Nối kết với Chúa Giêsu là Nguồn ban Sự Sống - CN 5 CHAY A

Đăng lúc: Thứ bảy - 05/04/2014 13:16 - Người đăng bài viết: admin
 
Nối kết với Chúa Giêsu là Nguồn ban Sự Sống
Chúa Nhật 5 Mùa Chay A
 
 
Các đây không lâu, trang Thanh Niên Online đưa tin rằng: ông Gerard Lalanne, trưởng ngôi làng Sarpourenx của Pháp có 260 cư dân, đã ban hành một qui định rất lạ đời, với tựa đề là “Cấm Chết”. Trong đó, ông ta còn nói thêm một cách dứt khoát: "Tất cả những ai vi phạm sẽ bị trừng phạt nặng nề". Tác giả của cái văn bản lạ đời này chẳng đùa tí nào: "Thiên hạ có thể cười chứ tôi thì không". Ông than thở rằng mình chẳng còn cách nào khác vì cái nghĩa trang của làng thì đã đầy ứ, mà đơn xin dùng khu đất kế cận để mở rộng nghĩa trang của ông thì không được cấp trên thông qua. Có lẽ quá bức xúc nên ông trưởng làng 70 tuổi này mới ban hành cái quy định lạ đời kia.
 
Đã làm người thì ai cũng phải chết. Không ai có thể cưỡng lại được sự chết, và cũng không ai có thể cấm người khác chết được. Chết là chuyện tất yếu của con người, ai cũng phải nhìn nhận. Tuy nhiên, không phải ai cũng tin nhận sự sống lại, hay sự sống đời sau, nhất là đối với người vô thần hay những người không có niềm tin thì sự sống lại là chuyện hoang đường. Ngay như đối với những người Do Thái thời Chúa Giêsu, quan niệm về sự phục sinh cũng còn nhiều bất đồng.
 
Trước khi đi vào cuộc thương khó, tử nạn và phục sinh, Chúa Giêsu đã thực hiện một phép lạ lớn nhất trong tất cả các phép lạ mà Ngài đã làm: phép lạ phục sinh Lazarô. Phép lạ này không ngoài mục đích báo trước về sự phục sinh của Ngài, đồng thời gia tăng niềm tin cho các môn đệ và những ai đang nghi ngờ về sự sống đời đời mai sau.
 
Cách riêng đối với những người thuộc làng quê Bêtania, đây là phép lạ hàm chứa nhiều ý nghĩa đặc biệt.
 
1. Phép lạ phục sinh Lazarô, phép lạ khơi tràn niềm vui
 
Không còn cha mẹ, ba chị em Matta, Maria và Lazarô phải sống nương tựa vào nhau. Đã vậy Lazarô lại lâm trọng bệnh và đột ngột ra đi, khi đang “nửa chừng xuân”, tức là độ tuổi đang còn dồi dào sức sống, để lại vết thương đau sâu hoắm trong tâm hồn hai cô chị. Tin Mừng cho thấy cho dù Ladarô đã an nghỉ trong mộ bốn ngày rồi mà hai cô chị, Matta và Maria, vẫn còn sụt sùi khóc thương trước cái chết đoản mệnh của người em trai quý yêu này. Giờ đây, cậu em của họ được Chúa Giêsu cho sống lại, niềm vui vì thế mà như oà vỡ. Người thân và bạn bè của họ cũng hân hoan mừng vui không kém.
 
Ta thử tưởng tượng, trong gia đình của mình, có một người thân bị đau bệnh thập tử nhất sinh, và rồi được bác sĩ cứu sống, chúng ta có vui mừng không? Chắc chắn là rất vui mừng. Và giả như trong nhà mình có một người thân bị tai nạn chết, nhưng sau đó tự nhiên sống lại, ta có mừng không? Hẳn là phải mừng hết lớn! Đặt mình vào hoàn cảnh của chị em Matta và Maria thì ta mới hiểu được niềm vui của họ và bà con lối xóm của họ hôm nay lớn lao dường nào! 
 
2. Phép lạ phục sinh Lazarô, phép lạ khơi dậy niềm tin
Niềm tin của những người Do Thái nói chung và cách riêng của chị em Matta, Maria vào nguồn gốc thần linh của Chúa Giêsu xem ra vẫn còn mơ màng lắm. Họ xem Đức Giêsu là một ngôn sứ, một người có uy quyền, nhưng chưa thực sự xác tính Ngài là Con Thiên Chúa Hằng Hữu.
 
Nay qua việc làm cho Ladarô sống lại, Chúa Giêsu đã chứng minh cho họ biết là Ngài là ai: Ngài là Đấng Thiên Sai, Đấng có uy quyền trên sự chết. Hơn nữa, việc phục sinh Ladarô sống lại cũng báo trước việc Ngài sẽ từ trong cõi chết sống lại. Chính Ngài đã sống lại thật từ cõi chết, và đó chính là đức tin và sự cứu rỗi của tất cả những ai tin vào Ngài.
 
Chị em của Lazarô và những người chứng kiến phép lạ đều tin vào Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, mà Matta đại diện đã nói lên: ”Vâng, lạy Ngài, con tin Ngài là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng đến trong thế gian” (Ga 11, 27). Rõ ràng, đây là phép lạ khơi dậy niềm tin nơi chị em Matta, Maria và những người dân làng Bêtania.
 
3. Phép lạ phục sinh Lazarô, phép lạ khơi lên niềm hy vọng
 
Hẳn chúng ta còn nhớ, khi Dân Israel đang bị lưu đày bên Babylon, tâm trạng của họ là rất đỗi chán chường tuyệt vọng. Họ nói: "Xương chúng tôi đã khô. Hy vọng tiêu ma". Nói "xương" nhưng phải hiểu là toàn thể con người. Cho nên câu này có hai nghĩa: thứ nhất, họ đã bị chết về tinh thần, họ hoàn toàn tuyệt vọng rồi; thứ hai, thân xác của họ cũng như chết luôn, vì sống nô lệ thì cũng như chết mà thôi.
 
Thiên Chúa bảo ngôn sứ Êdêkien an ủi họ: "Ta sẽ đem các người lên khỏi mồ, hỡi dân Ta. Ta sẽ dẫn các ngươi về lại thửa đất của Israel... Ta sẽ ban Thần khí của Ta xuống trong các ngươi và các ngươi sẽ được sống". Câu này là một lời tiên tri hứa ban sự phục sinh và cũng mang hai ý nghĩa. Thứ nhất, phục sinh tinh thần: họ sẽ được hồi hương; thứ hai, phục sinh thể xác.
 
Lịch sử sau này cho thấy Thiên Chúa đã thực hiện ý nghĩa thứ nhất: họ đã được hồi hương vào năm 539. Và Tin Mừng hôm nay cho thấy Đức Giêsu sẽ thực hiện luôn ý nghĩa thứ hai: phục sinh thân xác (x. Sợi Chỉ Đỏ).
 
Một trong những thành tựu y khoa được đánh giá là quan trọng nhất trong thời gian gần đây là sự phát triển mới về tế bào gốc được biến đổi từ tế bào da người. Tế bào gốc được xem là thứ biệt dược cứu tinh của con người trong cuộc chiến chống lại các bệnh nan y, như ung thư, tim mạch, tiểu đường, mất trí nhớ, chấn thương tuỷ sống, sọ não… Bởi vì, nó có thể phát triển thành bất cứ loại nào trong 220 loại tế bào trong cơ thể con người. Hy vọng trong tương lai không xa, y học sẽ đẩy lùi được các loại bệnh tật hiểm nghèo của con người. Tuy nhiên, làm cho người chết được sống lại, thì hoàn toàn vượt ra ngoài khả năng của con người. Chỉ có Thiên Chúa mới có quyền trên sự chết; chỉ có Đức Giêsu mới có khả năng truyền cho một người đã chết  chỗi dậy ra khỏi mồ, như lời Ngài khẳng định: “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta thì dù có chết cũng sẽ được sống”.
 
Sự kiện Chúa Giêsu làm cho Ladarô sống lại, kèm theo việc chính Ngài đã tự mình sống lại sau khi đã chết trên thập giá và mai táng trong mồ chứng tỏ rằng Ngài là Đấng hằng sống và có thể ban sự sống cho mọi người.
 
Hãy kết nối với Chúa Giêsu để nhận được sự sống đời đời, vì Ngài chính là Nguồn ban sự sống. Nói khác đi, muốn sống đời đời thì hãy nối kết với Chúa Giêsu.
 
Bóng đèn muốn được toả sáng thì phải được nối kết với nguồn điện. Cành nho muốn trổ sinh hoa trái phải được tháp nhập vào thân nho. Con người muốn được sống dồi dào và vĩnh cửu thì phải nối kết với Nguồn ban sự sống là Chúa Giêsu.
 
Qua bí tích Rửa Tội, Chúa đã nối kết chúng ta nên một với Chúa, để được trở thành chi thể của Chúa. Qua bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu cho chúng ta được trở nên đồng huyết nhục với Chúa và từ đó, sự sống thần linh của Chúa được thông truyền cho chúng ta.
 
Tiếc thay, khi phạm tội trọng, chúng ta đã tự cắt lìa mình ra khỏi Chúa, như cành nho bị chặt lìa khỏi thân nho, như cánh tay bị cắt lìa khỏi thân thể, và như thế chúng ta đánh mất sự sống đời đời.
 
Xin cho chúng ta sớm giao hoà với Chúa qua bí tích Giải Tội, để được kết nối lại với Chúa, nhờ đó sự sống thần linh của Chúa tiếp tục thông truyền nơi chúng ta, và nhờ đó mai sau chúng ta cùng được phục sinh vinh quang với Ngài. Amen.
 
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 13 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

 
Tin Giáo phận