Những tu sĩ không sống trong nhà dòng

Đăng lúc: Thứ hai - 06/08/2018 20:43 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

Những tu sĩ không sống trong nhà dòng

 

Không tu phục, không sống trong tu viện, song với ba lời khấn “khó nghèo, vâng phục, khiết tịnh”, các nữ tu thuộc tu hội Nô Tỳ Thiên Chúa ngày ngày đem đời dâng hiến của mình hòa tan cùng dòng chảy cuộc sống để làm dậy men đức tin.

 

 

Là tu sĩ mà không buộc sống chung trong phạm vi nhà dòng nghe có vẻ lạ, nhưng đây là nét độc đáo của các tu hội đời. Đến gặp gỡ các nữ tu, chúng tôi được nghe kể rằng có một chị ngay từ lúc còn nhỏ đã khát khao mãnh liệt dâng mình cho Chúa, ngặt nỗi lại là người con duy nhất trong nhà. Cha mẹ biết mong ước của con nhưng lại lưu luyến không nỡ xa con. Rồi một ngày, chị được biết về tu hội Nô Tỳ Thiên Chúa. Sau khi giải thích rõ với hai đấng sinh thành, chị xin gia nhập cùng các chị em. Trải qua thời gian đào luyện, chị tuyên khấn và tiếp tục sống tại nhà, bầu bạn cùng mẹ cha sớm hôm, đồng thời vẫn làm việc, phục vụ trong đời dâng hiến. Câu chuyện này là một trong những ví dụ về “đời tu mở” của các sơ và cũng gợi cho khách ghé thăm nhiều câu hỏi về phương cách gìn giữ ơn gọi của các tu sĩ trong vòng xoáy thử thách hằng ngày.

Lễ khấn trong tu hội - ảnh tu hội cung cấp

Tu hội Nô Tỳ Thiên Chúa do linh mục Gioan Baotixita Trần Ngũ Nhạc thành lập tại giáo xứ An Lạc, hạt Chí Hòa năm 1958. Ðức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình ký sắc lệnh chính thức thành lập tu hội vào ngày 26.9.1973. Hiện tu hội có trụ sở chính tại 686/72/19 Cách Mạng Tháng 8, phường 5, quận Tân Bình, TPHCM với 128 tu sĩ đang phục vụ tại các giáo phận Xuân Lộc, Bà Rịa, Ðà Lạt, TGP TPHCM.

Nữ tu Anna Phạm Thị Thanh chia sẻ: “Đi tu mà không sống cùng cộng đoàn là mỗi người phải tự mình đối mặt với sóng gió từ nhiều phía. Có lúc, việc dành ra một khoảng thời gian thanh tĩnh để cầu nguyện là điều rất khó, vì công việc xã hội lẫn gia đình không ngừng cuốn xoay. Nhưng dù cho có bận rộn đến mấy, chúng tôi vẫn luôn giữ cho mình có giờ dành riêng để gắn bó với Chúa mỗi ngày để được bổ sức và khi gặp khó khăn thì cha mẹ, người thân cùng các chị em trong tu hội luôn là điểm tựa vững chãi”.

Theo quy định của tu hội, các nữ tu sống hòa vào xã hội nên có thể chọn ở tại nhà riêng, tại gia đình, sống theo nhóm hay trú ngụ tại trụ sở hoặc cơ sở của tu hội. Ngoài công việc xã hội, các chị em góp sức làm việc tông đồ theo nhu cầu mục vụ tại các xứ đạo mình đang sống. Như những con quay không nghỉ, họ luôn tất bật đủ điều. “Thánh lễ, giờ kinh, lời nguyện mỗi ngày là động lực để bước qua thử thách. Những dịp họp mặt tĩnh tâm chung mỗi tháng, chương trình thường huấn, linh thao hằng năm là cơ hội để chị em gắn bó với Chúa và tâm sự, nối kết thân tình với nhau”, một nữ tu nhận định.

 
Luôn sát cánh cùng tha nhân để kịp thời nâng đỡ, nhất là những người nghèo khổ - ảnh tu hội cung cấp

Tổng phụ trách tu hội, nữ tu Têrêsa Đinh Thị Bạch Huệ cho biết: “Vì đặc thù đời sống của tu hội nên đòi hỏi những ai dấn thân phải thực sự trưởng thành trong ý thức, có tinh thần hy sinh mạnh mẽ và đời sống thiêng liêng kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô”. Nếu vô tình gặp, người ta rất khó nhận ra các chị là tu sĩ, bởi họ chẳng mặc áo dòng, cư trú ngoài nhà dòng, mưu sinh bằng nghề nghiệp của bản thân như bao người khác. Tuy nhiên, cũng nhờ các yếu tố ấy mà họ dễ dàng đến với tha nhân để truyền rao Tin Mừng. Các sơ là những điều dưỡng, bác sĩ, giáo viên, công nhân viên… dùng thành quả lao động, đôi tay, khả năng của mình để giúp đỡ bà con dân tộc K’Ho ở Bảo Lộc, san sẻ gánh nặng với ngư dân miền biển Vũng Tàu, đồng hành cùng người nghèo ở Sài Gòn phồn hoa. Như mọi người xung quanh, các tu sĩ cũng gặp áp lực công việc, cũng vấp phải sai lầm, cũng có khi thất bại…, song nhờ sự kiên trì và ơn Chúa ban, họ bước qua tất cả. Cách các chị đương đầu với những khó khăn là sự động viên chân tình với đồng nghiệp. Lối sống chan hòa với mọi người của họ làm ấm lên tình người trong những trái tim dường như bị chai sạn vì sương gió. Tấm lòng luôn rộng mở của các nữ tu cảm hóa và xóa mờ khoảng cách giữa người với người, đem tất cả xích lại gần nhau.

Ngoài công việc xã hội, các chị em góp sức làm việc tông đồ theo nhu cầu mục vụ tại các xứ đạo - ảnh tu hội cung cấp

60 năm hình thành và âm thầm phục vụ, bóng dáng các Nô Tỳ Thiên Chúa luôn sát cánh cùng tha nhân để kịp thời nâng đỡ. Dẫu còn nhỏ bé nhưng hạt giống tình yêu các “nô tỳ” gieo vẫn đang triển nở cùng thời gian.

 

Tu hội đời (Instituta Saecularia, Secular Institute, Institut Séculier) là những người sống thánh hiến giữa thế gian. Họ sống ơn gọi bằng việc cam kết tuân giữ ba lời khuyên Phúc Âm nhưng không tổ chức đời sống như các hội dòng truyền thống, nghĩa là không có tu phục riêng, không bắt buộc có đời sống chung, mà “sống trong những điều kiện bình thường của trần thế, hoặc đơn thân, hoặc trong gia đình của mình, hoặc trong nhóm huynh đệ” (GL 714), dưới sự coi sóc của Ðức Giám mục địa phương.

Các tu hội đời bắt đầu được thành lập từ năm 1947, qua tông thư Provida Mater Ecclesia (Giáo hội Mẹ Quan Phòng) của Ðức Giáo Hoàng Piô XII. Vai trò của các tu hội này đã được tái xác định trong Công đồng Vatican II, Bộ Giáo luật năm 1983 và Tông huấn Vita Consecrata (Ðời sống thánh hiến) năm 1996.

 

MAI LAN (cgvdt.vn)

Từ khóa:

tu sĩ, phạm vi, có vẻ

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận