"Tiếng gọi Fatima” Bên Mẹ Tàpao

Đăng lúc: Thứ bảy - 14/10/2017 02:46 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

“TIẾNG GỌI FATIMA” BÊN MẸ TÀPAO

 

“Xưa trong làng Fatima, có Đức Mẹ Maria. Mẹ đến với đời, Mẹ nói với người, những lời bao sắt son, những lời của Mẹ ru con. Mẹ nhắc người ăn năn thống hối, hãy siêng năng lần hạt Mân Côi. Tháng năm qua Mẹ đau khổ nhiều, hãy sung kính trái tim Mẹ yêu…”. Lời ca “Tiếng gọi Fatima” kết lễ hành hương lãnh ơn toàn xá tại Trung tâm Thánh Mẫu Tàpao sáng ngày 13/10/2017 cũng chính là chủ đề xuyên suốt của cuộc hành hương về bên Mẹ Tàpao tháng 10 này.

 

hình ảnh

 

TỐI 12: DÂNG HOA MÂN CÔI, NGUYỆN CẦU BÊN MẸ

 

Sau một cơn mưa rào xối xả vào chập choạng chiều tối, không khí bầu trời Tàpao trở nên mát mẻ và lành lạnh dễ chịu. Chưa đến 19 giờ tối, mà quảng trường trung tâm đã đông nghịt khách hành hương ngồi sẵn thầm thỉ cầu nguyện riêng chờ đến giờ rước kiệu, cung nghinh Mẹ; dâng hoa Mân Côi và cầu nguyện bên Mẹ. Khác với các dịp hành hương của các tháng khác trong năm, đây có lẽ là thánh đông người về tham dự nhất.

 

Hòa với niềm vui chung của Giáo hội hoàn vũ mừng kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, đêm diễn nguyện mời gọi cộng đoàn tưởng nhớ sự kiện những lần Đức Mẹ hiện ra và làm phép lạ Fatima. Qua sự kết hợp của các tiết mục múa diễn nhạc cảnh đính kèm với hiệu ứng ánh sáng, âm thanh, video, máy chiếu màn hình rộng biến cố và tiếng gọi Fatima các đây một thế kỷ vẫn như còn sống lại quanh đây trong lòng mỗi người. Đặc biệt, sứ điệp của Mẹ thầm thì nhắn nhủ với con cái nhân loại: “Hãy ăn năn sám hối, cải thiện đời sống; siêng năng đọc kinh Mân Côi; và sùng kính trái tim Mẹ Yêu” cũng là thông điệp chủ đạo, là lời mời gọi khẩn thiết chạm đến mỗi một tâm hồn thành tâm về bên Mẹ.

 

Sau giờ diễn nguyện, cha Tổng Đại Diện Giáo phận – Giuse Hồ Sĩ Hữu – chủ sự giờ Chầu Thánh Thể và kiệu cung nghinh hào quang Thánh Thể xung quanh quảng trường. Hơn mười lăm ngàn ánh nến sáng trong tay giơ lên cao, toàn thể cộng đoàn hiện diện hướng về Chúa Giêsu Thánh Thể yêu mến cung kính suy tôn và thờ lạy.

 

Khi phép lành Thánh Thể được trao ban khoảng 20 giờ 20’ cũng là lúc khép lại chương trình tối cầu nguyện chung của cộng đoàn hành hương bên Mẹ Tàpao. Tuy nhiên, tại mọi góc sân quảng trường hay trên núi, vẫn còn rất đông người chen chúc nhau tranh thủ cầu nguyện, thực hiện lời Mẹ dạy qua ba sứ điệp Fatima.

 

 

THÁNH LỄ SÁNG 13: MANG TÂM TÌNH TẠ ƠN VÀ TẠ LỖI

 

Sau giờ khấn chung với Đức Mẹ, lúc 7 giờ sáng, cộng đoàn hành hương bước vào phần quan trọng nhất của cuộc hành hương là “tham dự Thánh lễ lãnh ơn toàn xá”.

 

Vì Đức Cha Tôma – Giám quản Tông tòa Giáo phận – đang bận họp Hội nghị thường niên kỳ II – 2017 Hội đồng Giám mục Việt Nam tại Thanh Hóa, nên trong thánh lễ hành hương trọng thể lãnh ơn toàn xá tháng này do cha Tổng Đại Diện Giáo phận – Giuse Hồ Sĩ Hữu – chủ sự cùng với 64 cha trong và ngoài giáo phận đồng tế. Tuy vắng các vị chủ chăn Giám mục làm cho người tham dự có cảm giác thiêu thiếu, nhưng bù lại có rất đông (trên 25 ngàn) người tham dự thánh lễ với tâm tình chung là “Tạ ơn và tạ lỗi”.

 

Trong bài chia sẻ sau Tin Mừng sáng nay, Cha Tổng Giuse một lần nữa nhấn rất mạnh về thông điệp của Mẹ Fatima như sau:

 

“ĐỪNG XÚC PHẠM ĐẾN THIÊN CHÚA NỮA”.

 

 “Loài người đừng xúc phạm đến Thiên Chúa nữa, Người đã bị xúc phạm quá nhiều rồi”. Đây là lời kêu gọi của Đức Mẹ, trong lần hiện ra lần thứ sáu, tức là lần cuối cùng, với ba chị em Lucia, ngày 13/10/1917, cách đây đúng 100 năm. Lời mời gọi này được đón nhận như trọng tâm của sứ điệp Fatima. Ngày hôm nay, 100 năm sau, lời kêu gọi của Mẹ Maria vẫn còn mang tính thời sự, bởi vì hiểm họa chiến tranh thế giới vẫn còn tiếp tục đe dọa nền hòa bình của thế giới. Quyền lực của sự dữ, sự tội đang đè nặng trên thân phận của con người, đẩy con người về phía chống đối lại Thiên Chúa. Mẹ Maria tha thiết mời gọi hơn lúc nào hết sự trở về với Thiên Chúa, với anh em, trong lòng kính mến Chúa, mến yêu Mẹ và yêu thương nhau để cầu nguyện cho hòa bình. Chúng ta hãy tìm hiểu sứ điệp của Đức Mẹ:

 

1. Kính mến Chúa: Mẹ dạy: “Hãy ăn năn đền tội”.

 

Lời kêu gọi của Chúa Giêsu khởi đầu sứ vụ loan báo tin mừng Nước Thiên Chúa, ngày hôm nay lại được đặt trên môi miệng và con tim của Mẹ Maria để một lần nữa ngỏ lời với toàn thể nhân loại. “Đừng xúc phạm đến Thiên Chúa nữa! Ngài đã bị xúc phạm quá nhiều rồi!” Ngay từ đầu sáng thế, loài người đã chống lại Thiên Chúa, để tự đặt mình trong ách thống trị của tội lỗi và sự chết. Nhưng Thiên Chúa yêu thương đã cho Con Thiên Chúa xuống thế làm người, để “khi sinh ra Người đã đổi mới toàn thể nhân loại, khi chịu khổ hình, Người đã tẩy xóa tội lỗi nhân loại, khi sống lại từ cõi chết, Người đã mở lối vào chốn trường sinh và khi lên cùng Cha, Người đã mở rộng cửa trời” (Kinh Tiền tụng CN TN IV). Trái tim Chúa Giêsu đã mở ra đổ tràn lòng thương xót trên toàn thể nhân loại. Chính vì vậy mà Ngài khẩn thiết kêu mời “hãy ăn năn sám hối”. Và Trái tim Mẹ Maria, Đấng đầy ơn phúc, đã đón nhận trọn vẹn lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúng ta hãy đến với Mẹ.

 

2. Mến yêu Mẹ : Mẹ dạy: «Tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ» 

 

Mẹ đã được Thiên Chúa chọn, Mẹ được đầy ơn phúc, để Mẹ được nên vẹn toàn, không vương vấn tội lỗi. Tại Lộ Đức, Mẹ cho biết Mẹ là Đấng vô nhiễm nguyên tội. Ngày truyền tin, Mẹ đã thưa tiếng xin vâng với lòng tín thác để làm Mẹ của Đấng Cứu Thế và cộng tác đặc biệt với Con của Mẹ trong công cuộc cứu thế. Như thế Mẹ thể hiện cách tuyệt vời tình yêu đối với nhân loại. Mẹ muốn mọi người hãy chạy đến với Mẹ. Mẹ kêu gọi ba trẻ hãy hy sinh hãm mình đền tội thay cho kẻ có tội, đã xúc phạm đến Chúa quá nhiều. Theo lời Mẹ dạy, lòng sùng kính Trái Tim Mẹ phải được thể hiện trong sự hy sinh hãm mình, xa lánh tội lỗi, chứ không nằm lại ở những hình thức nghi lễ bề ngoài. Sùng kính Trái tim Mẹ, chính là thực hành ba mệnh lệnh của Mẹ tại Fatima: ăn năn đền tội, lần hạt mân côi, tôn sùng Trái tim Mẹ. Mến yêu Mẹ, chúng ta cùng tiến bước trên đường kính mến Chúa và yêu thương nhau.

 

3. Yêu thương nhau: Mẹ dạy: “Hãy hy sinh hãm mình, đền thay cho kẻ có tội”.

 

Mẹ mời gọi nhân loại quay trở về với Thiên Chúa, không chỉ vì tội riêng mình, mà còn vì tội lỗi mọi người khác nữa. Mẹ nhắc nhở việc đền bù phạt tạ các tội lỗi mà nhân loại đã xúc phạm đến Thiên Chúa. Trong lần hiện ra thứ tư, Mẹ nói: “Các con hãy cầu nguyện thật nhiều và hãy hy sinh hãm mình để đền thay cho kẻ có tội. Bởi vì sẽ có nhiều người sa vào hỏa ngục, do không ai hy sinh đền tội và cầu nguyện cho họ”. Đền bù tội lỗi thay cho người khác là điều tốt đẹp mà chúng ta thường quên. Con Thiên Chúa, là Con chiên vẹn tuyền, vô tội nhưng đã trở thành Con chiên sát tế đền tội cho toàn thể nhân loại tội lỗi. Cuối mỗi chục kinh kính mừng, chúng ta thường cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội cho chúng con, xin cứu chúng con khỏi sa hỏa ngục, xin đem các linh hồn lên Thiên đàng hết thảy, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn.” Đây là lời nguyện Mẹ dạy khi hiện ra với ba trẻ. Đây là lời kinh tuyệt vời, lời kinh nối kết gia đình nhân loại trong một niềm tin, cậy, mến.

 

Để kính mến Chúa, mến yêu Mẹ, yêu thương nhau, Mẹ dạy: “Các con hãy siêng năng lần hạt Mân Côi”.

 

Siêng năng lần hạt Mân Côi là phương thế Mẹ đề nghị. Kinh Mân Côi là phương thế để ca tụng và tôn vinh Đức Maria, để kính nhớ mầu nhiệm sự sống sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu. Đọc Kinh Mân Côi, chúng ta yêu mến Chúa Giêsu, Mẹ Maria và toàn thể nhân loại. Như thế kinh Mân Côi chính là kinh hòa bình. Khi đọc kinh Mân Côi, chúng ta cùng với Mẹ, và toàn thể nhân loại sống lời Chúa dạy “Hãy ăn năn sám hối”. Nguyện xin Mẹ cầu cùng Chúa cho chúng con siêng năng đọc kinh Mân Côi như Mẹ đã dạy, để cầu nguyện cho hòa bình của thế giới. Amen. (Lm Giuse Hồ sĩ Hữu, Tà Pao 13/10/2017.)

 

Thánh lễ vẫn diễn ra trong trang nghiêm và sốt sắng. Duy chỉ có phần rước lễ hôm nay lâu nhất vì quá đông khách hành hương tham dự đến nỗi các nữ tu dự lễ hành hương cũng được mời giúp các cha trao Mình Thánh Chúa đến tận những nơi xa của quảng trường cho khách hành hương hiệp lễ.

 

Phép lành lãnh ơn toàn xá kết thúc lúc 8 giờ 30’ cùng ngày, cộng đoàn chia tay ra về mang theo lời mẹ nhắn nhủ năm nào: “tháng năm qua Mẹ đau khổ nhiều, hãy sùng kính trái tim Mẹ yêu…”

 

Ban truyền thông giáo phận

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận