Một Thoáng Lịch Sử Giáo Phận Phan Thiết

Đăng lúc: Thứ năm - 10/04/2014 14:31 - Người đăng bài viết: admin
Một Thoáng Lịch Sử Giáo Phận Phan Thiết
 

(Trích Kỷ Yếu 25 Năm Gp Phan Thiết 1975 - 2000)

 

Ngày 30.1.1975, Đức Thánh Cha Phaolô VI ký Tông  Sắc thành lập  Giáo  Phận Phan Thiết bao gồm toàn bộ lãnh thổ mà ngày nay là tỉnh Bình Thuận (trước 1975, Bình Thuận được chia thành : Bình Thuận và Bình Tuy) với diện tích 7936Km2.

 

Từ đầu đến ngày thành lập, Bình Thuận là thành phần của các Giáo Phận : Đàng Trong (1659-1844), Đông Đàng Trong hay Qui Nhơn (1844-1905), Tây Đàng Trong hay Sài gòn(1905-1957), Nha Trang (1957-1975). Như vậy đến nay, Giáo Phận Phan Thiết vừa tròn 25 tuổi.

 

Tuy nhiên phải nói ngay rằng để có thể nở ra nụ hoa xương rồng đó, thời kỳ thai nghén đã kéo dài 310 năm (1665-1975), đầy gian khổ hy sinh, đầy mồ hôi nước mắt, thậm chí cả máu đào…Vì thế, như công trình xây dụng và bảo vệ Giáo Hội là sự nghiệp chung của nhiều người và nhiều thế hệ nối tiếp nhau trong lịch sử, một chút thoáng qua nhìn lại quá khứ, sẽ giúp chúng ta rút ra được bài học bổ ích cho hiện tại và tương lai, đặc biệt nhân dịp mừng Ngân Khánh Giáo Phận năm nay.

 

NHÌN LẠI QUÁ KHỨ

 

Cho đến tiền bán thế kỷ  XVIII (1748), Bình Thuận vẫn là vùng đất hoang sơ theo như miêu tả của Đức Cha phụ tá Emond Bennetat :

 

“Chiều dài của Vương quốc Chămpa (Bao gồm Phan Thiết, Phan Rí, Phan Rang) từ phía Nam lên phía Bắc khoảng 6 ngày đường, có nơi chỉ vài tiếng đồng hồ, có nơi thậm chí hầu như chẳng hao công tốn sức gì cả. Nhưng dù là chiều dài hay chiều rộng, thì vương quốc đó bát ngát là những rừng cây trùng trùng điệp điệp, mà phần lớn lãnh thổ chẳng có dân cư nào khác hơn ngoài cọp, voi và những loài thú dữ đại loại như thế. Trên toàn lãnh thổ Chămpa có 6 ngôi Nhà Thờ và một ngôi nhà Nhà Nguyện” (Memorial Indochinois N0 25.tr.761).

 

Chính trên vùng đất có thể nói gần như là hoang mạt này, vào những năm 1665, dù lúc đó còn là lãnh thổ Vương Quốc Chămpa, hạt giống Tin Mừng đã được gieo xuống : tại  Phan Rí đầu năm 1665, người ta đã ghi nhận một cộng đoàn tín hữu rất nhiệt thành với hơn 400 giáo dân, chưa kể 22 tân tòng, đã có mặt (x. Chappoule. Aux Origines d’une Eglise, Roma et les Missions d’Indochine au XVIIe siecle, T.I, Paris 1943, tr.181-182)

 

Phan Rí trong những năm 1665-1697, trở thành cửa ngỏ ra vào và trạm dừng chân của các nhà thừa sai, trước khi đi vào lãnh địa của các Chúa Nguyễn. Ngày 03.02.1665, ba Linh Mục dòng Tên là Pedro Marquez (1613-1679), Ignace Baudet (1618-1679) và Domenico Fuciti (1625-1696), ghé thăm cộng đoàn 400 giáo dân nói trên. Tháng 10.1665 hai linh mục thuộc Hội thừa sai Paris là Louis Chevreuil (1627-1693) và Antoin Hainquez (1639-1670), trước khi đi vào Đàng Trong, đã ghé Phan Rí như trạm dừng chân (x. Nguyễn Văn Trinh, Lược sử Giáo hội Việt Nam, xb.1990. tr.109). Ngày 01.09.1671, trước khi vào vương quốc Đàng Trong, Đức Cha Lambert de la Motte cũng đã phải đi qua cửa ngõ Phan Rí (x Bùi Đức Sinh, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam,t2,tr.33 ; x. Nguyễn Văn Trinh, sđd, tr.117). Năm 1685, người Kitô hữu hầu như đã có mặt trên khắp Bình Thuận : Phan Rí 100 giáo dân, Phan Thiết 1500 và Lagi với 300 giáo dân (x.Kỷ Yếu đ.p Nha Trang, xb. 1972. Tr.7) “Đây chính là địa bàn truyền giáo cực nhọc nhất. Cực nhọc không phải vì con số nhiều Kitô hữu, bởi vì đây chỉ có 7 hoặc 8 cộng đoàn nhỏ bé thôi, mà là vì những khoảng cách xa xôi. Và bởi vì trên đường đi chẳng có làng mạc, chẳng có chỗ nghỉ chân, nên phải nằm ngủ ngay bên ngoài trời, trên cát, và trong suốt cuộc hành trình, ngoài những đồ trang trí cho nhà thờ còn phải mang theo tất cả mọi thứ cần thiết cho cả cuộc sống, ngay cả nước uống và nước nấu cơm…” (x.MI, N0 25, tr. 716).

 

Đến năm 1748, còn khoảng 5, hay 6 cộng đoàn, với khoảng 4 ngôi nhà thờ và một nhà nguyện. Ngôi nhà thờ thứ nhất gần cảng Phan Thiết, với khoảng 100 giáo dân, có lẽ tương ứng với Giáo xứ Lạc Đạo ngày nay (x. Monographie deschretientes de Binh Thuan. Bản đánh máy tại Toà Tổng Giám Mục Sài Gòn, tr.1) Ngôi nhà thờ thứ hai tọa lạc gần Phú Hài, nằm trong khu vực làng Ô-Xâng, có lẽ tương ứng với Kim Ngọc ngày nay, nằm mạng bắc sông Phú Long (MCBT,tr.1). và trực thuộc ngôi nhà thờ số 2 này có lẽ còn một cộng đoàn nữa mà chúng tôi phỏng đoán là cộng đoàn Tầm Hưng, cả 2 với khoảng 300 giáo dân (MCBT tr.8). Ngôi nhà thờ 3 tọa lạc bên kia sông, đối diện với thành Phan Rí trên khu đất có tên Hà Bạc, với khoảng 400 giáo dân (x.MCBT tr.34). Ngôi nhà thờ 4 với khoảng 120 giáo dân có lẽ là cộng đoàn Ma Ó, ngày nay gọi là Hoà Thuận (x. MCBT tr.40). Ngôi nhà nguyện có lẽ là cộng đoàn Sông Lũy (x.MCBT tr.47). Trong thư đề ngày 13.06.1832, cha Thánh Tử đạo Giuse Marchand  (Du) ghi nhận Bình Thuận lúc đó có tới 25 cộng đoàn với khoảng 7000 giáo dân…

 

Trong những năm 1833 đến 1890, mặc dù những cuộc bách hại tại Bình Thuận không gắt gao và đẫm máu như những miền khác trên đất nước Việt Nam, tuy nhiên  những cộng đoàn nhỏ bé trung kiên và anh dũng Kim Ngọc, Tầm Hưng, Ma Ó (Hoà Thuận), Sông Luỹ quả thực đã trải qua những cuộc lửa thử vàng thực sự : lúc đầu chỉ là các kỳ mục có uy tín trong cộng đoàn, về sau tất cả các tín hữu không phân biệt, nếu bị bắt, đều bị giải về giam giữ  trong 3 gian nhà tù quá đỗi chật hẹp tại Phan Rí, thiếu không khí, liên tục bị canh chừng bởi những toán lính hung bạo, bị bỏ đói, ăn mặc rách rưới, tự mình phải tìm cách để nuôi thân… và một số không nhỏ trong những người này đã chết vì đói khát và những đối xử tàn tệ trong tù (x.MCBT, tr.10-11MI, N0 25, tr.717-729). Từ đầu năm 1884, lại một cơn bão táp khủng khiếp nữa, do phong trào Văn Thân ở vùng này gây ra, có nguy cơ quét sạch hầu như tất cả các cộng đoàn nhỏ bé ở vùng này. Bốn cộng đoàn Kim Ngọc, Tầm Hưng, Ma Ó và Sông Luỹ sau biến cố này phải bắt đầu lại từ  hai bàn tay trắng, tất cả tài sản vật chất đều bị cướp bóc và đốt phá. (x.MCBT,tr16-16.40.47)

 

Khoảng thời gian từ 1890 đến 1954 tình hình tương đối yên tĩnh, sự có mặt của ông Đốc Phủ Nghiêm, thừa sai Archimbaud, linh mục Giuse Huỳnh Ngọc Aån đã giúp cho các cộng đoàn ở đây vừa củng cố vừa sinh sôi thêm những cộng đoàn mới và nòng cốt là hai cộng đoàng Kim Ngọc và Tầm Hưng (x.MCBT tr.8) tạo ra một phong trào tòng giáo ồ ạt mạnh mẽ. Cho đến năm 1911, vùng Bình Thuận có đến 16 cộng đoàn, với khoảng 3081 giáo dân, đó là các cộng đoàn Kim Ngọc, Tầm Hưng, Ma Ó(Hoà Thuận), Lagi (Tân Lý), Phan Rí, Phố Hài, Lạc Đạo, Phú Lâm, Phú Hội, Sông Luỹ, Hoà Lượng(Lương Sơn) Phan Thanh, Đồng Mới, Cù Mi, Cù Mi Cửa, Mũi Né Rạng. Năm 1954, chỉ còn 14 cộng đoàn (ba cộng đoàn Phan Thanh, Đồng Mới, Cù Mi Cửa bị xoá sồ, thêm một cộng đoàn mới là Long Hương). Phong trào tòng giáo ồ ạt như những năm 1890 chấm dứt với sự ra đi của ông Đốc Phủ Nghiêm và thừa sai Archimbaud. Thời kỳ này sự tăng triển của giáo dân chủ yếu qua con đường sinh sản và hôn nhân…

 

Từ 1955, trong số 650.000 giáo dân miền Bắc di cư vào Nam, có khoảng 20.500 định cư tại Bình Thuận (15.000 gốc Vinh, 2-500 gốc Thanh Hoá và 3000 gốc Hải Phòng) đã cùng chen vai sát cánh với các cộng đoàn địa phương, tạo ra một dung mạo mới, một khí thế mới cho Giáo Hội vùng này. Tiếp đến, trong những năm 1957-1963 trên cơ sở chính sách dinh điền, một làn sóng dân mới từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Huế, Hố Nai, Phước Long… tràn vào Bình Tuy, tỉnh vừa mới tách ra từ tỉnh Bình Thuận theo Nghị định 29.06.1957, và trong thời gian này dấy lên một phong trào tòng giáo mạnh mẽ và rộng lớn hầu như khắp Miền Nam.

 

Năm 1964, cả Bình Thuận đã có đến 35 Giáo xứ, qui tụ quanh hai Giáo hạt (Phan Thiết và Thanh Hải ) với 49.773 giáo dân, đó là các Giáo xứ : Phan thiết, Vinh Lưu, Thọ Ninh (Thọ Tràng), Thuận Nghĩa, Tân Lý, Tân Lập, Vinh Tân, Thanh Xuân, Hiệp Nghĩa, Cù Mi, Huy Khiêm, Võ Đắt, Tư Tề, Võ  Xu, Mepu-Thuận Đức, Duy Cần (Gia An) Chính Tâm 1 (Chính Tâm), Chính Tâm 2 (Thánh Tâm), Long Hương, Phan Rí Cửa, Long Lễ (Long Hà),  Sông Mao, Ma Ó (Hoà Thuận), Lương Sơn, Kim Ngọc, Tầm Hưng, Ma Lâm, Mũi Né, Sao Biển (Rạng), Phú Hài, Thanh Hải, Vinh Thủy, Vinh Phú, Đông Hải (x. Niên Giám 1964.tr.249-250). Trong những năm 1964-1975 xuất hiên thêm 17 cộng đoàn, đó là các Giáo xứ : Hiệp An, Long Hoa, Thánh Tâm(Quân đội) Phước An, Tánh Linh, Vinh Thanh, Đồng Tiến, Bình An, Vinh An, Hoà Vinh, Hiệp Đức, Tân Châu, Gio Linh,  Tin Mừng, Phục Sinh, Thánh Linh, Đông Hà.

 

Chính đà phát triển mạnh mẽ đó, từ năm 1970,  Đức  Cha F.X. Nguyễn Văn Thuận đã có ý định phân chia Giáo Phận Nha Trang thành hai Giáo Phận : Nha Trang và Phan Thiết. Công việc chuẩn bị được khẩn trương tiến hành : nhân sự và cơ sở vật chất.

 

Thế là ngày 30.01.1975, Đức Thánh Cha Phaolô VI ký Tông Sắc phân đôi Giáo Phận Nha Trang, lấy hai tỉnh Bình Thuận và Bình Tuy lập thành Giáo Phận Phan Thiết. Đó là đứa con thứ 25 của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam.

 

25 NĂM GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

 

Như nụ hoa xương rồng trên vùng cát nóng bỏng, Giáo Phận Phan Thiết đã được cưu mang ròng rã suốt 310 năm (1665-1975), và đến khi chào đời được sinh ra trong những hoàn cảnh hết sức phức tạp, tế nhị và khó khăn : Cuộc chiến tranh Việt Nam bước vào  giai đoạn mới, với những dấu hiệu cho thấy một cuộc chuyển giao quyền hành chinh trị sắp diễn ra ở Miền Nam Việt Nam.

 

Cùng với Tông Sắc thành lập Giáo Phận Phan Thiết  được Đức Thánh Cha Phaolô VI ký ngày 31.01.1975, với Quyết Định số 1538/75 ký ngày 29.3.1975 của Toà Thánh và Quyết Định của Đức Khâm Sứ Henri Lemaitre ký ngày 30.3.1975, ngày 17.4.1975, trong tin yêu phó thác và bom đạn, Đức Cha Nicolas Huỳnh Văn Nghi đã về nhận nhiệm sở mới là Giáo Phận Phan Thiết với tư cách là Giám Quản Tông Toà. Và ngày 6.12.1979, với Tông Sắc được ký cùng ngày của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Đức Cha Nicolas trở thành Giám Mục Chính Toà tiên khởi của Giáo Phận Phan Thiết. Với những định hướng rõ rệt ngay từ đầu, trong suốt 25 năm qua, Vị Chủ Chăn của Giáo Phận đã xây dựng Giáo Phận theo mẫu Vị Hiền Thê và Thân Thể của Đức Kitô là Hội Thánh, nghĩa là xây dựng :

 

1. Một Giáo Phận duy nhất và hiệp nhất : hiệp nhất giữa giáo dân với nhau, giữa linh mục với nhau, giữa giáo dân và linh mục, và giữa mọi thành phần dân Chúa với Giám mục của mình…

 

2. Một Giáo Hội thánh thiện : thành một cộng đoàn Đức Tin, Đức Cậy, Đức Mến để  nên phượng tiện cứu độ cho mọi người…

 

3. Một Giáo Phận Công Giáo : nghĩa là chung cho mọi người, sẵn sàng đón nhận mọi người, và trong đó mọi người đều được đối xử bình đẳng  và đồng trách nhiệm, loại trừ  óc bè phái cục bộ địa phương…

 

4. Một Giáo Phận Tông Truyền : như các cộng đoàn tín hữu thuở sơ khai “ Chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, và luôn hiệp nhất với nhau”(Cv2,42), nghĩa là trên nền  tảng các Tông  Đồ và người kế vị các ngài là các Giám Mục, Tông Truyền còn có nghĩa là được “sai đi loan báo Tin Mừng”, vì thế Giáo Phận  coi việc truyền giáo như là ơn riêng, là ơn gọi, là lẽ sống, là bản chất và là căn tính của mình … (lời của Đức Giám Mục)

 

GIAI ĐOẠN 1975-1986

 

Đặc điểm của thời kỳ này là dè dặt và thận trọng. Việc đi lại của Giám Mục và Linh mục không thuận lợi, một số sinh hoạt tôn giáo bình thường (dạy và học giáo lý, tập hát…) sinh hoạt ở mức tối thiểu, một số nhà thờ bị tạm ngưng hoạt động : Vinh Thủy, Tư Tề (1978), Vinh Phú, Vinh An (1979), Long Hương, Thanh Hải (1980), Tánh Linh (1983), một số linh mục đi học tập cải tạo : 7 Linh Mục (1976), 3 Linh Mục (1978), 3 Linh Mục 1979-1980… Đó là những điều có thể hiểu được trong thời hậu chiến ở một số quốc gia trên thế giới, và là hậu quả của một quá khứ trong bối cảnh đặc thù tại Việt Nam.

 

Về phía Giáo Hội, đây có thể nói là thời kỳ mà những đặt tính Duy nhất, Thánh Thiện, Công giáo và Tông  Truyền được biểu lộ rõ nét nhất và mạnh mẽ nhất trong mối quan hệ giữa các thành phần dân Chúa trong  Giáo Phận. Trong điều kiện đi lại khó khăn, những tập Giáo Huấn của Đức Giám Mục (bắt đầu từ năm 1979), ngắn gọn nhưng rất xúc tích và cụ thể, được vang lên hàng tuần trong các Giáo xứ  đã khiến cho người chủ chăn khiêm tốn của Giáo Phận “hiện diện cách hữu hình giữa đoàn chiên thân yêu của mình”(x. Giáo huấn 1979, lời ngỏ) và đã trở thành như là công cụ đào tạo và huấn luyện cho cộng đoàn dân Chúa một cách rất hữu hiệu.  Đàng khác, trong nỗ lực xây dựng và bảo vệ đức tin và các cộng đoàn, việc giảng dạy giáo lý được đặt lên ưu tiên hành đầu.

 

GIAI ĐOẠN 1986-2000

 

Đặc điểm thời kỳ này là cố gắng đối thoại và hiểu biết nhau hơn… Trong bầu khí đó, các mâu thuẫn khó khăn từ từ được tháo gỡ. Một số Linh mục học tập cải tạo được trở về. Một số lớn nhà thờ bị tạm ngưng hoạt động được sinh hoạt lại bình thườn; việc giảng dạy giáo lý cần được thực hiện đều khắp trong Giáo Phận, song hành với việc huấn luyện các Giáo Lý Viên cách bài bản. Một số thiện hội cũng được thành lập đã trở thành phương tiện sống đức tin và truyền bá Tin Mừng (như Bà Mẹ, Gia Trưởng, Legio…)

 

Đặc biệt trong thời gian khoảng 9 năm (1991-2000), 45 ngôi nhà thờ và nhà nguyện trong Giáo Phận đã được xây mới (1991 : 7 nhà thờ, 1992 : 8 nhà thờ, 1993 : 2 nhà thờ, 1994 : 1 nhà thờ, 1995 : 7 nhà thờ, 1996 : 1 nhà thờ, 1997 : 5 nhà thờ, 1998 : 7 nhà thờ, 1999 : 7 nhà thờ ). Trong đó có 4 ngôi nhà nguyện được xây dựng ở những địa điểm hoàn toàn mới, như : Hàm Minh, Tân Minh, Tà Mon, Hồng Liêm. Ngoài ra phần lớn Giáo xứ đã xây dựng hoặc tu sửa lại nhà xứ, nhà giáo lý. Các cộng đoàn tu sĩ mở nhà trẻ nhà nội trú, lớp mẫu giáo, lớp tình thương nhằm phục vụ giới nghèo. Ngoài ra, Giáo Phận đã thực hiện nhiều công trình xã hội, từ thiện và phát triển như : đập nước, cầu cống, đường sá, giếng nước, nhà tình thương, cho vay vốn nuôi bò, mua giống, xoá đói giảm nghèo… (x. Thư mục vụ 01.02.2000)

 

Những nỗ lực truyền giáo và tái truyền giáo trực tiếp và gián tiếp đã tạo ra được một phong trào tòng giáo và tái tòng giáo rất mạnh mẽ trong Giáo Phận, khiến con số từ 68.110 năm 1975 đến nay năm 2000 đã lên tới 132.716 người, rải rác trong 5 giáo hạt, 49 giáo xứ và 37 giáo họ, đồng thời chúng củng cố thêm đức tin các tín hữu và tạo thêm uy tín cho Giáo Hội đối với nhiều người.

 

Về mặt nhân sự, con số linh mục, đại chủng sinh, tu sĩ  cũng gia tăng đáng kể : Năm 1975 : linh mục 52, đại chủng sinh 18, dự tu 0, nam tu sĩ 13, nữ tu sĩ 104 ; năm 2000 : linh mục 66, đại chủng sinh 30, dự tu 86, nam tu sĩ 45, nữ tu sĩ 198. Trong thư mục vụ ngày 01.02.2000 kỷ niệm 25 năm Giáo phận Phan Thiết, Đức Giám Mục Giáo Phận đã viết :

“Là một hạt cải nhỏ bé lúc ban đầu, Giáo Phận chúng ta đã nẩy mầm và mọc lên thành cây. Chúng ta hết lòng cảm tạ Thiên Chúa vì đã giữ gìn và hỗ trợ Giáo Phận tăng trưởng như ý Chúa muốn. Chúng ta sẽ cố gắng sống  tốt để  đáp lại Tình yêu của Người”

 

Trong tâm tình đó, Giáo  Phận hướng về tương lai với tràn đầy Tình yêu, niềm tin và hy vọng.

 

HƯỚNG VỀ TƯƠNG LAI

 

Nếu tạm lấy mốc hạt giống Tin Mừng được gieo vãi trên mảnh đất Bình Thuận khô cằn và cát bỏng này, thì đến nay đã 335 năm trôi qua (1665-2000) và một thoáng lịch sử trên  đây đủ cho phép chúng ta đưa ra một số nhận định khách quan và một số bài học lịch sử quan trọng và hữu ích cho hiện tại và tương lai :

 

1. Công cuộc truyền giáo sẽ đạt được những hiệu quả cao nhất và tạo ra một phong trào mạnh mẽ, khi Giáo Hội chứng tỏ được mình mang trong mình sức mạnh của Tình yêu và trở thành chỗ nương tựa, nơi ẩn náu cho những người nghèo, bấùt hạnh bị áp bức cả tinh thần lẫn vật chất, hay nói cách khác, Giáo Hội thực hiện 3 chức năng (tư tế, ngôn sứ và phục vụ) của mình cách triệt để.

 

2. Về nhân sự, cần có những con người quan tâm, tha thiết và hăng say với công cuộc truyền giáo (Giám mục, Linh Mục, Tu sĩ và giáo dân), nhất là những con người biết phối hợp việc rao giảng với chứng từ của đời sống, vì như Đức Phaolô VI đã viết trong Tông Huấn Loan Tin Mừng là: “Người đương thời sẵn sàng lắng nghe những nhân chứng hơn là những thầy dạy hoặc nếu có nghe những thầy dạy, thì bởi vì chính thầy cũng là những nhân chứng” (số 41).

 

3. Tính tổ chức và tính đồng bộ là điều thiết yếu cho công cuộc truyền giáo đạt được những hiệu quả cao và rộng khắp : đó là điều đã được thể hiện phần nào trong phong trào tòng giáo và tái tòng giáo trong giai đoạn 1986-2000.

 

4. Vấn đề tiền và hậu tòng giáo, tình trạng bội giáo gần như đồng loạt sau những đợt tòng giáo ồ ạt của hai đợt đầu(1890-1900 và 1945-1963) nguyên nhân là do các tân tòng không được trang bị về mặt giáo lý trước và sau tòng giáo. Điều đáng mừng là trong suốt 25 năm qua, Giáo Phận đã đặt vấn đề dạy giáo lý (tổng quát, hôn nhân và tân tòng) lên một trong những ưu tư hàng đầu của mình.

 

Chính nhờ tiếp thu của những kinh nghiệm quá khứ đó, cùng với những nỗ lực vừa học vừa làm và tinh thần hiệp nhất của mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo Phận,  trong 25 năm qua, Giáo Phận đã không ngừng tăng trưởng và phát triển cả về chất lẫn về lượng.

 

Trên cơ sở đó, Giáo Phận có thể ngẩng cao đầu hướng về tương lai, tràn đầy niềm hy vọng. Giáo Phận Phan Thiết quả như một nụ xương rồng vàng óng, vẫn lung linh khoe sắc, dù dưới nắng mặt trời đốt cháy trên vùng đất khô cằn và nóng bỏng này, khiêm tốn nép mình bên vệ đường như một bông hoa dại gây sững sờ cho không biết bao nhiêu du khách qua đường.
 

Nguồn tin: Kỷ Yếu 25 Năm Giáo Phận Phan Thiết

Tác giả bài viết: Kỷ Yếu 25 Năm Giáo Phận Phan Thiết
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 8 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận