Thứ ba tuần 23 thường niên.

Đăng lúc: Thứ ba - 11/09/2018 01:54 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

Thứ ba tuần 23 thường niên.

“Suốt đêm, Người cầu nguyện, Người chọn mười hai vị mà Người gọi là Tông đồ”.

 

Lời Chúa: Lc 6, 12-19

Trong những ngày ấy, Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện, và suốt đêm, Người cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Sáng ngày, Người gọi các môn đệ và chọn mười hai vị mà Người gọi là Tông đồ: Đó là Simon, mà Người đặt tên là Phêrô, và em ông là Anrê, Giacôbê và Gioan, Philipphê và Bartôlômêô, Matthêu và Tôma, Giacôbê con ông Alphê và Simon cũng gọi là Nhiệt Thành, Giuđa con ông Giacôbê và Giuđa Iscariốt là kẻ phản bội.

Người đi xuống với các ông, và dừng lại trên một khoảng đất bằng phẳng, có nhóm đông môn đệ cùng đoàn lũ dân chúng đông đảo từ khắp xứ Giuđêa, Giêrusalem và miền duyên hải Tyrô và Siđôn đến nghe Người giảng và để được chữa lành mọi bệnh tật. Cả những người bị quỷ ô uế hành hạ cũng được chữa khỏi, và tất cả đám đông tìm cách chạm tới Người, vì tự nơi Người phát xuất một sức mạnh chữa lành mọi người.

 

 

 

Suy Niệm 1: Chọn Nhóm Mười Hai

Lịch sử ơn cứu rỗi đã khởi đầu và tiếp diễn bằng những cuộc tuyển chọn. Ở khởi đầu lịch sử này, từ trong đám dân du mục vô danh tại miền Lưỡng hà địa, Thiên Chúa đã chọn Abraham; trong những người con của ông, Ngài chỉ chọn Isaac; và trong những người con của Isaac, Ngài chỉ chọn Yacob làm người cha của mười hai chi tộc Israel. Ðể thực hiện cuộc giải phóng con cái Israel ra khỏi ách nô lệ Ai Cập, Ngài đã chọn Môsê làm thủ lãnh. Sau khi Israel đã được Ngài chọn làm dân riêng và qua đó thực thi chương trình cứu rỗi, Thiên Chúa cũng tiếp tục một đường hướng: Ngài chọn lựa một số người và trao cho họ một trách vụ đặc biệt: Ngài đã chọn Ðavít làm vua, thay thế cho Saul; Ngài đã chọn một số người làm ngôn sứ cho Ngài.

Tất cả những chọn lựa của Thiên Chúa đều bất ngờ, nghĩa là vượt lên trên những tiêu chuẩn chọn lựa thông thường của con người. Từ Abraham qua Môsê, đến các ngôn sứ và Ðavít, tất cả đều được chọn lựa không phải vì tài năng đức độ riêng của họ: Môsê chỉ là một người ăn nói ngọng nghịu; Ðavít là cậu bé kém cỏi nhất trong số anh em mình, Yêrêmia, Isaia đều nhận ra nỗi bất lực yếu hèn của mình khi được Thiên Chúa chọn làm ngôn sứ.

Tiếp tục đường lối của Thiên Chúa, Chúa Giêsu cũng đã chọn các môn đệ của Ngài theo những tiêu chuẩn bất ngờ nhất. Mười hai Tông đồ được Ngài chọn làm cộng sự viên thân tín nhất và đặt làm cột trụ Giáo Hội, không phải là bậc tài ba xuất sắc, cũng không phải là thành phần ưu tú thuộc giai cấp thượng lưu trong xã hội; trái lại họ chỉ là những dân chài quê mùa dốt nát miền Galilê; có người xuất thân từ hàng ngũ thu thuế tức là hạng người thường bị khinh bỉ.

Thánh Luca đã ghi lại một chi tiết rất ý nghĩa trong việc lựa chọn của Chúa Giêsu: Ngài đã cầu nguyện suốt đêm. Không ai biết rõ nội dung, nhưng sự liên kết với Thiên Chúa trong cầu nguyện và việc chọn lựa cho thấy tính cách nhưng không của ơn gọi: Thiên Chúa muốn gọi ai tùy Ngài và sự lựa chọn đúng không dựa vào tài đức của con người. Chúa Giêsu đã cầu nguyện, bởi vì Ngài biết rằng tự sức riêng, con người không thể làm được gì. Phêrô đã cảm nghiệm thế nào là sức riêng của con người khi ông chối Chúa ba lần; sự đào thoát của các môn đệ trong những giờ phút nguy ngập nhất của cuộc đời Chúa, và nhất là sự phản bội của Yuđa, là bằng chứng hùng hồn nhất của sức riêng con người. Bỏ mặc một mình, con người chỉ chìm sâu trong vũng lầy của yếu đuối và phản bội.

Từ mười hai người dân chài thất học, Chúa Giêsu đã xây dựng Giáo Hội của Ngài. Nền tảng của một Giáo Hội không phải là sức riêng của con người, mà là sức mạnh của Ðấng đã hứa: "Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế". Chính sự hiện diện sinh động và ơn thánh của Ngài mới có thể làm cho Giáo Hội ấy đứng vững đến độ sức mạnh của hỏa ngục không làm lay chuyển nổi. Thánh Phaolô, người đã từng là kẻ thù số một của Giáo Hội cũng đã bất thần được Chúa Giêsu chọn làm Tông đồ cho dân ngoại. Ngài luôn luôn cảm nhận được sức mạnh của ơn Chúa: "Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi", hoặc "Nếu phải vinh quang, thì tôi chỉ vinh quang về những yếu đuối của tôi mà thôi, vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh".

Suy niệm về việc Chúa Giêsu tuyển chọn mười hai Tông đồ của Ngài, chúng ta được mời gọi nhận ra thân phận yếu đuối bất toàn của chúng ta, đồng thời nói lên niềm tín thác của chúng ta vào tình yêu của Ngài. Chỉ có một sức mạnh duy nhất để chúng ta nương tựa vào, đó là sức mạnh của ơn Chúa. Với niềm xác tín đó, thì dù phải trải qua lao đao thử thách, chúng ta vẫn luôn hy vọng rằng tình yêu của Chúa sẽ mang lại những điều thiện hảo cho chúng ta.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Giáo Hội Mới Của Chúa

Trong đoạn Phúc Âm trên thánh sử Luca đã trình bày cho chúng ta một cộng đoàn quanh Chúa Giêsu. Cộng đoàn này là hình ảnh loan báo trước trong cộng đoàn Giáo Hội mà Chúa Giêsu sẽ thành lập và trao phó cho sứ mạng sau khi Người đã phục sinh từ cõi chết. Tất cả mọi thành phần của cộng đoàn này đều quy về một trung tâm duy nhất là Chúa Giêsu, lắng nghe lời Người giảng dạy và được quyền năng Người chữa lành khỏi bệnh tật cũng như được bảo vệ khỏi những quyền lực của ma qủy. Chúng ta nhìn thấy rõ ràng những thành phần của cộng đoàn quanh Chúa Giêsu lúc đó. Trước hết là nhóm Mười Hai tông đồ vừa được tuyển chọn sau một đêm dài cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha, rồi đến các môn đệ và cuối cùng là đám đông dân chúng từ nhiều nơi trong và ngoài lãnh thổ dân Israel. Từ Giuđêa, Giêrusalem, nằm trong lãnh thổ của dân Chúa, và từ miền duyên hải Tia và Xiđon là miền nằm ngoài lãnh thổ của Do Thái Giáo.

Ðọc lại đoạn văn, chúng ta có thể lưu ý đến hai đặc điểm chính của cộng đoàn quanh Chúa Giêsu, tiêu biểu cho cộng đoàn Giáo Hội Chúa trong tương lai. Trước hết, có thể nói đây là một cộng đoàn phổ quát, vượt ra bên ngoài ranh giới của dân tộc Do Thái. Sự độc quyền nhờ ân sủng Chúa nơi một dân tộc đã chấm dứt. Mọi người, mọi dân Chúa đã mời gọi gia nhập vào cộng đoàn này.

Ðặc tính thứ hai là trật tự mới của cộng đoàn được thiết lập qui về Chúa là trung tâm và có mười hai tông đồ được Chúa Giêsu chọn riêng ra, được Người huấn luyện và trao cho sứ mạng, chăm sóc, hướng dẫn cộng đoàn mới.

Tông đồ Phêrô được nhắc đến trong đoạn văn là kẻ đứng đầu nhóm Mười Hai: "Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai các con". Các tông đồ và cộng đoàn theo Chúa đã nghe lời Ngài nhiều hơn sau những biến cố vượt qua của Chúa, khi Giáo Hội được khai sinh. Chúa Giêsu đã chuẩn bị để nhóm Mười Hai tông đồ này trở thành nền tảng cho toàn thể Giáo Hội mới của Chúa. Hơn nữa, con số mười hai tông đồ là biểu hiện thứ nhất có ý nghĩa nhắc đến mười hai chi tộc của toàn dân Do Thái trong thời Cựu Ước. Dân mới của Chúa thời Tân Ước được mở rộng đón nhận toàn thể nhân loại không ai bị loại ra khỏi chương trình cứu rỗi của Chúa.

Lạy Chúa,

Chúng con tin và cảm tạ Chúa vì đã thiết lập Giáo Hội như một cộng đoàn qui tụ dân Chúa, một cộng đoàn có tổ chức được các tông đồ hướng dẫn qua mọi thời đại. Chúa không ngừng tuyển chọn những con người mới trong dòng lịch sử để tiếp tục sứ mạng của Chúa trên trần gian này. Sự yếu đuối của con người có thể xảy ra như đã xảy ra với Giuđa Ítcariốt, kẻ phản bội Chúa, nhưng chương trình cứu rỗi của Chúa không vì thế mà bị hư mất. Xin thương qui tụ chúng con lại trong tình yêu Chúa và củng cố đức tin chúng con.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 3: Chọn mười hai tông đồ

Trong những ngày ấy, Đức Giêsu đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là tông đồ. (Lc. 6, 12-13)

Đây là một ngày đặc biệt với Đức Kitô. Đã đến giờ Người nghĩ phải tiến lên. Người sẽ phải ra đi, ngày đó không còn xa lắm. Cần phải bảo đảm tiếp tục công việc của Người. Cần cho lời Người được loan truyền đến tận cùng thế giới. Cần cho sứ điệp cứu độ đến chúc phúc cho mọi người. Vậy cần có những sứ giả đem giao ước Tin Mừng được Thiên Chúa quyết định hoàn tất cho loài người. Một giao ước mới vượt trên mọi giao ước đã có từ trước đến lúc này.

Ai có thể bảo đảm lãnh trách nhiệm này? ai xứng đáng trong những chàng thanh niên đang đi theo Người? Người biết những giới hạn và lòng quảng đại của họ. Người lên núi cầu nguyện suốt đêm cùng Thiên Chúa để biết rõ chọn lựa chắc chắn. Tin Mừng Thánh Lu-ca kể Đức Giêsu cầu nguyện mười một lần, những lần đó luôn luôn là những lần quan trọng trong cuộc đời của Chúa: ở sông Gióc-đan trước lúc Thánh Thần ngự xuống trên Người, khi đông đảo dân chúng đến nghe Người giảng, trước khi Phê-rô tuyên xưng đức tin, lúc Chúa biến hình, trước khi loan báo về cái chết của Người, lúc các môn đệ đi truyền giáo lần thứ nhất về, lúc dạy kinh lạy cha, trước khi chịu thương khó, cầu cho đức tin của Phê-rô đứng vững, lúc hấp hối trong vườn cây dầu, trong lúc treo trên thánh giá, lúc phó linh hồn trong tay Chúa Cha.

Khi chọn muời hai tông đồ, Người hướng về Đấng đã sai Người mà cầu nguyện xin ơn soi sáng và sức mạnh. Rồi xuống với các môn đệ và chọn mười hai người, ai sẽ chối Người và ai sẽ phản bội Người. Một đội quân biệt động! vô học thức, vô giáo dục, vô trường lớp, chẳng ai biết tiếng tăm họ. Họ thuộc loại phó thường dân, quá tầm thường, phần đông là dân chài. Chính trên đó Đức Giêsu xây Giáo Hội. Thật nghịch lý! một ông thầy sau khi đã dạy như điên về thập giá, sẽ chịu đóng đinh treo trên thập giá. Và các tông đồ cũng chẳng có vẻ gì nổi, họ tiếp tục cuộc mạo hiểm mâu thuẫn, vẫn kéo dài và sẽ kéo dài vô cùng.

GF

 

Suy Niệm 4: CẦU NGUYỆN ĐỂ TÌM THÁNH Ý THIÊN CHÚA (Lc 6, 12-19)

Xem lại thứ Sáu tuần 2 và thứ Tư tuần 14 TN.

Cầu nguyện là bản chất của người Công Giáo. Không cầu nguyện, chúng ta khó lòng nhận ra đâu là ý Chúa và đâu là thiển ý của ta. Khi cầu nguyện, ta như được kín múc nguồn năng lượng từ Thiên Chúa, để mọi lời nói, hành động của ta được Thiên Chúa soi dẫn và chúc lành, hầu chu toàn bổn phận của mình một cách tốt đẹp.

Hôm nay, Tin Mừng nhắc lại việc Đức Giêsu thức suốt đêm cầu nguyện trước khi gọi và chọn 12  người mà Ngài gọi là Tông Đồ.

Khi Đức Giêsu cầu nguyện như vậy, Ngài muốn cho chúng ta thấy rằng: sứ vụ của Ngài luôn gắn bó với Chúa Cha, và những người được gọi, chọn cũng phải gắn bó với Ngài như vậy.

Ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta được trở nên ngôn sứ của Chúa, có trách nhiệm loan truyền tình yêu của Ngài cho mọi người. Tuy nhiên, chúng ta chỉ có thể thành công khi biết gắn bó với Đức Giêsu và đón nhận thánh ý của Ngài để thi hành.

Thật vậy, để lời mời gọi của Đức Giêsu thực sự trở thành hữu hiệu, và sứ vụ chúng ta đón nhận được thi hành cách tốt đẹp theo ý hướng của Thiên Chúa, chúng ta không bao giờ được phép bỏ qua việc cầu nguyện.

Chính Đức Giêsu đã làm gương về chuyện này.

Ví dụ như khi sắp ra đi rao giảng Tin Mừng, Ngài đã ăn chay cầu nguyện 40 ngày trong sa mạc; khi chọn các môn đệ, Ngài thức suốt đêm; khi sắp chịu nạn chịu chết, Ngài đã lên núi Cây Dầu cầu  nguyện ...

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết đặt để mọi công việc của mình dưới sự hướng dẫn của Thiên Chúa qua lời cầu nguyện. Vì nhờ cầu nguyện với Chúa, chúng ta biết được thánh ý Ngài. Cầu nguyện để biết được phương cách thi hành tốt đẹp nhất. Cầu nguyện để phó thác nơi Chúa mọi sự.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con ý thức được giá trị của lời cầu nguyện và luôn biết gắn bó với Chúa như Chúa luôn kết hợp với Thiên Chúa Cha. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 5: Thức suốt đêm cầu nguyện

Suy niệm :

Đức Giêsu là con người cầu nguyện:

đây là nét nổi bật của Tin Mừng Luca.

Ngài cầu nguyện suốt cuộc đời trần thế,

từ khi nhận phép rửa của Gioan ở sông Giođan (Lc 3, 21)

đến khi hấp hối trên thập giá (23, 34. 46).

Đối với Ngài, cầu nguyện là chuyện Con đi gặp Cha,

là cuộc chuyện trò thân mật giữa Cha và Con.

Chính vì thế các lời cầu nguyện của Ngài (10, 21; 22, 42; 23, 34. 46).

đều bắt đầu bằng hai tiếng Abba, Cha ơi, thân thương.

Cần một không gian tĩnh lặng và riêng tư để gặp Cha (9, 18),

nên Đức Giêsu thường lên núi (6, 12; 9, 28)

hay vào chỗ hoang vắng (5, 16).

Nhưng có khi Ngài cầu nguyện tự phát trước mặt môn đệ (10, 21),

hay dẫn các môn đệ đến nơi mình sắp cầu nguyện (9, 28; 22, 39).

Gặp Cha là hơi thở đem lại sự sống và hạnh phúc cho Đức Giêsu.

Ngài múc lấy toàn bộ ý nghĩa đời mình qua các cuộc gặp gỡ đó.

Bài Tin Mừng hôm nay

cho thấy một lần cầu nguyện đặc biệt của Đức Giêsu.

Ngài đã thức suốt đêm nơi một ngọn núi (c. 12).

Ngài cố ý đến ngọn núi này để gặp gỡ Thiên Chúa là Cha của Ngài.

Đức Giêsu có điều cần hỏi ý Cha trước khi đi tới một quyết định.

Và đây là một quyết định quan trọng.

Đã có một đám đông môn đệ theo Ngài (Lc 6, 17),

bây giờ Đức Giêsu muốn tuyển chọn một nhóm nhỏ

để họ ở gần Ngài hơn và cộng tác với Ngài sát hơn.

Đức Giêsu không muốn tự chọn cho mình những cộng sự viên.

Ngài muốn đặt việc chọn lựa này trong bầu khí cầu nguyện.

Ngài coi nhóm đặc biệt này là “những kẻ Cha đã ban cho Con,”

“những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian” (Ga 17, 6. 9).

Đức Giêsu chỉ muốn chọn những người Cha đã chọn cho mình.

Đến sáng Ngài mới rõ ý Cha, mới làm xong việc chọn lựa.

Như thế cả Đức Giêsu cũng phải vất vả tìm kiếm ý Cha.

Cuối cùng Ngài đã chọn được Mười Hai ông mà Ngài gọi là tông đồ.

Đời người được đan kết bằng những chọn lựa lớn nhỏ.

Có những trường hợp dễ phân biệt trắng đen.

Nhưng có khi tôi phân vân không rõ điều nào tốt hơn,

và đâu thực sự là điều Chúa muốn cho đời tôi.

Gặp gỡ Chúa trong lặng lẽ cô tịch, với tâm hồn tự do thanh thoát,

chúng ta có cơ may nhận được ánh sáng từ trên cao.

Nếu tôi làm theo ý Chúa, đời tôi sẽ được hạnh phúc, dù phải hy sinh.

Nếu tôi cương quyết làm theo ý mình, dù biết ngược với ý Chúa,

thì lòng tôi sẽ chẳng được bình an.

Thiên Chúa muốn vén mở cho tôi biết ý định của Ngài về tôi,

nhưng Ngài đòi tôi cất công tìm kiếm.

Hạnh phúc cho ai tìm thấy ý Chúa sau những đêm dài trăn trở!

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa,

con thường thấy mình không có giờ cầu nguyện,

không có giờ đi vào sa mạc

để ở bên Chúa và trò chuyện với Ngài.

Nhưng thật ra sa mạc ở sát bên con.

Chỉ cần một chút cố gắng của tình yêu

là con có thể tạo ra sa mạc.

Mỗi ngày có biết bao giây phút có thể gặp Chúa

mà con đã bỏ mất :

Khi chờ một người bạn,

chờ đèn xanh ở ngã tư,

chờ món hàng đang được gói.

Khi lên cầu thang,

khi đến nơi làm việc,

khi kẹt xe,

khi cúp điện bất ngờ.

Thay vì bực bội hay nóng ruột

con lại thấy mình sống an bình

trong sự hiện diện của Chúa.

Lạy Chúa,

những sa mạc ngắn ngủi hằng ngày

giúp con tỉnh thức

để nhạy cảm với ý Chúa.

Xin cho con yêu mến Chúa hơn

để tìm ra những sa mạc mới

và vui vẻ bước vào.

(gợi hứng từ Madeleine Delbrêl)

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

 

 

Suy niệm: 

Phân tích

Sau một thời gian thi hành sứ vụ, Chúa Giêsu đã được nhiều người biết đến, trong số đó có kẻ ngưỡng mộ, có kẻ nghịch thù. Chung quanh Ngài cũng có nhiều môn đệ. Bây giờ đến lúc Ngài tuyển chọn một nhóm nòng cốt sẽ lãnh trách nhiệm tiếp nối sứ mạng của Ngài là công bố Tin Mừng cứu độ cho muôn dân.

Trước khi tuyển chọn, Chúa Giêsu đi lên núi và cầu nguyện. Chúa Giêsu thường xuyên cầu nguyện, đặc biệt trong những thời điểm quan trọng. Lần này Ngài cầu nguyện tha thiết hơn và cầu nguyện “suốt đêm”, chứng tỏ việc Ngài sắp làm là hết sức quan trọng, quan trọng đối với sứ vụ của Ngài và quan trọng đối với toàn thể Lịch sử Cứu độ.

Đó là việc gì? Là việc Ngài tuyển chọn trong số môn đệ ra 12 người mà Ngài gọi là Tông đồ.

Khi ghi nhận các Tông đồ được tuyển chọn khỏi hàng ngũ môn đệ, Luca tỏ ra quan tâm tới các tác vụ trong Giáo Hội. Môn đệ là tất cả những ai “đi theo” Chúa Giêsu; còn Tông đồ là những môn đệ được tuyển chọn đặc biệt để làm “cán bộ”. Điều kiện được tuyển chọn là:

a/ Đã từng sống với Chúa Giêsu trong thời gian hoạt động công khai của Ngài, và chứng kiến việc Ngài chết và sống lại;

b/ Được "sai đi" để loan báo Tin Mừng sống lại ấy. Luca dành riêng danh hiệu “Tông đồ” cho nhóm Mười Hai vì chỉ có họ mới hội đủ hai điều kiện này; ngay cả với Phaolô, Luca cũng không gọi ông là “Tông đồ”, vì Phaolô là Tông đồ theo một nghĩa khác hơn.

Suy gẫm

1. Trước khi chọn 12 Tông đồ, Chúa Giêsu đã cầu nguyện suốt đêm. Ta hãy noi gương Chúa Giêsu, thường xuyên cầu nguyện, nhất là trước khi làm một việc gì quan trọng.

2. Mặc dù Chúa Giêsu đã cân nhắc và cầu nguyện nhiều trước khi lựa chọn, nhưng vẫn có một người là Giuđa sau này phản bội Ngài. Khi ơn Chúa không được con người hợp tác thì cũng thất bại.

Ta hãy cầu nguyện cho ơn gọi của chính mình. Xin cho con biết cộng tác với Chúa, để ơn gọi của con ngày càng triển nở tốt đẹp.

Ta hãy cầu nguyện đặc biệt cho Đức Giáo Hoàng và các Đức Giám mục là những đấng kế vị các Tông đồ để chăm sóc đoàn chiên Chúa.

3. Lịch sử ơn cứu rỗi đã được khởi đầu và tiếp diễn bằng những cuộc tuyển chọn. Tất cả những sự lựa chọn của Thiên Chúa đều bất ngờ, vượt trên những tiêu chuẩn lựa chọn thông thường của con người. Từ mười hai người thất học, Chúa Giêsu đã xây dựng Giáo Hội của Ngài. Nền tảng của Giáo Hội không phải là sức riêng của con người mà là sức mạnh của Đấng đã hứa "Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế." Suy niệm về việc Chúa Giêsu tuyển chọn 12 Tông đồ của Ngài, chúng ta được mời gọi để nhận ra thân phận yếu đuối bất toàn của chúng ta, đồng thời nói lên niềm xác tín tuyệt đối vào tình yêu của Ngài.

4. “Đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giuđê, Giêrusalem cũng như miền duyên hải Tia và Xiđôn đến để nghe Ngài giảng và chữa lành bệnh tật” (Lc 6,17-18).

Chúng tôi đã tham gia chiến dịch “Ánh sáng Văn hóa Hè” tại vùng biên giới thuộc tỉnh Tây Ninh. Chúa nhật đầu tiên, chúng tôi phải hỏi thăm đến một giờ rưỡi mới tới được nhà thờ, nơi đó chỉ có một vài gia đình Công giáo và hầu hết thỉnh thoảng mới đi lễ vì nhà thờ quá xa. Mà xa thật, mưa thì lầy lội còn nắng thì bụi mù.

Trên đường đi, chúng tôi cứ nghĩ nhà thờ chắc sẽ ít người. Nhưng khi đến nơi, chúng tôi thấy nhà thờ đã đầy chật người, tuy không rộng. Nơi đây chưa có cha xứ; có một cha từ nơi khác về làm lễ, còn giáo dân đến từ nhiều vùng khác nhau.

Chúng tôi còn được biết ở đây chỉ có một lễ vào sáng Chúa nhật nên nhiều gia đình phải thay phiên nhau đi lễ hằng tuần. Họ ước ao có cha xứ để được dự lễ thường xuyên hơn. Ra về, ai nấy trong chúng tôi đều cảm thấy như được thúc bách đến gần Chúa hơn và cảm thấy hạnh phúc dù có phải đi xa và mệt nhọc.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết tìm kiếm Chúa trong những hoàn cảnh khó khăn nhất.

5. Con người vĩ đại

Phêđêrich Odanam, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng của Giáo Hội Pháp vào cuối thế kỷ thứ 19, đã trải qua một cơn khủng hoảng đức tin trầm trọng khi còn là một sinh viên đại học.

Một hôm để tìm một chút thanh thản cho tâm hồn, anh bước vào một ngôi thánh đường ở Paris. Đứng cuối nhà thờ anh nhìn thấy một bóng đen đang quỳ cầu nguyện cách sốt sắng ở dãy ghế đầu. Đến gần, chàng sinh viên mới nhận ra người cầu nguyện ấy không ai khác hơn là nhà bác học Ampe. Anh đứng lặng lẽ một lúc để theo dõi cử chỉ của nhà bác học. Và khi nhà bác học vừa đứng lên ra khỏi giáo đường, người sinh viên đã theo gót ông về cho đến phòng làm việc của ông.

Thấy chàng thanh niên đang đứng trước cửa phòng với dáng vẻ rụt rè, nhà bác học liền lên tiếng hỏi:
- Anh bạn trẻ, anh cần gì đó? Tôi có thể giúp anh giải một bài toán vật lý nào không?
Chàng thanh niên đáp một cách nhỏ nhẹ:
- Thưa giáo sư, con là một sinh viên khoa văn chương. Con dốt khoa học lắm, xin phép giáo sư cho con được hỏi một vấn đề liên quan đến đức tin!
Nhà bác học mỉm cười một cách khiêm tốn:
- Anh lầm rồi, đức tin là môn yếu nhất của tôi. Nhưng nếu giúp ích được cho anh điều gì, tôi cũng cảm thấy hân hạnh lắm!
Chàng sinh viên liền hỏi:
- Thưa giáo sư, một người có thể vừa là một nhà bác học vĩ đại vừa là một tín hữu cầu nguyện bình thường không?
Nhà bác học ngỡ ngàng trước câu hỏi của người sinh viên, và với đôi môi run rẩy đầy cảm xúc, ông trả lời:
- Con ơi, chúng ta chỉ vĩ đại khi chúng ta cầu nguyện mà thôi!

Bài Ðọc I: (Năm II) 1 Cr 6, 1-11

"Anh em có việc kiện tụng nhau, và đem đến trước mặt người ngoại".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, làm sao trong anh em có người dám đem việc bất bình với kẻ khác ra thưa kiện trước mặt kẻ gian ác, chứ không trước mặt các thánh? Hay anh em lại không biết các thánh sẽ phán xét thế gian này sao? Và nếu anh em có quyền phán xét thế gian, thì anh em không xứng đáng xét xử những việc rất nhỏ mọn như thế sao? Anh em lại không biết chúng ta sẽ phán xét các thiên thần sao, phương chi là các việc đời này?

Vậy nếu anh em phải kiện cáo nhau về những việc đời này, anh em lại cắt đặt những người không đáng kể trong Hội thánh mà xét xử sao? Thật là một điều nhục cho anh em mà tôi phải nói như vậy. Chớ thì trong anh em không có người nào khôn ngoan có thể xét xử giữa anh em sao? Nhưng khi có việc kiện cáo giữa anh em với nhau mà lại đem đến trước mặt người ngoại ư? Nguyên việc anh em kiện tụng nhau, cũng đã là một lỗi rồi. Tại sao anh em không đành chịu một chút bất công? Tại sao anh em không đành chịu một chút thiệt thòi? Trái lại chính anh em ăn ở bất công và lừa đảo, mà lại xử như thế với chính anh em mình. Hay anh em lại không biết rằng: những kẻ gian ác sẽ không được hưởng nước Thiên Chúa sao? Anh em chớ lầm tưởng: những kẻ gian dâm, thờ ngẫu tượng, ngoại tình, xấu nết, loạn dâm, trộm cắp, tham lam, say sưa, vu khống hay bóc lột đều không được hưởng nước Thiên Chúa đâu.

Xưa kia trong anh em đã có ít người như vậy. Nhưng anh em đã được rửa sạch, đã được thánh hoá, đã được công chính hoá, nhân danh Chúa chúng ta là Ðức Giêsu Kitô, và trong Thánh Thần của Thiên Chúa chúng ta.

Từ khóa:

cầu nguyện, gọi là

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận