Các Bài Suy Niệm CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH

Đăng lúc: Thứ sáu - 05/05/2017 02:25 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

CHÚA NHẬT 4 A PHỤC SINH

Lời Chúa: Cv 2:14a, 36-41; 1Pr 2:20b-25; Ga 10:1-10

——

DẪN NHẬP

Lời Chúa : “Ta là cửa, ai qua Ta mà vào thì sẽ được cứu rỗi” (Ga 10,9).

Nhập lễ :

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Phụng vụ  Lời Chúa chúa nhật 4 Phục sinh hôm nay mời gọi chúng ta sống theo sự hướng dẫn của Chúa Giêsu là Mục nhân lành chăn dắt chúng ta. Ai tin và sống theo Lời Người đã dạy thì được diễm phúc vào Nước Trời:

Giê - su là cửa chuồng chiên,

Ai vào qua cửa, thành viên trong nhà.

Còn như ai khác vào ra,

Đào tường khoét vách, quả là kẻ gian.

Giê - su, Mục Tử từ nhân,

Tin yêu, phó thác, thiết tha với Người.

Hiệp dâng thánh lễ hôm nay, xin Chúa giúp chúng ta tin vào Chúa Giêsu Kitô là Mục tử duy nhất dẫn dắt chúng ta và  sống nên chiên ngoan của Chúa. Xin Chúa khơi lên tâm hồn các bạn trẻ đáp lại tiếng Chúa mời gọi để phục vụ trong vườn nho của Chúa. Trong tâm tình đó, giờ đây chúng ta hãy thành tâm sám hối.

Sám sối :

X. Lạy Chúa, Chúa là mục tử nhân lành. Xin Chúa thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.

X. Lạy Chúa Kitô, Chúa đến để chiên được sống và sống dồi dào. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

X. Lạy Chúa, lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Xin Chúa thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.

Kết : Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.

: Amen.

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang.

 

Mục lục

2. Cửa chuồng chiên  (Tgm. Giuse Ngô Quang Kiệt)

3. Xin Chúa ban nhiều tông đồ mở Nước Chúa (Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)

4. Mục tử và đoàn chiên (Lm. Tôma Nguyễn Hoàng Phượng)

5. Giêsu – Mục Tử Nhân Lành (Bông Hồng Nhỏ, Thanh Tuyển sinh MTG. Thủ Đức)

6. Vị mục tử ẩn mình  (Anna Cỏ may, Thanh Tuyển sinh MTG. Thủ Đức)

7. Chân dung vị mục tử nhân lành  (Lm. GB. Trần Văn Hào, SDB)

8. Suy niệm Chúa Nhật 4 Phục sinh_A  (Lm. Giuse Nguyễn Văn Nam)

9. Đức Giêsu là cửa chuồng chiên  (Tu sĩ Jos. Vinc. Ngọc Biển, SSP)

10. Mục tử nhân lành  (JM. Lam Thy, ĐVD)

11. Mục tử nhân lành- (Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh)

12. Sự sống dồi dào  (Trầm Thiên Thu)

13. Chiên tôi thì nghe tiếng tôi (Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)

14. Cầu nguyện nhiều cho dân chúng (Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)

15. Đấng chăn chiên (AM. Trần Bình An)

 

.

CỬA CHUỒNG CHIÊN

Tgm. Giuse Ngô Quang Kiệt.

Cửa có hai công dụng. Để đóng vào và để mở ra. Có những cánh cửa như cửa tù ngục để giam kín phạm nhân. Có những cánh cửa giam hãm, bưng bít con người không cho thông giao với thế giới bên ngoài. Có những cánh cửa lò sát sinh nhốt thú vật để giết chết. Đó là những cánh cửa đóng kín chết chóc, huỷ hoại. Có những cánh cửa mở ra đón gió mát, đón khí trong lành, đón ánh sáng mặt trời tươi vui. Có những cánh cửa mở ra những chân trời xa tắp, khơi lên trong tâm hồn mơ ước cao xa. Có những cánh cửa mở ra đón nhận anh em trong tình huynh đệ thân mến. Đó là những cánh cửa mở ra sự sống.
Hôm nay, Chúa Kitô nói: “Ta là cửa chuồng chiên”, Người đã tự nhận mình là cánh cửa. Chúa Giêsu là cánh cửa không phải để đóng kín giam hãm đàn chiên. Nhưng là cánh cửa mở ra.
Chúa Giêsu là cánh cửa mở ra những chân trời vô tận.
Thỉnh thoảng ta nghe có dư luân xôn xao về ngày tận thế. Tất nhiên đó là một tin đồn thất thiệt, nhảm nhí, đượm mầu sắc mê tín dị đoan. Nhưng tin đồn đó cũng nói lên một sự thực là: Thế giới mà chúng ta đang sống là một thế giới hạn hẹp, sinh mạng con người là bèo bọt, kiếp sống con người là monh manh. Thật đáng buồn nếu con người chỉ có thế, bị kết án chung thân vào một thân xác mau tan rã, bị giam hãm trong một thế giới vật chất mau tàn tạ.
Chúa Giêsu Phục sinh đã phá vỡ vòng vây giam hãm đó. Khi tảng đá lấp cửa mộ lăn ra, Chúa Giêsu đã mở ra cho nhân loại một cánh cửa. Cánh cửa đó dẫn vào một không gian vô tận. Từ nay con người không còn bị kết án chung thân vào thân xác mau tan rã nữa, vì Chúa Giêsu phục sinh đã mặc lấy thân xác vinh hiển không bao giờ chết. Từ nay con người không còn bị giam hãm trong thế giới vật chất mau tàn tạ nữa, vì Chúa Giêsu Phục sinh đã mở lối ra thế giới thần linh, trong đó con người sống trong tự do, không còn bị ràng buộc trong không gian. Đó là một thế giới mới, thế giới vĩnh hằng, không bao giờ tàn tạ, thế giới vô biên chẳng có giới hạn.
Khi mở cánh cửa vào thế giới thần linh, Chúa Giêsu đã đẩy lùi ranh giới của thế giới vật chất đến vô hạn. Khi mở cánh cửa vào thế giới thần linh, Chúa Giêsu đã chắp cánh cho ước mơ của con người. Ước mơ ấy chẳng còn hạn hẹp trong những hạn chế của vòng vây thế giới, nhưng bay lên ngang tầm trăng sao để mơ những giấc mơ thần thánh. Khi mở cửa và thế giới thần linh, Chúa Giêsu đã giải phóng con người khỏi cảnh ngộ nô lệ vật chất hư hèn, nâng con người lên cuộc sống tự do của con Thiên Chúa.
Chúa Giêsu là cánh cửa mở ra suối nguồn sự sống
Thật là vô lý nếu con người sống chỉ để chết. Thật là vô lý nếu chết là hết. Nếu định mệnh con người là như thế, thà không sống còn hơn. Mỗi khi vào bệnh viện, ta không khỏi suy nghĩ khi nhìn những bệnh nhân rên xiết, quằn quại đau đớn hoặc thấy những tấm thân gầy còm, những khuôn mặt hốc hác. Đó là cái chết đang sống hay là một sự sống đang chết? Đời sống như thế còn có ý nghĩa gì không?
Chúa Giêsu đã bước vào thế giới kẻ chết để chiến đấu chống lại thần chết. Người đã chiến thắng. Và khi Người mở cửa mộ bước ra, Người đã mở cánh cửa dẫn vào một cuộc sống mới. Cuộc sống mới là một cuộc sống trọn vẹn bởi vì không còn bóng dáng Thần chết. Cuộc sống mới là một cuộc sống sung mãn bởi vì chẳng còn vết tích của đau khổ, bệnh tật, đói khát. Cuộc sống mới là một cuộc sống siêu nhiên trong đó con người được nâng lên làm con Thiên Chúa, được tham dự vào chính sự sống của chúa. Cuộc sống mới là một cuộc sống hạnh phúc vì được kết hợp với Thiên Chúa Ba Ngôi trong một tình yêu trọn hảo.
Như thế cuộc sống con người vẫn có một hướng đi lên, để được nâng cao, để được phong phú, để được hoàn hảo. Chính vì thế mà dù biết cuộc sống khổ đau, người ta vẫn vui mừng khi một em bé chào đời. Chính vì thế người ta vẫn ăn mừng sinh nhật, coi đó là ngày trọng đại trong đời người.
Chính Chúa Giêsu đã biến đổi thân phận con người. Con người sinh ra không phải để chết, nhưng để sống, sống sung mãn, sống trọn vẹn, sống vĩnh viễn trong suối nguồn sự sống.
Nhưng để mở ra cho ta những chân trời vô tận của con Thiên Chúa, chúa Giêsu đã chịu nhận lấy kiếp sống mong manh, phù du, bèo bọt của con người. Để mở ra cho suối nguồn sự sống, Người đã phải đón nhận cái chết đau đớn. Người chính là vị Mục tử chân chính đã thí mạng vì đàn chiên.
Chúa Giêsu quả thật là cánh cửa mở ra cho đàn chiên đi đến những chân trời xa rộng, đi đến những đồng cỏ xanh tươi, đi đến những dòng suối trong lành.
Chúa Giêsu quả là vị mục tử tốt lành luôn chăm sóc đoàn chiên, luôn nuôi dưỡng đoàn chiên bằng những lương thực bổ dưỡng. Chúa Giêsu đã đến cho ta được sống và được sống dồi dào.
Đó là cánh cửa duy nhất dẫn đến sự sống, ta hãy theo sát gót Người. Đó là người mục tử duy nhất, ta hãy nghe tiếng Người. Hãy đến với Người để Người đưa ta đến những chân trời xa rộng. Hãy đến với Người để Người băng bó vết thương, xoa dịu nỗi đau và phục hồi sự sống. Hãy đến với Người để Người đổ tràn tình yêu và sự sống vào tâm hồn ta.

GỢI Ý CHIA SẺ
1) Chúa Giêsu là cửa chuồng chiên. Tôi có theo vào cửa Người hay tôi đã chọn nhầm cửa khác?
2) Chúa Giêsu là cánh cửa mở. Tôi có thường đóng cửa, ngăn không cho người khác vào?
3) Chúa Giêsu đã hiến mạng sống để mở cửa cho tôi. Tôi có sẵn sàng hi sinh để mở cửa thêm rộng không?

Về mục lục

.

XIN CHÚA BAN NHIỀU TÔNG ĐỒ MỞ NƯỚC CHÚA

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

“Đức Chúa phán thế này: Này Ta chống lại các mục tử, Ta sẽ đòi lại chiên Ta nơi tay chúng ” (Ez 34, 10). Các mục tử đã làm gì để Thiên Chúa nổi giận và đòi lại chiên đây? Qua miệng ngôn sứ Ezêkiel, Thiên Chúa còn nói mạnh hơn nữa : “Ta sẽ không để chúng chăn chiên Ta nữa. Các mục tử sẽ không còn được chăn nuôi lấy mình chúng nữa. Ta sẽ giựt lấy chiên khỏi mõm chúng, khiến chiên Ta không còn là mồi ngon cho chúng ăn thịt nữa ” (Ez 34, 10). À thì ra, các mục tử chỉ để ý đến lợi ích của mình, không dám xả thân vì để cứu chiên, nay Chúa đòi lại chiên và Ngài tuyên bố : “Chính Ta sẽ tìm kiếm chiên của Ta, và Ta sẽ chăm nom đến chúng ” (Ez 34, 10). Thiên Chúa chăm nom chiên như thế nào? Ngài phán : ” Như người mục tử chăm nom đàn chiên của mình vào ngày nó ở giữa chiên phiêu bạt thế nào, cũng vậy Ta sẽ chăm nom chiên của Ta. Ta sẽ kéo chúng ra khỏi nơi chúng tán loại, vào ngày mây mù đen tối. Ta sẽ đem chúng ra khỏi các dân. Ta sẽ thâu họp chúng lại từ các xứ. Ta sẽ dẫn chúng về lại thửa đất của chúng. Và Ta sẽ chăn nuôi chúng trên núi Israel ” (Ez 34, 13-14).
Những “ngọn núi Israel ” theo các tác giả Thánh Kinh là nơi an nhàn, có suối nước trong lành, không có gì độc hại và nguy hiểm, nơi ấy có đồng cỏ non tốt tươi, màu mỡ (x. Ez 34, 13-15). Nếu ta muốn an toàn thoải mái, hãy đến đó tận hưởng. “Đức Chúa phán: Chiên thất lạc, Ta sẽ tìm kiếm. Chiên tản mác, Ta sẽ lùa về. Chiên xây xát, Ta sẽ băng bó. Chiên bệnh hoạn, Ta sẽ bổ sức ” (Ez 34, 16). Những ngọn núi chúng ta vừa nói ở trên còn ám chỉ dòng suối chảy Tin Mừng được rao giảng từ các Tông Đồ cho đến tận cùng thế giới : ” Tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển ” (Ps 18, 5).
Thật là hình ảnh cụ thể tuyệt đẹp và đầy cảm động về một Vì Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa đã làm đối với chúng ta là những tạo vật, những con chiên của Ngài. Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa làm người, được Chúa Cha phái đến, cũng tuyên bố : ” Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta và các chiên Ta biết Ta” (Ga 10, 14 ). 
Hôm nay, mỗi người chúng ta tự hỏi : tôi có phải là chiên của Chúa không, nếu phải thì tôi có biết Chúa không, biết thì biết thế nào ? “Biết” ở đây, không có nghĩa là “biết” nhờ đức tin, nhưng là “biết” nhờ đức mến. “Biết” không có nghĩa là “biết” được diễn tả qua thái độ tin, nhưng là “biết” được diễn tả qua việc làm. Chính thánh Gioan Tông Đồ đã viết điều này và làm chứng ở nơi khác : “Ai nói mình biết Thiên Chúa mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối” (1 Ga 2, 4).
Chúa Giêsu còn nói về các con chiên : ” Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi, Tôi cho chúng được sống đời đời và chúng sẽ không bao giờ hư mất ” (Ga 10, 27).
Vậy, ai chân thành đi theo Chúa Giêsu thì được nuôi dưỡng nơi đồng cỏ xanh tươi muôn đời. Đồng cỏ của đoàn chiên đây là gì nếu không phải là cảnh thiên đàng luôn xanh ngắt, khiến tâm hồn ngập tràn niềm vui, nơi có Thiên Chúa luôn hiện diện, nơi đây chiên theo Chúa và làm theo ý Chúa sẽ được hân hoan mừng lễ cùng với bao công dân Nước Trời. 
Trên đây là những lý do với nhiều lý do khác mà Giáo hội gọi Chúa nhật thứ IV Phục Sinh là Chúa nhật Chúa Chiên Lành, đồng thời mời gọi con cái mình suy nghĩ đặc biệt về hình ảnh của Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô, Vị Mục Tử Tối Cao đã hy sinh Mạng Sống Mình vì đoàn chiên. Chúa Giêsu muốn không chỉ có các mục tử tiếp bước, Người muốn những người nam nữ dâng mình cho Chúa trong đời thánh hiến, đến lượt mình, cũng xả thân mình để bảo vệ đàn chiên, đưa các con chiên lạc trở về. 
Vì thế, chủ đề ngày thế giới cầu cho ơn kêu gọi năm nay được Đức Thánh Cha đưa ra là : “Được Thần Khí Dẫn Dắt Cho Việc Truyền Giáo ” như một dấu nhấn đối với người rằng “không thể không có sự cổ võ cho ơn gọi hoặc sứ mạng Kitô Giáo tách ra khỏi đời sống cầu nguyện chiêm niệm liên lỉ”. Đức Thánh Cha nói : “Dấn thân cho việc truyền giáo không phải là một điều gì thêm vào đối với đời sống Kitô Giáo như một kiểu trang trí, mà thay vào đó là một yếu tố thiết yếu của chính niềm tin. Một mối quan hệ với Thiên Chúa”, và Ngài khích lệ mối quan hệ sâu sắc này với Chúa, ” trên hết vì sự khẩn xin từ trên cao những ơn gọi mới cho đời sống linh mục và đời thánh hiến “. Ngài nhắc lại rằng, ngang qua “Phép rửa, mọi Kitô Hữu là một ‘Christopher’, một người mang lấy Đức Kitô, cho anh chị em của mình”.
Đức Nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI viết rằng : “Ngày nay vẫn vậy, sống trong cộng đồng các môn đệ là Giáo Hội, Chúa Giêsu Kitô kêu gọi đi theo Người”. Ngài cũng đặc biệt mời giới trẻ “hãy trau dồi nét hấp dẫn các giá trị, các mục tiêu nâng cao, các chọn lựa triệt để, để có thể phục vụ tha nhân theo chân Chúa Giêsu”. Chúa Giêsu không ngừng lặp đi lặp lại “Hãy đến! Hãy theo ta”. Theo Chúa Giêsu “có nghĩa là nhấn chìm ý muốn của chính mình vào thánh ý Chúa Giêsu, dành ưu tiên cho thánh ý Người và đặt Chúa Giêsu ở vị trí đầu so với tất cả những gì làm nên cuộc sống chúng ta : gia đình, công việc, những lợi ích ca nhân và bản thân”.
Xin cho giới trẻ hôm nay đang ở giữa biết bao những gợi ý nông cạn và phù phiếm, tạm thời, biết chuyên tâm trau dồi nét hấp dẫn đối với các giá trị, các mục tiêu cao thượng, những chọn lựa triệt để, hầu phục vụ tha nhân theo chân Chúa Giêsu. Đáp trả quảng đại và mau lẹ tiếng Chúa Kitô kêu gọi đi theo Người sát sao hơn nữa, đặc biệt với các thế hệ mới. Amen.

Về mục lục

.

MỤC TỬ VÀ ĐOÀN CHIÊN

Lm Tôma Nguyễn Hoàng Phượng

            Bài phúc âm Chúa nhật hôm nay nói lên mối dây thân tình giữa người tín hữu với Chúa Giêsu, giữa mục tử và đoàn chiên. Một mối giao hảo tự do, không ép buộc, tạo nên do niềm tin tưởng và hiểu biết giữa mục tử và các con chiên. Đó cũng là hình ảnh giữa cuộc sống nội tâm, sự giao thân của người kitô hữu với Chúa Giêsu.

            Chúa Giêsu thường ví chúng ta là đoàn chiên của Ngài, và Ngài là Đấng chăn chiên.

            Hôm nay, Ngài còn ví Ngài là cửa chuồng chiên. Nhờ cửa, các chiên của Ngài là chúng ta bước ra để tìm gặp ơn cứu rỗi. Đi qua cửa Chúa Giêsu có nghĩa là chúng ta phải tìm đến gặp gỡ Ngài. Có như thế, Ngài mới có thể gọi tên từng con chiên, và từng con chiên mới có thể nhận biết tiếng chủ chăn.

            – Ngài là mục tử, Ngài đã đến để gọi các con chiên của Ngài. Và các chiên khi nghe gọi, nhận biết tiếng mục tử, liền theo ra, và một khi đã được gọi ra, tất cả các chiên theo mục tử.

            – Chiên đặt hết tin tưởng vào mục tử, mục tử đi đâu thì chiên theo đó. Chiên sống bằng niềm tin cậy vô biên vào người chăn. Sự sống còn, cứu rỗi của chiên là niềm phó thác của chiên nơi mục tử.

            – Trong chiều hướng đó, bài giảng về mục tử nhân từ hôm nay cho thấy rõ Chúa Giêsu là mcụ tử duy nhất của đoàn chiên là Giáo Hội. Chính Ngài đã gọi từng chiên nhập vào đoàn. Và chính Ngài giữ sự kết hợp giữa các chiên.

            – Chúng ta cần phải thắt chặt mối thân tình của chúng ta với Chúa Giêsu. Chúng ta phải lắng nghe lời Ngài và cậy tin phó thác nơi Ngài. Chỉ có Ngài là chủ chiên và tất cả chúng ta là một đoàn chiên. Ngài mu6ón đoàn chiên của Ngài duy nhất là một.

            – Ngoài ra, chúng ta còn phải tìm sống hợp nhất với anh em, và cùng anh em theo Chúa Giêsu, vị Mục Tử nhân hậu.

            “Ai yêu mến Ta, thì sẽ giữ lời Ta, và Cha Ta sẽ yêu mến nó, và chúng Ta sẽ đến và cư ngụ trên người đó” (Ga 14, 23)

            Lạy Chúa Giêsu, Mục Tử nhân hậu, xin giúp con luôn bước đi theo Chúa, và biết lắng nghe tiếng Chúa, nhất là biết thực thi lời Chúa dạy để đạt tới hạnh phúc bất diệt.

Về mục lục

.

GIÊSU – MỤC TỬ NHÂN LÀNH

Bông Hồng Nhỏ

Cánh cửa vừa mở, những tia nắng theo đó ùa vào thích thú. Chàng thanh niên bước vào và gọi từng con chiên. Ban sáng, thời tiết thật mát mẻ. Mây trắng vắt ngang nền trời từng sợi mỏng manh. Từng chú chiên ngoan ngoãn đi ra khỏi ràn. Anh lấy bình nước đeo bên hông, tay cầm chắc cây gậy cũ kỹ. Đóng xong cánh cửa còn ướt sương, anh bước lên đi trước, cả đàn chiên túc tắc theo sau. Cả đàn chiên nghe tiếng của anh bởi tiếng nói rất quen thuộc ấy sẽ dẫn chúng tới đồng cỏ xanh rì và suối nước trong lành. Ở đó, chúng sẽ được thỏa thuê. Anh chăm sóc đàn chiên, từng con một. Ánh mắt tinh tường của anh phóng thật xa, trong tay vẫn cầm chắc cây gậy. Anh luôn trông chừng đàn sói kẻo chúng đến vồ chiên làm chiên tan tác. Nếu có sói đến, anh sẽ dùng cây gậy thô sơ ấy để xua đuổi chúng đi. Anh sẵn sàng xả thân để bảo vệ đàn chiên. Vì anh là mục tử. Chiều đến, khi đàn chiên đã về ràn đầy đủ và mạnh khỏe, anh đóng cửa ràn và nụ cười thoáng hiện trên môi. Vai áo anh còn ướt đẫm mồ hôi. Mùi mồ hôi hòa lẫn với mùi chiên, khó mà tách biệt được.

  1. Chúa Giêsu, vị mục tử nhân lành

Chúa Giêsu, vị mục tử nhân lành gọi từng người môn đệ. Như những con chiên hiền lành, các môn đệ đi theo Thầy ngang dọc khắp miền, tới nhiều vùng đất, gặp gỡ nhiều người. Chúa Giêsu, vị mục tử nhân lành đi trước dẫn đường, các môn đệ theo sau đến nơi Người dẫn họ tới: vào Hội đường hay ngang dọc khắp miền Galilê, ghé thăm vùng đất Samari hay lên Giêrusalem. Theo Thầy, các ông thấy những việc tốt đẹp Thầy làm, từng lời giảng dạy đầy tình thương và uy quyền của Thầy. Các ông vui sướng khi danh Thầy được người đời tôn vinh. Được thơm lây, lòng các ông thỏa thuê. Ước mơ sắp đến ngày thành tựu.

  1. Chúa Giêsu- Cửa sự sống

Kìa sói đến vồ lấy chiên và làm chiên tan tác. Thầy Giêsu bị nộp, các môn đệ hoảng loạn chạy tan tác, chỉ có vài người đi theo Thầy xa xa. Vị mục tử Giêsu đã bị nộp vào tay phường tội lỗi và bị xử tử. Người không chỉ mang trên mình mùi chiên nhưng hơn thế, Người đã thí mạng mình vì đoàn chiên. Sói dữ làm chiên tan tác nhưng chính Người sẽ thâu tập lại. Người chính là Cửa sự sống. Ai qua Người thì sẽ được cứu.

Trong đám người hỗn loạn và đầy phẫn nộ, thấp thoáng bóng cây thập giá mà chính Thầy Giêsu đang vác lấy để lên đồi Canvê. Ngài đang dẫn đường để đưa họ tới một đồng cỏ xanh tươi và một nguồn suối mới. Chính trên ngọn đồi chết chóc ấy, Người sẽ hiến chính thân mình trở nên đồng cỏ xanh tươi và sẽ đổ máu mình ra thành dòng suối trong lành để ban cho các ông một sự sống mới. Đường thập giá là đường thương đau nhưng không phải là đường của sự chết. Chính Giêsu đã bước đi bằng con đường ấy và dùng tình yêu của mình để cứu độ nhân loại tội lỗi. Từ đây, nhân loại được nuôi dưỡng bởi một nguồn sống mới được kín múc từ Đấng Tình Yêu. Bởi Thầy đến để cho chiên được sống và sống dồi dào. Chính Mục tử Giêsu sẽ chăm sóc linh hồn của từng người con bé nhỏ. Đường Thầy đã đi qua, chính các môn đệ cũng sẽ đi tiếp.

Tâm hồn các ông đã sầu khổ khi chứng kiến cái chết tức tưởi của Thầy, buồn đau và thất vọng khi giấc mộng hão huyền chỉ tựa làn khói trắng bay lên từ đống tro tàn. Chẳng còn đâu ngày nào Thầy được tôn vinh, chẳng còn đâu những tháng ngày bên Thầy yêu dấu. Chúa Phục sinh mang đến cho các ông niềm vui ngập tràn. Từ cánh cửa đóng kín im ỉm vì sợ hãi, Ngài hiện diện giữa các ông và ban bình an, thổi Thần Khí đổi mới tâm hồn các ông. Từ đây, người ta sẽ thấy một Phêrô mạnh dạn rao giảng Tin Mừng Phục Sinh và luôn vui mừng khi được chịu đau khổ vì danh Thầy; một Gioan càng yêu Thầy mãnh liệt và thâm sâu hơn, một Anrê miệt mài trên từng chặng đường truyền giáo… Bởi các ông đều đi qua Cửa Sự Sống và tìm được đồng cỏ. Các ông được cứu khi đã kiên vững đi trên con đường Thầy đã đi qua. Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống.

  1. Chiên lạc trở về

Như những con chiên lạc được trở về với Mục Tử nhân lành, chúng ta được Thiên Chúa kêu gọi bằng một tình yêu rất riêng. Được sống trong mái nhà Hội Thánh, chúng ta được Người chăm sóc linh hồn, dưỡng nuôi bằng chính Thánh Thể – nguồn tình yêu bao la, được dạy dỗ và hướng dẫn bước đi trên con đường sự sống. Chúng ta hãy tạ ơn Chúa đã luôn yêu và chọn gọi chúng ta dù chẳng ai trong chúng ta xứng đáng lãnh nhận ơn cao quý ấy. Người đã mang vào thân mình tội lỗi chúng ta để cho chúng ta được sống và sống dồi dào. Là những con chiên bé nhỏ và yếu đuối, chúng ta hãy lắng tai nghe tiếng gọi thân thương của Người, đi theo Người trên con đường Người dẫn chúng ta. Chỉ nơi Giêsu, chúng ta mới được thỏa no tâm hồn.

Lạy Chúa, Chúa biết rõ từng người chúng con dù cho chúng con chưa kịp thưa lên cùng Chúa điều chi. Chúa đã hiến mình vì yêu chúng con. Xin cho các linh mục của Chúa luôn thấm mùi chiên, có đôi tai tâm hồn thính nhạy trước tiếng Chúa, có con tim thật rộng lớn để dẫn dắt đoàn chiên trên đường về nhà Cha. Xin cho mỗi chúng con là những Kitô hữu luôn biết trở về với Mục Tử nhân lành là chính Chúa để được Người chăm sóc linh hồn chúng con. Amen.

Về mục lục

.

VỊ MỤC TỬ ẨN MÌNH

Anna Cỏ may

Cuộc sống như dòng nước chảy. Mỗi chúng ta không tự đi tự chạy. Chúng ta cần người dẫn dắt. Bên cạnh chúng ta là cha mẹ, anh chị em và người có trách nhiệm sẽ dẫn ta đi. Nhưng, người âm thầm dẫn đi và bảo vệ chúng ta tốt nhất là Chúa Giêsu. Bài Tin Mừng của Thánh Gioan cho chúng ta biết Ngài dẫn dắt và bảo vệ chúng ta thế nào.

         Chiên là loài hiền lành, mắt kém và chân yếu. Vì thế, thú dữ dễ dàng tấn công. Tuy vậy, nó lại biết lắng nghe. Chiên cũng là con vật mà xưa kia người Do Thái xem như một gia tài, một người bạn hay một thành viên gia đình. Chúng được ôm ấp và ngủ chung với người nhà như ngày nay chúng ta thường ôm thú cưng vậy. Vì thế, Chúa Giêsu đã lấy hình ảnh đàn chiên để nói lên tương quan của Ngài với chúng ta.

         Ngài ví chúng ta như đàn chiên. Những con chiên yếu đuối dễ sa ngã. Chúng cần người bảo vệ yêu thương. Chúa Giêsu đã đặt mình vào vị trí cánh cửa ra vào cho đàn chiên. Ngài nói: “Tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào”( x. Ga 10,7). Một cánh cửa có chức năng đóng và mở. Cửa đóng lại khi đàn chiên vào chuồng nghỉ ngơi và mở ra khi chúng đi ăn. Ngài làm như vậy để được ở gần chúng, được gặp gỡ chúng mỗi ngày. Khi đàn chiên đi ăn, người trở thành người chăn chiên chăn dắt chúng ta. Ngài nói: “Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (x Ga 10,9). Là người chăn chiên, Ngài sẽ đi đầu để bảo vệ và dẫn chúng đến những đồng cỏ tốt, những dòng nước mát. Khi đàn chiên gặp thú dữ, Ngài ra sức bảo vệ. Nếu con nào bị thương, Ngài băng bó và vác nó lên vai mà đi. Ngài cũng không để con nào bị lạc. Ngài khác những kẻ chăn chiên thuê. Những người chăn chiên thuê, họ làm vì cuộc sống mưu sinh, nên khi thú dữ hay kẻ ác tới họ liền bỏ chạy. Còn Chúa Giêsu thì lao mình ra để đánh lạc hướng thú dữ và chết thay cho đàn chiên. Ngài đã làm như vậy qua những lời giảng dạy, chịu những đòn roi và lời sỉ vả, đã chết và sống lại. Ngài trở thành người chăn chiên tốt lành của chúng ta. Chính Ngài đã nói: “Tôi chính là mục Tử nhân lành”. Người Mục Tử vẫn ở với chúng ta và chăn dắt chúng ta mỗi ngày. Ngài ẩn mình nơi các Giám mục, Linh mục và các tu sĩ.

         Ngày hôm nay nền kinh tế phát triển, chúng ta dễ dàng bị cám dỗ bởi những sự nhẹ nhàng, những lời nói thách thức nhau và những cuộc chơi làm chúng ta không còn là con chiên hiền lành nữa. Chúng ta sẽ bị lô kéo, dễ bỏ đàn chiên và bị lạc lối. Chúng ta hãy tỉnh thức và tin tưởng vào Chúa, vị Mục Tử nhân lành.

         Lạy Chúa, hôm nay là lễ Chúa Chiên Lành, chúng con xin Chúa ban ơn tiếp sức cho các Giám mục, Linh mục và các tu sĩ có một tấm lòng nhiệt thành và một tình yêu bao la để dẫn dắt đàn chiên là chúng con, để chúng con không bao giờ xa rời Chúa. Là đàn chiên, chúng con xin Chúa cho chúng con luôn luôn là con chiên ngoan, biết lắng nghe, được chữa lành, được vác trên vai. Nhờ đó, chúng con mãi thuộc trọn về Ngài trên con đường theo Ngài. Amen.

Về mục lục

.

CHÂN DUNG VỊ MỤC TỬ NHÂN LÀNH

Lm. GB. Trần Văn Hào

Trong Giáo Hội có rất nhiều vị mục tử thánh thiện và gương mẫu, đáng để chúng ta noi theo. Nhưng, mẫu gương tuyệt hảo nhất chính là Đức Giêsu, vị Mục tử nhân lành khả kính, Đấng mà Giáo hội hôm nay mời gọi chúng ta quy hướng về. Giáo hội dành riêng ngày Chúa nhật tuần 4 mùa Phục sinh với các bài đọc Lời Chúa để chúng ta học hỏi nơi Đức Giêsu, nguyên mẫu mục tử cho tất cả mọi người.

Tình yêu mục tử nơi Chúa Giêsu được hiển thị rõ nét qua ba chiều kích : Vị mục tử biết chiên của mình, vị mục tử lặn lội đi kiếm tìm con chiên lạc, và vị mục tử nhân lành đã hy sinh mạng sống cho đoàn chiên.

Mục tử nhân lành ‘biết’ các chiên của mình

Trong Tin mừng Gioan chương 10, Chúa Giêsu đã nói về đặc nét căn bản này. Trước hết, vị Mục tử nhân lành biết rõ các con chiên trong đàn mình :“Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi. Tôi biết chúng và chúng theo tôi” (Ga 10,27). Đây không phải là cái biết của tri thức, nhưng đó là thái độ biết chiên được biểu tỏ bằng sự hiệp thông sâu xa. Trong Tin mừng Gioan, Chúa Giêsu cũng đã nhiều lần nói về việc Ngài biết Chúa Cha và thi hành những công việc được Chúa Cha trao phó (Ga7,29; Ga 8,19; Ga 9,55,…). Cũng tương tự như thế, Ngài mời gọi các học trò của mình bắt chước Ngài, hãy ‘biết’ các con chiên, giống như Ngài. Chúa là vị Mục tử nhân lành luôn luôn biết các con chiên thuộc đàn của mình.

Để diễn bày thái độ ‘biết’ chiên, Đức Giêsu đã đi vào trần gian, chia thân sẻ phận với chúng ta. Ngài vui với người vui, khóc với người khóc. Ngài đi dự tiệc cưới tại Cana để chung chia niềm vui với đôi uyên ương trẻ. Ngài thổn thức trước cái chết của đứa con trai bà góa thành Naim. Chúa cũng rơi lệ khi đứng trước ngôi mộ của Lazarô, người bạn nghĩa thiết. Đức Giêsu là Thiên Chúa rất Thiên Chúa, đồng thời Ngài cũng là một con người rất con người, gần gũi với cuộc sống đời thường, sống giống hệt như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi.

Trong một bài giảng mùa chay, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng khuyến mời các vị mục tử đừng bao giờ ‘mỏi mệt’ để biết các con chiên của mình và người Mục tử phải có ‘mùi chiên’. Cụ thể, Đức Thánh Cha vẫn hay đến thăm các nhà tù, đã từng cúi xuống rửa chân cho các thiếu niên phạm pháp, đã ngồi ăn uống với những người vô gia cư… Điều Đức Thánh Cha thực hiện, không phải là một học thuyết mới lạ mang tính cách mạng, nhưng Ngài chỉ muốn sao chép lại cách sống của Chúa Giêsu, vị Mục tử nhân lành luôn biết các con chiên của mình, và mang nơi mình ‘mùi’ của từng con chiên.

Mục tử nhân lành đi kiếm tìm con chiên bị lạc

Chúa Giêsu không phải là một lý thuyết gia. Ba dụ ngôn mà Thánh Luca viết lại trong chương 15 diễn bày chân dung cứu thế và lòng thương xót của một vị mục tử đích thực. Đó là dụ ngôn kể về người đàn bà đi tiềm kiếm đồng bạc bị mất, dụ ngôn người chăn chiên lặn lội tìm kiếm con chiên đi lạc, và nhất là dụ ngôn đứa con hoang đàng trở về trong sự vui mừng tột độ của người Cha. Chúa đã chọn cái chết bi thương trên Thập giá để diễn bày lòng thương xót và sự tha thứ vô điều kiện đối với các tội nhân. Phán quyết của Đức Giêsu, một vị quan tòa đầy lòng thương xót khi Ngài nói với người phụ nữ phạm tội ngoại tình, cũng là phán quyết Chúa ngỏ trao tới từng người chúng ta, là những tội nhân đáng phải chết : “Tôi không kết án chị đâu. Hãy về đi và từ nay đừng phạm tội nữa”. Trong một bài giảng tại Missouri bên Hoa kỳ, Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận đã dí dỏm nói rằng Đức Giêsu là một học sinh rất dốt toán. Ngài coi con số 1 lớn hơn con số 10. Ngài cũng là một kinh tế gia khá tồi, vì dám liều bỏ lại 99 con chiên khỏe mạnh để lặn lội đi tìm kiếm một con què quặt đang đi lạc. Ngài cũng là một kẻ đãng trí và hay quên. Ngài không nhớ cô gái đang ngồi khóc bên chân Ngài là một cô gái điếm khét tiếng, cũng quên mất tên tử tù bị đóng đinh bên cạnh Ngài là một tay gian phi nguy hiểm với một quá khứ đặc kín tội ác… Bởi vì, Chúa Giêsu luôn mãi là một Mục tử nhân lành, và Ngài mắc phải một căn bệnh kinh niên, đó là bệnh dễ quên. Căn bệnh lú lẫn và hay quên của Chúa thật đáng yêu biết bao.

Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống cho đàn chiên

Chúa Giêsu đã nói: “Tôi đến để chúng được sống và sống dồi dào.” Thánh giáo phụ Irênê cũng đã viết : “Vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống”. Để chúng ta được sống và sống dồi dào, Đức Giêsu đã chấp nhận cái chết khủng khiếp giống hệt một tên tử tội đốn mạt nhất. Ngài đã nói: “Cha tôi đã làm việc, và tôi cũng luôn làm việc”. Công việc của Ngài là hy sinh mạng sống để đem lại sự sống cho con người, phục hồi cho ta phẩm giá cao quý được làm con Thiên Chúa. Thánh Phanxicô Salê đã nói: “Điều linh thánh nhất trong tất cả mọi điều linh thánh là làm việc cho thiện ích các linh hồn (Divinissimum divinorum est opere ad lucrum animorum)”. Điều linh thánh ấy, Đức Giêsu đã thực hiện trong 3 năm rao giảng và cao điểm cuối cùng là Ngài chấp nhận cái chết oan ức trên Thập giá để cho chúng ta được sống và sống dồi dào. Ngài trở nên nguyên mẫu cho tất cả chúng ta, vì Ngài là Mục tử toàn hảo, đã hy sinh ngay cả mạng sống cho đoàn chiên.

Kết luận

Một linh mục trẻ đã chia sẻ tâm sự của mình trên blog như sau: “Tôi có một người bạn và cũng là một người anh rất thân thương. Ngài là một linh mục, lớn tuổi hơn tôi, và hình ảnh của vị linh mục đó luôn in đậm dấu ấn trong cuộc đời tôi. Ngài được bề trên sai về coi sóc một giáo xứ mới thành lập, và Ngài cũng là Cha xứ đầu tiên của giáo xứ đó. Giáo dân rất quý mến Ngài, vì Ngài hiền lành, luôn sống yêu thương chan hòa với mọi người. Ngài đặc biệt quan tâm tới những người nghèo, những người bệnh tật, những cụ già đơn chiếc và đặc biệt Ngài quý mến các trẻ em. Nhưng có một số vị trong ban hành giáo lại không thích Ngài. Lúc đầu họ ngấm ngầm chống đối, rồi dần dần ra mặt phản kháng công khai. Có điều kỳ lạ, là giáo dân trong giáo xứ cho dầu kính phục Cha xứ, nhưng đã bị ban trùm lôi kéo và dần dần quay lại chống đối Ngài. Một kết cục rất đau buồn đã xảy ra, là đến một ngày đã sắp xếp, cả xứ kéo vào nhà xứ và dã tâm đập chết Cha xứ mà trước đây họ rất nể phục. Người ta báo cho chính quyền, chính quyền cũng làm ngơ và ra vẻ như đồng thuận. Bà cố của Cha khi nghe tin, đã rất đau khổ, tâm hồn tan nát như chết đứng. Tuy nhiên, bà cố không bao giờ than trách và chẳng tỏ dấu buồn bực hay trách cứ một ai. Dần dần, danh tiếng Ngài được nhiều người biết đến. Từ khắp nơi, người ta kéo đến giáo xứ để tưởng nhớ đến Ngài và cầu nguyện trước di ảnh của Ngài như một vị Thánh.

Người ta mới thắc mắc và hỏi: “Thế, Cha xứ đó tên là gì, và ở đâu ? Chúng tôi cũng muốn đến kính viếng và học hỏi nơi cuộc sống của Ngài”. Vị linh mục trẻ kia mới trả lời: “Ngài ở rất gần đây và cũng chẳng xa xôi gì. Tên Ngài quen thuộc lắm. Vị Cha xứ đáng kính đó tên là Giêsu”.

Giêsu chính là vị Mục tử khả ái, người Mục tử nhân lành. Ngài đã trở nên khuôn mẫu tuyệt hảo nhất cho tất cả mọi người chúng ta hôm nay, nhất là cho các anh em linh mục.

Về mục lục

.

SUY NIỆM CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH_A

Lm. Giuse Mguyễn Văn Nam

Hôm nay Chúa nhật Chúa Chiên Lành, ngày thế giới cầu nguyện cho ơn gọi Linh mục và Tu sĩ. Bài Tin mừng thánh Gioan giới thiệu cho chúng ta Đức Giêsu là vị mục tử nhân lành và là Đấng Cứu độ duy nhất của nhân loại, Ngài yêu thương đàn chiên, sống chết cho đàn chiên, hy sinh tất cả cho đàn chiên để đàn chiên được sống: “Tôi là mục tử nhân lành. Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào… Tôi là cửa chuồng chiên…” (Ga 10, 8-10).

Thời xưa, dân Do Thái là dân du mục, đa số sống bằng nghề chăn chiên, hình ảnh người mục tử và đàn chiên rất thân quen với người Do Thái và là chủ đề lớn trong Thánh kinh.

Người mục tử nhân lành chính là Thiên Chúa. Đàn chiên là dân Irael. Trong tân ước, Đức Giêsu tự khẳng định mình là mục tử nhân lành và tất cả mọi người trong Giáo hội đều là những con chiên của Chúa. Theo truyền thống của đạo Công giáo, người tín hữu được gọi là con chiên.

Theo William Barclay, vào thời Chúa Giêsu, có hai loại chuồng chiên. Trong các làng xã thường có một chuồng chiên công cộng, nơi tập trung tất cả các bầy chiên lại khi những người chăn chiên trở về nhà vào lúc ban đêm. Những con chiên này được bảo vệ bằng một cửa vững chắc mà chỉ có người chăn giữ đàn chiên mới có chì khoá để mở. Đức Giêsu nói: “Ai qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. Người giữ cửa mở cửa cho anh ta vào”(Ga 10, 2).

Loại chuông chiên thứ hai, khi đàn chiên đi ăn cỏ ở xa trên cánh đồng, hoặc đồi cỏ vào mùa ấm áp, đàn chiên không trở về làng vào ban đêm, thì các con chiên được quy tụ trong một chuồng chiên ở ngoài cánh đồng hay ngọn đồi. Chuồng chiên ở ngoài trời này là một bức tường đá vây chung quanh, có một lối ra vào và không có cửa. Ban đêm, ngoài mục tử nằm chắn ngang lối ra vào, không có con chiên nào ra chuồng, hoặc con thú nào vào chuồng mà không bước qua người mục tử. Nói một cách khác, Người Mục Tử là cửa chuồng chiên. Vì thế, Chúa Giêsu mới nói: “Tôi là cửa chiên ra vào” (Ga 10, 7-10). Khi Đức Giêsu nhận mình là cửa chuồng chiên, thì Ngài muốn nói Ngài là Đấng Cứu độ duy nhất của nhân loại hôm qua, hôm nay và mãi mãi và Ngài cũng là vị Mục Tử nhân từ. Đó là nội dung chính của bài Tin mừng hôm nay.

  1. Đức Giêsu là mục tử nhân lành. Hình ảnh người mục tử tốt lành gợi cho chúng ta Thiên Chúa yêu thương con người, luôn hiện diện với chúng ta trong mọi hoàn cảnh cuộc sống lúc vui buồn, khi đau yếu lúc mạnh khoẻ, gắn bó thân thiết với đàn chiên “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”(Mt 28, 20). Thánh vịnh 23 chúng ta đọc ở phần đáp ca nói là sự quan tâm của Thiên Chúa đối với đàn chiên “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì”.

– Người mục tử nhân lành biết rõ từng con chiên: “Ta biết chiên của Ta, và chiên của Ta biết Ta” (Ga 10, 14). Biết theo nghĩa Thánh kinh không chỉ biết tên, gọi tên từng con chiên, mà còn hiểu biết tâm tư, nguyện vọng, những nhu cầu của con chiên để đáp ứng, phục vụ đàn chiên thật tốt. Sự hiểu biết tương quan tình thương thân mật và chân thành “Người mục tử tất cả vì đàn chiên”.

– Người mục tử nhân lành hy sinh mạng sống vì đàn chiên, sẵn sàng đương đầu với sói dữ, với kẻ trộm kẻ cướp để bảo vệ đàn chiên, vì mỗi con chiên đều quý giá vô cùng. Ngài bỏ 99 con chiên để đi tìm một con chiên lạc, Ngài sẵn sàng: “hy sinh mạng sống cho đàn chiên” (Ga 10,11). Đức Giêsu đã chết và phục sinh để đem ơn cứu độ cho tất cả nhân loại.

  1. Người con chiên ngoan hiền:

Người tín hữu được gọi là con chiên của Chúa. Người con chiên ngoan hiền phải hội đủ điều kiện sau đây:

– Biết chủ chiên của mình là Đức Giêsu Kitô, yêu mến Người, tôn thờ Người và nhìn nhận Đức Giêsu Kitô là Vị lãnh đạo tối cao của mình.

– Biết lắng nghe tiếng chủ chăn, nghĩa là biết lắng nghe và thực hành lời Chúa, để cho lời Chúa thấm sâu vào tâm hồn, quyết tâm sống theo luật Chúa trong mọi hoàn cảnh thường ngày, luôn biết thưa có với Chúa và nois không với sự xấu.

– Đi theo và bước theo Chúa Giêsu Kitô phục sinh để tiến về cuộc sống vĩnh cửu qua cuộc sống chứng nhân: yêu thương và phục vụ mọi người, noi gương Đức Giêsu Kitô.

– Người Kitô có bổn phận học hỏi, lắng nghe, tuân giữ lời Chúa. Đó là bổn phận thiêng liêng vô cùng quan trọng, vì nghe và thực hành lời Chúa bảo đảm cho ta ơn cứu độ.

Về mục lục

.

ĐỨC GIÊSU LÀ CỬA CHUỒNG CHIÊN

Tu sĩ Jos. Vinc. Ngọc Biển

Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta được hỏi hay chính mình đặt ra cho mình câu hỏi: “Đức Giêsu là ai?”. Đây có thể là câu hỏi quan trọng nhất trong cuộc đời của con người nói chung và của những người tin Đức Giêsu nói riêng. Tuy nhiên, câu hỏi đó hôm nay chúng ta được chính Đức Giêsu mặc khải khi nói: “Ta là cửa chuồng chiên”.

Tại sao lại là “cửa chuồng chiên?”

  1. Cửa chuồng chiên là gì?

Trước khi nói đến “cửa chuồng chiên”, chúng ta nên nhắc lại hình ảnh người mục tử chăn chiên nơi đất nước Dothái:

Ở đất nước này, người ta thường hay có những đàn gia súc như chiên hoặc cừu. Mỗi đàn như thế thường có người chăn dắt. Bổn phận của các mục tử chăn chiên chính là lo sao tìm được cho chúng những đồng cỏ xanh tươi, những dòng suối mát trong lành. Bảo vệ chúng khỏi bị tấn công bởi những sói dữ, hùm beo… Khi chăm lo cho chúng như thế, người mục tử phải biết rõ từng con: con nào đau ốm; ghẻ lở; con nào đi hoang, lạc đàn… Biết để làm gì? Thưa để yêu thương, để chăm sóc… để có tương quan thân tình.

Khi đêm về, người mục tử có trách nhiệm dẫn chiên về dàn và cho chúng vào chuồng. Lúc này, họ lại được ví như “cửa chuồng chiên”.

Hình ảnh “cửa chuồng chiên” là một hình ảnh được dùng để biểu đạt cho sự an toàn.

Thật vậy, khi nói đến cửa thì ai cũng hiểu là để đóng vào hoặc mở ra. Khi đóng vào thì như một sự bảo vệ để khỏi bị kẻ thù tấn công và trộm cắp. Đóng vào để tránh sương gió lùa vào. Đóng vào thì mọi người an tâm ngon giấc. 

Còn khi cánh cửa mở ra, thì như chào đón một luồng gió mới vào nhà, làm cho nhà khỏi bị ẩm mốc, hôi hám. Mở ra là để cho mọi người và súc vật trong nhà được tự do ra vào, lui tới…

  1. Đức Giêsu là Mục Tử và là Cửa Chuồng Chiên

Khi tự cho mình là Mục Tử và Cửa Chuồng Chiên, Đức Giêsu muốn sống những đặc tính của người mục tử và vai trò của cửa chuồng chiên trong khi thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng. Mặt khác, Ngài cũng muốn giới thiệu và trao cho các Tông đồ và môn đệ những đặc tính của người mục tử nhân lành và cửa chuồng chiên trong Giáo Hội.

Thật vậy, Đức Giêsu chính là Mục Tử Nhân Lành, Ngài đã biết rõ từng con chiên, Ngài đã yêu thương chúng và làm cho chúng được hạnh phúc. Ngài đã chữa lành mọi vết thương thân xác và tâm hồn để cho chiên được bình an, và Ngài đã hy sinh cả mạng sống để cho chiên được sống và sống dồi dào.

Khi mời gọi các Tông đồ, môn đệ và những ai dấn thân trên con đường loan báo Tin Mừng, Đức Giêsu cũng mời gọi họ hãy đi trên con đường mà Ngài đã đi. Con đường đó là gì, nếu không phải là con đường của hiền lành, khiêm nhường, vâng lời và yêu thương. Con đường đó chính là con đường của hạt lúa mục nát, con đường của thánh giá…?

Trở nên như Ngài, tức là cũng phải trở nên như những cánh cửa của chuồng chiên. Như vậy, các ngài như là người lính canh chừng. Canh chừng cho khỏi kẻ thù tấn công là những thứ học thuyết vô bổ, tạm thời, chóng qua vô ích. Canh chừng để đàn chiên không bị kẻ thù gian dối, lọc lừa và tội lỗi lôi kéo. Canh chừng như một người cha, người mẹ canh giấc ngủ của con mình. Nếu cần, hình ảnh người Mục Tử hi sinh cả mạng sống của mình cho đoàn chiên cũng là lời mời gọi cho các mục tử ngày nay trong Giáo Hội.

  1. Mọi kitô hữu đều là mục tử nhân lành và cửa chuồng chiên

Khi nói đến ngày thế giới cầu nguyện cho ơn Thiên Triệu, nhiều người nghĩ đây là ngày dành riêng cho các linh mục và tu sĩ. Nghĩ như vậy không sai. Nhưng nếu hiểu theo nghĩa rộng, thì hôm nay cũng là ngày của mỗi chúng ta, những người đã lãnh nhận Phép Rửa tội nhân danh Chúa Ba Ngôi để thi hành chức năng Tư tế, Ngôn sứ và Vương đế của Đức Giêsu Kitô.

Vì thế, khi kết hợp với Đức Giêsu là vị Mục Tử tối cao, mỗi người đều có thể và như một trách nhiệm phải là mục tử cho mình và gia đình mình.

Mục tử cho mình và gia đình, tức là hãy tự lo cho chính mình. Lo cho chính mình là biết làm điều lành, tránh điều ác. Biết trở nên gương sáng, chứng nhân cho người khác. Những bậc làm cha mẹ khi thi hành sứ vụ mục tử này chính là sống sự chung thủy với nhau, trở thành những người mẫu mực, khôn ngoan, Luôn làm gương sáng, yêu thương các con mình. Biết lo cho các con mình được học hành, trau dồi đạo đức cho chúng, dạy cho chúng biết mến Chúa và yêu người… Biết cảnh giác và canh trừng trước những nguy hại của thời buổi kinh tế thị trường, công nghệ thông tin… Biết giáo dục con cái hướng thiện, làm ăn chân chính…

Với những người làm con, chúng ta nghĩ ngay đến bổn phận trước tiên phải có chính là sự hiếu kính với ông bà, cha mẹ, tổ tiên… biết làm những gì có lợi cho đời sống thiêng liêng trước rồi mới nghĩ đến các lợi vật chất sau.

Nói chung, mọi thành phần trong gia đình phải lo chu toàn bổn phận cách tốt đẹp trong sự yêu mến Chúa, kính trọng và yêu thương nhau, để xây dựng tình đoàn kết, hiệp nhất trong gia đình.

Làm được như thế, ấy là lúc chúng ta thể hiện vai trò mục tử phổ quát của mình cách rõ nét nhất.

Mong thay, trong năm “Tân Phúc Âm Hóa Gia Đình”, mỗi người hãy trở nên mục tử của chính mình, gia đình và tha nhân… Lấy nền tảng Lời Chúa để hướng dẫn hành vi của chúng ta. Lấy tình thương làm căn cốt. Lấy tình huynh đệ làm động lực…

  1. Cầu nguyện cho ơn Thiên Triệu

Hôm nay, Giáo Hội cũng dành riêng Chúa Nhật này để cầu nguyện cho ơn Thiên Triệu; đồng thời Giáo Hội cũng muốn mọi thành phần trong Giáo Hội biết liên đới với nhau để cùng giúp nhau chu toàn sứ mạng đem Chúa đến cho muôn dân.

Vì thế, chúng ta hãy cầu xin Chúa cho các bạn trẻ, biết quảng đại đáp lại lời mời gọi đầy yêu thương của Chúa, sẵn sàng dấn thân trên con đường loan báo Tin Mừng cho muôn dân. Xin cũng cầu nguyện cho các linh mục đang làm mục vụ khắp nơi trên thế giới, được trở nên mục tử đích thực của Chúa giữa trần gian. Gặp được nhiều điều thuận lợi trong khi thi hành sứ vụ. Xin cũng nhớ đến các linh mục đang gặp khó khăn trên hành trình ơn gọi cũng như sứ vụ loan báo Tin Mừng.  

Và mỗi người chúng ta cũng hãy đóng góp phần mình vào trong việc vun trồng ơn gọi bằng cách khuyến khích con em mình tiến bước trên hành trình dâng hiến; sẵn sàng hy sinh dâng con cho Chúa, đồng thời quảng đại giúp đỡ các Chủng Viện, Dòng Tu trong khả năng của mình, để góp phần vào việc đào tạo ơn gọi linh mục, tu sĩ cho Chúa và cho Giáo Hội.

Lạy Chúa, tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con những mục tử là các linh mục. Xin Chúa tiếp tục thánh hóa các ngài, để các ngài trở nên những mục tử như lòng Chúa ước mong. Xin Chúa cũng đón nhận sự chân thành, cộng tác của mỗi người chúng con trong việc bảo vệ, cổ võ và vun trồng ơn Thiên Triệu. Amen.

Về mục lục

.

MỤC TỬ NHÂN LÀNH

JM. Lam Thy

Bài Tin Mừng hôm nay (CN IV/TN-A – Ga 10, 1-10) trình thuật về dụ ngôn “Vị Mục Tử nhân lành”. Ngay ở câu mở đầu, Thánh Gio-an ghi lại Lời Đức Giê-su nói với cộng đồng người Do-thái: “Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử.” Nếu bình thường nghe nói tới cái cửa chuồng chiên, bất kỳ ai cũng chỉ nghĩ đó là một công cụ bảo vệ đàn chiên. Cửa chỉ mở ra khi muốn cho đàn chiên đi ăn cỏ ngoài đồng, nó sẽ được đóng lại khi chiên đã vào hết trong chuồng. Như vậy, khi suy niệm bài Tin Mừng, đa số hay chú ý đến vai trò chủ nhân của đàn chiên, đó là Đức Giê-su Ki-tô, vị Mục Tử Nhân Lành. Đức Ki-tô đã dùng dụ ngôn nói về ràn chiên và nhấn mạnh đến vai trò người chủ. Người chủ đích thực sẽ vào ràn chiên bằng cửa chính và chiên sẽ nghe lời ông chủ, bởi ông biết tên từng con chiên và chúng nhận biết tiếng của ông. Ngoài ra, những kẻ không theo cửa chính mà vào, lại trèo lối khác, thì đó chỉ có thể là kẻ trộm, kẻ cướp.

Nghe dụ ngôn này, đáng lẽ những người Do-thái phải hiểu rằng Đức Ki-tô muốn nói đến những kẻ tin theo Người giống như đàn chiên ngoan hiền và Người chính là Mục tử chăn dắt đàn chiên đó. Tiếc một điều là họ chẳng hiểu, khiến Đức Ki-tô phải nói rõ hơn: “Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào. Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp; nhưng chiên đã không nghe họ. Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.” (Ga 10, 7-10). Cũng vì thấy Đức Ki-tô khi thì nói đến người chủ của đàn chiên, bây giờ lại tự nhận mình là cửa ràn chiên, khiến cho bộ mặt của đám đông càng thêm ngơ ngác. Điều đó cho thấy họ vẫn chưa hiểu Người nói gì; nên cuối cùng, Đức Ki-tô phải nhấn mạnh: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.” (Ga 10, 11).

Đức Ki-tô cho biết Người là vị Mục tử nhân lành thì điều đó là hiển nhiên, nhưng tại sao Người lại nói Người là cửa chuồng chiên? Chuồng chiên có cửa là để đón nhận và bảo vệ đàn chiên. Khi chiên đã vào hết trong ràn, thì cửa được đóng chặt để tránh sói dữ. Tránh được sói dữ nhưng khó tránh được con người nếu con người đó là kẻ trộm kẻ cướp, vì chúng sẽ đào tường khoét vách mà vào. Suy nghĩ sâu hơn một chút sẽ thấy khi Đức Ki-tô tự nhận Người là cửa chuồng chiên, thì cũng có nghĩa là Người kêu mời tất cả mọi người hãy đến cùng Người với một niềm tin và một tấm lòng trung thực công chính. Nói rõ hơn, khi đã qua cửa Giê-su mà vào thì chỉ có thể là những con chiên ngoan hiền biết nghe lời chủ. Cũng có thể có sói dữ lẫn lộn trong đoàn chiên (giống như cỏ lùng trong ruộng lúa), nhưng tất nhiên chúng không vào bằng cửa chính – cửa Giê-su Ki-tô – mà là trèo vào bằng cửa khác, đó chỉ có thể là kẻ trộm kẻ cướp mà thôi. Rõ ràng Đức Ki-tô vừa là xuất phát điểm, vừa là đích điểm cho hành trình của người Ki-tô hữu. Người là cửa để đón nhận và bảo vệ đoàn chiên, đồng thời Người cũng là vị Mục tử nhân lành chăn dắt đoàn chiên đó (“Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.” – Ga 10, 9-10).

Đức Giê-su Ki-tô mời gọi tất cả mọi con chiên, không phân biệt chiên “nội” hay chiên “ngoại” như kiểu phân biệt của những kinh sư Do-thái thời  đó (“Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử.” – Ga 10, 16). Điều làm cho những con chiên Ki-tô hữu vui mừng hãnh diện nhất, là được chính Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật mời gọi hãy qua chính cửa Giê-su mà vào làm chiên con trong ràn chiên của Thiên Chúa. Còn đáng vui mừng hãnh diện hơn thế nữa khi được thấy không chỉ những tín hữu là con chiên của Thiên Chúa, mà chính vị Mục tử nhân lành chăn dắt mình cũng là một con chiên – Chiên Thiên Chúa – được sát tế để cứu chuộc tội lỗi cho đoàn chiên nhân thế (“Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian” – Ga 1, 29). Như vậy, Thiên Chúa đã thương yêu con cái của mình, coi chúng như đoàn chiên ngoan ngoãn dễ thương, nên mới ban Con Một xuống thế để chăn dắt đoàn chiên đó, đồng thời hy sinh chính mạng sống mình làm “chiên sát tế” để đem lại ơn cứu rỗi cho chiên con.

Ngoài ra, khi nói về “cửa chuồng chiên” đón nhận những con chiên ngoan hiền vào trong “ràn chiên”, Đức Ki-tô còn dạy cho người tín hữu biết về ý định của Người sẽ thành lập Giáo Hội (ràn chiên) để nuôi dưỡng những con chiên sẽ là những thành phần trung kiên của Giáo Hội tương lai. Ràn chiên Giáo Hội được xây trên Tảng Đá Phê-rô (“Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” – Mt 16, 18) và cũng chính Phê-rô sẽ là Mục tử kế nghiệp Mục Tử nhân lành Giê-su Ki-tô trực tiếp chăm sóc những chiên con trong ràn chiên của Chúa. Ràn chiên Giáo Hội sẽ phát triển và trường tồn với những mục tử (giám mục, linh mục thừa tác vụ Linh Mục Thượng Phẩm Giê-su) chăn dắt đoàn chiên Ki-tô hữu.

Ý thức được vấn đề như vậy, người Ki-tô hữu hãy cầu xin cho mọi thành phần của Giáo Hội sống đúng và sống trọn vẹn vai trò của mình: Ai được chọn làm mục tử thì luôn luôn phải là người mục tử tốt theo gương Chúa Giê-su; và xin cho đoàn chiên luôn biết đoàn kết thương yêu nhau, cùng nghe theo tiếng nói đích thực của vị Mục Tử Nhân Lành Giê-su thông qua các mục tử trong ràn chiên Giáo Hội, để ai nấy đều “được sống và sống dồi dào” Tình Yêu của Chiên-Sát-Tế-Giêsu-Kitô. Ước được như vậy. Amen.

Về mục lục

.

MỤC TỬ NHÂN LÀNH-

Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh

Trong tất cả hình ảnh về chúa Giesu, tưởng không có hình ảnh nào gợi lòng trắc ẩn yêu thương hơn hình ảnh Mục Tử Nhân Lành. Trước thời đức Giesu, hình ảnh mục tử nói lên sự dịu dàng và chăm lo cho loài người qua Thiên Chúa. Mục tử và đoàn chiên là hai hình ảnh nổi bật giữa một sa mạc nóng bức, khô cằn và đầy nguy hiểm, trong đó người mục tử là người bảo vệ chiên đồng thời cũng bảo vệ những kẻ di hành trong sa mạc, giúp họ có nơi trú ẩn, tránh sự ám hại của kẻ cướp. Trong Kinh Thánh và thời Cận Đông cổ đại, từ “mục tử” còn là một danh diệu có tinh chính trị ám chỉ bổn phận của vua đối với dân, hàm ý quan tâm, lo lắng, sẵn sàng hy sinh vì dân. Hình ảnh mục tử cũng nói lên một quyền lực.

Toàn thể câu chuyện Mục Tử Nhân Lành trong bài tin mửng Gioan hôm nay (Ga 10:1-21) là tiếp tục đề tài phê phán những người biệt phái ở cuối chương 9 tin mừng Gioan. Người mục tử nuôi dưỡng đoàn chiên có nghĩa là bảo vệ chiên chống lại kẻ thù, sẵn sàng chiến đấu khi gặp thú dữ. Roi của mục tử chính là khí giới dùng để chống trả thú rừng, còn gậy là khí cụ có tính chống đỡ, biểu tượng cho sự săn sóc và lòng trung thành. 

CỔNG VÀ CỬA Ở  ISRAEL 

Để tìm hiểu ý nghĩa về cổng chuồng chiên, chúng ta thử coi lại từ cổng trong Israel cổ đại. Cổng của Zion biểu trưng ý tưởng dẫn đưa đến trước mặt Thiên Chúa. Khi tiên tri Isaiah nói về ngày hòa bình thế giới, người diễn tả nó là thời đại mà “Cổng Thiên Chúa sẽ mở liên tục suốt ngày đêm, không bao giờ đóng.” (Is 60:11) Cũng giống vậy, bàn thờ lễ vật toàn thiêu thì không để trong nhà tạm mà đặt trước “lối vào trướng tao phùng” (Xh 40:6). Chúa Kito đã hoàn thành tất cả những điều đó: Ngưới là cửa, qua đó chúng ta có thể đến với Thiên Chúa Cha (Ep 2:18). Người là “đường và là đường hằng sống” (Dt 10:20). Lời thánh vịnh Mùa Vọng nói về cổng (Tv 24:7-10) như sau: 

          Hỡi cổng, Hãy nhấc đầu lên

          Hỡi cổng vạn đại, Hãy mở rộng ra

          Để vua vinh hiển lâm trào!

          Vua vinh hiển là ai?

          Là Chúa quyền uy đấng hùng anh,

          Là Chúa anh hùng nơi trận địa!
 

          Hỡi cổng, Hãy nhấc đầu lên

          Hỡi cổng vạn đại, Hãy mở rộng ra

          Để vua vinh hiển lâm trào!

          Vua vinh hiển là ai?

          Là Chúa thiên binh,

          Là Chúa chủ nhà, là vua hiển vinh!

CỔNG CHUỒNG CHIÊN TRONG TÂN ƯỚC 

Trong bài Tin Mừng hôm nay (Ga 10:1-10), chúa Giesu nói về hai loại chuồng chiên trước khi tỏ lộ chính Người là cổng chuồng chiên. Trong hai câu đầu, Chúa nói về chuồng chiên cộng đồng mà mỗi đêm mục tử lùa chiên vào. Chuồng chiên có cổng rất vững chắc chỉ có thể mở được bằng chìa khóa của thủ lãnh mục tử. 

Những câu tiếp theo nói về loại chuồng chiên thứ hai. Loại này dùng để giử chiên vào những đêm chiên ở ngoài đồng (như đêm Chúa giáng sinh). Đây là loại chuồng tạm thời có đá bao quanh và mở ra ở khúc cuối. Chính mục tử sẽ là cổng chuồng; mục tử nằm ngang cổng mà ngủ. Nếu chiên rời chuồng hay sói xâm nhập bắt chiên thì chúng phải đi qua cổng. Mục tử chính là cổng. 

CỔNG CHIÊN Ở JERUSALEM 

Khi đức Giesu xác định về mình thì Người không nói Người là Mục tử nhân lành mà là cổng chiên. Ở bức tường cổ bao quanh Jerusalem có một cái cổng ở hướng Bắc dùng  để lùa súc vật từ những vùng lân cận vào để làm của tế lễ, gọi là cổng chiên. Một khi đã vào bên trong để hiến tế thì không có đường nào khác có thể ra khỏi thành ngoài cổng đã đi vào. Vậy hướng duy nhất là ở đó để được hiến tế vì tội lỗi nhân loại. Đối với khán thính giả đầu tiên nghe Chúa giảng vể chiên thì họ bị chạm vì những lời Chúa nói: “Ta nói cho các ngươi một sự thật, Ta là cổng chiên…Ta là cổng, bất cứ ai qua ta thì sẽ được cứu. Người đó sẽ ra vào, và kiếm được đồng cỏ xanh tươi” (Ga 10:7-9). Ngay chính trong phạm vi thành lúc mà chiên đang bị bách hại, đức Giesu cũng đã tuyên bố: “Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào. Ta là Chúa Chiên Lành” (Ga 10: 10-11). 

Khi nói về chiên, Đức Giesu có ý ám chỉ chiên đang bị tàn sát, không giống mục tử và chiên bình thường đang vô tư hưởng thú trên những sườn đồi đầy cỏ xanh tươi như chúng ta tưởng. Trái lại săn sóc chiên kiểu chúa Giesu đòi hỏi một cài gì hơn cả những bàn tay dịu dàng và con mắt hiền từ. Chiên phải được bảo vệ tránh khỏi tử thần. Đức Giesu giảng rằng bất cứ ai vào trong đoàn chiên mà không qua cửa này –cửa đức Giesu- thì là kẻ trộm và kẻ cướp. Không một ai đến với Cha Ta mà không phải qua Ta. Chính chúa Giesu là cổng, qua đó mục tử đến với chiên. Do đó chỉ có những mục tử thực sự mới được Người chấp nhận. Những câu 7-8 là hình ảnh cổng để cho mục tử đến với chiên. Những câu 9-10 là hình ảnh cổng để cho chiên ra vào. Những người biệt phái, vì không qua cổng chúa Giesu, nên là kẻ trộm. Những ai đi qua cổng này thì được chúa Giesu ban sự sống. 

MỤC TỬ GƯƠNG MẪU 

Chúa Giesu là nước sự sống, bánh sự sống và cổng sự sống. Người là mục tử gương mẫu theo ba cách: Trước nhất, Người đã hy sinh mạng sống người vì chiên. Người biệt phái là những kẻ làm thuê nên không trung thành với chiên. Mục tử trung thành, giống như David hồi xưa, thì bảo vệ đoàn chiên. Thứ đến, Người biết chiên một cách cặn kẽ thân mật nên người yêu thương và chăm sóc chúng ngày đêm. Đó là lý do người chết vì chiên. Tình yêu của người vượt quá cả “chính chiên của người” trong cộng đồng thánh Gioan vươn tới tất cả những ai tin vào Người. Thứ ba, đức Giesu là cổng chiên, không phải là cửa bẫy, mà là lối vào an toàn đầy tình yêu thương của Thiên Chúa, để được mục tử nhân lành bảo vệ. 

Chúa Kito không phải chỉ là cổng, người còn là vua đi vào đền thánh và là đền thánh có cửa dẫn lối! Vào thời cổ đại, danh xưng “cửa thiên đàng” là bầu trời từ đó Thiên Chúa ban cho chúng ta manna (Tv 78:22), nhưng hiện nay chúa Kito là bánh thật đến từ trời (Nicodemus). Jacob đã nhìn thấy “cửa đi vào thiên đàng” (St 28:17) tại đền thánh ở Bethel, nhưng khi thánh tử đạo Stephen nhìn vào đó thì ngài thấy “vinh quang Thiên Chúa và chúa Giesu”. (Cv 7:55) Chúa Kito không chỉ mời gọi chúng ta vào vương quốc thiên đàng qua Người, mà còn để lại chìa khóa cho các môn đệ và quả quyết rằng “Các anh ràng buộc ai ở dưới đất thì trên trời cũng rang buộc, tha cho ai thì trên trời cũng tha” (Mt 16: 18-20). 

KỶ NIỆM  CUỘC VIẾNG THĂM CỦA THÁNH MỤC TỬ TẠI DENVER 

Chúng ta hẳn vẫn chưa quên bài giảng của thánh Gioan Phaolo II về bài Tin Mừng hôm nay trong ngày giới trẻ thế giới năm 1993 ở Denver, Colorado, USA, ngày vọng 14-8-1993 tại công viên Cherry Creek State Park ở Denver. ĐTC đã nói: 

“….Nơi Chúa Giesu Kito, Thiên Chúa Cha đã nói lên tất cả sự thật về tạo dựng. Chúng ta tin rằng trong sự sống, sự chết và phục sinh của chúa Giesu, Thiên Chúa Cha đã tỏ lộ tất cả tình yêu của Ngài cho nhân loại. Vì vậy chúa Kito đã gọi mình là “Cổng Chiên” (Ga 10:7) Là cổng chiên, Người đứng canh chừng mọi tạo vật tin tưởng vào Người. Người dẫn dắt họ đi vào đồng cỏ xanh tươi: “Ta là cổng, bất cứ ai đi qua ta thì sẽ được an bình. Họ đi ra vào và tìm được đồng cỏ tươi mát” (Ga 10:9). 

“…Thiên niên kỷ thứ ba sắp tới, Giáo Hội biết rằng mục tử nhân lành vẫn tiếp tục, như đã luôn luôn tiếp tục, là hy vọng chắc chắn của nhân loại. Chúa Giesu Kito không bao giờ ngừng là “cổng chiên”. Dù cho lịch sử tội lỗi của nhân loại chống lại sự sống, thì Người vẫn không bao giờ ngừng nhắc lại với cùng một nhiệt huyết và tình yêu thương câu nói: “Ta đến để cho chiên được sống, và sống dồi dào” (Ga 10:10). 

“…Đức Kito -mục tử nhân lành- hiện diện giữa chúng ta, giữa muôn dân, giữa mọi quốc gia, mọi thế hệ và chủng tộc, như là đấng đã hy sinh mạng sống vì chiên”. …Đúng vậy, mục tử nhân lành hy sinh mạng sống, nhưng rồi Ngườ lấy lại (Ga 10:17). Trong cuộc sống mới phục sinh, Người trở thành –theo lời thánh Phaolo- thần khí ban sự sống (1Cr15:45), đấng bây giờ có thể ban sự sống cho tất cả những ai tin vào Người.” 

“Hy sinh mạng sống –lấy lại mạng sống- mạng sống lại được ban cho. Trong Người, chúng ta có sự sống mà Người đã liên kết với Thiên Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Nếu chúng ta tin vào Người. Nếu chúng ta là một với Người qua tình yêu như Chúa nói “Ai yêu Thiên Chúa thì phải yêu thương anh em mình” (1Ga 4:21).” 

ĐÔI LỜI KẾT: SUY NIỆM TRONG TUẦN VỀ MỘT VÀI TỰ VẤN  

Đức Giesu nói: Chiên sẽ nhận biết tiếng mục tử và không đi theo kẻ lạ

Tôi đã lắng nghe tiếng gọi của Mục Tử Nhân Lành thế nào?

Tôi tìm cách nghe tiếng Người ở đâu?

Tôi có bước theo lối Người chỉ dẫn không?

Đức Giesu nói: Người đến để cho chúng ta sống, và sống cách dồi dào

Chúa ám chỉ gì trong câu nói đó?

Tôi có sống cuộc sống dồi dào mà Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng tôi không?

Đức Giesu nói: Người còn có những chiên khác không thuộc về đoàn chiên, nhưng chúng cũng cần phải gia nhập đoàn chiên. Nhiều học giả tin rằng Người có ý nói dân ngoại là những người không chờ mong đấng thiên sai nhưng họ đã hân hoan tiếp nhận Tin Mừng

Những ai là chiên ở thế giới ngày nay cần phải gia nhập đoàn chiên?

Chúng ta làm gì để đem họ về với đoàn chiên Chúa Kito?

Về mục lục

.

SỰ SỐNG DỒI DÀO

Trầm Thiên Thu

Nhân lành Mục tử Giêsu

Kiếm tìm chiên lạc ốm o gầy mòn

Đưa về an ủi, chăm nom

Sớm chiều lo liệu mọi phần cho chiên

Có câu chuyện kể rằng…

Một hôm, cậu lễ sinh vừa cười vừa tròn mắt nhìn linh mục xứ và nói:

– Ôi, cha có mùi gì lạ thế?

– Mùi gì?

– Con không xác định được, nhưng hình như là mùi… heo!

Linh mục cười và xoa đầu cậu bé:

– À, tưởng gì. Cha mới tắm cho mấy con heo bên nhà hàng xóm, mùi heo là tất nhiên rồi!

– Sao cha lại làm việc ấy?

– Không có việc xấu, chỉ có người xấu. Ông ấy đã già, không thân nhân, nuôi heo để sinh sống. Mấy hôm nay ông ấy bị mệt, cha phải giúp ông ấy thôi.

– Dạ, con hiểu rồi.

Hôm sau, cậu lễ sinh cười:

– Ôi, hôm nay cha lại có mùi gì kỳ lắm. Mùi này tanh lắm!

– À, hồi nãy cha đi thăm mấy bệnh nhân nằm liệt, không ai giúp đỡ, cha phải giúp họ vệ sinh cá nhân.

– Dạ, con hiểu rồi.

Tuần sau, cậu lễ sinh ngạc nhiên nói:

– Mùi lúc này khác lạ lắm, cha ơi!

– Thế con thấy mùi gì?

– Mùi này không hôi, không tanh, không khó chịu, mà thơm tho lắm, dễ chịu lắm.

– Cái thằng này, mũi thính thế!

Cậu bé gãi đầu, ngập ngừng:

– Nhưng…

– Nhưng gì nào?

– Nhưng… con thích… ngửi mùi hôi… hơn mùi… thơm.

Linh mục tròn mắt:

– Sao vậy? Thơm không thích mà thích hôi à?

– Mùi hôi tanh là mùi thật. Mùi thơm là mùi giả. Cha hôi thì con còn muốn đến gần, cha thơm thì con không dám đến gần, vì cha sang trọng quá! Chúa Giêsu cần chiên đen hơn chiên trắng, luôn gần gũi người nghèo khổ chứ đâu có thân thích với người giàu có.

– Cha xin lỗi và cảm ơn con. Từ nay cha sẽ cố gắng giống Ngài hơn!

Câu chuyện ngắn gọn nhưng chứa đựng triết lý sống tích cực về nhân bản. Thiên Chúa là tình yêu, là vị Mục Tử luôn chạnh lòng thương, và vì giàu lòng thương xót, Ngài chấp nhận bỏ 99 con chiên trắng để đi tìm cho được 1 con chiên đen (Mt 18:12-14; Lc 15:4-7). Ngài không muốn ai phải sống èo uột, mà chỉ muốn mọi người được sống dồi dào, sống viên mãn, sống đúng nhân vị và nhân phẩm của con người, đồng thời cũng được hưởng nhân quyền và sự tự do đích thực – cả về xã hội lẫn tôn giáo. Muốn được vậy thì chắc chắn chúng ta phải “đi qua” Đức Giêsu Kitô.

Thật vậy, chỉ có Đức Giêsu Kitô là Con Đường duy nhất dẫn đến Chúa Cha (Ga 14:6) và là Nguồn Sống dồi dào (Ga 10:10) cho chúng ta. Đức Giêsu Kitô không chỉ nuôi sống chúng ta bằng ân sủng mà đặc biệt là chính Mình Máu Ngài để chúng ta được sống dồi dào, vì Ngài là Thiên Chúa của người sống chứ không là Thiên Chúa của người chết (Mt 22:32; Mc 12:27; Lc 20:38).

Tuy nhiên, nếu muốn có sự sống dồi dào thì mỗi cành-nho-chúng-ta phải nối kết với Cây Nho Thật để được truyền nhựa-yêu-thương (Ga 15:1-17). Cây càng có nhiều nhựa thì càng có nhiều sức sống, con người cũng vậy, đặc biệt là sự sống tâm linh, sự sống từ Thiên Chúa.

Khi được tái sinh bởi Đức Giêsu Kitô, người ta biến đổi hoàn toàn để trở thành một con người mới – tội nhân trở thành thánh nhân. Hồi đó, sau khi Chúa Giêsu đã phục sinh, ông Phêrô đứng chung với Nhóm Mười Một lớn tiếng nói với tất cả những người đang cư ngụ tại Giêrusalem, và lắng nghe những lời ông nói: “Toàn th nhà Ít-ra-en phi biết chc điu này: Đc Giêsu mà anh em đã treo trên thp giá, Thiên Chúa đã đt Người làm Đc Chúa và làm Đng Kitô” (Cv 2:36). Nghe thế, họ đau đớn trong lòng, và hỏi ông Phêrô cùng các Tông Đồ khác: “Thưa các anh, vy chúng tôi phi làm gì?”. Biết hỏi như vậy là dấu hiệu tốt lành biết bao, vì chứng tỏ tâm hồn đã thực sự biết sám hối lỗi lầm, biết khao khát điều tốt, và biết ước muốn hướng thiện!

Thấy họ chân thành hỏi như vậy, ông Phêrô đáp: “Anh em hãy sám hi, và mi người hãy chu phép ra nhân danh Đc Giêsu Kitô, đ đượơn tha ti; và anh em s nhn được ân hu là Thánh Thn. Tht vy, đó là điu Thiên Chúa đã ha cho anh em, cũng như cho con cháu anh em và tt c nhng ngườ xa, tt c nhng người mà Chúa là Thiên Chúa chúng ta s kêu gi” (Cv 2:38-39). Ông Phêrô còn dùng nhiều lời khác để long trọng làm chứng và khuyên nhủ họ. Rồi ông nói: “Anh em hãy tránh xa thế h gian tà này đ được cu đ (Cv 2:40). Những ai đã đón nhận lời ông thì đều xin được lãnh nhận phép rửa, muốn được tái sinh để hy vọng được vào Nước Trời (Ga 3:5). Thật kỳ lạ, ngay hôm ấy đã có thêm khoảng ba ngàn người theo đạo. Việc Chúa làm thật lạ lùng vô cùng!

Ngày nay, chúng ta có phương tiện định vị toàn cầu giúp người ta không lạc lối, nhưng chỉ có Chúa Giêsu mới chính là “định vị kế” chuẩn mực nhất. Người nào nhận biết được như vậy thì sẽ an vui tín thác vào Ngài, để Ngài quan phòng và tiền định, vì người đó xác định: “Chúa là mc t chăn dt tôi, tôi chng thiếu thn gì. Trong đng c xanh tươi, Người cho tôi nm ngh. Người đưa tôi ti dòng nước trong lành và b sc cho tôi. Người dn tôi trên đường ngay no chính vì danh d ca Người” (Tv 23:1-3).

Chắc chắn người đó cũng luôn an tâm vững chí và hạnh phúc thân thưa: “Ly Chúa, du qua lũng âm u con s gì nguy khn, vì có Chúa  cùng. Côn trượng Ngài bo v, con vng d an tâm. Chúa dn sn cho con ba tic ngay trước mt quân thù. Đu con, Chúa xc đượm du thơm, ly rượu con đy tràn chan cha. Lòng nhân hu và tình thương Chúa  tôi sut c cuc đi, và tôi đượ đn Người nhng ngày tháng, nhng năm dài trin miên” (Tv 23:4-6). Thật vậy, ai tuân giữ lời dạy của Đức Kitô thì không bao giờ phải lạc đường và cũng không phải chết (Ga 8:51).

“Lòng nhân hậu và tình thương của Thiên Chúa” không hề xa lạ, bởi vì đó chính là Lòng Thương Xót của Thiên Chúa mà ngày nay đang rất phổ biến khắp nơi trên thế giới, từ thành thị tới thôn quê, từ người già tới người trẻ. Không ai không là tội nhân, và vì thế mà không ai lại không cần đến Lòng Chúa Thương Xót. Hằng ngày, khi cầu nguyện bằng Kinh Mai Côi, chúng ta vẫn nhiều lần tha thiết cầu xin: “Ly Chúa Giêsu, xin tha ti chúng con, xin cu chúng con cho khi ha ngc, xin đem các linh hn lên Thiên Đàng, nht là nhng linh hn cn đến Lòng Chúa Thương Xót hơn”. Nhưng cũng rất có thể vì quen quá hóa nhàm nên chúng ta không thực sự chú ý hoặc không cảm nhận lời cầu da diết như vậy.

Đời sống tâm linh được lồng trong đời thường, vẫn có đủ thất tình (hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố,dục) theo bản tính phàm nhân. Do đó mà chúng ta luôn phải cố gắng không ngừng, sơ sảy một chút là té nhào ngay thôi. Đôi khi còn có những điều trái tai, gai mắt, và chúng ta phải “vượt qua chính mình”. Thánh Phêrô nói: “Nếu có ti mà anh em b đánh đp và đành chu thì nào có v vang gì? Nếu làm vic lành và phi kh mà anh em vn kiên tâm chu đng, đó là ơn Thiên Chúa ban” (1 Pr 2:20). Thật vậy ư? Chúng ta hãy nghe Thánh Phêrô giải thích: “Anh em được Thiên Chúa gi đ sng như thế. Tht vy, Đc Kitô đã chu đau kh vì anh em, đ li mt gương mu cho anh em dõi bước theo Người. Người không h phm ti; chng ai thy ming Người nói mt li gian di. B nguyn ra, Người không nguyn ra li, chu đau kh mà chng ngăm đe; nhưng mt b phó thác cho Đng xét x công bình” (1 Pr 2:21-23). Cái khó là “im lặng” và “phó thác” cho Chúa.

Chính Chúa Giêsu là Nguồn Sống nhưng Ngài đã chịu bị giết chết, không phải Ngài đáng bị như vậy, mà Ngài chịu thay cho chúng ta, Ngài chịu chết để chúng ta có cơ hội sửa sai và có thể phục sinh vinh quang như Ngài: “Ti li ca chúng ta, chính Người đã mang vào thân th mà đưa lên cây thp giá, đ mt khi đã chết đi vi ti, chúng ta sng cuc đi công chính. Vì Người phi mang nhng vết thương mà anh em đã được cha lành. Qu tht, trước kia anh em chng khác nào nhng con chiên lc, nhưng nay đã quay v vi V Mc T, Đng chăm sóc linh hn anh em” (1 Pr 2:24-25). Chúa Giêsu chết vì tội lỗi của chúng ta, nghĩa là chúng ta cũng phải dám chết cho tội lỗi của chính mình – và tội lỗi của người khác, nhờ đó mà được sống lại và được sống dồi dào trong Đức Giêsu Kitô Phục Sinh.

Chúa Giêsu là Con Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống (Ga 14:6), đồng thời Ngài còn là Cửa (Ga 10:9), chính Cửa này dẫn vào Nguồn Sống Dồi Dào của Thiên Chúa: “Tht, tôi bo tht các ông: Ai không đi qua ca mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua li khác mà vào, ngườy là k trm, k cướp. Còn ai đi qua ca mà vào, ngườy là mc t. Người gi ca m cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng ca anh; anh gi tên tng con, ri dn chúng ra. Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhn biết tiếng ca anh. Chúng s không theo người l, nhưng s chy trn, vì chúng không nhn biết tiếng người l (Ga 10:1-5). Nghe Đức Giêsu nói vậy, người ta không hiểu Ngài nói gì.

Tất nhiên không chỉ khó hiểu đối với những người thuộc nhóm Pha-ri-sêu hồi đó, mà còn khó hiểu đối với cả chúng ta ngày nay, thậm chí có khi chúng ta còn không muốn hiểu. Thật vậy, những lời Chúa Giêsu nói nghe không thấy có gì “gay gắt”, nhưng thực ra hiểu rồi thì mới cảm thấy “đụng chạm” và “nhức óc” lắm, vì Ngài muốn nhấn mạnh đến tính chất cần thiết của Mục Tử Nhân Lành. Mục tử đó phải thể hiện lòng thương xót và dám liều mạng vì đoàn chiên. Nói đến lòng trắc ẩn, và đặc biệt trong Tháng Hoa, chắc hẳn nhiều người còn nhớ gương yêu thương sáng chói của Thánh tử đạo Lm Maximilian Maria Kolbe (*).

Chúa Giêsu là Mục Tử Nhân Lành đích thực, Ngài yêu thương mọi người, và Ngài chỉ muốn mọi người “đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1 Ga 3:18), nhất là những người được lãnh nhận tác vụ linh mục, họ cũng PHẢI là những mục tử nhân hậu, PHẢI biết phục vụ chứ không hưởng thụ (Mt 20:28), thế nhưng vẫn thấy có những người thích dùng quyền và ra lệnh hơn là khiêm nhường phục vụ vì yêu thương. ĐGH Phanxicô đã từng cảnh báo các giám mục: “Mc t có nguy cơ b mê hoc bi vin tượng ngh nghip, bi cám d v tin bc, và nhng tho hip theo tinh thn thế gian”. Có lần ngài nhấn mạnh rằng giám mục là người được chọn để phục vụ một Giáo hội duy nhất, vì thế không được tìm kiếm một việc gì khác ngoài việc phục vụ Giáo hội, và ngài đã nói thẳng: “Nếu tìm kiếm mt vic gì khác thì chính giám mc đó đang ngoi tình”. Gương “giám mục xa hoa” Franz Peter Tebartz van Elst (người Đức) còn đó, và rồi ông đã bị đình chỉ nhiệm vụ hồi tháng 10-2013. Chắc hẳn Mục Tử Giêsu buồn lắm!

Nhắc tới những điều “nhạy cảm” như vậy, có những người “nhột” (chính họ nhột hoặc nhột dùm), nhưng phải nhột như vậy mới có thể “thức giấc”. Chúng ta chỉ tâng bốc nhau bằng những lời khen sáo rỗng để lấy lòng nhau thì có ai lợi gì không, hay lại chỉ dìu nhau vào con đường mê lầm? Dám nhìn thẳng vào sự thật mới là người yêu sự thật, và nhờ đó mới có thể thành nhân. Sợ sự thật hoặc tránh sự thật là đồng lõa với sự giả dối, đừng biện hộ vì thế này hoặc thế nọ, và cũng đừng ảo tưởng “chiếc bánh vẽ” nào đó!

Cũng vậy, khi đọc Lời Chúa thì người ta chỉ thích đọc những câu “vừa ý mình”, tránh những câu “chói tai” càng nhiều càng tốt. Người ta nói rất mạnh khi gặp đoạn Kinh Thánh không “chạm” tới mình, nhưng lại “bẻ lái” khi gặp đoạn Kinh Thánh “hóc búa”, vì có những câu “chạm” mạnh quá, nên họ cảm thấy… “nhột” lắm!

Lời Chúa là thế, có lúc khiến chúng ta vui mừng phấn khởi, nhưng có lúc làm chúng ta đau điếng. Nhưng có dám chịu “nỗi đau” đó thì mới khả dĩ “bừng cơn mê” mà sớm thành nhân. Chỉ có thuốc đắng mới “đã” tật!

Đức Giêsu là Mục Tử Nhân Lành và là Chúa Chiên Lành, Ngài xác định: “Tôi là ca cho chiên ra vào. Mi k đến trước tôi đu là trm cướp, nhưng chiên đã không nghe h. Tôi là ca. Ai qua tôi mà vào thì s được cu. Ngườy s ra vào và gp được đng c. K trm ch đến đ ăn trm, giết hi và phá hu. Phn tôi, tôi đến đ cho chiên được sng và sng di dào” (Ga 10:7-10). Mục Tử Nhân Lành là vậy, luôn sống và hành động vì người khác, vì đoàn chiên. Ai không là chủ chiên nhân hậu như Đức Giêsu Kitô thì chỉ là “thợ chiên” (chăn thuê) mà thôi. Đi qua Cửa đó sẽ phải chịu “đau nhức” lắm đấy!

Liên quan sự viên mãn, Thánh Phaolô có mơ ước và cũng là lời kêu gọi: “Xin cho anh em, nh lòng tin, được Đc Kitô ng trong tâm hn; xin cho anh em được bén r sâu và xây dng vng chc trên đc ái, đ cùng toàn th dân thánh, anh em đ sc thu hiu mi kích thước dài rng cao sâu, và nhn biết tình thương ca Đc Kitô, là tình thương vượt quá s hiu biết. Như vy anh em s được đy tràn tt c s viên mãn ca Thiên Chúa” (Ep 3:17-19). Trong lời kinh hòa bình, Thánh nghèo khó Phanxicô Assisi đã nguyện ước thực tế mà sâu sắc: “Xin cho con biết mến yêu và phng s Chúa trong mi người”. Và ngài tin chắc: “Chính lúc chết đi là khi vui sng muôn đi”. Đó chính là sự-sống-dồi-dào của những người tin thật Đức Giêsu Kitô là Thiên-Chúa-nhập-thể-làm-người, là Con-Thiên-Chúa-chịu-chết-và-phục-sinh.

Trong cuộc sống con người, những người thân thích được gọi là “họ máu”. Máu rất quan trọng. Máu có màu đỏ tươi, rất đẹp, và cũng rất đắt giá. Chúa Giêsu đã cứu độ chúng ta bằng Giá Máu. Chính nhờ Giá Máu đó mà chúng ta được phục hồi cương vị làm con và được hưởng sự sống dồi dào trong ân nghĩa với Thiên Chúa.

Hôm nay là Chúa Nhật CHÚA CHIÊN LÀNH, ngày cầu cho ơn thiên triệu dâng hiến – ơn gọi Linh mục và Tu sĩ. Ngày xưa, Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Và Ngài đã nhắn nhủ với môn đệ: “Lúa chín đy đng, mà th gt li ít. Vy anh em hãy xin ch mùa gt sai th ra gt lúa v (Mt 9:37-38).

Lạy Thiên Chúa hng hu và giàu lòng thương xót, xin giúp chúng con biết sn sàng quên mình mà dn thân vì chân lý, vì công lý, và vì tha nhân – nht là vì nhng người hèn mn. Xin cho chúng con được s sng di dào ca Ngài, biết th hin s sng đó bng hành đng c th ch không bng li nói suông, thc s tr nên “Kitô khác” ch không “khác Kitô”, chp nhn chu thit thòi và b người đi ghét b. Chúng con cu xin nhân danh Đc Giêsu Kitô Phc Sinh, Đng cu độ chúng con. Amen.

 

(*) Thánh Maximilian Maria Kolbe, linh mc Dòng Phanxicô (O.F.M.), sinh ngày 8-1-1894, t đo ngày 14-8-1941 ti tri tp trung Auschwitz ca Đc Quc Xã hi thế chiến II. Ngài được tuyên xưng là v t đo bác ái, vì ngài đã đng lòng trn mà chu chết thay cho mt t tù còn v con. Ngài được Thánh GH Gioan Phaolô II tuyên thánh ngày 10-10-1982, ngài được chn làm thánh bn mng ca nhng người nghin ma túy, các tù nhân chính tr, các gia đình, các ký gi, và phong trào bo v s sng. Thánh GH Gioan Phaolô II đã tôn ngài làm “Thánh Bn Mng ca Thế K Khó Khăn” – tc là thi đi chúng ta đang sng. Thánh Maximilian đã n lc thúc đy phong trào tn hiến và phó thác cho Đc M, do đó ngài được mnh danh là Tông Đ Tn Hiến cho Đc M. Cái chết ca ngài là đnh đim ca s sng hoàn toàn tn hiến cho Đc M, và người ta gi ngài là “Gã Kh ca Đc M”, bi vì ngài đã làm mi th cho Đc M.

Về mục lục

.

CHIÊN TÔI THÌ NGHE TIẾNG TÔI

Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền

Ai cũng biết điếc là khổ. Người điếc bị người ta coi khinh và còn xem họ như những người chuyên làm phiền người khác. Điều đáng buồn là người ta thường thiện cảm với người mù, người què, nhưng lại thường nổi xung và bực bội với người điếc.

Có một lần tôi đi xức dầu bệnh nhân, sau khi nói chuyện, tôi hỏi bà cụ có muốn xức dầu không? Bà liền nói: con đâu có đau đầu đâu! Hóa ra bà bị điếc tưởng tôi nói bà có đau đầu không?

Điều đáng buồn là người điếc lại cho không biết mình bị điếc nên vẫn vô tư sống.

Có một người đàn ông đi gặp bác sĩ để kể về người vợ của mình. “Tôi cho rằng vợ tôi bị điếc, cô ấy chả nghe thấy tôi nói gì mà toàn khiến tôi phải nhắc lại”.

Người bác sĩ trả lời: “Được rồi, bây giờ anh cứ về nhà. Tối nay đứng cách vợ 6 m và nói một điều gì đó. Nếu bà nhà không trả lời, đứng lại gần 2 m nữa và nhắc lại. Cứ tiếp tục như thế để xem mức độ ngễnh ngãng của bà ấy nặng đến mức nào”.

Người chồng trở về nhà và thực hiện đúng theo chỉ dẫn. Ông đứng cách vợ 6 m khi bà đang thái thịt trong bếp và hỏi: “Cưng à, tối nay mình ăn gì vậy?”. Ông không nghe thấy câu trả lời. Ông đứng gần lại 2 m nữa và hỏi lại. Vẫn không có câu trả lời. Ông đứng gần thêm 2 m. Vẫn chẳng thấy gì. Cuối cùng, ông tiến sát lại sau vợ và hỏi: “Em yêu, tối nay mình ăn gì?”.

Cô vợ bực mình quát: “Đây là lần thứ 4 rồi nhá – thịt bò hầm!”.

Ai cũng biết điếc là khổ. Điếc là cách ly với thế giới bên ngoài. Điếc là khổ mình và phiền toái với người bên cạnh. Thế mà, cuộc đời vẫn còn đó những kẻ giả điếc làm ngơ. Họ cố tình bịt tai để khỏi nghe tiếng đồng loại kể cả tiếng Thiên Chúa. Họ giả điếc để sống theo ý mình. Họ cố tình gạt ra ngoài tiếng nói của lương tâm, của sự thật và chân lý. Họ bất chấp lề luật. Họ bỏ ngoài tai lời khuyên dạy của Thiên Chúa và tha nhân. Con người của kẻ giả điếc là tự tách mình ra khỏi cộng đồng xã hội để sống theo ý riêng.

Hôm nay, Chúa bảo “chiên Ta thì nghe tiếng Ta”. Chúa mời gọi chúng ta là con Chúa hãy sống theo giáo huấn của Chúa. Hãy bước đi theo đường lối của Ngài. Bước đi theo sự dẫn dắt của Ngài để được bảo vệ, chở che. Ngài sẽ bảo vệ chúng ta như mục tử bảo vệ đàn chiên khỏi sự tấn công của sói dữ. Ngài sẽ dẫn chúng ta đến đồng cỏ xanh tươi bên dòng suối mát là ân sủng của Ngài luôn đong đầy trên cuộc đời chúng ta. Bước đi theo Ngài thì sẽ không đói, không khát bao giờ.

Lời mời gọi: “chiên Ta thì nghe tiếng Ta” còn là tiếng mời gọi con người làm điều lành tránh điều dữ. Ngài tha thiết kêu mời con người sống trong tình bác ái yêu thương. Sự bác ái không chỉ dừng lại ở việc yêu người yêu mình mà còn yêu cả kẻ thù. Tình yêu thương không dừng lại việc  không làm tổn thương đến ai mà còn biết giúp đỡ, chia sẻ với nhau trong vui buồn cuộc đời.

Hôm nay, ngày dành riêng để cầu nguyện cho ơn gọi làm linh mục và tu sĩ, chúng ta hãy xin cho giới trẻ hôm nay nghe được tiếng Chúa kêu mời giữa biết bao ồn ào của cuộc đời. Xin cho họ không chỉ lắng nghe được tiếng nói của sự thật, của chân lý giữa xã hội đầy lừa đảo bon chen mà còn dấn thân bước đi theo tiếng Chúa kêu mời. Chúng ta cũng xin Chúa cho những bậc làm cha, làm mẹ biết giáo dục và hướng dẫn con cái sống tinh thần tin mừng để cống hiến cho Giáo hội những mần giống ơn gọi tốt lành.

Nguyện xin Chúa Giêsu, mục tử nhân lành chúc lành cho hết thảy những ai đang khao khát dâng hiến cuộc đời để phục vụ cho lợi ích tha nhân và Nước Trời. Amen

Về mục lục

.

CẦU NGUYỆN NHIỀU CHO DÂN CHÚNG

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

Căn tính Linh mục có hai chiều kích, một hướng lên Thiên Chúa, và một hướng về nhân loại. Hướng lên Thiên Chúa, căn tính Linh mục hệ tại sự thánh thiện. Hướng về con người, căn tính ấy hệ tại dấn thân phục vụ với đức ái mục tử.

Phần xướng đáp phụng vụ Kinh Chiều lễ các thánh Mục tử, chúng ta đọc : “Đây là người đã sống hết tình với anh em, cầu nguyện nhiều cho dân chúng, đã hy sinh tính mạng vì anh em mình”. Câu nói ngắn nhưng bao hàm đầy đủ nội dung của sứ vụ Mục Tử. Tình yêu mục tử nối kết cả ba khía cạnh đó : Có yêu thì mới sống hết tình, tận tụy phục vụ. Có yêu thì mới nhớ đến và cầu nguyện cho. Và có yêu thì mới dám hy sinh mạng sống, đây là tình yêu đạt đến đỉnh điểm. Chúa Giêsu – Mục Tử Nhân Lành đã nêu gương về cả ba khía cạnh này cho mọi mục tử trong Giáo hội.

  1. Sống hết tình với anh em

Chúa Giêsu đã sống hết tình với anh em. Ngài rao giảng miệt mài từ sáng đến khuya, quên cả ăn ngủ, mệt lử đến nỗi ngủ say như chết, sóng gió tơi bời mà không hay; dân chúng “tấp nập kẻ lui người tới, đến nỗi thầy trò không có giờ nghỉ ngơi” (Mc 6,31), chữa mọi thứ bệnh tật cho dân, thậm chí cả vào ngày sabbat khiến bị chỉ trích; hóa bánh ra nhiều để nuôi dân đi theo nghe giảng; hóa nước thành rượu để giữ thể diện cho đôi tân hôn. Ngài làm nhiều phép lạ chữa quỷ ám, mù lòa, điếc câm, cả chết rồi cho cũng sống lại. Ngài gần gũi người nghèo, bà góa, trẻ em, bênh vực họ… Biết bao việc làm chứng rằng Chúa Giêsu đã sống hết tình với anh em. Cầu nguyện cho dân chúng : cho mọi người, cho các môn đệ, cho kẻ ghét mình, cầu nguyện thâu đêm, lúc sắp chết mà còn cầu xin ơn tha thứ cho kẻ giết mình, lại bào chữa rằng vì họ lầm không biết việc họ làm. Tấm lòng của Chúa thật là tuyệt vời. Hy sinh tính mạng vì anh em, đó là điều Chúa Giêsu đã làm, và là bằng chứng hùng hồn nhất về tình yêu của Chúa : “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu mình” (Ga 15,12). Ngài có thể thoát khỏi cái chết, nhưng ngài không làm : “Không ai có thể cướp mạng sống tôi, nhưng tự tôi hiến mạng” (Ga 10,18).

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng là mẫu gương về đức ái mục tử. Ở tuổi 76 khi được bầu làm giáo hoàng, sức khỏe của ngài không tốt, vì đã bị mất một lá phổi. Ở tuổi này người ta nghỉ hưu, nhưng đức Phanxicô đã can đảm chấp nhận. Những năm qua, ngài làm việc thật nhiều, vì ngài biết không còn nhiều thời gian trước mắt. Ngài đã khơi bùng lên niềm vui và hy vọng cho Giáo Hội. Ngài làm say mê hàng trăm triệu con tim, nhiều người bỏ đạo quay về với Giáo Hội, nhiều kẻ lâu nay hờ hững với Mẹ Hội Thánh nay lao vào vòng tay yêu thương vẫn giang rộng chờ đón của ngài. Số người thiện cảm gia tăng. Ngài đang “hồi sinh” Giáo Hội !

Với chủ trương “Giáo hội nghèo cho người nghèo”, ngài yêu thương người nghèo và chọn nếp sống giản dị. Ngài ban hành tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng để mở một trang mới cho công cuộc Tân Phúc-Âm-hóa, và khích lệ Giáo Hội đứng dậy, mở cửa, ra đi đến tận vùng ngoại vi để loan Tin Mừng. Ngài mở Năm Thánh Lòng Thương Xót để toàn thể Giáo Hội cảm nếm tình yêu tha thứ vô biên của Chúa. Ngài ban hành tông huấn Laudato Si’ kêu gọi bảo vệ môi trường, gìn giữ vũ trụ thiên nhiên xinh đẹp là ngôi nhà chung mà Chúa đã tạo dựng. Ngài triệu tập Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới để tìm phương cách giải quyết những thách đố về hôn nhân và gia đình. Ngài đã thực hiện nhiều chuyến tông du mục vụ, chủ lễ bế mạc Đại hội Gia đình Thế giới. Ngài cũng vừa ban tông huấn Niềm Vui Yêu Thương về tình yêu thương trong gia đình.Ngài đã làm được quá nhiều việc trong một thời gian vắn vỏi ! Ngài thật là Mục Tử nhân lành, là hiện thân của Chúa Giêsu. Gương sáng, lời rao giảng và chứng tá của ĐTC Phanxicô đã khiến nhiều giám mục và linh mục quyết định sống theo “phong cách” của ngài, họ tự nhận là thuộc “thế hệ Phanxicô”, từ chối sống trong những tòa nhà sang trọng, tự lái xe, tự đi chợ nấu ăn, sống gần gũi người nghèo, giản dị như một người bình dân, đề cao và bảo vệ quyền lợi của những người thấp kém và trẻ em.

Người thời nay tin vào những chứng nhân hơn thầy dạy, nếu họ tin thầy dạy, chính là vì thầy dạy ấy cũng đồng thời là chứng nhân” (Đức Phaolô VI). Một trăm bài giảng hay ho không giá trị bằng một việc làm nhỏ bé nhưng đong đầy yêu thương. Công cuộc Tân Phúc-Âm-hóa sẽ chỉ hiệu quả nếu người ta vừa nhận ra niềm tin nơi lời rao giảng, vừa nhận thấy tình yêu thương nơi hành động và phong cách sống của người ấy.

Mọi người kỳ vọng các linh mục sẽ giống Chúa Giêsu Mục Tử theo phong cách của Đức Phanxicô,  sẽ là hiện thân của Đấng đến “không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”. Linh mục được đánh giá theo như cung cách phục vụ của ngài : tận tụy, cần mẫn, trung tín, nhưng không (vô vụ lợi), sẵn sàng, nhanh nhẹn, quên mình.

Người giáo dân hôm nay không muốn thấy, không muốn có những mục tử 3 L (làm sang, làm phách, làm biếng), 3 T (tình, tiền, tửu), 3 Đ (độc tôn, độc tài, độc đoán), lè phè, hưởng thụ, lười biếng, chẳng quan tâm đến người khốn khổ, chất trên vai họ những gánh nặng, vô cảm trước những khổ đau của họ, sống xa cách người nghèo, không bênh vực người bị áp bức bất công, không đứng dậy đi ra khỏi nhà xứ để viếng thăm kẻ bệnh tật, người già nua, trẻ cơ nhỡ, để đem về đàn những con chiên lạc bầy đang lang thang trong hoang địa.

Vì linh mục là người của sự linh thánh, nên việc huấn luyện thiêng liêng là quan trọng nhất (ĐTC Phanxicô đã phát biểu rằng, ngài muốn chủng sinh được đào tạo ưu tiên về mặt thiêng liêng), các mặt khác cũng quan trọng : nhân bản, vì linh mục cũng là một con người như mọi người; trí thức, vì linh mục sẽ phải giảng dạy hướng dẫn người khác; mục vụ, vì đó là “nghề” của linh mục. Có thể nói, sau bao nhiêu năm tháng được huấn luyện như thế, linh mục là người hoàn hảo, hay theo cái nhìn chung của mọi người, là một người có tài có đức, giỏi giang. Linh mục phải là người có những nhân đức đối thần (Tin-Cậy-Mến), những nhân đức đối nhân (Bác ái-Khôn ngoan-Công bằng-Can đảm-Tiết độ), những nhân đức tôn giáo (Các lời khuyên Phúc Âm, tha thứ, hiền lành, đạo đức, trung thành...), những nhân đức nhân loại hay còn gọi là đức tính của con người theo quan điểm Á Đông (Nhân-Nghĩa-Lễ-Trí-Tín (với tha nhân), Cần-Kiệm-Liêm-Chính-Dũng (với chính mình). 

Được đào tạo kỹ lưỡng như thế, linh mục hẳn phải đạt một mức độ cao trên “đàng nhân đức” mới phải lẽ. Cho nên khi thấy các linh mục không sống đúng với những đòi hỏi của chức vụ và đời sống thì chẳng trách giáo dân bất mãn, và dễ đi đến chỗ bài bác.

Linh mục không tuyên khấn như các tu sĩ, nhưng cũng phải giữ đức thanh bần, khiết tịnh và vâng phục, không thụ động, miễn cưỡng, nhưng như lời ĐTC Phanxicô : “Những lời khấn khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục là “chứng từ vui tươi về tình yêu của Thiên Chúa”, khi chúng được cắm rễ trong lòng Chúa thương xót”. (x. “Đức ái mục tử”. Bài giảng tĩnh tâm linh mục GP Phan Thiết 2016, Đức cha Anphongsô Nguyễn Hữu Long).

  1. Cầu nguyện nhiều cho dân chúng.

Các sách Tin Mừng cho thấy, Chúa Giêsu luôn cầu nguyện vào những giây phút quan trọng nhất trong cuộc đời của Người. Khi chịu Phép Rửa và nhận lãnh sứ mạng Chúa Cha giao phó (Lc 3,21); đêm trước khi chọn các môn đệ (Lc 6,12); trước khi biến hình (Lc 9,28); trước khi chữa bệnh cho nhiều người (Lc 5,16); trước khi đặt ra cho các môn đệ câu hỏi quan trọng: người ta bảo Thầy là ai?; khi dạy các môn đệ cầu nguyện (Lc 11,1-2); khi các môn đệ đi truyền giáo lần đầu tiên trở về; trước khi chịu thương khó (Lc 22,34-46); trong bữa Tiệc Ly; đêm thương khó; trên Thánh giá (Lc 23,34.46)… Lời cầu nguyện đã nuôi sống tất cả sứ mạng của Người.Các Tông đồ đã nhiều lần thấy Thầy cầu nguyện. Có lẽ khi Thầy cầu nguyện có một cái gì đó thật đẹp, thật huyền bí và cũng thật lôi cuốn tỏa ra từ nơi con người Thầy.

Vào một buổi sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Chúa Giêsu đã ra khỏi nhà ông Phêrô để tìm một nơi thanh vắng mà cầu nguyện (Mc 1,35). Chúa Giêsu phấn khởi trong Thánh Thần, Ngài ngước mắt lên trời và cầu nguyện: “Con ngợi khen Cha là Chúa trời đất, vì Cha đã mạc khải cho những kẻ bé mọn những điều mà Cha giấu không cho những bậc khôn ngoan và trí thức biết” (Lc 10,21). Chúa Giêsu ngước mắt lên trời tâm sự với Chúa Cha rằng: “Con cảm tạ Cha vì Cha đã nghe lời con cầu xin. Vâng, con biết rằng lúc nào Cha cũng vẫn nghe lời con xin. Sở dĩ con nói thế là để những người đang đứng bên con đây tin rằng Cha đã sai con” (Ga 11,41-41). Đặc biệt là trong phòng Tiệc Ly, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời để cầu nguyện với Chúa Cha. Tâm sự ngỏ với Cha rất nhiều lời tha thiết (Ga 17).

Trong vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu quỳ gối và cầu nguyện: “Lạy Cha, nếu đựoc thì xin cho con khỏi uống chén này, nhưng xin đừng theo ý con, xin chỉ thực hiện ý của Cha” (Lc 22,42). Lúc hấp hối trên Thánh giá, Chúa Giêsu cầu nguyện gởi lên Cha ba lời tâm sự tha thiết: Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm; Lạy Cha, sao Cha bỏ con?; Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha. Chúa Giêsu dạy phải cầu nguyện như Người hằng cầu nguyện (Lc 6,12); cầu nguyện cho các địch thù (Lc 6,28 ; Mt 5,34); kiên trì và tin tưởng cầu nguyện (Lc 11,5-8.9-13 ; Mt 7,7-11); cầu nguyện với lòng khiêm tốn để nhận ơn tha thứ (Lc 18,9-14); vững tâm cầu nguyện đón chờ ngày Chúa đến (Lc 21,36); cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ (Lc 22,40.46)… Khi các môn đệ xin Người dạy cách cầu nguyện, Người dạy họ cầu nguyện với kinh Lạy Cha (Lc 11,2-4 ; Mt 6,9-13). Chúa Giêsu mang theo cả nhân loại trong lời cầu nguyện của mình. Người nói chuyện với Chúa Cha, bàn bạc với Chúa Cha về những việc Người làm cho công cuộc cứu độ nhân loại.

Chúa Giêsu phán: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái. Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5).

Mục tử luôn kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu là có một sự hiểu biết sâu xa về Ngài do đã gặp gỡ và sống với Ngài thực sự. Khi thánh Phêrô tìm người thay thế Giuđa Iscariốt, ngài đã nói với cộng đoàn: “Trong số những anh em đã cùng chúng tôi theo Chúa Giêsu suốt thời gian Người sống giữa chúng ta, kể từ khi Người được Ông Gioan làm phép rửa cho đến ngày Người lìa bỏ chúng ta và được rước lên trời, phải có người trở thành chứng nhân cùng với chúng ta làm chứng Người đã phục sinh” (Cv 1,21-22). Với những lời trên đây, thánh Phêrô, khi chọn người mục tử thay thế Giuđa, đã chỉ đưa ra một tiêu chuẩn là: người đó đã phải cùng sống với Chúa Giêsu và đã tham dự cuộc đời cứu thế của Ngài, một đời mặc lấy thân phận đoàn chiên, yêu thương đoàn chiên, cứu độ đoàn chiên và còn hơn nữa, như lời Ngài nói: “Ta còn có những chiên không thuộc đoàn này. Ta cũng phải đưa chúng về” (Ga 10,16). Ngài cũng khẳng định: “Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (10,11). Muốn được như vậy, người mục tử phải có những tâm tình của Chúa Giêsu. Nhất là sự khiêm nhường. Chúa Giêsu đã mời gọi các môn đệ hãy học với Ngài, đặc biệt là về đức tính“hiền lành và khiêm nhường” (Mt 11,29). Chính Ngài đã cứu chuộc loài người bằng sự hiền từ khiêm tốn, vâng phục thánh ý Chúa Cha.

Cầu nguyện là hơi thở của linh hồn, là sự sống, là sức mạnh của đời mục tử. Cầu nguyện là lẽ sống và có một tầm quan trọng đặc biệt trong cuộc sống mục tử. Lời cầu nguyện chỉ thực sự có giá trị và sức mạnh khi phát xuất từ một đức tin có chất lượng và sống động. Mục tử cầu nguyện, hãm mình, đền tội cho giáo dân theo gương cha thánh Gioan Vianney.

  1. Hy sinh tính mạng vì anh em mình.

Chúa Giêsu khẳng định: “Tôi là Mục Tử Tốt Lành. Tôi biết chiên của tôi và chiên của Tôi biết Tôi. Mục Tử Tốt Lành hy sinh mạng sống cho đàn chiên”. Chúa Giêsu là vị Mục Tử Tốt Lành, là Đấng bảo vệ đoàn chiên, yêu thương săn sóc và hy sinh mạng sống cho đàn chiên, là nền tảng, là mẫu mực cho mọi vị chủ chăn tương lai được Ngài trao quyền chăn dắt đoàn chiên, tiếp nối sứ mạng Mục Tử của Ngài. Chúa Giêsu so sánh mục tử và người làm thuê. Mục tử tốt lành luôn hết mình vì đàn chiên. Người làm thuê chỉ lo vun quén cho bản thân. Mục tử hy sinh cho đàn chiên. Người làm thuê chỉ đến để xén lông chiên. Mục tử luôn tìm kiếm nguồn nước và đồng cỏ xanh tươi cho đàn chiên no đầy. Người làm thuê chỉ tìm kiếm hạnh phúc cho chính bản thân mình, sống hưởng thụ, lười biếng và thiếu trách nhiệm đến sự sống còn của đàn chiên.

 “Trong bài giảng Lễ Dầu năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khuyên các linh mục : “Cha mời gọi các con điều này, các con hãy là những người chăn chiên có mùi của chiên. Người chăn chiên thì có mùi chiên, làm cho cái mùi ấy thành cái mùi thực, giống các người chăn chiên ở giữa đoàn chiên của các con. Mùi của chiên chỉ có được bằng cách sống các thực tại đời sống hàng ngày của họ, các bối rối khó khăn của họ, các niềm vui của họ, các gánh nặng và các hy vọng của họ”. ĐTC nhấn mạnh thêm rằng mùi ấy cũng có thể phát sinh từ các yêu cầu bất tiện, đôi lúc hoàn toàn vật chất hay hoàn toàn tầm phào. Người chăn chiên phải nhận thức và đồng cảm với ý muốn của đoàn chiên, như Chúa Giêsu đã nhận thức và đồng cảm cái đau ra huyết trắng của người đàn bà khốn khổ trong Tin Mừng. Muốn có cái mùi ấy, các mục tử phải ra khỏi con người mình, phóng mình tới những vùng ngoại biên nơi có đau khổ, đổ máu, mù lòa, giam cầm đủ loại. Mục tử phải cảm nhận được các gánh nặng và bộ mặt của quần chúng giáo dân, trên vai và trong trái tim mình” (Vũ văn An : Đức Phanxicô và mùi chiên, Vietcatholic.net, 4/1/2013). Linh mục cũng được đánh giá theo như ngài có hay không lòng thương yêu, hy sinh cho đoàn chiên của ngài.

Chúa nhật IV Phục sinh, ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu Linh mục và ơn gọi Tu sĩ nam nữ. Giáo Hội luôn cần đến những mục tử tốt lành. Hãy cầu nguyện cho Giáo Hội có nhiều mục tử đạo đức, thánh thiện như lòng Chúa mong ước. Mục tử tốt lành luôn sống kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu, luôn khát khao và cầu xin ơn Chúa Thánh Thần. Nhờ đó, vị mục tử tốt lành biết rõ đàn chiên, yêu thương đàn chiên và sẵn sàng hiến mạng vì đàn chiên. Từ đó, vị mục tử tốt lành biết nuôi dưỡng đoàn chiên bằng những lương thực có chất lượng cao đặc biệt là cử hành Thánh Thể sốt sắng và nhiệt thành trong bí tích Hòa Giải.

Linh mục là Mục tử, người chăm sóc phần hồn các tín hữu. Một sứ mạng rất cao quý. Linh mục noi gương Chúa Giêsu Mục Tử Tối Cao, tận tình phục vụ tha nhân qua công việc mục vụ với đức ái mục tử. Đây là linh đạo của linh mục giáo phận.

Cha sở Gioan Vianney “là mục tử đã sống hết tình với anh em, cầu nguyện nhiều cho dân chúng, đã hy sinh tính mạng vì anh em mình”, ngài là bổn mạng các Linh mục. Hôm nay ngày cầu nguyện cho các mục tử, xin ngài giúp anh em linh mục chúng con luôn biết sống theo gương sáng mục tử của ngài. Amen.

Về mục lục

.

ĐẤNG CHĂN CHIÊN

AM. Trần Bình An

Người chăn chiên hay cừu, được nhắc đến nhiều lần trong Kinh Thánh, từ sách đầu tiên là Sáng Thế Ký cho đến sách cuối là Khải Huyền (St 4, 2; Kh 7, 17). Những người nổi bật như Abraham, Môise và vua Đavít đều là người chăn cừu. Người viết sách Thánh vịnh là Đavít miêu tả một cách thi vị trách nhiệm và mối quan tâm của người chăn cừu tốt lành.

Sau này, vào thời Chúa Giêsu, chăn cừu vẫn còn là công việc quan trọng. Chúa Giêsu tự cho mình là “người chăn chiên tốt lành” và ngài thường dùng các đức tính của người chăn tốt để dạy những bài học quan trọng (Ga 10, 2-4, 11). Ngay cả Đấng Toàn Năng, Đức Chúa Trời cũng được ví như người chăn chiên: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì…” (Tv 23, 1-4)

Người chăn cừu vào thời nước Israel xưa hẳn chăn một số loại cừu, trong đó có giống cừu Syria, đuôi mập và lông dày. Cừu đực thuộc giống này có sừng, còn cừu cái thì không. Loài vật ngoan ngoãn ấy không thể tự bảo vệ mình, khi sống ở ngoài thiên nhiên, khỏi nanh vuốt của thú dữ. Người chăn cừu phải luôn huấn luyện bầy cừu của mình biết vâng lời. Dù vậy, người chăn tốt lành kiên nhẫn và dịu dàng chăm sóc bầy, ngay cả đặt tên cho mỗi con để nó có thể nghe tiếng người chăn. (Ga 10, 14 & 16)

Vào mùa xuân, có lẽ mỗi ngày người chăn dẫn bầy từ chuồng ở gần nhà đến những cánh đồng cỏ gần làng. Ở đấy, chúng gặm chồi non xanh tươi. Trong mùa này, cừu con sinh sôi nảy nở. Cũng vào thời điểm này, người ta xén lông cừu và đây là dịp ăn mừng!

Sau khi những cánh đồng gần làng đã thu hoạch, người chăn dẫn bầy ra ăn chồi non và hạt còn lại trên những gốc rạ. Khi mùa hè oi bức đến, người chăn chuyển bầy mình đến những cánh đồng cỏ trên vùng đất cao hơn. Trong nhiều ngày liền, người chăn dẫn bầy đi ăn cỏ trên những đồi dốc xanh mướt, làm việc và ngủ ngoài trời để canh chừng bầy. Đôi khi, người chăn cho bầy của mình nghỉ qua đêm trong một cái hang, nơi chúng được che chở khỏi những con sói và linh cẩu. Nếu tiếng tru của linh cẩu làm cho bầy hoảng loạn trong đêm tối, thì giọng trấn an của người chăn làm chúng bình tĩnh lại.

 

Mỗi buổi chiều tà, người chăn đếm và kiểm tra sức khỏe từng con. Buổi sáng, ông gọi và chúng theo ông ra đồng cỏ (Ga 10, 3-4) Giữa trưa, người chăn dẫn bầy đến những ao nước mát. Khi ao cạn, người chăn dẫn chúng đến giếng và múc nước cho chúng uống. Cuối mùa khô, người chăn có thể chuyển bầy đến cánh đồng và thung lũng thuộc miền duyên hải. Khi mùa mưa đến, ông dẫn chúng về nhà để trú đông. Nếu không, loài vật này có thể chết vì mưa, bão mưa đá và tuyết. Người chăn giữ chúng trong chuồng cho đến mùa xuân. Người chăn tốt lành thì siêng năng, đáng tin cậy và can đảm, thậm chí liều mạng sống để bảo vệ bầy. (1Sm 17, 34-36) (Người chăn cừu, Thư viện trực tuyến)

 

Tin Mừng Thánh Gioan hôm nay phác hoạ chân dung vị Mục Tử nhân lành với tất cả tình yêu dành cho từng con chiên, sự phục vụ chu đáo và cứu chuộc đoàn chiên khỏi phải chết đời đời.

Yêu thương

 

“Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra.” Mục Tử nhân lành chính thức, công khai, hợp pháp đến với đàn chiên. Người biết rõ tên từng con, âu yếm gọi tên và dẫn chúng đi ăn. Quan tâm chăm sóc, Người còn  biết cả thể trạng, sức khoẻ, tính nết mỗi con, chứ chẳng bao giờ gọi chúng bằng những con số lạnh lùng, xa lạ.

 

“Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh.” Chúng nhận biết chủ chăn, vì anh yêu thương chúng, anh nưng niu từng con, chẳng muốn mất mát con nào.”Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi, mà đi tìm con chiên lạc sao?” (Mt 18, 12)

 

Phục vụ

 

“Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ.” Mục Tử nhân lành luôn quên mình, dấn thân phục vụ đoàn chiên, chẳng bao giờ hách dịch, đe doạ, áp bức con chiên. “Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.” Chỉ có chủ chăn giả mạo, sói đội lốt, mới đến lợi dụng, hãm hại, a tòng, âm mưu với kẻ dữ ăn thịt chiên lành.

 

Bởi vì ”Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ.”(Mc 10, 45) Mặc dù là Mục Tử là người chỉ huy, lãnh đạo, nhưng luôn yêu thương phục vụ, chăm sóc, dẫn dắt, nuôi dưỡng đoàn chiên được sung mãn.

 

Hy sinh

 

“Tôi hy sinh mạng sống mình cho chiên của Tôi” (Ga 10, 15) Không chỉ yêu thương phục vụ, Đấng Chăn Chiên tốt lành còn sẵn sàng chịu đối xử bất công, chịu khổ nạn, chịu đóng đinh, chịu chết nhục nhã trên thập giá, để cứu chuộc đoàn chiên khỏi phải chết trầm luân và sống lại khải hoàn. Vì thế, Người đã công khai tuyên bố cho những ai trung thành đi theo Người: “Tôi là cửa Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ.”

 

“Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu.” (Ga 15, 13) Người khiêm nhường, tự hạ, yêu thương phục vụ, còn hơn là bạn hữu, mà y như người Đầy Tớ đau khổ, ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia đã nói: “Ðây là người Tôi Trung Ta đã tuyển chọn, đây là người Ta yêu dấu. Ta hài lòng về Người. Ta cho Thần Khí Ta ngự trên Người. Người sẽ loan báo công lý trước muôn dân…” (Mt 12, 18 – 21)

 

Kinh Tin Kính phải đánh động con vì sự hy sinh của Chúa Giêsu: “Người đã nhập thể… và đã làm người. Người chịu đóng đinh… chịu tử hình, và mai táng…” Hy sinh trong cả cuộc sống, hy sinh trong lễ toàn thiêu. (Đường Hy Vọng, số 173)

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn ý thức rằng, Người chính là Mục Tử Nhân Lành, luôn quên mình, dấn thân, hy sinh, chăm sóc, nuôi dưỡng, cứu giúp chúng con từng giây phút trong đời. Xin giúp chúng con biết đáp lại tình yêu vô biên của Người.

 

Khấn xin Mẹ Maria luôn cầu thay nguyện giúp chúng con, xin Chúa ban cho nhiều Mục Tử Nhân Lành, để dẫn đưa chúng con về Nước Hằng Sống. Amen.

Về mục lục

 

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận