Tòa Án Hôn Phối Giáo Phận Phan Thiết

Đăng lúc: Thứ hai - 26/02/2018 02:33 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

TÒA ÁN HÔN PHỐI GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

 

Nguyên đơn thân mến,

1- Chúng tôi tha thiết mời bạn một lần nữa cân nhắc cách kỹ lưỡng và với tinh thần trách nhiệm tình trạng hôn phối Công giáo của bạn trước khi đệ đơn lên Tòa Án Hôn Phối để xin phán quyết tiêu hôn. Biết đâu việc cân nhắc này lại là phương dược cuối cùng chữa lành cuộc hôn nhân mà bạn đã thiết lập nhưng nay lại muốn chấm dứt. Giáo Hội Công giáo xác tín rằng hôn nhân là bất khả phân ly và rằng hôn nhân tác động cách sâu sắc và toàn diện trên bản thân, gia đình, xã hội và Giáo Hội. Giáo luật điều 1055 viết: “Do giao ước hôn phối, người nam và người nữ tạo nên với nhau một cuộc thông hiệp trọn vẹn cả cuộc sống. Tự bản chất, hôn phối hướng về thiện ích của đôi bạn và việc sinh sản cùng giáo dục con cái. Chúa Ki-tô đã nâng giao ước hôn phối giữa những người đã chịu phép Rửa Tội lên hàng bí tích.” Còn điều 1056 thì viết: “Những đặc tính căn bản của hôn phối là sự duy nhất và bất khả phân ly. Nhờ tính cách bí tích, những đặc tính ấy được kiện toàn đặc biệt trong hôn phối Ki-tô giáo.”

Tòa Án Hôn Phối Giáo Hội hành động dựa trên các nguyên tắc của những điều luật trên.

Điều đau lòng là, ngày nay, ly dị tràn lan. Ly dị xảy ra ở mọi độ tuổi sau hôn nhân, chóng vánh và dễ dàng. Việc ly dị của một tỷ lệ rất cao các đôi vợ chồng trẻ đang làm cho xã hội chịu nhiều thiệt hại. Ly dị đang như quốc nạn, trong khi thẩm quyền dân sự không thể tìm ra phương hướng hợp lý nào để dẫn dắt xã hội mà chỉ dừng lại ở giải pháp cho phép ly dị một cách dễ dàng hơn. Nhiều cặp vợ chồng Công giáo cũng bị cuốn vào vòng xoáy của xu hướng xã hội tai hại này; họ cũng tìm đến tòa đời để thanh toán với nhau cách rốt ráo và lạnh lùng, bất chấp những hậu quả mà bản thân và con cái họ sẽ phải gánh chịu và những cam kết của người môn đệ Chúa Ki-tô mà họ đã hứa thực hiện.

Xét trên nhiều bình diện, ly dị đẩy vợ, chồng và con cái vào cảnh bế tắc. Cách riêng về mặt thiêng liêng, ly dị tác hại đến tình trạng bí tích của vợ, chồng trong đời sống Giáo Hội. Một người Công giáo đương đơn tìm Phán Quyết Thuận Tình Ly Hôn của tòa đời sẽ trở nên bất xứng với sự hiệp thông trong Giáo Hội, hay nếu sau khi ly hôn mà người ấy đi thêm bước nữa, sẽ rơi vào tình trạng rối hôn phối, ra gương mù gương xấu vì công khai đi ngược lại lề luật Thiên Chúa và giáo huấn của Giáo Hội về tính đơn nhất và bất khả phân ly của hôn nhân. Giáo Hội không loại trừ, nhưng người đó tự đẩy mình xa ra khỏi mối hiệp thông Giáo Hội.  

Nhưng dù sao cũng phải khách quan nhìn nhận. Ly dị thường là kết quả của một hôn nhân được thiết lập trong nóng vội, hoặc bởi đôi bạn hời hợt không tìm hiểu nhau cho thấu đáo, hoặc bởi một hay cả hai lươn lẹo thiếu thành tâm, hoặc nữa bởi họ nhẹ dạ mà để cho những nhu cầu thứ yếu vây hãm, khiến lương tri mù quáng mà quên cả trách nhiệm đối với cuộc đời làm người chỉ có một của mình. Vì vậy, có những trường hợp, hôn nhân dù được thiết lập trong Giáo Hội Công giáo vẫn bất thành ngay từ đầu. Trong trường hợp như thế, dù bạn là người Công giáo hay người chưa rửa tội -như trường hợp hôn nhân theo Phép Chuẩn dị giáo- đều có quyền đệ đơn lên Tòa Án Hôn Phối của Giáo Hội để xin điều tra về nghi vấn hôn nhân bất thành.

2- Khi bạn đứng tên nộp đơn lên Linh mục Đại diện Tư Pháp để xin Phán Quyết Tiêu Hôn, bạn là Nguyên đơn, còn người chồng/vợ của bạn là Bị đơn.

Tòa Án Hôn Phối không làm gì khác ngoài việc tìm kiếm sự thật để đi đến xác tín luân lý rằng một hôn nhân đã không thành ngay từ đầu. Sự bất thành xảy ra do:

- sự hiện diện của một ngăn trở tiêu hôn (Gl. 1083-1094); hoặc

- khiếm khuyết về ưng thuận kết hôn (Gl. 1095-1103); hoặc

- thiếu thể thức Giáo luật (Gl. 1108-1123.1127).

3- Tòa Án Hôn Phối Giáo Phận Phan Thiết có thẩm quyền để nhận đơn dựa trên một trong các cơ sở sau (x. Mitis Iudex Dominus Iesus, 1672):

- khi Nguyên đơn có Hôn phối được ký kết tại Giáo phận Phan Thiết;

- khi Nguyên đơn hay Bị đơn có cư sở hay bán cư sở trong Giáo phận Phan Thiết;

- khi Giáo phận Phan Thiết là nơi hầu hết các chứng cứ phải thâu thập được.

4- Nguyên đơn phải hoàn tất cách cẩn thận và chính xác những yêu cầu của Tòa Án Hôn Phối trước khi đệ đơn. Các bước cần tiến hành trước khi nộp đơn như sau:

(1) Suy nghĩ, cầu nguyện và thành tâm hàn gắn hôn nhân của mình trước mặt Chúa;

(2) Bàn hỏi với những người khôn ngoan và có liên hệ như cha mẹ, anh chị em ruột thịt hai bên, Cha Chánh xứ, Cha Phó xứ, Quý Tu sĩ Nam Nữ đang phục vụ tại Giáo xứ và Quý Chức trong Hội Đồng Mục vụ Giáo xứ; lắng nghe những lời có giá trị chữa lành và xây dựng từ họ;

(3) Tự mình gặp gỡ và nói lên quyết tâm hàn gắn với người chồng/vợ của mình và kiên nhẫn đợi chờ.

Khi những việc trên đã thực hiện nhưng không mang lại kết quả và bạn quyết định nộp đơn vì thấy rõ hôn phối của bạn có nghi vấn về sự bất thành và không thế tái hợp, thì:

(4) Xin mẫu Đơn từ Cha xứ rồi xin ngài hướng dẫn để viết đúng những điều cần thiết trong đơn; sau đó xin ngài xác nhận về tính hợp pháp của nguyên đơn theo hai điều:

(a) Nguyên đơn thuộc quyền Cha xứ: do hôn nhân đã được cử hành tại đó, do có cư sở hay bán cư sở trong Giáo xứ hay do Giáo xứ là nơi có thể cung cấp nhiều chứng cứ nhất;

(b) Hôn nhân của đương đơn không thể hàn gắn theo tinh thần của Giáo Hội;

(5) Viết bản Tường Trình về Hôn nhân của mình; chỉ cần viết sự thật về con người của Nguyên đơn, Bị đơn và quá trình lịch sử của hôn nhân từ khi quen nhau cho đến lúc tường trình; sẽ rất vô ích nếu bạn chỉ cố tình kể tội của Bị đơn; nên đánh máy và in ra rồi ký tên;

(6) Xin Chứng nhận Hôn Phối từ Cha xứ, nơi hôn nhân được cử hành;

(7) Xin Chứng nhận Rửa Tội của mình và Bị đơn từ Cha xứ nơi được rửa tội;

(8) Tìm ít nhất ba nhân chứng; lập một danh sách gồm tên, tuổi, nghề nghiệp, trình độ văn hóa, tương quan của họ với Nguyên đơn hay Bị đơn và số điện thoại của họ; phải bảo đảm họ sẽ xuất hiện tại tòa để trung thực làm chứng khi được mời;

(9) Tìm cách xin số điện thoại cũng như địa chỉ thật của Bị đơn để viết vào Đơn xin;

(10) Chuẩn bị các giấy tờ liên hệ đến cuộc hôn nhân của mình như Phán Quyết Thuận Tình Ly Hôn của Tòa án đời, các giấy tờ liên quan đến bệnh tật, thư từ, kỷ vật… Cần nhớ rằng, Phán Quyết Thuận Tình Ly hôn chỉ có giá trị như một chứng cứ về tình trạng hôn nhân không thể hàn gắn; nó không có giá trị gì khác trước Tòa Án Hôn Phối của Giáo Hội.

Xin dùng bút mực màu đen cho mọi án từ viết tay hay chữ ký cá nhân, vì Tòa Án phải photocopy nhiều bản. Nếu Cha xứ có bản nhận xét, xin hãy cho vào bì thư, dán kín và đóng triện giáp lai, rồi gởi kèm với đơn thỉnh nguyện.

5- Khi nộp đơn, tất cả giấy tờ bỏ vào một phong bì cỡ trung. Bạn đề: Kính gởi Linh mục Đại diện Tư Pháp Giáo phận Phan Thiết (không viết tên người nhận, không phải thông qua hay kính gởi Đức Giám mục hay Cha Hạt Trưởng). Chỉ những đơn làm đúng yêu cầu và kèm theo các giấy tờ thiết yếu kể trên mới được nhận (x. số 4-8 và 10 ở phần 4 trên đây). Sau khi nhận đơn, trong khoảng một tháng, vị Đại diện Tư Pháp sẽ xét xem Đơn có thể tiến hành được hay không. Đơn sẽ bị bác nếu:

- Tòa Án không có thẩm quyền;

- rõ ràng Nguyên đơn không có năng cách hợp pháp để hầu tòa;

- không giữ các quy định nói ở Giáo luật điều 1504, số 1-3;

- qua đơn khởi tố, thấy rằng điều thỉnh nguyện hoàn toàn vô căn cứ, và sẽ không thể nào xuất hiện một nền tảng trong khi diễn tiến vụ án.

Khi Đơn không có cơ sở Giáo luật để được tiến hành, vị Đại diện Tư Pháp sẽ ra Quyết Định Trả Đơn, gởi về cho Cha Chánh xứ và Nguyên đơn. Khi đơn có thể tiến hành, một Quyết Định Chấp Đơn hay Án Lệnh Triệu Hoán sẽ được gởi cho cả Nguyên đơn và Bị đơn. Tòa Án Hôn Phối chính thức bắt đầu phiên tòa cho trường hợp của Nguyên đơn sau khi đã hoàn tất phần Đối Tụng, với sự đồng ý của Nguyên đơn. Vụ kiện sau đó sẽ được tiến hành theo trình tự Giáo luật. Tòa Án không bảo đảm một thời hạn cố định cho bất kỳ một vụ kiện nào. Nhưng sự cộng tác của các bên và các nhân chứng sẽ mang lại thuận lợi cho toàn bộ tiến trình tố tụng.

6- Tòa Án Hôn Phối không có vai trò tư vấn tâm lý hay giúp tĩnh tâm, cũng không nhận giải tội hay nhận bổng lễ để dâng lễ cho nguyên đơn, bị đơn hay các nhân chứng. Tuyệt đối không nhận quà cáp dưới bất cứ danh nghĩa nào và ở bất cứ giai đoạn nào của vụ án.

Giáo phận Phan Thiết đang trống tòa, nên (1) tố tụng vắn gọn xin phán quyết tiêu hôn (Gl. 1683-1687), (2) tố tụng suy đoán sự mệnh một của người phối ngẫu (Gl. 1707) và (3) tố tụng xin miễn chuẩn hôn nhân thành nhận nhưng chưa hoàn hợp (Gl. 1697-1706), sẽ không được tiến hành.

Linh mục Đại diện Tư Pháp và Tòa Án Hôn Phối không có bổn phận, càng không có thẩm quyền trả lời về vấn đề cho phép hay không cho phép những người ly dị tái hôn rước lễ.

7- Văn phòng của Tòa Án Hôn Phối: Phòng 9, Tòa Giám mục Phan Thiết, số 422 Trần Hưng Đạo, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Văn phòng sẽ mở cửa vào các ngày lẻ trong tuần, sáng từ 8g15-11g15, chiều từ 3g00 – 5g15. Điện thoại 012 7273 6226, chỉ mở máy theo giờ của Tòa Án Hôn Phối. Email: lmgbnghonguy@gmail.com. Trong Mùa Chay, vì bận công việc khác của Giáo phận, các buổi sáng thứ Bảy sẽ đóng cửa.

Nguyên đơn sẽ không phải nộp bất cứ chi phí nào. Khi có các án từ cần dịch ra hay dịch từ tiếng nước ngoài mà chi phí quá cao, Linh mục Chánh án sẽ cho nguyên đơn biết để định liệu. Tòa Giám mục sẽ hỗ trợ các chi phí còn lại. Về phía các Linh mục làm việc cho Tòa Án Hôn Phối của Giáo Phận, các ngài lấy sự phục vụ làm niềm vui cho đời dâng hiến và lấy niềm hạnh phúc của Giáo dân làm phần thưởng cho công việc của mình. Xin anh chị em cầu nguyện cho chúng tôi, để chúng tôi luôn yêu mến công việc Nhà Chúa và hăng say dấn thân cho lợi ích các linh hồn. Chúng tôi là

1- Linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Hồng Uy, Đại diện Tư Pháp, Chánh án

2- Linh mục Giuse Bạch Kim Tri, Lục sự

3- Linh mục Gioan Lê Quang Tuyến (giáo phận Phú Cường), Bảo Hệ viên

4. Linh mục Giuse Nguyễn Thành Long, Dự Thẩm I

5- Linh mục Gia-cô-bê Nguyễn Minh Luận, Dự Thẩm II

6. Linh mục Giuse Nguyễn Văn Lừng, Dự Thẩm III.

Sau hết, sứ vụ của Tòa Án Hôn Phối là một loại hình mục vụ đặc biệt trong Giáo Hội. Nó đòi hỏi sự cẩn trọng trong công việc và lòng trung tín tuyệt đối trước Tin Mừng của Chúa. Xin anh chị em thể hiện sự trân trọng trong mọi tiếp cận và đánh giá đối với công việc này.

Nguyện xin Chúa chúc lành.

Chủng viện Thánh-Nicola, ngày 25 tháng 02 năm 2018

Lm. Gioan Baotixita Nguyễn Hồng Uy
Đại diện Tư Pháp Giáo phận

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 28 trong 6 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận