Các thánh tử đạo Việt Nam trong kho tàng thánh nhạc

Đăng lúc: Thứ sáu - 13/07/2018 10:35 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

Các thánh tử đạo Việt Nam trong kho tàng thánh nhạc

Trong đời sống đạo, câu chuyện về đức tin của các thánh tử đạo Việt Nam luôn là bài học sống động cho nhiều giáo dân. Với các nhạc sĩ Công giáo, các ngài cũng mang lại một nguồn cảm hứng lớn, vừa linh thiêng, vừa có nét gì đó gần gũi, thân thuộc…

 

1.

 Sở dĩ nói gần gũi bởi các thánh đa số là người Việt, dòng dõi nhiều vị vẫn còn lưu truyền và phát triển đông đảo đến ngày nay. Họ thuộc mọi thành phần Dân Chúa và làm nhiều nghề khác nhau trong xã hội, là những người gần gũi với chúng ta, ở trong môi trường gia đình, xã hội và những bậc sống trong Giáo Hội như chúng ta. Đức cha Giuse Nguyễn Năng, Giám mục giáo phận Phát Diệm, Phó Chủ tịch HĐGMVN từng nhận xét: “Các ngài đã sống đức tin trong môi trường văn hóa và xã hội Việt Nam, nên chúng ta sẽ cảm thấy thân quen, dễ bắt chước đời sống gương mẫu của các ngài…” (xin xem thêm CGvDT ấn phẩm Xuân 2018). Có lẽ cũng chính vì thế mà nhạc về đề tài này đã manh nha hình thành từ sớm. Theo linh mục nhạc sĩ Kim Long, trước năm 1988 đã có một số bài hát viết về sự hy sinh tử đạo, về noi gương chứng nhân của các vị nói chung: “Thật ra ở mỗi địa phương dường như đều có những bài ca dân gian về các ngài, không nhiều thì ít. Nói đến sáng tác chính quy, nhạc ở thể loại này vẫn chưa đáng kể nhưng dù sao đã cho thấy có một bộ phận nhỏ cảm nghiệm. Nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh, nhạc đoàn Sao Mai hồi trước cũng có, nhưng người ta gọi là Á Thánh, sau đó (sau năm 1988) thì sửa một vài ca từ cho phù hợp với bối cảnh và phụng vụ”. Ngay như hai nhạc phẩm “Bài ca ngàn trùng” và “Lưu danh thiên thu” của cha Kim Long đều được viết cách đây hơn 50 năm, từ những ngày đầu cha khởi sự với thánh nhạc. Bài “Đẹp thay” của linh mục Mi Trầm ra đời năm 1975, “Tiếng nhạc oai hùng” của Hải Linh sáng tác năm 1987…

Linh mục nhạc sĩ Kim Long

Sự kiện 117 đấng tử đạo Việt Nam được Giáo hội tuyên thánh năm 1988 đã ảnh hưởng mạnh mẽ trong giới Công giáo Việt Nam nói chung và sinh hoạt thánh nhạc nói riêng. “Lúc đó, các nhạc sĩ nghĩ ngay đến việc sáng tác riêng cho các vị thánh cha ông của mình. Đến năm 1990, ông cố Tađêô Hồ Trung Trinh, thân phụ của cha Inhaxiô Hồ Văn Xuân - Tổng Đại diện TGP TPHCM hiện nay -, một người rất thiết tha với nền Thánh nhạc Việt Nam và có lòng yêu mến Giáo hội quê hương một cách đặc biệt, đã đi gặp nhiều nhạc sĩ Công giáo và xin họ làm nhạc về 117 vị thánh và cả Anrê Phú Yên - lúc đó chưa được phong Á thánh. Các nhạc sĩ rất nhiệt tình nhận lời và đã viết gần hết 117 vị thánh. Trên cơ sở này và các tác phẩm của một vài tác giả sẵn có, ông cố Trinh đã thực hiện 2 tập tổng hợp các bài thánh ca với tựa đề Ngợi Ca Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam, dày khoảng 1000 trang A5, gồm phần Chung và phần Riêngtừng thánh. Người ta có thể tìm thấy trong đó tên của những nhạc sĩ Kim Long, Nguyễn Duy Vi, Thanh Cao, Phạm Đình Nhu, Phạm Liên Hùng, Viết Chung, Phanxicô, Mi Trầm, Hoàng Văn Tiệm, Văn Chi, Hoài Đức, Cát Minh, Hải Triều, Ngọc Kôn, Nguyễn Bang Hanh, Phạm Đức Huyến, Vũ Đình Ân, Thiên Quang, Thiên Chung, Hương Linh, Diệu Trúc, Anh Tuấn, Lian, Nguyễn Văn Trinh, Thùy Nhiên, Phạm Ngọc Giá, Nguyễn Duy và một số nhạc sĩ khác”, linh mục nhạc sĩ Rôcô Nguyễn Duy, Thư ký Ủy ban Thánh nhạc HĐGMVN nhớ lại. Hồi tưởng về giai đoạn đó trong sinh hoạt thánh nhạc nước nhà, cha Kim Long cũng có nhận xét là dịp tuyên thánh đã tạo nên một làn sóng cộng hưởng tích cực trong giới sáng tác nhạc đạo. Các nhạc sĩ bắt đầu “để ý” đến việc có những khúc ca về các thánh tử đạo Việt Nam để dùng trong Phụng vụ và một số hoạt động hội đoàn.

 

2.

 Mỗi bài hát là một chỉnh thể nghệ thuật. Tính chỉnh thể của tác phẩm cho phép chúng có một sức sống nội tại, đặc biệt, có sức mạnh xã hội và văn hóa. Trong tác phẩm, tư tưởng và hình thức phải hòa hợp với nhau một cách hữu cơ như tâm hồn và thể xác, nếu hủy diệt hình thức cũng có nghĩa là hủy diệt tư tưởng và ngược lại. Thánh ca, do được sử dụng trong Phụng vụ nên lại càng được chú trọng về nội dung và hình thức.“Thánh nhạc sẽ mang tính thánh thiêng hơn nếu liên kết chặt chẽ với hoạt động Phụng vụ, hoặc để diễn đạt lời cầu nguyện cách dịu dàng hơn hay để cổ vũ sự đồng tâm, hoặc để tăng thêm tính cách long trọng cho các nghi lễ. Sự thánh thiện này liên quan đến chiều kích nghi thức và chiều kích thiêng liêng, cả hai chiều kích này phải được xem xét trong bối cảnh văn hóa” (trích Hướng dẫn Mục vụ Thánh Nhạc, số 63). Mặt khác, thánh nhạc Việt Nam bởi yêu cầu và đặc tính mang trong mình yếu tố khác biệt về văn hóa nên các sáng tác càng được đòi hỏi cao hơn, nghĩa là phải mang âm hưởng Việt Nam, thấy được cái hồn riêng. Trong số những khúc ca về đề tài các thánh tử đạo Việt Nam, có thể kể đến “Anh hùng Việt Nam”“Bài ca ngàn trùng” của Kim Long, “Tiếng nhạc oai hùng” của Hải Linh, “Lòng Trung Nghĩa” của Nguyễn Bang Hanh“Mừng Các Thánh” của Hoài Đức, “Vết Tử Hùng” của Tâm Bảo - Văn Thi, “Lời nguyện cùng Các Thánh Tử Đạo Việt Nam” của Nguyễn Duy… Những nhạc phẩm ở thể loại này là tiếng ca bi tráng, tự hào. Tiết tấu của các ca khúc mang nét hào hùng, sôi nổi. Lời nhạc vực dậy trong lòng người nghe ý thức về một lịch sử kiêu hùng đã được khắc ghi, như trong bài “Ca mừng Các Thánh Tử Đạo Việt Nam” của linh mục nhạc sĩ Phạm Liên Hùng có đoạn: “Dù đòn vọt, dù gông cùm thử thách, dù gian lao, dù phải chết đau thương, vẫn yêu Chúa, vẫn kiên cường theo Chúa. Ôi, ôi Các Thánh anh hùng tử đạo, niềm tự hào người Công giáo Việt Nam…”, hay khúc ca “Niềm tin kiêu hùng” của cha Mi Trầm thì tha thiết, cậy trông: “Xin dâng lên niềm tin của người dân Việt. Qua bao thăng trầm niềm tin kiêu hùng oanh liệt. Đầu rơi máu đổ là lễ dâng trước tòa Thiên Chúa, nhuộm thắm trên muôn ngàn đồng lúa, làm trổ sinh bông hạt đầu mùa…”.

Viết về ông cha trong lòng tự tôn dân tộc, các nhạc sĩ cũng muốn thế hệ sau noi gương các Thánh sống đời chứng nhân. Bởi thế, các ca khúc này còn thúc giục ra đi dấn thân, mang khí thế sục sôi. Trong bài ca về Á Thánh Anrê Phú Yên, tác giả - linh mục Phương Anh viết: “Tuổi mười sáu, mang bao nhiêu ước mơ đẹp màu. Thầy Anrê ước mong mình thuộc về Chúa, để mong sao đem tin vui đến cho cuộc đời, để mong sao đem yêu thương đắp xây tình người. Rồi từ đó, thầy hăng say bước đi vào đời. Rồi từ đó, dù chông gai vẫn luôn miệt mài, quyết ra đi dấn thân cho một ngày mai. Tuổi trẻ hôm nay, hãy ước mong mình thuộc về Chúa…” (“Thầy Anrê Phú Yên và giấc mơ tuổi trẻ”). Cũng vậy, nhạc sĩ Thế Thông khi kể về gương sống của Thánh Phaolô Hạnh, một người con xuất thân Đồng Nai, cũng đã dùng giai điệu nhẹ nhàng với nhiều luyến láy hệt như bài dân ca Nam bộ mà tâm tình: “Có ai về Biên Hòa nghe lời ca đất Tân Triều đón chào vị thánh dấu yêu. Gươm đao xiềng xích, sá gì vẫn một đường đi. Tin yêu Chúa trời, trần gian muôn đời còn ghi. Thánh Phaolô Hạnh, triều thiên Chúa ban cho người. Thánh Phaolô Hạnh nguyện theo chân Chúa trọn đời”.

*

Như tiếng kêu từ cõi sâu thẳm của con người, âm nhạc nhà đạo là con đường để Thiên Chúa dẫn chúng ta hướng tới nơi cao vời hơn. Nhạc về các thánh tử đạo Việt Nam do những đặc điểm bởi lịch sử, văn hóa, dù còn hạn chế về số lượng so với các đề tài khác, song trong mỗi sáng tác, người nghe vẫn bắt gặp một sự suy tư về con đường theo Chúa, hoặc sự kiên vững làm chứng Đức Tin, qua đó phần nào cho thấy sự dày công của nhạc sĩ Công giáo khi viết mảng này. Về mặt cử hành phụng vụ, Ủy ban Thánh Nhạc HĐGMVN, trong Văn kiện Hướng dẫn Mục vụ Thánh Nhạc cũng nói rõ cách chọn và hát các bài về các thánh nói chung: Ca Nhập lễ (HDMVTN, các số 131,132, 134, 135); Ca Tiến lễ (HDMVTN, số 162); Ca Kết lễ (HDMVTN, các số 187, 188). 

 

HÙNG LUÂN

 

(cgvdt.vn)

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận