Cùng học phụng vụ bài 12

Đăng lúc: Thứ tư - 01/08/2018 15:44 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

CÙNG HỌC GIÁO LÝ

 

PHẦN II-PHỤNG VỤ

Bài 12 (bài cuối)

NHỮNG VIỆC PHỤNG VỤ KHÁC

 

PDF

 

 

1- Kinh Phụng Vụ

 

Các Giờ kinh Phụng vụ – Kinh nguyện công khai và thường xuyên của Hội thánh – là lời cầu nguyện của Đức Kitô cùng với Thân Thể Người. Nhờ Các Giờ kinh Phụng vụ, Mầu nhiệm của Đức Kitô, mà chúng ta cử hành trong Thánh lễ, thánh hóa và làm thay hình đổi dạng thời gian của mỗi ngày. Các Giờ kinh Phụng vụ được kết thành chủ yếu từ các Thánh Vịnh, các bản văn khác của Thánh Kinh, cũng như những bài đọc của các Giáo phụ và các tôn sư linh đạo.  (TYGL. 243)

 

2-Á Bí tích

 

Là những dấu chỉ thánh thiêng do Hội thánh thiết lập để thánh hóa một số hoàn cảnh trong cuộc sống. Các á Bí tích gồm một lời cầu nguyện, kèm theo là dấu thánh giá và những dấu chỉ khác. Trong số các á Bí tích, quan trọng nhất là các phép lành. Các phép lành này là một lời ca ngợi Thiên Chúa và một lời khẩn nguyện để kêu xin những hồng ân của Thiên Chúa; cũng có những việc thánh hiến con người cũng như các đồ vật được dùng vào việc thờ phượng Thiên Chúa. (TYGL. 351)

Các phép lành dành cho người gồm có: nghi thức chúc phong Viện Phụ hay Viện Mẫu, thánh hiến trinh nữ và góa phụ tuyên khấn sống bậc tu trì, và các nghi thức trao thừa tác vụ Ðọc Sách, Giúp Lễ, Giáo Lý Viên... Các nghi thức làm phép vật dụng và nơi chốn gồm có : cung hiến hoặc làm phép thánh đường hay bàn thờ, làm phép dầu thánh, các đồ vật sử dụng trong cử hành phụng vụ, làm phép chuông mới... (GLHTCG. 1672)

Xem GLVD-trang 153-154

 

3- Lễ nghi An táng Kitô giáo

 

Dù được cử hành theo nhiều nghi thức khác nhau tùy theo hoàn cảnh và truyền thống địa phương, lễ nghi an táng của Kitô giáo luôn làm nổi bật đặc tính Vượt qua của cái chết theo Kitô giáo trong niềm hy vọng sống lại, cũng như ý nghĩa của sự hiệp thông với người đã qua đời, đặc biệt là trong lời cầu nguyện cho linh hồn họ được thanh luyện. (TYGL. 355)

Lễ nghi an táng thường gồm bốn phần chính : cộng đoàn đón tiếp quan tài với những lời an ủi và hy vọng, Phụng vụ Lời Chúa, Hy tế Thánh Thể, và lễ nghi từ biệt, trong đó linh hồn người quá cố được phó dâng lên Thiên Chúa, Đấng là nguồn sống vĩnh cửu, trong khi thân xác được an táng trong niềm hy vọng phục sinh. (TYGL. 356)

 

4- Việc đạo đức bình dân

 

Cảm thức tôn giáo của dân Kitô giáo trong mọi thời đại đều có những cách diễn tả lòng đạo đức của mình qua nhiều hình thức khác nhau luôn đi kèm theo đời sống Bí tích của Hội thánh, như việc tôn kính các di tích thánh, kính viếng các đền thánh, những cuộc hành hương, những cuộc rước kiệu, chặng đàng thánh giá, kinh Mân côi. Dưới ánh sáng đức tin, Hội thánh soi sáng và cổ võ những hình thức chính đáng của lòng đạo đức bình dân. (TYGL. 353; xem GLVD-trang 155-157)

Nhiều việc đạo đức được lãnh ơn đại xá, xem GLVD-trang 135-136

“Lịch sử cho biết rằng, vào một vài thời kỳ, đức tin được nâng đỡ bởi những hình thức và thực hành đạo đức… (nhưng), không có một hành động nào của Giáo Hội đạt được hiệu quả ngang hàng và ngang cấp với Phụng vụ… Vị trí tuyệt đối của Phụng vụ đối với những hình thức cầu nguyện khác của tín hữu là khả thi và chính đáng… Các Bí tích là không thể thiếu được, ngược lại lòng đạo đức bình dân mang tính chất tùy nghi… chẳng hạn, buộc phải tham dự thánh lễ ngày Chúa Nhật; riêng các việc đạo đức, dù có thể được khuyên nhủ và rất thịnh hành trong cộng đoàn tín hữu một cách thường xuyên, không bao giờ mang tính bó buộc…. Cần phải khẳng định dứt khoát tính ưu việc tuyệt đối của cử hành Phụng vụ và năm Phụng vụ so với mọi thực hành sùng mộ khác. Tuy nhiên, tính ưu tiên này không bao giờ đồng nghĩa với việc loại trừ, chống đối và gạt ra ngoài lề.” (LĐĐBD. số 11).

 

Lm. Phêrô Nguyễn Hữu Duy     

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận