Cùng học phụng vụ bài 9 & 10

Đăng lúc: Thứ tư - 30/05/2018 20:11 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

PHẦN II-PHỤNG VỤ

Bài 09

BÍ TÍCH XỨC DẦU BỆNH NHÂN

 

PDF

 

1- Tên gọi

Xưa gọi là “Phép Xức Dầu Thánh”, nay gọi rõ ràng hơn là Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân.

2- Người ban

Chỉ có các tư  tế (Giám mục hay linh mục) mới có thể trao ban Bí tích này. (TYGL. 317)

3- Người nhận

Mọi tín hữu đều có thể lãnh nhận Bí tích này, khi họ bắt đầu lâm cơn nguy tử do bệnh tật hay già yếu. Chính người đó có thể lãnh nhận Bí tích này nhiều lần nữa, khi bệnh trở nặng hay mắc phải một cơn bệnh nặng khác. Nếu có thể được, nên cho bệnh nhân xưng tội riêng,  trước khi cử hành Bí tích này. (TYGL. 316)

4- Nghi thức chính yếu

Việc cử hành Bí tích này chính yếu là việc xức dầu, nếu có thể được là dầu do Giám mục làm phép, trên trán và hai bàn tay của bệnh nhân (trong nghi thức Rôma) và trên các phần thân thể khác (trong các nghi thức khác). Việc xức dầu có kèm theo lời nguyện của vị tư  tế cầu xin ân sủng đặc biệt của Bí tích này. (TYGL. 318)

5- Hiệu quả

Bí tích này mang lại một ân sủng đặc biệt, giúp bệnh nhân được kết hợp chặt chẽ hơn với  cuộc khổ nạn của Đức Kitô, để mưu ích cho bản thân và cho toàn thể Hội thánh.

Ân sủng này mang lại cho bệnh nhân sức mạnh, bình an, can đảm và ơn tha thứ tội lỗi nếu bệnh nhân không thể xưng tội được. Đôi khi, nếu Thiên Chúa muốn, Bí tích này cũng đem lại sự chữa lành thân xác. Dầu sao đi nữa, Bí tích Xức dầu bệnh nhân chuẩn bị cho một cuộc vượt qua để tiến về Nhà Cha. (TYGL. 319)

*Tìm hiểu thêm

Trong Cựu Ước, con người trong khi bị đau yếu, cảm nghiệm được sự hữu hạn của mình,  đồng thời cũng nhận ra bệnh tật có liên hệ cách bí nhiệm với tội lỗi. Các tiên tri đã thoáng nhận ra rằng bệnh tật cũng có thể có một giá trị cứu chuộc các tội lỗi cá nhân của mình và của người khác. Vì thế người ta đón nhận bệnh tật trước tôn nhan Thiên Chúa và kêu cầu Ngài  chữa lành.  (TYGL. 313)

Lòng trắc ẩn của Chúa Giêsu đối với các bệnh nhân và nhiều việc chữa lành Người đã thực hiện là một dấu chỉ chứng tỏ, nơi Người, Nước Thiên Chúa đã đến, và như vậy, đã đến lúc chiến thắng tội lỗi, đau khổ và cái chết. Bằng cuộc khổ nạn và cái chết của Người, Chúa  Giêsu đem lại cho đau khổ một ý nghĩa mới, đó là, nếu được kết hợp với sự đau khổ của Người, thì đau khổ có thể trở thành một phương tiện thanh luyện và cứu độ cho chúng ta và cho những người khác. (TYGL. 314)

Khi nhận nơi Chúa mệnh lệnh chữa lành các bệnh nhân, Hội thánh cố gắng chăm sóc và cầu nguyện cho các bệnh nhân. Đặc biệt, Hội thánh có một Bí tích đặc biệt dành cho các bệnh nhân, do chính Đức Kitô thiết lập và thánh Giacôbê chứng nhận : “Ai trong anh em đau yếu ư ? Người ấy hãy mời các kỳ mục trong Hội thánh đến và họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa,” (Gc 5, 14-15). (TYGL. 315)

Của Ăn đàng là Bí tích Thánh Thể được trao ban cho những người sắp rời bỏ cuộc sống trần gian và đang chuẩn bị cho cuộc vượt qua tiến vào đời sống vĩnh cửu. Được lãnh nhận vào lúc sắp rời bỏ thế gian để về với Chúa Cha, việc rước Mình và Máu Đức Kitô tử nạn và phục sinh là mầm giống cho đời sống vĩnh cửu và sức mạnh phục sinh. (TYGL. 320)

 

Lm. Phêrô Nguyễn Hữu Duy

 

 

PHẦN II-PHỤNG VỤ

Bài 10

BÍ TÍCH TRUYỀN CHỨC THÁNH

 

PDF

 

1- Tên gọi

Từ Ordo chỉ một phẩm trật của Hội thánh; người gia nhập vào phẩm trật đó phải được thánh hiến đặc biệt (Ordinatio). Nhờ hồng ân đặc biệt của Chúa Thánh Thần, việc thánh hiến này cho phép người thụ phong được thực thi một quyền thánh chức nhân danh và với thẩm quyền của Đức Kitô để phục vụ Dân Thiên Chúa. (TYGL. 323; x. GLVD-trang 144-145)

2- Người ban

Chỉ có các Giám mục đã được tấn phong thành sự, với tư cách là người kế nhiệm các Tông đồ, mới có quyền tấn phong ba cấp bậc của Bí tích Truyền chức thánh. (TYGL. 332)

3- Người nhận

Chỉ có những người nam đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội mới có thể lãnh nhận thành sự Bí tích Truyền chức. Hội thánh biết mình bị ràng buộc với sự chọn lựa của chính Chúa. Không ai có quyền đòi hỏi được lãnh nhận Bí tích Truyền chức. Nhưng chỉ có thẩm quyền của Hội thánh mới đưa ra phán quyết về khả năng của các ứng viên. (TYGL. 333)

4- Nghi thức chính yếu

Cho cả ba cấp bậc, Bí tích Truyền chức thánh được trao ban qua việc Giám mục đặt tay trên đầu tiến chức, rồi long trọng đọc lời nguyện truyền chức. Qua lời nguyện này, Giám mục cầu xin Thiên Chúa đổ tràn Chúa Thánh Thần với các hồng ân của Ngài một cách đặc biệt trên tiến chức, giúp thực thi thừa tác vụ mà tiến chức phải đảm nhận. (TYGL. 331)

5- Hiệu quả

Bí tích Truyền chức thánh đem lại sự tràn đầy ân sủng đặc biệt của Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho người được thánh hiến – thích ứng với từng cấp bậc của Bí tích – nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô trong phận vụ của Người là Tư tế, Tiên tri và Vương đế. Bí tích Truyền chức thánh trao ban một ấn tín thiêng liêng không thể tẩy xóa, vì vậy không thể tái ban, cũng như không thể chỉ trao ban (để thi hành) trong một khoảng thời gian giới hạn. (TYGL. 335)

Việc truyền chức Giám mục trao ban sự viên mãn của Bí tích Truyền chức. Bí tích này làm cho Giám mục trở thành người kế nhiệm hợp pháp của các Tông đồ và hội nhập ngài vào Giám mục đoàn, chia sẻ với Đức Giáo hoàng  và các Giám mục khác sự quan tâm chăm sóc cho toàn thể Hội thánh. Bí tích này trao ban cho Giám mục trách vụ giảng dạy, thánh hóa và cai quản. (TYGL. 326)

Việc xức dầu bằng Chúa Thánh Thần ghi nơi Linh mục một ấn tín thiêng liêng không thể tẩy xóa, khiến ngài nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô-Tư Tế, và trao cho ngài khả năng hoạt động nhân danh Đức Kitô-Thủ Lãnh. Là cộng sự viên của hàng Giám mục, linh mục được thánh hiến để loan báo Tin Mừng, cử hành việc phụng thờ Thiên Chúa, nhất là Bí tích Thánh Thể; từ đó ngài rút được sức mạnh cho thừa tác vụ của mình và cho nhiệm vụ là mục tử của các tín hữu. (TYGL. 328)

Được đồng hình đồng dạng với Đức Kitô-tôi tớ cho mọi người, vị Phó tế được truyền chức để phục vụ Hội thánh. Dưới quyền Giám mục mình, phó tế thực thi việc phục vụ trong thừa tác vụ Lời Chúa, việc phụng thờ Thiên Chúa, trong trách nhiệm mục vụ và bác ái. (TYGL. 330)

*Tìm hiểu thêm

Bí tích Truyền chức thánh gồm có ba cấp bậc, không thể thay thế trong cơ cấu tổ chức của Hội thánh,  đó là chức Giám mục, chức linh mục và chức phó tế. (TYGL. 325)

 

Lm. Phêrô Nguyễn Hữu Duy     

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận