Quê Hương Chúng Ta Ở Trên Trời

Đăng lúc: Thứ bảy - 31/05/2014 07:04 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Lễ Chúa Thăng Thiên
QUÊ HƯƠNG CHÚNG TA Ở TRÊN TRỜI


Khi nhập thể làm người, Chúa Giêsu không định cư vĩnh viễn trên trái đất này. Ngài chỉ sống vỏn vẻn có 33 năm. Bốn mươi ngày sau khi phục sinh, Ngài đã chấm dứt sự hiện diện hữu hình bằng xương bằng thịt nơi dương thế để về cùng Chúa Cha.

Có người bảo rằng tại sao Chúa Giêsu không ở với con người luôn mà lại về trời. Thực ra nếu Chúa Giêsu ở vĩnh viễn nơi dương thế này, thì viễn cảnh tương lai của con người cũng chẳng sáng sủa gì. Bởi lẽ trái đất là nơi mãi còn đó những bất trắc rủi ro của thiên tai, của nhân tai đủ loại. Con người có được phục sinh đi nữa mà vẫn ở trên trái đất này thì cũng không thoát khỏi cảnh khổ đau do tai ương hoạn nạn…. Vì vậy biến cố Chúa Giêsu lên trời mà Giáo Hội mừng kính hôm nay trở thành niềm hy vọng lớn lao cho con người. Hy vọng một ngày nào ta sẽ được chung hưởng hạnh phúc trên trời với Chúa, như lời Ngài đã hứa: “Thầy đi để dọn chỗ cho anh em…. để Thầy ở đâu thì anh em cũng sẽ được ở đó với Thầy” (Ga 14,3).

Vậy “lên trời” phải hiểu thế nào? “Lên trời” theo kiểu nói của Kinh Thánh phải hiểu là đi vào vinh quang của Chúa Cha, vinh quang của thần tính. Hiểu như thế thì ngay khi sống lại Chúa Giêsu đã lên trời rồi. Và biến cố Thăng thiên mà Giáo Hội vẫn mừng kính hằng năm chỉ có ý nghĩa là kết thúc thời gian Chúa Giêsu hiện diện giữa nhân loại cách hữu hình, là chấm dứt lịch sử dương thế của một con người mang tên Giêsu.
Như thế việc các thánh hay các người lành cũng được lên trời sau khi chết có khác với việc Chúa Giêsu lên trời không?
 Nghe tiếng cười khúc khích của ai đó ở cổng Thiên đàng, thánh Phêrô liền ra ngoài hỏi lớn:
- Ai cười thế?
- Dạ con.
- Ngươi cười cái gì vậy?
- Con cười các bác sĩ ở phòng mổ. Con lên đây đã hơn cả tiếng đồng hồ rồi, mà ở dưới đó, họ vẫn còn đang loay hoay mổ cho con.

Linh hồn thì lên Thiên đàng rồi, còn thân xác thì còn nằm dưới trần gian. Đây cũng là điều khác biệt giữa việc con người được lên trời và việc Chúa Giêsu lên trời. Chúa Giêsu lên trời là lên cả thần tính và trọn vẹn cả nhân tính, tức là lên trời với trọn cả xác hồn. Dĩ nhiên là thân xác đã được thần hoá, được biến đổi. Thân xác ấy không còn lệ thuộc bởi các định luật của tự nhiên, của thời gian và không gian nữa.
Chính vì lẽ đó mà việc Chúa Giêsu lên trời đã trở thành động cơ của niềm tin cho tất những ai thuộc về Ngài biết chắc một ngày nào đó mình cũng sẽ được thần hoá nên giống như Ngài, được thoát khỏi sức hút của trái đất để bay lên cao, lên cõi trời phúc hạnh. Tin vào Đức Kitô là yếu tố cốt lõi để được tái sinh trên chốn trời cao. Không có niềm tin vào Đức Kitô, khi chết, người ta sẽ mãi là một “thây ma”, không hơn không kém. Chỉ khi tin vào Đức Kitô và liên kết với Ngài, người ta mới có sức năng để được thần hoá, để được “thăng thiên” cả hồn lẫn xác mai sau, trong ngày tận thế.

Trong tương lai, người ta đang tính đến việc khai thác ngành du lịch không gian, một ngành du lịch cực kỳ béo bở. Bởi vì, để mua một vé lên sao Hoả, người ta phải chi hàng tỉ đôla. Cũng thế, để có một xuất lên Mặt Trăng, người ta phải chi hàng triệu đôla. Nghĩa là chỉ có triệu phú, tỉ phú mới đi được. Trong khi đó, vé để lên trời với Chúa Giêsu không mất một đồng nào, ngoại trừ việc tin vào Ngài và bước theo Ngài. Thế nhưng có được mấy người quan tâm?!
Cũng vậy, để bay lên không trung, đòi hỏi có nhiều thủ tục rườm rà, song nhiều người vẫn tìm cơ hội để được lên máy bay. Trong khi đó để lên trời với Chúa, thủ tục chẳng có gì rườm rà ngoại trừ mỗi một việc là làm theo những gì Chúa dạy. Vậy mà có bao nhiêu người để ý. Nghịch lý là thế!
Phần chúng ta thì sao? Chúng ta có quan tâm và nỗ lực để có được “tờ giấy thông hành” về trời với Chúa mai sau hay không?
Thiên đàng không phải là kết quả của một cuộc trúng số nhờ may rủi; mà là kết quả của những chuẩn bị dài hơi ngay từ cõi đời này.

Chuyện kể rằng một người kia làm ôshin (đầy tớ) cho một ông chủ giàu có. Ngày nọ, người đầy tớ đi vắng thì ông chủ giàu có này qua đời. 
Khi người đầy tớ về, người ta nói cho anh ta biết ông chủ của anh đã về trời. Người đầy tớ liền lắc đầu: "Chủ tôi không về trời được đâu. Khi còn sống, ông ta muốn đi đâu thì ông ta nói đến điều đó nhiều lần và chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Còn chuyện ông đi về trời thì không bao giờ tôi nghe ông nói tới và tôi thấy ông cũng không chuẩn bị gì cả. Vì thế, tôi không tin rằng ông chủ tôi đã về trời".

Chuyến đi quan trọng nhất của con người là chuyến đi về trời, nhưng người ta ít chuẩn bị nhất. Thực tế là như thế!
Mừng lễ Chúa về trời hôm nay, ta được mời gọi ý thức rằng quê hương vĩnh viễn của ta ở trên trời, nơi đó có Chúa Giêsu đang ngự bên hữu Chúa Cha, và nơi đó ta có “sổ đỏ”,“hộ khẩu thường trú” đúng nghĩa. Còn trần gian chỉ là nơi ta tạm trú, chẳng ai có địa chỉ thường trú vĩnh cữu trên trái đất này. Ý thức như thế để ta luôn biết hướng lên trời cao và biết ái mộ những sự trên trời”; đồng thời biết nỗ lực chuẩn bị cho chuyến đi quan trọng nhất này, chuyến đi về với quê hương vĩnh phúc là “Thiên đàng hằng mong”. Amen.

Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận