Linh mục Việt Nam sống nghèo và sống vì người nghèo, khó lắm chăng ?

Đăng lúc: Thứ hai - 13/03/2017 15:27 - Người đăng bài viết: admin

LINH MỤC VIỆT NAM SỐNG NGHÈO VÀ SỐNG VÌ NGƯỜI NGHÈO, KHÓ LẮM CHĂNG ?

 

Tôi may mắn được quen biết và cộng tác với một Linh Mục trẻ, ngài được sai về giúp xứ chúng tôi và khi thụ phong Linh Mục, lại về làm phó xứ, phụ trách các lớp giáo lý và công tác xã hội, mà vợ chồng chúng tôi được mời cộng tác. Do tính tình cởi mở và giao tiếp rộng, ngài có nhiều bạn hữu trong và ngoài nước tỏ ý muốn giúp đỡ. Ngài nhận và nói chúng tôi lập danh sách các ông già, bà lão bệnh tật, neo đơn trong Giáo Xứ và hàng tháng, ngài nói chúng tôi giao tận tay mỗi người một số tiền và mười kílô gạo. Khi về làm phó xứ, trong các giờ giáo lý, trên bục giảng, ngài không hề giấu giếm tuổi thơ khổ cực trong cảnh nhà nghèo. Bản thân ngài sau 1975 phải đi chăn thuê trâu bò, lượm phân, làm đủ công việc đồng áng vất vả để có miếng ăn, để có thể đến trường, có thể đi tu và được Chúa chọn.

Tôi cũng có một cha lớp dưới khi ở Chủng Viện. Ngài chuyển hướng sang Dòng Đa Minh và nay phụ trách một Giáo Xứ ở Hoa Kỳ. Về thăm lại quê hương, giáo xứ cũ và gia đình, ngài được cha quản xứ mời dâng Thánh Lễ. Đầu Thánh Lễ, trong phần chào hỏi khá dềnh dàng, ngài nói: “Các bạn tuổi 45 – 47 ngồi trước mặt tôi, đều là bạn học cùng hoặc trên dưới lớp. Vậy các bạn còn nhớ biệt danh của tôi không ? Kh. Đen, đây ( cả Nhà Thờ cười ồ, vỗ tay ). Chưa hết, các bạn còn phong tặng tôi một nick name nghe xanh rờn luôn. Nhớ lại rồi chứ ? Kh. Thịt Chó đây ( lại vỗ tay cười vang ). Tôi còn ở thăm cả tuần, rồi tôi sẽ chỉ mặt tay nào từng xúi tôi vào vườn ăn trộm xoài, bị kiến càng cắn cho bò càng luôn ( cười lớn ). Tôi còn nhớ như in tay nào rủ tôi vào vườn đào khoai trộm, nó thoát, còn tôi bị chủ nhà véo tai lôi tận nhà, để bố tôi đét cho năm roi ( các ông bà lão cũng cười chảy cả nước mắt ). Và những tay nào rủ nhau bắt thằn lằn, chuột con, nhét vào cặp bọn con gái, để cười đã đời khi bọn con gái khóc thét lên. Nhưng sau đó thầy Báu điều tra ra và mấy tay đổ hết cho tôi. Kết quả: 10 roi muốn què luôn. Những tình cảm không thể phai đó, tạo nên tình nghĩa con cái Chúa, để giờ đây khi Chúa cho chúng ta may mắn gặp lại nhau, chúng ta cảm tạ Chúa và cám ơn nhau… !”

Không quên quá khứ nghèo khổ, không chối bỏ quá khứ chẳng lấy gì đáng hãnh diện, vì nó hình thành nên cốt cách, suy tư và thái độ sống và hành xử. Cố tình gạt bỏ nó, lẩn tránh nó, sợ nó ám ảnh, sợ nó bôi đen hình ảnh mà ta đang cố tự đánh bóng, ta cũng phá đổ nhân cách chính mình và đang tạo cho mình một vỏ bọc hợm hĩnh, giả dối; từ đó, thái độ ứng xử của ta cũng lệch lạc, nếu không muốn nói là sai lầm.

Có thể nói, do hoàn cảnh tổ chức Đạo Công Giáo Việt Nam, 90% ( hoặc hơn thế nữa ) các Linh Mục xuất thân từ những gia đình nông dân, nhà nghèo hoặc rất nghèo. Ước mong các bậc làm cha làm mẹ, là có được ngày “vinh quy bái tổ về làng”: những kẻ giàu sang, quyền thế, hách dịch trước đây, bấy giờ cũng sẽ xun xoe “một ông cố”, ”hai bà cố”, danh giá ngút trời. Đúng là một vốn, ngàn vạn lời.

“Ông bà cố” là thế, nhưng các Linh Mục lại còn đi xa hơn: quên đi – hay đúng hơn: xua đuổi – quá khứ một cách mau lẹ, sợ hãi và thù ghét chuỗi ngày lầm than, như một cơn ác mộng. Đối với các vị, cái nghèo phải biến đi và người nghèo – hình ảnh gợi lại quá khứ nhục nhằn – cũng không hề được ưa chuộng. Các vị và người nghèo như hai “cực”: cực nam châm cùng chiều thì đẩy nhau; ”cực” ( cơ cực ) cũng chẳng giúp gì được nhau. Điều kiện tích luỹ của cải bày ra đầy dẫy trước mắt: không cầu mà vẫn có. Và những Linh Mục chạy theo tiền bạc, tiện nghi, sa hoa, xa rời người nghèo, là điều chẳng có gì lạ.

Tôi nhớ nhà văn Jack London có kể câu chuyện một người bị trôi dạt, tưởng chừng chết vì đói. Khi được cứu lên tàu, anh ta ăn lấy ăn để bánh mì. Nhưng điều đáng nói, ấy là chỉ mấy hôm sau, người ta khám phá dưới nệm giường anh ta nằm, toàn là bánh mì, chất thành một lớp dày: anh ta bị ám ảnh bởi côn đói khủng khiếp và muốn dự trữ bánh mì để phòng ngừa. Linh Mục cũng bù trừ một cách kín đáo ( compensation occulte ) khi tích luỹ của cải, sai với bản chất đời sống ơn gọi của mình, trái với lời hứa ( dù không phải là “lời khấn” như trong các Dòng Tu ) KHÓ NGHÈO. Từ đó, Linh Mục tách rời và đẩy ra xa đối tượng chính của việc phục vụ: NGƯỜI NGHÈO.

Điều gì đã khiến nhiều Linh Mục “xa đàng lạc lối” đến vậy ?

 

1. THIẾU CĂN BẢN ĐẠO ĐỨC

Một gia đình đạo hạnh sẽ phản ảnh nơi con cái, nhất là người con được chọn dâng cho Chúa. Một gia đình khô khan, nguội lạnh, cũng sẽ nhìn thấy rõ nơi con cái, kể cả người con được “phái” đi tu, cho dù muốn che giấu cách mấy, giả hình thế nào đi nữa. Cái kim trong bị lâu ngày cũng lòi ra.

Giáo Xứ ( trước đây ) của tôi được Bề Trên chọn làm nơi các “chuẩn sinh” tụ họp dâng lễ, sinh hoạt hằng ngày. Và cũng bằng ấy thời gian, tôi lo ra chia trí, thầm lo cho Giáo Hội sau nầy sẽ do lớp Linh Mục như thế nầy cai quản, thao túng.

Có Chúa chứng giám ! Sau nhiều tháng buộc phải nhìn, phải thấy, tôi có thể xếp loại con số mấy chục “chuẩn sinh” nầy như sau:

Trên 50% là… vô thần ! Vào, ra, không làm dấu Thánh Giá, không cúi chào Mình Thánh, không mở miệng trong Giờ Kinh Phụng Vụ và cả trong Thánh Lễ. Đặc biệt có một vị, không biết làm gì vất vả đêm hôm, đến nỗi trông tới Nhà Thờ là… ngủ, trăm bữa như một. Các chuẩn sinh khác có thể vì tôn trọng đời sống riêng tư, nên dường như chẳng ai nhắc nhở hoặc đánh thức người anh em mình thức dậy !

25% khác tôi đánh giá là “hữu thần”, vì cho rằng hình như họ cũng tin Chúa, nhưng thất thường và vô cùng uể oải. Sách Phụng Vụ Giờ Kinh không nhiều, nhưng cũng đành nhường cho các “tư tế tương lai”. Họ ung dung nhận lãnh, mở ra, để trước mặt và… không buồn đọc. Nhưng vào, ra, cũng không thường xuyên quên chào Mình Thánh.

20% còn lại tôi cho là “có đạo”, khi họ chịu khó đọc kinh, thưa kinh, nhưng rất ít tập trung. Dường như vẫn mơ màng chuyện học hành, chuyện giao tiếp, mà cũng có thể là những chuyện cao siêu !

5% cuối cùng, tôi nghĩ là thuộc các gia đình có giáo dục Đức Tin vững vàng.

Những tỷ lệ mà tôi cứ mong mình lầm lẫn. Đã nhiều lần, cứ cách khoảng vài ba tháng, tôi cố xoá các con số cũ, để thử xếp loại lại, song vẫn không thay đổi được. Gần cuối năm học, tình trạng có vẻ còn tệ hơn !

 

2. MẸ NUÔI, CHỊ NUÔI

Trước 1975, tôi cũng đã từng tận mắt chứng kiến cảnh ngày chịu các chức “nhỏ”, ( đọc sách, giúp lễ ), trong các khách gia đình ít oi, có lẫn những người không phải là cha mẹ hay anh chị em, nhưng rối rít lo lắng và thể hiện sự yêu thương và vui mừng, hãnh diện một cách không cần che giấu. Họ là những Bà Mẹ, Bà Chị… nuôi. Không biết qua con đường nào, qua môi giới nào, mà kẻ trần, người tu, gặp nhau và nhận nhau. Mỗi năm, Mẹ/Chị Nuôi bỏ ra một số tiền, cung cấp cho “thầy” học hành, mua sắm. Chỉ mấy năm kiên trì, ”gà” mình lãnh các chức “nhỏ”, rồi chức Phó Tế. Bấy giờ Mẹ/Chị Nuôi đã có quyền chuẩn bị tư thế làm… Bà Cố.

Còn hơn cả “bỏ công trang điểm má hồng răng đen”. “Thầy” muốn có dư giả để mua sắm, tiêu xài, thoát cảnh nghèo, thường xuyên rỗng túi, do cha mẹ đẻ nghèo không thể thoả mãn “Thầy”. “Thầy” trượt dần, trượt dài xuống hố danh lợi, tiền tài. Sau khi thụ phong Linh Mục, chính Mẹ/Chị Nuôi sẽ tiếp tục chu cấp cho Linh Mục. Và họ thoả mãn hưởng cái “hư danh” Bà Cố. Cuộc mua bán rành rẽ, sòng phẳng, hai bên đều có lợi. Chỉ có Giáo Hội là đắng cay. Chỉ có người nghèo là thua thiệt !

Sau 1975, ”phong trào” Mẹ/Chị Nuôi thay đổi theo chiều “hiện đại hoá”, không còn VN đồng nữa, mà là Đô-la, nghĩa là Mẹ/Chị Nuôi được chuyển hướng sang nước ngoài, vì đồng đô-la có giá trị lớn hơn và lưu hành quốc tế. Tôi đã được đọc vài lá thư “Thầy” gửi cho Mẹ Nuôi: có cảm tưởng như “Thầy” đang ở trong trại khổ sai, với trăm bề thiếu thốn và cám ơn nồng hậu vì món quà đã nhận được ( không rõ con số và cũng không tiện hỏi ). Những lời “Thầy” hứa đền ơn đáp nghĩa, nghe tưởng chừng Mẹ Nuôi có ơn tái tạo.

Các Đại Chủng Sinh không hề cần bất cứ khoản trợ giúp, biếu xén nào. Đó chỉ là lòng tham tiền tài, ưa hưởng thụ tiện nghi thích thoả mãn thú mua sắm, ăn chơi, là những thứ đẩy Linh Mục tương lai xa Chúa, xa Giáo Hội, xa người nghèo và học đòi gian dối, lừa đảo. Giáo Hội trông chờ gì được từ hạng Linh Mục ăn rồi đau đáu tính kế moi tiền những Mẹ Nuôi, Chị Nuôi rủng rẻnh đô-la, nhưng thiếu thốn tình cảm và thích được ca tụng, vuốt ve tự ái. “Bà Cố” thì đâu cũng thấy danh giá.

 

3. GIA ĐÌNH LINH MỤC

Góp phần vào việc xô Linh Mục xuống hố sâu danh lợi, bỏ xa đàng nhân đức, bê tha việc mục vụ, xa cách người nghèo, ấy là Ông Cố, Bà Cố, Bào Huynh, Bào Đệ, Bào Tỷ, Bào Muội của Linh Mục. Một người làm quan, cả họ được nhờ ! Ông Cố Bà Cố được trọng vọng, mời mọc nơi đình đám, hội hè đạo lẫn đời ( đúng vậy ! ). Các bào huynh, bào đệ, bào tỷ, bào muội không cần những thứ đó. Họ chỉ thích lợi dụng danh nghĩa “Ông Cụ” để mở đường dây huê hụi, hùn hạp làm ăn, khuếch trương kinh doanh, mua bất động sản. Tất nhiên “Ông Cụ” của họ cũng được gián tiếp hưởng những gì “người nhà” làm ăn phát tài cung cấp đều đặn. Càng gặp khó khăn do chế độ, Linh Mục càng được trọng vọng và “người nhà” của Linh Mục càng thêm uy tín, danh giá.

Tôi nhớ lại câu chuyện thân mẫu Đức Cha Tôma Hiệu: chồng mất sớm, Bà Cố tần tảo một nắng hai sương nuôi nấng, giáo dục con và dâng con cho Chúa. Giây phút hạnh phúc nhất trong đời Bà Cố có lẽ là khi cúi xuống hôn nhẫn Giám Mục của Con, khi Đức Cha Tôma được bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá cho Đức Giám Mục Xuân Lộc. Sau đó, Bà Cố lui về, tiếp tục cuộc sống âm thầm, đơn sơ, cho đến ngày được Chúa gọi về.

 

4. HÃY TỰ GIÁC !

Tôi xin kết thúc suy tư về đời sống khó nghèo của Linh Mục Việt Nam, bằng câu chuyện cảm động sau đây:

Khi Thánh Giáo Hoàng Piô X lên ngôi, Thân Mẫu Người vẫn còn tại thế và Người nhắn tin, ước ao muốn gặp mẹ. Thân Mẫu Người liền được đưa ngay tới Roma. Nhưng trước khi diện kiến Đức Giáo Hoàng, các mệnh phụ phu nhân đã dành thời giờ trau chuốt, trang điểm và tìm những y phục lộng lẫy nhất cho xứng với Thân Mẫu của Vị Giáo Tông lãnh đạo cả Giáo Hội hoàn vũ. Và một chiếc xe tứ mã sang trọng đã đưa Bà Cố tới gặp Đức Giáo Hoàng.

Nghe tin mẹ tới, Đức Piô X cuống cuồng chạy ra. Nhưng khi nhìn thấy những thứ diêm dúa sang trọng trên người mẹ vốn quê mùa của mình, Đức Thánh Cha thất vọng, quay bước và nói: “Đây không phải là mẹ ta”. Hiểu ý con, thân mẫu ngài liền bắt xe lui về chỗ cũ khi vừa mới đến Roma, bỏ tất cả xiêm y và trang sức sa hoa, khoác lại bộ vó bà nhà quê như xưa nay, kèm theo đôi guốc gỗ và thuê xe ngựa thô sơ vào lại Vatican. Nghe báo lần nữa thân mẫu mình lại đến, Đức Thánh Cha Piô X đi ra và khi nhìn thấy người mẹ yêu dấu, ngài nhào tới ôm chầm lấy, mừng mừng tủi tủi.

Lời thân mẫu Thánh Gioan Bosco: “Mẹ sinh ra nghèo khó, mẹ hiện sống túng nghèo, mẹ muốn chết trong nghèo hèn. Đừng lo nghĩ tới mẹ nữa mà chỉ cầu nguyện cho mẹ thôi. Lo lắng duy nhất của con hãy là phần rỗi các linh hồn”.

Linh Mục Việt Nam sống nghèo đã khó,
Linh Mục Việt Nam sống vì người nghèo – khó lắm thay !

 

Giuse NGUYỄN THẾ BÀI, Giáo Dân
Tuần Thánh 2013

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận