Một vài suy tư nhân đọc bài “vì sao có nhiều người bị hội thánh đức chúa trời mẹ lôi kéo đến vậy?”

Đăng lúc: Thứ năm - 03/05/2018 21:01 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

Một vài suy tư nhân đọc bài “VÌ SAO CÓ NHIỀU NGƯỜI BỊ HỘI THÁNH ĐỨC CHÚA TRỜI MẸ LÔI KÉO ĐẾN VẬY?” 

 

 

 26

Trước thực trạng Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ đang phân tán thành từng nhóm nhỏ len lỏi vào khắp các tỉnh thành trong cả nước, tạo thành cơn sốt lôi kéo biết bao nhiêu người tham gia bất kể giàu nghèo hèn kém hay trí thức danh giá, gây nên bao chuyện dở khóc dở cười, dù chỉ mới xâm nhập vào Việt Nam chừng hơn một năm. Trên trang báo mạng www.24h.com.vn thấy có bài viết phân tích lý do tại sao có nhiều người bị lôi kéo đi theo Hội Thánh Đức Chúa Trời mẹ. Trong đó, người được gọi là chuyên gia tâm lý tên Nguyễn An Chất cho biết nguyên nhân như sau: “Chiêu bài của tổ chức này đánh khá trúng vào tâm lý bất thường của một số người dân, người đang có suy nghĩ sai lầm trong đời sống hằng ngày. Kể cả đó là những người có học vấn, tri thức nhưng có thể trong đời sống đang vấp phải điều gì đó, mong muốn giải thoát cho mình nhưng họ lại chọn cách đi theo con đường mê tín chứ không phải là khoa học. Và họ gọi đó là tâm linh, nhưng thực ra đó là mê tín”. Và cuối cùng, ông Nguyễn An Chất kêu gọi: “Toàn xã hội phải vào cuộc để đẩy lùi những tổ chức tuyên truyền ảo này, là nghĩa vụ của tất cả mọi người chứ không riêng bất kỳ ai”.
 

Thú thực, đọc bài viết dù khá trơn tru, nhưng tôi vẫn thấy có một vài hạn từ khá mơ hồ nếu không muốn nói là khó hiểu và mâu thuẫn. Chẳng hạn như khi ông chuyên gia tâm lý Chất nói đến “tâm lý bất thường” của một số người, với lời giải thích là người “có suy nghĩ sai lầm” trong đời sống hằng ngày. Dùng hạn từ “tâm lý bất thường” ở đây không rõ ông Chất dựa vào đâu để nói là “bất thường”, và nếu bảo là “sai” thì dựa vào quy chuẩn chân lý hay căn cứ khoa học nào để khẳng định cái đó là đúng hay sai? Lại nữa, khi đề cập đến những người có học vấn, có trí thức (tức thuộc nhóm tâm lý bình thường (?)) mà cũng bỏ mọi sự mà theo, thì được ông Chất giải thích là do “đang gặp phải điều gì đó”. “Điều gì đó” mà ông Chất muốn nói ở đây là điều gì? Quá mơ hồ! Phải chăng là do ông Chất không biết, hoặc biết mà không dám nói ra? Cuối cùng thì ông Chất còn cho rằng mọi hậu quả xã hội gây ra là do con người không đi theo con đường khoa học. Điều khẳng định cuối cùng này liệu có đáng tin cậy không?

Dù không rõ “tâm lý bất thường” mà ông chuyên gia Nguyễn An Chất dựa vào mà lý luận và đưa ra những khẳng định có nghĩa là gì, nhưng theo “tâm lý bình thường” thì tôi thấy, về mặt xã hội học, một con người bình thường bao giờ cũng khát khao sống trong một xã hội bình đẳng, tự do, một chế độ xã hội không có áp bức, bất công, một xã hội không có chiến tranh và nghèo đói… Con người luôn mơ về một “xã hội thánh thiện”, mơ về một “vùng đất hứa”… và khi những ước mơ đó không được xã hội thoả mãn thì con người gửi gắm ước mơ của mình qua các hình thức tôn giáo. Dù tôn giáo có chỉ là hạnh phúc hư ảo (nói theo kiểu ông Nguyễn An Chất), thì con người vẫn cảm thấy “hạnh phúc”, chừng nào chưa có hạnh phúc thực sự trong cuộc sống. Con người tìm đến tôn giáo như tìm đến cái gì mà họ chưa có, không thể có, còn thiếu thốn, khát khao mong đợi. Con người sống cần có niềm tin, và khi niềm tin vào chế độ xã hội bị mai một, về xã hội bị sói mòn hoặc đổ vỡ, con người sẽ tìm đến niềm tin ở thần thánh là lẽ thường tình.

Do đó, nói về nguyên nhân tại sao mọi người ồ ạt chạy theo các giáo phái, trước tiên trên bình diện quốc gia, là do con người ngày nay đang gặp khủng hoảng niềm tin về một chế độ xã hội, chứ chẳng phải do họ có “tâm lý bất thường”, hay đang gặp cái “điều gì đó” khó hiểu cả.

Ở phạm vi lớn hơn, thế giới mà chúng ta đang sống cũng chứa đựng những mâu thuẫn chồng chéo, đan xen và đang biến động khó đoán định trước cũng là một trong những nguyên nhân. Việc Anh – Pháp – Mỹ liên minh tấn công Sy-ri-a; việc Nam Triều Tiên và Bắc Triều Tiên; việc vũ khí hoá học, bom nguyên tử; việc Trung Quốc tham vọng độc chiếm Biển Đông... gây nên những mối đe doạ huỷ diệt khiến người ta tìm chốn nương ẩn trong các tôn giáo.

Hậu quả của khoa học, kỹ thuật và công nghệ cũng là một trong những nguyên nhân. Thực tế cho thấy, hằng ngày, hằng giờ chúng ta đang phải chứng kiến tình trạng môi trường bị ô nhiễm, tài nguyên cạn kiệt, rừng cây bị tán phá, muông thú quý hiếm biến dần, tầng ô-zôn là lá phổi của nhân loại ngày một mỏng và bị "thủng"... Hậu quả của suy thoái môi sinh hiện ra trước mắt; trái đất nóng dần, động đất, núi lửa, hạn hán, bão táp, lụt lội… xảy ra khắp nơi. Cho dù nhân loại đã cố gắng nhưng chưa kịp khắc phục những bệnh tật cũ thì lại đã, đang xuất hiện những bệnh nan y mới. Thiên nhiên dường như đang trả thù loài người vì những hành vi vô trách nhiệm của họ. Trước sự mất cân đối nghiêm trọng về hệ sinh thái, thiên nhiên đầy thương tích và thế giới dễ đổ vỡ này, những lời tiên tri về "lụt hồng thuỷ" mới, về "ngày tận thế", lại trở thành vấn đề thời sự được nhiều người quan tâm, lo lắng… mở đường cho các tôn giáo phát triển.

Tôi cho rằng, việc ông chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất khẳng định mọi hậu quả xã hội gây ra là do con người không đi theo con đường khoa học là một phát biểu có phần chủ quan ngây thơ và võ đoán. Có thời kỳ người ta quá tin vào lý tính, khoa học, trí tuệ; thậm chí còn tôn vinh nó như một thứ tôn giáo. Ngỡ tưởng khoa học như chiếc chìa khoá vạn năng có thể đưa mọi bí mật của thế giới ra ánh sáng. Song, ngày càng thấy rõ nhận thức của con người là có giới hạn. Ngày nay khoa học phát triển như vũ bão, nhưng thế giới vĩ mô và vi mô, tự nhiên và xã hội cũng như ngay bản thân con người còn chứa đựng bao điều bí ẩn với những chuỗi dài ngẫu nhiên, tự phát mà khoa học cũng đánh bó tay. Người ta có thể lý luận “ở con người chỉ có thể là chưa biết chứ không thể không biết được”. Song khoảng cách giữa "biết" và "chưa biết" cứ tồn tại mãi mãi. Nhờ khoa học, nhân loại đã trả lời được nhiều câu hỏi, nhưng những vấn đề mới lại ập đến nhiều hơn và phức tạp hơn mà khoa học đành nhường bước cho tôn giáo. Vì tôn giáo đã giải thích những điều không giải thích được, là sự nỗ lực của con người để hiểu cái không thể hiểu được, một khát vọng, hướng tới cái vô tận.

Cũng cần phải nói thêm rằng, tôn giáo không chỉ nảy sinh từ dốt nát và nghèo đói, mà ngược lại, ngay khi đời sống vật chất được nâng cao thì người ta vẫn cần tìm đến tôn giáo, như một sinh hoạt tinh thần đáp ứng nhu cầu tâm linh không thể phủ nhận nơi thâm sâu mỗi con người.

Như vậy, vấn đề không phải là việc hô hào toàn đảng, toàn quân, toàn dân tham gia chiến dịch trấn áp đẩy lùi tổ chức “tà đạo” Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ, cho bằng sửa lỗi hệ thống, củng cố niềm tin cho người dân (bằng những chấn chỉnh cụ thể) vào một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, tự do, bình an, hạnh phúc… Bởi lẽ khi con người đã tìm được bình an, hạnh phúc thực sự thì họ sẽ chẳng bao giờ dễ dàng đi tìm hạnh phúc ở nơi nào nữa.

(Việc nhiều người dễ dàng bỏ mọi sự để đi theo nhóm Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ là một hiện tượng xã hội, nên bài viết này chỉ đề cập đến tôn giáo dưới khía cạnh xã hội học, chứ không bàn về vấn đề thần học, mong quý độc giả thông cảm)

Gã Khờ. daminhvn.net

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 12 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận