Các bài suy niệm CN III PS A

Đăng lúc: Thứ sáu - 02/05/2014 19:07 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 
Các bài suy niệm và chú giải Lời Chúa
CHÚA NHẬT III PHỤC SINH – NĂM A
Lời Chúa: Cv 2,14.22-33; 1Pr 1,17-21; Lc 24,13-35

-----------
1. Tìm gặp Chúa
2. Emmaus
3. Mời Ông ở lại với chúng tôi
4. Đức tin của chúng ta
5. Trên đường Emmau
6. Trên đường Emmau
7. Đường Emmaus – ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
8. Đường hy vọng – ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
9. Chúa hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmau
10. Đồng hành với nhau và với Chúa
11. Lạy Chúa, xin ở lại với chúng con
12. Suy niệm của Lm Giuse Nguyễn Thể Hiện
13. Người bạn đồng hành – R. Veritas.
14. Đừng tiếc nuối – Lm Giuse Tạ Duy Tuyền
15. Trên đường Emmau – R. Veritas
16. Trên đường Emmau – R. Gutzwiller
17. Nồng cháy
18. Emmau
19. Đam mê
20. Người lữ khách
21. Chúa sống lại
22. Suy Niệm của JNK
23. Đức Giêsu hiện ra với hai môn đệ Emmau
24. Chúa Đã Sống Lại


1. Tìm gặp Chúa
Có hai chàng thanh niên là anh em ruột với nhau, nhưng sống rất khô khan nguội lạnh. Vào một buổi sáng, hai cậu lái xe xuống một dốc núi giữa lúc trời mưa tầm tã. Bỗng hai cậu gặp một cụ già, người ướt sũng đang khập khiễng bước đi. Hai cậu bèn dừng xe mời cụ lên. Thì ra ông cụ đang trên đường đi dự lễ tại một nhà thờ cách đó chừng 5 cây số. Vì trời còn mưa, nên hai cậu quyết định chờ để chở cụ về nhà. Một phần vì tò mò, hai cậu đã bước vào trong nhà thờ, thay vì ngồi ở ngoài xe. Và rồi một sự biến đổi đã xảy ra. Hai cậu quyết định làm lại cuộc đời và trở nên những con người đạo đức sốt sắng. Cụ già đã nói với hai cậu không phải bằng lời nhưng bằng một hành vi gương mẫu. Nhìn thấy cụ đi lễ trong buổi sáng mưa bão, tâm hồn các cậu đã bừng cháy lên. Và rồi trong lúc bẻ bánh nơi nhà thờ, hai cậu đã khám phá ra Chúa Giêsu mà hai cậu đã đánh mất.
Từ câu chuyện này chúng ta đi vào đoạn Tin Mừng vừa nghe. Hai môn đệ trên đường Emmaus, đã từng có một thời bước theo Chúa. Các ông tin rằng Ngài là Đấng được Thiên Chúa sai đến để thiết lập vương quốc. Thế nhưng, những giờ phút bão táp đã xảy đến. Mọi hy vọng, mọi mơ ước đã tan theo mây khói. Sau cái chết trên thập giá vào chiều ngày thứ Sáu tuần thánh, các ông đã bỏ mặc Ngài nơi nấm mồ cô quạnh và trở về với nếp sống trước kia. Chính trong bối cảnh này, các ông đã gặp người khách lạ trên đường đi Emmau. Các ông lắng nghe vị khách ấy, chăm chú nhìn vị khách ấy bẻ bánh và rồi một điều gì đó đã xảy ra khiến các ông xúc động: Vị khách ấy chính là Chúa Giêsu đang sống động trước mặt các ông.
Câu chuyện hai môn đệ đi Emmaus và câu chuyện hai chàng thanh niên trong buổi sáng đầy mưa bão phải chăng cũng là câu chuyện của mỗi người chúng ta, bởi vì trong cuộc sống, chúng ta cũng đã từng gặp phải những giờ phút bão táp, khủng hoảng về đức tin. Thế rồi một ngày nào đó, chúng ta đã gặp được một người, có thể là một vĩ khách lạ, nhưng qua người này, chúng ta tìm lại được Chúa giữa lòng Giáo Hội trong nghi thức bẻ bánh. Để kết luận, chúng ta hãy cầu nguyện: Lạy Chúa, xin Chúa hãy cùng đi với chúng con trên vạn nẻo đường đời, như xưa Chúa đã cùng đi với hai môn đệ trên đường Emmaus, nhờ đó đức tin của chúng con sẽ được nâng đỡ và bản thân chúng con sẽ trở thành chứng nhân cho Tin Mừng của Chúa.


2. Emmaus
Nhờ vào đâu mà hai môn đệ trên đường Emmaus đã nhận ra Chúa? Đã tới ngày thứ ba, mà không thu lượm được một nguồn tin nào chắc chắn. Hai môn đệ này, có lẽ đã thất vọng, không còn tin tưởng, bèn quay trở về với những người thân yêu nơi quê hương bổn quán. Vừa đi họ vừa nói về Ngài. Mặc dù Chúa Giêsu đã hiện ra, nhưng nỗi cay đắng như một bức màn che phủ cặp mắt để họ không còn nhìn thấy. Ngài vừa đi vừa cắt nghĩa Kinh Thánh cho các ông, thế nhưng lúc bấy giờ đối với các ông, Ngài vẫn còn là một kẻ xa lạ. Rồi khi chiều xuống họ đã mời Ngài ở lại với họ, và họ đã nhận ra Ngài trong lúc bẻ bánh.
Từ đó chúng ta đi tới một ghi nhận cụ thể như sau: Các ông đã được soi sáng và nhận biết Chúa không phải do sự nghe cắt nghĩa Kinh Thánh, nhưng do việc làm, nhất là những việc làm mang tính cách yêu thương. Chính vì thế mà thánh Phaolô đã viết: Không phải những kẻ nghe lề luật mà là những kẻ tuân giữ lề luật thì mới trở nên công chính. Bởi đó, khi nghe lời Chúa, chúng ta phải có cái quyết tâm đem ra thực hành, thì lúc bấy giờ lời Chúa mới thực sự đem lại lợi ích cho chúng ta.
Các ông đã không nhận ra Chúa Giêsu khi Ngài cắt nghĩa Kinh Thánh, nhưng các ông đã nhận ra Ngài khi mời Ngài lưu lại với mình nơi quán trọ. Chính vì thế, mỗi người chúng ta cần phải chăm sóc cho tình thương và cần phải cố gắng thực hiện những hành động bác ái. Thánh Phaolô đã khuyên nhủ chúng ta: Hãy kiên trì trong đức ái. Thánh Phêrô thì nói với chúng ta: Hãy rộng lượng đón nhận người khác chứ đừng lẩm bẩm kêu trách. Còn Chúa Giêsu trong hoạt cảnh phán xét, cũng đã phán: Vì khi Ta đói các con đã cho Ta ăn, khi, Ta khát các con đã cho Ta uống, khi Ta mình trần các con đã cho Ta mặc, khi Ta đau yếu và bị tù đày, các con đã viếng thăm, khi Ta là khách, các con đã cho Ta ở trọ.
Có một câu chuyện kể lại rằng: Một người cha trong gia đình có lòng hiếu khách. Ông thường mời những người xa lạ, nhất là những người nghèo đói túng thiếu đến nhà dùng cơm. Ngày kia ông múc nước rửa tay cho một vị khách lạ và đang lúc dẫn vị khách lạ ấy vào bàn ăn thì vị khách lạ ấy biến mất, khiến ông vô cùng ngạc nhiên. Thế nhưng ban đêm, Chúa Giêsu hiện ra với ông trong giấc mơ và phán: Những ngày khác con đã đón nhận những chi thể của Ta, còn hôm nay, con đã đón nhận chính Ta.
Đúng thế, đến ngày phán xét, chúng ta sẽ được nghe lời phán quyết của Chúa: Những gì các con làm cho một kẻ hèn mọn nhất, chính là các con đã làm cho Ta. Chúa Giêsu luôn hiện diện nơi những người anh em bất hạnh và khổ đau, thế nhưng chúng ta có nhận biết và giúp đỡ Ngài hay không? 

3. Mời Ông ở lại với chúng tôi
(Trích trong ‘Manna’)
Suy Niệm
Dưới dáng dấp một người khách lạ, Chúa Giêsu phục sinh đến với hai môn đệ Emmau. Ngài đến đúng lúc, đúng lúc họ đang bỏ cuộc, quay quắt và ray rứt vì chuyện đã qua. Ngài đi cùng với họ, đi gần bên họ, khiêm tốn trở thành một người bạn đồng hành. Ngài gợi chuyện, hay đúng hơn, Ngài muốn tham dự vào câu chuyện dở dang của họ.
Chúa Giêsu không nản lòng trước câu trả lời lạnh nhạt: “Chắc chỉ có ông mới không biết chuyện vừa xảy ra…”. Ngài không cắt đứt cuộc đối thoại: “Chuyện gì vậy?” Ngài giả vờ không biết để họ nói cho vơi nỗi buồn. Chúa Giêsu kiên nhẫn lắng nghe lời họ tâm sự. “Trước đây, chúng tôi hy vọng rằng…” Như thế niềm hy vọng này chỉ còn là chuyện quá khứ. Cả niềm tin cũng trở nên chai lì, họ đâu có tin vào lời của các bà ra thăm mộ.
Khi lắng nghe, Chúa Giêsu nhận ra cái gút của vấn đề, những câu hỏi mà họ không tìm ra lời giải đáp. Tại sao một người của Chúa, người mà họ tin là Đức Kitô lại bị đóng đinh như một kẻ bị Thiên Chúa chúc dữ?
Chúa Giêsu vén mở ý nghĩa của mầu nhiệm đau khổ. Đau khổ là nhịp cầu mà Đức Kitô phải vượt qua để sang bờ bên kia là vinh quang bất diệt. Đau khổ không phải là chuyện xui xẻo, rủi ro, nhưng nó có chỗ đứng trong chương trình cứu độ.
Lời của Chúa Giêsu là Tin Mừng ngọt ngào, khiến nỗi đau của họ dịu đi, lòng họ như ấm lại.
Họ cố nài ép Ngài ở lại dùng bữa chiều. Và chính lúc Ngài cầm bánh bẻ ra trao cho họ thì họ nhận ra vị khách lạ chính là Thầy Giêsu.
Kinh nghiệm của hai môn đệ Emmau cũng là của chúng ta. Lúc ta tưởng Ngài vắng mặt, thì Ngài lại đang ở gần bên. Lúc ta nhận ra Ngài ở gần bên, thì Ngài lại biến mất rồi. Nhưng chính lúc Ngài biến mất, ta lại cảm nghiệm sâu hơn sự hiện diện của Ngài.
Ngài đến lúc ta không ngờ. Ngài đi mà ta không giữ lại được. Ngài ở lại với ta cả khi ta không thấy Ngài nữa.
Đấng Phục Sinh vẫn đến với ta hôm nay qua một người bạn hay một người lạ ta gặp tình cờ. Qua họ, Ngài thổi vào lòng ta niềm hy vọng tin yêu.
Ngài vẫn đến với ta qua từng thánh lễ. Ngài đích thân giảng Tin Mừng và bẻ bánh trao cho ta.
Sống như Chúa phục sinh là tập đến với tha nhân, tập đồng hành, tập gợi ý, tập lắng nghe, tập soi sáng…
Hôm nay vẫn có nhiều người bạn đang lê gót về Emmau.
Gợi Ý Chia Sẻ
1. Chán nản, bỏ cuộc, bỏ cộng đoàn, mất niềm tin và hy vọng vào Chúa, vào con người. Bạn có gặp ai sống trong tình trạng như vậy không? Bạn đã lãm gì để giúp họ?
2. Khi ngắm nhìn Chúa Giêsu đến với hai môn đệ Emmau, bạn tâm đắc với cử chỉ hay lời nói nào của Chúa? Tại sao?
Cầu Nguyện
Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì con cần có Chúa hiện diện để con khỏi quên Chúa. Chúa thấy con dễ bỏ Chúa biết chừng nào.
Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì con yếu đuối, con cần Chúa đỡ nâng để con khỏi ngã quỵ. Không có Chúa, con đâu còn nồng nhiệt hăng say.
Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn, cuộc đời qua đi, vĩnh cửu gần đến. Con cần được thêm sức mạnh để khỏi ngừng lại dọc đường.
Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì con cần Chúa trong đêm tối cuộc đời. Con không dám xin những ơn siêu phàm, chỉ xin ơn được Ngài hiện diện.
Xin ở lại với con vì con chỉ tìm Chúa, yêu Chúa và không đòi phần thưởng nào khác ngoài việc được yêu Chúa hơn.



4. Đức tin của chúng ta
(Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’)
ĐỨC TIN CỦA CHÚNG TA CÓ THEO KỊP HÀNH TRÌNH CỦA NHÂN LOẠI KHÔNG?
Sự việc Chúa hiện ra với các môn đệ thành Emau, chỉ có thánh Luca mới thuật. Các thánh chép sử khác không nói đến. Tuy nhiên trong Phúc Âm theo thánh Maccô, chương 16, câu 12, có một sự kiện “hiển nhiên” (theo nhận xét của cha Lagrange) đó là biến cố Emmau, và có thể đó là tóm lược ký sự của thánh Luca. Tất nhiên có những lần hiện ra khác mà các thánh chép sử không ghi lại. Mỗi vị chọn lọc trong những nguồn tài liệu truyền khẩu hoặc thành văn, và ưu tiên chọn những sự kiện nào cùng hướng với những mối quan tâm của mình.
Với những lần Chúa hiện ra, chúng ta ra ngoài phạm vi lịch sử thuần túy nhân loại để bước vào lĩnh vực làm chứng cho một hành động của tc. Thực tại mà người ta kiểm soát được trong điểm này là: có những vị đã đứng lên làm chứng rằng các vị đó đã tận mắt nhìn thấy Chúa Giêsu sống sau khi xảy ra một sự kiện được người đương thời kiểm nhận, đó là sự việc Chúa chết trên thập giá. Tất cả những chứng từ các vị nêu ra khiến cho trên bình diện lịch sử, chúng ta có những lý do cực kỳ vững mạnh để tin các vị. Sở dĩ những lý do ấy, nhìn bằng mắt khoa học, thì không có tính cách ép buộc phải tin – là bởi vì Chúa đã muốn dành một chỗ đứng cho ân sủng đức tin. Điều trực tiếp thu hút sự chú tâm của chúng ta ở đây, trong nội giới đức tin chúng ta, chính là nội dụng của chứng từ.
1) Trước kia, các môn đệ tưởng mình hiểu rõ Chúa. Này đây một nỗi thất vọng mênh mang đã phá tan niềm trông cậy họ có được nhờ vì hiểu Chúa. Thật ra, họ không thật sự hiểu Người. Thế mà xảy ra một biến cố tuyệt đối bất ngờ. Chúa hiện ra với họ. Lúc đó, xuyên qua sự nhận ra Thày, họ thấy nổi lên trong lòng một cung cách mới để hiểu Chúa. Để tiện so sánh chúng ta có thể gợi lại lần sinh ra và lần tái sinh của chúng ta. Sau lần sinh ra, kế tiếp là thực nghiệm về cái chết –sự sống lại của chúng ta sẽ là lần tái sinh để sống sự sống viên mãn. Cũng vậy các môn đệ sau lần “hiểu biết” đầu tiên và thiếu sót về Chúa, tiếp đến thực nghiệm về thất vọng, họ “tái hiểu biết” Chúa Giêsu trong một lần gặp gỡ sâu sắc hơn. Họ bắt đầu thực sự hiểu biết Chúa.
Có một điều gì nổi lên trong họ những dịp tiếp xúc đầu tiên với Thày, những tháng ngày Người sống trong thể xác. Điều họ tưởng là bị tiêu hủy rồi, giờ đây lại nổi dạy, được khuếch đại và thanh lọc trong cuộc gặp gỡ sâu sắc với Chúa sống lại. Câu chuyện Emmau dĩ nhiên là phi thường. Tuy nhiên một câu chuyện khác ở cấp độ thấp hơn thế chẳng đã thôi thúc chúng ta dùng đức tin để thực nghiệm những khoảnh khắc mà sự khuất bóng người thân yêu làm cho ta thất vọng, sau đó, trong một vài trường hợp, là sự sống lại làm ta lóa mắt?
2) Về những ký sự thuật việc Chúa Phục Sinh, chúng ta trích dẫn sau đây một đoàn giáo huấn của hàng giáo phẩm hữu quyền, vì nó hợp thời:
“Nhờ những đoạn Phúc Âm đó, tôi có thể ngày nay trở nên giống các môn đệ Emmau, để hiệp thông với Chúa bằng lời nói và lương thực. Chúa Giêsu trên thập giá là hình ảnh “tình yêu bị đóng đinh” Chúa dạy tôi hãy nhận ra Người trong anh em đang đau khổ, xấu số, bị bách hại bởi công lý người đời. Chúa dạy tôi phấn đấu để tăng tình thương và công lý trong thế gian mà Chúa đã đến để cứu rỗi bằng thập giá và Phục Sinh của Người” (Đức Cha Weber, tập san “Tài liệu tham khảo Công giáo” số ngày 19/12/1971).
Sống hiệp thông với Chúa Giêsu chết và sống lại trong ta, chúng ta có thể đồng hành xứng đáng với nhân loại trong hành trình đi tìm hy vọng, và đem đến cho nhân loại Tin Mừng: Chúa Giêsu sống và làm cho chúng ta sống. 



5. Trên đường Emmau
Phúc Âm hôm nay nói cho chúng ta một về một biến cố rất nổi tiếng, đó là sự xuất hiện của Chúa Giêsu với các môn đệ trên đường Emmau. Luca viết trong năm 80 cho cộng đoàn người Hy Lạp mà phần lớn họ được hình thành từ những người cải đạo. Những năm 60 và 70 là giai đoạn khó khăn nhất. Đã có những cuộc bắt bớ lớn của Vua Nê-rô vào năm 64. Sáu năm sau, vào năm 70, Giêrusalem bị phá huỷ hoàn toàn bởi người La Mã. Trong năm 72, ở Masada, trong sa mạc Giuđa, đã có vụ thảm sát những người Do Thái nổi loạn cuối cùng. Vào những năm đó, các Tông Đồ, những chứng nhân của sự Phục Sinh, biến mất dần dần. Người dân bắt đầu cảm thấy rã rời trên hành trình. Từ đâu mà họ có thể rút ra lòng dũng cảm như thế để không bị nhát đảm? Làm sao để khám phá sự hiện diện của Chúa Giêsu trong hoàn cảnh khó khăn như này? Câu chuyện về sự xuất hiện của Chúa Giêsu với các môn đệ trên đường Emmau cố gắng đưa ra một câu trả lời cho tất cả câu hỏi nhức nhối này. Luca muốn dạy cho cộng đoàn cách giải nghĩa Kinh Thánh để có thể tái khám phá sự hiện diện của Chúa Giêsu trong cuộc sống.
Lc 24, 13-24. Bước 1: thoát ra khỏi thực tại. Chúa Giêsu gặp hai người bạn trong tình trạng sợ hãi và kém đức tin. Sức mạnh của sự chết, thập giá, đã giết chết niềm hy vọng trong họ. Đây là tình trạng của nhiều người ở thời của Luca, và cũng là tình trạng của nhiều người ngày nay. Chúa Giêsu tiến đến gần họ và đi cùng đi với họ; Ngài lắng nghe trao đổi của họ và hỏi: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?” Hệ tư tưởng thống trị, đó là, sự tuyên truyền của chính quyền và tôn giáo chính thức thời đó, đã ngăn họ nhìn thấy. “Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng cứu chuộc Israen”. Đâu là những cuộc trò chuyện của những người đau khổ ngày nay?
Bước đầu tiên là bước này: tiến gần đến họ, lắng nghe thực tại của họ, cảm nhận vấn đề của họ: có khả năng đặt những câu hỏi giúp cho những người này nhìn thực tại với cái nhìn hiểu biết hơn.
Lc 24, 25-27. Bước 2: sử dụng Thánh Kinh để thắp sáng cuộc sống. Chúa Giêsu dùng Thánh Kinh và lịch sử loài người để thắp sáng lên vấn đề mà khiến cho hai người bạn này sầu khổ, và công bố tình trạng mà họ đang sống. Ngài cũng sử dụng nó để đặt họ vào toàn thể công trình của Thiên Chúa đến từ Mô-sê và các ngôn sứ. Vì thế, Ngài chỉ ra rằng lịch sử không thoát khỏi bàn tay của Thiên Chúa. Chúa Giêsu dùng Thánh Kinh không phải như một vị bác sĩ biết mọi sự, nhưng như một người bạn đồng hành đến để giúp những người bạn và gợi nhớ họ những điều họ đã lãng quên. Chúa Giêsu không đặt ra cho các môn đệ sự phức tạp của sự ngu tối, nhưng cố để thức tỉnh lòng trí của họ: “Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?”
Đấy là bước thứ hai: Bằng Thánh Kinh, giúp người ta khám phá ra sự khôn ngoan sẵn có trong họ, và biến đổi thập giá, từ một dấu hiệu của sự chết, thành một dấu hiện của sự sống và của hy vọng. Điều đã ngăn cản họ tiến bước, thì nay trở thành động lực và ánh sáng trên hành trình. Làm cách nào chúng ta có thể thực hiện điều này ngày nay?
Lc 24, 28-32. Bước 3: chia sẻ trong cộng đoàn. Thánh Kinh, tự thân, không làm mở đôi mắt. Nó chỉ làm cho trái tim họ bị thiêu đốt, điều khiến cho đôi mắt mở ra và làm cho nó thấy được, là sự bẻ bánh, hành động chia sẻ trong cộng đoàn, và việc cử hành Bữa Tiệc Ly. Trong khoảnh khắc đó cả hai nhận ra Chúa Giêsu, họ được tái sinh và Chúa Giêsu biến mất. Chúa Giêsu không chiếm hữu con đường của các bạn Ngài. Ngài không phải là người gia trưởng. Trỗi dậy, các môn đệ có thể tự thân bước đi một mình.
Bước ba là: để biết làm cách nào tạo ra một môi trường huynh đệ trong đức tin, của việc cử hành và chia sẻ, nơi mà Chúa Thánh Thần có thể hoạt động. Chính Ngài khiến chúng ta khám phá và trải nghiệm Lời Chúa trong cuộc sống và hướng dẫn chúng ta hiểu ý nghĩa của những lời của Chúa Giêsu (Ga 14, 26; 16, 13)
Lc 24, 33-35. Bước 4: Kết quả: phục sinh nghĩa là trở về Giêrusalem. Cả hai người họ, cách can đảm, trở lại con đường về Giêrusalem, nơi mà lực lượng của sự chết, đã giết Chúa Giêsu và, đã giết hy vọng của họ, sẽ tiếp tục hoạt động. Nhưng, giờ đây tất cả đã thay đổi. Nếu Chúa Giêsu còn sống, thì trong Ngài và cùng với Ngài có một năng quyền mạnh hơn cả điều đã giết Ngài. Kinh nghiệm này giúp họ phục sinh! Thật vậy, tất cả đều thay đổi. Đó là sự trở về chứ không phải sự trốn chạy! Tin tưởng chứ không phải kém tin! Hy vọng chứ không phải thất vọng! Ý thức hiểu biết chứ không phải thuyết định mệnh trong sự đối mặt với quyền lực! Tự do chứ không phải sự áp bức! Tóm lại một lời: sự sống chứ không phải cái chết! Thay vì tin buồn về sự chết của Chúa Giêsu, thì Tin Mừng của Sự Phục Sinh của Ngài! Cả hai kinh nghiệm sự sống và sống dồi dào! (Ga 10,10). Đây là dấu chỉ cho thấy Thần Khí của Chúa Giêsu hoạt động trong họ!
Câu hỏi
* Cả hai người họ nói rằng: “Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng, nhưng…!” Bạn có bao giờ thấy một tình huống của sự nhát đảm khiến chúng ta thốt ra rằng: “Tôi đã hy vọng, nhưng…!”?
* Bạn đọc, sử dụng và giải nghĩa Kinh Thánh như thế nào? Có bao giờ bạn cảm thấy con tim mình thiêu đốt khi đọc và suy niệm Lời Chúa chưa? Bạn có đọc Kinh Thánh một minh hay là thành phần của nhóm Kinh Thánh?
Lời Nguyện (Tv 105,1-2)
Hãy tạ ơn Chúa, cầu khẩn danh Người,
vĩ nghiệp của Người, loan báo giữa muôn dân.
Hát lên đi, đàn ca mừng Chúa,
và suy gẫm mọi kỳ công của Người.



6. Trên đường Emmau
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Tin Mừng hôm nay ghi lại cảm nghiệm về Đấng Phục Sinh của hai người môn đệ đang trên đường đi về lành Emmaus. Cuộc gặp gỡ của họ với Chúa Kitô Phục Sinh đã diễn ra trong lúc họ đang trên đường trở về làng cũ trong tâm trạng chán nản, buồn bã. Chúa Giêsu đã xuất hiện, không phải để mang lại giải đáp cho những câu hỏi được đặt ra, mà trái lại, Người gây nên thắc mắc và dẫn họ đi cho đến cùng sự tìm kiếm của mình.
Cảm nghiệm về Đấng Phục Sinh của hai người môn đệ đang trên đường đi về làng Emmaus cũng có thể diễn ra trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người tín hữu Kitô. Đấng Phục Sinh luôn là người đồng hành với chúng ta. Trên mọi nẻo đường của cuộc sống chúng ta, Ngài luôn đi bên cạnh kể chuyện, hỏi han, tra vấn và tham dự vào mọi sinh hoạt của chúng ta. Cuộc sống của mỗi ngày chính là nơi Ngài đến để gặp gỡ con người. Cuộc sống mỗi ngày mới là nơi hẹn hò của Đấng Phục Sinh với con người, là bởi vì cuộc sống ấy không bao giờ có thể làm cho con người thỏa mãn. Bên kia niềm vui và nỗi khổ, bên kia thành công và thất bại, con người vẫn nhận ra sự vong thân và thân phận nghèo hèn của mình. Nỗi khao khát về tuyệt đối con người không thể thỏa mãn được trong cuộc sống này, hoặc nếu có tìm cách xoa dịu thì lại tuyệt đối hóa những giá trị chóng qua của cuộc sống, để rồi cuối cùng vẫn thấy mình bị vong thân và bất lực. Bất lực trước cảnh khốn cùng, bất lực trước chiến tranh nghèo khổ, bệnh tật, bất lực trước hận thù, ích kỷ và nhất là bất lực trước cái chết. Sống trong thân phận ấy, con người không khỏi nêu lên câu hỏi: “Đâu là ý nghĩa của tất cả những điều đó? Đâu là ý nghĩa của thân phận con người?”
Chính lúc ấy, Chúa Kitô Phục Sinh xuất hiện, Ngài đến không phải để mang lại câu giải đáp, mà trước hết, như một con người giữa chúng ta, một con người cũng từng nêu lên những câu hỏi ấy, và cũng đã từng nổi loạn trước những nghiệt ngã của thân phận con người. Ngài đã từng mơ ước về một nhân loại tốt đẹp hơn. Ngài đã nói tất cả và đã làm hết sức có thể để xây dựng nhân loại ấy. Và cuối cùng, với cái chết đau thương trên thập giá, xem ra Ngài cũng đành bó tay bỏ cuộc. Nhưng chính lúc ấy, vì đã vâng phục Chúa Cha một cách tuyệt đối để sống tận kiếp người và sống trọn vẹn cho con người, Ngài đã mang lại ý nghĩa cho cuộc sống.
Đây chính là kinh nghiệm mà người bạn đồng hành, Chúa Giêsu Phục Sinh, đã chia sẻ cho hai người môn đệ trên đường Emmaus. Tâm hồn họ nóng bừng lên khi Ngài chia sẻ kinh nghiệm của Ngài, và nhất là khi Ngài nói lên ý nghĩa về cái chết của Ngài qua cử chỉ bẻ bánh và trao ban. Mắt của hai người môn đệ đã mở ra để nhận biết Ngài, hiểu được các biến cố vừa xảy ra, và dĩ nhiên thấy được ý nghĩa của chính cuộc sống của họ.
Ngày nay, trong từng biến cố của cuộc sống chúng ta, Chúa Kitô Phục Sinh cũng đang đến và đồng hành với chúng ta trong từng sinh hoạt và gặp gỡ của chúng ta. Ngài có mặt trong từng niềm vui và nỗi khổ của chúng ta. Nếu chúng ta đón nhận Ngài như người bạn đồng hành, chuyện vãn và chia sẻ với chúng ta, đôi mắt đức tin của chúng ta sẽ mở ra, và lúc đó, trong ánh sáng Phục Sinh của Ngài, chúng ta sẽ tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống.
Ước gì sự hiện diện của Đấng Phục Sinh và hai người môn đệ trên đường Emmaus cảm nhận được lấp đầy tâm hồn chúng ta, để trong mọi cảnh huống của cuộc sống, chúng ta không lẫm lũi bước đi trong đơn độc mà trái lại, hân hoan tiến bước với Ngài. 



7. Đường Emmaus – ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Đường Emmaus thật lạ kỳ. Cùng một con đường, cùng một buổi chiều mà hai môn đệ đi lại hai lần, mỗi lần lại mỗi dáng vẻ hoàn toàn khác nhau. Khi đi thì đường xa vời vợi, mãi không thấy đến. Lúc về thì sao chóng vánh, chưa đi đã đến. Khi đi thì ảo não u sầu. Lúc về lại phấn khởi hân hoan. Khi đi trời còn sáng mà tưởng như đi trong đêm đen. Lúc về trời đã tối mịt mà tưởng đi giữa ban ngày. Khi đi tuyệt vọng chán chường. Lúc về tràn đầy hi vọng. Chắc hẳn ai cũng hiểu, lúc về có kết quả tốt đẹp như thế là vì hai môn đệ đã gặp được Chúa Kitô Phục Sinh. Chính Chúa Kitô Phục Sinh làm nên khác biệt. Gặp Chúa Kitô Phục Sinh là bí quyết giúp thay đổi cuộc đời, giúp cuộc đời có ý nghĩa, có niềm vui, có hi vọng và có lẽ sống.
Nhưng làm thế nào để gặp được Chúa Kitô Phục Sinh? Thực ra sau khi phục sinh, Chúa không còn bị giới hạn trong không gian. Chúa ở khắp mọi nơi. Chúa ở ngay bên ta. Nhưng ta không thấy được Ngài và có khi thấy nhưng không nhận ra Ngài. Muốn gặp Ngài và nhận ra Ngài, ta hãy học hỏi bí quyết của hai môn đệ Emmaus : bí quyết đó là xây dựng những cộng đoàn chia sẻ.
Trước hết là chia sẻ Lời Chúa. Hai môn đệ không đi một mình nhưng lúc nào cũng bên nhau. Hai môn đệ không nói chuyện vu vơ, nhưng cùng nhau nhớ đến Chúa, nói chuyện về Chúa, chia sẻ tâm tư về Chúa. Các ngài đã thực hành Lời Chúa: “Ở đâu có hai ba người tụ họp nhân danh Thày thì Thày ở giữa họ”. Chúa đã thực hiện lời hứa nên đã đến đồng hành với các môn đệ. Hơn nữa, Chúa còn chia sẻ Lời Chúa giúp các ngài hiểu biết và yêu mến Lời Chúa.
Tiếp đến là chia sẻ bác ái. Chúa giả vờ muốn đi xa hơn. Nhưng các môn đệ van nài: “Xin ở lại với chúng tôi vì trời đã chiều và ngày sắp tàn”. Thật cảm động khi lỡ đường mà được mời chia sẻ một mái nhà, dù chỉ là quán trọ. Và chia sẻ một bữa ăn dù đơn sơ đạm bạc. Nếu các môn đệ không có lòng bác ái chia sẻ như thế, có lẽ Chúa đã bỏ đi. Cảm động trước tấm lòng chia sẻ chân thành nên Chúa đã ở lại. Các môn đệ đã thực hành Lời Chúa: “Mỗi lần các con làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 40). Nhờ chia sẻ bác ái, các ngài đã được gặp Chúa. Và chính Chúa đã ở lại để chia sẻ tâm tình với các ngài.
Sau cùng là chia sẻ Thánh Thể. Ngồi vào bàn, Chúa Giêsu “cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ”. Đúng như cử chỉ Chúa làm khi lập phép bí tích Thánh Thể. Mắt các môn đệ mở ra và nhận ra Chúa. Phép Thánh Thể cho các ngài bảo chứng về sự hiện diện của Chúa. Phép Thánh Thể ban cho các ngài niềm vui được gặp gỡ Chúa. Phép Thánh Thể ban cho các ngài sức sống mới để tiếp tục xây dựng các cộng đoàn chia sẻ rộng lớn hơn. Từ đó nhân lên các cộng đoàn chia sẻ Lời Chúa, chia sẻ bác ái và chia sẻ Thánh Thể đi khắp thế giới.
Tôi rất vui mừng vì giáo xứ nhà thờ chính tòa chúng ta đang phấn đấu xây dựng thành một cộng đoàn theo gương các môn đệ. Cha Xứ và Anh chị em đang tích cực khuyến khích nhau học hỏi, chia sẻ và thực hành Lời Chúa, khuyến khích tổ chức các nhóm họat động từ thiện bác ái, và khuyến khích mọi người đến tham dự thánh lễ ngày càng đông đảo. Đó là dấu hiệu Chúa đang ở giữa chúng ta. Có Chúa hiện diện tôi tin chắc cộng đoàn giáo xứ chúng ta sẽ được ơn biến đổi, sẽ tràn đầy niềm vui, niềm bình an, sẽ ngày càng thêm đoàn kết yêu thương và sẽ hăng hái đi loan Tin Mừng. Xin Chúa cho con đường cộng đoàn chúng ta đang đi trở nên con đường Emmaus, khi đi dù có khó khăn vất vả, nhưng với sự phấn đấu ta sẽ gặp Chúa và đường về sẽ tràn ngập niềm vui.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh xin cho chúng con được sống lại thật về phần linh hồn. Amen.
GỢI Ý CHIA SẺ
1) Có những cuộc gặp gỡ đốt nóng lên ngọn lửa yêu mến, hăng hái nhiệt tình trong tâm hồn. Bạn có kinh nghiệm này bao giờ chưa?
2) Gặp Chúa Giêsu đã biến các môn đệ thành những con người khác hẳn. Bạn có mong ước được gặp Chúa để thay đổi cuộc đời không?
3) Để sống tinh thần chia sẻ, bạn phải làm gì? 



8. Đường hy vọng – ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Bài Tin Mừng hôm nay thật đẹp. Đẹp vì lời văn óng ả. Đẹp vì tình tiết ly kỳ. Đẹp vì tình nghĩa đậm đà. Đẹp vì những tư tưởng thần học thâm sâu. Nhưng đẹp nhất là vì bài tin Mừng chất chứa một niềm hy vọng trong sáng, xua tan mọi bóng tối thất vọng não nề.
Hai môn đệ rời Giêrusalem trở về làng cũ. Giêrusalem là trung tâm tôn giáo. Rời Giêrusalem là dấu hiệu của sa sút niềm tin. Giêrusalem là trung tâm hoạt động. Rời Giêrusalem là dấu hiệu của chán nản buông xuôi. Trước kia hia ông đã bỏ nhà cửa, gia đình để đi theo Chúa Giêsu. Nay hai ông trở về như hai kẻ thua cuộc. Ngày ra đi ôm ấp giấc mộng thành đạt. Ngày trở về ôm nặng một mối sầu. Sầu vì đã mất Người Thầy yêu quí. Sầu vì giấc mộng không thành. Hai linh hồn sầu não, thất vọng lê bước trong ánh mặt trời chiều.
Những giữa lúc buồn tủi, thất vọng ấy, Chúa Giêsu đã xuất hiện. Lập tức ánh sáng rực lên giữa màn đêm đen. Niềm vui rộn rã xoá tan u sầu. Ngọn lửa bừng lên sưởi ấm những trái tim lạnh giá. Vì Chúa Giêsu đã đem đến cả một trời hy vọng.
Đọc trong bài Tin Mừng, ta thấy Chúa Giêsu đã nhen nhúm niềm hy vọng trong tâm hồn các môn đệ Emmau bằng ba loại ánh sáng.
1) Ánh sáng đức tin thắp lên niềm hy vọng.
Hai môn đệ đã chứng kiến cuộc sống và cái chết của Chúa Giêsu từ đầu cho đến cuối. Các ông đã thấy biết bao nhiêu phép lạ Người làm. Các ông đã nghe biết bao lời hay ý đẹp từ miệng Người phán ra. Các ông đã công nhận Người là một “Ngôn sứ đầy uy thế xét về việc làm cũng như lời nói”. Các ông đã hy vọng Người là Đấng giải thoát Israel. Nhưng cuộc thương khó và cái chết của Đức giêsu khiến các ông chán nản và thất vọng. Đến nỗi khi các phụ nữ ra mộ, gặp Thiên Thần báo tin Chúa đã phục sinh, về kể lại cho các ông vẫn không tin.
Bấy giờ Chúa Giêsu bảo các ông “Lòng trí các anh sao mà chậm tin lời các ngôn sứ vậy”. Chúa Giêsu kêu gọi đức tin trở về. Chúa Giêsu khơi dậy đức tin đã lụi tàn bằng cặp mắt phàm trần và các ông không hiểu gì. Khi có đức tin, các ông sẽ hiểu tất cả. Đức tin là nguồn ánh sáng giúp ta nhìn ra ý nghĩa của các biến cố trong cuộc đời. Đức tin là đốm lửa thắp lên niềm hy vọng giữa đêm đen tuyệt vọng.
2) Ánh sáng lời Chúa gieo mầm hy vọng.
Hai môn đệ đã đọc Kinh Thánh. Các ông thuộc vanh vách sách Lề Luật Môsê, các Ngôn sứ và Thánh vịnh. Thế nhưng các ông vẫn thất vọng. Vì các ông đọc Kinh Thánh mà không hiểu Kinh Thánh. Các ông học Kinh Thánh như học một bài thuộc lòng. Các ông đọc Kinh Thánh như đọc một bản văn cổ, chỉ có những con chữ vô hồn.
Chúa Giêsu phải giải thích Kinh Thánh cho các ông. Bắt đầu từ sách Lề Luật, rồi lời các Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh. Khi nghe Chúa nói, tim các ông rộn ràng niềm vui, trí các ông bừng sáng như thể một ngọn lửa nhen nhúm trong lòng. Chúa Giêsu đã dạy các ông một cách đọc Kinh Thánh mới mẻ. Phải đọc giữa những hàng chữ để thấy rõ những ý nghĩa nhiệm mầu. Phải tìm sau những hàng chữ để thấy được ý định kỳ diệu của Thiên Chúa. Phải đọc Kinh Thánh dưới sự hiện diện của Thiên Chúa. Phải thấy bóng dáng Thiên Chúa thấp thoáng suốt những trang sách. Và phải đọc Kinh Thánh với một trái tim yêu mến tha thiết.
Khi trái tim mở rộng đón nhận, lời Chúa sẽ gieo vào hồn ta những mầm mống hy vọng. Và cuộc đời sẽ thấy lại ý nghĩa, tìm được niềm vui.
3) Ánh sáng Thánh Thể nuôi dưỡng niềm hy vọng
Niềm hy vọng trở thành hiện thực khi Chúa Giêsu bẻ bánh. Chính qua cử chỉ bẻ bánh mà các môn đệ nhận ra ChúaGiêsu Phục Sinh. Niềm hy vọng không còn là hy vọng nữa, nhưng đã trở thành hiện thực. Hết còn những bàn tin bán nghi. Hết còn những hoang lo lắng. Hết còn những thấp thỏm lo âu. Vì các ông đã gặp được chính niềm hy vọng.
Cuộc gặp gỡ chỉ thoáng qua, nhưng các ông đã mãn nguyện. Chúa Giêsu bẻ bánh là nhắc lại cử chỉ khi lập phép Thánh Thể. Nhờ phép Thánh Thể toàn bộ con người các ông đổi mới. Dường như một linh hồn mới vừa nhập vào những xác thân mệt mỏi rã rời. Dường như dòng máu đã trở nên đỏ thắm. Dường như những tế bào đã trở nên tươi trẻ. Dường như trái tim đã trở nên rộn rã nhịp yêu đời. Lập tức các ông trở lại Giêrusalem. Đường đi khi trời còn sáng mà thấy xa xôi ngại ngùng. Đường đi về lúc trời đã tối đen mà sao thấy tươi vui gần gũi. Lúc đi có Chúa ở bên mà vì con mắt đức tin mù tối nên vẫn thấy buồn sầu. Lúc về tuy vắng bóng Chúa vẫn an tâm vì con mắt đức tin đã mở ra, vì vẫn biết có Chúa ở bên. Thánh Thể Chúa chính là lương thực nuôi dưỡng niềm hy vọng.
Nhờ có Thánh Thể, đường xa trở nên gần. Nhờ có Thánh Thể, đường buồn trở nên vui. Vì nhờ có Thánh Thể, ta luôn được ở bên Chúa.
Đời sống ta không thiếu những giờ phút khó khăn. Cuộc đời đầy thử thách nhiều lúc đẩy ta vào hố thẳm tuyệt vọng. Ta hãy học bài học Chúa dạy các môn đệ trên đường Emmau: Hãy biết nhìn các biến cố trong cuộc đời bằng con mắt đức tin. Dưới ánh sáng đức tin, mị đau khổ sẽ xuất hiện với một ý nghĩa tốt đẹp cho cuộc đời. Ánh sáng đức tin sẽ thắp sáng niềm hy vọng. Hãy biết nghe, đọc và suy gẫm Lời Chúa. Đừng đọc Kinh Thánh như đọc tiểu thuyết. Đừng học hỏi Kinh Thánh như học một lý thuyết. Hãy đọc với tình yêu. Hãy tìm bóng dáng Chúa xuyên qua các hàng chữ. Hãy mở rộng tâm hồn đón nhận Lời Chúa. Lời Chúa sẽ như một hạt giống gieo vào lòng ta mầm hy vọng xanh tươi. Và sau cùng hãy đến với Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể.
Hãy kết hiệp với Chúa Giêsu trong Thánh Thể. Thánh Thể sẽ là lương thực nuôi dưỡng niềm hy vọng của ta.
Đường đời chúng ta cũng như quãng đường từ Giêrusalem đi Emmau. Khi ta không có niềm hy vọng thì con đường ta đi thật dài, thật xa, thật buồn, thật tối dù ta đi giữa ban ngày. Nhưng khi ta có niềm hy vọng, con đường sẽ trở nên gần gũi, vui tươi, và sáng sủa dù ta đi trong bóng đêm.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh là niềm hy vọng của con. Xin cho đường con đi trở thành đường hy vọng vì luôn có Chúa ở bên con.
GỢI Ý CHIA SẺ
1) Chúa Giêsu đã chiếu soi các môn đệ Emmaus bằng những ánh sáng nào?
2) Có khi nào đang buồn, bạn cảm nhận được niềm vui vì gặp Chúa không?
3) Bạn đọc Kinh Thánh thế nào? Tìm kiến thức hay tìm Chúa?
4) Khi tham dự Thánh Lễ, bạn có cảm nhận mãnh liệt sự hiện diện của Chúa trong phép Mình Thánh không? 



9. Chúa hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmau
Suy niệm của ĐGM. Phêrô Nguyễn Khảm
Hôm nay chúng ta sẽ suy niệm về một lời cầu khẩn của hai môn đệ trên đường từ Giêrusalem về Emmau: “Xin Thầy ở lại với chúng con vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn”. Đó là một thực tế về mặt thời gian, bởi vì lúc đó gần tối rồi. Đồng thời câu nói đó có lẽ nó cũng diễn tả một thái độ tâm hồn.
Trời đã về chiều, ngày sắp tàn, đêm tối sắp đến. Tâm hồn của hai ông bị chìm trong đêm tối, cái đêm tối của nghi ngờ, đêm tối của thất vọng. Bởi vì các ông đặt tất cả niềm tin vào Thầy Giêsu mà cuối cùng Thầy Giêsu bị bắt đánh đập, đóng đinh, giết chết trên Thập Giá. Tất cả niềm tin và hy vọng tan biến, chỉ còn lại nghi ngờ và tuyệt vọng. Đêm tối ấy đáng sợ hơn là đêm tôi về mặt không gian và thời gian tự nhiên.
Chính trong tâm trạng ấy các ông thưa với Chúa Giêsu: “Xin Thầy ở lại với chúng con vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn”. Lời cầu khẩn ấy không phải là lời cầu khẩn của chính chúng ta hay sao? Những lúc cuộc đời của chúng ta có những thất bại, có những cay đắng, chán nản đến độ chúng ta đâm ra nghi ngờ Thiên Chúa, chúng ta cần bắt chước hai môn đệ thốt lên lời nguyện xin: “Lạy Chúa hãy ở lại với con”.
Hôm nay thánh Luca muốn nói với chúng ta: Ta không thấy Chúa Kitô về mặt thể lý tự nhiên, nhưng ta có thể gặp Chúa Kitô Phục Sinh trong Bí Tích Thánh Thể. Thánh Luca tường thuật lại suốt trên con đường đi về Emmau có một người khách bộ hành đi cùng. Hai môn đệ không thể nhận ra Thầy yêu thương của mình. Mãi đến lúc ngồi vào bàn Chúa Giêsu cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra trao cho thì hai ông mới nhận ra. Và khi nhận ra thì Chúa lại biến mất.
Về mặt tín lý chi tiết này rất hay, rất quan trọng để cho ta hiểu rõ về Bí Tích Thánh Thể. Khi ta cử hành Bí Tích Thánh Thể nghĩa là ta cùng với Hội Thánh cầm lấy tấm bánh bẻ ra và trao cho nhau. Lúc ấy anh chị em có thấy Chúa không? Thưa không. Trước mặt chúng ta hoàn toàn là một khoảng không. Ngày xưa hai môn đệ đi bên cạnh Chúa, suốt quãng đường dài mà họ không nhận ra Chúa, khi biết được Chúa biến mất trước mặt họ cũng là một khoảng không. Chúa Giêsu không hiện diện một cách gọi là thể lý theo nghĩa chúng ta thấy Ngài như chúng ta nhìn thấy nhau.
Thực sự, sự hiện diện của Ngài là một hiện diện bao trùm cuộc sống của chúng ta. Ta đón nhận sự hiện diện đó bằng lòng tin của chúng ta. Cho nên ta vẫn có thể gặp được Chúa Phục Sinh khi ta cử hành Bí Tích Thánh Thể: Cầm bánh, tạ ơn Chúa. bẻ ra và trao cho nhau. Điều quan trọng là chúng ta có cử hành Bí Tích Thánh Thể như một cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu không hay chỉ còn là một nghi thức?
Vì vậy câu chuyện Tin Mừng hôm nay nhắc cho chúng ta. Chúng ta vẫn gặp được Chúa Giêsu mỗi lần chúng ta cử hành Bí Tích Thánh Thể. Ước gì chúng ta có đủ lòng tin và có một cảm thức nhạy bén trước màu nhiệm của Thiên Chúa để chúng ta có thể đón nhận sự hiện diện sống động của Ngài và đi vào cuộc gặp gỡ thực sự với Ngài.



10. Đồng hành với nhau và với Chúa
(Suy niệm của Lm Louis Hữu Độ)
Một bà già người Đức thuật lại câu truyện mà chính bà là người trong chuyện: Khoảng năm 1942, bà và một số người Đức bị đưa đi lưu đày xa quê hương. Tất cả là người Công Giáo và cùng lao động tại một nông trường, nơi ấy không có nhà thờ cũng không có linh mục. Nhưng mỗi chiều Chúa Nhật, họ được phép tụ họp trong một nghĩa trang để cầu nguyện với nhau. Khi biết cách đó một ngàn cây số, có linh mục thì họ quyết định hàng tháng đóng góp một số tiền để mua vé cho một bà già đi đến nơi đó mang Mình Thánh Chúa về cho họ chịu. Mỗi Chúa Nhật họ đều trung thành gặp gỡ nhau, sốt sắng cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa, cuối tháng thì rước Mình Thánh Chúa. Trong suốt 20 năm dài, cộng đoàn Kitô hữu đó sống đùm bọc, yêu thương nhau cho đến năm 1962 được trả tự do. Bà già thuật lại câu chuyện trên chính là người điều khiển cộng đoàn cầu nguyện mỗi chiều Chúa Nhật. Sau khi kể lại câu chuyện này thì bà thêm: “Mặc dầu được thả về tự do, nhưng chúng tôi ra về với một niềm lưu luyến sâu đậm và nhớ nhung vô cùng những phút giây đoàn kết, yêu thương trong tình người và tình Chúa đó.”
Câu chuyện cảm động ở trên một phần nào đã diễn tả được ý nghĩa của bài Phúc Âm hôm nay. Hai môn đệ trên đường đi đến làng Emmau, một làng cách Giêrusalem 7 dặm, một môn đệ tên là Cleopha, còn môn đệ kia có thể là chính thánh Luca mà các nhà chú giải Thánh Kinh cho rằng vì khiêm nhường nên thánh sử giấu tên.
Hai môn đệ cùng đi với nhau. “Hai người” chỉ về ý nghĩa cộng đoàn chứ không phải một người thì lẻ loi, đơn độc. Con người khi được gửi vào trần gian nầy là để sống cộng đoàn, tương trợ lẫn nhau, chứ không phải để sống đơn độc và ích kỷ. Xét về mặt xã hội thì sự tương trợ là một ích lợi cho thương mại, cho hội đoàn, cho pháp luật… Xét về mặt tôn giáo thì sự tương trợ là một điều đáng ca ngợi, chính Chúa Giêsu đã lên tiếng, “Nơi đâu có 2, 3 người họp nhau lại vì Danh Ta thì Ta ở giữa họ”. Thiên Chúa đứng về phe những người đoàn kết, quan tâm nhau, chứ Ngài không về phe những ai chia rẽ, ích kỷ. Ngay từ thời Giáo hội sơ khai, sách Tông Đồ Công Vụ kể lại các tín hữu một trí một lòng, biết quan tâm đến nhau vì thế họ được toàn dân mến chuộng và càng ngày Chúa càng làm gia tăng số người vào Đạo.
Ngày nay khi nói đến từ ngữ “Emmau” người ta thường nhắm đến ý nghĩa “Đồng Hành” tức : cùng đi – cùng chia sẻ – cùng hưởng nhận – cùng khích lệ – cùng giúp đỡ – cùng lo cho nhau. Đời sống “đồng hành” căn bản đến từ đời sống gia đình, dòng tu, hội đoàn, giáo xứ, rồi Giáo Hội.
Tuy nhiên, nếu chỉ cậy vào sức con người thôi thì cho dù chúng ta có hợp nhau lại vẫn có nhiều vấn đề không thể giải quyết được, vì nó ở ngoài khả năng trí óc và bàn tay của chúng ta. Phúc âm nói rõ 2 môn đệ cùng đi với nhau lúc đầu thì họ buồn bã (có thể họ còn thất vọng và sợ sệt nữa), thế nhưng khi có Chúa Giêsu cùng đi với họ thì lòng họ ấm lên và hăng hái khác thường, đến nỗi ngay trong đêm đó họ quay trở lại Giêrusalem để báo tin cho 11 tông đồ. Chúng ta cũng cần có Thiên Chúa đồng hành với chúng ta để nhờ “bộ óc và bàn tay” của Ngài giải quyết các vấn đề cho chúng ta. Hơn nữa chính sự hiện diện của Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta hăng hái đi cho trọn con đường trên trần gian này.
Con đường Emmau là hình ảnh của con đường trên trần gian này. Kinh nghiệm lịch sử và chính cảm nghiệm cá nhân dạy chúng ta biết, con người không thể sống và phát triển ở môi trường lẻ loi, đơn độc được, trái lại con người cần tương trợ, đồng hành với nhau. Quan trọng hơn nữa là có Thiên Chúa đồng hành với chúng ta để dù đường có quanh co, hiểm trở cũng đừng lo, vì Chúa là “Đường” dẫn về đích dù trên đường có tối tăm, hang hóc cũng đừng lo vì chính Chúa là “Sự Sáng”, dù cuối cùng tử thần có nhào tới bên chúng ta cũng đừng lo vì chính Chúa là “Sự Sống Lại.”



11. Lạy Chúa, xin ở lại với chúng con
(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)
Ít ai biết đến “một làng tên là Emmaus, cách Giêrusalem độ sáu mươi dặm” (Lc 24, 13), nếu không có một Người Bộ Hành mà hai môn đệ coi là “khách hành hương” cùng đi với họ thì ngôi làng Emmaus ấy đã bị lãng quên từ lầu rồi. Theo hai ông thì đây là khách hành hương duy nhất “không hay biết những sự việc vừa xảy ra trong thành mấy ngày nay”(Lc 24, 18).
Chúng ta không biết tên của một trong hai môn đệ, chỉ biết một người tên là Clêophas, còn người kia thì không, có thể là mỗi người trong chúng ta, vào những giờ đen tối nhất của nghi ngờ, buồn thảm, mệt mỏi và chán nản, cuộc sống dường như thất bại, không thay đổi được quá trình của các sự kiện. Chúng ta không tiến bước, mà lại quay về với thực tại của quá khứ, trở thành gánh quá nặng, hoặc một mớ rối bòng bong, trốn chạy bằng con đường Emmaus. Hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh trong đời sống chúng ta.
Hai môn đệ trên đường Emmaus đã gắn bó với Đức Giêsu thành Nagiarét “với hy vọng Người sẽ cứu Israel” (Lc 24, 21). Rõ ràng, hai ông đã không “nghe” những lời cảnh báo lặp đi lặp lại của Thầy dành cho tất cả những ai muốn theo Người: “Phàm ai không vác khổ giá mình mà đi sau Ta, ắt không thể làm môn đồ của Ta” (Lc 14,27). Trong sự hào hứng của mình, họ đã “không ngồi mà trù liệu phí tổn, xem có đủ vốn đến lúc hoàn thành hay không?” (Lc 14, 28). Họ đã đặt nền móng, nhưng khi có thử thách về cuộc Khổ Nạn, họ bỏ dở: làm thế nào họ có thể tiếp tục mà không có một kế hoạch và không có người đứng đầu, tức là thợ cả? Bằng chứng lời Chúa chứng minh rằng họ thiếu cái gì đấy để tiếp tục và đi đến cùng việc xây dựng Nước Trời ở giữa họ.
Vì đã tham gia vào cuộc hành trình buồn bã của họ, giữa bóng đêm của ngày đang qua và bóng tối đang phủ kín tâm trí họ, Chúa Giêsu Phục Sinh bắt đầu gợi chuyện: “Các ông có truyện gì vừa đi vừa trao đổi với nhau mà buồn bã vậy?” (Lc 24,17) Nghe hỏi thế, họ đã bộc bạch về sự đau khổ, thất vọng, đắng cay của chính mình sau khi Thầy chết, các môn đệ tản mác mỗi người một ngả, đức tin của họ bị tan vỡ, mọi sự xem ra đã hết, các xác tín sụp đổ, niềm hy vọng tắt ngúm. Chúa nói chuyện với hai ông và “giải thích” Kinh Thánh. Chúa chủ động trình bày cho họ, “bắt đầu từ Môsê và các tiên tri”, mà tất cả Sách Thánh đều hướng về mầu nhiệm Con Người (x. Lc 24,27), làm cho tâm hồn họ “bừng cháy”. Chúa đã đem lại một tia sáng khơi lên niềm hy vọng, đưa họ ra khỏi bóng tối của phiền muộn và thất vọng, đánh thức nơi họ lòng khao khát muốn được ở gần Người, khiến họ nài ép: “Mời ông ở lại với chúng tôi”, với lý do “vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn” ( Lc 24,29 ).
“Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn” (Lc 24,29). Đây là lời mời xin tha thiết của hai ông vào ngày thứ nhất trong tuần, lúc mà tâm hồn đang trĩu nặng vì buồn nản, đang trên đường trở về quê. Họ không bao giờ nghĩ rằng người khách lạ ấy lại chính là Thầy mình mới sống lại. Hai ông đã nhận ra Người tại bàn ăn chỉ với một hành vi “bẻ bánh” đơn giản (Lc 24,35). Khi trí khôn được chiếu sáng, con tim được đốt nóng, những dấu chỉ bắt đầu gợi lên lòng sốt mến và thôi thúc họ “chỗi dậy trở về Giêrusalem” (Lc 24,33) để thuật lại tất cả những gì họ đã thấy và đã nghe cho “mười một tông đồ và các bạn khác đang tụ họp” (Lc 24,33).
Hình ảnh hai môn đệ trên đường Emmaus có thể hình ảnh của mỗi gia đình chúng ta trong năm Phúc Âm Hóa Gia Đình này. Giữa biết bao vấn đề và khó khăn, ngay cả những thất vọng nặng nề, Người Bộ Hành Thần Linh vẫn tiếp tục đồng hành bên cạnh chúng ta, mở ra cho chúng ta những trang Kinh Thánh và hướng dẫn chúng ta hiểu sâu hơn những mầu nhiệm của Thiên Chúa. Chúng ta hãy van nài : Lạy Chúa, xin ở lại với chúng con.
Chúa luôn ở với chúng ta, hãy năng đến gặp Người nơi Bí tích Thánh Thể và lắng nghe Lời Chúa. Chính Đấng Cứu Thế đã bảo đảm cho chúng ta về sự hiện diện hữu hình của Người ở giữa chúng ta, ngang qua Lời Chúa và Bí tích Thánh Thể. Lời Chúa giúp tâm hồn các ông nóng lại, mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh. Cử chỉ bẻ bánh giúp các môn đệ nhận ra Chúa Giêsu (x. Lc 24,35).
Chúng ta cũng vậy, bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể luôn dọn sẵn cho chúng ta, chúng ta nghe Chúa nói, gặp gỡ và đón rước Chúa trong khi cử hành Thánh lễ và rước lễ. Hai môn đệ nhận ra Đức Giêsu khi người bẻ bánh, liền về Giêrusalem kể lại kinh nghiệm ngoại thường mà họ đã sống: đó là cuộc gặp gỡ với Đấng Phục Sinh.
Thánh Phaolô cũng bảo chúng ta: “Mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền sự chết của Chúa cho tới khi Người đến” (1Cr 11,26). Như thế, chúng ta phải nỗ lực phấn đấu trở thành những chứng nhân, sẵn sàng loan báo cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô với lòng hăng say và niềm vui vì được gặp gỡ Chúa. Niềm vui ấy phải lây sang người khác làm cho Giáo Hội tăng trưởng. Giáo Hội lớn mạnh nhờ những chứng tá nảy sinh từ niềm vui được đón nhận và được biến thành lời loan báo. Đó là một niềm vui tông đồ, lan tỏa.
Cùng với Mẹ Maria trong tháng hoa này, chúng ta hãy nhìn lên Mẹ Maria như gương mẫu để bắt chước. Xin Mẹ giúp chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu Thánh Thể và nghe Lời Chúa, nhất là hăng say loan báo Tin Mừng Chúa sống lại để mọi người tin mà được cứu độ. Amen.



12. Suy niệm của Lm Giuse Nguyễn Thể Hiện
CHÚA GIÊSU PHỤC SINH VÀ
HAI MÔN ĐỆ TRÊN ĐƯỜNG EMMAU

Bài Tin Mừng hôm nay (Lc 24,13-35) kể cho chúng ta một câu chuyện rất cảm động về sự hiện diện và về vai trò của Chúa Phục Sinh trong cuộc sống của các đồ đệ Chúa Kitô.
“Hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Emmau, cách Giêrusalem chừng mười một cây số. Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra [tức là về biến cố Đức Giêsu bị đóng đinh và về sự kiện ngôi mộ trống]. Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giêsu tiến đến gần và cùng đi với họ. Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. Người hỏi họ: “Các anh vừa đi vừa tranh luận với nhau về chuyện gì vậy?” Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu. Một trong hai người tên là Clêôpas trả lời: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giêrusalem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay” (cc.13-18).
“Đức Giêsu hỏi: “Chuyện gì vậy?” (c.19a). Câu hỏi này của Đức Giêsu dẫn trình thuật vào một câu trả lời rõ ràng mang tính chất một lời rao giảng của Hội Thánh tiên khởi, nhưng còn thiếu lời công bố mầu nhiệm phục sinh và thiếu quy chiếu Thánh Kinh: “Họ thưa: “Chuyện ông Giêsu Nadarét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng tôi đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Israel. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy” (cc.19b-24).
Sự thất vọng do bởi cái chết của Đức Giêsu đã không hề khiến các đồ đệ đưa ra những phán đoán tiêu cực về Ngài. Các ông đã không hề coi Ngài là một ngôn sứ giả chẳng hạn. Cuộc khổ nạn đã không làm cho cuộc sống thế tạm của Đức Giêsu, vốn đầy uy thế trước mặt Thiên Chúa và toàn dân, trở nên không còn giá trị. Ngài vẫn là một ngôn sứ vĩ đại “trong việc làm cũng như trong lời nói”. Cái chết của Đức Giêsu, mặc dù là cái chết thập giá, không hề bị coi là dấu hiệu của sự chúc dữ của Thiên Chúa như cách hiểu sai lầm của “các thượng tế và thủ lãnh của chúng tôi”. Nhưng cái chết ấy quả thực đã đặt dấu chấm hết cho sự kỳ vọng của các đồ đệ, sự kỳ vọng về một cuộc giải phóng theo nghĩa phục hưng dân tộc Israel. Những dấu hiệu của sự phục sinh cũng được nhắc đến, nhưng chính Đấng Phục Sinh thì họ chưa được gặp. Và vì thế, họ chán nản và thất vọng.
“Bấy giờ Đức Giêsu nói với hai ông rằng: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ!” (c.25). Chúa Phục Sinh, vốn từ đầu câu chuyện chỉ là người lắng nghe, bây giờ trở thành chủ thể hành động và dẫn dắt sự tình. Trước tiên, Người khiển trách các ông chậm tin vào lời các ngôn sứ. Đoạn Ngài nói tiếp: “Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” (c.26).
“Rồi bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh” (c.27). Ở đây, chúng ta gặp một chủ đề quan trọng trong Lc: việc giải thích Sách Thánh trong Hội Thánh. Tác giả khẳng định rằng: chính Chúa Giêsu Phục Sinh là Đấng giải thích “những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh”. Ngài mở ra cho các đồ đệ sự hiểu biết đích thật về Sách Thánh, và như thế, Ngài chính là nguồn mạch của những suy niệm Kitô giáo về Sách Thánh. Tác giả Tin Mừng không đề cập đến một đoạn Sách Thánh cụ thể nào, nhưng nghĩ tới Sách Thánh trong tính cách toàn thể của Sách Thánh. Chính Chúa Kitô Phục Sinh hiện diện ở ngọn nguồn của việc giải thích mang tính Kitô luận về Sách Thánh Cựu Ước. Việc đọc Sách Thánh của các Kitô hữu và lời rao giảng của Hội Thánh tìm thấy nơi chính Chúa Phục Sinh những đảm bảo chắc chắn cho tính chính thực của mình.
“Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giêsu làm như còn phải đi xa hơn nữa. Họ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.” Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất” (cc.28-31). Có lẽ Chúa Giêsu đã bẻ bánh như là một hành động mang tính nghi lễ trong bữa ăn bình thường của người Do Thái. Nhưng đối với những người đọc là Kitô hữu, các hạn từ được tác giả Lc lựa chọn để miêu tả hành động này lại rất có ý nghĩa: chúng rõ ràng là những cách nói về việc cử hành Thánh Thể; và thực chất, đối với Lc cách riêng, “bẻ bánh” là thuật ngữ chuyên dùng để chỉ bữa tiệc Thánh Thể (x. Cv 2,42.46; 20,7). Đàng khác, ngữ cảnh cũng hướng đến cách đọc theo nghĩa Tiệc Thánh Thể, và do đó, nhấn mạnh đến ý nghĩa giáo lý hơn là giá trị sử học của hành động bẻ bánh mà Chúa Giêsu thực hiện ở câu 30.
Chính trong Tiệc Thánh Thể, cuộc gặp gỡ trong lòng tin của các đồ đệ với Đức Chúa Phục Sinh đã được thực hiện. Họ chợt nhận ra rằng Ngài vẫn hiện diện gần gũi với họ từ trước, trong cuộc hành trình cuộc đời họ. “Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (c.32).
“Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó” (c.33). Bất chấp đêm tối, trong ánh sáng của lòng tin và của kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Phục Sinh, các đồ đệ quay trở về nơi đã xảy ra biến cố Phục Sinh, điểm xuất phát của lời rao giảng của các Tông Đồ. Đó là cuộc trở về hiệp thông với Nhóm Mười Một và các anh em khác, tức là với hạt nhân của Hội Thánh vừa được khai sinh.
Nhưng trước khi hai đồ đệ Emmau có thể kể lại trải nghiệm của chính họ, thì họ được nghe Nhóm Mười Một công bố tin mừng phục sinh. “Những người này bảo hai ông: “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Simôn” (c.34). Rõ ràng tác giả Tin Mừng muốn nói: lòng tin của các chứng nhân chính thức (Nhóm Mười Một) và của cộng đoàn tiên khởi không dựa trên lời chứng của các nhân vật nào khác nếu không phải trước hết là kinh nghiệm thiết thân của chính ông Phêrô, người đứng đầu tập thể các Tông Đồ. Chính kinh nghiệm gặp gỡ Đấng Phục Sinh của Nhóm Mười Một mà ông Phêrô đứng đầu đó sẽ xác định giá trị của chứng từ mà hai đồ đệ Emmau công bố, chứ không phải là những câu chuyện của các phụ nữ về ngôi mộ trống.
Bấy giờ, “hai ông thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh” (c.35). Hai đồ đệ Emmau đã kể lại cho Nhóm Mười Một và các anh em đang quây quần bên Nhóm Mười Một những trải nghiệm của họ. Tuy nhiên, chứng từ của họ lúc này sẽ chỉ là chứng từ thêm vào và xác nhận chứng từ của các Tông Đồ mà thôi. Đáng chú ý là tác giả Tin Mừng đã cố ý nhấn mạnh hai điểm quan trọng trong kinh nghiệm Emmau: (1) “những gì đã xảy ra dọc đường” tức là việc Đức Giêsu đồng hành và giải thích Sách Thánh cho các đồ đệ; (2) việc các ông “nhận ra Chúa khi Người bẻ bánh”. Rõ ràng là đối với cộng đoàn Kitô hữu, Thánh Kinh và Thánh Thể chính là nơi gặp gỡ Chúa Kitô Phục Sinh.
Gợi ý suy niệm và chia sẻ
1. Chúa Giêsu Phục Sinh là Đấng hiệp nhất cộng đoàn các đồ đệ của Ngài.
Trong phần thứ nhất của bài Tin Mừng (cc. 13-24), một trong những yếu tố nổi bật là sự chia tách. Hai đồ đệ rời khỏi Giêrusalem, nơi xảy ra biến cố Phục Sinh, và rời xa nhóm các đồ đệ (c.13); giữa hai ông hình như cũng xảy ra những sự bất đồng (c.17: động từ antiballein có thể được hiểu là tranh luận) và nhất là khoảng cách lớn lao giữa hai ông với Chúa Phục Sinh mà các ông tưởng là một người xa lạ, và giữa hai ông với những biến cố cứu độ mà các ông chưa hiểu thấu. Vì thế, các ông buồn bã (c.17), nói cách khác, các ông đang ở trong một tình trạng bi đát và thất vọng ê chề. Chúa Giêsu đến trong tình cảnh bi đát ấy. Ngài đi vào tận điểm trung tâm của tình cảnh chia ly và xa cách đó. Và từ câu 25 của trình thuật, tất cả đã thay đổi. Chúa Giêsu Phục Sinh đảm nhận vai trò là chủ thể hành động và chính Ngài làm chủ tình hình. Ngài giải thích cho hai đồ đệ những biến cố xảy ra dưới ánh sáng Thánh Kinh, rồi chính Ngài “bẻ bánh”. Lập tức, những khoảng cách được xoá bỏ. Chúa Phục Sinh được các đồ đệ nhận biết, tâm hồn các đồ đệ “bừng cháy lên”, họ quay trở lại Giêrusalem, trở về trong cộng đoàn các chứng nhân.
Rất nhiều khi, trong cuộc sống thực tế của cộng đoàn Hội Thánh, xảy đến những tình trạng chia rẽ và xa cách… Chính Chúa Phục Sinh, trong Lời và Thánh Thể của Ngài, là nguyên lý thiết yếu và tối hậu kiến tạo sự hiệp nhất của cộng đoàn Hội Thánh. Sự gặp gỡ thiết thân của mỗi người chúng ta với Chúa Phục Sinh chính là yếu tố quyết định đưa chúng ta đến sự hiệp thông và hiệp nhất đích thực trong lòng Hội Thánh.
2. Thánh Thể, dấu chỉ tuyệt hảo về sự hiện diện của Chúa Phục Sinh giữa những kẻ thuộc về Ngài, chính là đỉnh điểm và là xuất phát điểm của đời sống Kitô hữu.
Câu chuyện trong bài Tin Mừng hôm nay cho thấy: Kinh Thánh chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ với Đức Chúa Phục Sinh, và Đức Chúa Phục Sinh được các đồ đệ nhận biết trong Thánh Thể. Để vượt thắng những chướng ngại vật đang ngăn cản các đồ đệ nhận ra Chúa Giêsu, rõ ràng phải có sự lắng nghe lời Kinh Thánh được giải thích trong Chúa Kitô và bởi Chúa Kitô; và một khi tâm hồn của các ông đã “bừng cháy lên” nhờ lời Kinh Thánh đó, thì chính trong hành động “bẻ bánh” nhiệm mầu của Chúa Giêsu, các ông nhận ra Người. Rồi từ cuộc gặp gỡ thiết thân trong Thánh Thể ấy, lòng tin bừng sáng. Chính trong Thánh Thể, các tín hữu được mời gọi tham dự bàn tiệc do Chúa Kitô Phục Sinh chủ toạ. Ở đó, họ sẽ được trải nghiệm sự hiện diện mầu nhiệm và rất thực của chính Ngài.
3. Chúa Phục Sinh luôn đồng hành với chúng ta.
Một trong những sợi chỉ đỏ xuyên suốt bài Tin Mừng hôm nay là chủ đề “hành trình”, vốn là một chủ đề quan trọng trong Lc. Trình thuật Emmau hôm nay khai triển chủ đề này cách đặc biệt. Trong cuộc hành trình của mình, người đồ đệ không cô độc. Theo một cách thức vô hình nhưng rất thực, Chúa Giêsu Phục Sinh đồng hành với người đồ đệ trên những nẻo đường cuộc sống, và đưa họ đến chỗ gặp gỡ chính Ngài. Chính Ngài giúp đỡ người đồ đệ nhận ra Ngài trong lòng tin đã được soi sáng bởi Kinh Thánh và trong ân huệ Thánh Thể. Nhưng một khi người đồ đệ đã được trải nghiệm sự hiện diện gần gũi và rất thực của Ngài, thì Chúa Phục Sinh liền thoát khỏi sự chiếm hữu của anh ta, để lại mời gọi anh ta lên đường làm chứng cho sự hiện diện thực sự của Ngài. Đó cũng là thực tại vẫn đang diễn ra trong cuộc sống hiện tại của chúng ta hôm nay vậy.



13. Người bạn đồng hành – R. Veritas
(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
Nói đến những người không nhà không cửa, người ta thường nhắc đến cha Henri Groués quen được gọi tắt là cha Pierre, người đã sáng lập cộng đoàn Emmaus giúp những người bần cùng tự tay xây dựng cuộc sống của họ.
Phong trào Cộng đoàn Emmaus khởi sự bằng một căn nhà đổ nát ở vòng đai của thành phố Paris vào hồi Đệ Nhị Thế Chiến. Những người khách đầu tiên của tổ ấm này là các thanh thiếu niên bụi đời, những người không nhà không cửa, hoặc các tù nhân vừa được phóng thích.
Câu nói đầu tiên của cha Pierre với những người mới đặt chân đến cộng đoàn là: “Bạn không được may mắn, nhưng tôi cần bạn để giúp đỡ những người khác…”. Dù khổ sở đến đâu, ai cũng muốn người khác nhìn nhận giá trị của mình, ai cũng muốn trở thành hữu ích cho người khác. Đó là niềm tin mà cha Pierre luôn khơi dậy nơi những người đã mất tất cả hy vọng.
Cha Pierre đặt tên Emmaus cho cộng đoàn của cha là để nhớ lại câu chuyện hai môn đệ của Chúa Giêsu trong buổi chiều Phục Sinh. Cũng như hai môn đệ này, giữa lúc họ tưởng như mất tất cả, Chúa Giêsu đã hiện đến mang lại niềm tin cho họ. Cũng thế, cha Pierre và những người bạn đầu tiên của ngài đã tìm gặp được hứng khởi, niềm tin yêu giữa những mất mát ê chề của cuộc sống.
“Tạo lại niềm hy vọng vào cuộc sống”, đó là khẩu lệnh của cha Pierre, và xây dựng lại niềm hy vọng đó từ những đổ nát, mất mát. Chính vì thế mà cộng đoàn Emmaus chủ trương đi thu nhặt lại các đồ phế thải, các vật dụng cũ kỹ, giấy rác, ve chai, bao bì nylon, lon hộp… để chế biến và bán lại như một sản phẩm do chính tay mình làm nên.
Hiện nay phong trào Emmaus đã có mặt tại 50 quốc gia trên thế giới với khoảng 290 cộng đoàn. Tất cả những người trong cộng đoàn đều sống với niềm hy vọng từ những đổ nát và mất mát trong cuộc sống.
Anh chị em thân mến,
Tin Mừng của Thánh Luca hôm nay thuật lại rằng, buổi chiều hôm đó có hai môn đệ của Chúa Giêsu lên đường đi Emmaus trở về làng cũ của họ. Cái chết của Chúa Giêsu là một chấm hết đối với họ: hết mong “công hầu khanh tướng”, hết giấc mơ của một nước Israel thịnh vượng, hết mong hy vọng. Trở về làng cũ tức là trở về với thất vọng ê chề. Nhưng cũng chính lúc đó, Chúa Giêsu đã hiện ra với họ, cái chết mang một ý nghĩa mới, mất mát đã trở thành khởi đầu của lợi lộc, thất bại đã trở thành khởi điểm của thành công, buồn phiền đã biến thành vui mừng hân hoan. Ánh sáng Phục Sinh của Chúa Giêsu đã mặc cho mọi biến cố của cuộc sống một ý nghĩa mới. Tin tưởng lạc quan đã trở thành nhân đức cơ bản của đời Kitô.
Ở bất cứ nơi đâu và ở bất kỳ thời đại nào, sau một lần đổ nát, người ta thường hát lên điệp khúc: “Hãy xây dựng lại từ đổ nát!”. Đó là niềm tin mà hơn bất cứ lúc nào chúng ta cần phải bám lấy… Bạn đang sầu khổ vì những mất mát ê chề trong cuộc sống ư? Bạn đang cảm thấy mình ở dưới vực thẳm của tội lỗi ư? Chúa Giêsu của làng Emmaus đang nói với bạn: Đừng thất vọng! Ngài đang đồng hành với bạn, và với Ngài, bạn có thể xây dựng được một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Thưa anh chị em,
Nếu ngày xưa, hai môn đệ Emmaus đã nhận ra Chúa khi Ngài ngồi vào bàn ăn bẻ bánh trao lại cho hai ông, thì hôm nay nơi Bàn Tiệc Thánh này, Ngài cũng làm lại cử chỉ đó để chúng ta nhận ra Ngài đang sống và hiện diện giữa chúng ta, với chúng ta, trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời. Và sau khi vui mừng nhận ra Chúa đã sống lại, hai ông đã vội vã ra đi gặp anh em để thông đạt niềm vui và niềm tin yêu nơi họ. Cũng vậy, sau khi hiệp lễ, chúng ta được sai phái ra đi đem Tin Mừng Chúa sống lại, đem niềm vui Phục Sinh đến các anh em đang đau khổ, buồn sầu, chán nản, thất vọng, để mọi người cùng chia sẻ niềm tin. Thiên Chúa vẫn là người bạn đồng hành của con người, Ngài vẫn cảm thông với những ưu tư, đau khổ của con người, Ngài đang hoạt động với con người. Chỉ có con người không nhận ra Ngài, không biết lắng nghe Lời Ngài và không giữ Ngài ở lại với mình khi ngày đã xế bóng và màn đêm tăm tối đang bao phủ mặt đất, che khuất ánh mặt trời. Vì trong đêm tối, người ta khó tin có mặt trời, nhưng sự thực mặt trời vẫn luôn có đó. Trong đau khổ, người ta khó tin có Thiên Chúa, nhưng sự thực Thiên Chúa vẫn luôn có đó, vì Chúa Kitô đã sống lại và đang sống bên cạnh chúng ta giữa những đêm tối, giữa những khổ đau, mặc dầu chúng ta không trông thấy Ngài.
Anh chị em thân mến,
Hãy nhận ra sự gần gũi thân thương của Chúa Giêsu trong Lời Chúa và Thánh Thể chúng ta chia sẻ cho nhau mỗi lần họp mặt mừng Chúa sống lại. Và cùng với Ngài, chúng ta ra đi đem Tin Mừng Phục Sinh, niềm vui và hy vọng làm nền tảng cho cả cuộc đời của mọi người Kitô hữu.



14. Đừng tiếc nuối – Lm Giuse Tạ Duy Tuyền
Có những lúc trong cuộc đời trước những bất hạnh, rủi ro hay lầm lỡ, chúng ta thường thốt lên một lời thật xót xa: “giá mà!”. Giá mà tôi đừng như vậy thì đời tôi đâu đến nông nỗi này! Giá mà tôi không đầu tư vào việc đó thì tôi đâu thất bại ê chề như thế này! Giá mà tôi chịu nghe lời cha mẹ, giá mà tôi đừng gặp người đó, đừng bằng lòng lấy người ấy thì đời tôi đâu khổ sầu như ngày hôm nay! Giá mà tôi đừng trèo cao danh vọng hay “vung tay quá trán” thì đời tôi đâu khốn khó như ngày hôm nay!
Có lẽ, vẫn còn nhiều câu nói xót xa tương tự như thế trong cuộc đời chúng ta. Nhất là trong những quyết định sai lầm để rồi “sẩy một ly đi một dặm”, đã khiến cuộc đời mình trở nên khánh tận tột cùng. Lúc đó hai tiếng “giá mà” lại càng đau đớn xót xa hơn!
Ngược với sự xót xa tiếc nuối, người ta có thể đặt bản lề cho vận mạng mới của mình bằng hai tiếng “tuy nhiên”. Tuy nhiên tôi có thể làm lại từ đầu. Tôi có thể đứng lên từ trong biến cố đau thương này. Trong hoạ vẫn có phúc. Trong đau khổ vẫn có mầm hy vọng. Trong thất bại vẫn có con đường để tiến lên, miễn là biết kiên nhẫn và chờ đợi sẽ có ngày gặt hái thành công.
Hai môn đệ đi làng Emmau hôm nay lòng cũng tơi bời, nát tan trong tuyệt vọng và tiếc nuối. Giá mà ngày nào họ đừng gặp Thầy Giêsu, đừng đi theo Người, đừng lặn lội sương gió phò tá Người thì hôm nay đâu phải trắng tay và trốn chạy như thế này! Giá mà Đức Giêsu, người từng làm cho sóng gió biển cả phải im lặng, cho ma quỷ phải khiếp sợ, đừng chấp nhận một định mệnh quá cay nghiệt là cái chết ô nhục trên thập giá, thì mộng ước bấy lâu nay của họ đã thành hiện thực. Tuy nhiên, giữa lúc họ đang đặt ra biết bao giả thuyết đầy nuối tiếc, bi quan, tưởng chừng như cuộc đời họ đã chấm dứt như “dã tràng xe cát biển đông”, Chúa đã đến với họ như một người khách lạ cùng nhịp bước với họ, nhưng lại nhìn những biến cố đang diễn ra khác họ. Người khách lạ đã giúp các ông nhìn biến cố này từ Thánh Kinh. Gợi lại cho các ông những dòng Kinh Thánh từ thời Abraham, Mô-sê và các tiên tri để các ông hiểu được con đường của Thầy Chí Thánh Giêsu: là Đức Giêsu phải đi qua đau khổ mới tới vinh quang. Đức Ky-tô là Đấng Messia. Ngài phải thực hiện toàn bộ các lời kinh thánh đã nói về Ngài.
Nghe người khách lạ nói, lòng trí các ông bừng sáng một niềm tin lạ thường. Niềm tin giúp các ông chấp nhận sự thật trong an bình, trong thánh ý của Thiên Chúa. Lòng họ tràn ngập niềm hân hoan. Họ muốn mời người khác lạ ở lại với họ. Họ muốn tri ân. Họ muốn bầy tỏ lòng biết ơn đối với người khách lạ. Vì nhờ người khách lạ giải thích Kinh Thánh mà họ hiểu được ý nghĩa của biến cố đang xảy ra. Bao lâu nay họ học Kinh Thánh, bao lâu nay họ nghe giảng Kinh Thánh nhưng họ lại không biết nhìn sự kiện dưới cái nhìn của Kinh Thánh. Họ muốn Thiên Chúa hành xử theo ý mình. Họ muốn Đức Giêsu đáp lại nguyện vọng của họ mà họ đâu biết rằng Người đến trần gian là để thực thi ý Chúa Cha. Họ thất vọng vì những điều xảy ra không theo ý họ. Chúa đã chết thay vì làm vua. Cái chết của Chúa đã làm tan biến mọi mơ ước trong lòng họ. Tuy nhiên, hôm nay họ đã hiểu, dù có muộn màng nhưng mặc cho trời còn tối. Bóng tối của trời đất chẳng là gì với ánh sáng của tâm hồn. Tâm hồn họ bừng sáng lên niềm hy vọng. Tâm hồn họ tràn ngập ánh sáng hân hoan. Họ đứng dạy trở về Giêrusalem, trở về với các tông đồ trong sự hiệp thông với Chúa và với nhau.
Câu chuyện hai môn đệ đi làng Emmau, thánh sử Luca chỉ giới thiệu cho chúng ta một nhân vật có là Lê-o-pha, và một người khuyết danh. Người khuyết danh đó phải chăng là mỗi tín hữu chúng ta? Có thể là chính chúng ta cũng có lúc đang đi trên đường Emmau. Đoạn đường có quá nhiều chán chường. Đoạn đường dài đầy bất trắc dồn dập xảy đến trong cuộc đời. Ốm đau, bệnh tật, làm ăn thua lỗ luôn làm chúng ta chưa hết cái lo này đến cái lo khác. Khiến chúng ta thất vọng. Muốn buông xuôi. Mặc cho dòng đời đưa đẩy. Thánh Luca muốn ghi lại biến cố này để mời gọi những ai sầu khổ tư bề hãy biết nhìn biến cố trong đời bằng ánh sáng tin mừng. “Sau đêm dài là ánh bình minh”. “Sau cơn mưa trời lại sáng”. Hãy tin tưởng vào Chúa. Thiên Chúa luôn làm những điều tốt đẹp nhất cho cuộc đời chúng ta. Vì Chúa là người Cha hiền sẽ không bao giờ bỏ rơi con cái của mình.
Ước gì trong thánh lễ hôm nay, chúng ta được nghe Lời Chúa, được hiểu Lời Chúa, được hiệp thông với Chúa và với nhau qua bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta cũng được sự bình an và niềm vui có Chúa ở cùng như hai môn đệ đi làng Emmau năm xưa. Amen.


15. Trên đường Emmau – R. Veritas
(Trích trong ‘Sống Tin Mừng’)
Qua các báo chí, đài truyền thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông khác, có lẽ ngày nào chúng ta cũng thấy tận mắt hình ảnh vô cùng thảm thương của những người tị nạn Kosovo, đã có trên nữa triệu người gốc Albani bị bắt buộc phải rời bỏ quê hương mang theo không biết bao nhiêu câu chuyện, hay những hành động ngược đãi, hãm hiếp, tàn sát dã man mà Tổng thống Nam Tư đã trút xuống trên họ. Những hành động tội ác xuất phát từ chủ trương thanh lọc chủng tộc này không thể không gợi lại cho chúng ta các trại tập trung, những lò hơi ngạt mà Hitler đã từng dựng nên để sát tế trên sáu triệu người Do thái. Chúng ta cũng không thể quên được các quần đảo Gu-lắc của Stalin tại Liên Xô, những nhà tù của Mao Trạch Đông tại Trung Quốc, những cánh đồng giết người của Pôn-Pốt tại Campuchia. Dĩ nhiên, làm sao chúng ta không liên tưởng đến không biết bao nhiêu người vì chủng tộc, vì niềm tin tôn giáo, vì lương tâm, vì quan điểm chính trị mà đã phải bị kỳ thị, bị ngược đãi, bị bách hại trong các chế độ độc tài xây dựng trên các ý thức hệ độc đoán.
Ở vào thời điểm của xu thế toàn cầu hóa ngày càng mở rộng để tạo ra về các giao lưu kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội, tôn giáo thì chủ trương loại trừ, bách hại và tiêu diệt người khác chỉ vì chủng tộc, chỉ vì niềm tin tôn giáo, vì quan điểm chính trị, quả là một hành động lạc hậu dã man. Thế giới đã nhìn về tội ác của Hitler, Stalin, Mao Trạch Đông, Pôn-Pốt như những cơn ác mộng nhất của lịch sử nhân loại và sẽ mãi mãi lên án bất cứ chủ nghĩa nào tước đi quyền cơ bản của con người. Giờ đây nhân loại càng ý thức rằng, gặp gỡ, chia sẻ, tôn trọng những khác biệt mà điều kiện tối cần cho sự sống còn là nền hoà bình đích thực của thế giới.
Riêng các tín hữu Kitô chúng ta, ánh sáng đức tin soi dẫn chúng ta biết rằng, nền tảng những sự tôn trọng, những khác biêt nơi người khác là phẩm giá con người. Chúng ta tin rằng, một con người sinh ra trên cõi đời này đều mang lấy hình ảnh Thiên Chúa. Trong ánh sáng của việc cử hành mầu nhiệm Phục Sinh, các tín hữu Kitô chúng ta còn biết rằng, con người có một phẩm giá cao trọng là bởi vì chính Chúa Kitô Phục Sinh đã tự đồng hóa với mọi người, nhất là với những người nghèo hèn nhất trong xã hội. Từ nay trong ánh sáng Phục Sinh, chúng ta biết rằng, con người là con đường gặp gỡ ưu việt với Chúa Kitô Phục Sinh. Đây là chân lý Giáo Hội muốn nhắc nhở với chúng ta trong Tin Mừng chúng ta lắng nghe trong Chúa Nhật hôm nay.
Chúa Giêsu đã đến với hai môn đệ đi về làng Emmau như người khách đồng hành, đồng hành nhưng xa lạ, đây chính là cách thể hiện diện của Chúa Kitô Phục Sinh trong cuộc sống của chúng ta, Ngài đến với chúng ta như một người đồng hành, Ngài luôn đi bên cạnh chúng ta, thế nhưng người đi bên cạnh ấy lại là một người xa lạ, rõ ràng là Chúa Giêsu muốn mời gọi chúng ta nhận diện Ngài trong tất cả mọi người và từng người chúng ta gặp gỡ mỗi ngày. Có biết bao nhiêu người sống bên cạnh chúng ta mà vẫn là người xa lạ hay vô danh, có biết bao nhiêu người đồng hành với chúng ta mà vẫn như vô hình vì sự dửng dưng của chúng ta, nhất là biết bao nhiêu người đau khổ bên cạnh chúng ta mà trái tim của chúng ta vẫn khô cứng chai lì.
Hai người môn đệ không nhận ra Chúa Kitô Phục Sinh khi Ngài đồng hành với họ và chuyện vãn với họ, thế nhưng khi Chúa Giêsu ngồi vào bàn ăn, lấy bánh bẻ ra trao cho hai ông thì mắt của hai ông bỗng mở ra để nhận biết Ngài. Bẻ bánh trao ban vốn là cử chỉ đặc thù và cá biêt trong dung mạo của Chúa Giêsu, cử chỉ ấy thể hiện nhân cách và sứ mệnh của Ngài, Ngài chính là tấm bánh được bẻ ra để chia sẻ cho mọi người. Hai người môn đệ đã nhận ra Chúa Giêsu và tâm hồn của họ tràn ngập niềm vui.
Khi thông hiệp vào sự trao ban ấy của Chúa Giêsu, cử chỉ bẻ bánh trao ban của Chúa Giêsu đã trở thành trọng tâm của đời sống Giáo Hội. Giáo Hội được qui tụ để không ngừng lập lại cử chỉ ấy của Chúa Giêsu, đồng thời cũng được mời gọi để trở thành tấm bánh được bẻ ra trao ban cho tất cả mọi người. Thế nhưng cử chỉ ấy của Chúa Giêsu chỉ có ý nghĩa và trở thành hiện thực qua chính sự bẻ bánh và trao ban của các tín hữu Kitô chúng ta mà thôi. Sự bẻ bánh hay Thánh Lễ mà Giáo Hội cử hành mỗi ngày sẽ trống rỗng và vô nghĩa nếu không được thực hiện bằng cuộc sống bẻ ra và trao ban của chính các tín hữu Kitô chúng ta.
Có được bẻ ra, có được vỡ ra, chúng ta mới có thể ra khỏi vỏ ốc ích kỷ, hận thù, dửng dưng của chúng ta. Có được bẻ ra mới mở ra để nhận diện được ngày đang đến trong mỗi một người anh chị em chúng ta.
Cũng chính lúc đó cùng với cử chỉ trao ban ấy, sự hiện diện của Đấng Phục Sinh mà chúng ta nhận ra nơi tha nhân để mang lại cho chúng ta niềm vui đích thực.
Nguyện cho niềm vui đích thực của trao ban ấy làm tràn ngập tâm hồn chúng ta. Amen.



16. Trên đường Emmau – R. Gutzwiller
Theo trình thuật của thánh Luca, Chúa hiện ra lần đầu tiên với các môn đệ trên đường đi Emmau, tác giả trình bày nhiều chi tiết hơn mọi lần và nêu rõ đoạn văn diễn tả nỗi buồn phiền được chuyển thành niềm vui nơi những người tưởng rằng mình bị bỏ rơi, một đoạn văn cho thấy việc Chúa phục sinh là một sự kiện tỏ tường không chỉ đối với các môn đệ trên đường Emmau mà còn với mọi Kitô hữu nữa.
1) Nếu không có Chúa.
Các môn đệ không phải là những người không tin tưởng, tức là những người không hề nghe nói về Chúa Giêsu hoặc chẳng hề nhận được sứ điệp của Ngài. Họ là những tín hữu, những người có niềm tin. Họ đã nhận Ngài ‘như một vị tiên tri, quyền năng trong việc làm và lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân’. Hơn nữa, họ còn hiểu rằng: ‘chính Ngài là Đấng sẽ giải thoát Israel’. Nhưng cuộc khổ nạn của Ngài làm cho lòng tin của họ bị lung lạc. Họ không thể hiểu nổi một vị cứu thế lại phải chịu khổ nạn. Nói cho cùng, họ chối không nhận sự kiện. Họ không hề tin vào biến cố phục sinh. Họ đã nghe các bà loan tin về biến cố ấy, nhưng họ vẫn lưỡng lự, hồ nghi. Thực tại thập giá đã khiến họ phải tháo chạy, hơn nữa họ đã phải rời bỏ Giêrusalem, và vì thất vọng họ đã để mất lòng cậy trông.
Khổ đau vẫn luôn là chướng ngại vật, là cớ vấp phạm lớn lao, khiến những người đã tin tưởng cũng dễ lung lay. Người ta khó có thể dung hoà đau khổ với lòng tin vào quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa, lòng tin từ thời ấu thơ của họ dường như trở thành ảo tưởng, hão huyền bởi sự khổ đau ấy, vì gắn bó với những chán chường do cuộc sống khắt khe gây ra nên đi đến chỗ cứng tin, chán ngán. Con đường các môn đệ đi về Emmau xa cách Giêrusalem, cũng chính là con đường mà biết bao người đang gặp phải.
2) Chúa Giêsu hiện ra
Ngài giải thích Kinh Thánh cho họ, và qua Kinh Thánh, Ngài giải thích ý nghĩa của đau khổ như điều Chúa dùng để thực hiện chương trình cứu độ. “Hỡi những kẻ ngu độn và trí lòng chậm tin vào mọi điều các tiên tri đã nói! Thế thì Đức Kitô không phải chịu khổ nạn như thế đã, rồi mới vào vinh quang của Ngài sao?” Cuộc khổ nạn và thập giá của Đấng Thiên Chúa Xức Dầu đáp lại kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa. Và suốt cả Kinh Thánh đều tỏ rõ kế hoạch ấy. “Và khởi từ Môsê và hết thảy các tiên tri, Ngài dẫn giải cho họ những điều đã viết về Ngài trong toàn bộ Kinh Thánh”. Chắc chắn rằng, lối chú giải đích thực phải nhắm đến Đức Kitô. Ngài nhấn mạnh rõ rằng chính Môsê cũng như mọi tiên tri và ‘toàn bộ Kinh Thánh’ đều nói về Đấng Thiên Sai. Ai giải thích Cựu Ước theo nhãn quan lấy Đức Kitô làm trung tâm ắt không phải là gò áp bản văn, trái lại giải thích bản văn theo cách thức của nhà chú giải đích thực. Lối giải thích dựa trên Đức Kitô, lối chú giải Cựu Ước lấy Ngài làm trung tâm bắt nguồn từ chính Đức Kitô, và chính Ngài đã biện minh cho lối chú giải ấy. Chỉ dưới cái nhìn ấy mới hiểu được ý nghĩa đích xác của Kinh Thánh, bất cứ lối giải thích nào chỉ căn cứ vào nghĩa chữ bề ngoài, thì không hiểu được sâu xa mầu nhiệm và tinh thần sâu đậm nhất của Kinh Thánh.
Hơn nữa, Đức Giêsu mặc khải chính mình qua việc bẻ bánh “Khi ấy mắt họ mở ra và nhận biết Ngài” thêm vào những lời giải thích Kinh Thánh là mầu nhiệm bẻ bánh, cả hai sự việc ấy đều là một sự hy sinh mà nhờ đó Chúa tỏ mình ra. Con người có thể tìm hiểu, suy nghĩ, kiếm tìm và cầu nguyện để nhận ra Chúa. Nhưng dù sao, con người cũng cần được Chúa ban ơn cách riêng mới nhận ra Chúa Kitô. Nếu Chúa chẳng ban cho đặc ân ấy, con mắt ta vẫn khép kín. Và chỉ khi nào Chúa tỏ mình ra cho biết thì mới được, cũng như đã xảy ra cho các môn đệ trên đường Emmau: “mắt họ mở ra và nhận biết Ngài”. Bẻ bánh chính là dự phần vào bàn tiệc của Chúa. Chỉ ai được Chúa mời tham dự yến tiệc mới nhận ra Ngài cách đích thực.
3) Với Chúa Giêsu.
Trước khi các môn đệ thành Emmau nhận ra Ngài, thì Ngài đã ở giữa họ và đã có ảnh hưởng nơi họ rồi: “Lòng chúng ta lại đã không cháy bừng bừng lúc dọc đàng Ngài ngỏ lời với ta, và giải nghĩa Kinh Thánh cho chúng ta đó sao?” Tâm hồn họ ngầm cháy. Theo nguỵ thư ghi lại: “Ta là lửa cháy, Ngài nói, ai gần Ta là gần lửa cháy”. Sự kết hợp với Chúa Kitô nung nấu các linh hồn mà nếu không có Ngài, các tâm hồn đó sẽ lạnh ngắt và chết mất.
Khi nhận ra Chúa Giêsu họ liền “chỗi dậy trở về Giêrusalem”. Đó là một kết quả trước mắt, một biến đổi tận gốc rễ đã xảy ra: họ đổi buồn thành vui, sầu tan vui đến, tuyệt vọng biến thành hy vọng, tản lạc quy tụ về, nhát sợ kinh hoàng thành tin tưởng sướng vui. Khi họ gặp được nhóm Mười Một trong phòng hội, họ hiểu rằng Chúa đã hiện ra với ông Simon. Các trình thuật khác nhau đều quả quyết sự kiện không thể chối cãi được: Chúa đã sống lại thật. Trình thuật về các môn đệ đi làng Emmau cho thấy cuộc sống khi không có Chúa, sự can thiệp của Ngài, và sức biến đổi trọn vẹn cuộc đời. Sau kinh ngạc trước ngôi mộ trống, sau sững sờ trước sứ điệp các thiên thần, giờ đây thực sự đã hoàn tất: Chúa đã sống lại thật và còn hiện ra cho những kẻ thân cận: trước nhất và đặc biệt nhất là hiện ra với ông Simon rồi với hai môn đệ thành Emmau và sau với toàn thể các môn đệ đang hội họp.



17. Nồng cháy
Có một câu chuyện nhỏ về một nhà sư Phật giáo khi sắp chết, đã yêu cầu một vị linh mục Công giáo hướng dẫn ông về những chân lý đức tin. Vị linh mục này làm hết sức mình để thỏa mãn những mong ước đó của nhà sư.
Sau đó, nhà sư này cám ơn vị linh mục, nhưng ông còn nói thêm “Ông đã đem đến cho tâm trí tôi đầy những tư tưởng hay đẹp, nhưng ông vẫn để cho tâm hồn tôi còn trống rỗng” – Như vậy, tâm hồn nhà sư này vẫn còn trống rỗng – trống rỗng cái gì thế? Ông thực sự mong muốn điều gì? Tôi đặt giả thiết là ông bị trống rỗng niềm an ủi và sự an tâm. Nói tóm lại, ông bị trống rỗng tình yêu. Những tư tưởng đẹp có thể nuôi dưỡng tâm trí. Nhưng chúng không thể nuôi dưỡng tâm hồn. Chỉ có cảm nghiệm về tình yêu mới nuôi dưỡng được tâm hồn.
Câu chuyện về cuộc hành trình của hai môn đệ đi Emmau chủ yếu là một câu chuyện về tâm hồn. Trong khi hai môn đệ này lên đường trở về nhà, họ nói chuyện về Đức Giêsu. Tương tự như chúng ta không thể ngưng nói về một người mà chúng ta yêu dấu đã qua đời, cũng vậy, hai môn đệ này không thể không nói về Đức Giêsu. Người đã đem đến ý nghĩa, hy vọng và niềm vui cho cuộc sống của họ. Và bây giờ, Người đã chết, họ đã bị ám ảnh vì sự vắng mặt của Người.
Khi còn đang trên đường đi, tâm hồn họ lạnh lẽo và trống trải, nặng trĩu ưu phiền, bị thương tích vì nỗi thất vọng, và tê liệt do nỗi đau khổ. Họ tin tưởng chắc chắn rằng Đức Giêsu là Đấng Mêsia. Nhưng cái chết của Người, và đặc biệt là cách thức Người chết, đã làm cho niềm hy vọng nơi họ bị tan tành. Một Đấng Mêsia bị sỉ nhục, chịu đóng đinh! Đó là một điều không thể được, thật không thể hiểu nổi.
Nhưng Đức Giêsu đã cùng đi với họ, và Người mở tâm trí họ đến với ý tưởng về một Đấng Mêsia chịu đau khổ. Nhờ những lời của Đức Giêsu, ánh sáng và hơi ấm bắt đầu thấm nhập vào tinh thần tăm tối và lạnh lẽo của họ. Đến bữa ăn tối, ngay khi Người tự mặc khải chính Người, họ đã được biến đổi, và biến đổi quá nhiều, đến nỗi họ quay trở lại Giêrusalem ngay tức khắc. Ngay cả mặc dù bóng đêm tối tăm, nhưng trái tim của họ vẫn bừng sáng. Ngay cả cho dù đôi chân của họ còn nặng nề, nhưng trái tim của họ vẫn nhẹ nhỏm.
Điều gì xảy ra với họ? Đức Giêsu làm gì cho họ? Chắc chắn Người đã soi sáng tâm trí họ – không còn thắc mắc gì về điều đó nữa. Nhưng Người còn làm một điều gì đó tốt đẹp hơn nữa. Người nhóm lửa trong tâm hồn họ. “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh thánh cho chúng ta, phải chăng tâm hồn của chúng ta không bừng cháy lên sao?”.
Đức tin liên quan đến trí tuệ, đến nỗi tác động đến các chân lý, giáo điều, học thuyết, lòng tin, giáo lý. Nhưng đức tin thậm chí còn liên quan nhiều hơn đến tâm hồn. Đức tin cốt yếu hệ tại ở tương quan tình yêu với Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương chúng ta trước. Nếu không có tình yêu, thì đức tin giống như một lò sưởi không có lửa.
“Chúng ta sẽ không bao giờ biết tin tưởng bằng một đức tin mạnh mẽ và không hề đặt vấn đề, trừ phi Thiên Chúa tác động vào trái tim của chúng ta. Tiếng gọi của Thiên Chúa xuất phát từ chính tâm hồn con người”.
Điều chính yếu đã đến với hai môn đệ trên đường Emmau là gì? Đó là niềm tin rằng Đức Giêsu yêu thương họ. Chính niềm tin này làm cho tâm hồn họ bùng cháy lên. Câu chuyện trên chứng tỏ lòng từ ái của Thiên Chúa Đấng làm cho những ước mơ sâu thẳm nhất nơi chúng ta trở thành hiện thực, bằng một cách thức đáng kinh ngạc nhất. Và câu chuyện trên cũng cho chúng ta biết tất cả sứ vụ của Đức Giêsu Người luôn song hành với con người, hiện diện bên cạnh họ, và lắng nghe họ – đây chính là những “công trình tốt đẹp” chủ yếu của thời đại ngày nay.



18. Emmau
Tin Mừng hôm nay ghi lại cảm nghiệm về Đấng Phục Sinh của hai môn đệ đang trên đường tiến về làng Emmau. Cuộc gặp gỡ của họ với Chúa Kitô Phục Sinh đã diễn ra trong lúc họ trên đường về làng cũ. Chúa Kitô đã xuất hiện không phải để chỉ mang lại giải đáp cho những câu hỏi được đặt ra, nhưng như một người nêu lên thắc mắc và giúp họ đi đến tận cùng sự tìm kiếm của mình.
Cảm nghiệm về Đấng Phục sinh của hai môn đệ cũng có thể diễn ra trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người chúng ta. Chúa Kitô Phục Sinh luôn là người đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường của cuộc sống; Ngài luôn đi bên cạnh để chuyện vãn, hỏi han, tra vấn và tham dự vào mọi sinh hoạt của chúng ta. Cuộc sống mỗi ngày chính là nơi Ngài đến gặp gỡ con người, là nơi hẹn hò của Đấng Phục Sinh với con người. Bên kia niềm vui là nỗi khổ, bên kia thành công là thất bại, con người vẫn nhận ra sự vong thân và thân phận nghèo hèn của mình, để rồi từ đó nêu lên câu hỏi đâu là ý nghĩa của thân phận con người.
Chúa Kitô Phục Sinh xuất hiện, nhưng không phải để mang lại câu giải đáp, mà trước hết như một người giữa chúng ta, một người cũng đã từng nêu lên câu hỏi ấy về thân phận con người. Ngài đã từng mơ ước về một nhân loại tốt đẹp hơn, Ngài đã nói với tất cả và đã làm hết sức có thể để xây dựng nhân loại ấy, và cuối cùng, với cái chết đau thương trên thập giá xem ra Ngài cũng đành bỏ cuộc. Thế nhưng, chính lúc ấy, vì đã vâng phục Chúa Cha một cách tuyệt đối để sống tận kiếp người và sống trọn vẹn cho con người, Ngài đã mang lại ý nghĩa cho cuộc sống. Ngài chính là kinh nghiệm mà người bạn đồng hành là Chúa Kitô Phục Sinh đã chia sẻ với hai môn đệ trên đường Emmau. Tâm hồn họ nóng bừng lên khi Ngài chia sẻ kinh nghiệm của Ngài, và nhất là khi Ngài nói lên ý nghĩa cái chết của Ngài qua cử chỉ bẻ bánh và trao ban. Mắt của hai môn đệ đã mở ra để nhận ra Ngài, hiểu được các biến cố vừa xảy ra, và dĩ nhiên thấy được ý nghĩa của chính cuộc sống của họ.
Ngày nay, trong từng biến cố cuộc sống của chúng ta, Chúa Kitô Phục Sinh cũng đang đến. Ngài đồng hành với chúng ta trong từng sinh hoạt và gặp gỡ, Ngài có mặt trong từng niềm vui và nỗi khổ của chúng ta. Nếu chúng ta đón nhận Ngài như một người bạn đồng hành để chia sẻ và chuyện vãn, thì đôi mắt đức tin của chúng ta sẽ mở ra, và lúc đó trong ánh sáng Phục sinh của Ngài, chúng ta sẽ tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống.
Ước gì sự hiện diện của Đấng Phục sinh mà hai môn đệ trên đường Emmau đã cảm nhận được cũng lấp đầy tâm hồn chúng ta, để trong mọi cảnh huống của cuộc sống, chúng ta không lầm lũi bước đi trong đơn độc, nhưng hân hoan tiến bước với Ngài.


19. Đam mê
Qua đoạn Tin Mừng sáng hôm nay chúng ta nhận thấy mặc dù Chúa Giêsu hiện ra với hai môn đệ trên đường về Emmaus, nhưng các ông đã không nhận ra Ngài. Vậy tại sao các ông lại không nhận ra Ngài?
Nếu không lầm, thì chúng ta thấy hai môn đệ này cũng như phần đông các tông đồ và những người Do Thái khác có một quan niệm lệch lạc về Đức Kitô… Họ nghĩ rằng Đấng Thiên Chúa sai đến để cứu vớt dân tộc họ phải là một người hùng mạnh như Đavid, khôn ngoan như Salomon, với binh đội hùng hậu, giải thoát họ khỏi sự kìm kẹp của đế quốc La mã và dẫn đưa dân tộc họ tới một thời đại hoàng kim.
Trong khi bước theo Chúa, hai môn đệ này, cũng như phần đông các tông đồ khác, đều ươm mơ một giấc mộng phù phiếm, nặng mùi địa vị và xôi thịt. Một mai khi Chúa thành công, thì họ sẽ được ngồi bên tả và bên hữu Chúa, nghĩa là họ sẽ được nắm giữ những vai trò, những chức vụ quan trọng trong triều đình, trong vương quốc của Chúa.
Thế rồi Chúa đã bị bắt và bị giết trên thập giá, như một tên tội phạm, như một kẻ phản loạn. Giấc mơ mà họ đã vun xới từ bấy lâu nay, bỗng dưng sụp đổ và tan theo mây khói. Giữa lúc chán nản và tuyệt vọng ấy, họ đã tính đến chuyện rã ngũ, trở về quê cũ để làm ăn, với một giấc mộng bình thường mà thôi. Chính nỗi tuyệt vọng ấy đã che lấp cặp mắt của họ, và họ đã không nhận ra Chúa, mặc dù Ngài đang đồng hành, đang sóng bước, đang cùng đi với họ.
Từ kinh nghiệm của hai môn đệ ấy, chúng ta dọi chiếu vào cuộc đời, và chúng ta cũng nhận thấy, có nhiều lúc Chúa ở thật gần với chúng ta mà chúng ta vẫn không nhận biết Ngài. Ngài cùng bước đi với chúng ta mà cõi lòng chúng ta vẫn nguội lạnh băng giá. Sở dĩ như vậy là vì có những đam mê mù quáng đã che lấp cặp mắt chúng ta.
Đam mê ấy có thể là giấc mộng vinh quang về chức tước, về địa vị xã hội, như hai môn đệ Emmaus. Chúng ta muốn có một chỗ đứng ngoài xã hội với bất cứ giá nào, mặc dù có phải bỏ quên Chúa, mặc dù có phải chà đạp lên kẻ khác. Tuy nhiên chúng ta nên nhớ, danh vọng và chức tước như của đồng lần được chuyển từ người này sang người khác, như tục ngữ đã nói:
- Quan nhất thời, dân vạn đại.
Đam mê ấy có thể là giấc mộng về tiền tài. Chúng ta vật lộn, nai lưng ra để tìm tiền kiếm bạc, cho dù có phải vùi dập bản thân, gia đình và hành động bất công với những người chung quanh. Tuy nhiên chúng ta nên nhớ, chữ tiền thường đi đôi với chữ bạc. Khi còn là một tên đầy tớ, nó sẵn sàng phục vụ chúng ta. Nhưng một khi đã lên ngôi ông chủ, nó sẵn sàng bóp nghẹt con tim chúng ta, để rồi chúng ta quên lãng Thiên Chúa, và cư xử bất công với những người anh em.
Sau cùng đam mê ấy có thể là những vui thú phần xác. Vì nó mà đời sống đạo đức của chúng ta trở nên nhếch nhác, vì nó mà chúng ta sẵn sàng bỏ ngoài tai những dư luận, những lời nhắc bảo và cảnh cáo của người khác. Phần đông giới trẻ ngày nay mất đức tin, không phải vì thiếu hiểu biết, nhưng vì đã sống một đời sống bê bối và sa đọa về luân lý.
Tất cả những đam mê ấy đã bịt chặt đôi mắt tâm hồn, để chúng ta không còn nhận ra Chúa, và có nhận ra thì cũng chẳng có đủ can đảm bước theo Ngài.



20. Người lữ khách
“Sáng mai, ta sẽ mổ tim của cháu ra”, bác sĩ giải phẫu tim nói với em bé trai. Em trả lời, “Ông sẽ tìm thấy Chúa Giêsu ở đó”. Bác sĩ ngước mặt lên nhìn, buồn bã. “Tôi sẽ mổ tim của em ra”, ông nói tiếp, “để xem xem nó đã bị bệnh gì”. “Nhưng khi ông mở tim của cháu ra”, em bé nói, “ông sẽ tìm thấy Chúa Giêsu ở đó”. Bác sĩ giải phẫu lại nhìn vào cha mẹ của em đang ngồi im lặng bên cạnh giường bệnh và nói: “Khi tôi trông thấy trái tim bị bệnh như thế nào, tôi sẽ khâu trái tim và ngực cháu lại, rồi tôi sẽ dự định phải làm gì”. Nhưng ông sẽ tìm thấy Chúa Giêsu đang ở trong trái tim của cháu”, em bé cố nhấn mạnh. “Thánh Kinh nói rằng Người ở đó mà. Tất cả những bài ca Thánh Vịnh đều nói Người sống ở đó. Ông sẽ tìm thấy Người trong trái tim của cháu”. Bác sĩ cảm thấy đã đủ, bèn lạnh lùng nói: “Ta sẽ nói cho cháu biết ta sẽ tìm thấy cái gì trong trái tim của cháu. Ta sẽ tìm thấy cơ bắp nào bị hỏng, làm cho máu chảy chậm và những động mạch nào bị yếu. Và ta sẽ tìm ra cách để làm cho cháu khỏe lại”, “Ông sẽ thấy Chúa Giêsu ở đó”, đứa bé tiếp tục nói, “Người sống ở đó mà!” Bác sĩ giải phẫu bỏ phòng bệnh nhân bước ra đi.
Sau cùng, bác sĩ đã ngồi trong văn phòng làm việc, ghi lại những chi tiết về cuộc giải phẫu, “Van tim bị hỏng, động mạch phổi bị hỏng, sự suy thoái của cơ bắp thịt trong tim lan rộng. Thay tim không hy vọng gì, cũng không mong điều trị được. Phương pháp điều trị: thuốc giảm đau và nghỉ ngơi. Tiên đoán…” Viết tới đây, ông ngừng lại suy nghĩ, “chết trong vòng một năm”. Ông ngừng bản báo cáo, nhưng cảm thấy còn có điều gì nữa để nói. Ông hỏi lớn: “Tại sao?” Rõ ràng rằng ông đang nói chuyện với Thiên Chúa. “Tại sao Ngài đã làm như vậy? Ngài đã mang nó tới đây; Ngài đã đặt nó vào cơn đau đớn này; và chính Ngài đã chúc dữ cho nó chết sớm. Tại sao?” Những giọt nước mắt nóng hổi chảy xuống, nhưng cơn giận của ông còn nóng hơn nữa. “Ngài đã tạo dựng nên em bé, và Ngài đã làm nên trái tim đó. Nó sẽ chết trong vòng vài tháng nữa. Tại sao?”
Cuộc đối thoại giữa ông bác sĩ giải phẫu và Thiên Chúa đã bắt đầu. Trong cuộc đối thoại đó, ông bác sĩ tuyệt vọng này đã khám phá ra sự hiểu biết mới về tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa. Rồi ông khóc. Bây giờ ông đang ngồi bên cạnh giường bệnh của em bé trai; cha mẹ của em ngồi đối diện với ông. Bỗng chú bé thức dậy thì thầm, “Ông đã mổ trái tim của cháu ra chưa?” “Rồi”, Bác sĩ trả lời. “Ông đã tìm thấy cái gì?” em bé hỏi. “Tôi đã tìm thấy Chúa Giêsu ở đó”. Bác sĩ thành thật trả lời.
Trong cuộc hành trình trên trần gian, Thiên Chúa luôn hiện diện để đồng hành với con người, nhưng nhiều khi con người không nhận ra Ngài. Thánh Luca diễn tả “Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giêsu tiến đến gần và cùng đi với họ. Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người”. Mắt họ bị ngăn cản bởi cái gì? Có lẽ bởi sự buồn rầu và tuyệt vọng vì cuộc khổ nạn và sự chết của Chúa Giêsu. “Trước đây chúng tôi vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Israel”.
Theo sự giải thích của Wiliam Barlay, Emmau ở hướng tây của Giêrusalem. Hai môn đệ đi về Emmau vào lúc trời chiều. Anh mặt trời chiếu chói lòa vào mắt họ nên họ đã không nhận ra Chúa Giêsu. Mang tính cách biểu tượng, người Kitô hữu luôn lên đường hướng về ánh bình minh với hy vọng, không bao giờ quay trở về phía hoàng hôn với bóng tối, buồn rầu, và thất vọng! Xưa kia, dân Israel đã du hành trong hoang địa đi về phía ánh bình minh để tiến vào đất hứa.
Điểm cốt yếu của câu chuyện là việc Chúa Giêsu đã làm họ nhận ra Ngài. Ngài đã cắt nghĩa cho họ hiểu ý nghĩa của khổ nạn: “Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” Và chương trình cứu độ của Thiên Chúa đã được mạc khải trong Thánh Kinh: “Bắt đầu từ Môsê và các tiên tri, Người giải thích cho hai ông tất cả lời Thánh Kinh nói về Người”. Rồi họ ngồi vào bàn tiệc: “Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông”. Sau cùng họ đã nhận ra Người. Sự hiện diện của Ngài đã làm cho cuộc đời trở nên có ý nghĩa, đêm tối trở thành ánh sáng.
“Trong khi con người cố gắng tìm biết Thiên Chúa, nhìn thấy thánh nhan Ngài, và cảm nghiệm được Ngài hiện diện thì Thiên Chúa hướng tới con người và cho con người nhận biết sự sống của Ngài. Công đồng Vatican II bàn rất rộng rãi về tầm quan trọng của việc Thiên Chúa can thiệp vào thế giới. Công đồng giải thích rằng: “Qua mạc khải, Thiên Chúa muốn tỏ mình ra và thông ban chính Mình Ngài, cũng như những điều Ngài đã muốn ấn định từ muôn thuở về phần rỗi của con người”.
Qua lời Chúa và Bàn tiệc Thánh Thể, hai môn đệ đã tìm thấy ý nghĩa của biến cố. Họ đã quay trở lại Giêrusalem nơi cuộc khổ nạn và cái chết bi đát đã xảy ra và can đảm đối diện với nó bằng đức tin và niềm hy vọng.
Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể “làm thành một hành vi phụng tự duy nhất” của Giáo Hội. Người hướng dẫn ta qua lời Chúa được ghi chép trong Kinh Thánh, và trở nên nguồn sức mạnh nuôi dưỡng linh hồn ta trong Bí tích Thánh Thể.
Vì thế, thánh Giêrônimô đã nói: “Không hiểu biết Thánh Kinh là không hiểu biết Chúa Kitô”. Và Bí tích Thánh Thể làm cho mầu nhiệm của Chúa Kitô “trở nên hiện tại” cho chúng ta, để “đặt chúng ta trong niềm hiệp thông” với Thiên Chúa, hầu giúp chúng ta “sinh nhiều hoa trái”.



21. Chúa sống lại
Đối với con mắt trần gian của chúng ta thì chết thật là buồn thảm, thật là chán nản, vì chết là hết, chết thì không còn gì nữa trong trần gian này. Sự nghiệp của một người thường chấm dứt khi người ấy nhắm mắt xuôi tay. Giả như sự nghiệp của người ấy có vĩ đại, công trình của người ấy có lớn lao và quan trọng, thì may ra còn để lại ảnh hưởng nào đó cho những người kế tiếp. Nhưng khi chết như một tên trộm cướp, một tên đại gian ác, vỏn vẹn chỉ có dăm ba người thân thích dám có mặt lúc bị hành hình, thì thực không còn gì mà tin tưởng nữa. Đó là trường hợp của Chúa Giêsu. Thập giá đã kết liễu cuộc đời đầy hứa hẹn của Chúa, thập giá đã chôn vùi mọi hy vọng và tin tưởng trong lòng những người theo Chúa, mọi sự đã sụp đổ và tiêu tan hoàn toàn.
Đối với các môn đệ của Chúa Giêsu, sau khi Chúa chết, tâm trạng của các ông là như thế. Nhưng thực sự chưa hẳn thế, biết đâu Chúa đã sống lại thật như Ngài đã nhiều lần tuyên bố trước đây? Nhất là sáng sớm hôm nay, ngày Chúa nhật đầu tiên sau khi Chúa chết, mấy người phụ nữ đến viếng mộ Chúa, họ không thấy xác Chúa, và họ quả quyết Chúa đã hiện ra với họ. Đó là những điều đang làm cho các môn đệ của Chúa băn khoăn suy nghĩ. Cụ thể là hai môn đệ mà bài Tin Mừng kể lại, hai ông không hiểu ra sao nữa, thôi đành tạm rời Giêrusalem về quê cũ, rồi sau sẽ hay, nhưng trên đường về làng Emmau, Chúa Giêsu hiện ra cùng đồng hành với hai ông và trò chuyện với hai ông.
Nhưng hai ông chưa nhận ra đó là Chúa Giêsu Phục Sinh mà chỉ tưởng là một người bộ hành nào đó tình cờ gặp trên đường, nên các ông mời ghé lại quán bên đường dùng cơm và tiếp tục câu chuyện. Vào quán, khi dùng bữa, Chúa Giêsu phải dùng đến những cử chỉ quen thuộc, cầm lấy bánh, nói lời chúc tụng Thiên Chúa, bẻ ra, trao cho hai ông, lúc ấy hai ông mới nhận ra Ngài. Vừa nhận ra thì Chúa Giêsu “tàng hình” đã biến mất. Các ông vui mừng quá, quay trở lại Giêrusalem để báo cho các bạn khác biết: Chúa Giêsu đã sống lại thật rồi.
Câu chuyện hai môn đệ đi về làng Emmau cũng là câu chuyện của hết thảy chúng ta, của mỗi người chúng ta. Chúng ta cũng đi theo Chúa Giêsu, cũng đã tin tưởng vào Ngài. Trong biết bao ngày tháng chúng ta đã nghe những lời Chúa giảng dạy, nhưng cũng như các môn đệ, nhiều khi chúng ta chán nản, vì điều chúng ta trông mong, điều chúng ta cầu xin, mặc dầu rất thiết thân, nhưng cầu mãi, trông hoài mà vẫn chưa được, có khi chúng ta cảm thấy thất vọng, Chúa Giêsu mà chúng ta tin tưởng, xem ra không thắng nổi cuộc thử thách: chúng ta đau, chúng ta chán, chúng ta buồn, chúng ta khổ, đủ thứ cả, thế mà nghe giảng, cầu nguyện cũng không làm cho chúng ta hy vọng gì hơn, giống như hai môn đệ nói: “Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Israel, nhưng việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi”, hai ông đợi đến ngày thứ ba thì đâm ra thất vọng. Cũng thế, chúng ta đợi, chúng ta chờ, có khi đã hơn ba ngày, ba tuần, ba tháng, ba năm mà vẫn không thấy gì, chúng ta đâm ra thất vọng, chán nản, phàn nàn, kêu trách Chúa, thậm chí có người còn ra điều kiện với Chúa hoặc bỏ Chúa.
Nhưng thế nào chăng nữa chúng ta cũng hãy bắt chước hai môn đệ này, hai ông đã thưa với Chúa: “Xin Ngài ở lại với chúng tôi”. Dù hoàn cảnh ra sao, chúng ta cũng hãy xin Chúa: Xin Chúa luôn ở lại với chúng con trên đường đời đầy chông gai và gian khổ này. Xin Chúa ở lại với chúng con trong cái thế giới nhiều hận thù và ghen ghét, còn muốn đóng đinh Chúa nữa này. Xin Chúa lưu lại đây với chúng con, để dạy chúng con biết sống như những Kitô hữu “hồi sinh” và “biết chết” như những kẻ thừa kế của nước trời.
Chúng ta cần phải biết nhạy cảm ngạc nhiên trước mỗi bất ngờ Chúa gửi đến, để trước hết chúng ta cất tiếng ngợi khen cảm tạ Chúa, cũng như khám phá được điều Chúa muốn và rồi đến lượt chúng ta cũng trở thành những bất ngờ cho anh em, trong mục đích hướng lòng họ về với Chúa là Thiên Chúa tình yêu. Và như vậy, trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời, chúng ta không bao giờ chán nản, thất vọng, buồn phiền, vì biết rằng Chúa luôn có những bất ngờ cho chúng ta, vì Thiên Chúa là Đấng toàn năng và là Cha nhân từ thương yêu chúng ta vô cùng.


22. Suy Niệm của JNK
Câu hỏi gợi ý:
1. Có bao giờ bạn nghĩ: rất có thể mình cũng sẽ gặp trường hợp tương tự như hai môn đệ làng E-mau: một người nào đó nói chuyện với mình, yêu cầu mình giúp đỡ, lại chính là Đức Giêsu không? Có thể rút ra bài học gì từ bài Tin Mừng hôm nay về sự đồng hóa giữa Đức Giêsu và tha nhân (tha nhân là Đức Giêsu, Đức Giêsu là tha nhân của ta)?
2. Có người chủ trương: yêu người chính là yêu Thiên Chúa. Chủ trương ấy có nền tảng trong Kinh Thánh không? Hãy trưng dẫn một vài câu tiêu biểu.
Suy tư gợi ý:
1. Hai tông đồ ở E-mau không nhận ra Đức Giêsu nơi người bộ hành cùng đi với mình
Một điều khá kỳ thú trong bài Tin Mừng hôm nay, đó là các tông đồ đã sống với Đức Giêsu suốt ba năm, đã từng nghe Ngài nói, giảng dạy, thế mà nay, khi Ngài sống lại, cùng đi với các ông, giảng dạy cho các ông, các ông lại không nhận ra Ngài. Có lẽ Ngài đã mang một bộ mặt xa lạ, đã đội lốt một người bộ hành như bao bộ hành khác. Điều các ông không ngờ được là người mà các ông tưởng là một bộ hành xa lạ ấy lại chính là Đức Giêsu, Thầy mình. Các ông chỉ nhận ra Ngài khi Ngài đồng bàn với họ, chính xác là khi Ngài cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Nghĩa là khi các ông thấy có sự giống nhau giữa người bộ hành này với Thầy mình. Rất may là các ông đã đối xử với người bộ hành ấy rất tốt: chăm chú nghe người ấy nói, mời ở lại dùng bữa… Nếu không thì thật đáng tiếc.
2. Coi chừng kẻo chính chúng ta cũng không nhận ra Đức Giêsu nơi những người chung quanh ta
Điều kỳ thú đó cũng xảy ra một cách tương tự biết bao lần trong đời sống chúng ta. Chúng ta sống với những người chung quanh mình, mà không bao giờ hoặc rất ít khi ta nhận ra Thiên Chúa hay Đức Giêsu ở nơi họ. Dường như đối với ta, Thiên Chúa hay Đức Giêsu là người ở đâu đâu, ở trên trời, ở trong nhà tạm của nhà thờ, hoặc ở khắp nơi một cách thiêng liêng. Ngài có vẻ là một thực tại rất trừu tượng, nếu có cụ thể thì chỉ là những ảnh vẽ, những bức tượng bất động, vô hồn. Và tình yêu của chúng ta đối với Ngài cũng rất trừu tượng, rất bí tích, chỉ được thể hiện bằng sự hướng thiện, bằng việc năng cầu nguyện, năng tham dự và lãnh nhận các bí tích.
Nhưng bài Tin Mừng hôm nay nhắc lại cho chúng ta một chân lý hết sức quan trọng. Thiên Chúa hay Đức Giêsu có thể chính là người bộ hành mà mình ngỡ là rất xa lạ. Nghĩa là Ngài có thể mặc lấy những bộ mặt khác nhau, hình dáng khác nhau, với những tính tình khác nhau, tư cách điệu bộ khác nhau nơi những người ta gặp trên đời, nơi những người sống chung quanh ta. Và tình yêu của chúng ta – nếu có – đối với Ngài thì phải được thể hiện cụ thể nơi những con người cụ thể ấy, chứ không phải một cách trừu tượng. Có thể nói: muốn yêu Đức Giêsu, thì cách tốt nhất, cụ thể nhất và chắc chắn nhất là yêu những người chung quanh ta, và bất kỳ người nào ta gặp trong cuộc đời. Và cũng có thể nói một cách chắc chắn: nếu ta không yêu những người ấy, thì ta không thật sự yêu Đức Giêsu hay yêu Thiên Chúa. Nếu ta tưởng rằng mình yêu Thiên Chúa, yêu Đức Giêsu bằng cách này hay cách khác, nhưng ta không hề yêu Ngài nơi những con người cụ thể chung quanh ta, thì tình yêu ấy chắc chắn chỉ là một ảo tưởng. Rất có thể ta đang yêu chính bản thân mình một cách ích kỷ, nhưng sự ích kỷ ấy lại mặc lấy một hình thức khôn khéo là yêu Thiên Chúa hay Đức Giêsu một cách trừu tượng.
3. Đức Giêsu đồng hóa chính Ngài với tha nhân của ta
Có thể nói những người chung quanh ta là những Đức Giêsu rất sống động, rất cụ thể. Hay nói một cách khác, trong một mức độ nào đó, họ chính là hiện thân của Thiên Chúa hay Đức Giêsu. Chân lý này có một nền tảng rất vững chắc trong Kinh Thánh.
a. Tha nhân là hình ảnh của Thiên Chúa (x. St 1,26.27; 9,6): Chúng ta không thể yêu Thiên Chúa hay Đức Giêsu mà không yêu hình ảnh hay hiện thân của Ngài. Khi hai người yêu thương nhau, họ rất quí hình ảnh của nhau, và hình ảnh đó là một biểu trưng có tính đại diện cho chính người trong ảnh. Coi thường hay xúc phạm đến hình ảnh của một người luôn luôn được coi là xúc phạm đến chính con người ấy. Hai môn đệ làng E-mau nhận ra người bộ hành là Đức Giêsu khi người ấy bẻ bánh giống như Đức Giêsu. Con người được tạo dựng “giống như” Thiên Chúa (St 1,26; 5,1), điều ấy có làm ta nhận ra Ngài nơi họ không?
b. Tha nhân là con cái Thiên Chúa (x. Lc 20,36; Ga 11,52; Rm 8,14.16.21; Gl 3,26; 1Ga 3,1.2.10;): Tất cả chúng ta đều là con cái Thiên Chúa, đều gọi Thiên Chúa là Cha, và cùng là anh em với nhau. Con cái một cách nào đó là hiện thân của cha mẹ. Kinh nghiệm đời sống cho ta thấy: ai yêu cha mẹ tất nhiên cũng yêu thương anh chị em mình. Và ai không yêu thương anh chị em mình, chắc chắn tình yêu đối với cha mẹ cũng rất nhạt nhẽo hoặc giả tạo.
c. Từ những căn bản trên, Đức Giêsu đồng hóa chính Ngài với tha nhân của ta (x. Mt 10.40; 18,5; 25,40.45; Lc 10,16): Ta làm gì cho tha nhân của ta, trước tiên là những người gần gũi ta nhất, rồi đến những người sống chung quanh ta, những người ta thường gặp, và tất cả mọi người, chính là làm cho Ngài. Ta yêu họ chính là ta yêu Ngài, ta ghét họ chính là ta ghét Ngài, hy sinh cho họ là hy sinh cho Ngài, làm hại họ là làm hại chính Ngài.
4. Yêu tha nhân là yêu Thiên Chúa, và là chu toàn luật Chúa
Trong Cựu Ước, khi trình độ con người còn thấp, có sự phân biệt rõ rệt giữa Thiên Chúa và tha nhân. Vì thế, có hai điều răn quan trọng nhất là: “Hãy yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em” (Đnl 6,5) và “hãy yêu người khác như chính mình” (Lv 19,18). Đức Giêsu đã nhắc lại hai điều răn ấy như hai điều luật căn bản của Lề Luật cũ. Nhưng qua thời Tân Ước, khi trình độ của con người cao hơn, hai điều răn ấy được tóm lại thành một: hễ yêu Chúa tất nhiên phải yêu tha nhân, và hễ yêu tha nhân thật tình tất nhiên là đã yêu Chúa rồi. Thánh Gio-an viết: “Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4,20). Vì thế, thánh Phao-lô viết: “Ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật” (Rm 13,8.10), “Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Ki-tô” (Gl 6,2). Thánh Gia-cô-bê cũng nói: “Anh em làm điều tốt nếu anh em chu toàn luật Kinh Thánh được đưa lên hàng đầu là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Gc 2,8).
Tóm lại, bài Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta chân lý quan trọng này: tha nhân chính là hình ảnh, hay một cách nào đó, là hiện thân của Thiên Chúa hay Đức Giêsu. Vì thế, chúng ta hãy tập nhìn họ là “Em-ma-nu-el” (Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta). Thiên Chúa hay Đức Giêsu đang ở giữa chúng ta, ở với chúng ta qua những người chung quanh ta.
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, bài Tin Mừng hôm nay thật là tuyệt vời, nó cho con thấy và nhắc lại cho con một chân lý kỳ diệu: Những người gần gũi với con, sống chung quanh con một cách nào đó là hiện thân của Cha, của Đức Giêsu. Vì thế, yêu Cha, yêu Đức Giêsu tất nhiên phải yêu những người ấy. Và chỉ khi con yêu họ, con mới chứng tỏ được rằng con thật sự yêu Cha và yêu Đức Giêsu. Xin giúp con yêu họ thật sự bằng hành động cụ thể.



23. Đức Giêsu hiện ra với hai môn đệ Emmau
(Suy niệm của Lm. FX. Vũ Phan Long)
1.- Ngữ cảnh
Sau khi các phụ nữ đã mang sứ điệp Phục Sinh đến cho cộng đoàn (23,55–24,12), tác giả Luca mô tả hai cuộc hiện ra của Đức Giêsu Phục Sinh: Đức Giêsu cùng đi đường với hai môn đệ Emmau (24,13-35) và hiện ra giữa cộng đoàn (24,36-53).
Riêng cho truyện Emmau, chúng ta không có đoạn văn Nhất Lãm song song nào cả. Bản văn có ngữ cảnh sau: Sau khi các phụ nữ đã viếng (cả Phêrô: 24,12) ngôi mộ mở và trống của Đức Giêsu (24,2t), ta biết rằng Đức Giêsu đã sống lại và đang sống, nên không thể gặp Người giữa kẻ chết. Nhưng ta không biết là có thể gặp Người ở đâu và gặp Người cách nào. Chính Đức Giêsu đã lấy sáng kiến và hiện ra trong những hoàn cảnh khác nhau.
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia thành bốn phần:
1) Hai môn đệ đi về Emmau (24,13-14);
2) Đồng hành và đối thoại với Đức Giêsu (24,15-27);
3) Nhận ra Đức Giêsu khi Người bẻ bánh (24,28-32);
4) Trở lại Giêrusalem (24,33-35).
3.- Vài điểm chú giải
- Emmau (13): Bản văn cho biết Emmau cách Giêrusalem 60 dặm (stadious), tức 11,5 cây số (mộtdặm = 192m). Đến nay người ta vẫn chưa xác định được chắc chắn đây là làng nào: là làng Amwas = Nicôpôli (176 dặm = 32,5cs; 1 Mcb 3,40.57: Ammaous), hay là làng Kulonje (30 dặm = 5,5 cs; Phơlaviô Gioxép, Chiến tranh Do Thái VII 6,6 § 217: Ammaous), hoặc là làng Kubêbe (64 dặm = 12cs; vào thời các thập tự quân: Castellum Emmaus)?
- (Và) xảy ra là đang lúc (15): Trong chương 24, có bốn lần tác giả Luca dùng cụm từ “kai egeneto en tô…”, mà Bản dịch CGKPV không dịch, còn cha Thuấn thì dịch là “đang khi…”, “xảy ra là đang lúc…”, “và xảy ra là khi…”, “và xảy ra là đang khi…”. Tác giả dùng công thức này để dẫn vào những sự cố đặc biệt: hai chứng nhân xuất hiện (c. 4), Đức Giêsu đến cùng đi với hai môn đệ (c. 15), Đức Giêsu tỏ ra như là người chủ tọa bữa ăn (c. 30), và Đức Giêsu được đưa lên trời (c. 51).
- trò chuyện và bàn tán (15): Homilein, “trò chuyện”; syzêtein, “tìm với nhau, tranh luận, tranh cãi; bàn tán”; động từ syzêtein lại được dùng trong Cv 15,7.10, là nơi nhắc đến những tranh cãi kịch liệt trong Hội Thánh tiên khởi về vấn đề cắt bì. Như thế, câu chuyện tỏ ra sôi nổi và dường như các ông không hoàn toàn đồng ý với nhau.
- vẻ mặt buồn rầu (c. 17): Skythrôpos do skythros, “buồn rầu” và ôps, “gương mặt”.
- chẳng hiểu gì (25): Anoêtos có nghĩa là “thiếu khả năng suy nghĩ; không có đầu óc; kém thông minh; ngu xuẩn” (x. Gl 3,1: ô anoêtoi Galatai, “hỡi những người Galát ngu xuẩn”). Sau này, ở 24,45, tác giả cho biết Đức Giêsu “mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh”.
- lòng trí thật là chậm tin (25): dịch sát là “chậm (bradeis) về trái tim để tin”. “Trái tim” (kardia), trung tâm của ý chí, trí tuệ và tình cảm của con người (x. 24,25.32.38). Động từ pisteuein, “tin” (Mt 11x, Mc 14x, Lc 9x, Ga 98x) chỉ được Lc dùng ở đây (danh từ pistis, “đức tin”: Mt 8x, Mc 5x, Lc 11x, Ga 0x). Trong Lc, động từ này luôn quy về lời nói, ở đây là lời các ngôn sứ. “Tin” có nghĩa là cương quyết chấp nhận giá trị của lời nói.
- Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình (26): “Phải” đây là động từ dei ở thì vị hoàn (edei): động từ nay diễn tả mộtđiều cần thiết thuộc về kế hoạch của Thiên Chúa. Xem 9,22; 17,25; 22,37; 24,7.44.
- trong tất cả Sách Thánh, bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ (27): “Ông Môsê” là Bộ Ngũ Thư; “các ngôn sứ” là các sách sử và các sách ngôn sứ; “tất cả Sách Thánh” là những sách còn lại của Cựu Ước. Xem cách chia Kinh Thánh Do Thái thành ba phần ở 24,44.
- giải thích (27): Diermêneuein có nghĩa là “giải nghĩa, giải thích, chú giải”. Động từ này chỉ được Lc dùng ở đây; ở Cv 9,36, động từ này có nghĩa là “dịch”, và ở 1 Cr 14, 5.13.27, có nghĩa là “giải thích điều được nói bằng các tiếng lạ; giúp hiểu điều người ta không tự mình hiểu được; đưa đến chỗ hiểu biết”. Những công thức có nghĩa tương tự là: “giải thích (dianoigô tas graphas, “mở trọn vẹn, mở toang Kinh Thánh”) Kinh Thánh cho chúng ta” (24,32) và “Người mở trí (dianoigô ton noun, “mở rộng trí”) cho các ông hiểu Kinh Thánh” (24,45).
- Mắt họ liền mở ra (31): Dịch sát là “mắt họ đã được mở ra” (diênoichthêsan, aor. pass. của động từ dianoigô, “mở trọn vẹn”). Đây là thái bị động thay tên Thiên Chúa.
4.- Ý nghĩa của bản văn
* Hai môn đệ đi về Emmau (13-14)
Bản văn mở ra với “hai người trong nhóm môn đệ” đang bước đi và trò chuyện. Sau đó, ta được biết mộtngười tên là Cơlêôpát (c. 18). Họ không thuộc về Nhóm Mười Một, nhưng thuộc về nhóm những người khác đang cùng ở với Nhóm Mười Một (x. 24,11). Qua lời họ kể (24,22-24), họ chứng tỏ họ biết tất cả những gì đã được kể ở 24,1-12; họ biết những gì cộng đoàn biết và sẽ góp phần làm cho sự hiểu biết này gia tăng thêm.
Về thời gian, đây “cũng ngày hôm ấy”, tức ngày thứ nhất trong tuần (24,1). Họ cho biết là họ chỉ ra đi khi đã kiểm chứng tất cả các sự cố của 24,1-12. Bây giờ họ đang tiến về mộtlàng tên là Emmau, cách Giêrusalem khoảng mười mộtcây số.
Trong khi đi đường, họ trò chuyện sôi nổi với nhau. Đối tượng của cuộc bàn tán được mô tả tổng quát: “tất cả những sự việc mới xảy ra” (c. 14; x. c. 18) và ta hiểu nhờ những phần tường thuật trước đó của tác giả Tin Mừng.
* Đồng hành và đối thoại vớiĐức Giêsu (15-27)
Hai môn đệ cùng đi với nhau, họ chia sẻ các tâm tình với nhau, nhưng dường họ cũng không đồng quan điểm với nhau; có chuyện gì đó đã xảy ra khiến họ bị chao đảo và họ vẫn chưa có thể đồng ý với nhau về chuyện ấy hoặc tìm lại được bình an. Đức Giêsu tiến đến cùng đi với họ, rồi hỏi họ (cc. 15-19a). Họ kể lại các sự cố đã xảy ra cho Đức Giêsu theo quan điểm của họ (cc. 19b-24). Sau đó, Đức Giêsu đã trình bày cho thấy là tất cả những gì đã xảy ra đều phù hợp với Kinh Thánh (cc. 25-27).
Sau khi Đức Giêsu đã trở thành bạn đồng hành của họ, dù họ vẫn không biết Người là ai (cc. 15-16), hai bên đã trao đổi ba câu hỏi (cc. 17-19a), đưa đến chỗ họ kể chuyện rõ ràng hơn. Tác giả nhắc lại rằng con người đến gần hai môn đệ và bắt đầu bước đi với họ đúng là Đức Giêsu. Chính tác giả đã kể lại rằng hành vi cuối cùng Đức Giêsu đã làm sau khi kêu lên với Chúa Cha (23,46) là “tắt thở”. Bây giờ các hành động mới của Người là: đến gần, cùng đi, hỏi, cho thấy rằng Người thật sự đang sống (x. 24,5) và quan tâm trước tiên đến các môn đệ Người. Rõ ràng Đức Giêsu đến như mộtngười lữ khách bình thường, nhưng hai người môn đệ không nhận ra Người. Kế đó, Lc đưa vào ba câu hỏi (24,17.18.19). Câu thứ nhất là của Đức Giêsu, Người tham gia vào cuộc thảo luận của họ (c. 17).
Phản ứng đầu tiên của họ là dừng lại. Cho tới nay, chỉ toàn là chuyển động: đi đến (c. 13), cùng đi (c. 15), đi (c. 17). Việc dừng lại dường như là do sự ngạc nhiên được diễn tả trong câu hỏi tiếp sau (c. 18). Tác giả cho biết “vẻ mặt họ buồn rầu”. Phản ứng thứ hai là câu hỏi của mộtông tên là Cơlêôpát (Kleopas là dạng tắt của Kleopatros). Ông này cho biết là trong những ngày này, người ta chỉ có thể nói về một chuyện duy nhất, nên mộtngười lạ cũng phải biết; thế mà người bạn đồng hành này lại không biết! Tâm trí của Cơlêôpát còn đầy các biến cố vừa xảy ra. Đức Giêsu trả lời bằng một câu hỏi thứ hai, rất ngắn: “Poia? (Những chuyện gì vậy?)”. Là nhân vật chính trong các biến cố ấy, Người lại tỏ ra như không biết. Người chứng tỏ sẵn sàng lắng nghe và đã tạo cơ hội cho họ diễn tả các tư tưởng và các mối bận tâm.
Họ bắt đầu kể. Có thể nói phần tường thuật của họ là một bản tổng hợp hành trình của Đức Giêsu và của TM Lc. Phần tường thuật có chủ đề “Chuyện ông Giêsu Nadarét”, với mở đầu cô đọng nhưng càng lúc càng rõ hơn. Hoạt động công khai của Người (x. Lc 4–21) được tổng hợp trong câu nhận định: “Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân” (c. 19; x. Lc 7,16). Dân chúng đã nhận biết Người là mộtngôn sứ vĩ đại. Về cuộc Thương Khó của Người, hai ông nhắc đến các vị có trách nhiệm: “các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta” và diễn tả biến cố này bằng hai từ, “nộp” và “đóng đinh” (x. 24,7). Đến đây, họ ngưng phần kể truyện mà đưa vào mộtlời bình diễn tả nỗi thất vọng của họ: “Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en” (c. 21). Họ đã nghĩ đến mộtcuộc giải phóng dân tộc Do Thái mang tính chính trị. Ở c. 47, Đức Giêsu sẽ cho hiểu đây là cuộc giải phóng muôn dân khỏi tội lỗi.
Và cứ thế, họ đi đến giờ phút hiện tại: các sự việc xảy ra đã sang ngày thứ ba rồi (c. 21). Phải chăng họ đang gợi tới các lời tiên báo về Phục Sinh vào ngày thứ ba (9,22; 18,33; 24,7.46) và muốn ám chỉ rằng các lời ấy đã không thành sự? Phải chăng họ đang quy chiếu về niềm tin dân gian Do Thái cho rằng linh hồn vẫn ở gần thân xác cho đến ngày thứ ba, rồi mới vĩnh viễn tách ra? Dù thế nào, nhận xét ấy vẫn cho thấy nỗi thất vọng của họ.
Họ lại kể lại câu truyện và lần này kể rộng rãi hơn: đoạn 24,22-23 tương ứng với 24,2-11, còn đoạn 24,12 tương ứng với 24,24. Họ kể chi tiết kinh nghiệm của các phụ nữ: các bà này đến mộ từ sáng sớm, không thấy thi hài Đức Giêsu đâu cả, nhưng lại nói là đã thấy các thiên sứ hiện ra bảo rằng Người vẫn sống (x. 24,5t). Quả thật, các phụ nữ trở về, kể truyện, đã làm cho cộng đoàn sửng sốt. Họ kể lại sứ điệp của các phụ nữ (c. 24); rồi cũng cho biết có “mấy người trong nhóm chúng tôi” đã đến và thấy mộ trống, nghĩa là “thấy sự việc y như các bà ấy nói”. Để kết luận, họ nêu mộtnhận định cho đến nay chưa nói ra: “còn chính Người thì họ không thấy”. Trong khi họ nói ra điều này, họ nhìn Đức Giêsu mà không nhận ra Người (x. c. 16). Rồi họ sẽ là những người đầu tiên thấy Người (c. 31). Trong cuộc hiện ra với các môn đệ, chính Đức Giêsu cũng nhấn mạnh trên việc thấy: ở 24,39, hai lần động từ idete, “hãy nhìn xem”, được dùng (Có thể dịch lại 24,39 như sau: “Hãy nhìn xem (idete) tay chân Thầy đi, vì chính Thầy đây mà! Hãy rờ Thầy và nhìn xem (idete) đi, vì ma đâu có thịt có xương như anh em thấy (theôreite) Thầy có đây?”).
Kế đó, tác giả ghi lại giọng văn trực tiếp của Đức Giêsu, trước hết là một tiếng than và một câu hỏi mang tính hùng biện (cc. 25-26), rồi cách thức Đức Giêsu giải thích Kinh Thánh cho hai ông (c. 27). Trong khi các ông đã tóm các biến cố, Đức Giêsu lại cho thấy liên hệ của các biến cố ấy với Kinh Thánh, là nơi tỏ bày ý muốn của Thiên Chúa.
Trong tiếng than, Đức Giêsu đã đánh giá hai ông là “chẳng hiểu gì và lòng trí thật là chậm tin”; đây là một lời trách: trí tuệ và trái tim của các ông không sao tin được tất cả những gì các ngôn sứ đã nói. Trong câu hỏi mang tính hùng biện, Đức Giêsu nhấn mạnh trên sự kiện là, thể theo chương trình cứu độ của Thiên Chúa, nhất thiết Đức Kitô phải (dei) đi qua cuộc Thương Khó để vào vinh quang. Họ nói về Đức Giêsu như là vị ngôn sứ lớn (c. 19), Đức Giêsu lại nói về Đấng Kitô (cả 24,46): quả thật, trong cuộc xử cũng như khi chế giễu Đức Giêsu, người ta tập trung vào “Đấng Kitô” (22,67; 23,2; 23,35.39). Trong câu “chịu khổ hình, rồi mới vào trong vinh quang của Người”, cụm từ thứ hai đã thay thế động từ “trỗi dậy” trong những đoạn tương tự (x. 9,22;24,7.46): như thế, “trỗi dậy”, hay “sống lại”, có nghĩa là “đi vào trong vinh quang”, tức là đi vào sự hiện diện trực tiếp của Thiên Chúa và thông phần vào vinh quang của Người.
Sau đó, Đức Giêsu rảo qua toàn bộ Cựu Ước để giải thích cho hai môn đệ những điều liên quan đến Người: trong tư cách là “nhà chú giải” (diermêneuein, “giải thích, chú giải”), Đức Giêsu cho hai ông thấy Kinh Thánh đã nói về Người ở đâu và nói như thế nào. Câu 24,27 và 24,44 có cùng nội dung là “những gì liên quan đến Đức Giêsu”, nhưng câu đầu thì Đức Giêsu nói mà chưa được nhận ra, còn câu sau thì Người nói sau khi đã được nhận biết.
* Nhận ra Đức Giêsu khi Người bẻ bánh(28-32)
Trong phần đầu, hai môn đệ tha thiết thuyết phục Đức Giêsu ở lại với họ (24,28-29). Trong phần giữa, Đức Giêsu bẻ bánh, được nhận biết và biến mất (24,30-31). Cuối cùng là lời bình luận của hai môn đệ (24,32).
Ba người đã đến gần mục tiêu hai môn đệ nhắm tới (x. 24,13). Đức Giêsu làm bộ (“làm ra vẻ, giả bộ”) muốn đi tiếp, nghĩa là Người tiếp tục tỏ ra như là người bạn đồng hành ngẫu nhiên. Họ tha thiết xin (“ra sức, ép buộc”) Người ở lại với họ và Người đã thuận theo lời họ xin. Họ viện lý do là trời đã xế chiều, nhưng sự khẩn khoản của họ chứng tỏ họ hết sức quý trọng người bạn đồng hành này. Những chi tiết được lặp đi lặp lại trong cc. 29 và 30 cho thấy có nguyện vọng được ở lại với nhau (“Mời ông ở lại với chúng tôi”: 24,29; “Người vào và ở lại với họ”: 24,29; “Khi đồng bàn với họ”: 24,30). Sự hiệp thông giữa ba người trở thành mộtsự hiệp thông trong bàn ăn (c. 30).
Trong bữa ăn, Đức Giêsu đã xử sự như người chủ tọa; Người đã làm bốn hành động: Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho. Ta không thể không thấy Người xử sự y như trong Bữa Tối cuối cùng (Lc 22,19-20. So sánh 22,19 // 24,30), tuy ở đấy Đức Giêsu có nói mộtsố lời và cho phân phát mộtchén rượu. Ta cũng thấy Người xử sự như thế khi nhân bánh và cá ra nhiều (9,12-17), chỉ có điều là ở đấy, sau khi cầm lấy, Người lại ngườc mắt lên trời (9,16). Các môn đệ đã nhận ra Người. Khó có thể cho rằng các ông đã nhận ra Người vì nhớ lại Bữa Tiệc cuối cùng, bởi vì các ông không có mặt ở đấy. Hợp lý hơn, có thể nói là vì các ông đã có mặt khi Đức Giêsu nhân bánh ra nhiều hoặc đã thường thấy Đức Giêsu làm cử chỉ này. Còn mộtcâu hỏi khác: Phải chăng Đức Giêsu đã ban Mình Người cho hai môn đệ Emmau? Người ta thường trả lời là “không”, với các lý do: cử chỉ Đức Giêsu làm là mở đầu thông thường cho mộtbữa ăn Do Thái; Lc không ghi lại mộtlời giải thích nào của Đức Giêsu; thiếu việc trao mộtchén rượu; hai môn đệ này không có mặt trong Bữa Tiệc cuối cùng, vì chỉ dành cho các tông đồ (22,14). Tuy nhiên, ta cũng không thể phủ nhận là có tương quan chặt chẽ giữa 24,30 và 22,19. Thế rồi, hai môn đệ ấy đã nói đến “việc bẻ bánh” của Đức Giêsu (24,35). Cụm từ ấy chỉ xuất hiện ở đây và ở Cv 2,42. Vậy không thể chứng minh được là Đức Giêsu đã ban Mình Người cho hai ông, nhưng 22,30.35 là những câu nhắc các độc giả Lc nhớ tới Bữa Tối cuối cùng và những buổi cử hành Thánh Thể của họ. Và hẳn là khi nghe hai ông kể lại kinh nghiệm vừa trải qua, Nhóm Mười Một cũng nhớ lại Bữa Tối cuối cùng, trong đó quả thật Đức Giêsu đã ban Mình Người cho các ông (22,14.19). Như thế, Bữa Tối cuối cùng, với tất cả ý nghĩa của nó, lại trở nên sống động trong tâm khảm của cộng đoàn.
Kết quả mà hành vi của Đức Giêsu tạo ra là tương quan của hai môn đệ với Người được đảo ngược: Trước kia, ở 24,16, mắt của các ông còn bị ngăn cản, nay ở 24,31, mắt các ông đã mở ra để nhận biết Người, nhưng thật ra là Thiên Chúa mở mắt cho các ông (thái bị động thay tên Thiên Chúa). Người ta không thể nhìn thấy và nhận ra được Đức Giêsu Phục Sinh bằng cặp mắt nhân loại; nhận ra Đức Giêsu hiện diện và chân tính của Người là mộtơn Thiên Chúa ban. Hai ông đã hưởng nhờ ân huệ lớn lao từ cách xử sự của Đức Giêsu. Các ông đã kết thúc truyện kể ngược lại quá khứ với mộtnhận định buồn rầu: “còn chính Người thì họ không thấy” (24,24). Bây giờ họ là những người đầu tiên của cộng đoàn (nhưng x. 24,34) được ban cho ơn thấy Đức Giêsu Phục Sinh và đang sống. Và khi đã nhận biết Đức Giêsu đang sống, họ mới có thể nhận ra là Đức Giêsu đã làm gì cho họ, khi đi bên họ, giải thích Kinh Thánh và trao bánh cho họ. Nhưng cũng ngay khi đó, Đức Giêsu biến mất. Họ phải học biết rằng nay đã chấm dứt hình thái hiện diện của Người theo kiểu loài người và trần thế, mà họ đã quen.
Trong lời bình luận (24,32), hai ông đã nêu bật kinh nghiệm vừa trải qua với Đức Giêsu, khi Người giải thích Sách Thánh cho họ (24,25-27). Họ ghi nhận mộtsự thay đổi trong tim, vì bây giờ con tim họ bắt đầu nóng cháy lên.
* Trở lại Giêrusalem (33-35)
Trong phần kết luận này, tác giả kể lại chuyến quay trở lại Giêrusalem của hai môn đệ (24,33), tại đó họ được loan tin là Chúa đã sống lại và đã hiện ra với Simôn (24,34). Rồi các ông cũng nói đến kinh nghiệm trải qua với Đức Giêsu Phục Sinh (24,35).
Vì giờ đã muộn, hai môn đệ đã xin người bạn đồng hành ở lại. Nay chính họ lại lên đường quay trở lại Giêrusalem. Chuyến đi được kể chi tiết (24,13-27), còn chuyến về chỉ được nêu lên bằng sự kiện. Hai môn đệ hết sức ao ước được thông tin cho cộng đoàn, cho Nhóm Mười Một và những người khác đang cùng ở với các ông (x. 24,9), nhưng trước khi có thể nói ra, các ông đã nhận được một lời loan báo với hai thông tin: (1) “Chúa trỗi dậy thật rồi” (x. 24,6) (2) “và đã hiện ra với ông Simôn” (x. 1 Cr 15,5). Hành vi cuối cùng của Chúa (kyrios) mà Lc ghi lại là ở 22,51: “Chúa quay lại nhìn ông Phêrô; ông Phêrô sực nhớ lời Chúa đã nói với mình”. Sự thông cảm đầy yêu thương của Chúa đối với người tông đồ đầu tiên đã chịu thua sự yếu đuối, đã bắt đầu lại ngay sau khi ông chối Người (22,54-62) và được hoàn tất với cuộc hiện ra của Đức Chúa Phục Sinh (x. cả 5,8-l1; 22,31-32). Phêrô là chứng nhân đầu tiên thông tin cho cộng đoàn biết Đức Chúa đã sống lại và đang sống. Hai môn đệ Emmau có thể xác nhận. Hai ông có thể làm chứng về kinh nghiệm hai điểm của mình: (a) về những gì đã xảy ra cho họ trên đường (24,15-27); (b) về những gì họ đã trải nghiệm tại bàn ăn (24,28-32).
Sau khi hai môn đệ đã tường thuật, cộng đoàn có ba chứng từ về cuộc sống lại và về cuộc sống của Đức Giêsu.
+ Kết luận
Trong thời gian hoạt động công khai, Đức Giêsu không sao đưa các môn đệ đến chỗ hiểu Kinh Thánh được (18,31-34). Chỉ trong tư cách là Đấng Phục Sinh, Người mới mở được ý nghĩa của Kinh Thánh ra cho họ (x. 24,32.45). Như thế, người ta chỉ có thể hiểu Kinh Thánh khởi đi từ cuộc Phục Sinh của Đức Giêsu. Chìa khóa giúp giải thích những gì Kinh Thánh nói về hành trình của Đức Giêsu chính là cuộc Phục Sinh của Người; Đấng giải thích là Đức Giêsu Phục Sinh.
Trong khi Đức Giêsu Phục Sinh giải thích Kinh Thánh, lòng các môn đệ đã nóng cháy (24,32), nhưng chỉ sau khi Người bẻ bánh, mắt họ mới mở ra (24,31). Hai hành vi này không đưa vào những yếu tố mới, nhưng nhắc lại những gì đã được ban cho các môn đệ, và bây giờ lại được ký thác cho họ theo cách mới. Từ nay, Đức Giêsu không ở trong những hoàn cảnh sống trần thế nữa. Do đó, họ phải đọc Kinh Thánh từ quan điểm của Đức Giêsu Phục Sinh. Khi đón nhận Mình và Máu Người, họ phải nhận ra tình yêu vô biên của Đức Giêsu đối với các môn đệ Người.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Qua những chia sẻ cho Đức Giêsu, hai môn đệ nói về “chúng tôi” bằng nhiều cách (“mấy phụ nữ trong nhóm chúng tôi”, “mấy người trong nhóm chúng tôi”): họ chứng tỏ là họ rất gắn bó với cộng đoàn. Cộng đoàn xuất hiện ra trong bài Tin Mừng này như là mộtđiểm quy chiếu vững chắc và như là nơi quy tụ tất cả các chứng từ và kinh nghiệm. Các thành viên của cộng đoàn chưa được tiếp xúc trực tiếp với Đức Chúa Phục Sinh, nhưng cộng đoàn là nơi chuẩn bị cho họ nhận biết chính Đấng Phục Sinh khi Người hiện ra giữa họ (24,36-53).
2. Lộ trình của hai môn đệ là “đi từ Giêrusalem về Giêrusalem”, hay “Giêrusalem-Emmau: chuyến đi khứ hồi”. Khi họ đi về Giêrusalem, họ đã rời bỏ cộng đoàn, Đức Giêsu đi bên họ mà họ không nhận ra Người. Khi họ quay trở lại Giêrusalem, họ muốn được liên kết trở lại với cộng đoàn, Đức Giêsu không còn đi với họ nữa, nhưng trái tim của họ chan hòa kinh nghiệm đã trải qua. Đã có mộttiến trình đào sâu trong đó Đức Giêsu nổi bật hoặc như là đối tượng hoặc như là chủ thể. Kết quả là từng cá nhân và cộng đoàn đạt được mộtsự hiểu biết ngày càng sâu hơn về hành trình của Đức Giêsu và mộtsự nhận biết ngày càng chắc chắn hơn về sự Phục Sinh của Người.
3. Đọc truyện này, tôi cũng nhận ra được bố cục của mộtcuộc cử hành Thánh Thể: phần thứ nhất là Phụng vụ Lời Chúa: lắng nghe Lời Chúa và tìm hiểu ý nghĩa (Đức Giêsu giải thích Kinh Thánh), phần thứ hai là Phụng vụ Thánh Thể (Đức Giêsu bẻ bánh). Chính Thánh lễ cũng sẽ đưa người tín hữu đến chỗ gắn bó với cộng đoàn hơn, làm chứng cho nhau để củng cố niềm tin, rồi lên đường tiếp tục chứng từ ấy giữa muôn dân.
4. Đức Giêsu đã làm mộtsố hành vi: đến gần, cùng đi, hỏi, giải thích Kinh Thánh, bẻ bánh, mở mắt cho hai môn đệ, biến mất. Ba hành vi đầu có thể tóm lại bằng công thức “đi tìm con chiên lạc”. Hai môn đệ giống như con chiên trong bài dụ ngôn, đã bỏ đàn, và Đức Giêsu như người mục tử đi tìm con chiên lạc để đưa nó về đàn (x. 15,4-7). Trước khi tỏ mình ra cho toàn thể cộng đoàn (24,36-53), Đức Giêsu đã tìm lại được hai kẻ đã bỏ đi. Như thế, Đức Giêsu Phục Sinh cũng vẫn quan tâm đến những gì đã mất (đối với Phêrô cũng vậy: 22,61; 24,34).
5. Kinh Thánh như là Lời Thiên Chúa nói với dân Ngài là thẩm quyền cao nhất cho họ và là điểm quy chiếu mà mọi người đều biết. Khi cho thấy Sách Thánh nói về Người và về những biến cố chính của hành trình đời Người, Đức Giêsu giúp ta thấy rằng các biến cố ấy không phải là những biến cố xa lạ và phi lý, nhưng thuộc về tương quan và lịch sử của Thiên Chúa với dân Ngài. Khi đó ta mới vượt qua được chướng kỳ là Đức Kitô bị nộp và bị đóng đinh (23,35-39; 24,20-21).
5. Lời của hai môn đệ đúng là kêrygma: cho dù ở dạng không mấy minh nhiên (như ontôs êgerthê ho kyrios, “Chúa sống lại thật rồi”, Lc 24,34), kêrygma này có các yếu tố căn bản: ba ngày, các phụ nữ tại mộ, các thiên sứ, tin nói rằng Đức Giêsu vẫn sống. Nhưng ở đây kêrygma được kể ra như là mộtđiều không hiểu được, mộtđiều hẳn là không thể nào đã xảy ra và lại là mộtbi kịch cho tất cả những ai đã đặt tin tưởng vào Người. Các lời thì có đó, nhưng con tim thì không; phải nói là con tim chỉ đầy phiền muộn, thất vọng, khiến cho người nói cảm thấy cay đắng, và do đó không thuyết phục được người nghe. Cần phải nghe câu trả lời của Đức Giêsu, mộtcâu trả lời diễn tả kêrygma đích thật. Đức Giêsu hành động như người loan báo Tin Mừng và như vị tôn sư; Người sử dụng khả năng nhà chú giải và huấn giáo viên để cung cấp lời giải thích các môn đệ đang chờ.


24. Chúa Đã Sống Lại
(Trích trong ‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ – Radio Veritas Asia)
Trên đường về làng Emmau có hai kẻ song hành. Họ âm thầm bước đi bên nhau, mỗi người một suy nghĩ nhưng có cùng một mẫu số chung là tuyệt vọng. Và tuyệt vọng cũng là điều dễ hiểu vì Thầy họ, một người đầy uy quyền mà phải đầu hàng trước hội đường Do Thái, phải gục ngã trước uy quyền của thần chết.
Bởi thế, dù bước đi bên nhau mà tưởng chừng như độc hành. Cùng trên đoạn đường đi ấy, một người thứ ba xuất hiện đi cùng và đối thoại trao đổi cách thân tình. Vì thế, lòng họ ấm áp lại và rồi tâm hồn họ đã hồi sinh thực sự khi Ngài bẻ bánh trao cho họ. “Trao bánh” là ban một cử chỉ thông hiệp thân mật và là mối dây thông cảm thân tình giữa Thầy và Trò.
Thế giới hôm nay cũng không thiếu những tâm hồn cô độc tuyệt vọng. Tuyệt vọng vì mất niềm tin, vì không thấy ý nghĩa cuộc đời. Tuyệt vọng vì chiến tranh bạo lực, vì những cấu xé tranh giành giữa con người cùng chung một dòng máu. Tuyệt vọng vì nghèo đói, bị khinh bỉ, bị đặt ra ngoài lề xã hội.
Giữa những cảnh tuyệt vọng ấy, bổn phận người Kitô hữu là gì nếu không phải là đốt lên ngọn lửa yêu thương để sưởi ấm tâm hồn. Bổn phận này không đòi hỏi phải có những tổ chức rộng lớn, nhưng phương tiện tân kỳ hoặc những khả năng phi thường, nhưng chỉ cần những đối thoại trao đổi đơn sơ nhưng đầy tình Chúa và tình người cũng mang lại những giá trị của nó: “Phải chăng trong lòng chúng ta đã chẳng sốt sắng lên trong khi Ngài đi đường đàm đạo và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó ư?”
Một cử chỉ cầm tay và ngồi bên giường bệnh nhân hàng giờ của người nữ y tá chẳng là gì, nhưng nếu không có cử chỉ ấy thì giá trị của cuộc giải phẫu sẽ chẳng lường trước được.
Lạy Chúa, nếu cuộc sống đã làm cho con đau lòng tuyệt vọng thì xin Chúa cho con biết tìm về Lời Chúa và Mình Chúa để lấy lại sức mạnh cho tâm hồn. Vì Lời Chúa sẽ hâm nóng tâm hồn giá lạnh của con; và bàn tiệc Thánh Thể sẽ cho con được hồi sinh. Để như hai môn đệ trên đường Emmau, một khi đã được hồi sinh, con sẽ đến với người anh em để nói cho họ về niềm tin vui Phục Sinh, về tình thương của Chúa. Amen.
Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật 3 Phục Sinh – Năm A (song ngữ)
Một vài gợi ý suy niệm song ngữ về bài Tin Mừng Chúa Nhật 3 Phục Sinh – Năm A.
3rd Sunday of Easter
Reading I: Acts 2:14,22-28 II: 1Peter 1:17-21
Chúa Nhật 3 Mùa Phục Sinh
Bài Đọc I:  Công vụ 2:14,22-28 II: 1Phêrô 1:17-21
Gospel
Luke 24:13-35
13 That very day two of them were going to a village named Emma'us, about seven miles from Jerusalem,
14 and talking with each other about all these things that had happened.
15 While they were talking and discussing together, Jesus himself drew near and went with them.
16 But their eyes were kept from recognizing him.
17 And he said to them, "What is this conversation which you are holding with each other as you walk?" And they stood still, looking sad.
18 Then one of them, named Cle'opas, answered him, "Are you the only visitor to Jerusalem who does not know the things that have happened there in these days?"
19 And he said to them, "What things?" And they said to him, "Concerning Jesus of Nazareth, who was a prophet mighty in deed and word before God and all the people,
20 and how our chief priests and rulers delivered him up to be condemned to death, and crucified him.
21 But we had hoped that he was the one to redeem Israel. Yes, and besides all this, it is now the third day since this happened.
22 Moreover, some women of our companyamazed us. They were at the tomb early in the morning.
23 and did not find his body; and they came back saying that they had even seen a vision of angels, who said that he was alive.
24 Some of those who were with us went to the tomb, and found it just as the women had said; but him they did not see."
25 And he said to them, "O foolish men, and slow of heart to believe all that the prophets have spoken!
26 Was it not necessary that the Christ should suffer these things and enter into his glory?"
27 And beginning with Moses and all the prophets, he interpreted to them in all the scriptures the things concerning himself.
28 So they drew near to the village to which they were going. He appeared to be going further,
29 but they constrained him, saying, "Stay with us, for it is toward evening and the day is now far spent." So he went in to stay with them.
30 When he was at table with them, he took the bread and blessed, and broke it, and gave it to them.
31 And their eyes were opened and theyrecognized him; and he vanished out of their sight.
32 They said to each other, "Did not our hearts burn within us while he talked to us on the road, while he opened to us the scriptures?"
33 And they rose that same hour and returned to Jerusalem; and they found the eleven gathered together and those who were with them,
34 who said, "The Lord has risen indeed, and has appeared to Simon!"
35 Then they told what had happened on the road, and how he was known to them in the breaking of the bread
Phúc Âm
Luca 24:13-35
13 Cũng ngày hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Emmau, cách Giêrusalem sáu mươi chặng.
14 Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra.
15 Đang lúc trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giêsu tiến đến gần và cùng đi với họ.
16 Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người.
17 Người bảo họ: "Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?" Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu.
18 Một trong hai người tên là Cơlêôpát trả lời: "Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giêrusalem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay"
19 Đức Giêsu hỏi: "Chuyện gì vậy?" Họ thưa: "Chuyện ông Giêsu Nadarét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân
20 Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá.
21 Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ítraen. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi.
22 Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm,
23 không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống.
24 Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà nói; còn chính Người thì họ không thấy.
25 Bấy giờ Đức Giêsu nói với hai ông rằng: "Ôi những kẻ tối dạ, những lòng chậm tin vào lời các ngôn sứ!
26 Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?
 
27 Rồi bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.
28 Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giêsu làm như còn phải đi xa hơn nữa.
29 Họ nài ép Người rằng: "Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn". Bấy giờ Người vào ở lại với họ.
30 Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ.
 
31 Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất.
32 Họ mới bảo nhau: "Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?"
33 Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó.
 
34 Những người này bảo hai ông: "Chúa sống lại thật rồi, và đã hiện ra với ông Simon".
35 Còn hai ông thì thuật lại những việc đã xảy ra dọc đường, và mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.
Interesting Details 

· Seeing and hospitality: Luke uses many visual images, such as women who saw the angels, while the disciples did not see Jesus at the tomb, etc. The restored sight (recognizing Jesus) only comes after they show hospitality and invite Jesus to stay with them. 

· Jesus shares food with the disciples to signify that the Kingdom has come, because previously he has said that "I shall not eat again until there is fulfillment in the Kingdom of God" (Lk 22:16,18). 

· The disciples had all the "facts": They saw Jesus' wonderful words and deeds, and they were told about the empty tomb. Yet they give up, leave Jerusalem, and cannot even recognize Jesus. Why? Because they hold on to their own and erroneous hope, namely that

· Jesus would "set Israel free" politically.
Jesus was able to teach them pretty quickly because they already know the Jewish Scripture.
Chi Tiết Hay

· Nhìn thấy và tiếp đón: Thánh Luca hay dùng những hình ảnh thấy rõ ràng, chẳng hạn các bà nhìn thấy các thiên thần, còn các môn đệ thì không thấy Đức Giêsu tại mồ, v.v. Hai môn đệ môn đệ mở mắt nhận biết Đức Giêsu chỉ sau khi họ đã có lòng hiếu khách mời Ngài ở lại. 

· Việc Chúa ngồi ăn là dấu chỉ Nước Chúa đã đến bởi vì trước đây Người đã phán: "Thầy sẽ không bao giờ ăn lễ Vượt Qua này nữa, cho đến khi lễ này được nên trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa" (Lc 22:16,18). 

· Hai môn đệ đã nghe Chúa giảng, đã thấy các phép lạ Chúa làm, đã nghe báo về mồ trống. Vậy mà họ vẫn nản lòng, rời bỏ Giêrusalem và không nhận ra ngay cả Chúa Giêsụ Tại sao vậy? Bởi vì họ vẫn giữ lấy ý riêng của mình là Đức Giêsu sẽ giải phóng đất nước Do Thái. 

· Hai môn đệ học lời Đức Giêsu chỉ dạy mau chóng bởi vì họ đã thông hiểu các Sách Thánh Do Thái.
One Main Point 

Discipleship is a story of journey, including coming and leaving (Jerusalem), walking along, staying together, and returning.
Một Điểm Chính 

Làm môn đệ là một cuộc đồng hành có đến và ra đi, cùng tiến bước, cùng nối kết và có trở về.
Reflections

1. Do I show hospitality to Jesus so that he will stay with me and open my eyes? 

2. Do I have false hopes that blinds me from seeing Jesus? 

3. In what direction am I walking on the journey toward discipleship?
Suy Niệm

1. Tôi có sẵn lòng đón tiếp Chúa để Ngài ở lại trong tôi và mở mắt tôi ra không? 

2. Tôi có nhận ra Chúa hay vẫn mờ mắt vì muốn Chúa làm theo ý tôi? 

3. Tôi đang đồng hành về hướng Chúa gọi, hay đang bỏ đi theo ý riêng của tôi?
 
 
 
 
 Ý CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNG 5.2014
– Ý chung: Cầu cho các phương tiện truyền thông trở nên những công cụ phục vụ cho sự thật và hoà bình.
– Ý truyền giáo: Cầu xin Đức Maria là Ngôi sao loan báo Tin Mừng, hướng dẫn Giáo Hội trong việc rao giảng Chúa Kitô cho mọi dân tộc.
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận