nếu Thánh Thần của Đấng đã làm cho Đức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại ở trong anh em, thì Đấng đã làm cho Đức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại cũng cho xác phàm hay chết của anh em được sống, nhờ Thánh Thần Người ngự trong anh em” (Rm 8,11). Sao chúng ta không thể hy vọng được.

Phần lớn chúng ta mong đợi trở lại cuộc sống tự nhiên. Chắc chắn chúng ta sẽ chết, bởi vì “ thân xác chúng ta đã chết vì tội lỗi ” (Rm 8, 10) nhưng ” nếu Đức Kitô ở trong chúng ta và chúng ta ở trong Ngài với đức tin sống động, thì linh hồn chúng ta sẽ sống bằng sự sống của Thiên Chúa và được tham dự vào sự bất tử của Ngài. Hơn nữa : chúng ta tin vào phép rửa “ Vậy nhờ thanh tẩy, ta đã được mai táng làm một với Ngài trong sự chết, ngõ hầu như Ðức Kitô, nhờ bởi vinh quang của Cha, mà được sống lại từ cõi chết, thì cả ta nữa, ta cũng bước đi trong đời sống mới “. (Rm 6, 4).

Thật là đại tin mừng : ” Nơi Ngài là sự Sống, và sự Sống là sự Sáng cho nhân loại.  Và sự sáng rạng trong tối tăm, và tối tăm đã không tiêu diệt được sự sáng” ( Ga 1, 4-5). Nếu như tác giả Tin Mừng đã hai lần thuật lại điều Martha và Maria than với Chúa về đau khổ của hai bà : “Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết“,  há không phải muốn nhấn mạnh rằng, từ nay, tiếng khóc không còn nữa đó sao? Chúa Giêsu thổn thức và xúc động. Người hỏi : ” Đã an táng Lagiarô ở đâu? ” Nước mắt Chúa như mưa, Lagiarô như hạt giống, và ngôi mộ như một thửa đất. Chúa Giêsu hô lớn tiếng, tiếng Ngài làm cho sự chết run sợ, Lagiarô đã bung lên như hạt giống, anh bước ra khỏi mồ và tôn thờ Đấng đã cho anh sống lại.

Mãnh lực của sự chết đã thống trị Lagiarô bốn ngày. Chúa Giêsu đã đánh bại sự chết ngày thứ ba, đúng như lời Ngài đã hứa rằng, Ngài sẽ sống lại ngày thứ ba sau khi chết (x. Mt 16, 21).

” Hãy đẩy tảng đá ra ” (11, 39). Cái gì vậy, Đấng đã làm cho kẻ chết sống lại, nay không thể mở cửa mồ hay phán một lời để di chuyển tảng đá đóng cửa mồ hay sao ? Chắc chắn, Ngài có thế khiến tảng đá lăn ra khỏi mồ bằng lời Ngài phán, khi Ngài bị treo trên thập giá, Ngài đã từng chẻ đôi tảng đá và mở tung các cửa mồ (Mt 27,51-52 ).

” Hãy cởi ra cho anh ấy đi “(11, 44).  Chúa bảo người chung quanh cởi cho anh để họ nhận ra chính anh là người họ đã bọc vào trong khăn an táng, thân xác đã phân hủy, nay sống lại nhờ quyền năng Chúa.  

Hình ảnh báo trước và là lời hứa phục sinh cho các dự tòng

Là người thật, Ðức Kitô đã khóc Lagiarô, bạn hữu Người; là Thiên Chúa hằng sống, Người đã truyền cho Lagiarô sống lại ra khỏi mồ. (Kinh Tiền Tụng ). Hôm nay Chúa cũng tuyên bố : ” Ta là sự sống lại và là sự sống” và hỏi “Con có tin điều đó không?” Cùng với Martha chị của Lagiarô các anh chị em dự tòng thưa: “Thưa Thầy, vâng, con đã tin Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian” (Ga 11,). Chúa phục sinh Lagiarô là hình ảnh báo trước sự phục sinh cho các dự tòng là những người mong đợi trong Đêm Vọng Phục Sinh. Khi dìm mình trong nước nước Rửa tội, người dự tòng được giải thoát khỏi sự chết và sống lại với Chúa Kitô. Sự sống lại này, như lời tiên tri Êgiêkiêl : “Ta sẽ mở cửa mồ cho các người, Ta sẽ kéo các người ra khỏi mồ “ (Ez 37, 12-14). “Ta đặt thần khí ta vào tâm hồn anh em “ (Ez 37, 6) : nhờ Phép Rửa tội, Thần Khí Đức Kitô ngự vào trong chúng ta (Rm 8, 8-11), Thần Khí kết hợp người chịu phép rửa trong tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con ; khi đón nhận, chúng ta được tham dự vào tình yêu này của Ba Ngôi Thiên Chúa. Amen.

Về mục lục

.

GIA ĐÌNH THÂN THIỆN CỦA CHÚA

Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Gia đình Matta, Maria và Lazaro, rất thân thiện với Chúa. Mỗi khi lên Giêrusalem Chúa Giêsu thường ghé thăm gia đình này. Các gia đình hôm nay, có là ngôi nhà Chúa thường xuyên lui tới và ở lại, để hạnh phúc và niềm vui của gia đình được tràn đầy, cùng để Chúa chia sẻ những nỗi gian truân và đau khổ.

Nhân sự kiện Lazaro chết.

Đó là câu chuyện đau buồn của một gia đình khi mất đi người thân, đặc biệt đó là người em út dễ thương trong gia đình. Sự đau buồn ấy được bộc lộ cách tự nhiên khi Matta chạy ra đón Chúa đã thưa: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết” (Ga 11, 21). Chị Matta biết về người bạn của gia đình có một vai trò rất lớn. Xét theo khía cạnh con người, có thể như Chúa Giêsu là chủ gia đình thay cho cha mẹ đã khuất bóng. Vai trò của Chúa có tầm ảnh hưởng lớn trong gia đình Matta. Là chỗ dựa tinh thần trong lúc đau thương, là niềm vui, khích lệ khi mọi sự suôn sẻ. Chúa ở cùng gia đình và Chúa cũng muốn có nhiều gia đình thân thiết, đón Chúa và mời Chúa ở lại làm chủ gia đình.

Như một người rất thân trong gia đình thổ lộ sự đau buồn, chị Matta cũng tỏ lộ một niềm tin: “Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết.” (Ga 11, 14). Chúa Giêsu không những là một người thân thiết ruột thịt trong gia đình Matta, mà còn là Thiên Chúa ở cùng. Tin nhận như thế, nên chị Matta trong khi đau thương vẫn thấy niềm hy vọng tràn đầy và đầy tràn hơn nữa khi Chúa nói với chị: “”Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống” (Ga 11, 25). Trong mọi đau thương, có Chúa ở cùng, gia đình lại tìm thấy niềm hy vọng.

Chúa khóc thương Lazaro.

Khóc thương Lazaro có lẽ thấy một hình ảnh của ngày Chúa khóc thương thành Giêrusalem: “ “Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được. (Lc 19,41). Điều phải chi, nghe như một tiếc nuối, Chúa thương tiếc cho các gia đình đang chịu nhiều thử thách đến đổ vỡ hoặc đang rơi vào sự đày đọa do kẻ gian ác gây ra. Một phần vì sự cứng lòng, từ chối Chúa trong các gia đình, để chạy theo hưởng thụ, lối sống ích kỷ, hoặc đam mê trần tục. Phần khác đau thương như Chúa chịu đòn roi của kẻ bất chính nơi người công chính. Các gia đình Chúa khóc thương, bao lâu nữa mới hết khổ đau?

Chúa khóc thương cũng là khát mong Chúa được chữa lành mọi đau thương của con người. Kẻ tội lỗi cũng như người công chính đều được Chúa xót thương. Chúa ra đi mang trên thân mình thập giá và vẫn mang trên thân mình thập giá ấy khi con người chưa mang hạnh phúc cho nhau.

Chúa là Đấng Ban Sự Sống.

Phúc Âm của Thánh Gioan, tiếp tục trình bày, Chúa là sự sáng và là sự sống. Việc sống lại của Lazaro cho thấy Chúa là sự sống và là sự sống lại. Người chiến thắng sự chết là người vượt thắng mọi tội lỗi. Chính vì vây cái chết về mặt thiêng liêng là cái chết trong sự tội đã được giải thoát nhờ sự chết của Chúa trên Thập giá để sống lại trong sự sống mới. Khung cảnh gia đình chị Matta là gương mẫu cho các gia đình thường xuyên đón Chúa. Sự chết về tội không còn chỗ bám trong gia đình, tội lỗi gây ra bất hạnh, xáo trộn, ghen tuông, tranh chấp hoặc đổ vỡ. Chúa đến trong gia đình và làm cho niềm vui của gia đình được sống và sống dồi dào.

“Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11, 26). Niềm tin vào Chúa bảo đảm cho sự sống thiêng liêng không còn chết vì tội lỗi do sự xấu gây nên nữa. Các gia đình tín hữu luôn được mời gọi giữ giờ kinh tối, các thành viên quy tụ dưới chân Chúa, như Maria ngồi nghe Lời Chúa, như Matta thuật lại những vui buồn trong đời sống hằng ngày cùng Chúa. Bầu khí giờ kinh tối, ấm áp tình Chúa, tình gia đình, như một hành trang theo suốt cuộc đời, khi ở chung hay khi đã ra riêng. Ký ức của gia đình và niềm tin nơi Chúa cùng lớn lên trong tâm hồn, để cũng một ngày kia nhận ra Chúa cũng thích đến ở với gia đình, cùng chia sẻ buồn vui.

Tình thân của Chúa với gia đình là một tình thân không chỉ dừng lại khía cạnh nhân loại mà còn là một tình thân giữa Chúa và gia đình. Một tình thân không những chỉ chia sẻ buồn vui mà còn là mang lại sự sống, sự sống dồi dào, thấy được phúc lộc từ Chúa thương ban đời này và đời sau. Một tình thân tuyệt diệu để cho thấy gia đình có Chúa là một gia đình hạnh phúc thật sự, đi qua mọi khổ đau và gian truân trong bình an.

Xin Chúa ban cho các gia đính chính Chúa là người bạn thân hữu, một Tình Chúa yêu thương hiểu biết và chia sẻ tận cùng những đau thương của các gia đình, và biến đau thương thành niềm vui, hy vọng, tin yêu, và trong cậy vững vàng.

Về mục lục

.

NHỮNG KẺ CHÚA YÊU

Lm Tôma Nguyễn Hoàng Phượng 

Đức Kitô, Đấng Cứu Thế cứu giúp và yêu thương hết mọi người. Nhưng có những người Ngài yêu thương một cách đặc biệt:

            1. Những người đó trước hết phải kể đến các tông đồ. Ngài tuyển chọn, huấn luyện và coi các ông là bạn thân. “Thầy không gọi các con là tôi tớ, nhưng gọi các con là bạn hữu”. (Ga 15,15).

            2. Trong 12 tông đồ, Gioan lại được Chúa thương đặc biệt hơn; Đúng thế, khi nói về Gioan, Phúc âm ghi: “Người môn đệ mà Chúa Giêsu yêu quý”. Và chỉ có mình ông mới được ban tặng danh xưng này. Dấu chỉ rõ nhất là dưới chân cây thánh giá, trước khi tắt thở, Chúa Giêsu trối Đức Mẹ cho thánh Gioan. Ngài trao người yêu thương nhất trên đời, là mẹ Ngài cho môn đệ Gioan: “Này là mẹ con”. Có kẻ nói vì Gioan độc thân, nên Chúa Giêsu thương ông đặc biệt hơn. Có thể là phần đúng. Nhưng nói thế tội nghiệp cho các môn đệ có gia đình. Theo tôi nghĩ: Tình yêu là một tặng phẩm Chúa muốn dành cho ai là tùy Chúa. Nhưng sống làm sao để được Chúa dành yêu thương cho mình mới là điều đáng để ý.

            3. Nói đến những kẻ Chúa yêu, còn phải kể đến một gia đình ở Bêtania. Đó là gia đình ba chị em: Matta, Maria và Lazarô. Phúc âm nhiều lần nhắc tới Chúa dừng chân tại gia đình này:

– Phúc âm kể lại việc Matta lăng xăng tiếp đón Chúa và các môn đệ khi phải lo cho các Ngài ăn uống. Chúa Giêsu nói với Matta: “Con lo lắng bối rối nhiều chuyện quá, một món đủ rồi”.

– Và nói đến cô em Maria ngồi dưới chân Chúa mà thưa chuyện….

– Phúc âm còn đề cập đến Lazarô, người Chúa Giêsu yêu quý.

– Phúc âm theo thánh Gioan đọc Chúa Nhật hôm nay, phác họa cho chúng ta biết Chúa Giêsu đã yêu thương gia đình này một cách đặc biệt.

– Matta và Maria nhờ người đi báo tin cho Chúa Giêsu biết Lazarô đang đau nặng. (Phải có liên hệ nào mới báo tin chứ)

– Câu nói có phần trách móc của hai chị em Matta và Maria: “Nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết”. (Không thân tình ai mà trách móc?).

– Các tông đồ thưa cùng Chúa Giêsu: “Xin Thầy đừng về Bêtania, về đó nguy hiểm lắm, vì kẻ thù đang tìm cách hại Thầy”. Nhưng Chúa Giêsu vẫn về Bêtania.

– Nhất là sự kiện Chúa Giêsu xúc động, không cầm được nước mắt trước mộ Lazarô, khiến cho mọi người phải nhìn nhận: “Kìa xem ông ấy thương Lazarô dường nào”.

Yêu là cho đi, Chúa Giêsu cho đi cảm tình đặc biệt cho các tông đồ, cho Gioan, cho 3 chị em: Matta, Maria và Lazarô. Và Ngài đã phục hồi sự sống cho Lazarô.

Thưa anh em.

Ta phải sống thế nào để có thể chiếm được cảm tình đặc biệt của Chúa?

– Mỗi người hãy đi theo Chúa, gần gũi, gắn bó với Chúa như các tông đồ.

– Hãy nên thân mật với Chúa như 3 chị em nhà Matta, Maria và Lazarô.

– Hãy yêu thương Chúa như thánh Gioan. Nghĩa là phải được Chúa yêu và phải yêu Chúa suốt đời.

Lạy Chúa Giêsu đáng mên, Chúa đã yêu thương và phục hồi sự sống cho Lazarô. Trong mùa chay thánh này, xin Chúa cũng thương canh tân, đổi mới cuộc đời con và phục hồi tâm hồn con, để con chết đi đối với tội lỗi và sống lại với Chúa Kitô.

Về mục lục

.

QUYỀN NĂNG VÀ YÊU THƯƠNG

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Chúa Giêsu là Ngôi Lời nhập thể làm người. Ngài đồng hành cùng mọi người trong đời sống trần thế. Ngài đã từng đến chia sẻ niềm vui trong đám cưới tại Cana (x. Ga 2,1). Ngài đã buồn sầu thương khóc Ladarô cùng với hai chị em cô Matta (x. Ga 11,32-38)…

Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật. Tin Mừng các Chúa Nhật Mùa Chay kể chuyện rõ ràng, Ngài vừa là Thiên Chúa vừa là con người. Chúa nhật I, Chúa Giêsu chịu cám dỗ trong thân phận con người. Chúa nhật II, Chúa Giêsu Hiển Dung trong thần tính vinh quang trên núi Tabor. Chúa nhật III, Chúa Giêsu là Nước Hằng Sống đem lại sự sống vĩnh cửu cho những ai tin vào Ngài. Chúa nhật IV, Chúa Giêsu là sự sáng thế gian, ai đi theo Ngài sẽ bước đi trong ánh sáng. Chúa nhật V, Chúa Giêsu là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ngài thì được sống đời đời.

Nhiều lần Chúa Giêsu nói về sự sống đời đời. Với người phụ nữ Samaria bên bờ giếng Giacob, Ngài xác quyết: Nước Ta ban sẽ vọt lên đem lại sự sống đời đời. Sau phép lạ bánh hoá nhiều, Ngài nói với người Do thái: Ta là bánh ban sự sống. Nơi khác Ngài bảo: Ta là ánh sáng mang lại sự sống. Có lần Ngài khẳng định: Ta là đường, là sự thật và là sự sống. Chúa Giêsu đến thế gian để cho con người được sống và sống dồi dào.

“Thầy là sự sống lại và sự sống”, lời tuyên bố của Chúa Giêsu trước khi làm cho Ladarô sống lại là một trong những lời kỳ diệu nhất đối với người thời đại cũng như bao người ngoài Kitô giáo và những người vô thần ngày nay. Nhưng đối với chúng ta, lời tuyên bố đó là chính nền tảng, và là hy vọng của cuộc đời.

Ladarô đau nặng, Matta và Maria sai người đến báo tin cho Chúa Giêsu hay : “Thưa Thầy, người Thầy thương mến đang bị đau nặng”. Chúa bảo: “Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang Thiên Chúa”.

Cho dù Ladarô đã chết, nhưng Chúa Giêsu vẫn nói với các môn đệ: “Thầy mừng cho anh em, vì Thầy đã không có mặt ở đó để anh em tin”. Chúa Giêsu và các môn đệ lên đường tới Bêtania. Matta đón Ngài và biểu lộ niềm tin tưởng tuyệt đối: “Lạy Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết. Nhưng bây giờ con biết: bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy”. Ladarô đã chết nhưng Matta tin chắc chắn Chúa có thể làm cho em trai mình được sống bởi vì Ngài là Đấng quyền năng. Chúa Giêsu mạc khải: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy thì dù đã chết cũng sẽ sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết”. Với lời xác quyết vừa trang trọng vừa lạ lùng này, Chúa Giêsu đòi hỏi Matta phải xác tín: “Con có tin điều đó không?”. Matta tuyên xưng: “Thưa Thầy có, con vẫn tin Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa, Đấng phải đến trong thế gian”. Matta biết Chúa Giêsu là Đấng quyền năng, Ngài có thể truyền lệnh cho sự chết cũng như Ngài đã truyền lệnh cho sóng gió phải im lặng. Chúa Giêsu đã thực hiện phép lạ. Ngài truyền cho Ladarô sống lại bước ra khỏi mồ, sau khi đã cầu nguyện và cảm tạ Chúa Cha. Trước sự thật hiển nhiên này, một số người đã tin theo Chúa. Một số khác, nhất là các Biệt phái và các Thượng tế lại chống đối cách quyết liệt hơn nữa. Họ hội họp với nhau và quyết định kết án tử hình cho Chúa.

Bài Tin Mừng hôm nay chứng minh cách tổng hợp, Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa quyền năng vừa là con người yêu thương. Quyền năng làm cho kẻ chết sống lại. Con người nhân ái đến thăm gia đình có người qua đời, trái tim rung động thổn thức. Chúa Giêsu khóc nức nở trước ngôi mộ của Ladarô khiến dư luận bàn tán: “Coi kìa. Ông ấy thương Ladarô biết dường nào!”. Thánh Gioan cũng thấy như vậy: “Đức Giêsu quý mến cô Mácta cùng hai người em là cô Maria và anh Ladarô”.

Ladarô đi vào đường hầm của sự chết. Chúa đã gọi anh quay trở lại: “Ladarô, hãy ra đây!… Người chết đi ra, chân tay còn quấn những mãnh vải…”. Ladarô xuất hiện với cùng một thân xác như khi đi vào mồ. Anh nằm trong mộ bốn ngày rồi, thối rữa ra rồi.Thế mà Chúa bảo hãy đi ra. Anh đi ra thật. Giải băng còn quấn cứng ngắc…Sự hoảng hốt bao trùm. Niềm vui bùng nổ. Hàng ngàn người lại nườm nượp tuôn đến. Đến để xem người chết sống lại. Ladarô sống lại là hiện thân của một biến cố lịch sử ngàn năm một thuở.

Trong Cựu Ước, ngôn sứ Êlia đã làm cho con trai của bà góa ở Sarépta sống lại (x.1V 17,17-24), ngôn sứ Êlisa cũng làm cho đứa con trai của bà Sunêm sống lại (x.2V 4,32-37). Trong Tân Ước, Phêrô đã làm cho bà Tabitha đã chết sống lại (x.Cv 9,39-42). Chúa Giêsu đã làm cho người chết sống lại ít nhất ba lần: cho con trai bà góa thành Naim (x. Lc 7,11-15), cho con gái một ông trưởng hội đường (x. Mt 9,18-26; Mc 5,35-43; Lc 8,49-56), và cho Ladarô. Cũng như những người được hồng ân sống lại từ cõi chết, Ladarô sau này sẽ lại chết, người thân phải mai táng anh lần nữa.

Chúa Giêsu đối đầu với sự chết ngay trong lãnh địa thần chết. Ngài vào và ra khỏi đó như một người chủ vì Ngài nắm giữ chìa khóa sự chết và âm phủ (Kh 1,18). Ngài đã chịu chết nên Thiên Chúa đã ban triều thiên vinh quang cho Ngài (Dt 2,9); Ngài trở nên “trưởng tử giữa các vong nhân” (Cl 1,18). “Nhờ sự chết của mình, Chúa Giêsu đã giao hòa chúng ta với Thiên Chúa” (Rm 5,10) “để chúng ta được lãnh gia nghiệp đã hứa cho” (Dt 9,15). Đối với người Kitô hữu, chính cái chết thân xác mang một ý nghĩa mới. Chết không còn là một định luật con người đành phải tuân theo, đành phải chấp nhận hay một hình phạt do tội lỗi gây ra. Người Kitô hữu “chết cho Chúa”, như đã sống cho Chúa (Rm 14,7; Pl 1,20). Nếu họ hy sinh đổ máu để làm chứng cho Chúa, cái chết của họ là một hy lễ tiến dâng lên Thiên Chúa (1Tim 4,6) và đáng được triều thiên sự sống (Kh 2,10; 12,11).

Chúa Giêsu là sự sống lại và là sự sống.Tin vào Ngài là thông hiệp vào sự sống lại sau khi chết, khiến cái chết không còn nghĩa lý gì nữa. Cái chết của Ladarô chỉ là một giấc ngũ (Ga 11,11), người tin Chúa sẽ coi nhẹ cái chết chỉ như một giấc ngũ, một chặng đường dẫn tới sự kết hợp vĩnh viễn với Chúa. Đức tin, nền tảng tư duy dẫn vào cuộc đổi mới đời mình và đổi mới cả môi trường trần thế đang là đất sống của con người tại thế. Từ chỗ là do định luật thiên nhiên đáng lo sợ, cái chết trở thành cõi phúc “Phúc thay những người chết trong Chúa” (Kh 14,13), để được sống đời sống mới và ở đó “không còn sự chết nữa” (Kh 21,4). Đối với những ai sống lại với Chúa Kitô sẽ không có “cái chết lần thứ hai” (Kh 20,6). Như thế đối với người Kitô hữu, chết là một phúc lợi vì được chính Chúa Kitô là sự sống (Pl 1,21).

Thiên Chúa là Đấng có quyền trên sự sống của con người. Chúa Giêsu hứa ban sự sống lại vào ngày sau hết cho những ai tin vào Ngài. Chúa Giêsu đã nối kết niềm tin vào sự sống lại của con người với niềm tin vào chính sự sống lại của Ngài: “Ta là sự sống lại và là sự sống” (Ga 11,25; 1Cor 15,16-19). Chúa Giêsu đã đưa ra một chiều kích hiện sinh mới, mở ra cho ta con đường tiến tới chân lý sự sống bằng sự chết mà Ngài đã thực hiện. Chính sự tử nạn và phục sinh của Ngài làm cho mọi cái chết trở thành Tin Mừng của sự sống.

Chúa Giêsu không chỉ yêu thương chúng ta bằng tình yêu thần linh của một vị Thiên Chúa, mà còn yêu bằng chính tình cảm đầy tính người của con người. Và dù mang tính con người, tình yêu ấy vẫn rất bao la, quảng đại và triệt để: “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1b). “Đến cùng” ở đây là tới mức tận cùng của tình yêu con người, không ai có thể yêu hơn được nữa: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).

Sự chết và sống lại của Chúa Giêsu Kitô không những đã chuộc lại những gì con người đã mất do tội lỗi nhưng còn là một cuộc sáng tạo. Nhờ sự chết và sống lại mà Ngài đã nối nhịp cầu hiệp thông liên kết giữa Thiên Chúa và con người, thiết lập một tương quan mới Cha con. Nhân loại từ đây không những được ơn tha thứ, được gột rửa sạch tội lỗi để khỏi án chết đời đời, nhưng còn được trở nên con cái Thiên Chúa, được gọi Người là Abba, Cha ơi (Rm 8,15).

Sự sống mà Thiên Chúa ban cho con người khi sáng tạo là sự sống trong tương quan giữa Hoá Công và thọ tạo. Sự sống mà Chúa Kitô đem lại cho con người là sự sống trong tương quan giữa Thiên Chúa là Cha và loài người được nâng lên địa vị làm con. Sự sống “tự nhiên” là một thực tại khách quan. Sự sống mới hay sự sống  “siêu nhiên” là một trạng thái ân tình mà con người phải đi vào để được thực sự thông hiệp với Thiên Chúa.

Tin và sống trong ân tình Chúa Kitô chính là chiến thắng sự chết, là mang trong mình mầm mống của sự sống đời đời. “Ai sống và tin vào Thầy thì sẽ không bao giờ chết” (Ga 11, 26; 1Ga,14). “Không bao giờ chết” là không bao giờ mất hiện hữu trong tương quan với Ba Ngôi Thiên Chúa, không bao giờ mất sự sống trong tương quan ân tình với Người.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con.

Xin cho chúng con được sống lại trong niềm tin vào Chúa để chúng con được sống dồi dào trong tình thương của Chúa. Amen.

Về mục lục

.

SỰ SỐNG

Lm. Trần Việt Hùng 

La-gia-rô chết ba ngày,

Mồ chôn xác rữa, ai hay phận người.

Phàm nhân sống chết ở đời,

Tự nhiên theo luật, ơn trời trao ban.

Ma-ry tin nhắn nài van,

Chúa về thăm bạn, bệnh nan khó lành.

Vài ngày lưu lại trong thành,

Biết rằng ông chết, du hành hỏi han.

Họ hàng thân quyến khóc than,

Mar-tha gặp Chúa, kêu van đôi lời,

Em con vắn số cuộc đời,

Ơn Thầy cứu giúp, chưa rời thế gian.

Quyền Thầy cao cả trên ban,

Em con đã chết, yên hàn tấm thân.

Ra đi tới mộ sát gần,

Giê-su thổn thức, thế trần lệ rơi.

Thương thay kiếp sống con người,

Ngước lên cầu nguyên, tuyệt vời ân thiên.

Bước ra khỏi mộ nhãn tiền,

La-gia-rô sống, nhân hiền trời ban.

Người Ấn Độ có một suy tư nói rằng khi bạn mở mắt chào đời, bạn khóc và mọi người quanh bạn thì vui mừng. Bạn tiếp tục sống cuộc đời riêng tư. Khi bạn nhắm mắt lìa đời. Mọi người chung quanh sẽ khóc thương bạn, nhưng bạn lại vui trong an bình.

Câu truyện của ông Lazarô trong bài Phúc Âm hôm nay nhắc nhớ về cuộc đời của mỗi người chúng ta. Có sinh ắt có tử. Sinh ra là chúng ta bắt đầu đi dần tới sự chết. Lazarô chia sẻ cuộc sống như mỗi người chúng ta. Có sinh ra, lớn lên, rồi bệnh hoạn và chết. Khi chết đi đã có nhiều người thương tiếc. Chính Chúa Giêsu và các tông đồ cũng nhớ thương đến nhỏ lệ.

Đứng trước sự chết, con người đành bó tay. Một khi đã tắt hơi thở trở về cõi bên kia, khoa học văn minh cũng đầu hàng. Lazarô chết, có nhiều người đến viếng thăm. Người ta đã chôn xác ông ta được ba ngày rồi. Có nghĩa là theo luật tự nhiên xác đã đang rữa thối.

Rất may mắn, nơi đây có sự hiện diện của Đấng ban sự sống. Chúa Giêsu chính là nguồn sống. Chúa đã dùng quyền phép mình cho Lazarô chết ba ngày được sống lại. Quyền năng của Chúa cao vượt trí khôn loài người. Không ai có thể hiểu được. Mọi người trố mắt nhìn xem, nhưng không hiểu. Thiên Chúa đứng cạnh bên mà người ta vẫn không nhận ra. Chính Chúa đã phán: “Ta là sự sống và là sự sống lai. Ai tin vào Ta sẽ không phải chết”.

Chúng ta thường thấy trên các tấm bia mộ nơi nghĩa trang, đều có ghi tên tuổi và năm tháng ngày sinh và ngày từ trần. Các con số được ghi qua một gạch nối. Cuộc sống dài hay ngắn cũng chỉ có một gạch nối bẳng nhau. Gạch nối là biểu hiệu cho biết thời gian chúng ta đã sống bao lâu trên trần gian. Thật vậy, đời sống dài hay ngắn không quan trọng. Chỉ quan trọng là làm sao chúng ta sống một cuộc đời có ý nghĩa và để lại nhiều mến thương.

Chúa Giêsu sau khi bị kết án tử hình trên thập giá và chôn trong mồ, Chúa đã sống lại vinh hiển. Đây chính là niềm hy vọng sống lại ngày sau hết của chúng ta. Chúa Giêsu là đầu chi thể, tất cả chúng ta là chi thể mầu nhiệm của Ngài. Chúa đi trước mở lối cho chúng ta bước theo. Đặt niềm tin tưởng nơi Chúa Kitô phục sinh, chúng ta cũng sẽ được phục sinh với Ngài.      

Về mục lục

.

CHÚA KHÓC

 Lm. GB. Trần Văn Hào

Cái chết là ẩn số lớn nhất mãi luôn đeo bám phận người. Làm người ai cũng phải chết. Ẩn số này là bài toán không có lời giải đối với bao triết gia cũng như các lãnh tụ tôn giáo từ xưa đến nay. Nhưng đáp án cho bài toán nan giải này đã được Chúa Giêsu khải thị trong trình thuật Tin Mừng hôm nay. Trước khi cho Lazarô sống lại, Chúa đã nói với Matta : “Thầy là sự Phục sinh và là Sự Sống. Ai tin vào Thầy thì dù đã chết cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy thì không bao giờ phải chết”. Phép lạ làm cho Lazarô trỗi dậy sau 4 ngày được mai táng trong huyệt mộ đã chứng minh quyền năng Thiên Chúa nơi Đức Giêsu.

Chúa khóc.

Đứng trước cái chết của Lazarô, Chúa Giêsu đã thổn thức, đã xao xuyến trong lòng và đã khóc (c 33, 38). Chúa Giêsu là một Thiên Chúa rất Thiên Chúa, đồng thời cũng là một con người rất con người. Là Thiên Chúa quyền năng, Ngài có thể làm cho kẻ chết sống lại, điều mà con người không ai có thể làm được. Nhưng, là con người, Chúa cũng từng run sợ khi đối diện trước cái chết. Chung hòa kiếp sống làm người, Chúa vui với kẻ vui, khóc với người khóc. Ngài chung chia niềm vui cũng như nỗi buồn với bất cứ ai. Lặng đứng trước ngôi mộ nơi an táng người quá cố, Chúa Giêsu đã bật khóc.

Chúa Giêsu khóc không phải chỉ vì thương tiếc người bạn thân thiết đã ra đi. Ngài cũng không rơi lệ chỉ để tỏ bày lòng thương cảm đối với 2 chị em Matta và Maria. Nhưng Chúa đã khóc khi nghĩ đến phận người, và chính Ngài cũng đang chung chia thân phận bi thương ấy. Chúa biết trước rằng mình sẽ chết, một cái chết kinh hoàng và khủng khiếp giống như một tên tội phạm bị nhận xuống tận đáy bùn đen của xã hội loài người. Ngài sợ, và nỗi khiếp sợ này được tái hiện rõ nét hơn trong cơn hấp hối nơi vườn cây dầu. Ngài kinh hãi đến độ mồ hôi trộn với máu toát ra. Đứng trước mùi tử khí, Chúa đã khóc, những tiếng khóc kèm theo bao đau đớn vì biết trước rằng, mình sẽ phải nếm trải cái chết giống như vậy.

Chết là gì?

Đây là câu hỏi hóc búa nhất từ xưa đến nay. Đây cũng còn là bài toán trầm kha mà bao triết gia đã nhọc công vắt óc suy tư mà mãi vẫn không tìm ra được đáp án. Triết gia Jean Guitton, bạn thân của Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô 2 đã kể lại một giai thoại. Hồi còn nhỏ, ban đêm ông ngủ với mẹ. Nhà hàng xóm bên cạnh có người chết. Giữa đêm khuya tĩnh lặng, có tiếng khóc ai oán vang xa nghe thật não nuột. Thằng bé sợ quá ôm chồm lấy mẹ. Nó thì thầm hỏi : “Mẹ ơi, chết là gì hở mẹ?” Bà mẹ trẻ lúng túng không biết trả lời đứa bé thế nào. Bà bật dậy ngồi vào bàn lấy cuốn Kinh thánh ra đọc. Trong Tin Mừng Gioan bà đọc thấy đoạn viết: “Trước lễ vượt qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng (Ga 13,1)”. Gấp sách lại, bà trở về giường và trả lời đứa con:  “Con ơi, chết là trở về với Cha và yêu thương đến cùng”. Nơi Đức Giêsu, chết không phải là một dấu chấm hết, kết thúc cuộc đời cách vô nghĩa, nhưng là cửa ngõ mở thông dẫn đến một chân trời mới. Chết không phải là sự ra đi nhưng là cuộc hành trình trở về, trở về với Chúa Cha. Cái chết của Đức Giêsu trở nên cánh cửa đưa dẫn đến sự Phục sinh vinh thắng và đây là đáp án cho mọi ẩn số nơi thân phận bi thương của kiếp người. Thánh Augustinô đã viết: “Có một thời để sống, một thời để chết và một thời để đi vào vĩnh cửu. Thời để sống là lúc chúng ta đi tìm kiếm Thiên Chúa. Thời để chết là lúc chúng ta đến gặp gỡ Ngài. Thời đi vào vĩnh cửu là lúc chúng ta chiếm hữu Ngài cách trọn vẹn”. Đáp án cho bài toán nan giải về sự chết chính là ở đây.

Lazarô đã chết và được Chúa cho phục sinh. Nhưng, chàng thanh niên được Chúa cho sống lại chỉ là tạm thời. Cuối cùng anh cũng phải chết một lần nữa, phải đi vào thân phận cát bụi. Khởi đầu mùa chay thánh với việc cử hành nghi thức xức tro, Giáo hội đã nhắc lại cho chúng ta về chân lý này.

Ta là Sự Phục sinh và là Sự Sống

‘Phép lạ xảy ra là để anh em tin’ (c 15). Chúa Giêsu đã nói trước như thế. Trong sách Tin Mừng thứ tư, thánh Gioan đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại đích nhắm của Ngài là: “Tin vào Đức Giêsu – Đấng Kitô, và ai tin thì có sự sống đời đời”. Cũng vậy, việc Chúa cho Lazarô sống lại không phải nhằm phô diễn một kỳ tích để cho thiên hạ vỗ tay. Chúa cũng không thực hiện phép lạ chỉ vì có lòng thương cảm mang tính riêng tư đối với các thành viên trong gia đình Bêtania, mặc dầu người Do Thái xầm xì: “Kìa xem, ông ta thương Lazarô biết mấy”. Trước khi làm phép lạ, Chúa đã nói với Matta “Thầy là sự sống lại và là sự sống” và Ngài hỏi tiếp “Chị có tin như thế không”(c.26).

Trong các trình thuật của Gioan, đức tin luôn là điều kiện để dẫn tới các phép lạ.

Lời tuyên bố của Chúa Giêsu trên đây không phải là một lối nói cường điệu hóa như trong xã hội thời nay, nhiều người vẫn hay ‘nổ’ một cách kênh kiệu và khá lố bịch. Đức Giêsu là Thiên Chúa đầy quyền năng, một Thiên Chúa hằng sống, Đấng không bao giờ phải chết, nhưng Ngài đã đi vào trần gian, mang lấy kiếp người hèn hạ và đã đón nhận cái chết một cách bi thương. Đây là một nghịch lý cao cả và nghịch lý đó đã được giải mã nơi biến cố Phục sinh. Vì vậy, Giáo hội hôm nay muốn nhắc lại để chúng ta xác tín điều mà Chúa công bố : “Tôi là Sự Phục sinh và là Sự Sống”.

Kết luận

Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu trên giường hấp hối đã thì thào nói với các chị em trong cộng đoàn : “Em sắp chết, nhưng không phải em chết mà em đang tiến về cõi sống”. Trong tập sách ‘Nhật ký một tâm hồn’, chị thánh cũng ghi lại : “Ơn gọi của tôi là tình yêu. Tình yêu là tất cả. Tình yêu vượt mọi thời gian và không gian. Ơn gọi của tôi không là gì khác ngoài tình yêu.” Tình yêu chính là tên gọi của Thiên Chúa như Thánh Gioan tông đồ đã khẳng quyết. Ai ở trong tình yêu người đó ở trong Thiên Chúa và sẽ không bao giờ phải chết, bởi vì Thiên Chúa là Đấng bất tử. Tư tưởng thần học này cũng được lập lại trong phụng vụ hôm nay để chúng ta suy gẫm. Trong sứ điệp mùa chay năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng mời gọi chúng ta hãy thực hành tình yêu cách cụ thể, đừng bắt chước thái độ sống của người phú hộ giàu có keo kiệt khi đối mặt với Lazarô nghèo khổ (Lc 16, 19-31). Nơi người phú hộ, sự ham mê của cải, thói ưa thích những lạc thú chóng qua và hay phô trương cái tôi, là ba hình thái loại trừ tình yêu chân thực, gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống và cuối cùng sẽ bị án phạt đời đời.

Trong mùa chay thánh, xin Chúa giúp chúng ta thực hiện cuộc hoán cải nội tâm để luôn biết bám chặt vào Đức Giêsu, Đấng là Sự Phục sinh và là Sự Sống, và là đối tượng duy nhấtcủa đức tin nơi chúng ta.

Về mục lục

.

MIỀN SINH, CÕI TỬ

Trầm Thiên Thu

Sinh – Tử là hai thái cực, hai đầu “mở” và “đóng” của cuộc lữ hành trần gian. Thật vậy, chính Chúa Giêsu cũng đã qua hai “ngưỡng” này – từ Belem tới Can-vê. Thế gian có nhiều loại “cuộc”, nhưng có lẽ đặc biệt nhất là cuộc đời, với đủ thứ nhiêu khê đan xen trong cái “cõi sống” đó!

Cuộc đời cũng là cuộc sống, là sự sống, nhưng không là Nguồn Sống. B. Brech nói: “Cái đáng sợ không phải là chết, mà là sống rỗng tuếch”. Cách “sống rỗng tuếch” là sống-như-chết, tức là “chết ngay khi còn sống”. Còn Maxwell Winston Stone nói: “Đừng nghĩ đến cái chết về thể xác mà hãy trả lời câu hỏi: Bạn đã hoàn thành sứ mệnh của cuộc đời mình chưa? Nhắc đến cái chết và chuẩn bị cho cuộc hành trình sang thế giới bên kia dường như khiến người ta bị quan, lo sợ. Nhưng theo nghĩa lạc quan, có một điều mới lạ sắp đến. Khi đó, bạn không còn cảm giác lo lắng hay sợ hãi nữa”. Biết nghĩ đến cái chết để cố gắng sống tốt hơn, chứ không để bi quan hoặc yếm thế.

Chắc chắn ai trong chúng ta cũng có hai sự sống: Sự sống thể lý và sự sống tâm linh. Người vô thần cũng có hai sự sống, dù họ cố ý chối bỏ phần tâm linh. Chắc chắn rằng sự sống tâm linh quan trọng hơn, vì đó là sự sống của linh hồn, mà chính linh hồn mới làm cho thân xác sống. Tuy nhiên, điều quan trọng phải ghi nhớ là chỉ có Thiên Chúa mới là Nguồn Sống (Tv 36:10). Thật vậy, Chúa Giêsu đã minh định: “Chính Thầy là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (Ga 14:6). Và Thánh Vịnh gia cũng đã phân tích rạch ròi: “Chúa ẩn mặt đi, chúng rụng rời kinh hãi; lấy Sinh Khí lại, chúng tắt thở ngay mà trở về cát bụi. Sinh Khí của Ngài, Ngài gửi tới, chúng được dựng nên, và Ngài đổi mới mặt đất này” (Tv 104:29-30).

Thật vậy, Cựu Ước đã xác định rằng “chính Ngài ban Sự Sống cho muôn vật, muôn loài” (Nkm 9:6), và nguyên tổ A-đam là người đầu tiên được đón nhận sự sống: “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi Sinh Khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật” (St 2:7). Được sinh ra làm người đã là một hồng ân rồi, dù chúng ta như thế nào – thậm chí là sống đời thực vật. Tất nhiên, chúng ta không có quyền đòi hỏi hoặc chọn lựa gì cả, bởi vì  “Thiên Chúa là Đấng cầm quyền sinh tử”, Ngài có thể “đẩy xuống âm phủ rồi lại kéo lên” (Đnl 32:39; 1 Sm 2:6; Kn 16:13). Đó là quyền của Ngài, được thể hiện qua sự quan phòng và tiền định từ thuở đời đời.

Sự sống rất cần, vì thế mà mọi người đều có trách nhiệm bảo vệ sự sống. Sự sống liên quan không khí. Không khí là dưỡng khí, là ô-xy để chúng ta hít thở. Thiếu không khí vài phút là mọi vật chết hết. Chính không khí là đại hồng ân Thiên Chúa trao ban cho mọi loài, chúng ta sử dụng liên tục mà vẫn coi thường, thậm chí là vô ơn bạc nghĩa. Làm ô nhiễm môi trường là hủy hoại môi sinh, tiêu diệt sự sống, tự giết chính mình. Đó là tội lỗi!

Liên Hiệp Quốc cảnh báo rằng, kể từ Thế Chiến II tới nay, chúng ta đang sống trong cơn khủng hoảng nhân đạo dữ dội nhất. Hàng hàng lớp lớp đang chịu đói khát cả về thể lý lẫn tinh thần. Quả thật, đây là báo động đỏ cho thời đại của chúng ta ngày nay vậy.

Thuở xưa, Thiên Chúa đã nói với ngôn sứ Ê-dê-ki-en: “Ngươi hãy tuyên sấm, hãy nói với chúng rằng Đức Chúa là Chúa Thượng phán như sau: Hỡi dân Ta, này chính Ta mở huyệt cho các ngươi, Ta sẽ đưa các ngươi lên khỏi huyệt và đem các ngươi về đất Ít-ra-en. Các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa, khi Ta mở huyệt cho các ngươi và đưa các ngươi lên khỏi huyệt, hỡi dân Ta!” (Ed 37:12-13). Được ra khỏi huyệt mộ là thoát chết, tức là được sống. Thật là Đại Phúc cho ai được như vậy!

Và chẳng đâu xa, mỗi chúng ta đã và đang được nhận phúc lớn đó. Thật vậy, Thiên Chúa đã nói như một lời giải thích: “Ta sẽ đặt thần khí của Ta vào trong các ngươi và các ngươi sẽ được hồi sinh. Ta sẽ cho các ngươi định cư trên đất của các ngươi. Bấy giờ, các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa, Ta đã phán là Ta làm” (Ed 37:14). Chúng ta được Thiên Chúa “thổi hơi” để trao ban Thần Khí, nhờ đó mà chúng ta có thể sống. Và còn hơn thế nữa, vì chúng ta còn được sống dồi dào (Ga 10:10), theo mong muốn của Chúa Giêsu. Nếu chúng ta không thể sống dồi dào là lỗi tại chúng ta. Lời Chúa xác quyết “Ta đã phán là Ta làm” khiến chúng ta an tâm. Quả thật, Ngài không hề sai lời và Ngài rất thẳng thắn, một là một chứ không xấp xỉ hoặc tương đương. Tuyệt vời là như thế đấy!

Tình trạng “ở trong bóng tối” tức là CHẾT, tình trạng “ở trong ánh sáng” tức là SỐNG. Chúng ta chết vì chúng ta ở trong bóng tối – bóng tối tội lỗi. Vì thế, chúng ta luôn phải khẩn cầu: “Từ vực thẳm, con kêu lên Ngài, lạy Chúa, muôn lạy Chúa, xin Ngài nghe tiếng con. Dám xin Ngài lắng tai để ý nghe lời con tha thiết nguyện cầu” (Tv 130:1-2). Đó là lời cầu cấp tốc, lời cầu khẩn cấp, như tiếng còi vang lên từ xe cứu thương hoặc hiệu lệnh báo động.

Ôi, lại một hồng ân nữa: Chúng ta biết đánh tín hiệu cấp cứu “S.O.S” nên được cứu sống, nhờ Thiên Chúa đến kịp. Vâng, ước gì mỗi khi gặp hoạn nạn, chúng ta luôn biết “dò làn sóng của Thiên Chúa” bằng cách van xin: “Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng? Nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ để chúng con biết kính sợ Ngài” (Tv 130:3-5). Tuy nhiên, muốn được như vậy cũng không hề dễ dàng, nếu chúng ta không “hết lòng mong đợi và cậy trông ở lời Chúa” (Tv 130:5). Thật vậy, nếu thực sự muốn “sống cho đúng nghĩa”, chúng ta phải tâm niệm rạch ròi: “Hồn tôi trông chờ Chúa, hơn lính canh mong đợi hừng đông. Hơn lính canh mong đợi hừng đông, bởi Chúa luôn từ ái một niềm, ơn cứu chuộc nơi Ngài chan chứa. Chính Ngài sẽ cứu khỏi tội khiên muôn vàn” (Tv 130:6-8).

Thiên Chúa không ngừng phát “sóng hồng ân” liên tục 24/7, chúng ta không bắt được sóng của Ngài có thể là vì chúng ta không có ăng-ten, không muốn bắt “sóng thương xót” hoặc không muốn nghe các chương trình của Ngài vì cảm thấy “không hợp” với mình, cũng có thể vì thế mà chúng ta thích bắt các đài khác hợp ý mình hơn, nhưng khốn thay đó lại là các làn sóng của thế gian và Satan. Đó là “sống mà như chết”, thân xác thì sống thật đấy mà linh hồn lại chết rồi!

Chúng ta biết rằng chuyện sống – chết liên quan vấn đề xác – hồn. Điển hình và dễ nhận thấy là sự sống của thân xác. Nhưng cũng nên phân biệt rạch ròi hai vế là “xác thịt” (nhục thể, cụ thể) và “tính xác thịt” (trừu tượng). Đôi khi “tính xác thịt” còn nguy hiểm hơn “xác thịt”. Có lẽ vì thế mà Giáo hội “đề nghị” lời cầu nguyện trong mầu nhiệm thứ Năm của Mùa Thương: “Xin cho con biết đóng đinh tính xác thịt vào Thánh Giá Chúa”. Vả lại, chính Chúa Giêsu cũng đã cảnh báo: “Tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn” (Mt 26:41; Mc 14:38).

Rất có thể khi nghe nói như vậy sẽ có người muốn “nổi loạn” và muốn “kiện” Chúa. Tại sao? Bởi vì họ cho rằng Ngài đã tạo nên một dạng thân-xác-yếu-hèn. Ý nói là Chúa đã “cài đặt” mặc định (default) như vậy rồi, y như máy vi tính đã “đóng băng” (Deep Freeze), chúng ta có thay đổi mọi thứ thì nó cũng trở về “mặc định” sau khi nó được khởi động lại (restart). Nhưng KHÔNG phải như vậy. Thật ư? Vấn đề thứ nhất: đó là mầu nhiệm, chúng ta không đủ trình độ để hiểu. Vấn đề thứ nhì: Thiên Chúa không bao giờ tạo dựng điều xấu, vì Ngài là Đấng chí thánh, nơi Ngài CHỈ CÓ ĐIỀU TỐT chứ KHÔNG CÓ ĐIỀU XẤU.

Quả thật, Thánh Phaolô đã nói: “Những ai bị tính xác thịt chi phối thì không thể vừa lòng Thiên Chúa” (Rm 8:8). Nhưng chúng ta thật may mắn vì chính tội-nhân-chúng-ta được trở thành con cái của Thiên Chúa, điều mà Thánh Phaolô đã giải thích: “Anh em không bị tính xác thịt chi phối, mà được Thần Khí chi phối, bởi vì Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong anh em. Ai không có Thần Khí của Đức Kitô thì không thuộc về Đức Kitô” (Rm 8:9). Còn hơn cả sự tuyệt vời!

Đối với chuyện sinh – tử, Thánh Phaolô giải thích và xác định chi tiết: “Nhưng nếu Đức Kitô ở trong anh em thì dầu thân xác anh em có phải chết vì tội đã phạm, Thần Khí cũng ban cho anh em được sống, vì anh em đã được trở nên công chính. Lại nữa, nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới” (Rm 8:10-11).

Và Kinh Thánh cũng đã nói: “Thiên Chúa là Đấng cầm quyền sinh tử, đẩy xuống âm phủ rồi lại kéo lên” (1 Sm 2:6). Quả đúng là như vậy, vì “Thiên Chúa nắm chủ quyền trên mọi xác phàm” (Đn 14:5), chính “Chúa Cha đã ban cho Người [Đức Kitô] quyền trên mọi phàm nhân” (Ga 17:12) và “trên mọi chi tộc” (Kh 13:7). Rất rõ ràng, rất rạch ròi, không có gì mơ hồ!

Tin Mừng hôm nay là trình thuật Ga 11:1-45, kể lại một chuyện-cổ-tích-có-thật thế này: Một người bị đau nặng tên là La-da-rô, quê ở Bê-ta-ni-a, em trai của hai chị em cô Mác-ta và Ma-ri-a (người sau này sẽ xức dầu thơm và lấy tóc lau chân Chúa Giêsu). Một hôm, anh La-da-rô bị đau nặng và… tắt thở. Chuyện buồn xảy ra hằng ngày, không của riêng ai, vì ai cũng tới lúc này. Và ai cũng đã nhiều lần có cảm giác mất mát người thân hoặc bạn bè, càng nhiều tuổi càng trải qua nhiều cảm giác “lạ” này.

Ngay khi biết em trai bị bệnh nặng, khó qua khỏi, hai chị em gái cho người đến báo tin buồn cho Đức Giêsu: “Thưa Thầy, người Thầy thương mến đang bị đau nặng”. Chúng ta thấy rõ ràng La-da-rô là “người mà Chúa Giêsu thương mến”, thế nhưng Ngài vẫn thản nhiên bảo: “Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh”. Giữa lúc dầu sôi lửa bỏng thế mà Chúa Giêsu vẫn bàng quan thế ư? Không phải đâu, Ngài không dùng từ nào thừa hoặc thiếu, nhưng rất chính xác và đầy đủ, vì Ngài biết Ngài là ai và Ngài sẽ làm gì.

Chúng ta được biết rằng Chúa Giêsu quý mến cả ba chị em Mác-ta, Ma-ri-a và La-da-rô, bằng chứng là Ngài đã lưu lại thêm hai ngày ở nhà họ. Sau đó, Ngài cùng các môn đệ trở lại Giu-đê. Các môn đệ thấy người Do-thái mới tìm cách ném đá Thầy, nên muốn can ngăn. Nhưng Ngài vẫn bình tĩnh bảo họ: “Ai đi ban ngày thì không vấp ngã, vì thấy ánh sáng mặt trời. Còn ai đi ban đêm thì vấp ngã, vì không có ánh sáng nơi mình!”. Một bài học nữa về cách sống tâm linh mà Chúa Giêsu dạy cho chúng ta, đặc biệt là các Kitô hữu.

Khi đó, Chúa Giêsu bảo họ: “La-da-rô, bạn của chúng ta, đang yên giấc. Tuy vậy, Thầy đi đánh thức anh ấy đây”. Các môn đệ nói: “Thưa Thầy, nếu anh ấy yên giấc được, anh ấy sẽ khoẻ lại”. Các môn đệ không hiểu ý của hai từ “yên giấc” mà Ngài dùng, họ tưởng Ngài nói về việc ngủ nghỉ bình thường. Thật ra Ngài muốn đề cập SỰ CHẾT. Và rồi Ngài phải nói toạc móng heo luôn: “La-da-rô đã chết. Thầy mừng cho anh em, vì Thầy đã không có mặt ở đó, để anh em tin. Thôi, nào chúng ta đến với anh ấy”. Ôi chao! Thấy người ta chết mà lại bảo là “mừng”. Coi bộ “căng” dữ nghen! Thế nhưng đúng là như vậy, Ngài mừng vì Ngài không có mặt ở đó để người ta thêm tin khi thấy việc Ngài làm: Cải tử hoàn sinh cho La-da-rô.

Hôm đó, các đệ tử đã đồng tâm nhất trí muốn “cùng chết với Sư Phụ”. Tốt lắm, ít ra cũng là như thế! Cuộc sống cần nhớ điều này: Dù CHƯA LÀM được điều mình MUỐN thì ít ra cũng phải biết MUỐN điều mình MUỐN THỰC HIỆN.

Chắc hẳn là La-da-rô bệnh nặng lắm nên mới mau chết như vậy. Bởi vì dù đường không xa, nhưng khi Chúa Giêsu đến nơi, người ta đã an táng La-da-rô được bốn ngày rồi. Kinh Thánh cho biết rằng Bê-ta-ni-a cách Giê-ru-sa-lem không xa, chưa đầy ba cây số, nhưng thời đó cuốc bộ suốt nên mất nhiều thời gian. Có nhiều người Do-thái đến chia buồn với chị em Mác-ta và Ma-ri-a. Dân làng với nhau mà, có chuyện gì cũng chia sẻ với nhau – dù là việc hỉ hay việc hiếu.

Khi nghe tin Đức Giêsu đến, cô Mác-ta liền vội ra ngõ đón Ngài, còn cô Ma-ri-a thì cứ ngồi ở nhà, cứ bình thường, ra vẻ như chẳng có gì quan trọng. Phong cách bình thản như thế kể cũng hay thật đấy! Nhà hiếu chưa yên chuyện buồn thì lại có chuyện khác. Cuộc đời thật là rắc rối như mớ bòng bong vậy!

Vừa gặp Chúa Giêsu, Mác-ta nói ngay: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết. Nhưng bây giờ con biết: Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy”. Ngài liền bảo: “Em chị sẽ sống lại!”. Mác-ta thưa rằng cô vẫn tin kẻ chết sống lại trong ngày sau hết. Nhưng Ngài nói rõ: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy thì dù đã chết cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy sẽ không bao giờ phải chết”. Ngài hỏi Mác-ta có tin thế không, Mác-ta cũng xác tín: “Con vẫn tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian”. Một lời tuyên xưng tuyệt vời quá đỗi!

Sau đó, Mác-ta vội đi nói nhỏ với Ma-ri-a: “Thầy đến rồi, Thầy gọi em đấy!”. Nghe vậy, Ma-ri-a liền đứng lên và đến với Đức Giêsu. Lúc đó, Ngài chưa vào làng, vẫn ở chỗ Mác-ta đã ra đón. Những người Do-thái thấy Ma-ri-a vội vã đứng dậy đi ra thì cũng đi theo, vì họ tưởng cô ra mộ khóc em.

Khi đến gần Đức Giêsu, Ma-ri-a liền phủ phục dưới chân và nói: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết”. Thật là tội nghiệp hết sức! Thấy cô khóc, những người Do-thái đi với cô cũng khóc, và chính Đức Giêsu thổn thức trong lòng và xao xuyến. Có lẽ Ma-ri-a khóc em trai dữ lắm, đặc biệt là thể hiện niềm thương nỗi nhớ của chị dành cho em. Khi đó, Ngài hỏi xác anh ấy ở đâu. Họ mời Ngài đến mộ, và Ngài cũng bật khóc. Thấy thế, người Do-thái bảo nhau: “Kìa xem! Ông ta thương anh La-da-rô biết mấy!”. Có vài người trong họ dặt vấn đề rằng Đức Giêsu đã từng mở mắt cho người mù mà sao lại không làm cho anh ấy khỏi chết. Nghe họ nói vậy nên Chúa Giêsu lại thổn thức trong lòng. Thương lắm chứ, thương cả người chết và người sống, thế nên Ngài đã thể hiện “chạnh lòng thương” tới ba lần! Rồi Ngài đi tới mộ La-da-rô, phiến đá vẫn đậy kín cửa hang. Ngài bảo người ta lăn phiến đá ra. Mác-ta vội ngăn lại, và bảo đã nặng mùi, bởi vì La-da-rô đã an táng được bốn ngày rồi. Lúc đó, Chúa Giêsu nhắc lại chuyện đức tin, và không ai có thể nói gì thêm nữa.

Ngay sau khi phiến đá được đem đi, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời và cầu nguyện: “Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời con. Phần con, con biết Cha hằng nhậm lời con, nhưng vì dân chúng đứng quanh đây, nên con đã nói để họ tin là Cha đã sai con”. Nói xong, Ngài nói lớn: “Anh La-da-rô, hãy ra khỏi mồ!”. Ôi chao, thật là diệu kỳ, người chết bật dậy và lù lù đi ra trong khi thân xác vẫn còn quấn vải liệm. Chắc hẳn lúc đó ai cũng phải kinh ngạc. Đức Giêsu điềm nhiên bảo: “Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi”. Hai bà chị cũng ngạc nhiên không kém, nhưng họ rất vui mừng, không chỉ vì em trai sống lại mà chính là họ biết niềm tin của họ vào Thầy Giêsu là điều hoàn toàn chính xác.

Thánh sử Gioan cho biết thêm rằng trong số những người Do-thái đến đám tang La-da-rô hôm đó cũng đều được chứng kiến việc Đức Giêsu làm cho người chết sống lại, và trong số đó có nhiều kẻ đã tin vào Ngài. Họ thật diễm phúc vì đã tin. Tất nhiên cũng vẫn có những kẻ cứng lòng, một phần vì họ cố chấp, không muốn tin mặc dù thấy nhãn tiền. Ngày nay cũng vẫn có nhiều người cố chấp như thế đấy!

Hôm nay, khi đề cập vấn đề chuyện sinh – tử và có liên quan đức tin, chúng ta cùng nhớ lại một mối phúc đặc biệt – ngoài Tám Mối Phúc – mà Chúa Giêsu đã nói với tông đồ Tô-ma sau khi Ngài từ cõi chết sống lại: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20:29). Và đó cũng là lời “nhắc khéo” đối với chúng ta hôm nay vậy!

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng sinh, xin thương ban thêm đức tin cho con, bởi vì đức tin của con còn yếu đuối lắm, và con biết chắc rằng nếu không có Ngài thì con không thể làm được bất cứ điều gì (Ga 15:5). Abba – Lạy Cha! Xin giúp con biết cách biến đổi chính sự yếu đuối của con thành sức mạnh nhờ Đức Kitô, để dù SỐNG hay CHẾT, con vẫn mãi chỉ thuộc về Ngài mà thôi. Con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Người Tôi Trung đau khổ và Đấng cứu độ nhân loại. Amen.

Về mục lục

.

SUY NIỆM CHÚA NHẬT V MÙA CHAY – NĂM A

Lm. Anthony Trung Thành

Bệnh tật, chết chóc là những nỗi khổ của con người. Nhưng có khi qua bệnh tật, chết chóc con người lại nhận được những bài học có giá trị cho cuộc sống. Chúng ta có thể thấy được điều này qua “sự cố” của ông Ladarô mà câu chuyện Tin Mừng hôm nay kể lại.

1. Bài học thứ nhất: Sự liên đới và quan tâm giúp đỡ

Đó chính là tình liên đới giữa Đức Giêsu với ba chị em Martha, Maria và Ladarô: Xét về phạm vi tự nhiên, giữa Đức Giêsu và ba chị em của Martha có một mối tương quan tình bạn gần gũi, thân thiện và trong sạch. Hiện diện với nhau khi vui, có mặt với nhau khi buồn, đồng cảm với nhau trong mọi hoàn cảnh. Trong một xã hội mà con người dễ bị cám dỗ sống dửng dưng với nhau như hôm nay, thì tình liên đới tốt đẹp giữa Đức Giêsu với ba chị em nhà Martha là mẫu gương cho mỗi người chúng ta noi theo.

Đó là tình liên đới giữa các thành viên trong gia đình: Khi biết Ladarô bị bệnh, hai chị em Martha và Maria đã cho người nhắn tin cho Đức Giêsu: “Người Thầy yêu đau nặng” (Ga 11,3). Việc làm này thể hiện sự quan tâm của Martha, Maria đối với em là Ladarô. Trong cuộc sống, chúng ta cần có sự liên đới giúp đỡ nhau, nhất là giữa những người thân thuộc trong gia đình. Khi một ai đó trong gia đình bị bệnh, những thành viên khác cần quan tâm giúp đỡ, nhất là tìm thầy chạy thuốc, để người ốm đau được khám chữa bệnh một cách chu đáo hầu mong chóng khỏe lại.

2. Bài học thứ hai: Làm Sáng Danh Chúa

Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật tuần trước, khi các môn đệ hỏi Đức Giêsu về trường hợp anh mù từ khi mới sinh. “Anh ta bị mù là do tội anh ta hay do tội của cha mẹ anh ta?” Đức Giêsu trả lời: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh” (Ga 9, 3). Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, khi Martha và Maria sai người đến báo tin cho Đức Giêsu biết “Người Thầy yêu đau nặng.” Đức Giêsu cũng trả lời rằng: “Bệnh này không đến nỗi chết, nhưng để làm sáng danh Thiên Chúa và do đó Con Thiên Chúa sẽ được vinh hiển” (Ga 11,4). Và sau đó, diễn biến của câu chuyện Tin Mừng thực sự đã làm sáng danh Thiên Chúa. Bởi vì, qua câu chuyện Tin mừng này niềm tin của các Tông đồ được cũng cố, chính Đức Giêsu đã nói: “Ladarô đã chết. Nhưng Thầy mừng cho các con, vì Thầy không có mặt ở đó để các con tin. Vậy chúng ta hãy đi đến nhà ông”(Ga 11,14). Không những niềm tin các Tông đồ được cũng cố mà niềm tin nơi các người hiện diện cũng được cũng cố. Chính Martha thưa với Đức Giêsu khi Ngài hỏi về niềm tin rằng: “Thưa Thầy, vâng, con đã tin Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian” (Ga 11, 27). Và nhiều người Do thái cũng đã tin vào Đức Giêsu khi chứng kiến phép lạ này (x. Ga 11,45).

3. Bài học thứ ba: Giúp mọi người hiện diện tin vào sự sống đời sau

Phép lạ Đức Giêsu cho ông Ladarô sống lại báo trước sự phục sinh của Ngài sau này, đồng thời hé mở cho chúng ta thấy viễn tượng sống lại trong ngày sau hết như chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại, tôi tin hằng sống vậy.”

Thật vậy, con người có hai sự sống: sự sống thể xác và sự sống linh hồn. Trong bài đọc II, Thánh Phaolô gọi là sự sống phần xác và sự sống theo Thần Khí. Cũng vậy, con người có hai cái chết: chết về phần xác và chết về phần linh hồn.

Đối với phần xác: Có ngày khai sinh, có ngày khai tử. Không ai sống mãi ở trên cõi đời này. Người trẻ cũng chết. Người già cũng chết. Người giàu cũng chết. Người nghèo cũng chết. Người có quyền cao chức trọng cũng chết. Người thường dân cũng chết. Ladarô trước khi được Đức Giêsu cho sống lại cũng đã chết 4 ngày và chắc chắn sau đó ông cũng phải chết. Đức Giêsu vì mang bản tính con người cho nên Ngài cũng chết. Nhưng đức tin kitô giáo dạy chúng ta “xác loài người ngày sau sẽ sống lại.”

Ngoài phần xác, con người còn có phần linh hồn. Linh hồn nhận được sự sống của Thiên Chúa khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Linh hồn được nuôi dưỡng nhờ Bí tích Thêm sức, Giao Hòa, Thánh Thể, Xức dầu… Sự sống linh hồn sẽ được kéo dài vĩnh viễn bên Chúa khi con người chết trong ơn nghĩa Chúa. Chúng ta gọi là chết lành. Đó là trường hợp của ông Ladarô trong “dụ ngôn nhà phú hộ và ông Ladarô” (x. Lc 16,19-31), đó là tình trạng của năm cô khôn ngoan trong “dụ ngôn mười trinh nữ” (x. Mt 25,1-13), đó là tình trạng của những người đứng bên hữu Đức Giêsu trong ngày phán xét (x. Mt 25, 31.46). Đó là tình trạng của các thánh trên Thiên đàng. Chính Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã nói: “Nếu một mai bạn thấy tôi nằm chết, bạn đừng buồn, vì chính Cha chung của chúng ta là Thiên Chúa đã đến đón tôi đi, đơn giản vậy thôi.”

Nhưng sự sống linh hồn cũng có thể bị chết do tội lỗi. Khi con người cố tình phạm tội trọng thì coi như linh hồn đã chết. Nếu tình trạng đó kéo dài sau khi chết cả phần xác thì sẽ lâm vào tình trạng chết đời đời. Chúng ta gọi là chết dữ. Đó là tình trạng của nhà phú hộ trong “dụ ngôn người phú hộ và ông Ladarô,” năm cô trinh nữ khờ dại trong “dụ ngôn mười trinh nữ” và những người đứng bên tả Đức Giêsu trong ngày cánh chung.

Tóm lại, sự cố của ông Ladarô là cơ hội để con người thể hiện sự quan tâm và tình liên đới với nhau. Đặc biệt đây là dịp để làm sáng danh Chúa và củng cố niềm tin vào sự sống đời đời của chúng ta.

Lạy Chúa, chúng con cám tạ Chúa đã cho chúng con có đức tin, nhất là đức tin về sự sống đời sau. Xin cho mỗi người chúng con không chỉ tuyên xưng niềm tin mà còn thể hiện niềm tin đó trong cuộc sống để ngày sau chúng con được sống mãi với Chúa trên Thiên Đàng. Amen.

Về mục lục

.

TIN CHÚA GIÊSU LÀ CHÚA CỦA SỰ SỐNG

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

Khao khát sống là khao khát mãnh liệt và sâu thẳm trong mỗi con người. Khi đối diện với bệnh tật, tai nạn bất thường, con người chợt nhận ra sự mong manh của cuộc sống. Cho dù y khoa đã phát triển đến mức độ cao, nhưng vẫn không giúp con người được an tâm mỗi khi đối diện với bệnh tật, không thể kéo dài được sự sống cho con người. Cái chết vẫn là điều ám ảnh nhiều người và là nỗi sợ hãi tột cùng cho những ai đang đối diện với nó. 
Niềm tin dân gian cho rằng: Sống hay chết là do mệnh trời. Còn những Kitô hữu tin rằng: Thiên Chúa là Đấng hằng sống và là Đấng ban sự sống, Ngài không dựng nên sự chết. Cái chết là do ma quỷ và tội lỗi gây ra, cái chết trở thành đau khổ tột cùng của con người. Người đem cái chết đến cho nhân loại chính là nguyên tổ.
Lời Chúa tuần thứ V Mùa Chay hôm nay cho thấy, Thiên Chúa không vui khi thấy con người phải chết, Ngài không đành lòng khi nhìn thấy con người đau khổ dằn vặt bởi sự chết. Vì thế, qua miệng của Ezekien, Thiên Chúa đã báo trước cho Israel: Hỡi dân Ta, chính ta sẽ mở huyệt cho các ngươi, ta sẽ đưa các ngươi lên khỏi huyệt và đem các ngươi về đất Israel. Lời này được cống bố khi dân Israel đang chịu cảnh lưu đầy khốn khổ tại Babylon, cuộc sống khổ sai khiến họ sống mà như đã chết.  Israel sống trong sự áp bức, ngục tù tăm tối, không hy vọng, không tương lai, như người đã chết bị vùi trong nấm mồ. Với lời tiên báo của Ezekien, Israel như được tăng sức mạnh, được hồi sinh và hy vọng Thiên chúa sẽ đưa họ ra khỏi cảnh chết chóc tù ngục này. Thiên Chúa không chỉ hứa đưa họ lên khỏi nấm mồ, mà còn hưa ban thần khí của Ngài vào tâm hồn họ để họ có thể sống một cuộc đời mới, với một sinh khi mới, có nghĩa là họ sẽ được hoàn toàn biến đổi. Thiên Chúa đã thực hiện lời hứa đó khi cho họ được hồi hương trở về Giêrusalem tái thiết đền thờ, tái thiết quốc gia và tổ chức lại các việc tế tự. Từ đây, một trang sử mới mở ra cho cả dân tộc Israel.
Tuy nhiên, việc Thiên Chúa hồi sinh dân tộc Israel vẫn chỉ để báo trước về việc Thiên Chúa là chủ sự sống, Ngài có quyền trên sự chết, Ngài sẽ làm cho kẻ chết sống lại, ban tặng sự sống cho những ai tin tưởng nơi Ngài. Chúa Giêsu là hiện thân lòng thương xót của Thiên Chúa Cha. Ngài đến để chia sẻ thân phận đau khổ của con người, cảm thông với nỗi đau tột cùng khi con người phải đối diện và bất lực trước cái chết. 
Tin Mừng Gioan muốn minh chứng Chúa Giêsu là Thiên Chúa, Đấng chạnh lòng thương và là Đấng có quyền trên sự sống và sự chết. Chúa Giêsu cũng là con người với tất cả những cảm xúc tự nhiên của con người. Sống trên trần gian, Chúa có những học trò thân tín là các tông đồ. Ngài cũng có những người bạn để tâm sự và thường lui tới thăm hỏi, như Lazarô và các chị em Matta, Maria. Thánh Gioan kể lại chuyện Matta và Maria cho người đến báo tin cho Chúa Giêsu: Người thầy yêu thương đang bệnh nặng. Chúa Giêsu đã không thể đến ngay để thăm người bạn và Ngài còn nói trước với các môn đệ: Qua căn bệnh của người bạn này, mọi người sẽ thấy quyền năng Thiên Chúa nơi Ngài. Khi đến nới, nhìn thấy cảnh đau khổ của chị em Matta và Maria, Chúa Giêsu đã không thể cầm lòng, Ngài đã khóc. Sự xúc động của Chúa Giêsu không chỉ là sự mủi lòng, nhưng là sự cảm thông sâu sắc bởi vì chính Ngài đã mất một người bạn thân, hai chị em cô Matta và Maria đã mất người em. Sự xúc động này còn là sự cảm thông trong thân phận con người khi đối diện với nỗi đau quá lớn, đó là sự chết, mà không ai có thể cưỡng lại được.
Là một người dễ xúc động và cảm thông, Chúa Giêsu đã rơi nước mắt trước cái chết của Lazarô, nhưng với quyền năng Thiên Chúa nơi Ngài, Ngài không chịu thua cái chết, Ngài không thể để cho cái chết mãi thống trị nhân loại. Chúa Giêsu sẽ thể hiện sức mạnh quyền năng của mình trên sự chết với điều kiện mọi người phải tin Ngài là Thiên Chúa. Tin Mừng cho thấy, để đi đến sự xác tín vào Chúa Giêsu, Đấng là sự sống lại và là sự sống, chị em cô Matta phải đi từng bước và được sự nâng đỡ của Chúa Giêsu.
Khung cảnh đầu tiên Tin Mừng giới thiệu là sự u buồn của cả hai chị em Matta, Maria, họ dường như đã hoàn toàn suy xụp vì cái chết của Lazarô. Khi nghe tin Chúa Giêsu đến, Matta đi đón Chúa, cô chỉ còn một chút hy vọng mong manh: Nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết. Tuy nhiên, con biết Thấy xin gì cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy. Chúa Giêsu không nỡ để cho ánh lửa đức tin mong manh này bị vụt tắt, Ngài đã khích lệ Matta: Em con sẽ sống lại. Cô Matta đã chưa thể bước một bước dài trong đức tin để tin vào sự sống lại, nên cô đã trả lời: Con biết, vào ngày tận thế, khi mọi người sống lại thì em con cũng sống lại.
Một lần nữa, Chúa Giêsu đã khơi lên để mời gọi Matta tin: Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy thì dù đã chết cũng sẽ sống. Ai sống mà tin vào Thầy thì không bao giờ phải chết. Chị có tin như thế không? Cô Matta đã công khai tuyên xưng niềm tin của mình: Con vẫn tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian. Qua lời tuyên xưng này, cô Matta đã tin Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, Đấng mà các tổ phụ, các tiên tri đã loan báo. Cô còn tin Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, tức là tin Ngài là chính Thiên Chúa, Đấng làm chủ sự sống va sự chết, Đấng tạo dựng vũ trụ muôn vật muôn loài, Ngài nắm giữ giềng mối của vạn vật mọi loài.
Đối với cô Matta, từ việc tuyên xưng đức tin đến việc thực hành cụ thể vẫn là một thử thách. Khi Chúa Giêsu ra lệnh: Hãy mở nắp mộ Lazarô ra thì cô Matta đã ngăn cản: Thưa Thầy, đã nặng mùi rồi, vì em con đã chết bốn ngày. Một lần nữa, Chúa Giêsu đã phải khích lệ đức tin của cô khi nói: Thầy đã nói với chị, nếu chị tin, chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa !
 Sau khi ngước mắt lên trời cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha, Chúa Giêsu đã cất tiếng gọi: Lazarô, hãy ra khỏi mồ! Người chết từ trong mồ bước ra, tay chân vẫn còn quấn băng vải. Chúa Giêsu ra lệnh cho mọi người: Cởi khăn và vải cho anh ấy, Lazarô đã được hồi sinh trở lại với cuộc sống. Nhiều người chứng kiến phép lạ đã tin vào Chúa Giêsu.
Con người chúng ta luôn cảm thấy cuộc sống thật mong manh, cảm thấy sợ hãi khi phải đối diện với đau khổ, bệnh tật, nhất là đối diện với cái chết. Cái chết luôn là nỗi đau khổ dày vò, không chỉ vì thân xác phải tàn lụi, nhưng là vì không biết điều gì sẽ xảy ra sau khi chết, và số phận của mình sau cái chết là gì? Nhiều người đã thất vọng buông xuôi trong sợ hãi.
Lời Chúa hôm nay khơi lên cho chúng ta niềm tin và hy vọng vào lời hứa của Chúa Giêsu: Thầy là sự sống lại và là sự sống, ai tin vào thầy dù có chết cũng sẽ được sống và ai sống mà tin vào Thầy thì sẽ không phải chết. Tin vào Chúa Giêsu, chắc chắn không chỉ là lời tuyên xưng trên môi miệng, nhưng phải là sự gắn bó cuộc đời trọn vẹn với Chúa, trung thành theo Chúa cả lúc vui lẫn khi buồn, phó thác cho Chúa tất cả tương lai và cuộc đời mình. Chúng ta chỉ có thể được sống khi chúng ta đón nhận sự sống Chúa trao ban qua Bí tích Thánh Thể và qua Lời Chúa. Chúa đã hứa: Ai ăn thịt và uống máu Ta thì có sự sống đời đời; và Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ Lời Chúa phán ra.
Cái chết thể xác là điều tất yếu của thân phận con người, nhưng sẽ vô cùng kinh khủng khi con người để cho mình phải chết cái chết về phần linh hồn. Xin cho chúng ta luôn trung thành theo Chúa và đón nhận sức sống của Chúa ngay từ hôm nay để chúng ta được nuôi dưỡng bằng sức sống của Chúa để khỏi chết đời đời. Amen.

Về mục lục

.

PHẢI TIN NHƯ THẾ NÀO?

 Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty

Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại!” chúng ta vẫn tuyên xưng như thế mỗi lần đọc kinh tin kính. Ki-tô hữu tin chắc một ngày kia mình sẽ được Chúa cho sống lại, cho dầu chưa một ai có kinh nghiệm về điều đó. Niềm tin này về mặt tâm lý thật rất quan trọng, vì trước hết nó có tác dụng kìm hãm con người khỏi một cuộc sống buông thả, sa đọa. Ta vẫn thường tự hỏi, những người tự xưng mình là vô thần là duy vật, nếu quả thực họ xác tín mình như thế, thì động lực nào thôi thúc họ làm lành lánh dữ đây? Thế nhưng câu chuyện thánh sử Gio-an viết về ông La-da-rô được Đức Giê-su cho sống lại sau bốn ngày đã chôn cất trong phần mộ lại không đơn giản chỉ nhằm minh chứng cho niềm tin rằng con người sẽ được sống lại. Đúng hơn đoạn Tin Mừng buộc mỗi người chúng ta giáp mặt với một vấn nạn còn quan trọng hơn thế nhiều: tôi có hay không đặt niềm tin trọn vẹn nơi một mình Đức Ki-tô Giê-su là chính nguồn sống và ‘là sự sống lại’ của tôi?

Giống như phần đa các người Do Thái khác, cô Mác-ta tin rằng hết thảy mọi người một ngày kia sẽ sống lại: “Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết”. Tuy nhiên Đức Giê-su không đòi cô chỉ tin có một điều như thế; khi hỏi: “Chị có tin thế không?” điều Người muốn cô (và mọi tín hữu) phải tuyên xưng là: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống mà tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết”; thoạt nghe có vẻ như cả hai câu nói lên cùng một điều duy nhất, tuy nhiên nhìn kĩ ta mới khám phá ra rằng: câu Đức Giê-su khảng định có nội dung khác hẳn với câu Mác-ta tuyên xưng.

Mà quả thực là như vậy! Đáp lại câu hỏi “Chị có tin thế không?” cô Mác-ta đã vội vã sử dụng công thức tuyên tín quen thuộc: “Thưa Thầy, có! Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian”. Cô thành thực tin rằng: Đức Giê-su quả là đấng Ki-tô; và như thế có nghĩa là Người chắc chắn có mọi quyền năng được Thiên Chúa ban cho; rồi cũng chính nhờ quyền năng đó mà Người có thể cứu cậu em La-da-rô mình khỏi chết: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây em con đã không chết. Nhưng bây giờ con biết: bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy”. Niềm tin đó tự nó đã cao đẹp lắm rồi, nhưng hình như vẫn còn quá yếu để cô nắm chắc rằng cậu em sẽ được sống lại. Quả vậy, khi Đức Giê-su truyền lăn phiến đá lấp cửa mồ ra, cô còn hớt hải phảng kháng:  “Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày!” Đối với cô, quyền năng của Thiên Chúa chỉ có thể cứu sống La-da-rô khi chưa chết, chứ không thể làm cho ông anh ‘đã chết bốn ngày rồi’ chỗi dậy. Cho dù Đức Giê-su có quyền năng gì đi chăng nữa, thì cũng chỉ tới mức độ đó mà thôi.

Không thỏa mãn với niềm tin đó, Đức Giê-su khảng định cách chắc nịch và căn cơ hơn: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống!” Người còn thêm: ai tin điều đó, tất nhìn thấy vinh quang Thiên Chúa: “Nào Thầy đã chẳng nói với chị rằng, nếu chị tin, chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?” Làm cho một kẻ đã chết về thể lý sống lại thì rõ ràng quyền năng của Thiên Chúa đã được chứng tỏ, còn nếu hoàn lại sức sống thần linh cho một kẻ đã chết trong tội thì lại càng phải biểu lộ vinh quang đó cách rõ rệt hơn (xem Mc 2:9-10)! Thế nhưng không may là thường khi chúng ta lại có ấn tượng ngược lại. Hơn nữa tin rằng Thiên Chúa là đấng hằng sống thì dễ, nhưng nhận biết ‘Ngài  sự sống lại’ thì ta chưa quen… Lý do là vì: nếu Thiên Chúa là sự sống lại, thì điều đó có nghĩa là: Người phải chết trước đã. Bất kỳ sự sống lại nào cũng đều phải kinh qua sự chết, cũng như bất cứ ai được sống lại về thể lý hay thần linh thì trước hết cũng đều phải kinh qua cái chết thể lý hay tinh thần; khảng định: “Chính Thầy  sự sống lại”, Đức Giê-su tuyên bố trước cái chết của Người trên thập giá. Dầu là hiện thân của Thiên Chúa hằng sống, thì để  sự sống lại, Người cũng nhất thiết phải kinh qua cái chết; nhất thiết phải tự hủy mình ra như không (xem Pl 2:7), phải bỏ trời xuống thế, phải mang lấy thân phận tội lỗi yếu hèn và nhận lấy cái chết của toàn nhân loại. Ta có thể nói: qua Đức Ki-tô, chính Thiên Chúa cũng trải qua cái chết; “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng để thế gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ… Ai tin vào con của người thì khỏi phải chết” (Ga 3:16-17; cũng cần xem thêm Ga 5:21.24). Vì là sự sống lại, nên Người không phải chỉ hằng sống và làm cho kẻ khác sống lại, mà chính Người cũng chết và sống lại; do đó sẽ là điều tự nhiên thôi: “Ai tin vào Thầy thì dù có chết cũng sẽ được sống!” Điều này chắc chắn Mác-ta không hiểu, nhưng Ki-tô hữu chúng ta thì phải khác; kinh nghiệm hàng ngày cống hiến cho ta muôn vàn dịp để thâm tín điều này, khởi đầu từ lãnh nhận Phép Rửa để nhen nhúm lên niềm tin sống lại; rồi những lần xưng tội sau những lỗi phạm và sa ngã…, trong đời sống mình Ki-tô hữu củng cố không ngừng niềm tin: Đức Ki-tô quả là, và liên tục là sự sống lại của tôi!

Phải, để tin chắc rằng Đức Giê-su chính là sự sống lại của mình, mỗi chúng ta đều cần có cảm nghiệm tội lỗi, một điều không khó vì trong suốt một đời người chẳng ai mà không có! Mùa Chay gửi tới các Ki-tô hữu sứ điệp: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng!” điều đó có nghĩa là: nhờ sám hối, tức là từ kinh nghiệm chết trong tội, chúng ta mới có thể tuyên xưng cách mạnh mẽ và tràn trề hy vọng: ‘Chúa chính là sự sống lại, là Cứu Chúa của tôi!’ Như thế, Thập Giá và Phục Sinh phải là một Tin Mừng liên hoàn duy nhất, chết và sống lại chỉ là hai mặt của cùng một lòng thương xót thứ tha của Thiên Chúa đối với con người mà thôi.

Tôi cần học lấy bài học quan trọng này, nhất là vào dịp cuối Mùa Chay thánh: nếu cùng chết với Đức Ki-tô, tôi chắc chắc sẽ cùng được sống lại với Người (xem Rm 6:4).

Lạy Chúa từ nhân, bây giờ thì con mới hiểu: chỉ có Chúa mới có thể biến kinh nghiệm ‘chết trong tội’ của con thành nguồn sống mới dồi dào; con mới hiểu được sức sống phục sinh được thánh Âu-tinh phát hiện trong cái chết của tội lỗi mình, để rồi ngài dám hét to lên: “Ôi tội hồng phúc!” Xin cho con cũng biết ngợi ca và tôn vinh Chúa không ngừng về ‘yếu tính’ tuyệt vời này của Người. Xin Chúa làm cho đời con, giữa các kinh nghiệm u tối của tội lỗi, luôn tìm thấy nơi Chúa ánh vinh quang bất diệt của sự sống lại. A-men

Về mục lục

.

DẤU CHỈ PHỤC SINH

P. Trần Đình Phan Tiến

Thưa quý vị, thưa các bạn, Lời Chúa tuần IV Mùa Chay cho chúng ta biết Đức Kitô là “Ánh Sáng thế gian “, ánh sáng thật. Vâng, ý nghĩa” ánh sáng “ , thật quan trọng. Bởi vì, không ai tiêu diệt được ánh sáng, người ta dù tìm mọi cách để “ quy chụp” ánh sáng, nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, nhưng không ai có thể “che đậy”  được ánh sáng thật, vâng, vì ánh sáng thật xuyên qua kẽ lá, xuyên qua bất cứ nơi nào có khe hỡ, dù là lỗ kim.

Vì vậy, Chúa Giêsu là “Ánh Sáng chân lý ”, tức là ánh sáng mặt trời, Người được gọi là: “Mặt Trời công chính”. Hôm nay đây, Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Chay, Chúa Giêsu nhắc lại Người là “Ánh Sáng” đó ( Ga 11, 9 -10). Chúa Nhật V Mùa Chay là Chúa Nhật cuối Mùa Chay, cho chúng ta biết Chúa Giêsu là Đấng hằng sống, nơi Người không có sự chết, nhưng , Người sẽ bước qua cuộc “Tử Nạn”, cho thấy tội ác nơi phàm nhân lớn lao đến độ nào.

Vâng, “Ánh Sáng chân lý” có nghĩa là “bất tử”, Chúa Giêsu không phải là “thầy phù thủy”, việc Người làm hôm nay minh chứng điều ấy. Vâng, Lazaro không phải là người đầu tiên và duy nhất được Chúa Giêsu cho “sống lại”. Tin Mừng ( Ga 5, 50) cũng thuật lại phép lạ thứ hai ở Cana, Chúa Giêsu cho con trai của viên sĩ quan “không chết”, có nghĩa là sống.

Nhưng, việc Chúa Giêsu cho Lazaro sống lại hôm nay minh chứng cách xác thực, rõ ràng hơn, vì Lazaro “đã chết” hơn bốn ngày rồi. Điều nầy chính là ý nghĩa tiên trưng cho sự” phục sinh “ của Người. Chúng ta thấy, ý nghĩa của việc Chúa Giêsu cho Lazaro phục sinh là hình ảnh sống lại của Người. Việc minh chứng nầy như trong hai câu ( Ga 11, 41 -42), Chúa Giêsu đã cầu nguyện với Chúa Cha,

                 rằng : “ Lạy Cha, Con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời Con. Phần Con, Con biết Cha hằng nhậm lời Con, nhưng, vì dân chúng đứng quanh đây, nên Con đã nói để họ tin là Cha đã sai Con.” (c 41  -42)

Vâng, điều quan trọng là : ” Cha đã sai Con “, câu nầy cho thấy, Chúa Giêsu không tự ý làm điều gì ngoài Thánh Ý Chúa Cha. Chúa Giêsu luôn thi hành Thánh Ý Chúa Cha. Người không tự mình làm điều gì khác, vì vậy, việc cho Lazaro sống lại là một việc nằm trong “kế hoạch” cứu độ loài người của Thiên Chúa, chứ không phải là “ý riêng” của Chúa Giêsu. Mọi việc làm của bất cứ ai “nhân danh “ Thiên Chúa mà hành động, đều là do bởi Thiên Chúa, vì vậy, khác với “ phù thủy ” là vậy.

Ai cũng biết, việc cho người chết sống lại không phải là một điều “bình thường”, điều nầy xác tín Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật, bởi vì, ngoài Thiên Chúa ra không có sự sống thật, minh chứng cho thấy “quyền sống” và “làm cho sống “ ở nơi Thiên Chúa. Vì, Thiên Chúa có thể cho phép satan làm mọi thứ, nhưng satan không làm cho “sống”, vì satan có nghĩa là ”sự chết”.

Vâng, cái chết về phần nhân tính, thật đáng sợ, ai cũng phải sợ, phương chi là chết về phần linh hồn. Như vậy, chúng ta thấy ý nghĩa của “kế hoạch” cứu độ bởi Thiên Chúa, qua Đức Giêsu- Kitô là như vậy. Theo đó, chúng ta thấy ân sủng của Thiên Chúa là tình yêu vô biên, lòng thương xót cao cả là như vậy.

Người ta thường nói tinh yêu là “ mù quáng”, bởi vì tình yêu nơi nhân thế vốn nó đã mù quáng, vì nơi nhân thế không có ánh sáng thật, nhưng tình yêu nơi Đức Kitô là Con Thiên Chúa, có nghĩa là Ngôi Lời làm Người, là sự sáng thật, và là Thiên Chúa thật. Vì vậy, Chúa Giêsu đã nói : “Thầy chính là ánh sáng ban sự sống”.

Hôm nay, ánh sáng ấy, một lần nữa xác tín : “ Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống….” ( c 25), vì vậy ,  “Ai tin vào Thầy, thì dù có chết cũng sẽ được sống “.

Điều trên cho thấy, ngoài Chúa Giêsu ra không có sự “phục sinh”. Như vậy, chúng ta, “Áng Sáng Giêsu” là “Sự Sống Thần Linh”, từ ánh sáng tự nhiên, như ánh sáng mặt trời, hay ánh sáng của lửa, chúng ta nhìn thấy được, suy đến phần Nhân Tính của Chúa Giêsu, dù Người sẽ chết trên Thập Gía,  đến ánh sáng siêu nhiên là phần Thiên Tính của Người, tức nguyên lý của sự sống là Thần Khí, ( Thần là : sự sống ; Khí là : sự siêu nhiên, sự sống bay bổng), ( cũng có thể hiểu Thần là : Thiên Chúa, như vậy, Thiên Chúa là : Sự Sống) , ( như vậy, Thần Khí là sự sống của Thiên Chúa, vì vậy, người ta biết được Thiên Chúa hằng sống, linh hồn bất tử là như thế ), chúng ta thấy, Chúa Giêsu là sự sống siêu nhiên, làm chủ sự sống, tức Người là nguyên lý của sự sống, vì vậy, Người nói: “ Chính Thầy là sự sống lại và là  sự sống…” ( c 25).

Nhưng, điều kiện để được đón nhận sự sống “ vĩnh cửu ” nơi Chúa Giêsu là “ Lòng Tin “.

NIỀM TIN NƠI HAI CHỊ EM MACTA và MARIA :

  • Khi Chúa Giêsu đến nhà Lazaro, thì hai chị em Macta và Maria đều thưa với Chúa như sau : “ Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây , thì em con không chết” ( c 21, và c 32).
  • Chúa Giêsu nói “ Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy , thì dù đã chết cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không ? “ ( c 25 -26)

Theo đó, Chúa Giêsu đã thẩm vấn niềm tin của Macta và chị đã thưa với Chúa như trên. Tiếp đến, chị Maria cũng đã tuyên xưng niềm tin như thế vào Chúa Giêsu .

Như vậy, điều kiện để được “ phục sinh ”, có nghĩa là đón nhận ơn cứu độ là phải “TIN “ vào Chúa Giêsu . Một sự tuyên xưng cần thiết và quan trọng không thể thiếu.

Bai đọc II (Rm 8, 8 -11) thánh Phaolo đã xác quyết như trên : “ Ai không có Thần Khí của Đức Kitô, thì không thuộc về Đức Kitô” ( c 9 c). Như vậy, ai không thuộc về Đức Kitô, thì không có phục sinh.

Khởi đi từ bài đọc I hôm nay ( Ed 37, 12 -14), : “ Đây Ta sẽ mở mồ mã các ngươi ra… Ta sẽ phú linh hồn vào thân xác các ngươi, thì các ngươi sẽ sống lại…”. Vậy, người Dothai vẫn “tin xác loài người ngày sau sống lại” là như thế, cũng là câu mà chị Macta đã thưa với Chúa Giêsu. Nhưng, khi Chúa Giêsu đến thì : “Chính Người là sự sống lại và là sự sống”. ( c 25).

Thánh Vịnh 129 cho chúng ta thấy : “sự sám hối chân thành và xin ơn tha thứ sẽ được ơn giải thoát “. Vì,  “ Nếu Chúa chấp tội, nào ai sống nổi, nhưng Chúa ban ơn khoan hồng khiến người đời suy phục kính tôn “ ( c 4).

Lạy Chúa Giêsu , Chúa đã mở mắt cho người mù, là cho biết Người là ” ánh sáng thế gian”, ánh sáng đức tin sẽ soi dẫn chúng con đến mầu nhiệm phục sinh, mà hôm nay Chúa đã cho Lazaro sống lại. Vì, Chúa chính là SỰ SỐNG LẠI VÀ LÀ SỰ SỐNG. Xin Chúa cũng mở lòng trí chúng con ra mà nhận biết Người là SỰ SỐNGTHẬT VÀ VĨNH CỬU . Muốn vậy, chúng con phải biết thi ân, giáng phúc cho tha nhân. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị cùng Chúa Cha và Chúa Thánh Thần đến muôn đời./. Amen

Về mục lục

.

NIỀM TIN SỰ SỐNG LẠI

Anna Cỏ May

Ngày hôm nay có nhiều người và cả các bác sĩ đã phải ngạc nhiên trước những điều lạ. Một bệnh nhân tưởng chừng gần chết, vậy mà lại bình phục rất nhanh. Và họ cho đó là nhờ ơn trên. “Thánh An tôn hay làm phép lạ”. Đó là lời kinh cầu của mọi người xin Thánh nhân cứu giúp cho mau khỏi bệnh, được bình an và gia đình tai qua nạn khỏi. Đã không ít người được như ý muốn.

Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy một phép lạ còn cao vượt hơn nữa. Phép lạ do Chúa Giê-su làm. Người được hưởng phép lạ ấy là ông La-da-rô đã chết và được sống lại.

  1. Lời nhắn tin của hai chị em

Trong những lần ghé tại Giê-ru-sa-lem, Chúa Giê-su và các môn đệ thường đến trọ tại gia đình chị em Mát-ta. Sự ghé trọ đã tạo nên một mối thân tình cảm mến của gia đình với Chúa Giê-su. Vì mối thiện cảm ấy, khi em trai là La-da-rô bệnh nặng, Mát-ta cho người đến nói với Chúa Giê-su một câu ngắn ngủi: “Thưa Thầy, người Thầy thương mến đang bị đau nặng.”(x.Ga 11, 3). Lúc ấy Chúa Giê-su đang rao giảng tại xứ Pê-rê bên kia sông Gio-đan.

Đối với chúng ta, khi một người bạn thân mình mến hay một gia đình mình quen biết như người nhà, chẳng may họ gặp chuyện, ta liền chạy đến giúp đỡ. Còn trong Tin Mừng không nói gì về biểu hiện bất ngờ, sự lo lắng, hay đau buồn gì của Chúa. Người chỉ bảo: “Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này Con Thiên Chúa được tôn vinh.”(x. Ga 11, 4). Lời Người nói khiến các môn đệ hiểu rằng La-da-rô chưa chết. Đối với người nhà La-da-rô thì họ đau khổ và thất vọng vô cùng. Chính giờ phút này là cơ hội để Chúa làm phép lạ, bẻ gãy sự chết và làm vinh danh Thiên Chúa. Chúa Giêsu còn lưu lại ở đó hai ngày.

  1. Ánh sáng đức tin

Sau hai ngày, Chúa Giê-su bảo các môn đệ: “Nào chúng ta cùng trở lại miền Giu-đê !”(x. Ga 11, 7). Các môn đệ lo lắng thưa rằng: “Thưa Thầy, mới đây người Do-thái tìm cách ném Thầy, mà Thầy lại còn đến đó sao?” Đây là nỗi lo cho Thầy hay lo lắng cho bản thân đây? Chúa Giê-su biết rõ các môn đệ đang lắng lo, liền trấn an họ: “Ban ngày chẳng có mười hai giờ đó sao? Ai đi ban ngày thì không vấp ngã, vì thấy ánh sáng mặt trời. Còn ai đi ban đêm, thì vấp ngã vì không có ánh sáng nơi mình” (x.Ga 11, 9-10). Ngài muốn nói cho các môn đệ biết về ánh sáng và bóng tối. Chính Người là ánh sáng và Người luôn đi trong ánh sáng. Ánh sáng luôn thắng bóng tối, vì thế không có gì phải sợ.

Tuy vậy, các môn đệ vẫn sợ và tiếp tục ngăn cản Thầy mình: “Thưa Thầy, nếu anh ấy yên giấc được, anh ấy sẽ khỏe lại.”(x.Ga 11, 12). Chúa Giê-su không nói bóng nói gió nữa mà khẳng định luôn: “La-da-rô đã chết”. Các môn đệ nghe lời ấy, liền đi cùng Chúa đến miền Giu-đê nhưng bên trong đang cố gắng lấy lại bình an.

  1. Mát-ta mất hết hi vọng

Khi Chúa Giêsu đến Giu-đê, thì La-da-rô đã được chôn bốn ngày rồi. Theo tục lệ Do-thái, việc an táng thường được cử hành cùng trong một ngày với ngày chết. Vì họ cho rằng, sau khi chết linh hồn người cố thường lượn lờ xung quanh để muốn chiếm đoạt thể xác, nên phải chôn cùng ngày. Đến ngày thứ tư thân xác mục rữa thì linh hồn sẽ ra đi vinh viễn. Ngày nay, chúng ta thường cho là “chết lâm sàng”. Chính vì vậy cô Mát-ta đã mất hy vọng, không còn tin em mình có thể sống lại. Nên khi Chúa đến cô đã nói rằng: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết.” (x.Ga11, 21). Với ý nghĩ và mất niềm hy vọng, cô đã hiểu khác đi lời Chúa: “Em chị sẽ sống lại!” Cô Mát-ta thưa: “Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết.” Chúa Giê-su liền phán: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống.”(x.Ga 11, 23-25). Chúa Ki-tô là nguồn sự sống thiêng liêng và là nguồn lực sự sống lại. Ai tin vào Người thì linh hồn được hưởng một sự sống mà thần chết không tiêu diệt được và thể xác con người được sống lại trong vinh quang của Người.

  1. Chúa Giê-su rơi lệ

Đứng trước cảnh than khóc thảm thiết của chị em Mát-ta và mọi người, Chúa Giê-su “thổn thức và xao động”. Ngài biết rõ La-da-rô được cất ở đâu, nhưng vì cuộc sống Ngài đã tỏ ra như không biết: “Các ông để xác ông ấy ở đâu?”. Không ai nghĩ rằng Ngài sẽ làm phép lạ nên liền nói : “Thưa Thầy, xin đến mà xem.”(x. Ga 11, 34). Đến nơi phần mộ, Chúa Giê-su rơi lệ. Đây là lần đầu tiên người ta thấy Người khóc. Vì thế người Do-thái xầm xì với nhau, cũng có kẻ mỉa mai Người. Đó là một phản ứng tự nhiên về sự yếu đuối nơi con người là không chấp nhận người khác hơn mình cùng lòng ghen tương đố kỷ.

Chúng ta cũng sẽ ngạc nhiên như họ, vì Người vừa là Thiên Chúa vừa là con người lại xúc động rơi lệ. Thật là mầu nhiệm. Chúng ta không cầm lòng được trước những xúc động và dễ cho bản năng xao động theo cảm quan, lúc lo âu, lúc sợ sệt… Chúa xúc động trước những người nghèo khổ và tội lỗi. nhưng sự bộc lộ ấy chỉ trong chốc lát. Ngài không để nó ảnh hưởng đến công việc. Điều ấy cho chúng ta thấy Ngài hoàn toàn mang lấy những cảm xúc như chúng ta và Người hiểu rõ nỗi đau từng người.

  1. Chúa Giê-su làm phép lạ

Chúa Giê-su nói: “Đem phiến đá này đi.” Cô Mát-ta có phản ứng tự nhiên: “Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày.” (x.Ga 11, 39). Chúa Giê-su có lẽ sẽ có cảm giác buồn vì cô. Cô đã mất niềm hy vọng và niềm tin vào Chúa. Nhưng Người vẫn kiên trì tiếp tục nói với cô: “Nào Thầy đã chẳng nói với chị rằng nếu chị tin, chị sẽ thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?”(x.Ga 11,40). Người mời gọi cô hãy có một lòng tin để đón nhận và tiên báo một phép lạ sắp xảy ra. Người ta đẩy tảng đá ra, mọi người có lẽ đang chăm chú nhìn Chúa sẽ làm gì. Còn Chúa Giê-su vẫn làm như Người thường làm, đó là cầu nguyện với Chúa Cha trước. Sau đó, Chúa phán: “Anh La-da-rô hãy ra khỏi mồ!” (x.Ga 11,43). Tức thì người chết liền đi ra. Trông thấy thế dân chúng không khỏi xúc động và tin vào Người. Bởi vì phép lạ Người làm giữa thanh thiên bạch nhật, vì La-da-rô đã chôn bốn ngày.

Chúa Giê-su làm phép lạ không hẳn vì tình bạn hữu hay vì tình thân thiết. Người còn tiên báo về cái chết và sự sống lại của Người đang gần kề. Vinh quang của Người sắp tỏ lộ. Đối với các Thượng tế thì họ lo sợ tìm cách ngăn cản một uy quyền đang lộ diện. Họ bàn bạc tìm cách giết Chúa. Bản án tử đã được treo lơ lửng trên đầu Người. Họ chỉ chờ cơ hội thuận tiện kết án Người mà thôi.

Lạy Chúa chúng con cảm tạ Chúa đã cho chúng con biết trước cái chết và sự sống lại của Chúa qua ông La-da-rô. Xin cho chúng con hằng vững niềm tin vào Người trong mọi hoàn cảnh, và luôn phó thác vào Chúa cho đến giây phút cuối cùng. Nhờ đó, chúng con được hưởng vinh phúc trên Thiên đàng với Chúa. Amen.

Về mục lục

.

ĐỂ ĐÓN NHẬN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

Trong muôn vàn nỗi sợ, thì sợ chết đứng hàng đầu. Thiết tưởng trên đời không có gì làm người ta khiếp sợ cho bằng sự chết. Tin khủng khiếp nhất là tin bị mắc bệnh ung thư, bị án tử hình… 

Và không gì đáng quý trọng, đáng khao khát trên đời cho bằng được vui sống, sống trong hạnh phúc và vĩnh cửu. 

Sự giòn mỏng của kiếp người  

Tuy nhiên, sự sống đời này lại rất mỏng giòn, mong manh, tạm bợ. Các em nhỏ ngày xưa có trò chơi thổi bong bóng thật hay. Các em hòa một ít xà phòng trong ly nước, rồi dùng một cọng rơm nhúng vào đó và bắt đầu thổi. Thế là rất nhiều quả bóng lớn nhỏ khác nhau xuất ra từ đầu cọng rơm, bay nhởn nhơ trong không gian, long lanh hấp dẫn, óng ánh muôn màu. Nhưng rồi, chỉ vài giây sau, bong bóng nầy nối tiếp bong bóng kia, bụp, bụp bụp…! Tan biến hết! Tất cả trở về hư không! 

Đời sống con người cũng thế. Chúng ta xuất hiện trên đời như những chiếc bong bóng xuất ra từ đầu cọng rơm, chúng ta nhởn nhơ trong cuộc đời, cuộc đời chúng ta cũng lóng lanh sắc màu như những quả bóng xà phòng kia và số phận chúng ta cũng như những quả bóng bé bỏng đó, kẻ trước người sau nối tiếp nhau từ giã cuộc đời. 

Đứng trước thân phận giòn mỏng, phù du của kiếp người, một nhà thơ Nguyễn Công Trứ than rằng: “Ôi, nhân sinh là thế, như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao…” 

Nhờ đâu có cuộc sống lâu bền? 

Ai trong chúng ta cũng khát khao được sống, nhưng là muốn có được một đời sống lâu dài chứ không phải là đời sống giòn mỏng, tạm bợ; muốn có được một đời sống hoan lạc chứ không chỉ là một cuộc sống đầy gian truân khổ ải ở trần gian. 

Nhưng làm sao để có được đời sống tuyệt vời như mong ước? 

Qua Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su bày tỏ cho chúng ta một bí mật tuyệt vời, một bí quyết giúp chúng ta chiếm hữu cho mình sự sống lâu bền bất tận, một đời sống hoan lạc trên thiên quốc. Bí mật đó, bí quyết đó đã được Chúa Giê-su bày tỏ từ hai ngàn năm qua, khi Chúa nói với Mác-ta là chị của La-da-rô,  khi anh này đã được mai táng bốn ngày: 

“Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta thì dù có chết cũng sẽ được sống. Và bất cứ ai sống mà tin vào Ta sẽ không chết bao giờ.”  

Để minh chứng cho lời mình nói, Đức Giê-su đã làm cho La-da-rô sống lại, dù ông nầy đã an giấc trong mộ. 

Qua sự kiện nầy, Chúa Giê-su muốn tỏ cho chúng ta biết Ngài là nguồn ban sự sống.  

Như mặt trời là nguồn sáng cho địa cầu thế nào thì Chúa Giê-su là nguồn ban sự sống đời đời cho nhân loại như thế. Ngài đã ban lại sự sống cho người đã chết chôn trong mồ và chính Ngài sau khi chết đã tự mình sống lại.           

Làm sao để đón nhận sự sống đời đời từ Chúa Giê-su? 

Muốn đạt tới sự sống đời đời, thì chúng ta cần phải tin vào Đức Giê-su Ki-tô, như lời Ngài phán: “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Ta thì dù có chết cũng sẽ được sống. Ai sống mà tin Ta sẽ không chết bao giờ.” 

Nhưng tin là gì?  Tin ở đây không phải là tin suông. Vì “đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17). Tin vào Đức Giê-su là gắn bó đời mình với Đức Giê-su, kết hợp với Ngài và sống như Ngài đã sống, là yêu thương phục vụ mọi người như Ngài đã nêu gương…  

Lạy Chúa Giê-su là nguồn ban sự sống,

Bóng đèn muốn được toả sáng thì phải được nối kết với nguồn điện;

Cành nho muốn được trổ sinh hoa trái phải được tháp nhập vào thân nho;

Bàn tay muốn sống còn và hoạt động thì phải nối liền với thân thể.  

Xin cho chúng con luôn kết hợp với Chúa cách mật thiết, như bóng đèn với nguồn điện, như cành nho với thân nho, như bàn tay với thân thể… để được đón nhận sự sống đời đời do Chúa truyền ban.

Về mục lục

.

SỐNG THẬT

AM. Trần Bình An

Hơn 1000 năm trước, một nhà sư Nhật Bản có tên Kukai tự ướp xác bản thân ở ngôi chùa trên núi Koya, tỉnh Wakayama. Theo  Epoch Times, nghi thức ướp xác Sokushinbutsu sẽ dẫn tới cái chết và bảo tồn cơ thể hoàn chỉnh. 

Kukai (774-835) là một nhà sư, công chức, học giả, nhà thơ, nghệ sĩ, đồng thời là người sáng lập của giáo phái bí truyền Shingon (kết hợp các yếu tố từ Phật giáo, Đạo Shinto, Đạo giáo, và nhiều tôn giáo khác). Cuối đời, Kukai đi vào trạng thái thiền định sâu, không sử dụng thực phẩm và nước, dẫn đến cái chết tự nguyện. Kukai được chôn trên núi Koya ở tỉnh Wakayama. Sau khai quật, các chuyên gia phát hiện thân xác nhà sư giống như một người đang ngủ, làn da không thay đổi và tóc mọc dài ra. Kể từ thời điểm đó, nghi thức ướp xác Sokushinbutsu bắt đầu phát triển. Một số tín đồ của giáo phái Shingon tự ướp xác, nhưng không xem đây là hành động tự sát mà như một hình thức giác ngộ. 

Quá trình tự ướp xác trải qua nhiều bước nghiêm ngặt và đau đớn. Trong 1000 ngày đầu tiên, họ có chế độ ăn đặc biệt gồm hạt và trái cây, thực hiện nhiều hoạt động thể chất để đẩy chất béo ra khỏi cơ thể. 

Họ chỉ ăn vỏ cây và rễ cây trong 1000 ngày tiếp theo và bắt đầu uống trà độc làm từ nhựa cây Urushi, gây nôn mửa và nhanh chóng làm mất các chất dịch của cơ thể, ở giai đoạn gần cuối. Chất độc đóng vai trò như một chất bảo quản, hạn chế vi khuẩn có thể làm phân hủy cơ thể. 

Sau khoảng sáu năm, các nhà sư tự nhốt mình trong một ngôi mộ bằng đá chỉ lớn hơn cơ thể một chút và đi sâu vào trạng thái thiền định, trong tư thế ngồi thiền “hoa sen” cho đến khi qua đời. Ống khí nhỏ sẽ cung cấp oxy cho ngôi mộ, trong khi nhà sư sẽ rung chuông để mọi người bên ngoài biết ông vẫn còn sống. Khi tiếng chuông không còn, ống dẫn khí oxy sẽ được gỡ bỏ và ngôi mộ bị bịt kín trong 1000 ngày. Sau khi mở ngôi mộ và xác nhận quá trình ướp xác thành công, nhà sư sẽ được tôn là Phật và thờ phụng trong chùa. Nếu cơ thể bị phân hủy, họ sẽ được chôn lại xuống đất. 

Hàng trăm nhà sư được cho là đã tự ướp xác, nhưng chỉ có 28 người thành công. Phương pháp tự ướp xác kéo dài đến khoảng thế kỷ thứ 19. (Lê Hùng, Nhà sư Nhật tự ướp xác như thế nào, Vnexpress) 

Chay tịnh để chuẩn bị chết, trở thành xác ướp, mai này thành Phật, được sùng bái. Nhà sư Kukai đã diệt được bản năng sống, nhưng chưa diệt nổi tam độc, tham, sân si, háo danh lợi. Như thế chỉ là sống vọng tưởng, chưa thể giác ngộ. Còn sống đúng với phận làm con Chúa, ngay bây giờ và tương lai, mới thiệt sự giá trị, hữu lý và xứng đáng đầu tư trọn vẹn cuộc đời tin theo Chúa. 

Chuẩn bị bước vào Tuần Thánh, Tin Mừng Gioan hôm nay tường thuật phép lạ Chúa cho Lazarô sống lại, sau bốn ngày chết trong mồ, hướng Kitô hữu đến cùng đích cao quý cuộc đời. Hai người chị đã hoàn toàn tin cậy Đức Giêsu: “Lạy Thầy, người Thầy yêu đau liệt.” Nhưng Người muốn thử thách những người thân yêu. 

Theo Chúa, cái chết chỉ là giấc ngủ 

“Ladarô bạn chúng ta đang ngủ, dầu vậy Ta đi đánh thức ông.” Dẫu người bạn Lazarô đã giã biệt người thân, chôn trong mồ, Đức Giêsu vẫn coi như Lazarô chỉ mới thiếp vào giấc ngủ ngắn ngủi, rồi sẽ thức dậy sống cuộc đời mới. 

Khi người tín hữu Kitô được nhận phép Thánh Tẩy, liền được hồi sinh, được nhận lãnh ân sủng Đức Chúa Thánh Thần với những hoa trái: “Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ.” (Gl 5: 22-23) Nhưng tội lỗi, thói xấu, đam mê xác thịt lại xiềng xích, trói buộc con người vào lại sự chết. 

Theo Chúa, được giải thoát khỏi cái chết 

Dẫu trầm luân trong ngục tù sự dữ tối tăm, ai tin theo Chúa, sẽ được giải thoát khỏi phận nô lệ, được thanh thoả, tự do làm con Chúa, nhờ ơn Cứu Chuộc của Đức Giêsu Kitô. Cả hai bà chị Martha và Maria đều tuyên xưng niềm tin, niềm cậy trông chân thật, mạnh mẽ, vững chãi vào Đức Giêsu, dù lòng đang xót xa, đau buồn.“Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết.” 

Mặc dù chú em Lazarô đã chết bốn ngày trong mồ, nhưng hai bà chị vẫn không hề chao đảo, nghi ngờ, khủng hoảng niềm tin, sói mòn niềm hy vọng. “Tuy nhiên, ngay cả bây giờ, con biết Thầy xin gì cùng Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng sẽ ban cho Thầy.”

Theo Chúa, sống viên mãn 

Nhân cứu thoát Lazarô ra khỏi cái chết xác thịt, Đức Giêsu mạc khải cho nhân loại biết Người chính là Đấng Ban Sự Sống: “Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ.” Cái chết phần hồn đời đời mới đáng sợ hơn cái chết phần xác phù du. Chỉ duy nhất Đức Giêsu mới có thể giải cứu con người khỏi trầm luân vĩnh viễn. 

Sống theo Chúa, lắng nghe và thực hiện Lời Chúa thì chắc chắn được Chúa thương cứu rỗi, sống vinh phúc bên Chúa.“Ai tuân giữ lời tôi, sẽ không bao giờ phải chết.” (Ga 8, 51) Người luôn ao ước mọi người đều trung kiên sống theo Người, để có thể chiến thắng và vượt qua sự chết.”Cha của anh em, Ðấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.” (Mt 18, 14) 

Vào tuần 5 Mùa Chay, Đức Giêsu đang mong chờ tín hữu Kitô chân thành sốt sắng ăn năn, sám hối, can đảm từ bỏ bản thân, thế gian và ma quỷ, để trở về với Đấng Hằng Sống. Người từng tận tình nhắn nhủ: “Tôi nói cho các ông biết, không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy.”(Lc 13, 3) 

Không phải tin một Chúa xa xôi mơ hồ, nhưng tin như Phêrô:    “Thày là Con Thiên Chúa hằng sống,” tin như Gioan: “Thiên Chúa là Tình Yêu.” (Đường Hy Vọng, số 277)

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con can đảm bỏ mình và mọi sự thế gian, quyết tâm theo Chúa, nghe Chúa, thực hành Lời Chúa, để chúng con được sống viên mãn. 

Khấn xin Mẹ Maria luôn cần bầu cho chúng con tràn đầy ba ơn trụ Tin, Cậy, Mến, để chúng con vững bền theo Chúa đến trọn đời, Amen.

Về mục lục

.

TẦM QUAN TRỌNG CỦA GIÂY PHÚT LÂM TỬ

JM. Lam Thy  

Khi suy niệm Lời Chúa Chúa nhật V Mùa Chay năm A (Bài đọc 1: “Xương cốt trong nấm mộ” – Ed 37, 12-14;  Bài đọc 2: “Tính xác thịt” – Rm 8, 8-11;  Bài Tin Mừng: “Anh La-da-rô chết đã 4 ngày được Đức Ki-tô làm phép lạ cho sống lại” – Ga 11, 1-45), kẻ viết bài này chợt giật mình nghĩ về cái chết. Vì biết chắc chắn là con người không ai thoát khỏi cái vòng kim cô “sinh – lão – bệnh – tử”, nên giáo lý Ki-tô giáo luôn nhắc nhở tín hữu phải hằng ghi nhớ là sau cái giờ phút lâm chung khắc nghiệt ấy, là một cõi sống (hoặc sống trong nơi vinh hiển, hoặc sống trong lò lửa không bao giờ tắt). Đó là lý do Giáo hội luôn kêu mời con cái cầu nguyện hàng ngày cho thời hiện tại của cuôc sống và cả tương lai khi giây phút lâm tử cận kề (“Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.” – Kinh Kính mừng). Ý thức tầm quan trọng đặc biệt của giây phút lâm tử, Tông thư Lòng Thương Xót và Nỗi Thống Khổ “Misericordia et Misera” (số 15) đã dạy:

“Cả ở đây nữa, chúng ta cũng thấy được tầm quan trọng đặc biệt của giây phút lâm tử. Giáo Hội bao giờ cũng cảm nghiệm thấy được cuộc vượt qua thảm thương này trong ánh sáng của Chúa Ki-tô phục sinh, một cuộc phục si-nh mở đường cho niềm tin tưởng vào sự sống đời sau. Chúng ta phải đương đầu với một thử thách lớn lao, nhất là trong nền văn hóa đương đại, một nền văn hóa thường có khuynh hướng coi thường cái chết cho đến độ coi nó như là một thứ ảo ảnh hay phủ lấp nó đi. Tuy nhiên, cần phải đối diện với cái chết và sửa soạn cho một cuộc vượt qua đớn đau và bất khả tránh, nhưng lại là một cuộc vượt qua chất chứa đầy những ý nghĩa, vì nó là tác động tối hậu của tình yêu đối với những ai chúng ta bỏ lại đằng sau cũng như đối với Thiên Chúa là Đấng chúng ta tiến lên gặp gỡ. Trong tất cả mọi tôn giáo, giây phút lâm tử, cũng như giây phút sinh vào đời, được hỗ trợ bởi sự hiện diện của đạo giáo. Là Ki-tô hữu, chúng ta cử hành phụng vụ an táng như là một việc cầu nguyện tràn đầy hy vọng cho linh hồn người quá cố cũng như cho niềm an ủi của những người đang phải chịu cảnh mất mát đi một người thân yêu.” 

Trở lại với bài Tin Mừng hôm nay (Ga 11, 1-45) trình thuật phép lạ Đức Giê-su cho anh La-da-rô chết chôn đã 4 ngày được sống lại. Sự kiện anh La-da-rô bị đau nặng đã được chị Mac-ta và Maria cho người đến báo tin cho Đức Ki-tô (chắc cũng có ý muốn xin Người chữa bệnh cho em mình); nhưng Người lại không tới liền mà mãi 2 ngày sau mới tới. Việc làm này mang ý nghĩa gì? Nếu Người tới liền, thì có thể anh La-da-rô sẽ không chết và như thế thì Đức Ki-tô cũng chỉ là một thầy lang giỏi chữa bệnh mà thôi. Còn nếu Người tới mà La-da-rô vẫn chết và dù sau đó có được Chúa cho sống lại, thì người đời (thông qua các môn đệ) vẫn bán tín bán nghi, làm sao có thể hiểu được rằng “Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh.” (Ga 11, 4). 

Đúng là các môn đệ đã không hiểu được ý nghĩa sâu xa trong Lời dạy của Đức Ki-tô, nên khi nghe Người nói: “Bệnh này không đến nỗi chết đâu” và sau đó Người còn nói: “La-da-rô, bạn của chúng ta, đang yên giấc; tuy vậy, Thầy đi đánh thức anh ấy đây.” (Ga 11, 11), các ngài đã cho là La-da-rô chỉ ngủ thiếp đi và sau giấc ngủ sẽ khoẻ lại. Sự kiện này khiến nghĩ tới lần Đức Giê-su chữa con gái ông trưởng hội đường (Mc 5, 35-43). Lần đó, Đức Giê-su cũng nói: “Sao lại náo động và khóc lóc như vậy? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!” (Mc 5, 39). Con gái ông trưởng hội đường đã chết, mọi người thương cảm than khóc, thì Đức Giê-su lại bảo là “nó ngủ đấy”. Lần này, nếu các môn đệ có cho rằng La-da-rô ngủ thì cũng không lạ. Và vì thế, Đức Ki-tô phải nói rõ hẳn ra: “La-da-rô đã chết. Thầy mừng cho anh em, vì Thầy đã không có mặt ở đó, để anh em tin. Thôi, nào chúng ta đến với anh ấy.” (Ga 11, 14-15). 

Lời dạy “Thầy mừng cho anh em, vì Thầy đã không có mặt ở đó, để anh em tin” (Ga 11, 15) đã minh hoạ rõ ràng là Đức Ki-tô  có chủ định để La-da-rô chết chôn được 4 ngày mới lại thăm và tỏ uy quyền của Thiên Chúa cho anh ta sống lại. Đúng là đáng mừng cho các môn đệ lúc nào cũng cứ nửa tín nửa ngờ, thì đây là dịp được “thực mục sở thị” một phép lạ chỉ có Thiên Chúa mới làm được. Vâng, Đức Giê-su không có mặt khi anh La-da-rô chết, và Người còn để anh được chôn trong hang đá tới 4 ngày, xác chết đã nặng mùi, như thế thì các môn đệ mới thực sự tin rằng anh La-da-rô đã chết (chớ không phải chỉ ngủ say). Và nhờ đó, khi Đức Ki-tô tới kêu anh ta ra khỏi mồ, mọi người mới tin thật rằng: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống.” (Ga 11, 25). 

Quả thật, với các môn đệ lúc nào cũng bán tín bán nghi thì không còn cách nào để có thể củng cố đức tin cho các ngài hơn là dịp này. Được củng cố đức tin đến như thế, mà tới giờ phút phải bày tỏ niềm xác tín (Thầy bước vào cuộc khổ nạn, chết trên thập tự và sống lại hiển vinh) cũng vẫn còn nửa tin nửa ngờ. Đã không tin lúc Thầy còn sống và làm phép lạ, mà cả đến khi Thầy từ cõi chết sống lại hiển nhiên cũng vẫn hoài nghi. Tuy chỉ có một Tô-ma không có mặt lúc Thầy hiện ra nên mới bày tỏ sự hoài nghi (“Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” – Ga 29, 25); nhưng còn những vị được diện kiến Thầy mình phục sinh hiện ra thì đã tin chưa? Nếu tin thì sao lại xảy ra cảnh “các ông kinh hồn bạt vía tưởng là thấy ma!” (Lc 24, 37)?

Ngay ở cái thế kỷ XXI này, sự hoài nghi còn vượt xa các Tông đồ tiên khởi. Hoá cho nên các ngài sống cách đây 2000 năm, nếu cứ hay nửa tin nửa ngờ cũng chẳng có gì đáng phàn nàn, vì bản chất con người là thế. Các tông đồ ở liền bên với Thầy mà cũng chỉ tin khi được trông thấy nhãn tiền người chết “chôn trong mồ đã 4 ngày và nặng mùi rồi”, Đức Ki-tô không hề chạm đến anh ta mà chỉ hô lớn tiếng: “Anh La-da-rô, hãy ra khỏi mồ!”, thì ngay lập tức anh ta bước ra khỏi mồ với khăn liệm còn quấn trên người. Một cách cụ thể thì các Tông đồ tiên khởi cũng như các Ki-tô hữu ở tiền bán thế kỷ XXI này vẫn rất cần được củng cố đức tin. Ấy cũng bởi vì: “Với Mác-ta, đang khóc thương cái chết của em trai mình là La-da-rô, Chúa Giê-su bảo: “Tôi đã chẳng nói với chị rằng nếu chị tin, chị sẽ thấy vinh quang Thiên Chúa đó sao?” (Ga 11, 40). Ai tin, sẽ thấy; họ thấy bằng thứ ánh sáng đang soi sáng trọn cuộc hành trình của họ, vì ánh sáng này phát xuất từ Chúa Ki-tô phục sinh, sao mai không bao giờ lặn.”  (Thông điệp Ánh Sáng Đức Tin “Lumen Fidei”, số 1). 

Cuối cùng thì vấn đề đặt ra là “nếu chị tin, chị sẽ thấy vinh quang Thiên Chúa”. Các ngôn sứ thời Cựu Ước cũng không ngoại lệ. Thật thế, “Hỡi dân Ta, này chính Ta mở huyệt cho các ngươi, Ta sẽ đưa các ngươi lên khỏi huyệt và đem các ngươi về đất Ít-ra-en. Các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là ĐỨC CHÚA, khi Ta mở huyệt cho các ngươi và đưa các ngươi lên khỏi huyệt, hỡi dân Ta. Ta sẽ đặt thần khí của Ta vào trong các ngươi và các ngươi sẽ được hồi sinh.” (Ed 37, 12-14). Vậy thì người Ki-tô hữu ở thế kỷ XXI này còn đợi gì mà không chân thành tái đặt trọn niềm tin của mình nơi Đấng đã phán dạy: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết.” 

Nói tóm lại, xin đừng ỷ tài cậy sức, mà coi thường cái chết như những trào lưu văn hóa cấp tiến thời đại, nhưng đồng thới cũng đừng sợ hãi thái quá để rồi chạy hết đền nọ đến miếu kia cúng vái các ngẫu tượng. Người Ki-tô hữu ngày hôm nay “cần phải đối diện với cái chết và sửa soạn cho một cuộc vượt qua đớn đau và bất khả tránh, nhưng lại là một cuộc vượt qua chất chứa đầy những ý nghĩa, vì nó là tác động tối hậu của tình yêu đối với những ai chúng ta bỏ lại đằng sau cũng như đối với Thiên Chúa là Đấng chúng ta tiến lên gặp gỡ.” (Tông thư Lòng Thương Xót và Nỗi Thống Khổ “Misericordia et Misera”, số 15). Nói cách khác, người Ki-tô hữu hãy tái đặt trọn niềm tin vào Đấng Phục Sinh, để cầu xin Người ban Thánh Linh thêm sức mạnh vượt qua thử thách, đồng thời củng cố đức tin cho vững mạnh. 

Muốn đạt ước nguyện, xin hãy chạy đến với Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Đức Tin, mà khẩn thiết van nài: “Lạy Mẹ, xin Mẹ giúp đỡ đức tin chúng con! Xin Mẹ gieo vào đức tin chúng con niềm vui của Đấng Phục Sinh. Xin Mẹ nhắc nhở chúng con rằng người tin không bao giờ đơn độc. Xin Mẹ dạy chúng con biết nhìn mọi sự bằng con mắt của Chúa Giê-su, để Người là ánh sáng soi đường chúng con đi. Và ánh sáng đức tin này luôn gia tăng nơi chúng con, cho tới hừng đông của ngày bất tận là chính Chúa Ki-tô, Con Mẹ, Chúa chúng con!” (Thông điệp “Lumen Fidei – Ánh Sáng Đức Tin”, kết luận). Ước được như vậy. Amen.

Về mục lục

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận