Tình Cha Tháng 5 năm 2018

Đăng lúc: Thứ ba - 01/05/2018 23:05 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

Liên Lạc Gia Trưởng

Giáo Phận Phan Thiết

 

Tháng 5/2018- Số 180-Năm Thứ 16

 

PDF

    

Tình  Cha

 

THƯ GỞI GIA TRƯỞNG

 

Anh em gia trưởng thân mến,

 

1- Tháng 5 là tháng Hoa dâng Mẹ. Hòa với lòng yêu mến sùng kính Đức Trinh Nữ Maria của mọi thành phần dân Chúa, gia trưởng cùng hiệp thông sốt sắng trong các việc đạo đức : kiệu Đức Mẹ, dâng hoa, lần hạt Mân Côi, kinh liên gia… để thánh hóa bản thân và gia đình, nhất là cho các gia đình trẻ. Anh em hãy lần chuỗi hằng ngày trong tháng này, như việc suy niệm Tin Mừng. Vì Kinh Mân Côi, dầu rõ ràng gắn liền với Đức Maria, chủ yếu là một lời kinh lấy Đức Kitô làm trung tâm. Qua vẻ giản dị của các yếu tố, lời kinh có được chiều sâu của toàn bộ sứ điệp Tin mừng, mà ta có thể gọi là một bản tóm lược.” (Thánh Gioan Phaolô II, Tông thư Kinh Mân Côi, số 1)

Hãy lần hạt với các gia đình trẻ và cho các gia đình trẻ, như lời khuyên của thánh giáo hoàng : “Chúng ta cần phải quay lại với thói quen cầu nguyện trong gia đình và cầu nguyện cho gia đình, khi tiếp tục sử dụng Kinh Mân Côi.(Tông thư Kinh Mân Côi, số 41)

 

 

2- Tháng 5 giáo phận Phan Thiết có việc thuyên chuyển Linh Mục. Các Cha rời giáo xứ thân yêu, đến nhiệm sở mới. Nhiều đoàn chiên chia tay Cha Sở-“chủ chăn riêng” của mình, để đón nhận mục tử mới mà Đức Cha, Chủ chăn giáo phận sai đến. Sẽ có sự khác biệt cách nào đó trong mục vụ mà chúng ta cần làm quen, đón nhận, thích nghi… cả mục tử và đàn chiên.

Sau khi về trời, Chúa Giêsu dùng các mục tử nhân trần để trực tiếp hướng dẫn đoàn chiên Chúa, nhưng Ngài luôn là Mục Tử tối cao của chúng ta. Mục tử nhân trần có thể thay đổi, đôi khi không còn, nhưng Mục Tử tối cao luôn là chủ chăn duy nhất của chúng ta, Đấng “hôm qua, hôm nay và mãi mãi” (Dt 13, 8); và đoàn chiên là đoàn chiên của Chúa: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy.” (Ga 21, 16)

Đàn chiên đón nhận mục tử nhân trần như mục tử hữu hình của Mục Tử Tối Cao là Đức Kitô-Đấng vô hình hiện diện giữa chúng ta, sẽ thấy sự thay đổi không có gì khác biệt nghiêm trọng; và mục tử nhân trần thi hành việc chăm sóc đoàn chiên Chúa ủy thác cho mình, theo gương và trong cương vị Đức Kitô, sẽ có tính thống nhất, liên tục trong các nhiệm kỳ của mục tử…

Chúng ta cầu nguyện và cầu chúc cho các mục tử được Đức Cha sai đến các giáo xứ “cho đoàn chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10); cùng mọi tín hữu biết đón nhận các Linh Mục Chúa ban, như “là đón nhận Thầy.” (Mt 10, 40) !

 

 

3- Quí một vừa kết thúc với đề tài cho các gia đình trẻ“Hôn nhân là một hành trình dài, trong đó mọi người phải gạt đi những ảo tưởng để đón nhận bạn đời của mình như họ là và cùng nhau hoàn thiện hơn đời sống gia đình.” Ảo tưởng có thể có là chỉ nhìn thấy “hoa hồng” của ngày cưới, mà chưa thấm thía với “gai nhọn” của nó. Những năm đầu sống chung, bạn trẻ sẽ bước vào thực tế mà ĐTC Phanxicô cảnh tỉnh: “Gia đình không phải là một cuộc hành trình xuôi chảy, không có xung đột, không phải thế, chẳng vậy thì chẳng phải là con người. Đó là một cuộc du hành cam go, nhiều khi khó khăn, nhiều khi xung đột, nhưng cuộc sống là như thế!...”  Các thành viên gia đình làm gì khi gặp thách đố ? Hãy “biết kiên nhẫn, hiểu biết, hy sinh và quảng đại như Đức Cha Tôma đã định hướng cho quí II, theo thư chung của HĐGMVN, và thực hành lời dạy của các vị giáo hoàng :

-“Các đôi vợ chồng cãi nhau là chuyện bình thường. Thường vẫn xảy ra như thế. Nhưng tôi khuyên anh chị em : đừng bao giờ kết thúc một ngày mà không làm hòa với nhau. Không bao giờ.” (ĐTC Phanxicô)

-“Các gia đình ngày nay phải trấn tỉnh lại! Phải theo Chúa Kitô!” (Tông huấn Gia Đình. số 86)

- “Trong những ngày giờ cay đắng của gia đình, việc kết hợp với Đức Giêsu bị bỏ rơi có thể giúp tránh được sự đổ vỡ.” (Tông huấn Niềm Vui của Tình Yêu. số 317).

 

 

 

CÙNG HỌC PHỤNG VỤ

 

Bài 09

 

BÍ TÍCH XỨC DẦU BỆNH NHÂN

 

1- Tên gọi

 

Xưa gọi là “Phép Xức Dầu Thánh”, nay gọi rõ ràng hơn là Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân.

 

2- Người ban

Chỉ có các tư  tế (Giám mục hay linh mục) mới có thể trao ban Bí tích này. (TYGL. 317)

 

3- Người nhận

Mọi tín hữu đều có thể lãnh nhận Bí tích này, khi họ bắt đầu lâm cơn nguy tử do bệnh tật hay già yếu. Chính người đó có thể lãnh nhận Bí tích này nhiều lần nữa, khi bệnh trở nặng hay mắc phải một cơn bệnh nặng khác. Nếu có thể được, nên cho bệnh nhân xưng tội riêng,  trước khi cử hành Bí tích này. (TYGL. 316)

 

4- Nghi thức chính yếu

Việc cử hành Bí tích này chính yếu là việc xức dầu, nếu có thể được là dầu do Giám mục làm phép, trên trán và hai bàn tay của bệnh nhân (trong nghi thức Rôma) và trên các phần thân thể khác (trong các nghi thức khác). Việc xức dầu có kèm theo lời nguyện của vị tư  tế cầu xin ân sủng đặc biệt của Bí tích này. (TYGL. 318)

 

5- Hiệu quả

Bí tích này mang lại một ân sủng đặc biệt, giúp bệnh nhân được kết hợp chặt chẽ hơn với  cuộc khổ nạn của Đức Kitô, để mưu ích cho bản thân và cho toàn thể Hội thánh.

Ân sủng này mang lại cho bệnh nhân sức mạnh, bình an, can đảm và ơn tha thứ tội lỗi nếu bệnh nhân không thể xưng tội được. Đôi khi, nếu Thiên Chúa muốn, Bí tích này cũng đem lại sự chữa lành thân xác. Dầu sao đi nữa, Bí tích Xức dầu bệnh nhân chuẩn bị cho một cuộc vượt qua để tiến về Nhà Cha. (TYGL. 319)

 

*Tìm hiểu thêm

 

Trong Cựu Ước, con người trong khi bị đau yếu, cảm nghiệm được sự hữu hạn của mình,  đồng thời cũng nhận ra bệnh tật có liên hệ cách bí nhiệm với tội lỗi. Các tiên tri đã thoáng nhận ra rằng bệnh tật cũng có thể có một giá trị cứu chuộc các tội lỗi cá nhân của mình và của người khác. Vì thế người ta đón nhận bệnh tật trước tôn nhan Thiên Chúa và kêu cầu Ngài  chữa lành.  (TYGL. 313)

Lòng trắc ẩn của Chúa Giêsu đối với các bệnh nhân và nhiều việc chữa lành Người đã thực hiện là một dấu chỉ chứng tỏ, nơi Người, Nước Thiên Chúa đã đến, và như vậy, đã đến lúc chiến thắng tội lỗi, đau khổ và cái chết. Bằng cuộc khổ nạn và cái chết của Người, Chúa  Giêsu đem lại cho đau khổ một ý nghĩa mới, đó là, nếu được kết hợp với sự đau khổ của Người, thì đau khổ có thể trở thành một phương tiện thanh luyện và cứu độ cho chúng ta và cho những người khác. (TYGL. 314)

Khi nhận nơi Chúa mệnh lệnh chữa lành các bệnh nhân, Hội thánh cố gắng chăm sóc và cầu nguyện cho các bệnh nhân. Đặc biệt, Hội thánh có một Bí tích đặc biệt dành cho các bệnh nhân, do chính Đức Kitô thiết lập và thánh Giacôbê chứng nhận : “Ai trong anh em đau yếu ư ? Người ấy hãy mời các kỳ mục trong Hội thánh đến và họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa,” (Gc 5, 14-15). (TYGL. 315)

 

Của Ăn đàng là Bí tích Thánh Thể được trao ban cho những người sắp rời bỏ cuộc sống trần gian và đang chuẩn bị cho cuộc vượt qua tiến vào đời sống vĩnh cửu. Được lãnh nhận vào lúc sắp rời bỏ thế gian để về với Chúa Cha, việc rước Mình và Máu Đức Kitô tử nạn và phục sinh là mầm giống cho đời sống vĩnh cửu và sức mạnh phục sinh. (TYGL. 320)

 

Lm. Phêrô Nguyễn Hữu Duy

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận